Nhân vật nữ trong tác phẩm văn học
Đối tượng chung của văn học là cuộc đời nhưng trong đó con người luôn giữ vị trí trung tâm. Những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, những bức tranh thiên nhiên, những lời bình luận... đều góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho tác phẩm nhưng cái quyết định chất lượng tác phẩm văn học chính là việc xây dựng nhân vật. Ở mỗi giai đoạn cụ thể, các tác phẩm văn xuôi đã xây dựng hệ thống nhân vật dưới sự tác động của hoàn cảnh đời sống xã hội, từ đó khái quát thành bức tranh hiện thực và giá trị nhân đạo mới mẻ, sâu sắc. Ðọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc thường là số phận, tình cảm, cảm xúc, suy tư của những con người được nhà văn thể hiện.
I. TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI
Trong xã hội phong kiến, dường như tất cả mọi thứ đều bất công với người phụ nữ. Tình yêu không, hạnh phúc không, tiếng nói cũng không. Nhưng, chính những áp bức đó đã làm sáng ngời lên những đức tính, phẩm hạnh đáng quý, đáng trân quý của người phụ nữ. Người phụ nữ ngày xưa xuất hiện trong văn học thường là những người phụ nữ đẹp. Từ vẻ đẹp ngoại hình cho đến tính cách.
Đọc "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, ta thấy Vũ Nương đúng là một mẫu mực của phụ nữ phong kiến với những phẩm chất đáng quý. Không như Nguyễn Du miêu tả thật tinh tế nét đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" của Thúy Kiều, Nguyễn Dữ chỉ điểm qua nhẹ nét đẹp của Vũ Nương: "tư dung tốt đẹp". Nhưng chỉ bằng một chi tiết nhỏ ấy, tác giả đã phần nào khắc họa được hình ảnh một cô gái có nhan sắc xinh đẹp. Cũng bởi "mến vì dung hạnh" nên chàng Trương đã lấy nàng làm vợ. Nhưng chữ "dung" ấy, vẻ đẹp hình thức ấy, chẳng thể nào tỏa sáng ngàn đời như vẻ đẹp tâm hồn nàng. Vũ Nương "vốn con kẻ khó", song rất mực tuân theo "tam tòng tứ đức", giữ trọn lề lối gia phong và phẩm hạnh của chính mình. Thế nên, nàng rất "thùy mị, nết na". là chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam. Trong đạo vợ chồng, nàng hết sức khôn khéo, hết sức chú trọng «giữ gìn khuôn phép» để hy vọng có được một mái ấm gia đình hạnh phúc.
Tục ngữ có câu "Gái có công thì chồng chẳng phụ" thế nhưng công lao của Vũ Nương chẳng những không được biết đến mà chính nàng còn phải hứng chịu những phũ phàng của số phận. Nàng phải một mình một bóng âm thầm nuôi già dạy trẻ, những nỗi khổ về vật chất đề nặng lên đôi vai của cô gái này. Thật là một thử thách quá khó khăn với một người phụ nữ chân yếu tay mềm. Nhưng nàng vẫn vượt qua tất cả, một mình vò võ nuôi con khôn lớn, đợi chồng về. Không những thế, nàng còn hết lòng chăm lo cho mẹ chồng ốm nặng: "Nàng hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn". Thời xưa, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu dường như chưa bao giờ êm đẹp và chứa đầy những định kiến khắt khe:
"Mẹ anh nghiệt lắm anh ơi
Biết rằng có được ở đời với nhau
Hay là vào trước ra sau
Cho cực lòng thiếp, cho đau lòng chàng".
Nhưng nàng đã yêu thương mẹ chồng như chính cha mẹ ruột của mình. Mọi việc trong nhà đều được nàng chăm lo chu tất. Và lời trăn trối cuối cùng của mẹ chồng như một lời nhận xét, đánh giá, một phần thưởng xứng đáng với những công lao và sự hy sinh cao cả của nàng vì gia đình nhà chồng: "Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ". Vậy là cả "công – dung – ngôn – hạnh" nàng đều vẹn toàn. Nàng chính là đỉnh cao của sự hoàn mỹ về cả vẻ đẹp hình thức lẫn tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam xưa dưới chế độ phong kiến.
Đến với nàng Kiều trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, một trang tuyệt sắc giai nhân, một người con có hiếu, một tấm lòng vị tha bao dung. Khi gia đình gặp tai biến, chúng ta chạnh lòng nhớ đến tình cảnh một Thúy Kiều khi phải bán mình chuộc cha:
"Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm".
Hy sinh mối tình riêng của mình để làm trọn chữ hiếu Hành động đó khiến người đọc thật cảm phục:
"Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân."
Vừa mới hôm nào cùng với Kim Trọng nặng lời ước hẹn trăm năm mà nay Kiều đã phải cắt đứt mối tình duyên ấy một cách đột ngột. Ngòi bút Tố Như thật tinh tế khi kể về tình cảm Thúy Kiều nhớ về người yêu cũng phù hợp với quy luật tâm lí và bộc lộ cảm hứng nhân đạo sâu sắc. Chén rượu thề nguyền hôm nào dư vị còn đọng trên bờ môi, vầng trăng như vẫn còn kia, mà lại xa xôi cách trở. Kiều đau đớn nhớ tới người yêu, tưởng như lúc này chàng vẫn chưa hay biết việc nàng đã phải trầm luân trong gió bụi cuộc đời nên đang mong ngóng chờ đợi tin tức của nàng một cách uổng công vô ích!
Kiều còn quên hết nỗi đau riêng của mình mà dành tất cả tình cảm thương nhớ cho cha mẹ, nàng thật là người có lòng vị tha:
"Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ ?"
Số phận con người – đó là điều day dứt khôn nguôi trong trái tim Nguyễn Du. Trái tim nhân ái bao la của nhà thơ đã dành cho kiếp người tài sắc bạc mệnh sự cảm thông và xót xa sâu sắc:
"Thương thay cũng một kiếp người,
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi.
Những là oan khổ lưu ly
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!..."
Câu thơ của Nguyễn Du như một tiếng nấc đến não lòng. Từng từ, từng chữ tựa như những giọt lệ chứa chan tình nhân đạo của tác giả khóc thương cho số đoạn trường.
"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh vẫn là lời chung."
=> "Phận đàn bà" trong xã hội phong kiến cũ đau đớn, bạc mệnh, tủi nhục không kể xiết. Lễ giáo phong kiến khắt khe như sợi dây oan nghiệt trói chặt người phụ nữ. Thông qua những nhân vật nữ, các tác giả văn học trung đại đã thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc, đặc biệt là việc họ quan tâm đến số phận của con người trong hoàn cảnh trớ trêu, nghiệt ngã. Qua hình tượng người phụ nữ, họ đồng thời cũng cất lên tiếng nói tố cáo thế lực tàn bạo chà đạp lên hạnh phúc con người và ca ngợi những vẻ đẹp đạo đức quý giá mà đến mãi muôn đời, thiết nghĩ vẫn sẽ được gìn giữ, trân trọng.
II. VĂN HỌC HIỆN ĐẠI - TRƯỚC CÁCH MẠNG
Có thể nói, các tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại đều ra đời ở những thời điểm, hoàn cảnh đặc biệt của đất nước. Mảnh đất hiện thực vô cùng phong phú đã được các nhà văn quan sát, khám phá, khái quát thành những bức tranh phản chiếu đời sống xã hội một cách chân thực nhất.
Trong bức tranh muôn màu ấy, hình ảnh người phụ nữ nổi lên như một điểm nhấn trong mỗi tác phẩm với những cuộc đời, số phận éo le, bi thảm, đầy đau khổ. Từ đó mà gieo vào trái tim nhà văn và bạn đọc những điều trăn trở, khắc khoải trước số phận con người.
Chị Dậu trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố là một hình tượng tiêu biểu. Chị Dậu đầu tắt mặt tối không dám chơi ngày nào mà vẫn "cơm không đủ no, áo không đủ mặc". Gia đình chị đã "lên đến bậc nhì, bậc nhất trong hạng cùng đinh".
Anh Dậu chồng chị tuy là người chăm chỉ cần cù thế nhưng lại trở bệnh khiến cả nhà rơi vào cảnh túng quẫn nhất nhì làng. Nguồn thu nhập duy nhất trong nhà bị cắt đứt khiến năm miệng ăn đã đói nay càng khổ hơn.
Giữa cảnh khốn cùng ấy, số phận lại đẩy cả gia đình chị thêm một bước đến trước tử thần. Hạn đóng thuế hàng năm đã đến, nhà chị đã vốn chẳng còn cơm ăn chỉ có thể đào rễ khoai mớm qua ngày thì nào có tiền mà đóng.
Chính vì lẽ đó nên mặc dù thân anh Dậu bệnh trước còn chưa khỏi mà lũ tay sai đã vội mang anh ra đầu đình hành hạ, đánh đập dã man. Đớn đau thay cho vợ con ở nhà, giữa tiếng reo inh ỏi vì đã quá đói của ba đứa con cùng với sự khổ tâm khi thấy chồng mình yếu dần mà chị chỉ có thể bất lực rơi lệ.
Cái cảnh chị nuốt nước mắt vào trong mà van lạy cái Tý, thằng Dần để chúng đồng ý cho chị dẫn cái Tý sang nhà Nghị Quế làm người đọc không cầm lòng được. Cuộc đời chị bất hạnh này lại nối tiếp khổ đau kia. Sau khi bán con và đàn chó mới đẻ, cóp nhặt đem tiền nộp sưu cho chồng xong tưởng chừng nạn kiếp đã xong mà cố gắng sống những ngày bình yên bên người chồng ốm yếu, nhưng bọn lý trưởng, chánh tổng trong làng lợi dụng thuế má muốn đục nước béo cò bắt chị phải nộp thêm suất sưu cho em chồng đã chết từ năm ngoái. Trong hoàn cảnh ấy không thể chịu đựng được nữa, tình yêu thương chồng và nỗi tức giận bị đè nén bấy lâu đã thôi thúc chị hành động. Chị đã xông vào bọn chúng đánh trả quyết liệt sau những lời van xin thiết tha không hiệu nghiệm để rồi kết quả là cả hai vợ chồng chị bị bắt giải ra đình để quan tư phủ xử tội vì đã chống lại "người nhà nước". Những khổ cực mà chị Dậu phải chịu cũng như những tâm lý uất ức trào dâng bột phát thể hiện thành hành động phản kháng của chị chính là hình ảnh chân thực về cuộc sống của người nông dân trước cách mạng tháng Tám
Kết thúc "Tắt đèn" như một báo động về xã hội phong kiến thối nát và mục ruỗng lúc bấy giờ. Nơi mà tính mạng con người còn thua cả cỏ rác, thời kì mà đồng tiền đã đay nghiến biết bao sinh mệnh hẩm hiu và cho dù họ có nỗ lực cố gắng đến đâu đi chăng nữa thì cái tiền đồ ấy vẫn tối tăm hệt như cái đêm đen mà chị Dậu đã vùng chạy. Nhưng chính chị, bằng cuộc đời bị dồn đến chân tường ấy vẫn gieo trong ta một niềm tin mãnh liệt, dù hiện thực có nghiệt ngã hơn thế nữa thì chị Dậu vẫn đẹp, vẫn trong sáng.
=> Người nông dân trong xã hội cũ gặp nhiều đau khổ bất hạnh là thế nhưng vượt lên trên những đau khổ bất hạnh đó, họ vẫn luôn giữ trọn những phẩm chất cao đẹp của mình mà đọc tác phẩm dù hiện thực có buồn thương nhưng nhân cách và phẩm chất cao quý của họ vẫn ngời sáng trong đêm tối khiến ta thêm tin yêu con người, tin yêu cuộc sống.
III. VĂN HỌC HIỆN ĐẠI - SAU CÁCH MẠNG
Trong văn học 1945- 1975, người phụ nữ xuất hiện là những người mẹ, người vợ, người yêu làm hậu phương vững chắc cho chồng con ra trận; họ cũng là những người tham gia cách mạng ở địa phương, đảm đang việc gia đình. Họ thường được miêu tả với phẩm chất anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Những khó khăn, mất mát nếu có cũng trở thành cội nguồn nghị lực sống của họ. Đó là những người như Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu), chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi), chị Sứ (Hòn đất của Anh Đức)...
Những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả dân tộc tưng bừng khí thế: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm", "Có những ngày vui sao/Cả nước lên đường". Lý tưởng, hành động của lớp lớp thanh niên ngày ấy là "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Vì độc lập tự do của Tổ quốc, tất cả đều hướng ra tiền tuyến, quên đi tất cả những toan tính riêng tư, những suy nghĩ cá nhân vì chiến thắng cuối cùng, không sợ hy sinh, gian khổ và bom đạn của kẻ thù. Đó là hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" của nhà văn Lê Minh Khuê.
Những cô gái tuổi đời còn rất trẻ đã xung phong lên đường ra mặt trận, cống hiến sức trẻ vì độc lập, hòa bình của Tổ quốc. Họ mang trong mình phẩm chất chung của những chiến sĩ thanh niên xung phong giàu tình yêu nước và không quản ngại hi sinh, gian khổ. Với các chị, chiến đấu không phải là ép buộc mà là một lựa chọn quang vinh, là nhìn thấy "khát khao làm nên những sự tích anh hùng" trong tên gọi của nhiệm vụ. Tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, gan dạ, không quản ngại hi sinh. Luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, họ có nghĩ tới cái chết nhưng quan trọng hơn là có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không. Nhiệm vụ đến là họ nhanh chóng phân công và chấp hành, họ đoàn kết và sẵn sàng nhận khó khăn, nguy hiểm về mình: "Tôi một quả bom trên đồi. Nho hai quả dưới lòng đường. Chị Thao một quả dưới chân hầm barie cũ". Họ dũng cảm và bình tĩnh, nói đến công việc phá bom bằng giọng điệu bình thản. Nhà văn Lê Minh Khuê không dễ dãi hay đơn giản ca ngợi phẩm chất của ba cô gái khi đối diện với hiểm nguy mà nhà văn đã tinh tế miêu tả được tâm lí rất thật trong Phương Định và những người đồng đội: "Tôi có nghĩ đến cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể". Bởi cái quan trọng hơn cả mà họ quan tâm đó là "liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?" Là hoàn cảnh đã sản sinh ra những con người như thế hay vốn dĩ bản tính từ khi sinh ra họ đã cứng cỏi, kiên cường? Không rõ nữa! Chỉ biết rằng ở ba cô gái luôn ngời sáng một tinh thần mạnh mẽ, dũng cảm đến phi thường.
Trong chiến trường họ luôn thể hiện tình đồng chí, đồng đội thắm thiết: Phương Định bồn chồn, lo lắng khi hai đồng đội đang trinh sát trên cao điểm: Khi Nho và chị Thao đi trinh sát trên cao điểm, Phương Định đã bồn chồn, lo lắng đến nỗi gắt lên trong điện thoại: "Trinh sát chưa về!" bởi "không gì cô đơn và khiếp sợ hơn khi bom gào thét chung quanh mà không nghe một tiếng trả lời nào dưới đất. Dù chỉ một tiếng súng trường thôi, con người cũng thấy mênh mông bên mình một sự che chở đồng tình. Cảm giác đó cũng giống như thấy mình có một khả năng tự vệ rất vững vậy". Khi Nho bị thương, Phương Định và chị Thao đã lo lắng, băng bó, chăm sóc cho Nho cẩn thận với niềm xót xa như chị em ruột thịt và cảm thấy "đau hơn người bị thương". Hình ảnh chị Thao "lúng túng như chẳng biết làm gì mà lại rất cần được làm việc" vì lo cho Nho mà lại sợ máu, hình ảnh Phương Định cẩn thận rửa vết thương cho Nho, tiêm cho Nho, tất cả đều khiến bạn đọc xúc động và cảm nhận được ở ba cô gái những tình cảm ấm áp như chị em ruột thịt trong gia đình. Họ thấu hiểu nhau từ tính cách đến sở thích, suy nghĩ, chăm sóc cho nhau rất chu đáo. Từ cuộc sống hàng ngày đến những giây phút căng thẳng khi làm việc, họ đều thấu hiểu nhau: "Không ai nói với ai, nhưng nhìn nhau, chúng tôi đọc thấy trong mắt nhau điều đó".
Ngoài ra họ còn có tinh thần lạc quan, trẻ trung, yêu đời: Mỗi cô gái đều có những sở thích riêng rất nữ tính và dịu dàng. Nho thích thêu thùa, chị Thao chăm chép bài hát, Phương Định thích ngắm mình trong gương, hay ngồi ôm gối và hát... Họ có những nỗi sợ rất đời thường. Họ hồn nhiên như những đứa trẻ trước cơn mưa. Và trận mưa đã trở thành sợi dây nối dài quá khứ, hiện tại và những ước ước vọng mai sau. Từ cơn mưa đá, bao kỉ niệm sống dậy trong tâm trí, những cảm xúc hồn nhiên trở thành điểm tựa, giúp họ thêm vững vàng, tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua những khó khăn, nguy hiểm của cuộc chiến đấu.
=> Như vậy, những trang văn của Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong lòng bạn đọc về những chiến công phi thường của ba cô gái trong tổ trinh sát mặt đường trên tuyến đường Trường Sơn. Hình ảnh họ sẽ mãi mãi lung linh, tỏa sáng như những ngôi sao trên bầu trời. Và đúng như nhan đề tác phẩm, ba cô gái chính là những ngôi sao sáng, sáng bởi tinh thần, sáng bởi lòng dũng cảm ở mặt trận Trường Sơn khói lửa.
=> Có thể khẳng định, vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn các nhân vật nữ trong các tác phẩm văn xuôi 1945 - 1975 đã góp phần làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng người phụ nữ trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Đó là những vẻ đẹp vừa mang tính truyền thống, bền vững, vừa có những vẻ đẹp gắn với số phận và hoàn cảnh trong những thời điểm cụ thể.
Thông qua vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong mỗi tác phẩm, các nhà văn gửi gắm những thông điệp quan trọng về con người, về nghị lực sống, về khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và những quan niệm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Đó là những tư tưởng quan trọng góp phần làm nên sức sống lâu bền của tác phẩm văn học trong lòng độc giả và sự phát triển không ngừng của nền văn học dân tộc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro