Phần 4
Chương 4: Ông Bán Cá Cảnh.
Trong suốt cái quãng thời gian nghỉ hè ở Việt Nam, có nhiều đêm tôi đã thức cùng với Tấm để nghe cô kể về cuộc đời của cô cùng với những hiện tượng tâm linh kì quái kinh dị đã xảy ra đối với cô. Trong suốt cái quãng thời gian gặp gỡ và quen biết Tấm, nghe Tấm trải lòng, họa chăng có một cái câu hỏi mà cô ta vặn vẹo tôi suốt từ đầu đến cuối, đó là việc liệu thần thánh phải chăng là tồn tại trên đời này? Chính cái câu hỏi này cũng đã làm tôi suy nghĩ phần nào, và cũng bởi lẽ chính vì cái điều băn khoăn đó đã đưa tôi tới một con đường viết lách mới. Nếu bạn đọc truyện của tôi lâu có thể nhận ra tôi đang dần dần rời bỏ cái mạch truyện kinh dị mà chuyển sang thể loại linh dị, những truyện xoáy sâu về thần thánh nước Nam này. Nhưng mà có tìm hiểu sâu đến mấy, có viết nhiều bao nhiêu đi chăng nữa, thì tôi cũng không thể nào trả lời được những câu hỏi mà Tấm dành cho tôi, những cái câu hỏi tưởng chừng như đơn giản những lại đầy hàm ý trách móc. Thần thánh ở đâu khi mà cuộc đời Tấm ra nông nỗi này? Thần thánh ở đâu khi mà mụ dì ghẻ tàn độc cắt đốt ngón tay út của bà nội cô? Thần thánh ở đâu khi mà mẹ con nhà Cám cưỡng chế khai nhãn cho Tấm? Nếu thần thánh có thật đi chăng nữa thì liệu họ có nhìn thấy cái cảnh tượng khổ đau của cô? Họ ngoảnh mặt làm ngơ hay là họ có mắt nhưng bất lực? Sau mỗi một buổi nói chuyện về vấn đề tâm linh, thì đó lại là những câu hỏi mà Tấm đặt ra cho tôi. Họa chăng trong mắt của Tấm, tôi là cái ngọn lửa hy vọng, một người truyền đạo chăng? Khi mà cuộc sống của cô quá khổ đau cần tìm lấy một lối thoát, và tôi là người dẫn đường cho cô. Tôi đã cố gắng để trả lời những câu hỏi, những thắc mắc. Nhưng họa chăng chính những cái câu trả lời mà tôi đưa ra từ trước đến nay cũng chỉ là đang tự huyễn hoặc bản thân mà thôi. Tôi thực sự biết gì để mà nói, mà sẻ chia, mà thông cảm cơ chứ? Khi mà cuối mỗi cuộc chất vấn của Tấm, tôi chỉ có thể chốt lại một câu là "kiếp trước có vay, kiếp này ắt trả". Mỗi lần tôi nói câu đó ra, Tấm như hiểu ý rằng cuộc nói chuyện đã đến hồi chấm dứt, cô ta chỉ ngoảnh mặt nhìn về phía xa xăm mà khẽ mỉm cười, cái nụ cười cay đắng nghiệt ngã. Họa chăng Tấm cũng như tôi, cũng tự hỏi lòng mình rằng nào ai biết được kiếp trước ra sao để mà kiếp này liệu đường trả nợ cơ chứ?
Vậy không lẽ nào theo như cái lối suy nghĩ của Tấm, thì quả thật cuộc đời này chỉ toàn một mầu đen tối hay sao? Cũng không hẳn là một mầu đen tối hoàn toàn, mà nó sẽ bắt đầu bằng một mầu hồng trước, và rồi cứ như vậy, dòng đời sô đẩy để rồi cái mầu hồng đó nhạt phai dần và chuyển qua thành màu đen. Tấm có kể cho tôi nghe về một ông bác bán cá cảnh ở chợ Cửa Nam, cái thời mà chợ chưa bị đập đi và xây lên cái khu trung tâm thương mại ngu xuẩn, vô dụng và đ*o có một cái lợi ích gì cho xã hội này. Đối với Tấm thì ông lão này là người đầu tiên đã đứng lên bảo vệ cô, thậm chí là còn cho cô tiền, cho cô ăn, mỗi khi ông ta có thể. Ông bác bán cá này hồi đó thuộc vào loại khá giả làm ăn được, vì cả cái chợ Cửa Nam này chỉ có độc nhất một mình ông chuyên sỉ lẻ các loại cá mú, đồ chơi cá, bể cá v.v thả đi các khu chợ quanh đó. Nghe Tấm kể tôi mới nhớ, ngày trước hồi còn bé tôi cũng hay mua cá chọi của ổng ý. Những cái con cá chọi đủ mầu sắc được cho vào cái lọ thủy tinh be bé để vào gậm giường hay những hốc tối và bỏ đói. Vấn đề phải tàn nhẫn như vậy là để khi mang ra chọi nhau thì những con chọi đó sẽ đói khát điên dại mà bục nhau đến rách rưới cả vẩy cả đuôi. Tấm kể cho tôi nghe về cái lần đầu tiên mà ông bác bán cá sáng ra tới quán ăn phở, khi thấy mụ dì ghẻ cầm cây đũa cả phang vào đầu cô thì ông bác đã hằn giọng:
- Việc gì phải đánh con bé như thế chứ?
Mụ dì ghẻ trợn mắt nói:
- Việc của nhà ông à? Ông thích thì mang mẹ nó về mà nuôi !
Ông bác này nghiến răng:
- Không phải thách!
Mụ dì ghẻ lúc này mới cầm đũa cả chỉ ra cửa nói:
- Ăn thì ăn! Đ*o ăn thì cút!
Ông bác đứng đó nghiến răng giận tím tái mặt. Thế rồi ông ném luôn đôi đũa ăn xuống bàn móc túi ném tiền ra giả rồi bước thẳng. Ông bác đi ngang qua Tấm thì nói nhỏ:
- Tội cho con quá.
Nói rồi ông bác đó đi thẳng, và cũng chính kể từ đó mà ông bác này không bao giờ quay trở lại cái quán phở của nhà Tấm nữa. Nhưng ông bác không quay lại là vì ghét mụ dì ghẻ của Tấm mà thôi, chứ ông ta chưa bao giờ hết thương Tấm. Mỗi lần Tấm bị mụ dì ghẻ bắt đi mua đồ ở chợ thì ông bác bán cá cảnh này hay gọi lại mà hỏi han, thế rồi cho Tấm tiền để tiêu. Lúc đầu Tấm còn ngại, nhưng nghe lời lẽ thuyết phục của ông bác, vì cái tấm lòng chân thật của ông mà Tấm cầm cho vui. Họa chăng nhờ những cái khoản tiền tuy ít mà ý nghĩa đó, mà mỗi khi xong việc dọn dẹp, Tấm hay lần mò ra những quán nét. Chính tại những quán net đêm hôm, Tấm đã tìm ra được những câu chuyện tâm linh trên trang Facebook "Bên Kia Của Sự Sống", đã tìm ra được một nhà văn có vẻ như là khá hiểu biết với cái bút danh "Cú Heo". Và rồi cho đến khi cô được khai nhãn con mắt thứ ba, thì cô đã nhìn ra được cái kẻ chuyên thêu dệt lên ma quỷ đó lại chính là tôi, một người rất gần cô. Tầm ngồi cạnh tôi thu chân lên cái ghế, cằm tì gối mắt nhìn xa xăm. Tôi hỏi:
- Thế ông bác bán cá đó bây giờ đâu rồi?
Tấm thở một hơi dài, cô cúi đầu tì trán xuống đầu gối nói giọng buồn bã:
- Ông ấy chết rồi anh ạ?
Tôi há mồm đứng hình nhìn Tấm, Tấm nói tiếp:
- Ông ý chết lúc anh còn ở bên kia.
Cái chết thương tâm của ông bác bán cá họa chăng theo như người bình thường nhìn nhận thì đó lại là một tại nạn thương tâm. Nhưng mà dưới lời kể của Tấm thì nó là cả một trời âm mưu, tất cả chỉ là một sự sắp đặt tàn ác của mụ dì ghẻ, và có lẽ cô cũng hiểu được phần nào vì sao mụ lại cắt đốt ngón tay út của bà nội mình. Họa chăng, cũng bởi vì cái chết của ông bác bán cả cảnh này đã khơi mào cho một cái lối suy nghĩ tiêu cực của Tấm, cái suy nghĩ rằng thần thánh không hề tồn tại, mãi cho tới khi cô gặp được tôi, cái thằng đang thêu hoa dệt bướm lên những câu chuyện về những vị thần thánh đất Nam đang hưởng nhang khói của dân ta.
Đó là vào một buổi sáng mùa đông cuối năm, ông bác nhận khách đặt con cá rồng đắt tiền nên ra quầy cá từ sớm. Cửa chợ Cửa Nam mở từ 5h sáng, nhưng do là quen thân với mấy ông bảo vệ, thế nên bác bán cá cảnh đã vào từ lúc 4h30 để chuẩn bị kịp các thứ để vận chuyển con cá rồng đi tỉnh khác cho khách. Ông bác bán cá cảnh này bước vào bên trong chợ, do là cả chợ chưa ai tới nên tối om om, chỉ có độc cái bóng đèn vàng yếu ớt ở gần cửa chỗ phòng bảo vệ hắt ra. Đã làm việc ở đây nhiều năm, thế nên ông bác bán cá cũng chả cần đèn vẫn lững thững bước đi men theo các xạp hàng mà tiến tới quầy cá cả của mình. Ông bác bước từng bước chậm rãi dọc con đường bé tối tăm, trên tay là cái điếu thuốc đang cháy nghi ngút mà ông bác hút cho ấm lòng. Ông bác này đi ngang qua cái quầy bán thịt, ông liếc mắt nhìn, dưới cái ánh đèn yếu ớt mở ảo hắt từ phía sau lưng kia là cả một cái bạt được phủ lên bàn. Nhưng có lẽ điều khiến ông bác chột dạ là cái tấm bạt này như đang phủ lên thi thể của một người nằm trên bàn, sát mép bàn kia là một bàn tay đang lộ ra dưới cái tấm bạt bập bùng. Ông bác hốt hoàng lùi lại mấy bước, thế rồi ông tiến vội tới giật phăng tấm bạt ra. Trên mặt bàn không có gì cả, ông bác vẫn đứng đó nhìn mấy giây như để cố hình dung lại cái hình ảnh xác người nằm dưới bạt, rồi cái hình ảnh bàn tay lộ ra ở mép bàn. Khi chắc chắn rằng do mình giỏi tưởng tượng thì bác ta lại đặt lại cái bạt lên mặt bàn và tiếp bước.
Ông bác này bật đền chỗ quầy cá cảnh của mình sáng rực và hí hoáy chuẩn bị mọi thứ để tiễn em cá rồng về nhà chồng mới của nó. Bác ta đang ngồi xổm kì cọ lại cái thùng để chuyển nó đi thì bất ngờ đèn ở quầy cá chập chờn, tiếp theo sau là một tiếng động quen thuộc, cái tiếng chân người đi dép ướt cứ "nhèm nhẹp" ngày một rõ dần tiến về phía ông bác. Ông bác này ngưng tay quay đầu nhìn, thế nhưng mà không có một ai cả, cái tiếng bước chân "nhèm nhẹp" cũng biến mất hẳn. ông bác lại quay người tiếp tục chuẩn bị, và cái tiếng bước chân kia lại rõ mồn một. Ông bác lần này vẫn giả vờ không quay mặt lại, nhưng hai tai vẫn lắng nghe thật kĩ coi cái tiếng "nhèm nhẹp" đó phát ra từ đâu. Bất thình lình cái bóng đèn vàng ngay trên đầu ông ta chập chờn liên tục, rồi nó nổ đánh "bụp" một cái. Ông bác giật thột người quay đầu lại nhìn, ngay trước khi cái ánh sáng từ bóng đèn nổ kịp biến mất, trước mắt bác ta như hiện ra một người, không một bóng người thì đúng hơn đang lúi húi ở quầy rau. Ông bác này đứng dậy hét lớn:
- Ai?!
Không có tiếng trả lời, cái bóng đen vẫn lúi húi ở góc đó. Sợ có kẻ gian, ông bác vội vã lao ngay tới. Thế nhưng mà khi ông tới chỗ quầy rau thì trước mắt chỉ là mấy cái túi ni lông bay phất phơ. Lại một lần nữa ông bác nhìn nhầm. Ông bác đưa tay lên vỗ vào trán mấy cái rồi lại quay đầu lại làm tiếp công việc của mình. Thế nhưng bác ta vừa thò mặt nhìn vào bên trong thùng thì bác kinh hãi ngã ngửa ra sau hét lớn, trong thùng là một cái đầu người với mái tóc dài bù xù trong thùng nước. Nghe tiếng la hét, ông bảo vệ lúc này mới lao nhanh về phía ông bác bán cá cảnh giọng hớt hải:
- Sao sao?
Ông bác ngồi trên mặt đất toàn thân run lên cầm cập, lưỡi cứng không nói lên lời. Tay bác ta run rẩy chỉ về phía cái thùng trước mặt. Ông bảo vệ tiến tới nhìn vào trong cái thùng, không có gì cả, chỉ có mấy búi rong đuôi chó. Ông bảo vệ quay lại nhìn ông bác bán cá vẻ mặt khó hiểu:
- Ông làm sao vậy?
Ông bác bán cá lúc này mới nói:
- Ông... ông không thấy gì à?
Ông bảo vệ lắc đầu:
- Làm gì có cái gì? Hôm nay ông không được khỏe hả?
Ông bác bán cá cảnh lúc này mới đứng dậy tiến tới nhìn lại vào trong thùng, đúng là không có gì, cái đầu người với mái tóc dài bồng bềnh trong nước đã biến mất. Còn đang đứng đó thất thần không biết nói sao thì ông bảo vệ đã vô vãi ông bác này nói:
- Nếu mệt thì nhờ ai ra trông hộ hôm nay đi ông ạ, có tuổi rồi.
Nói rồi ông bảo vệ quay về phòng trực bỏ lại ông bán cá cảnh đứng đó.
Thế nhưng ông bảo vệ mới đi được nửa đường thì chuyện lạ xảy ra với ông bán cá cảnh. Ông bán cá cảnh đứng đó thất thần nhìn vào thùng thì bất ngờ cái cảm giác lạnh gáy xuất hiện, cái cảm giác mà một người không tâm linh như ông lần đầu gặp. Ông bác bán cá cảnh có cảm giác như có người đang nhìn mình chằm chằm, bác ta quay đầu sang chỗ giá để bể cá, sau cái giá với vô vàn bể cá cảnh to cao 2 mét đó là mụ dì ghẻ của Tấm đang đứng, đôi mắt mụ ta nhìn ông bác chằm chằm. Ông bác bán cá vô cùng ngạc nhiên, không biết mụ ta vào đây từ lúc nào thì bất ngờ cả cái giàn bể cá đổ xập xuống. Ông bảo vệ còn chưa đi về tới phòng trực nghe tiếng đổ vỡ inh tai nhức óc thì giật thót người quay lại nhìn. Ông bảo vệ lao tới thì đã quá muộn, ông bác bán cá cảnh bị cả cái giá để bể cá đổ vào người chết ngay tại chỗ. Trên nền đất là vô vàn những mảnh kính vỡ, những con cá đang giẫy lên đành đạch đủ loại. Cuối cùng là cái xác của ông bác bán cá nằm dưới khung giá đỡ, trên đầu và cơ thể là vô vàn những mảnh thủy tinh, mảnh bể kính to cắm vào người từ đầu tới chân tựa như những lưỡi giao sắc nhọn, máu của ông bác cứ thế chảy ra loang cả một vùng mà bao chùm lấy những con cá cảnh đang thoi thóp. Ông bảo vệ kinh hãi cuống cuồng chạy đi, vừa chạy ông vừa hét lớn:
- Có người chết! Bớ người ta...! Có người chết!
Nghe cái chết đầy bi thương đó của ông bác bán cá cảnh, tôi hỏi Tấm:
- Em... làm sao mà em biết được?
Tấm ngẩng đầu nhìn thẳng vào mắt tôi nói:
- Nhờ vào con mắt thứ 3 của em... em có thể nhìn xuyên thời gian... biết rõ được chuyện gì đang xảy ra với bất kì ai...
Tôi trố mắt nhìn Tấm:
- Em nói thật không?
Tấm thở dài nói:
- Nhìn được là một chuyện, nhưng mà không phải ai cũng cho mình nhìn thấy anh ạ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro