Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Là ba mẹ hay con cái?

Tại sao ba mẹ lại không hiểu con? Vậy tại sao con lại không kể với ba mẹ?

Có lẽ bạn đã ít nhất một lần nghe những câu hỏi như vậy, nhưng đã có ai thực sự biết được câu trả lời thỏa đáng nhất. Những câu hỏi này trách móc có, bất lực có, và nếu như bạn dừng lại vài giây để nghìn ngẫm thì sẽ nhận ra tình yêu thương ở trong đó. Ai cũng muốn bản thân được mọi người yêu thương, quan tâm nhưng nếu những mong muốn đó không được đáp ứng sẽ tạo ra những cảm xúc hụt hẫng. Mình nhớ rằng chỉ mới mấy ngày trước thôi mình còn trách rằng tại sao ba mẹ không hiểu cho mình, mình áp lực việc học tập, những cảm xúc tiêu cực bủa vây nhưng không có ai để mình chia sẻ cả. Mình oán trách rằng tại sao mình may mắn có một gia đình trọn ven hơn nhiều người nhưng mình lại không cảm thấy vui vẻ, thậm chí mình còn nghĩ rằng nếu như mình "bất hạnh" hơn thì có phải mình sẽ có cớ để buồn hay không. Nhưng sau đó mình lại thấy rất tức giận và hổ thẹn vì những suy nghĩ của mình, tại sao vì những lúc tức giận mất kiểm soát mà lại có thể có những suy nghĩ lệt lạc như vậy. Gia đình mình thì là một gia đình bình thường, ba mẹ mình cũng phải bận rộn kiếm từng đồng tiền để cho mình ăn học. Từ nhỏ thì ba mẹ đã không có nhiều thời gian bên mình vì họ quá bận rộn, một ngày có khi nhìn mặt nhau được ba lần, nói với nhau được vài ba câu, có những hôm tụi mình còn không nói với nhau được câu nào. Lúc đó mình còn rất nhỏ nên cũng chưa hiểu được những vất vả của cha mẹ, và mình cũng còn quá nhỏ để có thể nói với họ rằng con muốn được lắng nghe, con muốn được ở bên ba mẹ nhiều hơn. Đến khi em mình sinh ra thì mọi chuyện cũng chẳng có thay đổi gì nhiều. Chính vì những điều đó mà mình đã tập tự lập từ nhỏ, mình chơi một mình, tự tập tắm và ăn một mình, cố gắng học một mình vì mỗi lần mẹ dạy học, mình không thể nghe những gì ngoài những tiêng chửi bới, và rồi mình dần thu mình lại hơn, không phải với xã hội mà với chính người mẹ của mình.

Mình và mẹ từ nhỏ đã không hợp tính nhau, mình lầm lì và có phần hơi ít nói, chính vì điều đó nên mọi người thường sẽ thích em mình hơn vì con bé hoạt bát lại biết cách chọc cười. Mình nói điều này không có nghĩa là mình không thích gia đình mình, mình yêu họ và mình biết họ cũng yêu mình nhưng chỉ là cách họ thể hiện tình cảm với mình không giống với những gì mình đã mong muốn. Trong tiềm thức của một đứa trẻ còn non nớt, nó không hiểu thế nào là, "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.", nó muốn được thấu hiểu và yêu thương bằng những lời dỗ dành ngọt ngào nhưng người lớn lại cho rằng đánh thì nó mới nghe lời, ừ thì nó nghe nhưng nó nghe trong tâm thế sợ sệt, nó lo lắng rằng nó sẽ bị đánh nếu nó không làm theo lời họ. Và rồi kết quả thì sao, thì nó sẽ làm theo lời bạn nhưng trong thâm tâm nó lúc nào cũng thầm mắng và cãi lại lời bạn. Đó chính là bước đầu tiên để cho mối quan hệ gia đình rạn nức, sự không thấu hiểu.

"Ba mẹ chỉ muốn tốt cho con mà thôi." Câu nói này không sai nhưng đôi khi nó lại được sử dụng sai thời điểm. Cha mẹ muốn tốt cho con, muốn con ở trong vùng an toàn của mình để nó không bị tổn thương bởi những người xa lạ bên ngoài nhưng lại vô tình tạo nên một bức tường vô hình giữa họ và con bằng cách tạo ra một nhà tù tưởng tượng rồi bắt con mình ngồi vào. Ý muốn bảo vệ con cái của cha mẹ không sai, họ yêu thương con mình và muốn bảo vệ chúng, điều đó thật tuyệt vời vì nhiều người họ thậm chí còn không có những ý nghĩ đó. Cha mẹ tôi dù không nói chuyện hay chia sẽ hay ở bên cạnh tôi mọi lúc mọi nơi để đồng hành cùng tôi nhưng họ cho tôi đồ ăn, cho tôi chổ ngủ, cho tôi có một mái nhà và một cuộc sống yên bình, tôi cảm thấy rất biết ơn họ. Không biết có ai trong chúng ta đã từng hỏi ba mẹ rằng tại sao lại sinh chúng ta ra mà không cho chúng ta một đời sống tinh thần tốt đẹp như mọi người? Nhưng "mọi người" mà chúng ta nói có thật sự hạnh phúc, có thật sự là họ chưa từng tổn thương, chưa từng khóc vì một chuyện gì đó. Ta so sánh cha mẹ chúng ta và cha mẹ người khác nhưng lại không cho phép họ làm điều tương tự? Đừng trẻ con nữa, đừng mãi suốt ngày cằn nhằn sao ba mẹ lại so sánh con không bằng họ mà hãy dùng hành động để ba mẹ so sánh họ với ta. Và cha mẹ cũng nên dừng việc so sánh con trẻ đi vì đến một ngày náo đó bạn sẽ hối hận khi biết tác hại của việc so sánh. 

Cha mẹ muốn tốt cho con không phải sai, nhưng dùng bạo lực để đe dọa một đứa trẻ còn chưa hiểu chuyện thì không phải mình đang trực tiếp "nhuộm đen" đi những đứa trẻ yêu quý của mình rồi sao. Con trẻ sinh ra đã là một trang giấy trắng để cho xã hội tô vẽ, nhưng không có nghĩa vì vậy nên bạn có quyền nhuộm đen hay vẽ nguệch ngoạc trên tờ giấy đó. Một trong những điều làm xa cách ba mẹ và con cái là cách biệt về thế hệ, tư duy, tư tưởng. Ba mẹ của chúng ta thời đó dạy chúng ta như vậy không có nghĩa chúng ta phải làm vậy với con cái của mình. Có một điều mà tôi cảm thấy là đúng nhưng ít được lan truyền vì nó đi ngược với tư duy của chúng ta từ trước tới giờ, đó là "Cha mẹ không phải luôn luôn đúng." Cha mẹ của bạn không phải luôn luôn đúng, cha mẹ của cha mẹ bạn không phải luôn luôn đúng, và cả bạn, những bật phụ huynh tương lai cũng không phải luôn luôn đúng. Đó không phải là một điều đáng xấu hổ để trốn tránh vì vốn dĩ sự không hoàn hảo là một món quà của tạo hóa ban tặng cho chúng ta. Khi ta không hoàn hảo, ta có lí do để học hỏi thêm nhiều điều, để cố gắng từng ngày, và để chúng ta có lí do để cải thiện bản thân hơn từng ngày. Vì vậy không thể nói được cách dạy của ba mẹ bạn là hoàn toàn sai hay hoàn toàn đúng, chỉ có cách dạy đó có phù hợp với bạn hay không. 

Mỗi người trong chúng ta đều có một đứa trẻ, có đứa trẻ hoàn thiện, xinh đẹp nhưng cũng có những đứa trẻ không thể đếm được trên người nó có bao nhiêu vết thương. Cả cha mẹ và con cái đều có những "đứa trẻ" của riêng mình nên đừng chỉ nghĩ rằng đứa trẻ của mình bị tổn thương, đứa trẻ của ba mẹ bạn đang chảy máu kìa, đứa trẻ của con bạn có bao nhiêu vết sẹo rồi kìa. Tổn thương tâm lý là một thứ gì đó rất thần kì, nó không có hình dạng và định nghĩa cụ thể, tổn thương này dẫn đến bệnh kia, đó mới thực là tâm lý. Và tổn thương tâm lý cũng có thể di truyền đó bạn biết không. Khi một người phụ nữ mang thai buồn, con của cô ấy cũng sẽ chịu loại cảm xúc như thế. Đó cũng là lý do cho một số trường hợp trẻ bị mắc chứng tự kỷ, vì chúng đã phải chịu đựng cảm xúc tiêu cực của mẹ chúng trong một thời gian dài, thật đáng thương cho những đứa trẻ vô tội. Cũng giống như vậy, những đứa trẻ tổn thương cũng có thể làm tổn thương những đứa trẻ khác. Cha mẹ có những đứa trẻ hạnh phúc sẽ nuôi dạy ra một đứa trẻ hạnh phúc, còn cha mẹ có những đứa trẻ đầy thương tổn cũng sẽ nuôi dạy ra một đứa trẻ tổn thương.

Mình hy vọng những đứa trẻ của chúng ta dù nó có ra sao thì cũng sẽ được chữa lành và yêu thương. Mình không hy vọng sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ càng oán trách ba mẹ và cả con cái mình vì những điều mà họ chưa hoàn thiện. "Cha mẹ là lần đầu làm cha mẹ, con cũng là lần đầu làm con."   

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro