mười hai ngày đêm,
Dạo ấy trời nóng đến độ như thiêu, như đốt. Cái nực không phải đến từ ánh mặt trời oi ả ngày hạ, nó là do mưa bom, mưa đạn cứ liên tục xối xuống trên đầu chúng tôi. Em ngồi cạnh tôi, trán đầm đìa mồ hôi, tay vẫn miệt mài khâu mấy đường chỉ trên cái áo đã cũ.
Tôi chăm chú nhìn em rồi chợt nhận ra rằng, chiến tranh, cực khổ, bần cùng đã tàn phá em nhiều như thế nào. Em của tôi đẹp lắm, cái ánh mắt biết cười ấy làm tôi mê mẩn. Nhưng hiện tại, người ngồi trước mặt tôi chỉ còn là cậu trai gầy guộc, gò má cao hiện rõ, hốc mắt sâu, trũng xuống. Rốt cuộc thì cuộc chiến này đến bao giờ mới kết thúc? Tôi nhớ em của ngày xưa, cái ngày xưa suốt buổi ngồi cười đùa dưới gốc đa đầu làng, dắt tay nhau đi hái trộm ổi nhà ông Năm, cùng nhau thả diều rồi ngủ trưa trên cánh đồng bạt gió.
Ấy thế mà những cảnh tượng ấy giờ chỉ còn ở trong hồi ức của riêng tôi. Cánh đồng năm xưa nay cũng thành mảnh đất trống với những ngọn cỏ bị cháy xém, gốc đa cũng bị đốn đi để xây đồn cho bọn giặc. Nhưng ông Năm lại là người làm tôi nhớ rõ nhất, ông bác hiền lành, chất phác, chỉ biết lo làm ăn, nay lại trở thành kẻ bán nước, theo bọn giặc làm tay sai. Được cái thằng Mẫn, con ông Năm lại là thằng yêu nước, nó thà hi sinh, chịu tiếng bất hiếu còn hơn là theo bọn Việt gian, bố nó. Tội cái thằng, Mẫn nó hay cười, nhưng tôi biết nó buồn lắm. Nó thương bố nó, mẹ nó, nhưng nó đành phải từ bỏ gia đình theo kháng chiến. Nó biết, cách mạng thành công thì gia đình nó không được an ổn, nhưng nếu nó theo giặc thì lòng nó cũng chẳng yên.
Tôi, em với cả thằng Mẫn thân nhau lắm, hoàn cảnh chúng tôi cũng chẳng hơn gì nó, bố tôi là chiến sĩ đã bỏ mạng nơi chiến trường, mẹ tôi là giao liên, cũng hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Còn em, gia đình li tán, kẻ ở Bắc, người trong Nam. Ba người chúng tôi cưu mang nhau mà sống, một lòng trui rèn mong có ngày được ra trận, góp công giải phóng tổ quốc. Nhưng em từ nhỏ sức khỏe đã yếu, vốn dĩ là không đủ sức để tham gia kháng chiến. Có lẽ vì vậy mà trông em lúc nào cũng buồn. Em buồn làm tôi cũng rầu theo nốt.
Hồi trước, khi vừa có khả năng nhận thức, tôi đã biết bản thân có gì đó khác người. Bọn con gái trong làng có xinh cách mấy tôi cũng không để tâm, đến tận hồi cấp hai tôi mới gặp em, từ đó trong lòng tôi luôn dâng lên cái cảm giác bồi hồi khó tả. Tôi biết, một thằng con trai lại có tình cảm với một cậu trai khác là rất kì quặc, xã hội vốn dĩ không thể nào chấp nhận loại tình cảm này. Hiểu rõ như thế, tôi quyết định ôm tình cảm giấu vào lòng, mãi mãi không bao giờ nói ra.
Đang ngồi say sưa ngắm người thương, tôi nghe thằng Mẫn gọi:
-Này! Bọn mày định ngồi trong đấy đến bao giờ, hay phải đợi tao nấu cơm rồi mời ra ăn? Cả thằng Hanh nữa, mày ngồi đấy làm gì? Ra giúp tao một tay! Thằng Kì nó yếu, không làm được việc nặng thì đành chịu, đến mày cũng ngồi ì ra đấy há mồm chờ tao bưng cơm lên cho à?
Tôi thoáng thấy em cười cười rồi lắc đầu, lâu lắm rồi mới lại thấy nụ cười của em, tôi chắc chắn sẽ ghi nhớ mãi. Tôi đứng dậy, phủi phủi đít quần rồi hét vọng ra:
-Rồi, tao ra ngay đây!
-Thế chẻ củi đi, tao đi mua ít rau.
Tôi chạy ra giúp thằng Mẫn chẻ củi. Nó cái gì cũng tốt, chỉ mỗi tội tính đùn đẩy là không bao giờ bỏ. Chắc giờ lại vào làng tìm mấy em xinh xắn để tán tỉnh chứ gì, tôi biết tỏng. Vừa chặt củi vừa lầm bầm trong miệng, tôi rủa nó riết rồi cũng thành quen, cứ có chuyện gì là lại lôi tên nó ra mà xả.
-Thằng Mẫn chết tiệt.
Đứng được một lúc làm tôi choáng váng cả đầu óc. Nắng quá! Mồ hôi tôi đổ đầm đìa, ướt cả lưng áo. Nhăn mày một cái, tôi khó chịu nhấc cái rìu lên, một phát chặt mạnh xuống khúc gỗ.
-Anh uống nước đi cho mát.
Bỗng một bàn tay vỗ vỗ lưng tôi. Cơ mặt tôi bỗng dãn ra, nhìn thấy em làm bao mệt mỏi của tôi tan biến. Có lẽ nó là sức mạnh của chữ "tình", hay chỉ đơn giản là sự say mê của tôi với em không mệt mỏi nào sánh bằng. Em đưa tôi cốc nước, dùng tay áo dài thấm đi những vệt mồ hôi loang lổ trên trán tôi rồi nói:
-Anh làm gì mà trông khó chịu thế?
Tôi đưa tay vén nhẹ mấy lọn tóc lòa xòa trên trán em, vuốt cho chúng vào nếp. Giờ tôi mới để ý, cái áo em đang mặc rách bươm hết cả, lộ cả làn da trắng xanh yếu ớt của em. Chắc sắp tới tôi nên đi tìm việc làm, kiếm tiền mua cho em xấp vải để may quần áo. Gần đến vụ rồi, hẳn là sẽ có người thuê tôi cày phụ, có lẽ sẽ kiếm được kha khá.
Tôi cầm lấy cốc nước, nhìn chằm chằm em. Em chợt cười buồn, ngồi xuống khúc cây gần đó rồi đưa mắt nhìn xa xăm. Tôi bất giác quay mặt nhìn theo, miệng bỗng dưng không thể cất lời. Em chợt hỏi tôi:
-Anh nhớ quê không?
Tôi gật đầu, ngồi xuống cạnh em rồi uống một ngụm nước.
-Có chứ em.
Em quay sang nhìn tôi, cười rồi hỏi.
-Anh không sợ về quê sẽ lại nhớ đến những cảnh tượng kia à?
Chợt tôi khựng lại. Phải rồi, tôi từng sợ lắm, tôi sợ phải nhìn thấy ngôi nhà kỉ niệm bị thiêu rụi chỉ còn lại một đống màu đen đổ nát, tôi sợ phải nhìn cảnh bố vẫy chào tạm biệt hai mẹ con rồi không bao giờ về nữa, tôi sợ phải nhìn cái cảnh mẹ tôi ngã xuống bởi những viên đạn cứ liên tục nã vào đầu mặc cho máu cứ tuôn ra như suối. Tất cả những cảnh tượng ấy cứ liên tục ùa về trong tâm trí tôi, nó làm tôi đau đớn, sợ hãi. Bất giác, tôi cười rồi lắc đầu.
-Anh không sợ nữa, chính những kí ức ấy là động lực khiến anh muốn tham gia cách mạng.
Em quay sang nhìn tôi, tròn mắt. Có lẽ em ngạc nhiên lắm, bởi em biết tôi từng sợ đến mức nào, buồn tới mức nào mà. Em lại hướng mắt nhìn vào xa xăm.
-Phải chi em cũng được như anh nhỉ?
Dừng đoạn em nói tiếp. Câu nói cứ nghèn nghẹn lại trong cổ họng, em cúi xuống, hai lòng bàn tay đan chặt vào nhau.
-Đến giờ em vẫn không thể vơi đi nỗi sợ hãi khi nhớ về cái ngày ấy, ngày mà hàng loạt những quả bom được thả xuống trên mái nhà. Từng đợt, từng đợt khói cứ bốc lên ngùn ngụt. Em sợ mùi cỏ cháy, vì nó gợi cho em những cảnh tang tóc, bi thương. Em nhớ bố mẹ, nhớ anh Trấn, nhớ cả thằng Quốc. Em chỉ muốn trở lại như ngày xưa, đi thả diều, chăn trâu, cười đùa vui vẻ. Em hèn lắm phải không anh?
Tôi đưa tay ôm lấy em, vỗ vào tấm lưng gầy để an ủi, mong em có thể vơi bớt đi nỗi buồn. Tôi biết, dạo này tin tức bọn giặc liên tục đánh bom xuống Sài Gòn được viết đầy lên mặt báo. Có lẽ cũng vì thế mà em lại nhớ quê, nhớ bố mẹ. Tôi hít lấy mùi hương trên tóc em. Tôi thương em quá!
Xoa xoa lên lưng em, siết chặt hơn vòng tay, để mặc em rúc sâu vào lòng tôi mà khóc. Bình thường em có buồn cách mấy cũng không khóc, chắc em đã chịu đựng nhiều rồi. Nhìn em khóc mà tôi xót, vội nâng mặt em lên rồi dùng tay áo lau nước mắt trên mặt em.
-Em có anh mà, anh sẽ không bao giờ bỏ đi đâu.
Doãn Kì nhìn tôi, nghiêng đầu rồi hỏi.
-Thật không anh? Anh sẽ không bỏ em đúng không?
Tôi gật gật đầu, lại ôm em vào lòng, tôi sợ em lại tủi thân mà khóc. Tôi ngồi im, lắng nghe tiếng gió vọng vào màng nhĩ. Phải đến khi nào chúng tôi mới được sống an ổn đây? Tôi muốn nhìn thấy em của ngày xưa, hồn nhiên và vui vẻ. Tôi vô thức lên tiếng.
-Anh thương...
-Bọn mày ngồi đấy ôm ôm ấp ấp cái gì? Vào nhà thổi cơm!
Thằng Mẫn chẳng biết đứng đấy từ lúc nào lại hét lớn, phá vỡ hết cả bầu không khí. Vẫn như thói quen, tôi thuận miệng rủa nó một câu.
-Thằng Mẫn chết tiệt.
Nó lướt nhanh qua tôi, vành mắt nó đỏ hoe như sắp khóc vậy...Hoặc có lẽ tôi nhầm. Thằng đấy trông thế chứ mạnh mẽ lắm, đợt phát hiện ra bố nó là Việt gian mẹ nó khóc miết, nó cũng chỉ nổi điên lên một lúc, chốc sau lại bình tĩnh như chưa có chuyện gì. Chẳng biết nó vô tâm hay giỏi kìm nén nữa.
Tôi đỡ em đứng dậy rồi cũng bước vào nhà. Trong nhà tối om, thằng Mẫn lại không thắp đèn rồi. Tôi tiến lại phía cái bàn, đưa tay thắp lên ngọn đèn dầu. Tôi lặng người, hình như thằng Mẫn khóc thật. Tôi thấy nó ngồi lẩn trong bóng tối, tay dụi vội đi khóe mắt rưng rưng. Nó quay sang nhìn tôi, miệng cố nở nụ cười.
-Ăn cơm.
Tôi nheo mày nhìn nó, rồi vẫy tay sang em.
-Kì, em ra sau thổi cơm đi.
-Vâng.
Kì gật đầu rồi chạy nhanh ra sau bếp. Lúc này tôi mới ngồi xuống đối diện với thằng Mẫn. Tôi nhìn chằm chằm nó, hít một hơi thật sâu rồi hỏi.
-Có chuyện gì à?
Thằng Mẩn ngẩn người, nó chợt cười gượng rồi lắc lắc cái đầu đã bết mồ hôi.
-Không có gì cả.
-Nói cho tao biết!
Tôi gằn giọng, với thằng này thì phải thế nó mới chịu kể. Nó ngồi thừ người, móc tờ giấy trong người ra, đưa cho tôi.
Giấy báo tử...
-Bố tao ấy mà, ổng bị cộng sản bắn chết rồi.
Nói rồi nó quay mặt vào góc tối, cười cười lên tiếng.
-Ổng là quân phản nước, bị vậy cũng đáng.
Tôi nghe thấy giọng thằng Mẫn nghẹn lại, nó im lặng chẳng nói gì thêm nữa. Tôi biết nó buồn, dù sao đó cũng là bố nó, chẳng lẽ bố nó chết nó lại vui được.
-Mày ngồi đây, tao xuống phụ Kì dọn cơm.
Thằng Mẫn vẫn im lặng, vai nó run lên như đang cố kìm đi tiếng nấc. Tôi thấy bóng lưng nó hắt lên bức tường bên cạnh, buồn rười rượi. Nó yêu nước, nhưng nó cũng thương gia đình. Cái thằng ấy từ nhỏ sống tình cảm, lúc nào cũng lo cho người khác, bản thân có chuyện gì cũng giấu một mình. Cái bản tính đấy của nó làm tôi khó chịu, buồn thì cứ nói, cớ chi phải giữ trong lòng?
Tôi rời đi vì tôi biết, nếu tôi đứng đấy nó sẽ không khóc được. Có lẽ tôi nên để nó một mình. Bước xuống bếp, tôi nhẹ nhàng tiến lại gần em. Em ngồi đấy, im lặng.
-Anh Mẫn sao vậy anh?
Tôi ngồi xuống cạnh em, ngập ngừng.
-Bố nó bị bắn chết, chắc nó buồn lắm. Cái thằng, lúc nào cũng cố cười.
Em gật đầu, tay vẫn chỉnh lại thanh củi trong bếp. Tôi ngồi ngắm em, ánh lửa hắt lên, nóng ran cả mặt. Tôi lại nhớ bố mẹ rồi.
Lửa. Bom. Đạn.
Có lẽ tôi sắp phải đối mặt với những thứ tôi sợ nhất, nghe đâu cộng sản đang tìm thêm chiến sĩ thì phải. Bọn giặc kéo vào Sài Gòn, tôi lại thấp thỏm không yên. Tôi đi, thằng Mẫn đi, em biết phải làm sao?
Tối hôm đấy chúng tôi mỗi người ôm một nỗi niềm riêng. Kẻ thì buồn vì người thân ra đi, người thì đau vì phải từ bỏ nửa thế giới. Tôi trằn trọc, gác tay lên trán, chân vắt chữ ngũ. Chắc mai tôi phải đi cày thuê kiếm tiền mua đồ tặng em, dù gì cũng sắp sinh nhật em rồi.
Chưa bao lâu tôi đã kiếm đủ tiền, tuy không nhiều nhưng nó đủ để tôi mua cho em một tấm vải đẹp. Dạo quanh khu chợ, tôi ráng tìm cho được hàng vải đẹp nhất. Dẫu sao thì đây cũng là lần đầu tôi tặng quà cho em, phải tặng đồ nào cho nên hồn chứ không qua loa được. Tôi đứng lại ở một sạp hàng, bà chủ quán liền niềm nở ra chào khách.
-Cậu mua vải may quần áo à? Tôi có nhiều mẫu lắm, chọn đi.
Vải trước mặt tôi chất thành hàng đống, đầy đủ các loại. Tôi gãi gãi đầu, chẳng biết nên chọn xấp nào cả, mắt thẩm mĩ của tôi không được tốt lắm. Cười ngại, tôi đưa mắt nhìn sang nhìn thị.
-Em mua tặng bạn, chẳng biết là nên chọn xấp nào.
Thị nhìn tôi một hồi, quét mắt từ trên xuống dưới rồi đưa tay ra dấu bảo tôi đợi. Lát sau bà chủ đi ra với một xấp vải lụa trên tay, hoa văn trên đấy thật đẹp. Thật ra nó còn đẹp hơn thế nữa cơ, nhưng vốn từ của tôi có hạn, không biết miêu tả như thế nào cho phải. Tôi cầm xấp lụa trên tay, mân mê từng thớ vải, mắt nhìn chằm chằm. Vội nuốt nước bọt, tôi quay sang hỏi thị.
-Bao nhiêu vậy chị?
-Lụa thượng hạng đấy nhá, thấy cậu cũng thật thà nên tôi lấy rẻ cho. Trăm đồng!
Thấy thế tôi gật đầu, tay luồn vào trong túi lấy ra một cục vải được gói ghém chắc chắn. Chậm rãi mở từng lớp vải, tôi lấy từ trong đó ra một xấp tiền. Dùng đầu ngón tay quệt lên lưỡi, tôi đếm tiền thật cẩn thận. Đếm xong lại nhìn sang ánh mắt thèm thuồng của bà chủ.
-Có bớt không chị?
Thị bĩu môi.
-Không, trăm đồng đã là hạ hết mức rồi.
Tôi chặc lưỡi rồi rút tiền ra đưa cho thị. Thị cười cười rồi bảo tôi đưa xấp lụa cho thị gói lại. Trên đường về nhà, tôi cứ ngắm nghía món hàng nọ suốt, miệng không tự chủ được mà cong lên thành đường vòng cung. Có lẽ Kì sẽ vui lắm khi nhận được nó.
Đùng.
Vang lên bên tai tôi là một tiếng nổ inh tai. Trời đất bỗng tối sầm lại, trên đầu là âm thanh ồn ào do động cơ máy bay gây ra. Ngẩng đầu lên, phi cơ của Mỹ đã đen nghịt cả một khoảng. Mọi người xung quanh chạy tán loạn, những tiếng thét chói tai bao trùm cả một con phố. Tôi trợn tròn mắt, Kì, em của tôi vẫn còn đang ở nhà.
Vội vàng bước nhanh hơn về phía cánh cổng quen thuộc, tôi đảo mắt liên hồi để tìm kiếm dáng hình gầy gò bé nhỏ kia, tay vẫn nắm chặt gói lụa vừa mua. Bom cứ dội xuống liên tục, nóng ran hết cả mặt mày. Mấy tòa nhà bên phố thay phiên nhau vỡ nát, đổ rầm xuống mắt đất. Đã có người chết vì bị gạch đè, máu me be bét. Tôi ngoái đầu nhìn lại, ở chỗ đấy chỉ còn là một đống hỗn độn đỏ lòm, loáng thoáng đâu đó còn bàn tay đỏ hỏn thò ra giữa những viên gạch. Có lẽ người vừa chết là một đứa bé trạc tầm năm, sáu tuổi.
Tôi sợ hãi cắm đầu về phía trước mà chạy, trong lòng vẫn cầu mong Kì và Mẫn sẽ an toàn. Nhưng rồi đôi chân tôi bỗng khựng lại, đôi tay buông thõng, tóc bị gió thổi hất về phía sau, gương mặt đã phần nào đen đi vì tro tàn dính vào từ những vụ hỏa hoạn. Trước mắt tôi là một ngôi nhà đang bốc khói ngùn ngụt, lửa đã bắt đầu lan sang những vùng cỏ xung quanh.
Liệu Kì và Mẫn có sao không?
Tôi đột nhiên nhớ về những ngày xưa. Nụ cười của Kì, ánh mắt rực cháy của Mẫn, và lời hứa hẹn của cả ba khi đứng trước mộ của bố mẹ tôi. Rằng, chúng tôi sẽ cùng nhau chiến đấu để giành độc lập cho tổ quốc. Vội dụi nước mắt đang làm nhòe đi tầm nhìn, có lẽ hai người họ đã kịp chạy ra khỏi nhà rồi. Mẫn là đứa nhanh nhẹn và can đảm nhất, chắc chắn nó sẽ thay tôi bảo vệ Kì.
Tôi thoáng nghe thấy tiếng gọi của một chiến sĩ.
-Này, cậu kia! Đứng đấy làm gì? Mau đi sơ tán nhanh!
Phải rồi, mọi người đều đã chạy xuống hầm. Có lẽ tôi sẽ gặp Kì và Mẫn ở đó. Nhanh chóng tiến về phía người nọ rồi cũng theo anh ấy xuống hầm trú ẩn. Những tiếng đùng, đoàng cứ liên tục vang lên trên bầu trời Hà Nội. Dưới hầm chật kín người, đa phần là phụ nữ và trẻ em. Tôi đảo mắt tìm hai người bạn nhưng chẳng thấy.
Thôi rồi! Có lẽ họ không chạy thoát!
Chợt, có một bàn tay đặt lên vai tôi. Ngoảnh đầu lại nhìn, tôi thấy gương mặt đen nhẻm do than của Kì. Cơn vui mừng dâng trào trong lồng ngực, tôi vội ôm chầm lấy em, nhưng em lại chẳng nói tiếng nào. Tôi lặng người, cảm nhận từng đợt run bần bật của người trong lòng, đâu đó có tiếng nấc khe khẽ nghẹn lại trong cổ họng. Tôi lùi ra, nắm chặt lấy vai em, mắt đối mắt.
-Kì, sao vậy em?
Lúc này nước mắt đã giàn giụa trên gương mặt Kì. Em trả lời tôi trong từng tiếng đứt quãng.
-Anh Mẫn...anh Mẫn...
Ruột tôi nóng như lửa đốt, đôi bàn tay dùng lực siết chặt lấy vai em, đôi mắt long sòng sọc.
-Thằng Mẫn bị làm sao?
-Anh Mẫn chết rồi...
Tôi buông lỏng tay, ngồi thụp xuống mặt đất, không nói thêm được gì nữa. Bên tai cứ ong ong mấy lời nói của Kì, đôi lúc lại có một giọt nước tràn ra từ khóe mắt. Mặt đất cứ rung chuyển liên hồi, thứ vật chất dưới chân như muốn sôi lên, bốc lửa. Tôi đã tưởng tượng ra cái cảnh thằng Mẫn bạn tôi bị nhấn chìm trong cái thứ nóng hổi ấy, da phồng rộp lên vì bỏng, hốc mắt đỏ lòm cầu xin được cứu.
Nó chết thật rồi!
Ba người chúng tôi từ trước đến giờ đi đâu cũng đi cùng nhau, làm gì cũng phải có ba đứa. Thế mà...thằng Mẫn lại bỏ chúng tôi mà đi trước. Nó nỡ gạt đi lời hứa ngày nào mà hèn nhát trốn chạy về thế giới bên kia. Dẫu cho đã lường trước được một ngày nào đó một trong ba sẽ hi sinh nơi chiến trường, thì tôi cũng không ngờ được cái ngày ấy lại đến nhanh như vậy.
Thôi thì.
An nghỉ nhé Mẫn! Tao sẽ chiến đấu thay cả phần của mày.
Bom B năm hai vẫn được xả xuống trong khoảng một tuần tiếp theo. Lúc này tôi đã có thể vực dậy chính mình. Đã đến lúc thế hệ thanh niên trẻ phải đứng dậy chiến đấu vì tổ quốc rồi. Buổi tối trước khi đi, tôi đã trăn trở mãi. Không phải vì tôi không muốn đi, mà vì tôi lo cho Kì. Liệu em có được an toàn khi ở đây không? Tôi nằm xuống, một tay vắt lên trán, tay còn lại cứ cầm lấy gói lụa mấy hôm trước vừa mua, giờ đã bị cháy xém mất một góc.
Ngồi bật dậy, mắt tôi hướng đến bóng lưng nhỏ cong cong của Kì. Nhẹ nhàng tiến tới để không khiến em bị giật mình, tôi đặt tay lên vai em.
-Kì, anh có cái này muốn đưa cho em.
Kì ngước mặt lên nhìn tôi, tròn xoe mắt. Tôi mỉm cười, tay dúi cho em cái gói nọ rồi vội ôm em vào lòng.
-Gói này là quà cho em. Mai anh phải đi rồi, không biết khi nào mới được trở về. Em phải tự chăm sóc mình. Anh...
Tôi ngập ngừng định nói hết những điều trong lòng, nhưng rồi lại thôi. Có lẽ tình cảm này của tôi không nên nói ra. Mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu chúng tôi cứ là anh em đồng chí như này. Tôi nghĩ vậy, nhưng trong ruột cứ cồn cào không yên.
-Vâng, anh yên tâm. Em đợi ngày anh về.
Cuối cùng, tôi cũng không thể nói ra. Lời đáp của Kì khiến tôi rơi vào trầm lặng. Nếu hôm nay tôi nói ra tình cảm thật của mình, liệu chăng Kì có còn ngày đêm mong ngóng tôi về? Tôi nằm xuống, mắt vẫn mở tháo láo, không tài nào ngủ được.
Sáng hôm sau chúng tôi lên đường sớm. Vừa bước ra đường, tôi đã cực kì bàng hoàng trước cảnh tượng trước mắt. Xác chết rải rác khắp nơi, đến độ chiếu để đắp lên cũng không đủ. Họ được xếp thành những hàng dài trên lề đường, mặt ai cũng đen như than, quần áo rách bươm, không thể nhận diện được, mùi thịt cháy bốc lên nồng nặc. Có người trong đội tôi đã nôn mửa vì không chịu đựng được trước sự thảm khốc của chiến tranh.
-Vác súng trên vai! Không được nao núng!
Đội trưởng hét lên những lời đanh thép. Tất cả những người lính dù cho có đang chìm trong sợ hãi tột cùng cũng phải đồng loạt đứng thẳng người, đồng thanh đáp.
-Rõ!
Chúng tôi cứ chiến đấu miệt mài như thế trong suốt tám ngày tiếp theo. Máy bay Mĩ đã dần thưa hơn, đã có những chiếc bị bắn hạ và rơi xuống. Đợt trước, chúng thả bom liên tục suốt cả đêm, không ai trong chúng tôi là được ngủ cho tròn giấc. Nhưng hiện tại, những đợt bom cũng đã giãn dần, số lượng địch bị bắt sống cũng đã tăng lên đáng kể.
Tôi đứng trước chiến trường hỗn loạn, tay nắm thành đấm, miệng vẫn nở một nụ cười tự hào. Có lẽ sắp kết thúc rồi. Chợt, một tiếng nổ vang lên bên tai tôi. Da tôi bỏng rát, bốc lên mùi khét lẹt. Quần áo trên người bỗng dưng nứt toác ra thành những vòng tròn với cái viền màu đen do bị cháy. Tôi ngã ra sau, mắt vẫn trợn lên vì bất ngờ. Bên tai vẫn còn âm ỉ tiếng lách tách của đốm lửa phập phồng.
-Hanh!
Đồng đội gọi tôi, nhưng tôi không thể mở miệng trả lời. Cái cảm giác này...Đau quá! Khoảnh khắc cuối cùng của mày cũng đau đớn như vậy hả Mẫn? Mày đã chịu đựng ra sao trong cái nóng ran đến tận gan phổi này? Tôi nhắm mắt lại, thả lỏng cả cơ thể. Đâu đó tôi thấy bàn tay nhỏ xíu của thằng Mẫn, cả đôi mắt cười của nó nữa. Nó đang chờ tôi, ở một nơi nào đó, không có chiến tranh.
Hôm nay tôi hi sinh vì tổ quốc, đành chôn vùi mối tình vào sâu thẳm trong lòng. Nở nụ cười mãn nguyện trên môi, hòa cơ thể vào đám cháy bập bùng.
Không biết Kì sẽ phản ứng thế nào sau khi nhận được lời nhắn trong gói lụa nhỉ?
.
Gửi Kì, em của tôi,
Không biết lúc em đọc được những dòng này tôi có còn ở bên em không. Đáng nhẽ ra tôi phải can đảm hơn để chính miệng thổ lộ với em, nhưng tôi không dám. Chả là từ nhỏ, tôi đã thương em, ý tôi là cái kiểu thương kia ấy, không phải tình anh em đâu. Tôi sợ khi tôi nói ra, em sẽ không thèm nhìn mặt tôi nữa, thế là tôi giấu nhẹm đi.
Ngày mai tôi phải đi rồi, nên tôi quyết định sẽ viết hết những điều trong lòng ra. Mong em sẽ không ghét bỏ mà chờ đợi ngày tôi chiến thắng trở về.
Kim Thái Hanh.
15062021
#Jei
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro