3. Tâm bão
"Khi đang bị một cơn hoảng loạn tấn công, điều bạn cần làm là đón nhận nó. Hít thở sâu và bước vào nó.
Một, hai, ba, bốn… Chấp nhận nó như thể bạn đang lướt sóng – những cơn sóng lo âu."
Những ngày căng thẳng một mình, tôi thường tải các ứng dụng hoặc các audio hướng dẫn cho những người bị rối loạn lo âu hoặc hay hoảng sợ vào máy điện thoại để nghe. Tôi đã lâu không dùng Lorazepam(*) để ổn định bản thân mình mỗi khi lên cơn hoảng loạn, vì tôi biết dùng nhiều có thể gây phụ thuộc; cho dù, những lần đó, tôi chỉ bẻ 1 nửa viên 0.5 mg để uống, với đôi tay run bần bật và đôi mắt nhắm nghiền, chìm trong hàng vạn luồng ý nghĩ dọc ngang tôi cố bấu víu lấy một suy nghĩ tích cực duy nhất: tôi rồi sẽ ổn.
Cơn hoảng loạn (panic attack) hoặc một đợt lo âu kịch liệt thường đến không báo trước. Dù cho tôi ở bất cứ đâu: Đang đi xe bus, ngồi tàu điện, xếp hàng mua đồ ở siêu thị, tại cơ quan vào buổi sáng trước giờ họp với sếp, hoặc chỉ đơn giản là vừa ăn trưa xong và đi thang máy lên chỗ làm. “Out of the blue” – đó là cụm từ mà người ta hay mô tả về những thứ gì xuất hiện bất thình lình. Có những đợt, khi đang ngủ say trong căn phòng sạch sẽ ấm áp, tôi cũng giật mình tỉnh dậy và thấy tim mình đập thình thịch, khó thở, tức ngực và sau đó không thể ngủ lại được nữa. Là vậy đó, chúng đến với tôi kể cả vào những lúc tưởng chừng yên bình nhất.
Tôi không biết người ta gọi nó là gì, vì mỗi người có một trải nghiệm về panic attack một khác. Với tôi, nó là một cơn bão. Có lúc tôi có thể trụ được, có lúc không, tôi phải bấu víu vào tất cả những thứ tôi đang có để đỡ bị cuốn trôi. Trong thời điểm khó khăn nhất, tôi đã phải vào viện cấp cứu rất nhiều lần chỉ vì cảm giác khó thở và sợ hãi tột cùng ập đến.
Nhưng có ích gì chứ, kể cả tôi có trụ lại được hay không, thì “Có một điều chắc chắn. Là khi bạn ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là cùng một người mà đã bước vào.” (Haruki Murakami). Dư chấn (aftermath) của cơn bão là âm ỉ nhưng kinh khủng hơn chính bản thân cơn bão nhiều. Bạn trở nên nhạy cảm và sợ hãi với mọi thứ. Một tiếng chuông điện thoại hay báo thức với người khác là bình thường, thì nó lại khiến bạn giật bắn lên và tim như nhảy khỏi lồng ngực. Bạn không chịu được không gian rộng quá hoặc hẹp quá. Bạn sợ đám đông. Bạn luôn cảm thấy có cái gì đó nghèn nghẹn ở cổ họng, ăn không còn ngon nữa. Giấc ngủ là một điều xa xỉ và việc bạn ăn xong mà không cảm thấy dạ dày lộn ngược là một điều kỳ diệu. Bạn nghi hoặc bản thân. Bạn không thể ra khỏi nhà nếu không chuẩn bị kỹ càng mọi thứ, hoặc không có ai đó bạn vô cùng tin tưởng đi cùng. Bạn không thể tập trung làm gì. Những mối quan hệ đổ vỡ vì bạn “cư xử lạ lùng”. Bạn mất việc.
Vậy mà, tôi biết có những người luôn mang theo cơn bão này trong mình: Lúc chăm con, lúc đi họp, lúc nấu cơm, lúc đi máy bay, lúc về nhà cười nói với gia đình, hay ra ngoài cafe với bạn bè. Cơn bão ấy đã từng càn quét sạch sẽ những gì quý giá nhất của họ trong quá khứ. Những gì họ gây dựng tiếp theo trong hoang mang là những hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ có ai đó hiểu họ, rằng mọi thứ rồi sẽ ổn định trở lại. Một số người may mắn có được bên cạnh mình những người hiểu họ, nắm tay họ giúp họ vượt qua những cơn bão này. Nhưng cũng có những người lại là một cơn bão thứ hai trong lòng họ. Và vì thế, vết thương không bao giờ lành, dư chấn càng trở nên nặng nề tàn phá.
Duy chỉ có một điều tất cả chúng ta đều quên: Tâm bão luôn luôn lặng gió. Tại sao cơn bão lại trở nên tồi tệ đến vậy: đó là vì chúng ta đang cố chống trả lại nó và chạy trốn khỏi nó. Cách duy nhất để đi vào tâm bão là đi xuyên qua nó. Việc chạy trốn, chống trả khiến chúng ta mắc kẹt ở rìa bão – nơi có cường độ mạnh nhất. Như những lời của người xa lạ nào đó nói với tôi trên mạng, trên những trang sách tôi đọc được về rối loạn hoảng sợ hay những audio hướng dẫn đều có chung 1 điểm: Hãy bình thản bước vào. Nếu cơn bão luôn ở đó, thì chạy trốn làm gì. Và suy cho cùng, cơn bão ấy là tượng trưng của sự nhạy cảm và lòng dũng cảm của người mang nó. Vậy hãy thử dũng cảm cho trót, đón nhận nó và cảm ơn, rằng nhờ có cơn bão mà chúng ta mới biết luôn có những ngày bình yên phía trước. Sự bình yên nằm trong chính thời điểm tột cùng của khổ đau và hỗn loạn nhất, khi mọi thứ tối đen cũng là lúc chúng ta nhìn thấy những vì sao. Khi bạn cảm giác mình không thể chịu đựng được nữa, đó cũng là lúc bạn trở nên mạnh mẽ nhất.
“The only way out is through”
Khánh Linh
(*) Lorazepam: Một loại thuốc dùng để điều trị rối loạn lo âu thuộc gốc benzodiazepine, hoạt động trên hệ thần kinh bằng cách làm tăng sự hiệu quả của chất GABA (một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ), giúp người sử dụng cảm thấy thư thái hơn. Tác dụng phu khi dùng lâu dài có thể gây nghiện, vì vậy cần tham vấn bác sĩ một cách cẩn thận trong quá trình điều trị.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro