Rối loạn đa nhân cách
Nguồn : Abnormal Psychology by Thomas F. Oltmanns, 7th edition
Dịch và Viết: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
.
.
Cách đây hai năm (năm 2012) khi tôi bắt đầu thực hiện series Tâm Lý và Bệnh Chứng thì tôi đã từng viết về Đa Nhân Cách. Nhưng lúc đó tôi chỉ mới học Tâm Lý Đại Cương nên phần nhiều thông tin trong đó là dựa vào DSM-IV và Case Book. Thế nên khi DSM-V ra đời và tôi được học về Đa Nhân Cách có hệ thống hơn thì tôi đã nung nấu ý tưởng viết lại bài này nhưng vẫn chưa có thời gian bắt tay làm. Mãi cho đến dạo gần đây nhiều bạn hỏi tôi về Đa Nhân Cách quá, mà tôi cứ phải trả lời đi trả lời mấy câu hỏi giống nhau nên thôi tôi quyết định viết ngay và luôn một bài hoàn chỉnh giải thích và trả lời các câu hỏi sau đây:
1. Đa Nhân Cách là gì? Triệu chứng của Đa Nhân Cách.
2. Nguyên nhân và cách chữa trị Đa Nhân Cách.
3. Liệu người mắc Đa Nhân Cách có phạm tội và giết người hàng loạt như phim ảnh và tiểu thuyết mô tả hay không?
4. Tỷ lệ người mắc Đa Nhân Cách là nhiều hay ít?
5. Có hay không chuyện các nhân cách trò chuyện với nhau?
6. Nhân cách có giống Tính cách hay không? Tính tình tôi thay đổi thất thường, có khi tôi rất vui vẻ và hòa nhã, có khi tôi cáu gắt và nóng nảy. Liệu tôi có mắc Đa Nhân Cách?
Trước mắt thì tôi chỉ nghĩ và nhớ ra được sáu câu hỏi thường hay gặp nhất trên đây thôi. Nếu có ai có câu hỏi gì thì xin thoải mái com hoặc nhắn tin cho tôi. Tôi sẽ cố gắng trả lời hết trong phạm vi kiến thức và thời gian cho phép. Và bây giờ chúng ta bắt đầu đi vào từng câu hỏi một nhé. Lưu ý đừng nhảy cóc vì các câu hỏi này có liên quan đến nhau.
Rối loạn Đa Nhân Cách là gì? (tôi sẽ gọi tắt là Đa Nhân Cách)
Đa Nhân Cách không nằm trong tổ hợp những bệnh nhân cách như cái tên nó gọi, mà nó nằm trong tổ hợp các bệnh có liên quan đến chấn thương tâm lý như: Hậu Chấn Thương Tâm Lý Rối Loạn Căng Thẳng (PTSD), Rối Loạn Căng Thẳng Cấp Tính (ASD)...Đa Nhân Cách, PTSD và ASD có cùng một triệu chứng đó là sự tách rời nhận thức. Giống như PTSD là những người gặp chấn thương tâm lý quá nặng và sau đó đôi khi họ bị tách rời ra khỏi hiện thực họ đang sống, trải nghiệm cảm giác sống lại trong ký ức đáng sợ làm tổn thương tâm lý họ, Đa Nhân Cách cũng là sự tách rời ra khỏi hiện thực nhưng người mắc bệnh sẽ không nhớ gì và cũng không biết được là mình đã làm gì trong khoảng thời gian bị tách rời nhận thức ấy. Đa số sẽ cho rằng mình đang ngủ nhưng thực chất không phải. Và vì thế, từ DSM-IV, Đa Nhân Cách có tên gọi khác là Rối Loạn Tách Rời Nhận Thức (Dissociative Identity Disorder).
Một trong những đặc điểm chính của Đa Nhân Cách là người bị bệnh mất khả năng nhớ lại một số thông tin quan trọng về mình, những sự kiện lớn mà không thể giải thích được bằng từ "quên" bình thường. Nói đơn giản một chút, sẽ có những khoảng thời gian trống trong ký ức mà người bệnh không tài nào nhớ nổi. Có những chuyện quan trọng đã xảy ra trong quá khứ nhưng người bệnh không hề có một chút ý thức gì về nó cả, người bệnh không hề có một ý cảm giác hay ý thức gì về những nhân cách còn lại của mình. Sự rối loạn này phải không xuất phát từ thuốc, chất kích thích hay bất kỳ tình huống y khoa nào để được coi là Rối loạn đa nhân cách. Ví dụ như trường hợp của bệnh nhân dưới đây.
Mary Kendall là một nhân viên xã hội, cô năm nay 35t. Cô vốn được cho là một người rất tháo vát trong công việc của mình, nhưng lại có một cuộc sống riêng khá nhàm chán. Cô đã từng kết hôn một lần rồi li di vào 10 năm trước và chẳng hề có ý định kết hôn lại. Đa số khoảng thời gian rảnh rồi, cô đều tham gia tình nguyện ở mấy nhà tế bần chuyên giúp đỡ người nghèo. Trong lúc được chuẩn đoán tâm lý, cô kể lại một vài sự kiện lạ mà cô không thể nào giải thích nổi. Lúc Mary xong việc về nhà, bình gas của cô gần đầy, nhưng đến khi cô khởi động xe để đi làm vào sáng hôm sau, nó đã vơi đi quá nửa. Cô bắt đầu theo dõi chỉ số dặm mà cô đã chạy rồi phát hiện số xăng biến mất kia ứng với quãng đường 50-100 dặm trên đồng hồ. Có điều, cô không tài nào nhớ được mình đã đi đâu. Những câu hỏi đi sâu vào hơn nữa đã tiết lộ ra trong trí nhớ của cô có một lỗ hổng lớn về thời thơ ấu
Trong lúc được chữa trị bằng liệu pháp thôi miên, người chữa trị lại hỏi một lần nữa kí ức về khoảng thời gian mà cô không nhớ rõ. Bất chợt, có một giọng nói khác trả lời, "Đã đến lúc anh nên biết về tôi rồi đấy" . Nhân cách đó có cái tên chỉ khác đi một chút, Marian, kể và mô tả những chuyến đi đêm của cô đến những ngọn đồi gần đó hoặc bờ biển để "giải quyết vấn đề" . Trong khoảng thời gian này, người chữa trị đã có dịp tiếp xúc nhiều hơn với Marian, phát hiện ra cô thô lỗ và bất hợp tác còn Mary thì nhu nhược và biết quan tâm đến người khác. Marian nghĩ rằng Mary là kẻ yếu đuối và không biết cách làm bản thân vui vẻ, còn nói rằng "chỉ biết có người ngoài mà không biết lo cho bản thân mình chỉ phí thời gian thôi"
Thời gian trôi đi, thêm sáu nhân cách nữa bắt đầu hiện ra theo kiểu phụ thuộc/hung hăng. Áp lực và bất hòa căng thẳng nổi lên. Ai cũng muốn chiếm quyền điều khiển lâu hơn và Marian thì khơi dậy những tình huống hù dọa các nhân cách kia, bao gồm một nhân cách tự nhận cô chỉ là một đứa trẻ sáu tuổi. Khi người chữa trị đề nghị muốn bàn thảo vấn đề với một nhân cách khác thì cô bé không chịu, bảo rằng làm như thế sẽ xâm hại đến quyền riêng tư giữa bệnh nhân và bác sĩ.
Ký ức xuất hiện cùng với những nhân cách này là khoảng thời gian lúc còn nhỏ mà Mary không tài nào nhớ được. Mary nhớ về mẹ của cô như một người khắc khổ, chịu đựng những trận bạo hành, nhưng lại phụ thuộc vào người cha độc ác kia và bắt Mary phải nấu ăn và dọn dẹp từ khi còn rất nhỏ.
Chứng rối loạn đa nhân cách phản ánh sự thất bại trong việc thống nhất tất cả những khía cạnh của tính cách, trí nhớ và ý thức. Mỗi một trạng thái nhân cách có thể trải nghiệm từng khoảng ký ức nhất định và riêng biệt so với các nhân cách còn lại. Thường thì có một nhân cách chính mang tên thật ( tên được ba mẹ đặt và hiện diện trên giấy tờ hành chính) và nhân cách này luôn ở thế bị động, phụ thuộc, hay mang cảm giác tội lỗi và trầm uất. Những nhân cách còn lại có những tên riêng khác biệt và có tính cách trái ngược hẳn với nhân cách chính. Nếu như nhân cách chính ngoan hiền, vâng lời, thì các nhân cách còn lại thương là hung hăng và nổi loạn. Những nhân cách đặc biệt thường hiện ra trong một số tình huống nhất định và tuỳ theo độ tuổi, giới tính , ngôn ngữ, thường thức hoặc có những tác động chiếm ưu thế lên nhân cách chính. Những nhân cách xen kẽ kia chiếm quyền điều khiển liên tiếp nhau (nhân cách chính vừa mất quyền điều khiển là các nhân cách khác lần lượt nổi lên) , thường các nhân cách này không chấp nhận những kiến thức, sự hiểu biết của nhân cách kia, chỉ trích lẫn nhau hoặc xuất hiện cùng lúc. Giữa các nhân cách xen kẽ thì sẽ có một nhân cách mạnh hơn, nắm quyền lãnh đạo và phân phối thời gian cho những nhân cách còn lại.
Cá nhân người mang bệnh Rối loạn đa nhân cách này sẽ trải nghiệm những khoảng trống trong trí nhớ, về quá khứ lẫn hiện tại. Sự lãng quên này thường bất đối xứng. Nhân cách chính nào càng thụ động thì càng có ít ký ức về mình, và ngược lại, nhân cách nào càng hung hăng, chống đối , có ý điều khiển hoặc "bảo vệ" thì sẽ có nhiều ký ức hoàn chỉnh về mình. Những nhân cách khi không nắm quyền điều khiển vẫn có thể xâm nhập vào ý thức của nhân cách còn lại bằng việc tạo ra những thanh âm hoặc ảo giác ( ví dụ như ra lệnh ). Những bằng chứng về sự lãng quên và hiện diện của nhân cách khác thường được phát hiện bởi những người có dịp chứng kiến những hành vi mà thường nhân cách chính sẽ không bao giờ làm, hoặc được phát hiện ra bởi nhân cách chính ( tìm thấy những món đồ mà mình không thể nhớ là đã mua lúc nào) . Sự luân phiên thay đổi quyền điều khiển giữa các nhân cách thường xuất hiện dưới những áp lực về tâm lý. Và thời gian chuyển đổi giữa hai nhân cách chỉ xảy ra trong tích tắc. Những biểu hiện thường xuất hiện cùng với sự chuyển đổi nhân cách này thường là nháy mắt không ngừng, cơ mặt thay đổi , giọng nói khác hẳn . Số nhân cách thường ở trong khoảng từ hai cho đến mười.
2. Nguyên nhân gây ra Rối Loạn Đa Nhân Cách và cách chữa trị.
Cách đây hai năm tôi có nói trong bài viết cũ là chấn thương tâm lý gây ra Đa Nhân Cách. Thế nhưng những nghiên cứu mới đây về những hệ quả lâu dài của bạo hành trẻ em, người ta tìm rất ít bằng chứng về việc trẻ em bị bạo hành lớn lên sẽ bị rối loạn đa nhân cách. Vì những trường hợp về Đa Nhân Cách được nhiên cứu dưới dạng case study, tức là từng trường hợp riêng biệt, thế nên không thể tạo ra được kết luận dành chung cho tất cả bệnh nhân. Hơn nữa, những case studies này đa phần là dựa vào trí nhớ của người bệnh mà trí nhớ thì có thể lựa chọn, hoặc tái tạo lại bởi người bệnh cho phù hợp với những gì bác sĩ đoán.
Điều này nghĩa là sao? Có hai bộ phim nói về Đa Nhân Cách nổi tiếng là "Ba bộ mặt của Eve" (Three Faces of Eves) và Sybil. Ngay khi hai bộ phim này vừa ra đời thì tỷ lệ người mắc bệnh Đa Nhân Cách tăng vọt trong hai thập niên tiếp theo, trong khi trước đó chỉ có khoảng 200 trường hợp bệnh được ghi lại trên toàn thế giới trong các nghiên cứu từ trước cho tới năm 1980. Có một trường hợp bệnh nhân nghe y tá nói rằng bác sĩ nghi ngờ bà ta có thể mắc chứng Đa Nhân Cách, thế là bà thay đổi triệu chứng của mình sao cho giống với triệu chứng của những người mắc Đa Nhân Cách. Thậm chí, bà còn tự tao ra một nhân cách khác và đặt tên cho nó. Nhưng bà không trải nghiệm sự đứt đoạn trong ký ức. Trí nhớ của bà vẫn hoàn chỉnh và không hề có dấu hiệu bất thường nào.
Vì những lý do trên mà bệnh rối loạn đa nhân cách vẫn còn nằm trong vòng tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng bệnh này không có thật khi có rất ít bằng chứng về nguyên nhân gây ra Đa Nhân Cách. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng chấn thương tâm lý dù ít dù nhiều vẫn có ảnh hưởng lên đến tâm lý và nhân cách người bệnh.
Hiện nay không có thuốc nào chữa trị bệnh Đa Nhân Cách vì người ta tìm ra rất ít những bằng chứng có liên quan đến sinh lý. Mục tiêu chính của việc chữa trị là kết nối và thống nhất các nhân cách lại với nhau thông qua thôi miên và phân tâm học. Sau bốn năm điều trị thì nhân vật Mary trong case bệnh tôi nói trên đã dung nhập được hai nhân cách lại làm một. Tuy vẫn còn sự đề phòng và đấu đá giữa các nhân cách nhưng sự dung nhập này khiến Mary phần nào dễ dàng hơn trong việc quản lý các nhân cách còn lại.
3. Liệu người mắc Đa Nhân Cách có phạm tội và giết người hàng loạt như phim ảnh và tiểu thuyết mô tả hay không?
Hoàn toàn không. Một số bộ phim lẫn lộn triệu chứng giữa hai bệnh Tâm thần phân liệt hoang tưởng và Đa Nhân Cách. Triệu chứng Tâm thần phân liệt hoang tưởng là thường nghe thấy một giọng nói khác trong đầu mình mang đầy vẻ tiêu cực, công kích và nghi ngờ kẻ khác, cho rằng tất cả mọi người đều mang ý xấu. Nó khiến cho bệnh nhân làm ra hành vi tổn thương người khác như đánh nhau, chửi bới, hoặc thậm chí giết người. Vì người bệnh Tâm thần phân liệt nghe tiếng nói khác vang lên trong đầu, họ nghĩ rằng mình có một nhân cách khác mà không biết rằng tiếng nói ấy chỉ là ảo tưởng, có thể là hệ quả của sự rối loạn nội tiết tố, hoặc rối loạn thần kinh. Vì sự hiểu làm này mà nhiều năm về trước, bệnh Đa Nhân Cách từng được cho là một dạng khác của bệnh Tâm Thần Phân Liệt nhưng thực tế hai bệnh này hoàn toàn khác nhau. Thế cho nên Đa Nhân Cách đã được dời ra khỏi mục Tâm thần phân liệt và được xếp vào Rối loạn tách rời nhận thức. Người mắc bệnh rối loạn Đa Nhân Cách hầu như không hề biết được sự tồn tại của các nhân cách khác cho đến khi họ đi khám và được nhân viên trị liệu cho biết. Hơn nữa, chưa có trường hợp bệnh nhân Đa Nhân Cách nào giết người vì căn bản sự hình thành của các nhân cách này là để bảo vệ chứ không phải gây tổn hại. Đó là một kiểu trốn chạy khỏi hiện thực của nhân cách chính.
4. Tỷ lệ người mắc Đa Nhân Cách là nhiều hay ít?
Rất hiếm, cực kỳ hiếm. Người thực sự mắc bệnh Đa Nhân Cách không nhiều. Thế nên nhiều nhà nghiên cứu mới tranh luận rằng Đa Nhân Cách không thật sự tồn lại mà nó giống như là sự nhập vai (role enactment) thì hơn. Lý do những nhà nghiên cứu này đưa ra là tỷ lệ mắc bệnh Đa Nhân Cách giảm mạnh khoảng giữa những năm 1990 (sau khi bộ phim Sybil ra đời một khoảng thời gian). Và bệnh Đa Nhân Cách chỉ được chẩn đoán ở Mỹ và Canada, còn những nước khác trên thế giới thì rất hiếm. Điển hình là chỉ có 1 trường hợp ở Anh được ghi nhận trong 25 năm trở lại.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bệnh Đa Nhân Cách không thực sự tồn tại mà đó là sự ảnh hưởng của nhà tâm lý trị liệu lên người bệnh. Martin Orne, nhà tâm lý học trị liệu và thôi miên nổi tiếng trên toàn thế giới đã thử "bẫy" Kenneth Bianchi hay còn gọi là "Kẻ thắt cổ vùng Hillside" (Hillside Strangler). Hắn đã siết cổ và giết chết 27 cô gái. Khi đưa ra tòa, các bằng chứng đều chỉ tội hắn nhưng hắn lại bảo mình có những lúc không nhớ gì và có khoảng trống trong ký ức về những đêm mà hắn phạm tội. Vì thế bên công tố đã chỉ định một nhà sức khỏe tâm lý khám cho hắn. Khi viên tâm lý này khám cho hắn ta thì nói "Tôi đã nói chuyện với Ken rồi, nhưng tôi nghĩ có một phần khác của Ken (gọi tắt của Kenneth) mà tôi chưa nói chuyện cùng." Thế là Bianchi bảo rằng mình không phải là Kenneth mà là Steve, và Steve thì ghét Ken, và Steve chính là người giết 27 cô gái kia.
Có rất nhiều chuyên gia tranh cãi rằng triệu chứng Đa Nhân Cách của hắn không có thật. Orne đã kiểm tra bằng cách giả vờ gợi lên một triệu chứng mới cho Bianchi. Ông nói với hắn ta rằng, "Nếu cậu bị mắc Đa Nhân Cách thật thì cậu nên có một nhân cách thứ ba." Vì khi được khám bởi nhà sức khỏe tâm lý thì Bianchi chỉ có nhân cách thứ hai tên là Steve. Nếu hắn ta thực sự đang giả bệnh thì hắn sẽ tự tạo cho mình một nhân cách thứ ba. Tất nhiên, nhân cách thứ ba, Billy, xuất hiện khi Bianchi bị "thôi miên." Khi bị thôi miên, hắn ta làm theo sự gợi ý của Orne là hãy tưởng tượng vị luật sư của hắn đang ở trong phòng. Bianchi còn thực sự bắt tay với vị luật sư tưởng tượng đó, một hành vi cực kỳ không bình thường với những người bị thôi miên. Và tất nhiên. Và thế là Orne kết luận rằng Bianchi không mắc chứng Đa Nhân Cách mà hắn mắc chứng Rối loạn nhân cách phản xã hội. Bạn nào theo dõi page thường xuyên sẽ biết bệnh này có triệu chứng là người mắc bệnh hay giả dối, xâm phạm lợi ích người khác để trục lợi cho bản thân... Lý do "bị điên" của Bianchi bị từ chối và hắn bị kết tội giết người.
Từ câu chuyện phía trên chúng ta có thể thấy rằng chuyên viên chữa trị có thể tác động lên bệnh nhân bằng những câu hỏi "dẫn đường" sai lầm như thế nào. Có nhiều trường hợp bệnh nhân không thực sự mắc Đa Nhân Cách, nhưng bởi vì họ muốn đáp lại sự kỳ vọng của chuyên viên chữa trị mà tự bắt buộc bản thân thể hiện những triệu chứng giống Đa Nhân Cách mà tôi đã đưa ra ví dụ trong câu hỏi số 2.
5. Có hay không chuyện các nhân cách trò chuyện với nhau?
Có thể có sự giao lưu giữa các nhân cách phụ, nhưng hầu như không có sự liên lạc giữa nhân cách phụ và nhân cách chính trước khi được chữa trị. Như tôi đã nói rất nhiều lần là bệnh nhân không hề biết đến sự tồn tại của các nhân cách khác và chỉ thực sự "liên lạc" khi đến khám tại các chuyên gia tâm lý và được họ cho biết. Thế nên việc bỗng dưng nghe được giọng nói, tự trò chuyện trong đầu xảy ra trước khi người bệnh gặp chuyên viên tâm lý và chẩn đoán thì nó giống như triệu chứng bệnh Tâm thần phân liệt hơn.
6. Nhân cách có giống Tính cách hay không?
Tính tình tôi thay đổi thất thường, có khi tôi rất vui vẻ và hòa nhã, có khi tôi cáu gắt và nóng nảy. Liệu tôi có mắc Đa Nhân Cách?
Nếu bạn đọc bài này của tôi từ đầu đến đây thì bạn sẽ có câu trả lời cho câu hỏi này. Nhân cách khác hẳn tính cách. Tính cách là tổ hợp những đặc điểm về tâm lý và các cơ chế giải đáp thông tin của một cá nhân được sắp xếp có tổ chức và tồn tại một khoảng thời gian, gây ảnh hưởng đển sự giao thoa giữa người ấy và sự thích nghi với tâm lý bên trong, sinh lý và xã hội. Còn nhân cách là sự nhận định của một người về bản thân mình và những cá nhân khác trong cùng một hội nhóm mà người đó thuộc về. Ví dụ như trong trường hợp trên, Mary là một nhân cách chính với tính cách thụ động, hiền hòa, còn Marian là nhân cách thứ hai với tính cách gắt gỏng, nóng nảy và dữ dằn.
Tính thay đổi thất thường không phải là triệu chứng của bệnh Đa Nhân Cách. Nếu bạn không rõ thì có thể xem lại phần số 1. Trong tâm lý tính cách con người mà tôi đang học có một định nghĩa gọi là tính cách xã hội (Social Personality) nghĩa là trong từng môi trường nhất định, bạn có những biểu hiện, hành vi, suy nghĩ khác nhau để cho phù hợp với môi trường đó. Ví dụ như bạn không thể dùng cách suy nghĩ, hành xử khi bạn ở trước mặt bạn bè với cha mẹ hay anh chị bạn. Môi trường khác nhau ảnh hưởng đến con người khác nhau. Nó giống như là kiểu nhập vai mà tôi nói ở phía trên. Bạn vẫn là bạn, bạn chỉ đang thích nghi với từng môi trường khác nhau chứ không phải là bạn có nhiều nhân cách khác nhau. Phải nói là bạn có nhiều tính cách khác nhau tùy vào môi trường mà bạn sinh hoạt và làm việc nhưng bạn chỉ có một nhân cách mà thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro