Chương II: LÝ BĂNG NHIÊN (Nguyễn Lâm Anh Kiệt)
7 giờ 50 phút, xem ra vẫn còn dư chán. Còn tới mười phút nữa cơ mà. Tôi thở phào nhẹ cả người vì biết mình ít ra sẽ chắc chắn không bỏ lỡ một giây một phút nào của môn Lịch sử Nhật Bản tính đến xong buổi học sáng hôm nay. Tuy không đóng kịch chuyện tôi chẳng hề sợ đi trễ khi đã qua rồi cái thời học sinh tinh ranh thuở trước, nhưng sinh viên mà đến lớp nghe giảng đúng giờ để tiếp thu cho đầy đủ kiến thức thì cũng tốt hơn chứ nhỉ. Nhất là, khi đã gật đầu chấp nhận cuộc đời mình giờ đã nghèo thì tự khắc ý thức tiến bộ lên theo từng ngày của tôi sẽ được phát huy một cách tối đa. Lịch sử Nhật Bản nhờ vậy mà "may phước" trở thành môn học duy nhất còn sót lại mà tôi vẫn chưa mắc phải "cái lỗi chủ quan" kinh điển của mọi sinh viên nêu trên.
Nhưng nếu đi học trễ thật sự có tác hại về lâu về dài thì đi học đúng giờ chưa hẳn lúc nào cũng mang tới lợi ích. Chỉ còn chút xíu thời gian nữa thôi là chính thức vào lớp, vậy mà trên chặng đường cứ tưởng đâu "lắm an toàn" từ cổng chính bước đi dài dài thong dong đến hệ thống thang máy nằm ở sảnh chính để bấm nút lên tiếp tầng bảy, tôi đã nghe thấy không ít những điều rất chướng tai và nhìn thấy những nhân cách rất gai mắt. Ba thằng khốn đó tụi nó đến trường thật sớm để chờ sẵn tôi ngay từ vị trí trung tâm của sảnh chính đây mà. Giá như tụi nó vẫn siêng năng đều đặn như thế cho chuyện học tập bài vở thì đáng khen biết mấy.
- Mấy cái thứ công tử bột ngoại hình có đẹp đẽ gì hơn ai, học hành chỉ ở mức trung bình, tài năng âm nhạc chỉ xứng đáng xách dép cho mấy nghệ sĩ chuyên nghiệp, gia cảnh thì chỉ giàu có tiếng loanh quanh ở một thành phố thôi mà nó tưởng vậy là nó xuất sắc lắm. Tội nghiệp...!
- Ờ đúng vậy đó đại ca. Cái thằng này nó tài giỏi gì hơn ai mà đòi. Đi tới đâu là khoe độ giàu có nứt vách lẫy lừng ở Cần Thơ của cha nó để rồi giờ cha nó đi lấy người đẹp nổi tiếng trong giới showbiz, dám mạnh miệng trả lời phỏng vấn trên tivi là từ mặt hết mấy mẹ con nó luôn cho nó chừa.
- Đáng đời thằng này. Để coi từ giờ trở đi nó còn dám làm ra vẻ ta đây khi đến trường nữa hay không? Mày giàu quá mà. Giàu nhờ cha mày, ha ha ha ha ha!
Ba thằng khốn tụi nó với tên cầm đầu là Ngô Hồ Quốc Tuấn đang học năm ba ngành Việt Nam học, còn Huỳnh Quý Dũng và Lê Hoàng Quang Phú là hai thằng du côn "nịnh bợ" đang học chung lớp với tôi. Điểm chung của ba đứa tụi nó là ngoài "sở trường" có máu côn đồ ra thì tất nhiên rồi, còn có sự lẻo mép, lười học và bản tính hay thích đố kỵ với người khác. Huỳnh Quý Dũng và Lê Hoàng Quang Phú, hai thằng "nịnh bợ" đó vốn đã không ưa gì tôi ngay từ những ngày đầu học năm nhất, và khi tận mắt chứng kiến "đầu gấu khét tiếng" Ngô Hồ Quốc Tuấn là đàn anh khóa trên "vì tôi" mà không tán tỉnh được hotgirl đình đám nhất trường là Tôn Ngọc Mai, cả ba "tư tưởng lớn" đó đã gặp nhau tại chung một giao điểm. Tôi cầu cho ba đứa tụi nó sớm muộn gì cũng bị ban giám hiệu tống cổ ra khỏi trường. Thật không thể hiểu nổi là đã học lên đến bậc đại học rồi mà tôi vẫn còn gặp mấy thành phần bất hảo giống như thế này! Đúng là bản tính côn đồ và nhân cách không ra gì thì đừng tưởng là sẽ xuất hiện ít hơn ở lứa tuổi sinh viên.
Nên, thật không dễ dàng gì để vượt qua được "cái bẫy gây hấn" mà băng tụi nó "dành riêng" cho tôi. Chẳng thà cả ba đứa chúng nó chặng đường tôi để nói xấu thẳng vô trong mặt tôi thì vẫn còn đỡ tức hơn là tụm ba đứng đó dựa cột, buông lời bóng gió trong lúc tôi đi ngang qua hòng làm cho tôi phải sôi máu. Tâm trạng của tôi đang không được tốt, tôi thật lòng không biết phải nên xử lý bọn nó như thế nào cho thỏa đáng đây nữa? Mấy cái đứa toàn ưa thích kiếm chuyện với người khác theo cái cách khốn kiếp và tiểu nhân như thế đúng thật là cần phải bị cho ăn vài đấm vô ngay miệng thì mới biết sợ mà chịu câm họng lại.
Nhưng tôi thì chỉ có một mình, còn bọn nó tuy gầy nhưng có tới tận ba thằng. Bọn nó toàn thuộc dạng "xương cốt trâu bò" và đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc từ rất lâu. Đúng là không còn gì liều mạng hơn nếu như tôi nóng giận mất khôn để dẫn đến hậu quả cho việc động thủ trước. Mà nghĩ lại, suốt những năm tháng dài còn sống chung với gia đình bên nội ở quê nhà Cần Thơ, tôi đâu còn xa lạ gì với tâm lý buộc phải nhẫn nhịn nữa. Cả miệng mồm độc địa đến mức gây căm phẫn của Trần Ái Trinh – người cô Út tôi rất căm ghét – mà tôi còn nhẫn nhịn được thì có lẽ, trong một chừng mực nào đó, tôi chả dư hơi sức đâu mà đi để ý làm gì cho mệt thân mấy lời nói gây hấn hèn hạ của bọn nó.
Điều làm cho tôi thất vọng và ngỡ ngàng hơn tất cả lại chính là... ngay đúng trong tích tắc tôi dừng chân lại vì chưa biết xử lý bọn nó như thế nào cho thỏa đáng thì nhìn sang bên trái, cách chỗ tôi đứng khoảng chừng hai-ba mét, không dưới hai mươi con người trong suốt hồi năm nhất vừa qua được tôi bao ăn bao uống hết lần này đến lần khác, được tôi dẫn về nhà thuê nguyên căn để cả tập thể được vui chơi tiệc tùng thỏa thích, được tôi cho mượn xài ké điện thoại thông minh iPhone 5 và không ít trong số đó từng được tôi nhiều lần cho vào ngồi trong chiếc Honda Civic 1.8 MT bốn chỗ để quá giang đi về sau giờ học lúc chú Trung vẫn còn làm tài xế riêng cho tôi lại không có nổi một người "siêng năng" đứng ra bảo vệ mình. Những ánh nhìn xa lạ, chủ động đứng ngoài cuộc này mới chính là những nhân cách làm đau thắt niềm tin bè bạn đơn thuần trong tôi bấy lâu nay.
Đồng ý nam sinh viên khóa trên Ngô Hồ Quốc Tuấn là một tên rất dữ dằn, rất láo toét và rất khó để đụng vào, nhưng hai thằng "nịnh bợ" Huỳnh Quý Dũng và Lê Hoàng Quang Phú học chung lớp thì hông lẽ cũng đáng sợ tới mức khiến cho không một ai trong số những con người đó dám đứng ra để phản kháng lại giúp giùm tôi dù chỉ một từ hay sao? Cả một tập thể thản nhiên đứng đó với cái nhìn thăm dò và nghe ngóng tin tức chứ không phải để tỏ ra bức xúc hay tiến tới an ủi và động viên tôi một cái. Bạn bè đâu phải chỉ vừa mới học chung một lớp có vài ba ngày. Cá nhân nào cũng yêu mến gọi mình là Dương Công Tử nhưng hóa ra cũng chỉ toàn là nịnh bợ hết cả thôi. Nhờ vậy, tôi mới cay cay hai mắt hiểu ra một chân lý "Người ta sẽ rất khó có thể định nghĩa đúng về hai từ bạn tốt nếu như cứ thích ở mãi trên đỉnh cao.". Tôi đã nhận ra điều đó như một tên ngốc – một tên ngốc luôn nghĩ bạn bè nào mà chịu ở gần bên mình cũng đều là bạn tốt. Chỉ tiếc là trong đám đông học chung lớp vừa mới được tôi nhận ra bộ mặt thật đó lại không có Tôn Ngọc Mai. Tôi thầm quyết liệt cầu cho cô ấy cũng đồng ý tự lột luôn "chiếc mặt nạ trong veo" đang đeo trên khuôn mặt trái xoan kiều diễm của cổ (nếu có) và chuyển hướng sang theo đuổi tên "đầu gấu khét tiếng" khóa trên để giúp cho tôi bớt đi được đến... ba kẻ thù.
Khỏi phải nói nàng hotgirl đình đám đang học năm hai ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Văn Hiến là "fan cứng" số một của tôi dù hai đứa không học chung một lớp. Cô ấy là dân Quận 4 – Sài Gòn chính gốc nhưng nhà nghèo, nên có sẵn "một trái tim lạnh và một cái đầu càng lạnh hơn" để hạ quyết tâm được trúng tuyển vào một ngành học rất thực tế và thường mang tính phiêu lưu thấp nhất mọi thời đại nếu xét trên độ ổn định. Còn tôi, một thiếu gia Cần Thơ (tất nhiên chỉ là ngày trước thôi), từng ít bận tâm về tương lai nên dù có học lực trung bình vẫn dư tới tận... một điểm để thi đỗ vào ngành Ngôn ngữ Nhật, chuyên ngành Biên – Phiên dịch mà không lường trước được "hậu quả nhãn tiền" đây là một ngành học khá mơ mộng và chứa đầy sự phiêu lưu sau khi ra trường với tấm bằng tốt nghiệp cầm trên tay. Đơn cử, nếu như trình độ tiếng Nhật sau này của tôi có điêu luyện đạt tới cảnh giới làm được cả dịch giả văn học hay trở thành một phiên dịch viên cao cấp cho một sếp lớn nào đó thì vẫn không nói chắc được sự ổn định lâu dài về mặt kinh tế và tuổi nghề.
Chúng tôi khác nhau khá nhiều thứ như thế đấy. Nhưng bù lại, tôi hiểu rõ con người của cô ấy tới mức không bao giờ mở miệng đề cập đến những vấn đề liên quan sâu vô chủ đề "Nghề chọn mình hay mình chọn nghề?" mỗi khi hai đứa ngồi nói chuyện dong dài với nhau còn cô ấy, thì lại có thừa sự thông minh và tinh ý đáng nể để không đời nào động chạm đến tâm hồn mơ mộng và lãng mạn của tôi những lúc tôi ngồi đệm đàn piano cho cô ấy hát những bài nhạc trẻ Việt Nam thịnh hành nhất trên bảng xếp hạng của các trang web nghe nhạc trực tuyến tại căn nhà một trệt hai lầu tôi thuê bên quận Phú Nhuận ngày trước.
Đúng thiệt là có phần hơi buồn cười khi tôi cứ thích tự khăng khăng mà nói chúng tôi không hợp nhau. Đơn cử, là ngoài các ca khúc nhạc trẻ thịnh hành ra, Ngọc Mai vẫn yêu thích kha khá những bản nhạc không lời nổi tiếng đúng gu âm nhạc của tôi. Nhưng chỉ có người trong cuộc mới nhận biết được cô ấy là một tín đồ của Chủ nghĩa Thực dụng. Chỉ là sự thực dụng của cô ấy rất khó và "rất khéo" để cho người khác có thể phát hiện ra. Cô ấy luôn luôn cư xử hòa nhã, cởi mở và dịu dàng với mọi người dù bản tính ít nói. Vả lại, mỹ nhân thuộc cung Sư Tử còn rất thích yêu một người bạn trai bằng tuổi với hình mẫu tiêu chuẩn giống như tôi. Nhưng sẽ như thế nào đây nếu như hình ảnh của cha tôi và minh tinh bạc tỷ Lý Anh Thi được in đầy ra trên trang bìa của các tờ tạp chí chuyên viết về thế giới giải trí hay trên các trang báo mạng nói chung tính từ tối hôm qua lọt vào trong đôi mắt hai mí sắc sảo và lanh lợi của nàng hotgirl họ Tôn?
"Giữa tôi và bà ấy đã không thể hàn gắn lại nữa. Đây là sự thật. Anh Thi, cô ấy không hề có lỗi gì ở đây hết. Nếu không có sự xuất hiện của cô ấy trong cuộc đời tôi thì trước sau gì giữa tôi và bà ấy cũng sẽ ly dị với nhau mà thôi. Còn ba đứa con lì lợm, hỗn hào khó dạy bảo đó của tôi, tôi thà không có chúng nó còn hơn. Chúng nó muốn từ mặt tôi, tự nguyện đi theo bà ấy để chịu khổ, tôi mặc kệ. Sau này chúng nó khi sống trong cuộc sống nghèo khó không nổi nữa thì lúc đó mới sáng mắt nhận ra mà quay về.
Thế nên, mọi tai tiếng không hay mà mọi người đã cố tình đổ lên đầu Anh Thi trong suốt quãng thời gian vừa qua, tôi yêu cầu mọi người hãy rút lại ngay lập tức! Lỗi là ở tôi, là ở tôi! Chính tôi là người chủ động hứa hẹn sẽ thôi vợ để đường hoàng đến với cô ấy. Tôi xin mọi người đừng có công kích cô ấy nữa! Đừng xâm phạm đời tư của người khác vượt quá giới hạn như vậy! Anh Thi không hề làm chuyện gì có lỗi với vợ cũ của tôi hết! Nếu mấy người trong thời gian tới còn dám lan truyền tin đồn bậy bạ cô ấy là hồ ly tinh chuyên thích đi giật chồng người khác nữa thì đừng có trách tại sao tôi lại độc ác! Tôi nói là tôi sẽ làm đó!"
Trần Tử Giang, tôi nguyền rủa ông ta! Tại sao nấc thang danh vọng của ông ta đã thực hiện thành công được bước đầu tiên rồi mà ông ta vẫn còn chưa chịu buông tha cho danh dự của những con người bị ông ta nhẫn tâm ruồng bỏ cơ chứ? Ông ta muốn cho tôi, Tử Liên và Tử Hoa phải chịu đựng tổn thương vì là con nhà giàu nhưng gia đình bên ngoại thì lại rất nghèo để cho những thành phần không tốt trong trường đua nhau bàn tán thì ông ta mới mãn nguyện à? Thôi thì... nếu có trách, ba anh em chúng tôi nên tự trách bản thân mỗi đứa trước. Nhất là tôi. Không đủ kinh nghiệm và không đủ tỉnh táo đề cao cảnh giác về lòng dạ của con người trên thế gian này mà sống ngây thơ, hào phóng với đời, không buồn giữ lại cho riêng mình "một vùng an toàn" về kiểu sống giàu có để rồi khi không may "hết thời", có muốn "giả giàu" cũng không được. Đó là một bài học lớn cho tôi.
- Dương không muốn nói gì với mình à? – Tôi ước gì Ngọc Mai đừng hỏi gì hết.
- À há! Phải nói gì với Mai đây nhỉ?
Tôi tự phục mình vì trong tình cảnh không còn tìm được sự cảm thông từ bạn bè học chung lớp mà lý trí vẫn đủ mạnh để "giơ ra lá chắn thép" nhằm che đậy đi những gì mà hotgirl họ Tôn đang muốn nhìn thấy. Màn nói chuyện riêng tư chiếm bớt khoảng trống thời gian trong lúc chờ đợi thang máy mở cửa của tôi và Ngọc Mai cũng vì vậy mà trở nên bình lặng ở bên ngoài, ầm ĩ ở bên trong. Tôi đứng bên trái, cô ấy đứng bên phải, đôi mắt mỗi đứa vừa để ý tín hiệu từ cửa thang máy vừa thoáng quay qua nhìn nhau trông không khác gì hai gián điệp đang sợ bị bại lộ thân phận trước sự theo dõi và dòm ngó của kẻ thù. Tôi nào muốn cả hai phải mỏi cổ và trông lạ đời như vậy. Quá may là "làn sóng thị phi" kia đã giải tán trước hết rồi. Tôi đoán chắc cô ấy hiện giờ chỉ đang thầm ước có được món bảo bối "Cỗ máy thời gian" của Mèo Ú Đô-rê-mon để quay về quá khứ hòng xóa bỏ hết tháng ngày tươi đẹp vừa qua khi làm người hâm mộ nhiệt thành nhất của tôi. Công nhận là khó đấy chứ không hề dễ đâu.
- Mặc kệ lời người ta nói. Mấy đứa trong lớp mình, từ nay Dương đừng có đối xử tốt với tụi nó giống như lúc trước nữa. Tụi nó chỉ toàn muốn lợi dụng Dương thôi. Nhất là mấy thằng con trai. Tụi nó ngấm ngầm ganh ghét Dương lắm đó.
- Vậy Mai chỉ cho mình cách để đối xử xấu với tụi nó đi!
- Thì cứ bình thường, vô tư hồn nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Tin mình đi, trước mặt Dương, tụi nó chắc chắn không dám nói bậy nói bạ đâu.
- Vậy sau lưng thì sao?
- Sau lưng thì là quyền của tụi nó, ai cấm nổi. Quan trọng là Dương đâu có nghe thấy đâu mà bực tức.
Ngọc Mai dĩ nhiên không phải là sinh viên đang theo học ngành Tâm lý học, nhưng có lẽ do nỗi ám ảnh muốn xây đắp tòa lâu đài với hình tượng "một cô gái xinh đẹp có tâm hồn càng xinh đẹp hơn" nên cô ấy không khác gì một vị thánh nữ đang hiện thân đầy lộng lẫy để ban cho bão tố cuồn cuộn trong lòng tôi một phép mầu vô giá. Tôi biết lý trí của cô ấy đang lấn át con tim rất dữ dội trước biến cố cuộc đời của tôi. Nhưng cô ấy không phải là một người con gái sống giả tạo. Tôi biết rõ điều đó. Và càng tin tưởng mình chưa đi đến bước đường của sự đơn độc khi bắt đầu năm hai đại học. Khoảnh khắc sẻ chia chân thành đó giá trị đến nỗi, mãi về sau này, khi mỉm cười ngồi viết ra những dòng chữ nhuốm màu ký ức, tôi vẫn thầm cảm ơn Ngọc Mai rất nhiều vì những gì cô ấy đã từng làm với tôi.
- Vậy còn Mai thì sao?
- Dương yên tâm. Mình sẽ không làm cái chuyện xấu tính giống như tụi nó đâu. Dương thừa hiểu mình là cô gái sống thẳng thắn mà.
- Vậy còn thằng Dũng Nịnh, thằng Phú Nịnh và thằng Tuấn Đầu Gấu đại ca của tụi nó thì sao?
- Hai cái thằng đó học còn dở hơn Dương nữa, nên Dương đừng có dư hơi bận tâm tới mấy lời nói xấu của tụi nó làm gì cho tốn thời gian. Còn cái tên Tuấn Đầu Gấu kia Dương làm ơn đừng có nhắc tới biệt danh của cái thằng cô hồn đó trước mặt mình nữa.
- Không nhắc biệt danh, vậy nhắc họ tên đầy đủ nhá có được không?
- Dương bắt đầu giỡn dai rồi đó.
- Vậy còn...
- Vậy còn gì nữa? Cái gì mà "Vậy còn" hoài vậy?
Ngọc Mai bắt đầu chứng minh cho tôi thấy cô ấy là một người không thích nói nhiều. Tôi thì cũng chỉ nhiều lời nhiều chuyện hơn cô ấy một chút xíu thôi. Nếu không phải vì tôi cũng cần phải cố giữ lấy hình tượng "một anh chàng bảnh trai, lãng tử, có uy tín cao trong lời hứa" rất cần được gìn giữ cẩn thận thì cô ấy làm gì có cớ để nổi quạu.
- Ý của mình là... vậy còn An Mập – thành viên chơi kèn trumpet trong nhóm Ngũ Tấu Hoa Niên.
- Thì sao?
- Cậu ấy có một bức thư nhờ mình gởi cho Mai.
- Là thư gì vậy?
- Thư tình thôi. Cậu ấy viết có một trang hà nên không có dài dòng lê thê lắm đâu, Mai làm ơn đọc giúp giùm cậu ấy cho mình hoàn thành xong nhiệm vụ nhá!
- Còn khuya! Đồ mập ú vô duyên cục mịch! Dương muốn thì đọc giúp giùm mình đi cho mình được rảnh mắt nhá! Đừng trách là mình không nhắc nhở trong nhóm nhạc của Dương, Dương giờ chỉ còn mập thua mỗi cái tên chơi kèn trumpet khó ưa kia thôi đó!
Rất thẳng thắn nhưng cũng không kém phần duyên dáng trong cách ăn nói. Thế đấy. Ngọc Mai cứ thế mặt mày nhăn nhó, vội vã phóng nhanh vào trong thang máy mà quên mất tiêu luôn việc đợi tôi. Ờ thì tôi đi chuyến sau cũng được. Đứng chờ xe buýt còn lâu hơn thế gấp mấy lần. Quan trọng là tôi vẫn không trễ giờ đặt chân vào Phòng 707. Nhưng Trường An chắc sẽ cằn nhằn tôi dữ lắm đây nếu như biết kết quả cậu ấy nhờ cậy ở thằng trưởng nhóm uy tín lại thành ra thế này. Một kết quả quá đau lòng. Riêng tôi thì lại quá đau tim vì vẫn chưa biết được Ngọc Mai đang suy nghĩ điều gì trong đầu trước biến cố cuộc đời của thần tượng. Cô ấy quả thật rất biết cách kéo dài thời gian hồi hộp nơi trái tim người khác.
Đến khi kết thúc ba tiết học vào lúc 10 giờ 50 phút, thầy Bùi Tuấn Thanh trong lúc đang bước ra khỏi lớp cùng với các cô cậu thanh niên ồn ào đã chủ động chờ tôi đi ngang hàng để hỏi chuyện:
- Hôm nay tinh thần em không được tốt hả?
Tôi hơi giật mình vì câu hỏi "đánh trúng tâm tư sầu não" sau khi tan lớp tìm đến quá bất ngờ từ thầy. Dù vậy, tôi vẫn ít nhiều đoán ra được lý do vì sao mà thầy lại cần trao đổi vài điều liên quan đến tôi trên đoạn đường từ hành lang lớp học đi ra sảnh tầng bảy. Tôi ráng nén lại cơn ngáp dài uể oải thân người vì thiếu ngủ để tươi cười đánh lừa thầy. Nhưng không thành công:
- Dạ đâu có! Em vẫn vậy thôi mà thầy!
- Đừng có nói láo. Thầy nghe, nhìn, phân tích và biết hết đó. – Thầy chậm rãi, gằn giọng một cách hiền lành, bắt tôi phải khai thiệt.
- Dạ, thầy biết gì vậy thầy? – Tôi xanh mặt, run run giọng hỏi lại.
- Biết vấn đề mà em đang gặp phải. Thầy có xem tin tức trên tivi nên biết hết rồi. Mấy trang báo mạng cũng đăng đầy ra đó. Hồi năm năm trước khi đi du lịch ở Cần Thơ, thầy cũng đã từng được một lần ghé vô nhà sách Tây Đô của cha em. Còn cái cô diễn viên Lý Anh Thi đó, nổi tiếng cũng nhiều mà tai tiếng cũng không ít.
Tôi hiểu thầy sợ làm tôi buồn lòng nên không muốn xoáy sâu vào trong vấn đề đã rõ mười mươi mà thầy chỉ khéo léo liệt kê ra những điều thầy biết theo thứ tự có liên quan mật thiết. Đúng ngay lúc lớp VHU07QT đang trong giờ nghỉ giải lao, Ngọc Mai vô tình đi vượt mặt nên quay người sang phải chào thầy một cái rồi giả bộ làm ngơ tôi. Thiệt tình! Tôi vẫn chưa thể nào đưa tận tay lá thư "siêu cảm động" của Trường An cho cô ấy.
- Dạ... vậy thì em không cần phải nói thêm gì nữa.
- Cần chứ. Em nghĩ đi, thầy chỉ là người ngoài cuộc, làm sao mà hiểu rõ hết nội tình ở bên trong. Nhưng em không muốn nói thì thôi.
- Dạ... thì đành phải chịu thôi thầy ơi! Con người ta ai cũng có lúc lên lúc xuống mà.
- Nên chỉ sau có sáu ngày trong năm học mới này, em cũng mới lắm đó.
- Dạ... em mới là mới làm sao vậy thầy?
- Mới là em không còn hoạt bát, năng nổ, thích nói xàm, thích giơ tay đóng góp ý kiến vô tội vạ và không còn thường xuyên đặt ra những câu hỏi linh tinh để chọc phá thầy trong giờ học các môn Ngôn ngữ học tiếng Nhật 1, Hán tự học tiếng Nhật và Văn học Nhật Bản 1 giống như hồi em học năm nhất nữa. Bộ có đứa nào nói gì làm cho em phải buồn hả?
Tôi hơi hơi cúi nhìn xuống mặt sàn hàng lang và im lặng. Lòng vẫn còn trĩu nặng thì đành chịu thôi. Tôi đã cố gắng rất nhiều rồi. Đã cố gắng rất nhiều. Vậy những lời quyết tâm tôi mạnh miệng khẳng định với mẹ mình hồi tối không lẽ chỉ là nói suông thôi sao? Điều tôi còn thiếu bây giờ có lẽ chỉ là một cái đầu thông suốt khi đối diện với hiện thực phũ phàng gọi tên cuộc đời mình. Hai chân tôi bất thần dừng lại hệt như một phản xạ, và thầy cũng vậy.
- Tử Dương nè. Thật ra em là một sinh viên rất thông minh, rất sáng dạ, lại có thêm khiếu hài hước và tài năng nghệ thuật. Chỉ tại em không chịu tập trung ngồi nghe thầy cô giảng bài và hơi lười suy nghĩ về nội dung bài giảng trên lớp nên điểm số khi làm bài tập và khi thi cử của em nó mới ở mức trung bình khá như vậy thôi. Thầy không biết là em có thật sự yêu thích ngành học này hay không nhưng thầy thấy tương lai của em sẽ không có tệ giống như sự rối ren trong lòng đang làm khổ em đâu. Chẳng phải em đã từng nói với thầy, em học ngành này vì không quan trọng chuyện cơm áo gạo tiền cho tương lai hay sao? Thế nên, dù cho hoàn cảnh sống của em hiện giờ đã khác, nhưng nếu như em vẫn giữ vững tinh thần đó, sau này có đem tấm bằng tốt nghiệp cất vào trong ngăn tủ thì vẫn còn đó vô số con đường nghề nghiệp để cho em tha hồ lựa chọn mà có đúng không?
Một vùng ánh sáng bừng tỉnh mờ mịt bỗng dần hiện ra có đường nét trong tâm trí lắng đọng của tôi. Tôi bước theo từng câu chữ chứa đầy tâm huyết và thân tình thầy đang nói ra mà lòng sao cũng thật lặng lẽ. Chất giọng đầy ấm áp và mê say của thầy cứ như một ngọn lửa cháy bỏng lóe lên ánh hồng bên trong.
- Nghèo thì có làm sao đâu chứ. Thầy sống đến từng tuổi này rồi mà còn chưa một lần được nếm trải qua hương vị của sự giàu sang là như thế nào nữa đây nè. Thời bằng tuổi em, thầy còn không có xe đạp để đi học, ăn sáng toàn ăn cơm nguội chiên với rau muống luộc do mẹ thầy làm. Đến giờ phút này rồi mà thầy vẫn chưa thể dành dụm đủ tiền để mua một căn nhà cấp bốn ở Sài Gòn, vẫn phải ở nhà thuê, nhưng cả nhà thầy đâu có ai than khổ bao giờ đâu. Em được tới mười chín năm làm con nhà giàu như vậy là cũng đủ ấm lòng rồi. Chúng ta nghèo nhưng không bất hạnh. Em hãy thử nghĩ về biết bao nhiêu con người vừa nghèo vừa bất hạnh trên khắp thế gian này thì em sẽ hiểu được cốt lõi vấn đề mà thầy đang nói tới. Có nhiều tiền thì cuộc sống công nhận là rất thoải mái, rất đáng để mơ ước thật. Nhưng sự giàu có trong tâm hồn mới giúp cho chúng ta có được một cuộc đời đáng sống. Hạnh phúc từ đó mà ra. Hãy luôn luôn ghi nhớ rằng: em vẫn còn rất may mắn vì không bất hạnh. Như vậy là đủ rồi.
Có lẽ... thầy Thanh sẽ không hề biết rằng sau khi nhận được lời khuyên chân thành và ba cái vỗ vai yêu quý mà tôi chỉ mong sao sẽ còn kéo dài hơn thế từ thầy, tôi đã sắp khóc – sắp khóc trong niềm hân hoan như thể vừa nhìn ra được niềm tin vào bản thân đang hiện lên ngời sáng ngay trước mắt. Tôi đã tìm thấy được điều còn thiếu chưa có trong cái đầu thông suốt của mình. Rồi tôi tiếp tục đứng yên đó, từ sau nhìn dáng đi cao to đầy thong thả với vẻ thầm lặng, uyên bác và có chút sương gió của thầy khi thầy tiến tới chỗ thang máy. Năm mươi tám tuổi, với ba mươi lăm năm đứng trên bục giảng không cần nhận lấy vinh quang, không cần người đời tán dương và không cần nghĩ đến danh vọng. Mong là trước khi về hưu sau hai năm tới đây, thầy sẽ không còn phải đau đầu vì lựa lời nhắc nhở một thằng học trò toàn thích phát biểu linh tinh trong giờ học giống như tôi nữa. Mong là vậy.
Khoảng một tiếng sau, tôi vẫn chưa nghĩ ra được mình sẽ ăn trưa với món gì cho ngon miệng. Thật may, dù gì sáng sớm tôi đã ăn một tô hoành thánh đặc biệt quá ngon tại quán của ông Bảy hàng xóm dãy nhà trọ rồi nên giờ ra làm thêm tô thứ hai chắc cũng hợp tình hợp lý. Mà ăn thêm tô thứ hai thì ông lại càng mừng hơn chứ sao. Từ chỗ dãy nhà trọ đi bộ dài ra đầu Hẻm 14 đường Lão Tử thì còn gì thuận tiện bằng. Quan trọng là tô thứ hai này sẽ giúp cho chính tay tôi có lần đầu tiên được ủng hộ vào thu nhập kinh doanh của ông Bảy, vì ông đã mời tôi dùng miễn phí tô thứ nhất lúc sáng để bù lại cho phần phở bò thập cẩm tối qua tôi nhường cho bé Su ú nu.
Ở tuổi tám mươi, cuộc sống nhàn rỗi bên con cháu của ông Bảy giống như một giấc mơ. Tôi không rõ hoàn cảnh gia đình của ông như thế nào. Người dân xung quanh chỉ biết chiếc xe mì – hủ tiếu – hoành thánh và bánh lọt bình dân mỗi ngày đồng hành cùng ông trước cửa một tiệm sửa chữa điện thoại di động và máy vi tính ngay đầu Hẻm 14 chính là nguồn thu nhập duy nhất của ông kể từ khi ông chuyển đến nơi đây từ Quận 6. Tiền nhà trọ, tiền thuê mặt bằng buôn bán, tiền sinh hoạt nói chung và tiền lo cho bé Su đang học lớp lá, chỉ nghe qua thôi đã đủ thấy ông vất vả đến cỡ nào. Đáng lẽ ở độ tuổi như ông, ông phải được vui cười nhiều hơn, thay vì phải ngày đêm nặng gánh lo toan.
Đời người thì vốn có biết bao nhiêu là nỗi buồn lúc ẩn lúc hiện. Nếu chỉ nhìn bằng con mắt của một thằng công tử bột như trước đây, tôi sẽ chẳng thể ngờ là cuộc đời này lại được nâng đỡ bởi đôi bàn tay của sự khổ đau. Chỉ khi gỡ bỏ được cái mác con nhà giàu trên từng bước đi của mình, tôi mới từ từ nhận ra: để hiểu được ý nghĩa lớn lao của những niềm vui nho nhỏ trong từng phút giây trôi qua là như thế nào, con người cần phải dũng cảm biết được nền tảng vô hình mà họ đang đứng trên đó. Xuất phát điểm có thể khác nhau; số phận có thể khác nhau; ngoại hình, cơ thể, sức khỏe, giới tính, năng lực, địa vị xã hội, nhân cách và tính cách có thể khác nhau nhưng tựu trung; không ai có thể sống một cuộc đời mà chỉ toàn có tiếng cười. Biết cách tận hưởng một cuộc đời vốn nhiều may mắn hay vẫn mỉm cười hạnh phúc dẫu mang sẵn cho mình một số kiếp buồn đau, đều là chọn lấy tâm hồn để sống.
Cũng vì lẽ đó, tôi không biết điều gì đang chờ đón mình phía trước khi đứng phơi nắng ngay trạm dừng xe buýt ở Số 727 Nguyễn Trãi sau bữa trưa hoành thánh ngon lành. Theo lý mà nói, tôi phải tạm biệt ông Bảy rồi quay về nhà trọ, làm một giấc cho thật say để nạp lại sự sáng suốt vô não bộ do hồi tối thiếu ngủ chứ sao lại đi tìm kiếm một niềm vui mong manh và mơ màng giống như thế này. Tất nhiên, tôi không hề quên cuộc hẹn với quá nhiều điều hấp dẫn chiều nay với người đẹp chân dài Kim Dung tại Giải khát và Giải nhiệt Xuyên Tuyết song, kỳ tích mà tôi đang chờ đợi đến loạn hết cả nhịp tim lên ấy đã khống chế mọi quyết định chính xác của tôi mất rồi. Dù cho khả năng gặp lại là cực kỳ thấp, tôi vẫn đánh cược với tinh thần uể oải cứ ham chực chờ được phép ngáp dài giữa đường.
Tôi nheo mắt ngồi xổm trên lề đường trông rất buồn cười, giữa một nhóm sinh viên gồm bốn nam ba nữ chắc là chơi chung với nhau. Tôi thầm nghĩ, giữa dòng đời cứ không ngừng vận động và phát triển theo tháng năm, còn có mấy ai bận tâm đến chuyện cơ duyên giữa người với người. Trong vô vàn những mối quan hệ xã hội mà ta có thể nhìn thấy, làm quen, tiếp xúc hay giao lưu thoáng qua trên chặng đường dài đằng đẵng, sẽ có bao nhiêu con người bạn còn có cơ hội gặp lại? Một người hỏi đường bạn, một người chỉ đường cho bạn, một người gánh hàng rong bán cho bạn một gói xôi, một người bán vé số dạo cho bạn, một người nói nhanh tiếng xin lỗi do vô tình đụng trúng bạn khi đang đi bộ trong đám đông, một người nói chuyện xã giao cởi mở với bạn trong lúc cả hai đang đứng xếp hàng chờ mua vé xem phim, một người khiến cho bạn yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên... Rất nhiều, và rất nhiều những con người mà bạn sẽ không bao giờ còn cơ hội được gặp lại dù cho họ vẫn đang sống đấy thôi. Tương tự như trường hợp chú xe ôm nhiệt tình và tốt bụng chỉ tính tiền tôi có hai chục ngàn – một cái giá quá rẻ cho quãng đường mất khoảng mười lăm phút từ Trường Đại học Văn Hiến ở quận Tân Phú đến Hẻm 14 bên Quận 5 – mới cách đây hơn một tiếng. Chú ấy có con trai đang học lớp 12 và cậu nhóc này đang dự định theo học ngành Đông phương học tại chính ngôi trường mà tôi đang làm sinh viên. Tôi đã giải đáp các câu hỏi và chia sẻ một chút kinh nghiệm ít ỏi của mình về khả năng trúng tuyển vào ngành học này tại VHU để giúp cho chú ấy có thể vững tâm hơn với sự lựa chọn cho tương lai của thằng con trai ham học.
Do đó, tôi ước gì, tôi ước gì mình được biết nhiều hơn thông tin về em! Tôi ước gì mình được biết họ tên của em hay ít nhất là tên riêng chứ không phải chỉ nắm bắt kịp mỗi hàng chữ Trường Trung học Cơ sở Hồng Bàng trên chiếc xe buýt Số 1 trưa hôm qua! Tôi ước gì mình còn được gặp lại em thêm một lần nữa – thêm một lần nữa để tôi tự xoa dịu đi tiếc nuối quá lớn nằm trải khắp trong tâm hồn mình!
12 giờ 50 phút, tôi bắt đầu cảm nhận rõ ảo mộng đang tan dần đi trong mắt mình nhờ những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Gần nửa tiếng trôi qua và hai lần xe buýt Số 1 ghé trạm. Sức nóng của tiết trời ban trưa thật chẳng thể nào đùa được. Nhưng không, có lẽ do tôi vẫn còn thiếu đi một chút xíu kiên nhẫn. Tôi không dám tin vào bóng dáng đằng xa giữa nắng trời chói chang cách tôi chừng hơn ba mươi mét. Vẫn bộ dạng có phần vội vã, tay phải xách cặp táp đen, tay trái cầm theo một gào mên cơm bốn ngăn màu hồng nhưng không còn "chạy nước rút" y hệt vận động viên điền kinh giống như buổi trưa hôm qua. Cái cặp táp đen bị rách đáy làm em khổ sở kia đã được em thay thế bằng một cái cặp mới mặc dù khi nhìn kỹ lại, thì nó chỉ hơn cái cặp cũ kia mỗi điểm... chưa bị rách. Còn với cá nhân tôi mà nói, tôi biết ông Trời đã rộng lòng cho tôi thêm một cơ hội sau cuối. Nếu lần này còn bỏ lỡ nữa thì tôi chỉ có thể tự trách bản thân mình mà thôi.
Đồng hồ điểm sang 12 giờ 55 phút, thêm một chiếc xe buýt Số 1 tấp vào sát lề, em nhanh chân bước lên xe trước tiên. Tôi rề rà đứng chót, nhường cho năm chú mặc đồng phục công nhân vệ sinh môi trường màu xanh lá nối đuôi nhau sau em. Quả thật là tôi không có gì phải gấp gáp cả. Tôi đang tuân thủ theo đúng chiến thuật mà tự mình vạch ra cơ mà. Bởi dù sao đi nữa, tôi cũng đã quyết định lát nữa... sẽ xuống trạm cùng với em luôn rồi còn gì. Nếu mọi sự kết nối đường đường chính chính trên xe buýt không mang lại tác dụng thì đương nhiên, theo dõi là chiêu thức còn lại để cầu mong công sức mình đã đổ ra sẽ không trở thành nỗi thất vọng não nề. Quan trọng hơn hết, tôi tin vào nguồn động lực vô giá đang tuôn chảy trong từng nghĩ suy của mình. Động lực đó rộn ràng, tươi trẻ và tràn đầy sự phấn khởi tựa như nhạc phẩm Khu rừng rất nổi tiếng của nhà soạn nhạc lừng danh người Nhật Bản Yuhki Kuramoto. Nó tiếp sức cho niềm say mê tuyệt đẹp và cực kỳ mãnh liệt trong tôi. Nó giải thích cho tôi biết tình yêu đơn thuần là gì. Và nó nhiệt thành cổ vũ cho bóng hình tôi đang đuổi theo một cách âm thầm.
Thế nhưng, không thể phủ nhận được một sự thật: việc phải đuổi theo âm thầm một bóng hình trên phương tiện giao thông công cộng giống như thế này là một điều không hề đơn giản nếu không muốn nói, mọi toan tính chiến thuật tôi đã vạch ra từ trước, không khéo sẽ thật sự trở nên vô nghĩa nếu như tôi không có sự linh hoạt và khôn lanh cần thiết để tùy cơ ứng biến, nhất là khi vị trí ngồi không mang tới quá nhiều sự thuận lợi.
Xe buýt lăn bánh, tôi xoay cổ ra đằng sau, và những gì tôi nhìn thấy lại là dày đặc "một bức tường phòng ngự" vô tình làm hình ảnh của em mất dạng trong sự sốt ruột đang thiêu đốt tâm hồn tôi từng chút, từng chút một. Nhưng tôi biết mình cần phải bình tĩnh. Tôi hít thở sâu và đều để giữ lấy sự cân bằng. Tuy bị bốn-năm hành khách ngăn cách trong lúc họ đang đứng "dính chùm" dọc theo lối đi chật hẹp trên xe buýt, nhưng tôi hiểu mình đang ở rất gần em. Sẽ rất nhanh thôi. Việc duy nhất tôi cần làm lúc này là tiếp tục chờ đợi cho tới khi xe buýt chạy đến trạm dừng Số 549 Nguyễn Trãi. Không phải vì tôi là người tự tin một cách thái quá, mà đơn giản chính tại địa chỉ này vào đúng trưa hôm qua, tôi đã "để quên" mất em. Có lẽ, ngay cả một đứa con nít ba tuổi cũng suy luận ra được chứ huống hồ chi là tôi. Cảm xúc trong tôi cứ vậy mà êm đềm và lắng sâu, không khác gì nhạc phẩm Sings of Love tôi vẫn thường nghe ở quán cà phê của chú Ninh. Âm nhạc của Yuhki Kuramoto quả thật có sự kỳ diệu lạ thường khi hiện lên trong đầu tôi đúng lúc, đúng chỗ.
Tầm bảy phút trôi qua, có tổng cộng chín hành khách ra cửa sau để xuống trạm dừng Số 549 Nguyễn Trãi, dĩ nhiên trong đó có cả tôi và... em. Trời vẫn nắng, hay bởi do hồn tôi? Tôi âm thầm làm cái đuôi bước đi sau lưng em trong "khoảng cách an toàn" hơn năm mét nhưng với trường hợp của người khác, có thể họ sẽ "lớn gan" hơn vậy nhiều.
Tôi chẳng biết mình sẽ chạm đến giới hạn sau cùng của sự kiên trì vào lúc nào nhưng, khi mọi hành động đều êm xuôi trót lọt đúng như dự tính, thật khó để bắt tôi có thể cho đôi chân của mình dừng lại. Tôi vừa đi, vừa không sao cắt ngang được hình ảnh về em đang lẹ làng ở đằng trước. Một khuôn mặt tròn xinh xắn với vẻ đẹp sáng rực, mộc mạc cùng tổng thể hài hòa. Một mái tóc đen tuyền thẳng dài, rẽ ngôi 5/5 được em buộc lại gọn gàng theo kiểu đuôi ngựa bằng dây vải màu hồng tuy đơn giản nhưng quá là phù hợp để tôn lên những đường nét xinh duyên, đáng yêu tựa như thiên thần ấy. Và bằng một vóc dáng thanh mảnh nhẹ lướt thật êm trên mặt đường ban trưa, em làm tôi tưởng đâu không phải bước chân mình, mà chính trái tim đang rộn ràng sức sống ở bên trong lồng ngực mới thật sự là kẻ lén đi theo em nãy giờ. Hạnh phúc khi ta biết yêu một người, không ngờ lại chẳng có điều gì để phải đem ra phân tích, suy xét làm chi cho lý trí thêm rối rắm. Nó diễn biến theo một cách rất bình thường và đầy tự nhiên nơi tâm hồn xáo động của tôi như thế.
Khi đặt chân vào trong khu vực tầng trệt khá đông đúc thuộc Khu A của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tôi đã phần nào đoán ra được em vào đây để làm gì. Nếu không phải em vào đây để đi thăm bệnh hay nuôi bệnh thì thành thật tôi cũng không biết mình phải nên tìm ra một đáp án nào khác cho chính xác hơn. Rất có thể là cả tháng qua, trưa nào sau khi tan trường, em cũng đều sắp xếp thời gian để vào đây. Em vào đây vì có người thân phải nhập viện điều trị nội trú chăng? Cuộc sống của em có lẽ không hề dễ dàng?
Và nếu như điều đó đúng là sự thật, thì việc tôi còn rề rà ở thời điểm then chốt sẽ dẫn đến một cái kết khiến cho tôi phải ôm hận. Nhiều khả năng em sẽ ở lại đây cho đến tối, chủ yếu là trong phòng, và tôi không thể nào cứ liều mình "chai mặt" mà xông đại vào bên trong để làm cái chuyện rất dễ "gây hiểu lầm" đang hiện lên dày đặc trong tâm tưởng đó.
- À em ơi em ơi, em ơi! Em cho anh hỏi căn tin bệnh viện ở đâu vậy? Em làm ơn chỉ giùm anh!
Tỏ vẻ kinh ngạc và có phần không nhiệt tình gì cho lắm trước "pha chặn đầu" trong bộ dạng luýnh qua luýnh quýnh với mồ hôi mồ kê đầm đìa chảy trên trán tôi, em bất đắc dĩ phải tạm dừng chân lại, lạnh lùng hé môi dù đang khá vội:
- Anh đi thẳng về phía trước thêm một chút nữa rồi quẹo phải. Căn tin kế Phòng Phát Thuốc Bảo hiểm Y tế.
- Ờ ờ, anh biết rồi. Cảm ơn em nhiều nha!
Nói xong, em mau lẹ tránh người sang bên tay phải tôi rồi tiếp tục đi về phía trước. Không một cảm xúc gì được gọi là cởi mở trong giao tiếp dù chỉ mang tính chất thoáng qua trên nét mặt đẹp và buồn đến mong manh lặng thầm ấy. Và họ tên đầy đủ của em cũng vậy: Lý Băng Nhiên. Tôi mong sao mình sẽ không bao giờ đánh mất đi cái tên thật đặc biệt tôi vừa khắc sâu vào trong trái tim rực cháy. Tôi mong sao mọi thứ vừa mới xảy ra tức thời không phải chỉ là một giấc mơ. Mặc cho em có suy nghĩ gì về tôi, về cái nhìn "quá lộ liễu" vào thẳng ngay chiếc phù hiệu nho nhỏ được dán chắc trên ngực trái của em. Tôi đâu còn cách nào khác, nếu muốn biết được thông tin "vô cùng quan trọng" về em như thế. Điều đó được kiểm chứng qua việc tôi đã đánh tan đi hết bao nhiêu sự hồi hộp và căng cứng trong lòng kể từ lúc xuất phát ở trạm xe buýt Số 727 Nguyễn Trãi. Chỉ tiếc là tôi không thể tiếp nối bước chân mình để làm cái đuôi sau lưng em nữa.
Một cụ bà bị mắc bệnh tai biến, chân yếu, sắp ngã khi vô tình đi ngang qua tôi. Tôi chủ động dìu bà, giúp bà đi tới chỗ hàng ghế gần đó cho bà ngồi nghỉ ngơi. Chính từ "hành động diễn ra ngoài dự tính" ấy mà tôi cũng để mất dấu luôn Băng Nhiên chỉ trong cái nháy mắt. Sẽ thật là điên rồ nếu tôi quyết "lục tung" cả Khu A Bệnh viện Nguyễn Tri Phương lên hòng mong sao nối lại cái đuôi đã đứt. Tuy không phải là bất khả thi, nhưng tôi cần trở về nhà, tranh thủ nằm ngủ dưỡng sức chút ít vì còn có lịch hẹn vào khoảng hơn ba tiếng sau. Ít nhất là phải đợi qua tới ngày mai, tôi mới có thể trông chờ về một bước tiến triển mới trong lòng mình. Nhưng với "thành quả" thu nhận được trên cả mong đợi này, tôi đâu còn mơ gì hơn thế. Đó là một thứ cảm xúc mà suốt đời tôi không thể quên.
- Nè, anh đàn hay hơn những gì em tưởng đó nha!
Tôi "có thể" tạm coi câu nói ấy là một lời khen. Kim Dung tới trễ hơn những gì mà tôi "tưởng tượng". Nhưng người đẹp chân dài này đời nào mà biết được tôi đã thầm cảm ơn cho phong cách "giờ dây thun" đó của cổ. Nửa tiếng đồng hồ ngồi trước cây piano upright màu gỗ nâu có kiểu dáng rất xưa cũ trong thời gian thư giãn chờ đợi tại Giải khát và Giải nhiệt Xuyên Tuyết đã cho tôi rất nhiều thứ.
- Cái thằng này không biết nó bị cái gì mà từ nãy tới giờ chỉ đàn đúng bản Reverie của Yuhki Kuramoto thôi. – Tôi hoàn toàn "có thể" xem những gì mà chú Ninh đang nói cho Kim Dung nghe là một lời khen khác dành cho tôi. – Con tới quán đúng lúc nó vừa đàn xong bài này lần thứ năm rồi đó. Chắc nó biết chú rất thích nghe bài này nên nó muốn "nịnh" chú.
- Con nghĩ chưa chắc phải đâu nha chú. Nhiều khi là anh ấy đang tính "nịnh" con không chừng? – Cô nàng gợi cảm và cá tính có chiều cao 172cm đúng thiệt là không vừa gì. – Vì ảnh biết con cũng thích nghe nhạc của Yuhki Kuramoto giống như chú vậy đó.
- Ừ hé, con nhỏ này... mày thông minh quá con ơi! Reverie khi dịch sang tiếng Việt có nghĩa là Sự mơ tưởng, nên chắc không phải nó đang muốn "nịnh" chú rồi, ha ha ha ha ha!
Mặc dù chẳng biết bản thân mình sẽ nhận được "lợi lộc" gì nếu tốn công tốn sức đi "nịnh" hai người bọn họ thật song, trước màn đối đáp ngắn đầy ngẫu hứng quá hiểu ý nhau của cặp chú cháu kết nghĩa yêu mến, tôi cũng không thể nào mà nhịn cười nổi. Vì vậy, điều làm cho tôi "lo sợ" nhất, chính là khi Kim Dung quyết định không cần nhờ cậy đến khả năng phối hợp đỉnh cao của chú Ninh nữa:
- Khai thiệt cho em biết đi. Nguyên đêm qua ở nhà nằm nghiên cứu về cách hòa âm cho bài hát Trái tim không ngủ yên, có phải là trái tim anh đã "không ngủ yên" thật rồi hay không?
Có lẽ vì muốn sử dụng vũ lực để "ép buộc" tôi phải đưa ra câu trả lời đúng theo đáp án đã có sẵn trong đầu của cô ấy mà người đẹp sinh năm 1996 đã lựa chọn giải pháp cúi người xuống, dùng hai cánh tay ôm vòng qua cổ tôi từ đằng sau rồi mới "nũng nịu" đặt ra câu hỏi. Phần má trái của cô ấy áp sát nhè nhẹ vào phần má phải của tôi. Chắc Kim Dung muốn cho cả quán Xuyên Tuyết nhìn thấy được mối quan hệ trên mức bình thường của hai nghệ sĩ không chuyên sắp sửa trình diễn tiết mục âm nhạc buổi xế chiều. Cô ấy "thổi" tiếp lời thì thầm dịu ngọt vô lỗ tai tôi với cách nhấn nhá câu từ có chủ ý:
- Sao hả, bộ anh không muốn sống thật với chính mình hay sao?
- Ờ thì đêm qua trái tim tôi đã "không ngủ yên". Nhưng mà là "không ngủ yên" vì người khác.
Tôi cũng nào có muốn phải "tạt một gáo nước lạnh" vô trong cái đáp án mà Kim Dung cứ tưởng đâu là tôi sẽ đưa ra đúng y chang như vậy. May mắn, cú thúc cùi chỏ trái chứa đầy sự thất vọng tràn trề của cổ trúng mạnh vào ngay ót tôi vẫn có thừa sự "bao dung". Nên thôi, tôi cứ biết ơn vì điều đó.
17 giờ 40 phút, tất cả những gì cần chuẩn bị coi như đã đâu vào đấy. Lượng khách kéo nhau vào quán đã chạm đến giới hạn đông nhất. Đúng thật là đông hơn thường ngày. Tuy đơn giản chỉ là sự trùng hợp nhưng thú thật mà nói, nhìn khách khứa ngồi kín chỗ như vầy, tôi cũng cảm thấy hơi lo lo, dù cho tôi vừa mới "khuấy động" không gian đậm chất lãng mạn trong đây qua gần nửa tiếng đồng hồ độc tấu bản Reverie. Có trên dưới mười lăm cặp mắt lớn nhỏ cứ ngồi nhìn tôi lom lom từ lúc tôi bắt đầu chơi nhạc không lời. Mong rằng chỉ trong mấy phút tới đây, họ sẽ dành nhiều hơn sự chú ý về phía cô gái cao một mét bảy mươi hai đang đứng tạo dáng với phong thái đầy tự tin và xinh đẹp hút hồn kế bên tay trái tôi.
- Em biết chắc đó giờ anh chưa từng biểu diễn ở một nơi có đông người thưởng thức giống như thế này đâu có đúng không?
- Biểu diễn ở "sân khấu" vừa nhỏ vừa quá gần với vị trí ngồi của khán giả như vầy, tôi sợ lỡ có gì mình chạy hông kịp.
- Vô duyên! Chưa biểu diễn nữa mà anh đã trù ẻo rồi!
Vậy là Kim Dung đã đánh tôi cái thứ hai. Lần này, cú vỗ hơi thừa lực của cô ấy thẳng vô sống lưng tôi chẳng khác gì "một lời cảnh cáo cuối cùng" cho câu nói bông đùa rất dễ "linh nghiệm" tôi vừa lỡ dại thốt ra. Chú Ninh thì đang di chuyển lòng vòng tới lui để tìm ra góc quay sao cho phù hợp. Tính toán đủ hướng, căn chỉnh đủ đường, cuối cùng, ông chủ quán Xuyên Tuyết đành tìm tới góc máy ban đầu ở chỗ quầy pha chế cho chắc ăn. Khổ thân chú, chỉ vì "cái gật đầu" nhận lấy trọng trách "nặng nề" cầm chiếc điện thoại thông minh Samsung Galaxy Note 3 màu hồng từ tay Kim Dung mà không loại trừ khả năng, tiết mục nhạc sống chú quay được trong ít phút sắp tới chắc sẽ toàn là... không có gì. Kim Dung đã hướng dẫn tới lần thứ năm rồi, nhưng chú vẫn chưa ghi nhớ nổi thao tác "nhấn vào nút quay trước khi bắt đầu và nhấn lại nút quay trước khi kết thúc". Vào thời điểm của năm 2014, thời đại "nhà nhà ai ai cũng đều sắm điện thoại thông minh" do còn đang ở trong giai đoạn đầu tiên của việc "chuyển giao xu hướng công nghệ" khoảng từ giữa năm 2013, nên có không ít người dùng lớn tuổi giống như chú Ninh lúc ấy, vẫn chưa quen với việc chạm ngón tay vô màn hình cảm ứng.
- Vậy bây giờ hai đứa mình vào cuộc được chưa?
- Tùy Dung thôi. Quyền sinh sát nằm ở trong tay của Dung mà.
- Vậy bố cục trình bày sẽ như thế nào đây?
- Thì bố cục trình bày sẽ là A – B – A – B – A. Nếu Dung có hai lỗ tai nhạy bén với hòa âm thì không sợ bị vô sai nhịp đâu. Chỉ sợ là tôi hòa âm theo phong cách cổ điển cấp độ khó và giữ nguyên giọng gốc của bài hát là giọng Đô trưởng thì Dung sẽ hát không được thôi.
- Trời, chuyện đó thì anh khỏi lo đi, em chấp hết đó!
- Chấp cả tông nam hơi hơi trầm luôn à?
- Đương nhiên rồi!
Tôi thích sự tự tin của Kim Dung. Tuy phải giả vờ, làm bộ trao đổi cẩn thận với cô ấy trước khi trình diễn nhằm che giấu đi "ý đồ" phá đám tiết mục văn nghệ sắp "gây bão mạng" chú Ninh đang chuẩn bị quay nhưng sự tự tin đáng ngưỡng mộ của người đẹp sinh năm 1996, ngược lại đã phá hỏng toàn bộ kế hoạch to gan tày trời của tôi. Cần phải biết là hai đứa tụi tôi chưa tập luyện bài Trái tim không ngủ yên cùng nhau một buổi nào; chưa nắm bắt được mức độ hiểu ý với nhau khi kết hợp; chưa hiểu rõ ưu – khuyết điểm gì của nhau để hỗ trợ kịp thời khi có sự cố bất ngờ xảy ra; kể cả giọng hát, quãng giọng lẫn phong cách trình diễn của người đẹp cá tính đó ra sao tôi cũng chưa nắm bắt qua lần nào. Chưa và chưa có gì hết. Nên, sẽ là thật xấu tính nếu như tôi vẫn cứ quyết tâm phá đám cô ấy cho bằng được. Vì âm sắc của cô ấy cũng đẹp y như ngoại hình và tính cách của cổ.
Tôi không ngờ mỹ nhân có gương mặt hình oval hơi pha nét góc cạnh đang hút hồn các vị khách ngồi uống nước trong quán Xuyên Tuyết lại có một chất giọng trầm mỏng và khàn nhẹ hiếm có đến như vậy. Giọng hát ấy có màu sắc thỏ thẻ, độc thoại nội tâm, cho người nghe cảm giác nức nở khi nhả các nốt ở tầng quãng tám nhỏ và tầng quãng tám thứ nhất; còn khi chạm đến các nốt ở tầng quãng tám thứ hai thì lại trở nên da diết và mãnh liệt một cách lạ thường. Cộng thêm lối hát mộc mạc, nhập tâm và thiên nhiều về cảm xúc con tim đã góp phần làm nên một Kim Dung tỏa sáng không tưởng. Điều cốt yếu là khi tôi chọn hướng đi hòa âm piano dựa đúng theo bản phối do Lam Trường và Thu Phương thể hiện lại vô tình quá phù hợp cho màn rực sáng nói trên. Sau cùng, từ chỗ mang theo "ý đồ" phá đám, tôi không những phải âm thầm "lật kèo" với chính mình, mà còn cao hứng nhảy giọng vào song ca khi bắt đầu vô phiên khúc lần hai. Đây là một ca khúc nếu không trình diễn song ca nam – nữ thì thật là một sự thiếu sót có phần đáng tiếc.
Thật may mắn làm sao, khi nhờ Trời Phật phù hộ mà cuối cùng, tôi và Kim Dung cũng đã "về đích" an toàn. Sự tự tin đỉnh cao của cô ấy cùng với niềm hứng thú dâng lên sáng bừng trong tâm hồn tôi hóa ra lại là một màn kết hợp tưởng không hay nào ngờ hay không tưởng. Ít nhất, tràng pháo tay nhiệt thành từ trên dưới mười lăm vị khách có đủ già – trẻ – lớn – bé – nam – nữ đang ngồi dõi theo xung quanh đã cho chúng tôi biết được, tiết mục nhạc sống vừa mới kết thúc có điểm số trên trung bình.
Kim Dung vui cười lộ ra mặt và chân thành cúi người cảm ơn âm thanh tán dương nhiệt thành như kéo dài bất tận đó. Tôi cũng đặt lòng bàn tay phải của mình sát vô ngực trái để bày tỏ lòng biết ơn trước màn hò reo hòa lẫn trong tiếng vỗ tay nghe thật ấm lòng làm sao! Cảm xúc ấy không khác gì cả hai đứa chúng tôi đều là nghệ sĩ chuyên nghiệp đang trình diễn trên một sân khấu tầm cỡ. Công lao của mỹ nhân đã đánh tôi hai cái thật đau trước khi trình diễn là khỏi phải bàn cãi. Nhìn cô ấy đang được ba anh trai dáng vẻ cực ngầu tiếp cận làm quen là đủ hiểu rồi. Thêm hai ông chú ăn mặc khá trẻ trung đang mạnh dạn tiến đến nhằm "cạnh tranh" sòng phẳng với ba nam thanh niên kia nữa thì xem ra, đây quả thực là một tình thế "bị gây sức ép" mà chỉ có cô ấy mới có thể tự mình xoay xở được thôi.
Tôi thì không tốt số có vầng hào quang rực chói để thu hút người hâm mộ giống như Kim Dung nên... đành nhận lấy ly "trà mojito" mát lạnh từ tay chú Ninh rồi chậm rãi thẳng tiến tới chỗ cửa ra vào của quán, tận hưởng thành quả tinh thần mình có được nhờ hăng say lao động nghệ thuật theo một cách rất riêng. Mà "trà mojito" phải nhấm nháp theo kiểu này thì mới thật sự độc đáo chứ có đúng không hả?
Bầu trời bất chợt đổ mưa lớn. Hàng dài những chiếc xe máy của khách khứa chưa rời khỏi quán nối ngang nhau sát rạt trong ánh nhìn suy tư của tôi. Vị lạnh từ ly "trà mojito" tay trái tôi đang cầm xem ra chẳng thấm vào đâu so với hơi lạnh mà cơn mưa rào bất chợt này mang lại. Sài Gòn vào bất kỳ thời gian nào trong năm cũng đều xuất hiện những cơn mưa dài – ngắn thất thường như thế. Tuy đó là một điều quá đỗi bình thường, quá đỗi thân quen với đa số mọi người, nhưng chỉ tiếc, mưa ở nơi đây đã không ít lần cào sâu vào trái tim tôi những ngậm ngùi khó giải.
Tôi mãi nhớ như in trong tổng số bảy lần nhóm Ngũ Tấu Hoa Niên đi "trình diễn lưu động" vòng quanh các quận thuộc trung tâm thành phố với mong muốn đem dòng nhạc cổ điển đến gần hơn với mọi đối tượng khán thính giả gần xa, có đến sáu lần khi danh sách tác phẩm bọn tôi hòa tấu còn chưa qua hết phân nửa thì mưa rào đã trút ào ào xuống y như thác đổ.
Trong màn mưa nặng hạt; thấm ướt cả một góc đường hiện ra ngay trước mặt; tưới mát tâm hồn ngây thơ cả năm đứa; xối mát bụi đường bám nhiều trên nhạc cụ mỗi thằng; trực tiếp truyền thêm dòng cảm xúc thăng hoa cho từng thành viên trong nhóm; những gì mà chúng tôi nhận lại được từ người đi đường chỉ là những cái nhìn lạnh căm, xa vời. Nếu như trời nắng còn động lòng thương xót, đẩy đưa một số cặp mắt hiếu kỳ chịu dừng chân để "cố nghe" khoảng một-hai bài cả nhóm trình diễn thì trời mưa, đã thẳng thừng dập tắt luôn chút mơ hồ còn sót lại. Riêng về chuyện tổn thất tài sản thì Trường An đích thị là người nhận về nhiều cay đắng nhất, khi cây Electronic Piano Casio PX-100 nhỏ gọn cậu ấy cho tôi mượn xài đã gặp trục trặc không hề nhẹ sau buổi chiều ngày 8 tháng 8 năm 2014 "ướt mưa kinh hồn" ở vỉa hè công viên Tao Đàn hướng nằm song song tuyến đường Huyền Trân Công Chúa.
Cuộc sống ở thành phố này lúc nào cũng vội vã như thế. Không ai có quyền gì bắt buộc một người đang gấp rút di chuyển trên phố đông phải tạm lắng lòng lại để cảm nhận những giai điệu tuyệt đẹp luôn được gắn cho cái mác "kén người nghe muôn thuở". Ý tưởng "trình diễn lưu động" kiểu này là do tôi đề xướng. Nhưng tôi lại quên mất đi một điều: dòng nhạc mà Ngũ Tấu Hoa Niên mang ra đường phố là dòng nhạc cổ điển, kể cả đó có là kiệt tác vô cùng phổ biến Bức thư gửi Elise của vĩ nhân đại tài Ludwig van Beethoven. Tôi đã báo hại nguyên nhóm biến thành những thằng ngốc giữa đường giữa sá.
Song, dù cho có ra sao, thì những cơn mưa rào bất chợt đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống muôn đời ở Sài Gòn hoa lệ. Đó là một nét đẹp, một nét duyên dáng, một nét chấm phá tiêu biểu nhất cho cái gọi là lãng mạn tại thành phố này. Nếu một người đã trót yêu nắng Sài Gòn, thật khó để cho người đó có thể tự gạt mình, chối bỏ tình yêu dành cho những cơn mưa.
Vậy giả sử... những gì mà tôi biết về mưa Sài Gòn vẫn luôn là vậy, nhưng lượng người tứ xứ trên cả nước kéo nhau về đây chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng dân số thành phố nói chung thì liệu lúc đó, mưa ở nơi đây sẽ lãng mạn theo ý nghĩa thế nào?
Khi không có quá nhiều những hình ảnh vất vả trong công cuộc mưu sinh; khi sự ồn ào, tấp nập của hàng loạt phương tiện giao thông trên đường nhường chỗ lại cho một thành phố công nghiệp với tốc độ vận hành vừa phải và thoải mái; khi sự bình yên và thoáng đãng không còn là cảm giác chỉ tìm thấy được ở mấy công viên hay những hàng quán riêng biệt; khi nhịp sống năng động và sôi động không đồng nghĩa với sự bon chen và tốt xấu phức tạp thì chỉ cần một cơn mưa rào đổ xuống thôi; thành phố này sẽ được khoác lên trên mình một lớp áo tuyệt mỹ dù ngày hay đêm. Nếu điều đó là hiện thực, nhiều người sẽ có thêm thời gian để cảm nhận lấy đầy đủ "chất xúc tác" tuyệt vời mà tạo hóa đã dành tặng cho Thành Phố Không Ngủ. Lúc ấy, tôi cũng sẽ tự thưởng cho mình một tâm hồn thảnh thơi và một giấc mộng sâu kín tựa như nhạc phẩm Meditation của Yuhki Kuramoto khi che dù bước đi trên lề đường ướt lạnh dưới những ngọn đèn vàng sáng trưng.
Bởi thực tế đã cho tôi thấy, người Sài Gòn vẫn thường hay đổ lỗi cho những cơn mưa tại thành phố này vì vô vàn lý do khác nhau, trong đó, dễ bắt gặp nhất chính là hai trường hợp: Mưa gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc lái xe trên đường ngay giờ cao điểm và mưa làm tăng thêm độ khó cho người điều khiển phương tiện lưu thông khi gặp phải tình trạng... kẹt xe. Riêng trường hợp của những ai không có điều kiện để làm ăn buôn bán trong một môi trường thuận lợi, thì cảm nhận của họ về mưa Sài Gòn càng "sâu sắc" hơn. Điển hình như việc, chỉ cần một trận mưa ngắn trút xuống chốn đô thị phồn hoa không đúng lúc, nhất là vào đêm hôm, sẽ có không biết bao nhiêu sự hối hả đổ dồn về phía những phận đời lao động thức khuya dậy sớm. Người nào kiếm được chỗ bán trên lề đường thì nhanh tay lẹ mắt dùng đến cây dù to tướng mình đã chuẩn bị sẵn; ai gánh hàng trên vai hay sử dụng xe đẩy, xe đạp, xe gắn máy chở hàng rong ruổi khắp đầu đường cuối hẻm thì cũng mau chóng nhanh chân tìm tới chỗ nào có thể tránh mưa.
Dì bán xôi mặn thường hay đẩy xe ngang qua đầu Hẻm 14 đường Lão Tử, cũng vì cơn mưa đêm không mong muốn nói trên mà sau khi bán xong cho tôi hai hộp xôi mặn thập cẩm, cũng đã mau lẹ đẩy xe thật nhanh thẳng về phía mái che của một xưởng cơ khí nhỏ gần đó. Vậy mà nụ cười lém lỉnh vẫn đâu có tắt trên gương mặt của bé trai đen ốm chừng sáu tuổi, bận đồ học sinh đi chung với dì ấy. Cậu nhóc này chắc là con của dì. Tuy cuộc sống nói chung có thể thiếu thốn hơn chúng bạn đồng trang lứa, nhưng nó cũng có cho riêng mình một niềm hạnh phúc vô giá đấy chứ. Chắc cậu bé chưa thể biết... việc được theo chân xe xôi mặn của mẹ nó rong ruổi trên các con đường tấp nập của Quận 5 vào ban đêm thế này sẽ là một phần ký ức cho cuộc đời mai sau. Còn với tôi, hình ảnh về hai mẹ con dì ấy phải tìm cách chạy trốn cơn mưa nặng hạt kéo đến bất ngờ, đơn giản là một khoảnh khắc đời thường thật đáng nhớ.
Riêng với những người vô gia cư trong tiếng mưa lạnh giá đêm hôm, đó thật sự là một cảnh sống đau thắt đến xé lòng. Đâu ai muốn như vậy. Đâu ai muốn đời mình sẽ nghèo khổ đến nỗi không có nơi để về. Đâu ai muốn phải nằm ngủ co ro và nghe sát bên hai lỗ tai mình âm thanh mưa rơi đều đều mang đến cái lạnh thấu xương dưới hiên nhà người khác. Nhưng, con người đâu ai có quyền chọn lựa mình sẽ sinh ra trong một số kiếp như thế nào mà chỉ có thể lựa chọn bản thân mình sẽ sống với số kiếp ấy ra làm sao.
Mới đêm qua khi chú Khánh Đông dừng taxi cho tôi xuống xe ở đầu Hẻm 14, tôi đã nhìn thấy bác đang nằm ngủ ngay trước cổng chùa Quan Âm với chiếc chiếu mỏng lót dưới lưng cùng cái mền cũ rách đắp ngang người. Đêm nay, do trời đổ mưa to, nên bác đã dời chỗ ngủ lên bậc thềm trước một nhà dân đã đóng cửa từ sớm cách ngôi chùa khoảng mười bước chân cho đỡ lạnh. Tuy bảy trăm ngàn đồng tôi lén nhét đại vào dưới bắp tay trái của bác chỉ mang tính chất giải quyết tạm thời nhưng tôi tin rằng, đây là một số tiền có thể giúp ích được một phần nào đó cho bác trong một vài ngày sắp tới. Mưa càng lúc càng lớn hơn. Tôi tính kéo áo khoác vải dù màu đỏ trùm cao lên che kín đầu để chạy bộ một đoạn ngắn thiệt nhanh về nhà trọ nhưng... tôi thầm nghĩ bác sẽ cần đến cái áo khoác này hơn tôi. Thế rồi, tôi cũng lấy ra luôn một hộp xôi mặn trong số hai hộp mình đang đựng trong bọc ni-lông để đặt xuống. Tôi không dám tự nhận xét về những điều mình làm. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản: Khi mình thật lòng muốn giúp đỡ cho một mảnh đời khốn khổ, bất kể lý do có là gì, thì vẫn không phải là sự nghi ngờ. Vì chỉ những người không muốn san sẻ lòng thương cảm của mình cho bất kỳ ai xa lạ, họ mới thường hay nghi ngờ về sự khốn khổ đó mà thôi.
Hai mươi hai giờ kém mười lăm, dãy nhà trọ đã tối đèn từ trước khi tôi về. Chỉ còn căn sau chót của tôi và căn áp chót là còn mở cửa. Bầu không khí ướt lạnh tuy vẫn chưa tan, nhưng đã nhẹ hạt hơn từ lúc tôi còn đội mưa bên ngoài Hẻm 14. Tôi đem cái áo thun tay ngắn màu trắng và cái quần jean xanh đều ướt đẫm của mình để vô trong lồng máy giặt rồi mặc bộ đồ thể dục thời cấp ba đã cũ đi ra ngồi ưu tư, tựa lưng vô cánh cửa sắt gần tróc hết lớp sơn màu xanh rêu cuối cùng, ngẩng đầu nhìn lên khoảng không tối om có đám mưa nhỏ giọt lọt xuyên qua.
Lúc chiều, khi vừa mới tới cà phê Xuyên Tuyết vì cuộc hẹn âm nhạc đặc biệt với Kim Dung, tôi đã mở điện thoại ra và đọc được tin nhắn Zalo từ mẹ. Cứ tưởng đâu việc hai nhỏ em gái tình nguyện đi theo mẹ tôi, về sống chung với gia đình bên ngoại như vậy là điều đúng theo lẽ thường do sự thua thiệt về mặt lương tâm của một người đàn ông vừa ngoại tình một cách trắng trợn vừa chủ động nằng nặc đòi ly dị, thì mọi thứ đã êm xuôi từ đây. Song, người đứng đầu Hệ thống Nhà sách Tây Đô vẫn chưa chịu dừng lại.
Cha tôi nhất quyết đưa chuyện này ra tòa để lật ngược tình thế dẫu cho hai nhỏ con gái dưới mười sáu tuổi một mực không chịu trở về ngôi biệt thự "ám ảnh" đó một lần nào nữa. Bởi trọng tâm vấn đề ở đây là mẹ tôi chưa có công ăn việc làm ổn định và toàn bộ cậu – mợ - dì – dượng cùng các thành viên khác sau khi bị đuổi cổ ra khỏi nhà sách cũng đều đang ở trong tình trạng thất nghiệp. Ông bà ngoại của tôi thì người 85 tuổi, người sắp bước qua tuổi 82. Tôi thì vẫn chưa biết được mình sẽ tìm được công việc làm thêm gì cho phù hợp trễ nhất là sang đầu tháng Mười. Còn số tiền ba trăm triệu nhờ bán cây Steinway & Sons tôi gửi về cho mẹ đã được bà ấy đem trả hết cho ba má chồng cũ. Món nợ năm xưa cha tôi từng vung ra để cứu lấy mạng sống của ông ngoại tôi khi ông bị tai biến mạch máu não nghiêm trọng, phải nhập viện điều trị suốt một tháng trời rốt cuộc đã được ba má của ông ta thay mặt đòi lại thành công.
Người đàn ông thành đạt năm mươi bảy tuổi không chấp nhận được cảnh phải chu cấp tiền bạc hằng tháng phụ giúp bà Phương Kim Phụng nuôi dưỡng Tử Liên và Tử Hoa mà không thể sống chung nhà với hai đứa chúng nó quả là có cơ sở hẳn hoi. Tuy cha tôi thừa biết quan tòa không thể nào dùng biện pháp cưỡng ép đi ngược lại với ý nguyện của hai đứa nhỏ nhưng một khi chuyện này được đưa ra tranh cãi đường đường chính chính, thì chắc chắn không ai có thể nói trước nổi điều gì. Với địa vị giàu có của một đại gia đất Cần Thơ, cùng với nguồn lực tài chính dồi dào từ cái cô diễn viên Lý Anh Thi kia, thì vị luật sư mà quý ông Trần Tử Giang thuê lẽ dĩ nhiên, sẽ không phải thuộc dạng tầm thường. Sức mạnh của đồng tiền đáng sợ chính là thế. Nên nước cờ mẹ tôi đồng ý ra đi êm đẹp với hai bàn tay trắng vì danh dự và vì căm ghét cha tôi cùng cả dòng họ của ông ta coi như đã biến thành sai lầm vô hình, làm nên "điểm yếu" chí tử gây bất lợi cho bà ấy trong cuộc chiến trên tòa sắp tới.
Một vũng nước bé hiện ra trong sân dãy nhà trọ gần chỗ tôi ngồi. Cơn mưa bất chợt lớn lên khác thường rồi lại đột nhiên nhỏ dần như thể báo hiệu bầu trời sắp sửa nghỉ ngơi. Tôi vẫn ngồi yên, tựa lưng vào cánh cửa sắt. Giờ này ông Bảy đang dạy cho nhỏ cháu gái cưng yêu cách đọc bảng chữ cái tiếng Việt. Chắc đêm nay bé Su lại thức khuya để vừa học, vừa xem ông nó nấu đồ ăn cho sáng mai buôn bán và sẵn ngứa miệng, xơi trước một tô hoành thánh "mở hàng" làm cho ông nó vui giống như mọi đêm nữa rồi. Căn nhà trọ thứ năm nằm kế nhà ông Bảy thì có tiếng mở cửa khe khẽ. Một chị gái tầm ba mươi lăm tuổi chống nạng hai bên hông, mặc áo mưa cánh dơi màu hồng trở về nhà với năm-sáu tờ vé số chưa bán hết trên tay. Nghe ông Bảy khen chị gái để tóc ngắn chấm vai này có biệt tài thổi kèn harmonica rất hay. Chắc hôm nào đích thân tôi phải xin chị cho mình cơ hội trực tiếp ngồi lắng nghe mới được.
Lại thêm một đêm nữa kéo dài khoảng lặng đơn bóng trong tôi. Tôi hạ đầu, đưa mắt nhìn xuống vũng nước lăn tăn bọt mưa mà thả sức liên tưởng đến nhạc phẩm Look Down the Sea. Âm nhạc của Yuhki Kuramoto không ngờ lại rất khó dứt ra khỏi đầu tôi trong những lúc như thế này. Và nếu vũng nước trước mặt có thể hóa ngay thành biển cả bao la, thì có lẽ con người tôi đang chìm sâu vào đôi mắt buồn vời vợi của em. Lý Băng Nhiên. Họ tên em cứ hiện lên dày đặc trong tâm tưởng tôi trót mang. Tôi không nỡ chối bỏ đi niềm hạnh phúc diệu kỳ sau những gì tôi đã tốn công theo đuổi hồi trưa, song tôi biết sự mơ tưởng của riêng mình không đồng nghĩa với kỳ vọng trong em.
Mưa sắp tạnh. Từ đường Hồng Bàng cho đến đường Lão Tử, xa xa và xa hơn thế nữa, phố xá thị thành gần như muốn chuyển mình, ngả sang những thanh âm lặng im. Ôi sao đêm nay thật dài! Đời ẩm ướt. Và hồn tôi cũng thế.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro