Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương I: KHOẢNH KHẮC TÌNH CỜ (Nguyễn Lâm Anh Kiệt)

Trong trí nhớ của tôi, dường như thành phố này vẫn chưa bao giờ thay đổi. Tôi có thể đã quên đi rất nhiều thứ, và cũng có không ít những sự việc đã dần dần phai mờ hơn trong tâm trí, một số khác thì vì những lý do không tên nào đó mà lại vô tình nằm lẩn khuất thật sâu trong "lối mòn của ký ức" song, sự ồn ào và hoa lệ của thành phố này thì vẫn vẹn nguyên như cũ. Đơn giản là tôi không có cách nào để quên đi được. Cũng như không có cách nào để xóa nhòa hết những năm tháng tuổi trẻ ấy trong cuộc đời mình. Ở nơi đó, từng có thời điểm tôi tưởng đâu bản thân mình đã có trong tay tất cả nhưng rồi, có ai mà ngờ được, sau cùng, tôi đành ngậm ngùi cay đắng chấp nhận một sự thật hết sức nghiệt ngã, rằng... mình phải nói lời tạm biệt với tất cả.


12 giờ 30 phút ngày 19 tháng 9 năm 2014, một buổi trưa đầy nắng đủ sức thiêu cháy mọi tâm hồn. Tôi đứng kế bên trạm dừng xe buýt tại Số 727 Nguyễn Trãi cách chỗ ở tôi vừa mới dọn tới không xa. Mọi thứ đến giờ phút này coi như là đã tạm ổn. Việc tôi cần làm tiếp theo là chịu khó đưa mặt ra phơi nắng chừng đâu mười đến mười lăm phút gì đấy trước khi chiếc xe buýt chạy tuyến Bến Thành – Chợ Lớn hay thường được người ta gọi tắt là xe Số 1 tấp vào.

Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi tự ép mình phải di chuyển bằng một phương tiện giao thông công cộng luôn tạo nên những phản hồi không mấy tích cực về thái độ phục vụ, cách thức dừng đón – trả khách cũng như mức độ an toàn nói chung khi di chuyển trên những tuyến đường đông đúc xe cộ tại không ít thành phố ở Việt Nam. Kể từ hồi trở thành một sinh viên năm nhất, tôi chưa bao giờ yêu thích việc di chuyển theo kiểu này cả. Tôi rất ghét đi xe buýt. Thú thật là vậy. Lý do thì không đơn thuần chỉ dựa vào việc tôi đã tổng hợp lại rất nhiều bình luận thiếu thiện cảm của bạn bè học chung lớp thường xuyên chen chúc trên loại hình giao thông công cộng phổ biến bậc nhất Sài Thành mà còn bởi vì trước đây, tôi hà cớ gì phải tự làm khổ mình khi chú Quốc Trung tài xế do mẹ tôi mướn lên đây luôn hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ chú ấy được giao cho. Giờ thì thời thế đã khác trước rất nhiều. Tôi phải dần dần tập làm quen với việc đi xe buýt trong một cuộc sống hoàn toàn mới, bằng một lối sống mới và... vì một tâm thế mới.

Đương nhiên, ngoài tinh thần đã được chuẩn bị kỹ càng đó, tôi còn phải nhét sẵn tiền lẻ trong túi áo cũng như biết cách giơ tay ra dấu hiệu cho bác tài còn biết mà tấp vào nếu không muốn lịch hẹn quan trọng vào lúc 1 giờ 45 phút trưa nay bị ảnh hưởng. Đi xe buýt, việc tưởng chừng đâu rất đơn giản nhưng vẫn có không ít những điều cần phải lưu ý dành cho một người mới như tôi đấy chứ. Bây giờ chưa quen thì chắc chắn... quãng đời trôi dài đằng đẵng phía trước cũng sẽ giúp cho tôi được thích nghi dần thôi. Vì tôi biết lựa chọn như thế nào để dễ dàng hơn đây? Tôi đâu còn sự lựa chọn nào khác. Có ai nhìn vào mà dám tin nổi tiết kiệm với tôi hiện giờ lại đồng nghĩa với... sự sống cơ chứ.

Tôi của năm hai đại học đúng là trông thật thảm hại, dẫu cho về mặt hình thức bên ngoài, trang phục áo sơ mi trắng tay dài phối với quần tây và đôi giày thể thao cùng màu vẫn dư sức làm cho người đối diện có cái nhìn "công tử" về tôi. Vì lẽ đó, tôi ước gì mình có thể bản lĩnh mà từ bỏ hẳn luôn kiểu cách thời trang nói trên để phù hợp hơn với cuộc sống hiện tại. Ước gì tôi có thể làm được. Hoặc chí ít là đừng có diện hàng hiệu như xỏ chân vào giày Nike khi đi ra đường nữa.

Rồi chiếc xe buýt Số 1 màu xanh lam tôi hồi hộp chờ đợi trong lần đầu tiên được lọt vào bên trong đó cuối cùng cũng đậu bến. Nhưng sốc chưa, khi tranh thủ ngẩng đầu lên nhìn thoáng qua thiệt nhanh, tôi chưa hết ngán ngẩm vì số lượng hành khách đang "dồn cứng" ở bên trong mà còn "hoảng hồn" khi bao quanh tôi, còn tám người khác đang chuẩn bị gia tăng thêm "quân số" để tình trạng nêu trên càng trở nên "dồn cứng" hơn nữa! Khái niệm về quá tải dường như không tồn tại trong trường hợp này. Tôi không rõ bình thường vào giờ giấc tương tự, lượng người kéo nhau về trạm dừng xe buýt tôi đang đề cập có "con số" như thế nào nhưng quả thật, đây vẫn là một cảm giác rất ngơ ngác. Điều đó làm cho tôi vấp phải nỗi lo ngại và lưỡng lự với quyết định của chính mình.

Nên, tôi mau chóng thụt lùi ra đằng sau hệt như một phản xạ. Trong tám người khách đang lần lượt tiến về phía cửa trước đang mở đó; có ba nam sinh viên đeo ba lô, một ông chú trung niên méo miệng chống gậy, hai ông lão mập mạp mặc đồ thể thao, một bà thím bán vé số nhanh nhẹn và một chị gái mang bầu đi đứng chậm chạp; còn nét mặt quạu quọ của nam thanh niên lơ xe lớn hơn tôi chừng chục tuổi đang lầm bầm to nhỏ trong họng "Lẹ lẹ đi nè! Lẹ lẹ đi! Lẹ lẹ!" thì thật là khó ưa làm sao; cả ông tài xế tầm trên bốn mươi tuổi kia cũng chẳng có biểu cảm gì để người ta gọi là gần gũi bởi dường như, ông ta chỉ muốn nhấn mạnh chân ga vọt mau ra đằng trước khi mà hành khách còn chưa bước lên trên xe hết chứ đừng nói chi tới chuyện chờ mọi người ổn định cho xong chỗ ngồi. Nói để thấy thật tội nghiệp cho một em học sinh nữ đang tay phải xách cặp táp đen, tay trái cầm theo một gào mên cơm bốn ngăn màu hồng tung chân chạy hối hả cách chỗ tôi đứng khoảng hơn sáu mươi mét. Tình hình này coi bộ khả năng hơi cao là cô bé ấy sẽ lỡ mất chuyến xe buýt Số 1 hiện tại mất. Mà phải từ mười đến mười lăm phút mới có chuyến tiếp theo cơ mà. Đúng là khổ thiệt.

Nhưng may mắn, nhờ vào tốc độ chạy cự ly ngắn xuất sắc của mình cộng thêm cái nam thanh niên lơ xe khó ưa đang bận tay phụ bà thím bán vé số dìu chậm chậm chị gái bụng mang dạ chửa trông rất cô đơn kia lên trên xe nên cô bé đó vẫn chạm đích kịp lúc. "Nhìn ốm ốm và nhỏ người như vậy chứ thể lực đúng là đáng nể thiệt! Chắc là đã quen trưa nào cũng phải toát mồ hôi hột như vậy rồi. Hay em gái này là học sinh giỏi môn thể dục ở trường nhỉ?", tôi thầm nghĩ rồi cười cười trong bụng.

Bỗng, một loạt đống sách vở trong chiếc cặp táp đen của cô bé rơi xuống vỉa hè theo cái cách không thương tiếc. Lần này thì đúng thật là rõ khổ. Xài cặp gì mà cũ tới mức bị rách đáy hơn phân nửa thế này không biết. Trong khi chị gái mang bầu kia thì sắp sửa được dìu lên trên xe an toàn rồi còn gì. Có lẽ hơn lúc nào hết, cô bé đó rất cần đến sự trợ giúp.

- Nè nè, để anh phụ em một tay nhé!

Mọi thứ diễn ra chóng vánh hơn cả những gì tôi tưởng. Nhưng không phải vì tốc độ trợ giúp của tôi quá nhanh mà là do cô bé ấy không muốn tôi làm bất cứ điều gì hết. Bằng một sắc mặt lạnh lùng hơn cả băng giá và động tác xử lý dứt khoát, cô bé chẳng buồn lắc đầu với tôi một cái thật nhẹ mà lẹ làng tay trái lật ngược cái cặp táp đen lại, tay phải nhét dồn từng cuốn sách cuốn vở đã bám bụi đường vô bên trong chỉ chưa đầy chín giây. Rồi cứ thế mà hai đứa đứng lên thôi; tay trái cô bé vẫn cầm theo gào mên cơm, còn tay phải thì nắm lấy chiếc cặp táp "khốn khổ" theo kiểu ngược đầu. Đúng là người thông minh và lầm lì có khác.

"Thằng nhóc và con nhóc kia có đi không vậy? Đi thì lên xe lẹ coi!"

Âm giọng còn khó ưa hơn bản mặt của nam thanh niên lơ xe làm tôi giật hết cả mình. Em nữ sinh làm tôi khá quê ấy vội vã lên xe. Nối gót theo sau là tôi, không một chút rề rà thêm.

Nấn ná tới lui, rốt cuộc, tôi cũng đi. Và cái giá cho việc suy nghĩ quá nhiều giữa ranh giới "Đi hay không đi?" đó, chính là việc... mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần "đứng trên xe buýt" từ tận tối hôm qua nhưng tôi vẫn không ngờ chỗ đứng của mình lại bị kẹp dính giữa hai ông lão mập mạp mặc đồ thể thao không có lối ra như thế. Lên xe bằng cửa trước, trong tình thế không có quyền lựa chọn vị trí đặt chân vì lượng khách trên xe đã "kẹt cứng", tôi đành lòng chịu khó hơn sức chịu đựng của mình chút xíu vậy.

Nhưng cái gì trong lần đầu tiên trải qua mà được chuẩn bị trước kỹ lưỡng bao giờ cũng luôn có giá trị riêng của nó. Bởi, mặc dù bị kẹp dính không còn một khoảng không gian nào dành cho sự toan tính như thế, tôi vẫn dễ dàng đưa tờ tiền hai ngàn đồng cho cái tên nhân viên soát vé có thái độ phục vụ như "đưa đám" đó nhờ vào việc mình đã móc tiền cầm sẵn ở trong tay ngay từ lúc còn đứng ở trạm chờ. Và đáng lý ra như mọi người chắc cũng thừa biết, là tôi phải trả năm ngàn đồng nếu như không được trợ giá. Giờ ngẫm lại mới thấy chiếc thẻ sinh viên được lồng vào trong miếng nhựa dẻo mica trong suốt được móc nối vào sợi dây đeo màu đỏ rực đã đồng hành cùng tôi gần một năm qua hữu dụng đến như thế nào ngoài chuyện là món đồ gần như trở thành "vật bất ly thân" tương tự như phù hiệu dán bên ngực trái thời tôi còn là học sinh ngày trước.

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HIẾN

Thành Nhân trước thành Danh

THẺ SINH VIÊN

Họ và tên: TRẦN PHƯƠNG TỬ DƯƠNG

Ngày sinh: 14/09/1995

Lớp: VHU07TN

Khóa: 2013 – 2017

Đó là toàn bộ thông tin bằng văn bản nằm bên phải thông tin bằng hình ảnh (với bức hình có kích cỡ 2 x 3 cm chụp chân dung hồi tôi còn học lớp 12 tại Trường Trung học Phổ thông Bùi Hữu Nghĩa ở quê nhà Cần Thơ) được in trên chiếc thẻ sinh viên tôi đưa ra cho nam thanh niên soát vé ấy coi. Khỏi phải nói là tấm thẻ này nó có ý nghĩa và quan trọng về mặt danh dự đến nhường nào đối với một người hiện đang là sinh viên đại học như tôi bên cạnh việc giúp cho tôi được trợ giá khi đi xe buýt. Nhưng không biết là về mặt thời gian, nó sẽ có hiệu lực cho việc học của tôi ở trường đến hết năm cuối hay không?

Trước mặt, sau lưng và hai bên hông, chỗ nào cũng toàn là hành khánh đang chen chúc nhau từng cái nhấc chân một. Tôi quả thật rất làm biếng để vận động cơ mắt nhận biết khung cảnh bên ngoài đang trôi qua ra sao. Từ đây đến Công viên Quảng trường Mê Linh theo như những gì tôi đã tìm hiểu trước đó sẽ phải ghé tới hai mươi bảy điểm dừng. Giờ chỉ mới bắt đầu thôi. Xem ra chắc tầm đâu khoảng hai mươi phút nữa tôi sẽ tới nơi. Đặt trường hợp nếu bị ảnh hưởng bởi lưu lượng xe cộ trên đường tăng lên vào buổi trưa làm tôi đến đích trễ hơn so với dự kiến thì cũng chả sao. Thậm chí, tôi còn chưa tìm ra được lý do nào để bắt mình phải vội vã cả.

Liệu cái cô bé xa lạ, lầm lì làm tôi "quê độ" đó không biết sẽ có cảm giác gì khi phải chịu cảnh chen chúc toát hết mồ hôi hột trên xe buýt hiện giờ nhỉ? Lẽ dĩ nhiên thì cô bé chắc đã không còn lấy làm lạ với kiểu di chuyển không mấy dễ chịu giống như vầy nữa nhưng thật tình là tôi vẫn rất muốn biết cô bé ấy đang nghĩ gì trong bụng. Cứ nhìn sắc mặt của cô bé mà xem, chẳng có một chút xíu nào của khái niệm thuộc về sự cởi mở hết. Mới có từng đó tuổi mà sao mặt mày cứ trầm ngâm, lo nghĩ sâu xa như thế không biết. Kiểu này thì dù cho bầu trời có đổ sập xuống ngay trước mắt, tôi dám cá hết số tiền còn lại trong bóp của mình rằng, cô bé vẫn sẽ không đời nào chịu thay đổi đi sắc mặt quá khó gần của hiện tại. Chỉ hơi tiếc lúc bản thân mình "bị quăng nguyên một chữ quê" bay thẳng dính vô mặt do "thích làm người tốt" trước đấy là chuyện tôi quên dòm lẹ qua miếng phù hiệu được dán phía trên túi áo bên trái của cô bé để xem thử cho biết, đến khi "trong đầu chợt hiện lên" ý tưởng thì cô bé đã đứng dậy mất rồi. May mắn thay là nhờ có tới tận "bốn con mắt" nên ít ra dù cho khá chậm chạp trong việc dùng mắt, tôi cũng đã kịp thu vào sự tò mò của mình được hàng chữ Trường Trung học Cơ sở Hồng Bàng.

Lớp 6, không, tầm này thì thường lớn hơn lớp 6 rồi. Lớp 7 cũng không hợp lý cho lắm. Chỉ còn có lớp 8 hoặc lớp 9 thôi. Khá khen là mặc dù "bị kèm sát" giữa hai trong số ba nam sinh viên đeo ba lô xuất phát chung khi nãy, cô bé vẫn có thừa sự khôn khéo khi hơi hơi xoay thân người nhìn đăm chiêu về phía đối diện chỗ tôi. Nhưng khá đau, đến hơn 100% là cô bé không phải nhìn tôi rồi. Cũng không phải là nhìn cái dì bán vé số nhiệt tình, tốt tính mà tôi trước đó gọi vui là bà thím luôn. Càng không phải chú ý kỹ vào vẻ khổ sở của chị gái mang bầu khoảng sáu tháng đang ngồi ở chiếc ghế màu xanh dương nhạt mà tôi đang đứng kế bên. Không lẽ... cô bé đang phóng cặp mắt to tròn sáng rực của mình về hướng cửa sổ xe buýt để quan sát cảnh vật đường phố có phương tiện giao thông lăn bánh ngược lại so với chiều mà chiếc xe buýt Số 1 này đang chạy hay sao? Theo tôi suy đoán, cô bé ấy chắc không có lãng mạn tới mức thích ghi nhớ nhịp sống bên ngoài đang lần lượt bị bỏ lại phía sau khi đang đi xe buýt như thế đâu. Vì rất nhiều khả năng, là cặp mắt của cô bé đang nhìn về một thế giới quan không hữu hình. Cô bé đang nhìn sâu về nỗi buồn – nỗi buồn của chính cô bé. Cũng có thể như vậy lắm chứ.

"549 Nguyễn Trãi, có ai xuống không? Ai xuống thì nhanh chân đi lẹ lẹ ra cửa sau liền đi!"

Lại là giọng nói gắt gỏng khó ưa của cái tên lơ xe chết tiệt đó. Tôi cũng chả biết 549 Nguyễn Trãi là đoạn nào hết. Mới rời địa điểm 727 Nguyễn Trãi chưa được bảy phút mà xe đã ghé trạm gì tới năm lần luôn rồi. Cú thắng gấp vô lề không mấy êm xuôi của bác tài xế "không có mùa xuân" trên gương mặt kia làm tôi cùng tám-chín hành khách đang đứng "dính chùm" bên nhau muốn té chúi đầu ra đằng trước. Thật mừng biết bao là ở lần ghé trạm này, khoảng hơn chục người khách lần lượt xuống xe để lại quá trời ghế trống mà không có người nào bên dưới bước lên trước khi xe lăn bánh tiếp nên... giờ là lúc tôi mới hiểu được cảm giác đi xe buýt đông đúc, bắt buộc phải chờ đợi cho tới khi mình tìm thấy được ghế ngồi nó hạnh phúc đến chừng nào – một niềm hạnh phúc đúng kiểu đi xe buýt!

- Nè con ơi! Mua giúp giùm dì một tờ vé số nghe! Sáng giờ dì chưa bán được tờ nào hết. Giúp giùm dì đi!

Lời mời bất ngờ của cái dì bán vé số nhanh nhẹn làm tôi có đôi chút giật mình và do dự khi vừa ổn định xong chỗ ngồi. Không hẳn vì tôi không hề có ý định sẽ mua vé số mà còn bởi tại sao dì ấy lại chọn đúng ngay tôi để rủ mua cơ chứ? Vô tình, đúng ngay lúc đang định trả lời dì ấy thì nhìn tới nhìn lui, tôi chẳng còn thấy bóng dáng của cái cô bé xài cặp rách mang sắc mặt lạnh lùng như băng kia đâu cả. Chỉ trong chớp mắt thôi mà cô bé biến mất nhanh thật. Có lẽ sẽ rất khó có thêm cơ duyên trùng hợp để cho tôi còn được đi chung xe buýt với em ấy thêm một lần nào nữa.

Hình tượng một cô nữ sinh Hồng Bàng tuổi teen mặc bộ đồng phục gồm áo sơ mi trắng tay ngắn phối với chân váy dài xanh thẫm che hai đầu gối, chạy hối hả giữa trưa nắng vì sợ trễ xe buýt bằng đôi giày xăng đan màu vàng nhạt pha chút tim tím ở phần dây nơ và nhét chặt cái khăn quàng đỏ vào trong túi áo quả thật để lại trong tôi một ấn tượng khó phai. Nghĩ chuyện đời đúng thiệt là lắm lúc bất ngờ. Vì làm sao mà tôi có thể đoán định trước nổi một ngày thứ Sáu tưởng chừng đâu sẽ chỉ toàn là những muộn phiền dày đặc ở trong tâm hồn, niềm vui nho nhỏ làm tôi lay động trong chốc lát đó lại đến từ một cô bé không quen biết trạc tuổi với nhỏ em gái mình.

- Vậy thôi... con mua giúp giùm dì bảy tờ luôn nha! Ai biết được sau buổi trưa hôm nay, hai dì cháu mình có còn gặp lại nhau nữa hay không?

Tôi ráng nở nụ cười tươi trên môi với nhiều nỗi suy tư, tay trái đưa cho cái dì bán vé số nhanh nhẹn một tờ năm chục ngàn và một tờ hai chục ngàn còn tay phải thì cầm lấy bảy tờ vé số từ tay dì. Trúng số có lẽ là một điều không tưởng đối với tình cảnh của tôi lúc này. Giống như việc tôi chưa từng nghĩ sẽ có một ngày mình phải mua vé số chỉ vì cầu cho bản thân được trúng số. Mặt khác, cái dì bán vé số nhanh nhẹn cũng tầm đâu bằng tuổi nhưng ốm hơn và khắc khổ hơn mẹ tôi rất nhiều ấy khiến cho tôi đồng cảm. Dì phụ với tên nhân viên soát vé khó ưa giúp đỡ chị gái mang bầu khổ sở kia bước lên trên xe dù dì phải đi cà nhắc. Trong khi mẹ tôi đã đủ khổ vì lấy nhầm phải một người chồng như cha tôi thì dì ấy phải ngày ngày đi bán vé số dạo, lang thang qua rất nhiều con đường ở trung tâm thành phố bằng cái chân phải yếu hơn chân trái. Có điều, nói thì nói vậy thôi chứ nhìn vào vẻ ngoài và cách nói chuyện của dì, ai dám khẳng định là dì sống không lạc quan.

- Phải gặp lại chứ. Dì thường hay đi tuyến xe buýt Số 1 này lắm. Bữa nào hên hên dì gặp lại con nữa à!

- Nhưng tới chừng đó chắc con...

- Chắc con sao hả?

- Chắc con còn nghèo hơn cả bây giờ nữa, nên không thể mua vé số giúp giùm dì được đâu.

- Cái thằng này vui tính quá! Mặt mũi tóc tai với tướng tá con vầy nói nghèo ai tin? Thôi, sắp tới 651 Trần Hưng Đạo rồi, dì xuống xe trước à!

- Dạ, vậy con chúc dì từ đây đến xế chiều bán hết chín mươi ba tờ vé số còn lại luôn nghe dì!

- Cảm ơn con! Sáng giờ mới có được người mua mở hàng dễ mến như con là dì biết mình vẫn còn hên dữ lắm!

Tôi đành ngồi yên đó im lặng, trả những suy tư về lại đúng nơi mà nó đang nhường chỗ cho những mối quan tâm khác suốt từ nãy tới giờ. Do ngồi ở vị trí chỉ cách sau lưng bác tài xế một cặp ghế nên khi nhìn bâng quơ con đường xa xa đằng trước thông qua tấm kính chắn gió to rộng mà bác ấy cũng đang rất tập trung nhìn vào đó để điều khiển vô-lăng, tôi có cảm giác như tương lai vô định đang dày đặc trong đôi mắt mình. Tiếp tục quay đầu sang bên trái, nhìn qua cửa sổ xe buýt, tôi tự hỏi "Nếu một lúc nào đó trên đường đời, khi chúng ta bị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, thì việc cầu cứu đến lối thoát từ lề đường như vậy liệu có quá nực cười hay không?"

Trôi qua khoảng thêm hai-ba phút, trên xe thưa thớt khách dần. Những người đón xe ở trạm Số 727 Nguyễn Trãi cùng tôi họ đều đã đi xuống bằng cửa sau hết cả rồi. Cả chị gái mang bầu khổ sở ngồi ghế trước mặt tôi cũng thế. Nhờ vậy mà tôi bất giác chợt nhận thức ra một điều thật vô giá luôn tồn tại trong cuộc đời này. Cái dì bán vé số xa lạ tôi mới chỉ vừa trò chuyện được vài câu trong lần đầu biết nhau ấy đã giúp cho tôi phải nghiền ngẫm về hai từ "gặp lại" mà trước đây tôi chưa từng bận tâm tới. Quả thật, khi con người vẫn còn tự gìn giữ trong nghĩ suy của mình ý nghĩa của động từ này thì biết đâu, sóng gió cuộc đời chưa hẳn đã đóng sập hết mọi tia hy vọng như ta đã tưởng. "Gặp lại" cũng giống như "trở lại". Tương tự trường hợp của tôi: ít ra, trên chặng đường đầy chông gai sắp tới, tôi và những người bạn thân thiết dẫu cho có cuộc sống tồi tệ đến cỡ nào thì chúng tôi nhất định sẽ quay trở lại.

Xuống trạm ở Số 2 Hai Bà Trưng, tôi ung dung cuốc bộ khoảng năm phút nữa trước khi bắt trọn vào mắt mình "bầu không khí" ỉu xìu, cạn kiệt sức sống của bốn thành viên đồng niên với tôi trong nhóm nhạc Ngũ Tấu Hoa Niên. Biết thế thì tôi đã trễ hẹn hơn chút xíu rồi. Chứ đã rơi vào hoàn cảnh sầu não giống như vầy, có còn ai siêng năng để ý khen ngợi tôi đến sớm tới tận 15 phút đâu chứ.

Vâng, đúng thật là tôi đến đây để gặp mặt bốn thành viên trong nhóm nhạc mà mình đồng sáng lập ra gần một năm trước, nhưng không phải để lên kế hoạch cho việc luyện tập và biểu diễn những tác phẩm tiếp theo giống như thường lệ mà là để... giải tán nhóm nhạc. Chỉ là tạm thời giải tán thôi. Vậy mà cũng đủ để khiến cho tất cả phải rầu rĩ cùng cực như thế.


Từ chỗ ngồi bệt theo hàng ngang xoay lưng về hướng pho tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo nổi tiếng tại Công viên Quảng trường Mê Linh – Quận 1, năm người chúng tôi thú thật là chẳng biết phải nên nói gì cho ra hồn. Những gì cần nói, cần hiểu, cần được giải thích, cần được thông cảm và cần được thời gian chữa lành đều đã được chúng tôi tâm sự cho nhau nghe không xót một thứ gì từ bữa tiệc sinh nhật tôi tròn mười chín tuổi cách đây năm ngày. Chẳng còn chi để dài dòng.

- À, Tử Dương nè! Vậy sắp tới cậu tính thế nào? Cậu đã có dự định gì cho riêng mình chưa?

Đội ơn Nguyễn Trương Trường An – tay kèn trumpet cự phách và cũng là thành viên mập nhất của Ngũ Tấu Hoa Niên – đã cứu nguy cho cả nhóm thoát khỏi "một màn tra tấn" về sức mạnh im lìm ngay giữa cái nắng cháy da tại công viên bằng việc cất lên tiếng nói tuy khá muộn và có hơi giống giống văn mẫu nhưng còn hơn là không bao giờ!

- Mình cũng chưa xác định được điều gì rõ ràng hết. Nhưng trước mắt, cứ tập trung đi học ở trường và ráng suy nghĩ đường dài cho cuộc sống của mình cùng mẹ và hai nhỏ em gái cái đã. – Tôi gục đầu xuống, tay trái cầm chặt, tay phải vặn nắp chai Sting Dâu rồi đưa lên miệng uống một hơi một hết nửa chai mà giọng nói sau đó năm giây vẫn chưa thể lấy lại sự tự tin vốn có.

- Vậy cậu có định lên kế hoạch trở về Cần Thơ sống để còn phụ giúp mẹ cậu nuôi hai đứa nó ăn học ít nhất cho xong cấp ba hay không? Hai đứa, đứa đang học lớp 8, đứa đang học lớp 5, tình hình mới chỉ tính riêng cho chuyện ăn học thôi là đã tốn kém không ít rồi. – Trường An tiếp tục hòa chung nỗi âu lo cùng tôi.

- Mình đang nặng đầu về chuyện này đây. Tử Liên và Tử Hoa đứa nào cũng tội nghiệp như nhau hết. Tụi nó cứ hỏi mình là "Cha mẹ sẽ không ly hôn đâu có đúng không anh Hai?" nhưng mình thật sự không biết phải trả lời tụi nó như thế nào hết. Mẹ mình thì cũng đã không đi làm kể từ ngày lập gia đình gần ba mươi năm nay rồi. Còn món nợ chết tiệt mà ông bà nội của mình nhất quyết đòi lại nữa, đúng thiệt là chỉ muốn tức điên lên thôi mà! – Tôi nhắm nhẹ hai mắt rồi bộc bạch mà không giấu nổi sự mệt nhoài trong ý chí của mình.

- Vậy số tiền ba trăm mười triệu nhờ bán cây Steinway & Sons kia cậu đã chuyển về cho cô chưa?

- Mình mới chuyển vô tài khoản mẹ mình hồi tối hôm qua, chuyển ba trăm triệu, còn mười triệu mình giữ lại để phòng thân trước khi chờ ngày kiếm được chuyện gì đó để làm ra tiền sau giờ học. Còn năm triệu cậu cho, mình đã trích ra bốn triệu để đóng trước hai tháng tiền trọ rồi.

- Tiền lương đi làm phụ hồ mình mới lãnh cách đây ba ngày vẫn còn nhiều nè, hay để mình giúp An Mập đưa thêm cho cậu hai triệu xài đỡ qua ngày nha!

Đó là nhã ý chân tình của Võ Anh Nhật – một cao thủ chơi Tây Ban cầm trong Ngũ Tấu Hoa Niên và cũng là người có gia cảnh nghèo nhất trong nhóm. Tôi gần như sắp bật khóc vì sự rộng rãi đầy nghĩa hiệp của cậu ấy nhưng làm sao nỡ lấy đi số tiền đó. Trường An thì dù gì cũng còn dựa dẫm vào xưởng mộc nhỏ của gia đình chứ còn Anh Nhật kể từ khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cậu ấy đã đủ vất vả lắm rồi!

- Thôi thôi Nhật Ròm ơi! Thân cậu phải đi làm phụ hồ thế cho ba cậu bị đau lưng, tiền nuôi cả nhà cậu còn hông đủ nữa! Muốn đưa tiền cho Dương Công Tử thì mình đây có nhiều hơn cậu nè!

Giờ tới lượt Lê Hà Khánh Văn – ông vua thổi sáo flute trong nhóm nhạc của chúng tôi là người được sinh ra trong gia đình có truyền thống bên nội làm tài xế taxi – mạnh dạn nói lên ý kiến của mình. Gia cảnh của chàng sinh viên năm hai ngành Y đa khoa tại Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đúng thật là không đến nỗi nào, nhưng cũng đâu có dư dả gì bao nhiêu. Đơn cử, để có thể kiếm đủ tiền lo cho thằng con trai út vượt qua thành công chặng đường năm nhất trong sáu năm dài với rất nhiều thử thách ấy, ba của Khánh Văn đã phải tự tay "bóc lột sức lao động của chính mình" tại hãng Vinasun mà không một chút nề hà.

- Cảm ơn cậu! Nhưng tiền ăn sáng mỗi khi đến trường của cậu còn bữa đói bữa no nữa, cậu nhắm cho mình được mấy trăm ngàn đây hả? – Tôi làm bộ bật cười chọc vui anh chàng mọt sách có biệt danh là Văn Khờ với ý không muốn cậu ấy phải rơi vào cảnh túng thiếu càng thêm túng thiếu chỉ vì dám "cả gan" cho tôi tiền tiêu vặt.

- Thôi mệt hai cậu quá! Đã không giàu hơn mình rồi mà còn bày đặt tranh giành quyền trợ cấp cho Tử Dương với mình làm gì cho phí lời! Hổng lẽ thằng An Mập này hông xin nổi tiền của ba mẹ hay sao?

- Nhưng chắc cậu xin hoài mà ba mẹ cậu không nghi ngờ gì à! – Anh Nhật cương quyết "đấu" với tay kèn trumpet cự phách tới cùng. – Xưởng mộc của ba mẹ cậu lúc này ế ẩm muốn chết, cậu mà xin quá là ba cậu ổng cắt luôn tiền đi ra quán net của cậu đó nha!

- Chứ hai triệu của cậu cộng thêm vài ba trăm ngàn của Văn Khờ chắc không khiến cho hai cậu phải nhịn ăn nhịn uống mỗi ngày à! – Trường An dĩ nhiên không dễ dàng gì chịu "nhún nhường". – Xưởng mộc của gia đình mình tuy ế nhưng vẫn đủ sống chứ giỡn chơi hả!

Quanh đi quẩn lại, giờ chỉ còn mỗi La Trung Nghị là chưa chịu nêu lên quan điểm riêng trong chủ đề "Quyền trợ cấp cho bạn thân" với tôi là nhân vật trung tâm đang ngày càng sôi nổi hơn mức bình thường ấy. Khổ nỗi đến ông Trời nhiều khi cũng chả hiểu là trong đầu của cậu ấy đang suy nghĩ điều gì nữa. Chàng thanh niên bảnh trai mang trong lòng một mối tình si với cây vĩ cầm khiến cho bao cô gái phải "đứng ngồi không yên" ấy thật sự là người rất kiệm lời. Kiệm lời nhất trên đời luôn! Nhưng cứ mỗi khi mà Hoàng Tử Vĩ Cầm chịu lên tiếng, thì những gì cậu ấy nói lại thường trở thành tuyên ngôn kinh điển.

- Cả bốn người chúng ta đều có quyền và bắt buộc phải trợ cấp cho nhóm trưởng trong thời điểm mà cậu ấy đang gặp rất nhiều khó khăn về tinh thần lẫn vật chất này! Mấy cậu thử nghĩ đi, nếu như không có Dương Công Tử thì chắc cả đời chúng ta cũng không thành lập nổi nhóm nhạc chứ đừng nói chi tới chuyện phát hành album đầu tay và cái album duy nhất cho đến hiện tại của Ngũ Tấu Hoa Niên – cái album Dạ khúc Chopin toàn tập đi ngược với xu thế thời đại nên toàn bị đa số khán giả trẻ lắc đầu ấy – sẽ không bao giờ xuất hiện đâu! Cậu ấy tốn tiền vì bốn thằng mình nhiều lắm rồi, giờ bốn thằng mình phải có trách nhiệm cùng chung tay giúp đỡ cho cậu ấy chiến thắng được bước đường sóng gió cậu ấy đang gặp phải chứ!

- Nghị Sầu nói đúng! Bốn thằng mình nhà thằng nào cũng nghèo, thay vì tranh nhau chuyện thằng nào sẽ đứng ra giúp đỡ Dương Công Tử, thì chúng ta đứa nào có bao nhiêu thì quyên góp bấy nhiêu đi! – Trường An vỗ tay một cái thiệt lớn, sau đó nhiệt liệt tán thành ý kiến của Trung Nghị.

- Cái gì mà có quyên góp ở đây nữa vậy? Cậu làm quá không hà, mình chưa túng quẫn tới mức đó đâu mà! – Tôi không nhịn cười nổi nhưng cũng phải lên tiếng làm giảm đi mức độ trầm trọng trong cách diễn đạt có phần "khẩn cấp" của cậu chủ gia đình thợ mộc.

- Biết vậy ngay từ đầu tụi mình thống nhất phương án này luôn là xong rồi! Cái thằng Nghị Sầu này, sao cậu không đưa ra ý kiến sớm hơn cho tụi này đỡ khổ! Lúc nào cũng im ỉm im ỉm, toàn đợi tới hồi cao trào nhất rồi mới chịu đóng góp chất xám không hà! – Anh Nhật chốt hạ buổi bàn luận về chủ đề "Quyền trợ cấp cho bạn thân" bằng cách thức "mắng yêu" Trung Nghị.

Và rồi chúng tôi lại chẳng biết phải nên nói gì cho nhau nghe tiếp. Bầu không khí trở về đúng y như ban nãy. Nhưng khá hơn đôi chút. Tôi uống cạn chai Sting Dâu trong khi bốn thanh niên tình nguyện mang hình hài của "bốn trung tâm trợ cấp" kia, phải đợi đến đoạn này, họ mới bắt đầu vặn nắp chai. Có lẽ chúng tôi cần nhiều hơn một khoảng lặng. Việc ai nấy đều đang trung thành "theo đuổi" phong cách đóng chặt khẩu hình miệng của mình lâu đến như thế xem ra vẫn là chưa đủ. Vì chúng tôi không giấu nổi ao ước có thêm thật nhiều thời gian để mỗi người còn có thể thư thả ngồi trầm mặc giữa một nơi giúp cho cả bọn tạm thời lánh xa được sự ồn ào, đông đúc của phố phường thành thị ít nhất là trong suy tưởng.

Thả trôi tâm trí, ngủ mê trong sự im lìm chiếm phần lớn thời lượng gặp mặt của nhóm Ngũ Tấu Hoa Niên tại Công viên Quảng trường Mê Linh, tay phải tôi móc ra trong túi quần tây chiếc iPhone 5 để xem đồng hồ. Mới 15 giờ kém 15 thôi. Cái nắng gay gắt đã dịu đi phần nào, như tâm hồn của chúng tôi. Những con đường dẫn về hướng công viên, lưu lượng xe cộ ngày một tăng vọt, như lối mở nhìn ra ánh sáng bị che khuất. Chúng tôi là những chàng trai thích chơi nhạc không lời, nhưng khi không chơi nhạc mà chúng tôi cũng không lời đến cỡ này thì quả thật hết sức nói. Không còn cách nào khác, tôi đành chủ động làm người "khai sáng" lên chủ đề thứ hai (cũng là chủ đề cuối cùng) trong cuộc hẹn buồn thiu chiều thứ Sáu đang dần đi đến hồi kết của cả bọn. "Dự định" trong trường hợp này quả thật là một từ khóa khá đánh vào tâm lý đấy chứ.

- Vậy sắp tới mấy cậu có dự định gì cho bản thân chưa?

- Mình tiếp tục tập trung đi học thôi. Cố gắng phấn đấu để sau này trở thành một bác sĩ xuất sắc giống như nguyện vọng của ba má mình. Chặng đường phía trước với quá nhiều gian nan. Từ đây cho đến năm ba mươi tuổi, chắc mình sẽ càng ngày càng ốm hơn cả Nhật Ròm nữa chứ không lên ký nổi đâu. Tới chừng đó, kiến thức nhạc lý cơ bản chắc mình cũng quên tuốt luốt luôn rồi chứ đừng nói chi tới chuyện thổi sáo flute.

Nỗi thất vọng hiện rõ thông qua biểu cảm của Khánh Văn khi là người đầu tiên chia sẻ về dự định cá nhân nhưng thật ra là chẳng có dự định gì cả. Cậu ấy sẽ chỉ có mỗi chuyện toàn tâm vững chắc trên con đường trở thành một bác sĩ xuất sắc trong tương lai để báo hiếu cho đấng sinh thành của cậu ấy, thế thôi. Mặc dù đều là quyết tâm nhưng quyết tâm của riêng Chàng Khờ Thủy Chung là điều khiến cho tôi phải nể phục. Tôi thầm nghĩ cay đắng, liệu tôi có thể có đủ bản lĩnh và đủ cứng cỏi trong tinh thần để chấp nhận trở thành một con người làm một công việc không như ý mình mong muốn nhằm giúp cho mẹ và hai nhỏ em gái có được một cuộc sống no đủ trong "một cuộc đời mới" hay không?

- Mình thì vẫn đi làm phụ hồ rồi ráng học nghề từ từ để mai mốt lên làm thợ chính thôi. Bây giờ ba mình sức khỏe suy giảm rồi, ông ấy không thể gánh vác gia đình được nữa. Doanh thu bán bún riêu của mẹ mình cộng với tiền lương của mình chắc sẽ đủ để nuôi thằng Hoàng học hết năm lớp 12.

- Cậu với Văn Khờ thì có kế hoạch cụ thể cho nghề nghiệp trong tương lai rồi. Riêng mình thì chắc quay về nhà ở Cần Giờ vài hôm rồi tính tiếp. Dì Út mình muốn mình đi học tiếp chứ không muốn mình phải chạy xe bán trái cây dạo giống như dì ấy.

- Vậy có gì bữa nào cậu về Cần Giờ thì báo mình một tiếng để mình đi chung nhé! Dù gì sắp tới mình cũng chỉ mỗi sáng đến xưởng mộc của gia đình để học nghề do ba mình truyền lại thôi chứ không có bận rộn gì nhiều lắm. Chán muốn thúi ruột! Tại kẹt quá nên mình mới phải học nghề thợ mộc cho hai ông bà già vui thôi chứ... haizz!

Lần lượt Anh Nhật, Trung Nghị và Trường An thay phiên nhau làm dày thêm nỗi u hoài về định hướng tương lai ngay sau tiếng thở dài vốn đã không lấy gì tràn đầy sức sống đó của Khánh Văn. Tôi còn biết phải động viên các cá nhân ưu tú trong nhóm nhạc không lời mà tôi rất yêu quý ra sao bây giờ?

- Mấy cậu đừng có rầu rĩ nữa. Một mình mình rầu rĩ là đủ rồi. Số phận đưa đẩy cho chúng ta phải chịu cảnh ngày đêm âu lo, trăn trở nhiều hơn bạn bè đồng trang lứa chắc hẳn là có nguyên do của nó. Năm thằng mình dù cho quãng đời sắp tới có cực khổ như thế nào thì nhớ đừng quên phản hồi mấy bình luận ít ỏi của người hâm mộ trên kênh YouTube Ngũ Tấu Hoa Niên đó nghe chưa?

- Nhất trí! – Anh Nhật quả quyết và đập tay thật mạnh với tôi.

- Mà Tử Dương nè, giờ bán mất cây đại dương cầm đi rồi, cậu tính luyện đàn mỗi ngày bằng cách nào đây?

Câu hỏi như "sét đánh vào tai" của Trường An vô tình chất đầy vào nỗi muộn phiền cả tuần qua mà tôi đang dối lòng hòng tránh né hiện thực. Tôi chu môi, lắc lắc cái đầu rồi nhìn ngó bâng quơ trong khi hai tay tháo cái kính cận màu trắng xuống. Âm giọng tôi bắt đầu khá lên:

- Mình tính nhờ cậu hỏi mua giùm mình một cây piano điện cũ về đặt trong phòng trọ mới chuyển. Đành vậy thôi. Hồi trước còn ở nhà thuê nguyên căn một trệt hai lầu, tha hồ chơi đại dương cầm, giờ thời thế thay đổi, mình đành hạnh phúc với một cây piano điện đã qua sử dụng trong một căn phòng trọ chật chội, cũ kĩ.

- Được thôi, tưởng gì... chuyện đó cứ để mình lo cho! Trong vòng ba ngày thôi nhé!

- Chân thành cảm ơn cậu suốt những ngày vừa qua luôn nha! Cây Steinway & Sons mình xài mười năm cũng nhờ cậu đem đi bán giùm ở chỗ quen nên mình mới nhận được số tiền đúng giá như vậy! Cậu là con nhà làm thợ mộc mà có năng khiếu môi giới mua bán nhạc cụ lắm á!

- Trời, cái đó cần cậu phải nói! Thằng An Mập này mà, có năng khiếu môi giới kinh doanh từ hồi còn ở trong bụng mẹ rồi!

Tôi rất thích cái dáng vẻ dư thừa tự tin cùng giọng điệu với ý lên mặt đó của Trường An. Không hiểu vì sao mà cậu ấy lại luôn hiện lên nét dễ mến, chân thành và vô cùng dí dỏm mỗi khi biến thành một con người tự cao như vậy. Tự cao nhưng rất khó ai có thể ghét được. Đã biết bao lần người thừa kế của Xưởng Mộc Nguyễn Gia làm bộ mặt mày nghiêm túc để mở màn chủ đề chính trong các buổi họp nhóm và đóng vai trò là nhân tố then chốt tạo nên tràng pháo tay giòn giã tiếng cười sau cuối.


Ý thức về ngày và đêm của tôi dường như đã không còn là chuyện gì đó quá lớn. Tôi quen vậy cũng được hai tuần nay rồi. Dừng xe trước cửa địa điểm Giải khát và Giải nhiệt Xuyên Tuyết nằm ở địa chỉ 136B Hàm Nghi, Anh Nhật thả tôi xuống rồi tiếp tục rồ ga, điều khiển chiếc Honda Super Cub đời 2000 đi qua ngã tư hướng về phía đường Lê Lai với nụ cười nhạt chất chứa nhiều nỗi phiền muộn trong lòng. Tôi không biết một cao thủ chơi Tây Ban cầm như cậu ấy liệu có dùng cây đàn sáu dây với âm sắc ấm áp kia, thả trôi tâm hồn mình chìm sâu vào trong một góc tối riêng tư nào đó lúc về tới nhà hay không? Tôi thì có phần đơn giản hơn.

Chẳng cần tốn công phí sức cho việc kết nối giữa trái tim và não bộ khi độc tấu bất kỳ bản nhạc không lời nào nhưng tôi vẫn tĩnh tâm, tận hưởng khoảng riêng rất ưa thích nhờ danh sách phát các tác phẩm dạt dào cảm xúc của Yuhki Kuramoto. Những phút giây chìm đắm vào dòng tự sự chỉ mình tôi thấu hiểu. Cứ chìm đắm như thế, mặc kệ tiếng đồng hồ treo trên tường kêu tích tắc đến mê man.

Ông chủ của quán cà phê mang tên một loài hoa trắng tinh khôi đầy lãng mạn và rất mỹ miều này là một người có niềm say mê đặc biệt với âm nhạc của Yuhki Kuramoto. Chú ấy không có vợ con, không có người yêu, không có bạn bè, không thuê mướn nhân viên trông coi quán và cũng rất ít khi nhắc về gia đình dòng họ hiện đang sinh sống ở Đà Lạt. Nhưng chú ấy không khó gần và không khó tính như cái nhìn ban đầu nhiều người vẫn lầm tưởng; vì chú rất hay cười, cười luôn những lúc nếu có ai đó làm cho chú phải buồn lòng. Một người đàn ông năm mươi lăm tuổi gốc Tiền Giang có khá nhiều cái "không" đầy thú vị.

Nhìn chung thì phong cách kiến trúc, phong cách nội thất của quán Xuyên Tuyết mang đậm sự giản dị, mộc mạc, có phần hơi hoài cổ và vài chỗ có đôi nét bình dân. Hai tông màu chủ đạo là xanh lá cây và trắng sữa cũng chưa đủ nổi bật để làm cho quán mang sức sống hiện đại và tươi trẻ hơn. Mấy bài nhạc được phát xoay vòng từ hai cái loa vi tính Microlab đời cũ trong đây cũng hiếm khi mới là nhạc trẻ thời thượng. Dù vậy, thì giới trẻ lại chiếm tới hơn 50% số lượng khách quen ghé vô mỗi ngày thông qua thống kê bằng hóa đơn của chú Ninh. Giá cả thức uống rẻ hơn nhiều so với các quán cà phê cùng loại; không gian tối đèn tạo nên cảm giác ấm cúng, gần gũi và thân mật cho người uống; ấn tượng nhất chính là cách thức bày trí, thiết kế bàn ghế và khu vực pha chế trông không khác gì một quầy bar thu nhỏ. Kể ra thì sự đơn giản trong triết lý mở quán cà phê của chú ấy đúng là có cái để cho người khác phải học hỏi. Đơn giản nhưng vẫn đậm chất khác biệt và độc đáo.

- Chào anh trai! Làm gì mà mặt mày ỉu xìu suốt từ nãy tới giờ vậy? Thanh niên mới có từng ấy tuổi đầu mà sao nhìn chán đời quá vậy hả?

Chẳng biết từ đâu ra, hay cơn gió đêm xô bồ nào đưa tới, một cô gái lạ hoắc chủ động đi đến bắt chuyện với tôi theo cái cách mở đầu đầy dạn dĩ và khá trải đời. Mà nhìn kỹ chút xíu thì cô gái này vẫn còn trẻ quá. Không chừng bằng hoặc cao lắm là lớn hơn tôi vài ba tuổi là cùng. Tầm tuổi đó mà biểu hiện bên ngoài trông có vẻ rất chi là dày dặn kinh nghiệm. Một phong thái có thừa sự tự tin với thân hình khỏe khoắn, gợi cảm, cao ráo làm nên dáng đi thanh thoát. Cách ăn mặc, phối đồ thì vừa có nét hiện đại, phóng khoáng, cá tính, vừa có sự thanh lịch. Cái quần jean dài màu xanh đậm thuộc phong cách đường phố hơi rách rách ở phần đầu gối của cô ấy đúng thiệt là rất ấn tượng. Xem ra trong trường hợp này, nếu như tôi mạnh dạn đoán bừa cô ấy là người mẫu, siêu mẫu, diễn viên, ca sĩ hay là vận động viên chơi một môn thể thao nào đó thì cũng hợp tình hợp lý đấy chứ.

- Anh đẹp trai có phiền không khi tôi ngồi đây uống nước chung với anh?

Trong lúc sự ngỡ ngàng và e ngại còn đang hiện ra lồ lộ trên vẻ mặt sầu đời mà tôi rất muốn che giấu, cái cô gái xa lạ ưa nhìn này mặc nhiên ngồi xuống chiếc ghế trống kế bên tay phải của tôi tại quầy pha chế trong khi tôi còn đang bận tập trung "học lỏm" chú Ninh làm một ly nước ép dưa hấu đặc biệt cho khách.

- Hỏi tôi làm chi cho mất công vậy? Tôi không cần cho phép thì bạn cũng tự động ngồi rồi đó thôi. – Tôi thoáng nhìn thật lẹ qua gương mặt sắc nét của cô ấy rồi lại tiếp tục chú tâm vào chú Ninh trước khi nhạt miệng trả lời đầy vẻ trách móc.

Không biết cô gái này có suy nghĩ gì về cách trả lời đó của tôi mà sau khi nghe xong, cô ấy chỉ toàn im lặng và che miệng bật cười mà thôi. Điều đáng nói là cô ấy lại bật cười theo kiểu như có ý muốn chọc quê tôi thì phải? Được khoảng gần hai phút, cô ấy mới chịu ngưng lại (cười hay dễ sợ!). Tay trái cô ấy cầm và lắc lắc nhẹ ly "cocktail dứa" rồi đặt nó xuống bàn. Lúc này, tôi mới dám khẳng định là những gì tôi đọc được từ màn cười vui lạ lùng nói trên là chính xác đến chừng nào:

- Bộ anh tưởng anh và tôi đều đang ở trong trường học hay gì mà lại gọi tôi bằng bạn nghe ngọt xớt vậy hả anh đẹp trai? Anh đúng thiệt là người lịch sự đến mức hài hước!

Không thể chịu đựng nổi lối suy nghĩ đúng đắn mà cái cô nàng này có lẽ không nghĩ là cũng rất buồn cười đó, tôi đâu thể dễ dàng để yên như vậy được:

- Chứ phải là bạn học của nhau thì tôi gọi người đẹp là bạn thì mới hợp lý sao? Tôi mới có mười chín tuổi thôi, tôi sợ mình còn chưa đủ tuổi để kêu người đẹp bằng em đâu.

- Vậy là sinh năm 95 hả?

- Ừ, thì sao? – Tôi làm mặt dửng dưng và hỏi dứt khoát.

- Anh lớn hơn tôi một tuổi đó anh trai! Tôi sinh năm 96 nhá! – Cô ấy lại châm chọc tôi bằng một tiếng cười khúc khích rất khoái chí.

- Vậy là người đẹp mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông hồi mùa hè vừa qua đó hả? – Tôi nhanh miệng hỏi tiếp.

- Ừ, tôi không có đi học trễ hay ở lại lớp năm nào đâu anh khỏi lo.

Khổ thân tôi. Đã bị lôi vô cuộc hội thoại "nằm ngoài mọi khả năng tiên đoán" trong lúc chán nản đến thế rồi mà còn gặp phải ngay một cô nàng khôn lanh đáo để! Nhưng nếu cứ tự tin khẳng định tôi không hề bị cá tính cởi mở, dạn dĩ và sắc đẹp quyến rũ này dẫn dắt sự chú tâm của mình thì đúng thiệt là tôi đang nói dối.

- Được, được. Người đẹp đối đáp hay quá, tôi xin chịu thua nhá!

- Vậy anh có thắc mắc là tại sao tôi lại chủ động tiếp cận anh trong số mười lăm người hiện đang có mặt ở trong Giải khát và Giải nhiệt Xuyên Tuyết hay không?

Thật sự tôi đã có phần hết hồn khi nghe cô gái chân dài này đặt cho mình một dấu hỏi to tướng mang đầy tính "thách đố" nằm sâu bên trong mà đáng lẽ ra, tôi phải là người làm điều đó trước chứ không phải cô ấy. Đi uống nước mà đếm nhẩm số lượng khách khứa chưa tính tiền giùm luôn cho chủ quán thì đúng là tôi nể cô ấy thiệt! Nhưng thôi kệ đi, dù sao tôi cũng phải thầm cảm ơn cổ vì đã giúp cho tôi đỡ phải tốn công chần chừ thêm.

- Ờ đúng rồi! Tôi cũng đang định hỏi người đẹp đây! Thành thật là tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ chắc là do mấy người kia toàn thuộc tuổi cô dì chú bác của người đẹp nên người đẹp mới nhắm trúng tôi có đúng không?

Ngay lúc cái cô nàng có vẻ đẹp bốc lửa này một lần nữa vang ra tiếng cười khúc khích vì thích thú một điều gì đó, khứu giác tôi bỗng nhiên vô tình ngửi được mùi hương nồng nàn rất dễ chịu từ mái tóc highlight xoăn phồng xen kẽ hai màu nâu – đỏ dài qua vai rất sành điệu của cô ấy. Chiếc áo vest đen mà cổ khoác hờ hững lên trên người làm cho tôi có cảm tưởng chắc đã nhiều đêm liền tại quán Xuyên Tuyết, không chỉ có mình tôi là tâm hồn lẻ bóng ở trong nơi chốn trầm lặng này.

- Bộ anh tưởng là tôi tính gài bẫy hay dụ dỗ gì anh hay sao mà anh lại dùng hai từ "nhắm trúng" nghe đáng sợ quá vậy?

- Chứ tôi phải diễn tả sự cảnh giác trong đầu mình bằng câu từ nào thì mới hợp lý đây cô nương?

- Huynh đài vừa vừa phải phải thôi nha! Nhìn mặt anh đâu có khù khờ tới mức đó đâu mà cần phải đề cao cảnh giác với tôi. Với lại anh nhìn kỹ xung quanh đi, trong số mười lăm người khách được anh xếp vào hàng cô dì chú bác đó, vẫn còn đến năm người đàn ông ăn mặc bảnh bao chưa quá già, nếu có mưu đồ nào đen tối thì tôi vẫn có thể tiếp cận với họ được vậy chứ mắc mớ gì phải mò tới chỗ anh?

- Thì ai mà biết được. Thời buổi bây giờ có khá nhiều chuyện chỉ vừa mới nhìn vào, nó chưa hẳn giống như những gì mà ta đã nghĩ đâu.

- Ý của anh muốn ám chỉ là tôi chỉ đang nói xạo để xóa tan sự nghi ngờ trong anh đó hả? Đừng nói là anh đang thầm nghĩ tôi là gái làm tiền đó nha?

Một bài học vô giá mà tôi nhận được từ sự đáo để và tính cách thẳng thắn không chừa lối mở cho ai của cô nàng xa lạ này chính là việc, đôi lúc khi "bị rơi vào tình thế não bộ không kịp thích nghi với hoàn cảnh" giống như vầy, cách tốt nhất để cho tôi có thể "thoát nạn" một cách êm xuôi là chính bản thân tôi phải can đảm đối diện không hề e dè với sự đáo để và tính cách thẳng thắn đấy.

- Không. Tôi đâu có nghĩ như thế đâu. Nhìn người đẹp giống nghệ sĩ hoặc dân thể thao hơn. Với lại nếu người đẹp có là gái làm tiền thiệt đi chăng nữa thì cũng có làm sao đâu chứ.

- Là sao? – Cô nàng bộc lộ vẻ ngạc nhiên, tỏ ý muốn châm chọc tôi tiếp. – Trai mới lớn giống như anh khi gặp phải gái làm tiền ở trên cái đất Sài Gòn này mà cũng có làm sao đâu thiệt à? Hay là anh vẫn chưa hiểu đúng ẩn ý mà tôi vừa nói?

- Tôi nói thiệt mà, và tôi cũng hiểu cô muốn ám chỉ đến công việc gì. Mặc dù phần lớn người ta thường hay có cái nhìn tiêu cực và khinh thường các cô gái làm nghề này nhưng tôi thì lại có suy nghĩ khác.

- Suy nghĩ khác là suy nghĩ gì vậy? – Cô ấy đan hai tay lại chống cằm, nhìn chằm chằm sang bên trái cùng giọng nói ngọt lịm.

- Tôi nghĩ khi đánh giá về nhân cách và đạo đức của một con người thông qua một công việc nào đó thì cần phải nhìn ở góc độ đa chiều. Bởi nếu như chúng ta quyết liệt lên án một công việc chỉ đơn giản là mang tính chất "trao đổi tự nguyện" giữa đôi bên chứ không hề có hành vi lừa đảo, trộm cắp, dối trá hay vô nhân đạo gì ở đây hết từ bên cung cấp vậy thì bên sử dụng, tại sao chúng ta lại không kịch liệt phán xét họ? Công bằng và thông cảm mới chính là góc nhìn khách quan và thực tế nhất, chứ nếu cứ dựa trên cái nhìn phiến diện thì một cô gái dù cho có địa vị và danh tiếng cao trong xã hội, liệu ai dám khẳng định rằng cô ấy là người sống đàng hoàng và có phẩm chất tốt đẹp? Còn một cô gái làm tiền, biết đâu chỉ bằng hành động dắt một cụ già không quen biết băng qua đường thì liệu cô ấy có phải là người sống không tốt giống như định kiến của số đông hay không?

Tranh thủ đeo bao tay để chuẩn bị rửa ly trong lúc chưa có khách mới vào gọi nước, chú Ninh không quên đưa mắt nhìn đăm đăm vào tôi với ý kinh ngạc đến ngỡ ngàng. Còn cái cô nàng xinh đẹp và lanh miệng đang ngồi kế bên thì vỗ tay bảy cái, tán dương tôi theo kiểu nửa thật nửa đùa:

- Suy nghĩ của anh đúng là văn minh một cách không tưởng đó nha! Người Việt mình, người ở mấy quốc gia Á Đông, Trung Đông và người ở nhiều quốc gia khác trên thế giới mà nghe anh đưa lên góc nhìn khách quan đa chiều kiểu này, tôi nghĩ chắc là họ sẽ bái phục anh sát đất luôn đó! Anh không những đẹp trai, trí thức, lịch thiệp mà còn có lối suy nghĩ rất tương xứng với hình thức bên ngoài nữa.

- Cảm ơn nhiều! Người đẹp quá khen rồi! Đó chính là lý do khiến cho người đẹp phải "lặn lội" từ chỗ ghế thấp đằng kia qua tới hàng ghế cao bên quầy bar thu nhỏ này để được nhiều chuyện cùng tôi đó hả?

Nghe tôi trêu chọc ngược lại, cô gái chân dài rắc rối ấy dùng tay phải cầm cái ống hút màu tím khuấy khuấy ly "cocktail dứa" rồi mới chịu "lật bài", bắt tay xã giao với tôi:

- Tôi để ý anh từ hơn một tháng nay rồi. Nhưng khác là tối nay anh không đi cùng với mấy anh chàng kia thôi. Võ Đặng Kim Dung. Còn anh?

Tôi thấy hơi tiếc vì nếu như cậu bạn An Mập kiêu ngạo và phóng khoáng của tôi mà nghe được những lời lẽ như thế này, chắc cậu ấy sẽ tức chết mất thôi. Còn tôi thì chưa bao giờ là người thích khước từ thiện ý của người khác phái, đặc biệt là con gái.

- Trần Phương Tử Dương. Sao hả? – Tôi tiết lộ nhanh danh tính của mình theo đúng phong cách giao tiếp của cô ấy.

- Tên anh cũng đẹp dữ à! Nghe hay hay nhỉ!

Mặc dù nhận về lời khen tặng nghe mát tai nhưng sao tôi vẫn cứ cảm thấy nghi ngờ cái nhếch môi cười đầy bí hiểm cùng ánh mắt ra vẻ như đang say đắm tôi của cái cô nàng dáng đẹp này vậy hổng biết? Tôi phải ra chiêu để phá tan cái nhìn say đắm đó mới được! Phải làm vậy thì tôi mới đỡ say đắm cô ấy và biết được đối phương cũng có tính khí khá nóng nảy.

- Còn tên của người đẹp làm tôi liên tưởng tới nhà văn tiểu thuyết võ hiệp cổ trang lừng danh Kim Dung của văn học Trung Quốc quá! Cũng hên người đẹp không phải là đàn ông.

- Nói chuyện nghe khó ưa chưa! Vậy chứ anh cũng yêu thích tiểu thuyết võ hiệp cổ trang của nhà văn Kim Dung à?

- Ừ, nhưng tiểu thuyết thì tôi chưa đọc nhiều, còn phim ảnh được chuyển thể từ các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông ấy thì tôi coi từ hồi còn bé tí rồi chứ không như người đẹp.

- Tự tin thái quá! Vậy giả sử nếu như anh là Trương Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, anh sẽ chọn Chu Chỉ Nhược hay Triệu Mẫn đây hả?

Đây là một câu hỏi hay. Đúng thật là như vậy. Vì thế nó làm tôi có hơi ấp úng khi phải đưa ra đáp án mà không được phép phân tích quá nhiều:

- Ờ thì... chắc là... chắc sau cùng tôi cũng lựa chọn giống như anh ấy.

- Đi cùng người này nhưng vẫn còn tình cảm và chờ mong với người kia à?

- Ờ, thì sao? Có gì không tốt nào?

- Vì Chu Chỉ Nhược cũng xinh đẹp, cũng thông minh, cũng tài giỏi, cũng tâm đầu ý hợp với Trương Giáo chủ giống như Triệu Mẫn à?

- Thật ra thì ai ai cũng đều biết Chu Chỉ Nhược là một cô gái tài sắc vẹn toàn. Song, nàng ấy vì hận tình, vì ý muốn trả thù tình nên đã làm không ít chuyện không nên làm sau khi trở thành cao thủ võ lâm. Con người của nàng ấy cũng vì vậy mà không còn thánh thiện giống như lúc đầu nữa. Một cô gái xinh đẹp, tài giỏi nhưng tâm địa tàn độc vì hận thù nếu đặt trong bối cảnh của thời hiện đại chúng ta thì quả thật, làm tôi cũng hơi hồi hộp khi yêu nhau đó. Quan trọng là không biết tôi có được tấm lòng khoan dung độ lượng giống như nam chính hay không mà thôi? Mặt khác thì Trương Vô Kỵ cũng là một người rất đa tình, vì ngoài Chu Chỉ Nhược và Triệu Mẫn ra, chàng ta còn nhung nhớ về Tiểu Chiêu và Thù Nhi nữa. Đa tình không phải là điều gì xấu, nhưng nếu không khéo, nó sẽ khiến cho tâm hồn tôi không có lúc nào được sống yên ổn hết.

- Ha ha ha ha ha! Tôi công nhận là đàn ông con trai, ai đa tình quá thì tâm hồn sẽ không có lúc nào được sống yên ổn giống như anh nói. Được nhiều chuyện nhiều điều với anh đúng là thú vị thật! Anh uống gì nữa không, kêu đi tôi mời!

- Thôi thôi, tôi đã ngồi đây từ chiều và uống đến ba ly "sinh tố bơ" rồi, đâu cần phải uống thêm gì nữa đâu!

- Thì uống thêm một món gì nữa ít ít thôi, có hại gì cho sức khỏe đâu mà anh sợ.

Niềm hứng thú nho nhỏ từ màn chuyện trò không hẹn trước chẳng biết xoa dịu u sầu nặng nề trong tôi từ lúc nào không hay. Đến khi xem lại giờ giấc qua điện thoại di động, tôi mới dám tin lúc này đã là 20 giờ 30 phút. Tính ra khoảng năm tiếng đồng hồ "chìm đắm tâm tư" trong đây vẫn chưa đủ làm tôi quên mất mình còn có "khái niệm trở về". Tôi đâu thể nào cứ ngồi lì với gần hai lít nước trong bụng rồi xin ngủ nhờ tại quán xá của chú Ninh luôn được. Khổ nỗi, trước khi trở về mà bỏ qua luôn hương vị của ly "cocktail dứa" Kim Dung mời tôi thì quả là có hơi đáng tiếc.

- Đây đây, anh uống đi! Thử xem thức uống khoái khẩu của tôi có đúng ý anh không?

- Cảm ơn Dung! Đây là ly cocktail đầu tiên trong đời mà tôi được uống luôn đó!

- Thì lâu lâu anh cũng phải thay đổi khẩu vị của mình chứ có đúng không? Anh mà cứ uống sinh tố trái cây, nước ép trái cây, nước tăng lực, nước ngọt hay cà phê hoài thì chú Ninh chú ấy buồn chết!

- Buồn gì đâu cái con nhỏ này! – Ngay cả ông chủ quán đáng mến của tôi giờ cũng đã chịu "vào cuộc" với màn hùa theo gái đẹp không nể tình thương xót gì tôi nữa rồi. – Chú có bao giờ làm nước miễn phí cho thằng Dương uống đâu mà mày lo!

- Mà anh Dương hiện giờ có còn đi học tiếp không hay là đi làm sớm rồi? – Kim Dung cười căng phồng hai bên má, giơ ngón cái tay trái lên tỏ ý tán thành "màn vào cuộc chất lượng" của chú Ninh và lại "điều tra" tôi tiếp.

- Hiện giờ tôi đang học năm hai ở Trường Đại học Văn Hiến. Cũng chưa biết sau này khi ra trường tôi sẽ làm gì nữa nhưng thôi kệ, trước mắt tôi vẫn chưa có dự định nghỉ học.

- Là sinh viên của ngành Ngôn ngữ Nhật, chuyên ngành Biên – Phiên dịch đó Dung! – Đến pha tiếp lời không thèm báo trước một tiếng nào của chú Ninh ngay sau đó, tôi mới "buông xuôi" nhận ra chú ấy còn nhiều chuyện hơn cả cái người đẹp chân dài kia.

- A, thì ra anh là dân tiếng Nhật à, ghê nha! Ê, hay là anh thử nói... không không, anh thử hát một bài hát bằng tiếng Nhật bất kỳ cho tôi nghe thử đi! Tuy chỉ mới học xong năm nhất nhưng trình độ phát âm chắc cũng không đến nỗi nào đâu nhỉ!

- Hát thì nói làm gì, cái thằng nhóc này nó còn biết chơi dương cầm, có nhóm nhạc và có luôn album nhạc đầu tay luôn rồi đây nè! Con thử vô kênh YouTube Ngũ Tấu Hoa Niên của nó đi thì biết.

Lại khổ thân tôi! Có những điều ngay cả tôi còn không có hứng thú để "quảng cáo" thì ông chú già đời này lại phá hỏng hết trơn hết trọi! Khi mà tôi còn đang ú ớ bởi hơi hơi mắc cỡ trước "gia tài âm nhạc" không chạm đến trái tim của đại bộ phận khán thính giả trẻ hiện nay thì cuốn album Dạ khúc Chopin toàn tập tôi tặng cho chú Ninh hơn hai tháng trước chẳng khác gì được chú ấy hô biến vì đã nằm chặt trong hai bàn tay của cái cô nàng lắm chuyện kia rồi.

- Chà chà, ghê thiệt đó nha! Đĩa CD luôn! Nhìn thiết kế hình ảnh và màu sắc của hộp đựng đĩa thôi mà đã thấy rất có đầu tư và tâm huyết ở chủ nhân.

- Phiên bản giới hạn chỉ có ba mươi cái thôi đó. Vì là hàng tặng không bán nên may là nó không ghét chú. Mà thằng này nó đúng thật là xứng danh nhóm trưởng, vì nguyên nhóm nhạc một tay nó lo hết. Tuy là album được thu âm và hậu kỳ theo cách thức riêng, chủ yếu vui là chính chứ không giống như mấy nghệ sĩ đã có hồ sơ trên thị trường âm nhạc nhưng cũng đã làm tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc của cái thằng nhóc này rồi.

- Nhóm trưởng này đúng thiệt là chịu chơi lắm luôn à nha!

- Thôi thôi được rồi, Dung đừng có ở đó mà chọc quê tôi nữa! Cười hoài coi chừng bị rớt nguyên hàm răng ra bên ngoài luôn bây giờ.

- Cái anh này, tôi khen thật lòng mà sao anh cứ nghĩ đi đâu không vậy? – Kim Dung làm bộ cau có, hét lớn vào mặt tôi giống như thể cô ấy có phần dỗi yêu vì thái độ "bàn ra" không chịu hợp tác ấy.

Thành thật là tôi cũng đang tự chất vấn chính bản thân của mình đây. Rốt cuộc là tôi đang nghĩ đi đâu vậy? Tôi khó có cách nào để trốn tránh khỏi nỗi hoang mang mòn mỏi của hiện tại và buồn bực trước tương lai khi hình ảnh của mẹ, hai nhỏ em gái và ông bà ngoại cứ chiếm trọn sự bế tắc trong đầu. Tôi không phủ nhận sự siêng năng và chịu khó của rất nhiều sinh viên khi trọ học xa nhà phải làm việc bán thời gian để tự kiếm tiền trang trải đủ thứ cho đến khi tốt nghiệp. Thật lòng mà nói, họ rất biết cách thích nghi nhanh với lối sống tự lập hay chí ít là bằng lòng với chuyện đi làm thêm do hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Nhưng nếu thử đặt trường hợp là tôi, họ có dám tự tin khẳng định "Thay đổi bản thân, học cách tự lập!" vẫn nói dễ như làm hay không? Nó chỉ dễ với những ai đang nhìn lại bằng con mắt của chính họ sau này.

Hãy thử phân tích mà xem, nếu một cậu ấm ở vào cái tuổi mười chín đang từ chỗ chỉ cần tập trung cho chuyện học tập, vui chơi, giải trí, không cần bận tâm đến kinh tế gia đình đã phải nhận lấy "một cú tát trời giáng" từ cha mình thì cậu ấy liệu sẽ có sẵn "bản lĩnh nam nhi" để thích nghi với một cuộc đời mới chỉ trong ngày một ngày hai hay không? Tôi giờ đây không còn là cậu ấm nữa rồi. Tử Liên và Tử Hoa cũng chẳng còn thích hợp để bạn bè trong trường gọi là cô chiêu. Mẹ tôi cũng không còn mang danh nghĩa là vợ của ông chủ Hệ thống Nhà sách Tây Đô lớn nhất Cần Thơ. Chưa kể vợ chồng cậu Ba, vợ chồng cậu Tư, vợ chồng dì Năm, vợ chồng dì Sáu, vợ chồng dì Bảy rồi rất nhiều thành viên khác nữa thuộc dòng họ bên ngoại của tôi đều bị mất việc do ông Trần Tử Giang thẳng tay đuổi cổ không thương tiếc. Biết bao nhiêu năm nay, dòng họ bên ngoại của tôi có thể sinh sống nổi bên cạnh số tiền bà Phương Kim Phụng thường xuyên bí mật đem về thì cũng nhờ cha tôi mà cậu – mợ – dì – dượng của tôi mới có được việc làm. Giờ đây khi không còn cái quyền được dựa dẫm vào người đàn ông bội bạc và cạn tình cạn nghĩa đó nữa, một mình tôi làm sao đủ sức để gồng gánh nổi trên vai áp lực ngàn cân ấy đây? Bởi thật nực cười khi chính tôi trước đó còn dự tính sau này cầm tấm bằng đại học bước ra khỏi mái trường, sẽ trở về làm quản lý trông coi nhà sách dù học ngành không liên quan.

Dẫu biết rằng cha tôi là một người đàn ông sống quá cố chấp vì dành tình yêu thương cũng như lòng bao dung đến mức thái quá và phi lý dành cho những người thân trong dòng họ của ông ấy; dẫu thừa hiểu ông ấy cũng có bản tính khinh người giống như ông bà nội, bác Hai và cô Út; dẫu từ lâu tôi đã không còn thất vọng vì con người ông ấy đã ngày càng thay đổi so với thời ông ấy còn trẻ; và dẫu cho hồi năm mười lăm tuổi, tôi đã từng hứa với mẹ sau này sẽ trở thành một đứa con tài giỏi kiếm thật nhiều tiền để chúng tôi không cần phải ở chung nhà với những con người tàn nhẫn đó nữa nhưng kỳ thực; tôi không ngờ giữa ý chí trên lý thuyết và khả năng áp dụng vào thực tế, nó lại có khoảng cách cần nhiều thời gian để xóa nhòa đến như vậy. Tôi đoán sáng nay, mẹ tôi đã dắt theo Tử Liên và Tử Hoa rời khỏi "địa ngục tinh thần" vượt quá sức chịu đựng của chúng tôi như đã nói. Nhưng bão tố không vì thế mà chấm dứt. Đây là bão tố đày đọa trong lòng khiến cho tôi hơi lo lắng không biết mình có quá ngây ngô hay không khi đem hết ra giãi bày với Trung Nghị, Khánh Văn, Anh Nhật và Trường An? Đồng ý bốn người bọn họ đều là những người bạn rất tốt, song có lẽ... tôi ở cái tuổi mười chín, vẫn chưa có được kinh nghiệm xã hội để suy xét quá nhiều thứ sâu xa.

- Nè nè, anh im lặng vậy là đồng ý rồi nghe! Đừng có bắt tôi chiều mai chờ dài cổ rồi không thèm tới à nha!

- Ờ ờ, ờ ờ.

- Ờ ờ gì hả cái thằng này? Mày nãy giờ có nghe nhỏ Dung nó nói gì không vậy mà ở đó ờ ờ? Biểu cảm suy tư nhìn bất thường quá! Đừng nói với chú là do được ngồi kế gái đẹp nên mày có ý nghĩ xấu xa gì trong đầu đó nha Dương?

Bất thần đưa tâm trí tạm thời thoát khỏi sự bế tắc của cuộc đời mình, tôi ngớ ngẩn đảo đảo hai con mắt nhìn thăm dò chú Ninh và Kim Dung khi vô thức vừa mới nhắc nhở tôi đã đồng ý một lời rủ rê hay ho gì đó mà tôi còn chưa kịp tiếp thu đầy đủ nội dung vô hai lỗ tai. Ba người chúng tôi cứ vậy mà say sưa không cần đến rượu bia, thay nhau lên tiếng, đóng góp vào câu chuyện phiếm hấp dẫn một đoạn cuối chưa thể gọi là cuối được:

- Cái gì mà có ý nghĩ xấu xa ở đây nữa? Cái chú này thiệt tình! Bộ chú nghĩ tốt cho con dù chỉ là dối lòng một lần thôi cũng hông được nữa hay sao mà lại đi nói con như vậy?

- Vậy chứ nãy giờ anh có nghe tôi nói gì không vậy anh đẹp trai?

- Ờ thì... Dung nói chiều mai tôi đừng có bắt Dung đợi. Chính xác là đừng có bắt Dung đợi.

- Hứ, mày nghe được nhiêu đó rồi lại bày đặt nói như đúng rồi hả con?

- Cái chú này, lại vậy nữa rồi! Con nghe và hiểu hết những gì cổ nói đó chứ chú đừng có giỡn!

- Nhưng mà đệm hát nhạc nhẹ bài Trái tim không ngủ yên anh có làm được không hả?

- Cái con nhỏ này! Thằng Dương nó chơi độc tấu, hòa tấu nhạc cổ điển còn được thì đệm hát nhạc nhẹ có nhằm nhò gì với nó!

- Vậy chốt khoảng 5 giờ chiều mai chúng ta hẹn gặp nhau ở đây rồi anh đệm đàn piano cho tôi hát bài này để tôi đăng lên kênh YouTube và trang cá nhân Facebook của tôi nha! Chú Ninh nhớ cầm điện thoại quay lại cho khéo khéo giúp con!

- Được rồi, cứ để chú quay cho. Bài này chú cũng thích lắm! Quan trọng là mày có hát được hay không mới tính. Chứ cây dương cầm đứng Yamaha cũ xì ở đằng đó, thằng Dương nó còn chưa từng buồn đụng tới.

Haizz, thiệt tình, ông chủ quán Xuyên Tuyết lại cố tình trách móc, hờn dỗi chuyện tôi chỉ là một nghệ sĩ dương cầm nghiệp dư mà còn dám không ngó ngàng gì tới cây piano upright màu gỗ nâu có kiểu dáng rất xưa cũ được đặt ở sát bức tường ngay sau lưng tôi tầm mười mét. Chú ấy không biết chơi dương cầm, nên tôi đoán... chắc phải có một lý do đặc biệt hay một bí mật riêng tư nào đó mà cây piano upright này mới được hiện diện ở trong đây. Liệu có khi nào là liên quan đến sở thích nghe nhạc Yuhki Kuramoto của chú ấy hay không?

- Vậy sẵn chú cho con xin cái đĩa CD này được không chú? – Kim Dung mở giọng xin xỏ chú Ninh nghe thật mát ruột làm sao!

- Được luôn! Con cứ đem về đi, để bữa nào thằng Dương nó cho chú cái khác. Nó còn tới sáu cái lận cơ mà!

Chả biết chú Ninh có ý gì nhưng chắc đến hơn chín mươi lăm phần trăm là người đàn ông năm mươi lăm tuổi lại tìm cách trêu đùa "sự thành công" nhờ vào khả năng cho đi số lượng album nhạc làm tốn không biết bao nhiêu công sức của tôi nữa rồi chứ đâu. Trước khi đi vệ sinh mà chú ấy còn kịp giỡn dai đến như thế.

- Cái gì, con còn có ba cái thôi đó! Chú cứ thích làm khó con!

- Album nhạc hay như vầy mà anh chỉ chi tiền làm ra có ba mươi cái. Phải làm ra số lượng nhiều hơn thì mới đem tặng cho nhiều người hơn được chứ!

- Nhưng mà đây là nhạc cổ điển đó cô nương! Cô nhắm có thích nghe hay không mà còn đòi tôi chi tiền để làm ra nhiều hơn? Ba mươi cái mà tôi toàn tặng cho người thân, người quen với bốn thằng bạn trong nhóm nhạc không chứ có ai thèm nghe đâu.

- Anh khỏi lo, nhạc cổ điển nhưng mà là những bản Dạ khúc do Chopin sáng tác thì chắc không đến nỗi khó nghe lắm đâu!

Tôi thắc mắc vì sao mà Kim Dung lại lựa chọn bài Trái tim không ngủ yên rất nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Tùng để tôi đệm đàn cho cô ấy hát vào chiều mai? Có lẽ là do sự trùng hợp ngẫu nhiên dẫn đến niềm cảm hứng không tính trước, khi ngay lúc này đây, ca khúc Trái tim không ngủ yên qua hai giọng ca đầy hoài niệm của Thu Phương và Lam Trường đang được chú Ninh bật lên sau khi kết thúc danh sách phát toàn nhạc của Yuhki Kuramoto. Bản When You Feel Sorrow nằm ở cuối danh sách phát vừa kết thúc làm tôi chỉ muốn mình được nghe đi nghe lại hết đêm nay.

- Nếu không còn gì nữa thì tôi xin phép về trước nhá! Tính tiền ba ly "sinh tố bơ" cho con luôn đi chú Ninh!

- Thôi được rồi, để đó tôi tính luôn cho! Đã trót dại mời anh một ly "cocktail dứa" rồi thì để tôi bao anh luôn ba ly "sinh tố bơ" cho trọn tình đêm nay nhé!

- Được lắm người đẹp! Lý lẽ này của người đẹp tôi rất thích! Vậy thôi tôi về trước nha, hẹn chiều mai gặp lại!

Không chần chừ gì thêm, tôi nhanh nhẹn rời khỏi chiếc ghế cao màu xanh lá cây rồi quay lưng đi về phía cửa ra vào của quán mà vẫn nghe to rõ bên tai giọng nói đầy dịu ngọt "Đã hứa thì không được nuốt lời đó nha anh đẹp trai! Chiều mai tôi sẽ đợi anh ở đây!" của Kim Dung và cảm nhận sự trống vắng câm nín ở trong lòng. Tôi đứng sựng lại, đút hai bàn tay vô túi quần chừng đâu một phút ngay trước cửa quán để ngẩng cao đầu hít thở chút khí trời và ngắm nhìn khoảng không mơ hồ hằn sâu trong đôi mắt – một cái nhìn thật xa xăm, thật dài và thật không dễ nắm bắt y hệt như cái nhìn vô hình qua ô cửa sổ xe buýt của cô bé học sinh lạ lùng lúc trưa vậy. Đêm nay không hiểu vì sao mà nhiệt độ bỗng nhiên lại lành lạnh hơn mức bình thường? Đây là Sài Gòn cơ mà.


Không ít người đã từng nói "Sài Gòn là thành phố hoa lệ: hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo". Dù thời gian có thể làm đổi thay rất nhiều thứ tạo nên quan điểm riêng của từng thế hệ song nhìn chung, thì nó vẫn luôn luôn đúng.

Khi mới học năm nhất, đã có lần tôi từng tự hỏi bản thân mình "Vậy rốt cuộc ở chốn thị thành sôi động và ồn ào bậc nhất Việt Nam này, những người nghèo khổ liệu chỉ toàn nhận lấy nước mắt và nụ cười có phải luôn là đặc quyền dành riêng cho những người giàu có hay không?". Giống như việc người ta không thể chỉ nhìn vào sự rực rỡ và choáng ngợp về đêm nơi trung tâm thành phố mà cố tình quên đi sự rạng ngời và lạc quan trên khuôn mặt của rất nhiều mảnh đời vất vả, khó nhọc vẫn đang từng ngày lặng lẽ thắp sáng lên niềm hy vọng giữa nơi chốn phồn hoa. Mặc dù không giàu có, không biết ngày mai rồi sẽ ra sao, thậm chí có người còn kém may mắn chịu nhiều đau khổ về mặt sức khỏe hay khiếm khuyết thân thể, song, họ vẫn cười đấy thôi. Họ cười vì chưa mất hết niềm tin vào cuộc đời, và còn để tự xoa dịu cũng như chữa lành những vết thương không thành hình. Tôi có thể bắt gặp những nụ cười ấy trong những phút giây tình cờ thoáng qua mỗi khi một mình lê bước trong đêm dài. Tuy xa lạ nhưng đồng cảm. Tuy vội vã nhưng thân quen. Tôi một mình cảm nhận những cuộc đời khác nhau như thế trên phố phường đông vui bằng tâm hồn lộng gió.

Cảm giác có vẻ rất cô độc và rất buồn. Song... lại rất lãng mạn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản mình quả thật là một người cực kỳ hạnh phúc vì được tản bộ thong dong trên vỉa hè hết từ con đường này sang tới con đường khác ở Quận 1 mà tôi vẫn thường hay gọi là "Quận đẹp đẽ và nên thơ nhất Sài Gòn". Ít ra thì đó là thứ cảm giác rất ung dung tự tại và "rất Sài Gòn" mà những ai thường xuyên di chuyển bằng phương tiện xe cộ sẽ không dễ gì nhận ra được. Và tôi thích như thế: thích biến mình thành một kẻ lãng du, mơ màng tách biệt hoàn toàn so với phố đông người qua; thích dang rộng hay cánh tay còn đôi chân thì bước đi theo kiểu giữ thăng bằng trên không trung mỗi lần lướt bóng ngang Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành Phố, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố và Bưu điện Trung tâm Thành phố trong đêm tối nhộn nhịp. Càng tuyệt vời hơn, nếu tới một đoạn đường nào đó không quá ồn ào, những bản Dạ khúc hay nhất của Chopin mà bất chợt được vang lên trong tâm tưởng của tôi nữa thì ôi thôi!

Nhưng cũng dưới muôn vàn ánh đèn rực rỡ đa sắc màu đã làm nên thương hiệu quyến rũ và mê hoặc của Quận 1, tôi không nghĩ là mình lại có thể bước đi lâu và xa đến thế. Tôi không nghĩ sẽ có một ngày khi nói lời tạm biệt với thành phố này, điều làm tôi lưu luyến và không sao quên được lại chính là hai chữ tiếc nuối. Hoặc nếu như có yên ổn sống ở đây đến già, tôi cũng không chắc liệu động từ đó có xuất hiện ít hơn trong đầu mình hay không?

Người ta từ khắp ba miền trên dải đất hình chữ S cứ hay đổ xô về đây để đi tìm kiếm, thậm chí là để đánh cược cho bản thân và cho những người thân yêu một cuộc sống không phải lúc nào cũng được như ý muốn. Họ yêu Sài Gòn, chấp nhận cực khổ và bằng lòng với hiện tại khi biết mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khác. Mộng tưởng, trong trường hợp này, nếu có, cũng chẳng phải là một điều gì đó xa xỉ khiến cho họ phải dặn lòng từ bỏ. Song, không lẽ... con người vì thế mà đành chịu ôm lấy mộng tưởng cho đến suốt đời khi sống ở Thành Phố Hoa Lệ này hay sao?


- Con mới chuyển tới đây hả?

Một câu hỏi bắt chuyện thân thiện đánh tan sự trầm ngâm trong tôi tới từ một người đàn ông lớn tuổi tóc bạc phơ đứng ở căn nhà kế bên ngay lúc tôi cầm chìa khóa vừa mở xong cái cửa sắt một cánh đã tróc gần hết lớp sơn màu xanh rêu bên ngoài. Nhìn ông tuy cao tuổi nhưng chắc chưa già hơn ông ngoại của tôi là bao, dù vóc dáng thì có phần gầy gò và khắc khổ hơn rất nhiều.

- Dạ đúng rồi ông. Con mới chính thức chuyển đến đây hồi sáng nay thôi. – Tôi hơi quay người sang bên tay trái cúi đầu nhanh một cái, mím môi cười nhạt rồi trả lời ông ngắn gọn.

- À, vậy là từ giờ trở đi chúng ta là hàng xóm ở chung dãy nhà trọ rồi nha! – Ông có vẻ rất vui trước một thành viên mới toanh vừa dọn đồ vô đây ở như tôi.

- Dạ, đúng thiệt là như vậy rồi ông! Mà ông ở đây lâu chưa?

Nghe giọng nói của ông mà tôi thương và nhớ đến ông ngoại của mình quá! Giờ này trong khu nhà trọ, nhà nào nhà nấy cũng đều khóa cửa tối đèn hết cả rồi. Trong miếng đất một trăm năm mươi mét vuông thuộc Hẻm 14 đường Lão Tử này có tổng cộng bảy căn nhà nằm chung một dãy; ba mặt còn lại là cổng ra vào, bên hông tường nhà bà chủ và một bức tường màu xanh ngọc cũ nát cao khoảng ba mét mà nếu tôi chịu khó bắc thang leo lên có thể nhìn ra con đường Hồng Bàng tấp nập dòng người qua lại. Nhà ông thuê là căn nhà nằm áp chót, còn căn cuối cùng nằm ở bên phải theo hướng nhìn đối diện từ bên ngoài chính là nhà tôi. Ban đầu tôi còn tưởng đâu ông ở chung với vợ và con cái cho đến khi muốn rung rinh hai cái lỗ tai vì tiếng khóc nhè của con nít phát ra với cường độ tăng dần khiến ông phải vội vã, tự mình đi vô trong tìm cách xử trí.

- Ông ở đây được năm năm rồi, ở cùng với con bé năm tuổi này đây nè! – Ông bồng bé gái đáng yêu còn đang khóc nhè ấy ra bên ngoài rồi vui vẻ nói chuyện tiếp với tôi.

- Đây là cháu gái của ông hả ông?

- Ừ đúng rồi con! Cháu ngoại ngọc ngà vô giá không gì sánh bằng luôn đó nha!

- Nhìn con bé thấy cưng quá ông à!

- Ừ con. Thấy cưng vậy chứ... cứ hễ đêm hôm khuya khoắt là nó lại đói bụng đòi ăn suốt như vậy đó hà! Khổ lắm!

Bé gái bụ bẫm này thật có diễm phúc vì được ông ngoại của nó thương yêu hết mực như thế. Chắc là nhiều đêm liền được ông dỗ dành "Thôi nín đi con, nín đi con, ông thương ông thương chịu chưa? Chỉ một lát nữa thôi là con được làm vị khách mở hàng cho ông rồi nha!" nên nó cũng không khóc lóc quá lâu. Mà nó mở hàng cho ông nó là mở hàng cái gì vậy ta? Tôi tò mò đi tới ba bước nhìn vô bên trong thì thấy rất nhiều dụng cụ bếp núc và nguyên liệu thực phẩm bao gồm rau – giá – thịt heo – gan heo – tôm tép – trứng gà – trứng cút – bột mì và khá nhiều thứ khác đang được bày biện khắp trên sàn nhà cho công đoạn sơ chế. Hỏi ra thì tôi mới biết:

- Ông ơi, vậy là ông làm nghề bán đồ ăn hả?

- Đúng rồi chàng trai trẻ! Ông có mở một xe mì – hủ tiếu – hoành thánh và bánh lọt bình dân bán ở ngoài đầu hẻm mình đây nè!

- A, hèn gì! Chắc tại lúc sáng do bận lo nghĩ nhiều chuyện quá nên con không có để ý.

- Ông bán từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều lận, có gì bữa nào con ghé ngồi chơi rồi ông làm cho con ăn thử.

- Dạ dạ, có gì sáng mai con ra ủng hộ ông luôn!

- Vậy thôi ông vô làm việc tiếp nha! Làm lẹ lẹ món hoành thánh trước tiên để cho con bé này nó ăn cái đã! Chứ con nít nó đói bụng mà không kiếm gì cho nó ăn thì nó cứ khóc um sùm hết lên!

- Dạ, vậy con cũng đi vô nhà nghỉ ngơi đây!

Nụ cười trẻ thơ và ánh mắt trong veo của bé gái ú nu trắng bóc khi nhìn tôi – một người không thân thiết – trước khi được ông nó bồng vô trong nhà làm tôi có cảm giác ấm lòng giữa đêm khuya. Tôi còn nhớ rất rõ là hồi Tử Liên và Tử Hoa còn nhỏ, hai đứa vẫn thường dùng biểu cảm tương tự để nói chuyện với anh Hai của tụi nó vậy. Thật tội nghiệp khi con nít con nôi mà lại lên cơn đói bụng vào giờ này! Có lẽ tôi nên làm một điều gì đó sẽ giúp cho tôi có được cảm giác ấm lòng giữa đêm khuya hơn thế nữa:

- À à mà khoan đã ông ơi! Hay hông ấy... ông cầm bịch phở bò thập cẩm này đem vô hâm nóng rồi đút cho con bé ăn liền đi ông! Lâu lâu đổi món cho bé nó đỡ ngán chắc cũng được chứ ông hả?

- Nhưng bịch phở bò này là của con mua mà! Con cho nó ăn như vậy thì con lấy gì ăn đây? Thanh niên trai tráng mà để bụng đói đi ngủ là cũng mệt lắm á nha con chứ đừng tưởng! – Ông tỏ vẻ bất ngờ và khá ngại trước tấm lòng nhỏ bé của tôi.

- Dạ không sao đâu ông! Con còn hai ổ bánh mì chả lụa mua hồi sáng tới giờ chưa ăn nữa. Tại con sợ để hai ổ bánh mì tới giờ này lỡ như có kiến bu rồi con ăn không được nên con mua thêm phở bò phòng hờ sẵn vậy đó mà.

- Nhưng mà... ông nhận như vậy thì kì lắm con.

- Không có gì kì đâu ông ơi! Con tự nguyện cho mà chứ ông đâu có xin xỏ gì con đâu mà kì.

Đáng lẽ lời thuyết phục nhiệt tình bằng cả trái tim đó của tôi đã thất bại thảm hại rồi, nhưng tại nhỏ cháu gái bé bỏng của ông nó cứ đưa hai tay chỉ chỉ hai ngón trỏ về phía "món ăn đêm cực ngon" mà tôi đang cầm trên tay trái nên ông mới nhẹ lòng đồng ý đấy chứ:

- Ừ, vậy thôi... ông cảm ơn con nhiều nha! Đã đẹp trai, cao ráo, lễ phép mà còn sống tử tế nữa! Bé Mi ơi, bé Mi cảm ơn anh trai hàng xóm mới của hai ông cháu mình đi con! Nhờ ảnh nhường mà con mới có đồ ăn khuya đó nha!

- Dạ cảm ơn anh! – Con bé nheo mắt cười duyên, khoanh hai tay lại và ngoan ngoãn bập bẹ làm theo lời của ông nó.

Tôi bóp ổ khóa và ngồi thả lỏng xuống dưới sàn nhà thở dài một hơi. Đã 0 giờ kém 15. Nếu trước đó gần một tiếng tôi không tình cờ gặp chú Khánh Đông ba của Khánh Văn đang đậu xe taxi ở trước Nhà hát Thành phố trong lúc hóng gió mơ màng ngang qua đó, thì tôi còn định sẽ lội bộ luôn về tới tận đây để thử thách thể lực của chính mình. Giờ nghĩ lại đúng là tôi điên thiệt! Trong khi giờ này tôi còn phải tắm rửa thay đồ và ngồi xơi hết... nửa ổ bánh mì chả lụa còn dư lúc sáng là đã không còn thấy sớm nữa rồi. Vâng, sự thật là tôi chỉ còn có nửa ổ bánh mì mà thôi, vì một ổ rưỡi kia tôi đã "xử đẹp" từ trước khi đi ra khỏi nhà lúc trưa. Kiểu này thì phải trụng mì gói ăn thêm chứ còn biết làm sao nữa bây giờ? Tôi đâu thể nào "lật mặt" chạy qua nhà kế bên đòi lại bịch phở bò thập cẩm của hai ông cháu hiền lành và dễ mến kia được. Chỉ lo là lo cho ba tiết học môn Lịch sử Nhật Bản vào tám giờ sáng mai tôi sẽ không thức dậy nổi để lên lớp nghe giảng một chữ nào. Vốn đã mang tiếng là sinh viên có lực học trung bình khá trong lớp rồi mà còn... haizz!

Nhạc chuông cuộc gọi đến reo lên từ chiếc điện thoại iPhone 5 trong lúc tôi đang ăn bánh mì làm tôi vui lắm! Vì đó là cuộc gọi của mẹ tôi. Tôi rất muốn biết về tình hình của mẹ và hai em gái. Trên hết, tôi muốn lắng nghe quyết định cuối cùng của mẹ tôi dù cho, hơn chín mươi lăm phần trăm tôi đã biết trước được kết quả. Tôi bắt máy và trầm tĩnh nói chuyện với mẹ. Tôi hiểu bà Phương Kim Phụng sẽ không muốn tôi phải nóng giận vì chính bản thân bà ấy mới là người phẫn nộ hơn tất cả. Có lẽ hơn lúc nào hết, hai mẹ con chúng tôi chỉ đang chực chờ đợi đến giới hạn cao nhất để buông xuôi cho cảm xúc òa khóc đang ghim sâu trong lòng mỗi người được giải phóng:

- Dạ, con cũng ổn mà mẹ, không sao đâu. Giờ con ăn khuya xong rồi đánh răng đi ngủ thôi. Mẹ đừng có lo lắng nữa nha!

- Nhưng mà nè, mẹ nghe con Liên nói lại là cái nhà trọ mà con mới chuyển tới đó nó chật chội quá có phải hông con? Cái gì đâu mà một tháng lấy của người ta tới hai triệu chưa tính tiền điện tiền nước mà nhà thì cũ kĩ đã vậy còn hông có gác lửng nữa! Nhà trọ vừa nhỏ vừa hông có xây thêm gác lửng mà tính gì mắc dữ vậy?

- Thôi kệ đi mẹ, kiếm được chỗ ở là hên cho con lắm rồi! Cũng nhờ An Mập cậu ấy kiếm giùm cho con chứ không thì con cũng chả biết phải tự xoay xở như thế nào. Con cũng đâu có muốn ở đây đâu. Nhưng thôi kệ đi. Mặc dù tiền trọ mỗi tháng có hơi mắc nhưng bù lại là bà chủ bả dễ chịu lắm mẹ. Bà ấy không những không gây áp lực về chuyện đóng tiền nhà đầu tháng mà còn thông cảm cho mọi người được trả dồn sang tháng tiếp theo nếu như gặp phải khó khăn về chuyện tiền bạc nữa đó mẹ.

- Ừ, thì thôi cũng được. Vậy là bà này cũng không đến nỗi. Chứ gặp chủ nhà trọ mà khó khăn quá ta nói nó mệt lắm luôn à nghe!

- Mà mẹ với bé Liên và bé Hoa đã chuyển đi chưa?

- Ờ, xong xuôi hết rồi con. Sáng nay hoàn tất thủ tục ly hôn xong là mẹ thuê hai chiếc xe tải để tài xế chở hết đồ đạc lớn nhỏ của mình qua bên nhà của cậu mợ Tư con liền. Con Liên với con Hoa hai đứa nó giờ đang nằm ngủ thẳng cẳng hết rồi. Tội nghiệp tụi nó, suốt ba tháng qua đêm nào tụi nó cũng nghe mẹ với ổng chửi lộn om sòm rồi không có ngủ nghê gì được hết!

Đột nhiên, đến đoạn đó, khi nói về nỗi khổ của Tử Liên và Tử Hoa, mẹ tôi đã bật khóc. Mẹ đã bật khóc thật lớn, thật lớn trước cả tôi. Có lẽ nỗi uất hận trong lòng mẹ đã chạm đến giới hạn sau cùng.

- Tại sao cha con ổng lại đành đoạn mà đối xử với mấy mẹ con mình cạn tàu ráo máng đến như vậy? Dù gì ổng cũng phải nghĩ tới thằng con trai và hai nhỏ con gái của ổng chứ! Đằng này ổng vì mê muội con hồ ly tinh kia mà nhẫn tâm bỏ rơi hết mấy mẹ con mình! Rồi còn con quỷ con Trinh nữa, cái con quỷ cái! Mẹ căm thù nó! Suốt gần ba mươi năm qua nó coi mẹ còn thua cả con ở! Nó là em Út trong nhà mà nó tưởng nó là chị Hai, nó tưởng nó là bá chủ của cái nhà đó, lúc nào nó cũng muốn kiếm chuyện với mẹ hết! Cha con thì ổng bênh nó và bênh cả nhà ổng! Ai ổng cũng bênh hết, chỉ có mấy mẹ con mình lúc nào cũng là người sai thôi! Cha mẹ ổng với anh Hai ổng mà nói cái gì là ổng nghe theo cái đó trời ơi!

Qua một tích tắc vô hình không hay, tôi cảm nhận rõ là mình đã đỏ hết hai mắt vì cơn mưa ướt đẫm trong lòng trước từng câu từng chữ không khác gì đang bị nấc nghẹn từ mẹ:

- Nghĩ sao nguyên cái hệ thống nhà sách do ổng làm chủ mà ổng còn muốn sau này nhường hết lại cho mấy đứa con của anh em ổng, gia tài cũng nhường hết luôn! Lúc nào ổng cũng khen cái thằng Tử Tuấn còn hơn nó là con trai của ổng nữa! Trong khi nó là con trai của anh Ba ổng mà! Còn cái album nhạc Chopin gì đó con gửi về ổng còn không thèm nghe lấy một giây nữa! Ổng còn mắng chửi mẹ là toàn lấy tiền của ổng để giúp cho con làm mấy chuyện tào lao vô bổ không hà! Con coi đó, ổng có coi mấy mẹ con mình ra gì đâu! Ổng chỉ thương có cha mẹ và dòng họ bên ổng mà thôi! Đến cả con quỷ con Trinh nó dám sỉ nhục cả dòng họ bên vợ của ổng mà ổng vẫn tỉnh bơ không thèm đá động gì tới nó hết. Con coi đó, con coi đó! Hỏi sao mà mẹ lại tức muốn lộn gan lên trên đầu như vậy chứ!

Bao nhiêu nỗi uất hận từ sự ấm ức thông thường tích tụ dần qua tháng năm đã được mẹ tôi trút ra như núi lửa phun trào khi đồng hồ đã điểm sang 0 giờ như vậy đấy. Tôi thì có còn gì nữa đâu mà tiếp lời, nên chỉ biết ngồi im đó mà hòa chung hai hàng lệ cùng mẹ thôi. Mẹ khóc trong nỗi uất hận, còn tôi khi rơm rơm nước mắt vì còn đó nỗi hoang mang tận cùng phía trước. Giờ tôi mới thấy mình thật tồi tệ làm sao khi vẫn còn muốn níu giữ mong manh tâm thế sống "vô tư vô lo" của một công tử bột giống như ngày trước. Nên tôi biết, đã đến lúc bản thân mình phải vùng lên, dù cho có đau thương cách mấy. Chẳng thà ngậm đắng nuốt cay bên ngoài xã hội mà vinh quang không thẹn với lòng, còn hơn phải mang tiếng làm con trai duy nhất của ông Trần Tử Giang mà đến ngay cả thành quả lao động nghệ thuật chính đáng đầu tay của mình là cuốn album Dạ khúc Chopin toàn tập lại bị chính miệng ông ấy phán là "tào lao vô bổ". Chính từ giây phút ấy, giây phút không muốn mẹ mình phải lao tâm khổ tứ thêm một ngày nào nữa, nỗi hoang mang mịt mờ về tương lai trong đầu tôi đã vội tan biến.

- Dạ dạ, thôi mẹ đừng khóc và cũng đừng tức gì nữa hết. Mẹ yên tâm đi, con sẽ đi kiếm việc làm, vừa học vừa làm. Con quyết tâm sẽ tự nuôi sống được bản thân mình, nuôi sống mẹ, nuôi sống bé Liên bé Hoa, nuôi sống luôn ông bà ngoại và hỗ trợ cho các cậu mợ tìm việc làm. Con sẽ làm việc ổn định ở trên Sài Gòn, kiếm thật nhiều tiền và rước hết mọi người lên đây sinh sống. Chúng ta sẽ có một cuộc sống dư dả và thoải mái ở trên thành phố phát triển và năng động bậc nhất Việt Nam để cho cái dòng họ chết tiệt đó biết mặt! Mẹ cứ yên tâm đi, con nhất định sẽ làm được!

Nhưng hình như mẹ tôi vẫn chưa có đủ niềm tin vào những lời quyết tâm tôi đang căng sức hô biến thành "đao to búa lớn" mang nặng tính sát thương ấy. Có lẽ do tôi chỉ đang "nói" thôi, hoặc cũng có thể là do tôi đang nói với giọng điệu hơi run run không liền mạch do nghèn nghẹn ở cổ họng:

- Trời đất ơi cái thằng quỷ này, con ơi! Con trai cưng của mẹ thì tất nhiên là tài giỏi miễn bàn rồi! Nhưng mà đó giờ con còn hổng biết xếp quần áo nữa thì cái ngày làm cho dòng họ bên nội cũng như cha con được biết mặt mẹ e là nó còn xa hơn khoảng cách từ Cần Thơ đi lên tới cực Bắc Tổ quốc luôn đó con! Kiếm thật nhiều tiền, nói thì dễ chứ làm thì không có dễ đâu. Nếu chọn đi theo con đường nghệ thuật thì cũng phiêu lưu lắm con. Con thích chơi nhạc cổ điển với nhạc không lời, mà dòng nhạc này chỉ tính riêng ở Việt Nam mình thôi là đã rất kén người nghe rồi. Thậm chí dù cho sau này con có trở thành nhạc sĩ đi chăng nữa thì sáng tác của con chắc chỉ có mình con chơi thôi quá! Khó làm giàu lắm con ơi!

- Không sao đâu mẹ! Dù biết hiện giờ rất khó nhưng sau này, khi con đã quen với việc đi làm rồi thì kiếm tiền có thiếu gì cách, miễn là đừng có làm chuyện gì phạm pháp và sai trái với đạo đức thôi! Làm nhạc sĩ và nghệ sĩ dương cầm sẽ khó giàu, nhưng chỉ là khó thôi mẹ chứ đâu phải là không thể.

- Ừ thì thôi tùy con vậy! Con trai cưng của mẹ là nhất rồi! Thôi ăn gì ăn rồi đánh răng đi ngủ đi con! Giờ này khuya lắm rồi! Cả ngày hôm nay toàn chiến tranh với dọn đồ không nên mẹ oải quá!

- Dạ, vậy thôi mẹ nằm xuống ngủ đi! Con cúp máy à!

- Ừ con. Vậy hai mẹ con mình thôi nha! Yêu con trai cưng của mẹ! Bữa sau hai mẹ con mình sẽ tâm sự với nhau nhiều hơn.

Vậy là tôi và mẹ cùng cúp máy một lượt. Cuộc nói chuyện qua điện thoại di động đã khép lại với nhiều điều tích cực không chỉ dành cho riêng tôi. Tôi vui lắm, không chỉ vì hai mẹ con đều đã tìm ra được "lối thoát" cho nỗi căm hờn thiêu đốt tâm can cả hai suốt những năm tháng qua mà còn bởi trước khi kết thúc cuộc gọi, tôi còn nghe được tiếng la lanh lảnh "Anh Hai ngủ ngon và đừng buồn rầu nữa nha! Em với chị Ba và cả dòng họ bên ngoại mình sẽ luôn luôn ủng hộ anh Hai! Anh Hai của em đánh đàn piano là nhất luôn rồi!" của Tử Hoa.

Màn đêm lúc này đã tĩnh mịch hơn. Tiếng xe cộ còn ồn ào đôi chút từ con đường Hồng Bàng lọt vào bên trong khu nhà trọ cũng sắp lặng dần. Tôi dòm qua khung cửa sổ nhà trọ, tuy chỉ thấy bên hông tường nhà bà chủ trong bóng tối âm u. Nhưng với tôi, như thế là đủ. Chỉ có cha tôi – người sắp trở thành vị hôn phu tương lai của minh tinh màn ảnh kiêm đại gia bất động sản Lý Anh Thi với danh tiếng vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam – là không cảm thấy như vậy. Ông ấy không những là kẻ đối xử cạn tình cạn nghĩa với vợ con, không những là cái tên luôn đứng ra thương yêu và bảo vệ những người thân trong dòng tộc của mình một cách mù quáng mà còn là một người đàn ông cực kỳ tham vọng. Ông ấy cực kỳ tham vọng. Cực kỳ tham vọng. Cực kỳ tham vọng mà đỉnh điểm ở đây, chính là toan tính chọn đúng ngay nữ diễn viên điện ảnh nhỏ hơn mình tới tận ba mươi tuổi để hiện thực hóa ước mơ cả đời được nằm trong tốp "Mười người giàu nhất Việt Nam" và "Hai trăm người giàu nhất thế giới" chứ không chỉ đơn thuần là người đứng đầu Hệ thống Nhà sách Tây Đô lớn mạnh nhất thành phố Cần Thơ.

Giám đốc Trần Tử Giang muốn nâng cấp tên gọi Tây Đô trở thành thương hiệu nhà sách lớn nhất cả nước và vươn tầm ra thị trường quốc tế. Đó cũng chính là điều mà cô ả kia mơ ước. Nữ siêu sao điện ảnh hai mươi bảy tuổi – người mà mới khoảng hơn ba tháng trước, từ chỗ đang là thần tượng số một đã biến thành kẻ thù cướp chồng đáng khinh bỉ nhất trong mắt của mẹ tôi – thì lại có rất nhiều tiền từ công việc kinh doanh bất động sản đang ngày càng thành công dù cho đó chỉ là một nghề tay trái của chị ta đằng sau tài năng diễn xuất thượng thừa với mức thù lao mỗi lần hóa thân cao chót vót. Cha tôi, dĩ nhiên, thì rất cần đến dòng tiền đầu tư khổng lồ ấy để gây dựng nên thời đại mới cho Hệ thống Nhà sách Tây Đô; còn minh tinh họ Lý thì lại cần đến uy tín, mối quan hệ giao tiếp rộng rãi cũng như kỹ năng chuyên môn được đào tạo bài bản trong lĩnh vực kinh doanh của một quý ông thành đạt để giúp cho Công ty Bất động sản Anh Thi không chỉ dừng lại ở vị thế hiện có. Dù không thể hiểu nổi là giữa hai con người đều được sinh ra và lớn lên ở quận Ninh Kiều – thành phố Cần Thơ đó có nảy sinh tình yêu đích thực hay chỉ đến với nhau vì tham vọng của bản thân hoặc để được thỏa mãn dục vọng thể xác thì nhìn chung, đây vẫn là một sự kết hợp trên cả hoàn hảo.

Vậy thì ban đầu, không lẽ cha tôi chỉ yêu bà Phương Kim Phụng vì sắc đẹp thanh xuân, tính cách thẳng thắn, lanh lợi và khả năng tề gia nội trợ xuất sắc của bà hay sao? Bởi đó đều là những ưu điểm không đủ sức thuyết phục khi về già trước tham vọng trở thành tỷ phú Việt Nam mà giá trị tài sản phải được tính bằng đồng đô la Mỹ của người đàn ông gia trưởng, tính tình cố chấp tóc đã nhuốm màu bạc trắng ấy. Trong khi vào cái thuở hàn vi trong những năm 80 đầy khó khăn của đất nước sau chiến tranh liên miên ở thế kỷ trước, ông ấy đã từng thề thốt là suốt đời sẽ không bao giờ phụ bạc mẹ tôi cơ mà. Một lời thề giả dối!

Nhưng tôi thì không thể giả dối trước cảm xúc sáng bừng trong tim mình hiện tại. Tôi biết tâm hồn mình vẫn đang cố giam giữ đôi mắt chứa ánh nhìn sâu hun hút vào cuộc đời của cô nữ sinh trường Hồng Bàng đi chung tuyến xe buýt Số 1 với mình lúc trưa. Liệu tôi đã yêu cô bé ấy rồi chăng? Một tình yêu sét đánh, tinh khôi như giọt sương ban mai và ngỡ ngàng trong tích tắc vì tưởng đâu tất cả chỉ là một giấc mơ? Một giấc mơ buồn. Tôi ngậm ngùi nghĩ thế. Song sẽ luôn là những hình ảnh tuyệt đẹp đáng để lưu giữ trong đời!

Đơn lẻ và buồn hiu. Đồ đạc cá nhân thì vẫn còn đang ở trong tình trạng ngổn ngang trong khi tôi thì lại quen sống không mấy ngăn nắp. Sẽ là một đêm thật dài đối với tôi khi ngả lưng nằm xuống. Lần đầu nếm trải mùi vị ở nhà trọ đúng thiệt là có sự khác biệt. Thật tiếc vì nếu như là Trần Phương Tử Dương của trước đây, với cây đại dương cầm Steinway & Sons A-999 màu đen bóng bên cạnh, tôi sẽ chơi ngay Khúc luyện ngón Opus 25: Số 1 cung La giáng trưởng hay còn được biết đến với cái tên ngắn gọn là Aeolian Harp của "Vĩ nhân dương cầm" Frédéric Chopin vì phần giai điệu và hòa âm của tác phẩm âm nhạc kinh điển được tôi chọn đặt làm nhạc chuông cuộc gọi đến cho điện thoại di động này thật quá thanh cao, tràn đầy sự trong sáng và lung linh nắng ấm tỏa khắp một khoảng trời... như chính em – nàng thiếu nữ thắp lên ánh sáng kỳ diệu trong tâm hồn tôi giữa đêm tối lạc loài.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro