Tạm biệt
Tôi, có một người bạn.
Người ấy không thể hiện diện trước ánh sáng.
"Tao bảo mày thế nào? Mày cút ra khỏi nhà này đi! Đừng làm xấu mặt gia đình bọn tao!"
Hôm đó trời mưa rất to, đám mây đen che phủ cả bầu trời, từng hạt mưa nặng nề rơi mạnh mẽ xuống nền đá gồ ghề.
Khung cảnh tuy tối nhưng tôi không thể quên được lúc ấy, người bạn thân nhất của tôi, Trì Đường. Cô gái với tấm thân mảnh khảnh, ngã nhào xuống nền đá ấy, kèm với đó là tiếng va li cũng đập xuống người.
Tôi vội vã chạy tới che ô và nắm tay kéo Trì Đường dậy, tôi hốt hoảng nhìn từ trên đầu xuống dưới thân Trì Đường, dòng máu tươi đã hoà lẫn vào nước mưa, nhỏ thành giọt rơi mạnh mẽ xuống nền đá. Tôi nhớ rõ, năm đó khắp người cậu ấy chi chít vết thương, nhẹ có, nặng có, những vết bầm tím trông thật đáng sợ và đau đớn. Thứ để lại kí ức trong tôi có lẽ là đôi mắt lạnh nhạt của Trì Đường khi nhìn lại người dì, người chú từng thân thiết với mình, nay lại vứt bỏ mình chỉ vì một chút hiểu lầm.
Căn nhà Trì Đường ở thực chất không phải nhà cậu ấy. Cha mẹ Trì Đường đã mất từ khi Trì Đường còn nhỏ, bố tôi có kể qua rằng cha Trì Đường đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ truy bắt tội phạm, mẹ Trì Đường vì quá đau khổ và nhớ thương chồng nên đã bị trầm cảm và tự tử.
Trì Đường khi ấy chứng kiến hết thảy mọi sự mất mát to lớn nhất của cuộc đời, vẻ mặt lại không một giọt lệ lướt qua, chỉ bình tĩnh ngồi nhìn tấm ảnh cha mẹ. Có lẽ vì lí do đó nên cậu ấy bị mọi người trong họ hàng ghét.
Không lẽ nhà dì Trì Đường đuổi cậu ấy chỉ vì lí do đó?
Buổi tối hôm đó, cha mẹ tôi đứng đợi tôi quay về, họ vừa đứng nhìn đồng hồ vừa tức giận chờ tôi. Chắc chắn họ định khi nào con gái "yêu" của mình về thì cho một trận no đòn vì cái tội suốt ngày bỏ chạy đi chơi mặc cho trời mưa rõ to hay nắng vỡ đầu.
Nhưng thay vì về một mình, tôi lại dắt theo Trì Đường về. Từ ánh nhìn giận dữ muốn thiêu đốt cả ngôi nhà đã chuyển qua hoảng hốt, bất ngờ bởi những vết thương trên người Trì Đường.
Cha tôi là bác sĩ ở bệnh viện tỉnh, ông là người thầy thuốc uyên bác, giàu y đức, luôn có trách nhiệm với bệnh nhân của mình. Khi nhìn thấy Trì Đường ra nông nỗi vậy, ông đã chạy vào nhà lấy hộp sơ cứu to đùng ra và khẩn trương băng bó vết thương nhằm tránh bị nhiễm trùng, lại thêm đau đớn.
Mẹ tôi rất thương Trì Đường bởi hoàn cảnh éo le của cậu ấy. Ngay khi chứng kiến từng vết thương chằng chịt, đôi mắt bà đã ngấn lệ, hai hàng nước mắt đã rơi lã chã vì không thể tưởng tượng được nổi việc một đứa trẻ bị đánh không thương tiếc, rồi lại bị ngã đến chảy máu thế.
Ngay khi sơ cứu cho Trì Đường xong, họ đã mời Trì Đường ở lại ăn cơm. Họ cố gắng bắt chuyện với Trì Đường nhưng không được, khuôn mặt cậu ấy cứ lầm lì như pho tượng cứng ngắc, một câu cũng chẳng hé nửa lời. Đến ăn cũng chỉ ăn một chút rồi ngừng lại. Chắc là vẫn còn đau lắm. Chưa hoàn toàn nguôi ngoai.
Hết cách, cha tôi không còn ý định hỏi chuyện thêm, nhưng mẹ tôi đã nhanh trí hỏi Trì Đường một câu:
"Đường Đường còn gia dình không con?"
Khuôn mặt lầm lì ít nói ấy đã kinh ngạc đến tròn xoe mắt nhìn chằm chằm mẹ tôi, bỗng dưng nước mắt tuôn ra, cuối cùng mới mở miệng đáp:
"Con không còn ai ạ. Cha mẹ bỏ con rồi. Con không có nhà nữa."
Câu nói ấy khiến cho mọi người đau lòng, dường như không khí trong nhà đều toả ra sự chua xót cho tình cảnh của Trì Đường, câu nói ấy còn xuất phát từ một đứa trẻ còn non nớt, ngây ngô đã phải chịu đựng nỗi đau mất cha, mất mẹ.
Cha mẹ tôi nhìn nhau một lúc, rồi cha tôi nắm vai Trì Đường và nói:
"Đường Đường à, hay là cháu về với cô chú? Dù sao cháu với Nhã cũng thân nhau. Chắc chắn sé hoà hợp. Cháu thấy được chứ? Ở cùng cô chú nhé!"
Kể từ ngày đó, Trì Đường có một mái ấm mới. Nơi mà mọi người đều yêu thương, che chở, chăm sóc, và dõi theo từng chặng đường của cậu ấy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro