suy ngam 3
NỤ CƯỜI
Cười là đặc tính của loài người.
- Rabelais.
Biết cười và chọc cười là hai đặc tính của loài người.
- H. Bergson.
Khả năng cười tươi là sự chứng minh cho một tâm hồn tuyệt hảo. Nên dè dặt với những kẻ tránh cười, với những kẻ thiếu cởi mở.
- J. Cocteau.
Ngày nào không cười, ngày ấy đã bị phung phí.
- Chamfort.
Những kẻ nghèo khó thỉnh thoảng được cười tươi, quí như mùa đông thỉnh thoảng có mặt trời soi chiếu.
- A. Dumas.
Thấy miệng cười mà mắt không cười thì chớ tin.
- A. d Houdetot.
Bạn cười, thiên hạ cùng cười vui với bạn, bạn khóc thì chỉ khóc một mình.
- Yiddish (Tục ngữ Anh, Ấn).
Hài hước là sự sung sướng của kinh nghiệm.
- Ch. Charlot.
Cười có nhiều thái độ. Điều muốn nói ở đây là nụ cười quan tâm, phải có tấm lòng ôn hòa độ lượng thì nụ cười mới duyên dáng được.
Người ta thường nói: "Người có nụ cười tươi, chẳng khác nào có đóa hoa gắn trên môi". Biết cách cười cũng là một nghệ thuật.
Hồi đầu thế kỷ này, nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh có viết bài "Gì Cũng Cười", trong đó ông có phế phán những cái cười vô ý thức. Bài viết đó có phần khắt khe: "An Nam ta có một thói lạ, gì cũng cười... Hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang". Xét cho cùng, đất nước ta kinh qua không biết bao nhiêu nỗi đau đớn, mà vẫn còn tồn tại đến hôm nay, đó cũng là nhờ ở "đất lề quê thói". Và nụ cười có sức truyền cảm bí mật, có sức đoàn kết ngấm ngầm, có một nỗi thiết tha và độ lượng, khó nói đến cùng.
Trong bài thơ "Ngồi tù Quảng Đông" có câu: "Mở miệng cười tan cuộc oán thù".
Cụ Phan Bội Châu đã tỏ ra là bậc đại nhân quân tử. Một tâm hồn độ lượng, khiến nụ cười phải rộn rã như tiếng pháo đầu xuân đuổi xua những hắc ám và u khí.
Nụ cười và tiếng nói đều hiện trên môi, nhưng cử động của đôi môi rất khác nhau cho mỗi trường hợp. Nụ cười lắm khi không có tiếng, nhưng đối tượng thấy mát rượi hay ấm áp còn tùy vào hoàn cảnh lúc đó.
Nụ cười có khi biến đổi một cảnh ngộ hiểm nghèo thành bình yên. Trong một chuyến tàu đêm từ Phú Quốc về Rạch Giá, hôm ấy nhằm lúc biển động rất mạnh. Sóng và gió mỗi lúc mỗi mạnh, thỉnh thoảng có vài đợt sóng phủ qua boong tàu, tàu chao đảo, hành khách nhốn nháo, viên tài công không hiểu sao cũng mất bình tĩnh, biển tối đen. Đèn chiếu trên tàu không hiểu sao cũng tắt ngấm, chỉ còn một chút ánh sáng yếu ớt của chiếc hải bàn phát ra.
Bỗng một nữ hành khách nói:
- Bác tài cứ bình tĩnh! Mỗi lần trời bão là mấy chú hải âu thích lắm, vì nó có dịp đọ sức với gió. Tôi xin ra ngoài trấn an mấy người kia.
Lúc đó anh thợ máy làm sáng lại mấy ngọn đèn. Thiếu nữ đi một hồi trở lại nói:
- Bác tài giỏi quá, tàu mình sắp đến Hòn Tre rồi.
Sóng gió ầm ầm như vậy, ai nấy đều xanh mặt, nhiều người đọc kinh cầu, riêng nữ khách ấy vẫn giữ trên môi một nụ cười an lạc, khiến bác tài thêm phấn khởi tự tin. Vào tới bờ trời vừa sáng.
Viên tài công nói với nữ hành khách gan dạ đó:
- Bão này rất lớn, các em báo không chính xác nên mới "dương" vậy đó. Cám ơn cô đã giúp sức cho chúng tôi. Anh ta cao hứng đọc hai câu thơ cũng khá hợp:
Dù đời ta còn đôi cánh lá,
Xin vì người trổ hết mùa bông!
Trong sự xã giao một cách tự nhiên, thì nụ cười cũng phải tự nhiên để khỏi mất tính ban đầu của nó. Người ta nói: "Chỉ có con người mới có nụ cười".
Trên vấn đề thân thiện, nụ cười rất có ý nghĩa theo từng thời kỳ (hay giai đoạn): nụ cười cảm thông, nụ cười khích lệ, nụ cười tán đồng... và cũng nên tránh những nụ cười có ý nghĩa tương phản: cười mỉa mai, cười châm biếm, cười mát, cười gượng...
Dễ hiểu, người đang đối diện với ta không phải là kẻ đối đầu, không phải là kẻ thù. Giả như bạn là người đi xin việc làm, đang nghe ông giám đốc nói chuyện, nếu thỉnh thoảng thì cứ nở một nụ cười tự nhiên, còn không cười được cũng phải cố gắng giữ nét mặt hòa hoãn, tránh cái cười gượng, cười nịnh.
Đối diện với người bạn gái, nếu cô bạn quá nghiêm trang, thì bạn không nên "nghiêm trang hơn", vì như vậy dễ trở thành một không khí cục bộ nặng nề, bạn phải tinh ý, tìm một vài câu nói hay cử chỉ vui nhộn, khôi hài tất cả đều cởi mở để không khí đó còn được sống động.
Nếu cô bạn quá náo nhiệt, sôi nổi, còn bạn thì trầm lặng, dĩ nhiên bạn không thích cái quá trớn ấy phải làm sao?
Bạn khoan lên tiếng phản đối, cũng đừng nhíu mày nhăn mặt, cố gắng giữ một thái độ thản nhiên. Vì nếu người đối diện là một bạn mới, chắc chắn nàng không sôi nổi quá đáng. Nếu nàng là bạn cũ thì bạn đâu có lạ gì tánh nết của nàng?
Cả hai trường hợp trên bạn có cùng một cách xử sự để lấy lại sự quân bình cho không khí lúc đó; nụ cười đằm thắm và ôn hòa!
Không ngày nào ta không thấy nụ cười của người chung quanh, nhưng nụ cười hồn nhiên, nhẹ nhàng chỉ có được ở những con người nhân hậu vô tư, nên tránh những tiếng cười "hô hô", vì nó biểu lộ tánh tự mãn, đắc thắng. Nụ cười ấy dành riêng cho các vị tướng quân thời cổ, hoặc dành cho những buổi tiệc của đám cường hào, hải tặc...
Bạn có thể khó tính, nhưng đừng tưởng kẻ khó tính không có nụ cười dễ dãi.
Cần một nụ cười đó không khó đâu. Trước nhất bạn nên tạo một nụ cười trong gia đình. Mỗi buổi sáng trước khi bước xuống giường, bạn chịu khó suy nghĩ một câu nói đùa (dù lúc đó gia đình không có tiền ăn điểm tâm) cho người thân như vợ con, hoặc cha mẹ, hoặc anh chị em. Làm hiền làm lành với người thân đâu có gì xấu hổ? Tại bạn chưa quen đó thôi. Không riêng gì người phương Tây có câu chúc vào mỗi buổi sáng, mà từ ngàn xưa người Đông phương cũng có phong tục đó. Câu "Thần tĩnh mộ khan" (sớm thăm, tối viếng) không hẳn chỉ bổn phận con cái đối với cha mẹ, anh chị em trong gia đình cũng thăm hỏi được vậy. Đây, chúng ta tập lấy những nụ cười trong sáng, thư thái, hỷ xả.
Nếu bạn hỏi: "Sao các nhà sư ít cười họ lại nhiều tín đồ". Đó là một trường hợp khác. Đạo hạnh của những vị ấy trang nghiêm. Họ không cười ra tiếng, nhưng họ cười qua ánh mắt, qua thần thái, qua tấm lòng hoan hỷ. Sự ung dung và độ lượng là nụ cười của họ.
Vui tính là một cách cười. Khôi hài là cách làm cho người khác vui và cười. Trong tuồng cải lương hay hát bộ cũng có vai mấy anh hề. Vai trò của họ không liên hệ gì với tuồng, nhưng rất quan trọng đối với thính giả. Một nụ cười tươi nhiều khi đáng giá tỷ tiền. Đọc truyện cổ Trung Quốc, chúng ta không quên nụ cười của Bao Tự. Và những câu: "Nhất tiếu thiên kim", "Nhất tiếu khuynh thành"... Không phải nụ cười của người đẹp mới giá trị.
Lại có một chuyện khó quên. Hồi ấy bạn tôi tham dự giải vô địch quyền tự do hạng nặng. Bạn tôi sở trường về môn Aikido. - Aikido mà đi đấu với Vovinam, Thái cực đạo, Thiếu lâm... cầm bằng "bầm dập như chơi".
Buổi tối hôm ấy bạn tôi bị đối thủ đánh tơi bời. Đến hiệp thứ tư mắt bạn sưng lên. Hồi lúc bắt đầu lên đài, tôi cố chen ngồi phía trước mục đích là cho bạn thấy sự có mặt của mình để cổ động tinh thần, nhưng có lẽ bạn tôi ngay từ đầu không thấy tôi. Khi lần "cho nước" thứ tư, bạn tôi thảm hại quá, tôi đứng gần đó, bạn tôi thấy kịp, tôi cười thật "ngon lành" vừa gật đầu vừa đưa ngón cái lên.
Hai đứa thân với nhau, nghề nghiệp cũng suýt soát, qua nụ cười "tin tưởng" ấy, bạn tôi như linh hoạt hẳn lên. "Một sức mạnh rất bí mật và một tuyệt chiêu bất ngờ", đối thủ của bạn tôi bị đo ván, sau chín tiếng đếm! Đó lời của bạn nói.
Nụ cười trong lúc này chẳng khác gì liều thuốc kích thích.
Đừng nói chi con người, kể cả loài vật cũng vậy.
Nhà bác hai Ngữ thường gầy giống gà chọi, một dạo có một trứng gà sanh đôi. Cả hai cùng lớn theo thời gian, đặt tên chúng là Ô anh, Ô em. Bác Ngữ săn sóc chúng rất cẩn thận. Nếu so sức đấu thì Ô em đá chính xác và thế thần hơn Ô anh; Ô anh lấn xác và lấn sức hơn Ô em. So với gà trường, anh em Ô nhỏ xác hơn chúng. Tuy vậy hai anh em Ô chưa hề bại, mỗi con đã từng ăn hai ba độ đáng giá.
Có một điều ít người chơi gà để ý, bác Ngữ ôm gà đi đá, không bao giờ ôm chặt một con. Vì vậy mà khi anh hoặc em vào vòng chiến, con còn lại đứng ngoài vòng nhảy nhót cổ động. Có người mở trường gà ở quận khác nghe tiếng liền mang gà đến thách bác hai đấu. Cuộc đấu này cáp độ rất lớn. Ô em ra trận, Ô em lớn chỉ bằng 8/10 so với đối thủ! Đến hiệp thứ sáu, Ô em chịu đòn như hết nổi, Ô anh ở ngoài muốn tung cánh nhảy vào. Bất ngờ nó gáy lên một tiếng thật oai vệ, Ô em như được hồi sinh! Ô em trổ đòn đá dồn dập vài tuyệt chiêu nữa. Đối phương nằm gục xuống! Trận đó Ô em thắng. Ô em về đến nhà thì chết.
Sau năm ngày Ô anh buồn bã chết theo. Từ đó bác hai Ngữ không nuôi gà chọi nữa.
Nụ cười đẹp là giúp người một niềm vui, giúp mình một thiện cảm ở người. Nụ cười vốn dĩ hồn nhiên và vô vụ lợi. Dẫu có người hiểu mình qua nụ cười, mời mình hợp tác làm ăn và dĩ nhiên nếu bạn thích thì cứ làm ăn chân chánh với họ. Có nhiều bản trẻ đẹp trai, học khá, lại có nụ cười rất có duyên. Với sức hấp dẫn bên ngoài ấy, nếu như không có chút đạo đức dễ biến mình là... kẻ bạc tình nước Sở!
Dù sau ta cũng nên ghi nhớ mấy điều:
- Nụ cười có thể biến đổi một cảnh ngộ hiểm nghèo thành bình yên.
- Để tập có một nụ cười hồn hậu, cần làm việc với nó ngay ở những người thân.
- Nụ cười một thoáng gây sự cảm mến lâu dài.
- Chỉ có loài người mới có nụ cười. Đừng đánh mất nó!
- Để phụ họa với nụ cười cho hữu hiệu, chúng ta nên có tinh thần hoạt kê.
HOẠT KÊ
Lời hoạt kê mà hợp với chánh đạo cũng đủ giải được những điều rắc rối.
- Tư Mã Thiên.
Trào phúng là cả một nghệ thuật dạy người.
- Khuyết danh.
Tính u mặc tương đương với nghệ thuật thứ bảy.
- Lâm Ngữ Đường.
Từ "hoạt kê" tương đồng với các từ hài hước, trào lộng, trào phúng, u mặc, khôi hài... nội dung của hoạt kê là dùng cử chỉ hay lời nói bông đùa làm thức tỉnh đối tượng, khiến cho người ta vui cười, thích thú, lại thấy được cái sai lầm của họ mà tự chữa. Hoạt kê bà con rất gần với nụ cười. Muốn có một nụ cười thoải mái, cởi mở, người ta phải dùng đến hoạt kê. Kim cổ đông tây, người ta dùng không biết bao nhiêu lời hoạt kê để giải quyết những bế tắc (thậm chí có kẻ dùng lời hoạt kê mắng bọn cường hào, nhưng nó không nằm trong phạm vi bài này nên không bàn vào sâu). Về lãnh vực này đòi hỏi người hoạt kê có bộ óc bén nhạy, linh mẫn, trên môi họ lúc nào cũng có nụ cười.
Văn hào Lâm Ngữ Đường (1895 - ?) người Trung Quốc được thế giới phong là U Mặc Đại vương (Humourous King) đã có những lời khôi hài độc đáo, đủ sức làm cho người ta tiêu tan đi những nỗi buồn cố hữu.
Với cuộc sống tất bật này, bạn giúp cho ai được một nụ cười là bạn đã làm cho người ta một niềm vui nho nhỏ, và chính nơi hồn bạn cũng có một sự thoải mái.
Hồi tiền chiến, thi sĩ Nguyễn Vỹ có bài thơ "Gởi Trương Tửu", trong đó có câu: "Nhà văn An Nam khổ như chó!". Không nói ai cũng biết, trước năm 1945 nước ta thuộc Pháp, người dân sống rất eo sèo, ông Nguyễn Vỹ viết bài thơ ấy thật hay. Thế mà một hôm Tản Đà và Nguyễn Vỹ uống rượu say (để quên nỗi buồn khổ). Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: "Sao ông dám ví nhà văn An Nam với chó? Nói vậy không sợ xấu sao?" Cũng trong lúc say, Nguyễn Vỹ đáp tỉnh rụi: "Nói vậy là cho nó xấu..., bọn ta có xấu chi mô?"
Câu trả lời rất bất ngờ và rất thú vị. Hai nhà thơ lớn ấy có dịp "ném sầu vào rượu!".
Trên tinh thần hài hước đó, trong lãnh vực hội họa cũng có những bức tranh "biếm họa" giúp cho người những nụ cười "không ra tiếng".
Ở nước ta, tính chất khôi hài thấm đượm rất sâu sắc trong tầng lớp trí thức và dân gian như Trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất, Tú Quì, Tú Mỡ và các nhà văn, nhà thơ trào phúng... nhưng hầu hết là ở tinh thần châm biếm. Châm biếm cũng là một cách trào lộng nhưng dễ làm cho đối tượng phật ý (mặc dù được nhiều người thỏa thích), đối tượng có thể sửa đổi nhưng ấm ức, hoặc cũng có thể đối tượng càng ấm ức hơn mà gây nên những sự thù ghét.
Trong tinh thần hoạt kê, lời bông đùa có ý nhị, tính đả kích không lịi liễu, nhưng đối tượng ngầm hiểu được, vui vẻ sửa đổi cái sai lầm của mình (nếu có) hoặc giúp đối tượng một niềm vui, một kinh nghiệm...
Có một câu chuyện khá ý vị như sau:
Vua Louis XIV (Pháp), một hôm có làm một bài thơ, dĩ nhiên nhà vua lấy làm đắc ý lắm, liền cho vời thi hào Boileau vào đọc cho nghe để có lời góp ý. Nghe xong bài thơ, Boileau nói:
- Đức Hoàng thượng tôn kính, Hoàng thượng là bậc anh minh lỗi lạc, xưa nay Hoàng thượng làm điều gì mà chẳng thành công? Bài thơ này chẳng qua Hoàng thượng cố ý làm dở để đề cao thần...!
Nhà vua đã không giận mà còn cảm động ban khen.
Đọc lịch sử ta biết, vua Louis XIV (1638 - 1715) là vị vua danh tiếng nhất trong lịch sử nước Pháp. Ông có công dẹp nội loạn, an ninh biên cương, nâng đỡ phong trào văn học và nghệ thuật (văn nghệ). Vì vậy các học giả đồng ý đặt thế kỷ 17 là Đại thế kỷ hay là "Thế kỷ Louis XIV". Các nhà văn hào Corneille, Racine, Boileau, Molière, La Fontaine, Pascal, Bossuet, Poussin, Brun, Lulli... đều ở vào thời kỳ này. Bản thân của nhà vua cũng là một nghệ sĩ.
Nếu Boileau không phải là người phẩm hạnh, có lẽ dập đầu khen vùi "kiệt tác, tuyệt vời, bất hủ...". Boileau vẫn chê thơ của nhà vua dở, tác giả dù là gã hành khất chăng nữa, nếu bị chê một cách thẳng thừng đột ngột, cũng tự ái, huống gì bậc vua chúa?
Lời bình phẩm của Boileau có ý vi u mặc kín đáo, đáng cho hậu thế lấy làm bài học.
Sử chép: "Một hôm Tô Đông Pha (đại thi văn hào đời Tống) đến thăm Tể tướng Lã Đại Phòng. Tể tướng ngủ trưa chưa dậy, người nhà không dám đánh thức ông ta. Tô Đông Pha ngồi chờ nóng sôi cả ruột. Hồi lâu quan Tể tướng mới thức giấc, sửa soạn một hồi mới ra tiếp nhà thơ. Tô Đông Pha chỉ hòn non bộ rất đẹp có nuôi rùa và cá, nói:
- Hồ này nếu đại nhân nuôi được rùa sáu mắt (lục nhãn qui) thì đẹp lắm.
Lã tể tướng ngạc nhiên hỏi:
- Ủa! Lại có rùa sáu mắt sao.
Tô Đông Pha cười:
- Có đó! Sử nhà Đường có chép, một vị quan Thượng thư bắt được loại rùa sáu mắt bèn dâng vua, vua cho là quí bèn thả vào hồ nuôi.
Tể tướng hỏi:
- Rùa đó quí ở chỗ nào?
- Ở chỗ... nó có ba cặp mắt! Một lần đánh giấc của nó ít ra cũng gấp ba lần rùa thường, đại nhân nhỉ!!
Quan tể tướng vô tình gật đầu... Lát sau ông chợt hiểu phá lên cười và xin lỗi...
Ở đây chúng ta thấy lời châm biếm của Tô Đông Pha rất kín đáo (loài rùa ít ngủ, vì cơ thể nó luôn luôn nằm trong trạng thái qui tức - một lối thở riêng của loài rùa), nhưng có phần quá đáng (người ta khinh kẻ nào, thường ví kẻ đó là loài rùa), lại chen câu "nhà vua nuôi...", dễ khiến cho người ta tưởng thật, nhưng có biết đâu, ý ông Tô Đông pha muốn nói, nhà vua dùng ông quan chỉ có tài "ngủ".
Trình độ của chúng ta không đạt đến cao siêu như vậy, nên chúng ta phải thận trọng trong việc dùng những "hí ngôn".
Những bậc thông minh chỉ một vài câu nói có tính cách bông đùa cũng có thể tìm ra thủ phạm của vụ án.
Bao Thanh Thiên đã xử những vụ án bằng những câu hỏi khôi hài nhưng tế nhị, tìm ra những vụ án rất uẩn khúc.
Chẳng hạn chuyện nhà khôi hài Narsretdine thời Trung cổ ở Trung Á. Hồi ông làm phán quan có xử một vụ kiện như sau:
Một anh nông dân đang làm vườn bỗng đào gặp một túi vàng. Một người gần đó thấy vậy nói:
- Anh đưa tôi giữ hộ cho, còn anh ra đồng kẻo thôi bọn cướp giết anh đó.
Người nông dân bèn nghe lời. Chiều về người đó đến nhà người bạn đòi lại túi vàng, người kia nói:
- Tôi có giữ số vàng gì của anh?
Thế là có sự cãi vã với nhau. Tức mình anh nông dân kiện lên phán quan Narsretdine. Trước phán quan, ai cũng nói theo phần mình. Narsretdine nói:
- Các người đi mời nhân chứng đến đây!
Anh nông dân nói:
- Chuyện xảy ra không có ai là nhân chứng cả.
- Ít ra cũng có cây cối chứ?
- Dạ có! Có một cây lớn. Nhưng cây cối làm sao có thể làm chứng được?
Phán quan nói:
- Được đó! Ngươi hãy tới nói với cây đó rằng, quán chánh án truyền lệnh cho ngươi đến làm chứng việc của chúng ta. Tự khắc cây ấy sẽ đến ngay.
Anh nông dân miễn cưỡng đi nhưng lòng đầy ngờ vực.
Ngồi hồi lâu, Narsretdine chợt hỏi:
- Theo anh, tên kia bây giờ đã đến nơi chưa?
Gã đáp:
- Chưa đâu ạ! Từ đây đến đó khoảng chừng một giờ!
Hai giờ sau anh nông dân trở lại, miệng méo xệch nói:
- Tiểu dân có đến đó truyền lệnh, nhưng cái cây không chịu đi. Cách nào nó cũng không đi! Tiểu dân...
Narsretdine ngắt lời:
- Cây đã đến đây và nhập vào mồm tên kia, và hắn đã thú tội rồi!
Ta biết đó, không có tế nhị nào, không chút bông đùa, không chút hoạt kê nào mà không có nét thông minh. Ở đời có lắm trường hợp cần đến những bộ óc bén nhạy, thông thái, hoạt kê mới giải quyết được.
Mỗi ống khóa có một chìa khóa, nhưng người ta cũng có thể sao được một loại chìa có thể mở nhiều ống khóa.
Một hôm có một cô gái đến xin việc làm ở một hãng nọ, gió phất nhẹ, mùi khai bên ngoài hắt vào. Cô gái đưa tay đậy mũi. Ông chủ cũng nhăn mặt tỏ ý khó chịu nói:
- Tụi ăn nhậu quanh đây đêm đến tè ở bên gốc cây ngoài kia, mặc dù tôi đã yết cái bảng "Cấm tiểu bậy".
Cô gái mỉm cười nói:
- Ông cũng thường thấy đó, dưới những tấm bảng "Cấm đổ rác", có những đống rác kếch xù. Phải có biện pháp mới được.
Ông chủ hỏi:
- Cô có biện pháp gì?
Cô gái nói:
- Dễ thôi! Người Việt Nam thường tôn trọng những nơi người ta thờ. Cứ dọn dẹp cho sạch, đặt nơi đó một lon cát, cắm ít chân nhang, mối ngày hai lần sáng tối đốt nhang ở đó, thì không còn kẻ nào tiểu bậy nơi đó nữa.
Ông chủ theo ý kiến đó, quả nhiên thành công. Cô gái được chủ cho làm nhân viên và trả lương hậu.
Cái khôi hài ở đây là bát nhang nơi chỗ không tôn nghiêm. Cái thông minh đây không phải là sự thờ cúng, chỉ cần tốn một lon cát với vài chân nhang cũng đủ sức đuổi được những kẻ bất trị kia.
- Trong việc giao tiếp hàng ngày song song với nụ cười, chúng ta cần có những câu vui đùa dí dỏm, để tâm hồn được thoải mái.
- Cần tránh sự châm chọc mỉa mai.
- Sự bông đùa phải đúng lúc (để khỏi lố bịch).
KHỔ THÂN LÀM VIỆC NGHĨA
Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng: "Bây giờ thiên hạ ai còn biết đến việc "nghĩa", một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?"
Mặc Tử nói: "Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư ? Tại sao thế ? Tại đứa ăn nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế".
(Mặc Tử)
GIẢI NGHĨA:
Lỗ: Một nước chư hầu nhỏ thời Xuân Thu Chiến quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Tề: Một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến quốc cũng ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Thiên hạ: Đất dưới gầm trời, người Tàu xưa nay cho nước Tàu và mấy nước xung quanh là thiên hạ.
Nghĩa: Việc phải, việc hay mà người ta nên làm.
Tự khổ thân: Tự mình làm cho mình khó nhọc vất vả.
Mặc Tử: Tên sách của Mặc Địch soạn, chủ nghĩa là "kiêm ái" yêu người như yêu mình.
LỜI BÀN:
Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loại . Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa?
Cho nên những người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái bất nghĩa, khác nào như: Cây tòng, cây bách mùa đông sương tuyết mà vẫn xanh, như con gà trống mưa gió tối tăm mà vẫn gáỵ Những bậc ấy chẳng những thế mà thôi, lại còn đem bao nhiêu tinh lực tâm trí ra, cố gắng giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, mà đưa đường cho những kẻ u mê đắm đuối.
Như Mặc Tử đây, cho đời là suy biến, coi sự làm việc "nghĩa", sự cổ động việc nghĩa như cái chức vụ của mình phải làm, thực là người có công với loài người vậy.
Sự Bình Yên
Một vị vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã cố công .
Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một .
Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả .
Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh .
Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng .
Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi , nhưng ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá . Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp . Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa .
Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào .
Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn , ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá . Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ . Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ , con chim mẹ an nhiên đậu trên tổ của mình ...
- " Bình yên thật sự." - Ta chấm bức tranh này !
Nhà vua công bố .
Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc.
Bình yên có nghĩa ngay chính khi ta đang trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim.
Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên
Thời Đại Nghịch Thường
Lầu cao nghệu nhưng tâm thấp bé
Đường thênh thang, người bé tầm nhìn
Sắm mua không ngại tốn tiền
Mua rồi xếp xó chẳng thèm quan tâm
Nhà càng lớn, tình thân càng nhỏ
Hiểu biết nhiều càng khổ nhiều thêm
Ê hề bằng cấp, thuốc men
Cái thân bạc nhược, gánh phiền nặng vai
Chơi quá độ miệt mài suốt sáng
Sách thánh hiền bụi bám nhện giăng
Lơ là cầu nguyện thường hằng
Cái tâm cuồng nộ nhố nhăng đủ điều
Ham vật chất triệt tiêu tư cách
Nói thương người mà trách hận người
Sống đời chẳng biết yêu đời
Ráng sao kiếm được bộn lời mà chi
Ta đã đến rồi đi, từ nguyệt
Đại sự gì cũng quyết vượt qua
Láng giềng mới có đâu xa
Lại không vượt nổi cái ta, chào mừng
Ráng tẩy sạch môi trường ô nhiễm
Nhưng tâm ta ti tiện đáng không
Xẻ đôi nguyên tử Atom
Dễ hơn xẻ nửa tấm lòng nhỏ nhen
Ta gấp rút làm thêm trăm việc
Sách như rừng, cái biết ít hơn
Lòng kiên ngày một thêm mòn
Bởi không đối thoại, không còn hiểu nhau
Thời Fast food ăn mau nuốt vội
Ta cao hơn nguồn cội tổ tiên
Tủi cho đạo đức thánh hiền
Trên đà tuột dốc bon chen xạo dài
Thời thịnh trị mà hoài nội chiến
Nhiều chỗ vui mà hiếm niềm vui
Thức ăn thừa mứa nơi nơi
Mà phần dinh dưỡng kém thời đã qua
Thời dinh thự xa hoa tráng lệ
Đạo đức càng thêm tệ trăm phần
Vợ chồng ly dị, ly thân
Thiếu gì kích dược hại nhân vô vàn
Thời hiện đại lan tràn bá đạo
Đẹp mẽ ngoài mà xạo bề trong
Bạn ta, xin tự hỏi lòng
Giữ hay là xoá cho xong bài này
Giá Trị Của Việc Lắng Nghe
Vào một đêm giáng sinh, một người đàn ông Mỹ đáp chuyến bay trễ nhất về đoàn tụ với gia đình. Người đàn ông này đang mường tượng cảnh đoàn viên vui vẻ thì bỗng nhiên máy bay chao đảo liên hồi.
Phi công trưởng thông báo với hành khách rằng máy bay bay vào vùng thời tiết xấu và trúng phải một cơn bão lớn, có thể rơi bất cứ lúc nào. Cô tiếp viên mặt trắng bệch ra, giọng run run thông báo hành khách hãy viết di chúc cho vào một chiếc hộp đặc biệt. Nhưng may mắn thay, ngay vào thời khắc nguy hiểm này, với sự bình tĩnh và kinh nghiệm của phi hành đoàn, máy bay đã hạ cánh an toàn.
Về đến nhà, người đàn ông Mỹ này không ngừng kể cho mọi người nghe về tai nạn và may mắn thoát chết. Thế nhưng, hình như không ai quan tâm lắm!
Ngay cả vợ và con cũng bận tâm hưởng thụ không khí đêm Giáng sinh.
Trong thoáng chốc anh phát hiện chẳng ai chú ý lời mình nói.
Cái câu chuyện thoát chết trong gang tấc của anh và thái độ lạnh nhạt của vợ anh, của mọi người sao cách xa thế!
Trong khi vợ chuẩn bị bánh kem thì người đàn ông lên gác và đã tự thắt cổ, để kết thúc sinh mạng quý báu vừa thoát chết trong chuyến bay.
Mọi người trong chúng ta trong lúc buồn, sau lúc vui đều có chung một khát vọng: Được tâm sự và được ai đó lắng nghe mình, thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ.
Vâng, nếu như người vợ biết cách lắng nghe thì sẽ không có một kết cục bi thương như thế!
Thực ra, "học" được cách lắng nghe không chỉ biểu hiện sự quan tâm thương ái mà còn là "chất dầu" bôi trơn mối quan hệ đôi bên.
Nghệ Thuật Lắng Nghe Chỉ Trích
Việc đầu tiên hãy xét xem là lời chỉ trích có giá trị không ?
Không phải ai cũng chỉ trích bạn được, và không phải cái gì trên đời này đều có thể bị chỉ trích .
Nếu người tấn công là thầy bạn thì tốt nhất phải lắng nghe cái đã .
Lại nữa phải quan sát thái độ, gương mặt của người chỉ trích mình.
Nếu họ lộ vẻ xúc động, bối rối ... thì chính họ -- chứ không phải bạn -- đã có vấn đề.
Đừng quên những gì bạn không nói để trả lời đôi lúc quan trọng ngang hàng với những gì bạn đã nói.
Cuộc sống hàng ngày với biết bao biến động bất ngờ, có những niềm vui lẫn nỗi buồn khôn tả. Và chắc chắn không một ai là không mắc phải những khuyết điểm, những sai lầm to, nhỏ khác nhau. Khi bạn mắc phải khuyết điểm nào đó thì sự phê bình góp ý của mọi người đối với bạn là điều tất nhiên.
Nếu là người hiểu biết khôn ngoan, bình tĩnh và sáng suốt thì sẽ nhận ra rằng : Những lời phê bình thẳng thắn, trung thực chính là những lời nói vàng ngọc khiến cho mình ngày càng hoàn thiện hơn. Còn với những người có tính tự ái, bảo thủ cao và luôn tự mãn thì họ sẽ có những phản ứng không hay khiến cho mọi người ngại ngần, xa lánh họ. Và lẽ dĩ nhiên họ đánh mất lòng yêu mến và quý trọng của mọi người.
Vì vậy , khi phải đối mặt với những lời phê bình của người khác thì phải làm sao để ta không làm tổn hại đến nhân cách và nét dịu dàng đáng yêu vốn có hàng ngày của mình ?
Sau đây là vài lời khuyên về nghệ thuật lắng nghe chỉ trích :
*-Cố gắng mở lời sao cho người phê bình chịu ngồi xuống trò chuyện với mình , như thế sẽ làm dịu bầu không khí đang căng thẳng giữa hai người. Nếu điều kiện cho phép , bạn có thể rót mời họ uống một ly nước mát để giảm đi sự căng thẳng , nóng giận ; đồng thời cũng làm cho bản thân mình bớt nóng vội. Điều cần nhớ là hãy khoanh vùng phạm vi bị chỉ trích cho đúng.
*-Đừng biểu hiện ra sự buồn chán hay bất mãn dữ dội , cũng không nên giận dữ phản công trở lại hay bỏ đi trước những lời phê bình gay gắt. Nếu làm như vậy , vô tình bạn đã chứng tỏ mình là người không độ lượng.
*- Không nên bày tỏ thái độ đúng, sai , cảm ơn hay xin lỗi.... khi mà người phê bình mình chưa trình bày hết câu chuyện. Cần phải chú ý lắng nghe và phân tích một cách khách quan rồi mới đưa ra lời xin lỗi hay phản bác.
*- Không nên ngắt lời người phê bình mà ngược lại nên khuyến khích họ nói ra cho hết ý, hết lời. Như th , người phê bình thấy mình được tôn trọng và họ sẽ có những lời nói xác đáng, thận trọng hơn.
*- Không nên tranh luận kịch liệt với người phê bình mình mà ở nơi họ đang có tâm trạng phẫn kích. Điều này chẳng khác nào " đổ thêm dầu vào lửa ".
*- Đừng dùng những hình thức đồng ý không chân thật, mà hãy nêu lên ý kiến của đối tượng để chứng tỏ bạn là người biết lắng nghe, chân thành và cầu hòa. Làm như thế, bạn sẽ chiếm được nguồn tình cảm độ lượng và tha thứ của mọi người, cho dù bạn đang có khuyết điểm đáng chê trách.
Hãy bình tĩnh và lắng nghe.
Hãy kềm chế mọi xúc động và cố gắng nghe người đang phê bình bạn đang nói cái gì ?
Nếu cần, bạn hãy đặt câu hỏi để hiểu cho rõ hơn, gợi ý người phê bình bạn giúp bạn sửa chữa sai lầm bằng cách nào ?
Vì người phê bình có thiện ý bao giờ cũng có kèm theo " thuốc chữa " cho bạn .
Hãy hỏi : " Thế ông ( bà ) muốn tôi phải làm gì bây giờ ?
Một trong những luật lệ chủ yếu của nghệ thuật chỉ trích người khác là đừng bao giờ làm chuyện này trước đám đông .
Hãy để cho người bị chỉ trích nêu ý kiến và hãy lắng nghe ý kiến của họ.
Không nên chỉ trích ai dài quá 3, 4 câu và nên bắt đầu cho nhẹ nhàng, đừng có dội bão lửa lên đầu họ ngay lập tức .
Hãy phê bình trong vòng kín đáo, hãy cho người bị chỉ trích có cơ hội không bị mất mặt và chỉ nên chỉ trích khi nào sự chỉ trích chấm dứt trong một bầu không khí thân thiện.
Không nên để sự bực bội hay oán hờn tồn đọng sau khi bị chỉ trích xong .
Nhiều người phải lấy hết can đảm mới dám lên tiếng phê bình người khác. Cho nên họ hướng sự chỉ trích một cách hùng hồn vào sự kết án và quên đi nhiệm vụ ban đầu là phê bình nho nhỏ về một khuyết điểm nào đó .
Tế nhị là gì ?
Vì sao ta phải tế nhị ?
Đó quả là một vấn đề phức tạp và hết sức ....tế nhị .
Có người lại bảo : Thanh niên thì ít tế nhị . Phải chăng đức tính tế nhị chỉ dành cho những người từng trải trên trường đời . Thực ra không phải như vậy . Tế nhị thuộc về đạo đức , một nhân cách con người .
Tính e dè là một tình cảm bình thường của con người, là chất liệu tạo thành tính tế nhị .
Đó là về mặt nội dung, còn về hình thức thì đó là tiếng nói và lý trí của lòng tốt con người .
Những con người tự cao tự đại thì không có nhiều chất tế nhị, vì ở nơi họ không có sự tương quan giữa khả năng và quyền lợi của mình với khả năng và quyền lợi của người khác.
''Điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người ta'' được xem là tiêu chuẩn để làm thước đo tính tế nhị .
Bởi vì trước khi mình định làm một việc gì đó, không những cần xem xét nó có chính đáng hay không? Có hợp đạo lý làm người hay không ? Mà còn cần phải xét xem những người chung quanh mình cảm nhận được hành động đó như thế nào ?
Hãy thử đặt mình vào địa vị đối tượng hành động của mình để biết cảm giác của họ sẽ ra sao ?
Người biết cách cư xử tế nhị sẽ mang lại sự hòa thuận vui vẻ với mọi người ở chung quanh.
Thí dụ như là :
+ Khi xảy ra xích mích hay xung đột , bạn nên nhận lỗi về phần mình.
Hãy nhớ câu ngạn ngữ : " Một bước lùi bằng mười bước tiến " .
+ Hãy kìm nén sự nóng giận của mình và dùng những lời lẽ thật tế nhị thuyết phục người khác nhận ra lỗi của mình .
+ Trước hết , hãy tự trách bản thân mình vì bạn không phải là người hoàn hảo. Như người xưa đã dạy : " Tiên trách kỷ , hậu trách nhân " .
+ Luôn luôn giữ thể diện cho đối phương của mình , bởi vì chỉ khi bạn tôn trọng người khác thì bạn mới được họ tôn trọng lại .
+ Nên nhìn nhận một cách khách quan những phần phải của họ để tự rút ra cho mình những bài học về đối nhân xử thế .
+ Cố gắng tìm cách xoa dịu sự nóng nảy của họ cũng như bản thân mình bằng nụ cười tươi như hoa hay là nói lên những câu dí dỏm hài hước để cả hai cùng biết thông cảm nhau hơn .
+ Hãy bình tĩnh trước mọi tình huống. Đừng vì một chút tự ái nông nổi của mình mà xúc phạm người khác .
+ Luôn tỏ ra thật nhã nhặn. Chính thái độ ôn hoà của bạn sẽ dễ dàng thuyết phục được những người xung quanh ta.
Sự lễ độ là một trong những nét chủ yếu của văn hoá ở một con người .
Sự lễ độ cùng với cách cư xử tế nhị và những cử chỉ tao nhã sẽ tạo thành cho bạn một phong cách lịch sự khiến cho mọi người chung quanh vô cùng quý mến và nể phục bạn .
Nếu bạn nhường chỗ cho một phụ nữ hay người già trên xe bus bằng một cử chỉ lộ liễu , phô trương ...thì tất nhiên trong thái độ cư xử của bạn không có tính tế nhị , và như vậy cũng chưa phải là lịch sự .
Phép lịch sự cần cả sự lặng lẽ ---đó là điều cần nhớ ---
Tế nhị là ý thức về mức độ trong tất cả mọi lãnh vực chứ không chỉ trong cử chỉ xã giao . Thật vậy, không có gì bực mình hơn là một người nào đó mà ta không ưa lại cứ vỗ vai, vỗ lưng ta ... rồi buông ra những tiếng mày , tao suồng xã mỗi lần gặp mặt.
Ngay cả giữa những người bạn thân với nhau, thì một sự " hồn nhiên " quá đáng cũng có hại nhiều hơn là có lợi .
Tế nhị không bao giờ là sự giả dối, thủ đoạn , những cái mà người ta khinh ghét nhất.
Giữa tế nhị với sự khôn vặt, giả dối có một lằn ranh nhất định.
Tính tế nhị đi liền với sự chân thành và lòng tôn trọng người khác .
Người tế nhị cũng là người khiêm tốn. Không kín đáo đến mức khó hiểu, biết im lặng khi cần thiết. Không xúc phạm đến lòng tự trọng của người khác, cũng không tò mò thóc mách, không chế giễu người khác trước mặt cũng như sau lưng -- ngược lại -- Tế nhị cũng không phải bày tỏ lòng quan tâm quá mức cần thiết .
Có những cái vặt vãnh mà ta đừng nên xem thường, như không nên tự tiện lục túi, đọc trộm nhật ký và lưu bút, thư riêng v.v..
Nhưng tuyệt nhiên tế nhị không đối lập với tính nguyên tắc, không đối lập với lòng can đảm đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, đặc biệt là đối với những vấn đề lập trường, quan điểm sống, quan điểm đạo đức.
Cần phải biết phản ứng đúng lúc đối với những điều xúc phạm con người --- vì đó cũng là một sự tế nhị với yêu cầu cao nhất --- Chúng ta cần có sự tế nhị mang tính nguyên tắc chứ không cần sự tế nhị bao che, giản đơn.
Con người tế nhị bao giờ cũng mang vẻ đẹp của lòng nhân hậu, tinh thần cao thượng và sự hiểu biết giàu có trong đời sống
Điều hoàn mỹ nhất
Ngày xưa, có một vị đại sư muốn chọn một đệ tử làm người nối dõi.
Một hôm, ông bảo hai đệ tử rằng: "Các con hãy ra ngoài và chọn về đây cho ta một chiếc lá đẹp nhất, hoàn mỹ nhất."
Hai đệ tử vâng lời thầy đi tìm lá.
Thoáng chốc, người anh quay về và trình cho đại sư một chiếc lá không được đẹp lắm:
"Thưa thầy, tuy chiếc lá này không phải là hoàn mỹ nhất nhưng nó là chiếc lá hoàn mỹ nhất mà con thấy".
Người em đi cả ngày trời và quay về với hai bàn tay trắng, người em nói với vị đại sư:
"Thưa thầy, con đã tìm và thấy rất nhiều lá đẹp, nhưng con không thể nào chọn được chiếc lá hoàn mỹ nhất."
Cuối cùng, vị đại sư đã chọn người anh.
"Tìm một chiếc lá hoàn mỹ nhất", chúng ta vẫn cứ luôn nghĩ đến việc "hoàn mỹ nhất" nhưng nếu bạn cứ một mực đi tìm mà không nhìn vào thực tế, không so sánh với thực tế thì bạn cứ phải vất vả để rồi... trắng tay. Cho đến một ngày nào đó, bạn mới phát hiện rằng: Chỉ vì mãi đi tìm một chiếc lá hoàn mỹ nhất mà bạn đã bỏ qua biết bao cơ hội lớn một cách đáng tiếc!
Hơn nữa, thứ hoàn mỹ nhất của con người cuối cùng có được bao nhiêu?
Trên đời này đã xảy ra không ít chuyện đáng tiếc, đó cũng do một số người xa rời thực tế đi tìm "chiếc lá hoàn mỹ nhất", coi thường cuộc sống đạm bạc. Nhưng chính trong cuộc sống đạm bạc, vô vị đó mới chất chứa những điều kỳ diệu và to lớn.
Điều quan trọng là thái độ của bạn như thế nào khi đối diện với nó. Trong cuộc sống chúng ta, không nhất thiết cứ phải theo đuổi những thứ hoàn mỹ mà chỉ cần bình tâm lại, từng bước từng bước tìm thấy chiếc lá mà bạn cho rằng là hoàn mỹ nhất...
Giá trị cuộc sống
Đứa bé trai đến gần một ông già có bề ngoài rất thông thái.
Ngước nhìn ông, cậu bé nói:
"Cháu biết ông là một người rất sáng suốt, uyên thâm. Ông có thể cho cháu biết về bí ẩn của cuộc sống?"
Ông già nhìn đứa bé đáp:
"Suốt đời mình ông đã suy ngẫm rất nhiều về điều này và có thể nói ngắn gọn chỉ trong bốn câu:
- Đầu tiên là suy nghĩ . Hãy nghĩ về những giá trị mà con sống vì chúng.
- Thứ hai là tự tin. Hãy tin tưởng bản thân bằng cách dựa vào những giá trị con nghĩ rằng vì chúng mà con sẽ sống.
-Thứ ba là ước mơ . Mơ ước những gì có thể thành hiện thực dựa vào sự tự tin và những giá trị mà ta sẽ theo đuổi trong cuộc sống.
- Và cuối cùng là dám làm. Hãy dám thực hiện để biến ước mơ thành sự thật bằng chính niềm tin và giá trị của chúng ta".
Ông già đó chính là hoạ sĩ Walt Disney - Người bạn của trẻ em của thế giới.
Chuyện hai hạt lúa
ó hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.
Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:
" Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ."
Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.
Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất.
Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì - nó chết dần chết mòn.
Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...
Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.
Tôi hy vọng đó cũng sẽ là sự lựa chọn của bạn và tôi khi đứng trước cánh đồng cuộc đời bao la này...
Mỗi chúng ta là một bản chính
Đã bao giờ bạn nghĩ mình thật quá mờ nhạt trong con mắt mọi người xung quanh hay thậm chí ông trời thật quá bất công khi chẳng ban cho bạn một gương mặt xinh đẹp dù chỉ một tí.
Nếu thế hãy cùng tôi đọc câu chuyện dưới đây để cùng tôi phát hiện ra vẻ đẹp bí ẩn của bạn.
Nơi hoang mạc kia có một gia đình xương rồng nọ gồm xương rồng bố mẹ và một cô "xương rồng bé nhỏ " rất đáng yêu. Một hôm đang tắm táp cho bộ gai của mình dưới ánh nắng rực rỡ bỗng một cơn gió bay qua và dừng lại chỗ "xương rồng nhỏ".
- Chào xương rồng!
- Chào gió! Chị vừa đi đâu về thế?
- Ta vừa thổi qua một thảo nguyên nơi phương Bắc xa xôi. Nơi ấy có rất nhiều hoa thơm cỏ lạ. Những bông hồng lộng lẫy vớí bộ cánh đỏ rực thơm dịu nhẹ, những đóa hoa cúc mảnh mai và ngây thơ như những cô bé mới lớn, cả những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi lá to như cái quạt. Thôi ta đi đây, còn rất nhiều thứ ta muốn ngắm nhìn!
Thế rồi làn gió bay đi để lại sau lưng xương rồng nhỏ đang trầm ngâm suy nghĩ:
- Ôi ta ước gì mình cũng trở nên xinh đẹp như những bông hoa kia. Mình cũng là cây nhưng nhìn xem những gì mình có chỉ là một thân hình mọng nước và những cái gai xấu xí.
Rồi cô bé cứ rầu rĩ mãi và ngày càng gầy đi khiến cho bố mẹ xương rồng vô cùng lo lắng.
Thấy thế Mặt Trời liền xuống hỏi:
- Này xương rồng nhỏ ! Sao con lại buồn như thế?
Cô bé kể chuyện của mình cho Mặt Trời nghe và cầu xin:
- Ông ơi cháu hãy giúp cháu có được sắc đẹp như những loài hoa kia, cháu không thích mình xấu xí như thế này.
- Nhưng cháu sẽ phải trả giá rất đắt đấy bởi ta biết chúng không hợp với cháu ở nơi sa mạc này đâu.
Nhưng xương rồng cứ một mực cầu xin. Thế là Mặt Trời phải đồng ý.
Một ánh sáng chói lọi loé lên khiến thân hình xương rồng bé lại như hoa cúc, những cái gai biến mất thay vào đó là những chiếc lá to như lá cổ thụ ,trên ngọn mọc ra một bông hoa đỏ rực như hoa hồng. Xương rồng nhỏ sung sướng cảm ơn ông Mặt Trời , vẫy những cành lá mới của mình.
Từ đó cô bé trở thành sinh vật rực rỡ nhất trong sa mạc khiến những cơn gió bay ngang phải dừng lại để ngắm nhìn.
Nhưng rồi ngày qua ngày những cánh hoa xinh đẹp bắt đầu héo úa, những chiếc lá vàng vọt đi, thân cây bé nhỏ rũ xuống. Dưới cái nắng thiêu đốt của sa mạc khiến cô bé thấy khát cháy. Cô bé nhận ra sự sống đang cạn dần.
Với những hơi thở cuối cùng cô bé thì thào gọi ông Mặt Trời. Ông Mặt Trời đỏ gay gắt hiện ra:
- Giờ thì cháu đã nhận ra sai lầm của mình chưa nào.Tạo hóa đã ban cho cháu một hình hài giúp cháu có thể sinh tồn và đây là cái giá mà cháu phải trả khi trái lại tạo hóa.
Khi Mặt Trời vừa dứt lời cũng là lúc cô bé trút hơi thở cuối cùng trong nỗi ân hận muộn màng...
Thật ra Xương rồng bé nhỏ không hề xấu xí như cô bé nghĩ, thậm chí cô còn có những vẻ đẹp riêng mà không một sinh vật nào có được. Đó là sức sống bền bỉ nơi hoang mạc nóng bỏng kia. Vẻ đẹp ấy không bộc lộ ra ngoài mà ẩn sâu bên trong cô bé.
Vậy còn chúng ta? Cũng thế thôi. Có lẽ bạn không xinh đẹp hay quá thông minh nhưng mọi người có thể yêu quí bạn bởi cách bạn sống và tin hay dù chỉ là một nụ cười của bạn mà thôi.
Đừng bao giờ quên mỗi chúng ta là một bản chính chứ không phải một bản sao của ai cả.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro