Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

3. CÂY ĐÈN CỦA NGƯỜI MẸ

3. CÂY ĐÈN CỦA NGƯỜI MẸ

(Bà mẹ Lê Văn Hưu)

Người mẹ góa trẻ họ Đỗ vừa qua kì sinh nở. Bé trai kháu khỉnh nằm kia, dưới lớp chăn mềm màu nâu, đang chúm miệng in nụ cười thơ dại. Anh Trưởng Minh mất đột ngột sau một cơn bạo bệnh. Lúc đó, cái thai của người mẹ góa trẻ họ Đỗ này mới được bốn tháng. Rồi giấc mộng hoa sen, chị Trưởng Minh thấy trong mơ một cụ già cầm đóa sen thơm cắm nơi Mả Giòm, dẫn nàng đến chỉ vào đóa hoa và bảo: "Nếu đem mộ chồng nàng đến táng tại xứ này thì con sinh ra sau này sẽ đỗ đại khoa". Cha nàng là ông Đỗ Tất Bình, y theo lời kể của con gái, đem táng mộ chàng rể nơi nàng dẫn, mồ yên mả đẹp. Sáu tháng sau, đứa con trai mong ước trong những ngày đau thương đằng đẵng hiện diện trong gia tộc họ Lê. Các trưởng lão họ Lê đã đặt tên cho cậu bé sớm côi cút này là Hưu - Lê Văn Hưu, mà các vãi trong nhà gọi chệch là bé Hều để kiêng lành cho bé.

Ôm ấp, bú mớm đứa con trai hết đỗi yêu thương, bà mẹ góa trẻ chưa qua tuổi hai mươi hai chỉ còn nung nấu mong ngày mong đêm cho con sau này đỗ đại khoa, giúp ích cho đời. Còn nàng, cuộc đời người phụ nữ theo cái lẽ "tứ đức tam tòng" coi như khép kín phòng the. Đứa con trai là vầng sáng duy nhất của người mẹ góa trẻ này. Có điều, khác với nhiều phụ nữ cùng cảnh, nàng quyết tâm dồn sức nuôi con, dạy con theo giấc mộng lành không để cho bé Hều đắm chìm vào kinh kệ của đức Phật tổ Như Lai mà cả gia tộc họ Lê lúc này đang phụng sự trong chùa Hương Nghiêm.

Thế là cậu bé Hều đã tròn tám tuổi. Các trưởng lão họ Lê, các già trong làng, các vãi trong nhà đều khen cậu bé có dung mạo khôi ngô, tư chất thông minh, thông tuệ khác người. Đã có những lời xì xào về cậu bé thần đồng. Riêng bà mẹ góa trẻ họ Đỗ vừa mừng thầm trong lòng song vừa lo lắng khôn nguôi. Tám năm qua, từ khi bé Hều biết nói, biết nhận thức xung quanh, chính bà vừa là mẹ, vừa là người trực tiếp dạy con, mớm cho bé những kiến thức ban đầu. Vốn là con gái nhà nho học nổi tiếng họ Đỗ trong vùng, nàng cũng biết đọc chữ thánh hiền và cũng biết ít nhiều về đạo Phật đủ để làm dâu trưởng một họ lớn trong làng. Bé Hều tinh nghịch và thông minh từ nhỏ, lại mồ côi cha từ trong bụng mẹ nên các trưởng lão họ Lê, các vãi trong nhà hết sức cưng chiều. Đã nhiều lần bé Hều nghịch dại đáng quở trách, như ngoáy tai Phật tổ xem Phật tổ có lỗ tai để nghe kinh hay không; bốc chuối oản ăn vụng với lũ trẻ cùng tuổi và có lần trong lễ tắm Phật, bé đã múc vụng nước thiêng để tắm cho con chó Cún của mình đang ốm, mong Phật cứu cho con Cún mau khỏi bệnh,... Các già trong nhà đều bỏ qua một cách vui vẻ. Riêng bà mẹ trẻ lại nghiêm phạt bé khiến nhiều người trong nhà phần nào cho là quá khe khắt. Có người lấy lẽ bề trên quở trách, có người đến xin cho bé trót dại, song bà mẹ trẻ vẫn không nghe. Lệnh phạt đã ban là phải thi hành đến nơi đến chốn. Nhiều lần phạt con, đêm đến nàng khóc thầm ướt đầm cả gối.

Nàng dạy con tỉ mỉ từ sự ngăn nắp, sạch sẽ, không biết nói dối, dũng cảm nhận lỗi,... cho đến tôn ti trật tự trong họ ngoài làng. Điều nhắc nhở thường xuyên của nàng đối với con là phải học giỏi để đậu cao. Đêm đêm ôm ấp đứa con nhỏ, nàng thủ thỉ kể cho con nghe nhiều chuyện. Những chuyện trong ngày, hay, dở bé kể lại cho mẹ nghe đều được mẹ khuyên những lời đúng đắn. Càng lớn, bé Hều càng hay hỏi. Bé hỏi mẹ nhiều nhất và nàng đã cố gắng trả lời cho con. Chỗ nào bí, nàng đành hỏi cha rồi trả lời cho con và không bao giờ để con thất vọng. Càng lớn lên, bé Hều càng gắn bó với ông ngoại hơn, và bà mẹ trẻ này như cất được một gánh nặng. Song cũng từ đó, nàng cảm thấy khoảng cách giữa nàng và đứa con trai côi cút ngày càng dài ra. Đó là những khoảng cách trí tuệ mà nàng hoàn toàn chấp nhận.

Tám tuổi, bé Hều chính thức bước vào cửa Khổng sân Trình. Ông ngoại Đỗ Tất Bình là người khai tâm. Từ nay, tiếng bé Hều chỉ còn được gọi "vụng" trong nhà. Thay vào đó là tên Hưu - cậu cả Lê Văn Hưu, trưởng tộc họ Lê trong tương lai. Cậu Hưu sáng nào cũng đến ông ngoại để học hành với các bé cùng tuổi trong nhà và chiều đến lại trở về ngôi nhà họ Lê với mẹ. Hai nhà cách nhau một đoạn đường qua những chiếc ao làng nho nhỏ trước cửa chùa Hương Nghiêm. Bà mẹ lo quét dọn gian phòng học bằng gỗ lim cho con ngăn nắp, sạch sẽ, lo cơm canh thanh đạm nhưng tinh khiết, lo áo quần bốn mùa đủ ấm và nhất là lo nhắc nhở giờ giấc cho con. Những con gà trong xóm, những con thạch sùng trên mái, con chích chòe trên cây hoa lan đầu phòng nhắc nhở bà giờ giấc để bà cầm nhịp cho con hằng ngày điều tiết thời gian học hành, chơi nhởi.

Năm cậu Lê Văn Hưu lên chín tuổi thì ông ngoại cũng cảm thấy "không đủ chữ" để dạy cho đứa cháu cưng. Ông bàn với các trưởng lão họ Lê cho cậu Hưu sang thọ giáo quan Bảng họ Nguyễn ở làng Phúc Triều, cách Kẻ Rĩ một quãng đồng.

Ngày đứa con trai đi xa học tập cũng là ngày rạng nắng hi vọng trong lòng bà mẹ góa mới tròn ba mươi tuổi. Bà thắp hương trên bàn thờ chồng, dắt đứa con trai côi cút đến bên. Những nén hương rực đỏ trong ngôi nhà gỗ thâm nghiêm như gieo vào lòng cậu con trai chín tuổi những bổn phận và trách nhiệm ban đầu. Vì bà cũng cảm thấy con bà không còn bé bỏng thơ dại như cu Hều mới ngày nào nữa. Con bà lớn lên, khoảng cách giữa hai mẹ con dài thêm mãi, song bà cảm thấy trách nhiệm của bà ngày càng lớn và bà sẵn sàng gánh chịu cũng như bà đã gánh chịu nhiệm vụ người dâu trưởng cả họ Lê. Từ khi anh Trưởng Minh mất, bà được trong họ, ngoài làng tấm tắc khen ngợi.

Việc hằng ngày đưa cậu Hưu sang học bên Phúc Triều, các cố họ Lê giao cho anh Đoái - gia nhân tin cẩn trong nhà. Bà mẹ góa trẻ họ Đỗ rất yên tâm. Nhân dịp con đi học trường quan Bảng Nguyễn, bà muốn cho con một phần thưởng đích đáng.

Kẻ Chè vốn là một làng đúc đồng nổi tiếng nằm cạnh Kẻ Rĩ. Bà cho mời ông Mục Xồ, người thợ tài hoa nhất làng Chè trong việc tô tượng đúc chuông. Bà nhờ ông Mục đúc cho một cây đèn đồng. Suốt một tuần rượu, ông Mục vừa kính cẩn nhấm nháp từng chén rượu nhỏ vừa nghe bà nói lên ý định thầm kín của mình. Thì ra, không phải là chuyện đúc một cây đèn bình thường mà là cây đèn đồng đúc theo giấc mộng hoa sen của bà. Nó phải là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Người thợ già tài hoa lim dim đôi mắt nghĩ ngợi, và sau đó nhận ba mươi quan tiền để đúc cây đèn quý.

Một ngày đi học về, cậu Hưu ngạc nhiên thấy trên bàn học của mình có một cây đèn đồng vàng chóe. Đế đèn là một đóa sen cánh nở song chưa xòe hẳn, nghĩa là vẫn còn tinh khôi thơm ngát mùi hương; quang đèn là hai con rồng thanh tú uốn lượn đang vươn lên, quanh thân rồng là những sợi mây như bồng bềnh, đầu hai con rồng nhô lên đám mây lành. Ở giữa có một cái mấu xinh xinh để treo đèn. Đĩa đựng dầu là một chiếc đĩa men ngọc nằm khít trên những cánh hoa sen của đế đèn. Cây đèn còn được nạm bốn viên ngọc lưu li vào bốn mắt rồng làm cho cặp rồng sinh động hẳn lên. Đó là bốn viên ngọc gia bảo nghe đâu từ thời tướng công Bộc xạ Lê Lương, ông tổ của gia tộc họ Lê truyền lại mà đến đời cậu Hưu đã là đời thứ bảy. Để giữ mãi hơi ấm người mẹ trong cây đèn, bà mẹ góa họ Đỗ còn nhờ ông Mục Xồ pha vào một nén vàng của riêng bà khi bà về làm dâu nhà họ Lê.

Cậu Lê Văn Hưu ngẩn người trước cây đèn quý báu đó; có đến hàng buổi, cậu ngồi ngắm cây đèn. Những đường nét tinh xảo, tài hoa, sống động của bàn tay đúc đồng Kẻ Chè như gửi cả vào đây. Không thể chê được. Cái gì cũng hài hòa. Nhất là đêm tối đen như mực, ngọn đèn dầu lạc được thắp lên, ngọn lửa linh động như có hồn, những sợi khói lung linh quấn lấy thân rồng, vờn trên đầu rồng, những cánh hoa sen nhấp nhoáng ánh đồng. Và ánh sáng xanh ngời từ mắt rồng tỏa chiếu. Ôi! Đẹp như một giấc mơ. Đẹp nhất là từ ý nghĩa giấc mộng hoa sen với cảnh "rồng mây gặp hội". Nó đặt trước cậu nho sinh Lê Văn Hưu một nhiệm vụ phấn đấu, một cái đích cao quý để vươn tới. Có lẽ đây là lần xúc động nhất trong lòng cậu bé lên chín về tình mẹ thiêng liêng - một bài học sâu sắc giàu ý nghĩa nhất trong tất cả các bài học của cậu.

Ở trường quan Bảng Nguyễn, càng ngày cậu Lê Văn Hưu càng nổi tiếng thần đồng. Cậu được quan Bảng quý yêu nhất trường. Khắp vùng ai cũng khâm phục kính nể. Các cụ già mỗi khi gặp cậu trên đường đều ngả nón chào với nụ cười hiền tươi, tin tưởng. Song đêm đêm, trong ngôi nhà cổ một mẹ một con, cậu Hưu vẫn trọn ấm trong tình mẹ, dưới ánh sáng cây đèn của mẹ. Cậu dùi mài kinh sử, sôi kinh nấu sử, chờ ngày quyết khoa.

Bà mẹ chăm sóc cây đèn chu đáo. Hằng ngày, sau khi con cắp sách đến trường, bà dành một chút thời gian lau chùi cây đèn cho "nước đồng" sáng bóng, đổ dầu thay bấc một cách cẩn thận. Đêm đến, khi bóng tối vừa buông, hồi chuông chùa Hương Nghiêm dóng dả thu không, bà tự tay thắp ngọn đèn lên trước bàn học của con. Cậu con trai ngồi vào bàn nghiêm chỉnh học hành. Gà gáy canh ba, bà mẹ đã trở dậy thắp sẵn cây đèn cho con ngồi vào học bài. Có lần, cậu Hưu đã tự tay thắp đèn, bà mẹ tỏ vẻ không bằng lòng. Cậu biết rằng: Mẹ cậu giành trọn quyền chăm sóc, nhắc nhở đứa con trai thông qua việc làm hằng ngày. Cậu chỉ còn biết tuân theo. Ý chí của mẹ như làm tăng thêm ý chí của con. Cứ mỗi bận mẹ thắp đèn là con ngồi vào bàn học say sưa, không cần phải nói bằng lời nữa.

Cây đèn ấy đã góp phần không nhỏ cho chàng trai mười bảy tuổi đầu đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cấp độ đệ nhị danh, cùng với những chàng trai còn ít tuổi hơn: Nguyễn Hiền mười ba tuổi, Đặng Mà La mười bốn tuổi, người thì Trạng Nguyên, người thì thám hoa, làm cho cả thiên hạ triều Trần sửng sốt.

Cây đèn ấy từng theo Lê Văn Hưu làm quan. Bà mẹ giao cho anh Đoái chăm sóc giữ gìn cây đèn. Lúc này Đoái là người nhà hầu hạ thân tín của quan Binh bộ thượng thư Lê Văn Hưu.

Cây đèn ấy đã theo Lê Văn Hưu trong cuộc chống xâm lược Nguyên Mông, từng soi cho nhà sử học nổi tiếng Lê Văn Hưu viết những trang sử chói lọi tinh thần dân tộc quật khởi dưới thời vua Thiệu Long. Cuốn Đại Việt sử kí trước hết ấm tình người mẹ kiên nghị hết lòng thương con, ấm tình quê hương Kẻ Rĩ...

Cây đèn ấy theo Lê Văn Hưu suốt đời. Cho đến khi nhà sử học vĩ đại của dân tộc gác cây bút sử về với tổ tiên, cây đèn ấy vẫn được theo Người. Ở Mả Giòm, nơi mộ táng nhà sử học của dân tộc, người ta nói rằng bên cạnh hài cốt của Lê Văn Hưu và hài cốt của Minh Nhân phu nhân - vợ Người, vẫn còn cây đèn vô giá ấy. Đó là ý muốn của Người trong những lời trăn trối cuối cùng.

Cho đến khi người ta chôn cây đèn xuống mộ, màu đồng vẫn còn sáng chói, bốn viên ngọc lưu li vẫn tỏa ánh sáng lấp lánh dịu hiền. Anh Đoái (bấy giờ là Cố Đoái), người chăm giữ "Cây đèn của người mẹ" suốt mấy chục năm trời bấy giờ vừa tròn một trăm tuổi, nhìn cây đèn lần cuối cùng, nấc nghẹn. Ít hôm sau, cố cũng vĩnh viễn nằm xuống ngôi đất bên cạnh.

Và đêm đêm, theo như các cố già Kẻ Rĩ truyền lại, trên ngôi mộ Mả Giòm, vẫn lung linh một chùm sáng ngọt, càng về đêm khuya càng tỏa rạng ấm áp.

LÊ HUY TRÂM

(Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa)


Tham khảo

- Tài liệu thực địa ở xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa

- Sách Kẻ Rĩ, Kẻ Chè. NXB Thanh Hóa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro