MỘNG VÔ THƯỜNG
Một vị thương gia lập nghiệp từ tay trắng, sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định, khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông định tự tử.
Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh bèn đến hỏi cô gái:
- Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô ngồi khóc một mình ở đây?
Cô gái buồn bã nói:
- Tôi bị người yêu ruồng bỏ, tôi không muốn sống nữa, bởi vì không có anh ấy tôi không sống nổi.
Vị thương gia vừa nghe xong lập tức nói:
- Ồ! Lạ nhỉ, sao lúc chưa có bạn trai, cô có thể tự sống được.
Cô gái vừa nghe xong liền bừng tỉnh và bỏ ngay ý định tự tử.
Ngay lúc đó vị thương gia nọ cũng chợt nhận ra rằng: Khi chưa giàu có ta vẫn sống bình thường, ta cũng tay trắng làm nên mà!
Lúc đó cô gái quay sang hỏi vị thương gia:
- Đêm hôm lạnh lẽo như vậy, anh ra đây để làm gì?
Vị thương gia ậm ừ trả lời:
- Ừ... đâu có làm gì, chỉ là tản bộ chút vậy thôi.
Thì ra, dù đã mất tất cả nhưng thực sự cũng chỉ bằng lúc ta chưa có mà thôi. Đây là một nhận thức lớn! Ai thấy được điều này là có trí tuệ. Khổ đau, vật vã, thù hận thậm chí quyên sinh khi mất mát xảy ra, xét cho cùng cũng chỉ thiệt cho mình vì trước đây ta vốn có gì đâu!
Người con gái trong câu chuyện trên khi mất người yêu nghĩ rằng không có người yêu thì không sống nổi, chợt thấy rõ rằng trước khi chưa gặp "kẻ phản bội" kia thì ta vẫn sống vui, liền lập tức đổi ý không trầm mình xuống sông nữa.
Người thương gia trắng tay cũng đổi ý khi ngộ ra rằng trước đây ta cũng từ tay trắng mà lên. Bây giờ trắng tay nhưng cũng chỉ bằng ngày xưa chứ chưa mất mát tí gì.
Con người sinh ra đời với hai bàn tay trắng và dù thành công hay thất bại thì cũng trở về cát bụi với hai bàn tay không, vậy thì sá gì với được mất, có không, vì vô thường thay đổi vốn là bản chất của cuộc đời này.
Chúng ta hãy quán chiếu thật sâu sắc vào sự chuyển biến vô thường của cuộc đời để sống bình thường trước mọi biến động có thể xảy đến với ta bất cứ lúc nào.
_((()))_ MỘNG_((()))_
Gá thân mộng, dạo cảnh mộng.
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng, nhắn khách mộng.
Biết được mộng, tỉnh cơn mộng.
Chúng ta sanh ra, gá vào thân này giống như là thân mộng. Khi sanh ra đời tạm gá xác thân này để đi tiếp vào giấc mộng mới, đâu có cái gì là thân thiệt của mình. Chỉ tạm gá rồi buông giống như giấc mộng tuy có mơ thấy nhưng không thiệt. Như câu chuyện ngài Phá Táo Đọa khai thị cho vị thần táo gá vào mấy cục gạch, mấy viên ngói làm thân. Mình cũng vậy, gá vào mấy cục thịt, xương này làm mình, chớ có gì của mình, của ta đâu! Nhưng khi gá vào đó rồi thì lại đồng hóa mình với nó, nhận nó là mình. Đó là chỗ lầm mê. Hòa thượng muốn đánh thức cho mọi người tỉnh lại, thấu rõ được thân này chỉ là mộng.
"Dạo cảnh mộng", khi gá thân này rồi sống được mấy mươi năm buồn vui, giận ghét, yêu thương v.v... Thăng trầm lên xe xuống ngựa đủ thứ hết. Vậy đó là cái gì? Đó là đi dạo một vòng qua cảnh mộng chớ không gì khác. Tất cả quý vị đang ngồi đây đã dạo bao nhiêu cảnh mộng rồi mà có chán chưa? Đôi khi buồn chán, nhưng cũng có khi chưa chán thiệt.
Có một bà cụ thường xuyên niệm Phật, tụng kinh cầu sanh về Cực Lạc Tây Phương rất chí thiết. Mỗi lần niệm Phật đều phát nguyện cầu là con lớn tuổi rồi, xin Đức Phật mau rước con về Tây Phương. Hôm đó, có chú tiểu tình cờ đi ngang qua nghe bà nguyện lớn như vậy, chú hơi nghịch nên tìm cách đùa bà già một phen. Mấy hôm sau, chú canh lúc bà cụ tới chùa lễ Phật, bèn núp kín phía sau tượng Phật. Bà cụ cũng như mọi ngày lễ Phật phát nguyện. Chú tiểu lên tiếng: "Được! Do tâm bà chí thành, hãy về chuẩn bị chiều này ta đến rước đi". Vừa nghe xong, bà té xỉu ngay đó luôn!
Tưởng đâu bà già cả lớn tuổi, chí thành cầu nguyện Phật rước đi theo Phật cho mau, nhưng khi nghe mình được rước đi thì sợ chết té xỉu. Chúng ta cũng vậy, có những lúc buồn chán không thiết sống, nhưng khi nghe thầy bói nói mình sắp chết thì lại sợ. Đó là mê lầm. Học đạo cũng hiểu cuộc đời là mộng, nhưng nghe nói chết là sợ hãi, là thấy thật.
Khi dạo qua một vòng với nhiều giấc mộng dài, ngắn trong mấy mươi năm, cuối cùng thì "Mộng tan rồi" là tắt thở, là tan giấc mộng dài.
"Cười vỡ mộng", chỗ này nhắc nhở người khéo tu, hiểu đạo khi thấy mộng tan rồi thì cười vỡ mộng. Người khi nằm ngủ mộng thấy cảnh buồn hoặc ghê sợ như bị cọp rượt hoặc mộng vui, đến khi tỉnh dậy biết là mộng thì mộng vui hay buồn đều là không thật nên tỉnh táo đi rửa mặt v.v... rồi công tác vui vẻ, không hề tiếc nuối.
Đối với người biết tu, đến giây phút sắp tắt thở là tan mộng, khi đó cười vì thấy đã tan một giấc mộng dài mà không khóc. Nhưng chúng ta thường thấy chết, biết chết là khóc, khóc vì quý tiếc thân này. Nên Lục Tổ Huệ Năng bảo trong chúng: "Tháng tám ta muốn lìa thế gian, các ông có gì nghi nên hỏi sớm, Ta giải quyết nghi hoặc, sạch hết mê lầm". Khi đó, các vị hiện diện như Thiền sư Pháp Hải v.v... nghe Tổ nói đều rơi nước mắt khóc, chỉ có ngài Thần Hội thản nhiên, thần tình chẳng động không khóc.
Theo thế gian, có khi lại bị trách là ông không có tình thầy trò. Ngược lại, Lục Tổ bảo: "Tiểu sư Thần Hội được thiện ác bình đẳng, chê khen chẳng động, buồn vui cũng chẳng sanh; ngoài ra đều chẳng được. Vậy thì mấy năm ở trong núi trọn tu đạo gì vậy ? ". Tổ còn quở mấy năm trong núi tu hành đạo gì mà đến giờ cũng còn buồn khóc như thế sao; chỉ có tiểu sư Thần Hội được bình thản.
Thế nên, chúng ta hiện còn đầy đủ sức khỏe, nghị lực mạnh, cũng nên biết chuẩn bị trước cho mình giây phút cuối. Bởi vì, ngày đó chắc chắn sẽ đến, không ai tránh khỏi, tất cả cũng đều phải đến chỗ tan mộng, tắt thở. Nếu như không chuẩn bị, khi đến rồi sẽ chới với sanh buồn khổ; còn có sự chuẩn bị trước thì tương đối có sức làm chủ chút ít, được tỉnh táo hơn.
Ở đây, Hòa Thượng muốn nhắc mọi người phải khéo tu, khi mộng đời tan rồi thì vui vẻ cười mộng tan, đừng nên buồn khóc. Ngược lại, còn thương tiếc thân mộng này, là thiếu công phu, thiếu đạo lực, là bị Lục Tổ quở mấy năm ở trong núi tu đạo gì ?
"Ghi lời mộng, nhắn khách mộng". Hòa Thượng đã rõ được việc đó, nên Ngài ghi lại những lời này để nhắn nhủ những người còn đang trong mộng. Nhưng lời ghi này cũng là lời mộng. Lời trong mộng nhắc nhở người trong mộng khéo tỉnh lại. Bởi đây cũng là ngôn ngữ, nó không biết giác ngộ nên đừng vội bám vào những lời này mà cần nương nó để thức tỉnh biết rõ tất cả mọi người đều là người khách dạo trong cảnh mộng.
"Biết được mộng, tỉnh cơn mộng". Quí vị nghe những lời nhắn nhủ này có tỉnh chưa? Đây là chỗ Hòa Thượng rất tâm đắc, khi đã biết được mộng rồi thì tỉnh dậy ngay, chớ không được tiếp tục mộng nữa. Có người mộng rồi tỉnh dậy lại không mở mắt, không chịu thức dậy rửa mặt, còn lăn qua lăn lại rồi tiếp tục mộng nữa. Đó là si mê, nên Hòa Thượng nhắc nhở là khi biết được mộng rồi nên tỉnh cơn mộng.
Chúng ta khi được nghe nhắc nhở, đánh thức liền biết là mộng tức có tỉnh. Nhưng tỉnh lúc này thôi, về nhà lại mộng tiếp tục. Đó là cái mê nhiều đời. Nên chư Phật, Tổ ra đời để đánh thức nhắc nhở chúng sanh tỉnh mộng, khéo biết sống trở lại với một niệm hiện tiền đang sáng ngời đây.
NGƯỜI MẮT SÁNG.
---------------------------
"thường nhắc đến 3 chữ người mắt sáng, đến như thế nào mới gọi là người mắt sáng?
"Người mà hiểu rõ được con đường giải thoát thì chính là người mắt sáng." rằng người mắt sáng cũng chính là có thể quan sát và soi sáng các hiện tượng của thế gian, do hiểu rõ chân lý thế gian nên có thể tu tập thiện Pháp, có thể dẫn đến sự sinh ra định lực, đạt đến sự tịnh tâm tuyệt đối, trí tuệ ở vào cảnh giới vô thượng, có thể làm chủ được sự sống chết, có thể đoạn tận các phiền não, trở nên người không bao giờ đắm chìm trong các tráo lưu mù quáng, đó chính là người mắt sáng.
Ngược lại với người sáng mắt là người ngu si, người ngu si là gì?
1/ Căn bản không biết vạn vật trên thế gian này là sinh và diệt.
2/ Căn bản không biết dục vọng, có thể mang lại khổ, mang lại sự đọa lạc.
3/ Mưu tính chiếm hữu tất cả, mưu tính rằng thế gian có thể cung cấp những khoái lạc vĩnh cửu.
4/ Không tin vào nhân quả, không tin có luân hồi, không tin có đạo lý giải thoát.
Có một bài thơ như sau:
Cốt hài hồi thị tích như sơn, biệt lệ phiên thành tứ hải lan
Thế gìới đáo đầu chung hữu hoại, nhân sinh đàn chỉ hữu hà hoan.
(Nhìn lại hài cốt chất cao như núi, nước mắt chia ly đổ đầy bốn biển cả, thế giới từ đầu đến cuối đã bị huỷ hoại, nhân sinh ngắn ngủi như búng ngón tay thì có gì mà vui)
"Chúng ta phải bình tĩnh trở lại, trong tư duy, nghĩ đến vấn đề của người nhân thế để hiểu ra sinh diệt là vô thường, khả dĩ hiểu được khổ và sự đọa lạc, hiểu ra sự tham cầu, khao khát ái tình. Đây là phương pháp nhìn vào bên trong (nội quan pháp).
Sau đó mới họa cách đoạn trừ sự khát cầu dục vọng đối với lục căn, không ngừng tinh tấn tu pháp thiện. bảo trì tâm sáng tỏ phân minh, từ đó ngăn ngừa được những ngu si của chính mình, đọan trừ những căn nguyên của đọa lạc và thoát ra khỏi vòng sinh tử"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro