Viết liên hệ mở rộng cho bài NLVH
I. Hình tượng người phụ nữ
Trong văn học, hình tượng người phụ nữ không mới mẻ nhưng dưới ngòi bút của mỗi tác giả, hình tượng ấy lại đem đến cho bạn đọc cảm giác khác nhau thông qua những tác phẩm khác nhau. Dù là thơ, truyện hay tiểu thuyết, các tác giả vẫn luôn tập trung làm nổi bật hình tượng người phụ nữ với số phận bất hạnh nhưng ẩn sâu những vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam với khát khao hạnh phúc mãnh liệt. Vấn đề số phận người phụ nữ cũng đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt văn học Việt Nam. Đó là thân phận một nàng Kiều tài hoa và bạc mệnh; một người chinh phụ phải sống trong sầu tủi cô đơn; một cung nữ sắc nước hương trời bị vua ghẻ lạnh phải sống trong cảnh lạnh lùng; một Hồ Xuân Hương thông minh sắc sảo, khát khao hạnh phúc ngọt ngào mà đời gặp toàn cay đắng, hẩm hiu. Những số phận con người phụ nữ trong văn học quá khứ là bất hạnh, khổ đau, bế tắc. Khép lại tấn bi kịch của người phụ nữ ngày xưa là chị Dậu; cả cuộc đời của chị là một đêm tối dày đặc và kết thúc tác phẩm, chị lại phải chạy vào bóng tối không thấy lối thấy đường. Trong chiến tranh, vẻ đẹp của người phụ nữ lại càng được tăng thêm khi họ sẵn sàng "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh". Người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn thương yêu và gửi gắm khát vọng cho con cháu gắn liền với tình yêu cách mạng, tình yêu đất nước. Với bài thơ "Bếp lửa",người bà hiện lên với hình ảnh chắt chiu, cẩn thận tích góp từng hơi ấm lúc đất nước đang trong cảnh đói kém, loạn lạc. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm qua bài "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" lại bộc lộ tình cảm của người mẹ Tà Ôi qua những công việc và ước mơ của người mẹ. Cho dù phải "giã gạo", "tỉa bắp", phải "chuyển lán", "đạp rừng" hay phải "giành trận cuối", người mẹ Tà Ôi vẫn luôn địu con trên lưng. Có ai đó nói rằng: "Người phụ nữ là một nửa thế giới". Và quả thật, họ đã đi vào những trang viết chảy suốt trong văn học từ trước đến nay, để rồi không phải làm nên một nửa, mà là trọn vẹn tấm hình trong sâu thẳm tâm hồn thế hệ người đọc hôm nay và cả mai sau:
"Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ".
Chính tài năng, phẩm chất, cá tính và tấm lòng trân trọng tin yêu ở người phụ nữ đã giúp cho các tác giả có được các tác phẩm rất có giá trị, xây dựng được các nhân vật vừa có nét chung, vừa có nét riêng rất hấp dẫn.
II. Chiến tranh và người lính
Có thể nói "Thơ văn là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp". Thơ văn có thể hiện được cái hồn của thời đại thì mới trở thành đài tưởng niệm của thời đại. Đọc thơ ca Việt Nam 1945 – 1975, chúng ta thấy cuồn cuộn niềm vui của hàng triệu người ra trận, thấy được những mất mát đau thương, những khát khao, ước vọng chân thành. Ba mươi năm liên tục đấu tranh chống kẻ thù cũng là khoảng thời gian văn học phát triển mạnh mẽ không ngừng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Văn học lấy đề tài chiến tranh, viết về chiến tranh cách mạng. Thơ cũng như văn, hết lòng ca ngợi người anh hùng, người lính, người mẹ, thanh niên xung phong. Tất cả hiện lên trong tác phẩm với mọi tầng lớp, lứa tuổi, dân tộc. y như thật ở trên đời. Và họ đẹp – cái đẹp tiêu biểu cho cả thời đại. Cái đẹp ấy kết tinh đậm đà ở hình tượng anh bộ đội cụ Hồ – anh vệ quốc quân, anh giải phóng quân. Bởi các anh chính là người anh hùng suốt hai cuộc kháng chiến trường kì. Tình yêu Tổ Quốc của người lính đã trở thành một phần máu thịt không thể tách rời, như hơi thở, sự sống của chính các anh. Nó tiếp thêm cho các anh niềm tin, sức mạnh, vượt qua mọi bão giông, thử thách để chiến thắng kẻ thù:
"Những dũng sĩ đâm lê núi Thành
Mắt tìm thù sao bay rực rỡ
Rượt đuổi thù chân như chiến mã
Đâm chết thù sức núi dồn bay"
Các anh hiểu được trong hoàn cảnh của dân tộc thì " hạnh phúc là đấu tranh". Vì thế còn gì tự hào hơn khi các anh được gánh vác trên vai nghĩa vụ thiêng liêng :
"Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa".
III. Người nông dân trước cách mạng
Nói về người nông dân, nhà thơ Trần Đăng Khoa có một nhận định khá thú vị: "Nông dân thời nào cũng rất khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có cho sướng cũng không sướng được. Có phủ lên vai họ tấm áo bào lộng lẫy của vua thì họ cũng không thể thành được ông vua. Họ có sức chịu đựng gian khổ đến vô tận. Nhưng mất hoàn toàn thói quen để làm một người sung sướng. Thế mới khổ. Họ khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa. Người nông dân ta dường như không có thói quen so sánh mình với người dân ở các nước tiên tiến, cũng như người dân đô thị. Họ chỉ so mình với chính mình thời tăm tối thôi. Và thế là thấy sướng quá". Nhìn lại những tác phẩm văn học viết về người nghèo và người nông dân có thể kể đến các tác giả như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Phạm Duy Tốn,Vũ Trọng Phụng, Kim Lân, ... Nói một cách không quá rằng, với mỗi nhà văn, tác phẩm "để đời", được độc giả nhớ đến nhất cũng như đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà đều là tác phẩm viết về người nghèo và người nông dân. Nếu như chị Dậu tiêu biểu cho người phụ nữ nông dân trong những vẻ đẹp nhân ái vị tha và tiềm tàng sức sống, sự phản kháng mãnh liệt thì ở nhân vật lão Hạc ta lại cảm nhận được tâm hồn và tình yêu tha thiết, niềm tin cháy bỏng và một nhân cách cao thượng đáng nể trọng của người nông dân già nua nghèo hèn phải tìm đến cõi chết. Nếu nói lão Hạc chết vì đói nghèo quả là hoàn toàn chưa hiểu hết ý đồ của nhà văn. Nam Cao đã khơi vào "luồng chưa ai khơi" trong hiện thực lúc bấy giờ là tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương nhân ái, đức hy sinh cao cả của người cha trong hoàn cảnh vật lộn với cái đói. Lão Hạc chết là để bảo toàn danh dự và nhân cách, để giữ trọn tình yêu cho con, để thanh thản ra đi sau những gửi gắm về mảnh vườn, tiền cưới vợ cho con, tiền lo ma chay để khi ra về nơi miền cực lạc xa xôi còn có hàng xóm lo cho. Chính sự chất phác lương thiện đã giúp Lão có những hành động đầy tự trọng ấy, lão không muốn liên lụy đến ai mà chỉ âm thầm chịu khổ một mình. Cuộc sống tuy nghèo khổ là thế nhưng vẻ đẹp tâm hồn của họ luôn ngời sáng. Họ điều là những con người hết lòng tận tụy hi sinh vì người thân.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro