Quy Luật Tam Giới ***TÂM THÔNG LINH CẢM***
Chúng ta thường hay nghe nói những chuyện sắp xảy ra mà người này, người kia có thể đã dự cảm được trước chuyện đó, có người gọi những người như thế là người có giác quan thứ 6.
Vậy kỳ thực giác quan thứ 6 là gì?
Theo Huyền Môn Lược Ký mà tổ sư truyền lại thì mỗi người chúng ta có những vòng hào quang riêng biệt khác nhau (phần này tôi có nói rõ trong quyển tập 1 của bộ sách). Như vậy thì nếu một người nào đó mà có sự giao thoa giữa các vòng hào quang với nhau, tức là bên trong vòng thứ năm có 1 lớp rất mỏng của vòng thứ 4, hoặc ngược lại.
Sự trộn lẫn này "vô tình" tạo thành một sự giao thoa để đi xuyên qua các cảm thụ thông thường của một con người bình thường, nếu sự giao thoa này quá lớn sẽ làm cho người đó thần trí bất minh (tức điên loạn, hoặc trí não không thể phát triển - như những người mắc bệnh bẩm sinh về thần trí vậy).
Nhưng cũng có trường hợp gặp một biến cố tác động vô cùng mãnh liệt, làm cho thần trí bất minh, như là vừa trải qua một cú sốc, hay vừa trải qua một cơn bạo bệnh thập tử nhất sanh. Thì biến cố đó trong một hoàn cảnh nhất định nào đó đủ lớn để tác động đến sự tuần tự của các lớp hào quang tương ứng của mỗi người sẽ tạo nên sự rối loạn hỗn tạp và người đó dần rơi vào tình trạng mất kiểm soát của trí não và tâm thần bị động loạn.
Nhưng ngược lại trong một sự rối loạn nhất định, tức là sự pha trộn giữa các lớp ánh sáng này trong một hình thái có trật tự thì lại tạo ra sự xuyên thấu, chính sự xuyên thấu này làm cho người đó có thể cảm thụ những điều mà họ quan tâm nhất!
Thí dụ chị vợ có thể linh cảm được người chồng mình đang gặp nạn (dù người chồng đang đi đánh cá ngoài khơi như bao nhiêu năm qua), nhưng lần này chị lại có cảm giác bất an, trong dạ bồn chồn nôn nao, người như mệt lả, tâm trí bị động loạn, toàn mơ thấy các cảnh ác mộng, và thấy chồng mình té ngã, rơi từ boong tàu...
Sự thật trong khoảng thời gian đó chồng chị gặp nạn ngoài biển thật, như vậy sự linh cảm này có thể coi là một dạng cảm thụ đặc biệt (hay còn gọi là giác quan thứ sáu).
Nhưng nếu chỉ xuất hiện một đôi lần trong đời sống thì đó chưa thể gọi là như một giác quan, nhưng có những người sự linh cảm là thường xuyên và độ chính xác luôn là đúng! Thì có thể xem như sự linh cảm đó là một dạng của sự dự cảm dựa trên sự biến động vi tế của vạn vật vũ trụ hay nói một cách chính xác hơn theo ngôn từ nhà Phật thì đó chính là sự chuyển biến tương hợp giữa (nghiệp và duyên).
Thí dụ nghiệp anh chồng giết hại rất nhiều loài thủy tộc qua rất nhiều đời kiếp nên nay chịu cảnh mạng chung nơi mênh mông đại dương, nhưng mà khi nào nghiệp đến thì lại chưa biết. Đến một hôm nghiệp dần đến bởi "duyên nghiệp" được sanh ra, thì khi duyên nghiệp sanh ra cần đi đến tương hợp với nghiệp để tạo ra quả, như vậy trong quá trình đó sẽ sản sanh ra sự xáo động của biến nghiệp.
Với người bình thường tất nhiên không thể thấu cảm sự biến nghiệp này, nhưng như thầy vừa nói bên trên, trong hoàn cảnh đặc biệt về sự xáo trộn có trật tự giữa các vòng hào quang thì chị vợ lại có thể cảm thụ được sự xuất hiện của "duyên nghiệp" và cảm nhận được cái quả sắp đến gần, thậm chí có thể biết được trước đó từ một vài hôm.
Như trong một bài trước đây thầy có đề cập đến (trong quyển tập 1) đó là VÌ SAO NGƯỜI CHẾT ĐI SỐNG LẠI THÌ DỄ CẢM NHẬN SỰ TỒN TẠI CỦA LINH HỒN?
Đó cũng là một dạng của sự xáo động.
Vậy để cho mọi người dễ hình dung thầy sẽ thí dụ thế này:
Thí dụ sự xáo động về các trường ánh sáng phân bổ từ một nguyên nhân nào đó (mà lẽ ra theo mặc nhiên là tuần tự rất lớp lan, từ khi người đó được sanh ra). Thầy thí dụ sự xáo động này như một dạng đột biến gien.
Như vậy thì đa phần đột biến gien là có hại, đều gây những hậu quả nặng nề, nhưng trong một trường hợp nào đó tuy là đột biến nhưng lại là đột biến có lợi, như vậy thì có thể thí dụ sự xáo trộn này như một dạng đột biến có lợi vậy.
Các nhà Ngoại Cảm hay những bậc thầy Tiên Tri từ xưa đến nay đều có thể gọi chung họ là người có giác quan thứ 6 này, tức là có sự cảm thụ đặc biệt khác lạ so với người bình thường.
Chính vì nó là một dạng của sự xáo trộn cho nên nó không đồng nhất, không có một trình tự nhất định nào.
Thí dụ có người thì chỉ cảm nhận được các dự đoán qua những giấc ngủ mơ, có người thì phải cầm nắm vật từ người khác tạo ra (như nhà tiên tri Vanga), cũng có người chỉ có thể nhìn thấy qua ánh mắt người đối diện, có người thì chỉ có thể cảm thụ qua giọng nói người đối diện, có người lại cảm thụ được qua ấn đường người đối diện.
Như vậy thì rõ ràng là khi quả sắp thuần thục đòi hỏi phải có "nghiệp" và "duyên - còn gọi là duyên nghiệp" tương hợp.
Trong quá trình tương hợp sẽ có sự biến đổi vi tế có khi ngay trên thân thể người thụ quả báo, có khi là trên một người thân của họ, cũng có khi chỉ là trong không gian của thức và linh hồn.
Vậy cho nên việc các nhà tu hành đắc đạo nơi thâm sơn cùng cốc có thể nhìn thấy trước các quả báo của chúng sanh cũng không có gì là lạ cả, điều đó hoàn toàn là chân thực, bởi vì sự tương ngộ giữa nghiệp và "duyên nghiệp" đang chuyển biến dần.
Vậy thì một người bình thường có thể tu học để đạt được cảnh giới này không?
Câu trả lời là có!
Nhưng phương cách tốt nhất vẫn là tu tập thiền định.
Khi thiền Định đã đi đến nấc thứ 3 trở lên trong thiền bậc thì người tu học hoàn toàn có thể thụ cảm những biến đổi vi tế nhất của vạn vật vũ trụ, chứ không chỉ là sự biến đổi vi tế của một người đối diện, vì vậy cho nên ta nhìn lại lịch sử phật giáo, nhìn lại 6 đời tổ sư Thiền Tông, từ Đạt Ma Tổ Sư cho đến Huệ Năng Tổ Sư tất cả đều có thể biết trước một cách chính xác ngày giờ viên tịch, nơi viên tịch. Và những điều sẽ xảy ra trong công cuộc hoằng pháp độ sanh.
Như vậy thì Tâm Thông Linh Cảm chính là sự xáo trộn có trật tự, một người bình thường vẫn có thể tu tập thiền định để đạt được điều này!
Nhưng như bao nhiêu lần trước đây thầy có nói qua, muốn an định thì phải có an lạc, muốn an lạc phải gieo thiện, từ ác, tâm thiện thường hằng thì tâm mới tìm được an lạc, còn làm ác, nghĩ ác, sát sanh, hại người thì tâm làm sao an? Tâm không an thì làm sao có định?
Cho nên muốn có định tất nhiên cần phải tu sửa thân tâm từng thời khắc, siêng năng hành thiện, bố thí, in kinh, tống tượng, tâm thường lạc viên mãn thì sẽ sớm ngày an định. Khi an định sẽ sớm ngày đạt được pháp môn này mà thôi!
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
CẦU CHO TẤT CẢ TÍN CHÚNG CÓ THỂ THỊ PHÁP - LIỄU ĐẠO!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro