Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Vì sao Thúy Kiều lại rơi vào thanh lâu lần hai?

Tại sao viết phần này sớm như vậy?

Do câu "... cùng... bảo tồn văn hóa!" của Nhiên Nhiên @Rainy654 dụ dỗ, à nhầm, thuyết phục đó nha. 😆

Lỡ rồi, mở bài cũng nhờ ý của muội luôn vậy.


Lúc đó, ta trả lời là ta tính kiểu 1 + 1 = 2 cho hầu hết tình tiết trong "Một tiếng chửi". Nhưng riêng chỗ Nhiên Nhiên nói, ta dùng phương pháp thử và sai đến khi vừa ý thì thôi.

Tức là, nếu (đây là câu hoang tưởng) ta là một tác gia sống trước Nhiên Nhiên vài thế kỷ, có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, muội là một giáo viên văn, thì... nhờ có phần phân tích của muội mà truyện của ta hay hơn nhiều lần, và - rất quan trọng - là tự ta không phân tích ra được mình có ý như thế nào khi viết như vậy.

Ta, tay ngang ngoay ngoáy vài nét bút, thì như vậy? Còn những tác gia, tác giả thật sự thì sao? Hồi đó đi học, mỗi lần thầy cô dạy phân tích tác phẩm, có một câu hỏi cứ vẩn vơ trong đầu ra hoài: "Sao thầy / cô lại biết? Đó có thật sự là ý tác giả ko?"

*** *** ***

Vô chủ đề chính của hôm nay thôi. Mình bàn một chi tiết nhỏ trong Truyện Kiều nha - Vì sao Thúy Kiều bị bán vào thanh lâu lần hai?

Tại sao chọn chi tiết cỏn con như thế? Nói cho sang là những điều lớn lao đã có nhiều bậc tài hoa phân tích rồi. Nói thiệt tình là ta không đủ khả năng làm gì lớn lao hơn hết á!

Hồi đó đó, thầy cô hay nói Nguyễn Du đã gởi gắm cả cái nhìn của mình về xã hội phong kiến đương thời vào Truyện Kiều.

Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Tuyệt vọng và bất lực đến cùng cực. Số phận con người không do chính họ quyết định. Khổ lắm luôn!

Nhưng, ta ấy mà, khi đọc đến chỗ Kiều bị bán vào thanh lâu lần hai, ta cứ cho rằng không hoàn toàn là như vậy.

Thân ta ta phải lo âu,
...
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
Chỉn e quê khách một mình,
Tay không chưa dễ tìm vành ấm no!
Nghĩ đi nghĩ lại quanh co,
Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân.
Bên mình giắt để hộ thân,
Lần nghe canh đã một phần trống ba
...
Trời đông vừa rạng ngàn dâu
Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà!
Chùa đâu trông thấy nẻo xa,
Rành rành Chiêu Ẩn Am ba chữ bài.
...
Thấy màu ăn mặc nâu sồng,
Giác Duyên sư trưởng lành lòng liền thương.
Gạn gùng ngành ngọn cho tường,
Lạ lùng nàng hãy tìm đường nói quanh:
Tiểu thiền quê ở Bắc Kinh,
Qui sư, qui Phật, tu hành bấy lâu.
Bản sư rồi cũng đến sau,
Dạy đưa pháp bảo sang hầu sư huynh.
Rày vâng diện hiến rành rành,
Chuông vàng khánh bạc bên mình giở ra.
Xem qua sư mới dạy qua:
Phải nơi Hằng Thủy là ta hậu tình.
Chỉ e đường sá một mình,
đây chờ đợi sư huynh ít ngày.
...
Thấy nàng thông tuệ khác thường,
Sư càng nể mặt, nàng càng vững chân.
...
Có người đàn việt lên chơi cửa Già.
Giở đồ chuông khánh xem qua,
Khen rằng: Khéo giống của nhà Hoạn nương!

Tóm gọn lại là như vầy nè.

Sau đòn ghen của Hoạn Thư, Kiều sợ hãi, tìm đường bỏ trốn, nhưng vì
"Chỉn e quê khách một mình
Tay không chưa dễ tìm vành ấm no"
nàng đã trộm chuông vàng khánh bạc ở nhà Hoạn Thư. Khi gặp sư Giác Duyên, nàng tự nhận là mình tuân lệnh sư phụ "đưa pháp bảo sang hầu sư huynh". Sư thầy nghe phát tin ngay, đã cho nàng ở lại chùa.

Đến lúc có một Phật tử nhận ra chuông khánh giống của nhà Hoạn Thư, sư Giác Duyên mới tá hỏa, hỏi dò ra sự thật, và vẫn quyết tâm giúp nàng bằng cách gửi nàng ở nhà một Phật tử khác là Bạc bà. Sau đó, cháu Bạc bà là Bạc Hạnh lại bán nàng vào lầu xanh.

Đến đây, Thúy Kiều đã hoàn thành được phần đời "thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần".

Nếu cho tự do phân tích, ta sẽ nói rằng: lần thứ hai Kiều bị bán vào thanh lâu không phải do nàng "Tài tình chi lắm, cho trời đất ghen!", hay số phận đưa đẩy nàng phải rơi vào cảnh "hết nạn nọ đến nạn kia" gì hết á, mà là đơn giản là do... nàng tham lam.

Theo ý ta, cụ ND đưa vào ý
"Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân.
Bên mình giắt để hộ thân"
là để:

1. Cho thấy một sự thật là "một văn tiền bức chết anh hùng", và "đạo đức nói thì dễ hơn làm".

Một Thúy Kiều tài hoa như thế, thông minh như thế, lúc cần "quyền biến" vẫn cứ "quyền biến" thôi. Và còn quyền biến hơi vượt mức cần thiết nữa là đằng khác. Bằng chứng là nàng không trộm đủ dùng trong 1-2 ngày đầu tiên, rồi tìm cách tự lực cánh sinh, mà trộm dư xài luôn.

2. Nhắc nhở vài bài học đạo đức xưa nhưng chưa bao giờ cũ: "nghèo cho sạch, rách cho thơm", và "tham thì thâm". Nếu Kiều không cầm theo những thứ không phải của nàng, thì đã không có những trái ngang sau đó!

Vậy đó! Nguyên nhân trực tiếp khiến Kiều bị bán vào thanh lâu lần hai là do nàng tham lam. Một phút hay mấy phút thì tham lam cũng chính là tham lam thôi. Chứ trời, hay đất, hay chế độ xã hội chả làm gì ở đây hết. Rõ rành rành là như thế.

Ý cụ ND chính là thế. (???!!!)

Ta có thể chứng minh bằng cách giả sử cụ ND để Kiều ra đi tay không. Theo mạch truyện, chỉ qua một đêm đã gặp chùa của sư Giác Duyên, tức nàng không chết được. Và với khoảng cách gần như thế, có Phật tử đến viếng chùa, vô tình thấy Kiều, rồi ngờ ngợ nhận ra nàng. Câu chuyện vẫn có thể tiếp diễn mạch lạc, đâu cần có chuông khánh làm gì. Phải không nè?

*** ***

Các bậc tài hoa lỡ đọc được bài này, có khi nào họ sẽ lắc đầu ta đến chừng nào ý nghĩ này rớt ra thì thôi hay không??? 😆

À, mà số chuông khánh đó được xử lý như thế nào nhỉ? Kiều đem theo hay để lại chùa? Hay nặc danh trả lại cho Hoạn Thư?

*** ***

Một chút gì rất ngớ ngẩn, ta biết, hy vọng mọi người mua vui cũng được một vài ba phút. :-)

29/10/2022

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: