Nguyễn Tuân và Người Lái Đò SĐ
Nguyễn Tuân từng tâm niệm: Đã là nhà văn, mỗi người phải có cái vision riêng. Mất cái riêng đó cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ thiên chức nghệ sĩ của mình.
Gặp những cái đẹp như vậy, cảm hứng bốc cao, ông liền ném ra cả cái kho chữ nghĩa phong phú của mình và cái vốn tri thức thuộc đủ mọi ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau, để phân tích giảng giải, để bình, để tán - bình và tán cho đến sơn cùng thủy tận, dường như không muốn cho ai còn có thể bàn thêm tán thêm được gì hơn nữa.
Đã chơi văn, chơi tài, thì tất nhiên văn phải ra văn, nghệ thuật phải đúng là nghệ thuật. Đọc Nguyễn Tuân, thấy người xưa nói đúng: văn chương quả có cái ma lực của nó thật. Có những sự vật, những hiện tượng, đối với cây bút khác có lẽ chẳng có gì đáng nói, đáng viết, nhất là viết thành lời đẹp, văn hay. Ấy thế mà Nguyễn Tuân đã khai thác được như là những đề tài phong phú, mới lạ và tạo nên được những áng văn đầy sức hấp dẫn. Đấy là một tay bút có thể viết nhiều trang rất đỗi tài hoa về một cái đinh sắt rỉ dùng để mắc áo trên tường (Chiếc lư đồng mắt cua), có thể viết cả một cuốn sách về một mái tóc đàn bà (Tóc chị Hoài), có thể diễn ra bằng “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” về một cây sấu ra hoa, về một cành bàng nảy lộc, thậm chí về một bát phở, một hạt cốm... Cái công phu ông bỏ ra để luyện cho mình một cái văn như thế thật ít ai có được: đọc nhiều, tra cứu nhiều, đi nhiều, xem nhiều, tích lũy nhiều, ngẫm nghĩ nhiều. Và mỗi lần cầm bút là cân nhắc từng câu, từng chữ. Viết xong lại còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần để kiểm nghiệm lại chính cái viết của mình - kiểm nghiệm bằng mắt nhìn, bằng tai nghe chưa đủ, “còn phải ngửi lại, nếm lại cái lời mình viết ra kia (...), có khi lại như chính lòng bàn tay mình phải sờ lại những góc cạnh câu viết của mình” (Về tiếng ta).
Cái khó của Nguyễn Tuân là ở chỗ này: đã viết thì phải độc đáo, phải in đậm cá tính, phong cách riêng của mình trên trang sách. Nghĩa là phải viết cho ra Nguyễn Tuân, mỗi lần đặt một câu, một chữ lên trang giấy trắng, phải làm sao để có thể nói được dõng dạc với độc giả: đây là văn Nguyễn Tuân, đây là chữ nghĩa của Nguyễn Tuân!Nhưng đọc văn Nguyễn Tuân, phải thấy cái ngông nghênh kiêu bạc chỉ là bề nổi- bề nổi của tảng băng trôi, nói theo cách của Hemingway - cũng như cái can, cái píp, bộ ria Hoa Kỳ chỉ là cái phong dạng bề ngoài của ông mà thôi.
Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân có ba yếu tố ưu trội: con người - thiên nhiên - ngôn từ. Hai yếu tố đầu nhiều nhà phê bình đã phân tích rất kĩ càng. Nhưng thiết nghĩ, ngôn từ như một yếu tố ưu trội trong sáng tác của Nguyễn Tuân nói chung, Người lái đó Sông Đà nói riêng, có thể vẫn còn khoảng rộng để chúng ta tiếp tục thăm dò, phát hiện; nói Nguyễn Tuân là một bậc thầy ngôn :từ văn chương không có gì quá. Thậm chí có người còn thích sử dụng từ “xảo thủ”,hơn thế là một “phù thuỷ” khi nói về biệt tài “điều khiển chữ nghĩa” của nhà văn.Đọc Người lái đò Sông Đà một cách kĩ càng rồi ngẫm ngợi - từ góc nhìn văn hóa - sẽ thấy cái nhã thú văn chương mà nhà văn neo vào lòng ta. Neo vào lòng ta cái đẹp cuộc sống, cái đẹp thiên nhiên, cái đẹp con người. Đã đành. Nhưng những cái đẹp đó đi qua, lọc qua, thẩm thấu, ánh lên qua ngôn từ. Không phải là tất cả, mà độc giả tinh hoa và giới phê bình có con mắt xanh đều nhận ra “tính nhịp điệu” trong văn xuôi Nguyễn Tuân. Định nghĩa “Nhịp điệu” (tiếng Pháp -rythme) khá đầy đủ trong sách Từ điển thuật ngữ văn học (Nhiều tác giả, NXB Giáo dục, 2004). Chúng tôi chú ý đến phần tường giải gắn với văn xuôi: “Trong văn xuôi, nhịp điệu của tổ chức lời văn được hình thành trên cơ sở sự phân, tách văn bản thành chương, hồi, đoạn. Câu văn dài, ngắn, khúc khuỷu được lặp lại cũng tạo nên nhịp điệu cảm nhận đời sống”(tr.238).Mối quan tâm của chúng I tôi chính là kiến trúc của câu văn tạo nên Nhịp điệu văn xuôi trong Người lái đò Sông Đà.
Một lần đọc Nguyễn Minh Châu viết về Nguyễn Tuân, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một nhận định: “Đọc lại Sông Đà của Nguyễn Tuân, câu văn Nguyễn Tuân viết như đem vật từng tảng đất trên trang giấy. Từng termes dans la phrase có cái chất uy nghi chung của hình thức như cái đỉnh ba chân cao đặt trước sân rồng. Nói chung câu văn Nguyễn Tuân câu nào cũng nặng, nhịp điệu nặng vì thế nếu ỷ mà nhẹ, nhẹ tếch đi là chết. Câu văn của ông ta cũng như khổ người của ông ta nặng nề, chậm một cách đủng đỉnh, bệ vệ và uy nghi, vì thế khi cái nội dung bên trong khuyết đi ít nhiều, chỉ cần ít nhiều, là thứ văn Nguyễn Tuân bị hẫng” (Nguyễn Tuân - Tác phẩm và dư luận)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro