Chương III: THEO DẤU CHÂN EM (Nguyễn Lâm Anh Kiệt)
Mãi về sau này, mỗi khi có dịp ngồi nhớ lại, được chạm tay vào sâu trong vùng trời ký ức của ngày xưa, được nhắm mắt đưa trí nhớ quay về với quãng đời xưa cũ và... được cho tâm hồn mình cơ hội sống lại những tháng ngày đã xa, tôi mới chợt nhận ra bản thân mình đã từng bỏ lỡ rất nhiều thứ.
Con người ta có thể vì muốn lẩn trốn chính mình; muốn tự tay xoa dịu những điều đau buồn, mất mát trải qua trong quá khứ; hay đơn giản chỉ vì muốn tự an ủi bản thân về những điều không thể thay đổi trong cuộc đời mà bằng lòng với việc tìm tới một nơi nào đó thật cách biệt để quên đi. Thế nhưng, một khi càng muốn quên đi, chúng ta lại càng nhớ đến nhiều hơn, có đúng không?
Làm sao tôi có thể quên được những ngày tháng ấy cơ chứ. Làm sao tôi có thể đánh lừa được những buồn vui từng có. Làm sao tôi có thể quên được em, quên đi những gì còn hoài trong kỷ niệm, trong từng dấu vết em đã bước lên. Làm sao tôi có thể quay trở về, nhìn thành phố này bằng một đôi mắt chứa đựng sự trống rỗng đến lạ lùng? Làm sao tôi có thể làm thế. Tôi biết mình không thể nào quên được. Như thể vào một buổi trưa đầy nắng khi được trở lại Công trường Công xã Paris, để âm thầm lắng nghe tiếng bước chân dạt dào những hồi tưởng dâng lên trong tâm hồn, tôi cứ ngỡ đâu mình được nhìn thấy dáng hình em qua màu áo đen huyền của một nữ tu dòng Đức Bà ở chiều đối diện, chầm chậm lướt ngang qua. Em dừng lại vài nhịp, quay người ra đằng sau chếch về phía bên trái, lặng im, và trao cho tôi một ánh nhìn vừa thân quen, vừa xa lạ, trước khi rẽ vào lối đi bên hông Nhà thờ chính tòa Sài Gòn – hướng nhìn qua mặt chính Bưu điện Trung tâm Thành phố.
Phải chăng chỉ đến khi mất đi rồi, con người ta mới học được cách trân trọng? Phải chăng chỉ đến khi buộc phải tha phương nơi đất khách, ta mới biết giá trị của hai tiếng quê hương thật tuyệt vời biết bao? Hay phải chăng chỉ đến khi bằng lòng nói lời tạm biệt, ta mới hiểu ra tình yêu đó có ý nghĩa lớn lao như thế nào? Nhưng nếu đó là thứ mà bản thân mình chưa từng xem nhẹ thì khi không còn ở bên cạnh nữa, liệu rằng sự day dứt có giảm ít đi hay không? Cuộc đời của mỗi người, bao giờ cũng vậy: Thỏa mãn không ít. Song, nuối tiếc cũng rất nhiều.
- Có chuyện gì vậy anh?
Cái thằng nhóc nhìn mặt mũi hiền hiền, trông có vẻ "đậm chất mọt sách" này ấy vậy mà lại hay! Tôi chỉ vừa mới tiến lại gần chỗ nó đứng, chưa kịp mở miệng ra nói năng tiếng nào thì nó đã ngay lập tức nhận ra là tôi muốn "hỏi thăm" nó chút xíu rồi. Cực chẳng đã nên tôi mới phải thử làm phiền tới nó thôi. Chứ cứ ngóng "chai mặt" trước cổng trường của người ta hoài giống vầy, tôi làm sao mà tìm ra nổi một người quen cho mình.
Hôm nay là thứ Bảy, ngày hai mươi bảy tháng Chín, vừa tròn một tuần kể từ lần thứ hai tôi tao ngộ Băng Nhiên tại địa chỉ Số 727 Nguyễn Trãi. Tôi không nghĩ là em sẽ biến mất khỏi cuộc đời tôi theo cái cách vội vàng và "vỡ mộng" như thế. Suốt năm ngày qua, từ thứ Hai cho đến thứ Sáu, cứ tầm khoảng 12 giờ kém 15 cho đến gần 13 giờ, tôi đều đứng phơi nắng chờ em ở trạm xe buýt quen thuộc chỉ để nhận lấy sự thất vọng. Ít ra, tôi cảm thấy bản thân mình vẫn còn quá may mắn, vì việc nuôi dưỡng chút hy vọng mong manh còn sót lại trong ý chí vào đúng giờ tan học buổi sáng của các học sinh Trường Trung học Cơ sở Hồng Bàng dù sao vẫn còn khả thi hơn việc điên người "bám lấy" Khu A của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Hay nói một cách khác, khi đi vào bệnh viện mà tìm người... thăm bệnh chứ không phải là đi tìm người bệnh thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc, tôi đang tự đưa nỗ lực của mình đâm vào chân tường.
- Ờ... cho anh hỏi em chút chuyện nhé?
- Dạ được. Anh muốn hỏi gì ạ?
Sự thật là tôi không còn nghĩ ra được hướng giải quyết nào khác hiệu quả hơn. Dẫu sao thì Băng Nhiên cũng là học sinh của ngôi trường này. Tuy số lượng các cô cậu thiếu niên trong đây đổ xô ra về chỉ tính riêng ở cổng chính thôi đã vượt quá "sự tinh mắt" thông thường của tôi rồi, nhưng cuốn sách giáo khoa Hóa học có in con số 9 to tướng ngay trên trang bìa mà thằng nhóc đó đang cầm đã gợi mở cho tôi một phương án sau cùng trước khi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Đúng là hình tượng học sinh giỏi có khác, trong thời gian đứng chờ phụ huynh đến đón mà vẫn còn tranh thủ thì giờ dán mắt không ngơi nghỉ vào trong sách vở như thế. Hỏi sao mà cái kiếng cận của nó lại dày hơn "hai con mắt trong suốt" tôi đang đeo gấp mấy lần, trong khi tôi thì chưa bao giờ là học sinh giỏi.
- À, em có biết bạn Lý Băng Nhiên học lớp 9A ở trường này không?
Một câu hỏi không có gì khó hiểu hay không đàng hoàng, thiếu tế nhị. Nhưng xem ra cái thằng nhóc có mặt mày sáng láng và hiền lành đó nó không tin tưởng cái cách tôi đặt ra câu hỏi cho lắm. Cứ nhìn biểu cảm lúng túng xen lẫn nghi ngại của nó là biết. Trong khi lúc đảo mắt xuống nhìn nhanh qua miếng phù hiệu trên ngực trái của cậu nhóc siêng học, thấy chữ số màu đỏ "9I" đập mạnh vô ngay "bốn con mắt" mình, tôi còn tưởng đâu ánh sáng cuối đường hầm chính là đây. Vì biết đâu được, lỡ như lớp 9A và lớp 9I nằm sát bên thiệt thì... có thể nó cũng đã từng nghe qua cái tên Lý Băng Nhiên không chừng. Haizz, thật đúng là giống y như mò kim đáy biển.
- Ủa, anh là ai vậy? Anh có quen bạn ấy hả?
Giờ mới tới tình huống khiến cho tôi phải méo mồm đây. Chỉ trong vòng có một tích tắc thôi mà cái thằng nhóc tên Đỗ Gia Thành đó nó đã vô tình "chuyển trọn" sự lúng túng và nghi ngại in đầy trên gương mặt của nó sang hết qua cho tôi. Bởi đặt thử trường hợp dù cho tôi có tự tin, dư sức trả lời được câu đầu thì cũng phải ít nhiều "tối mặt" với câu sau. Nếu không quen thì làm sao tôi biết được đối tượng chính ở trong câu hỏi tên gì và học trường lớp nào, nhưng nếu quen thì tại sao tôi lại còn đi hỏi người khác!? Nói chính xác là tôi đã tự đưa mình vào thế bí trong câu hỏi mà mình vừa đặt ra cho cái thằng nhóc ngây ngô đó.
- Ờ... anh tên Dương. Anh không có quen với bạn ấy nhưng mà anh đang muốn tìm bạn ấy để à... để trả lại cuốn tập ghi chép bài học môn toán mà bạn ấy lỡ làm rớt trên xe buýt cách đây mấy ngày. Bữa đó anh tình cờ lượm được khi đi chung xe buýt, thấy thông tin ghi trên nhãn dán cuốn tập nên... bữa nay anh nghĩ là mình nên đến đây để trả lại cho bạn ấy.
- Nếu vậy thì anh có thể đi tới chỗ bác bảo vệ trường, nhờ bác ấy tìm đưa cho cô giáo chủ nhiệm của lớp bạn Băng Nhiên để cô giáo trả tập cho bạn ấy được mà.
Nể phục tư duy phân tích siêu nhanh của nam học sinh giỏi họ Đỗ, tôi chới với dù lòng rất muốn được tìm tới biển khơi:
- Cũng đúng hé. Em thông minh quá! Cảm ơn em nhiều nhé em trai!
- Bác bảo vệ ở chỗ phòng bảo vệ đó anh.
- À à anh thấy rồi. Cảm ơn em!
Mọi chuyện tới đây coi như chấm hết. Chứ còn đứng đó dây dưa nữa thì hổng lẽ, tôi lại phải lấy đại một cuốn tập ngẫu nhiên trong túi đeo chéo của mình hô biến nó thành cuốn tập ghi chép bài học môn toán kia hay sao!? Haizz, nói xạo quá cỡ kiểu này đúng thiệt là nhiều lúc cũng chả hay ho tí nào. Song, khi mới vừa quay người, định làm bộ đi tới chỗ bác bảo vệ theo hướng ngón tay trỏ mà thằng nhóc này chỉ thì nhờ Trời Phật phù hộ, cái đầu thất vọng não nề trong tôi lại bỗng chợt "sáng đèn" lên kịp thời. Vì theo lý mà nói, nếu như thằng nhóc này hoàn toàn không biết Lý Băng Nhiên là ai, thì khi vừa nghe tôi hỏi, nó chỉ cần lắc đầu hoặc nói "Em không biết. Anh đi hỏi người khác thử coi." là xong rồi chứ sao nó còn đi hỏi ngược lại tôi để làm gì!? A a, cái chi tiết này đúng thiệt là rất dễ làm cho con người ta ngu ngơ bỏ qua luôn lắm đây mà!
- Khoan khoan em ơi! Bộ em có biết cái cô bé tên Lý Băng Nhiên này hả? Nếu vậy thì em giúp giùm anh trả cuốn tập đó lại cho bạn ấy có được không? Từ lớp 9I đi qua bên lớp 9A chắc cũng đâu có quá khó đâu em hé? Dù sao hai đứa cũng là bạn học cùng khối có đúng không nè?
Giờ thì tôi lại nhẹ nhõm đầu óc khi đã tinh lanh hoàn trả lại đầy đủ nét mặt lúng túng xen lẫn nghi ngại ban đầu về đúng cho chủ nhân của nó. Nghĩ cũng khổ thân cho cậu nhóc mọt sách mặt búng ra sữa. Coi như tôi sẽ nói lời xin lỗi nó sau vậy. Nhưng nó mà cứ ham kéo dài thời gian hồi hộp làm nóng tim trong lồng ngực tôi như thế hoài thì chắc tôi sẽ phải tìm thêm cách để năn nỉ nó mất.
- Dạ... thật ra thì em có biết bạn ấy. – Nó vừa cười cười, cất tiếng chầm chậm; vừa dùng tay trái để gãi gãi cái đầu. – Nhưng chỉ là em đơn phương thích bạn ấy thôi chứ không có thân lắm.
- Hả! – Tôi há miệng thật nhanh la lên vì quá bất ngờ và giữ nguyên khẩu hình khó đỡ ngay chốn đông người ấy gần cả chục giây.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đây quả thật là câu trả lời không thể gây ấn tượng hơn! Đúng là một điều trùng hợp thú vị và khôi hài trong sự vận động muôn đời của quả địa cầu. Tôi "đã lựa" đúng người để "hỏi thăm" thiệt rồi. Và màn kết hướng tới tạm thời cho chủ đề "gây sốt" giữa tôi và nam thiếu niên đáng tuổi em trai mình cũng không thể nào thảm hơn dành cho tôi. Riêng nó thì vui hẳn lên:
- À anh ơi! Hay hông ấy anh cứ đưa cuốn tập của bạn Nhiên cho em giữ giùm đi. Nếu thứ Hai tuần sau bạn ấy đi học trở lại thì em sẽ đem trả cho bạn ấy.
- Hả!
Như vậy nghĩa là thế nào nhỉ? Không lẽ cả tuần nay Băng Nhiên không có đến trường hay sao? Giờ tôi có muốn hỏi thẳng thừng cho tường tận hơn cũng chả được. Con người ta một khi đang rơi vào trong trạng thái thích một người bao giờ cũng vậy, chỉ chờ được có ai đó đụng giùm đúng chỗ cần nói là sẽ biến thành "súng liên thanh" ngay. Có lẽ em trai thật thà và thân thiện đang đứng trước mặt tôi, nó đang ước gì tôi có thể nhanh miệng "hỏi thăm" nó nhiều hơn.
- Nếu lần này em làm vậy, chắc chắn là bạn ấy sẽ cảm động lắm và sẽ không còn quăng cục lơ vô trong mặt của em nữa. Thằng Khánh bạn em kỳ này nó thua em chắc rồi.
- Hả! Bộ ở trường Hồng Bàng, cái cô bé này được nhiều bạn nam đeo đuổi lắm hả em?
- Dạ đúng rồi anh! Ngoài em với thằng Khánh bạn thân học chung lớp với em ra, thì thằng quỷ Đạt lớp phó lao động ở lớp 9D nó cũng thích bạn ấy lắm! Hầu như mấy thằng con trai ở khối lớp 9 và cả mấy thằng bé bé ở ba khối lớp thấp hơn tụi nó đều coi bạn Nhiên là tình đầu quốc dân hết!
- Hả! Sao mà được thích nhiều thế nè?
- Chứ mấy đứa con gái ở trong trường nhiều khi tụi nó còn thích bạn ấy nữa mà anh.
- Wow! Cái cô bé học lớp 9A này có sức hút dữ à! Thật hiếm có!
Quá đông! Phải nói là quá đông! Tôi thiệt tình không lường trước nổi chuyện chỉ vì có cảm tình thương mến đặc biệt dành cho một cô nữ sinh cuối cấp hai ở trường Hồng Bàng mà "sự an toàn" của bản thân mình có thể bị đặt ở ngưỡng báo động trước số lượng "địch thủ" (có luôn cả nữ) quá khủng khiếp không thể đo đếm chính xác kia được. Kiểu này thì chắc "cạnh tranh" không nổi thiệt rồi.
- Anh anh! Cuốn tập bài học môn toán của bạn ấy đâu, anh móc ra đưa liền cho em đi?
- Hả! Ờ ờ cuốn tập đó ơ...
- Hay anh cho em số điện thoại di động của anh đi! Hai anh em mình kết Zalo. Để khi nào em trả tập cho bạn ấy xong rồi, em sẽ mời anh đi uống nước để cảm ơn anh. Công lao lớn nhất là của anh mà!
- Hả! (Kỳ này là "chết tôi" thiệt luôn chứ chẳng giỡn!)
- Sao vậy anh?
- Ờ cũng được em. Đợi anh lấy điện thoại ra cái.
- Vậy cuốn tập đó đâu, anh có đem theo bên người không?
Cuốn tập!? Cuốn tập nào nhỉ? Tôi biết tìm cuốn tập bài học môn toán nằm trong trí tưởng tượng đó ở đâu ra bây giờ!?
- Ở đây nè Dương!
Ngọc Mai do có ý tốt, lo sợ tôi sẽ "không làm chủ được" tốc độ của mình mà băng người đâm đầu vô luôn mặt tường cô ấy đang đứng tựa lưng vào trong thời gian chờ đợi tôi nên đã lớn giọng kêu tôi thật thân thương như thế đấy. Thay vì chỉ cần bắt xe ôm từ điểm đón trước cổng 1 ở trường Hồng Bàng để đi về nhà trọ nằm đắp chăn ngủ trưa, tôi lại phải trở vô trường dù không còn tiết học nào trong ngày chỉ để gặp và trao đổi đôi lời trước giờ hotgirl họ Tôn bước vô học tiết Giáo dục thể chất 3 ở sân bóng đá. Và cũng chính vì như thế, mà tôi không mong rằng đây sẽ là một cuộc nói chuyện quá vui vẻ.
Chúng tôi ngồi thả lỏng, hai lưng hướng ra khoảng không mênh mông bên ngoài trên thành lan can chạy dài theo dãy hành lang tầng hai. Tuy chỉ hơi ngồi chạm mông một tí và các đầu ngón chân vẫn hướng rất sát xuống dưới mặt sàn nhưng nếu có thầy cô hay mấy anh mấy chú bảo vệ nào đi ngang, chắc chắn hai đứa cũng sẽ bị nhắc nhở nhức hết hai lỗ tai khái niệm về độ an toàn khi dám lựa chỗ ngồi rất là chủ quan như thế. Còn nội dung chính trong buổi hẹn tại trường "quá đột xuất" này ngoài việc Ngọc Mai sẽ trả lại cho tôi cuốn tiểu thuyết Rừng Na-uy cô ấy mượn tôi gần một năm nay thì chủ yếu, vẫn xoay quanh câu chuyện về cuộc sống nhọc nhằn rắc rối của tôi phía trước.
Ngọc Mai thật lòng khuyên nhủ, mong muốn tôi hãy suy nghĩ cho thật kỹ về yếu tố được – mất nếu như tôi đồng ý chịu làm lành để quay về với người cha "độc tài" và bội bạc kia. Vào buổi tối cách đây hai ngày, cô ấy từng nhắn tin qua Facebook cho tôi cũng với những lời khuyên chân thành và những phân tích rõ ràng tương tự. Mặc dù tôi thừa hiểu và thầm biết ơn trước sự quan tâm chân thành rất thẳng thắn ấy, nhưng kỳ thực là tôi tuyệt đối không thể nếu không muốn nói là sẽ không bao giờ chấp nhận nổi chuyện mình sẽ quay trở lại cuộc sống đầy bức xúc, đầy ấm ức cùng biết bao nhiêu sự căm phẫn buộc phải nhẫn nhịn, dồn nén trong căn biệt thự u ám đó thêm một ngày nào nữa. Nhất quyết là không:
- Chẳng thà đi làm trâu làm ngựa cho người khác, còn hơn là mình tự đưa đầu vô "cánh cửa địa ngục về mặt tinh thần" ấy dù chỉ thêm một giây một phút.
- Nhưng ít ra Dương cũng phải nghĩ đến khó khăn của mẹ Dương, hai em gái cùng với các thành viên khác bên ngoại của Dương chứ. Ít ra nếu như Dương chịu nghĩ về con đường dài phía trước, việc Dương được ba Dương lo cho ăn học hết bậc đại học ở trên Sài Gòn cũng giảm bớt đi một phần nào đó gánh nặng cho cả Dương và mẹ Dương.
Phải thừa nhận rằng tuy đây là một cuộc trò chuyện riêng tư không mấy gì vui vẻ, nhưng như tôi đã nói, Ngọc Mai thật lòng thật dạ muốn giúp đỡ cho tôi một điều gì đó, ít nhất là về mặt cảm thông và chia sẻ – chia sẻ tới tận tùng những ngóc ngách mà tôi không đời nào muốn cho người khác nhìn ra. Quả thật bây giờ khi dòm lại, tôi không hề phủ nhận là mình đã bất chợt có cảm xúc xao động rung lên mãnh liệt trong giây phút ấy. Có lẽ, nếu được quyền lựa chọn, được quyền thay đổi hoàn cảnh sống của mình sang một cuộc đời khác, rất có thể tôi đã hạ quyết tâm chiến đấu cho tình yêu đó đến cùng. Cũng có thể lắm chứ. Tiếc là tất cả, mãi mãi chỉ nằm trong một cuộc đời khác.
- Dương hãy thử phân tích mà xem: Dù cho sắp tới Dương có đi làm thêm ngoài giờ học thì cũng đâu thể nào vừa dùng tiền để trang trải cuộc sống ở trên đây, vừa gửi tiền về dưới Cần Thơ tiếp sức cho mẹ của Dương được. Ngược lại cũng vậy, bác gái phải lo toan đủ bề ở quê nhà là đủ mệt lắm rồi, sao mà còn đủ sức để lo nổi cho Dương. Trong khi chỉ với một cú điện thoại cho ba của Dương thôi, mọi thứ sẽ rất khác. Cuộc chiến giành quyền nuôi con trên tòa sắp tới, dù cho ông ấy có thắng hay thua, thì vẫn phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm làm cha với bé Liên và bé Hoa. Vậy nên, chỉ cần Dương chịu lùi một bước để tiến ba bước, thì chắc chắn Dương vẫn sẽ yên tâm để học hết đại học.
Đâu phải là tôi chưa từng nghĩ tới điều này. Chỉ mới cách đây ba ngày, trong một đêm dài tắt đèn, nằm trằn trọc không yên giấc trong nhà trọ, tôi đã suy tính về "kế sách" không khác gì phương án mà Ngọc Mai đang đưa ra. Tôi đã cay cay hai khóe mắt trầm lặng, tự dặn lòng phải cố gắng nhẫn nhịn và dồn nén, đồng ý chịu cúi đầu làm một đứa con "ngoan" dựa trên quan điểm cùng phương pháp giáo dục luôn được cho là "chân lý" của người sáng lập ra thương hiệu Hệ thống Nhà sách Tây Đô để cầu mong ông ta ban cho mình một ân huệ: giúp tôi hoàn toàn tập trung tâm trí cho việc học mà không cần phải lo nghĩ gì hết đến chuyện chuyện tiền bạc hay chỗ ăn chỗ ở trên đất Sài Gòn.
Nếu điều đó xảy ra; tôi sẽ không cần phải tự buộc mình chấp nhận cảnh sống chật chội, tù túng trong căn nhà trọ bình dân hiện tại; tôi sẽ chuyển đến một căn nhà thuê nguyên căn hạng sang; cũng như sẽ có tiền để sắm cho riêng mình một cây đại dương cầm đắt đỏ để phục vụ tình yêu dành cho âm nhạc của mình. Tôi sẽ tìm lại được những thứ mà mình đã đánh mất. Đổi lại, chính nhờ do đang học tập và sinh sống xa nhà, nên tôi không cần phải chịu đựng cảnh mỗi ngày đều phải thường xuyên giáp mặt với những con người gọi theo lý thuyết là "người chung một nhà" đó. Cùng lắm những dịp nghỉ hè hay về quê ăn Tết thì tôi mới cần phải "diễn xuất" một chút ít cho qua chuyện thôi.
Nhưng, nếu điều đó thật sự xảy ra, thì tôi chẳng khác nào đang tự vả, hay nói cách khác, là đang tự "bán đứng" chính danh dự và nhân phẩm tối thiểu của mình, dẫu cho mẹ tôi có thấu hiểu cho việc làm đó của tôi. Tôi có thể thay đổi vì bất cứ điều gì. Chỉ riêng chuyện này là không. Tôi không muốn tự biến mình tiếp tục trở thành một thằng thấp kém khi đối diện với lương tâm bên trong. Tôi càng không muốn mình phải giả vờ vô tri vô giác khi nhìn thấy cái được gọi là "chân lý" ngày ngày hiện dày lên trong tư tưởng đạo đức mà những con người xấu xa đó và cả cha tôi đang áp dụng đầy tự hào: Một dòng họ với truyền thống gia giáo bao đời lại toàn sống lạnh lùng, hắc ám, vô cảm, không bàn đến tình người, không những thế còn thích đi chà đạp và khinh thường người khác.
- Mình đã đưa ra quyết định rồi và nhất quyết sẽ không thay đổi. Dù cho Mai có nói gì thì cũng vô ích thôi.
- Vậy Dương tính không nhìn mặt ông ấy luôn à? Dương tính không coi ông ấy là cha của mình nữa hay sao?
Tôi tự hỏi trong đầu: "Liệu Ngọc Mai sẽ đưa ra hướng giải quyết vấn đề phiền muộn chất chứa bao vết thương lòng này như thế nào nếu như cô ấy được đứng ở lập trường của tôi?"
Trong trường hợp nếu điều đó xảy ra thật, câu trả lời có thể được chia ra làm hai vế. Vế đầu, đến hơn 100% là Ngọc Mai sẽ vì giấc mơ đại học mà cố gắng "hoàn thành xuất sắc nhất" có thể cho vai diễn "Lùi một bước, tiến ba bước" mà cổ đã ra sức khuyên nhủ tôi; chỉ có vế hai, đứng sau dấu phẩy, là tôi còn đang xem xét đáp án, không biết Ngọc Mai sẽ định làm gì. Câu hỏi trên của cô ấy đúng thật là một câu hỏi khiến cho lòng tôi đau đớn. Một cảm giác tương tự như việc mình đang cố sức buộc bản thân phải dùng đôi mắt yếu đuối nhìn thẳng vào trong một hiện thực hết sức tàn nhẫn.
- Vậy nếu là Mai thì sao? Mai vẫn sẽ coi một người đàn ông tồi tệ như vậy là cha của mình chứ?
Có vẻ như tôi đã đoán đúng. Mỹ nhân số một của lớp VHU07QT đã không dễ dàng đưa ra cho tôi một đáp án hay một lời giải thích thuyết phục nào rõ ràng hết. Điều khả dĩ mà cô ấy có thể mượn tạm nhằm có được sự lẩn trốn khôn khéo và chí tình chí lý nhất là đồng ý lặng im trong hơi thở thật sâu, nhẹ giọng sát bên khoảng lặng đang ngày một lớn dần hơn trong con người tôi:
- Thật khó để một người con có thể chấp nhận nổi chuyện mình bị chính cha ruột của mình khinh thường, đã vậy còn bị mang ra so sánh với người khác trong dòng họ. Mình hiểu Dương đã chịu đựng nỗi uất ức và bất công này đến nhường nào. Nhưng biết nói làm sao đây nhỉ?
- Trần Hà Tử Tuấn – cái người đang học năm cuối ngành Quản trị kinh doanh ở bên Đại học Melbourne nước Úc, con trai trưởng của bác Ba mình – mới chính là niềm hãnh diện của ổng.
Một cảm giác tê buốt xen lẫn nghẹt thở đang lần tìm trong hiện thực để ra sức bóp chặt những gì tôi cố bộc bạch. Tôi thốt ra từng lời mà như nghẹn đắng, không dám tin là chính mình vẫn không ngừng đấu tranh cho vết thương số phận không rướm máu đó suốt cả một thời kéo dài tưởng chừng như không dứt.
- Còn mình, đơn giản chỉ là một sự thừa thãi, một đứa con cứng đầu, hỗn láo và học hành kém cỏi. Chỉ riêng chuyện mình cãi lời, không chịu học trường quốc tế lúc mới vào học cấp hai và nhất quyết không chịu nghe theo định hướng đi du học ổng ép thôi đã là một sự sỉ nhục đối với ổng rồi. Kể cả Tử Liên và Tử Hoa cũng không ít lần bị ổng làm tổn thương vì cùng với mẹ bênh vực mình. Ổng thương con trai con gái của anh em ổng còn hơn cả ba đứa con đẻ của ổng nữa.
Ánh sáng mặt trời rực rỡ từ phía xa xa bắt đầu rút ngắn lại những tia nắng gắt chiếu thẳng lên ánh nhìn nặng trĩu tâm tư mà chúng tôi đang giấu kín. Ngọc Mai trả cho tôi cuốn sách đang nằm êm trong lòng bàn tay phải của cô ấy. Rất dứt khoát, nàng hotgirl của Trường Đại học Văn Hiến không vòng vo thêm nữa:
- Vậy thôi mình đi nhé. Tới giờ học thể dục rồi. Mình sẽ luôn tôn trọng mọi quyết định của Dương. Còn về chuyện công việc, khi nào ông bà chủ chỗ mình đang làm có thông báo, mình sẽ dẫn Dương lại đó để hai bên được tìm hiểu và trao đổi với nhau kỹ hơn.
- Cảm ơn Mai. Đã làm phiền Mai vì chuyện này rồi.
Sẽ thật nhức óc và đôi khi là không bao giờ có đủ thời gian để cho chúng ta có thể hiểu hết về nội tâm của một con người. Liệu rằng trong gần một năm trời qua tính từ thời điểm hai đứa tôi quen nhau khi vừa mới nhập học năm nhất chưa được bao lâu, Ngọc Mai đã mày mò, nghiền ngẫm và đúc kết ra được điều gì ẩn chứa bên trong nội dung câu chuyện có gam màu đè nặng về mặt tâm lý, đậm chất hoài niệm trong tư tưởng mà Haruki Murakami muốn truyền tải đến cho độc giả?
Tại sao một người là tín đồ của Chủ nghĩa Thực dụng giống như cô ấy lại đem lòng đi say mê và mong muốn trở thành một "fan cứng" của tiểu thuyết gia lừng lẫy đến từ "Xứ sở mặt trời mọc"? Chẳng lẽ vì tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của Murakami mặc dù kể về ái tình tuổi thanh xuân nhưng nó lại không quá lãng mạn hay quá lâm li bi đát mà chủ yếu đọng lại cảm xúc từ đúng những gì nhân vật nam chính Watanabe Tōru đã trải qua; hay là do Rừng Na-uy là tiểu thuyết dễ đọc và dễ đồng cảm nhất đối với một người căm ghét sự sướt mướt?
Ban đầu, tôi cũng định dùng nội dung trong Rừng Na-uy để phục vụ cho quá trình cảm thụ văn học Nhật Bản về lâu về dài của mình, với hy vọng tìm thấy được niềm cảm hứng bất tận cho chuyên ngành Biên – Phiên dịch mà mình đang theo học nhưng xem ra, Thư tình của Iwai Shunji mới đích thực là tác phẩm phù hợp nhất ăn sâu vào trong tâm tưởng của tôi, chứ không phải là cô ấy.
- Thôi, Mai lấy lại đi. Mình tặng cho Mai luôn đó! Giữ luôn mà đọc hoài cho nó đã. Rừng Na-uy bản in lần đầu tiên năm 1997 ở Việt Nam mình giờ hiếm gặp lắm. Nên mình không nỡ làm cho Mai buồn.
Khỏi phải nói là Ngọc Mai đã vui sướng đến chừng nào khi tôi làm thế. Chứ phải "tốn lắm công phu" thì tôi mới "chôm" được nó trong kho sách cũ của nhà sách Tây Đô chứ giỡn.
- Vậy cảm ơn Dương nhiều nha! Mình hứa sẽ tặng lại cho Dương một cuốn khác.
Chỉ trong chốc lát, mà Ngọc Mai đã mất dạng, vượt xa ra khỏi tầm quan sát của tôi trong niềm vui nho nhỏ đầu tiết học thể dục cô ấy mang theo. Thực ra, tôi đã thầm hiểu được nếu đứng ở lập trường của tôi, nàng hotgirl sinh năm 1995 sẽ không bao giờ chịu manh nha nghĩ đến cái chuyện trái với luân thường đạo lý là đi từ mặt cha ruột của mình dẫu cho ông ấy có là một người đàn ông tồi tệ ra sao. Tuy cô ấy cố tình lảng tránh trọng tâm vấn đề tôi đặt ra khi nãy, nhưng câu trả lời nằm sâu bên trong thì không có gì bất ngờ cả. Bởi lẽ, Ngọc Mai đâu từng phải làm "nhân chứng" bất đắc dĩ chứng kiến một sự việc xảy ra tại nhà sách Tây Đô năm tôi mười hai tuổi. Cô ấy không phải là tôi, và sẽ không thể nào cảm nhận nổi những gì thuộc về quá khứ vẫn còn làm thâm tâm tôi đau xót đến tận ngày hôm nay. Tôi còn nhớ hôm ấy là một buổi sáng Chủ nhật ngày 31 tháng 12 năm 2007.
- Nhìn ông anh đó tui thấy cũng tội quá ông à. Thôi hông ấy ông thương tình, giúp người ta, cho người ta một công việc để làm đi. Làm bảo vệ ở nhà sách mình thôi mà, có phải việc gì to tát đâu mà đi quan trọng mấy cái chuyện đó làm gì hông biết nữa hà. Chủ yếu là bây giờ là người ta đã sống tốt và không có ngựa quen đường cũ nữa.
- Bà im đi! Bà biết cái gì mà nói! Mấy cái loại đó nếu như tốt lành thì đã không có đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để phải bị kết án ngồi tù đến mười năm trời! Tui chưa chửi thẳng vô trong bản mặt giả tạo của hắn ta là hên lắm rồi chứ ở đó mà có chuyện nhận hắn vô đây làm việc!
- Trời ơi, thì biết là như vậy nhưng đó đã là quá khứ của người ta rồi mà. Anh trai đó nhìn tội quá. Từ lúc ra tù cho tới bây giờ, gần cả năm rồi mà vẫn chưa xin được việc làm ở chỗ nào hết! Sáu chục tuổi mà nhìn cứ y như tám chục, tội quá! Hông ấy ông cho người ta một cơ hội đi, coi như...
- Coi như cái gì mà coi như! Tui đã nói rồi! Không được là không được! Nhận ba cái loại từng có tiền án đó vô trong đây làm việc để có ngày nguyên cái nhà sách này bị hốt sạch không còn một cái gì để bán à!
- Ông nói vậy sao được! Đã gọi là tiền án thì bây giờ người ta đã hoàn lương rồi mà sao ông ăn nói gì nghe kì vậy!
- Vậy tui hỏi bà nè, bà lấy căn cứ gì để dám chắc là hắn ta đã thật sự hoàn lương? Một lần dính tiền án, thì suốt đời sẽ không bao giờ thoát khỏi cái tiền án đó đâu bà hiểu chưa?
Ở một chừng mực nào đó, tôi đã từng nghĩ chưa hẳn cha tôi đã sai. Nhất là khi đem nguyên tắc cứng nhắc của ông ta đặt lên bàn cân cùng với sự khó lường và hiểm ác mà một người xa lạ cố ý che giấu nhằm đạt được ý đồ xấu. Song, trọng tâm vấn đề ở đây là với cha tôi, tuyệt đối không bao giờ có trường hợp ngoại lệ. Không một người nào từng vướng phải lầm lỗi mà nhận được sự cảm thông nhỏ nhất từ nguyên tắc cứng nhắc của ông ta cả.
- Ông ác vừa vừa phải phải thôi! Tiền án gì tui không cần biết, tui chỉ biết là lúc nãy người ta thiếu điều muốn quỳ xuống van xin, năn nỉ ông chịu duyệt hồ sơ xin việc của người ta luôn mà ông còn máu lạnh đến như vậy! Ông anh đó, thiệt là ổng xui dữ lắm khi tới đây mà đúng ngay ngày ông có mặt!
- Đúng đúng, tui độc ác và máu lạnh như vậy đó! Giống như mấy chỗ mà họ không nhận cái tên lừa đảo này vô làm thôi. Còn bà thì ngu dốt không biết phân biệt đâu là tốt đâu là xấu. Nhận ba cái loại đó vô làm việc đi rồi có ngày nó cứa cổ bà hồi nào hổng hay đó!
- Thôi mệt quá, tui hông muốn nói chuyện với ông nữa! Ông thật quá đáng và quá máu lạnh!
- Không muốn nói chuyện với tui nữa thì bà dắt thằng Dương đi về nhà trước đi! Hôm nay tui đưa bà với nó tới nhà sách chơi không phải là để tui đi hơn thua với cái người thiếu hiểu biết như bà đâu! Đứng giữa mấy đứa nhân viên mà bà muốn gây lộn rùm beng lên cho tụi nó cười vô trong mặt tui hay gì! Biến về nhà trước giùm tui đi cái đồ dốt nát và cứng đầu!
Khi tôi kịp chạy nhanh ra vỉa hè rộng lớn trước cửa nhà sách, cũng là lúc bác chuẩn bị rời đi. Đến giờ, đôi mắt chực chờ muốn tuôn trào ra những giọt lệ thấm ngậm ngùi cùng giọng nói trầm buồn, nghèn nghẹn kìm nén trước thế thái nhân tình mà chính mình không may là "nạn nhân" ở trong đó của bác trai ấy khi cúi mặt xuống dòm tôi lúc bác chuẩn bị ngồi lên trên yên chiếc xe đạp màu bạc cũ kỹ vẫn luôn là một thứ gì đó ám ảnh thâm tâm tôi tới thắt lòng, đau nhói.
- Bác ơi bác! Bác sắp sửa đi đâu vậy ạ?
Lúc đó, tôi không biết mình phải nên làm gì để đem đến cho bác ấy một niềm an ủi. Với một đứa trẻ còn đang học lớp 7 như tôi, tôi chỉ thấy bác rất là bất hạnh và cần có người chia sẻ. Tôi không nghĩ một người từng phạm pháp sau khi ra tù lại phải hứng chịu sự miệt thị và xa lánh từ xã hội khi đem hồ sơ đi xin việc như vậy. Tôi cũng không suy xét kỹ lưỡng xem, liệu câu hỏi vô tư của mình khi đó có làm cho bác ấy buồn lòng hơn không.
- Bác đi về nhà con à. Đi về nhà.
- Vậy bác có đi xin việc tiếp ở đâu không ạ?
- Ừ. Chắc ngày mai bác đi tiếp. Thôi con vô trong đi. Không thôi để cha con mà nhìn ra thấy được, không hay đâu. Bác đi à.
Đó là lần nói chuyện đầu tiên và cũng là cuối cùng. Khi bác ấy rời đi rồi, tôi không bao giờ còn có cơ hội được gặp lại bác một lần nào nữa. Từ vị trí khu vực bãi giữ xe của nhà sách, tôi đứng yên, lặng người nhìn theo vóc dáng khắc khổ, tiều tụy đang nhấn nhẹ bàn đạp từ lề đường bên này băng qua chiều xe chạy ngược lại trên đường Chu Văn An – quận Ninh Kiều ngày cuối năm.
Tôi đã một mình, tự chìm sâu vào trong dòng chảy của biết bao ngẫm nghĩ; biết bao điều ưu tư, trăn trở; cùng biết bao sụp đổ trong tâm hồn từ quá khứ cho đến hiện tại. Mãi tới khi nghe tiếng chuông trường vang lên lúc 17 giờ, tôi mới chợt hiểu ra, vấn đề của mình không đơn giản chỉ là thời gian.
Mưa dầm dề từ lúc tôi về tới nhà trọ. Một buổi tối thứ Bảy thật đặc biệt và ấm tình hàng xóm giữa đêm mưa lạnh giá khi ông Bảy và các khách thuê cùng nhau quây quần thật ấm cúng bên mâm tiệc nhỏ với món chính là "cháo lòng", "gà nướng mật ong", "gỏi cuốn tôm thịt" và "rau muống xào tỏi", cộng thêm một thùng bia 333 đầy chất lượng báo hiệu một buổi tối khó phai kéo dài trong tâm thức mỗi người.
Mặc dù mọi người ở trong đây ai nấy cũng đều nặng gánh mưu sinh, thức khuya dậy sớm, nhưng kể từ lúc ông Bảy đem bé Su về đây sinh sống, ông đã "đưa ra" một quyết định mà giờ đã trở thành "một thông lệ dễ chịu" vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng. Ông mong muốn dù cho mọi người trong khu nhà trọ có bận rộn và tất bật ngày đêm như thế nào cũng không thành vấn đề, miễn sao cứ đến hẹn, người nào thu xếp tầm chiều tối về đây được để chung vui, "nâng chén tiêu sầu" cùng ông là ông đều nhiệt tình tiếp đãi.
Ban đầu, đa số các khách thuê đều nghĩ ông ham vui, thích rượu chè, ăn nhậu nhưng dần dà, mọi người đã nhận ra được ý nghĩa sâu xa đằng sau mong muốn rất giản đơn này của ông. Để rồi sau năm năm, tất cả anh – chị – em – cô – chú trong đây đều luôn coi ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng là một dịp thảnh thơi quý giá để tạm thời xua tan đi hết bao điều phiền lo và "giải phóng" thân xác mệt mỏi ở bên ngoài xã hội. Tất cả đều tụ họp về căn nhà áp chót, gắn kết tình hàng xóm và trên hết, là để mỗi người cảm thấy bản thân mình thêm yêu cuộc đời này.
Với tư cách là "một tân binh" còn chân ướt chân ráo mới chuyển đến chưachào hỏi, tôi dĩ nhiên sẽ "không yên" trước quá trình điều tra sơ bộ về tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, sở thích cá nhân cũng như tất tần tật những thứ có thể bị điều tra được từ các anh – chị – em – cô – chú thuộc năm căn còn lại. Nói thế cho vui bởi, tôi nào có ngờ được là mọi người cũng đều dễ gần và thân thiện giống như ông Bảy. Một cảm giác rất tự nhiên và đầy chân thật, không khác gì người chung một nhà. Nên tôi chẳng có gì phải ngại ngần hay cần thiết che giấu bất cứ điều gì trong "Bản sơ yếu lý lịch" trích ngang kia.
Nhờ vậy, cuối cùng tôi cũng đã có cơ hội được "diện kiến" đầy đủ các thành viên trong "đại gia đình xóm trọ" mà bình thường thật không dễ để cho mỗi bên được nhìn thấy nhau. Ngoài chị gái tóc ngắn chấm vai bán vé số, hai chân phải dùng đến nạng quê ở Tây Ninh, có biệt tài thổi kèn harmonica ở căn thứ năm mà ông Bảy đã từng tiết lộ cho tôi biết cách đây không lâu thì những thành viên còn lại đang ngồi quây quần bên mâm tiệc nhỏ này gồm có: Út Chiến gốc Thái Bình, nhỏ hơn tôi một tuổi, phải chịu di chứng do căn bệnh sốt bại liệt, cũng bán vé số và là em trai nuôi ở chung căn thứ năm với chị Tươi; vợ chồng anh Phúc, chị Hậu đến từ Quy Nhơn – Bình Định, làm công nhân tại Khu Chế xuất Tân Thuận ở căn thứ tư; anh Đức Sẹo bị mắc tật nói ngọng bẩm sinh, bán xôi xéo lề đường, quê Nam Định ở căn thứ ba; chú Hải dân Rạch Giá – Kiên Giang, bị lãng tai, bán nước sâm dạo ở căn thứ hai; và dì Mười quê Cam Lộ – Quảng Trị, cuộc sống chịu ảnh hưởng từ căn bệnh tai biến, làm phục vụ cho một quán phở bò gần đây ở ngay căn đầu.
Mỗi người một hoàn cảnh, vì những lý do mang tính cá nhân, vì mang gánh nặng với gia đình hay vì sự đưa đẩy ngẫu nhiên của nỗi vất vả xuôi theo dòng đời mà cơ duyên đã cho họ được làm hàng xóm thân thiết cũng như gắn bó lâu dài cùng nhau trong dãy nhà trọ Hẻm 14. Một bữa tiệc đêm ấm lòng với đầy đủ câu chuyện, đầy đủ đề tài và lẽ dĩ nhiên, không thể nào thiếu đi những phút giây ngẫu hứng. Điển hình như tiết mục văn nghệ đậm chất "tốp ca hát bất chấp" trong không gian có phần chật chội, làm ai nấy cũng đều phải ráng xếp chân sao cho gọn gàng nhất có thể trong tư thế ngồi chèm bẹp "dính chùm" rất khó đỡ lúc ông Bảy vừa mở xong thùng 333 thứ hai.
Qua tiếng kèn harmonica thắm tình yêu mến từ chị Tươi, tôi và các thành viên còn lại cứ say sưa, cao hứng hát theo dù "mỗi giọng một hướng", không giọng nào hòa nhịp được với giọng nào nhưng ấy vậy mà lại rất hay, rất hợp với tính chất mạnh ai nấy xỉn. Cát bụi, Một cõi đi về, Hãy yêu nhau đi, Để gió cuốn đi. Chỉ mới kết thúc có bốn bài hát bất hủ từ cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn thôi mà chúng tôi đã lần lượt từng người một, muốn tìm chỗ ngả lưng mất rồi. Chỉ có bé Su ú nu là sướng nhất. Sau khi nhận được món quà vô giá là con búp bê mô phỏng "Nàng công chú ngủ trong rừng" từ tay chị Tươi yêu dấu lúc chiều, bé nó xơi liên tục hai cái đùi gà nướng mật ong, hai chén cháo lòng, uống thêm một ly sữa tươi rồi nhanh chóng hơn ai hết thảy, ôm con búp bê cưng yêu nằm ì xuống chiếc chiếu nhỏ được trải sát vách tường, đánh một giấc mơ tuyệt đẹp mà quên mất rằng là mình vẫn chưa đi đánh răng.
Đến 0 giờ 15, cuộc họp mặt nói không với thời gian coi như phải chịu cảnh thiếu đi những thành viên chủ chốt. Anh Phúc và chị Hậu đã nói lời chia tay cuộc vui từ trước đó một tiếng. Anh Đức Sẹo cũng vừa mới lảo đảo gởi lời từ biệt thân thương đến mọi người. Chú Hải thì mượn tạm ông Bảy cái gác lửng cao cao, leo lên trên đó nằm dài ra ngủ thẳng cẳng. Còn dì Mười thì ngáp lớn, nằm đại xuống gần chỗ bé Su. Mọi người có lẽ đều đã rất mệt, nhưng tất cả đều rất vui.
Mưa đã dứt từ lúc cuộc vui còn đang ở hồi cao trào nhất. Giờ lại mưa tiếp, ngay nửa đêm. Còn tôi, chị Tươi và ông Bảy là vẫn cố gắng thổi bùng lên ngọn lửa tinh thần đang yếu dần đi trong tiếng mưa đêm khuya khoắt. Mồi và bia thì chẳng còn gì nữa. Chỉ có Út Chiến nhờ không uống lon nào nên vẫn là người tỉnh táo nhất. Chị Tươi coi như đạt giải á quân với mười hai lon, thua ông Bảy đúng một lon. Còn tôi, bằng một cách thần kỳ nào đó, đã làm tới mười lon. Tôi không nghĩ là mình lại đứng được hạng ba ngay trong lần đầu tiên tham dự. Nghĩ cũng thật là vượt quá giới hạn thông thường.
Canh đúng thời điểm tôi bắt đầu ngả lưng xuống dưới sàn nhà, chị Tươi lại tiếp tục mượn chương trình văn nghệ để nói thay nỗi lòng xa quê. Ông Bảy ngồi nghiêng tới nghiêng lui, mắt nhắm mắt mở, nấc cụt, hai tay cầm hai chiếc đũa tre gõ đều đều vô miệng chiếc nồi inox khi giai điệu bài Đêm thấy ta là thác đổ chiếm trọn tâm hồn ông.
Tôi chẳng thể nhớ nổi là mình đã thiếp đi ở đoạn nào trong bản nhạc. Tiếng kèn harmonica từ chị Tươi cùng tiếng mưa rơi ẩm ướt bên ngoài như hòa lại làm một, tạo thành dòng chảy dịu êm xuyên vô trạng thái lơ mơ mù mịt trong đầu tôi lúc đó. Tiếng mưa ầm ầm, tiếng nhạc thì da diết. Tôi còn tưởng đâu bầu trời sẽ tối thật lâu, lòng mình sẽ được lắng sâu thật lâu. Dường như tâm hồn tôi cũng giống y hệt ông Bảy, hoàn toàn được chiếm trọn bởi thứ ngôn ngữ diệu kỳ đại diện cho tâm tình mình muốn thở than. Một giấc ngủ giải sầu rơi vào một lối đi tự nhiên, không vướng bận ưu phiền.
Một buổi trưa thứ Ba ngày 30 tháng 9 năm 2014, tầm đâu khoảng 12 giờ 45, tôi tình cờ thấy em đang đứng chờ xe buýt ở trạm dừng Số 727 Nguyễn Trãi từ bên kia đường. Khỏi phải diễn tả về sự lộn xộn trong phản xạ cũng như phán đoán của tôi trước thứ ánh sáng kỳ diệu và đầy chớp nhoáng mà em đã vô tình mang đến ngay thời khắc không ngờ nổi ấy.
Vậy là phải đợi tới tận mười ngày, tôi mới được nhìn thấy em xuất hiện trở lại trong cuộc đời mình. Ơn Trời, không thể nào khác hơn. Tôi liền quyết hoãn lại kế hoạch la cà qua các con đường tấp nập ở Quận 5 để tìm chỗ ăn trưa rồi nhanh chân lẹ cẳng, "phóng người" thiệt mau đuổi theo em, hay nói chính xác, là nếu như tôi không băng qua lộ đủ kịp trong lúc chiếc xe buýt Số 1 kia chỉ còn chưa tới năm mươi mét nữa là sẽ tấp vào điểm đón/trả khách ngay trước cửa Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp – Hướng nghiệp thì coi như toi. Một lần nữa, nhịp đập rộn ràng, tươi trẻ và tràn đầy sự phấn khởi từ nhạc phẩm Khu rừng của nhà soạn nhạc Yuhki Kuramoto lại tìm về trong tôi.
"Nối đuôi" em bước lên xe bằng cánh cửa song song với tài xế, tôi tiếp tục lẳng lặng "làm cái đuôi" theo em ra tuốt hàng ghế ngang năm chiếc còn trống trơn ở cuối xe khi mấy chỗ ngồi còn lại đã kín mít. Nhưng tôi cũng không dám làm gì hơn ngoài việc ngồi kế cửa sổ bên trái, kín đáo đưa khéo léo "bốn con mắt" hân hoan của mình dòm sang những nốt trầm lạnh giá trên khuôn mặt mà em đang thả chúng sát bên cửa sổ phải. Ở trong một khoảng lặng ngồi cách em ba chiếc ghế được xem là khả dĩ nhất đối với bản thân, thoáng chốc, tôi liền nghĩ đến nhạc phẩm Warm Affection. Thật kỳ lạ là cứ mỗi lần nghĩ suy hay lưu giữ những hình ảnh về em để đưa vào nơi tâm thức mình như thế, âm nhạc của Yuhki Kuramoto lại luôn vỗ về vào những dấu hỏi tôi trót mang thật êm ái và tràn trề niềm hy vọng. Một niềm hy vọng mà tôi rất khó lòng để nắm bắt.
Lần thứ ba này cũng giống như hai lần trước, em lại xuống xe ở trạm dừng Số 549 Nguyễn Trãi. Tay phải em xách cặp táp đen cũ kỹ, còn tay trái thì vẫn cầm theo cái gào mên màu hồng xinh xắn. Chắc em sẽ đi tiếp vô Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Tôi ngồi yên đó, ngoảnh đầu, nhìn bóng em khuất xa dần qua lớp kiếng trong suốt to to phía sau hàng ghế cuối.
Buổi trưa ba ngày sau, cũng rơi vào khoảng thời gian tương tự như ba lần trước, tôi lại mang theo mình một niềm hy vọng rất khó lòng để nắm bắt, tiếp tục đồng hành cùng em qua vỏn vẹn năm điểm dừng xuất phát từ Số 727 Nguyễn Trãi. Lần này tôi "thật may mắn" làm sao, khi canh được đúng chỗ ngồi ở ngay... trước mặt em. Tuy có phần hơi nực cười dưới bất kỳ góc nhìn nào đó, nhưng tôi còn biết làm sao được. Tuyến Bến Thành – Chợ Lớn này lúc nào cũng đông khách vượt ra ngoài khái niệm thông thường về "giờ cao điểm" như thế. Dù cho lúc lên xe, chỉ có tôi và em hay tăng thêm nhiều hành khách khác, thì tôi cũng đâu có nhiều sự lựa chọn cho mình. Vậy nên, thay vì cảm thấy bí bách với chỗ ngồi không như ý, chi bằng tôi cứ thả cặp mắt sầu đời của mình ra bên ngoài cửa sổ trái còn chí lý hơn. Tâm trí tôi chợt thả lỏng, trượt dài theo nhạc phẩm Everlasting Gentle Thought. Nhưng cũng rất nhanh thôi. Chỉ đến khi em xuống xe rồi, tôi mới dám quay mặt ra đằng sau. Một ông bác có vẻ mặt chất phác đã thay thế em, ngồi vào đúng cái ghế ấy.
Khó khăn nhất là vào một cơn mưa tầm tã trưa ngày bảy tháng Mười, tôi và em, cả hai đều không có chỗ ngồi và phải đứng nắm chặt tay vịn, lọt giữa khoảng tám-chín hành khách sát rạt với nhau như bị trúng keo dính. Thậm chí, kể cả khi em đã xuống trạm được gần năm phút, tôi vẫn chưa thể nhét nổi bàn tay trái của mình vô trong túi quần jean vì xung quanh quá chật chội. Cảm giác như thể, nhạc phẩm Sings of Love mới chính là thứ chia cắt chúng tôi trong những phút giây đứng chung xe ngắn ngủi.
Mưa nhỏ dần lúc xe buýt tấp vô điểm dừng Số 112 Trần Hưng Đạo. Tôi xuống đây cùng ba nam sinh viên nữa. Một cảm giác mơ hồ và trống trải bao trùm lên ánh nhìn mờ mịt của tôi do chiếc kính cận màu trắng tôi đeo thấm ướt nước mưa li ti bám trên tròng kính.
Sang đến ngày mười một tháng Mười, tình hình cũng không có gì để được coi là khả quan cho tôi. Cảm giác phải đứng nắm chặt tay vịn trước "sức ép bất đắc dĩ" từ những hành khách đi chung thật sự là quá khủng khiếp, nếu xét ở khía cạnh mặc dù "đã chủ động" chịu đựng cảnh thiếu ghế ở trên xe từ trước nhưng đích đến sau cùng thì không phải lúc nào mình cũng là người đưa ra được quyết định sớm hơn.
Tôi lưỡng lự trước hai phương án ngồi tiếp trên xe hay sẽ xuống xe cùng em ở trạm dừng đã quá quen thuộc, trong khi lại không hề tỏ ra phân vân một chút nào khi biết mình sẽ mất đi giấc ngủ trưa hay buộc phải bỏ hẳn một-hai tiết học quan trọng tính từ 13 giờ mỗi lần theo dấu chân em như thế. Xui cho tôi là đến lúc đưa ra được quyết định "sáng suốt", thì lại đúng ngay hôm em không đi liền vào trong Bệnh viện Nguyễn Tri Phương mà tôi thầm đoán chắc như đinh đóng cột. Có lẽ em đang đi mua một thứ gì đó cũng nên.
Sự kiên nhẫn trong tôi cộng với việc em đang rất khẩn trương trên từng bước đi khó đoán định mà vô tình, nói không với khái niệm về "sự cảnh giác" đã đưa tôi tới tận gần sáu trăm mét nữa trên con đường Nguyễn Trãi nhộn nhịp. Tôi tự tin khẳng định em không tài nào biết đến sự tồn tại im lìm này ngay sau lưng em chỉ cách đâu dưới mười bước chân. Từng tiếng chân chạm đất hướng một cách bình thường và thong thả của tôi về phía trước cứ như là từng nốt nhạc trìu mến, ngọt ngào và đầy ấm áp trong nhạc phẩm Shape of Love mà tôi vẫn thường hay nghe mỗi khi ghé quán Xuyên Tuyết vào các trưa Chủ nhật. Với một tia sáng lóe lên thật nhanh qua cảm nhận trong đầu, tôi đã thầm hỏi... "Vậy giữa tôi và em, ai mới đúng thật là Shape of Love dựa trên điểm quan sát mỗi mình tôi?"
Tôi ước gì bản thân có thể nhanh chóng tìm ra được đáp án. Vì tình huống không như mong muốn cuối cùng cũng đã xảy ra vào đúng thời điểm tôi không ngờ nhất.
Tôi đã lầm khi đánh giá thấp về phần trăm ít ỏi cho "sự cảnh giác" của em mà lại quên mất rằng, mình đã không giữ "cự ly an toàn" đúng như tiêu chuẩn thông thường trong việc theo dõi người khác. Và thế là, điều gì tới cũng đã phải tới. Tôi sững người khi em dừng chân đột ngột và quay người ra đằng sau, quăng thẳng vào sự vô tư của tôi một ánh nhìn lạnh buốt, thiếu thiện cảm ngay trước lối vào Khu Dân cư 2A (hay còn được gọi là Hẻm 451 Nguyễn Trãi). Một sự cố nhớ đời mà nếu được trải qua thêm lần nữa, chắc tôi vẫn không khá hơn trong việc tìm ra giải pháp xử lý nhanh – gọn – lẹ. Phải thú thật, là bất kỳ ai khi bị rơi vào trong tình huống đó, chắc đa số cũng sẽ chịu cảnh hú hồn đến bất động giống như tôi mà thôi.
- Nè, bộ nãy giờ anh đang lén lút đi theo tôi đó hả?
Tôi bàng hoàng chấp nhận tốc độ đưa ra câu hỏi của em là thứ mà sự nhạy bén trong não bộ của tôi không đời nào sánh kịp. Nhưng tôi may mắn nhiều hơn em nghĩ. Để chiến thắng và vượt qua được nỗi sợ hãi trược một câu hỏi siêu nhanh được thể hiện bằng âm giọng vô cùng... lạnh ngắt ấy, tôi cũng phải phản ứng lại bằng bất cứ giá nào dù cho nó có vô lý nhất đi chăng nữa:
- Là sao? Có chuyện gì vậy em? Lén lút đi theo em là đi theo cái gì? Anh đang trên đường đi về nhà của mình chứ có làm gì em đâu.
Việc em có dám tin những gì tôi vừa nói hay không xem ra cũng chẳng cần thiết. Vì với giải pháp "thoát thân" mới được tôi triển khai, tôi đâu còn bước tiếp theo nào khác ngoại trừ động tác cứ theo "cái đà" giả tỉnh trên khuôn mặt, ấp úng trong cách nhả chữ vừa được mình thể hiện rất trôi chảy đấy mà "đâm thẳng" về phía trước thôi. Chẳng còn lựa chọn êm xuôi nào khác. Tương tự như câu "Nói được thì phải làm được" vậy.
Mãi đến gần hai phút sau, tôi thử đứng lại sát bên lề đường để chủ động kiểm soát tiếp tình hình thì ôi thôi, tình hình đã vượt ra khỏi tầm mắt của tôi mất rồi. Tôi không còn thấy dáng hình em ở đâu nữa.
Từng có một cậu bạn chơi thân với tôi thời phổ thông, lờ khờ hỏi tôi rằng "Sài Gòn, có phải là thành phố rất sôi động khi về đêm hay không?".
Nếu nói cho chính xác và cụ thể hơn, thì ở trung tâm Sài Gòn, người ta có thể tìm thấy cho mình bất kỳ một thứ gì để vui chơi, giải trí hay chỉ đơn thuần là muốn giết chết thời gian, nhất là vào ban đêm. Càng về khuya càng dễ kiếm tìm. Chỉ cần bạn có tiền, thì không ai có thể dám không nghênh tiếp bạn.
Còn khi bàn về những ý kiến trái chiều trước hai mặt tiêu cực và tích cực của cuộc sống ăn chơi về đêm tại trung tâm văn hóa – kinh tế phát triển cũng như năng động hàng đầu Việt Nam, đó thật sự là một đề tài muôn thuở, nói không với hồi kết.
Quận 1 không chỉ là quận đẹp nhất, lãng mạn nhất, lung linh nhất, đắt đỏ nhất, sang trọng bậc nhất, mà còn là quận đứng thứ nhất về sức hút tập trung những dân chơi thứ thiệt. Đẹp nhất nhưng cũng ồn ào nhất. Rực rỡ nhất nhưng cũng đầy rẫy góc tối nhất. Ấm lòng nhất nhưng cũng để lại nhiều nỗi xót xa nhất. Các vũ trường, các quán bar, các hộp đêm, các quán karaoke xa hoa lộng lẫy qua từng năm, cứ đua nhau làm dày hơn sự náo nhiệt khuấy động cả một góc trời trong tâm tưởng của những con người yêu thích "những bữa tiệc xuyên đêm".
Tôi tự bái phục bản thân vì ít nhất cũng hơn nửa giờ đồng hồ trôi qua nhanh như mây gió mà mình vẫn còn trụ nổi trong không gian "bùng nổ" đến tận cùng ở The Last Night – một vũ trường hạng siêu sang chỉ mới khai trương đêm đầu tiên – trên trục đường Nguyễn Trãi, nhưng không phải là đường Nguyễn Trãi bên Phường 11 – Quận 5.
Nghe Kim Dung kể, ông chủ của địa điểm mà tôi đang nóng lòng muốn được rời khỏi phạm vi hoạt động ở nơi đây là một vũ sư tự do kiêm một doanh nhân thành đạt sắp bước qua tuổi bốn mươi. Anh ta có một cửa hàng bán lẻ điện thoại di động rất uy tín nằm cách The Last Night không xa và cũng đang trong quá trình "nỗ lực không biết mệt mỏi" để lôi kéo người đẹp sinh năm 1996 (cái cô nàng đã ra sức thuyết phục, nài nỉ, đòi dắt tôi vào đây cho bằng được) trong vòng mấy tháng tới, sẽ gật đầu đồng ý chịu ở bên cạnh anh ta để cùng nhau tạo nên một khoảng cách còn gần hơn cả chiều dài quãng đường giữa hai nơi chốn kinh doanh đang hái ra tiền cho anh ta mỗi ngày.
Phải khâm phục người đàn ông lớn hơn tôi tới hai mươi mốt tuổi, vì đó là một mục tiêu được đặt ra rất rõ ràng và có "cơ sở" để thực hiện hẳn hoi. Song điều quan trọng, là anh ta không biết được một sự thật có phần chua xót rằng... định nghĩa về cột mốc "trong vòng mấy tháng tới" mà anh ta đã đề ra, có lẽ nó sẽ không ngắn nếu căn cứ theo suy nghĩ của Kim Dung. Trong khi tôi... thì cũng chả hiểu gì về cô ấy. Điều làm tôi bật cười đầy hứng thú trong bụng khi phân tích, chỉ là thắc mắc "Không rõ đây có phải là vũ trường đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, có ông chủ là vũ sư hay không?". Một người chuyên đi dạy cho người ta khiêu vũ, lại thích đi làm chủ một điểm đến mà khách hàng khi họ chi tiền bước chân vô đây, chẳng ai trong số họ cần được hướng dẫn phải nhảy như thế nào cho đúng cả.
Đã "dũng cảm" bước vô đây rồi thì cứ việc mạnh ai nấy tự tin mà "trổ tài" thôi, dẫu cho có bị nhiều cặp mắt gần xa để ý, thì cũng không ai rảnh hơi đâu mà đi chê cười sau lưng điệu nhảy đầy bản năng của bạn. Lọt sâu trong tiếng nhạc xập xình, ầm ĩ với âm lượng cực kỳ chất lượng cùng những ánh đèn màu đủ sắc chiếu lên chiếu xuống khắp mọi động tác say sưa đến "quên mình" nơi sàn nhảy bóng loáng; những con tim yêu nhạc, yêu hò hét, đam mê hiện tượng "xích lại gần nhau" đó cứ thỏa sức điên cuồng mà không khác gì, được bay lên đến chín tầng mây không để cho điều gì khác làm vướng bận.
Tôi thì vẫn cứ ngồi yên một chỗ vậy thôi. Không phải là vì lòng tôi không vui khi có cơ hội được biến thành "dân chơi" trong một địa điểm tưng bừng kiểu này, mà chỉ đơn giản, là tôi không cần dùng đến nhảy nhót để biết chính xác là mình có đang buồn hay không. Điều đó không đồng nghĩa với việc là tôi đánh đồng tất cả những con người cá tính chọn cách đặt niềm say mê của họ vào trong đây đều là những người không hiền lành.
Còn thời gian mà Kim Dung để cho tôi được tha hồ "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" vốn dĩ, nó có giới hạn chứ chẳng thể giỡn dai. Tôi thừa biết thế nào nếu vẫn cứ ngồi lì một chỗ như vầy mãi thì cái cô nàng chỉ thấp hơn tôi có 3 xen-ti-mét đó, chắc chắn sẽ không bỏ qua cho tôi một cách dễ dàng như vậy đâu. "Được" mấy tay chơi sành điệu cực ngầu, nhảy cực dẻo vây quanh, nguyện bị thiêu đốt vì người đẹp tới cỡ đó rồi, mà cổ vẫn còn nhớ tới tôi làm gì hổng biết:
- Í trời, cái anh này! Sao giờ này rồi mà còn ngồi một đống ở đây nữa? Ra kia nhảy với em mau lên! Bộ anh muốn ngồi đây cho tới khi nào uống hết giùm luôn ly nước ép dâu của em thì mới chịu hả?
Phải chi mà Kim Dung biết mệt. Nhưng với một cô gái từng suýt chút nữa trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp như cổ, thì chuyện thể lực bị suy giảm chỉ sau chưa tới một hiệp đấu làm "tâm điểm" ở The Last Night là điều không thể nào xảy ra. Trong khi tôi thì chỉ là một "tay mơ" nếu được đặt cạnh kế một nữ cường nhân có quá nhiều sở trường như thế.
- Thôi thôi. Dung thích thì cứ ra đó nhảy tiếp đi! Tôi ngồi ở đây như vậy là được rồi.
- Cái anh này thiệt là! – Kim Dung dùng tay phải vỗ nhẹ vào bắp tay trái của tôi một cái rồi lớn tiếng. – Người ta để bàn ghế ở trong đây đâu phải mục đích chính là để cho mình ngồi suốt như vậy đâu!
- Vậy là vô đây nếu chỉ ngồi thôi thì không được à?
- Hông phải!
Nhìn thẳng vào sắc mặt đang cao hứng đột nhiên chịu giảm dần đến ngưỡng "báo động" của Kim Dung, tôi lờ mờ nhận ra được là cổ sắp sửa nổi khùng với tôi thiệt rồi. Tiếng nhạc trong đây càng lúc càng "bùng nổ" hơn gấp mấy lần, nhưng vẫn không lấn át nổi sự quyết tâm cao độ của cô ấy:
- Vô đây, mình muốn ngồi ăn uống tới chừng nào cũng được, không ai cấm. Nhưng anh nhìn xung quanh thử đi, có ai vô vũ trường kêu ly nước ra uống rồi toàn ngồi mãi giống như anh không hả? Ra đây, ra nhảy với em! Mau lên!
- Thôi được rồi ờ... để tôi lướt sơ qua, tìm hiểu về giao diện và tính năng của cái điện thoại này cái rồi ờ...
- Thôi mệt anh quá! Cái smartphone này nó dễ xài lắm! Bày đặt làm bộ mù công nghệ để ngồi lì ở cái ghế sofa này nữa hay gì? Quá đáng!
Đúng thật là tôi với cô ấy vừa mới đổi điện thoại hồi chiều ở quán Xuyên Tuyết trước khi ghé vô The Last Night. Tôi phải nhấn mạnh là "mới đổi điện thoại chứ không phải điện thoại đổi mới". Tôi cam tâm tình nguyện hai tay trao cái iPhone 5 màu trắng sắp tròn một tuổi rưỡi cho người đẹp chân dài, để nhận về cái Samsung Galaxy Note 3 màu hồng vẫn còn mới cáu từ nụ cười sáng chói của cổ. Nếu hai đứa thử đưa phép tính số học lên trên mặt giấy để tìm ra lời giải thì rốt cuộc, ai mới thật sự là người chịu lỗ trong thương vụ trao đổi "thế kỷ" này? Nhưng "em dế yêu" mà tôi đang cầm chắc trong tay nãy giờ, Kim Dung chỉ mới xài nó chưa tới ba tháng.
- Lẹ lẹ lên cái anh này! Ra kia có nhảy chút xíu thôi chứ có ai làm gì anh đâu mà anh sợ dữ vậy!
Đành chịu. Tôi không chịu nhảy thì cô ấy phải chịu đẩy thôi. Nếu giờ mà còn lì lợm, không chịu nghe theo âm giọng mang tính chất hối thúc cực mạnh từ nữ cường nhân nóng tính, chắc cái áo khoác vải dù màu xanh dương đậm tôi đang mặc trên người sẽ không còn nguyên vẹn ở phần tay áo mất.
- Sau còn rề rề nữa? Thiệt là, sắp ra nhảy rồi sao anh không nhét cái điện thoại cũ của em vô trong túi quần luôn đi? Em đâu có để sót tấm hình hay cái video clip nóng bỏng nào lại trong bộ nhớ trong đâu mà anh cứ giữ cứng trong tay hoài vậy?
- Hông phải!
Tuy không có ý định muốn nổi khùng cho đúng ý đối phương, nhưng quả thật là có vài điều mà tôi cần phải làm sáng tỏ cho thật rõ trước khi tính đến chuyện tập nhảy. Kim Dung thoải mái đan tay vòng ra sau ôm lấy cổ tôi với ý thân mật mặc kệ phản ứng chậm chạp tôi cố tình giăng ra dù phải thừa nhận rằng, tôi không muốn tránh né. Người đẹp này luôn tôn thờ trường phái biểu lộ tình cảm khá vội như thế. Giờ thì cả tôi và cô ấy, ai cũng đều to họng như nhau:
- Có cách nào để đổi nhạc đang phát trong đây được hay không vậy?
- Hả? Anh muốn đổi cái gì?
- Ý tôi là đổi nhạc? Đổi bài khác á!
- V-pop remix hot nhất năm 2014 mà anh còn không thích nữa à?
- Ừ. Tôi muốn đổi qua danh sách phát khác.
- Hông lẽ nhạc trong vũ trường mà anh muốn phải là nhạc cổ điển hay nhạc đương đại thì anh mới chịu hay sao?
- Chứ Dung nói Dung quen thân với ông chủ ở đây cơ mà.
- Thân mà thân ai nấy lo thì có. Để em lên trên đó, nói trực tiếp luôn với anh DJ cho tiện. Chứ kêu ông kia ra phiền phức lắm.
Tôi biết mình đã không nhờ sai người. Mỹ nhân có mái tóc highlight xoăn phồng xen kẽ hai màu nâu – đỏ đang đứng đó níu áo tôi thật nhiệt tình đúng thiệt là rất biết cách tận dụng lợi thế về ngoại hình và nhan sắc của mình.
- Sao ghê vậy! Tới cái anh DJ để tóc đuôi ngựa giống Roberto Baggio đang chỉnh nhạc tuốt trên mấy bậc thang đó mà Dung cũng quen luôn à?
- Chứ sao! Cái ông đó ổng cua em còn trước cái ông mặt già chát kia tới mấy ngày luôn mà.
- Đúng là ghê thiệt nha! Tôi phục Dung rồi đó!
- Vậy anh nói coi anh thích nhảy với bài gì thì mới hợp với phong cách riêng của anh nè?
- Beautiful Life, nhóm Ace of Base.
- Hả? Bài gì?
Cổ họng tôi gần như đã sắp nổ tung thật rồi. Khổ thân Kim Dung khi đã kê lỗ tai phải ngay sát miệng tôi mà vẫn còn nhăn mặt, nheo mày đến đáng thương. Đây quả đúng là một nơi không dành cho những người yếu giọng.
- Beautiful Life của nhóm Ace of Base. Biu-ti-phun Lai, nhạc của Ây ộp Bây-xì.
- Cuộc sống tươi đẹp đó hả? Nhóm Ây ộp Bây-xì. À à em biết rồi.
Rất mau lẹ vì không còn điều gì khiến cho ý nghĩ của cả hai phải băn khoăn thêm nữa. Nhiệm vụ của Kim Dung là khoe ra dáng đi uyển chuyển mê hoặc lòng người, tiến đến "điểm nóng" trên cao. Còn tôi thì cứ bình tĩnh mà từ từ hòa mình vào trong đám đông bay bổng vốn đã rất nóng để khởi động, chờ cô ấy trở xuống.
Bỗng, chưa tới hai phút, sự thay đổi tôi mong muốn đã trở thành hiện thực. Phấn khích giữa đám đông đang quá sức cuồng nhiệt, tôi chợt nhận ra một chân lý rất hay ho: "Khi bạn không thể đưa mình vào thế xoay chuyển theo đám đông thì hãy tìm ra phương án để đám đông phải xoay chuyển theo bạn."
Rất nhiều khán giả hâm mộ của nhóm nhạc huyền thoại ABBA đã quên rằng, Thụy Điển còn có một Ace of Base cực kỳ xuất sắc. Beautiful Life trên thang điểm của các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế, chưa từng đạt được vị trí số 1 ở hạng mục "Những bài hát khiêu vũ hay nhất thập niên 90" nhưng với vị trí của riêng tôi, bản hit để đời năm 1995 của bốn thành viên đến từ thành phố Göteborg xứng đáng là ca khúc tiếng Anh hay nhất mọi thời đại.
Kim Dung có lẽ cũng có cùng quan điểm giống tôi. Trong "bộ cánh" với áo thun sát nách, áo khoác da, quần dài da và một đôi giày ống da đều mang tên "Một màu đen bí ẩn", mỹ nhân chân dài cũng bí ẩn không kém đang cuồng nhiệt mặt đối mặt với tôi càng khiến cho cuộc vui lúc nửa đêm tăng lên đỉnh điểm. Hai đứa, mỗi người một phong cách cảm nhận và một nhịp điệu chuyển động cơ thể không thống nhất, không đồng đều song, vẫn giao nhau ở ánh mắt rất gần để thoải mái kết hợp nhờ sự ăn ý vô hình. Ngập tràn trong bầu cảm xúc căng tràn bất tận dưới những ánh đèn chùm rực rỡ trong The Last Night, chúng tôi đều khẳng định đây dĩ nhiên chưa phải là đêm cuối cùng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro