Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

NLVH

CÁC DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
LẦN 1
ĐỀ 1: CHÍ PHÈO
Bàn về văn học, Thanh Thảo cho rằng:
“Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc. Nó giúp con người sống “ra người” hơn, sống tốt hơn, nếu ta biết tìm trong mỗi quyển sách những vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và của con người.”
(Theo Nhà văn nói về môn Văn – Văn học và tuổi trẻ – NXB GD, 2015)
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào, bằng việc tìm hiểu một số truyện ngắn hiện đại, hãy làm sáng tỏ.

HƯỚNG DẪN :

Yêu cầu chung
– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.
Yêu cầu cụ thể

1. Giải thích ý kiến
* Cắt nghĩa ý kiến:
– Văn chương: là loại hình nghệ thuật bao gồm các sáng tác dùng ngôn từ nghệ thuật để phản ánh cuộc sống con người.
– Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc: văn chương thầm lặng đem đến cho người đọc những trải nghiệm mà một cuộc đời khó lòng thấu trải hết. Nó giúp người đọc thỏa mãn nhu cầu nếm trải sự sống muon hình vạn trạng. Đến với văn học, ta không chỉ khám phá, nhận thức hiện thực mà còn cảm nhận, hiểu biết tư tưởng, tình cảm, ước mơ, khát vọng của nhân loại và chính mình.
– Nó giúp con người sống “ra người” hơn, sống tốt hơn, nếu ta biết tìm trong mỗi quyển sách những vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và của con người:
+ nếu ta biết tìm trong mỗi quyển sách những vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và của con người:
(+) vệt sáng, nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và của con người: sự phát hiện của nhà văn về những vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong thế giới tâm hồn con người, có tác động tích cực đối với con người, cuộc đời. Người đọc sẽ nhận ra ý nghĩa của văn chương với tâm hồn mình từ chính điều này.
(+) Nếu người đọc chủ động tìm kiếm cái đẹp ẩn kín, tiềm tàng cũng như nhận ra sự thể hiện những vẻ đẹp sâu thẳm trong hình tượng nghệ thuật ở tác phẩm thì sẽ nhận ra được những thông điệp thẩm mĩ sâu xa.
+ Nó giúp con người sống “ra người” hơn, sống tốt hơn: tác phẩm văn học đem lại cho con người niềm vui trong sáng, thánh thiện, làm nảy nở trong tâm hồn ta những xúc cảm cao đẹp, hướng ta đến những phẩm chất tốt đẹp mang tính nhân văn.

* Lí giải ý kiến:
– Văn học nghệ thuật phản ánh cuộc sống một cách tổng hợp, toàn vẹn trong mọi quan hệ đa dạng, phức tạp, tập trung khám phá chiều sâu khôn cùng của tâm hồn con người.
– Văn học có sứ mệnh cao cả bởi tác động sâu sắc tới đời sống tinh thần con người: văn học làm giàu thêm nhận thức của con người về thế giới xung quanh, về chính bản thân mình; văn học bồi đắp, nâng đỡ, thanh lọc tâm hồn con người -> khiến con người trở nên hoàn thiện, người hơn, sống tốt hơn.
– Văn học luôn đồng hành với nhân loại, có vị trí không thể thay thế được trong đời sống của con người.

2. Làm sáng tỏ ý kiến bằng việc tìm hiểu một số truyện ngắn hiện đại trước 1945
Thí sinh được tự do lựa chọn một vài truyện ngắn hiện đại mà mình yêu thích để thấu hiểu vấn đề. Tuy nhiên, đây không phải là cảm nhận toàn bộ tác phẩm mà cần tập trung vào hai phương diện:
– Chỉ ra các thông điệp nghệ thuật, những trải nghiệm về cuộc sống, số phận, nhân cách hay chiều sâu tâm hồn con người trong tác phẩm. Từ tác phẩm, khám phá những điều mới mẻ trong cái bình thường, phát hiện chân lí sâu xa trong những điều giản dị.
– Từ việc phát hiện cái Đẹp sâu xa của nội dung tác phẩm ở những vệt sáng, nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của nhân vật, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm mà nhận ra giá trị nâng đỡ, thanh lọc tâm hồn con người của tác phẩm. Đó cũng chính là sứ mệnh cao cả muôn đời của văn chương nghệ thuật.

*bình luận ý kiến

– Ý kiến là lời tâm sự, chia sẻ của một người cầm bút luôn yêu quý và trân trọng văn chương, chỉ ra sứ mệnh cao cả của văn chương với con người.
– Ý kiến là định hướng để người đọc tìm hiểu, tiếp cận tác phẩm trong chiều sâu tư tưởng của nó.
– Bồi dưỡng tình yêu, niềm say mê văn học nói riêng, tình nhân ái, tư tưởng sống đẹp cho bạn đọc nói chung.

ĐỀ 2: HAI ĐỨA TRẺ

Nói về các giá trị của văn học, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 (Tập 2, chương trình cơ bản, tr.187) cho rằng:
“Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời”.
Bằng việc phân tích hai tác phẩm: “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam và “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, anh/ chị hãy bình luận về ý kiến trên.

a) Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận văn học về một hình tượng nghệ thuật; lập ý rõ ràng, kết cấu chặt chẽ; diễn đạt sáng rõ, lưu loát, không mắc các lỗi về từ ngữ, chính tả, ngữ pháp.

b) Yêu cầu về kiến thức:
– Nắm vững kiến thức lí luận về các giá trị của văn học và mối quan hệ giữa chúng với sức sống, sức lan tỏa và ảnh hưởng của một tác phẩm văn chương.
– Có những kiến thức cơ bản về lịch sử văn học, về sự phát triển của các giá trị văn học theo tiến trình lịch sử văn học dân tộc và văn học thế giới.
– Nắm vững kiến thức về hai tác phẩm: “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam và “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu; biết khai thác những giá trị cơ bản để thuyết minh và bình luận cho vấn đề lí luận.
– Học sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, song phải đảm bảo các ý cơ bản sau:

* Nêu vấn đề nghị luận: Các giá trị văn học và mối quan hệ của chúng đối với sức sống, sức lan tỏa của một tác phẩm; trích dẫn ý kiến lí luận.

* Giải thích ý kiến:
– Giải thích các khái niệm: chân, thiện, mĩ.
+ “Chân”: có nghĩa là chân thật, sự xác thực, là sự thật và chân lí được phản ánh vào trong tác phẩm văn học. Trái ngược với “chân” là giả dối, giả tạo, phù phiếm. Đi liền với “chân” là giá trị nhận thức.
+ “Thiện”: có nghĩa là cái tốt, cái hay được nhà văn thể hiện trong tác phảm, nó thuộc về phương diện đạo đức và nhân cách của con người, hướng con người đến với cái tốt đẹp trong cuộc sống. Trái với thiện là cái ác, là đi ngược lại với những chuẩn mực đạo đức xã hội. Đi liến với “thiện” là giá trị giáo dục tư tưởng, tình cảm.
+ “Mỹ”: có nghĩa là đẹp, là cái đẹp trong cuộc sống. Trong tác phẩm văn học, “mỹ” được hiểu là cái đẹp nghệ thuật, là sự kết hợp hài hòa giữa “chân” và “thiện”, là khả năng đánh thức, khơi gợi và bồi dưỡng những tình cảm thẩm mĩ của người đọc. Đi liền với “mỹ” là giá trị giáo dục tình cảm thẩm mỹ.
– Giải thích ý kiến: “Văn chương hướng đến chân – thiện – mỹ” là văn chương hướng đến những giá trị toàn diện, vừa phản ánh chân thực những vấn đề trong đời sống của con người, vừa hướng con người đến với cái tốt, cái đẹp, đồng thời khơi gợi và bồi dưỡng cho con người những rung cảm thẩm mĩ. Văn chương “chân – thiện – mỹ” là văn chương đem đến cho con người những giá trị về nhận thức, về những bài học tư tưởng đạo lí và về cái đẹp. Đó mới thực sự là văn chương chân chính vì con người. Khi đó, tác phẩm văn học sẽ được đón nhận, được lưu truyền và trở thành món ăn tinh thần của tất cả mọi người ở mọi thời đại.
– Đánh giá ý kiến: Ý kiến trên là sự đánh giá tổng hợp về các giá trị của tác phẩm văn học, vừa như một sự định hướng vừa là một yêu cầu đối với mỗi người cầm bút trong sáng tác văn chương.

* Khái quát vấn đề nghị luận
– Khái quát quy luật về mối quan hệ giữa các giá trị “chân – thiện – mỹ” và sức sống của một tác phẩm văn học qua sự vận động, phát triển của văn học thế giới nói chung và văn học Việt Nam nói riêng: Những tác phẩm đạt đến “chân – thiện – mỹ” là những tác phẩm vượt mọi giới hạn của thời gian và không gian để trở thành tác phẩm chung của cả nhân loại và với mọi thời đại. (Nêu một số tác phẩm tiên biểu trong lịch sử văn học để minh họa)
– Giới thiệu khái quát về hai tác giả Thạch Lam và Nguyễn Minh Châu trong sự phát triển của nền văn học Việt Nam qua mỗi thời kỳ, đồng thời khẳng định các tác phẩm của hai nhà văn là những tác phẩm đã đạt đến “châm – thiện – mỹ”. Tiêu biểu với Thạch Lam là truyện ngắn “Hai đứa trẻ” và Nguyễn Minh Châu là truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”.

* Phân tích truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
– Giới thiệu khái quát về tác phẩm: nội dung cốt truyện, thế giới nhân vật, giá trị chung về nội dung tư tưởng và nghệ thuật… Nhấn mạnh các giá trị “chân – thiện – mỹ”
– Phân tích cụ thể các biểu hiện về “chân – thiện – mỹ” trong tác phẩm:
+ Phản ánh một cách chân thực bức tranh đời sống xã hội Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945 qua bức tranh phố huyện và những kiếp người trên phố. (Phân tích các chi tiết cụ thể về phố huyện và đời sống các nhân vật)
+ Thể hiện một cái nhìn, một tình cảm nhân ái, yêu thương, đồng cảm với những cảnh đời bé nhỏ, tàn lụi trên phố huyện nghèo; đồng thời là một mơ ước, một niềm hi vọng về sự đổi thay, về một điều tươi sáng sẽ đến. (Phân tích các biểu hiện cụ thể của tinh thần nhân đạo Thạch Lam trong tác phẩm)
+ Những sáng tạo riêng, độc đáo về hình thức nghệ thuật, tạo nên một tác phẩm văn xuôi giàu chất thơ trữ tình, nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng.

* Phân tích truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu
– Giới thiệu khái quát về tác phẩm: nội dung cốt truyện, thế giới nhân vật, giá trị chung về nội dung tư tưởng và nghệ thuật… Nhấn mạnh các giá trị “chân – thiện – mỹ”
– Phân tích cụ thể các biểu hiện về “chân – thiện – mỹ” trong tác phẩm
+ Phản ánh chân thực và sâu sắc những vấn đề trong đời sống xã hội, những góc khuất, những khoảng lấp đằng sau cái vẻ bề ngoài thơ mộng của cuộc sống. (Phân tích những vấn đề được Nguyễn Minh Châu phản ánh trong tác phẩm)
+ Thể hiện cái nhìn phát hiện, khám phá, đồng cảm, trân trọng đối với người lao động, những con người bé nhỏ bất hạnh còn bị khuất lấp trong sự vận động đi lên của xã hội. (Phân tích tư tưởng, tình cảm và thái độ của nhà văn qua các nhân vật)
+ Những đặc sắc nghệ thuật: nghệ thuật xây dựng tình huống, nghệ thuật miêu tả bức tranh thiên nhiên và bức tranh đời sống… Đặc biệt là sự đổi mới ngòi bút phù hợp với việc phản ánh hiện thực trong nền văn học mới sau chiến tranh: đổi mới đề tài, đổi mới cách tiếp cận cuộc sống, dổi mới cái nhìn đối với người nghệ sĩ…

* Bình luận, đánh giá:
– Đánh giá về các giá trị “chân – thiện – mỹ” và sức sống của hai tác phẩm “Hai đứa trẻ” và “Chiếc thuyền ngoài xa” trong lòng người đọc và trong đời sống văn học.
– Đánh giá về ý nghĩa lí luận và thực tiễn của vấn đề nghị luận.
Lưu ý: Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng được cả những yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.

ĐỀ 3: CHỮ NGƯỜI TỬ TỪ
Bàn về truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Kiên cho rằng:
“Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời”.
Anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
A Giải thích vấn đề
– Chứng tích của một thời:  Phản ánh được hiện thực của thời đại với những vấn đề đời sống nổi cộm, bức thiết của nó.
– Hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời: Thể hiện được những vấn đề bản chất, cốt lõi của nhân sinh, những chân lí muôn đời, vượt qua giới hạn của thời đại.
– Ý kiến của Nguyễn Kiên không chỉ chia sẻ kinh nghiệm  sáng tác của nhà văn mà còn nêu lên một yêu cầu cốt tử đối với nội dung truyện ngắn.
 
 
Khẳng định vấn đề
* Vận dụng kiến thức lí luận văn học để khẳng định vấn đề:
– Văn học là tấm gương phản chiếu cuộc sống, hiện thực là một thuộc tính tất yếu của văn học. Vì thế tác phẩm luôn in dấu những đặc điểm lịch sử xã hội của thời đại mà nó ra đời, là chứng tích của một thời. Nhà văn sâu sắc sẽ nhìn thấy trong chứng tích của một thời những “tính tình bất diệt của loài người”, những hằng số giá trị của cuộc sống muôn thuở,  ấy là chân lí giản dị của mọi thời.
– Truyện ngắn bị giới hạn về dung lượng, nó thường phản ánh đời sống trong một lát cắt ngang, một khoảnh khắc. Nhà văn phải chộp được cái khoảnh khắc đắc địa, dồn nén, kết tinh những vấn đề cốt lõi, bản chất nhất. Vì thế truyện ngắn không chỉ phản ánh hiện thực của thời đại nhà văn sống mà còn thể hiện được những chân lí muôn đời.
* Thẩm bình một số truyện ngắn để khẳng định  vấn đề, cần chỉ ra được “chứng tích của một thời”, “chân lí giản dị của mọi thời” chứa đựng trong tác phẩm.
 
B Mở rộng và nâng cao vấn đề
– “Vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời” không chỉ là yêu cầu nội dung của một truyện ngắn hay, mà còn là phẩm chất của mọi tác phẩm văn học đích thực. Vì thế văn học luôn giàu giá trị nhận thức.
– “Chứng tích của một thời” “chân lí giản dị của mọi thời” cần được gửi gắm trong nghệ thuật truyện ngắn độc đáo, ấn tượng:  tình huống truyện bất ngờ, chi tiết đắt, kết cấu đặc sắc…Nhà văn phải có vốn sống phong phú, phải đào sâu tìm tòi mới có được một truyện ngắn hay như thế.

ĐỀ CHUNG CHO 2 TRUYỆN NGẮN: CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ, CHÍ PHÈO
Bàn về hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học, có ý kiến cho rằng:
“Một hình tượng nghệ thuật có tầm cỡ bao giờ cũng là một sự khám phá lớn. Sự khám phá này có thể bồi dưỡng tình cảm và làm phong phú thêm tâm hồn của con người.”
Bằng hiểu biết về những tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn lớp 11 THPT, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Hướng dẫn
Yêu cầu về kĩ năng
– Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học. Thể hiện được năng lực cảm thụ văn chương của bản thân.
– Bố cục rõ ràng, mạch lạc, có khả năng khái quát, tổng hợp vấn đề.
– Diễn đạt trôi chảy, câu văn sáng rõ, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách xong cần làm rõ được một số vấn đề sau:
2.1. Giải thích nhận định
– Hình tượng nghệ thuật có tầm cỡ: đó là những hình tượng mang tư tưởng lớn lao, có tính phổ quát, chuyển tải những vấn đề mà nhân loại quan tâm.
–  Sự khám phá lớn: thể hiện những sáng tạo tài năng của nhà văn mang tính bản chất của cuộc sống: sắc sảo, nhạy bén, độc đáo, mới mẻ.
–  Tác động đến tình cảm và tâm hồn con người: Những hình tượng nghệ thuật tầm cỡ có ảnh hưởng lớn đến lối sống, nhân cách, khuynh hướng thẩm mĩ của mỗi người.
2.2. Phân tích một số dẫn chứng để làm sáng tỏ nhận định
Học sinh có thể tùy ý lựa chọn các hình tượng nghệ thuật khác nhau trong những tác phẩm đã học, ở đây chỉ đưa ra một số gợi ý:
– Hình tượng Chí Phèo, Bá Kiến trong Chí Phèo
– Hình tượng Huấn Cao trong Chữ người tử tù  của Nguyễn Tuân…
2.3. Khẳng định lại ý nghĩa của nhận định sau khi đã  phân tích dẫn chứng.

ĐỀ 4: VỘI VÀNG
Khi bàn về công việc sáng tạo nghệ thuật, M. Goorki khuyên các nhà văn: “Bạn hãy giữ lấy cái gì là riêng của mình, làm sao cho nó phát triển tự do”.
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy  phân tích vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong bài thơ  vội vàng để làm nổi bật cái riêng của nhà thơ Xuân Diệu.
Gợi ý:
I Yêu cầu về hình thức và kĩ năng
Cần xác định đây là kiểu bài nghị luận văn học. Học sinh có thể có những cách làm khác nhau nhưng phải giải thích đúng câu nói của M. Goorki và phân tích hình tượng dòng sông để làm sáng tỏ “cái riêng”, sự sáng tạo của mỗi nhà thơ. Kết cấu chặt chẽ, viết văn lưu loát, có hình ảnh và cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu về nội dung
Trên cơ sở những hiểu biết cơ bản về kiến thức lí luận văn học, tác giả, tác phẩm thuộc phạm vi đề bài, học sinh cần làm rõ những nội dung sau:
Giải thích ý kiến của M. Goorki
– Cái riêng của mình mà M. Goorki nói đến ở đây chính là dấu ấn cá nhân, nét độc đáo, mới lạ, nổi bật về tư tưởng cũng như nghệ thuật, có phẩm chất thẩm mĩ của nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật mà ta gọi là phong cách. Phong cách mang tính ổn định, ít nhiều chịu sự chi phối của phong cách thời đại.
– Phát triển tự do: được hiểu là phát triển không bị gò bó, trói buộc, không bị lệ thuộc, chi phối bởi người khác.
– Cả câu trên khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng của nét riêng, cá tính sáng tạo trong phong cách nghệ thuật của nhà văn.
– Nét riêng trong sáng tác biểu hiện ở cách nhìn, cách cảm thụ, giọng điệu, sự sáng tạo các yếu tố nội dung cũng như hình thức tác phẩm…Đặc điểm riêng trong sáng tác là dấu ấn trưởng thành về bản lĩnh nghệ thuật của tác giả và làm nên phong cách độc đáo của nhà văn.
– Nhu cầu cuộc sống nói chung, văn học nói riêng là sự xuất hiện những nhân tố mới mẻ. Nếu không có cái riêng, sự độc đáo cá nhân thì văn học nghệ thuật sẽ đơn điệu và không còn hấp dẫn nữa.
Phân tích vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa xuân
ĐỀ 5: VỘI VÀNG
Nhà văn Nguyễn Minh Châu trong lời tự bạch của mình, từng viết:
“- Cái gì làm nên tác phẩm văn học?
– Cuối cùng, nói gọn lại là những con người và triết lí sống của những con người ấy”.
(Tổng tập nhà văn Quân đội- NXB Quân đội nhân dân, 2000)
Qua tác phẩm Đời thừa của Nam Cao và Vội vàng của Xuân Diệu, hãy trình bày hiểu biết của anh/chị.
 
Yêu cầu về kĩ năng:
biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề văn học đúng và trúng theo yêu cầu của đề.
Bài viết có kết cấu chặt chẽ, liến thức phong phú, chính xác, diễn đạt mạch lạc, viết có cảm xúc, không mắc lỗi các loại.
Yêu cầu về kiến thức:
Có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:
a, Giải thích ý kiến:
– “Điều làm nên tác phẩm văn học là con người”: con người bao giờ cũng là đối tượng trung tâm phản ánh của tác phẩm văn học. Nhà văn dẫu có viết về loài vật, phong cảnh thiên nhiên …thì cuối cùng cũng là viết về con người.
– “ Triết lí sông của những con người ấy”: Viết về con người, văn học không phản ánh chung chung số phận con người mà điều quan trọng nhất là thể hiện triết lí sống của những con người ấy. Triết lí không tồn tại dưới dạng những lời giáo huấn khô khan, cứng nhắc, vụng về mà phải được nhà văn phát biểu khéo léo dưới nhiều hình thức: trực tiếp hoặc gián tiếp qua lời nhân vật, qua những đoạn trữ tình ngoại đề hoặc bàng bạc trong suốt tác phẩm khiến người đọc suy ngẫm, rút ra bài học cho riêng mình.
→ Đây có thể xem là một trong những tiêu chí sáng tác quan trọng của các nhà văn.
b, Chứng minh
b1, Đời thừa (Nam Cao): đề cập đến cuộc sống người trí thức và những triết lí về nghề văn, về cuộc sống.
– Hiện thực cuộc sống con người những năm trước cách mạng đặc biệt là cảnh sống áo cơm gì sát đất của người trí thức. Đời sống nội tâm rất thực, rất người, đầy căng thẳng, giằng xé, vươn lên lẽ sống nhân đạo.
– Nhiều triết lí được đề cập trong tác phẩm:
+ Sống mà không thực hiện được khất vọng, chà đạp lên những nguyên tắc sống tốt đẹp thì đó là cuộc “đời thừa”.
+ Giá trị của tác phẩm văn học chân chính là làm cho “người gần người hơn”
+ Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”.
b2, Vội vàng (Xuân Diệu): là niềm đắm say tha thiết với cuộc đời và triết lí sống tích cực.
– Con người trong thơ mới là nhân vật trữ tình mang cái tôi cá nhân mạnh mẽ, khao khát giao cảm với đời, những ước muốn đoạt quyền của tạo hoá…
– Cảnh thiên đường trên mặt đất được nhìn bằng đôi mắt xanh non biếc rờn của con người trong tuổi trẻ và tình yêu; vẻ đẹp con người được lấy làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của con người và tự nhiên…
– Những trăn trở, suy niệm về thời gian từ đó rút ra triết lí sống “vội vàng”: Biến mỗi giây phút trong cuộc sống thành có ý nghĩa để tận hiến, tận hưởng.
c, Đánh giá:
– Con người là đối tượng trung tâm trong tác phẩm văn học. Văn học khám phá con người một cách tổng hợp, toàn vẹn trong mối quan hệ đời sống phức tạp cũng như tìm hiểu chiều sâu tâm hồn con người. “ Văn học là nhân học” (Macxim Gorki)
– Triết lí sống là sự chiêm nghiệm của các tác giả cả đời cầm bút để cố gắng đi tìm những giá trị, những lẽ sống tinh hoa, tốt đẹp nhất của con người.

ĐỀ 6: TRÀNG GIANG
Bàn về thơ, nhà thơ Ấn Độ R.Tagore viết:
Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong.
Anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên qua một số bài thơ giai đoạn 1930-1945 đã học trong chương trình 11
Gợi ý:
Yêu cầu.
Về kĩ năng.
– Trên cơ sở những kiến thức lí luận về đặc trưng thơ, học sinh biết vận dụng kết hợp các thao tác nghị luận để giải quyết vấn đề theo định hướng của đề bài.
– Bài làm có bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, hành văn mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ.
Về kiến thức.
Học sinh có nhiều cách trình bày nhưng cơ bản cần đảm bảo những yêu cầu sau:
Giải thích:
– Nụ cười và nước mắt: là những trạng thái cảm xúc của tâm hồn, là niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ… Đó là những cung bậc, sắc thái phong phú đa dạng của tâm hồn, là biểu hiện của thế giới “bên trong” con người.
– Phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong: là cảm xúc đã đến độ chín, cao hơn, là sự thống nhất giữa cảm xúc và lí trí, giữa tư tưởng và tình cảm của nhà thơ. Thơ là tình nhưng không phải là những cảm xúc hời hợt mà là lí trí đã chín muồi, nhuần nhuyễn. Bài thơ nào cũng gói ghém bên trong một chiều sâu suy nghĩ, tư tưởng, chứa đựng ít nhiều chân lí của cuộc đời.
=> Câu nói của Tagore đã nêu chính xác bản chất, đặc trưng của thơ là sự bộc lộ tình cảm, cảm xúc mãnh liệt đã được ý thức, được lắng lọc qua cảm xúc thẩm mĩ của nhà thơ.
– Lí giải vì sao thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong:
+ Vì văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, phản ánh cuộc sống trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, không phải đơn giản là mô phỏng, sao chép, miêu tả sự vật bên ngoài, các sự kiện xảy ra mà là sự tái tạo thông qua thế giới chủ quan của người nghệ sĩ.
+ Do đặc trưng của thơ ca: Nói đến thơ là nói đến cảm xúc, nhà thơ tái hiện cuộc sống thông qua những rung động của chủ thể trữ tình, bằng những xúc cảm mãnh liệt. Tình cảm mãnh liệt ở đây không phải là những khóc cười ồn ào bên ngoài mà là sự rung động mãnh liệt ở bên trong, sự giày vò, chấn động trong tâm hồn. Nhà thơ phải sống rất sâu vào tâm hồn mình, lắng nghe các xao động, đau đớn, sướng vui với những xúc động nội tâm. Thiếu tình cảm mãnh liệt và sâu sắc thì sẽ không có thơ. Độ chín của cảm xúc nhà thơ làm nên chiều sâu của sự thể hiện cuộc sống và lay động tâm hồn người đọc.
Chứng minh:
Thí sinh cần lấy được dẫn chứng tiêu biểu (một số bài thơ đã học trong chương trình 12) và phân tích một cách thuyết phục để làm sáng tỏ các khía cạnh của vấn đề nghị luận.
Đánh giá, bình luận:
– Câu nói của R.Tagore đã nêu chính xác đặc trưng nội dung của thơ là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức, là những rung động rất sâu ở bên trong tâm hồn nhà thơ, là tấc lòng, tư tưởng tình cảm mà thi sĩ kí thác, gửi gắm. Đó không phải là sự bộc lộ tình cảm một cách bản năng, trực tiếp mà là tình cảm nảy sinh từ những tiếp xúc với cuộc sống, là tình cảm được ý thức, được lắng lọc qua những xúc cảm thẩm mĩ, gắn liền với sự tự ý thức của nhà thơ về mình và cuộc đời.
– Thơ là kết quả của sự thăng hoa cảm xúc, là sự kết tinh vốn văn hoá, thể hiện cái nhìn về cuộc đời và biểu hiện những trạng thái xúc cảm của nhà thơ.
Tình cảm trong thơ phải là tình cảm lớn, cao đẹp, cao thượng, mang tư tưởng sâu sắc, thấm nhuần chất nhân văn, mang giá trị Chân- Thiện- Mĩ… thì thơ mới có sức vang động trong lòng người, tạo nên sức sống lâu bền.
– Ý kiến của Tagore mới chỉ nhấn mạnh đến đặc trưng nội dung của thơ là tình cảm đã được ý thức, mang đậm tính cá thể mà chưa đề cập đến đặc trưng hình thức của thơ. Thơ là tình đời, tình người ngân lên trong những âm vang ngôn ngữ, kết cấu, hình ảnh, giọng điệu, nhịp điệu… Sự hoàn thiện từ bên trong cần được biểu hiện bằng sự hoàn thiện của hình thức nghệ thuật để có thơ hay.

ĐỀ 7: ĐÂY THÔN VĨ DẠ
Có ý kiến cho rằng ngôn ngữ thơ phải giản dị. Ý kiến khác lại nhấn mạnh làm thơ là cần một  phần nghìn miligam quặng chữ. Quan điểm của em về vấn đề này?
Gợi ý:
Chọn một trong hai câu:“Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi/  Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang.” hay “Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt/ Một mật ngọt thành đòi vạn chuyến ong bay” (Chế Lan Viên)để dẫn dắt theo định hướng đề (mở bài gián tiếp).
1/ Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của tác phẩm văn học (Goorki). Etmông Fabex nói: “Chữ bầu lên nhà thơ”. Ngôn ngữ trong văn học giống như màu sắc trong hội họa, âm thanh trong âm nhạc. Trong sự lao động của nhà văn có sự lao động về ngôn ngữ, trong sự giày vò của sáng tạo nghệ thuật có sự giày vò về ngôn từ. Thành công của tác phẩm một phần lớn là nhờ khả năng ngôn ngữ của tác giả.
2/ Ngôn ngữ thơ giản dị là ngôn ngữ thơ giống như ngôn ngữ hằng ngày của đời sống nhân dân.
Vì sao ngôn ngữ thơ phải giản dị:
– Thơ tồn tại như sự minh chứng cho sức sống của ngôn ngữ dân tộc. Một đất nước yêu thơ ca chứng tỏ quốc gia ấy có tâm hồn lành mạnh, sâu sắc và tinh tế. Chưa có dân tộc nào chối bỏ hay hạ thấp các nhà thơ chân chính, những người biết tôn vinh và chia sẻ với tổ quốc, đồng bào mình bằng thi ca.
– Cũng không ai đánh giá, ghi nhận, xếp hạng nhà thơ chính xác, công bằng và sòng phẳng như đông đảo quần chúng nhân dân. Họ đọc thơ bằng trái tim và sự chiêm nghiệm, từng trải cuộc sống, bằng những linh cảm bản năng, bằng lòng yêu không gì có thể thay thế được với tiếng nói mẹ đẻ.
– Với các thi sĩ chúng ta, tôi nghĩ, làm thơ, trước hết là để đi vào thẳm sâu hay bay cao trong cõi ngôn ngữ Việt. Sau đó mới là giao lưu, hội nhập với bè bạn bốn phương. Khó đạt tới sự thấu tỏ tuyệt đối về cảm xúc và ý tứ, về những lung linh của con chữ, về tiết tấu nhịp điệu mang dấu ấn văn hóa, lịch sử, phong tục, thói quen bản địa khi đọc thơ không nguyên văn ngôn ngữ nguồn cội của thi sĩ. Thơ không chỉ có nghĩa mà chủ yếu phải là tình, là hồn, những khái niệm ai cũng biết nhưng lý giải một cách thấu triệt và sâu sắc là vô cùng khó. Trong thơ có hơi thở, hồn vía của dân tộc mình, đồng bào mình. Nó chính là cái thấm sâu nhất, lâu nhất và đương nhiên chi phối nhiều hơn cả trong hành trình sáng tạo của người cầm bút.
– Các nhà thơ đích thực ít ai không khởi đầu và đề cao chất truyền thống trong sáng tác thi ca, trong đó có việc sử dụng ngôn ngữ. Nhà văn không biết đến văn học dân gian là nhà văn tồi (M.Goorki)
(dẫn chứng)
3/ Nhưng làm thơ còn là cần một phần nghìn mili gam quặng chữ: ngôn ngữ thơ ca phải tinh luyện, mang dấu ấn sáng tạo riêng của người nghệ sĩ.
Vì sao ngôn ngữ thơ ca cần sáng tạo, tinh luyện:
+ Vì đặc trưng của ngôn ngữ thơ: hàm súc, cảm xúc, hình tượng (khác với văn xuôi).
+ Vì yêu cầu mỗi nhà thơ thứ thiệt cần có một vân chữ / không trộn lẫn (Lê Đạt).
+ Vì căn cứ vào đối tượng miêu tả, nội dung bài thơ và ý tưởng nghệ thuật của nhà thơ=> lựa chọn ngôn ngữ phù hợp.
(Dẫn chứng- lựa chọn những từ đắt, hay trong một số bài thơ để phân tích. Ý này cần làm rõ hơn ý ngôn ngữ thơ giản dị.)
4/ Đánh giá
Hai ý kiến bổ sung cho nhau.
– Việc sử dụng lựa chọn ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên quyết định thành công của mỗi tác phẩm.
– Bên cạnh ngôn ngữ hay, độc đáo bài thơ cần có nội dung sâu sắc và ý nghĩa được diễn đạt những qua ngôn ngữ đó.
– Bài học với người sáng tao: lựa chọn và sáng tạo ngôn ngữ phù hợp, sáng tạo trong sự kế thừa và cách tân.
– Bài học cho người tiếp nhận: tìm hiểu thơ bắt đầu từ việc tiếp cận ngôn ngữ văn bản, bám vào đặc trưng của thơ, phong cách nghệ thuật nhà thơ để thấy đóng góp riêng trong sử dụng từ ngữ của người nghệ sĩ ngôn từ

ĐỀ 8: ĐÂY THÔN VĨ DẠ
Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo, còn trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca. (V.Huygô)
Anh/chị suy nghĩ như thế nào về vấn đề trên? Hãy phân tích bài thơ ĐTVD của QHàn Mạc Tử  để làm sáng tỏ quan điểm của anh/chị.
        Gợi ý:
Giải thích ý kiến
– Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo:
+ Nghệ thuật: những yếu tố thuộc phạm trù hình thức của tác phẩm thơ ca: thể loại, cấu tứ, ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, các biện pháp tu từ…
+ Những vần thơ khéo léo: là những vần thơ đẹp, hấp dẫn bởi hình ảnh, ngôn từ, nhạc điệu…tạo ấn tượng ban đầu cho người đọc.
– Trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca:
+ Trái tim: cách diễn đạt hình tượng biểu hiện những tình cảm, cảm xúc mãnh liệt…vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ.
+ Tác phẩm thi ca: sản phẩm tinh thần của nhà thơ. Ở đây V.Huygô đề cập đến những tác phẩm thơ ca chân chính, có giá trị, có sức sống mãnh liệt trong lòng độc giả, vượt qua giới hạn của thời gian, không gian, trở thành tác phẩm chung của nhân loại, của muôn đời…
=> Ý kiến nhấn mạnh yếu tố tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ trong sáng tác thơ ca nói riêng, văn học nói chung. Đó là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định giá trị của tác phẩm.
Bình luận
Bình: Khẳng định sự đúng đắn của ý kiến.
– Về lí luận:
+ Xuất phát từ đặc trưng của thơ ca là những rung động và cảm xúc của con người trước cuộc sống được bộc lộ một cách tự nhiên, chân thành. Tình cảm, cảm xúc là yếu tố có trước, khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhà thơ. Thơ là do tình sinh ra (Viên Mai), Thơ khởi phát từ lòng người ta (Lê Quý Đôn)…
+ Chức năng, giá trị của văn học: giáo dục tư tưởng, tình cảm, hướng con người tới vẻ đẹp Chân – Thiện – Mĩ…Thơ ca muốn lay động lòng người, truyền được tư tưởng tình cảm cho người đọc thì người cầm bút phải rung động mãnh liệt, có tình cảm thương yêu hay căm giận sâu sắc…Thơ sinh ra từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt đắng cay (Ra-xun Gam – za- tôp).
– Về thực tiễn: trong sáng tác thơ ca từ xưa tới nay, những tác phẩm có giá trị đều là những tác phẩm được tạo nên từ trái tim giàu cảm xúc của người cầm bút.
Luận
– Trong văn học nói chung, thơ ca nói riêng, những tác phẩm có giá trị, nội dung và hình thức luôn thống nhất chặt chẽ với nhau, chúng sẽ không thể tồn tại và không thể có ý nghĩa thực sự khi có cái này mà không có cái kia.
Chính sự thống nhất của các yếu tố nội dung và hình thức nghệ thuật đã tạo nên sức mạnh tư tưởng cho tác phẩm. Yêu cầu lí tưởng là nội dung của tác phẩm phải có ý nghĩa lớn lao đối với đời sống con người, nội dung đó phải được biểu hiện bằng một hình thức độc đáo. Tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhất là những tác phẩm ngôn từ, bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung (Lêônôp).
– Muốn làm được điều đó, nhà văn phải có tâm huyết và tài năng.

Chứng minh ý kiến của V. Huygô qua việc phân tích bài thơ Tây Tiến ( Tham khảo )
– Giới thiệu thật ngắn gọn tác giả, tác phẩm, nhấn mạnh Tây Tiến là tác phẩm thơ ca có giá trị nội dung và nghệ thuật được tạo nên từ tâm huyết và tài năng của Quang Dũng.
– Về nội dung:
+ Nỗi nhớ chơi vơi, da diết về một thời Tây Tiến (gắn với hoàn cảnh ra đời của bài thơ).
+ Bức tranh thiên nhiên miền Tây vừa hùng vĩ, dữ dội, khắc nghiệt, vừa thơ mộng, huyền ảo, trữ tình.
+ Hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn đậm chất bi tráng.
– Về nghệ thuật:
+ Bút pháp lãng mạn phát huy cao độ trí tưởng tượng để diễn tả cảm xúc, tình cảm.
+ Thủ pháp đối lập, tương phản, phóng đại, lí tưởng hoá tô đậm vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người.
+ Ngôn ngữ sáng tạo, độc đáo, giàu tính nhạc, tính tạo hình.
=> Bài thơ thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật thơ Quang Dũng: một cái tôi lãng mạn, tài hoa, phóng khoáng, hồn hậu; có khả năng diễn tả thiên nhiên, tình người một cách gợi cảm, tinh tế. Thi phẩm làm đẹp, phong phú thêm hình tượng người lính trong văn học kháng chiến và qua đó gửi đến người đọc thông điệp về lòng yêu nước và lí tưởng sống cao đẹp nên có sức hấp dẫn độc giả mọi thời đại.
Kết luận
– Đánh giá khái quát nhận định của V.Huygô. Mỗi tác phẩm là một chỉnh thể nghệ thuật được tạo nên từ sự thống nhất của hai yếu tố nội dung và hình thức biểu hiện. Trong đó nội dung bao giờ cũng đóng vai trò quyết định việc lựa chọn hệ thống các phương tiện biểu hiện của người viết.
– Bài thơ Tây Tiến được tạo nên từ tài năng và tâm huyết của Quang Dũng là minh chứng cho sự đúng đắn của nhận định đó.

“Giá trị của tác phẩm nghệ thuật trước hết là giá trị tư tưởng của nó . Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm , chứ không phải ở tư tưởng thẳng đơ trên trang giấy . Có thể nói , tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật .”
(Nguyễn Khải , Các nhà văn nói về văn, NXB Tác phẩm mới , Hà Nội, 1985)
Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên ? Hãy liên hệ với sáng tác của Xuân Diệu hoặc Tố Hữu để làm sáng tỏ ý kiến trên

Hướng dẫn
1.Giải thích ý kiến của Nguyễn Khải
-Là nhà văn đã từng trải với nghề , Nguyễn Khải ý thức sâu sắc những yêu cầu khắt khe của văn chương . Ông hiểu giá trị của một tác phẩm trước hết là giá trị tư tưởng của nó .Nhưng là người đã trải nghiệm của đời cầm bút , ông cũng thấm thía nghệ thuật không phải chỉ là tư tưởng đơn thuần mà phải là “tư tưởng được rung lên ở các cung bậc tình cảm , chứ không phải ở tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy”, nghĩa là tư tưởng ấy phải được tắm đẫm trong tình cảm của người viết , tư tưởng ấy phải được chuyển tải bằng tình cảm , cảm xúc của người nghệ sĩ . Nói cách khác , ý kiến của Nguyễn Khải đã khẳng định mối quan hệ gắn bó , không thể tách rời giữa tư tưởng và tình cảm của nhà văn .
a) Giá trị của tác phẩm nghệ thuật trước hết là giá trị tư tưởng của nó”, câu nói hiển nhiên như một chân lí không thể phủ nhận .
-Một tác phẩm nghệ thuật có giá trị , trước hết phải đề xuất được một tư tưởng mới mẻ . Một nhà văn tài năng phải có những phát hiện riêng của mình về nhân sinh thông qua một nỗi lòng, một tình huống, một cảnh ngộ …của một nhân vật. Bởi xét đến cùng , thiên chức cao cả của văn chương nghệ thuật là phản ánh con người và hướng tới phục vụ đời sống con người . Vì thế , khi viết tác phẩm nhà văn không thể không bộc lộ tư tưởng của riêng mình , chủ kiến của riêng mình trước những vấn đề xã hội .
-Mặt khác, bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo . Nghể văn là nghệ sáng tạo . Cho nên nhiệm vụ khó khăn mà cũng là vinh quang của nhà văn là phải khám phá, phát minh ra một hệ thống tư tưởng của riêng mình . Bởi nói như Nam Cao “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay…sáng tạo những cái gì chưa có” .Tư tưởng sẽ là yếu tố cốt lõi hình thành nên phong cách nghệ thuật , dấu ấn riêng của nhà văn .
b) Tuy nhiên , theo Nguyễn Khải tư tưởng của một nhà văn “ là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm , chứ không phải ở tư tưởng thẳng đơ trên trang giấy”
  –Các Mác nói : quy luật của văn học là quy luật chung của cái đẹp , là quy luật của tình cảm . Có nghĩa là Mác nhấn mạnh tình cảm chứ không phải bất cứ yếu tố nào mới là ngọn nguồn sâu xa của cái đẹp .Mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực phải hướng con người tới cái đẹp bằng tình cảm của nhà văn
-Không phải ngẫu nhiên nhiên nhiều nhà thơ đã nói về sự thăng hoa của của xúc . Ngay từ xưa , Ngô Thì Nhậm đã kêu gọi các thi nhân “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần” . Xuân Diệu khi bàn về thơ cũng có ý kiến “Thơ hay, lời thơ chín đỏ trong cảm xúc”.Tư tưởng của nhà văn dù có mới mẻ, độc đáo đến đâu đi nữa mà không được thể hiện bằng một trái tim thì tư tưởng đó chỉ thẳng đơ trên trang giấy mà thôi.  
c) Tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật .”
-Tác phẩm văn học là tiếng nói của tâm hồn , tình cảm cá nhân của người nghệ sĩ trước cuộc đời .Nhà văn sáng tạo tác phẩm văn học khi cảm thấy bức xúc trước cuộc sống của con người , cảm thấy có sự thôi thúc mãnh liệt của con tim . Vì vậy , không phải vô cớ mà Lê Quí Đôn cho rằng “Thơ khởi phát trong lòng người”
-Tình cảm còn là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng tác phẩm tác phẩm nghệ thuật của nhà văn . Ở đây là muốn nói đến người đọc . Người đọc đến với tác phẩm đâu phải bằng con đường lí trí mà bằng chiếc cầu nối từ trái tim đến với trái tim.Những tư tưởng tâm đắc nhất , tha thiết nhất nhà văn gửi gắm trong tác phẩm sẽ thâm nhập vào tâm hồn người đọc trong hình hài của cảm xúc . Nhà văn Bùi Hiển đã khẳng định ý nghĩa đặc biệt của tiếng nói tri âm trong văn chương như sau : “Ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông chia sẻ giữa người đọc và người viết là trên hết”
-Một tác phẩm có giá trị hay không xét cho cùng là do tình cảm của nhà văn có chân thực hay không , có khả năng tác động sâu xa đến tâm hồn người đọc hay không

Bình luận ý kiến sau đây của Nguyễn Tuân : Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ . Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo . Không nên ăn bám vào ngôn ngữ của người khác .Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay (…) . Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy , nhưng sử dụng nó sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước . Dùng chữ như đánh cờ tướng , chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó . Văn phải linh hoạt . Văn không linh hoạt là văn cứng đơ, thấp khớp .
I.Mở bài
Ngôn ngữ là đặc trưng , là chất liệu cơ bản , là phương tiện biểu đạt của văn chương.Xét ngôn ngữ của một tác phẩm có thể thấy được tài năng của nhà văn . Các nhà văn có tài thường có ý thức khi sử dụng ngôn ngữ . Nguyễn Tuân là một người như thế . Bởi thế, khi nói chuyện với các nhà văn trẻ , NT đã khẳng định : Ở đâu có lao động …cứng đơ, thấp khớp .
II.Thân bài
1.Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ . Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo.Không nênăn bám vào ngôn ngữ của người khác.
-Mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng . Nhưng không phải con người vừa sinh ra đã có tất cả mà phải trải qua hàng nghìn , hàng triệu năm vốn ngôn ngữ của con ngươi mới được như ngày nay .
-Làm cho ngôn ngữ của dân tộc đó  trở nên trong sáng , phong phú hơn còn tuỳ thuộc vào các nhà văn , nhà thơ .Họ như những con ong cần mẫn hút mật cho đời .Một nhà thơ nước ngoài đã từng thấm thía giá trị cao quý của lao động trong thi ca :
Phải phí tổn ngàn cân quặng chữ
Để thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài .
-Các nhà văn không phải ngẫu nhiên có vốn ngôn ngữ như họ đã có , mà họ phải phải lăn trải vào đời, phải lao động , phải học tập , tích luỹ từ ngôn ngữ nhân dân.Ngôn ngữ văn học tuy so với ngôn ngữ nhân dân không phong phú bằng nhưng xét về mặt biểu cảm hay để thể hiện một điều gì đó thì nó lại đạt mức độ tinh tế và sắc nét hơn .Tuy nhiên , ngôn ngữ văn học phải dựa vào ngôn ngữ nhân dân thì mới có sức sống .Chẳng thế mà Nguyễn Thi để cho chị Ut Tịch nói : “Còn cái lai quần cũng đánh” nghe dân dã làm sao ! Hay trong tác phẩm Mùa lạc của Nguyễn Khải , ngôn ngữ của chị Đào là ngôn ngữ rất quen thuộc trong nhân dân nhưng rất giàu tính biểu cảm(đoạn chị Đào suy nghĩ về cuộc đời, số phận mình)
-Học tập ngôn ngữ nhân dân nhưng “ Nghệ thuật không phải là sự sao chép tự nhiên”, tất nhiên là về mọi mặt , kể cả ngôn ngữ . Mỗi nhà văn phải có một phong cách , có một giọng văn riêng .Cũng như  nhà văn Liên Xô Tuốc-ghê-nhép nói : “ Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình , là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác”
-Chứng minh bằng lao động nghệ thuật và tài năng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân , Nguyễn Du , Xuân Diệu , Tố Hữu…
2.Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay (…) . Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy , nhưng sử dụng nó sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước . Dùng chữ như đánh cờ tướng , chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó . Văn phải linh hoạt . Văn không linh hoạt là văn cứng đơ, thấp khớp .
-Nhà văn tài năng phải có vốn ngôn ngữ phong phú của chính tâm hồn mình . Ngôn ngữ nhà văn phong phú sẽ làm cho văn giàu hình tượng , giàu nhạc tính . Nhưng điều quan trọng hơn cả là phải biết lựa chọn , sử dụng ngôn ngữ thích hợp vì như Nguyễn Tuân đã khẳng định : “Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy , nhưng sử dụng nó sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước . Dùng chữ như đánh cờ tướng , chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó . Văn phải linh hoạt . Văn không linh hoạt là văn cứng đơ, thấp khớp”
–Bởi vì ngôn ngữ văn học trước hết phải chính xác .Tuy nhiên, ngôn ngữ văn học chính xác nhưng không cứng nhắc mà uyển chuyển , mềm mại . Bởi vì thơ văn sinh trưởng từ tâm hồn con người nên sự chính xác của ngôn ngữ văn học có sự khác biệt với sự chính xác của khoa học . Chính vì thế mà Nguyễn Du viết :
Cỏ non xanh dợn chân trời
                                      Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Có bản chép :
Cỏ non xanh rợn chân trời
                                      Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Hoặc :
Cỏ non xanh tận chân trời
                                      Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Nếu dùng chữ tận thì trước mắt ta chỉ là thảm cỏ xanh mênh mông , còn dùng chữ rợn thì đã có sự sống  bên trong của thảm cỏ xanh ấy . Nhưng chữ dợn chính xác hơn cả vì thảm cỏ không chỉ có sức sống mà dường như sức sống ấy đang sôi động , nhảy múa trước mắt ta .
–Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ có khả năng diễn đạt tinh tế, biểu cảm và giàu hình ảnh (dẫn chứng đoạn văn mở đầu Hai đứa trẻ của Thạch Lam và đoạn văn tả cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân –phân tích khả năng miêu tả tinh tế, biểu cảm , giàu hình ảnh ) .Hay người Việt Nam yêu truyện Kiều không thể quên được những câu thơ tả cảnh mùa thu của Nguyễn Du với âm hưởng ca dao dịu dàng  , man mác :
Long lanh đáy nước in trời
                                        Thành xây khói biếc , non phơi bóng vàng
Đó là một cảnh thu long lanh mĩ lệ đầy chất thơ mà mãi đến những thế kỉ sau người dân Việt Nam cũng không thể nào quên .
-Để có được vốn ngôn ngữ phong phú nhà văn phải lấy vốn từ cuộc sống , từ nhân dân , phải bám rễ sâu vào đời để tích luỹ, học tập . Nhưng khi sử dụng ngôn ngữ phải biết sáng tạo vì “Dùng chữ như như đánh cờ tướng , chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó . Văn phải linh hoạt . Văn không linh hoạt là văn cứng đơ, thấp khớp” . Những con chữ nếu không được đạt đúng chỗ  thì nó sẽ trở nên “cứng đơ, thấp khớp” không linh hoạt .
3. Ý kiến của Nguyễn Tuân cho thấy ông rất quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ văn học nói chung và ngôn ngữ văn xuôi nói riêng . Tuy ngôn ngữ không phải là yếu tố duy nhất làm nên tác phẩm văn học có giá trị nhưng nó yếu tố góp phần tạo nên giá trị của tác phẩm . Nguyễn Tuân cũng được xem là “nhà luyện đan ngôn từ”

Câu 2: (12,0 điểm)
“Nghệ thuật là lời nói dối giúp chúng ta nhận ra chân lí” (Picasso).
Bằng những hiểu biết về văn học, anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên
1. Hiểu và giải thích được nội dung câu nói:
– Lời nói dối được hiểu là sự hư cấu tưởng tượng trong sáng tạo nghệ thuật  [ Nhà văn có thể bớt đi hay thêm vào, nhấn mạnh hay làm lu mờ đi, hoặc hoàn toàn sáng tạo ra một chi tiết, một tình huống, một nhân vật nào đó phục vụ cho ý tưởng sáng tạo của mình].
– Chân lí là sự phản ánh sự vật, hiện tượng của hiện thực một cách đúng đắn, chính xác, thể hiện được bản chất của đời sống.
– Nội dung câu nói: câu nói đề cập đến đặc trưng cơ bản nhất của sáng tạo nghệ thuật: người nghệ sĩ phải bằng tưởng tượng hư cấu để phản ánh hiện thực đời sống.
2. Vận dụng kiến thức lí luận văn học và tác phẩm văn học để khẳng định và đánh giá vấn đề:
– Văn học bao giờ cũng phản ánh hiện thực. Chức năng của văn học là giúp người đọc nhận ra chân lí đời sống.
– Tuy nhiên, văn học phản ánh đời sống bằng hình tượng. Hình tượng chính là sự nhào nặn đời sống một cách sáng tạo, thông qua trí tưởng tượng phong phú và thế giới cảm xúc của nhà văn. Vì vậy, hư cấu tưởng tượng là yêu cầu tất yếu của quá trình sáng tác.
– Nói đến hư cấu tưởng tượng trong tác phẩm văn học là thừa nhận tính không đồng nhất giữa sự thật đã từng tồn tại trong đời sống thực và các chi tiết, sự kiện đó được phản ánh vào trong tác phẩm văn học nghệ thuật.
– Hư cấu tưởng tượng giúp nhà văn phản ánh hiện thực một cách sống động, vừa cụ thể vừa khái quát và có khả năng tác động đến người đọc một cách sâu sắc, ám ảnh, mãnh liệt hơn chính cả hiện thực đời sống.
3. Mở rộng nâng cao vấn đề:
– Nếu các chi tiết trong tác phẩm văn học được phản ánh trung thực gần như sao chép sự thật đã và đang xảy ra trong đời sống thực thì cùng lắm đấy chỉ là một cuốn biên niên sử, chứ không thể là một tác phẩm văn học nghệ thuật.
– Hư cấu tưởng tượng nếu bị lạm dụng quá đà, rời xa hiện thực sẽ dễ đi vào con đường hoặc tô hồng hiện thực, hoặc bóp méo hiện thực, hoặc xuyên tạc hiện thực. Khi đó, tác phẩm văn học sẽ không thể chứa đựng chân lí đời sống.
– Hư cấu tưởng tượng là tư chất cần thiết của người nghệ sĩ.
– Nhà văn phải có vốn sống phong phú, dồi dào, sâu sắc thì sự hư cấu tưởng tượng của nhà văn trong tác phẩm mới có khả năng chứa đựng chân lí đời sống.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro