Phần 1
1
Bầu trời đầu thế kỷ trong xanh như mảnh pha lê lấp lánh.
Mảng màu đỏ tươi như máu che trời lấp đất bao phủ trong tầm mắt dường như là chuyện mới chỉ xảy ra trong tích tắc.
Thân thể tôi hơi loạng choạng, vịn vào thân cây bên cạnh thở hồng hộc. Mãi đến khi sau lưng có một lực nhẹ nhàng mà êm dịu vỗ bờ vai của tôi: "Thụy Thụy, cậu không sao chứ?"
Giọng nói vừa lạ lẫm vừa quen thuộc này, xuyên qua trói buộc của thời gian truyền vào tai tôi. Thế cho nên khi tôi quay đầu lại, nhìn thấy khuôn mặt trẻ hơn hai mươi tuổi của mẹ xuất hiện trước mắt, nước mắt không hề báo trước mà rơi đầy mặt.
Mẹ giật mình, vội vàng lấy khăn tay trong túi ra lau nước mắt cho tôi.
"Cậu bị sao vậy? Mấy hôm nay hơi chút là chảy máu mũi, sáng sớm dậy đã mặt ủ mày chau...Viện mồ côi lại gọi điện cho cậu à?"
Tôi lắc đầu, gắt gao nắm lấy tay của mẹ, cổ họng nghẹn ngào gọi một tiếng: "Mẹ."
Mẹ hoảng sợ, nét mặt lập tức trở nên nghiêm túc vô cùng: "Cậu nói thật với mình đi, viện trưởng Trương đó lại đòi tiền cậu đúng không?"
Tôi ra sức lắc đầu, nhưng chẳng thể thốt nên lời nào.
Không phải, không phải đâu.
Chỉ là lại được nhìn thấy mẹ, con rất vui sướng mà thôi.
Cho dù đây chỉ là một giấc mơ cũng tốt.
Hơn nửa giờ tiếp đó tôi đi bên cạnh mẹ, ngồi lên xe buýt cùng mẹ đi lang thang qua nửa vòng thành phố.
Nửa đường xe phanh gấp, trán của tôi đập mạnh vào tấm ngăn đằng trước, đau đến nỗi phải hít sâu mấy hơi.
Nhưng vẫn không thể tỉnh lại.
Cuối cùng sau khi quan sát kỹ lưỡng tôi mới bắt đầu ý thức được, hình như đây không phải là...một giấc mơ.
Sau khi nhảy xuống vách núi, tôi quay trở lại hai mươi năm trước, trở thành bạn thân của mẹ, Dư Thụy.
Một năm này tôi hai mươi tuổi, mẹ hai mươi mốt tuổi.
Từ ngày còn bé tôi đã nghe mẹ nhắc đên tên của dì Dư Thụy nhiều lần.
Mẹ nói đó là người bạn thân nhất trong thời đại học của mẹ, dì ấy đã giúp đỡ mẹ rất nhiều lần.
Khi ấy tôi hơi tò mò hỏi: "Thế khi nào con mới được gặp dì Dư Thụy hả mẹ?"
Gần như khoảnh khắc đó ánh mắt của mẹ lập tức trở nên ảm đạm.
Yên lặng một lát mẹ mới nhẹ giọng lên tiếng: "Dì Dư Thụy của con...qua đời rồi."
Dì Dư Thụy nhỏ hơn mẹ một tuổi đã qua đời vào năm mà bọn họ tốt nghiệp đại học.
Từ đầu đến cuối mẹ đều không nói với tôi nguyên nhân về cái c h ế t của dì ấy.
Tôi xoa trán, sắp xếp lại chút thông tin ít ỏi trong đầu lần nữa, sau đó khẽ nhỏ giọng nói:
"Hôm nay không phải cuối tuần sao, bây giờ chúng ta đi đâu vậy?"
Mẹ ngồi bên cạnh tôi, trong mắt đột nhiên xuất hiện chút ngượng ngùng.
Mẹ ôm cánh tay của tôi, thầm thì: "Thụy Thụy, mình đưa cậu đi gặp một người, cậu xem xét giùm mình đi."
2
Ánh nắng xuyên qua cửa kính trên xe chiếu vào trong khiến người ta hoa mắt.
Tôi nhìn mẹ đang ngồi trước mặt, đột nhiên cảm thấy toàn thân lạnh buốt: "Cậu lặp lại lần nữa xem, người đó tên là gì?"
"Tưởng Chu, trước đó cậu cũng gặp rồi mà. Tuần trước đội bóng của trường bọn họ đến trường mình thi đấu hữu nghị..."
Tôi bóp chặt lòng bàn tay, buộc mình phải nặn ra một nụ cười: "Mình nhớ rồi, thì ra là anh ta."
Tưởng Chu.
Khoảnh khắc nghe thấy cái tên này, có vô số mảnh ký ức về yêu thương và bạo lực ùa vào suy nghĩ.
Tưởng Chu là ba tôi.
Cho tới nay ấn tượng của tôi về ông ta đều mờ nhạt mà mâu thuẫn.
Bởi vì ông ta sẽ xông vào trường học khi tôi bị bắt nạt, tóm lấy tên nam sinh kia rồi đấm cậu ta mấy cái.
Cũng vào lúc đã uống say, đột nhiên hung ác cầm chiếc gạt tàn thuốc lên nện vào trán mẹ tôi.
Ông ta giơ tay chỉ vào mặt mẹ rồi mắng: "Con đ ĩ này!"
Tôi chẳng thể hiểu nổi vì sao bọn họ lại có thể ở bên nhau.
Ngày còn học mẫu giáo, thầy giáo để chúng tôi thu thập những câu chuyện tình yêu của ba mẹ. Nhưng sau khi về nhà tôi chỉ vừa mới hỏi một câu thì vẻ mặt của hai người cùng thay đổi cùng một lúc.
Tôi còn nhớ ngày quốc tế thiếu nhi năm sáu tuổi. Cửa hàng hoa quả khô mẹ tôi mở hiếm thấy được đợt làm ăn khá ổn, mẹ kéo ba tôi cùng dẫn tôi đi chơi ở công viên trò chơi suốt một ngày.
Lúc trời nhá nhem tối chúng tôi mới về, dừng lại mua nước thổi bong bóng ở ngay cổng ra vào.
Giá cả không rẻ, mẹ tôi mặc cả với chủ quán theo thói quen. Đối phương liếc nhìn mẹ và tôi một cái rồi cười: "Được, vậy bán rẻ cho cô."
Tôi cầm nước thổi bong bóng, thổi vô cùng vui vẻ. Lúc ấy tôi hoàn toàn không để ý đến vẻ mặt của người ba đang đứng bên cạnh đột nhiên trở nên cực kỳ âm u.
Sau khi về nhà mẹ tôi làm một chén cơm chiên trứng bê tới phòng ngủ cho tôi:
"Nhụy Nhụy ngoan, con ngồi trong phòng ăn cơm chớ có ra ngoài nhé, để ba mẹ nói chuyện một chút."
Nhưng căn nhà thuê kia cách âm cũng không tốt nên bọn họ ở ngoài cãi lộn những gì tôi đều nghe rất rõ ràng.
"Đm mày cơ khát lắm à, mua tí đồ mà cũng liếc mắt đưa tình với mấy thằng đàn ông khác?"
"Tưởng Chu, anh bị điên à?"
Mẹ tôi hạ thấp giọng nói: "Hôm nay là ngày quốc tế thiếu nhi, Nhụy Nhụy còn chưa ngủ, anh nổi điên cái gì?"
Tôi buông thìa xuống đẩy cửa phòng đi ra ngoài, một chai bia sượt qua tai tôi bay thẳng ra đằng sau.
Nện trên vách tường, vỡ vụn.
"....Mẹ."
Trên chiếc sô pha cũ nát cách đó vài bước, nắm tay của ba tôi hung tợn đấm vào xương gò má của mẹ.
Tôi khóc lóc chạy đến muốn đẩy tay ông ta ra, không ngờ lại bị hất một cái ngã lăn ra mặt đất.
Mẹ tôi vốn đang nằm thở trên sô pha đột nhiên lại giống con sư tử cái đang nổi giận, mẹ nhào ngay tới chỗ tôi.
Bà đẩy ông ta ra, vươn tay ôm tôi vào lòng.
Giọng nói của bà khản đặc cực kỳ nhưng cũng phẫn nộ cùng cực.
"Anh muốn động thủ thì nhằm tôi mà làm! Nhụy Nhụy là con gái của anh!!"
Đó là lần đầu tiền tôi đối mặt với bạo lực gia đình một cách trực quan như thế.
Nó giống như một lưỡi dao nhọn phá vỡ biểu tượng hòa bình dối trá được dệt ra.
Lộ ra chân tướng đẫm máu.
Lúc đó tôi mới sáu tuổi, nhận thức đối với thế giới này vẫn rất mơ hồ.
Nhưng tôi đã hiểu rõ rất nhiều thứ ngay trong khoảnh khắc đó.
Tại sao lúc tắm rửa thỉnh thoảng tôi sẽ nhìn thấy vết thương xanh tím trên người mẹ.
Tại sao vào chạng vạng buổi tối nào đó, tôi nhìn thấy xe cảnh sát đậu ở dưới lầu.
Mà thím Vương của ủy ban khu phố đang nắm lấy tay của mẹ tôi, hết nước hết cái mà khuyên răn.
"Vợ chồng nhà ai mà không cãi nhau, không đánh nhau mấy lần? Làm ầm ĩ đến thế này thì sau này hai vợ chồng biết ở chung với nhau thế nào nữa?"
Khóe mắt thím ấy liếc đến tôi, dường như tức khắc đã tìm thấy một con tin có thể áp chế mẹ.
"Tính tình của Tưởng Chu có nóng nảy thế nào đi chăng nữa nhưng nó đã bạc đãi con cái bao giờ chưa? Em nhìn Tưởng Nhụy nhà em kìa, mới bao lớn chứ, em nhẫn tâm để con bé không có ba à? Em làm mẹ mà sao trái tim lại ác độc như vậy chứ!"
Hoàng hôn ráng đỏ, dưới ánh chiều tà đỏ tươi ấy mẹ nhìn về phía tôi.
Ánh mắt của mẹ vừa mờ mịt vừa hoàng hốt.
Khi đó tôi không thể nào hiểu được tâm trạng phức tạp trong đôi mắt ấy.
Mãi cho đến rất nhiều năm sau, vào buổi tối thấm đẫm m á u t ư ơ i đó, tôi ôm t h i t h ể dần lạnh băng của mẹ, nghe tiếng còi xe cấp cứu từ dưới lầu truyền đến.
Đột nhiên nghĩ kỹ lại mới có thể ý thức được, trong buổi hoàng hôn hôm đó, ngay khoảnh khắc nhìn thấy tôi đến cùng mẹ đã lựa chọn một kết cục như thế nào.
3
Vừa lấy lại tinh thần thì xe buýt đã tới trạm.
Mẹ tôi dắt tay tôi đi xuống xe, nhìn ra phía xa rồi bắt đầu cố sức vẫy tay với thiếu niên đang đứng cạnh hàng cây xanh ven đường.
"Tưởng Chu, em ở chỗ này!"
Thiếu niên quay đầu, mặt mày quen thuộc đó khiến tôi đông cứng tại chỗ trong nháy mắt.
Tưởng Chu cắn thuốc lá đi tới, cà lơ phất phơ nhìn về phía tôi.
"Này là ai đây?"
Hắn nhướn mày, vẻ mặt thiếu kiên nhẫn: "Phương Mẫn, em đi hẹn hò với tôi mà còn mang theo cái bóng đèn làm gì?"
Sắc mặt mẹ tôi đỏ lên: "Hẹn hò gì chứ...Em còn chưa đồng ý hẹn hò với anh đâu."
Tôi nắm chặt tay mẹ, hít một hơi thật sâu rồi mới lên tiếng: "Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe."
Tưởng Chu vốn đã xoay người đột ngột quay đầu lại, nét mặt trầm xuống: "Cô nói cái gì?"
Tôi bĩnh nhìn chăm chú vào hắn: "Thầy giáo đã nói rồi, hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, dễ gây ra bệnh viêm phổi. Nhất là khói thuốc, nó chứa rất nhiều chất gây ra ung thư."
"Tôi là bạn của Phương Mẫn, không thể trơ mắt nhìn sức khỏe của cô ấy bị anh tàn hại."
Vẻ mặt của tôi trông rất bình tĩnh, nhưng chỉ có tôi tự biết rằng cánh tay rũ xuống ở một bên đang dùng sức nắm chặt, móng tay đã đâm sâu vào lòng bàn tay.
Chỉ như thế tôi mới có thể kiềm chế được cảm giác muốn nện một cú lên mặt của hắn ta.
Cách đây không lâu cảnh sát đã gọi điện thoại tới, nói rằng bọn họ đã bắt giữ hắn về xét xử.
Lúc ấy tôi đang ôm hũ tro cốt của mẹ, đi ở bậc thang trơn trượt trong nghĩa trang.
Ngày đó mưa phùn mịt mờ.
Tôi đứng trước mộ bia của mẹ rất lâu.
Mãi cho đến khi cả người ướt đẫm, sắc trời tối dần thì tôi mới quay đầu đi tới cục cảnh sát.
Tưởng Chu đã bị đeo còng tay, cạo tóc ngắn. Mấy ngày trốn chui trốn nhủi liên tục khiến ông ta nhìn trông giống con chuột trong cống ngầm, chật vật không chịu nổi.
Tôi nhìn ông ta, vẻ mặt chết lặng: "Tại sao ông không chết?"
Ông ta nhìn tôi, ánh mắt trốn tránh. Nhưng vẫn theo thói quen mà bày ra dáng vẻ kiêu ngạo của người làm ba.
"Tưởng Nhụy, con ăn nói như thế mà được à, ta là ba của con!"
"Ông cũng xứng?"
Ông cũng xứng sao.
Ông nào có thể xứng!
Một cơn buồn nôn mãnh liệt xông lên cổ họng, tôi khom lưng xuống nôn khan dữ dội.
Màu máu đỏ tươi ngày đó vĩnh viễn luôn sống sót trong trí nhớ của tôi.
Tôi chán ghét ông ta, thậm chí căm hận ông ta đến thế.
Nhưng dòng máu đang chảy trong người tôi lại cứ là huyết mạch của ông ta để lại.
Tôi chưa bao giờ cảm nhận được sự đau đớn đến như vậy, nó là sự tê liệt đến chết lặng xuất hiện từ từ sau khi tận mắt nhìn thấy người thân yêu nhất bị s á t h ạ i, rồi sau đó lại bùng nổ càng thêm mãnh liệt điên cuồng.
Dường như nó đã lấp kín toàn thân tôi, mỗi tấc mạch máu, mỗi khớp xương đau.
Tôi muốn dùng tất cả những gì đã học được trên đời để mắng chửi ông ta bằng từ ngữ ác độc nhất.
Nhưng há miệng lại chỉ có thể phát ra cơn gào thét nghẹn ngào đến vỡ vụn.
"Trả lại cho tôi..."
Ông trả lại cho tôi.
Trả mẹ tôi lại cho tôi.
4
Thực ra sau này khi tôi dần lớn lên, sinh hoạt của gia đình cũng tốt hơn rất nhiều.
Tất cả đều là công sức của mẹ tôi.
Bà ấy cần cù lại có thể chịu khổ, cùng với Tưởng Chu dựa vào tiền bạc trong nhà mà ngồi không ăn bám hoàn toàn là người của hai thế giới.
Tôi càng ngày càng không thể hiểu nổi, rằng tại sao bà ấy lại muốn ở bên Tưởng Chu.
Rồi lại vì sao mà chậm chạp không chịu cùng ông ta tách ra.
Năm mười lăm tuổi tôi dùng thành tích đứng trong top 3 toàn thành phố để thi đậu vào trường chuyên cấp ba của tỉnh.
Mẹ tôi vô cùng vui vẻ, mẹ mang một chiếc bánh kem trứng về hỏi tôi muốn quà gì.
Tôi nhìn mẹ, nghiêm túc nói: "Mẹ có thể ly hôn với Tưởng Chu không?"
Nụ cười của mẹ tôi cứng đờ trên mặt.
Mà Tưởng Chu đứng một bên đã nổi giật lật úp chiếc bánh kem kia xuống, chỉ vào mẹ tôi cười lạnh lẽo: "Đúng là đứa con gái tốt mà mày dùng tiền của tao nuôi ra đấy!"
Ông ta đóng sập cửa rồi đi.
Tôi nhìn chằm chằm vào mặt đất dính đầy bơ, một lúc lâu sau mới ngẩng đầu nhìn về phía mẹ tôi.
Sau đó lại hỏi một lần nữa: "Mẹ có thể ly hôn với ông ta không?"
Ngày ấy tôi đang ở giai đoạn nhạy cảm nhất trong tuổi dậy thì.
Đối với cái gia đình đã sớm hư thối mà vẫn cố gắng duy trì bề nổi hòa bình này, tôi chỉ cảm thấy hoang đường không thể chịu nổi.
Tôi bực dọc, khó chịu, vội vã muốn phá hủy tất cả những thứ này.
Nhưng mẹ tôi chỉ rũ mắt tránh đi ánh mắt của tôi.
"Ba con...rất tốt."
"Mấy năm nay ông ấy cũng không còn đánh mẹ nhiều nữa...."
"....Huống chi, mẹ yêu ba con mà."
Ánh đèn trong phòng khách chiếu xuống khiến mặt mày hơi tái nhợt của mẹ nhiễm một màu sắc ấm áp hơn cả.
Tôi không thể tin nhìn bà ấy, dường như đang nhìn thấy một câu chuyện nực cười nhất thế gian.
Hồi lâu sau tôi thu hồi vẻ mặt kia, chậm rãi lộ ra một nụ cười khinh miệt tới cực điểm.
"Bà xứng đáng với nó."
Tôi xin nội trú ở trường, từ đó trở đi một tuần mới về nhà một lần.
Mỗi lần nhìn thấy mẹ tôi, tôi đều cố ý bày ra một vẻ mặt lạnh lùng cực kỳ.
Có đôi khi Tưởng Chu say khướt về nhà, nhìn thấy tôi còn cười nhạo: "Là do mẹ mày không thể rời bỏ tao, hiểu chưa?"
Tôi không nói một lời, mặt vô cảm xúc đi lướt qua ông ta.
"Trong mắt mày còn có ---"
Mẹ tôi hốt hoảng đi qua đè tay ông ta lại: "Nhụy Nhụy còn nhỏ, đợi qua tuổi nổi loạn này là tốt rồi."
Trong lòng tôi cười lạnh lùng, càng lúc càng cảm thấy khinh bỉ.
Về sau, vào thời gian trước kỳ thi đại học việc học tập càng lúc càng căng thẳng, nhiều nhất một tháng tôi mới về nhà một lần.
Cũng bởi vậy nên chẳng để ý tới tóc của mẹ đã ngày càng bạc hơn.
Kỳ nghỉ đông năm lớp mười hai, bà ngoại tôi qua đời.
Mẹ tôi bận trước bận sau, xử lý hậu sự của bà rồi cùng tôi đứng trong nghĩa trang.
Tưởng Chu chẳng biết đang ở nơi nào.
Tôi quay đầu qua, nhìn thấy bông tuyết rơi vào đỉnh đầu của mẹ, xen lẫn vào những sợi tóc bạc, không thể phân biệt nổi.
Mẹ là một người phụ nữ có dáng vẻ cao gầy, tôi cũng thừa kế gen của bà ấy.
Chẳng biết từ khi nào tôi đã cao hơn bà ấy nửa cái đầu.
"Rốt cuộc tại sao mẹ lại không chịu ly hôn với ông ta?"
Tôi hơi bực tức nói: "Bà ngoại ốm lâu như vậy ông ta cũng không đến thăm một lần, tên súc sinh như thế có gì đáng giá để mẹ thích?"
Mẹ tôi lắc đầu: "Đừng nói như vậy, dù thế nào đi chăng nữa thì ông ấy cũng là ba của con."
"Bây giờ con còn nhỏ, đợi con lại lớn hơn chút nữa sẽ hiểu được nỗi khổ tâm của mẹ."
Mùa đông lạnh lẽo.
Bông tuyết lẳng lặng bay xuống.
Giữa đất trời rộng lớn này yên tĩnh đến nỗi dường như chỉ còn lại hai chúng tôi.
Tôi nhìn chằm chằm vào bia mộ, cảm nhận được nỗi bất an sốt ruột không biết tên lại một lần nữa cuốn hết tất thảy rồi càn quét trong thân thể này, dường như nó đã hoàn toàn cắn nuốt trái tim tôi.
"Mẹ bị đánh đến ngu luôn rồi à?"
Tôi quay ra nhìn chằm chằm bà ấy: "Còn nửa năm nữa con thành niên rồi, sao mẹ lại nghĩ con sẽ không hiểu?"
Bà ấy nhìn trôi, trong mắt phản chiếu ra đầy trời tuyết rơi.
Một lát sau mẹ tôi vươn tay ra sửa sang lại khăn quàng cổ đã xiêu xiêu vẹo vẹo trên cổ tôi: "Quả nhiên vẫn là bé con."
"Có một số việc không đơn giản như con nghĩ."
"Mẹ đúng là! Bị ông ta đánh chết cũng là do mẹ tự chuốc lấy!"
Tôi không thể nhịn được nữa, vứt lại những lời này rồi xoay người trở về trường học.
5
Nửa năm tiếp đó quan hệ của tôi và mẹ tôi đã rơi vào tình trạng đóng băng.
Mãi cho đến khi kì thi đại học kết thúc, hình như tôi đã không hề nói thêm một câu nào với mẹ.
Cho đến một ngày trước sinh nhật mười tám tuổi ấy.
Tôi tá túc một đêm ở nhà bạn học, đột nhiên nhận được tin nhắn của mẹ.
Bà ấy nhắn: "Nhụy Nhụy, mẹ nhớ con."
"Ngày mai sinh nhật con, mẹ đặt cho con một cái bánh kem rất lớn, con về nhà được không?"
Ký ức mười tám năm qua cuốn tới như núi kêu biển gầm.
Ngày còn nhỏ trong nhà rất nghèo khó. Ở trường mẫu giáo có một bạn gái đón sinh nhật, mẹ của bạn ấy mua một cái bánh kem rất lớn chia cho tất cả các bạn học.
Tôi chưa từng ăn qua thứ này, vì quá kích động nên lúc nhận bánh kem không cầm chắc, làm miếng bánh rơi vào trên váy của bạn ấy.
Bạn gái kia òa khóc rất to.
Thầy giáo gọi mẹ tôi tới. Người mẹ vì nhà máy đóng cửa mà vừa mới thất nghiệp của tôi không nói hai lời, bồi thường tiền váy cho bạn ấy, sau đó dẫn tôi đi tiệm bánh kem gần đó mua một chiếc bánh kem ô mai rất đẹp.
Mẹ nhìn tôi đang ngồi ở đối diện ăn bánh tới nỗi mặt mũi dính đầy kem, cười rất dịu dàng.
"Mẹ đảm bảo với Nhụy Nhụy, sau này mỗi ngày sinh nhật của con mẹ đều sẽ chuẩn bị cho con một chiếc bánh kem thật to, chúng ta không cần hâm mộ người khác được không con?"
Hơn nửa đêm, tôi đứng trên ban công nhà bạn học, đột nhiên khóc đến nỗi không thể kìm chế được.
Tôi yêu bà ấy như vậy.
Rồi lại bất lực không thể cứu bà ấy ra khỏi bể khổ.
Sự tức giận và bất lực của tôi không có chỗ nào để trút, lại biến thành lưỡi dao sắc bén làm tổn thương người khác và chính tôi.
Sáng hôm sau tôi nhanh chóng chạy về nhà.
Dưới lầu dừng một chiếc xe tải rất to, là hàng xóm ở sát vách đang dọn đi.
Tôi vừa muốn lên lầu thì cô hàng xóm đột nhiên kéo tay tôi lại, lôi tôi ra một góc khác.
"Dù sao cũng sắp dọn đi rồi, không có gì phải sợ ông ba điên của cháu nữa."
Cô ấy hạ giọng nói: "Tưởng Nhụy, cháu đừng trách mẹ cháu, nhiều năm như vậy chị ấy cũng không dễ dàng gì."
"Mấy năm trước cô nghe thấy chị ấy cãi nhau với ba cháu ở ban công. Chị ấy nói muốn ly hôn, ba cháu nói nếu chị ấy dám ly hôn thì anh ta sẽ cầm dao đi tới trường cháu quậy, chỉ cần anh ta còn sống một ngày thì sẽ không để hai mẹ con cháu sống yên ổn giây phút nào."
"Cháu còn phải thi đại học nữa, mẹ cháu cũng đều vì cháu cả..."
Nháy mắt đó tôi ngẩn ngơ tại chỗ.
Những lời sau đó của cô ấy giống như truyền đến từ một nơi rất xa xôi, đến nỗi tôi không thể nghe rõ.
Vừa phản ứng lại tôi đã nhấc chân chạy rất nhanh, liều mạng chạy lên lầu.
Vô số từ ngữ đọng lại thành một con sông, dường như nó muốn phá vỡ ngực tôi xông ra ngoài.
Tôi nghĩ, về tới nhà tôi nhất định phải xin lỗi mẹ trước.
Tôi muốn nói rằng con xin lỗi.
Muốn nói rằng con rất yêu mẹ.
Còn muốn nói, mẹ mau đi thôi.
Đi truy đuổi tự do của mẹ, đi tới nơi mẹ có thể giải thoát.
Con đã trưởng thành, con lớn rồi, con có năng lực phản kháng ông ta.
Bất kể ông ta làm gì con cũng có thể ứng phó.
Nhưng, tôi không còn cơ hội nữa.
Giây phút lúc tôi mở cửa ra, một mùi rượu nồng nặc truyền đến.
Tôi nhìn thấy chiếc bánh ngọt rất to đặt trên bàn ăn, là hình Doraemon mà tôi thích nhất.
Tôi nhìn thấy khung ảnh mới tinh trên bàn trà, là ảnh chụp chung của hai mẹ con tôi năm tôi mười tuổi, lúc mẹ dẫn tôi đi chèo thuyền.
Tôi nhìn thấy bình rượu vỡ nát, và đơn thỏa thuận ly hôn bị xét vụn.
Cuối cùng.
Tôi nhìn thấy vẻ mặt hoảng sợ của Tưởng Chu, ông ta hốt hoảng vứt con dao nhuốm máu xuống, vội vàng hoảng loạn chạy ra bên ngoài.
Mẹ tôi quỳ rạp trên mặt đất, dùng sức che vết thương trên cổ.
Nhưng bà ấy vẫn không thể nào ngăn cản máu tươi từ nơi đó phun ra.
Bà đang nhìn tôi.
Dùng cặp mắt sáng ngời ấm áp đó, cặp mắt đang dần dần mất đi thần thái đó.
Mẹ nói.
Mẹ nói---
Gì cơ?
Mẹ ơi, vào thời khắc cuối cùng của sinh mệnh, mẹ muốn nói gì với con cơ?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro