Chương 1: Chuyện của Cám
Nếu có thể quay lại, tôi vẫn sẽ chọn đi con đường đó, vẫn sẽ giết chị, vẫn sẽ làm Hoàng Hậu, và vẫn sẽ...
°
°
°
Tôi sinh ra trong một gia đình nhỏ, tuy không thuộc dạng nghèo, nhưng cũng không được coi là "khá giả", chỉ vừa đủ ăn, đủ mặc. Điều duy nhất khiến tôi cảm thấy mình "giàu" hơn người khác đó là tôi có hai người mẹ để yêu thương và kính trọng, một người là mẹ ruột và một người mẹ tôi gọi là "mợ cả". Mợ có một người con gái, chị trạc tuổi tôi, chị được mợ và cha đặt tên là Tấm, còn tôi được mợ gọi là Cám.
Nhà của cha có một cái phản gỗ, nó khá rộng, nhưng tất nhiên là không đủ chỗ để cả gia đình năm người chúng tôi cùng nằm lên và ngủ với nhau, bên cạnh đó, căn nhà này cũng không lớn đến mức có thể đặt thêm một cái phản gỗ nào nữa. Và như một lẽ hiển nhiên, cái phản đó sẽ dành cho cha, mợ và chị Tấm ngủ, phần mẹ con tôi thì sẽ trải một thảm rơm nhỏ ở một góc bếp để tiện khi rét thì nhóm một chút củi bếp lên mà sưởi ấm.
Tôi và mẹ thường ra đồng vào lúc tờ mờ sáng cùng cha, còn mợ và chị Tấm thì lo việc nhà cửa và đàn gà ở nhà, có lẽ. Những khi được ra ruộng cùng cha như thế này, mẹ tôi đều cười rất tươi, tôi không biết là do được gần bên cha, hay do thấy cái thân hình nhỏ bé như tôm như tép của tôi phụ giúp làm ruộng mà nụ cười ấm áp đó xuất hiện trên khuôn mặt khắc khổ của mẹ, tôi chỉ biết rằng những lúc đấy nhìn mẹ thật hạnh phúc. Làm đến xế trưa thì mợ và chị Tấm sẽ mang cơm đến cho cha, mẹ và tôi dùng rồi quay về, thường thì cha ăn thịt, còn tôi và mẹ sẽ có một chén cháo lỏng và ít rau xanh, mợ bảo vì cha thường làm việc nặng và rất cực nhọc nên cần ăn thật nhiều, còn tôi và mẹ thì không cần ăn nhiều kẻo thành "mấy con mẹ béo", lúc đó... tôi nghĩ mợ đúng. Tôi thật sự thích làm ruộng, vừa có thể giúp cha và mẹ, vừa có thể nhìn mẹ cười hạnh phúc, vừa có thể chơi cùng bạn khi tôi xong công việc của mình. Đúng, tôi có một người bạn thân, một người bạn duy nhất. Mỗi ngày trôi qua đều như vậy, rồi đến một hôm, tôi từ một đứa con gái yếu đuối mà trở nên tháo vát, năng động hơn, thậm chí có một chút gì đó tinh nghịch dẫn đến việc mỗi lần làm ruộng về tôi đều mang thêm một vết thương nhỏ như một chiến tích, cứ như một cậu bé nghịch ngợm.
Nhưng những năm tháng êm đềm ấy chẳng kéo dài được lâu, mợ qua đời khi chị và tôi vẫn còn bé, không lâu sau thì cha cũng theo mợ mà đi, tôi và chị Tấm từ đó nương tựa mẹ. Trong tang cha, chị Tấm thì khóc nức nở, còn mẹ tôi thì đứng lặng, khuôn mặt vô hồn và đôi mắt sưng húp cứ nhìn về hướng mộ cha, còn riêng tôi, tôi vì một lời hứa mà cắn răng cắn lợi, không khóc. Nhưng cũng từ hôm cha mất, nụ cười hiền hậu không còn nở trên khuôn mặt của mẹ nữa. Từ lúc nào, tôi bắt đầu nghe người xung quanh xì xào to nhỏ, họ gọi mẹ tôi với một cái tên xấu xí: "mụ dì ghẻ". Không nhớ từ khi nào sau cái ngày mà cha mất, mẹ tôi giao hầu hết các công việc từng là của mẹ con tôi sang cho chị Tấm làm: chăn trâu, gánh nước, thái khoai, vớt bèo, xay lúa giã gạo. Việc của chị và mợ khi trước thì bây giờ sẽ do tôi và mẹ làm, thế nên sau này tôi cũng ít ra ruộng, hoặc có thể nói là hầu như không còn ra ruộng nữa. Và dĩ nhiên vì vậy, tôi không còn được gặp bạn của tôi nữa, những người duy nhất bên tôi bấy giờ là mẹ và chị Tấm, hai người tôi thương yêu, đối với tôi như vậy là đủ.
Rồi mọi chuyện bắt đầu từ một hôm, mẹ đưa cho hai chị em mỗi người một cái giỏ rồi bảo ra đồng bắt con tôm cái tép. Mẹ hứa hẹn với chị em tôi rằng: "Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ!". Nghe vậy, tôi và chị liền cùng nhau ra đồng, chị Tấm nhờ mò cua bắt ốc đã quen nên chỉ một buổi là được đầy cả giỏ, vừa cá vừa tép. Còn Cám tôi thì do lâu lắm mới có dịp được ra ruộng cả ngày nên nhân dịp này tôi đủng đỉnh dạo hết ruộng nọ sang ruộng kia mà quên hết cả thời gian, mãi đến chiều vẫn không được gì. Đến lúc cái ánh đỏ chiều tà bắt đầu rọi xuống thì tôi mới giật mình mà bắt đầu đi bắt cua bắt tép, và dĩ nhiên với cái khoảng thời gian chút ít sót lại mà tôi có trước khi phải trở về nhà cùng chị Tấm thì số lượng mà tôi bắt được cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Chiều xuống, thấy chị Tấm bắt được một giỏ đầy, tôi ngạc nhiên lắm, nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là việc chị Tấm mãi mê mò cua bắt ốc mà để cả người đem luốc, sợ tẹo nữa về ăn cơm mẹ sẽ mắng chị, tôi bảo:
- Chị Tấm ơi chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng.
Nghe theo lời tôi nói, chị Tấm bèn xuống ao lội ra chỗ sâu tắm rửa, tôi thì ngồi trên bờ canh hai giỏ tép. Cứ mãi đắm nhìn cảnh mặt trời lặn, đến khi nhìn lại thì không thấy chị Tấm đâu. Vì lo chị có chuyện, tôi đứng phắt dậy mà không để ý xung quanh, tôi hét lớn gọi chị Tấm vài lần thì chị trồi dậy trả lời rằng "chị hụp sâu một tí cho sạch", lúc đó tôi mới yên tâm. Nhưng khi tôi quay lại thì giỏ của chị Tấm đã bị lật đổ, có lẽ là do khi nãy tôi vô tình đá trúng lúc đứng dậy chăng? Vì lo sẽ bị chị mắng nên tôi bảo chị rằng tôi về trước để phụ mẹ, không chờ chị Tấm trả lời, tôi vội vàng cầm chiếc giỏ của mình rồi về trước. Về nhà với giỏ tép nhẹ đến mức như thể nó không hề chứa đựng bất kì thứ gì bên trong, tôi bị mẹ mắng một trận vì ham chơi, được một lúc thì chị Tấm về, có lẽ mẹ nghĩ chị Tấm về sau thì giỏ sẽ nhiều tôm tép hơn nhưng do không đúng như những gì mẹ dự đoán, mẹ đã mắng chị Tấm, mắng rất nhiều. Phần tôi vì sợ nếu nói ra sự thật thì sẽ bị cả mẹ và chị Tấm giận, sợ sẽ bị mẹ la thêm một trận nữa vì bất cẩn, thế nên tôi im lặng, chỉ dám khẽ nhìn chị trong sự cắn rứt của chính mình.
Đã nhiều ngày trôi qua kể từ lần đó, chị Tấm trước đã ít nói, nay lại trở nên ít nói hơn, chị cũng ăn ít hơn, khi trước mỗi bữa chị ăn ba chén, nhưng giờ chỉ ngồi ăn hai chén với tôi, sau khi mẹ tôi rời khỏi mâm cơm thì chị Tấm bới chén cơm thứ ba rồi rời đi một lúc mới quay trở lại, khi trở lại thì chén cơm chị cầm đã sạch không còn một hạt cơm. Tôi rất muốn xin lỗi chị và nói sự thật cho chị nghe, mong chị tha thứ. Đúng như tôi nghĩ, chị giận tôi, không muốn ăn cùng tôi, thế nên khi mẹ tôi vừa rời đi thì chị đem cơm đến chỗ khác ăn, tránh mặt tôi. Với sự cắn rứt vì tội lỗi và mãi ôm một sự thật, một ngày kia, tôi lén theo chị khi chị đem chén cơm thứ ba đi khỏi mâm ăn, tôi muốn ít nhất được xin lỗi chị một cách thẳng thắn. Đi được một lúc, đến cái giếng gần bụi tre thì chị ngừng lại bên cái giếng, tôi nghĩ bụng có lẽ chị biết tôi đi theo sau nên dừng lại và cho tôi cơ hội nói chuyện, tôi nhẹ tiến đến từ đằng sau, nhưng rồi ngừng lại khi thấy chị làm một việc khó hiểu. Tôi vừa sợ vừa tò mò, đứng núp đằng sau bụi tre và nhìn chị, chị đứng bên cái giếng rồi nhẹ nhàng cầm từng nắm cơm mà rải đều trên mặt nước của cái giếng, vừa rải vừa lẩm nhẩm gì đó mà tôi không thể hiểu được, tôi nghe được tiếng mặt giếng bị làm dao động dữ dội, rồi thấy một con cá bống trồi lên...
Vài hôm sau, khi chị Tấm đi chăn trâu ở đồng xa theo lời mẹ, tôi đã thử đến bên chiếc giếng, thế nhưng dù nhìn kiểu gì thì trong giếng cũng không có lấy một con cá nào, tôi bèn rải một ít cơm và nhẩm theo những gì mà tôi nghe chị Tấm đã đọc lên mấy đêm trước:
Bống bống, bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người
Thế rồi, cá bống liền xuất hiện từ dưới đáy giếng mà trồi lên, nó nhìn tôi ngơ ngác và có lẽ là cả một chút sợ hãi. Tiếng bước chân nhẹ nhàng bước đi trên từng chiếc lá khô kêu lắc rắc từ sau lưng tôi, trước khi tôi kịp quay đầu lại thì mẹ đã đột ngột xuất hiện rồi chạy tới chộp lấy con cá bống. Thì ra những ngày qua, mẹ đã để ý đến những hành động kì lạ của tôi khi đi theo chị Tấm sau mỗi bữa cơm, thêm cả việc vừa thấy tôi lén bới một chén cơm trắng từ nhà ra vườn mà thậm chí khi chưa đến giờ cơm, và tôi cũng chưa bao giờ ăn riêng ngoài gia đình, vậy nên mẹ đã theo tôi từ nhà đến đây và chứng kiến hết mọi chuyện. Mặc kệ tôi khóc lóc, van xin, nài nỉ bao nhiêu, mẹ tôi đã làm thịt con cá bống. Tôi thiếp đi vì mệt sau khi khóc đến sưng cả mắt, ngày hôm đó tôi không ăn gì vào bụng, trừ sự đau buồn và dằn vặt.
Đến chiều chị Tấm dắt trâu về, sau khi ăn uống xong chị lại mang bát cơm để dành ra giếng. Khi chị trở về, mắt chị đỏ và sưng húp cả lên, bát cơm chỉ vừa lưng một nửa, tôi thừa biết chị đã phát hiện. Tôi nằm trên tấm phản, xót xa nhìn chị rồi quay mặt vào tường vì không còn mặt mũi nào nhìn chị nữa sau những lần liên tiếp làm chị đau khổ như vậy.
Ít lâu sau, nhà vua mở hội luôn mấy đêm ngày. Già trẻ trai gái các làng đều nô nức đi xem. Trên các nẻo đường, quần áo mớ ba mớ bảy dập dìu tuôn về kinh như nước chảy. Mẹ tôi cũng sắm sửa quần áo đẹp cho tôi để đi trẩy hội sau khi tôi nài nỉ hết mức vì hiếm khi tôi được ra ngoài. Như để chuộc lỗi, tôi cũng xin mẹ cho chị Tấm cùng đi, mẹ bảo cả nhà sẽ cùng đi khi mọi người làm xong việc. Nghe vậy tôi bèn kéo chị Tấm ra để mẹ hỏi việc, mẹ nói đến việc gì, chị Tấm cũng đã làm xong gọn gàng cả. Sau khi đọc cả một tràng dài những công việc thường ngày, mẹ tôi im lặng rồi đi vào bếp, được một lúc thì mẹ lấy ra một đấu gạo trộn lẫn với một đấu thóc, bảo Tấm:
- Con hãy nhặt cho xong chỗ gạo này rồi có đi đâu hãy đi, đừng có bỏ dở, về không có gì để thổi cơm dì đánh đó.
Nói đoạn, mẹ tôi dắt tôi lên đường, tôi cảm thấy mẹ có một chút quá đáng nên đã gặng hỏi và bản thân có ý định ở lại để giúp chị, nhưng mẹ bảo rằng nếu hôm nay tôi không đi thì những ngày sau mẹ tôi bận bịu sẽ không thể dắt tôi đi nữa, và chị Tấm cũng không thể dắt tôi theo bởi chị Tấm sẽ đi cùng bạn, nếu dành thời gian để lo cho tôi thì chị Tấm sẽ không thể thoải mái chơi hội được. Một phần muốn quay về phụ chị, một phần vẫn muốn đi hội. Nghĩ rằng phụ chị có thể phụ khi khác để chuộc lỗi, dù sao hội cũng kéo dài mấy đêm ngày, một chốc nữa chị lựa xong thì cũng sẽ được đi hội, nhưng lễ hội lớn như thế này, nếu hôm nay tôi không đi thì sẽ không có cơ hội khác. Thế nên tôi và mẹ, cùng nhau đến xem hội.
Đến hội một lúc thì tiếng lính hầu thổi kèn và hét lớn báo nhà vua đã đến, tôi thấy nhà vua từ lưng con voi ngự bước xuống rồi ngồi bên trong cái đình. Khi vua vừa ngồi xuống, ngài phẩy tay nhẹ gọi lính hầu và kề vào tai lính nói nhỏ gì đó. Lúc sau người lính hầu đứng dậy và bước đến giữa đình, thét lớn:
- Loa loa loa! Nhà vua mở hội thử hài, ai thử vừa hài nhà vua ban thưởng! Loa loa loa!
Như mèo thấy mỡ, lập tức ngay sau khi được vua hạ lệnh cho rao mời tất cả đám đàn bà con gái đi xem hội đến ướm thử, hễ ai đi vừa chiếc giày thì vua sẽ lấy làm vợ thì đám hội lại càng náo nhiệt vì các bà, các vô, các chị chen nhau đến chỗ thử giày. Cô nào cô đấy lần lượt kéo vào ngôi lầu giữa bãi cỏ rộng để ướm thử một tý cầu may. Nhưng chả có một chân nào đi vừa cả. Thấy chiếc hài đẹp, tôi muốn được mang thử một lần, vậy nên mẹ con tôi cũng trong số đó, nhưng dĩ nhiên là không vừa. Khi tôi và mẹ bước ra khỏi lầu thì gặp Tấm. Tôi định gọi chị:
- Mẹ ơi, ai như chị Tấm cũng đi thử giày đấy!
Mẹ tôi bĩu môi:
- Con nỡm!
Tôi và mẹ quay lại nhìn chị một lúc thì không ngờ, khi Tấm đặt chân vào giày thì vừa như in. Chị lấy từ trong tay áo một chiếc khăn nhỏ, mở khăn lấy chiếc thứ hai đi vào. Hai chiếc giày giống nhau như đúc. Bọn lính hầu hò reo vui mừng. Lập tức vua sai đoàn thị nữ rước chị Tấm vào cung. Tấm bước lên kiệu trước con mắt trầm trồ, ngạc nhiên. Trong lòng tôi lúc đó bỗng có hai thứ cảm xúc hòa lẫn vào nhau, tuy vui mừng cho chị Tấm khi chị đã tìm được hạnh phúc của mình, nhưng lại có một điều gì đó đã làm chùng xuống niềm vui của tôi. Là lo lắng? Đau buồn? Ganh ghét? Đố kị? Hay buồn tủi?
Một thời gian dài kể từ khi vào cung, chị Tấm trở về trong ngày giỗ cha. Chị trở về giúp mẹ tôi soạn cỗ cúng và quét dọn nhà cửa. Khi về nhà, tôi nói chị cứ việc ngồi thôi, không cần làm, kẻo bẩn quần bẩn áo, chị bảo tôi lấy cho chị bộ đồ cũ của chị, chị bảo đồ trong cung sẽ khó di chuyển và phụ giúp mẹ, thay y phục thường ngày như lúc trước sẽ tiện hơn. Tôi nghĩ bụng chị nói đúng, vì ngộ nhỡ khi lau dọn sẽ bẩn đồ mới của chị, nên tôi cũng lấy cho chị bộ đồ của chị mà tôi đã cất giữ cẩn thận từ ngày chị đi. Chị kể, từ khi vào cung chị không phải làm gì cả, buồn tay buồn chân, chị không quen, nhân ngày giỗ cha chị muốn làm gì đó cũng như vận động tay chân một chút. Nghe vậy mẹ dặn chị thay xong thì ra vườn mà hái ít cau:
- Trước đây con quen trèo cau, con hãy trèo lên cái cây sau vườn rồi xé lấy một buồng để cúng cha.
Chị vẫn như vậy, dù là Hoàng Hậu, nhưng chị vẫn vâng lời mẹ tôi mà trèo lên cây cau. Lúc lên đến sát buồng thì ở dưới này mẹ đã cầm dao đẵn gốc. Thấy cây rung chuyển, chị hỏi:
- Dì làm gì dưới gốc thế?
- Gốc cau lắm kiến, dì đuổi kiến cho nó khỏi lên đốt con.
Nhưng chị Tấm chưa kịp xé cau thì cây đã đổ, chị ngã lộn cổ xuống ao, chết. Khi tôi từ bếp ra, đem theo vài cái túi đựng cau cho chị thì mọi chuyện đã rồi. Tôi hốt hoảng, làm rớt cái túi đựng trên tay, chạy đến bên bờ ao để rồi đứng như trời trồng. Tim tôi quặn đau, đầu óc tôi quay cuồng, tôi khóc không thành tiếng, tôi phải làm gì? Người mẹ tôi hết mực yêu thương, giết chết người chị tôi luôn kính trọng. Tôi quỳ gục xuống, đôi tay bấu chặt vào nhau đến chảy máu, tôi muốn dùng nỗi thể xác để quên đi cái đau đang quặn lên từng trong tim mình. Từ dưới gốc cây, mẹ tiến lại gần tôi và thủ thỉ bên tai tôi: "Nếu nó chết, con sẽ là Hoàng Hậu". Trong khoảnh khắc, tuy trái tim tôi vẫn còn đau nhói, nhưng một suy nghĩ lóe lên, một sự thật tuy tàn nhẫn nhưng có một thứ gì đó đã thôi thúc tôi, thứ đã luôn nung nấu trong tôi kể từ ngày chị bước theo vua làm Hoàng Hậu, ý nghĩ đó bây giờ ... bộc phát. Đúng, tôi phải như vậy, phải làm vậy thôi, ít nhất, mẹ tôi sẽ được sung sướng, có lẽ người mẹ mà tôi yêu thương sẽ lại nở nụ cười ấm áp đó, và có lẽ, người tôi luôn thương yêu sẽ hạnh phúc.
Nói rồi, mẹ tôi vào nhà vội vàng lấy áo quần của chị Tấm cho tôi mặc vào, rồi đưa vào cung nói dối với vua rằng Tấm không may bị rơi xuống ao chết đuối, nay đưa tôi vào để thế chị. Nghe mẹ tôi giải thích, vua chẳng nói gì cả, phẩy tay rồi cứ thế mà quay mặt đi, mặc cho tôi và mẹ quỳ ở cửa cung, mặc cho mẹ con tôi muốn làm gì thì làm. Tôi biết ngài đang rất đau lòng, nhưng vì là vua, là đấng nam nhi nên ngài không được phép khóc, tôi hiểu ngài, tôi hiểu cảm giác đấy, thế gian liệu còn điều gì đau đớn hơn không được khóc khi trái tim như muốn vỡ ra thành trăm mảnh? Chẳng có gì cả, tôi biết, vì tôi cũng đã từng như vậy, đã rất đau đớn nhưng không thể khóc. Tôi vài lần cố đến bên ngài để an ủi, nhưng có vẻ trông thật giả tạo, hay có lẽ ngài quá đau lòng bởi cái chết của chị, nên ngài chẳng buồn ngó ngàng đến tôi. Được vài lần, tôi ngừng cố gắng. Từ khi về với vua, cùng với các tì nữ trong cung, tôi vẫn làm hầu hết những công việc tôi đã từng làm trước khi vào cung. Tất cả là do tôi tình nguyện, không phải làm vì điều gì cả, chỉ bởi tôi là thế thân của chị Tấm, không hơn không kém, không danh không phận.
Không lâu sau, ở vườn ngự, khi tôi đang giặt quần áo gần giếng nước, có một con chim vàng anh xinh đẹp bay đến, đậu trên một cành cây gần tôi mà nói:
- Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.
Nói thế rồi chim vàng anh bay thẳng vào cung đậu ở cửa sổ, hót lên rất vui tai. Từ đó vua đi đâu, chim bay đến đó. Có vẻ như vàng anh chỉ cất tiếng nói khi bắt gặp tôi ở riêng, điều đó khiến tôi có một chút sợ, nhưng nghĩ bụng có vàng anh ở bên thì vua cũng đỡ một phần đau buồn khi nhớ chị Tấm nên tôi im lặng, không nói ai biết. Vua nhớ Tấm không nguôi, thấy chim quyến luyến theo mình, vua bảo:
- Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo.
Chim vàng anh bay lại đậu vào tay vua, rồi rúc vào tay áo. Vua yêu quý vàng anh quên cả ăn ngủ. Vua sai làm một cái lồng bằng vàng cho chim ở. Từ đó, ngày đêm vua chỉ mê mải với chim không tưởng đến tôi, việc đó cũng không khác biệt gì mấy so với trước khi vàng anh xuất hiện, nên tôi cũng không để tâm. Nhưng rồi mẹ tôi bảo do nó nên nhà vua mới không để ý đến tôi, phải bắt chim làm thịt ăn rồi kiếm điều nói dối vua. Tôi biết lý do mẹ nói vậy, tôi đã ngăn cản bà vì nghĩ ít nhất vàng anh sẽ khiến nhà vua bớt đau buồn, nhưng mẹ tôi cứ nằng nặc đòi giết, thế rồi tôi mặc kệ cho những việc bà làm, bởi tôi đã mệt mỏi rồi.
Trở lại cung vua, nhân lúc vua đi vắng, mẹ tôi sai một tì nữ bắt chim làm thịt ăn rồi vứt lông chim ở ngoài vườn. Thấy mất vàng anh, vua hỏi, tôi bao che cho mẹ mà đáp do trong cung có mèo, có thể do mèo thịt mất. Vẫn như lúc chị Tấm mất, vua im lặng, không nói gì sau câu trả lời của tôi. Từ khi đến cung, ngài hầu như không nói chuyện với tôi, đúng hơn là sau câu hỏi về sự ra đi của chị Tấm, đây là lần thứ hai nhà vua bắt chuyện với tôi. Ngài cứ tránh mặt tôi, cũng như những người khác ở trong cung. Nhưng không sao, tôi cũng quen rồi, dù gì thì từ rất lâu rồi tôi cũng chẳng hề nói chuyện với ai trừ mẹ và chị nên những việc người khác làm tôi cũng không để tâm.
Lông chim vàng anh mẹ tôi chôn ở vườn không lâu sau thì hóa thành hai cây xoan đào. Không ai để ý bởi vì vườn có nhiều cây, nhưng cây xoan này lớn rất nhanh, cứ như chớp mắt một cái thì đã thành một cái cây to lớn. Và rồi khi vua đi thăm vườn ngự, cành lá của chúng sà xuống che kín thành bóng tròn như hai cái lọng. Vua thấy cây đẹp rợp bóng, sai lính hầu mắc võng vào hai cây rồi nằm chơi hóng mát. Khi vua đi khỏi thì cành cây lại vươn thẳng trở lại. Từ đó, không ngày nào là vua không ra nằm hóng mát ở hai cây xoan đào. Rồi như một câu chuyện lặp lại, nhân một hôm gió bão, mẹ tôi sai thợ chặt cây làm khung cửi rồi lại kiếm điều nói dối vua. Thấy cây bị chặt, vua hỏi thì tôi đáp, như một sự bao che cho mẹ:
- Cây bị đổ vì bão, thiếp sai thợ chặt làm khung cửi để dệt áo cho bệ hạ.
Nghe thế rồi, vua cũng im lặng mà quay đi như bình thường, đây là lần thứ ba tôi được nhà vua hỏi chuyện. Nhưng khi khung cửi đóng xong, tôi ngồi dệt vào dệt lúc nào cũng nghe thấy tiếng khung cửi rủa mình:
Cót ca cót két,
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra.
Tôi đứng im như một pho tượng, mẹ tôi đi từ cửa vào nghe được thì sợ hãi bảo đốt quách khung cửi rồi đem tro đi đổ cho rõ xa để được yên tâm. Rồi đống tro bên đường lại mọc lên một cây thị cao lớn, cành lá sum suê.
Và rồi, vào một ngày trời trong gió mát, nhưng đối với tôi thì có lẽ đó là một ngày gió lộng, chị trở về trong vòng tay của Hoàng Thượng, bước chung tay như lần đầu họ gặp nhau, nhìn nhau trìu mến. Chuyện gì đến cũng phải đến, tôi nhận được sự trừng phạt vì tội ác của mình - cái chết. Tôi bị dìm trong bể nước, cơ thể bị chặt thành nhiều mảnh, rồi bị đốt cháy,...
Đến khi cái xác không còn khả năng làm chỗ chứa cho linh hồn của tôi nữa, hồn tôi bay khỏi xác. Khi đó, khi tôi chỉ còn lại là một mảnh hồn vất vưởng, khi tôi nghĩ sẽ không có gì có thể chạm vào tôi - một linh hồn - thì một cánh tay mạnh mẽ nắm chặt lấy cổ tôi, như muốn bóp nghẹn tôi, như muốn tôi phải chết thật đau đớn, chết thêm lần nữa, chết hồn bay phách tán. Anh ta nhìn tôi, một ánh mắt căm phẫn:
- Cô phải chết, cô không được phép đầu thai, cô không được phép vất vưởng, cô không được phép tồn tại.
Vẫn giữ ánh mắt căm hận đó, anh nghiến răng nói tiếp:
- Tại sao cô lại có thể làm những chuyện độc ác đến vậy? Tại sao cô cứ liên tục hãm hại nàng ấy? Tại sao? Tại sao? Loại người như cô không xứng đáng được đầu thai.
Trong khi anh đang siết cổ tôi ngày càng chặt. Tôi cố gắng trả lời, trong cái đau rát ở cổ tôi, nơi đôi tay anh ta siết chặt lại, tôi cố gắng hết sức để nói, vừa đủ lớn để anh có thể nghe thấy:
- Vì anh.
Anh ta như chết lặng một lúc, đôi tay đó như nhẹ thả lỏng trong một khoảnh khắc, rồi lại siết chặt hơn, anh nói lớn:
- Con đàn bà dối trá.
Tôi biết rằng kẻ sống sẽ là người được phép viết lên câu chuyện, nên dù cho tôi có giải thích đến mấy, có bao nhiêu lý do, thì cuối cùng, tôi sẽ là người phản diện, là kẻ không có quyền biện minh, không có tiếng nói. Thế nhưng tôi phải nói, ít nhất tôi muốn anh biết lòng tôi. Tôi gắng nói, trong khi cái cổ tôi như muốn bị đốt cháy, như muốn vỡ ra thành từng mảnh, tôi dùng hết phần sức còn lại để bộc bạch, thổ lộ với anh, những lời tôi luôn ấp ủ từ lâu.
- Vì anh, tất cả những gì tôi làm đều là vì anh. Khi anh đến bên cạnh chị ở bờ ruộng, khi anh đưa chị một chú cá nhỏ, khi anh giúp chị lựa thóc, khi anh giúp chị chỉnh cỡ hài, khi anh rơi những giọt nước mắt khi phải đứng từ xa tiễn chị vào cung...
Anh ta ngạc nhiên, đanh mặt lại hỏi tôi, nhưng đôi tay anh vẫn không buông lỏng một chút nào, thậm chí còn siết chặt hơn một chút:
- Tại sao cô nhìn thấy được tôi?
Tôi trả lời:
- Tôi thấy chứ, tôi biết chứ. Vì đó là anh. Anh sẽ đến mỗi khi chị khóc, anh sẽ đến mỗi khi chị cần anh. Khi chị gọi bống, anh đã ở đằng xa nhìn chị, một ánh nhìn ấm áp và trìu mến, tôi biết vì anh không muốn chỉ thấy những giọt nước mắt của chị, anh cũng muốn được thấy chị hạnh phúc, thế nên anh gửi gắm cho một chú cá bống để mỗi khi chị vui buồn đều có thể trò chuyện cùng nó, và khi chị đọc câu chú, sẽ đồng thời gọi cả cá Bống và anh đến, anh sẽ đứng một nơi khuất tầm nhìn của chị, nhưng vừa đủ để anh được nhìn chị cười, được nghe thấy tiếng nói của chị, lần nào cũng thế, anh luôn ở đó. Và khi anh từ xa nhìn chị thử giày, anh đã mỉm cười khi chị được theo vua. Nhưng tôi biết, anh không muốn xa chị, nụ cười anh lúc đó... chứa cả nỗi buồn. Khi chị trở về từ hoàng cung, tôi đã không còn thấy anh phía xa dõi theo chị tôi nữa. Lúc đó tôi nhận ra, anh chỉ có thể đến mỗi khi chị khóc hay khi chị cần anh. Tôi biết anh đã rất đau lòng khi không còn được gặp chị bởi chị đã sống thật hạnh phúc ở hoàng cung, chị Tấm đã không còn cần anh nữa. Thế nên khi mẹ tôi giết chị ấy, tôi đã nảy sinh suy nghĩ rằng nếu chị ấy chết thì linh hồn chị sẽ về với anh, anh sẽ luôn được bên chị, anh sẽ hạnh phúc khi được bên chị. Vì để anh có được hạnh phúc, bằng mọi cách tôi đưa chị về với anh. Tôi mặc kệ người đời đàm tiếu, tôi mặc kệ nhà vua lạnh lùng, tôi mặc kệ hoàng cung hay bất kì ai khác đối xử tệ bạc với tôi như một đứa tội đồ bị giam lỏng không hơn không kém, tôi mặc kệ tất cả, chỉ cần anh được hạnh phúc. Vì tôi biết, đó là anh.
Tôi chỉ kịp mỉm cười, một nụ cười mà rất lâu tôi không thể đặt trên môi, rồi tôi nhẹ nhàng đưa đôi bàn tay dần vỡ nát của mình đặt lên đôi má của anh, lau đi giọt nước mắt đang trực trào, rồi linh hồn tôi tan biến thành hư vô, mãi mãi. Trong khoảnh khắc, tôi bỗng nhớ lại ngày đó khi được ra ruộng một lần nữa, tôi đã đi tìm anh nhưng không thấy, vậy mà anh đã xuất hiện và ân cần đến bên chị, ngày đó tôi đã thử gọi cá bống vì muốn gặp anh, nhưng anh đã không xuất hiện. Có lẽ là, anh quên mất tôi rồi. Nhưng ít nhất trước khi chết, tôi được gặp anh một lần nữa, trước khi chết, anh lại nhìn về phía tôi một lần nữa, trước khi chết, tôi đã được chạm vào anh ... điều tôi luôn mong ước. Cuối cùng, tôi cũng cảm nhận lại được cái gọi là "hạnh phúc".
Nếu có thể quay lại, tôi vẫn sẽ chọn đi con đường đó, vẫn sẽ giết chị, vẫn sẽ làm Hoàng Hậu, và vẫn sẽ ... làm mọi thứ để anh hạnh phúc.
°
°
°
Lúc này, sau khi chính tay anh đã phá nát linh hồn của Cám khiến cô tan biến mãi mãi, một âm thanh nhỏ khẽ phát ra từ những mảnh vỡ của linh hồn cô: "Em yêu anh, B...". Cùng với câu nói dang dở không trọn vẹn đó, một nụ cười ngây thơ và ấm áp nhẹ nở trên khuôn mặt cô, một nụ cười đi cùng với từng giọt nước mắt hạnh phúc đang rơi lên đôi bàn tay của anh, một nụ cười khiến anh chợt nhận ra một điều gì đó mà anh đã bỏ lỡ, một điều gì đó mà anh đã quên, một điều gì đó khiến anh tuyệt vọng cố với tay ra để ôm lấy từng đốm sáng lập lòe như hàng ngàn đốm lửa nhỏ theo gió bay lên cao, những đốm sáng phát ra từ linh hồn vỡ nát của Cám, một điều gì đó như giọt nước làm tràn ly khiến những ký ức trong anh chợt ùa về, một điều gì đó khiến những giọt nước mắt của anh bắt đầu rơi...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro