Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Kiến thức cơ bản: CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG - Nguyễn Dữ

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Tác giả: Nguyễn Dữ (? - ?).

- Quê quán: huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

- Ông là học trò của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm.

- Ông sống ở thế kỉ XVI, là thời kì triều đình nhà Lê đã bắt đầu khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến Lê, Mạc, Trịnh tranh giành quyền bính, gây ra các nội chiến kéo dài.

- Ông học rộng, tài cao, nhưng chỉ làm quan có một năm rồi xin nghỉ về nhà nuôi mẹ già và viết sách, sống ẩn dật như nhiều trí thức đương thời khác.

2. Tác phẩm:

- Thể loại: truyện truyền kì.

- Xuất xứ: là câu chuyện thứ 16 trong 20 câu chuyện "Truyền kì mạn lục". Sáng tạo dựa trên truyện cổ tích "Vợ chàng Trương" với những chi tiết tưởng tượng kì ảo.

- "Truyền kì mạn lục": ghi chép tản mạn những chuyện kì lạ được lưu truyền. Tác phẩm viết bằng chữ Hán, khai thác các truyện cổ dân gian và các truyền thuyết lịch sử, dã sử của Việt Nam. Nhân vật chính là những người phụ nữ đức hạnh những cảnh ngộ éo le, bất hạnh; những người trí thức có tâm huyết, bất mãn với thời cuộc.

- Chủ đề: nói về nỗi đau khổ, sự oan khuất của những người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, chế độ nam quyền bất công.

- Tóm tắt: xưa có chàng Trương Sinh, vừa cưới vợ xong đã phải đi lính. Giặc tan, Trương Sinh trở về, nghe lời con nhỏ, nghi là vợ mình không thủy chung. Vũ Nương bị oan, bèn gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Một đêm Trương Sinh cùng con trai ngồi bên đèn, đứa con chỉ chiếc bóng trên tường và nói đó chính là người hay tới đêm đêm. Lúc đó chàng mới hiểu ra vợ mình đã bị oan. Phan Lang tình cờ gặp lại Vũ Nương dưới thủy cung. Khi Phan Lang được trở về dân gian, Vũ Nương gửi chiếc hoa vàng cùng lời nhắn cho Trương Sinh. Trương Sinh lập đàn giải oan trên bến Hoàng Giang. Vũ Nương trở về ngồi trên chiếc kiệu hoa ở giữa dòng sông, lúc ẩn, lúc hiện.

- Bố cục:

+ Phần 1 (Từ đầu đến "muôn dặm quan san"): Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương.

+ Phần 2 ("Qua năm sau" ... "qua rồi!"): Nỗi oan khuất và cái chết bi thảm.

+ Phần 3 (Còn lại): Vũ Nương được giải oan.

II. PHÂN TÍCH

1. Mở bài:

"Thương thay thân phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

- Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn là một đề tài chấp bút cho các nhà thơ, nhà văn Việt Nam.

- Khi nói đến chủ đề này, ta không thể không kể đến tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của tác giả Nguyễn Dữ. Tác phẩm đã để lại trong lòng độc giả nhiều ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp công, dung, ngôn, hạnh đủ đầy nhưng lại có số phận bi đát của Vũ Nương.

2. Thân bài:

a. Giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm:

- "Chuyện người con gái Nam Xương" chính là câu chuyện thứ 16 trong tổng số 20 câu chuyện của tác phẩm "Truyền kì mạn lục".

- Như tên gọi "Truyền kì mạn lục", tác phẩm này được viết theo thể loại truyền kì.

- Tác phẩm viết về nhân vật Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương, tính tình thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp nhưng lại cưới phải một người chồng hay ghen tuông và thất học. Khi Trương Sinh đi lính về, chỉ với một lời nói ngây thơ của bé Đản mà chàng giở tính ghen tuông và đánh đuổi, mắng nhiếc Vũ Nương, khiến nàng phải nhảy sông Hoàng Giang tự vẫn để minh oan cho bản thân.

b. Phân tích và chứng minh:

Luận điểm 1: Vẻ đẹp phẩm hạnh của Vũ Nương.

- Như tác giả đã miêu tả, Vũ Nương là một người có tính tình "thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp".

- Nàng đã luôn giữ gìn khuôn phép của bản thân, không lúc nào phải để vợ chồng thất hòa. Ta có thể thấy rằng, Vũ Nương luôn biết cách vung vén một cách khéo léo hạnh phúc của gia đình.

- Và điều ấy lại càng thể hiện rõ nét hơn qua lời nói của nàng khi Trương Sinh - chồng nàng đi lính: "Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, cũng chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên". Câu nói ấy đã thể hiện một điều rất rõ nét, đó chính là tình yêu thương chồng, yêu thương gia đình của nàng. Chỉ với hai chữ "bình yên" cũng giúp ta thấy rằng nàng không hề tham cầu danh lợi mà chỉ mong muốn sự bình yên, vui vẻ, an yên cùng gia đình.

- "Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được" - một câu văn vừa mang hình ảnh thực nhưng lại cũng vừa mang tính chất "nói bóng gió". Cứ thể khi thấy "bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi" thì y như rằng nàng lại nhớ đến ngày tháng tốt đẹp ở bên chồng con. Nhưng theo một cách hiểu khác, nó lại là sự ẩn ý của những chàng trai đang ve vãn, lượn lờ quanh nàng. Nhưng nàng lại chẳng để tâm đến mà chỉ một lòng nhớ về chồng mình là Trương Sinh. Quả là một người phụ nữ chung thủy, biết giữ gìn tiết hạnh!

- Nhà nghiên cứu Đỗ Kim Hồi đã cho rằng: "Đức hạnh của Vũ Nương là đức hạnh của một người vợ hiền, dâu thảo, một người yêu mến cảnh gia đình và làm tất cả để giữ gìn, vun vén cho hạnh phúc gia đình". Và đức hạnh của một người "dâu thảo" ấy đã được thể hiện rõ nét qua câu văn: "Nàng hết lòng thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn", "Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình".

- Không những thế, nàng còn thương con hết mực, luôn đảm đang và tháo vác trong mọi công việc. Giờ đây, ta thấy rằng nàng chính là một trụ cột trong gia đình thay thế cho Trương Sinh để chăm sóc và phụng dưỡng mẹ già cùng đứa con.

- Đúng là một hình mẫu lí tưởng của những người phụ nữ phong kiến. Công, dung, ngôn, hạnh đều đủ đầy.

Luận điểm 2: Số phận bất hạnh của Vũ Nương.

- Chỉ vì lời nói ngây thơ của bé Đản: "Ô hay! Thế ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít""Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bến Đản cả".

- Trương Sinh đã vô duyên vô cớ, không tìm hiểu rõ ngọn ngành đã nổi giận đùng đùng quay về nhà và mắng nhiếc, đánh đuổi Vũ Nương. Thật là một con người hồ đồ!

- Người xưa từng có nói: "Đi hỏi già, về hỏi trẻ". Và Trương Sinh cũng đã áp dụng điều ấy, và giờ đây chính chàng đã khiến cho cuộc hôn nhân tan vỡ, dù Vũ Nương có hết lòng giải thích đi chăng nữa cũng chẳng tin, huống hồ là hàng xóm và cả họ hàng ra mặt bênh vực can ngăn. Đây chắc chắn là một con người gia trưởng!

- Cũng chính vì bị Trương Sinh nghi oan, Vũ Nương không còn cách nào khác phải rời đi. Nhưng nàng lại chẳng thể về nhà cha mẹ đẻ, vì trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, người phụ nữ chỉ có thể: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Đã kết hôn thì chẳng thể quay trở về nhà cha mẹ đẻ, vì đó chính là nỗi ô nhục của cả dòng họ. Vì thế, để có thể minh oan cho bản thân, nàng chỉ có thể nhảy sông Hoàng Giang tự vẫn.

- Khi đến bên sông, trước khi nhảy xuống thì nàng đã than rằng: "Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắm mọi người phỉ nhổ". Một sự bất công vô cùng lớn trong xã hội phong kiến đối với người phụ nữ lúc bấy giờ.

c. Liên hệ mở rộng:

- Ai đó đã từng nói rằng: "Văn học luôn quan tâm số phận con người, nhưng mỗi tác giả lại có một cách khám phá thể hiện riêng". Và điều ấy rất đúng trong trường hợp này.

- Song song với tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ viết về chủ đề người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến còn có rất nhiều tác phẩm viết về chủ đề ấy. Trong số đó, ta không thể không nhắc đến thi phẩm "Bánh trôi nước" của Bà chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương.

- Tác phẩm về về chủ để người con gái sống trong xã hội phong kiến bằng hình ảnh ẩn dụ của bánh trôi. Loại bánh cổ truyền tại miền Bắc Việt Nam. Hình ảnh bánh trôi đã được nhà thơ miêu tả ẩn ý cho cả thân hình lẫn phẩm hạnh của người phụ nữ.

- Cả hai đều có vẻ bề ngoài rất đẹp, có phẩm chất cao quý, tương đồng trong cuộc sống, số phận phụ thuộc. Với những từ ngữ đa nghĩa, bài thơ tạo nên một trường liên tưởng cho người đọc. Do vậy nhà thơ tả thực mà lại mang ý nghĩa tượng trưng. Nói cái bánh trôi mà thành chuyện con người. Người phụ nữ, người con gái hình thể đẹp, da trắng nõn nà, thân hình căng tràn nhựa sống, tâm hồn nhân hậu, hiền hòa

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặnMà em vẫn giữ tấm lòng son."

- Thân hình của người phụ nữ như chiếc bánh trôi ấy, nó vừa trắng lại vừa tròn. Thân hình đẹp đẽ được trời ban của phụ nữ.

- Nhưng họ lại chẳng thể có một cuộc sống bình yên, đủ đầy, hạnh phúc. Họ chỉ có thể sống một cuộc đời "cuộc đời ba chìm", lận đận duyên phận, hồng nhan bạc mệnh. Phó mặc cho người đời vò nặn, bóp nạn. Họ bị người đời xem thường, như có như không.

- Trong xã hội, với ý thức hệ Nho giáo hà khắc như vậy quan niệm: "Tam tòng tứ đức"; "Trọng nam khinh nữ" đã ăn sâu và ý thức con người. Nói được như Hồ Xuân Hương thật đáng khâm phục, trân trọng. Bài thơ chỉ có bốn câu, đề tài bình dị nhưng dưới ngòi bút của Hồ Xuân Hương đã tạo nên viên bánh trôi nước mang vẻ đẹp sáng ngời của một viên ngọc lấp lánh, nhiều màu. Bài thơ chứa đựng một luồng ánh sáng về ý thức xã hội bất công, vùi dập người phụ nữ và giá trị nhân phẩm của mình.

- "Bánh trôi nước" có giá trị hiện thực và xã hội sâu sắc. Đó là tiếng nói chung của người phụ nữ đối với sự bất công của xã hội xưa và khẳng định phẩm giá của bản thân. Nhà thơ đã đại diện cho những số phận bất hạnh lên tiếng nói của chính mình. Bài thơ thể hiện khẩu khí của bà Chúa thơ Nôm.

d. Đánh giá - Nhận xét chung:

- Bằng một lối kể chuyện hấp dẫn và sinh động, Nguyễn Dữ đã tạo nên một câu chuyện hết sức đặc sắc và hấp dẫn. Việc sử dụng một số yếu tố kì ảo để tạo nên một kết thúc bất ngờ đã vô cùng giàu ý nghĩa đối với những người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

- Tác giả đã gửi gắm những triết lí sâu sắc thắm đẳm tinh thần nhân văn: Cuộc sống luôn đầy những yếu tố bất thường, con người không thể lường trước, thân phận con người nói chung và người phụ nữ nói riêng, mỏng manh như chiếc bóng, mong manh dễ tan vỡ, khi còn khi mất. Hạnh phúc của cuộc sống có thể bị hủy hoại vì bất cứ lí do nào.

3. Kết bài:

- Khép lại tác phẩm, "Chuyện người con gái Nam Xương" được viết dưới ngòi bút của Nguyễn Dữ đã thể hiện sự thương cảm và xót thương của nhà văn đối với người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến. Nhà văn đồng thời đã khẳng định vẻ đẹp truyền thống của những người phụ nữ xưa.

- Tác phẩm chính là một áng văn hay, thành công về nghệ thuật dựng truyện, miêu tả nhân vật, kết hợp với tự sự với trữ tình.

III. GHI NHỚ

- Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, "Chuyện người con gái Nam Xương" thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Tác phẩm là một áng văn hay, thành công về nghệ thuật dựng truyện, miêu tả nhân vật, kết hợp với tự sự với trữ tình.

V. NỘI DUNG LIÊN HỆ

- "Thân em như hạt mưa sa/Hạt vào đài các hạt ra ruộng cầy".

- "Thân em như tấm lụa đào/Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai".

- "Thương thay thân phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

- "Thân em vừa trắng lại vừa tròn/Bảy nổi ba chìm với nước non/Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/Mà em vẫn giữ tấm lòng son" (Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương)

- "Chuyện người con gái Nam Xương" vừa là lời ca tiếng hát, gợi ra vẻ đẹp hoàn hảo của người phụ nữ xưa. Là giọt nước mắt xong thương của tác giả dành cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Là bản án đanh thép, bất công của xã hội phong kiến đối với người phụ nữ.

- "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử".

- "Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp".

- "Song Trương có tính đa nghi, đối với vợ chồng phải đến thất hòa".

- "Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi.

- "Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn đầy vượn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được".

- "Bà mẹ cũng vì nhớ con mà dần sinh ốm. Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lớn".

- "Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ".

- "Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít".

- "Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả".

- "Thiếp vốn là con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp".

- "Đoạn rồi nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng:

- "Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ".

- "Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất".

- "Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,/Miếu ai như miếu vợ chàng Trương./Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ,/Cung nước chi cho lụy đến nàng./Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,/Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng./Qua đây bàn bạc mà chơi vậy,/Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng" (Lại bài viếng Vũ Thị - Lê Thánh Tông)

- Có thể gọi Nguyễn Dữ là "Vị nho sĩ ẩn dật", "Nhà văn của thiên cổ kì bút", "Ngòi bút tái tạo kì tài", "Nhà văn họ Nguyễn", "Người mở đường cho loại truyện thế sự trong lịch sử văn học".

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Một số nguồn tham khảo:

- Phần tìm hiểu chung, ghi nhớ, chú thích: trích trong SGK. Ngữ văn 9 - Tập 1/48,49,50,51.

- Phần liên hệ: trích trong SGK. Ngữ văn 9 - Tập 1/43,44,45,46,47,4852 + SGK. Ngữ văn 7 - Tập 1/ 94,95,96.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro