Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tam quoc dien nghia 34 - 39

Hồi 35

Huyền Đức qua Nam Chương, gặp người ẩn dật;

Đan Phúc đến Tân Dã, tiếp chúa anh minh.

Lại nói Sái Mạo đang định quay về thì Triệu Vân đem quân đuổi tới. Nguyên Triệu Vân đang ngồi uống rượu, bỗng nghe có tiếng người ngựa xôn xao, vội chạy vào xem, không thấy Huyền Đức. Vân giật mình ra ngay nhà khách, được tin Sái Mạo dẫn năm trăm quân ra cửa tây. Vân cấp tốc đem ba trăm quân cầm giáo cưỡi ngựa rượt theo, gặp ngay Sái Mạo. Vân hỏi:

- Chúa ta đâu?

Mạo nói:

- Sứ quân bỏ tiệc trốn, không biết đi dâu.

Triệu Vân là người cẩn thận, không hay hấp tấp, liền tế ngựa lên trước, trông xa thấy một cái suối rộng không còn đường nào khác, liền quay ngựa lại, thét hỏi Sái Mạo:

- Ngươi mời chúa ta đến dự tiệc, cớ sao lại dẫn quân đuổi theo?

Mạo đáp:

- Quan chức chín quận, bốn mươi hai châu huyện đều họp ở đây. Ta là thượng tướng, sao lại không đi tuần tra bảo vệ?

Vân lại hỏi:

- Ngươi bức chúa ta chạy đi đâu?

Mạo nói:

- Nghe nói sứ quân cưỡi ngựa chạy ra cửa tây, tôi đến đây chẳng thấy đâu cả.

Vân còn hoài nghi chưa biết thế nào, lại đến bên suối đứng ngắm mãi, thấy bờ bên kia có vệt ướt, bụng bảo dạ:

- Chẳng lẽ cả người lẫn ngựa nhảy qua được suối này?

Liền sai ba trăm quân tản ra bốn phía tìm kiếm cũng chẳng thấy dấu tích gì. Khi Vân quay ngựa lại thì Sái Mạo đã vào thành rồi. Vân tóm bọn lính gác tra hỏi chúng nói Lưu sứ quân tế ngựa ra cửa tây. Vân định vào thành, nhưng sợ có mai phục, liền đem quân về Tân Dã.

Lại nói, từ lúc nhảy qua suối, Huyền Đức bàng hoàng như người ngây dại, tự nhủ: “Suối rộng thế mà nhảy qua được, há chẳng phải lòng trời?” Rồi cứ lần theo đường Nam Chương ruổi ngựa đi. Lúc mặt trời sắp lặn, gặp một chú bé chễm chệ ngồi trên lưng trâu, miệng thổi cây sáo, đương tiến lại. Huyền Đức than rằng:

- Chú bé kia thật sướng hơn ta!

Rồi dừng ngựa lại đứng xem. Chú bé chăn trâu cũng họ trâu lại, hạ sáo xuống nhìn kỹ Huyền Đức một hồi rồi hỏi rằng:

- Có phải ngài là Lưu Huyền Đức phá giặc Khăn vàng ngày xưa không?

Huyền Đức lấy làm lạ, hỏi lại rằng:

- Cháu là trẻ nhỏ thôn quê, sao cũng biết tên họ ta?

Chú bé thưa:

- Trước cháu cũng không được biết. Nhân nhiều khi đứng hầu thầy tiếp khách, thấy nhiều người nói có ông Lưu Huyền Đức, mình dài bảy thước năm tấc, tay dài quá đầu gối, mắt trông thấy được tai, là người anh hùng đời nay. Nay gặp ngài đây, thấy hình dạng như đúc, cháu chắc ngài là ông Huyền Đức.

Huyền Đức hỏi:

- Thầy cháu là ai?

Chú bé đáp:

- Thầy cháu là Tư Mã Huy, tự là Đức Tháo, người ở Dĩnh Châu, đạo hiệu là Thuỷ Kính tiên sinh.

Huyền Đức hỏi:

- Thầy cháu hay kết bạn với ai?

Cháu bé đáp:

- Thầy cháu thường chơi với hai người ở Tương Dương là Bàng Đức Công và Bàng Thống.

Huyền Đức hỏi:

- Bàng Đức Công và Bàng Thống là người thế nào?

Chú bé đáp:

- Là hai chú cháu. Bàng Đức Công, tự Sơn Dân, hơn thầy cháu mười tuổi; Bàng Thống, tự là Sĩ Nguyên kém thầy cháu năm tuổi. Một hôm thầy cháu đương hái dâu ở trên cây, gặp Bàng Thống lại thăm, hai người ngồi chơi nói chuyện dưới gốc cây, cả ngày không biết mệt. Thầy cháu yêu Bàng Thống lắm, gọi là anh em.

Huyền Đức hỏi lại:

- Thầy cháu bây giờ ở đâu?

Chú bé chỉ tay, đáp:

- Nhà ở trong rừng trước mặt kia kìa.

Huyền Đức nói:

- Ta chính là Lưu Huyền Đức đây. Cháu đưa ta vào yết kiến thầy cháu.

Chú bé dẫn Huyền Đức đi. Ước được hơn hai dặm đến đầu nhà, Huyền Đức xuống ngựa, bước vào đến cửa trong, nghe có tiếng đàn du dương. Huyền Đức bảo chú bé đừng báo vội, đứng lắng tai nghe. Bỗng tiếng đàn im bặt, một người bước ra tươi cười nói:

- Tiếng đàn đương êm dịu, bỗng nảy lên tiếng cao, tất có người anh hùng nghe trộm.

Chú bé trỏ tay và nói với Huyền Đức:

- Đây là Thuỷ Kính tiên sinh, thầy cháu đấy!

Huyền Đức ngắm kỹ thấy người dáng tùng, vóc hạc, dáng điệu thật là tiên cách vội vàng bước lên thi lễ. Lúc ấy quần áo Huyền Đức vẫn còn ướt. Thuỷ Kính nói:

- Ông hôm nay thoát được nạn to!

Huyền Đức rất lấy làm lạ.

Chú bé lại nói:

- Thưa thầy, đây là Lưu Huyền Đức.

Thuỷ Kính mời vào nhà, chủ khách cùng ngồi, Huyền Đức thấy trên giá chất đầy sách vở, ngoài cửa sổ um tùm không trúc, một cái đàn để trên sập đá: một bầu thanh khí lâng lâng.

Thuỷ Kính hỏi:

- Minh công ở đâu đến?

Huyền Đức đáp:

- Tôi ngẫu nhiên đi qua chỗ này, may gặp tiểu đồng chỉ dẫn, được vào hầu ngài, lấy làm hân hạnh lắm.

Thuỷ Kính cười, nói:

- Ông không nên giấu, chính ông chạy nạn đến đây.

Huyền Đức liền thuật lại đầu đuôi vụ Tương Dương. Thuỷ Kính nói:

- Trông sắc mặt ngài, tôi biết cả rồi.

Lại nói Huyền Đức rằng:

- Tôi nghe đại danh đã lâu, sao đến nay vẫn còn long đong?

Huyền Đức đáp:

- Số tôi vất vả, mới đến nỗi này.

Thuỷ Kính nói:

- Không phải thế. Vì bên cạnh còn thiếu nhân tài đó thôi.

Huyền Đức nói:

- Bị tuy không có tài, nhưng văn thì có Tôn Càn, My Chúc, Giản Ung; võ thì có bọn Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, hết lòng phù tá, tôi cũng nhờ được sự giúp đỡ của họ nhiều.

Thuỷ Kính nói:

- Quan, Trương, Triệu đều là những người có võ nghệ địch nổi muôn người cả, nhưng chỉ tiếc không có người biết sử dụng những nhân tài ấy. Còn như bọn Tôn Càn, My Chúc là hạng bạch diện thư sinh, không có tài kinh luân tế thế gì.

Huyền Đức nói:

- Tôi thường vẫn khiêm tốn để cầu người hiền trong các nơi rừng núi, nhưng chưa gặp được ai thì làm thế nào?

Thuỷ Kính đáp:

- Ông Khổng Tử nói rằng: “Trong một cái ấp chừng mười nóc nhà thể nào cũng có người trung tín”. Sao ông lại bảo là chẳng có ai?

Huyền Đức nói:

- Bị này ngu dốt không hiểu, xin ngài chỉ bảo cho.

Thuỷ Kính nói:

- Ông có được nghe những câu ca dao của trẻ con ở các quận Kinh, Tương không? Ca dao nói rằng:

Khoảng năm tám chín vận lung lay

Năm thứ mười ba sạch mảy may

Hết thảy mệnh trời đã định trước

Rồng ẩn trong bùn cất cánh bay.

Ca dao ấy xuất hiện từ năm Kiến An thứ nhất. Đến năm thứ tám (hai trăm lẻ ba sau Thiên chúa), vợ trước Lưu Biểu mất, gia đình sinh ra lục đục, thế là ứng vào câu đầu: “Vận lung lay”. Câu thứ hai: “Sạch mảy may”, nghĩa là Lưu Cảnh Thăng sắp mất, văn võ tan vỡ, mỗi người một nơi, không còn gì cả. Hai câu sau: “Mệnh trời đã định trước” và “Rồng cất cánh bay” là ứng vào tướng quân đó.

Huyền Đức nghe nói giật mình, tạ rằng:

- Tôi đâu dám nhận câu đó!

Thuỷ Kính nói:

- Nay những bậc kỳ tài trong thiên hạ đều ở miền này. Ông nên đến tìm.

Huyền Đức vội hỏi:

- Kỳ tài ở đâu?

Thuỷ Kính đáp:

- Phục Long, Phượng Sồ, chỉ cần một trong hai người ấy cũng đủ bình định thiên hạ.

Huyền Đức hỏi:

- Phục Long, Phượng Sồ là người thế nào?

Thuỷ Kính vỗ tay, cười rộ nói:

- Được! Được!

Huyền Đức hỏi thêm. Thuỷ Kính nói:

- Bây giờ tối rồi, xin tướng quân hãy tạm nghỉ chân ở đây, ngày mai tôi sẽ nói chuyện.

Liền sai tiểu đồng làm cơm khoản đãi, dắt ngựa vào tàu. Huyền Đức ăn uống xong, vào nghỉ ở gian phòng bên cạnh; đêm nằm nghĩ lời Thuỷ Kính, trằn trọc mãi không ngủ được. Tới khuya, bỗng có tiếng người gõ cửa phòng giữa, đi vào, rồi nghe tiếng Thuỷ Kính hỏi:

- Nguyên Trực từ đâu đến?

Huyền Đức trở dậy nghe trộm, thấy tiếng người khách đáp:

- Lâu nay, tôi nghe nói Lưu Biểu là người yêu người thiện, ghét kẻ ác. Tôi đến yết kiến, té ra chỉ có hư danh thôi; vì hắn tuy biết yêu người thiện mà không biết dùng, biết ghét kẻ ác mà không biết bỏ. Cho nên tôi để lại thư từ biệt rồi đến đây.

Thuỷ Kính nói:

- Ông là ngưòi có tài vương tá, nên chọn người mà theo, sao lại khinh thân đến gặp Lưu Biểu làm gì? Vả anh hùng hào kiệt ở ngay trước mắt, chính ông không biết đấy thôi.

Người đó nói:

- Tiên sinh dạy phải lắm!

Huyền Đức nghe thấy thế, mừng lắm, nghĩ thầm người này chắc là Phục Long, Phượng Sồ đây, chỉ muốn ra gặp ngay, nhưng lại e hấp tấp quá.

Đợi đến sáng, Huyền Đức vào hỏi Thuỷ Kính:

- Đêm qua ai đến chơi đây?

Thuỷ Kính đáp:

- Bạn tôi đó.

Huyền Đức xin gặp. Thuỷ kính nói:

- Người ấy đã đi nơi khác tìm minh chủ rồi.

Huyền Đức hỏi tên họ người ấy, Thuỷ Kính chỉ cười ồ lên, nói: “Được! Được!” Huyền Đức lại hỏi đến Phục Long, Phượng Sồ, Thuỷ Kính cũng chỉ cười, nói “Được! Được!” Huyền Đức lại mời Thuỷ Kính ra giúp cùng phò nhà Hán, Thuỷ Kính nói:

- Tôi là người ở rừng núi, xưa nay chỉ chơi dông dài không đáng cho đời dùng. Đã có người khác tài gấp mười tôi đến giúp ông, ông nên đi tìm.

Đương nói chuyện, thấy bên ngoài có tiếng người ngựa xôn xao. Tiểu đồng vào báo có một tướng dẫn vài trăm quân đến nhà, Huyền Đức nghe nói rụng rời, vội ra xem ai, thì là Triệu Vân. Huyền Đức mừng lắm. Vân xuống ngựa đi vào, nói:

- Đêm qua tôi về huyện không thấy chúa công, suốt đêm đi tìm. Hôm nay hỏi thăm mãi mới đến được đây. Chúa công nên về ngay, sợ có người đến đánh huyện.

Huyền Đức từ biệt Thuỷ Kính, cùng Triệu Vân lên ngựa về Tân Dã.

Đi chưa được vài dặm, thấy một toán quân đã kéo đến, trông ra thì là Vân Trường và Dực Đức; gặp nhau ai cũng mừng rỡ.

Huyền Đức kể lại chuyện nhảy qua suối Đàn Khê, mọi người đều kinh ngạc.

Về đến huyện, Huyền Đức cùng bọn Tôn Càn bàn bạc. Càn nói:

- Nên đưa thư nói việc ấy cho Cảnh Thăng biết.

Huyền Đức nghe lời sai ngay Tôn Càn mang thư sang Kinh Châu. Lưu Biểu gọi vào hỏi:

- Ta mời Huyền Đức đến hội ở Tương Dương, cớ sao đương giữa tiệc lại bỏ trốn đi?

Càn trình thư lên và thuật lại đầu đuôi việc Sái Mạo lập mưu ám hại, Huyền Đức nhờ được ngựa nhảy qua Đàn Khê mới chạy thoát.

Biểu giận lắm, cho đòi Sái Mạo đến mắng:

- Sao mi dám hại em ta?

Rồi thét lôi ra chém. Sái phu nhân ra van khóc xin tha, Biểu vẫn chưa nguôi giận. Tôn Càn thưa:

- Nếu minh công giết Sái Mạo, tôi e Lưu Huyền Đức khó lòng ở được chốn này.

Biểu trách mắng Sái Mạo thậm tệ, rồi mới tha tội; lại sai con trưởng là Lưu Kỳ cùng Tôn Càn sang Tân Dã xin lỗi Huyền Đức.

Kỳ vâng lệnh đến Tân Dã, Huyền Đức tiếp đón, mở tiệc thết đãi. Rượu ngà say, Kỳ tự nhiên khóc; Huyền Đức hỏi vì cớ gì, Kỳ nói:

- Kế mẫu cháu là Sái thị thường vẫn có ý muốn hại cháu, cháu không tìm được kế nào để tránh vạ, xin thúc phụ dạy bảo cho.

Huyền Đức khuyên “Nên ở cho trọn đạo hiếu, tất không lo gì”.

Hôm sau, Lưu Kỳ khóc lóc từ biệt, Huyền Đức cưỡi ngựa ra tận ngoài thành, nhân tiện trỏ vào con ngựa đang cưỡi nói:

- Nếu không có con ngựa này, ta đã là người dưới suối rồi!

Kỳ nói:

- Đó không phải là sức ngựa, chính là phúc lớn của thúc phụ.

Nói rồi, hai người chia tay, Kỳ rỏ nước mắt mà đi. Huyền Đức quay ngựa về thành, ngang qua chợ thấy một người đội khăn cát bá, mặc áo vải, thắt lưng thâm, đi giày đen, vừa đi vừa hát:

Thuở trời đất gặp cơn phản phúc

Lửa Viên Lưu đương lúc suy tàn

Lâu đài sắp sửa lật nghiêng

Một cây há dễ chống nên được nào?

Non sông có bậc anh hào

Muốn tìm minh chúa, chúa nào biết ta?

Huyền Đức nghe xong, nghĩ thầm rằng:

- Có lẽ Phục Long, Phượng Sồ đây chăng?

Liền xuống ngựa gặp mặt, mời về huyện, hỏi họ tên. Người ấy đáp:

- Tôi là người Dinh Thượng, họ Đan, tên Phúc, lâu nay vẫn nghe nói sứ quân có ý thu nạp những kẻ hiền sĩ muốn đến theo hầu; nhưng chưa dám vội vàng, nên đi rong chợ hát nghêu ngao để động đến tai ngài.

Huyền Đức mừng lắm, tiếp đãi vào bậc thượng khách.

Đan Phúc nói:

- Xin phép cho xem con ngựa ngài cưỡi vừa rồi.

Huyền Đức sai dắt đến, Đan Phúc nói:

- Đây có phải là ngựa Đích lư không? Tuy là thiên lý mã nhưng hay hại chủ, không nên cưỡi.

Huyền Đức nói:

- Việc ấy đã xảy ra rồi!

Lại đem chuyện Đàn Khê ra thuật cho Đan Phúc nghe.

Đan Phúc nói:

- Thế là cứu chủ chứ không phải hại chủ. Sau này thể nào nó cũng hại một chủ. Tôi có phép giải được cái tật ấy.

Huyền Đức hỏi phép gì, Đan Phúc nói:

- Ngài hãy đem ngựa này tặng cho người nào mà ngài vẫn thù ghét, đợi khi nó hại người ấy rồi, ngài sẽ cưỡi, tất không việc gì nữa.

Huyền Đức biến ngay sắc mặt nói:

- Ông mới đến đây, chưa dạy ta điều gì chính đạo, đã vội khuyên ta ngay một việc ích kỷ hại nhân. Bị đây không thể nào theo được.

Đan Phúc cười, xin lỗi:

- Lâu nay tôi vẫn nghe tiếng sứ quân là người nhân đức, nhưng chưa dám tin, nên mới đem lời ấy ra thưa.

Huyền Đức cũng bình tĩnh lại, đứng dậy xin lỗi:

- Bị đâu đã có nhân đức đối với mọi người, nay nhờ tiên sinh đến dạy bảo cho.

Đan Phúc nói:

- Tôi từ Dinh Thượng đến đây, nghe thấy người Tân Dã có câu hát rằng:

Tân Dã mục,

Lưu hoàng thúc.

Từ khi đến đây,

Dân được sung túc.

Thế mới biết nhân đức sứ quân lan truyền trong mọi người.

Huyền Đức cử Đan Phúc làm quân sư, để rèn luyện quân mã.

Lại nói, từ khi ở Ký Châu về Hứa Đô, Tào Tháo vẫn có ý muốn lấy Kinh Châu; Tháo sai Tào Nhân, Lý Điển cùng hàng tướng Lã Khoáng, Lã Tường lĩnh ba vạn quân đóng ở Phàn Thành, để uy hiếp Kinh, Tương và dò xét tình thế.

Một bữa, Lã Khoáng và Lã Tường về bẩm với Tào Nhân:

- Nay Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã, chiêu binh mãi mã, tích luỹ lương thảo, chí hắn không nhỏ đâu. Cần phải trừ ngay mới được. Hai chúng tôi, từ khi hàng thừa tướng, chưa lập được chút công nào. Nay xin lĩnh năm nghìn tinh binh sang lấy đầu Lưu Bị về dâng.

Tào Nhân giao ngay cho hai anh em năm nghìn tinh binh kéo sang đánh Tân Dã. Thám mã phi báo Huyền Đức, Huyền Đức mời Đan Phúc đến bàn. Phúc nói:

- Không nên để giặc vào đến cõi: Phải sai Quan Công dẫn một đạo quân từ mé tả đi ra đánh đường giữa quân giặc; Trương Phi đem quân từ mé hữu đi ra đánh đường sau, còn chúa công đem Triệu Vân ra mặt trước đón đánh; nhất định phá được quân Tào.

Huyền Đức nghe theo, liền cho Quan, Trương đi trước, còn mình cùng Đan Phúc, Triệu Vân dẫn hai nghìn quân mã ra cửa ải đón đánh. Đi chưa được vài dặm, đã thấy phía sau núi bụi bay mù mịt, Lã Khoáng, Lã Tường kéo quân đến. Hai bên dàn thành thế trận, Lưu Bị ra ngựa dưới cửa cờ, gọi to rằng:

- Kẻ nào dám xâm phạm vào đất ta?

Lã Khoáng ra ngựa đáp:

- Ta là đại tướng Lã Khoáng, vâng mệnh thừa tướng lại đây bắt sống mi.

Huyền Đức nổi giận, sai Triệu Vân ra. Hai bên vừa giao chiến vài hiệp. Triệu Vân đâm Lã Khoáng một nhát chết ngay dưới ngựa. Huyền Đức thúc quân ập vào đánh chém. Lã Tường địch không nổi, dẫn quân chạy; đến nửa đường, một cánh quân xông ra đi đầu là đại tướng Vân Trường; đánh giết một hồi, quân Tường chết mất nửa, cướp đường chạy thoát. Chạy chưa được mười dặm, lại một cánh quân nữa chặn lối, đi đầu là đại tướng Trương Phi, chống xà mâu hét lớn:

- Có Trương Dực Đức ở đây!

Phi nhảy đến đâm Lã Tường. Tường trở tay không kịp, bị Trương Phi đâm trúng chết ngay. Quân Tào vỡ chạy tán loạn. Huyền Đức đem quân đuổi theo, bắt được quá nửa, rồi thu quân về huyện, trọng đãi Đan Phúc, khao thưởng ba quân.

Bọn bại quân về gặp Tào Nhân báo tin hai họ Lã đã bị giết, quân sĩ bị bắt rất nhiều. Tào Nhân giật nảy mình, bàn với Lý Điển. Điển nói:

- Hai tướng chết vì khinh địch. Nay nên đóng quân lại, đừng điều động vội, rồi về báo thừa tướng đem đại quân đi đánh mới được.

Nhân nói:

- Không được. Nay hai tướng bị chết, quân mã lại thiệt hại nặng, ta nhất định phải báo thù. Liệu cái đất Tân Dã nhỏ như lỗ mũi này có cần phải phiền đến đại quân của thừa tướng?

Điển nói:

- Lưu Bị là bậc hào kiệt, chớ nên coi thường.

Nhân nói:

- Sao ông nhát thế?

Điển nói:

- Trong binh pháp có câu “Biết người biết mình, thì đánh trăm trận được cả trăm”. Tôi không nhát đâu chỉ sợ đánh không nổi thôi.

Nhân nổi giận, nói:

- Ngươi hai lòng sao? Ta quyết bắt sống Lưu Bị!

Lý Điển nói:

- Nếu tướng quân đi, tôi xin ở lại giữ Phàn Thành.

Nhân nói:

- Nếu ngươi không đi thì thật là hai lòng rồi!

Điển bất đắc dĩ phải cùng Tào Nhân điểm hai vạn rưỡi quân mã qua sông đến Tân Dã.

Thật là:

Phó tướng khinh thường đã bỏ xác

Tướng quân rửa hận lại ra quân.

Chưa biết phen này Tào Nhân, Lý Điển, được thua thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

Hồi 36

Huyền Đức dùng mẹo đánh úp Phàn Thành;

Nguyên Trực tế ngựa tiến cử Gia Cát.

Lại nói, Tào Nhân tức giận, dẫn binh mã cấp tốc vượt qua sông, định san phẳng Tân Dã.

Đan Phúc thắng trận, về huyện bàn với Huyền Đức rằng:

- Tào Nhân đóng quân ở Phàn Thành, nếu biết hai tướng bị giết, tất huy động đại quân đến báo thù.

Huyền Đức hỏi:

- Nên dùng kế gì bây giờ?

Đan Phúc nói:

- Nếu hắn đem hết quân sang đây, Phàn Thành bỏ ngỏ, ta có thể thừa cơ đánh úp.

Huyền Đức hỏi kế. Phúc ghé vào tai Huyền Đức nói nhỏ mấy câu. Huyền Đức hớn hở, truyền lệnh chuẩn bị sẵn sàng.

Chợt có thám mã báo Tào Nhân đã dẫn đại quân sang sông kéo đến nơi. Đan Phúc nói:

- Tôi đoán không sai.

Rồi mời Huyền Đức đem quân nghênh địch.

Trận thế dàn xong, Triệu Vân ra ngựa, gọi tướng giặc nói chuyện. Tào Nhân sai Lý Điển ra giao chiến với Triệu Vân. Được độ vài chục hiệp, Lý Điển biết sức không cự nổi, quay ngựa chạy về. Vân tế ngựa đuổi theo, nhưng quân Tào bắn chặn lại. Đôi bên cùng thu quân về trại.

Lý Điển về gặp Tào Nhân nói:

- Quân giặc tinh nhuệ lắm, không nên coi thường. Chi bằng hãy rút quân về Phàn Thành.

Tào Nhân cả giận, nói:

- Lúc chưa xuất quân, ngươi đã làm ngã lòng quân sĩ ta. Nay lại giả tảng thua, tội đáng chém. Đao phủ đâu, lôi ra chặt đầu nó đi.

Các tướng xúm lại can mãi, Điển mới khỏi chết. Rồi, Nhân tự dẫn binh đi tiền bộ, cho Lý Điển đi hậu quân. Hôm sau đánh trống tiến binh, bày thành thế trận, sai người hỏi Huyền Đức rằng:

- Có biết thế trận của ta không?

Đan Phúc trèo lên chỗ cao, ngắm một hồi, rồi xuống nói với Huyền Đức:

- Đây là trận “Bát môn kim toả”. Có tám cửa là: hưu, sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai. Nếu nhắm các cửa sinh, cửa cảnh, cửa khai mà đánh vào thì thắng, vào các cửa thương, kinh, hưu, thì bị thiệt hại; vào cửa đỗ, cửa tử, thì chết hết. Tám cửa tuy bố trí chỉnh tề, nhưng chỉ thiếu lực lượng chủ chốt ở giữa. Nếu ta tiến váo cửa sinh góc đông nam, rồi đánh sang cửa cảnh góc tây thì trận này phải tan vỡ.

Huyền Đức truyền lệnh cho quân sĩ giữ vững lấy góc trận và sai Triệu Vân đem năm trăm quân từ mặt đông nam tiến vào, lướt qua cửa tây mà ra ngoài trận.

Được lệnh, Vân lập tức vác giáo lên ngựa, đem quân thắng đến góc đông nam, hò reo đánh vào giữa trận. Tào Nhân lui chạy về phía bắc. Vân không đuổi theo, đánh xộc ra cửa tây, rồi lại từ cửa tây đánh sang góc đông nam. Quân Tào đại loạn.

Huyền Đức thúc quân đánh ùa vào: Quân Tào Nhân thua to chạy trốn. Đan Phúc truyền lệnh không đuổi theo, thu quân về.

Tào Nhân bị thua trận ấy, mới tin lời Lý Điển, bèn cho mời Điển đến bảo rằng:

- Trận mới rồi mà cũng phá được, trong quân Lưu Bị tất có người giỏi.

Lý Điển nói:

- Tôi tuy ở đây nhưng bụng vẫn còn lo Phàn Thành.

Tào Nhân nói:

- Đêm nay ta đến cướp trại; nếu thắng ta sẽ liệu kế khác; nhược bằng thua, bấy giờ ta sẽ rút về Phàn Thành.

Lý Điển nói:

- Không nên, Huyền Đức chắc có phòng bị.

Nhân nói:

- Đa nghi như vậy thì dùng binh thế nào được?

Rồi Nhân không nghe lời Lý Điển, tự dẫn quân đi tiền đội, sai Lý Điển đi hậu ứng, canh hai đêm hôm ấy đến cướp trại Huyền Đức.

Đan Phúc đang ngồi bàn bạc với Huyền Đức ở trong trại, bỗng có cơn gió giật đùng đùng nổi lên. Phúc nói:

- Đêm nay Tào Nhân tất đến cướp trại đây!

Huyền Đức nói:

- Ta lấy gì địch lại?

Đan Phúc nói:

- Tôi đã bố trí cả rồi.

Bèn cắt đặt đâu vào đấy.

Đến canh hai, Tào Nhân kéo đến gần trại, thấy bốn mặt lửa cháy ngùn ngụt. Nhân biết trong trại có phòng bị, vội vã rút lui. Triệu Vân đuổi theo. Nhân không kịp thu quân về trại, tất tả chạy về phía bắc sông. Đến bờ sông, đang hoang mang tìm đò, thì một toán quân kéo đến, tướng đi đầu là Trương Phi. Tào Nhân liều chết đánh nhau. Lý Điển bảo vệ Tào Nhân xuống được thuyền sang sông. Quân Tào chết đuối quá nửa.

Tào Nhân sang khỏi sông, chạy ngay về Phàn Thành sai người gọi cửa. Bỗng trên thành một hồi trống nổi rồi một tướng xông ra, thét lớn:

- Phàn Thành vào tay ta đã lâu rồi!

Quân Tào giật mình, nhìn ra thì là Vân Trường.

Tào Nhân rụng rời, quất ngựa chạy. Vân Trường đuổi đánh. Tào Nhân lại thiệt một số quân nữa, vội vã chạy về Hứa Xương. Dọc đường, Nhân mới được tin Huyền Đức có Đan Phúc làm quân sư, bày mưu đặt kế.

Đây nói Huyền Đức toàn thắng, kéo quân vào Phàn Thành.

Quan huyện lệnh Lưu Bật ra đón, Huyền Đức vào thành, phủ dụ dân chúng xong, Lưu Bật rước về nhà mở tiệc khoản đãi. Bật cũng là tôn thân nhà Hán, quê ở Trường Sa. Trong tiệc Huyền Đức thấy một người đứng hầu, tư thế hiên ngang, liền hỏi Bật:

- Người này là ai?

Bật thưa:

- Đó là Khấu Phong, con họ Khấu ở La Hầu, cháu gọi tôi bằng cậu, vì cha mẹ chết cả, nên đến ở với tôi.

Huyền Đức tỏ vẻ yêu mến, muốn nhận làm con nuôi, Lưu Bật mừng rỡ nhận lời ngay và bảo Khấu Phong ra lạy Huyền Đức làm cha nuôi, đổi tên họ là Lưu Phong, Huyền Đức dẫn về, sai lạy Vân Trường, Dực Đức làm chú.

Vân Trường cười:

- Anh đã có con rồi, hà tất phải nuôi con nuôi, sau này chắc sinh loạn!

Huyền Đức nói:

- Ta đãi nó như con, tất nó phải thờ ta như cha. Việc gì mà loạn?

Vân Trường tỏ vẻ không bằng lòng. Huyền Đức bàn với Đan Phúc, sai Triệu Vân đem một nghìn quân giữ Phàn Thành, còn mình thì dẫn quân về Tân Dã.

Lại nói Tào Nhân, Lý Điển về Hứa Đô, vào ra mắt Tào Tháo, khóc lạy xuống đất xin chịu tội và thuật đầu đuôi việc hao binh tổn tướng. Tháo nói:

- Được thua là chuyện thường của nhà binh, nhưng không biết ai bày mưu cho Lưu Bị?

Tào Nhân nói là mẹo của Đan Phúc. Tháo hỏi:

- Đan Phúc là người thế nào?

Trình Dục nói:

- Người ấy không phải là Đan Phúc. Thuở nhỏ hắn tập múa gươm. Cuối năm Trung Bình (đời vua Linh đế) hắn giết người để báo thù cho kẻ khác, rồi xoã tóc bôi nhọ mặt đi trốn. Bị nha lại tóm được, hắn không nói họ tên, liền bị trói bỏ lên xe, đem đi rong chợ, đánh trống gọi loa cho dân phố nhận mặt. Cũng có người biết, nhưng không ai dám nói. Sau được các bè bạn đánh tháo, cứu thoát hắn ra. Hắn mới thay tên đổi họ, đi lánh nạn, gắng sức học hành, tìm kiếm danh sư khắp nơi. Hắn thường đi lại đàm luận với Tư Mã Huy. Hắn quê ở Dĩnh Châu, tên là Từ Thứ, tự là Nguyên Trực, Đan Phúc chỉ là họ tên giả của hắn thôi.

Tháo lại hỏi:

- Tài của Từ Thứ so với ngươi thế nào?

Dục thưa:

- Người ấy mười phần, Dục không lấy được một.

Tháo nói:

- Đáng tiếc hiền sĩ đều về với Lưu Bị cả; vây cánh y đã thành, biết làm thế nào?

Dục đáp:

- Từ Thứ tuy ở với Lưu Bị, nhưng nếu thừa tướng muốn dùng, gọi về cũng dễ.

Tháo hỏi:

- Làm thế nào dụ hắn về được?

Dục thưa:

- Từ Thứ là người chí hiếu. Bố mất sớm, chỉ còn mẹ già ở nhà. Hiện nay em là Từ Khang đã mất, mẹ già không ai phụng dưỡng, thừa tướng nên sai người lừa mẹ hắn đến Hứa Xương, rồi bắt mụ ấy viết thư gọi con về đây, chắc Từ Thứ thế nào cũng phải nghe theo.

Tháo mừng lắm, sai người cấp tốc đi bắt mẹ Từ Thứ. Chẳng bao lâu, quân bắt được mẹ Từ Thứ dẫn về. Tháo đối đãi rất tử tế, rồi bảo Từ mẫu rằng:

- Ta được biết Từ Nguyên Trực, con trai bà, là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Nay y ở Tân Dã, giúp tên nghịch thần Lưu Bị, phản bội triều đình. Có khác nào viên ngọc quý rơi trong vũng bùn, thật đáng tiếc! Nay ta muốn nhờ bà viết thư gọi y về Hứa Đô, ta sẽ tâu lên thiên tử, nhất định y sẽ được trọng thưởng.

Rồi sai tả hữu lấy nghiên bút, giấy mực lại, bảo Từ mẫu viết thư.

Từ mẫu hỏi:

- Lưu Bị là người thế nào?

Tháo đáp:

- Là một kẻ hèn mọn ở Bái Quận, mạo xưng là “hoàng thúc”, vốn chẳng có tín nghĩa gì. Có thể nói ngoài vỏ là người quân tử, mà trong ruột là một đứa tiểu nhân.

Từ mẫu đùng đùng nổi giận:

- Ngươi xảo quyệt đến thế là cùng! Từ lâu ta đã biết Huyền Đức là con cháu Trung Sơn Tĩnh vương, cháu chắt Hiếu Cảnh hoáng đế. Ông ấy khiêm tốn, quý trọng hiền sĩ, kính cẩn đãi người, tiếng nhân đức lừng lẫy khắp thiên hạ. Từ già đến trẻ, từ kẻ chăn trâu đến người kiếm củi, ai cũng biết ông là một bậc anh hùng đời nay. Con ta phò tá người ấy, thật là xứng đáng. Còn ngươi, tuy là tướng nhà Hán, nhưng thực là giặc nhà Hán, lại còn dám bảo Huyền Đức là nghịch thần? Ngươi định đẩy con ta bỏ chỗ sáng vào hang tối, há chẳng biết nhục lắm sao?

Nói xong bà cầm ngay nghiên mực đá quẳng vào mặt Tào Tháo. Tháo giận lắm, thét võ sĩ lôi Từ mẫu ra chém. Trình Dục vội can rằng:

- Từ mẫu nói xúc phạm đến thừa tướng, là cốt để tìm đường chết. Nếu thừa tướng giết đi, không những mang tiếng bất nghĩa, mà lại đề cao cái đức của Từ mẫu. Mẹ chết rồi, Từ Thứ tất đem hết tài trí ra giúp Lưu Bị để trả thù. Chi bằng không giết, làm cho Từ Thứ thân ở một nơi, lòng nghĩ một nơi, dù có giúp Lưu Bị cũng không tận sức. Hơn nữa, để Từ mẫu sống, Dục sẽ có kế lừa Từ Thứ về đây giúp thừa tướng.

Tháo nghe lời, tha chém Từ mẫu và đem nuôi nấng ở riêng một nhà. Trình Dục ngày ngày đến thăm hỏi, nói dối là anh em kết nghĩa với Từ Thứ, ân cần phụng dưỡng chẳng khác mẹ đẻ. Thường thường Dục đem biếu Từ mẫu thứ nọ thứ kia, lại kèm theo danh thiếp, Từ mẫu cũng gửi thiếp đáp lại. Dục bắt chước đúng được lối chữ của Từ mẫu, liền viết một bức thư giả, sai người tâm phúc đem sang Tân Dã, tìm đến hành dinh Đan Phúc.

Quân sĩ dẫn vào gặp Từ Thứ, Thứ biết tin có thư của mẹ vội gọi vào và hỏi. Người đó thưa:

- Tôi là người hầu ở nhà khách, vâng lời của lão phu nhân, mang trình ngài một phong thư.

Thứ bóc ra xem. Thư rằng:

“Gần đây, em con đã mất, mẹ thành tứ cố vô thân. Đang cơn sầu thảm, không ngờ Tào thừa tướng đánh lừa đưa đến Hứa Xương, nói rằng con theo phản Nguỵ, bắt mẹ giam cầm. May nhờ có bọn Trình Dục, mẹ mới được an toàn. Nếu con về hàng, mẹ sẽ thoát chết. Nhận được thư này, con hãy nhớ ơn đức cù lao, gấp rút tới đây cho toàn đạo hiếu. Rồi dần dà sẽ tính việc về quê cày cấy làm ăn, khỏi mắc tai vạ. Tính mạng mẹ lúc này chẳng khác nghìn cân treo sợi tóc, chỉ mong chờ cứu viện. Thư chẳng hết lời”.

Từ Thứ xem xong, nước mắt chứa chan, đem thư vào yết kiến Huyền Đức, nói rằng:

- Tôi vốn người Dĩnh Châu, tên là Từ Thứ, tự Nguyên Trực, vì lánh nạn phải đổi tên là Đan Phúc. Khi trước, nghe thấy Cảnh Thăng chiêu hiền nạp sĩ cũng đã đến gặp, nhưng khi bàn việc, mới biết hắn là đồ vô dụng, nên viết thư từ biệt. Đêm nọ, đến chơi nhà ông Thuỷ Kính, có kể lại chuyện ấy; Thuỷ Kính trách tôi là người không biết chủ, và nói có Lưu Dự Châu ở đây, sao không đi theo. Bởi thế, tôi mới đi hát rong ở chợ để động đến tai sứ quân, nay được sứ quân tin dùng. Không ngờ lão mẫu bị Tào Tháo bày mưu lừa đến Hứa Xương sắp đem sát hại. Mẹ tôi có viết thư lại gọi, tôi không thể không về. Không phải tôi không muốn đem tài khuyển mã để báo đáp sứ quân, nhưng vì thân mẫu bị bắt, không thể làm sao được. Nay xin từ biệt và mong có cơ hội gặp sứ quân sau.

Huyền Đức nghe nói, khóc rống lên:

- Tình nghĩa mẹ con là tính trời, Nguyên Trực đừng có nghĩ ngợi gì đến Bị nữa. Đợi sau khi gặp lão phu nhân rồi, có thể Bị lại được nghe lời chỉ bảo.

Từ Thứ lạy tạ muốn đi ngay. Huyền Đức nói:

- Xin hãy sum vầy một đêm, mai sẽ đi sớm.

Tôn Càn mật bảo Huyền Đức:

- Nguyên Trực là kỳ tài thiên hạ, lại ở Tân Dã đã lâu, tình hình quân ta thế nào đều biết rõ cả. Nay nếu hắn về với Tào Tháo tất nhiên được trọng dụng, nguy cho ta lắm. Chúa công phải cố lưu lại đừng cho đi. Tào Tháo thấy hắn không đến tất đem giết mẹ hắn. Hắn biết mẹ chết, chắc phải báo thù, sẽ cố sức đánh Tào Tháo.

Huyền Đức nói:

- Không được. Mượn tay người khác giết mẹ người ta để ta dùng con là bất nhân; giữ người ta lại không cho đi để cắt đứt cái đạo mẹ con là bất nghĩa. Ta thà chết chứ không khi nào làm những việc bất nhân bất nghĩa.

Ai nấy đều thán phục.

Huyền Đức mời Thứ uống rượu, Thứ nói:

- Nay mẹ tôi còn ở trong ngục, dù nước vàng rượu ngọc cũng không sao trôi vào cổ họng được.

Huyền Đức nói:

- Bị thấy ông sắp đi, như mất cả tay phải tay trái, dù gan rồng tuỷ phượng, ăn cũng không ngon.

Hai người ngồi nhìn nhau, nước mắt tầm tã, chờ sáng. Các tướng đã bày tiệc tiễn đưa ở ngoài cõi.

Huyền Đức, Từ Thứ cùng lên ngựa, hai ngựa sóng đôi ra ngoài thành.

Đến cuối tràng đình, hai người xuống ngựa từ biệt nhau. Huyền Đức bưng một chén rượu bảo Từ Thứ rằng:

- Bị nay phận mỏng duyên hèn, không được cùng tiên sinh tụ hội, chúc tiên sinh khéo thờ chủ mới để chóng nên công danh.

Từ Thứ khóc, nói:

- Tôi tài nhỏ trí mọn, đội ơn sứ quân trọng dụng, nay chẳng may nửa đường phải từ biệt, chỉ vì mẹ già mà thôi. Dù Tào Tháo có ép nài tôi cũng thề trọn đời không bày một mưu kế gì cho y cả.

Huyền Đức đáp:

- Tiên sinh ra đi. Bị này cũng sẽ liệu đường tránh ẩn vào nơi rừng rú.

Thứ nói:

- Tôi sở dĩ muốn cùng sứ quân mưu đồ nghiệp vương bá, là nhờ ở tấm lòng này. Nay vì việc mẹ già, lòng tôi bối rối, dù cố gắng ở lại, cũng vô ích. Sứ quân nên cầu người hiền khác cũng toan nghiệp lớn, việc gì mà đã vội ngã lòng.

Huyền Đức thở dài nói:

- Cao hiền trong thiên hạ, còn có ai hơn tiên sinh!

Từ Thứ nói:

- Tôi tài trí tầm thường, không dám nhận lời khen ấy.

Lúc sắp đi, Từ Thứ ngoảnh lại nói với các tướng:

- Xin các ông hết lòng thờ sứ quân để tên tuổi ghi vào tre lụa

[1]

, sự nghiệp nêu trong sử xanh, đừng có như Thứ này là người hữu thuỷ vô chung.

Các tướng ai cũng thương cảm.

Huyền Đức không nỡ chia tay, tiễn hết cung đường này đến cung đường khác.

Từ Thứ nói:

- Không dám phiền sứ quân đi tiễn xa quá. Đến đây, Thứ xin cáo biệt.

Huyền Đức ngồi trên ngựa, cầm tay Từ Thứ nói:

- Tiên sinh chuyến này đi, mỗi người một phương trời, biết ngày nào lại được gặp nhau?

Nói xong, nước mắt tuôn xuống như mưa. Thứ cũng khóc rồi cáo biệt.

Huyền Đức dừng ngựa bên rừng, trông theo Từ Thứ và bọn tuỳ tùng vội vã kéo đi, khóc mà nói:

- Nguyên Trực đi rồi, ta làm thế nào bây giờ?

Huyền Đức gạt nước mắt trông theo, lại bị rặng cây trước mặt che khuất bèn lấy roi trỏ vào rừng, nói:

- Ta muốn chặt hết cây cối chỗ này đi!

Các tướng hỏi vì cớ gì? Huyền Đức nói:

- Cánh rừng này che khuất Nguyên Trực của ta.

Huyền Đức đang trông theo, chợt thấy Từ Thứ cưỡi ngựa quay lại.

Huyền Đức mừng rỡ, nghĩ thầm:

- Nguyên Trực quay lại, có lẽ không muốn đi chăng?

Liền hớn hở tế ngựa lên trước đón hỏi:

- Tiên sinh trở lại, hẳn là không định đi nữa?

Thứ ghìm ngựa nói với Huyền Đức:

- Lúc tôi ra đi, ruột rối bời bời, quên bẵng đi một việc: Trong vùng này có một bậc kỳ tài ở tại Long Trung, cách Tương Dương hai mươi dặm, sứ quân nên đến mà tìm.

Huyền Đức nói:

- Dám phiền Nguyên Trực mời giúp người đó ra cho Bị.

Thứ nói:

- Người đó không thể gọi ra được, sứ quân phải thân đến mà mời. Nếu được người đó, không khác gì nhà Chu được Lã Vọng

[2]

nhà Hán được Trương Lương

[3]

.

Huyền Đức lại hỏi:

- Tài đức người đó so với tiên sinh thế nào?

Thứ đáp:

- Tôi mà so với người đó, khác nào ngựa hèn sánh với kỳ lân, quạ đen sánh với phượng hoàng. Người đó thường ví mình với Quản Trọng

[4]

, Nhạc Nghị

[5]

. Cứ như ý tôi, Quản, Nhạc còn kém xa. Người đó có tài ngang trời dọc đất, thiên hạ chắc chỉ có một không hai.

Lưu Bị mừng, hỏi:

- Xin cho biết tên họ người đó?

Thứ đáp:

- Người ấy quê ở Dương Đô, quận Lang Nha, họ Gia Cát tên Lượng, tự Khổng Minh; vốn là dòng dõi nhà quan Tư lệ hiệu uý Gia Cát Phong ngày xưa. Cha tên là Khuê, tự là Tử Cống, nguyên làm quận thừa ở Thái Sơn, mất sớm. Lượng theo chú là Huyền, Huyền cùng với Lưu Biểu quen biết nhau, nên đến nương tựa, rồi dựng nhà ở Tương Dương. Đến khi Huyền mất, Lượng mới cùng em là Gia Cát Quân ra cày cấy, làm ăn ở Nam Dương, thường hay ngâm bài “Lương phủ ngâm” (Nhạc phủ). Chỗ ở có trái núi Ngoạ Long Cương, nhân thế tự gọi là Ngoạ Long tiên sinh. Người đó là bậc kỳ tài đệ nhất đời nay. Sứ quân phải chịu hạ mình đến đó mà gặp. Nếu được ngưòi ấy giúp cho thì lo gì việc thiên hạ không định xong!

Huyền Đức nói:

- Ngày trước, Thuỷ Kính tiên sinh đã nói với Bị rằng: “Phục Long, Phượng Sồ chỉ cần được một trong hai người cũng đủ định thiên hạ”. Nay theo lời ông có phải người ấy là Phục Long hay Phượng Sồ không?

Thứ nói:

- Phượng Sồ là Bàng Thống ở Tương Dương, còn Phục Long chính là Gia Cát Khổng Minh đó.

Huyền Đức mừng cuống lên, nói:

- Hôm nay mới hiểu được tiếng Phục Long, Phượng Sồ. Ngờ đâu đại hiền ở ngay trước mắt, nếu tiên sinh không nói thì Bị có mắt cũng như mù.

Người đời sau có thơ khen Từ Thứ ruổi ngựa tiến Gia Cát.

Thơ rằng:

Rất tiếc cao hiền không tái ngộ

Trên đường từ biệt lệ tuôn đầy…

Một lời như sấm mùa xuân dậy

Thúc giục rồng nằm cất cánh bay.

Từ Thứ tiến cử Khổng Minh, rồi từ biệt Huyền Đức quay ngựa đi.

Huyền Đức nghe theo Từ Thứ nói mới hiểu những lời của Tư Mã Đức Tháo, lúc ấy như tỉnh được giấc ngủ mê, giải được cơn say rượu. Về đến nhà vội vàng sắm lễ vật rất hậu, cùng Quan, Trương đến Nam Dương mời Khổng Minh.

Lại nói Từ Thứ từ biệt Huyền Đức, cảm tình lưu luyến, lại sợ Khổng Minh không chịu ra giúp, nên đi thẳng đến Ngoạ Long Cương, vào lều tranh gặp Khổng Minh. Khổng Minh hỏi đến làm gì. Thứ nói:

- Thứ muốn hết lòng thờ Lưu Dự Châu, chẳng may, mẹ già bị Tào Tháo bắt giam, đưa thư đến gọi, nên phải bỏ mà đi. Lúc chia tay, tôi có tiến cử tiên sinh. Thế nào nay mai Huyền Đức cũng đến đây yết kiến, mong tiên sinh đừng từ chối, hãy trổ hết đại tài ra giúp Huyền Đức, Thứ cũng được cảm tạ muôn phần.

Khổng Minh nghe nói, ra vẻ giận, nói:

- Thế ra ngươi coi ta như là vật dùng để cúng tế có phải không?

Nói xong, rũ vạt áo đi vào.

Từ Thứ bẽn lẽn đi ra, lên ngựa ruổi thẳng đến Hứa Xương gặp mẹ.

Một lời dặn bạn, vì yêu chủ

Ngàn dặm thăm nhà, bởi nhớ thân.

Chưa biết việc sau thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.

   

Hồi 37

Tư Mã Huy hai lần tiến cử danh sĩ,

Lưu Huyền Đức ba lượt đến tận lều tranh.

Lại nói, Từ Thứ đi gấp đến Hứa Xương, Tào Tháo được tin, sai ngay Tuân Úc, Trình Dục và một bọn mưu sĩ ra đón.

Thứ vào tướng phủ yết kiến Tào Tháo. Tháo hỏi:

- Ông là người cao minh, cớ sao lại hạ mình thờ Lưu Bị?

Thứ nói:

- Tôi từ thuở nhỏ trốn nạn, lưu lạc giang hồ; ngẫu nhiên đến Tân Dã, bèn kết bạn với Huyền Đức. Lão mẫu ở đây, được săn sóc chu đáo, tôi cảm tạ vô cùng.

Tháo nói:

- Nay ông về đây, được sớm tối hầu hạ mẫu thân và tôi cũng được nghe lời dạy bảo.

Thứ lạy tạ trở ra, vội đến gặp mẹ, khóc lóc quỳ lạy dưới thềm. Từ mẫu thất kinh hỏi:

- Mày đâm đầu vào chốn này làm gì?

Thứ đáp:

- Gần đây, con ở Tân Dã, thờ ông Lưu Dự Châu vừa rồi tiếp được thư của mẹ, nên cấp tốc phải đến đây.

Từ mẫu giận quá, đập tay xuống bàn, mắng rằng:

- Đồ nhơ nhuốc kia! Mày trôi dạt mấy năm nay, tao tưởng học hành cũng đã khá, ai ngờ mày lại còn ngu thế! Mày đã đọc sách, nên biết trung hiếu không thể vẹn được cả đôi. Mày há lại không biết Tào Tháo là tên giặc dối trên lừa dưới à? Còn Lưu Huyền Đức nhân nghĩa lan rộng bốn bể, lại là dòng dõi nhà Hán, mày đã đi theo, chính là tìm được chủ rồi. Nay chỉ tin một mảnh thư giả, không suy xét kỹ càng, vội bỏ chỗ sáng đâm đầu vào hang tối, rước lấy tiếng xấu. Thật là đồ ngu! Tao còn mặt mũi nào trông thấy mày nữa! Thật mày bôi nhọ tổ tông, sống thừa trong khoảng trời đất vậy!

Từ Thứ nghe mẹ mắng đến nỗi cứ nằm rạp xuống đất không dám ngẩng mặt lên nữa.

Từ mẫu liền trở vào sau bình phong. Được một lát, người nhà ra báo rằng lão bà đã treo cổ tự tử ở xà nhà.

Từ Thứ vội chạy vào cứu, thì Từ mẫu đã tắt thở rồi.

Người sau có thơ khen Từ mẫu rằng:

Hiền thay Từ mẫu!

Tiếng thơm nghìn thuở!

Thủ tiết vẹn toàn

Tề gia đầy đủ

Dạy con phải đường

Đành mình chịu tội

Khí ngất núi non

Nghĩa đầy gan phổi

Trách mắng Tào Man

Vạc nấu chẳng ngại

Gươm chém không sờn

Chỉ sợ con mình

Bôi nhọ tổ tiên

So bà chặt khung

[1]

Sánh bà đâm cổ

[2]

Sống được tiếng hay

Chết vừa đúng chỗ

Hiền thay Từ mẫu!

Tiếng thơm nghìn thuở!

Từ Thứ thấy mẹ chết, khóc ngất đi, giờ lâu mới tỉnh. Tào Tháo sai người đem lễ phúng đến, lại thân đến viếng.

Từ Thứ đem linh cữu mẹ táng ở gò phía nam Hứa Xương, cư tang giữ mộ. Tháo cho cái gì cũng không lấy.

Khi ấy Tào Tháo muốn bàn mưu đi đánh miền nam, Tuân Úc can rằng:

- Mùa rét, chưa nên cất quân, đợi sang xuân ấm áp sẽ hay.

Tháo nghe theo, bèn sai khơi một cái ngòi dẫn nước sông Chương Hà vào một cái ao, gọi là ao Huyền Vũ để luyện tập quân thuỷ, chuẩn bị nam chinh.

Lại nói Huyền Đức sắp sửa mang lễ vật sang Long Trung cầu Gia Cát Lượng, chợt có người báo rằng:

- Ngoài cửa có một tiên sinh mũ cao áo rộng, đạo mạo khác thường, muốn vào thăm.

Huyền Đức nói:

- Có lẽ Khổng Minh chăng?

Lập tức, mặc áo nghiêm chỉnh ra đón tiếp, nhìn xem thì đó là Tư Mã Huy, Huyền Đức mừng lắm, mời vào nhà trong, rước lên ngồi trên, rồi vái mà hỏi rằng:

- Bị từ khi xa tiên nhân, vì việc quân bận rộn lắm, chưa đến hầu được. Nay được ngài hạ cố đến đây, thật thoả lòng mong ước.

Huy nói:

- Tôi nghe Từ Nguyên Trực ở đây, nên lại thăm một chút.

Huyền Đức nói:

- Gần đây, vì bị giặc Tháo bắt giam mẹ già, lão bà có sai người mang thư sang đây gọi nên Nguyên Trực đã về Hứa Xương rồi.

Huy nói:

- Thôi, mắc mẹo Tào Tháo rồi! Tôi đã biết Từ mẫu là người rất trọng khí tiết; dù Tào Tháo có giam cầm bà ấy cũng không khi nào chịu viết thư gọi con. Thư ấy đúng là thư giả. Nguyên Trực không về thì mẹ còn sống, nay về rồi thì mẹ chắc chết.

Huyền Đức thất kinh hỏi cớ làm sao?

Huy đáp:

- Từ mẫu cao nghĩa lắm, tất hổ thẹn không muốn trông mặt con nữa.

Huyền Đức nói:

- Lúc chia tay, Nguyên Trực có tiến cử người ở Nam Dương là Gia Cát Lượng. Người đó thế nào?

Huy cười nói:

- Nguyên Trực muốn đi thì cứ đi, lại còn dắt người đó ra để làm khổ người ta.

Huyền Đức hỏi:

- Sao tiên sinh lại nói thế?

Huy nói:

- Khổng Minh cùng với Thôi Châu Bình ở Bác Lăng, Thạch Quảng Nguyên ở Dĩnh Xuyên, Mạnh Công Uy và Từ Nguyên Trực ở Nhữ Nam, bốn người kết bạn thân với nhau. Mấy người kia học hành rất chăm, duy có Khổng Minh chỉ xem những đoạn cốt yếu, thường ngồi rung đùi ngâm vịnh, rồi trỏ vào bốn người mà nói: “Các anh rồi làm quan, chỉ làm đến thứ sử, quận thú là cùng”. Họ hỏi chí Khổng Minh thế nào, Khổng Minh chỉ cười không nói, thường tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị ngày xưa. Tài người đó không thể nào lường được.

Huyền Đức nói:

- Sao Dĩnh Châu lắm người hiền thế?

Huy nói:

- Ngày xưa, có An Quy tài xem thiên văn, thường nói rằng: “Các vì sao tụ trên không phận đất Dĩnh”, tất đất này lắm người hiền sĩ.

Lúc ấy Vân Trường đứng bên cạnh nói:

- Tôi nghe Quản Trọng, Nhạc Nghị là hai người có tiếng ở đời Xuân thu và đời Chiến quốc, sự nghiệp lừng lẫy thiên hạ. Khổng Minh tự so sánh với hai người ấy, chẳng phải là nói quá hay sao?

Huy cười, nói rằng:

- Cứ ý tôi thì hai người ấy vị tất đã đáng so sánh với Khổng Minh. Tôi muốn so sánh Khổng Minh với hai người khác.

Quan Công hỏi hai người nào, Huy nói:

- Khổng Minh có thể so sánh với Khương Tử Nha làm nên cơ nghiệp tám trăm năm của nhà Chu và Trương Tử Phòng làm nên cơ nghiệp bốn trăm năm của nhà Hán.

Ai cũng ngạc nhiên. Huy bước xuống thềm từ biệt ra về, Huyền Đức lưu lại không được. Huy ra khỏi cửa, ngẩng mặt lên trời cười to rằng:

- Ngoạ Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời, tiếc lắm thay!

Nói rồi, Huy thong dong đi thẳng.

Huyền Đức than rằng:

- Thế mới thật là hiền sĩ ẩn dật!

Hôm sau, Huyền Đức cùng với Quan, Trương và bọn tuỳ tùng đến Long Trung, nhìn về phía xa xa đã thấy mấy người đương cày bừa ở sườn núi, miệng hát rằng:

Giời xanh như tán lọng tròn

Đất kia chằn chặn như bàn cờ vuông

Người đời đen trắng đôi phường

Kẻ đi người lại tranh đường nhục vinh

Kẻ vinh chỉ biết mình sung sướng

Người nhục kia vất vưởng vất vơ…

Nam Dương có bậc ẩn cư

Nằm co ngủ kỹ thờ ơ việc đời.

Huyền Đức nghe hát, kìm ngựa gọi mấy người nông phu lại hỏi:

- Ai làm ra bài ca ấy?

Nông phu đáp:

- Bài ca ấy của Ngoạ Long tiên sinh làm ra.

Huyền Đức hỏi:

- Nhà Ngoạ Long tiên sinh ở đâu?

Nông phu đáp:

- Ở mé nam núi này, có một dãy gò cao, gọi là gò Ngoạ Long. Trước gò, trong quãng rừng thưa, có một cái lều tranh, đấy là nhà Gia Cát tiên sinh.

Huyền Đức cảm ơn, giật ngựa đi lên. Đi chưa được vài dặm, xa xa đã thấy gò Ngoạ Long, quả nhiên phong cảnh khác thường.

Đời sau đã có một bài cổ phong nói về chỗ ở của Ngoạ Long như sau:

Cách hai mươi dặm Tương Dương thành

Một dãy gò cao, suối lượn quanh…

Nước chảy ầm ầm phơi đá trắng

Gò cao chót vót ngất mây xanh.

 

Hình như rồng cuốn trên tảng đá

Phượng hoàng đậu dưới bóng thông ngả

Cửa phên khép cánh kín nhà tranh

Cao sĩ nằm khàn bền vững dạ.

 

Bình phong: dãy trúc um tùm lá

Bốn mùa hoa rụng nức mùi hương

Đầu giường chồng chất nhiều sách lạ

Trong nhà lui tới không người thường.

 

Vượn kia dâng quả gõ cửa ngoài

Hạc kia đêm thanh nghe đọc sách

Túi đàn thêu gấm gác đầu bàn

Thanh kiếm vảy rồng treo trước vách.

 

Tiên sinh trong lầu rất thanh nhàn

Khi nhân cày cấy cũng không can

Chỉ đợi sấm xuân tỉnh giấc mộng

Gọi to một tiếng thiên hạ an.

Huyền Đức đến trước trại xuống ngựa, đến gõ cửa. Có tiểu đồng ra hỏi. Huyền Đức nói:

- Tôi là hoàng thúc Lưu Bị, Hán tả tướng quân, Nghi thành đình hầu, châu mục Dự Châu, lại đây bái kiến tiên sinh.

Tiểu đồng nói:

- Tên ông dài lắm, tôi không nhớ được.

Huyền Đức nói:

- Em cứ vào nói có Lưu Bị lại hầu.

Tiểu đồng nói:

- Tiên sinh sớm hôm nay vừa đi chơi vắng.

Huyền Đức hỏi:

- Đi chơi đâu?

Tiểu đồng đáp:

- Tiên sinh tôi nay đây mai đó, không biết đi đâu.

Huyền Đức lại hỏi:

- Bao giờ tiên sinh về?

Tiểu đồng nói:

- Khi thì dăm ba bữa, khi thì mươi mười hai hôm, không biết chừng.

Huyền Đức lấy làm buồn rầu. Trương Phi nói:

- Hắn không có nhà thì về quách cho xong!

Huyền Đức nói:

- Hãy đợi một lát nữa.

Vân Trường nói:

- Không bằng hãy về, rồi sai người lại nghe tin tức.

Huyền Đức nghe theo và dặn lại em bé:

- Bao giờ tiên sinh về, em trình hộ rằng có Lưu Bị lại hầu nhé.

Nói rồi, lên ngựa đi được vài dặm, ngoảnh lại xem phong cảnh Long Trung, quả nhiên núi không cao nhưng thanh nhã, nước không sâu mà trong suốt, đất không rộng nhưng bằng phẳng, rừng không lớn nhưng rậm rạp. Vượn hạc quấn quýt, thông trúc um tùm, ngắm mãi không chán. Chợt thấy một người dung mạo hiên ngang, mặt mũi tuấn tú, đầu đội khăn tiêu diêu

[3]

, mình bận áo thâm rộng, tay chống gậy gỗ lê, đương ở hẻm núi đi ra.

Huyền Đức nói:

- Đúng Ngoạ Long tiên sinh kia rồi!

Rồi vội vàng xuống ngựa bước tới thi lễ, hỏi rằng:

- Tiên sinh có phải là Ngoạ Long không?

Người ấy hỏi lại:

- Tướng quân là ai?

Huyền Đức đáp:

- Tôi là Lưu Bị.

Người đó nói:

- Tôi là bạn Khổng Minh, tên là Thôi Châu Bình ở Bác Lăng, không phải Khổng Minh đâu.

Huyền Đức nói:

- Tôi được biết đại danh của ngài đã lâu, nay may được gặp, xin ngài tạm dừng chân ở đây, dạy cho một vài điều.

Hai người lại ngồi trên phiến đá trong rừng. Quan, Trương đứng hầu bên cạnh. Châu Bình hỏi:

- Tướng quân muốn tìm Khổng Minh làm gì?

Huyền Đức đáp:

- Bây giờ thiên hạ loạn lạc, bốn phương rối ren, tôi muốn gặp Khổng Minh để tìm kế yên dân định nước.

Châu Bình cười, nói:

- Ông lấy việc dẹp loạn làm chủ yếu, thế cũng là nhân đức rồi. Nhưng từ xưa đến nay, khi yên khi loạn bất thường. Từ khi Cao tổ chém rắn khởi nghĩa, trừ được nhà Tần vô đạo, thế là hết đời loạn sang đời thái bình. Đến đời vua Ai đế, Bình đế nhà Hán đã được hơn hai trăm năm, thái bình lâu rồi, Vương Mãng thoán nghịch, thế là hết đời trị lại đến đời loạn. Về sau vua Quang Vũ trung hưng, sửa sang cơ nghiệp, thế là lại hết đời loạn sang đời trị đó. Từ bấy giờ đến nay được hai trăm năm rồi, dân hưởng thái bình đã lâu thì can qua bùng nổ, đây chính là thời kỳ từ yên đến loạn, chưa dễ bình định ngay được. Tướng quân muốn khiến Khổng Minh chuyển xoay trời đất, chắp vá càn khôn, tôi e khó lắm, chỉ uổng hơi sức mà thôi. Tướng quân chẳng nghe người ta nói: “Thuận trời thì an nhàn, trái trời thì vất vả”, “Số đã định, thì không chống lại được” hay sao?

Huyền Đức nói:

- Tiên sinh dạy thế thực là cao kiến, nhưng tôi là dòng dõi nhà Hán, phải ra tay gây dựng lại cơ nghiệp, dám đâu đổ cho số với mệnh.

Châu Bình nói:

- Tôi là người quê mùa, biết gì mà dám bàn đến việc thiên hạ. Bởi thấy ngài hỏi đến, nên cũng nói càn thế thôi.

Huyền Đức đáp:

- Cảm ơn ngài dạy cho. Nhưng không biết hôm nay Khổng Minh đi đâu?

Châu Bình đáp:

- Tôi cũng muốn vào thăm mà không biết đi đâu.

Huyền Đức nói:

- Xin mời tiên sinh về huyện chơi có được không?

Châu Bình nói:

- Tính tôi ưa đi chơi dông dài, thờ ơ với công danh đã lâu, xin để cho khi khác sẽ gặp lại nhau.

Nói xong, vái rồi đi.

Huyền Đức cùng Quan, Trương lên ngựa trở về. Trương Phi nói:

- Tìm Khổng Minh đã chẳng thấy, lại gặp ngay cái anh hủ nho này, chuyện hão lâu quá!

Huyền Đức nói:

- Đấy cũng là những lời của bậc ẩn dật đó.

Ba người về đến Tân Dã. Được vài ngày, Huyền Đức sai người đi thăm dò xem Khổng Minh đã về chưa. Một hôm, người thăm dò về báo Ngoạ Long tiên sinh đã về. Huyền Đức sai ngay người thắng ngựa. Trương Phi nói:

- Khổng Minh chỉ là một tên thôn phu quèn, hà tất đại ca phải thân đến. Cứ sai người đi gọi cũng được.

Huyền Đức mắng rằng:

- Em há không nhớ lời Mạnh Tử nói: “Muốn cầu người hiền mà không biết đạo, khác gì muốn cho người ta vào nhà mình mà lại đi đóng cửa lại”. Khổng Minh là bậc đại hiền thời nay, cho đi gọi sao được?

Bèn lại lên ngựa đến Long Trung. Quan, Trương cũng đi theo.

Bấy giờ, đang thời tiết mùa đông, khí trời rét buốt, mây xám nghịt trời. Ba người đi chưa được vài dặm, bỗng nhiên trời nổi cơn gió bấc, tuyết bay phơi phới, núi tựa ngọc gieo, rừng như bạc rắc.

Trương Phi nói:

- Giời rét, đất đóng băng, đánh nhau còn chẳng được, lại phải lận đận đi cầu người vô ích làm chi! Không bằng trở về Tân Dã, tội gì mà dầm mưa dãi tuyết thế này!

Huyền Đức nói:

- Chính ta muốn làm cho Khổng Minh biết đến lòng nhiệt thành của ta. Các em có sợ rét thì hãy về trước.

Phi nói:

- Chết còn chẳng ngại, ngại chi rét! Chỉ sợ đại huynh vất vả uổng công thôi!

Huyền Đức nói:

- Em chớ nói nhiều lời, hãy theo ta đi!

Gần đến nhà tranh, chợt nghe thấy tiếng ca trong một quán rượu bên cạnh đường. Huyền Đức dừng ngựa lại nghe, lời ca rằng:

Công danh tráng sĩ muộn thay!

Than ôi, lâu chẳng gặp ngày dương xuân!

Ngươi chẳng thấy lão nhân Đông Hải

Lìa bụi gai theo với vua Văn

Chư hầu bát bách lai thần

Gặp điềm cá trắng Mạnh Tân sang đò.

Mục Xã một trận đánh to

Công danh lừng lẫy ai so được tày?

Cao Dương lại có thầy hay rượu

Vái Cao hoàng theo điệu làm tôi

Bàn mưu vương bá kỳ tài

Lọt tai cũng phải mời ai lên ngồi

Thành Tề, hạ bảy mươi hai

Thế gian há dễ mấy ai nối mình?

Hai người công tích rành rành

Đến nay ai bảo là anh hùng nào?

Một người hát xong, người khác lại tiếp luôn.

Lời ca rằng:

Vua ta vung lưỡi gươm dẹp loạn,

Gây cơ đồ Hán bốn trăm năm,

Đời Hoàn, Linh vận lửa tắt ngấm,

Gian thần tặc tử tay cầm quyền to.

Chốn ngự toạ rắn bò điềm gở,

Nơi ngọc đường cầu mộng yêu ma,

Bốn phương trộm giặc đổ ra,

Gian hùng lũ lượt theo đà múa may.

Chúng ta chỉ vỗ tay nói tếu,

Buồn ra hàng chén rượu cho vui.

Một mình sung sướng thảnh thơi,

Chẳng cầu tiếng để muôn đời làm chi!

Hai người hát xong, vỗ tay cười ầm lên. Huyền Đức nói:

- Có lẽ Ngoạ Long ở trong này.

Liền xuống ngựa bước vào, thấy hai người đương dựa bàn, đối nhau uống rượu; một người mặt trắng râu dài, một người mặt mũi khôi ngô. Huyền Đức vái, rồi hỏi:

- Thưa hai ông, ông nào là Ngoạ Long tiên sinh?

Người râu dài hỏi lại:

- Ông là ai, tìm Ngoạ Long làm gì?

Huyền Đức đáp:

- Thưa tôi là Lưu Bị, muốn tìm tiên sinh để cầu mưu giúp đời yên dân.

Người râu dài nói:

- Chúng tôi không phải là Ngoạ Long mà là bạn Ngoạ Long đấy thôi. Tôi là Thạch Quảng Nguyên ở Dĩnh Châu; ông này là Mạnh Công Thành ở Nhữ Nam.

Huyền Đức mừng, nói:

- Tôi được biết đại danh của hai tiên sinh đã lâu, nay được bái yết, thực là may quá. Nhân tôi có mang theo cả ngựa, xin mời hai tiên sinh cùng đến nhà Ngoạ Long với tôi.

Quảng Nguyên nói:

- Chúng tôi là bọn quê mùa, chẳng biết đâu đến những việc trị nước yên dân, xin đừng bận lòng hỏi chúng tôi những việc ấy. Mời ông cứ lên ngựa đi tìm Ngoạ Long.

Huyền Đức từ giã hai người rồi lên ngựa đi thẳng đến Ngoạ Long Cương. Tới trước nhà, gõ cửa, hỏi tiểu đồng:

- Hôm nay, tiên sinh có nhà không?

Tiểu đồng đáp:

- Đang ngồi trên nhà xem sách.

Huyền Đức mừng lắm, theo ngay tiểu đồng đi vào. Đến cửa giữa, nhìn thấy câu đối:

Đạm bạc dĩ minh chí,

Ninh tĩnh nhi chí viễn.

[4]

Huyền Đức đương xem câu đối, lại nghe có tiếng ngâm thơ, vội vàng đứng nép bên cạnh cửa nhòm vào thấy trên nhà tranh, có một thanh niên ngồi ôm gối, sưởi cạnh hoả lò mà hát rằng:

Phượng bay cao, khi ngô đồng không đỗ,

Sĩ ẩn mình, phi minh chủ không thờ.

Nông thôn vui thú cày bừa,

Thảnh thơi đàn sách đợi cơ chuyển vần.

Huyền Đức đợi hát xong mới bước lên thềm vái chào, nói:

- Bị lâu nay hâm mộ tiên sinh, chưa được dịp nào bái kiến. Mới đây được Từ Nguyên Trực tiến cử, vội đến tiên trang; rủi phải về không; nay xông pha mưa gió đến đây, được chiêm ngưỡng tôn nhan, thật may mắn quá!

Người thanh niên vội đáp lễ, nói:

- Tướng quân có phải là Lưu Dự Châu đến tìm anh tôi không?

Huyền Đức ngẩn người, hỏi rằng:

- Thế ra tiên sinh cũng không phải Ngoạ Long sao?

Người thanh niên đáp:

- Tôi là Gia Cát Quân em Ngoạ Long; chúng tôi ba anh em; anh cả là Gia Cát Cẩn, hiện đương làm mạc tân bên Tôn Trọng Mưu ở Giang Đông; Khổng Minh là anh thứ hai tôi.

Huyền Đức hỏi:

- Ngoạ Long hôm nay có nhà không?

Quân đáp:

- Hôm qua vừa có Thôi Châu Bình đến rủ đi chơi rồi.

Huyền Đức hỏi đi chơi đâu, Quân nói:

- Khi thì bơi chiếc thuyền nhỏ chu du trên sông; khi thì thăm hỏi các nhà sư trên núi; khi thì tìm anh em bạn ở chốn hương thôn; khi thì vui gảy đàn, đánh cờ trong hang núi. Anh tôi đi, ở bất thường không biết đâu mà tìm.

Huyền Đức nói:

- Tôi thực là duyên mỏng phận hèn, hai phen đi đều không được gặp đại hiền!

Quân nói:

- Mời ngài hãy thư thả ngồi chơi xơi nước.

Trương Phi nói:

- Tiên sinh ấy đã đi vắng, xin đại huynh lên ngựa về thôi.

Huyền Đức nói:

- Ta đã cất công đến đây, chẳng lẽ không bày tỏ một đôi lời.

Lại hỏi Gia Cát Quân:

- Tôi nghe nói lệnh huynh Ngoạ Long tiên sinh tinh thông thao lược, mài miệt binh thư có phải không?

Quân nói:

- Tôi không được biết.

Trương Phi nói:

- Hỏi người ta làm gì! Mưa to gió lớn, đại huynh đi về cho sớm!

Huyền Đức mắng át đi. Quân nói:

- Anh tôi đi vắng, không dám lưu ngựa xe ở lại lâu, xin để khi khác đáp lễ.

Huyền Đức nói:

- Tôi đâu dám mong tiên sinh hạ cố. Vài hôm nữa Bị sẽ đến hầu. Hôm nay nhân đây, xin tiên sinh cho mượn bút giấy, tôi viết bức thư để lại, nhờ chuyển đến lệnh huynh, để tỏ ý ân cần của tôi.

Quân đưa bút mực ra. Huyền Đức viết một bức thư như sau:

“Bị tôi lâu nay hâm mộ cao danh, đã hai lần đến yết kiến đều không được gặp phải trở về, ân hận vô cùng.

Tôi trộm nghĩ mình là dòng dõi nhà Hán, lạm hưởng danh tước, mà nay trông thấy triều đình suy sụp, kỷ cương rối ren, gian hùng loạn nước, giúp dân, nhưng kém tài kinh luân, cho nên mong ngóng tiên sinh mở lòng nhân từ trung nghĩa, đứng ra trổ hết tài lớn của Lã Vọng, thi thố hết kế lạ của Tử Phòng, thì thiên hạ may lắm! Xã tắc may lắm!

Nay trước có mấy lời bày tỏ với tiên sinh, Bị xin về tắm gội ăn chay, đến bái tôn nhan một lần nữa, để giãi lòng quê kệch, xin tiên sinh soi xét cho”.

Huyền Đức viết thư xong, đưa gửi Gia Cát Quân rồi từ biệt ra về. Quân tiễn ra tận cửa; Huyền Đức còn ân cần, dặn đi dặn lại đôi ba lần.

Huyền Đức vừa lên ngựa sắp đi, thì thấy tiểu đồng đứng ngoài bờ rào vẫy tay nói:

- Lão tiên sinh đã đến!

Lưu Bị nhìn ra thấy bên phía tây chiếc cầu nhỏ, có một người đội mũ ấm trùm đầu, mặc áo hồ cừu, cưỡi con lừa, theo sau một tiểu đồng mặc áo xanh đi hầu, tay xách một bầu rượu, đương rẽ tuyết đi lại, qua cái cầu nhỏ đang ngâm một bài thơ:

Một đêm gió lạnh lùng,

Muôn dặm mây đỏ ối.

Bời bời hoa tuyết bay,

Nước non hình sắc đổi,

Ngẩng mặt trông trên trời,

Tưởng là rồng ngọc chọi,

Vây mai tua tủa bay,

Một lát khắp bốn cõi,

Cưỡi lừa qua cầu con,

Than vì mai gầy cỗi.

Huyền Đức nghe ngâm xong, nói rằng:

- Đây hẳn là Ngoạ Long rồi!

Rồi nhảy xuống ngựa, bước tới chào, nói:

- Tiên sinh xông pha rét mướt, nhọc mệt lắm nhỉ? Bị này đợi mãi tiên sinh.

Người ấy vội xuống lừa, đáp lễ. Gia Cát Quân ở đằng sau nói:

- Đây là Hoàng Thừa Ngạn, ông nhạc anh tôi đó, không phải Ngoạ Long đâu.

Huyền Đức nói:

- Vừa rồi nghe câu thơ ngài ngâm rất cao nhã.

Thừa Ngạn nói:

- Nhân lão phu xem bài “Lương phủ ngâm” ở nhà con rể có nhớ được một đoạn. Nay qua cầu nhỏ, chợt thấy cây hoa mai bên rào, nên sực nhớ lại đọc chơi, không ngờ quý khách nghe thấy.

Huyền Đức nói:

- Ngài đã gặp lệnh tế chưa?

Thừa Ngạn đáp:

- Lão cũng đương đến tìm Ngoạ Long đây.

Huyền Đức nghe xong, từ biệt Hoàng Thừa Ngạn, rồi cưỡi ngựa về. Đang cơn mưa tuyết dữ dội, Huyền Đức vừa đi vừa ngoảnh lại ngắm gò Ngoạ Long, buồn rầu không biết ngần nào.

Đời sau có thơ vịnh cảnh đương cơn mưa tuyết, Huyền Đức đến thăm Khổng Minh rằng:

Xông pha mưa gió kiếm hiền tài,

Lững thững về suông dạ cảm hoài…

Chi chít khe cầu hoa tuyết đóng,

Lạnh lùng yên ngựa dặm đường dài,

Chạm đầu lả tả hoa lê rụng,

Vướng mặt tơi bời hoa liễu rơi.

Ngoảnh cổ dừng roi nhìn chốn cũ.

Chói loà ánh bạc Ngoạ Long phơi.

Từ khi Huyền Đức về Tân Dã, ngày tháng thấm thoát đã sang xuân mới, liền sai người đem cỏ thi ra bói, kén chọn ngày tốt, ăn chay ở sạch ba ngày, tắm gội hun hương, thay quần đổi áo, rồi sang gò Ngoạ Long yết Khổng Minh.

Quan, Trương được tin cũng phát chán, kéo nhau vào can. Thế là:

Cao hiền chưa phục anh hùng giỏi,

Khiêm tốn làm cho hào kiệt nghi.

Chưa biết chuyện ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.

   

Hồi 38

Long Trung quyết kế thiên hạ chia ba;

Tôn thị báo thù, Trường Giang đại chiến

Lại nói, Huyền Đức hai lần đi không được gặp Khổng Minh, lại định đi lần nữa.

Quan Công nói:

- Huynh trưởng đã hai lần thân đến nhà bái yết, lễ nghi như vậy là quá hậu rồi. Có lẽ Gia Cát Lượng cũng chỉ có hư danh, không có thực tài nên mới tránh mặt không cho gặp đấy thôi. Sao huynh trưởng quá sùng bái người ấy làm vậy?

Huyền Đức nói:

- Không phải thế đâu. Ngày xưa Tề Hoàn công muốn đi cầu một người quê mùa ở Đông Quách, năm lần đi mới được gặp, huống chi ta muốn cầu một bậc đại hiền?

Trương Phi nói:

- Đại huynh nhầm đó, gã nhà quê đó sao gọi là đại hiền được? Thôi, chuyến này không cần đại huynh đi nữa. Nếu hắn không đến, em sẽ lấy thừng trói điệu về đây là ổn chuyện.

Huyền Đức mắng:

- Chú không nhớ việc Văn vương ngày xưa đi cầu Khương Tử Nha, Văn vương còn kính người hiền như thế nào à! Chú sao vô lễ quá vậy? Lần này chú đừng đi nữa, để ta đi cùng Vân Trường thôi.

Phi nói:

- Hai anh đều đi cả, tiểu đệ ở nhà làm gì?

Huyền Đức nói:

- Nếu muốn đi thì không được thất lễ!

Phi vâng theo.

Nói rồi, ba người cưỡi ngựa cùng bọn tuỳ tùng đến Long Trung. Còn cách lều tranh độ nửa dặm, Huyền Đức xuống ngựa đi bộ. Gặp Gia Cát Quân, Huyền Đức vội vàng thi lễ, hỏi:

- Lệnh huynh hôm nay có nhà không?

Quân đáp:

- Anh tôi mới về chiều qua, tướng quân đến hôm nay thì gặp.

Nói rồi, ung dung đi ra.

Huyền Đức nói:

- Phen này may được gặp tiên sinh đây!

Trương Phi nói:

- Người này mới vô lễ chứ! Dẫn luôn bọn ta vào nhà thì đã mất gì, sao cứ cắm đầu đi thẳng?

Huyền Đức nói:

- Ai có việc người nấy, bắt buộc người ta sao được?

Ba người lại đi, đến trước nhà gõ cửa; tiểu đồng ra mở cửa, nói:

- Tiên sinh hôm nay có nhà, nhưng đương ngủ.

Huyền Đức nói:

- Đã vậy, xin đừng báo tin vội.

Rồi dặn Quan, Trương hãy đứng chực ngoài ngõ, Huyền Đức rón rén đi vào, thấy Khổng Minh đương nằm ngủ trên ghế. Huyền Đức bèn chắp tay đứng chực dưới thềm. Được một lúc lâu, Khổng Minh vẫn chưa dậy.

Quan, Trương đứng đợi ngoài ngõ mãi, chẳng thấy động tĩnh gì, mới lẻn vào xem, thì thấy Huyền Đức vẫn chắp tay đứng hầu.

Trương Phi giận lắm, bảo Vân Trường rằng:

- Lão tiên sinh này sao kiêu kỳ lắm thế? Thấy anh ta đứng thế kia, nó càng giả vờ ngủ khì không dậy! Để em ra sau nhà cho một mồi lửa, xem nó có phải dậy không?

Vân Trừơng can mãi Trương Phi mới thôi. Huyền Đức bắt hai người phải ra ngoài đứng đợi, rồi trông vào trong nhà, thấy Khổng Minh giở mình, nhưng rồi lại quay mặt vào vách tường ngủ yên.

Tiểu đồng toan lại đánh thức, Huyền Đức bảo:

- Chớ nên đánh thức vội!

Rồi lại đứng đợi một lúc nữa, Khổng Minh mới tỉnh giấc, miệng ngâm bài thơ rằng:

Mơ màng ai tỉnh trước

Bình sinh ta biết ta!

Thềm tranh giấc xuân đẫy

Ngoài song bóng ác tà…

Ngâm xong, Khổng Minh mới quay ra hỏi tiểu đồng rằng:

- Có tục khách nào đến đây không?

Tiểu đồng thưa:

- Có Lưu hoàng thúc đứng đợi đây đã lâu lắm.

Khổng Minh liền vùng dậy nói:

- Sao không báo tin ngay! Để ta dậy thay áo đã!

Rồi đi vào nhà trong, một lúc mới mặc áo đội khăn chỉnh tề ra tiếp.

Huyền Đức thấy Khổng Minh mình cao tám thước, mặt đẹp như ngọc, đầu đội khăn lượt, mình mặc áo cánh hạc, hình dáng thanh thoát như tiên.

Huyền Đức lạy thụp xuống đất nói rằng:

- Tôi là kẻ ngu hèn, dòng dõi nhà Hán, quê ở quận Trác, lâu nay được nghe tiếng lớn tiên sinh, như sấm bên tai; đã hai lần đến hầu, đều chưa được gặp. Tôi có viết bức thư nhờ đệ tới, không biết đã được tiên sinh xem đến chưa?

Khổng Minh nói:

- Tôi là một người quê mùa ở Nam Dương, tính quen lười biếng, mấy lần đội ơn tướng quân có lòng hạ cố, tự nghĩ thấy hổ thẹn vô cùng.

Hai người chào lễ nhau xong, bèn phân ngôi chủ khách ngồi chơi. Tiểu đồng bưng trà lên. Uống xong, Khổng Minh nói:

- Tôi xem bức thư tướng quân, biết là lòng tướng quân đêm ngày lo việc dân việc nước. Nhưng vì Lượng này tuổi còn trẻ, tài còn kém, chưa đáp được lòng mong mỏi của ngài.

Huyền Đức nói:

- Không có lẽ những lời của Tư Mã Đức Tháo và Từ Nguyên Trực đều lầm cả hay sao? Mong tiên sinh đừng chê kẻ ngu hèn này mà dạy bảo cho.

Khổng Minh nói:

- Đức Tháo, Nguyên Trực thực là cao sĩ trong đời. Lượng này là một kẻ đi cày, dám đâu bàn việc thiên hạ. Hai ông ấy tiến cử lầm người rồi, xin tướng quân chớ vứt ngọc quý mà tìm đá vôi.

Huyền Đức nói:

- Những bậc trượng phu mang tài kinh bang tế thế, há chịu chết già trong chốn lâm tuyền hay sao? Xin tiên sinh hãy trông đến đời sống của muôn dân, dạy bảo cho điều hay lẽ phải để đầu óc mờ tối của tôi được sáng tỏ ra.

Khổng Minh cười nói:

- Xin cho biết chí của tướng quân?

Huyền Đức bảo người nhà lui ra rồi nói:

- Nhà Hán nghiêng đổ, kẻ gian thần cướp quyền. Bị này không lượng sức mình, muốn đem sức lớn mà bỏ ra với thiên hạ, nhưng tài nông trí cạn, chẳng làm nên trò trống gì. Xin tiên sinh hãy mở mắt giúp cho và cứu Bị đang cơn vận khốn, thì thật là may mắn!

Khổng Minh nói:

- Từ khi Đổng Trác phản nghịch đến nay, hào kiệt bốn phương trỗi dậy. Như Tào Tháo thế kém Viên Thiệu mà đánh được Thiệu; đó không phải chỉ có thiên thời mà cũng có mưu người nữa. Nay Tháo đã cầm được quân trăm vạn, mượn tiếng thiên tử để khống chế chư hầu, xem đó thật không thể tranh giành với hắn được. Tôn Quyền giữ đất Giang Đông đã được ba đời, đất đai hiểm trở mà lòng dân lại quy phục, xem thế Giang Đông cũng chỉ dùng để giúp ta, chớ không thôn tính được. Duy chỉ còn Kinh Châu, phía bắc có sông Hán, sông Miện, kéo dài đến tận Nam Hải; phía đông nối liền với Ngô Hội, phía tây thông vào Ba Thục, chỗ ấy là đất dụng võ, phải có chúa giỏi mới giữ nổi, trời để dành riêng cho tướng quân đó. Tướng quân nghĩ sao? Lại còn Ích Châu, hình thế hiểm trở, ruộng đất phì nhiêu nghìn dặm, thực là một vựa thóc của trời. Cao Tổ ngày xưa cũng do nơi đó mà dựng thành nghiệp đế. Nay Lưu Chương ngu si hèn yếu, dân nhiều, nước giàu mà không biết trông coi, những người hiền tài đều chỉ mong được vua sáng mà thờ. Tướng quân đã là dòng dõi nhà vua, tín nghĩa toả ra bốn bể, thu nạp anh hùng, mong người hiền như khát nuớc, nếu tướng quân gộp được châu Kinh, châu Ích, giữ vững nơi hiểm trở, mặt tây hoà với các tộc, mặt nam phủ dụ các nước Di, Việt; ngoài thì liên kết với Tôn Quyền, trong thì sửa sang việc chính trị, đợi lúc thiên hạ có biến, sai một thượng tướng đem quân Kinh Châu tiến sang Uyển Lạc, còn tướng quân thì đem quân Ích Châu tiến xa Tần Xuyên, nhất định trăm họ phải đem giỏ cơm bầu nước đến đón tướng quân. Nếu được như thế, nghiệp lớn mới thành, nhà Hán mới phục hưng được. Đó là việc mà Lượng bày tỏ với tướng quân, tướng quân thử xét xem.

Nói xong, sai tiểu đồng đem bản đồ treo giữa nhà, rồi trỏ bảo Huyền Đức rằng:

- Đây là địa đồ năm mươi bốn châu ở Tây Xuyên. Tướng quân muốn thành nghiệp bá, thì phải nhường thiên thời cho Tào Tháo ở phía bắc, nhường địa lợi cho Tôn Quyền ở phía nam, còn tướng quân thì nắm vững lấy nhân hoà. Trước hãy chiếm Kinh Châu làm nơi căn bản, sau lấy đến Tây Xuyên để dựng cơ đồ, hình thành cái thế chân vạc, rồi sau mới tính đến Trung Nguyên được.

Huyền Đức nghe nói, chắp tay tạ rằng:

- Lời nói của tiên sinh, mở sáng chỗ tối tăm cho Bị, làm cho Bị này như gạt đám mây đen trông thấu đến trời xanh. Nhưng Lưu Biểu ở Kinh Châu, Lưu Chương ở Ích Châu đều là tôn thân nhà Hán, Bị sao nỡ cướp lấy?

Khổng Minh nói:

- Ban đêm, Lượng đã xem thiên văn, biết Lưu Biểu cũng không thọ được mấy nỗi nữa. Còn Lưu Chương không phải người chủ lập được cơ nghiệp, sau này Kinh, Xuyên cũng phải về tay tướng quân cả.

Huyền Đức nghe nói, cúi đầu lạy tạ.

Chỉ qua cuộc đàm luận này cũng đủ thấy Khổng Minh chưa ra khỏi lều tranh mà đã biết tình thế thiên hạ chia ba rồi. Thật ngàn xưa không ai sánh kịp!

Người sau có thơ khen rằng:

Dự Châu đang oán bước đường cùng

Nay tới Nam Dương gặp Ngoạ Long,

Muốn biết sau này chia thế vạc,

Địa đồ cười trỏ, đứng mà trông!

Huyền Đức vái mời Khổng Minh và nói:

- Bị tuy danh hèn đức kém, cũng xin tiên sinh chớ bỏ rơi kẻ ngu hèn này, xuống núi giúp đỡ, Bị xin chắp tay cúi đầu nghe lời dạy bảo.

Khổng Minh nói:

- Lượng này lâu nay quen tay cày tay cuốc, chểnh mảng việc đời, không thể vâng mệnh được.

Huyền Đức khóc nói:

- Tiên sinh không xuống núi giúp cho thì trăm họ sẽ ra sao?

Nói xong hai hàng nước mắt lã chã rơi thấm ướt cả vạt áo.

Khổng Minh thấy Lưu Bị quả là thành thật, liền nói rằng:

- Tướng quân đã không ruồng bỏ. Lượng này xin đem hết tài khuyển mã ra phò tá.

Huyền Đức mừng lắm, lập tức gọi Quan, Trương vào lạy dâng lễ vật, vàng, lụa, Khổng Minh từ chối không lấy.

Huyền Đức nói:

- Đó không phải là lễ vật đi cầu bậc đại hiền, mà chỉ là để biểu lộ tấm lòng của Bị này đó thôi!

Khổng Minh mới chịu nhận.

Đêm hôm ấy cả anh em Lưu, Quan, Trương cùng ngủ lại trong trại.

Hôm sau, Gia Cát Quân, về Khổng Minh dặn rằng:

- Ta chịu ân Lưu hoàng thúc ba lần hạ cố, không thể từ chối được. Em ở nhà, chăm việc cày bừa ruộng nương không được bỏ hoang, đợi bao giờ thành công anh sẽ về đây ẩn dật.

Đời sau có bài thơ than rằng:

Chửa bước chân ra vội nghĩ lui

Công thành thân thoái chớ quên lời.

Chỉ vì tiên chúa đinh ninh dặn,

Ngũ Trượng sao sa luống ngậm ngùi!

Lại có một bài cổ phong như sau:

Kiếm cao hoàng vung ba thước ngắn,

Núi Mang Đãng máu rắn chứa chan.

Giết Tần phá Sở gian nan,

Hàm Dương truyền kế hai trăm năm trời.

Vua Quang Vũ nối ngôi Đông Lạc,

Đến Hoàn, Linh cơ nghiệp nghiêng xô.

Hứa Xương vua Hiến dời đô,

Anh hùng bốn bể ồ ồ nổi lên.

Tào Tháo đã chuyên quyền được thể,

Tôn Quyền dựng nghiệp Giang Đông.

Dự Châu một phận long đong,

Nương mình Tân Dã cô cùng một nơi.

Ngoạ Long vốn là người đại chí,

Quân trong tay chia vị chính kỳ,

Nhận lời Từ Thứ khi đi,

Lều tranh ba lượt nằn nì thăm coi.

Tuổi tiên sinh mới hai mươi bảy,

Xếp cầm thư ra khỏi điền viên,

Lấy Kinh rồi lại lấy Xuyên,

Ra tay kinh tế, cán tuyền càn khôn.

Lời đầu lưỡi khua cơn sấm gió,

Mẹo trong lòng sáng tỏ trăng cao.

Rồng bay hổ dữ khác nào.

Xưa nay có một, tiếng cao muôn đời!

Ba anh em Huyền Đức từ biệt Gia Cát Quân, rồi cùng Khổng Minh về Tân Dã. Huyền Đức đãi Khổng Minh vào bậc thầy, ăn cùng một bàn, ngủ cùng một chiếu, hàng ngày chỉ bàn việc thiên hạ. Khổng Minh nói:

- Tào Tháo ở Kinh Châu đào ao Huyền Vũ để tập thuỷ quân, tất có ý muốn xâm chiếm Giang Nam. Ta nên sai người qua sông, dò xem tình hình ra sao.

Huyền Đức nghe lời, sai người sang Giang Đông.

Lại nói từ khi Tôn Sách mất, Tôn Quyền trấn giữ Giang Đông, nối cơ nghiệp của phụ huynh, dùng nhiều hiền sĩ, mở một nhà tiếp khách ở Ngô Hội; sai Cố Ung, Trương Hoành ra đó chiêu đãi tân khách bốn phương. Suốt mấy năm liền, họ lần lượt tiến cử nhau rất nhiều. Như: Hám Trạch, tự là Đức Nhuận ở Cối Kê; Nghiêm Tuấn, tự là Man Tài ở Bành Thành; Tiết Tôn tự là Kính Văn ở huyện Bái; Trình Bỉnh tự là Đức Khu ở Nhữ Dương; Chu Hoàn tự là Hưu Mục và Lục Tích tự là Công Kỷ ở Ngô Quận; Trương Ôn tự là Huệ Thứ ở nước Ngô; Lạc Thống tự là Công Tục ở Ô Thương; Ngô Sán tự là Khổng Hưu ở Ô Trình; tất cả đều tấp nập kéo đến Giang Đông.

Tôn Quyền kính trọng, tiếp đãi rất hậu, lại được mấy tướng giỏi nữa, như: Lã Mông tự là Tử Minh ở Nhữ Dương; Lục Tốn tự là Bá Ngôn ở Ngô Quận; Từ Thịnh tự là Văn Hướng ở Lương Gia; Phan Chương tự là Đông Khê ở Đông Quận; Đinh Phụng tự là Thừa Uyên ở Lư Giang. Văn võ bấy nhiêu người đồng tâm giúp đỡ, cho nên Giang Đông nổi tiếng là thu nạp được nhiều người tài giỏi.

Năm Kiến An thứ bảy, Tào Tháo phá được Viên Thiệu rồi, sai sứ sang Giang Đông bảo Tôn Quyền cho con sang chầu vua. Tôn Quyền còn do dự chưa định. Ngô Thái phu nhân mời gọi bọn Chu Du, Trương Chiêu đến bàn bạc. Trương Chiêu nói:

- Tào Tháo dụ ta cho thế tử vào chầu tức là dùng thế kiềm chế chư hầu đó. Nếu không đi, Tháo kéo đại quân sang đánh Giang Đông, tình hình sẽ nguy ngập.

Chu Du nói:

- Tướng quân thừa kế cơ nghiệp của cha anh, thâu gồm được cả nhân dân sáu quận, binh mạnh lương nhiều, tướng sĩ hết lòng, có việc gì bức bách mà phải đặt con tin với người ta. Đưa con tin đến rồi tất phải phục tùng họ Tào; khi hắn có lệnh, đòi ta không đi không được; như thế chẳng hoá ra cúi đầu chịu cho người ta kiềm chế hay sao? Cứ ý tôi thì không nên cho thế tử vào chầu, đợi sự biến xảy ra, lúc ấy ta sẽ có kế hay đối phó.

Ngô thái phu nhân nói:

- Công Cẩn nói phải đó!

Tôn Quyền nghe theo, khước từ sứ giả, không cho con vào chầu.

Từ đó Tào Tháo có ý muốn đánh Giang Nam. Chỉ vì việc phương bắc chưa yên, nên chưa rảnh tay cất quân nam chinh được.

Đến tháng mười một năm Kiến An thứ tám, Tôn Quyền dẫn quân đánh Hoàng Tổ, hai bên đánh nhau trên sông Đại Giang, quân Tổ thua chạy.

Bộ tướng Tôn Quyền là Lăng Tháo, bơi một chiếc thuyền nhỏ vào Hạ Khẩu, bị tướng địch là Cam Ninh bắn chết. Con Lăng Tháo là Lăng Thống mới mười lăm tuổi, ráng sức cướp lại thây cha đem về.

Quyền thấy chiều gió không lợi, thu quân về Đông Ngô. Lại nói, em Tôn Quyền là Tôn Dực làm thái thú ở Đan Dương, tính nóng lại hay rượu, khi say thường hay đánh đập quân lính. Đốc tướng ở Đan Dương là Vỉ Lãm và quân thừa là Đái Viên vẫn có ý muốn giết Dực. Hai người liền kết bạn tâm phúc với tên tuỳ tùng của Tôn Dực là Biên Hồng cùng nhau bàn âm mưu giết Dực.

Hồi ấy các huyện lệnh và tướng tá đều họp nhau ở Đan Dương. Dực mở tiệc khoản đãi, vợ Dực là Từ thị xinh đẹp, lại thông minh, có tài bói dịch. Hôm ấy, Từ thị bói một quẻ rất xấu, khuyên chồng đừng ra tiếp khách. Dực không nghe.

Đến chiều, tiệc tan, Biên Hồng theo Dực ra ngoài cửa và rút dao chém chết Dực. Vỉ Lãm, Đái Viên đổ tội cho Biên Hồng, bắt Hồng đem chém ở chợ.

Dực chết rồi, hai người thừa thế cướp đoạt của cải, tỳ thiếp của Dực. Vỉ Lãm thấy Từ thị có nhan sắc, mới bảo rằng:

- Ta đã báo thù cho chồng nàng, nàng nên theo ta, nếu không sẽ chết.

Từ thị thưa:

- Chồng thiếp chết chưa được mấy ngày, thiếp đâu nỡ thế. Xin hãy gắng đợi đến ngày ba mươi sửa lễ trừ phục, rồi sẽ xin theo cũng chưa muộn.

Lãm đồng ý.

Từ thị lập tức sai người mật báo hai tướng tâm phúc cũ của chồng là Tôn Cao và Phó Anh đến, khóc bảo rằng:

- Khi chồng thiếp còn sống, vẫn thường bảo hai ông là người trung nghĩa. Nay hai thằng giặc Vỉ, Đái giết chồng thiếp, rồi vu cho Biên Hồng; cướp cả của cải cho chí kẻ hầu người ở, đem chia nhau. Vỉ Lãm lại muốn chiếm cả thân thiếp nữa. Thiếp đã phải giả cách vâng lời cho yên lòng nó. Hai tướng quân nên sai người sớm khuya báo tin với Ngô hầu; một mặt lập kế để trừ hai thằng giặc ấy để rửa thù này, thì kẻ sống người thác ai cũng hàm ân.

Từ thị nói xong bèn sụp xuống lạy.

Tôn Cao, Phó Anh cùng khóc nói:

- Hai chúng tôi ngày xưa đều được đội ơn phu quân. Nay chúng tôi còn cố sống lại, cũng là để tìm kế báo thù cho chủ. Phu nhân đã sai khiến, dám đâu không hết sức!

Bèn mật sai người tâm phúc đi báo Tôn Quyền.

Đến tối ba mươi, Từ thị gọi Tôn, Phó đến trước, mai phục ở sau màn trong phòng ngủ, rồi bày đồ tế lễ. Tế xong, nàng bỏ áo tang ra, tắm gội xông hương, trang điểm lịch sự, cười nói tự nhiên. Vỉ Lãm thấy vậy mừng lắm.

Đến đêm, Từ thị sai Hoàn ra mời Lãm vào phủ, mở tiệc uống rượu. Rượu say rồi, Từ thị mời Lãm vào phòng ngủ, Lãm mừng quýnh, lảo đảo bước vào. Từ thị bèn hô rằng:

- Hai tướng quân Tôn, Phó đâu rồi?

Hai tướng từ trong màn, vác đao nhảy ra. Vỉ Lãm chưa kịp trở tay, đã bị Phó Anh chém một nhát ngã vật xuống đất. Tôn Cao lại bồi thêm một nhát nữa, Lãm chết ngay.

Từ thị lại cho mời cả Đái Viên đến. Viên vừa đến cửa, cũng bị Tôn, Phó giết nốt. Hai người sai bắt giết sạch họ hàng, bè đảng của họ Vỉ và họ Đái. Từ thị lại mặc đồ tang phục, và mang đầu Vỉ Lãm, Đái Viên tế trước linh vị chồng.

Được mấy ngày, Tôn Quyền dẫn quân mã đến Đan Dương, thấy Từ thị đã trừ được hai tên giặc Vỉ, Đái rồi, liền phong cho Tôn Cao, Phó Anh làm nha môn tướng, sai giữ Đan Dương; rồi đem Từ thị về dưỡng lão.

Người Giang Đông ai cũng khen đức họ Từ. Đời sau có thơ rằng:

Lập mẹo trừ gian báo nghĩa chồng

Khôn ngoan tỏ mặt nữ anh hùng,

Tục thần theo giặc, trung thần chết

Mở mắt nhìn xem khách má hồng!

Lại nói, Đông Ngô hồi ấy đã bình định được bọn giặc cướp ở các vùng rừng núi. Trên sông Đại Giang, chiến thuyền có hơn bảy nghìn chiếc.

Tôn Quyền cử Chu Du làm đại đô đốc, tổng chỉ huy cả thuỷ lục quân mã.

Đến tháng mười năm Kiến An thứ mười hai, mẹ Tôn Quyền là Ngô thái phu nhân bị bệnh nguy cấp lắm đòi Chu Du, Trương Chiêu đến trước màn bảo rằng:

- Ta vốn là người nước Ngô, thuở nhỏ cha mẹ mất sớm, cùng với em ta là Ngô Cảnh dời sang Việt Trung, sau ta lấy họ Tôn, sinh được bốn con. Con trưởng là Sách, lúc nó ra đời, ta nằm chiêm bao thấy nuốt mặt trăng vào bụng; con thứ hai là Quyền lúc đẻ ta nằm chiêm bao thấy nuốt mặt trời. Thầy bói nói rằng: Mơ thấy mặt trời, mặt trăng chui vào bụng tất sinh quý tử. Chẳng may Sách mất sớm, nay trao cả cơ nghiệp Giang Đông giao phó cho Quyền. Mong các ngươi hết lòng giúp đỡ, ta có chết cũng được yên tâm.

Lại dặn Tôn Quyền:

- Con phải thờ Tử Bố và Công Cẩn như bậc thầy. Em gái ta cũng lấy cha con, tức là mẹ của con đấy, một mai ta nằm xuống, con phải thờ phụng như mẹ vậy. Còn em gái con cũng phải nuôi dưỡng chu đáo và kén một người chồng giỏi cho nó.

Nói xong thì mất, Tôn Quyền thương khóc, rồi làm lễ tống táng.

Đến mùa xuân năm sau, Tôn Quyền bàn muốn sang đánh Hoàng Tổ. Trương Chiêu can:

- Có tang chưa đầy năm, không nên cất quân vội.

Chu Du nói:

- Việc báo thù rửa hận, cần gì phải đợi hết tang?

Quyền còn do dự chưa quyết, thì Bắc bình đô uý Lã Mông vào thưa rằng:

- Tôi giữ cửa sông bỗng có Cam Ninh là bộ tướng của Hoàng Tổ đến hàng. Tôi hỏi kỹ mới biết rằng Ninh tự là Hưng Bá, quê ở Lâm Giang, thuộc Ba Quận. Hắn làu thông kinh sử, sức khoẻ mạnh, tính hào hiệp, thường vẫn tụ họp những kẻ lánh nạn, tung hoành khắp chốn giang hồ. Hắn đeo một cái chuông đồng, lắc chuông lên, ai nghe cũng phải xa lánh. Lại thường dùng gấm Tây Xuyên làm buồm thuyền, người bấy giờ gọi là “giặc buồm gấm”. Về sau, Cam Ninh hối lại, đổi nết dữ, làm điều thiện, đem quân đến hàng Lưu Biểu, nhưng thấy Biểu hèn kém, muốn sang theo Đông Ngô, lại bị Hoàng Tổ giữ lại ở Hạ Khẩu. Mới rồi, Đông Ngô đến đánh. Tổ cũng nhờ có sức Cam Ninh, mới lấy lại được Hạ Khẩu. Nhưng Tổ bạc đãi Cam Ninh lắm. Đô đốc là Tô Phi nhiều lần tiến cử với Tổ, nhưng Tổ bảo: “Ninh là bọn thuỷ tặc, trọng dụng làm gì!” Do đó Ninh oán giận. Tô Phi biết ý, liền đặt tiệc mời Cam Ninh đến nhà, bảo rằng: “Tôi đã nhiều lần tiến cử ông, nhưng chúa công nhất định không dùng; ngày tháng thoi đưa, đời người thấm thoát, ông nên lo xa. Tôi đã xin cho ông làm huyện trưởng huyện Ngạc, để ông dễ đường ra đi hay ở lại”. Nhờ đó Ninh qua được Hạ Khẩu, muốn đến Giang Đông, lại e Giang Đông oán việc giúp Hoàng Tổ giết Lăng Tháo ngày trước. Tôi nói: “Chúa công mong người hiền như lúc khát cầu nước, không nhớ oán cũ đâu. Vả lúc đó ai cũng thờ chủ người nấy, việc gì mà oán giận”. Ninh mừng rỡ liền dẫn quân sang sông định ra mắt chúa công, xin chúa công định đoạt.

Tôn Quyền mừng lắm, nói:

- Ta được Hưng Bá, chắc phá được Hoàng Tổ.

Rồi sai Lã Mông dẫn Cam Ninh vào.

Ninh chào lạy xong, Quyền nói:

- Hưng Bá về đây, ta thật hả lòng, lẽ nào còn nhắc đến oán hờn? Xin chớ nghi ngờ, hãy cứ bảo ta kế phá Hoàng Tổ.

Ninh nói:

- Nay vận nhà Hán mỗi ngày một suy, Tào Tháo thế tất cướp lấy ngôi vua và cướp lấy Nam Kinh. Lưu Biểu không có chí lớn, con lại ngu hèn, không thể giữ nổi cơ nghiệp. Minh công nên tính sớm, nếu để chậm thì Tào Tháo nhắc tay trên mất. Giờ đây, nên đánh Hoàng Tổ trước, Tổ già lẫn lại tham lam xâm phạm của dân, ai cũng oán ghét; khí giới bỏ rỉ, quân không có kỷ luật gì. Nếu minh công sang đánh tất phá được Tổ. Phá được Hoàng Tổ rồi, khua trống vào phía tây, giữ cửa Sở đánh lấy Ba, Thục. Như thế nhất định nghiệp bá phải thành.

Tôn Quyền mừng rỡ nói:

- Đó thật là những lời vàng ngọc.

Liền cử Chu Du làm đại đô đốc, tổng chỉ huy thuỷ lục quân, Lã Mông làm tiền bộ tiên phong, Đổng Tập, Cam Ninh làm phó tướng, Quyền tự dẫn mười vạn đại quân đi đánh Hoàng Tổ.

Quân do thám được tin vội về báo Giang Hạ.

Hoàng Tổ vội họp phó tướng lại bàn bạc; sai Tô Phi làm đại tướng; Trần Tựu, Đặng Long làm tiên phong đem hết quân Giang Hạ ra đón đánh.

Trần Tựu, Đặng Long mỗi người dẫn một đội chiến thuyền, chẹn ngang Miện Khẩu. Trên mỗi chiến thuyền đều gài hơn nghìn cung nỏ cứng, lại lấy dây xích buộc dằng các thuyền vào với nhau.

Trống trên thuyền vang dậy, cung nỏ bắn ra tua tủa, quân Đông Ngô kéo đến, nhưng không sao tiến lên được, phải lùi xa vài dặm. Cam Ninh bảo Đổng Tập rằng:

- Việc đã thế này, không tiến cũng không xong.

Lập tức lựa hơn trăm chiếc xuồng, mỗi chiếc dùng năm mươi tên quân tinh tráng trong đó hai mươi người bơi xuồng, còn ba mươi người đều mặc áo giáp, tay cầm phạng, xông thẳng đến cạnh chiến thuyền bên địch, bất chấp tên đạn, lăn xả vào chặt đứt dây xích, các thuyền đều quay ngang cả. Cam Ninh nhảy vọt lên thuyền, chém chết Đặng Long. Trần Tựu bỏ thuyền chạy. Lã Mông trông thấy, nhảy ngay xuống xuồng, cầm bơi chèo bơi thẳng vào đội thuyền bên địch, châm lửa đốt. Trần Tựu sắp chạy được lên bờ. Lã Mông cố chèo đuổi theo, sấn đến tận trước mặt, chém một nhát, Trần Tựu chết lăn nhào ra đó. Đến khi Tô Phi dẫn quân tới bờ sông để tiếp ứng, thì các tướng Đông Ngô đã kéo ồ cả lên bờ. Thế không đương nổi, quân Tổ đại bại. Tô Phi đang cắm đầu chạy, gặp ngay đại tướng Đông Ngô là Phan Chương. Hai ngựa kề nhau, chỉ được vài hiệp, Tô Phi bị Chương bắt sống, đem đến nộp Tôn Quyền.

Tôn Quyền sai tả hữu hãy bỏ vào xe tù, đợi bắt được Hoàng Tổ, sẽ giết luôn thể; rồi thúc ba quân đêm ngày đánh phá Hạ Khẩu.

Thế là:

Chỉ vì không dùng giặc buồm gấm,

Đến nỗi ra tro đội chiến thuyền.

Chưa biết Hoàng Tổ được thua thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

Hồi 39

Thành Kinh Châu, công tử ba lần cầu kế;

Gò Bác Vọng, quân sư bắt đầu dùng binh

Lại nói, Tôn Quyền thúc quân công phá Hạ Khẩu, Hoàng Tổ hao binh tổn tướng, biết chừng giữ không nổi, liền bỏ Giang Hạ, chạy về Kinh Châu. Cam Ninh cũng đoán như thế, nên đem quân mai phục sẵn ngoài cửa Đông. Tổ dẫn vài chục quân kỵ xông ra ngoài cửa đông, đang cắm cổ chạy bỗng có tiếng reo ầm ĩ, Cam Ninh chặn lại. Tổ ngồi trên ngựa bảo Ninh rằng:

- Ta chưa hề bạc đãi nhà ngươi, nay sao bức nhau quá vậy?

Ninh mắng rằng:

- Trước ở Giang Hạ, lập bao nhiêu công lao, thế mà ngươi vẫn coi ta là giặc cướp sông, nay còn muốn gì?

Hoàng Tổ thấy xin không được bèn tế ngựa chạy. Cam Ninh thúc quân rượt tới. Đương đuổi lại nghe thấy sau núi có tiếng reo hò, Ninh ngoảnh lại xem ai thì hoá ra là Trình Phổ. Ninh sợ Phổ đến tranh công, vội giương cung đặt tên bắn một phát, Hoàng Tổ lăn xuống ngựa, Ninh chặt lấy đầu quay ngựa trở lại, phối hợp với quân Trình Phổ, cùng về ra mắt Tôn Quyền, dâng đầu Hoàng Tổ. Quyền sai bỏ vào hòm gỗ, đợi khi về Giang Đông sẽ đặt lên tế bố rồi trọng thưởng cho ba quân, và thăng Cam Ninh lên chức đô uý.

Tôn Quyền bàn muốn chia quân giữ Giang Hạ, Trương Chiêu nói:

- Không nên giữ cái thành trơ trọi ấy làm gì, hãy rút quân về Giang Đông. Lưu Biểu được tin ta phá Hoàng Tổ, tất lại báo thù; ta đem quân nghỉ ngơi đánh quân khó nhọc, chắc thắng Lưu Biểu. Biểu thua, ta sẽ thừa thế đánh dấn đi, Kinh Tương nhất định về tay ta.

Quyền nghe lời, liền rút hết cả quân về Giang Đông. Dọc đường, Tô Phi ở trong xe tù mật sai người cầu cứu Cam Ninh. Ninh nói:

- Điều đó Phi chẳng nói, ta cũng đã nghĩ đến.

Khi đại quân về đến Ngô Hội, Tôn Quyền sai đem chém Tô Phi, để lấy đầu Phi và đầu Tổ dâng lên tế bố.

Cam Ninh vào ra mắt Tôn Quyền, rập đầu xuống lạy, kêu rằng:

- Tôi trước kia không gặp được Tô Phi, thì xương thịt ngày nay đã lấp đầy rãnh rồi, còn đâu được gắng sức hầu hạ dưới cờ của tướng quân. Tội Phi thực đáng chết, nhưng cũng vì chút nghĩa ấy, tôi xin đem nộp lại chức để chuộc tội cho Phi.

Quyền nói:

- Hắn từng ban ơn cho ngươi, nên ta vì ngươi mà tha cho hắn. Nhưng nếu hắn trốn mất thì sao?

Ninh nói:

- Phi được thoát chết sẽ đội ơn chúa công vô cùng, lẽ đâu còn trốn. Nếu Phi trốn đi, tôi xin đem đầu nộp dưới thềm.

Tôn Quyền bèn tha cho Tô Phi, chỉ đem đầu Hoàng Tổ làm lễ tế bố. Tế xong Quyền họp đại hội văn võ mở tiệc ăn mừng. Đương khi chén tạc chén thù, bỗng thấy một người đứng dậy khóc rống lên, rồi rút gươm toan chém Cam Ninh. Cam Ninh vội vác ghế đỡ. Tôn Quyền giật mình, nhìn ra là Lăng Thống. Trước kia khi Cam Ninh ở Giang Hạ, bắn chết cha Thống; nay thấy mặt Ninh, Thống liền muốn báo thù.

Quyền vội vàng ngăn lại bảo Thống rằng:

- Hưng Bá bắn chết cha ngươi, bấy giờ ai cũng thờ chủ người nấy, không thể không gắng sức. Nay đều là người một nhà, lại còn nhắc đến thù cũ làm gì? Muôn việc phải nể mặt ta mới được.

Lăng Thống rập đầu khóc to, nói:

- Cái thù không đội trời chung này, không thể không báo!

Quyền và các quan khuyên can mãi, Lăng Thống chỉ trừng mắt nhìn Cam Ninh. Ngay hôm ấy, Tôn Quyền sai Cam Ninh dẫn năm nghìn quân và một trăm chiếc thuyền ra trấn thủ Hạ Khẩu để tránh mặt Lăng Thống. Lại phong thêm cho Thống làm đô uý; Thống phải nhịn, nhưng bụng vẫn căm.

Từ đó Đông Ngô đóng nhiều chiến thuyền, chia quân phòng thủ bờ sông, sai Tôn Tĩnh dẫn một đạo quân giữ Ngô Hội. Quyền tự lĩnh đại quân đóng ở Sài Tang. Chu Du hàng ngày luyện tập thuỷ quân ở hồ Phiên Dương để phòng khi đánh dẹp.

Lại nói, Huyền Đức sai quân đi thăm dò tin tức Giang Đông, quân về báo:

- Đông Ngô đã phá vỡ Hoàng Tổ rồi, nay đương đóng quân ở Sài Tang.

Huyền Đức mời Khổng Minh đến bàn bạc. Đang nói chuyện chợt có sứ của Lưu Biểu đến mời Huyền Đức sang Kinh Châu bàn việc. Khổng Minh nói:

- Chắc là vì Giang Đông phá vỡ Hoàng Tổ, nên Lưu Biểu mới cho mời sứ quân sang bàn kế báo thù. Tôi xin đi cùng, tuỳ cơ ứng biến sẽ có mẹo hay.

Huyền Đức nghe lời, để Quan Công ở lại giữ Tân Dã và sai Trương Phi dẫn năm trăm binh mã đi theo sang Kinh Châu. Huyền Đức ngồi trên ngựa, hỏi Khổng Minh rằng:

- Nay vào gặp Cảnh Thăng nên đối đáp thế nào?

Khổng Minh nói:

- Trước hết nên xin lỗi vụ Tương Dương đã. Nếu Biểu sai chúa công sang đánh Giang Đông không nên nhận lời ngay. Chỉ nói hãy về Tân Dã thu xếp quân mã đã.

Huyền Đức nghe theo. Đến Kinh Châu, Huyền Đức vào nhà khách nghỉ ngơi, để Trương Phi đóng quân ngoài thành, rồi cùng Khổng Minh vào yết kiến Lưu Biểu. Làm lễ xong, Huyền Đức đứng đưới thềm xin lỗi.

Biểu nói:

- Ta đã biết rõ vụ hiền đệ bị mưu hại rồi. Lúc đó ta định chém ngay Sái Mạo để tạ hiền đệ, vì có nhiều người van xin, nên mới tạm tha, xin hiền đệ tha thứ cho ta.

Huyền Đức nói:

- Tôi nghĩ việc ấy không can gì đến Sái tướng quân mà do người dưới đấy thôi!

Lưu Biểu nói:

- Nay Giang Hạ thất thủ, Hoàng Tổ bị giết, nên mời hiền đệ đến bàn kế báo thù.

Huyền Đức nói:

- Hoàng Tổ tính thô bạo, không biết dùng người, mới gặp vạ ấy. Nay nếu ta cất quân nam chinh, lỡ Tào Tháo ở mặt bắc kéo đến thì làm thế nào?

Biểu nói:

- Tôi nay tuổi già đau yếu, không làm việc được, hiền đệ nên lại đây giúp tôi. Một mai tôi mất rồi, hiền đệ sẽ làm chủ Kinh Châu này.

Huyền Đức nói:

- Sao anh dạy thế? Cái thế như Bị này gánh vác sao nổi việc lớn ấy?

Khổng Minh đưa mắt ra hiệu cho Huyền Đức, Huyền Đức nói:

- Hãy cho thư thả, để Bị nghĩ một kế hay.

Nói rồi, liền cùng Khổng Minh về nhà khách. Khổng Minh nói:

- Cảnh Thăng muốn trao Kinh Châu cho chúa công, sao lại từ chối?

Huyền Đức nói:

- Cảnh Thăng đãi ta rất hậu, sao lại nỡ nhân lúc nguy mà cướp cơ nghiệp người ta.

Khổng Minh than rằng:

- Thật là một vị chúa nhân từ!

Hai người đương nói chuyện, chợt báo có công tử Lưu Kỳ xin vào gặp. Huyền Đức mời vào, Kỳ khóc nói rằng:

- Dì ghẻ cháu ghét cháu lắm, tính mệnh cháu nguy đến nơi, xin chú thương tình cứu cho.

Huyền Đức nói:

- Đấy là việc riêng trong nhà cháu, sao lại đi hỏi chú?

Khổng Minh mỉm cười. Huyền Đức hỏi kế Khổng Minh.

Khổng Minh nói:

- Đấy là việc nhà, tôi không dám biết đến.

Một lúc, Huyền Đức tiễn Lưu Kỳ ra đến cửa, rồi ghé vào tai Kỳ nói nhỏ:

- Đến mai ta sai Khổng Minh đến tạ cháu, cháu nên… như thế… như thế… Ông ta sẽ có diệu kế.

Kỳ từ tạ ra về. Hôm sau, Huyền Đức giả cách đau bụng, nhờ Khổng Minh thay mình đến tạ Lưu Kỳ. Khổng Minh vâng lời, đi đến cửa nhà Lưu Kỳ, xuống ngựa, vào gặp Lưu Kỳ. Kỳ mời vào nhà trong. Uống nước xong, Kỳ nói:

- Kế mẫu muốn hại Kỳ, xin tiên sinh cứu cho.

Khổng Minh nói:

- Lượng là một người khách đâu dám nhúng tay vào việc gia đình của người khác, lỡ có điều gì bị lộ thì hại to.

Nói xong, đứng dậy cáo từ. Kỳ nói:

- Tiên sinh đã hạ cố đến đây, xin đừng vội về.

Liền dắt Khổng Minh vào phòng uống rượu. Vừa được vài chén, Kỳ lại nói:

- Kế mẫu không muốn dùng Kỳ, xin tiên sinh cho một lời giải nguy.

Khổng Minh lại nói:

- Việc này Lượng không dám bàn đến.

Nói xong lại muốn ra về.

Kỳ nói:

- Tiên sinh không nói thì thôi, sao cứ đòi về?

Khổng Minh lại ngồi xuống.

Kỳ nói:

- Kỳ có bó sách cổ xin mời tiên sinh lên xem qua một chút.

Nói rồi Kỳ dắt Khổng Minh lên trên lầu nhỏ.

Khổng Minh hỏi:

- Sách đâu?

Kỳ khóc nói:

- Kế mẫu không dung, tính mạng Kỳ đang treo đầu sợi tóc. Tiên sinh nỡ nào không một lời giải cứu?

Khổng Minh bực mình đứng dậy, định trở xuống thì thang đã cất đi rồi.

Kỳ thưa rằng:

- Kỳ muốn cầu cứu kế hay, nhưng tiên sinh sợ tiết lộ, nên không chịu nói. Nay ở chốn này, trên không đến trời, dưới không đến đất, miệng tiên sinh nói ra, chỉ có tai Kỳ nghe thấy, xin tiên sinh dạy cho.

Khổng Minh nói:

- Người sơ không nên làm ly gián người thân, Lượng sao dám bày mưu cho công tử?

Kỳ nói:

- Tiên sinh không bảo cho, thì mạng Kỳ chắc không vẹn toàn. Kỳ xin chết ngay trước mặt tiên sinh.

Liền rút gươm ra muốn tự vẫn.

Khổng Minh vội ngăn lại nói:

- Hãy thong thả ta đã có kế hay đây.

Kỳ lạy, nói:

- Xin tiên sinh dạy bảo ngay cho.

Khổng Minh nói:

- Công tử há không biết chuyện Thân Sinh và Trùng Nhĩ đấy ư

[1]

? Thân Sinh ở trong thì chết, Trùng Nhĩ ở ngoài thì yên. Nay Hoàng Tổ mới chết. Giang Hạ thiếu người phòng thủ, công tử nên xin đem quân ra giữ ở đó, chắc có thể tránh được tai vạ.

Kỳ mừng rỡ bái tạ Khổng Minh một lần nữa, rồi gọi người bắc thang đưa Khổng Minh xuống gác.

Khổng Minh về gặp lại Huyền Đức thuật lại chuyện ấy, Huyền Đức mừng lắm.

Hôm sau, Lưu Kỳ dâng thư, xin đi trấn Giang Hạ. Lưu Biểu lúng túng, cho mời Huyền Đức vào bàn. Huyền Đức nói:

- Giang Hạ là chốn quan trọng, không nên sai người ngoài, cần phái công tử đi. Việc ở mặt đông nam, thì xin huynh trưởng cùng các cháu đảm đương, còn mặt tây bắc, Bị xin coi giữ.

Biểu nói:

- Mới đây, tôi nghe Tào Tháo ở Nghiệp Quận đào ao Huyền Vũ để luyện tập thuỷ quân, tất có ý đánh xuống miền nam, ta cần phải đề phòng.

Huyền Đức đáp:

- Em đã biết, xin anh đừng lo.

Nói rồi, bái từ về Tân Dã. Lưu Biểu sai ngay Lưu Kỳ dẫn ngay ba nghìn quân ra trấn thủ Giang Hạ.

Lại nói Tào Tháo bãi chức tam công, tự phong mình làm thừa tướng kiêm cả ba chức ấy, cử Mao Giới làm đông tào duyện, Thôi Viêm làm tây tào duyện; Tư Mã Ý làm văn học duyện.

Tư Mã Ý tự là Trọng Đạt, quê ở Hà Nội, quận Ôn; con quan doãn Kinh Triệu là Tư Mã Phong; cháu thái thú Dĩnh Châu Tư Mã Tuấn, em quan chủ bạ Tư Mã Lãng.

Tháo biên chế quan văn đâu vào đấy rồi, bèn họp cả các tướng bàn xuống việc đánh phương nam.

Hạ Hầu Đôn đứng lên nói rằng:

- Gần đây nghe tin Lưu Bị ở Tân Dã, ngày ngày luyện tập quân sĩ. Để vậy, tất có lo về sau, nên sớm liệu đi mới được.

Tháo sai ngay Hạ Hầu Đôn làm đô đốc, Vu Cấm, Lý Điển, Hạ Hầu Lan, Hàn Hạo làm phó tướng, lĩnh mười vạn quân kéo thẳng đến thành Bác Vọng để thừa cơ đánh vào Tân Dã.

Tuân Úc can rằng:

- Lưu Bị đã là anh hùng, lại thêm có Gia Cát Lượng làm quân sư, không nên khinh địch.

Đôn nói:

- Lưu Bị như lũ chuột, thế nào ta cũng bắt được.

Từ Thứ nói:

- Xin tướng quân chớ coi thường Huyền Đức, nay Huyền Đức được Gia Cát Lượng giúp đỡ, chẳng khác hổ thêm cánh đấy.

Tháo hỏi:

- Gia Cát Lượng là người thế nào?

Thứ đáp:

- Lượng tự là Khổng Minh, tên hiệu Ngoạ Long tiên sinh, có tài ngang trời dọc đất, có mưu xuất quỷ nhập thần, thật là kỳ sĩ đời nay, không nên xem nhẹ.

Tháo hỏi:

- So với ông thế nào?

Thứ nói:

- Tôi đâu dám sánh với Lượng. Thứ này chỉ là ánh đom đóm, còn Lượng là ánh trăng rằm.

Hạ Hầu Đôn nói:

- Nguyên Trực lầm rồi. Tôi coi Gia Cát Lượng như cỏ rác, sợ quái gì. Nếu tôi đánh một trận, không bắt sống được cả Lưu Bị và Gia Cát Lượng, thì tôi xin đem đầu về chịu tội với thừa tướng.

Tháo nói:

- Được, ngươi sớm đưa tin thắng trận về cho ta hả dạ.

Đôn phấn khởi, từ biệt Tào Tháo, dẫn quân lên đường.

Lại nói từ khi được Khổng Minh, Huyền Đức đối đãi như bậc thầy. Quan, Trương thấy vậy không bằng lòng, nói:

- Khổng Minh tuổi trẻ, có tài cán gì, sao anh trọng đãi quá thế? Vả lại từ khi về đây, đã thấy y làm được việc gì tài ba đâu!

Huyền Đức nói:

- Ta được Khổng Minh như cá được nước, hai em chớ nên nhiều lời.

Hai người nghe nói lẳng lặng lui ra.

Một hôm có người đem biếu một cái đuôi trâu, Huyền Đức dem đuôi trâu đan thành chiếc mũ. Khổng Minh ở ngoài vào trông thấy, nghiêm sắc mặt lại nói:

- Minh công không còn phải lo đến việc gì nữa à?

Huyền Đức vội vàng ném chiếc mũ xuống và xin lỗi:

- Tôi mượn việc đó để tiêu khiển đấy thôi!

Khổng Minh nói:

- Minh công tự so mình với Tào Tháo như thế nào?

Huyền Đức nói:

- Không bằng được!

Khổng Minh nói:

- Quân của minh công chẳng qua được vài nghìn, nếu quân Tào kéo đến đánh thì lấy gì chống cự?

Huyền Đức nói:

- Chính tôi đương lo việc ấy nhưng nghĩ chưa ra kế nào hay.

Khổng Minh nói:

- Minh công nên cho tuyển mộ thật nhiều dân binh để tôi huấn luyện thì có thể chống được giặc.

Huyền Đức liền tuyển mộ ngay được ba nghìn người. Khổng Minh sớm tối dạy bảo diễn tập phương pháp đánh trận.

Chợt có người báo Tào Tháo sai Hạ Hầu Đôn dẫn mười vạn quân rầm rộ kéo đến Tân Dã. Trương Phi nghe tin, nói với Quan Công rằng:

- Tốt hơn hết, nên để Khổng Minh ra nghênh địch.

Giữa lúc ấy, Huyền Đức cho gọi hai người vào, bảo rằng:

- Hạ Hầu Đôn kéo quân đến rồi, ta đối phó như thế nào?

Trương Phi nói:

- Sao đại huynh không sai “nước”[2]

đi để chống giặc.

Huyền Đức nói:

- Mưu thì ta phải nhờ đến Khổng Minh, nhưng dũng cảm thì phải nhờ đến hai anh em mới xong, không nên suy tị như thế.

Quan, Trương đi ra, Huyền Đức mời Khổng Minh đến bàn, Khổng Minh nói:

- Chỉ sợ Quan, Trương không phục tùng hiệu lệnh. Nếu chúa công thực muốn tôi chỉ huy, xin giao kiếm ấn cho tôi.

Huyền Đức sai lấy kiếm ấn trao cho Khổng Minh, Khổng Minh liền họp các tướng lại để nghe lệnh. Trương Phi bảo Vân Trường rằng:

- Ta hãy thử đến nghe lệnh, xem hắn xếp đặt ra sao?

Khổng Minh truyền lệnh:

- Bên tả núi Bác Vọng có núi Dự Sơn, bên hữu có rừng An Lâm, có thể phục quân mã được. Vân Trường dẫn một nghìn quân ra mai phục ở núi Dự Sơn đón địch, địch kéo đến, cứ mặc cho chúng đi qua, khi nào các xe lương thực tới, nếu thấy mé nam có hiệu lửa sẽ thả quân ra đánh, đốt sạch lương thực của giặc đi. Dực Đức dẫn một nghìn quân ra sau rừng An Lâm, mai phục trong hang núi, cũng đợi khi nào mé nam có hiệu lửa bấy giờ sẽ kéo đến đốt kho lương ở thành Bác Vọng. Quan Bình, Lưu Phong dẫn năm trăm quân sắp sẵn củi đuốc, chực ở hai bên sườn gò Bác Vọng, chập tối địch kéo đến, thì đốt lửa lên. Lại gọi Triệu Vân ở Phàn Thành về sai đi tiền bộ, không cần đánh đuợc mà chỉ đánh cốt lấy thua, chúa công dẫn một toán quân tiếp ứng. Ai nấy đều phải theo kế mà làm, không được để lỡ.

Vân Trường nói:

- Chúng tôi đều ra nghênh địch cả, không hiểu quân sư ngài nhận việc gì?

Khổng Minh nói:

- Ta chỉ ngồi nhà giữ thành.

Trương Phi cười ầm lên nói:

- Chúng tôi đều đi đánh nhau cả, còn ông thì ngồi khểnh ở nhà, thảnh thơi quá!

Khổng Minh nói:

- Kiếm ấn ở đây, ai không tuân lệnh, ta lập tức chém đầu.

Huyền Đức nói:

- Hai em phải biết “Người có tài ngồi trong màn quyết thắng ở ngoài nghìn dặm”, hai em không được trái lệnh.

Trương Phi nói:

- Hãy xem kế của hắn có hiệu nghiệm không đã, bấy giờ ta sẽ hỏi tội cũng chưa muộn.

Hai người đem quân đi. Các tướng cũng chưa ai biết thao lược của Khổng Minh ra sao, nay nghe lệnh, nhưng vẫn nghi hoặc, không được yên tâm.

Khổng Minh bảo Huyền Đức rằng:

- Chúa công nay dẫn quân đến dưới núi Bác Vọng đóng đồn. Tối mai thế nào quân giặc cũng kéo đến, chúa công nên bỏ trại rút chạy, hễ thấy lửa cháy thì lập tức đem quân quay lại đánh. Tôi cùng My Chúc, My Phương dẫn năm trăm quân giữ huyện.

Lại sai Tôn Càn, Giản Ung sắp sẵn tiệc ăn mừng và sổ ghi công. Mọi việc sắp đặt đã xong, nhưng chính Huyền Đức cũng còn ngờ vực.

Lại nói Hạ Hầu Đôn cùng bọn Vu Cấm, dẫn quân đến thành Bác Vọng, chia một nửa tinh binh làm tiền đội, còn bao nhiêu đi sau bảo vệ xe lương thực.

Bấy giờ đương mùa thu, gió may hây hẩy. Quân mã đương đi, trông thấy trước mặt cát bay mịt mù, Đôn liền dàn thành thế trận và hỏi quan hướng đạo:

- Đây là chỗ nào?

Quan hướng đạo thưa:

- Trước mặt là gò Bác Vọng, mé sau là cửa sông La Xuyên.

Đôn sai Vu Cấm, Lý Điển giữ vững góc trận, tự mình cưỡi ngựa ra trước trận, nhìn về phía xa xa thấy một toán quân mã kéo lại, Đôn cười ầm lên. Các tướng lấy làm lạ hỏi:

- Tướng quân cười gì thế?

Đôn nói:

- Ta cười Từ Nguyên Trực khoe với thừa tướng rằng Gia Cát Lượng là người giỏi. Nay xem cách dùng binh của hắn, đem thứ quân mã thế kia đối địch với ta, khác nào đem đàn dê đánh nhau với hổ báo. Ta đã nói trước mặt thừa tướng rằng sẽ bắt sống Lưu Bị và Gia Cát Lượng, nay nhất định ta làm được việc ấy.

Nói rồi Đôn tế ngựa xông lên.

Triệu Vân ra ngựa, Đôn mắng rằng:

- Bọn mi theo Lưu Bị có khác gì cô hồn theo ma quỷ.

Vân cả giận tế ngựa lại đánh, được vài hiệp giả tảng thua chạy. Hạ Hầu Đôn đuổi theo, Vân chạy độ hơn mười dặm, quay ngựa lại đánh, chưa được vài hiệp lại chạy.

Hàn Hạo tế ngựa lên trước can rằng:

- Triệu Vân dử địch sợ có mai phục.

Đôn nói:

- Quân giặc như thế, dẫu có mai phục cả mười mặt, ta cũng chẳng sợ!

Rồi Đôn nhất định không nghe lời Hàn Hạo, đuổi thẳng đến gò Bác Vọng. Bỗng nghe pháo nổ, Huyền Đức tự dẫn quân xông tới tiếp ứng.

Hạ Hầu Đôn cười, bảo Hàn Hạo rằng:

- Quân mai phục đó! Ta không đến được Tân Dã chiều nay, thì nhất định không nghỉ quân.

Nói xong, Đôn lại thúc quân tiến lên. Huyền Đức và Triệu Vân rút chạy.

Bấy giờ trời đã tối, mây kéo dày đặc, lại không có ánh trăng. Gió thổi càng mạnh. Hạ Hầu Đôn cứ thúc quân đuổi miết. Vu Cấm, Lý Điển đi vào quãng đường hẹp nhỏ, thấy hai bên lau sậy um tùm.

Điển bảo Cấm rằng:

- Khinh địch tất phải thua. Phía nam này, đường sá chật hẹp, sông núi san sát cây cối rậm rạp, nếu địch đánh hoả công thì tính sao?

Cấm nói:

- Người nói phải đó. Ta nên tiến lên trước nói với đô đốc cho hậu quân đóng lại.

Lý Điển quay ngựa trở lại, hô:

- Hậu quân hãy đi chậm lại!

Nhưng người ngựa đương chạy như vũ bão, không tài nào kìm lại được.

Vu Cấm vội tế ngựa lên trước, gọi to rằng:

- Tiền quân của đô đốc dừng lại!

Hạ Hầu Đôn đương chạy, thấy Vu Cấm rượt tới liền hỏi duyên cớ làm sao. Cấm nói:

- Phía nam này đường sá chật hẹp, sông núi san sát, cây cối rậm rạp, phải đề phòng hoả công mới được.

Đôn sực tỉnh, lập tức truyền lệnh cho quân mã không được tiến công nữa. Nói chưa dứt lời, sau lưng đã có tiếng reo hò ầm ĩ, lửa cháy đùng đùng; tiếp đó hai bên lau sậy cũng bốc cháy. Chỉ trong chớp mắt, ba bề bốn bên biến thành biển lửa, lại gặp gió to, lửa bốc càng mạnh, quân Tào dẫm đạp lên nhau, chết không biết bao nhiêu mà kể.

Triệu Vân quay lại đánh giết, Hạ Hầu Đôn xông pha ra khỏi được biển lửa chạy thục mạng.

Khi Lý Điển thấy tình thế không lợi, vội quay gấp về thành Bác Vọng, thì gặp ngay một cánh quân chặn đường đi đầu là Vân Trường. Lý Điển xông ngựa đánh bừa, cướp đường tháo chạy. Vu Cấm thấy xe lương bị cháy sạch, liền men theo đường nhỏ chạy trốn.

Hạ Hầu Lan, Hàn Hạo xúm lại cứu xe lương thì chạm trán Trương Phi. Chưa được vài hiệp, Lan bị Phi cho một xà mâu chết lăn nhào xuống ngựa. Hạo cướp đường chạy thoát.

Hai bên đánh nhau suốt một đêm: Quân Tào bị giết, xác chất đầy đồng, máu chảy thành sông.

Đời sau có thơ rằng:

Bác Vọng dùng mưu đánh hoả công

Cười cười nói nói vẫn ung dung

Tào Man nghe tiếng hồn bay bổng

Rời khỏi lều tranh đệ nhất công!

Hạ Hầu Đôn nhặt nhạnh tàn quân, rút về Hứa Xương.

Khổng Minh cũng thu quân về. Quan, Trương, hai người nhìn nhau, nói:

- Khổng Minh quả là bậc anh tài!

Đi chưa được vài dặm, gặp My Chúc, My Phương dẫn quân xúm xít theo hầu một cỗ xe nhỏ; trong xe có một người ngồi chễm chệ, chính là Khổng Minh. Quan, Trương xuống ngựa sụp lạy. Một lúc Huyền Đức, Triệu Vân, Lưu Phong, Quan Bình đều đến, thu thập quân sĩ, đem lương thảo bắt được chia cho tướng sĩ, rồi kéo quân về Tân Dã.

Trăm họ ra đón rước chật hai bên đường vái, lạy mà nói rằng:

- Chúng tôi được an toàn, cũng là nhờ sứ quân dùng được người hiền vậy.

Khổng Minh về đến huyện, bảo Huyền Đức rằng:

- Hạ Hầu Đôn thua, thế nào Tào Tháo cũng đem đại quân đến.

Huyền Đức nói:

- Nếu vậy thì làm thế nào?

Khổng Minh nói:

- Tôi đã có một kế địch được quân Tào.

Thế là:

Phá giặc, chưa thể dừng ngựa chiến

Tránh quân, lại phải cậy mưu hay.

Chưa biết Khổng Minh bày kế gì, xem đến hồi sau sẽ rõ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: