Tâm Lý Học Macxit
Nguồn: http://vuau.wordpress.com/
Trước hết, hai câu đầu bài thơ là một nhận xét có giá trị như một sự tổng kết những trải nghiệm về nhân cách con người:
Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền
ở đây, Bác đã đúc kết sự thật thông qua một sự quan sát: lúc ngủ, mọi người đều thuần hậu, hiền lành; tỉnh dậy mới phân biệt người thiện, kẻ ác.
Chúng ta đều biết rằng, con người là một thực thể tự nhiên, nhưng con người cũng là một thực thể xã hội. Cái làm nên bản chất người chính là những Năng lực người. Năng lực ấy bao gồm năng lực ngôn ngữ, năng lực chế tác-sử dụng công cụ lao động và đặc biệt, năng lực biết “lao động theo quy luật của cái đẹp” (K. Marx), năng lực thiết lập các mối quan hệ xã hội… Bản chất của năng lực người là sự kết tinh nền văn minh xã hội theo hai con đường: một mặt, con người hướng các tác động của mình ra bên ngoài (đây là quá trình “xuất tâm”), mặt khác, con người “nhập tâm” những giá trị của nền văn minh xã hội theo cơ chế chuyển cái “cách” hành động vật chất bên ngoài vào thành những hoạt động tâm lý tinh thần bên trong . Cả hai quá trình ấy, suy cho cùng đều thông qua con đường hoạt động và giao lưu. Cũng chính qua hoạt động và giao lưu, con người đã hình thành và phát triển các năng lực người, tạo nên cho mình một bộ mặt nhân cách riêng.
Bộ mặt nhân cách ấy trong thơ Bác biểu đạt bằng các từ “hiền“, “dữ“, ” lương thiện“. Khi ta nói ai đó dữ hoặc hiền, đấy là lúc ta muốn nói về tính tình, tính cách vốn là những đặc điểm riêng không lặp lại ở mỗi cá nhân, những đặc điểm riêng ấy tạo nên sự phân biệt rõ ràng cá nhân này với cá nhân khác. Ta cũng lại thường dùng các từ “lương thiện”, bất lương” để chỉ phẩm chất, tính cách bên trong của một người nào đó. Những từ ngữ ấy được tâm lý học hội lại trong khái niệm Nhân cách – “tổ hợp những đặc điểm, thuộc tính tâm lý của một cá nhân, bộ mặt tâm lý của cá nhân đó cũng như giá trị xã hội của người đó“(2).
Tính khoa học và biện chứng trong nhãn quan của Bác thể hiện rất rõ ở chỗ: Người phân biệt một cách rõ ràng và chỉ ra thật tường minh các hình thái biểu hiện của các thuộc tính nhân cách. Hình thái thứ nhất là Ngủ. Đây là hình thái tồn tại thuần tuý sinh học của con người bởi con người khi ngủ chỉ bao gồm chủ yếu các vận động sinh học. Khi ấy, con người ở trạng thái vô thức. Không có hoạt động và giao lưu xã hội thì nhân cách không có cơ hội để bộc lộ. Do vậy, ở vào thời điểm ấy, tình trạng ấy, ai cũng như ai, một vị tu hành đức độ cũng như một tên tội phạm, tất thảy đều “lương thiện”, hiền lành. Chí Phèo đó, nhân vật chính trong kiệt tác cùng tên của nhà văn Nam Cao, “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, kẻ “chuyên đâm thuê, chém mướn”, dữ tợn là thế, hung ác là thế, mà khi hắn ngủ, “người ta” vẫn cảm thấy “hắn mới hiền lành làm sao”…Nhìn Chí Phèo ngủ, người ta khó có thể nghĩ rằng, trước đó chưa lâu, hắn rượu say rồi sẵn sàng rạch mặt ăn vạ, đốt nhà, và sẵn sàng làm bất cứ điều gì hắn muốn.
Trong triết lý phương Đông, người ta thường hay nói đến “hành tàng” và “xuất xử” như là những trạng thái tồn tại rất cơ bản của con người. Đây là thể thống nhất của hai mặt đối lập, tĩnh và động, tiềm ẩn bên trong và hiện hữu bên ngoài. Hai trạng thái ấy được Bác thể hiện qua hai từ “thức” và “ngủ”. Với những năng lực người vốn có của mình, con người tham gia vào các hoạt động và giao lưu trong hai trạng thái nói trên.
Chính trong và qua các hoạt động giao lưu, nhân cách con người được bộc lộ rõ nét với những phẩm chất, năng lực phong phú và đa dạng. Bởi vậy, khi Bác viết: “Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền” là chỉ ra mối quan hệ qua lại rất biện chứng giữa hoạt động, giao lưu xã hội với việc hình thành và phát triển nhân cách. Thiện – ác, dữ – hiền được bộc lộ ra lúc thức, bằng những hành động cụ thể hàng ngày. Việc nhìn nhận, đánh giá, phân định con người cũng căn cứ ở hành động và hậu quả của những việc làm tốt xấu của chính con người đó. Câu thơ vì thế vừa có giá trị như một kết luận của tâm lý học hiện đại: hoạt động-giao lưu là phương thức tồn tại của con người, chỉ có trong hoạt động – giao lưu và bằng hoạt động- giao lưu, mỗi cá thể người tự sinh thành ra mình, tự tạo ra nhân cách cho chính mình; lại vừa có giá trị như một bài học giáo dục về việc nhìn nhận xem xét con người. Đồng thời, nó cũng phản ánh một vấn đề rất cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử macxit: hoạt động, lao động đã sản sinh ra con người.
2. Hai câu thơ sau thể hiện quan điểm duy vật biện chứng trong việc xem xét bản tính con người và nhận diên rõ xem yếu tố nào có vai trò chủ đạo trong việc hình thành và phát triển nhân cách:
” Hiền dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên.”
Bản tính con người vốn tính thiện hay tính ác? ác hay thiện có phải là tiền định và cố hữu? Vấn đề này, xưa đến nay, qua bao đời, bao thế hệ, từ người bình thường tới các bậc hiền triết, đã nhiều bàn cãi. ở Trung Hoa, từ Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử… cho đến các thế hệ nho gia sau này, người thì cho rằng con người ta vốn tính thiện, kẻ thì bảo con người vốn tính ác. Theo dòng thời gian, vấn đề vẫn chưa ngã ngũ, vẫn thu hút tâm trí của của những trí tuệ lớn với những cách lý giải, khẳng đinh không giống nhau.
Trong lịch sử phát triển tâm lý học, cũng có không ít quan niệm sai lầm về vai trò các yếu tố trên khi tham gia vào quá trình cấu thành và phát triển tâm lý người. Thuyết tiền định (thuyết phát sinh sinh vật) quả quyết rằng, những đặc điểm bẩm sinh di truyền có tác dụng quyết định đối với số lượng và chất lượng của sự phát triển tâm lý; rằng bộ mặt tâm lý cá nhân được tiền định và đã có sẵn trong cấu trúc sinh học. Thuyết duy cảm (thuyết phát sinh xã hội) lại cho rằng, môi trường là yếu tố quyết định các yếu tố phát triển tâm lý con người. Tiến bộ hơn là các quan điểm của Thuyết hội tụ hai yếu tố (bẩm sinh di truyền và môi trường), Thuyết hành vi…Tuy nhiên, ở mối thuyết ấy đều có những hạn chế nhất định.
Hồ Chí Minh không đứng về một luận thuyết nào, cũng không triết trung cả hai thuyết như những nhà nho theo đạo trung dung từng cho rằng con người ta vừa tính thiện, vừa ác. Bác có chính kiến riêng của mình. Trước hết, Bác phủ nhận quan điểm cho rằng, đức tính con người là “tính sẵn”, là do tiền định.
Ta biết rằng, quá trình hình thành và phát triển nhân cách được diễn ra dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố: bẩm sinh, di truyền, hoàn cảnh sống, việc giáo dục và tự giáo dục. Quan điểm duy vật biện chứng không phủ nhận hoàn toàn các quan điểm trên, mà vẫn khẳng định tính chất quan trọng của của các yếu tố bẩm sinh di truyền và hoàn cảnh sống với sự hình thành và phát triển tâm lý. Yếu tố bẩm sinh-di truyền được coi là tiền đề vật chất có ảnh hưởng nhất định đến các yếu tố tâm lý như tính cách, năng lực, trí nhớ… Trong lịch sử đã có nhiều bậc vĩ nhân có cấu trúc não bộ rất khác thường, với những tố chất đặc biệt, hoặc đã có nhiều tài năng thừa hưởng những tinh hoa của cha mẹ qua gien di truyền. Điều ấy như khẳng định rõ vai trò của bẩm sinh-di truyền trong sự hình thành và phát triển nhân cách. Yếu tố môi trường và hoàn cảnh sống cũng có những ảnh hưởng quan trọng tới nhân cách con người. Chuyện người mẹ của Mạnh Tử xưa quyết rời nhà ba lần để tìm cho được một môi trường thuận lợi, trong sạch hơn cốt để cho con mình được “thành người” tử tế có thể được coi như một sự minh hoạ tiêu biểu.
Hồ Chí Minh không đề cao quan điểm cho rằng yếu tố sinh học có vai trò tất thảy. Câu thơ “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn” là một sự phủ nhận quan điểm phi macxit ấy. Yếu tố “tính sẵn” ở đây mang tính tiền định, có trước, từng hiện hữu trong những đúc kết kinh nghiệm thiếu cơ sở khoa học của dân gian: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Những đúc kết kiểu ấy, đến lượt mình, lại làm cơ sở cho những luận thuyết mang đậm tính giai cấp, một thời là công cụ phục vụ lợi ích giai cấp thống trị: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”.
Hồ Chí Minh phủ định để rồi đi đến khẳng định:
“Phần nhiều do giáo dục mà nên”
Từ câu thơ kết này, ta thấy có một số vấn đề được thể hiện rõ nét:
Thứ nhất, tác giả nêu bật vai trò của yếu tố giáo dục đối với sự hình thành và phát triển tâm lý người, yếu tố mà các thuyết phi macxit chưa đánh giá đúng mức.
Quan điểm duy vật biện chứng coi giáo dục là yếu tố chủ đạo trong việc hình thành và phát triển nhân cách bởi giáo dục có những đặc điểm và tính chất ưu việt : Một mặt, nó là sự tác động có mục đích, có hệ thống, theo một tổ chức chặt chẽ, nó định hướng cho sự phát triển bởi nó phác thảo trước mô hình nhân cách cần đạt đến; mặt khác, giáo dục truyền lại những thành tựu của nền văn minh xã hội theo con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất. Câu ca dao :
” Con ơi muốn nên thân người ,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha .”
thêm một lần nữa khẳng định quan điểm đúng đắn trên. Đứa con, một cá thể, muốn có nhân cách (nên thân người), nhất thiết phải được hưởng sự giáo dục của những thế hệ đi trước (lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha). Mẹ cha ở đây là đại biểu đại diện cho nền văn minh xã hội .
Thứ hai, câu thơ trên không chỉ ra định tính mà còn xác định định lượng cho vai trò của giáo dục đối với sự phát triển tâm lý người. Bác không coi giáo dục là yếu tố vạn năng, là tất cả, mà chỉ là “phần nhiều”, phần chủ đạo trong các yếu tố trên. Ta biết rằng, hoạt động giáo dục có tính ưu việt cao. Tính ưu việt ấy thể hiện ở chỗ, nó không những không phủ nhận mà còn phát huy những lợi thế của các yếu tố bẩm sinh di truyền, của hoàn cảnh sống, bù đắp sự thiếu hụt và khiếm khuyết của các yếu tố trên, tạo điều kiện cho cá nhân thông qua các hoạt động giao lưu mà tự rèn luyện và giáo dục mình. Tuy nhiên, dù có tính ưu việt trội bật, yếu tố giáo dục vẫn không thể thay thế được các yếu tố khác. Bởi thế, ta càng thấy Bác dùng chữ “phần nhiều” thật chính xác.
Thứ ba, con người khi sinh ra đã có phần thiên tính bản năng. Nhưng cái “tính sẵn” ấy hoàn toàn không phải là thuộc tính cố hữu, bất biến. Nó có thể cải biến. Đây là một luận điểm triết học được rút ra từ thực tế cụ thể, đồng thời xuất phát từ tấm lòng và tinh thần nhân văn đối với con người ở Hồ Chí Minh. Từ luận điểm triết học này, Bác đặt ra một quan điểm giáo dục nghiêm túc: Thiện hay ác, hiền hay dữ, tốt hay xấu “phần nhiều do giáo dục mà nên”. Luận điểm triết học và quan điểm giáo dục trên rất gần gũi với quan niệm của nhân dân “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Nó cũng rất tương đồng với một quan điểm của Nguyễn Trãi – nhà tư tưởng, nhà thơ lớn của dân tộc ở thế kỷ XV: “Nên thợ nên thày vì có học”. Rõ ràng, tư tưởng Hồ Chí Minh đã bắt rễ sâu xa từ những nguồn mạch truyền thống dân tộc. Có điều là, hiền triết Hồ Chí Minh đã đặt ra và giải quyết vấn đề ở tầm rộng hơn.
3. Có thể nói, bài thơ “Nửa đêm” cho thấy một nhãn quan đúng đắn và khoa học theo quan điểm duy vật biện chứng về nhân cách con người ở Bác. Nhãn quan ấy là sự phản ánh của một thế giới quan mới, trong đó nổi bật sự kết hợp hài hoà giữa những quan niệm tiến bộ của truyền thống dân tộc với phép duy vật biện chứng macxit. Nhãn quan ấy cũng bắt nguồn từ một nhân sinh quan cộng sản, một tấm lòng nhân văn cao cả, luôn hướng về con người với một sự ưu ái, một niềm tin mãnh liệt. Nhãn quan ấy còn là kết quả của một cuộc sống mà ở đó có sự trải nghiệm và hiểu đời, hiểu người sâu sắc.
Tác phẩm thật ngắn gọn, súc tích, nhưng “ý tại ngôn ngoại”. Nó hàm chứa một vấn đề có rất nhiều ý nghĩa. Từ nội dung tác phẩm toát lên giá trị tư tưởng lớn lao. Nhưng không chỉ có vậy. Giá trị của tác phẩm còn ở chỗ, nhà thơ lớn nói một vấn đề lớn bằng một cách diễn đạt thật rõ ràng và mạch lạc nhưng hết sức giản dị và dễ hiểu, không cần tới một chút hình thức tu từ cầu kỳ nào. Sự bình dị, đó là cốt cách cuộc đời Hồ Chí Minh, đó cũng là phong cách nghệ thuật nổi bật ở văn thơ của Người.
Thay cho phần kết
Từ góc nhìn tâm lý sư phạm, bài thơ tứ tuyệt hàm súc của Bác đã gợi lên nhiều điều suy nghĩ cho những người làm công tác giáo dục:
Thứ nhấ, trong mỗi cá nhân con người đều có những năng lực tiềm ẩn. Làm thế nào để phát hiện, khơi dậy và phát huy những năng lực ấy? Đó là một trong những mục đích cao cả của giáo dục, của các nhà trường, các nhà giáo, vì con người và cho con người.
Thứ hai, do giáo dục là hoạt động chủ đạo nên cần coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động của trẻ em. Trẻ càng được hoạt động hết mình với thế giới khách quan thì càng nâng cao chất lượng quá trình xã hội hoá cá nhân của chúng.
Thứ ba, xây dựng môi trường giáo dục tốt là tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển nhân cách của trẻ em, bởi ” con người tạo ra hoàn cảnh tới mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người mức ấy” (K. Marx).
Thứ tư, cần giáo dục trẻ tự ý thức về những hoạt động của bản thân. Yếu tố tự giáo dục ở trẻ càng cao bao nhiêu càng có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển nhân cách của chính nó bấy nhiêu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro