Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Đứa học trò (Deshi)

Một

Kẻ du hiệp người ấp Biện nước Lỗ tên Trọng Do tự là Tử Lộ nghe rằng mấy lúc sau này, Khổng Khâu, bậc sư phó đất Xu, được thiên hạ ca tụng là hiền nhân, bèn rắp tâm tìm đến nơi để hạ nhục cho bõ ghét. Nghĩ mình chẳng cần phải có diện mạo tươm tất làm chi với một kẻ đạo đức giả, anh cứ để nguyên đầu bù tóc rối, mũ đội sụp mắt, áo xống vạt dài vạt ngắn, tay trái cắp con gà trống, tay phải kẹp con lợn đực, hùng hùng hổ hổ nhắm phía nhà Khổng Khâu tiến tới. Anh ta lay con gà, chọc con lợn những mong tiếng động oang oác từ mồm chúng gây ra sẽ làm rối loạn buổi tập đàn và đọc sách của đám đệ tử thầy Khổng.

Một cuộc đối thoại đã bắt đầu giữa hai người: một bên là anh chàng trẻ tuổi mắt lộ sắc giận vừa mới sồng sộc bước vào nhà cùng hai con súc vật đang gây ồn ào, một bên là ông thầy với khuôn mặt khoan hòa, tay tựa lên bàn, với chiếc mũ tròn và đôi giày vuông, một viên ngọc quyết [1] cài trên chiếc đai lưng. Khổng Tử hỏi:

-Chẳng hay nhà ngươi chuộng môn nào?

Chàng trai trẻ ngang nhiên phóng ra một câu:

-Tôi ư? Tôi thích trường kiếm.

Khổng Tử dù không muốn cũng phải bật cười bởi vì qua thái độ và lời lẽ của thanh niên, ông thấy một sự huyênh hoang quá trẻ con. Thần sắc tươi tắn, lông mày rậm, đôi mắt sáng. Nhìn khuôn mặt của anh thì thấy ngay là một thanh niên cương quyết nhưng ở một chỗ nào đó, con người ấy cũng toát ra một sự chân thực đáng yêu. Khổng Tử mới hỏi tiếp:

-Đối với ngươi, học nghĩa là gì?

-Học à? Học chỉ là điều vô ích.

Tử Lộ hăng lên, cất tiếng trả lời thật to bởi vì chủ tâm của anh ta khi đến đây chỉ là để nói lên điều ấy.

Khổng Tử thấy mình không thể tiếp tục tươi cười khi người ta đụng chạm đến quyền uy của học vấn. Ông bắt đầu giải thích một cách từ tốn về sự cần thiết của việc học:

-Bậc vua chúa nếu không có quần thần can gián sẽ xa rời nẻo chính, kẻ sĩ không có bạn chơi cùng sẽ không còn biết nghe điều phải. Như cây kia khi chưa có giây buộc thì biết uốn làm sao cho ngay. Tựa như ngựa phải có roi, cung phải có đồ nắn ép, con người cần được dạy dỗ để sửa đổi tính tình. Thế thì cớ sao ngươi lại xem học vấn là vô ích? Vật nào cũng vậy, cần phải uốn nắn, dẫn dắt, mài giũa, xong mới trở thành hữu dụng chứ!

Khổng Tử có lối ăn nói rất thuyết phục, khó tưởng tượng nổi. Trong những trang ngữ lục đời sau hay các sách vở có nhắc đến tên ông, không nơi nào giúp chúng ta nhận ra điều đó. Chẳng những nội dung lời ông nói mà cả trong cái giọng ôn tồn với những lúc lên bổng xuống trầm, trong thái độ đầy xác tín về những điều mình phát biểu, đã có một cái gì đó đủ chinh phục người nghe. Thái độ của chàng thanh niên bắt đầu thay đổi, anh không còn muốn chống trả nữa và rốt cuộc đã chịu lắng nghe ông một cách lễ độ..

-Tuy nhiên...

Coi bộ Tử Lộ vẫn chưa hoàn toàn mất sức phản công:

-Tuy nhiên...tôi nghe nói trúc ở Nam Sơn không ai uốn mà cũng thẳng và chỉ cần một cây chặt ra từ đấy là đã có thể đâm thủng lớp da tê giác dày. Do đó, trong trường hợp một cá nhân thiên bẩm ưu việt, tôi thấy hắn có cần phải học đâu nào?

Khi người đứng trước mặt là Khổng Tử thì việc đập tan lối lập luận chỉ dựa vào một thí dụ ấu trĩ của thanh niên là chuyện dễ như bỡn. Sau khi ông ta đưa ra nhận xét là nếu ghép vào thanh trúc Nam Sơn một cái đuôi bằng lông chim và một đầu mũi tên đã mài sắc thì nó còn có thể làm tốt hơn cái chuyện đâm thủng lớp da tê giác nữa thì chàng trai trẻ đáng yêu kia không còn tìm đâu ra câu trả lời. Mặt đỏ bừng, trong một lúc, anh đứng như trời trồng trước mặt Khổng Tử, ra vẻ suy nghĩ lung lắm rồi bất chợt ném cả gà lợn và cúi đầu xuống qui hàng:

-Dám xin được thầy dạy dỗ!

Tử Lộ không chỉ bị những lời nói của ông dí vào đường cùng. Thực ra khi anh mới bước vào nhà và nhìn thấy dung nhan Khổng Tử rồi nghe mấy câu nói đầu tiên của ông, anh đã cảm thấy nơi đây không phải là chỗ dành cho gà lợn và cảm thấy mình như bị áp đảo bởi một địch thủ có tầm cỡ cách mình xa lắc.

Ngay hôm đó, Tử Lộ xin làm lễ thầy trò và nhập môn Khổng Tử.

Hai

Tử Lộ chưa bao giờ diện kiến một người như ông ta. Anh đã gặp lực sĩ có sức cử đỉnh nặng nghìn cân. Anh đã nghe chuyện của bậc trí giả mà sự thông thái lan xa đến ngoài nghìn dặm.Thế nhưng Khổng Tử không nằm trong số những kẻ có khả năng kỳ quái phi thường như thế. Ông chỉ hoàn chỉnh một số tri thức hết sức thông thường.Cái hay của ông là khởi đi từ những năng lực nơi con người, từ tri (thức) - tình (cảm) - ý (chí) và thân xác (nhục thể), thực ra là từ những cái rất bình thường ông đã khai triển chúng thành một hệ thống thật dàn trải.

Ông đã tìm ra một sự phong phú trong quân bình, không thái quá cũng không bất cập, từ mỗi một năng lực của con người mà những cái hay cái đẹp hầu như chưa từng đập vào mắt ai. Đối với Tử Lộ, đó là những điều anh mới bắt gặp lần đầu trong đời. Những tư tưởng ấy làm Tử Lộ ngạc nhiên vì tuy khoát đạt tự tại nhưng nó không có cái mùi vị của Lão giáo. Anh cảm thấy rằng ông thày này phải là người đã chịu nhiều gian khổ trong đời. Buồn cười hơn nữa là về hai lãnh vực là vũ nghệ và sức lực mà anh rất tự mãn, coi bộ Khổng Tử còn đứng trên anh. Khác nhau chăng là trong đời mình, ông chưa bao giờ đem nó ra sử dụng. Trước tiên, điều này đã làm cho một kẻ du hiệp như Tử Lộ phải kinh hoàng. Anh tự hỏi không biết ông già này có từng sống một cuộc đời phóng đãng vô lại như mình không, chứ nhờ đâu mà có được cái tài quan sát tâm lý con người sắc bén đến thế? Bắt đầu từ một cơ sở thấp kém như vậy, ông đã đi dần lên cao về hướng về một chủ nghĩa lý tưởng không bám một chút nhơ bẩn nào. Khi nghĩ đến địa bàn rộng rãi của tư tưởng ông, Tử Lộ không khỏi cảm thấy có một sự thán phục đến tự đáy lòng. Một con người như thế này, ở đâu chăng nữa, cũng sẽ được chấp nhận, dù khi ta đem đạo lý thuần khiết ra để xét đoán cũng như khi ta nhìn ông dưới quan điểm hết sức dung tục. Trong những người sang cả mà Tử Lộ được gặp cho đến nay, họ đều được đánh giá vì lợi ích họ mang lại.(.)Họ chỉ được thiên hạ coi trọng nếu tỏ ra được việc. Trường hợp của Khổng Tử thì hoàn toàn khác. Riêng sự tồn tại của ông như một con người là đã quá đầy đủ. Ít nhất đó là điều Tử Lộ nghĩ trong đầu. Lòng anh đã say sưa với ý tưởng đó mất rồi. Mới nhập môn thấy vỏn vẹn một tháng, anh đã cảm thấy mình không thể nào rời xa cái trụ cột tinh thần đó.

Trong những năm dài đầy gian khổ về sau trong cuộc đời của Khổng Tử, không có ai vui vẻ đi theo hầu thầy cho bằng Tử Lộ. Anh không tháp tùng thầy như thế để mưu cầu một chút công danh với cái tiếng tăm là học trò của thầy và hài hước hơn nữa là dù sống bên thày, anh cũng chẳng có dịp trau dồi tài đức gì hơn. Rồi cho đến lúc chết, điều đó cũng không hề thay đổi. Anh không làm điều gì cực đoan mà chỉ giữ một lòng yêu kính thuần túy những khi ở bên cạnh người thầy. Như ngày xưa anh không bao giờ rời thanh trường kiếm thì giờ đây, anh cũng không bao giờ rời ông thày học.

Lúc nói ra được câu "tứ thập nhi bất hoặc" thì Khổng Tử vẫn chưa đầy bốn mươi tuổi, Tuy ông chỉ hơn Tử Lộ có chín tuổi nhưng đối với Tử Lộ thì khoảng cách chín năm ấy có thể xem như là vô bờ bến.

Dẫu Khổng Tử có là Khổng Tử [2] , ông cũng phải ngạc nhiên trước sự bướng bỉnh của đứa học trò mới này. Loại đệ tử yêu chuộng sự dũng cảm và ghét bỏ tính hèn nhát, ông từng biết rất nhiều nhưng khinh miệt những gì hình thức một cách rõ ràng như Tử Lộ, chắc chỉ có một. Có thể là cuối cùng anh sẽ chấp nhận Lễ là cái qui kết những giá trị tinh thần, thế nhưng Lễ hầu như không thể nào vượt ra ngoài hình thức. Anh chàng Tử Lộ này coi bộ không dễ dàng gì tỏ ra muốn đi theo lộ trình đó. Một mặt, anh hớn hở khi nghe thầy dạy những câu như: "Lễ ư, lễ ư? Lễ có phải là ngọc hay gấm không đây! Nhạc ư? Nhạc ư? Nhạc có phải là chuông là trống không đây!" [3] nhưng mặt khác, khi nghe giảng đến những điều tế toái trong chương Khúc Lễ [4] thì anh ta lại tỏ vẻ khó chịu vì cảm thấy nhàm chán. Việc bắt buộc phải giảng nghĩa về Lễ Nhạc cho một anh chàng đang phải đấu tranh với cái bản năng khinh ghét chủ nghĩa hình thức của chính hắn là điều gây khó khăn cho cả Khổng Tử. Hơn thế nữa, việc Tử Lộ phải học những thứ ấy lại là một vấn đề nan giải cho anh ta. Chỗ nương tựa của Tử Lộ chỉ là nhân cách sâu dày của Khổng Tử. Theo Tử Lộ thì sự sâu dày ấy không phải có được bằng sự tích tụ từ những hành động nhỏ nhặt và bình thường hằng ngày của người thầy.Tử Lộ cho rằng một kết quả như vậy (mạt = ngọn) phải bắt nguồn từ một gốc rễ (bản) đầu tiên. Thế nhưng, trên thực tế, anh hãy còn thiếu sự suy nghĩ chín chắn để biết cách giữ gìn cái gốc rễ ấy cho nên Tử Lộ luôn luôn bị thày quở trách. Việc anh tâm phục Khổng Tử là một chuyện, còn việc anh có thu nhận tức khắc sự cảm hóa từ phía tôn sư hay không lại là chuyện khác.

Khi bảo rằng kẻ thượng trí và kẻ hạ ngu đều khó thay đổi, Khổng Tử đã chừa trường hợp Tử Lộ sang một bên. Tuy anh đầy khuyết điểm nhưng đối với ông, anh ta không phải là kẻ hạ ngu. Ông đã nhìn thấy nơi đứa học trò ngang ngạnh bướng bỉnh này một điểm son rất lớn khiến anh ta vượt trội so với bao nhiêu người khác. Đó là sự trong trắng, không nghĩ đến lợi hại. Đức tính này của anh dù tìm trong cả nước cũng chẳng mấy ai có được. Ngoài Khổng Tử, chắc không người nào nhận ra khuynh hướng ấy nơi Tử Lộ và biết giá trị của đức tính đó. Kẻ khác xem đó chẳng qua là dấu hiệu của một sự ngu đần không ai hiểu nổi. Thế nhưng nếu đem so sánh với sự ngu đần hiếm có này thì cái Dũng và tài năng chính trị của Tử Lộ là những báu vật hãn hữu và mỗi mình Không Tử là biết rõ.

Tuân theo lời thầy, Tử Lộ tự áp chế mình, trong mọi trường hợp, anh đều đối xử với thân tộc chỉ bằng hình thức. Theo cách đánh giá trong vòng thân thích thì họ cảm thấy rằng từ ngày nhập môn đến nay, Tử Lộ ngày xưa hung hãn là thế mà đã thay đổi nhiều để trở thành một kẻ hiếu hạnh. Riêng Tử Lộ thì không khỏi ngạc nhiên khi nhận được những lời khen ngợi ấy. Không biết là mình có thờ cha kính mẹ hay không chứ anh chỉ xử sự một cách dối trá và chuyện đó chẳng hề cắn rứt lương tâm. Lúc sống mặc kệ người khác và khiến cho cha mẹ phải đau khổ mới chính là khi anh thành thật với bản thân hơn cả. Nay thấy những người thân của mình có vẻ mừng rỡ vì sự dối trá đó, anh không khỏi tội nghiệp cho họ. Tuy không phải là nhà phân tích tâm lý sâu sắc gì, nhưng anh là người rất chân thành nên thông hiểu được mọi sự. Nhiều năm về sau, khi nghĩ đến cha mẹ giờ đã già nua và nhớ lại sự linh hoạt của các cụ thời còn trẻ, có lần nước mắt anh đã trào ra. Kể từ lúc đó, Tử Lộ đã trở thành một người con hiếu kính không ai sánh kịp, thế nhưng để được như vậy, Tử Lộ đã phái thay đổi một cách đột ngột như qua nội dung câu chuyện sắp kể ra đây:

Ba

Một hôm, đang đi ngoài đường, Tử Lộ bỗng gặp hai, ba anh bạn cũ. Tuy chưa có thể gọi họ là quân vô lại nhưng cũng là những người thuộc giới du hiệp yêu chuộng cách sống phóng túng. Tử Lộ bèn dừng lại một đỗi để trò chuyện với họ. Trong đám có một người cứ nhìn tới nhìn lui cách ăn mặc của Tử Lộ và chê bai "Ôi chao. Cậu mặc đồ kiểu nhà Nho đấy à? Trông sao mà mướp thế!" rồi lại tiếp lời:" Không nhớ cái thời còn đeo trường kiếm ư?" Thấy Tử Lộ không đếm xỉa gì đến nhận xét ấy thì người kia bèn bồi thêm một câu khác mà anh khó lòng bỏ qua: "Này này! Thầy Khổng Khâu nhà cậu chắc là một thứ bợm bãi nào đấy thôi, có phải không nào? Làm mặt trịnh trọng để nói như thật những câu mà trong lòng lão không bao giờ cho là đúng. Tất cả chỉ để ngồi mát ăn bát vàng".

Người bạn đó chính ra không phải là kẻ hiểm ác, anh ta chỉ ăn nói độc địa như vậy với bạn vì thân quá hóa lờn nhưng nó đã làm cho Tử Lộ biến sắc mặt. Anh liền đưa tay nắm ngực áo của người đàn ông nọ, vung nắm đấm tay mặt và quạt ngay vào mặt hắn ta. Sau khi cho người kia ăn liên tiếp hai ba quả đấm như vậy, Tử Lộ mới buông tay làm hắn ta ngã xuống, mềm như cọng bún. Đối với những người bạn khác đang há hốc vì ngạc nhiên, Tử Lộ cũng đưa mắt trừng họ như muốn khiêu chiến. Những người này đều thừa biết sự dũng mãnh của Tử Lộ nên giả bộ làm lơ. Họ kéo gã đàn ông bị ăn đòn kia đứng dậy rồi cùng nhau biến đi, không dám hó hé thêm câu nào nữa.

Chuyện này rồi có lúc cũng đến tai Khổng Tử. Ông cho gọi Tử Lộ và khi anh ta đến trước mặt thầy, tuy không đả động trực tiếp đến sự việc xảy ra nhưng ông đã căn dặn anh mấy lời: "Người quân tử lấy chữ Trung để nuôi dưỡng khí chất, dùng điều Nhân như lá chắn để bảo vệ cho mình.Gặp cảnh khó khăn (bất thiện) thì dùng Trung mà hóa giải, bị bạo hành thì đem Nhân ra củng cố lấy thân. Do đó, không cần thiết phải sử dụng đến sức mạnh. Kẻ tiểu nhân hay lấy sự ngạo nghễ (bất tốn) mà gọi đó là Dũng, chứ cái Dũng của người quân tử là làm sáng tỏ được điều Nghĩa vv..." Trước những lời đó, Tử Lộ chỉ lẳng lặng đứng nghe.

Vài hôm sau, trong lúc Tử Lộ xuống phố, anh bỗng nghe tiếng một bọn người nhàn tản thảo luận dưới bóng cây. Hình như họ đang đồn đại với nhau về Khổng Tử thì phải:

-Xưa với chả xưa? Tại sao cứ vác mấy chuyện cổ lổ sỉ để chê bai người đời nay! Thấy không có ai biết chuyện đời xưa xảy ra thế nào nên mới dám mạnh mồm mạnh miệng. Nếu ông ta bảo Đạo là cán cân, là chuẩn mực đo lường rất tốt và cứ thế mà đem áp dụng vào việc trị nước thì hỏi ai còn mất công nghĩ ngợi gì thêm cho nhọc sức. Đối với bọn ta thì lão Chu Công [5] đã chết mất đất kia, về mặt giá trị, sao có thể so sánh với một người đang sống là ngài Dương Hổ được nhỉ!.

Thời đó đang xảy ra cảnh "hạ khắc thượng" (dưới lấn lên trên) trong chính trị. Thực quyền đã vuột khỏi tay Lỗ Hầu để tập trung vào tay quan Đại phu Quí Tôn Thị. Bây giờ quyền lực ấy lại nằm trong tay Dương Hổ - một người đầy tham vọng - vốn là bầy tôi của họ Quí Tôn. Người đang phát ngôn có lẽ là thân thuộc gì đó của Dương Hổ..

-Thế nhưng ngài Dương Hổ gần đây lại muốn dùng Khổng Khâu nên đã bao lần cho người đến rước mà - lạ thay - chính lão Khổng Khâu lại từ chối gặp ngài mới chết chứ! Dù ngoài miệng lão ăn to nói lớn nhưng coi bộ, trên thực tế, lão không mấy tự tín về tài chính trị của mình. Hạng người đó là như thế!

Tử Lộ từ đằng sau rẽ mọi người để bước ra phía trước rồi lừng lửng tiến về phía kẻ đang biện thuyết. Mọi người đều nhận ra anh là học trò cửa Khổng. Ông già nãy giờ bình luận một cách hùng hồn cũng đổi sắc mặt, sau khi khẽ cúi chào Tử Lộ một cách gượng gạo đã lủi đi và nấp đằng sau hàng rào người.Có lẽ trong khóe mắt của ông ta, tướng mạo của Tử Lộ quả là cái đáng sợ.

Sau lần đó hãy có những lần nối tiếp và cảnh tượng như vậy vẫn thường diễn ra ở một vài nơi. Ngay từ xa, khi mới thấy tướng mạo phẫn nộ với ánh mắt như bốc lửa của Tử Lộ, mọi người không còn dám hở môi nói một câu nào để khích bác Khổng Tử.

Vì mấy chuyện này mà Tử Lộ thường xuyên bị thầy mình quở trách. Nhưng anh không biết làm sao hơn. Không phải vì trong lòng, anh không tìm ra được một lý do để tự bào chữa ". Con người mà thầy gọi là quân tử dĩ nhiên rất đáng tôn kính bởi vì người đó có đủ sức để nổi giận như tôi và hơn nữa, ông ta có khả năng kềm giữ nó. Sở dĩ ông ta kìm hãm được, chỉ vì cơn giận của ông không mạnh bằng cơn giận của tôi thôi. Nếu một cơn giận có thể kềm hãm được là vì nó đã bị yếu đi rồi. Ngoài ra, không thể nào giải thích cách khác"...

Thời gian trôi qua, khoảng một năm sau, Khổng Tử giờ đây đã bắt đầu cất tiếng khen ngợi học trò mình nhưng với một nụ cười có phần ngượng nghịu:

-Từ khi Tử Lộ đến học ở đây, ta không còn nghe ai nói xấu về ta nữa.

Bốn

Có lúc, Tử Lộ ngồi gảy đàn sắt trong một gian phòng.

Khổng Tử ở một gian phòng khác nghe xong một hồi bèn quay sang nói với Nhiễm Hữu đang dứng hầu bên cạnh:

-Hãy nghe tiếng đàn sắt kia mà xem! Trò không thấy trong đó chất chứa đầy sự hung bạo hay sao? Tiếng đàn của người quân tử phải ấm áp nhu hòa, ở ngay chính giữa và hàm dưỡng một bầu không khí giúp cho sự sinh sôi nẩy nở. (Tựa như) xưa kia vua Thuấn đàn Ngũ huyền cầm và làm thơ Nam phong (với câu) Gió nam mát mẻ chừ, có thể làm tiêu tan sự bực bội của dân ta, Gió nam kịp thời chừ, có thể đem thêm của cải cho dân ta [6] .Nay ta nghe trong tiếng đàn của trò Do (Trọng Do / Tử Lộ) chỉ có âm thanh đâm chém sát phạt cho nên không thể nào gọi đó là Nam âm, nó chỉ là Bắc thanh mà thôi.Ta chưa hề nghe một tiếng đàn nào biểu lộ được một cách rõ ràng tâm sự bực tức gay gắt của người đánh đàn như tiếng đàn đó.

Sau đó, Nhiễm Hữu đã đến chỗ của Tử Lộ và truyền lại lời của phu tử.

Xưa nay, Tử Lộ vẫn biết tài âm nhạc của mình không đến đâu và anh thường đổ tội cho sự vụng về của đôi tai và bàn tay của mình. Thế nhưng nay được nghe rằng nguyên nhân đã đến từ lãnh vực tinh thần, một nơi sâu xa hơn nữa, anh vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi. Thì ra cái quan trọng không nằm ở việc tập luyện bằng bàn tay. Anh phải suy nghĩ sâu hơn. Anh bèn đóng cửa phòng nằm thừ người suy nghĩ, bỏ cả ăn uống, đến độ gầy trơ xương. Phải mấy hôm sau anh mới lấy lại tự tin để cầm được cây đàn. Thế rồi, trong một trạng thái vô cùng hồi hộp, anh thử đánh một điệu nhạc. Tiếng đàn đó lọt được vào tai Khổng Tử nhưng lần này, không ai nghe ông nói gì cả. Ông cũng chẳng lộ vẻ trách cứ trên khuôn mặt. Khi Tử Cống đến gặp Tử Lộ và thuật lại sự tình, biết rằng thầy không phê phán mình nữa, Tử Lộ phá lên cười và cảm thấy vô cùng hoan hỉ.

Thấy người đàn anh tốt bụng của mình nở một nụ cười tươi tắn, anh học trò trẻ tuổi Tử Cống không khỏi mỉm miệng cười theo. Thế nhưng thông minh như Tử Cống thì đã hiểu hết mọi việc. Đó là âm thanh của tiếng đàn Tử Lộ vẫn còn y nguyên Bắc thanh nghĩa là đầy những âm thanh sát phạt dữ dội. Tử Cống cũng biết rằng sở dĩ phu tử không lên tiếng chê trách Tử Lộ nữa vì thấy đứa học trò đã quyết tâm và khổ công suy nghĩ đến hao gầy nên tội nghiệp cho anh.

Năm

Trong đám học trò, không ai bị Khổng Tử trách mắng nhiều hơn Tử Lộ và cũng không ai dám hỏi ngược ông mà chẳng kiêng dè như anh, kiểu "Dám hỏi thầy, Do tôi muốn bỏ qua một bên lời giáo huấn của tiên hiền để hành động theo cách riêng thì có được không?" Ngoài anh, không ai đưa ra những câu hỏi đáng bị quở mắng hay dám tuyên bố thẳng thừng với Không Tử như: "Thật không đấy! Hay thầy lại hiểu lầm?" Nói thì nói, không ai có thể tận tụy, gắn bó với thầy cho bằng Tử Lộ. Việc anh hay đặt câu hỏi ngược là vì tính anh không bao giờ chịu chấp nhận một cái gì ngoài mặt khi trong thâm tâm chưa thấu đáo. Vì lẽ đó anh không hề ngại ngùng vì lo sợ bị cười cợt hay quở trách như các đệ tử khác khi đặt câu hỏi cho thầy..

Hơn thế nữa, Tử Lộ là một người bất khuất và độc lập khác thường. Anh không bao giờ nhún mình, chịu thế hạ phong với bất cứ ai. Do đó, mọi người đều lấy làm lạ khi một trang hảo hán "nhất nặc thiên kim" (một lời nói trị giá ngàn vàng) là Tử Lộ lại đi theo hầu bên cạnh Khổng Tử như đứa học trò bình thường. Thực ra thì khi đứng trước Khổng Tử, anh có một khuynh hướng kỳ cục là tìm cách phó thác cho thầy tất cả những gì liên quan đến tư duy phức tạp hay quyết định quan trọng để mình đở phải lo nghĩ. Anh giống như một đứa trẻ con đứng trước mặt mẹ. Đứa trẻ đó muốn mẹ làm hộ cho nó ngay cả những gì nó có thể làm được một mình. Đôi khi, với thái độ thối lui như thế, anh có dịp nhìn thấy chân tướng của mình và không khỏi nở một nụ cười ngao ngán.

Dù vậy, trong đáy lòng của Tử Lộ, vẫn có một khu vườn bí mật mà ngay cả người thầy đáng kính của anh cũng không thể đụng tới. Có một cái vách ngăn giữa chỗ anh chấp nhận được và chỗ mà anh không thể nhân nhượng với bất cứ ai.

Điều đó có nghĩa là Tử Lộ cho rằng có một việc quan trọng nhất trên đời và khi đứng trước việc ấy thì không cần đắn đo tới sống chết nữa, nói chi đến chuyện thiệt hơn.Nếu gọi cái đó là Hiệp (tinh thần thượng võ) thì có hơi nhẹ, còn như gọi nó là Tín (lòng trung thành) hay Nghĩa (ý thức về bổn phận) thì lại nhuốm màu luân lý của bọn học giả và kềm hãm mất ý chí tự do. Thôi, mệnh danh nó là gì cũng được! Đối với Tử Lộ, đó là một thứ khoái cảm. Dù sao, những ai cảm thấy được nó là người làm điều Thiện, còn những ai không đi chung đường với nó chỉ là người Ác. Sự phân biệt này rất rõ ràng và từ trước đến nay, Tử Lộ không mảy may nghi ngờ về nó. Tuy có vẻ như anh muốn tách khỏi đức Nhân mà Khổng Tử giảng dạy nhưng kỳ thực, trong lời giáo huấn của thày, Tử Lộ chỉ bằng lòng tiếp nhận bộ phận nào có thể bổ túc cho phương pháp lý luận sơ đẳng của mình thôi. Đó là những câu như "Xảo ngôn, lệnh sắc, túc cung, Tả Khâu Minh sỉ chi.Khâu diệc sỉ chi. Nặc oán nhi hữu kỳ nhân. Tả Khâu Minh sỉ chi.Khâu diệc sỉ chi" (Có người hiền là Tả Khâu Minh thẹn cho những kẻ mồm mép, màu mè, giả vờ khiêm tốn, trong lòng oán ghét ai đó mà ngoài mặt xử sự thân mật như bè bạn. Khâu này cũng thẹn cho họ như vậy) [7] , hoặc là "Vô cầu sinh dĩ hại Nhân, hữu sát thân thành Nhân" (Không mưu sự sống còn mà thiệt cho điều Nhân. Có thể mất mạng để điều Nhân được thành tựu) [8] cũng như "Cuồng giả tiến thủ, hiền giả hửu sở bất vi dã" (Kẻ ngông cuồng chỉ muốn xông lên để chiếm lấy, còn kẻ có lương tâm thì biết có những điều mình không nên làm) [9] .

Thì ra lúc đầu, Khổng tử cũng có ý uốn nắn cặp sừng trâu này nhưng rốt cuộc, ông đã phải buông nó. Dù sao đứa học trò của ông cũng là một con trâu ưu tú đặc biệt. Nếu có những đệ tử mà người thầy phải đùng đến roi vọt thì cũng có những đệ tử ông thầy phải dùng đến giây thừng để dẫn dắt. Tử Lộ là đứa học trò với những khuyết điểm về mặt tính nết khiến ông không thể đem giây thừng xỏ mũi một cách dễ dàng, nhưng cùng lúc, điều đó cũng đem lại một cái lợi lớn nghĩa là ông chỉ cần vạch cho Tử Lộ những qui tắc chính là đủ để hướng dẫn anh ta.

Vì thế, những câu nói như "Kính nhi bất trúng Lễ, vị chi dã... Dũng nhi bất trúng Lễ, vị chi nghịch" [10] (Nếu không làm đúng nghi thức (lễ), thái độ kính cẩn sẽ bị coi là quá lố, sự dũng cảm bị coi là ngược ngạo) hay "Hiếu tín, bất hiếu học, kỳ tệ dã tặc, hiếu trực, bất hiếu học, kỳ tệ dã giảo, hiếu dũng, bất hiếu học, kỳ tệ dã loạn. [11] (Yêu sự trung tín, yêu lòng ngay thẳng, yêu sự dũng cảm mà không yêu học vấn sẽ nẩy sinh ra những hậu quả không tốt như ràng buộc, quấy phá hay tổn thương người khác)...rốt cuộc không phải là lời trách mắng đặc biệt hướng về cá nhân Tử Lộ nhưng chỉ là lời trách mắng Tử Lộ như kẻ đang ở trong vị thế người trưởng tràng. Chính nhân cách đặc biệt của Tử Lộ là cái hấp đẫn các bạn đồng môn nhưng ảnh hưởng của anh cũng có thể là nguyên nhân của những tai nạn xảy ra cho cả đám.

Sáu

Người ta đồn là ở vùng Ngụy Du đất Tấn có hòn đá biết nói. Một nhà hiền triết cho rằng dân chúng đã thác ngụ những nỗi uất ức của họ vào trong lời của đá. Lúc đó vương thất nhà Chu đã suy vi, chia làm hai nhánh tranh đoạt nhau. Hơn mười đại quốc được thành lập, lúc thì đồng minh, lúc thì tranh đoạt, gây nên cảnh can qua không bao giờ dứt. Tề hầu vì thông dâm với vợ một bầy tôi, đang đêm lẻn vào phủ đệ của hắn và bị chồng thị giết chết. Còn ở nước Sở thì có kẻ nhằm lúc vua mình đang ngọa bệnh, vào cung siết cổ để đoạt ngôi. Đất Ngô, bọn tội nhân bị cắt gân chân đã tìm cách tập kích nhà vua, riêng ở đất Tấn, có chuyện hai ông đại thần đem vợ đổi cho nhau. Đó là tình trạng xã hội đương thời.

Tử Lộ hầu cạnh Khổng Tử

Chiêu Công nước Lỗ muốn tru diệt quan thượng khanh Quí Bình Tử nhưng ngược lại đã bị đuổi ra khỏi nước, sống 7 năm đời lưu vong rồi chết nghèo khổ nơi đất khách. Trong lúc xa nhà, đôi khi câu chuyện điều đình để về nước được đặt ra nhưng bọn thần hạ tòng vong đều lo sợ cho số phận của họ lúc trở lại cố quốc nên đã tìm cách cầm chân ông ở lại. Lúc đầu, quyền bính nước Lỗ nằm trong tay 3 Thị (quí tộc) là Quí Tôn, Thúc Tôn và Mạnh Tôn nhưng rốt cuộc chỉ còn có họ Quí nắm chức Tể, để cho một tay Dương Hổ mặc tình thao túng.

Tuy vậy, đến khi kẻ quyền mưu là Dương Hổ thất cơ lỡ vận, nội chính nước Lỗ nhanh chóng thay đổi chiều gió. Một chuyện không ngờ là Khổng Tử được dùng vào chức Tể ở trung đô (Đô trưởng). Đối với một chính thể không có được viên quan công bình vô tư, chính sách tô thuế nghiêm ngặt, Khổng Tử đã dùng những biện pháp công minh và có kế hoạch để chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã đem đến những thành quả chính trị thật là kinh dị. Đến nỗi người ở ngôi đương thời là Lỗ Định Công cũng phải thán phục và lên tiếng hỏi: "Phu tử có thể nào đem phương pháp cai trị ở trung đô áp dụng lên toàn thể nước Lỗ được chăng?". Khổng Tử bèn thưa: "Muôn tâu, đâu chỉ mỗi nước Lỗ mà thôi, chính sách đó còn có thể áp dụng được ở khắp mọi nơi dưới gầm trời này nữa chứ ạ." Thường ngày vẫn thấy Khổng Tử là người không thích khoa trương mà hôm nay sao lại dùng những lời lẽ hùng hồn nhưng không kém phần lễ độ để trả lời mình, Định Công càng thêm kinh ngạc. Ông tức khắc cất nhắc Khổng Tử lên chức Tư Không, tiếp đó là Đại Tư Khấu kiêm nhiệm cả công việc của Tể Tướng. Nhờ lời tiến cử của Khổng Tử, Tử Lộ trở thành trưởng quan trong nội các nước Lỗ, giữ chức quan Tể của họ Quí. Có thể xem Tử Lộ như người được thầy giao cho trách nhiệm đầu tàu trong việc thực hành cuộc cải cách nội chính của nước Lỗ vậy.

Chính sách thứ nhất của Khổng Tử là trung ương tập quyền, có nghĩa là thu nhóm mọi quyền lực một cách chặt chẽ vào một tay Lỗ hầu. Để được như vậy, ông phải cắt bớt quyền lực của ba cột trụ (tam hoàn) là Quí, Thúc, Mạnh vì hiện nay, những người này có nhiều quyền lực hơn cả nhà vua. Thành quách riêng của ba họ nói trên nằm ở ba khu vực là Hậu, Phí và Thành đều vượt quá qui định gọi là "bách trĩ" (dày 3 trượng, cao 1 trượng). Khổng Tử cho rằng việc cần làm ngay là phải đập phá chúng và người được chỉ định trực tiếp thi hành, không ai khác hơn là Tử Lộ.

Đó là một sự phân công nhắm tới một kết quả rõ ràng, hơn nữa đây là lần đầu tiên được phụ trách công trình có qui mô lớn như thế. Dĩ nhiên điều này đã làm cho người như Tử Lộ hết sức thích thú. Đặc biệt là qua đó, anh sẽ đập cho tan tành manh giáp cái tổ chức và những tập quán chính trị mà bọn quyền thần đang nắm giữ. Việc làm này tạo cho anh một lẽ sống mà anh chưa từng trải nghiệm. Khi nhìn thấy sự bận rộn và nét mặt đầy phấn khởi của thầy mình, người đang có cơ hội thực hiện hoài bão một đời, Tử Lộ cảm thấy không gì vui hơn. Còn trong mắt của Khổng Tử thì Tử Lộ không chỉ là một đứa học trò mà thôi. Đó là hình ảnh một chính trị gia và cộng sự viên đầy năng lực thực hành.

Khi đụng đến việc đạp đổ ngôi thành đất Phí, Tử Lộ gặp phải sự phản đối. Người tên Công tôn Bất Nữu đã kéo con em đất này tiến đánh kinh đô nước Lỗ. Mũi tên của quân phản loạn có lần đã bay tới sát người Định Công khi ông đang lánh nạn ở đài Vũ Tử [12] . Tuy có lúc lâm nguy nhưng nhờ sự điều quân khiển tướng hợp lý và hợp thời của Khổng Tử, rốt cuộc nhà vua đã được bình yên vô sự. Nhân chứng kiến việc đó, Tử Lộ lại càng kính phục khả năng của thày mình qua thực tế chiến đấu. Tuy Tử Lộ đã biết tài năng chính trị của thày mình từ lâu nhưng hôm ấy anh mới thấy khả năng chỉ huy của ông, một điều anh không ngờ tới.Dĩ nhiên là lúc đó, bản thân Tử Lộ cũng đã xông xáo giữa trận tiền. Chiến đấu giữa ba quân có lẽ phù hợp với bản chất thô tháp của anh hơn là việc học tập và thực hành những câu cú hay lễ nghĩa trong kinh sử.

Để giảng hòa với Tề trong khuất nhục, Định công đã nghe theo lời Khổng Tử mà đến hội đàm với Tề Cảnh Công ở đất Giáp Cốc. Lúc đó, Khổng Tử đã có dịp trách cứ nước Tề là vô lễ. Từ Cảnh Công cho đến quần thần nước Tề kể cả các bậc khanh và đại phu đã phải cúi mặt nghe ông chỉ trích. Thật là lạ khi quần thần một nước chiến thắng như Tề lại tỏ ra khiếp sợ (kẻ chiến bại) như thế. Đó là một sự kiện đã làm cho Tử Lộ mát lòng mát dạ. Kể từ lúc này, cường quốc Tề bắt đầu e dè sức mạnh của Lỗ - nước láng giềng - qua hình ảnh của vị Tể tướng là Khổng Tử và của viên quan chấp chính Tử Lộ. Tề sau đó đã phải dùng đến khổ nhục kế, một cách xử sự mà nước Tàu đã quen làm từ xưa, nghĩa là gửi biếu cho Lỗ một ban nữ nhạc, toàn là những cô gái đẹp và giỏi nghề ca vũ. Mục đích của họ là làm xao xuyến cõi lòng của Định Công và ly gián vua tôi Định Công và Khổng Tử. Cái kế sách của nước Tàu này, tuy có cổ xưa và ấu trĩ nhưng đã làm cho nội bộ nước Lỗ náo loạn, những kẻ chống đối Khổng Tử có dịp xuất đầu lộ diện, tóm lại nó đã thu lượm được kết quả một cách chóng vánh. Lỗ hầu mê mẩn nữ nhạc, bỏ cả việc thiết triều. Từ Quí Hoàn Tử trở xuống, các đại thần đều bắt chước lối sống đó. Tử Lộ phẫn uất, đứng ra chống đối và xung đột với họ nhưng rồi cũng đành từ chức.

Khổng Tử chưa vội buông ngay như Tử Lộ vì theo ông, còn nước là còn tát. Riêng Tử Lộ chỉ mong sao Khổng Tử bỏ đi càng sớm càng tốt. Không phải vì anh lo rằng thầy mình phải đánh mất tiết tháo, chỉ vì anh không đành lòng đưa mắt nhìn thầy sống bên cạnh những kẻ trụy lạc như vậy.

Đến lúc Khổng Tử cũng hết trì chí nổi với họ, Tử Lộ thở phào nhẹ nhõm.Thế rồi anh vui vẻ theo hầu thầy giã từ nước Lỗ.

Khổng Tử là người sành âm luật, đặt nhạc và lời đều giỏi.Ông đã cất tiếng ca khi đoàn người quay lại nhìn bóng dáng thành đô mỗi lúc mỗi xa:

"Vì lời lẽ của những người đàn bà ấy mà kẻ quân tử phải bỏ đi. Vì nhan sắc và lời ca tiếng hát của những người đàn bà ấy mà kẻ quân tử phải thảm bại" [13]

Bảy

Có một câu hỏi lớn được đặt ra cho mọi người. Từ hồi thơ ấu đến tuổi thành nhân và tận khi già cả vẫn không ai có được câu trả lời thỏa mãn cho nó. Lý do là vì không người nào thấy nó kỳ khôi. Câu hỏi đó là "Tại sao cái Tà được trọng vọng trong khi cái Chính lại bị đối xử một cách tàn tệ".

Khi đụng phải một sự thực như vậy, Tử Lộ không khỏi cảm thấy một sự tức tối và chán ngán trong lòng. Tại sao thế? Vì cớ chi? Người ta trả lời là cái Ác chỉ vinh hiển được một thời và sau đó nó sẽ phải trả giá. Lập luận như thế chắc không sai vì đã có nhiều ví dụ chứng minh điều đó. Tuy nhiên, đó chẳng qua là một bằng chứng cho thấy loài người nói chung là giống hay tìm đến chỗ dự diệt. Người Thiện sẽ có được thắng lợi sau cùng ư? Xưa kia không biết thế nào chứ thời nay ít khi nghe ai nói đến chuyện đó.Tại sao? Tại sao? Anh chàng trẻ con trong thân xác người lớn là Tử Lộ cứ đặt cho mình câu hỏi như thế và không nguôi cơn giận. Anh dậm chân than: "Hỡi ông Trời! Ông là cái gì? Ông có mắt hay không? Nếu như Trời là kẻ đặt để định mệnh lên đầu con người thì mình bắt buộc phải chống lại ông ấy thôi!".

Cũng như ông Trời không phân biệt con người với cầm thú, ông ấy cũng không phân biệt Thiện và Ác. Biên giới giữa Chính và Tà chỉ là một vật không có thực do con người tự đặt. Mỗi khi Tử Lộ đem vấn đề này đến hỏi Khổng Tử, thì trăm lần như một, tôn sư chỉ thuyết giáo cho anh nghe đâu là chân hạnh phúc của con người. Phải chăng phần thưởng của một việc Thiện rốt cuộc chỉ là cái tình cảm mãn nguyện vì đã làm được điều Thiện? Trước mặt thầy, Tử Lộ làm bộ như chấp nhận lối giải thích này nhưng khi lui ra và suy nghĩ một mình, anh vẫn thấy có gì không ổn thỏa. Anh không thể chấp nhận lối giải thích hạn hẹp như thế về hạnh phúc. Nếu không có một thứ phần thưởng không ai chối cãi hiện ra rõ ràng trước mắt thế gian để đền bù cho nghĩa cử của một người công chính, tất cả sẽ chẳng có thú vị gì.

Về việc bất mãn với ông Trời thì không gì cảm thấy rõ hơn là cái định mệnh mà ông ta đã đặt lên đầu sư phụ anh. Vì cớ gì một người tài cao đức cả vượt hẳn thế nhân như ông mà phải cam chịu cảnh bất ngộ. Cuộc sống gia đình đã không có mà về già còn phải bôn ba vì không gặp thời, lại chẳng biết còn phải chờ đợi cho đến ngày nào. Một đêm, khi anh nghe Khổng Tử lẩm bẩm một mình: "Phượng điểu bất chí, Hà bất xuất Đồ. Ngô dĩ hĩ phù (Chim Phượng chưa xuất hiện, bức họa quẻ bói ở sông Hoàng Hà nào thấy. Mệnh ta hết rồi chăng?) [14] , Tử Lộ không khỏi rưng rưng nước mắt. Trong khi Khổng Tử than thở vì thương xót lũ dân đen trong thiên hạ thì những giọt nước mắt Tử Lộ đổ ra là vì thương xót cho một mình Khổng Tử.

Sau khi đã nhỏ những giọt lệ vì con người ấy và nhìn thấy cảnh thời thế đóng sập cửa trước mắt ông già, Tử Lộ đi đến chỗ quyết tâm. Mình phải là tấm khiên che chắn cho ông ấy trước những đợt tấn công của cuộc đời ô trọc. Mình phải đem thân hứng chịu tất cả phiền não ô nhục của thế gian thay cho tôn sư. Tuy chẳng ai nhờ nhưng mình phải xem đây như một bổn phận. Có thể về tài năng mình chỉ là kẻ kém cỏi và đi sau so với bao người nhưng mình tin rằng ngộ nhỡ có nguy cơ nào đó, mình sẽ là người đầu tiên dám xả thân bảo vệ tôn sư trước bất cứ ai.

Tám

Một hôm, Tử Cống cất tiếng hỏi: "Nếu có một viên ngọc quí, thầy sẽ cất giữ nó trong hộp hay đợi giá tốt để đem bán?", Khổng Tử đã trả lời tức khắc: "Ta sẽ bán chứ! Nhất định là thế. Ta sẽ đem bán nhưng còn đợi giá." [15]

Với ý định đó, Khổng Tử đã cất bước chu du thiên hạ. Dĩ nhiên, hầu hết các đệ tử tùy tùng cũng muốn đem tài năng của họ đi rao bán, thế nhưng Tử Lộ không chia sẻ hoàn toàn ý tưởng đó.Với kinh nghiệm vừa từng trải (ở đất Lỗ), anh đã biết thế nào là cảm giác khoan khoái khi nắm giữ quyền lực và thực hiện sở nguyện bình sinh. Anh tự đặt một điều kiện tiên quyết là dù làm gì, anh cũng phải ở bên dưới sự chỉ đạo của Khổng Tử. Nếu không thỏa mãn được điều kiện đó, anh thà chịu sống một kiếp kham khổ "mặc áo vải thô nhưng dấu một viên minh châu bên trong" (bị hạt hoài ngọc). Cho là trọn đời làm con chó giữ nhà cho thầy đi nữa, anh cũng không hề hối tiếc. Không phải anh chê bai danh tiếng ở đời nhưng xuất sĩ một cách gượng ép thì chỉ làm thương tổn đến cái bản lãnh rộng lượng và ngay thẳng (lỗi lạc khoát đạt) của mình thôi.

Đi theo sau Khổng Tử là một đám học trò với đủ mọi tính cách. Có kẻ thực tiễn và biết xử lý nhanh nhẹn như Nhiễm Hữu, có kẻ hiền hậu và đoan chính như Mẫn Tử Khiên, có kẻ nghiêm cẩn, theo đúng phép tắc cổ xưa như Tử Hạ, Người thích hưởng thụ và biện luận là Tể Dư, kẻ khảng khái, ghét sự bất công là Công Lương Nhụ. Rồi đến Tử Cao, một anh chàng tính tình thẳng thắn nhưng khổ người thấp bé, chỉ bằng phân nửa so với chiều cao 9 xích 6 thốn của tôn sư. Ngoài ra còn có Tử Lộ mà tính tình cũng như tuổi tác đã cho phép anh đóng vai trò của một người trưởng tràng.

Tuy ít hơn Tử Lộ đến 22 tuổi, chàng trai trẻ Tử Cống đã cho thấy anh có nhiều tài năng. Tử Lộ cho rằng tiền đồ của anh ta còn sáng sủa hơn cả Nhan Hồi,người bạn đồng môn mà tôn sư không ngớt lời khen tặng.Tử Lộ không thích Nhan Hồi mấy vì theo anh, bạn Hồi chỉ là một phiên bản nhợt nhạt so với hình tượng linh hoạt cương nghị của một kẻ sĩ kiêm chính trị gia theo quan niệm Khổng Tử. Không phải Tử Lộ ghen tức gì với Nhan Hồi đâu. (Chả bù với Tử Cống với Tử Trương, mấy anh này thường không ngăn được sự bất bình khi thấy Nhan Uyên (Hồi) được thày nói tốt). Có lẽ sự khác nhau giữa hai thái độ đã bắt nguồn từ sự chênh lệch về tuổi tác hoặc vì cá nhân Tử Lộ vốn không chú ý đến những chuyện tẳn mẳn tỉ mỉ. Đơn giản là anh không thích việc chỉ có những đức tính như hiền lành, thụ động và mềm mỏng được xem như tài năng. Tử Lộ ghét nhất những gì tượng trưng cho sự thiếu sức sống. Nếu bàn về mặt đó thì Tử Cống, con người đôi chút khinh bạc nhưng đầu óc sắc bén và đầy sinh lực kia mới thật hợp tính anh.Thực ra, không chỉ mỗi mình Tử Lộ là người ngạc nhiên về tài trí của Tử Cống. Ai nấy đều nhận ra rằng trí thông minh của Tử Cống vượt lên trên cả sự chín chắn của anh, nhưng dù sao, đó chỉ vì tuổi tác.Tuy Tử Lộ có lần nổi nóng và quát mắng thái độ quá khinh bạc của anh chàng, nhưng nhìn chung, lúc cảm giác "người sinh sau đáng sợ thay" (Hậu sinh khả úy) đến trong đầu Tử Lộ là khi ông nghĩ về người bạn đồng môn trẻ tuổi này.

Có lúc đứng trước hai, ba người bạn, Tử Cống đã nói những điều đại ý như sau: "Tuy phu tử không thích kẻ biện luận khôn khéo nhưng chính bản thân ngài cũng quá rành rẽ về thuật ăn nói. Chúng ta phải nên dè chừng. Cái tài ăn nói của ngài hoàn toàn khác với tài của Tể Dư. Bởi vì khi Tể Dư biện luận, cái khôn khéo của bạn ấy đập ngay vào mắt chúng ta. Người nghe anh tuy cảm thấy thích thú nhưng không mấy tin tưởng điều bạn nói. Chính vì đó nó mới an toàn. Phu tử hoàn toàn không phải thế. Tuy lời ngài không trôi chảy nhưng nó chững chạc khiến cho không có kẻ nào đem lòng ngờ vực. Thay vì ăn nói hài hước, lời biện luận của ngài giàu thí dụ chứng minh, cho nên không ai là không bị lôi cuốn. Dĩ nhiên lời ngài nói thường là những chân lý đúng gần hết (cửu phân cửu ly).Về hành động của ngài thì hầu như đều đáng được xem là qui tắc cho mỗi người trong chúng ta áp dụng. Thế mà vẫn có một phần cực nhỏ - chỉ một ly hay chỉ một phần trăm (bách phân chi nhất) - trong những lời nói của ngài để thuyết phục người ta, đôi khi đã phản ánh cá tính của ngài, khiến cho nó không hoàn toàn nhất trí với cái gọi là chân lý phổ quát vì e rằng nó đã được ngài dùng để tự biện hộ. Cái mà chúng ta phải dè chừng là chỗ đó. Sở dĩ tôi nói lên những điều này có thể là vì tôi muốn gần gũi và thông cảm ngài nhiều hơn. Thực ra, nếu hậu thế có sùng bái ngài như một thánh nhân ắt cũng là một chuyện hết sức đương nhiên. Tôi chưa từng thấy có người nào đạt gần đến sự hoàn hảo như ngài, vả lại, từ đây về sau không biết có thể có một người thứ hai như thế xuất hiện hay không.Tuy nhiên,điều tôi muốn nói ở đây là hãy còn có một điểm nhỏ - cực nhỏ - mà chúng ta phải dè chừng ngài. Chẳng hạn trường hợp bạn (Nhan) Hồi, người coi như được đúc cùng một khuôn với phu tử nhưng theo cách nhìn của tôi thì cậu ta không phải là người không khuyết điểm. Phu tử xưa này vẫn thường khen ngợi bạn Hồi nhưng không khéo chỉ vì ngài thấy nơi trò Hồi có nhiều điểm phù hợp với mình"

Tuy bực bội vì một sư đệ mặt còn non choẹt đã dám buông lời chỉ trích tôn sư và biết nguyên nhân những câu nói đó vốn đến từ lòng ghen tức của Tử Cống đối với Nhan Hồi nhưng Tử Lộ vẫn thấy trong lời phát ngôn của cậu ta những điểm không phi lý chút nào. Riêng việc hợp tính hay khác tính thì Tử Lộ nhớ mình đã từng gặp cái cảnh giống như trong lời của cậu em.

Anh chàng trẻ tuổi ngạo mạn này cũng có cái tài lạ là phát biểu một cách rõ ràng những điều mà mình chỉ cảm thấy một cách bàng bạc đấy chứ nhi! Lúc đó, trong lòng Tử Lộ là một tình cảm trộn lẫn sự khinh ghét và lòng cảm phục đối với Tử Cống.

Tử Cống có lần đặt cho Khổng Tử một câu hỏi kỳ quái: "Người chết có còn biết hay không? Hay chẳng còn biết gì cả?" Đó là câu hỏi xem sau khi chết, người ta có còn cảm giác hay không và cái gọi là linh hồn có tiếp tục tồn tại mãi không. Khổng Tử đã có một câu trả lời không kém phần kỳ quái: "Nếu ta bảo người chết vẫn biết thì các thế hệ con cháu hiếu thuận về sau chẳng lo làm ăn gì cả mà cứ tiếp tục để tang và chăm lo mỗi việc thờ cúng tổ tiên, còn như ta bảo họ không biết gì nữa thì e rằng, dựa vào lời giải thích ấy, đám con cháu sẽ trở thành bất hiếu, không đoái hoài gì đến mớ hài cốt của tổ tiên chúng nữa". Có vẻ thấy câu trả lời không ăn nhập gì với câu hỏi của mình, Tử Cống tỏ ra bất mãn. Dĩ nhiên Khổng Tử thừa biết ý nghĩa câu hỏi của Tử Cống nhưng vốn là một con người thực tế, xem cuộc sống thường nhật là trung tâm của mọi suy nghĩ nên ông đã lái mối quan tậm của đứa học trò qua một hướng khác.

Vì Tử Cống vẫn còn bất mãn nên anh đã đem chuyện này kể cho Tử Lộ. Tuy Tử Lộ không thú vị gì với câu hỏi về cái chết ấy, anh cũng có nghĩ ngợi đôi chút - không phải là sự chết nhưng là quan niệm về sống chết (tử sinh quan) của thầy mình - cho nên có lúc anh đã đặt một câu hỏi về sự chết và đã được Khổng Tử trả lời:

-Đã chết bao giờ đâu mà có thể biết về cái chết chứ!

Đúng thật! Tử Lộ suýt soa thán phục.Thế nhưng Tử Cống chỉ thấy một lần nữa, Khổng Tử đã tung ra một chiêu khác để né đòn. Thầy bảo sao thì con nghe vậy nhưng đó nào có phải điều con định đem hỏi thầy đâu. Hình như qua vẻ mặt của mình, Tử Cống đang muốn trình bày như thế.

Chín

Linh Công nước Vệ là một ông vua nhu nhược. Ông không ngu ngốc đến độ không thể phân biệt một hiền nhân với một kẻ bất tài nhưng tóm lại, ông chỉ vui vẻ chấp nhận những lời ton hót ngon ngọt chứ không phải những lời can ngăn chát đắng. Quốc chính của nước Vệ đều do hậu cung của ông điều khiển.

Phu nhân Nam Tử từ xưa đã nổi tiếng dâm bôn. Khi hãy còn là một công nữ nước Tống, bà đã tư thông với công tử Triều, người anh em họ hết sức đẹp trai của mình. Đến khi về làm phu nhân Vệ hầu, bà bèn cho gọi gã Tống Triều đến Vệ và phong cho chức Đại phu để tiếp tục mối liên hệ bất chính đó. Bà vốn thông minh lanh lợi nên hay châu miệng vào việc chính trị. Thế nhưng đối với những lời bà ấy nói ra, Linh Công bao giờ cũng gật. Những ai muốn xin xỏ Linh Công điều gì thì trước đó chỉ cần ướm trước qua ngõ Nam Tử.

Khi Khổng Tử từ Lỗ vào Vệ, ông được mời vào yết kiến Linh Công và không hề đến chào phu nhân. Điều đó làm cho Nam Tử lấy làm bực bội. Bà bèn tức khắc cho người đến bảo cho Khổng Tử biết là chư quân tử từ bốn phương nếu đến Vệ để chầu nhà vua (quả quân) và anh em người đều phải xin yết kiến phu nhân của người (tiểu quả quân). Cớ sao ngươi lại dám bỏ qua chuyện ấy vv...Không Tử không biết làm sao đành phải tới chào. Nam Tử ngồi sau bức màn là cho Khổng Tử được diện kiến. Trong khi Khổng Tử quay mặt về hướng Bắc, phục xuống đất (Bắc diện khể thủ) thì Nam Tử chỉ trả lễ bằng cách xá hai xá (tái bái) và lúc đó, đồ trang sức ngọc ngà trên người bà đã phát ra những tiếng vui tai..

Khi Khổng Tử về đến nhà khách thì thấy Tử Lộ bày tỏ ngay sự tức giận của mình không chút dấu diếm. Anh những mong thày mình lên tiếng mạt sát cuộc sống lẳng lơ trắc nết của Nam Tử. Anh không nghĩ rằng Khổng Tử sẽ bị con dâm phụ yêu ma mê hoặc nhưng nội cái chuyện con người tuyệt đối thanh tĩnh như sư phụ anh lại phủ phục trước con dâm phụ ô uế ấy là đủ làm anh tức lộn ruột. Anh muốn rằng kẻ đang giữ gìn một viên ngọc đẹp không thể để một vật nhơ bẩn làm cho ô uế dù chỉ là in cái bóng của nó lên trên nước ngọc. Về phía Khổng Tử thì ông thật bối rối khi thấy trong con người của Tử Lộ có hai tính cách chung đụng với nhau, một là nhà chấp hành mẫn cán và thực tiễn, một là đứa trẻ con không bao giờ chịu trưởng thành.

Một hôm, sứ giả của Linh Công đến chỗ Khổng Tử đang ở. Lý do là nhà vua muốn mời ông cùng đi xe dạo một vòng chung quanh kinh đô và trò chuyện. Khổng Tử vui mừng, bèn sửa sang áo mũ rồi lên đường.

Chuyện Linh Công tôn kính thái quá lão già cao lêu nghêu và lạnh lùng vô cảm này như một bậc hiền triết khiến cho Nam Tử không mấy vui. Vả chăng, nhà vua còn muốn loại nàng ra để có thể đi chung một chiếc xe với lão và dạo chơi quanh thành.

Khổng Tử yết kiến Linh Công, cùng bước ra ngoài và định leo lên chung một xe thì đã thấy phu nhân Nam Tử trong y trang lộng lẫy đã có mặt trên đó. Không có ghế dành cho Khổng Tử. Nam Tử nhìn Linh Công, trên môi nở một nụ cười trêu chọc. Đến lúc đó thì hiền như Khổng Tử cũng phải khó chịu, đưa mắt lạnh lùng dò xét phản ứng của Linh Công. Ông vua nước Vệ không còn mặt mũi nào, cúi mặt xuống và không dám hó hé một lời với Nam Tử. Ông chỉ biết trỏ cỗ xe đi sau cho Khổng Tử lúc ấy vẫn giữ im lặng.

Hai cỗ xe cùng dạo chơi kinh đô nước Vệ. Đằng trước là một cỗ mã xa bốn bánh trang hoàng cực đẹp, có bóng dáng xinh tươi như hoa mẫu đơn của phu nhân Nam Tử bên cạnh Linh Công. Đằng sau là chiếc xe bò hai bánh thô kệch, trên đó Khổng Tử đang đưa khuôn mặt buồn xo, nghiêm nghị nhìn thẳng về phía trước. Dân chúng hai bên hàng phố khi nhìn cảnh tượng này, không khỏi có những kẻ chau mày hay kín đáo buông tiếng thở dài.

Lẫn mình vào trong đám đông, Tử Lộ cũng đã chứng kiến khung cảnh này. Nhớ lại nét mặt hớn hở của phu tử khi được Linh Công gửi người đến mời đi dạo, Tử Lộ lại càng thêm lộn ruột khi thấy bóng Nam Tử hiện ra trước mắt mình và đang cất tiếng nói trong thanh để đùa cợt một câu gì đấy. Bất chợt cơn tức giận nổ ra, Tử Lộ bóp chặt nắm tay, định vẹt đám người đang đứng che đằng trước để xông ra. Thế nhưng sau lưng đã có người giữ kịp anh lại. Khi quay đầu quắc mắc xem là kẻ nào, anh thấy Tử Nhược và Tử Chính. Trong cặp mắt của hai người bạn đồng môn đang lấy hết sức ghì chặt ống tay áo của Tử Lộ, anh thấy có những giọt nước mắt đoanh tròng. Mãi một lúc sau, Tử Lộ mới chịu buông tay xuống.

Ngày hôm sau, Khổng Tử và đoàn đệ tử đã bỏ nước Vệ. Cái câu "Ta chưa thấy có ai yêu đạo đức bằng yêu sắc đẹp" [16] là lời than thở của Khổng Tử vào lúc đó

Mười

Diệp công Tử Cao là người hết sức thích rồng. Phòng ốc ông ở đều chạm khắc hình rồng mà màn trướng cũng đều họa rồng, hàng ngày khi thức khi ngủ, ông đều sống với rồng. Nghe đồn như thế, một con thiên long là thứ rồng thật lấy làm hài lòng, nên một ngày kia nó mới giáng xuống chỗ Diệp công để xem người ta ái mộ mình thế nào. Rồng ấy lớn vô kể, "đầu thò qua được cửa sổ để nhìn vào trong khi đuôi lại lê quanh kèo cột" (đầu khuy ư dữu, đà vĩ ư đường) [17] Thấy hình dung khủng khiếp của nó, Diệp công quá sợ hãi bèn bỏ chạy. Hồn phách ông thất tán, thay đổi sắc mặt không biết mấy lần, chứng tỏ ông là người hết sức nhát nhúa.

Chư hầu mến mộ danh tiếng Khổng Tử là người hiền nhưng họ không vui khi gặp mặt ông. Thái độ đó nào có khác cảnh Diệp công khi đứng trước con rồng thật. Thực ra đối với họ, Khổng Tử là một cái gì lớn quá khổ. Có chư hầu tiếp đón ông như quốc khách, có chư hầu bổ vài người đệ tử của ông làm quan nhưng không có nơi nào chịu thi hành sách lược chính trị của ông. Ở đất Khuông, ông bị bạo quân lăng nhục, ở đất Tống, ông bị bọn gian thần hãm hại, đến đất Bồ ông lại bị bọn côn đồ tập kích. Tất cả những gì chờ đợi Khổng Tử chỉ là sự e dè (kính viễn) của chư hầu, sự đố kỵ của đám quân sư cung đình và sự bài xích của các nhà chính trị.

Dù vậy, Khổng Tử và chư đệ tử vẫn không ngừng tụng độc và giảng nghĩa kinh sách cũng như không hề bê trễ trau giồi. Họ vẫn đi hết nước này sang nước khác mà không hề mệt mỏi. Nếu họ có bảo ""Chim lựa cành mà đậu chứ cành nào có lựa chim" là để giữ gìn tiết tháo chứ thực ra lúc nào họ cũng muốn được sử dụng để có ích cho cuộc đời. Họ không vì cái lợi của bản thân, chỉ thành tâm mong sao có cơ hội hành Đạo và lòng thành đó khiến cho nhiều người không thể tin nổi. Họ tuy nghèo nhưng luôn luôn vui vẻ, dù gặp cảnh khó khăn cũng không vứt bỏ chí nguyện bình sinh. Nói chung họ là một tập đoàn hết sức lạ lùng.

Được vua Chiêu vương nước Sở mời, đoàn người này đã đi đến gặp ông. Lúc đó, thừa kế tựu kế, bọn đại phu đất Trần và đất Sái bèn tụ tập côn đồ bao vây thầy trò Khổng Tử giữa đường. Lý do là Trần, Sái e rằng nếu Khổng Tử được Chiêu vương trọng dụng thì sẽ nguy hiểm cho họ nên phải ra tay cản trở. Tuy đây không phải là lần đầu tiên Khổng Tử bị côn đồ tập kích, thế nhưng lần này đoàn người đã lâm vào một tình thế nguy nan nhất. Đường tiếp thế lương thực của đoàn đã bị cắt, trong 7 hôm liền, họ không có cơ hội nấu nướng. Không những đói, mệt, nhiều kẻ còn ngả bệnh liên tiếp. Đứng giữa đám đệ tử.hốc hác và hoảng hốt, mỗi một mình Khổng Tử là không nao núng. Ông vẫn đánh đàn cầm và cất tiếng hát như thường lệ. Tử Lộ không đành lòng nhìn các bạn đồng môn trong tình cảnh thê thảm như vậy, anh bắt đầu hết giữ nổi bình tĩnh, mới đến bên cạnh thầy trong lúc ông đang ca hát và hỏi: "Trong lúc này mà thầy ca hát thì có đúng Lễ không?" Thế nhưng Khổng Tử không đáp lại và vẫn không ngừng tay đàn. Sau khi đã chơi hết bản nhạc, ông mới bắt đầu lên tiếng:

-Này Do, ta nói cho ngươi biết điều này. Người quân tử yêu âm nhạc vì nhạc là phương tiện giúp họ bớt kiêu căng. Kẻ tiểu nhân yêu nhạc bởi vì nhạc giúp họ bớt sợ hãi. Các ngươi là con cái nhà ai thế? Sao lại theo học ta khi chưa biết rõ con người của ta?

Trong một đỗi, Tử Lộ không biết tai mình có nghe nhầm hay không? Trên bước đường cùng như hiện tại mà Khổng Tử còn chơi đàn để dẹp bớt kiêu căng ư? Thế nhưng ngay sau đó, anh chợt hiểu và cảm thấy thích thú. Anh cầm búa lên và nhảy múa một cách tự nhiên khoan khoái. Khổng Tử cầm đàn họa theo khúc ấy đến ba lần. Những kẻ đứng cạnh bên đều tạm quên đi nỗi đói khát nhọc nhằn và hòa mình vào trong tiếng nhạc cũng như nhịp vũ hoang dại và ngẫu hứng này.

Cũng vào lúc bị tai ách ở Trần, Sái, khi Tử Lộ thấy vòng vây càng siết chặt và kéo dài, thầy trò khó lòng thoát hiểm, anh đã nói: "Chả lẽ người quân tử mà có lúc cùng đường như thế này sao?" Bởi vì theo như lời dạy của thầy anh thì không bao giờ người quân tử gặp bước đường cùng kia mà! Khổng Tử đã trả lời anh ngay tại chỗ: "Bước đường cùng không có nghĩa là Đạo gặp đường cùng" Nay Khâu đang ôm cái đạo nhân nghĩa để đối phó với mối hoạn do cảnh đời loạn lạc. Nào có thể gọi là cùng!"

Nếu như cùng là đói khát mệt mỏi, người quân tử xưa nay đã từng biết cái cùng rồi. Nhưng phải là kẻ tiểu nhân thì mới để cho tâm trí bấn loạn vì nó. Đó là cái khác nhau duy nhất giữa hai bên". Tử Lộ bất chợt thẹn đỏ cả mặt, lòng thầm nghĩ chắc thầy đang nhắc nhỡ (nhở)về cái tính tiểu nhân đang ẩn nấp bên trong người mình. Khi nhìn thái độ của Khổng Tử, kẻ biết rằng những khó khăn chỉ là một phần của cuộc sống cho nên khi gặp tai họa lớn mà vẫn ung dung, Tử Lộ không khỏi khen thầm cho cái đại dũng của ông. Nhớ xưa mình từng tự phụ là dù đứng trước lưỡi gươm trần cũng không đổi sắc mặt nhưng đó chỉ là cái dũng nhỏ nhoi chả thấm vào đâu.

Mười một

Từ đất Hứa đển đất Diệp, Tử Lộ bị chậm trễ so với đoàn của Khổng Tử. Khi đang bước đi trên một con đường xuyên qua một cánh đồng, ông bỗng gặp một lão già đang vác trên lưng cái giỏ mây đi tới. Ông bèn vái chào nhẹ nhàng và hỏi thăm người ấy có thấy thầy mình đi qua đây không. Ông lão dừng chân, mặt chưng hửng: "Thầy? Thầy nào cơ? Thầy của anh thì làm sao ta biết được chứ!". Ông ta chỉ trả lời cụt lủn như thế rồi sau khi nhìn Tử Lộ suốt từ trên xuống dưới, ông ta lại nói tiếp một câu kèm theo nụ cười khinh miệt: "Nhìn anh, ta thấy có vẻ là hạng người chân tay chưa hề nếm mùi lao khổ, thay vì tìm hiểu sự thực, cả đời chỉ sống để chạy theo những lý luận vẩn vơ vô ích". Nói xong, ông bèn lủi vào trong dám ruộng bên bờ đường, thoăn thoắt đưa tay cắt cỏ và không thèm quay đầu lại nhìn anh Tử Lộ chắc rằng ông lão phải là một ẩn sĩ nên cúi chào và còn đứng chần chờ xem lão ấy có nói thêm gì không . Ông lão lặng thinh làm xong việc mới trở lại con đường và mời Tử Lộ cùng về nhà mình. Lúc đó, mặt trời đã ngả về chiều. Lão già bèn xé gà và đun kê để đãi đằng và đưa cả hai người con trai ra chào Tử Lộ. Cơm nước xong và cũng đã ngà ngà vì chút rượu đục, lão già bèn lấy chiếc đàn cầm bên cạnh ra gảy. Hai người con hát theo để họa.

Trẫm trẫm lộ tư,

Phỉ dương bất hy.

Yêm yêm dạ ẩm,

Bất tuý vô quy. [18]

(Sương sa móc đọng dầm dầm,

Muốn cho khô ráo, ắt cần ánh dương.

Tiệc vui sá kể đêm trường,

Chưa say, chưa được kiếm đường cáo lui).

Tử Lộ thấy rõ ràng là gia đình này dù sống trong cảnh bần hàn nhưng trong nhà vẫn đầy sự thong dong, sung túc, và đôi khi trên khuôn mặt của ba cha con, không thể nào không nhận ra những tia sáng của trí tuệ.

Ông lão sau khi đã ngừng đàn bèn quay sang phía Tử Lộ và nói:

-Xe đi trên bộ, thuyền bơi dưới nước, đó là qui luật xưa nay. Chả lẽ giờ đây chúng ta lại đem thuyền cho chạy trên mặt đất? Nếu chúng ta muốn đem áp dụng luật lệ cổ xưa của Chu Công cho người đời nay thì chẳng khác nào khiêng thuyền đặt lên đường bộ. Nếu đem trang phục của Chu Công để mặc cho một con khỉ, nhất định nó sẽ xé nát và quẳng đi không thương tiếc...Rõ ràng ông lão này đã thừa biết Tử Lộ là học trò cửa Khổng. Lão ta còn nói: "Dục vọng con người sẽ chưa thỏa mãn khi hạnh phúc chưa đến một cách đầy đủ. Sự thỏa mãn ấy không phải chỉ đạt tới khi được đắc chí, đội mũ cao và rong xe tốt." Dường như lão già xem một sự bình yên hoàn toàn trong tâm hồn qua sự đạm bạc đến cùng cực (đạm nhiên vô cực) mới là lý tưởng của cuộc sống. Tử Lộ chẳng lạ gì cái triết lý lánh đời (độn thế triết học) của lão. Anh đã từng gặp hai người giống như thế, đó là Trường Trở và Kiệt Nịch [19] . Anh cũng đã gặp được Tiếp Dư, ẩn sĩ nước Sở, người sau này đã hóa cuồng [20] . Nhưng anh chưa bao giờ được nói chuyện thâu đêm với những ai như họ. Lời lẽ của lão già hiền hậu này cũng như cách sống để đạt được hạnh phúc của lão đã cho anh thấy một lối sống như thế cũng có nét đẹp của nó và khiến cho anh cảm thấy thèm thuồng.

Thế nhưng Tử Lộ không chỉ ngồi đó để mà gật gù chấm câu lời nói của người đối diện." Vứt bỏ cuộc đời xưa nay vẫn là cách đem lại cho ta sự thoải mái đấy nhưng nếu con người không tiếp xúc với nhau thì sẽ không bao giờ đạt được một hạnh phúc hoàn toàn. Giữ sự trong sạch cho riêng mình mà làm loạn giềng mối lớn (đại luân), không phải là cái đạo làm người. Nếu nay chúng ta không hành đạo thì cuộc đời này sẽ không còn ai giữ đạo lý. Do đó dù có phải gặp cảnh hiểm nghèo, việc trình bày về lẽ đạo vẫn là chuyện bắt buộc phải làm.

Sáng hôm sau, Tử Lộ từ giã ông lão và gấp rút đi tiếp..Dọc đường, anh so sánh Khổng Tử với ông lão tối hôm qua. Không, nếu bàn về sự thông sáng thì thầy anh chẳng hề thua kém ông già. Điểm tôn sư giống như ông già là không hề nghĩ đến tư lợi. Rồi khi Tư Lộ tưởng tượng ra cái cảnh người thầy bao nhiêu năm bôn ba từ nước này qua nước khác, lòng không màng công danh mà chỉ lo là mình không làm sáng tỏ được mối đạo, anh chợt đổi cách nhìn về lão nông kia, một tình cảm căm ghét mà cho đến hôm qua, anh chưa hề có trong đầu. Rốt cuộc, đến giữa trưa thì từ đằng xa, anh đã thấy bóng một đoàn lữ khách đang len lỏi giữa đám ruộng lúa mạch xanh tốt. Và đến khi nhận ra cái dáng cao lêu nghêu của Khổng Tử trong đoàn người, anh không khỏi cảm thấy lòng mình quặn thắt.

Mười hai

Trên con đò qua lại giữa hai nước Tống và Trần, Tử Cống và Tể Dư đang bàn cãi sôi nổi chung quanh câu nói của thầy họ là "Trong ấp mười nhà, thế nào cũng có kẻ trung tín như Khâu, nhưng sẽ không có một người hiếu học như Khâu đâu!" Theo Tử Cống thì dù thầy có câu nói ấy, anh khẳng định rằng nếu ông là một nhân vật vĩ đại và hoàn hảo như vậy là nhờ ở tố chất tiên thiên vốn đã phi phàm. Trong khi đó, Tể Dư lại chủ trương rằng phần lớn là những nỗ lực hậu thiên mới tạo ra được con người xuất chúng ấy. Cũng theo Tể Dư, cái khác nhau giữa tôn sư và chư đệ tử vốn về mặt lượng chứ không phải là về phẩm chất. Những gì Khổng Tử có, vạn người khác cũng có nhưng có cái là ông đã biết nâng cấp từng cái một bằng sự lao động bền bĩ (bỉ)để có được trình độ hôm nay. Tử Cống lại biện luận: "Khi sự khác nhau đã quá lớn thì không cần phải phân biệt đó là sự khác nhau về lượng hay về chất nữa. Nguyên việc đưa được những nỗ lực của mình tiến đến chỗ hoàn hảo chẳng phải đã đến từ sự sở hữu một tài năng bẩm sinh nào đó hay sao!" Một điều còn quan trọng hơn thế nữa, đó là cái cốt lõi của thiên tài ở nơi thầy...và cái đó thì -Tử Cống nói tiếp - là bản năng thiên tài đã giúp ông tìm về một điểm giữa chính xác (trung dung). Chính nhờ bản năng quí báu ấy mà trong mọi tình huống, thày đều biết cách tiến thoái đúng chỗ và đúng lúc.

- Các chú chỉ bàn chuyện tầm phào!

Lúc đó Tử Lộ đến gần bên họ, mặt anh cau có. Các cậu ăn to nói lớn mà trong ruột lại rỗng tuếch. Nếu con đò bị lật trong lúc này, các cậu sẽ sợ đến tái mét mất thôi. Cứ nói tiếp đi! Nhưng khi hữu sự chắc tôn sư chỉ có thể trông cậy vào mỗi mình tôi. Trước mặt hai sư đệ giỏi về biện luận, Tử Lộ chỉ nghĩ tới câu Khổng Tử thường nói: "Lời xảo ngôn chỉ có mục đích biến cái Ác thành cái Thiện" và tự hào vì mình là người có một trái tim trong trắng và lạnh lùng như băng tuyết (nhất phiến băng tâm).

Nói thế chứ Tử Lộ không phải là không có điều gì phải bất mãn với tôn sư.

Linh Công đất Trần thông dâm với vợ của thần hạ rồi mặc đồ lót của thị để lâm triều và còn tự mãn đem khoe việc đó với mọi người.Lúc ấy có một bầy tôi tên Thế Dã vì can gián ông mà bị giết. Chuyện này xảy ra vào khoảng một trăm năm trước đó thôi và đã được một đệ tử đem ra để hỏi ý kiến của Khổng Tử. Câu hỏi ấy là: "Thế Dã dùng lời đúng để can vua và bị giết. Thế thì giữa cái chết đó và cái chết của Tỉ Can khi ông ta can ngăn vua Trụ, hỏi có gì khác không? Có thể xem Thế Dã đã làm được điều Nhân hay không?". Không Tử đã trả lời:

-Không phải là điều Nhân. Giữa Tỉ Can và vua Trụ [21] , họ có một quan hệ huyết thống, còn về chức vị thì Tỉ Can là bậc Thiếu Khanh. Do đó, sau khi xả thân để can ngăn nhà vua và bị giết, ông vẫn hy vọng vua Trụ sẽ hối cải. Trường hợp này có thể gọi là làm điều Nhân. Trong khi đó giữa Linh Công và Thế Dã, nào có tình cốt nhục, địa vị Thế Dã chẳng qua là một chức Đại phu. Nếu biết rằng không sửa đổi được vua và không sửa đổi được nước, thì phải rút lui để giữ lòng trong sạch. Còn như không lo toan cho tính mạng mà chỉ khăng khăng sửa đổi tập quán dâm bôn trong một nước là làm uổng phí mạng sống của mình. Phải chăng hành động đó chỉ là cách núp dưới bóng điều Nhân để nhiễu sự!.

Người học trò nghe thầy dạy thế, tỏ vẻ chấp nhận và lui xuống. Lúc đó Tử Lộ cũng đứng cạnh bên nhưng anh không thể nào đồng ý. Anh chen vào ngay: "Tạm bỏ chuyện Nhân và Bất Nhân qua một bên.Thế nhưng ông quan đó đã không ngại hiểm nguy cho bản thân mà đứng ra để chấn chỉnh giềng mối cho quốc gia thì dù gọi là Trí hay Bất Trí, đã là một nhân vật lối lạc lắm rồi. Không thể nào nhìn vào kết quả mà bảo là ông ấy đã coi nhẹ tính mệnh cho được".

-Này Do, ta thấy ngươi chỉ chú ý vào cái nghĩa nhỏ (tiểu nghĩa) nên mới đánh giá tốt đẹp về ông ta. Nhưng ngươi không biết thêm là kẻ sĩ đời xưa khi nước hữu đạo thì tận trung phò tá, còn như nước vô đạo phải rút lui để lánh cho xa.Ngươi vẫn chưa nắm đước cái lẽ xuất xử tiến thoái. Kinh Thi có câu: "Dân chi đa tích. Vô tự lập tích" [22] (Không muốn một mình sống theo đạo lý ở giữa đám người đầy thói hư tật xấu). Có lẽ lời này mới hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của Thế Dã!

Sau khi ngẫm nghĩ một hồi lâu, Tử Lộ bèn phát biểu:

-Nếu thế thì rốt cuộc trong cuộc đời này, điều quan trọng hơn cả là việc tính kế bảo toàn tính mạng hay sao? Lẽ nào lại không có chỗ cho việc xả thân để làm tròn đạo nghĩa? Ngoài chuyện xuất xử tiến thoái sao cho đúng lúc, đã là con người thì phải xem trọng sự an nguy của đám dân đen (thiên hạ thương sinh) dưới vòm trời này mới phải! Nếu Thế Dã nhìn thấy những cảnh tượng vô luân mà chỉ biết chau mày rồi rút lui, có thể là một mình ông ấy được yên thân nhưng số phận dân chúng nước Trần rồi sẽ ra sao? Lại nữa, biết mình can gián là sẽ chết mà vẫn làm thì hành động của ông ấy sẽ có ảnh hưởng đến khí phách của quốc dân nên nó vẫn có ý nghĩa đấy chứ!

-Ta không khuyên ông ta phải bảo toàn tính mạng cá nhân. Bởi vì suy nghĩ như thế, ta làm sao có thể khen ngợi Tỉ Can là người giữ được điều nhân (Nhân nhân). Duy khi muốn xả thân vì lẽ đạo, phải biết xả thân ở đâu và vào lúc nào. Việc có trí khôn để xét đoán mọi việc trước khi hành động không có nghĩa là lo lắng đến mối lợi cho riêng mình. Hãy còn có khả năng khác chứ không cần vội vã đi tìm cái chết.

Được thầy giảng giải, Tử Lộ nghĩ ông ấy có lý cũng nên nhưng vẫn có gì làm anh khựng lại. Một mặt thầy bảo có thể "sát thân thành nhân", mặt khác anh cảm thấy đôi khi trong lời giảng của thầy phảng phất tư tưởng cho rằng hành động "biết khôn giữ mạng" (minh triết bảo thân) mới là đỉnh cao của trí tuệ. Điều đó làm anh tư lự mãi. Nếu các bạn đồng môn không cảm thấy gì cả là vì thái độ "minh triết bảo thân" đã gắn chặt vào bản năng của họ. Có lẽ họ còn cảm thấy mình bị đe dọa bởi Nhân và Nghĩa nếu hai đức này không được đặt trên cùng một cơ sở với nguyên lý ấy.

Tử Lộ tỏ vẻ đồng ý một cách miễn cưỡng và bỏ ra ngoài, Khổng Tử nhìn theo bóng anh, ra chiều lo lắng rồi bảo: ." Gã này lúc nước hữu đạo thì sẽ hành động giống như mũi tên bắn thẳng ra đằng trước, nhưng gặp lúc nước vô đạo thì gã vẫn sẽ xử sự phăng phăng hệt như một mũi tên. Anh ta có khác gì Sử Ngư [23] nước Vệ. Khi chết thế nào cũng có một cái chết chẳng tầm thường đâu.

Khi Sở phạt Ngô, có viên Công doãn nước Sở là Thương Dương đem binh đuổi theo quân Ngô, người đi chung xe là Công tử Khí Tật [24] nói với ông: "Ngươi đang chiến đấu vì nhà vua. Có thể sử dụng cung đấy!". Ông ta bèn rút cung ra. Công tử lại bảo: "Bắn đi nào!". Ông bèn bắn và giết được một kẻ địch. Thế nhưng xong việc, ông cất ngay cung vào túi da đựng cung. Lại được người chỉ huy khuyến khích, ông lại rút cung ra lần thứ hai và giết được hai lính địch khác. Mỗi lần giết xong một người,, ông đều lấy tay bụm mặt. Đến lần thứ ba, ông mới thưa: "Thôi đã đủ. Tôi không phản mệnh và đã hoàn thành nhiệm vụ đúng với cấp bậc của mình" rồi quay đầu xe.

Khi câu chuyện trên tới tai Khổng Tử, ông rất lấy làm hài lòng và cảm thán: "Ngay cả khi giết người, ông ta vẫn biết giữ Lễ!". Thế nhưng khi Tử Lộ nghe được việc ấy, anh cho rằng mình chưa thấy chuyện nào vớ vẩn (tonde mo nai) cho bằng. Trong câu nói "Một mình tôi mà giết ba người là đã đủ" của ông kia, cái mà Tử Lộ ghét nhất và đã khiến ông phải bực tức là việc Thương Dương không thèm che đậy việc đặt hành động của cá nhân mình lên trên thể thống một quốc gia. Với nét mặt không vui, Tử Lộ đã đến gặp Khổng Tử và thưa: "Cái tiết tháo của kẻ nhân thần khi phụng sự nhà vua là phải dùng hết sức mình, đến chết mới ngừng. Cớ sao phu tử lại cho hành động của ông ta là phải?". Ngay một người như Khổng Tử mà cũng chẳng tìm ra câu trả lời. Ông chỉ cười đáp: "Phải rồi, ngươi nói đúng đó. Ta chỉ đánh giá tốt ông ta qua cái việc xem chuyện giết người là điều cực chẳng đã!"

Mười ba

Ra vào nước Vệ cả thảy 4 lần, ở lại đất Trần những 3 năm. Hết Tào, Tống đến Sái, Diệp, Sở...không nơi nào mà Tử Lộ không theo chân Khổng Tử.

Từ đó về sau, không còn mong chi có những vua chư hầu muốn đem áp dụng cái đạo của Khổng Tử vào nước mình nữa nhưng, kỳ lạ làm sao, Tử Lộ không thấy có gì phải bất mãn. Sau nhiều năm tích tụ những cơn tức giận và sự nôn nóng vì muốn chống lại cảnh hỗn độn trong thiên hạ, sự bất tài vô năng của các nhà lãnh đạo và sự thiếu may mắn của Khổng Tử, giờ đây anh đã bắt đầu hiểu được một cách mơ hồ về ý nghĩa vận mệnh của thầy mình cũng như số phận các bạn đồng môn. Anh không muốn xuôi tay bỏ cuộc. Ngược lại là đằng khác. Biết cuộc đời là thế nhưng không thế bó tay trước số mệnh. Phải tự giác là mình có sứ mạng gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, không riêng gì cho một tiểu quốc, một thời đại mà là cho cả muôn vạn thế hệ về sau trong cõi thế gian này. Hồi bị bọn côn đồ bao vây ở đất Khuông, Khổng Tử vẫn điềm nhiên nói: "Trời hãy còn chưa muốn làm mất cái Đạo của thánh nhân, người đất Khuông làm gì được ta nào!" (Thiên chi vị táng tư văn dã. Khuông nhân kỳ như dư hà!). [25] Thế nhưng giờ đây Tử Lộ đã bắt đầu hiểu ra ý nghĩa câu nói (có vẻ siêu hình) đó của Khổng Tử. Anh thấy được tầm cỡ trí tuệ của người thầy qua việc, trong mọi tình huống, thầy anh đều tỏ ra không tuyệt vọng nhưng cũng không coi thường hiện thực, tận lực để hành động một cách tốt nhất trong phạm vi dành cho mình. Đây cũng là lần đầu tiên Tử Lộ nhận ra rằng trong nhất cử nhất động, thầy anh đều nghĩ đến ảnh hưởng của mình đối với hậu thế. Người thông minh dĩnh ngộ như Tử Cống - có lẽ bị che lấp bởi vô số tài năng thế tục của mình - đã không nhìn thấy được cái sứ mệnh siêu thời đại của Khổng Tử. Một con người thô sơ và bộc trực như Tử Lộ, bằng một tình yêu đơn thuần đối với Khổng Tử, mới thích hợp để nắm bắt được cái giá trị to lớn của tôn sư.

Sau nhiều năm sống đời trôi nổi, giờ đây Tử Lộ đã qua ngưỡng cửa cái tuổi 50. Khó thể nói là tính tình anh hết gai góc nhưng dù sao anh cũng đã dày dạn kinh nghiệm làm người. Cái khí chất rắn rỏi mà người đời sau gọi là "đem cho ta thêm một vạn chung thóc nào có nghĩa gì!"" [26] , cái nhìn sắc bén như phóng ra tia chớp, đã làm một anh chàng du hiệp ốm đói kè kè thanh kiếm bên mình có được một phong cách đường đường của bậc tôn quí như ngày nay.

Mười bốn

Khi Khổng Tử đến thăm nước Vệ lần thứ 4, ông đã từ chối lời mời của Vệ hầu (.)trẻ tuổi và bọn quan Chính Khanh Thúc Tôn Ngữ nhưng đã tiến cử Tử Lộ ra làm quan. Đến khi Khổng Tử được mời về cố hương Lỗ quốc sau hơn 10 năm lưu lạc, Tử Lộ bèn chia tay thầy, còn anh vẫn lưu lại Vệ.

Ở nước Vệ thì từ mười năm nay, những cuộc phân tranh xảy ra không dứt chỉ vì sự lộng hành của Phu nhân Nam Tử. Đầu tiên có người tên là Cung thúc Nhung đã tìm cách bài xích Nam Tử nhưng ngược lại đã bị bà ta dèm pha đến nổi phải chạy sang Lỗ lưu vong. Sau đó đên việc con trai của Linh Công là Thái tử(.)Khoái(.)Hội nhân âm mưu ám sát mẹ ghẻ là Nam Tử thất bại phải trốn qua đất Tấn. Vệ Linh công mất trong khi ngôi thái tử còn để trống nên người nước bất đắc dĩ phải gọi Chiếp, cậu con còn ít tuổi của Thái tử đang ở nước ngoài về nối ngôi. Đó là Vệ Xuất Công. Tiền thái tử Khoái Hội đang bôn đào mới mượn binh lực của người nước Tấn lẻn về chiếm vùng phía Tây của nước Vệ và dòm ngó (hổ thị) cái chức Vệ hầu. Người mà ông muốn giành giật ngôi vua chính là đương kim Vệ hầu Xuất Công, con trai mình. Nói khác đi, đó là cuộc xung đột giữa hai cha con. Tình hình nước Vệ, nơi Tử Lộ đang làm quan, rắc rối như vậy đó.

Tử Lộ phụng sự gia đình họ Khổng và được họ cử làm chức Tể để cai trị đất Bồ. Họ Khổng nước Vệ cũng là danh gia quí tộc ngang ngửa với Quí Tôn Thị nước Lỗ. Người cầm đầu Khổng gia tên Khổng Thúc Ngữ là một quan Đại phu có tiếng. Còn đất Bồ xưa kia vốn là lãnh địa của Công thúc Nhung, người vì bị phu nhân Nam Tử dèm pha mà phải trốn đi. Do đó dân đất Bồ vì tức giận chính quyền hiện tại đã làm cho chủ cũ của họ phải lưu vong nên lúc nào cũng có thái độ chống báng nhà nước. Người dân đất ấy tính nết vốn hung bạo, chính thầy trò Khổng Tử và Tử Lộ hồi có lần ghé qua đây cũng đã bị những kẻ nổi loạn nơi đó vây đánh.

Trước khi lên đường tới nhiệm sở, Tử Lộ đã đến hỏi ý kiến Khổng Tử. Ông trình bày sự tình của vùng đất mà ông cho là "ấp có nhiều tay tráng sĩ rất khó trị" rồi xin thầy cố vấn cho. Khổng Tử bảo: ""Cái dũng mãnh sẽ không làm gì được trước thái độ lễ phép, cung kính, cái cương ngạnh sẽ phải nhụt bớt trước sự khoan hòa và chính trực, cái gian ác sẽ bị chế ngự bởi ân tình nồng hậu đi chung với sự quả quyết". Tử Lộ bèn vái thầy hai lần để tạ ơn rồi vui vẻ ra nơi trấn nhậm.

Vừa tới đất Bồ, Tử Lộ mời ngay những nhà tai mắt và những phần tử chống đối và mở ruột phơi gan để nói chuyện với họ. Anh không dùng thủ đoạn ép uổng gì cả. Vì đã có lần nghe Khổng Tử nói "Chưa dạy dỗ người ta mà dùng hình phạt là vô ích", anh chỉ nói cho họ rõ điều mình chủ trương. Lời lẽ thẳng thắn, không ra vẻ ta đây của anh dường như đã ảnh hưởng được tính khí của đám thường dân thô lỗ. Như thế đám trai tráng dũng mãnh đất Bồ đã đuược thái độ hào sảng khoát đạt của Tử Lộ chinh phục. Chẳng bao lâu, danh tiếng Tử Lộ như người đệ tử duy nhất trong cửa Khổng tính tình rộng rãi đã được rao truyền trong thiên hạ. "Người chỉ nói ra một lời mà hai bên tranh chấp đều bái phục, chẳng phải là trò Do đấy sao?"(Tử viết: Phiến ngôn khả dĩ triết ngục giả, kỳ Do dã dữ) [27] là lời khen tặng của Khổng Tử, sau đó đã được người đời đồn đại thêm lên. Dù sao, tiếng tăm ấy chắc cũng đã giúp đỡ anh nhiều trong việc thuần hóa những tay tráng sĩ đất Bồ.

Ba năm sau, tình cờ Khổng Tử lại có dịp qua đất Bồ. Mới vào trong lãnh địa, câu nói đầu tiên của ông là "Tốt lắm, Do ơi. Sự cung kính và lễ phép của ngươi đã củng cố được lòng tin!" Đến khi đến thôn ấp, ông lại nói: "Tốt lắm, Do ơi. Sự sáng suốt của ngươi đã dẫn đến những quyết định gãy gọn". Khi Tử Cống, người cầm cương xe cho Khổng Tử, hỏi rằng sao thầy chưa gặp mặt anh Do mà đã khen nức nở như vậy thì Khổng Tử liền giải thích: "Lúc mới đặt chân lên vùng đất này, ta đã thấy đồng ruộng thẳng thớm, đất đã vỡ xếp gọn gàng, mương lạch thông sâu. Kẻ cai trị cung kính lễ độ sẽ lấy được lòng tin của dân chúng và một khi như thế rồi, dân chứng sẽ dốc hết sức ra làm việc. Rồi khi vào đến trong thôn xóm, ta thấy tường vách nhà dân chỗ nào cũng vững chãi, cây cối chỗ nào cũng xanh tốt. Điều đó chứng tỏ họ có một ông quan cai trị trung tín, khoan nhân cho nên dân chúng không dám chễnh mảng việc trông coi. Cuối cùng khi vào đến khu vườn này, ta thấy mọi sự đều an nhàn êm ả, không có lấy một người giúp việc hay nô bộc nào không tuân theo luật lệ. Ấy cũng là nhờ người cai trị sáng suốt và quyết đoán cho nên không ai làm rối loạn được chính trị của ông ta. Đâu cần gì phải gặp mặt Do chúng ta mới biết đến thành quả chính trị của trò ấy!".

Mười lăm

Cái năm vua Lỗ Ai Công đi săn ở cánh đồng phía Tây và bắt được một con kỳ lân, Tử Lộ có lần tạm rời nước Vệ để về Lỗ. Cùng lúc đó, có một viên quan nước Tiểu Chu tên là Xạ vì việc mưu phản trong nước của hắn không thành nên phải bôn đào đến Lỗ. Người này vốn biết mặt Tử Lộ nên mới nói: "Nếu Quí Lộ [28] giúp được, ta sẽ không cần đến giấy bảo đảm của nhà nước nữa". Theo tập quán đương thời, những kẻ lưu vong thường phải được nước đón nhận cấp cho một tờ minh ước là sẽ bảo đảm sự an toàn, nhiên hậu mới có thể yên tâm sinh sống. Nghe viên đại phu của Tiểu Chu bảo: "Nếu Tử Lộ chịu đứng ra bảo chứng cho ta thì ta sẽ không cần phải thề trung thành với Lỗ" mới thấy trong thiên hạ, ai nấy đều tin tưởng nhân cách ngay thẳng và trung tín của Tử Lộ, khi nhận làm một điều gì, anh sẽ giữ lời. Tử Lộ đã từ chối phăng phăng yêu cầu của viên đại phu.Có người nhân đó mới nói với anh rằng: "Ông đại phu kia không tin lời của một vị vua nước nghìn cỗ xe (vua nước Lỗ) mà chỉ tin vào một câu nói của nhà thầy (Tử Lộ). Đó là vinh dự lớn lao hơn cả lòng mong đợi của một đấng nam nhi, cớ sao nhà thầy lại thẳng tay từ chối?" Tử Lộ bèn trả lời: "Nếu xảy ra việc tranh chấp giữa Lỗ với Tiểu Chu và nước Lỗ ra lệnh cho tôi phải chiến đấu cho đến chết dưới chân thành này, tôi sẽ vui vẻ nghe theo mà chẳng cần ai giải thích lý do. Thế nhưng Đại phu họ Xạ là người đã phản bội tổ quốc của ông ta. Nếu tôi đứng ra bảo đảm cho ông ấy, tôi sẽ bị xem như người nhìn nhận một hành vi bán nước. Xin ông hiểu cho tại sao ý tưởng bảo đảm cho ông ấy không hề lướt qua trong trí tôi.

Những người biết rõ về Tử Lộ, khi được nghe câu chuyện trên đây, không ai bảo ai, đều mỉm cười vì cho rằng nó đã thể hiện đúng hoàn toàn phong cách của Tử Lộ.

Cùng năm đó, Trần Hằng nước Tề giết vua mình. Sau khi đã trai giới 3 hôm, Khổng Tử bèn đến gặp Lỗ Ai Công, xin Công vì nghĩa mà phạt Tề. Ông thỉnh cầu như thế 3 lần nhưng Ai Công không khứng nghe vì sợ sức mạnh của Tề. Công bảo Khổng Tử đến gặp họ Quí Tôn để bàn xem có làm được việc gì không. Thế nhưng (ông nghĩ) không có cớ gì để Quí Khang Tử (thủ lãnh của họ Quí lúc đó) tán thành việc động tay động chân. Khổng Tử mới lui chầu và đến nói với những người trong đại tộc này:"Tôi cũng là quan trong triều có chức vị sau hàng đại phu(.)cho nên không thể không phúc trình việc này cho các ngài". Ông muốn nói là ông đã thông tin cho họ vì bổn phận dù biết chỉ là công cốc (Đương thời chức vị của Khổng Tử là quốc lão, một viên cố vấn đã về hưu).

Gương mặt Tử Lộ lúc ấy có vẻ ủ dột. Ông tự hỏi những điều phu tử đang làm phải chăng chỉ để được toàn vẹn về mặt hình thức. Và phải chăng cũng để gói ghém nó lại trong một cơn giận dữ vì điều nghĩa (nghĩa phẫn) giúp cho lương tâm ông yên ổn, bất chấp kết quả sẽ đi đến đâu miễn là mọi hình thức đều được tôn trọng

Mười sáu

Trong thời gian Tử Lộ lưu lại nước Lỗ, ở Vệ, quan tướng rường cột của nhà nước là Khổng Thúc Ngữ chết. Bá Cơ, vợ góa của ông là chị của Khoái Hội, thái tử bị truất. Bà vốn nhiều quyền mưu nên đã ra mặt đảm đương việc chính trị thay chồng. Tuy bà có một con trai tên Khôi đã tập tước của phụ thân nhưng chỉ là danh nghĩa. Đối với Bá Cơ thì Chiếp, Vệ hầu hiện tại, đứng vào hàng cháu (gọi bằng cô), còn thái tử xưa kia bị truất và đang dòm ngó ngôi báu là em trai. Tuy mọi bên tranh chấp đều là ruột thịt với nhau nhưng mối liên hệ giữa họ giờ đây đã trở thành rối rắm vì có những tình cảm yêu ghét và tính toán cá nhân xen vào. Lạ lùng là giờ đây Bá Cơ chỉ toan tính cho sự trở về của cậu em. Sau khi chồng chết, bà đã sử dụng và sủng ái một gã hầu cận trẻ, đẹp trai tên gọi Hồn Lương Phu, cho hắn làm sứ giả đi lại giữa bà và Khoái Hội, cùng nhau tính kế đuổi Chiếp, Vệ hầu hiện tại.. .

Khi Tử Lộ trở lại Vệ thêm lần nữa thì cuộc tranh chấp giữa hai cha con Vệ hầu đã đi đến chỗ quyết liệt. Một bầu không khí nhuốm màu âm mưu lật đổ chính quyền thấy như đang bảng lảng đâu đây

Vào một ngày tháng 12 nhuận năm Chiêu vương thứ 40 đời nhà Chu, gặp lúc trời sắp tối, người ta thấy có một đám công sai kéo nhau đến và chạy bay vào trong ngôi nhà của Tử Lộ. Họ đến từ dinh của Loan Ninh, một lão thần của gia đình họ Khổng. Họ nhắn với ông lời của Loan Ninh:

-Hôm nay Tiền thái tử Khoái Hội đã lẻn vào kinh đô. Vừa mới đây, ông ta đã đến nhà họ Khổng chúng ta, cùng với Bá Cơ và Hồn Lương Phu uy hiếp cậu chủ chúng ta là Khôi, bảo cậu phải phò ông ta lên ngôi. Bây giờ không còn cách nào để xoay xở nữa. Loan Ninh tôi sẽ đưa Vệ Hầu tại chức trốn qua nước Lỗ. Từ đây mọi chuyện tại quê nhà xin ông vui lòng gánh vác cho!"

"Việc ta ngờ mãi, giờ đã xảy ra!", Tử Lộ thầm nghĩ.Tuy nhiên ta nghe rằng chủ nhân trực tiếp của ta là ngài Khổng Khôi đang bị giam giữ và uy hiếp. Ta không thể điềm nhiên tọa thị. Quyết định xong, Tử Lộ bèn cầm lấy kiếm và lên ngựa tới ngay tới công doanh. Khi đang định vào trong cánh cổng ngoài (ngoại môn) thì ông bỗng gặp một người dáng bé choắt từ bên trong đi ra. Đó chính là Tử Cao, sư đệ của anh trong cửa Khổng. Nhờ Tử Lộ tiến cử, Cao đã trở thành quan đại phu của Vệ. Cao cho biết cửa bên trong (nội môn) đã bị đóng nhưng Tử Lộ trả lời: "Không sao. Đóng cũng mặc. Cần vào là phải vào thôi!" Tử Cao mới khuyên: "Giờ có vào cũng vô ích. Chẳng những thế, sư huynh còn có thể gặp nạn nữa kìa!". Tử Lộ mắng át: "Chú mầy không phải là kẻ ăn lộc nhà họ Khổng hay sao? Sao lại muốn đi tránh nạn nhỉ?"

Sau khi gạt Tử Cao qua một bên, Tử Lộ đi vào đến tận cửa trong, thì đúng thật, cánh cửa đã bị đóng từ bên trong. Anh gõ rồi đập cửa ầm ầm nhưng không sao vào được. Vừa lúc ấy bên trong vọng ra tiếng gọi. Nghe tiếng gọi đó, Tử Lộ đã nổi giận phừng phừng. Tiếng gọi đó là của Công Tôn Cảm. Bởi vì không chạy thoát được nên hắn đã ngả về bên địch, đánh mất cả tiết tháo. Còn ta, ta không phải là loại người như vậy. Đã hưởng lộc của ai thì gặp lúc hoạn nạn là phải tìm phương giải cứu.

-Mở cổng! Mở cổng cho ta!

Vừa lúc đó có một sứ giả từ bên trong bước ra nên Tử Lộ thừa lúc cửa mở, lọt được vào. Nhìn ra thì thấy ở giữa sân, có một đám đông đang tụ họp. Đó là đám quần thần vì nghe nói có lời kêu gọi của Khổng Khôi muốn lập tân quân nên đã tức tốc đến đó. Vẻ kinh ngạc và sợ hãi được nhìn thấy trên từng khuôn mặt của họ, nhưng là khuôn mặt của những kẻ đã bị đánh lạc hướng. Trên một cái đài đặt giữa sân, chàng tuổi trẻ Khổng Khôi đang bị bà mẹ Bá Cơ và ông cậu Khoái Hội trấn áp, bắt phải đứng trước mặt bá quan đọc bản tuyên ngôn về ý nghĩa cuộc chính biến.

Từ đằng sau bục sân khấu, Tử Lộ tiến ra phía trước và cao giọng:

-Các ngươi bắt Khổng Khôi thì được ích gì? Buông cậu ấy ra! Giết một mình Khổng Khôi đâu có nghĩa là dập tắt được ngọn lửa của những kẻ đứng về phía chính nghĩa"

Tử Lộ trước tiên muốn cứu cậu chủ của mình cái đã. Quảng trường đang ồn ào thoắt trở nên im ắng. Khi cả bọn đã quay về phía mình, Tử Lộ thấy bây giờ là lúc phải hướng về phía quần chúng mà kích động họ theo mình. Thái tử được tiếng là người nhát sợ khi bị la ó. Thế rồi, nếu phóng hỏa từ bên dưới cái đài thì có thể chúng sợ hãi và sẽ buông Khổng (Thúc) Khôi ra. Phải phóng hỏa mà thôi. Lửa đâu nào?

Lúc đó trời đã bắt đầu tối. Ở mọi góc vườn người ta đã bắt đầu thắp lên những đốm lửa. Đưa tay chỉ vào đó, Tử Lộ hô lên: Lửa! Lửa đâu? Những ai là người cảm thấy mình từng chịu ơn huệ của Khổng Thúc Văn Tử (Ngữ) thì hãy nhanh tay cầm bó lửa lên đài kia mà đốt!

Trên đài, lũ người mưu việc soán đoạt đâm ra hoảng sợ, bèn ra lệnh cho hai kiếm sĩ là Thạch Khất và Vu Yển phải triệt hạ cho được Tử Lộ. Tử Lộ một mình giao đấu với hai địch thủ, đâm qua chém lại kịch liệt. Tuy xưa kia là tay kiếm cừ khôi nhưng nay đã về già, Tử Lộ không thể nào thắng nổi tuổi tác. Dần dần anh cảm thấy mệt mỏi, hơi thở loạn nhịp. Khi quần chúng thấy màu cờ chính nghĩa của Tử Lộ bắt đầu nhạt sắc, bọn họ bèn đổi màu cờ xí một cách lộ liễu.Những tiếng chửi mắng bay như mưa bấc về hướng Tử Lộ, bao nhiêu đất đá gậy gộc ném đến, trúng vào người anh. Một mũi giáo nhọn của địch làm xước má anh và cắt đứt giải mũ làm cho cái mũ đang đội cũng muốn rơi. Khi anh vừa định đưa cánh tay trái lên để giữ nó lại, một tên địch khác đã đưa kiếm chém phập vào bả vai. Máu me ràn rụa, Tử Lộ lảo đảo, cái mũ cũng rơi ra. Giữa khi chực ngã, anh còn cố đưa tay ra nhặt nó, để lên đầu cho ngay ngắn và nhanh tay buộc lại giải giây. Dưới những nhát chém của kẻ địch, cả thân hình Tử Lộ nhuộm đỏ những máu nhưng anh còn lấy hết sức tàn để hô to:

-Này, các ngươi xem! Người quân tử dù có chết vẫn đội mũ thẳng thớm!

Toàn thân của anh bị băm nát nhừ như nem. Tử Lộ chết.

Khổng Tử lúc ấy đang ở nước Lỗ. Nghe tin có một cuộc chính biến đã xảy ra ở đất Vệ xa xôi, ông bèn than: "Sài (Tử Cao) ơi! Vì chuyện đó mà ngươi phải trở về đây đó ư? Không khéo Do nó chết mất". Cuối cùng sau khi biết tất cả cơ sự những chuyện xảy ra đúng như mình dự đoán, lão thánh nhân đứng lặng người khép mắt một đỗi rồi để cho dòng lệ tự tuôn trào. Từ khi biết được rằng kẻ địch đã đem thi thể Tử Lộ làm mắm, Khổng Tử ra lệnh đem những hủ lọ đựng mắm muối trong nhà ra vứt hết, và từ đó, nơi ông ở, không bao giờ thấy có muối dọn ra trong bữa cơm.

Di cảo được đăng vào tháng 2/1943

Dịch xong ngày 19/8/2020 (NNT)

Thư mục tham khảo:

Nakajima Atsushi, Deshi (Đệ Tử) in trong Tuyển tập gồm 4 truyện: Riryô, Sangetsuki, Deshi, Meijinden, do Kadokawa xuất bản, sơ bản 1968, tái bản lần thứ 61, 2011.

Saitô Takashi, Rongo (Luận Ngữ) giáo sư Saitô Takashi chú thích Luận Ngữ, Chikuma Shobô xuất bản, sơ bản 2013.

Véronique Perrin dịch Nakajima Atsushi sang Pháp văn, Trois Romans Chinois (Ba truyện Tàu: Ngộ Tịnh Tây Du, Đệ Tử, Lý Lăng), Editions Allia, Paris xuất bản, 2011.

------

[1] - Viên ngọc quyết này là một món trang sức đơn sơ và nhã nhặn của đàn ông, hình tròn nhưng bị khuyết, dùng để đeo trong mọi dịp trừ đám tang. Luận Ngữ có câu: "Khứ táng, vô sở bất bội"(Trừ lúc tang lễ, không nơi đâu là không đeo)

[2] - Ý nói người đã mấp mé tuổi bất hoặc, đang lý ra phải bình thản trước mọi sự (NNT)

[3] - Luận Ngữ, thiên Dương Hóa tiết 11, có câu: "Lễ vân lễ vân. Ngọc cẩm vân hồ tai! Nhạc vân, nhạc vân. Chung cổ vân hồ tai". Theo đó thì Khổng Tử cho rằng việc tôn trọng lễ nhạc không phải là tôn trọng ngọc, lụa, trống, chiêng. Chúng chỉ là hình thức diễn đạt chứ không phải là bản chất.

[4] - Một chương quan trọng của sách Lễ Ký nói về các nghi thức hành lễ vào thời xưa.

[5] - Chu Công tên Đán là đại thần nhà Chu (1121-256 TCN) và cũng là tổ tiên của các Lỗ Hầu. Theo Khổng Tử, chính trị của Chu Công là một chính trị gương mẫu, phải học theo.

[6] - Nam phong ca tương truyền do vua Thuấn làm ra, có chép trong Kinh Thi: "Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề. Nam phong chi thời hề, khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề".

[7] - Lược dịch Luận Ngữ, thiên Công Trị Trường, đoạn 25. Công Trị Trường là học trò, sau được Khổng Tử gả con gái.

[8] - Lược dịch Luận Ngữ thiên Vệ Linh Công, đoạn 9. Ây là đoạn đối đáp giữa Linh ông nước Vệ và Khổng Tử.

[9] - Lược dịch Luận Ngữ, thiên Tử Lộ đoạn 21. Đây là đoạn Tử Lộ hỏi Khổng Tử về chính trị.

[10] - Câu nói chép trong Lễ Ký phần Trọng Ni Yên cư (Lúc Trọng Ni ở đất Yên) ghi lại cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và 3 người học trò là Tử Cống, Tử Trương và Tử Du..

[11] - Câu nói trong Luận ngữ thiên Dương Hóa đoạn thứ 8 có cuộc đối thoại của Khổng Tử với Tử Lộ về lợi ích của học vấn ngay với người đã có 6 đức tốt (nhân, trí, tín, trực, dũng, cương)

[12] - Vũ tử đài Có nơi dịch là "vọng lâu của lãnh chúa họ Vũ"

[13] - Nguyên văn trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, phần Khổng Tử thế gia. Nguyên văn: "Bỉ phụ chi khấu, khả dĩ xuất đồ. Bỉ phụ chi yết, khả dĩ tử bại. Cái ưu tai, du tai duy dĩ tốt tuế".

[14] - Nguyên văn chép trong Luận Ngữ, thiên Tử Can đoạn thứ 9. Chim phượng hoàng chờ mãi không đến, bản Hà Đồ (sách chép quẻ bói) vào thời Phục Hy tương truyền đã thấy trên lưng con long mã ở sông Hoàng Hà, vẫn chưa trở lại. Ý nói những điềm lành báo tin có thánh nhân ra đời

[15] - Trích Luận Ngữ, thiên Tử Can, đoạn 13. Đối đáp giữa Tử Cống và Khổng Tử.

[16] - Chữ trong Luận Ngữ, thiên Tử Can đoạn 9 (Tử viết: Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã).

[17] - Chữ sách Trang Tử, trong truyện Diệp công hiếu long (Diệp công thích rồng).. Diệp công có nghĩa là vua nước Diệp, một chư hầu.

[18] - Thơ trích từ Kinh Thi trong phần Tiểu Nhã, nhan đề Trẫm lộ (Đầm sương). Bản dịch của BS Nguyễn Văn Thọ. Phiên âm và thơ dịch đều kéo xuống từ trang Thi Viện trên mạng.

[19] - Dịch giả chưa rõ về 2 nhân vật này nhưng có lẽ họ là những người ở ẩn.

[20] - Truyện về Sở Cuồng Tiếp Dư có chép trong Luận Ngữ, thiên Vi Tử đoạn 5..

[21] - Nhân vật trong truyện Phong Thần. Vua Trụ – tính bạo ngược, vì nghe lời dèm pha của nàng Đát Kỷ mà mổ tim chú mình là hoàng thúc Tỉ Can để xem nó có mấy lổ khi ông này đến can gián.Do đó, Tỉ Can mới cùng Vi Tử, Cơ Tử, hai trung thần khác trong hoàng tộc, được xem như ba người làm được điều Nhân (Tam Nhân) dưới thời nhà Ân.

[22] - Chữ trong Kinh Thi, Đại Nhã, Phản biên.

[23] - Sử Ngư là viên quan chép sử ở nước Vệ vào thời Xuân Thu, nổi tiếng cương trực, bất khuất trước cường quyền..

[24] - Hùng Khí Tật, công tử nước Sở, sau là vua Sở Bình Vương. Có lẽ Thương Dương là người đánh xe cho nhà vua tương lai.

[25] - Câu nói chép trong sách Luận Ngữ, thiên Tử Can đoạn 5. Ý nói trời còn muốn ta sống để truyền cái đạo của thánh nhân Văn vương. Nếu ông bắt ta chết đi lấy ai rao giảng nó cho đời sau.

[26] - Sách Mạnh Tử, thiên Cáo Tử chương cú thượng có câu:"Vạn chung ư ngã hà gia yên" ý coi thường món lộc lớn vạn chung thóc.Một chung là đơn vị đo lường bằng 5 lít, một món bổng lộc đáng kể dành cho khanh tướng.

[27] - Chứ trong Luận Ngữ, thiên Nhan Uyên, đoạn 12, là lời khen ngợi về tài xử lý việc hình án nhanh nhẹn và đúng đắn của Tử Lộ.


[28] - Ám chỉ Tử Lộ, con trai nhỏ trong nhà nên còn goi là Quí Lộ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro