Tập 2 - Chương 1
Tập 2 - Các quan điểm và đức tin của đám đông
Chương 1: Những động lực từ xa của các đức tin và quan điểm của đám đông
Cho đến đây chúng ta đã nghiên cứu về trạng thái tinh thần của đám đông. Chúng ta đã biết về cách họ cảm nhận, suy nghĩ, và cách họ rút ra kết luận. Bây giờ chúng ta muốn xem, quan điểm, đức tin của họ đã hình thành và được củng cố vững chắc bằng cách nào. Có hai kiểu động lực khác nhau quyết định các quan điểm và đức tin đó: đó là các động lực trực tiếp và các động lực gián tiếp.
Các động lực gián tiếp tạo cho đám đông khả năng tiếp nhận những đức tin nhất định nào đó và ngăn cản sự thâm nhập của các đức tin khác. Nó chuẩn bị mảnh đất, trên đó người ta thấy những ý tưởng bất chợi nhú lên, sức mạnh và tác động của chúng làm cho ta ngạc nhiên, nhưng đó chỉ là có vẻ như bất chợt. Sự bột phát và trở thành hiện thực của các ý tưởng nào đó trong đám đông thường thể hiện một cách đột ngột nhanh như chớp. Tuy nhiên đó chỉ là tác động bề mặt, những gì đằng sau nó thường là cả một công việc chuẩn bị lâu dài.
Những công việc lâu dài này, nếu không có chúng các ý tưởng sẽ mãi là vô dụng, đứng bên trên chúng là những động lực trực tiếp. Các động lực trực tiếp truyền sự sống cho niềm tin của đám đông - nghĩa là cung cấp cho ý tưởng hình dạng của nó và giải phóng nó cùng với tất cả những hậu quả của nó. Những động lực trực tiếp này là cơ hội để hình thành những quyết định dẫn đến sự nổi dậy một cách bùng phát của một tập thể - từ đó dẫn đến nổ ra sự nổi loạn hoặc một quyết định đình công, sự nổi dậy này sẽ đưa một con người nào đó vào vị trí quyền lực được đa số nhất trí hoặc nó sẽ hạ bệ một chính phủ. Trong tất cả các sự kiện lớn của lịch sử người ta có thể nhận thấy những tác động không ngừng của hai loại động lực này. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất người ta có thể lấy ra, đó chính là cuộc cách mạng Pháp, động lực gián tiếp của nó là những phê phán của giới trí thức và sức ép của giới quý tộc. Những tâm hồn của đám đông được chuẩn bị như vậy, cho nên rất dễ bị khích động bởi những động lực trực tiếp, ví dụ như những lời hiệu triệu của các nhà diễn thuyết và sự phản kháng của triều đình chống lại cả những cải cách không quan trọng.
Những động lực gián tiếp bao gồm những yếu tố chung, là nền tàng của tất cả các đức tin và quan điểm, đó là: chủng tộc, các truyền thuyết, thời gian, các thể chế và giáo dục.
Chúng ta sẽ nghiên cứu từng vấn đề một.
§1. Chủng tộc
Động lực hàng đầu cần phải phân tích đó chủng tộc, bởi vì chỉ riêng nó đã mang nhiều ý nghĩa hơn tất cả những thứ còn lại. Tôi đã khảo sát nó đầy đủ trong một bài viết khác và thấy rằng không cần phải quay trở lại một cách cụ thể ở đây. Tôi đã chỉ ra trong bài viết đó, rằng một đám đông lịch sử là cái gì và nếu như những đặc điểm tính cách của nó được hình thành, khi đó những tố chất văn hóa của nó, những đức tin của nó, các thể chế của nó, nghệ thuật của nó, nghĩa là tóm lại, tất cả mọi yếu tố văn hóa sẽ tạo nên cái sắc thái bên ngoài của tâm hồn. Sức mạnh của tâm hồn lớn đến nỗi, không có một yếu tố nào có thể truyền được từ một dân tộc này sang một dân tộc khác mà không phải trải qua một sự biến đổi sâu sắc nhất [1]. Môi trường, các hoàn cảnh, các sự kiện phản ánh lại những tác động xã hội nhất thời. Chúng có thể là những tác động quan trọng, nhưng những ảnh hưởng này luôn chỉ là những ảnh hưởng nhất thời, nếu nó đối lập với những ảnh hưởng của chủng tộc, nghĩa là, đối lập với toàn bộ phả hệ.
Chúng ta sẽ còn có cơ hội trong nhiều chương của bài viết này để quay lại với vấn đề ảnh hưởng của chủng tộc và để nhận ra rằng, nó đủ mạnh để có thể khống chế được những tính cách đặc biệt của tâm hồn đám đông. Từ đó dẫn đến thực tế, các đám đông thuộc các nước khác nhau có sự khác biệt rất lớn trong đức tin và cách ứng xử và cách thức họ bị tác động cũng không giống nhau.
§2. Các truyền thuyết
Truyền thuyết chứa đựng những ý tưởng, những đòi hỏi và tình cảm của thời trước đó. Nó tạo nên sự thống nhất của chủng tộc và đè lên chúng ta với tất cả sức nặng của nó.
Từ khi phôi thai học chỉ ra những ảnh hưởng vô cùng lớn của quá khứ vào sự phát triển của sinh vật, các nhà sinh vật học đã đổi hướng, và các nhà sử học cũng sẽ làm như vậy, nếu như những tư duy kiểu này tiếp tục lan rộng. Hiện giờ nó vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, và nhiều nhà lãnh đạo quốc gia do đó vẫn còn dừng lại ở những quan điểm lý thuyết của thế kỷ trước, họ tin rằng, một xã hội có thể tách rời khỏi quá khứ của nó và có thể tự đổi mới từ gốc mà chỉ cần duy nhất dựa vào lý trí.
Dân tộc là một cơ thể sinh học được tạo nên từ quá khứ. Như tất cả các cơ thể khác nó chỉ có thể tự thay đổi qua quá trình tích lũy từ từ những yếu tố di truyền.
Những người lãnh đạo thực sự của một dân tộc chính là các truyền thuyết; và như tôi đã nhiều lần nhắc đến, chỉ có những hình thức bên ngoài mới dễ thay đổi. Không có truyền thuyết, có nghĩa là không có tâm hồn, sẽ không thể có văn hóa. Sở dĩ như thế bởi vì, loài người, từ khi nó xuất hiện trên thế giới này, có hai nhiệm vụ vĩ đại là tạo nên một mạng lưới những truyền thuyết và xóa bỏ chúng khi đã hết tác dụng. Không có nền văn hóa nào lại không có những truyền thuyết gắn chặt với nó, và không có sự xóa bỏ chúng một cách từ từ sẽ không thể có tiến bộ. Khó khăn ở chỗ, là tìm được điểm cân bằng giữa bảo tồn và thay đổi. Đây cũng là một điều nan giải. Nếu một dân tộc có nhiều dòng họ kiên quyết bám giữ lấy những thói quen, như thế không thể nào có sự thay đổi, nó giống như Trung quốc, sẽ không có khả năng trở nên hoàn thiện. Ngay cả những thay đổi bằng vũ lực cũng không có tác động gì, bởi vì sau đó hoặc là những mắt xích bị giằng đứt sẽ được chắp nối trở lại và quá khứ sẽ quay về địa vị thống trị một cách không thay đổi như trước đây hoặc là những mảnh đứt sẽ nằm riêng rẽ để rồi chẳng bao lâu sau chúng biến dạng thành một sự hỗn loạn.
Như vậy nhiệm vụ của một dân tộc là phải giữ dìn những cái đặc trưng của quá khứ bằng cách dần dần thay đổi chúng. Dân La mã cổ đại và dân Anh hiện thời có lẽ gần như là những dân tộc duy nhất đã thực hiện được nhiệm vụ này.
Chính những đám đông, và cụ thể là những đám đông được hợp thành từ các giai cấp, là những kẻ bảo vệ một cách kiên trì nhất những ý tưởng được lưu truyền và chống lại sự thay đổi các ý tưởng đó một cách ngoan cố nhất. Tôi đã đề cập đến tính bảo thủ của đám đông và đã chỉ ra rằng, nhiều cuộc nổi loạn kết thúc chỉ với sự thay đổi về ngôn từ. Khoảng cuối thế kỷ 18, do có hiện tượng đập phá các nhà thờ, săn đuổi và chặt đầu giáo sĩ, đàn áp các biểu tượng công giáo nói chung, người ta đã tin rằng như vậy những ý tưởng tôn giáo cũ đã bị tước bỏ hết quyền lực; thế nhưng chỉ vài năm sau, dưới áp lực của đòi hỏi chung, các biểu tượng tôn giáo bị xóa bỏ trước đây đã đựợc khôi phục trở lại [2].
Không có thí dụ nào tốt hơn thế để chỉ ra quyền lực của thói quen đối với tâm hồn đám đông như thế nào. Những thần tượng kinh khủng nhất không trú ngụ ở các đền đài, và những kể chuyên chế tàn bạo nhất không sống trong các cung điện. Nếu quả như vậy chúng rất dễ bị lật đổ. Nhưng những ông chủ vô hình thống trị tâm hồn chúng ta, đều thoát khỏi mọi sự tấn công và chỉ bị suy yếu bởi sự hao mòn từ từ kéo dài hàng thế kỷ.
§3. Thời gian
Trong các vấn đề về cộng đồng cũng như các vấn đề về xã hội, một trong những yếu tố có tác động mạnh nhất đó là thời gian. Nó quả thật là kẻ sáng tạo và đồng thời cũng là kẻ tàn phá vĩ đại. Nó đã làm nên những ngọn núi từ vô số những hạt bụi li ti, và từ những tế bào bé nhỏ của thời địa chất xa xăm nó đã nâng lên chân giá trị con người. Sự tác động của hàng trăm thế kỷ đủ để biến đổi bất kỳ một hiện tượng nào. Người ta có lý khi nói rằng, những con kiến, nếu có đủ thời gian, chúng có thể san bằng cả ngọn Montblanc. Nếu một bản thể nào đó có sức mạnh diệu kỳ để có thể thay đổi thời gian một cách tùy thích, nó sẽ có được cái quyền lực như những tín đồ đã từng gán cho các thánh thần của họ.
Tuy nhiên ở đây chúng ta chỉ nghiên cứu về ảnh hưởng của thời gian đến các quan điểm của đám đông. Dưới góc độ này tác động của nó cũng vô cùng lớn y như vậy. Nó bắt các thế lực to lớn như những thế lực của đám đông phải phụ thuộc vào nó, những thế lực mà nếu không có nó sẽ không thể hình thành. Nó đã để cho các tín điều nảy sinh và tàn lụi. Các tín điều tiếp nhận được sức mạnh từ nó và cũng chính nó đã lại lấy đi sức mạnh của các tín điều này.
Thời gian dọn đường cho các quan điểm và tín điều của đám đông, có nghĩa là tạo ra mảnh đất cho chúng nảy mầm. Từ đó dẫn đến, những ý tuởng nào đó chỉ có thể trở thành thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, và sau đó không thể được nữa. Thời gian gom lại vô số những tàn dư của các tín điều và cảm nghĩ, từ đó hình thành nên những ý tưởng của thời đại. Chúng không nảy mầm một cách tình cờ hoặc tùy ý. Cội rễ của chúng nằm sâu trong quá khứ. Một khi chúng đâm hoa, nghĩa là hoa của chúng đã có được một thời gian chuẩn bị, và để có thể hiểu được cội nguồn của chúng người ta phải luôn đi ngược trở lại. Chúng là những đứa con gái của quá khứ và là những người mẹ của tương lai, nhưng lại luôn là nô lệ của thời gian.
Chính vì thế thời gian là thày học thực sự của chúng ta, và người ta chỉ cần cứ để cho nó điều hành để xem mọi vật đã thay đổi như thế nào. Ngày nay chúng ta lo lắng vì những đòi hỏi của đám đông, và về những sự tàn phá, những đảo lộn mà nó đã làm cho ta cảm thấy trước. Thời gian mình nó sẽ đứng ra làm lại sự cân bằng. "Không có trật tự nào", Lavisse viết rất chính xác, "được lập nên trong một ngày. Các tổ chức chính trị và xã hội là những tác phẩm đòi hỏi phải có thời gian hàng thế kỷ; chủ nghĩa phong kiến trước đấy tồn tại một cách không hình dạng và lộn xộn hàng bao thế kỷ cho đến khi nó tìm được một hướng đi; chủ nghĩa quân chủ tuyệt đối cũng có hàng thế kỷ mới có thể có đựợc những phương tiện thống trị phù hợp và cũng đã từng xảy ra những rối loạn lớn trong giai đoạn chuyển tiếp đó."
§4. Các thể chế chính trị và xã hội
Cái suy nghĩ, các thể chế có thể giúp loại bỏ những điều tệ hại của xã hội, sự tiến bộ của một dân tộc là kết quả của sự hoàn thiện hiến pháp và chính quyền, và những thay đổi xã hội có thể đạt đến qua các sắc lệnh, là kiểu suy nghĩ nói chung vẫn còn rất phổ biến. Xuất phát điểm của cuộc cách mạng Pháp cũng từ một ý nghĩ như vậy, và các học thuyết xã hội hiện đại cũng dựa trên nó.
Các kinh nghiệm tiếp nối đã không thể mảy may làm suy chuyển chút nào sự điên loạn kinh khủng này. Các nhà triết học và các nhà sử học đã cố gắng một cách tuyệt vọng để chứng minh sự vô nghĩa của nó. Dù sao đi nữa họ đã chỉ ra một cách dễ dàng, rằng tất cả các thể chế đều là những đứa con gái của các ý tưởng, tình cảm, và đạo đức, và rằng các ý tưởng, các tình cảm, các đạo đức sẽ không thể biến đổi bởi việc sửa đổi những điều luật. Một dân tộc không lựa chon các thể chế xã hội một cách tùy tiện, cũng giống như con người ta ít có khả năng chọn màu mắt hoặc màu tóc. Các thể chế và các hình thức chính phủ là sản phẩm của chủng tộc. Còn xa chúng mới có thể là kẻ sáng tạo của một thời đại, chúng chỉ là những kẻ được thời đại tạo nên. Người ta không lãnh đạo dân dựa theo tính khí nhất thời của họ mà dựa theo tính cách của họ. Việc xâ y dựng một trật tự nhà nước đòi hỏi thời gian hàng thế kỷ, và trật tự đó cũng cần tới hàng thế kỷ cho sự biến đổi của nó. Các thể chế không mang một giá trị trực tiếp, bản thân nó không tốt mà cũng chẳng xấu. Ở một thời điểm nó có thể là tốt đối với dân tộc này nhưng lại hoàn toàn không tốt đối với một dân tộc khác.
Dân chúng như vậy tuyệt nhiên không hề có quyền lực để thực sự thay đổi các thể chế. Chắc chắn những cuộc cách mạng bằng mọi giá có thể thay đổi tên của chúng, nhưng cái cốt lõi vẫn nguyên như vậy. Cái tên chỉ là một nhãn hiệu trống rỗng, một nhà sử học quan tâm tới các giá trị thực của các sự việc sẽ không cần để ý đến chúng. Cho nên nước Anh[3], là một nước dân chủ nhất thế giới mặc dù nó có một chính phủ quân chủ, trong khi các nước Mỹ Latinh mặc dù cũng có hiến pháp dân chủ nhưng lại bị thống trị bởi một chế độ chuyên quyền cứng rắn nhất. Không phải chính phủ, mà tính cách của dân chúng quyết định số phận của họ. Sự thật này trong một bài viết trước đây tôi cũng đã dẫn ra những ví dụ để chứng minh.
Phung phí thời gian cho việc xây dựng hiến pháp, đúng là một cuộc phiêu lưu kiểu trẻ con, một thực tiễn xa hoa phù phiếm. Sự cần thiết và thời gian sẽ đảm nhận công việc của chúng, chỉ cần người ta cứ để mặc chúng điều hành. Nhà sử học vĩ đại Macaulay đã viết một câu, mà các nhà lãnh đạo ở tất cả các nước Mỹ Latinh phải nên học thuộc lòng, rằng người Anglo-Xắc son đã làm như thế. Sau khi nêu ra những ví dụ về các điều luật, chúng dường như mang lại ích lợi, nhìn theo quan điểm của lý trí thuần túy, nhưng đã tạo nên một sự hỗn độn của những cái vô lý và mâu thuẫn, ông ta đã tiến hành so sánh hàng tá các hiến pháp của các dân tộc La tinh, đã bị thất bại bởi những biến động ở châu Âu và châu Mỹ, với hiến pháp của nước Anh và cuối cùng chỉ ra, rằng hiến pháp nước này đã chỉ biến đổi rất từ từ, từng phần một dưới tác động của sự cần thiết trực tiếp, nhưng không bao giờ bởi những cơ sở lý trí được tính toán trước. "Đừng bao giờ chú ý đến trật tự, mà phải chú ý đến tính thiết thực, đừng bao giờ xóa bỏ một sự ngoại lệ, chỉ vì nó là một sự ngoại lệ, đừng bao giờ đưa ra một cái mới, trừ khi cảm thấy đã không thể nào chịu đựng nổi, và nếu phải đổi mới cũng chỉ ở mức vừa đủ để xóa đi cái cảm giác không thể chịu đựng được kia, đừng bao giờ đề nghị làm những gì vượt quá cái cần thiết để giải quyết một vấn đề đơn lẻ đang được thực hiện: đó là những quy tắc chung, đã được vận dụng từ thời Johanne cho đến thời của Vitoria qua hơn 250 nhiệm kỳ quốc hội của chúng ta."
Ta phải bắt đầu với các điều luật và thể chế của lần lượt từng dân tộc một, để chỉ ra xem nó thể hiện đến mức độ nào các đòi hỏi của một chủng tộc và tại sao phải không nên thay đổi một cách thô bạo. Người ta có thể tranh luận về những ưu và khuyết điểm của sự tập trung hóa một cách triết lý, nhưng nếu chúng ta nhận thấy, một dân tộc được hình thành từ những chủng tộc như thế nào, đã cố gắng cả ngàn năm để từng bước đạt đến sự tập trung hóa ra sao, nếu chúng ta khẳng định rằng, một cuộc cách mạng vĩ đại, mà mục đích của nó là đập tan mọi thể chế của quá khứ, đã bắt buộc phải nhìn ra, không chỉ đã thừa nhận sự tập trung hóa đó mà còn phóng đại hơn thế nữa, như vậy chúng ta có thể nói rằng, nó là kết quả của những tính cần thiết có cơ sở, là một kết quả trực tiếp của thực tại và chúng ta chỉ có thể trách cứ sự thiếu tầm nhìn của các chính trị gia, những người đã kích động họ nổi dậy. Nếu giả sử vì một sự tình cờ nào đó quan điểm của họ chiến thắng, thì thắng lợi đó có nghĩa là tín hiệu của một sự vô chính phủ toàn diện[4], hơn nữa nó sẽ dẫn đến một sự tập trung hóa còn nặng nề hơn trước đây.
Từ những điều trên đây có thể kết luận rằng, người ta không nên tìm phương tiện để làm chuyển động tâm hồn đám đông một cách lâu dài ở trong các thể chế. Một số nước nhất định với các thể chế dân chủ, như nước Mỹ chẳng hạn, đã phát triển một cách rực rỡ, trong khi những nước khác, như các nước gốc Tây ban nha, mặc dù có các thể chế về cơ bản giống nhau, nhưng đã phải chìm đắm trong sự vô chính phủ đáng buồn nhất. Các thể chế này không lên quan gì đến độ lớn của một dân tộc này cũng như chẳng liên quan gì đến sự tàn lụi của một dân tộc khác. Các dân tộc luôn luôn bị tính cách của họ thống trị, và tất cả các thể chế nào không phù hợp một cách mật thiết với tính cách đó chúng sẽ chẳng khác gì một bộ đồ đi mượn, một sự hóa trang nhất thời. Dĩ nhiên cũng có những cuộc chiến tranh đẫm máu và những cuộc cách mạng long trời lở đất để lập nên những thể chế, mà người ta gắn cho chúng một sức mạnh siêu nhân như là những phép màu của các bậc thánh thần có thể phù phép ra hạnh phúc. Trong một ý nghĩa nhất định ta có thể nói, rằng: Các thể chế có tác động vào tâm hồn đám đông, bởi vì nó đã tạo nên các cuộc nổi dậy như vậy. Sự thật là không phải các thể chế đã tác động như thế, bởi vì chúng ta biết, rằng nó chiếnn thắng hay thất bại, tự nó chẳng có giá trị gì. Nếu chúng ta theo dõi chuỗi các thắng lợi của nó, chúng ta theo dõi chỉ những ảo ảnh.
§5. Giảng dạy và giáo dục
Giữ vị trí hàng đầu trong các ý tưởng chủ đạo của thời đại chúng ta là ý tưởng, rằng giảng dạy có một kết quả nhất định làm cho con người tốt lên và không những thế còn có thể làm cho chúng trở nên giống nhau. Chỉ bằng cách lặp đi lặp lại, câu này cuối cùng đã trở thành một trong những câu không gì lay chuyển nổi của nền dân chủ. Nó đã trở nên bất khả xâm phạm giống như những giáo lý một thời của nhà thờ.
Nhưng ở điểm này, cũng như ở nhiều điểm khác nữa, các ý tưởng của nền dân chủ đã trái ngược một cách rõ nét nhất đối với những kết quả và những kinh nghiệm thu lượm được từ tâm lý học. Nhiều triết gia ưu tú, đặc biệt trong đó có Herbert Spencer, đã có thể chứng minh một cách dễ dàng, rằng việc giảng dạy không làm cho con người trở nên đạo đức hơn cũng chẳng làm cho nó hạnh phúc hơn, việc giảng dạy không làm thay đổi bản năng cũng như ham muốn của con người, và nếu không được tiến hành tốt nó thậm chí còn gây hại nhiều hơn là làm lợi. Các chuyên gia thống kê đã xác nhận quan điểm này, bằng cách họ đã chỉ ra, rằng số lượng tội phạm đã tăng lên cùng với sự mở rộng phạm vi giảng dạy hoặc ít nhất là với một kiểu giảng dạy nào đó; rằng kẻ thù tồi tệ nhất của xã hội, những kẻ vô chính phủ, thường xuất thân từ những trường học tốt nhất. Một công chức tòa án cấp cao, ông Adolphe Guillot, đã tường trình, rằng hiện nay ước tính có khoảng ba ngàn tội phạm có học trên một ngàn tội phạm không có học, và trong khoảng thời gian năm mươi năm qua số tội phạm đã tăng từ 227 lên đến 552 trên tổng số một nghìn dân, có nghĩa là chúng đã tăng khoảng 133%. Ông ta, trong sự nhất trí với các đồng nghiệp khác, cũng đẵ phát hiện ra, rằng số lượng tội phạm đặc biệt tăng ở tầng lớp trẻ, những người theo học tại các trường miễn phí bắt buộc thay vì học trường tư.
Dĩ nhiên không bao giờ ai đó lại khẳng định, rằng sự giảng dạy được tiến hành tốt không thể đem lại những kết quả thực tiễn, có ích, chí ít nếu không phải trên phương diện đạo đức thì cũng có thể trên phương diện mở ra các khả năng nghề nghiệp. Đáng tiếc là, và đặc biệt trong ba mươi năm lại đây, các dân tộc La tinh đã xây dựng nền giáo dục của họ trên những cơ sở hoàn toàn sai lầm và mặc dù đã có những phân tích của những bộ óc thông thái, họ vẫn cứ bám giữ lấy những sai lầm đáng buồn đó của họ. Bản thân tôi trong các bài viết khác nhau [5] đã chỉ ra, rằng nền giáo dục của chúng ta hiện nay đã biến số đông những con người, được đảm bảo chuyện học hành, trở nên kẻ thù của xã hội, với số lượng đông gấp nhiều lần những kể theo đuôi chủ nghĩa xã hội, một hình thức xã hội tồi tệ nhất.
Mối nguy trước hết của nền giáo dục này, chính xác ra là nền giáo dục của các dân tộc La tinh, nằm ở sự nhầm lẫn cơ bản về mặt tâm lý học, những tưởng rằng tri thức phát triển lên từ sự học thuộc lòng những gì có trong sách giáo khoa. Thậm chí người ta đã cố gắng học càng nhiều đến mức có thể, và từ trường phổ thông cho đến việc làm bằng tiến sĩ hoặc thi quốc gia, con người trẻ tuổi đã tự nhồi vào đầu mình nội dung của hàng đống sách vở, mà không hề tự luyện tập khả năng phán xét hoặc năng lực đúc kết của mình. Sự học tập đối với anh ta là đọc thuộc lòng và vâng lời. "Học bài, là phải biết một cách thuộc lòng ngữ pháp hoặc một phân đoạn, nhắc lại trôi chảy, và làm theo đúng", nguyên bộ trưởng giáo dục Jules Simon viết, "đó là một kiểu giáo dục kỳ quặc, trong đó mỗi một cố gắng chỉ nhằm chứng minh cho niềm tin vào sự không bao giờ sai lầm của giáo viên và nó dẫn đến việc hạ thấp và làm suy giảm năng lực của chúng ta."
Giả như giáo dục kiểu đó chỉ mỗi là điều vô tích sự, thì ta còn có thể chấp nhận nó và tiếc cho những đứa trẻ bất hạnh, đáng lẽ được học những cái cần thiết hơn thì người ta lại dạy chúng về gia phả của những người con của dòng họ Chlotar, về những cuộc chiến tranh giữa Neustria và Austrasia hoặc về những sự phân tách trong động vật học; nhưng đâu chỉ có thế, nó còn tạo nên một nguy cơ nghiêm trọng hơn nhiều, nó gây ra ở những kẻ được giáo dục kiểu như vậy một sự phản kháng mạnh mẽ chống lại những quan hệ, mà từ đó chúng sinh, và tạo nên một ham muốn mãnh liệt nhằm thoát ra khỏi các mối quan hệ.đó. Công nhân không muốn là người công nhân nữa, nông dân không muốn mãi là nông dân và những người ở tầng lớp thấp cuối cùng trong xã hội nhận thấy, đối với con em của họ sẽ không còn khả năng phát triển nào khác ngoài con đường làm công chức với một đồng lương đảm bảo. Đáng lý phải chuẩn bị cho con người hành trang đi vào cuộc sống, thì trường học chỉ chuẩn bị cho họ để vào được những vị trí của hệ thống công quyền, mà ở đó người ta chẳng cần có chút nỗ lực nào cũng có được kết quả. Nó tạo ra ngay trước chân của bậc thang xã hội một đạo quân chống đối, bất mãn với số phận của mình, và luôn sẵn sàng nổi loạn; và ở bên trên các bậc thang đó là tầng lớp tư sản của chúng ta, môt tầng lớp bàng quang, đồng thời lại hay nghi ngờ và cuồng tín, có một sự tin tưởng quá mức vào sự bảo hộ của nhà nước, cái mà họ cũng thường xuyên chửi bới, bởi vì họ luôn đổ thừa những sai lầm của mình cho chính phủ và không hề có khả năng làm một cái gì mà không có sự chỉ bảo của cấp trên.
Nhà nước chỉ có thể sử dụng hết một số nhỏ các trợ lý, để cho họ làm việc với sự giúp đỡ của cách tài liệu hướng dẫn và trả lương cho công việc của họ, số còn lại sẽ không có việc làm. Nó bắt buộc phải chọn ra trong đó những người đầu tiên để nuôi ăn và coi những người còn lại là kẻ thù. Từ ngọn đến gốc của kim tự tháp xã hội hiện nay tích tụ một đội quân đông đảo những trợ lý trong tất cả các cơ quan khác nhau. Một thương gia đã phải rất khó nhọc khi đi tìm một người thay thế trong đám đó, nhưng trong khi đó lại có hàng ngàn người chầu chực để cố vào được các vị trí bình thường nhất của chốn công quyền. Chỉ tính riêng trong bộ giáo dục đã có đến hàng hai chục ngàn giáo viên không có công việc, họ chê các công việc trên đồng ruộng hoặc ở công xưởng và chỉ cố bám cho được nhà nước để có thể sống qua ngày. Bởi số lượng được chọn vào làm việc hạn chế, cho nên mặc nhiên số người bất mãn sẽ cực lớn. Họ sẵn sàng tham gia vào bất kỳ cuộc cách mạng nào, bất kể kẻ lãnh đạo là ai và với mục đích gì. Sự tiếp thụ những kiến thức vô bổ là một phương tiện chắc chắn gây nên sự phẫn nộ ở con người[6].
Giáo dục cổ điển và giáo dục hướng nghiệp
Rõ ràng là đã quá muộn để chống lại một trào lưu như vậy. Chỉ có mình kinh nghiệm, là người thày cuối cùng, sẽ đảm nhận việc chỉ ra cho chúng ta những sai lầm của bản thân. Một mình nó đủ mạnh, để chứng minh cho chúng ta thấy sự cần thiết phải thay thế những sách giáo khoa đáng kinh tởm của chúng ta, thay thế những kỳ thi thảm hại bằng một sự giáo dục hướng nghiệp, để khuyến khích cổ vũ thanh niên trở lại với đồng ruộng với công xưởng, với sự nghiệp khai hóa thuộc địa, là những cái ngày nay đã bị sao nhãng. Giáo dục hướng nghiệp, là cái đã được tinh thần khai sáng cổ vũ, là cái ông cha chúng ta ngày xưa đã từng tiếp nhận, và là cái mà những dân tộc, ngày nay với lòng quyết tâm, với năng lực hành động, và với đầu óc kinh doanh đang thống trị thế giới, đã có ý thức dìn giữ. Trong những trang khá đặc biệt ở các tác phẩm của mình, ít nữa tôi sẽ dẫn ra một số điểm cơ bản làm ví dụ, ông Taine đã chỉ ra một cách rõ ràng, rằng nền giáo dục của chúng ta hồi xưa cũng gần giống như nền giáo dục của nước Anh hoặc nước Mỹ hiện nay, và qua những so sánh quan trọng giữa hệ thống giáo dục La tinh với hệ thống giáo dục Anglo-Xắcson, ông ta đã chỉ ra một cách rất rõ ràng những kết quả của hai hệ thống giáo dục. Hình như người ta vẫn đang còn có thể chấp nhận mọi nỗi khó chịu đối với nền giáo dục cổ điển của chúng ta, ngay cả khi nếu như nó chỉ đào tạo ra những kẻ mất gốc và những kẻ bất mãn, và thậm chí khi mà sự tiếp thụ một cách qua loa các kiến thức, nhắc lại một cách không sai sót những gì trong sách giáo khoa đều được coi là nền tảng cho sự nâng cao kiến thức. Có phải thực sự như vậy không? Không phải thế! Năng lực phán xét, kinh nghiệm, năng lực hành động và tư cách là những điều kiện để thành công trong cuộc sống, là những cái không thể học được từ sách vở. Sách vở là những thứ cần thiết để tra cứu, tuy nhiên sẽ hoàn toàn vô tích sự khi phải nhớ cả một đoạn dài trong đầu.
Rằng giáo dục hướng nghiệp làm cho trí tuệ phát triển ở mức mà giáo dục cổ điển không thể nào đạt tới, đã được Taine chỉ ra rất rõ trong những dòng viết sau: "Các ý tưởng chỉ hình thành nên trong môi trường tự nhiên và thực tế của nó. Những mầm mống của chúng sẽ được nuôi nấng bởi vô số những ấn tượng cảm nhận được, là những cái mà người thanh niên trai trẻ tiếp thụ hàng ngày ở công xưởng, ở hầm mỏ, ở tòa án, ở nơi làm việc, ở bến cảng, ở bệnh viện, trong lúc quan sát các công cụ lao động, các nguyên vật liệu, và trong hoạt động kinh doanh, khi có mặt khách hàng, khi có mặt của những người thợ, khi công việc được tiến hành tốt hoặc không tốt, khi kinh doanh có hiệu quả hoặc thua lỗ. Tất cả những cái đó là những cảm nhận nho nhỏ đặc biệt của cặp mắt, của đôi tai, của hai bàn tay và cả của mùi vị nữa, chúng được tiếp nhận và xử lý một cách không cố ý, chúng tự sắp đặt một cách trật tự trong anh ta, để rồi sau đó sớm hoặc muộn chúng truyền cho anh ta những cảm hứng về những mối liên kết mới, về sự đơn giản hóa, về sự tiết kiệm, sự hoàn hảo hoặc về sự phát minh. Tất cả những mối liên kết quý báu này, là những điều kiện cần phải được khuyến khích và không thể thiếu để giúp cho thanh niên Pháp phát triển, thế nhưng chúng đã bị cướp đi và lại đúng vào lúc ở cái tuổi rực rỡ nhất: bảy hoặc tám năm anh ta bị nhốt trong trường học, bị cách ly khỏi kinh nghiệm trực tiếp của bản thân, cái kinh nghiệm thức sự đã cho anh ta một khái niệm chính xác và sống động về các sự vật, về con người và những hình thức ứng xử khác nhau."
"...Ít nhất chín trong mười thanh niên đã tiêu phí thời gian và công sức nhiều năm trời, là những năm tháng rực rỡ nhất, quan trọng nhất, và rõ ràng là những năm quyết định nhất của cuộc đời: ta cứ trừ đi trước hết khoảng một nửa hoặc hai phần ba trong số họ tham gia kỳ thi tuyển, tôi cho là không đủ điều kiện để đi thi; thêm vào đó, trong số đủ điều kiện được thi và trúng tuyển, có một nửa hoặc hai phần ba phải xét lai. Người ta đã trông chờ ở họ quá nhiều, khi đòi hỏi họ vào một ngày nhất định trên ghế nhà trường hoặc trước bảng đen trong suốt hai giờ liền phải cung cấp hàng đống kiến thức cứ như thể họ là một tài liệu tham khảo sống về tất cả mọi hiểu biết của loài người, Quả nhiên ngày hôm đó trong hai giờ đồng hồ họ gần như là một tài liệu tra khảo sống vậy, thế nhưng chỉ một tháng sau họ không còn được như thế nữa. Nếu thi lại ngay họ sẽ không thể đỗ; Những cái trí nhớ của họ hấp thụ được là quá nhiều, khó tiêu hóa và liên tục trượt ra khỏi đầu óc họ, và họ không nạp thêm được cái gì mới nữa. Năng lực trí tuệ của họ bị suy giảm, nguồn sinh lực dồi dào cạn kiệt, con người ở vào giai đoạn kết thúc của sự phát triển đã xuất hiện. Nếu anh ta đi làm và lập gia đình, anh ta sẽ phó mặc cho sự xoay vần, sống trong một vòng tròn khép kín không biết đến bao giờ ra khỏi, anh ta cố thủ trong công sở của mình, thực hiện đều đều công việc một cách không sai sót và không hề có ý định vượt ra khỏi phạm vi đó. Đó là cái kết quả trung bình; cái thu được không bù lại nổi cái tổn phí. Ở Anh và ở Mỹ, nơi mà ở đó tình hình cũng giống như ở Pháp hồi trước năm 1789, họ đã thực hiện một tiến trình hoàn toàn ngược lại và thành quả đạt được cho thấy ngày sau lớn hơn ngày trước."
Nhà sử học tuyệt vời này tiếp theo đã chỉ cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục của chúng ta so với hệ thống giáo dục Anglo-Xắcson. Ở đó sự giảng dạy không dựa trên sách vở mà dựa trên chính sự vật. Ví dụ như, người kỹ thuật viên sẽ được đào tạo ngay trong xí nghiệp chứ không phải ở trong trường học; mỗi người có thể đạt đến chính cái trình độ phù hợp với khả năng nhận thức của mình, trở nên người công nhân hoặc thợ cả, nếu như anh ta không có khả năng tiếp tục đi lên, và trở nên kỹ sư, nếu như khả năng của anh ta cho phép. Phương pháp này, đối với toàn bộ xã hội nó dân chủ và thiết thực hơn là kiểu, đặt hướng đi của cuộc đời con người phụ thuộc vào một kỳ thi kéo dài nhiều giờ đồng hồ mà anh ta phải tham gia vào độ tuổi mười tám tới hai mươi.
"Trong bênh viện, trong hầm mỏ, trong nhà máy, trong công việc kiến trúc, công việc của luật sư, người học trò đủ tiêu chuẩn nhập học, trong những năm tuổi trẻ của đời mình sẽ trải qua thời gian học nghề và làm thử, tương tự như một thư ký cho một văn phòng hoặc một thợ sơn trong công xưởng ở bên ta. Trước đó và cho đến khi vào làm anh ta có thể tham gia một vài khóa học cơ bản, trong đó anh ta liên tục thu lượm các kết quả quan sát để bồi đắp cho mình các kiến thức cơ sở phù hợp. Tùy theo khả năng, trong thời gian rỗi anh ta có thể theo học thêm các khóa học về kỹ thuật để kết hợp với kinh nghiệm hàng ngày tùy theo mức độ của nó. Trong cách đào tạo như vậy khả năng thực tiễn tự nó sẽ lớn lên và phát triển đến một độ tương ứng với năng lực của học trò có thể cho phép đạt được, và phù hợp với sự đòi hỏi của công việc trong tương lai, điều mà ngay từ bây giờ anh ta đặc biệt muốn vươn tới. Bằng cách như vậy thanh niên ở Anh và ở Mỹ đã nhanh chóng phát huy được tất cả những gì có trong khả năng của mình. Với hai mươi lăm tuổi, và nếu điều kiện thuận lợi có thể sẽ sớm hơn, anh ta đã trở thành một người thợ có ích, hơn thế nữa có thể là một nhà kinh doanh độc lập, anh ta không chỉ là một cái bánh răng nhỏ mà còn có thể là một động cơ. Ở Pháp, nơi mà nền giáo dục chủ yếu hoạt động theo hướng ngược lại, và với mỗi một thế hệ con người ngày càng trở nên Trung quốc hơn, đã làm mất đi một lực lượng lao động vô cùng lớn."
Các triết gia đã đi đến kết luận như sau về quan hệ bất cập ngày càng tăng của nền giáo dục của các dân tộc La tinh chúng ta đối với cuộc sống:
"Trong cả ba cấp giáo dục, tuổi nhi đồng, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, sự chuẩn bị về mặt lý thuyết ngày càng bị kéo dài trên ghế nhà trường và bị kéo dài từ những sách giáo khoa đã dẫn đến sự quá tải, qua các kỳ thi, qua phẩm hàm khoa học, chứng chỉ, văn bằng, và bởi phương tiện tồi, do vận dụng phương pháp giảng dạy không tự nhiên, phản xã hội, do loại bỏ một cách quá đáng việc dạy thực hành, do việc học nội trú, do rèn luyện một cách giả tạo và do nhồi nhét kiến thức một cách cứng nhắc, do làm việc quá sức không chú ý đến tương lai, đến tuổi tác và nghĩa vụ sắp phải thực hiện của người đàn ông, do không để ý đến thế giới hiện thực, nơi mà người thanh niên sắp sửa bước vào, không để ý đến cái xã hội bao quanh anh ta, cái xã hội anh ta phải thích nghi, cái xã hội ngay từ đầu anh ta không muốn từ bỏ nó, do không để ý đến sự đấu tranh để sinh tồn của con người, điều anh ta cần phải được chuẩn bị trước, được vũ trang, được thực hành và tôi luyên để tự bảo vệ mình và để đứng vững. Sự trang bị không thể thiếu được đó, cái phải đạt đến đó, cũng là cái quan trọng hơn tất cả, rồi năng lực trí tuệ lành mạnh của con người, của ý chí và thần kinh vững vàng: hết thảy không có được trong trường học của chúng ta; mà hoàn toàn ngược lại: đáng lý làm cho con người có năng lực hơn, nó đã làm thui chột năng lực của họ đối vị trí trước mắt và trong tương lại. Chính vì thế sau khi từ giã trường học bước vào cuộc đời, những bước đi đầu tiên của họ vào môi trường thực tiễn đã không khác gì hơn là hàng loạt những thất bại đau đớn, chúng đã làm anh ta thương tổn và trong một thời gian dài anh ta đã bị suy sụp và tàn phế. Đó là một cuộc thử nghiệm nguy hiểm và khắc nghiệt, nó làm lệch chuyển sự cân bằng của lý trí và đạo đức và rất nhiều khả năng sẽ không thể nào lấy lại cân bằng được nữa. Sự thất vọng đã xảy ra quá đột ngột và toàn diện, sự lừa đảo đã trở nên quá lớn và sự kinh tởm đã trở thành quá khủng khiếp [7].
Trong phần trên chúng ta đã đi lệch khỏi vấn đề tâm lý học đám đông? Chắc chắn là không. Nếu chúng ta muốn hiểu về những ý tưởng và những quan điểm mà ngày hôm nay vẫn đang còn là những mầm mống nhưng ngày mai chúng sẽ mọc lên, thì chúng ta phải cần biết đến mảnh đất đã cung cấp cho chúng sự chuẩn bị như thế nào. Nền giáo dục mà thanh niên của một quốc gia được tận hưởng, cho phép chúng ta dự đoán được phần nào số phận của đất nước đó. Sự giáo dục được áp dụng cho thế hệ hiện nay là minh chứng cho một linh cảm tăm tối nhất. Gắn liền với sự giáo dục và giảng dạy, tâm hồn đám đông sẽ trở nên cao quý hoặc bị thui chột. Cho nên cần thiết phải chỉ ra cái hệ thống hiện nay đã nhào nặn họ như thế nào và chỉ ra cái đám đông những kẻ thờ ơ, vô cảm đang dần trở nên một đội quân bất mãn vô cùng lớn ra sao, một đội quân đã sẵn sàng tuân theo tất cả mọi tác động bởi những kẻ muốn cải tạo thế giới và bởi những thuyết gia. Ngày nay nhà trường đã đào tạo nên những con người bất mãn, những kẻ vô chính phủ và nó đang chuẩn bị cho thời đại tàn lụi của các dân tộc Latinh.
[1] Bởi học thuyết này còn rất mới và nếu không có nó ta sẽ vẫn chưa hiểu được lịch sử, cho nên tôi đã dành chỗ cho nó ở nhiều chương trong tác phẩm của tôi mang tên "Các định luật của phát triển dân tộc". Độc giả qua đó sẽ nhận thấy, mặc dù bị vẻ ngoài che lấp, kể cả ngôn ngữ lẫn tôn giáo, lẫn các loại nghệ thuật, hoặc bất kể một yếu tố nghệ thuật nào đều không thể không bị biến đổi khi được truyền từ dân tộc này sang dân tộc khác.
[2] Báo cáo của nghị viên già Fourcroy, mà Taine lấy làm ví dụ, chỉ ra rất rõ mặt này: "Những gì người ta thấy ở những cuộc lễ chủ nhật và đi nhà thờ chứng minh rằng, đám đông người Pháp muốn quay trở lại với những tập tục cũ, và cái thời để chống lại cái mong muốn này của dân tộc đã không còn nữa. Đám đông con người thấy cần phải có tôn giáo, có một thần tượng và các giáo sĩ. Một sự nhầm lẫn của một vài triết gia, điều mà bản thân tôi cũng lâm phải, là đã tin vào khả năng của một sự giáo dục, chỉ cần nó đủ phổ cập là có thể phá vỡ những định kiến tôn giáo: chúng là nguồn an ủi đối với nhiều nỗi bất hạnh... Do vậy người ta không nên động chạm đến những giáo sĩ, những nơi thờ phượng và thần tượng của đám đông dân chúng."
[3] Điều này được thừa nhận ngay cả ở Mỹ bởi những người cộng hòa kiên quyết nhất. Tờ báo Mỹ "Forum" đã nhận xét về ý kiến này, và tôi cũng đã đăng lại trong "Review of Reviews" tháng 12 1894: "Ngay cả những kẻ thù sôi máu nhất của giới quý tộc cũng không được phép quên rằng, ngày nay nước Anh là một nước dân chủ nhất thế giới, ở đó quyền của mỗi một con người được chú trọng và nó có nhiều tự do nhất."
[4] Nếu người ta so sánh sự bất đồng sâu sắc giữa tôn giáo và chính trị, cái đã làm nên sự chia cắt giữa nhiều vùng ở nước Pháp, với xu hướng ly khai xuất hiện trong thời đại cách mạng và trong thời kỳ kết thúc cuộc chiến tranh Pháp-Đức, ta sẽ thấy, rằng các chủng tộc khác nhau, sống trên đất nước chúng ta, còn lâu nữa mới có thể hòa hợp. Sự tập trung hóa đầy quyền lực và sự tạo nên các cơ quan giả tạo nhằm mục đích trộn lẫn các tỉnh thành xưa kia vào nhau, chắc chắn là những công việc có ích nhất của cách mạng. Giả như sự tản quyền, cái mà những cái đầu thiển cận hôm nay ra rả nói, có thể thành công, thì nó sẽ dẫn đến những cuộc chiến tranh đẫm máu không thể lầm lẫn. Không nhận ra được điều đó, có nghĩa là lịch sử của chúng ta đã hoàn toàn bị lãng quên.
[5] xem thêm trong "Tâm lý học của chủ nghĩa xã hội", "Tâm lý học giáo dục"
[6] Vả lại đó cũng không phải là hiện tượng đặc biệt chỉ ở các dân tộc Latinh, người ta cũng thấy hiện tượng như vậy ở Trung quốc, chúng được hình thành từ thứ bậc chặt chẽ của hệ thống quan lại, và ở đâu nghề làm quan đạt đến được bằng thi cử như ở chỗ chúng ta, thì ở đó đòi hỏi duy nhất là nói một cách trôi chảy những gì đã có trong các sách giáo khoa. Đội quân những nhà giáo thất nghiệp ở Trung quốc ngày nay đang là một tai họa thực sự. Ở Ấn độ cũng vậy, từ khi người Anh ở đó mở trường để chỉ bảo người bản xứ, chứ không phải giáo dục, một đẳng cấp đặc biệt của những người có học, đẳng cấp Babus, đã hình thành, và đã trở nên kẻ thù không khoan nhượng của của chính quyền Anh, nếu như họ không nhận được chỗ làm. Tác động đầu tiên của việc giảng dạy ở đẳng cấp Babus, bất kể sau đó có công việc hay không, là sự xuống dốc một cách đặc biệt về đạo đức.Về điểm này tôi đã trình bày rất tường tận trong quyển "Văn hóa Ấn độ". Tất cả các tác giả đã từng tới thăm tiểu lục địa này đều có chung một nhận xét như vậy.
[7] Taine, Le régime moderne II, 1894. - Đó gần như là những trang cuối cùng Taine đã viết. Chúng tóm tắt lại một cách tuyệt vời các kết quả của những kinh nghiệm lâu năm của một nhà tư tưởng lớn. Giáo dục là phương tiện duy nhất của chúng ta để có thể tác động chút ít đến tâm hồn đám đông, và nghĩ đến lại rất buồn, khi mà hầu như chẳng có ai ở Pháp có thể hiểu được, rằng nền giáo dục hiện nay của chúng ta là nguyên nhân kinh khủng của một sự méo mó. Đáng lý phải nâng tầm của tuổi trẻ lên thì nó lại dìm họ xuống và làm cho họ thối rữa.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro