IV4. Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê
I. NHỚ
1. Tác giả
Nhà văn Lê Minh Khuê sinh năm 1949, quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Bà từng là thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mĩ và bắt đầu viết văn vào những năm 70. Truyện ngắn của Lê Minh Khuê trước 1975 thường viết về cuộc sống chiến đấu của thanh niên xung phong, bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn, sau 1975 thường viết về con người trên tinh thần đổi mới và những chuyển trong đời sống xã hội. Bà có những tác phẩm nổi bật như: "Cao điểm mùa hạ", "Bi kịch nhỏ",...
2. Tác phẩm
Truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" là một trong những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, ra đời vào năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Bấy giờ, tác giả là thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Bằng ngôi kể tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung, cùng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc, Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mộng mơ trong cuộc sống chiến tranh khốc liệt, gian khổ. Đồng thời ca ngợi lòng quả cảm, khí chất anh hùng của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ mà tiêu biểu trong đó là những cô gái thanh niên cung phong.
3. Tóm tắt
Truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" kể về ba cô gái thanh niên xung phong: Phương Định, Nho và Thao - chị cả cũng là đội trưởng tổ trinh sát mặt đường trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do địch gây ra, đánh dấu vị trí của những quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc hết sức nguy hiểm từ ba đến năm lần mỗi ngày, họ thường xuyên phải đối mặt với Thần Chết trong mỗi lần phá bom. Sống trong một hang đá dưới chân cao điểm khắc nghiệp và nguy hiểm nhưng ba cô gái vẫn có niềm vui, hồn nhiên, mơ mộng, yêu thương nhau bằng tình đồng đội thắm thiết trong cuộc sống chiến đấu dù mỗi người một tính. Phương Định - nhân vật chính cũng là người kể chuyện - là một cô gái giàu cảm xúc, hay mơ mộng, hay hoài niệm về những ngày ở thành phố cùng gia đình mình. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, Phương Định, Thao hết lòng lo lắng, chăm sóc. Rồi đột nhiên một cơn mưa đá ập xuống chân cao điểm khiến ba cô gái tạm quên đi những khó khăn đau đớn, vô cùng thích thú và vui vẻ trở lại.
II. HIỂU
1. Ngôi kể
Ngôi thứ nhất, kể từ góc nhìn của Phương Định khiến câu chuyện mang tính chủ quan chân thực, đáng tin cậy vì người kể là người trực tiếp tham gia câu chuyện. Ngôi kể thứ nhất cũng khiến thế giới nội tâm nhân vật được bộc lộ phong phú, rõ nét hơn.
2. Tình huống truyện
Tình huống căng thẳng. Ba cô gái thanh niên xung phong sống trên một cao điểm - nơi trọng điểm bắn phá của máy bay Mĩ trên tuyến đường Trường Sơn. Ngày nàu họ cũng phải đối mặt với cái chết từ ba đến năm lần. Đặc biệt là tình huống căng thẳng khi nhân vật Phương Định đối mặt với quả bom chưa nổ. Đặt nhân vật vào tình huống ấy, tác giả muốn khẳng định, ca ngợi phẩm chất anh hùng của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ. Như vậy, tình huống giúp nhà văn khắc sâu chủ đề tác phẩm.
3. Ý nghĩa nhan đề
Nhà văn Lê Minh Khuê đặt tên cho tác phẩm của mình là "Những ngôi sao xa xôi" - một nhan đề ẩn chứa ý nghĩa sâu xa. "Những ngôi sao xa xôi" là một cụm từ chỉ những ngôi sao sáng khiêm nhường chỉ thấy được khi bầu trời về đêm. Có lẽ nhà văn muốn mượn hình ảnh thiên nhiên để chỉ những cống hiến thầm lặng của những cô gái thanh niên xung phong, sống và làm việc trên một cao điểm xa xôi ít người biết đến nhưng từ ánh mắt đến hành động của họ đều sáng ngời lòng yêu nước. Họ đáng để chúng ta noi theo. Nhan đề đã làm nổi bật chủ đề tác phẩm.
4. Kể tên tác phẩm
a, Cùng viết về những người lính:
- "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" - Phạm Tiến Duật.
- "Đồng chí" - Chính Hữu.
b, Sáng tác cùng thời điểm chống Mĩ:
- "Chiếc lược ngà" - Nguyễn Quang Sáng (1966).
- "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" - Phạm Tiến Duật (1969).
- "Lặng lẽ Sa Pa" - Nguyễn Thành Long (1970)
III. XÂY DỰNG ĐOẠN TỔNG HỢP
1. Trình bày cảm nhận của em về ba cô gái thanh niên xung phong có dùng thành phần phụ chú, phép nối, câu nghi vấn và đoạn diễn dịch.
a, Phân tích đề
b, Lập ý
c, Bài làm
Đọc "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê, chúng ta không khỏi cảm phục yêu mến trước tâm hồn trong sáng đáng yêu và phẩm chất anh hùng của ba cô gái thanh niên xung phong. Đất nước lâm nguy, vì tình yêu Tổ quốc, họ tình nguyện đi vào chiến trường mặt trận, trở thành những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đối mặt với điều kiện sống, làm việc vô cùng gian khổ, nguy hiểm: họ sống trong một hang đá dưới chân cao điểm - nơi trọng điểm bắn phá của máy bay Mĩ; công việc hằng ngày là quan sát định ném bom, đo khối lượng đất đá san lấp hố bom và phá những quả bom chưa nổ. Thần chết luôn rình rập, đạn bom ác liệt rơi nơi chiến trường khói lửa, nhưng ở họ vẫn toát lên vẻ đẹp tâm hồn trong sáng đáng yêu. Như nhiều cô gái khác, họ có một tâm hồn nhạy cảm, dễ xúc động, hay mơ mộng, dễ buồn vui, chỉ một cơn mưa đá cũng khiến các cô vô cùng thích thú. Họ giàu nữ tính, thích làm đẹp cho cuộc sống của mình đặc biệt là Thao - chị cả cũng là đội trưởng - lớn tuổi nhất, thích thêu thùa, làm dáng, "lông mày lúc nào cũng tỉa nhỏ như que tăm", thích chép bài hát dù "không hát trôi chảy được bài nào". Trong chiến đấu Thao rất dũng cảm, bình tĩnh nhưng lại sợ máu và sợ vắt. Nho thì tính trẻ con, thích ăn kẹo, thân hình nhỏ nhắn và lúc nào cũng "mát mẻ như một que kem". Tuy vậy Nho lại vô cùng bản lĩnh, rắn rỏi khi bị thương. Còn Phương Định, cô mang nét nữ sinh thành phố, tính hồn nhiên, mơ mộng, hay hoài niệm. Cô mê hát và thuộc rất nhiều bài hát, thậm trí cô "thuộc một giai điệu nào đó rồi tự bịa ra lời để hát". Chiến trường ác liệt đã tôi luyện họ, những cô gái trong sáng đáng yêu ấy mang những phẩm chất anh hùng. Với tinh thần trách nhiệm cao, họ luôn sẵn sàng có mặt ở trận địa bất cứ lúc nào, vô cùng gan dạ, dũng cảm. Họ phải đối mặt với Thần chết mỗi ngày, hôm nay phá bom ngày mai có thể sẽ mãi không về nhưng họ chưa một lần từ bỏ nhiệm vụ. Vậy sức mạnh nào đã khiến những cô gái bé nhỏ vượt lên trên tất cả, trên cái chết, trên nỗi sợ hãi và thử thách chiến trường? Sức mạnh ấy phải chăng bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn và tình đồng chí đồng đội keo sơn gắn bó? Phải, chính tình cảm ấy đã giúp họ vượt qua gian nan hiểm nguy để hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đóng góp vào công cuộc bảo vệ nền độc lập dân tộc, vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mĩ.
2. Trình bày cảm nhận của em về Phương Định.
a, Phân tích đề:
b, Lập ý:
c, Bài làm:
Vẻ đẹp tâm hồn, lòng dũng cảm của những cô gái thanh niên xung phong mà đặc biệt là cô gái Phương Định trong một lần phá bom đã được nhà văn Lê Minh Khuê khắc họa thật đẹp và chân thực trong "Những ngôi sao xa xôi". Phương Định là thành viên trong tổ trinh sát mặt đường, là người kể chuyện đồng thời là nhân vật chính của câu chuyện. Cô gái Phương Định có vẻ ngoài trong sáng, đáng yêu. Cô tự đánh giá mình là "một cô gái khá" với "bím tóc dài, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn" và ánh mắt nhìn xa xăm. Một vẻ đẹp nữ tính ẩn chứa chiều sâu tâm hồn, vượt lên trên bom đạn tàn khốc của chiến trường. Cô nhiều mơ mộng, hồn nhiên, nhạy cảm hay hoài niệm, mang nét một cô gái thành phố. Cô thích ngắm mình trong gương, tự hào vì được nhiều chàng trai để ý nhưng lại không hay bộc lộ tình cảm một cách lộ liễu trước đám đông. Dù thực ra trong thâm tâm cô "những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ". Ở chiến trường gian nguy là thế, cô vẫn yêu đời, mê hát, thuộc rất nhiều bài hát, ngay cả một cơn mua đá trên cao điểm cũng khiến cô thích thú và say sưa. Và có lẽ tính cách ấy đã tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng người đọc. Trong hoàn cảnh chiến tranh, bom đạn ác liệt đã tôi luyện cô gái bé nhỏ đáng yêu ấy thành nữ anh hùng. Với nhiệm vụ trinh sát mặt đường, phá bom là công việc mà Phương Định phải làm hằng ngày, cô luôn có mặt tại trận địa với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tấm lòng quả cảm ấy thật đáng khâm phục biết bao! Đối mặt với thần chết, "một tay không thích đùa", trong lần phá bom ấy, cô đã vượt lên run sợ bằng lòng yêu nước nồng nàn và tình đồng chí đồng đội sát vai. Cô rất hiểu và thương đồng đội, lo lắng chăm sóc Nho khi bị thương. Tình cảm ấy đã trở thành tình chị em gia đình. Có thể nói, Phương Định giống như một ngôi sao thầm lặng tỏa sáng trên bầu trời đêm, là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng thời chống Mĩ.
3. Đọc văn bản "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê, những cô gái thanh niên xung phong đã đưa ta trở về những năm 70 của thế kỉ XX thời chống Mĩ. Trình bày suy nghĩ của em về thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ.
Bài làm:
Văn bản "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê đã đưa ta trở về những năm bảy mươi của thế kỉ XX, thời kì đất nước ta đang trong cuộc chiến tranh chống Mĩ ác liệt. Do vậy, thế hệ trẻ Việt Nam thời kì này phải chịu nhiều mất mát hi sinh, tiêu biểu trong đó là những nữ thanh niên xung phong như những cô gái trong "Những ngôi sao xa xôi". Họ luôn phải đối mặt với cái chết trong gang tấc. Trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường, khâm phục sao, họ vẫn luôn vươn lên, tỏa sáng với vẻ đẹp của những anh hùng. Những con người có lý tưởng, có trái tim yêu nước nồng nàn, có ý thức sâu sắc về trách nhiệm thế hệ mình, tự nguyện, tự giác chấp nhận gian khổ, hi sinh, dũng cảm cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Không những thế, họ còn có tình đồng chí đồng đội, thấu tâm tình, chia khổ vui, lo lắng, chăm sóc nhau lúc đau bệnh. Đáng quý hơn, chiến trường khốc liệt không làm cho trái tim họ khô khan chai sạn, trái lại họ vẫn giữ tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, trẻ trung yêu đời. Chúng ta yêu mến bao nhiên, biết ơn tự hào bao nhiêu, những con người ấy - những con người anh hùng "Sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Họ đáng là tấm gương tiêu biểu để chúng ta phấn đấu, học tập, noi gương.
4. Cho đoạn văn:
"Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.
Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng...
Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên . Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm chậm quá. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng.
Chị Thao thổi còi. Như thế là đã hai mươi phút qua. Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ nấp của mình.
Hồi còi thứ hai của chị Thao. Tôi nép người vào bức tường đất, nhìn đồng hồ. Không có gió. Tim tôi cũng đập không rõ. Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc đồng hồ. Nó chạy sinh động và nhẹ nhàng, đè lên những con số vĩnh cửu. Còn đằng kia, lửa đang chui bên trong cái dây mìn, chui vào ruột quả bom...
Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ đến cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai? Tôi nghĩ thế, nghĩ thêm: đứng cẩn thận, mảnh bom ghim vào tay thì khá phiền. Và mồ hôi thấm vào môi tôi, mằn mặn, cát lạo xạo trong miệng.
Nhưng quả bom nổ. Một thứ tiếng kì quái, đến váng óc. Ngực tôi nhói, mắt cay mãi mới mở ra được. Mùi thuốc bom buồn nôn. Ba tiếng nổ nữa tiếp theo. Đất rơi lộp bộp, tan đi âm thầm trong những bụi cây. Mảnh bom xé không khí, lao và rít vô hình trên đầu."
a, Tìm thành phần biệt
b, Phân tích tâm trạng nhân vật "tôi" trong đoạn trích trên.
Bài làm
a, Trong đoạn văn trên có chứa một thành phần biệt lập tình thái đó là: "Chắc có".
b, Tâm trạng nhân vật Phương Định - nhân vật trung tâm trong đoạn trích truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" - trong một lần phá bom đã được Lê Minh Khuê khắc họa thật chân thực. Với nhiệm vụ trinh sát mặt đường, phá bom là công việc hằng ngày mà Phương Định phải làm. Những mỗi lần phá bom vẫn là một thử thách nguy hiểm căng thẳng đối với cô, mỗi lần là một ván cược mạng cho Thần chết. Cái căng thẳng của chiến trường đến ngay từ không khí bên ngoài "Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung". Loạt những câu văn ngắn liên tiếp như diễn tả sự hồi hộp căng thẳng trong tâm lý nhân vật Phương Định. Song, cô như được tiếp sức mạnh bởi cảm giác có ánh mắt đồng đội đang dõi theo mình. Lòng dũng cảm đã được kích thích bởi lòng tự trọng. Nó khiến cô thực hiện chuẩn xác, mau lẹ từng động tác phá bom. Tác giả miêu tả tâm lý nhân vật rất tinh tế khiến ta hình dung ra mọi giác quan của nhân vật như sắc nhọn hơn để tập chung cho công việc: "Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và thấy tại sao mình làm quá chậm". Trong khi phá bom, Phương Định có thoáng nghĩ đến cái chết, nhưng một cách chết mờ nhạt, không cụ thể, còn lại nhường tất cả cho sự tập chung: "liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?". Và sau đó là những phút hồi hộp chờ bom nổ. Thật lại những diễn biến tâm lý của nhân vật, tác giả đã sử dụng những câu văn ngắn với những động từ, tính từ giàu sức gợi, miêu tả tinh tế nhấn mạnh, nổi bật sự căng thẳng trong không khí làm việc nơi chiến trường cũng như trong tâm lý nhân vật. Phải chăng chính cái công việc khó khăn nguy hiểm ấy đã tôi luyện cô gái Hà thành nhỏ bé, mộng mơ, nhạy cảm như Phương Định trở thành nữ anh hùng dũng cảm, gan dạ "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Tóm lại nhà văn Lê Minh Khuê đã rất thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật Phương Định - một hình tượng anh hùng tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mĩ.
5. Từ văn bản "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê, ta không khỏi khâm phục lòng dũng cảm của những nữ thanh niên xung phong trong truyện. Trình bày suy nghĩ của em về lòng dũng cảm của con người (thế hệ trẻ) thời đại nay.
Bài làm
Đọc tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi", người đọc không khỏi cảm phục trước lòng dũng cảm, gan dạ của những cô gái thanh niên xung phong và bỗng ta phải tự hỏi về lòng dũng cảm của con người (thế hệ trẻ) thời đại nay. Lòng dũng cảm là một trong những đức tính cần thiết, đáng quý trọng ở mỗi con người.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro