[Dàn ý] Sức sống tiềm tàng của Mị
- Sức sống tiềm tàng của Mị: qua 4 biến cố lớn.
1. Thống lý ướm hỏi bố Mị gả con trừ nợ. Mị từ chối ngay: "Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay bố, bố đừng bán con cho nhà giàu."
=> Mị thà làm việc cực nhọc mà có tự do còn hơn đi vào cuộc hôn nhân gả bán.
2. Khi bị lừa bắt về làm dâu, Mị định ăn lá ngón tự tử.
"Đêm nào Mị cũng khóc", "Mị trốn về nhà", "trông thấy bố, Mị quỳ lạy", định ăn lá ngón tự tử.
=> Mị thà chết cũng không muốn sống tiếp đời trâu ngựa, tù túng, héo mòn, không hạnh phúc. Mị tìm cái chết vì không được sống.
3. Trong đêm tình mùa xuân.
• Không gian bên ngoài:
"Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội."
=> Xuân là mùa của lễ hội, lúc con người đi tìm vui sau những ngày lao động mệt mỏi. Mùa xuân năm ấy, "gió và rét rất dữ dội" khiến người ta có cảm giác cô đơn, muốn tìm hơi ấm, tìm người yêu để, tìm chốn để đi chơi.
"những chiếc váy hoa đem ra phơi trên những mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ."
=> Mùa xuân đã thổi hồn vào những thứ vô tri bằng một phép so sánh đơn giản, biến chiếc váy hoa thành những "con bướm sặc sỡ", tự do kiếm phấn tìm hoa. Mùa xuân thổi hồn vào tất cả, khiến con người cũng như được đẹp lên, trẻ ra, đi tìm niềm vui mới, rũ bỏ thân xác cũ.
• Chi tiết tiếng sáo: xuất hiện 4 lần.
Tiếng sáo: " ngoài đầu núi lấp ló"
"nghe tiếng sáo vọng lại, tha thiết bổi hổi."
=> Bao nhiêu năm sống câm lặng, mất khái niệm không thời gian, hôm nay, Mị nhận ra tiếng sáo, tâm hồn Mị rung động "tha thiết bổi hổi". Mị cảm thấy rạo rực, lâng lâng trước âm thanh tiếng sáo.
"Mị nhẩm thầm bài hát của người đang thổi."
=> Điều đó cho thấy, tiếng sáo nằm sâu trong tiềm thức Mị. Mị đã từng gửi gắm nhiều tình cảm vào tiếng sáo, Mị cũng từng quên đi nó, giờ đây chính tiếng sáo dìu dắt Mị trở về thực tại.
=> Tiếng sáo "đầu núi" đã hồi sinh cảm giác, nhận thức thế giới bên ngoài của Mị.
Tiếng sáo: "văng vẳng" "đầu làng"
"Mị lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát"
=> Tiếng sáo đã đánh thức kí ức, thôi thúc Mị uống rượu. Vì chỉ khi say Mị mới dám sống thật. Cách uống rượu của Mị thể hiện những biến đổi âm thầm mà dữ dội. Mị "uống ực từng bát", vội vàng nuốt những cay đắng, tủi hờn, uất nghẹn trong lồng ngực.
"sống về những ngày trước"
=> Tiếng sáo "văng vẳng" không chỉ là âm thanh vang xa, rõ nét giữa vô vàn âm điệu ngày tết, mà còn là âm thanh vọng lại từ quá khứ. Tiếng sáo đưa Mị về những ngày xưa, yêu đời và tự do. Mị nhớ lại khi xưa Mị có cả nhan sắc và tài năng. Tiếng sáo dẫn Mị tìm lại chính mình.
"Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước."
=> Mị đã được khôi phục cảm giác, niềm kiêu hãnh trước kia.
Mị nhận ra "Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi."
=> Một người đàn bà đã cằn cỗi đến không biết nói cười, lủi thủi làm việc như "con rùa nuôi trong xó cửa", bây giờ lại thấy mình trẻ ra, đẹp lên. Giờ đây, Mị đã ý thức sâu sắc giá trị của bản thân, khát vọng sống.
Mị nhận ra sự vô lý của gia đình thống lí: "Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết."
=> So sánh mình với "bao nhiêu người có chồng", Mị quên thân phân con dâu gạt nợ. Mị bất bình trước quyền hành vô lý của thống lý, Mị đang mưu cầu đòi hỏi hạnh phúc cho chính mình.
Mị nhận ra cái khổ, tình cảm oái oăm của mình: "A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau."
=> Mị bị lừa gạt, cưỡng đoạt ngay từ đêm đầu về nhà thống lí. Thân phận của Mị chỉ là nô lệ, hôn nhân của Mị không có tình yêu. Khi khát khao mưu cầu, hạnh phúc, Mị nhận ra tấn bi kịch cuộc đời mình.
Trước một loạt nhận thức về thực tại địa ngục trần gian, ý nghĩ về "nắm lá ngón" lại xuất hiện trong đầu Mị: "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa."
=> Hình ảnh "nắm lá ngón" lại xuất hiện, đó là ý nghĩ về cái chết, chết vì không đòi được quyền sống. Cái chết Mị tìm đến là cái chết giải thoát khỏi sự bất công, nỗi khốn khổ. Mị thà chết như một con người, còn hơn phải sống như con vật. Sức sống tiềm tàng của Mị đã bộc lộ trong hoàn cảnh bị trói buộc, chịu nhiều bất công và đau khổ.
=> Tiếng sáo "đầu làng" đã giúp Mị hồi tưởng quá khứ, nhận thức lại hiện tại, phục hồi lại cảm giác biết đau, muốn sống.
Tiếng sáo: "lơ lửng bay ngoài đường"
"Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng."
=> Sống trong căn buồng "kín mít", quanh năm suốt tháng không quan tâm đến sự sáng tối nơi mình ở. Bây giờ Mị mới nhận ra sự tối tăm, tù túng đó.
=> Tiếng sáo "lơ lửng bay ngoài đường" đã thôi thúc Mị ý nghĩ thắp sáng cuộc đời mình.
Tô Hoài để cho nhân vật của mình tự tìm đường thắp sáng cuộc đời của mình từ trong nhận thức trước, rồi mới đến hành động. Đó cũng là một lẽ thường rất tự nhiên và thường tình. Bởi thế người ta nhận xét ông có sở trường về phân tích diễn biến tâm lý nhân vật.
Tiếng sáo: dập dờn trong đầu Mị
"Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi."
=> Câu văn ấy là bước chuyển ngoặt từ nô lệ sang tự do. Cô Mị tự chủ, yêu đời, khao khát sống ngày nào đã trở lại. Mị quyết định nhanh chóng, dứt khoát, mạnh mẽ.
"Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách."
=> Mị sửa soạn, làm đẹp, quý trọng giá trị của bản thân mình, vận cái váy hoa rực rỡ trong ngày Tết cổ truyền. Mị sắp tung cánh sổ lồng, đi tìm niềm vui hạnh phúc, mong muốn thoát khỏi chốn địa ngục trần gian dù chỉ trong chốc lát.
Bị A Sử trói đứng vào cột nhà, không cho đi chơi hội, "Mị đứng im lặng, như không biết mình bị trói", "tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi".
=> Sợi đay A Sử trói Mị là biểu tượng của cường quyền, A Sử trói được thân xác Mị nhưng không trói được tâm hồn Mị. Ngay lúc này, khi bị giam cầm, Mị lại tự do trong tư tưởng, không còn bị thần quyền, bị con ma nhà thống lí nhận mặt, mà sợ hãi nữa.
Đi theo tiếng sáo Mị được giải phóng về mặt tâm hồn, dẫn đến nhu cầu giải phóng về mặt thể xác: "Mị vùng bước đi. Nhưng chân tay đau không cựa được."
=> Cái "vùng bước" là tiếng gọi bản năng của sức sống tiềm tàng. Nhưng thực tại phũ phàng, từng vòng đay siết Mị đến "chân tay đau không cựa được". Nỗi đau thể xác đã kéo Mị khỏi giấc mơ. Nếu "tiếng sáo" tượng trưng cho giấc mơ thì "tiếng chân ngựa đạp vào vách" là thực tại. Khi nghe "tiếng chân ngựa" Mị đã không còn thơ ơ, trơ lì, Mị nhận ra số kiếp nô lệ và thổn thức xót thương cho chính mình.
=> Ý nghĩa của đêm tình mùa xuân
- Trong đêm tình mùa xuân, tiếng sáo đóng một vai trò đặc biệt. Tiếng sáo từ xa tới gần, từ không gian bên ngoài dẫn vào ý nghĩ, từ nhận thức đi đến hành động. Nó dẫn dắt Mị thoát khỏi sự vô cảm với chính mình, đưa đến ranh giới giữa đau khổ cầm tù và hạnh phúc tự do, nhen nhóm khát khao được giải phóng chính mình khỏi địa ngục trần gian.
- Đoạn trích đêm tình mùa xuân đóng vai trò thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm. Nó tố cáo thế lực cường quyền, phong kiến chúa đất qua chi tiết "sợi dây đay" trói buộc quyền hạnh phúc, quyền làm người của những người dân thấp cổ bé họng như Mị. Bên cạnh đó, đoạn trích cũng thể hiện niềm tin vào khao khát sống mãnh liệt, âm ỉ, của con người. Đây sẽ là tiền đề để làm bùng lên ngọn lửa ham sống của Mị vào đêm đông năm sau, Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ, cứu người cứu mình.
4. Đêm đông cắt dây cởi trói cho A Phủ
• Từ vô cảm:
Trơ lì với nỗi đau của người khác:
"Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn", mỗi đêm, Mị đều "dậy ra hơ tay thổi lửa, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần" nhưng Mị "thản nhiên", "nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi."
=> Mị thờ ơ với cái chết của A Phủ người đang đứng ngay bên cạnh mình, không run sợ, cũng chẳng rủ lấy một chút lòng thương.
Trơ lì với nỗi đau của chính mình:
A Sử về thấy Mị thổi lửa hơ tay, hắn "đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi lửa như đêm trước."
=> Mị không hề trách cứ, thắc mắc về nguyên nhân lý do mình bị hành hạ, không trốn tránh việc bản thân bị đánh đập, Mị vô cảm với nỗi đau của chính mình.
• Đến thương mình đến thương người.
Như bao đêm trở dậy sưởi lửa, "Mị lé mắt trông sang, thấy A Phủ cũng vừa mở một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại." Mị chợt nhớ đêm năm trước, "Mị cũng phải trói đứng thế kia."
=> Chi tiết "giọt nước mắt" là biểu tượng cho:
° Khát khao sống mà bị bắt phải chết.
° Nỗi đau thân phận làm nô bị áp bức. ° Sự bất lực buông xuôi, tuyệt vọng.
=> Dòng nước mắt của A Phủ khiến Mị nhớ lại chính mình trong đêm mùa xuân năm trước.
Mị nhớ những cái chết trong căn nhà địa của thống lý.
Mị nhớ lại đêm năm trước, "Mị cũng phải trói đứng thế kia", cũng khóc mà không lau đi được, cũng phải bị trói đứng đến chết, nếu A Sử không bị A Phủ đánh.
=> Mị đồng cảm với người sắp chết trước mặt mình.
Mị nhớ "nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này."
=> Mị đau đớn cho những người giống mình.
Và phát hiện ra hoàn cảnh của A Phủ "chỉ đêm mai là người kia phải chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết."
=> Điệp "chết" nhắc lại 5 lần như một kết thúc tất yếu giáng xuống số phận A Phủ.
=> Những cái chết khiến Mị bàng hoàng nhận ra nguyên nhân ngọn nguồn của sự áp bức: "Chúng nó thật độc ác." Sau bao nhiêu năm làm dâu đằng đẵng hôm nay Mị mới nhận ra những bất công và đau khổ ấy khởi nguồn từ đâu.
Mị bất bình thay cho A Phủ: "Người kia việc gì mà phải chết thế."
=> Khi bất bình Mị đã quay trở về cô gái biết đồng cảm, giàu yêu thương khi xưa. Xuất hiện suy nghĩ này, Mị đã nhen nhóm khao khát sống nhưng vẫn bị thần quyền kìm hãm.
• Mị cắt dây cởi trói, cứu A Phủ.
Nhưng lúc này, Mị thà "bị trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy", cũng không muốn ai phải chết thêm nữa.
=> Cứu A Phủ không phải là hành động bộc phát mà đã có suy tính kĩ càng, dù có phải chết "Mị cũng không thấy sợ". Giây phút ấy, lòng thương người đã vượt qua nỗi sợ hãi, Mị trở lại tự chủ, mạnh mẽ.
=> Tô Hoài đã đặt Mị vào trong tình thế bắt buộc, là đêm cuối cùng có thể cứu A Phủ. Khi mạng sống của người cùng khổ đặt trên tay mình, Mị đã chọn giải cứu, hành động bằng tình yêu thương và sự dũng cảm.
"Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây." Sợi dây mây tượng trưng cho cường quyền đã bị cắt đứt. Nếu đêm mùa xuân sợi dây ấy trói chặt khao khát tự do, thì đêm đông chính Mị đã giải thoát cho A Phủ, chiến thắng cường quyền.
• Giải thoát chính mình.
Nhìn thấy A Phủ dù rất yếu cũng quật người lên chạy đi, "Mị đứng lặng trong bóng tối."
=> Giây phút "đứng lặng", là giây phút bàng hoàng đứng giữa sự sống và cái chết. Ở lại nghĩa là nhận cái chết vì tội tày đình, phải thế mạng cho A Phủ. Sức sống tiềm tàng trong Mị trỗi dậy.
Hàng loạt những hàng động của Mị, "vụt chạy", "băng đi", "đuổi", "lăn", "chạy" cho thấy khát khao sự sống tự do của Mị. Thần quyền cũng không thể giữ chân Mị nữa. Mị đã thoát khỏi sự thống trị của thế lực bạo tàn, thoát khỏi sự đày ải.
Câu nói: "A Phủ cho tôi đi.", "Ở đây đây thì chết mất." đã chứng minh một điều Mị sợ chết. Nhưng sợ chết có gì là sai khi sợ chết chính là bộc lộ của lòng ham sống.
=> Ý nghĩa của đêm đông cởi trói: quá trình nhận thức lại của Mị.
Nhận thức về sự tàn bạo của gia đình thống lý đại diện cho thế lực bạo tàn, bất công, bóc lột, coi rẻ mạng sống con người.
Nhận thức được mình có quyền sống, quyền hạnh phúc.
=> Hành động giải thoát là hệ quả sau một loạt nhận thức. Mị cũng tự giải thoát cho chính mình khi vụt chạy khỏi không gian "trời tối lắm". Nhưng cái tối tăm không rơi vào bế tắc như chị Dậu vì hành động của chị là chạy trốn không mang chút hi vọng và nhận thức nào, "ngoài trời tối đen như cái tiền đồ của chị." Còn cái chạy của Mị mang trong mình khát khao sống, nhận thức về tội ác kẻ thù và ý chí đấu tranh cho quyền sống của chính mình. Đó là sự khác biệt của các tác phẩm qua từng thời kì lịch sử, vì văn học là sự kế thừa, nối tiếp và phát huy. Cuộc sống là không ngừng đấu tranh, văn học cũng thế.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro