Sương đỏ - Thủy Thành - 137 -141
137
Hôm nay là một ngày vô cùng, vô cùng đặc biệt của Nguyên Thục.
Đó là ngày 24 -12, ngày Giáng Sinh an lành, ngày mà mọi người quây quần bên nhau, cùng ăn bánh, cùng tặng quà và cùng chờ đón một năm mới an khang tốt lành.
Tất nhiên 24 -12 là ngày lễ của Tây phương, là dương lịch, còn ở quá khứ thì chưa có, thế nên Nguyên Thục nghiễm nhiên lấy luôn ngày 24-12 âm lịch là ngày lễ giáng sinh như ở hiện đại, để cùng Trịnh Khải đón giáng sinh, cùng ở bên nhau và cùng chia sẻ những khoảnh khắc ngọt ngào cho năm mới sẽ sang.
Thật ra, Nguyên Thục không biết hôm nay là ngày 24 -12 đâu, sở dĩ nó biết là do tối qua đã hỏi A Đào. Sống ở quá khứ, chẳng có lịch blog, chẳng có lịch để bàn, thành thử nó sống ngày này qua tháng nọ mà chả biết hôm nay là thứ ba hay thứ tư, là ngày bao nhiêu, năm nào, tháng nào cả. Thế nên khi nghe A Đào nói ngày mai là ngày 24 -12, Nguyên Thục sững người lại một lúc, rồi đôi mắt long lanh khi nhớ đến những đêm Giáng Sinh an lành, cả nhả quây quần bên nhau, nói cười vui vẻ của gia đình lúc còn ở hiện tại. Bây giờ ở quá khứ, gia đình của nó là Trịnh Khải, còn có Nguyên Thiên, và nó chia lịch ra làm hai ngày. Ngày 24, tức hôm nay nó sẽ đón Giáng Sinh cùng Trịnh Khải, và ngày 25 nó sẽ đón Giáng Sinh cùng Nguyên Thiên, chỉ có hai chị em với nhau mà thôi.
Chính vì sẽ đón Giáng Sinh cùng Trịnh Khải, nên hôm nay Nguyên Thục bước vào ngự trù với tâm trạng háo hức, nó nhẹ nhàng với lấy nguyên liệu trong các khay thực phẩm để làm một chiếc bánh bông lan nhân mứt dứa cho ngày Giáng Sinh thật ngon lành. Nào là trứng, nào là bột mì, nào là đường, nào là muối, ôi, tối nay nó sẽ tất bật lắm đây!
Nguyên thục nghĩ thầm, đôi mắt nó lấp lánh như những tia nắng khi hình dung đến gương mặt ngạc nhiên của Trịnh Khải, khi nhìn thấy chiếc bánh Giáng Sinh này. Hôm qua nó đã hẹn anh cùng nhau ăn tối ở Ngự lâu, thay vì là cung Đoan Nguyên, sự thay đổi đó khiến Trịnh Khải ngạc nhiên, nhưng anh không hỏi tại sao mà chỉ mỉm cười. Nhớ đến nụ cười ấm áp như ánh nắng trong mùa đông, Nguyên Thục vui lắm, bàn tay nhỏ nhắn của nó không ngừng đánh nhẹ lòng đỏ trứng cùng với hỗn hợp sữa bò tươi và đường, bột. Ở thời đại này nguyên liệu thiếu thốn rất nhiều, không có lò nướng, tất cả đều phải làm bằng tay, rất cực nhọc, nhưng vì muốn được đón Giáng Sinh cùng Trịnh Khải, nên những cực nhọc đó có thấm tháp vào đâu so với khoảnh khắc ngọt ngào mà nó sẽ có được sau đó.
Sau một hồi vật lộn trong bếp, kết quả của Nguyên Thục cũng khá khả quan, hỗn hợp trứng, đường, bột đã đặc lại, vàng sóng sánh như mật ong trông vô cùng bắt mắt. Do vừa khuấy hỗn hợp bột, vừa lấy tay quệt những giọt mồ hôi rịn trên trán, gương mặt Nguyên Thục lấm tấm bột, trông như cô bé lọ lem. Bột đã đánh xong, độ ngọt ở mức vừa vì Trịnh Khải không thích bánh quá ngọt, Nguyên Thục lay hoay tự làm một lò nướng bánh tự chế, với cái cách mà nó đã đọc từ trên báo “Tiếp thị và gia đình”.
Đầu tiên, Nguyên Thục chọn một cái nồi dày có nắp đậy, Sau đó, Nguyên Thục xếp than vào một cái lò,thổi lửa, đun cho đủ nhiệt. Trong khi đợi than đủ nhiệt, Nguyên Thục đổ bột bánh bông lan vào trong chiếc nồi dày, rồi đặt nồi lên than đã chuẩn bị, kế đó đậy nắp lại và phủ kín than lên nắp nồi. Thế là xong, chiếc lò nướng bánh tự chế đã có, nó chỉ việc ngồi đợi cho bánh chín rồi nhấc ra mà thôi.
Trong thời gian đợi bánh chín, Nguyên Thục xoay sang làm mứt dứa. Theo kinh nghiệm khi đi chợ của mình, Nguyên Thục chọn một trái dứa có màu vàng sẫm, tươi sáng, rồi đưa lên mũi ngửi. Một mùi thơm nhẹ nhàng từ trái dứa tỏa ra, dấu hiệu nhận biết đâu là dứa ngon và ngọt, khiến Nguyên Thục mỉm cười hài lòng khi đã chọn được trái dứa ngon nhất cho Trịnh Khải và mình.
Không muốn chần chừ thêm nữa, Nguyên Thục xắn tay áo lên bắt đầu công việc, nó cẩn thận gọt vỏ, cắt bỏ mắt, bỏ cùi, rồi cắt nhuyễn thơm ra từng mảnh nhỏ. Sau môt tiếng đồng hồ tỉ mẩn, cuối cùng, món mứt dứa vàng ươm, thơm ngon, sóng sánh cũng đã được hoàn thành. Do trên đặt than, dưới cũng lót than, nóng đều hai mặt nên bánh bông lan mau chín. Nguyên Thục liếm môi, cẩn thận mở nắp nồi ra, gương mặt lấm bột của nó rạng rỡ khi thấy lớp bánh đã vàng ươm hai mặt. Không chờ đợi lâu, Nguyên Thục nhanh chóng lấy bánh ra, trải một lớp khăn ẩm lên bàn, trút bánh lên phết đều mứt dứa lên bánh
Nhìn thành quả lao động của mình, Nguyên Thục vô cùng hài lòng khi chiếc bánh bông lan cuộn mứt dứa vừa thơm, vừa có màu vàng bắt mắt, khiến Nguyên Thục nóng lòng muốn giờ phút ấy mau đến, để cùng Trịnh Khải ăn bánh, đón Giáng Sinh và tận hưởng những khoảnh khắc bên nhau ngọt ngào.
Phải rồi, Giáng Sinh thì phải có quà, chà, biết tặng cho anh ấy gì đây. Nguyên Thục thầm nghĩ, Trịnh Khải thích cái gì, nó có thể tặng gì cho anh? Nó muốn anh phải thật ngạc nhiên khi nhìn thấy quà của nó cơ, để anh ngạc nhiên, thì món quà ấy vừa đặc biệt, lại còn thú vị và độc nhất vô nhị, ôi chao, sao nó nghĩ hoài mà vẫn không ra món quà nào đáp ứng đủ các điều kiện ấy thế này.
Do phải nát óc suy nghĩ xem nên tặng món quà nào, buổi cơm tối lót dạ của Nguyên Thục trôi qua nhanh chóng. Theo lời A Vân báo lại, tối nay phải rất muộn Trịnh Khải mới đến ăn tối với nó, do đang bàn bạc công việc cùng bá quan. Tuy Trịnh Khải không thể đến sớm hơn, nhưng Nguyên Thục vẫn rất vui và hạnh phúc, bởi vì sáng nay, không biết từ khi nào, bên cạnh giường của nó bỗng nhiên xuất hiện một chú voi được khắc bằng gỗ. Nhìn thấy chú voi xinh xắn ấy, Nguyên Thục biết ngay đó là con voi quận Đông. Mân mê chú voi trên tay, Nguyên Thục vừa mừng vừa ngạc nhiên, là của Trịnh Khải, anh đến phòng nó từ khi nào, tối qua nó thao thức không ngủ được do nghĩ đến cách làm bánh bông lan, chỉ đến tờ mờ sáng mới ngủ thiếp đi, chẳng lẽ Trịnh Khải đến cung Đoan Nguyên vào khi ấy sao.
Nguyên Thục suy nghĩ, và gặng hỏi A Vân, ban đầu cô còn tỏ ra mập mờ, đến khi nó vờ giận dỗi, thì A Vân mới chịu tiết lộ, đó là sáng nay, chúa công đã đến cung Đoan Nguyên. Người ngăn không cho A Vân lên tiếng đánh thức tiệp dư dậy, mà chỉ yên lặng nhìn ngắm tiệp dư đang ngủ một lúc, sau đó nhẹ nhàng đặt chú voi gỗ đáng yêu này bên cạnh giường, rồi trở ra ngoài.
Nhớ lại lời A Vân nói, Nguyên Thục lại ửng hồng hai má, nó ôm lấy đôi má đang đỏ hồng lên như quả táo chín, khi mường tượng ra cảnh Trịnh Khải ngắm nhìn nó lúc đang ngủ say. Chao ôi, Nguyên Thiên vẫn thường bảo lúc ngủ mặt nó rất ngô nghê, khi ấy chắc nó xấu lắm, khi người ta ngủ say thì làm sao biết mặt mũi mình như thế nào chứ.
Nguyên Thục vỗ nhẹ vào má, Trịnh Khải đã làm nó hạnh phúc, rất hạnh phúc, còn nó, nó tặng anh món quà gì để anh hạnh phúc bây giờ.
Hôm nay là 24 -12, ngày giáng sinh tất nhiên phải có cây thông Noel…
Trong phút chốc, đôi mắt Nguyên Thục bừng sáng, miệng cười tươi như đóa hàm tiếu khi nghĩ ra một món quà đặc biệt mà nó sẽ tặng cho Trịnh Khải.
Buổi tối an lành ơi, hãy đến nhanh lên!
oOo
Tòa Ngự lâu mọi hôm buổi tối vẫn sáng đèn, thế nhưng hôm nay lại tối om, không chút ánh sáng, nguyên nhân là vì Nguyên Thục đã mong muốn rằng cho đến khi nó đến, Trịnh Khải hãy tắt hết đèn trong Ngự lâu.
Ngồi trên sập, trên tay là chén trà thơm bốc khói, Trịnh Khải không uống, mà xoay xoay chén trà khi nghĩ đến mong muốn của Nguyên Thục. Với mong muốn lạ lùng ấy, Trịnh Khải vô cùng ngạc nhiên, nhưng anh vẫn thực hiện vì biết rằng Nguyên Thục sẽ thực hiện một chuyện gì đó rất quan trọng, là chuyện gì thì anh sẽ biết ngay thôi.
“We wish you a Merry Christmas
We wish you a Merry Chirstmas
We wish you a Merry Christmas
And the Happy New Year”
Cánh cửa Ngự lâu nhè nhẹ bật mở, một tiếng hát trong trẻo khe khẽ cất lên. Bóng tối bị đẩy lùi, ánh sáng lung linh dần đổ vào căn phòng. Hiện ra trong ánh sáng là nụ cười rực rỡ của Nguyên Thục, trên tay nó là một chiếc bánh trang trí đẹp mắt, cùng mười cây nến lung linh như mười ngôi sao lấp lánh, khiến gương mặt bầu bĩnh của Nguyên Thục như sáng rực lên trong ánh trăng.
Nhìn thấy hình ảnh dịu dàng ấy, Trịnh Khải lặng yên, Nguyên Thục như một ngôi sao nhỏ nhẹ nhàng xuất hiện trong Ngự lâu. Ánh sáng bao quanh nó, những bước chân nhỏ bé đi đến đâu, bóng tối đều lùi lại, nhường đường.
Tiến đến gần Trịnh Khải, Nguyên Thục nhoẻn miệng cười tươi, nó đặt chiếc bánh bông lan xuống bàn, rồi nhẹ nhàng lấy từng cây nến đỏ trong chiếc túi mà mình mang theo. Trước đôi mắt ngạc nhiên của Trịnh Khải, Nguyên Thục khéo léo xếp cắm những cây nến lên bàn thành hình trái tim, rồi nhẹ nhàng thắp lửa cho từng cây. Khi thắp xong, Nguyên Thục vỗ nhẹ tay, hớn hở reo vui.
- Chúc mừng Giáng Sinh!!!
- Giáng Sinh?
Nghe hai từ lạ lẫm thốt ra từ đôi môi nhỏ xinh của Nguyên Thục, Trịnh Khải nhướng mày lên, hỏi lại. Hào hứng kéo tay anh ngồi chung với mình, Nguyên Thục tươi cười.
- Vâng, hôm nay là ngày 24 -12, là ngày Giáng Sinh ở chỗ em. Ngày này mọi người quây quần bên nhau, cùng ăn bánh, cùng tặng quà, và cùng nhau đón một năm mới an lành!
- Vậy sao?
Trịnh Khải mỉm cười, rõ ràng anh rất ngạc nhiên và lấy làm thú vị khi nghe buổi lễ Giáng Sinh mà Nguyên Thục kể. Dù không nói ra, nhưng chỉ nhìn đôi mắt mơ màng của Nguyên Thục, anh biết nó lại đang nhớ về gia đình. Ngày xưa vào những dịp này, chắc Nguyên Thục rất hạnh phúc khi có ba, có mẹ cùng vây quanh với nhiều niềm vui và tiếng cười. Còn anh, anh không biết ngày này là gì, nhưng nếu có biết, thì viễn cảnh cả gia đình cùng quây quần bên nhau là điều không thể. Mãi mãi không.
Nhận thấy một khỏang không gian mênh mông trong đôi mắt thăm thẳm của Trịnh Khải, Nguyên Thục vội vàng chuyển sang đề tài khác, trong ngày Giáng Sinh này, nó chỉ muốn Trịnh Khải có thật nhiều niềm vui thôi.
- Anh, anh có biết đây là hình gì không?
Nhìn xuống những cây nến lung linh mà Nguyên Thục chỉ, Trịnh Khải nhíu mày, suy nghĩ, một lúc lâu rồi lắc đầu.
- Không!
- Là hình trái tim đó!
- Hình trái tim?
- Phải, ở chỗ của em, đó là hình trái tim!
- Của ai?
Trịnh Khải hỏi, giọng anh nửa đùa, nửa thật khiến đôi má của Nguyên Thục ửng hồng. Như sực nhớ ra một điều gì đó, Nguyên Thục vội vàng đứng dậy, nói nhanh.
- Anh, anh chờ em chút nhé!
Nói rồi, không đợi Trịnh Khải nói gì, Nguyên Thục đã vội chạy ra bên ngoài, lát sau nó đã quay trở lại, trên tay là một chậu cây nhỏ treo đủ những con thú gỗ rực rỡ cùng những mẩu giấy nhỏ xinh xắn mà Nguyên Thục đã cặm cụi tô vẽ. Hớn hở đặt chậu cây nhỏ xinh xuống bàn, Nguyên Thục sà xuống bên cạnh Trịnh Khải, hào hứng.
- Đây là quà Giáng Sinh em tặng anh đó, dễ thương không?
Nhận ra những con thú gỗ treo trên cây là những con thú mà mình đã khắc cho Nguyên Thục, Trịnh Khải mỉm cười. Anh nhìn nó, ánh mắt trìu mến, dịu dàng.
- Dễ thương lắm, ta rất thích!
Trịnh Khải nói thích, Nguyên Thục mừng lắm. Thay vì là cây thông treo lủng lẳng các trái châu và những chiếc bít tất, thì Nguyên Thục thay thế bằng một chậu cây cảnh nho nhỏ treo những con thú gỗ và những tấm thiệp xinh xắn với những lời chúc yêu thương mà nó đã viết lên.
Tự hỏi không biết bên trong tấm thiệp Nguyên Thục viết gì, Trịnh Khải với tay, tính lấy một tấm thì Nguyên Thục vội vàng giấu cả chậu cây cảnh ra phía sau lưng, nháy mắt.
- Theo trình tự vào lễ Giáng Sinh, trước hết chúng ta phải ăn bánh, sau đó mới được mở quà!
Trước sự bí mật của Nguyên Thục, Trịnh Khải bật cười.
- Được rồi, lễ Giáng Sinh này ta không biết gì, nên theo ý nàng.
Chỉ chờ có thế, Nguyên Thục liền nhoẻn miệng cười tươi, nó lấy dao cắt bánh thành những miếng nhỏ, rồi đưa cho Trịnh Khải một miếng. Nhìn anh ăn bánh, Nguyên Thục mở to mắt, nó rất hồi hộp, bởi đây là lần đầu tiên làm bánh bông lan mứt dứa, chẳng biết ngon hay dở thế nào. Cầu trời cho chiếc bánh đầu tiên nó làm thật ngon lành. Đón lễ Giáng Sinh cùng Trịnh Khải, nó muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo, phải thật ngon lành, để đây là lễ Giáng Sinh đáng nhớ nhất của hai người.
- Bánh này là do nàng làm sao?
- Vâng!
- Ngon lắm, ta thích!
Đây là lần thứ hai Trịnh Khải nói “ta thích”, và tất nhiên điều đó làm Nguyên Thục rất vui. Nó thở phào nhẹ nhõm, lòng rộn rã khi những gì nó làm đều không uổng công. Cùng ngồi ăn bánh với Trịnh Khải, kể chuyện ông già Noel đi phát quà cho những đứa trẻ ngoan vào đêm Giáng Sinh, nhìn thấy anh cười, thấy anh vui vẻ, chẳng biết do chiếc bánh bông lan mứt dứa ngọt ngào, hay do ánh mắt dịu dàng, sâu thẳm của anh, mà cõi lòng Nguyên Thục dịu êm, ngọt ngào và thơm như mật ong sánh vàng.
Giáng sinh này, rất là hạnh phúc.
- Đã ăn xong bánh, giờ nàng có thể cho ta xem quà được chưa?
Khi chiếc bánh bông lan ngon lành đã hết, trong đĩa chỉ còn những mẩu bánh vụn, Trịnh Khải nhẹ nhàng lên tiếng. Trước câu hỏi ấy, Nguyên Thục bẽn lẽn gật đầu, nó bê chậu cây cảnh trước mặt Trịnh Khải, rồi vân vê tà áo, bẽn lẽn khi anh bắt đầu mở những tấm thiệp nhỏ ra, chăm chú đọc xem trong đó Nguyên Thục viết gì.
Tấm thứ nhất
“Mong cho anh luôn được vui vẻ”
Tấm thứ hai
“Mong cho anh khỏe mạnh, bình an”
Tấm thứ ba
“Mong cho anh không còn phải thức khuya làm việc”
Tấm thứ tư
“Mong cho anh có thật nhiều hạnh phúc và tiếng cười”
Rồi tấm thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, tất cả là đều cầu mong cho anh, với những âu yếm, dịu dàng, khiến đôi mắt Trịnh Khải lấp lánh như ánh nến lung linh. Treo trên cây có đến hàng chục tấm thiệp, tấm nào cũng có những hình vẽ ngộ nghĩnh, xinh xắn, cùng những lời chúc tràn ngập yêu thương, để làm được bữa tiệc Giáng Sinh này, chắc chắn Nguyên Thục đã rất vất vả. Từ bánh bông lan, những cây nến xếp thành hình trái tim, rồi đến những tấm thiệp nhỏ xinh ngọt ngào này, tất cả đều thể hiện tấm chân tình sâu sắc của Nguyên Thục, khiến Trịnh Khải vui và cảm thấy hạnh phúc. Từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, anh chưa bao giờ cảm nhận được niềm vui của đoàn viên và sự ấm áp của gia đình, rồi Nguyên Thục như một cơn gió mùa hạ, thổi vào tâm hồn anh, với tất cả tấm lòng dành cho anh, mọi nỗ lực và cố gắng đều vì anh, khiến anh cảm thấy vui vẻ, ấm áp và bình yên khi ở bên cạnh người con gái này.
Nhìn ngắm Nguyên Thục ngồi trước mặt, ánh nến lung linh soi trên bờ môi đỏ mọng của Nguyên Thục khiến Trịnh Khải bồi hồi. Nguyên Thục ở trước mặt anh, dịu dàng, bé nhỏ, và bẽn lẽn khi anh đọc hết những tấm thiệp chúc mà nó cất công làm. Vào lúc này đây, mỗi giây mỗi phút anh đều trân trọng. Nguyên Thục đã trở thành một phần quan trọng của anh, không thể thiếu, khiến anh cảm nhận thật sự thế nào là yêu thương, sự chân thành và ấm áp của một người yêu và được yêu.
Nguyên Thục là gia đình của anh
Anh không thể để mất Nguyên Thục, mất đi gia đình của mình…
Ngồi yên lặng trên ghế, Nguyên Thục cúi đầu, mân mê vạt áo trong khi Trịnh Khải đang đọc những lời chúc trong tấm thiệp của nó. Lâu thật lâu mà vẫn không thấy anh có động tĩnh gì, Nguyên Thục lo lắng, ngước lên. In trong đôi mắt nó là ánh mắt rất lạ của Trịnh Khải. Ánh mắt ấy có sự trìu mến, có sự dịu dàng, có sự thiết tha, và những rung cảm sâu kín khiến Nguyên Thục bồi hồi.
- Ta cám ơn nàng!
Vòng tay ôm Nguyên Thục vào lòng, Trịnh Khải thì thầm qua vành tai nhỏ nhắn của Nguyên Thục, tiếng thì thầm dịu dàng, trầm ấm ấy khiến trái tim Nguyên Thục run lên, nó quàng tay qua cổ anh, rồi khe khẽ hôn lên vầng trán cao ấy. Trịnh Khải cám ơn nó, nó vui, vui lắm, nhưng nó sẽ còn vui và hạnh phúc hơn, nếu như anh không bắt nó phải chờ đợi. Nó muốn mình có một gia đình thật sự, muốn có một đứa con xinh xắn, muốn cả nhà ba người cùng quây quần bên nhau đón Giáng Sinh. Ước mơ đó đã xuất hiện rất nhiều trong giấc mơ của nó, trong giấc mơ ấy, nó và Trịnh Khải sống bên nhau vô cùng hạnh phúc, và còn tuyệt vời hơn nữa, khi trên tay nó là một bé trai kháu khỉnh, xinh xắn, kết tinh tình yêu giữa nó và Trịnh Khải. Đó là niềm mơ ước lớn nhất của nó trong đời.
Nhận nụ hôn đầy yêu thương của Nguyên Thục, đôi mắt Trịnh Khải trở nên sâu thẳm, những ngón tay mảnh khảnh của anh vuốt nhẹ bờ môi nó, ánh mắt thăm thẳm, lấp lánh như vì sao trên bầu trời ấy khiến nó rạo rực. Nó khẽ khép mắt lại, cánh môi đào hé mở, đón nhận nụ hôn nồng nàn với sự khát khao.
Từng nụ hôn ngọt ngào quấn quýt trên bờ môi, trên vầng trán bướng bỉnh, trên đôi má đỏ bừng và trượt nhẹ xuống chiếc cổ trắng ngần của Nguyên Thục. Cơ thể nó nóng bừng lên, rạo rực, rồi đột ngột, Trịnh Khải cúi xuống, bế Nguyên Thục lên, nhẹ nhàng tiến về phía chiếc giường êm ái.
Nguyên Thục mở to đôi mắt long lanh nhìn Trịnh Khải, bàn tay nó vươn lên, quàng qua cổ anh, bờ môi đào hé mở, trái tim nó đập rộn rã, khát khao khi biết rằng mơ ước ấy, sẽ không còn xa vời…
Nguyên Thục là gia đình của anh.
Anh sẽ xây dựng gia đình bé nhỏ này thật hạnh phúc và nhiều tiếng cười.
Giáng sinh này, rất là hạnh phúc.
138
Sau đêm Giáng Sinh vô cùng hạnh phúc ngày hôm qua, bây giờ Nguyên Thục cứ như người lơ lửng trên mây. Sáng nay khi tỉnh dậy, hình ảnh đầu tiên in trong đôi mắt mơ màng của Nguyên Thục là gương mặt thanh tú của Trịnh Khải. Anh đang ngủ, đôi mày kiếm giãn ra, nhẹ nhõm, không còn suy tư và trầm ngâm như thường ngày. Nhẹ nhàng vuốt ve vầng trán cao và đôi mắt sâu ấy, bờ môi Nguyên Thục hé cười, khoảnh khoắc ngọt ngào đêm qua vẫn còn vương vấn trong tâm trí nó. Mùi trầm hương dịu dàng, vòng tay ấm áp, những nụ hôn nồng nàn, những phút ái ân mặn nồng, nó đã ngủ thiếp trên bờ vai rộng ấy, đó là một giấc ngủ say nhất, ngon nhất và yên bình nhất từ trước tới nay.
Vậy là nó đã chính thức thuộc về anh, chính thức trở thành vợ anh. Ý nghĩ ấy làm đôi má Nguyên Thục ửng hồng, làm trái tim nó đập rộn rã, làm nụ cười trên môi nó càng thêm rạng ngời. Sáng nay, nó đã chính tay chuẩn bị bữa sáng cho Trịnh Khải, chuẩn bị áo cho anh, vuốt nhẹ cho tà áo phẳng phiu, rồi anh hôn lên trán nó, và nó vẫy tay chào anh, chúc anh một buổi sáng tốt lành khi anh thiết triều. Tất cả những khoảnh khắc đó còn tuyệt vời hơn hẳn những gì mà Nguyên Thục đã tưởng tượng ra khi có gia đình, và cái gia đình của nó sẽ còn trọn vẹn hơn khi nó sinh cho anh một đứa con.
Nguyên Thục tủm tỉm cười khi mường tượng đến đứa con xinh xắn của nó và Trịnh Khải. Thấy Nguyên Thục đang làm điểm tâm mà vui vẻ khác thường như thế, khỏi phải nói ra, A Đào và A Vân cũng đoán được đêm qua tiệp dư đã được chúa công ân sủng, nên tâm trạng vui vẻ, phấn khởi của Nguyên Thục cũng làm hai cô vui lên phần nào.
- Tiệp dư, người vò quá, coi chừng bánh đậu xanh bị nát đó!
Nghe A Vân nhắc nhở, Nguyên Thục vội vàng nhìn xuống chiếc bánh đậu trong tay, mũi nó nhăn lại khi chiếc bánh tròn ban đầu đã trở nên méo mó. Nếu Nguyên Thiên có tật vừa đi vừa nhảy chân sáo, thì nó lại có một cái tật xấu khác, đó là khi vui thì chẳng để ý gì đến chuyện mình đang làm. Không được, Nguyên Thục mím môi, những chiếc bánh đậu này phải thật ngon lành, đẹp mắt để mang cho Trịnh Khải dùng điểm tâm, nó phải tập trung hoàn thành, tránh suy nghĩ thôi.
- Tiệp dư, mấy hôm nay trong hoàng cung đang rộn ràng, người có hay tin gì chưa?
Đang chăm chú vo những chiếc bánh đậu xanh méo mó lại thành hình tròn, Nguyên Thục ngừng tay lại khi nghe đến hai chữ “hoàng cung”. Nguyên Thục ngẩng đầu lên, mày liễu nhíu lại vì linh cảm chuyện mà A Đào sắp nói sẽ chẳng tốt lành gì.
- Chuyện gì vậy chị?
- Tiệp dư chưa biết gì sao, hoàng thái tôn sắp lập hoàng phi. Để mừng hoàng thái tôn đã tìm được hoàng phi thích hợp, hoàng thượng sẽ thết tiệc quần thần, trong đó, tòa lượng phủ của chúng ta là thành phần quan trọng không thể thiếu, từ đây tới đó chỉ còn hai ngày, lẽ nào tiệp dư không biết chuyện này?
A Đào nói xong, Nguyên Thục giật mình, nó vội hỏi hỏi lại.
- Lập hoàng phi? Chị nói hoàng thái tôn lập hoàng phi? Nàng ta tên gì?
- Nghe đâu mỹ danh của vị phi tử ấy là Kim thì phải! Là em gái của trọng thần Nguyễn Quốc Đống.
- Kim?
Nghe A Đào thốt ra cái tên lạ hoắc, Nguyên Thục há hốc miệng. Nó tưởng mình nghe nhầm nên hỏi lại hai ba lần, kết quả vẫn chỉ như một, khiến Nguyên Thục cau mày. Duy Khiêm sắp lập hoàng phi, nàng ấy tên là Kim, chứ không phải là Nguyên Thiên – em gái nó. Thiệt tình, cả hoàng cung rầm rộ thế chắc chắn em gái nó đã biết, vậy mà chẳng chịu hé môi lấy câu nào, nếu A Đào không nói, nó lại chẳng biết chuyện gì xảy ra rồi.
Nguyên Thục mím môi, nó càng nghĩ càng buồn bực. Duy Khiêm lập phi, Nguyên Thiên chắc chắn sẽ bị tổn thương. Qua ánh mắt, cử chỉ và hành động của Nguyên Thiên, nó biết em gái nó rất yêu Duy Khiêm, đã yêu, tất nhiên chỉ muốn người đó thuộc về riêng mình, chứ không chia sẻ cho ai cả. Nguyên Thiên không phải là người giỏi che giấu nội tâm, em gái nó bộc trực, thẳng thắn, có gì đều nói ra chứ không giữ lại trong lòng, Duy Khiêm lập hoàng phi chắc chắn là một đòn đả kích nặng nề đối với Nguyên Thiên. Có lẽ do trước đây nó đã nói nếu có xảy ra chuyện gì, nó cũng sẽ không quan tâm nên Nguyên Thiên mới giấu, không nói, nhưng dẫu thế, Nguyên Thiên vẫn là em gái duy nhất của nó, nó vẫn rất lo lắng và quan tâm tới Nguyên Thiên. Chẳng lẽ nói bỏ mặc là bỏ mặc đươc sao!
Nguyên Thục xiết chặt hai tay vào nhau. Nguyên Thiên chưa bao giờ giấu nó bất cứ chuyện gì, nay trước chuyện lớn thế này lại im lặng, làm nó giận vô cùng. Càng nghĩ nó càng tức, lại thêm bản thân muốn giải quyết chuyện gì là phải làm ngay, Nguyên Thục dẹp hết tất cả bánh trái sang một bên, rồi thân chinh đến Nội điện một phen, trước cái nhìn ngơ ngác của A Vân và A Đào.
Trên đường đến Nội điện, ngồi trong kiệu Nguyên Thục lòng nóng như lửa đốt. Chỉ e Nguyên Thiên hiện đang vò võ trong Nội điện một mình, âm thầm khóc, còn Duy Khiêm thì đang tất bật chuẩn bị nghi lễ tấn phong nàng hoàng phi tên Kim. Nghĩ đến đó, Nguyên Thục càng nôn nóng hơn bao giờ hết, kiệu vừa hạ, chẳng đợi lính mở rèm nó đã bước xuống, rồi tất tả đến Nội điện, chứ không chơi trò úp mở với Nguyên Thiên như thường ngày.
- Chị, sao chị lại qua đây?
Trái với suy nghĩ của Nguyên Thục, ra đón nó là gương mặt tươi tắn, cùng đôi mắt to tròn vì ngạc nhiên của Nguyên Thiên. Thấy Nguyên Thiên vẫn rất tươi tỉnh, Nguyên Thục sinh nghi. Tại sao biết tin Duy Khiêm lập phi mà Nguyên Thiên vẫn còn nói cười được như thế, chẳng lẽ A Đào báo tin sai ư, hay Nguyên Thiên vẫn không biết gì?
- Xem ra em đang rất vui vẻ thì phải?
Nguyên Thục hỏi dò. Nhìn thẳng vào mắt Nguyên Thục, Nguyên Thiên nhoẻn cười, tay bưng chén trà mời.
- Em thì có gì buồn đâu! Chẳng phải em đã nói sao, em đang rất hạnh phúc mà!
Thấy Nguyên Thiên nói cười vui vẻ, Nguyên Thục nhíu mày, nó cầm lấy chén trà mà Nguyên Thiên vừa đưa, nhưng không uống, mà lại nhìn thẳng vào mắt em mình. Quả nhiên, trong đôi mắt nâu màu mật ong to tròn, ngây thơ ấy lẩn khuất những nét phiền muộn. Nguyên Thiên hiện đang cố tỏ ra bình thường, vui vẻ như không có gì xảy ra cốt để Nguyên Thục yên lòng, nhưng người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nó lại là chị, làm sao không biết ánh mắt và nụ cười của Nguyên Thiên phảng phất nỗi buồn sâu sắc không nói thành lời.
- Em hạnh phúc à? Rất hạnh phúc sao? Kể cả khi người ta lập một cô gái khác làm hoàng phi, vui vầy, êm ấm. Em vẫn hạnh phúc sao?
Nguyên Thiên sững người lại, chớp mắt nhìn Nguyên Thục, hai chị em yên lặng nhìn nhau thật lâu, rồi Nguyên Thiên cúi mặt, tay vẽ lòng vòng trên bàn mà không nói câu nào. Biết ngay mà, ở bên cạnh Duy Khiêm, em gái nó chỉ có đau khổ mà thôi.
- Em đã thấy chưa, em đã thấy anh ta là người thế nào chưa. Ngày trước khi anh ta đến tìm em, chị đã hết lời khuyên ngăn, bảo rằng anh ta không phải người có thể cho em hạnh phúc. Ở bên cạnh anh ta em chỉ chuốc thêm nhiều đau khổ thôi. Cái gì mà “chỉ cần Thiên nhi vui là được!”, thế thì việc lập phi này em có vui không hả?
- Chị…
- Từ lúc ở bên cạnh anh ta, em đau khổ nhiều hay là hạnh phúc nhiều? Tại sao không phải ai khác, mà cứ nhất thiết là anh ta? Duy Cận rất yêu em, chiều em và luôn quan tâm tới em, anh ấy tốt hơn hẳn Duy Khiêm, giao em cho Duy Cận, chị rất yên tâm, nhưng tại sao em lại đi yêu một người luôn làm em tổn thương và đau lòng vậy?
- Tình cảm… có thể chọn sao?!
- Chị hỏi thật, em có nghĩ Duy Khiêm yêu em không? Anh ta có bao giờ nói yêu em không? Hay tất cả chỉ do em ngộ nhận, ảo tưởng rồi tự huyễn hoặc bản thân mình rằng anh ta yêu em? Trong khi anh ta chỉ coi em như một trò chơi?
- Anh ấy không phải người như thế! Chị chẳng hiểu gì về anh ấy cả!!
Những câu đầu của Nguyên Thục, Nguyên Thiên chỉ phản ứng yếu ớt, đến câu thứ ba thì Nguyên Thiên phản đối, ánh mắt mở to, không đồng ý những gì Nguyên Thục vừa nói. Thái độ ấy khiến Nguyên Thục tức giận, nó cười lạt.
- Thế anh ta là người thế nào? Là người thế nào mà cứ làm em đau khổ hết lần này đến lần khác, làm em tổn thương hết lần này đến lần khác? Lần trước thì bỏ rơi em, lần này là chuyện lập phi, hay em còn những lần khác mà chị không biết?
- Không phải!
- Duy Khiêm không thật lòng yêu em đâu, anh ta chỉ xem em như một món đồ chơi, khi buồn thì tìm đến, khi chán thì bỏ mà thôi.
Dù bất bình về những lời Nguyên Thục nói, nhưng Nguyên Thiên không giỏi lý luận, lại thêm những chứng cứ Nguyên Thục đưa ra Nguyên Thiên chẳng thể bác bỏ được, nên cứ lặp đi lặp lại câu “anh ấy không phải thế”, mắt rơm rớm, tưởng chừng như sắp khóc đến nơi. Biết em mình đang rất xúc động, Nguyên Thục bất nhẫn, nó không tiếp tục truy vấn và làm khổ Nguyên Thiên thêm nữa, mà nắm lấy đôi bàn tay đang run rẩy của em mình, xiết chặt, từng chữ nghẹn lại trong cổ họng, khó khăn lắm mới thốt thành lời.
- Nguyên Thiên, nghe chị. Đừng tiếp tục làm khổ mình thêm nữa. Bỏ Duy Khiêm đi, đừng yêu anh ta nữa. Em hãy về với chị, rồi chị em mình sẽ bảo bọc cho nhau. Nhìn em thế, chị đau lòng lắm.
Đôi mắt rơm rớm của Nguyên TThiên vụt ráo hoảnh khi nghe Nguyên Thục nói. Gương mặt bầu bĩnh đang xúc động vụt trở nên kiên nghị, điềm tĩnh lạ lùng. Nắm chặt lấy tay chị mình, vuốt nhẹ, Nguyên Thiên lắc đầu.
- Chị, em không thể, hay nói chính xác hơn là em không muốn. Em muốn được ở bên cạnh anh ấy, lúc nào cũng ở bên cạnh anh ấy, đau khổ em chịu được, tổn thương em cam lòng. Bất luận có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, em vẫn nguyện ở bên cạnh anh ấy, yêu anh ấy, không thay lòng. Chị nói đúng, anh ấy chưa từng nói yêu em, nhưng em không ảo tưởng, không tự huyễn hoặc, em biết anh ấy không xem em như trò chơi, em biết anh ấy yêu em thật lòng. Anh ấy đã từng nói rằng anh ấy là con diều lạc lõng, em muốn mình là bầu trời rộng lớn để cho anh ấy thỏa chí bay bổng. Không có bầu trời, con diều của anh ấy không thể bay lên đâu, chị à!
Đây là em gái bé bỏng của nó sao?
Một Nguyên Thiên ngây thơ, thẳng thắn, bướng bỉnh và ngổ ngáo sao?
Nguyên Thục nhìn đăm đăm Nguyên Thiên, từng ngón tay nó lỏng ra, rồi tuột khỏi bàn tay đang xiết chặt của Nguyên Thiên. Mới đây em gái nó còn nghẹn lời, không biết trả lời thế nào trước sự truy vấn của nó, ấy thế mà khi bảo rời xa Duy Khiêm, thì lại trở thành một cô gái can đảm, độc lập và kiên quyết như thế. Tình yêu đã làm cho em gái nó thay đổi, thật sự thay đổi, Nguyên Thiên giờ như đá tảng, chẳng ai có thể lung lay hay thay đổi được, rốt cuộc là ở Duy Khiêm có điểm gì tốt để Nguyên Thiên yêu, rốt cuộc anh ta đã dùng bùa mê gì khiến cho em gái mình lú lẫn như thế chứ?
Anh ấy đã từng nói rằng anh ấy là con diều lạc lõng, em muốn mình là bầu trời rộng lớn để cho anh ấy thỏa chí bay bổng. Không có bầu trời, con diều của anh ấy không thể bay lên đâu, chị à!
Cánh diều và bầu trời…
Là Nguyên Thiên nghĩ ra, hay là do Duy Khiêm gieo vào đầu óc con bé những suy nghĩ đó.
Không có bầu trời, con diều không thể bay lên…
Vậy đó không phải là một mối ràng buộc, không thể chia cắt hay sao?
Nguyên Thục cảm thấy lo lắng.
Duy Khiêm đã lập phi, còn kiên quyết giữ Nguyên Thiên lại bên cạnh. Mà Nguyên Thiên là em gái nó, như thế chẳng phải anh ta muốn dùng Nguyên Thiên để uy hiếp nó, gây ảnh hưởng đến Trịnh Khải sao. Hiện nay nó đã chính thức là vợ của Trịnh Khải, không những thế, người ngoài nhìn vào thấy nó đang là thiếp yêu, là người có ảnh hưởng đến chúa công nhất. Nguyên Thiên là em gái ruột thịt duy nhất, nếu sau này Duy Khiêm muốn nó thực hiện gì đó mà mang Nguyên Thiên ra uy hiếp thì liệu nó có làm không? Ở quá khứ này, Trịnh Khải và Nguyên Thiên là hai người quan trọng nhất đời nó, Duy Khiêm lại đang giữ một trong hai người quan trọng ấy và có khả năng đe dọa người còn lại. Nếu một ngày nào đó buộc phải chọn giữa Trịnh Khải và Nguyên Thiên, một bên là chồng, một bên là em, nó sẽ chọn ai, bỏ ai bây giờ?
- Chị, chị sao thế? Bị đau ốm gì sao? Có mệt không?
Nguyên Thục càng nghĩ, càng lo lắng, mồ hôi lạnh trên trán bất giác rịn ra lúc nào không hay. Thấy Nguyên Thục ngồi im như tượng gỗ, Nguyên Thiên lo lắng, lay vai chị, khiến Nguyên Thục bừng tỉnh. Ngẩng nhìn đứa em gái thân yêu của mình, Nguyên Thục mím môi lại, hai chị em nó rất thương yêu nhau, nếu ngày đó thật xảy ra, nó có thể bỏ rơi em gái nó không?
- Thiên nhi, ta về rồi đây!
Bao suy nghĩ trong đầu Nguyên Thục cuộn lại như chỉ rối, bất chợt, một giong nói trầm ấm nhẹ cất lên, khiến cuộn chỉ rối ấy như bị một nhát kéo cắt đứt. Nó quay phắt người lại, bóng tối kéo qua đôi mắt khi nhìn thấy Nguyên Thiên đang ôm lấy chồng sách mà Duy Khiêm vừa đưa, gương mặt bầu bĩnh rạng ngời. Mới ban nãy còn rơm rớm nước mắt tưởng như sắp khóc, vậy mà khi Duy Khiêm về đến, lại mừng rỡ, quên hết những chuyện vừa xảy ra, em gái nó ngốc, nhưng nó thì không ngốc đâu!
Hôm nay, nó nhất quyết phải hỏi tới cùng chuyện Duy Khiêm lập hoàng phi!
139
Khi Nguyên Thiên từ trong Nội điện chạy ra mừng đón, Nguyên Thục tinh ý nhìn thấy Duy Khiêm rút từ trong áo ra một vài chiếc kẹo nhỏ và thả vào tay em gái nó. Kẹo mạch nha, món kẹo mà Nguyên Thiên thích nhất, lại còn thích hơn khi Duy Khiêm mang từ đâu về cho, chả thế mà đôi mắt Nguyên Thiên long lanh như có giọt nắng rơi vào. Em gái nó thiệt tình, anh ta mới cho vài chiếc kẹo thôi mà cảm động đến như thế rồi.
- Hoàng thái tôn, hôm nay tôi sang Nội điện thăm Nguyên Thiên, ngài không phiền chứ?
Đợi cho Duy Khiêm bước vào Nội điện, Nguyên Thục mới lên tiếng. Dường như biết rằng Nguyên Thục sớm muộn gì cũng sẽ đến, Duy Khiêm mỉm cười.
- Không phiền, tiệp dư đến thăm Thiên nhi, ta rất vui!
- Vậy sao? Ngài không cần phải nói, tôi cũng biết ngài đang rất vui!
- Khi vui thì mọi phiền hà đều không đáng bận tâm đến, tiệp dư đã biết ta vui, hà tất phải hỏi ta phiền hay không!
Từ xưa đến nay, Nguyên Thục không bao giờ chưa tự nhận mình là người giỏi lý lẽ, nhưng ít nhất cũng chưa ai bắt bẻ lại nó, vậy mà với Duy Khiêm thì lại khác. Nó nói một câu, anh đáp lại một câu, nói hai câu, đáp hai câu, câu nào câu nấy đều sắc bén, chặn hết mọi đường tiến thoái của nó, khiến nó thận trọng khi đối đáp với anh, để cho mình không lâm vào thế bí hay bị anh dồn vào chân tường.
Dù Nguyên Thiên ngây thơ đến đâu thì cũng biết rằng chị mình không thích Duy Khiêm và có thành kiến về anh. Không muốn hai người quan trọng nhất của mình lại bất hòa với nhau, Nguyên Thiên liền níu lấy áo Nguyên Thục, mắt long lanh, ngụ ý bảo rằng chị mình đừng nên có thành kiến về anh nữa, mà hãy cư xử với Duy Khiêm nhẹ nhàng hơn, rồi sau đó lại níu lấy áo Duy Khiêm, lắc đầu, ngụ ý mong anh hãy nhường nhịn Nguyên Thục, đừng khiến chị mình giận làm gì.
Vì giữa mình và Duy Khiêm không có quan hệ tốt đẹp, nên Nguyên Thiên đứng giữa rất khó xử, Nguyên Thục lại đang muốn làm rõ ràng chuyện phi tử, nó không thể không hỏi, ngặt nỗi Nguyên Thiên lại đang có mặt ở đây, dù khéo léo đến đâu cũng không tránh khỏi làm em gái nó đau lòng. Muốn hỏi Duy Khiêm về mọi chuyện, lại không làm Nguyên Thiên buồn, cách tốt nhất là dụ em gái nó ra khỏi nội điện làm gì đó, đến khi Nguyên Thiên quay lại thì nó và Duy Khiêm cũng đã nói chuyện xong đâu đấy cả rồi.
- Nguyên Thiên, em biết hôm nay là ngày gì không?
- Là ngày Giáng Sinh, nếu theo lịch dương!
Nghe Nguyên Thục hỏi, Nguyên Thiên trả lời ngay. Nguyên Thục mỉm cười khi em gái nó cũng như mình, cũng biết được hôm nay là ngày 25 -12, là ngày Giáng Sinh nếu tính theo dương lịch.
- Vậy có muốn đón Giáng Sinh cùng chị không?
- Tất nhiên là muốn rồi! – Nguyên Thiên đáp, giọng phấn khởi.
- Thế thì em xuống bếp, làm vài món đi, nghe hoàng thái tôn nói tay nghề của em đã tiến bộ rất nhiều, điều đó khiến chị rất ngạc nhiên. Từ trước tới nay chị chưa từng nếm món nào của em cả, sẵn dịp Giáng Sinh, em xuống bếp àm vài món cho bữa tiệc giáng sinh của chị em mình nào. Hoàng thái tôn, ngài muốn ăn gì, Nguyên Thiên sẽ nấu cho!
Hôm nay Nguyên Thục đến Nội điện, chắc chắn là về việc lập hoàng phi, nên khi thấy Nguyên Thục muốn dụ Nguyên Thiên xuống bếp, Duy Khiêm mỉm cười.
- Món mà ta thích ăn là trứng chiên, còn tiệp dư?
- Tôi thích ăn canh chua cá lóc, Nguyên Thiên, em nấu canh chua cá lóc được không?
Thấy Nguyên Thục nói cười vui vẻ với Duy Khiêm, bầu không khí ngột ngạt biến mất, Nguyên Thiên tưởng chị đã thuận theo mong ước của mình nên mừng lắm, liền hớn hở.
- Được, chị thích món gì em cũng làm được, tuy nấu không được ngon nhưng em sẽ cố gắng. Vậy chỉ có hai món trứng chiên và canh chua cá lóc thôi à, còn món gì nữa không?
- Ngoài trứng chiên, canh chua cá lóc ra, chị muốn thêm một món gà chiên nước mắm và đậu đũa luộc. Hoàng thái tôn, ý ngài thế nào?
- Được, những món đó Thiên nhi thường hay làm cho ta ăn nên cô ấy sẽ nấu ngon thôi, cứ quyết vậy đi!
Trước sự nhanh nhảu của Nguyên Thục, Duy Khiêm gật đầu. Đối với Nguyên Thiên mà nói, hai người quan trọng nhất đời mình vui vẻ, hòa khí với nhau như thế, đó là một chuyện đáng mừng, cho nên dù phải nấu nhiều món, Nguyên Thiên cũng không ngại khổ. Bảng thực đơn vừa liệt kê xong, Nguyên Thiên “vâng” một tiếng rõ to khi Duy Khiêm chốt lại câu cuối cùng. Nó quày quả xuống bếp, cố gắng nấu thật nhanh, thật ngon các món ấy, để cả ba người cùng đón ngày Giáng Sinh thật ấm cúng với nhau.
Nguyên Thiên vừa đi khuất, bầu không khí trong Nội điện liền trầm xuống. Đợi cho Nguyên Thiên đi hẳn, không quay trở lại, Nguyên Thục mới đưa mắt nhìn Duy Khiêm. Anh đang ung dung nhấp từng ngụm trà, mắt nhìn lơ đãng qua cửa sổ, tựa như nó không có mặt trong phòng. Không lãng phí thêm một giây phút nào nữa, Nguyên Thục hắng giọng một tiếng, rồi nói nhanh.
- Hoàng thái tôn, ngài thông minh thế, chắc chắn biết vì sao tôi đột ngột đến Nội điện mà không thông báo trước phải không?
- Chẳng phải tiệp dư đến đây để thăm Thiên nhi sao?
Thấy Duy Khiêm dường như đang cố tình không biết chuyện gì xảy ra để thử thách lòng kiên nhẫn của mình, Nguyên Thục bực lắm. Biết mình mà nóng giận thì sẽ đánh mất tự chủ, càng dễ bị Duy Khiêm dắt mũi, Nguyên Thục bình tĩnh nhìn thẳng vào mặt Duy Khiêm, mỉm cười.
- Một phần là thế, một phần là vì hoàng thái tôn, à không, nói chính xác hơn là vì nàng Kim nào đó!
- Nàng Kim? Kim nào thế nhỉ?
“Anh ta rõ ràng đang muốn chọc giận mình đây mà”
Nguyên Thục cau mày, nghĩ thầm, nó công nhận Duy Khiêm rất là biết cách làm cho người khác mất bình tĩnh. Biết hết mọi chuyện, nhưng giả như không biết gì, còn vờ hỏi lại với gương mặt trẻ con đáng yêu chân thật, chẳng chút dối trá nào. Thế mới nói Duy Khiêm thật là lợi hại và nguy hiểm, mỗi một lời nói đều có dụng ý riêng, chỉ có đứa em gái ngốc nghếch của nó mới đi tin anh ta thật lòng mà thôi.
- Nàng Kim. Nguyễn Thị Kim, là người mà hoàng thái tôn sẽ lập làm hoàng phi đó!
Nguyên Thục nói nhỏ nhẹ, nhưng lại cố ý kéo dài hai chữ hoàng phi ra, cốt để quan sát xem biểu hiện của Duy Khiêm thế nào. Nào ngờ, Duy Khiêm nghe xong chỉ “à” một tiếng, rồi im lặng, chẳng nói gì nữa khiến Nguyên Thục mím môi. Bình tĩnh, bình tĩnh, chớ trúng kế của anh ta.
- Vậy ngài đã biết rồi chứ, tôi qua đây là vì chuyện lập hoàng phi của ngài. Ngài tính lập nàng ấy làm hòang phi thật sao, thế còn em gái tôi ngài tính thế nào đây?
- Ta không còn cách nào khác, đành phải thế thôi!
Duy Khiêm nói, giọng thản nhiên như chuyện phải thế, làm Nguyên Thục tức giận. Nó hỏi lại ngay.
- Không còn cách nào khác là thế nào? Ngài là hoàng thái tôn, lẽ nào chuyện hôn nhân không tự quyết được?
Ung dung gạt hơi nước từ tách trà thoát lên, Duy Khiêm nhìn Nguyên Thục qua làn khói mờ ảo đó. Hình như anh đang mỉm cười, nhưng tựa như không cười, đang nhìn mà tựa như không nhìn, anh nói, giọng chậm rãi.
- Vậy, tiệp dư, Đoan Nam vương có thể tự quyết chuyện hôn nhân của ngài ấy không? Ta cũng là thân bất do kỷ, mọi chuyện không thể như ý ta quyết. Phàm là nam nhi, những đạo lí trung, hiếu, lễ, nghĩa, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đều phải nằm lòng. Trong đó, trung là trung với vua với nước, sau trung là hiếu, là hiếu với phụ mẫu, có phụ mẫu mới có mình. Mẫu thân ta muốn lập nàng ấy làm phi, hoàng gia gia muốn ta lập nàng ấy làm phi, luận về đạo trung hiếu ta đều không thể chối từ, chẳng lẽ tiệp dư muốn Thiên nhi đi yêu một người bất trung, bất hiếu như ta sao?
Duy Khiêm nói, chậm rãi mà mạch lạc, từng câu từng chữ đều rất hợp lẽ, khiến Nguyên Thục chỉ biết trơ mắt ra nhìn mà không thể phản bác câu nào. Nhưng nói gì thì nói, chuyện Duy Khiêm lập ai làm hoàng phi nó không cần biết, chuyện nó muốn biết là anh sẽ đối xử với Nguyên Thiên như thế nào thôi.
- Vậy còn em gái tôi thì sao?
- Câu hỏi đó ta tưởng tiệp dư đã sớm có câu trả lời rồi chứ!
Duy Khiêm không trả lời trực tiếp câu hỏi của nó mà nói một cách mập mờ với nụ cười mỉm, khiến Nguyên Thục cau mày.
- Sao?
- Dám hỏi hiện giờ tiệp dư và Đoan Nam vương có hạnh phúc không?
- Dĩ nhiên có! Anh hỏi thế để làm gì?
- Tiệp dư và Đoan Nam vương rất hạnh phúc, vậy tại sao ta và Thiên nhi không thể hạnh phúc?
- Tôi không thích úp mở, anh nói rõ ràng đi!
Trước phản ứng của Nguyên Thục, Duy Khiêm đan hai tay vào nhau, anh thong thả nói.
- Tiệp dư, người đâu phải là vương phi. Người cũng biết Đoan Nam vương đã lập một vương phi, nhưng người và Đoan nam vương vẫn rất hạnh phúc đấy thôi. Ai làm chính phi, thứ phi không quan trọng, quan trọng là Đoan Nam vương yêu người, cũng như ta yêu Thiên nhi vậy, có gì khác nhau!
- Anh ấy yêu tôi, tôi biết, còn anh có thật lòng yêu Nguyên Thiên không thì làm sao tôi biết. Theo như anh nói, ai là thứ phi, chính phi không quan trọng, quan trọng là anh yêu Nguyên Thiên, thế chẳng lẽ sau này anh lập thêm hai, ba hay bốn nàng thứ phi khác đều không quan trọng, miễn là anh yêu em gái tôi hay sao?
- Tiệp dư, Đoan Nam vương yêu người hay không người biết, còn ta có thật lòng yêu Thiên nhi hay không, dĩ nhiên là người không biết rồi, người đâu phải Thiên nhi, chuyện đó chỉ có thể là ta và Thiên nhi biết, người ngoài há có thể phán xét sao. Như ta đã nói, đạo trung, hiếu ta không thể không theo. Việc kết nạp phi tử xưa nay đều là phục vụ cho mục đích chính trị, để liên minh quyền lực, ổn định các phe cánh, lèo lái đất nước, huống chi, ta lại là một hoàng thái tôn, cho nên lập thêm hai, hay ba nàng thứ phi khác không quan trọng. Quan trọng nhất vẫn là ta yêu ai, thế thôi!
Duy Khiêm càng nói, Nguyên Thục càng thêm giận, nó nhướng mày lên, nhấn mạnh từng lời.
- Anh nói hay lắm, cái gì mà trung với hiếu, cái gì mà mục đích chính trị. Anh nói lập hai ba người không quan trọng, quan trọng là anh yêu ai. Vậy cứ cho rằng bây giờ anh yêu em gái tôi, nhưng có cái gì đảm bảo sau này anh sẽ không yêu người khác, sẽ bỏ rơi em gái tôi không?
- Tiệp dư, người nói thế, tức là đã quá đề cao bản thân và không tin tưởng Thiên nhi rồi. Người cho là mình thông minh, có thể chọn và yêu đúng người, nên còn muốn kiểm soát và quyết định cả chuyện Thiên nhi phải chọn ai, yêu ai hay sao? Người có thể đúng, lẽ nào Thiên nhi lại không thể? Người không phải Thiên nhi, làm sao biết cô ấy yêu sai hay đúng, người cũng không phải ta, làm sao biết ta đúng hay sai. Hơn nữa, chuyện tình cảm cũng có thể phân biệt đúng hay sai sao, là ai sẽ thẩm định chuyện đó, nếu không phải là người trong cuộc? Trung và hiếu là hai phẩm chất đứng đầu của nam nhi, ta phải làm tròn đạo trung, hiếu đó. Còn nếu cả hai phẩm chất đó cũng không đảm bảo được thì đừng nói gì đến thủy chung son sắc làm gì. Chắc hẳn người không muốn Thiên nhi yêu một kẻ bất trung, bất hiếu, hay thay đổi sớm chiều phải không?
Đến đây thì Nguyên Thục không thể nào bắt bẻ Duy Khiêm được nữa. Lý luận của anh rất sắc bén, gọn gàng, không thừa cũng không thiếu, dù Nguyên Thục có giỏi ứng biến đến đâu cũng chẳng phản bác được lại lời nào. Lời Duy Khiêm nói rõ ràng làm Nguyên Thục rất tức giận, rất bất bình, nhưng nó chỉ biết im lặng trước những lý lẽ ấy. Dẫu vậy, cứ nghĩ đến viễn cảnh Nguyên Thiên bị bỏ rơi hay bị lãng quên trong cái cung cấm toàn phi tử vì “mục đích chính trị” của Duy khiêm là nó lại giận sôi cả người.
Nếu tiếp tục truy vấn Duy Khiêm thêm nữa, Nguyên Thục e nó sẽ khó kiểm soát được hành động và sự nóng giận của mình, mà nó thì lại không muốn thế, nên nó thôi không hỏi Duy Khiêm nữa, mà quay người nhìn ra cửa sổ, cùng với những suy nghĩ riêng trong đầu mình.
Có thể nói qua cuộc truy vấn này, mối ác cảm trong lòng nó về Duy Khiêm lại càng tăng thêm bội phần. Cái cách anh ta trả lời về đạo trung, hiếu, nghe rất có lý, nhưng lại không làm nó cảm động chút nào, cứ như là lời biện hộ cho việc anh ta yêu Nguyên Thiên, nhưng lập bao nhiêu phi tử là chuyện riêng của anh ta vậy. Khi nói với nó như thế, liệu anh ta có nghĩ đến Nguyên Thiên không, có cảm thông cho Nguyên Thiên không, khi giải thích với Nguyên Thiên có nói rõ ràng như thế hay không, hay cái đạo trung, hiếu đó chỉ đưa ra khi trả lời nó. Đã lập hoàng phi, không cho Nguyên Thiên chút danh phận nào, lại còn muốn giữ Nguyên Thiên ở bên cạnh, không rời, như thế chẳng phải đã khẳng định Duy Khiêm muốn lợi dụng Nguyên Thiên để uy hiếp nó hay sao? Càng nghĩ Nguyên Thục càng thấy lo lắng và tức giận. Sao em gái nó lại ngây thơ, dễ tin người đến thế, tại sao lại bỏ mặc mọi lời can ngăn khuyên bảo của nó, cứ đâm đầu vào tình yêu ấy, cứ khăng khăng muốn ở bên cạnh người này trong khi anh ta chỉ đang muốn lợi dụng em gái nó thôi.
Việc kết nạp phi tử xưa nay đều là phục vụ cho mục đích chính trị, để liên minh quyền lực, ổn định các phe cánh, lèo lái đất nước
Mục đích chính trị?
Liên minh quyền lực?
Ổn định các phe cánh?
Đó chẳng phải dấu hiệu cho thấy anh ta đang củng cố quyền lực, tìm kiếm liên minh và thành lập vây cánh cho mình để lật đổ phủ chúa, thu lại thực quyền hay sao.
Trong phút chốc, như có ánh lửa bùng cháy trong mắt Nguyên Thục. Duy Khiêm đang có mưu toan, nó đã biết và chắc chắn không thể bỏ qua, không thể để Duy Khiêm muốn làm gì thì làm…
Nó phải bảo vệ Trịnh Khải
Bằng mọi giá nó phải bảo vệ tổ ấm của riêng mình!
140
Mặt trời lặn
Nhưng hòang hôn chưa về
Người ta nói “đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối”, cho nên mỗi buổi chiều vàng của tháng năm, hai đứa trẻ ấy lại được phép chơi lâu hơn một chút trước khi thầy gọi về.
Trên triền đồi lộng gió, có hai bóng người đang ngồi trong yên lặng, cả hai cùng dõi mắt về hướng hai cậu bé sinh đôi đang chơi thả diều. Tuy gương mặt của họ giống nhau, nhưng tính cách và biểu hiện thì lại khác nhau hoàn toàn. Một người ngồi lặng thinh, gương mặt lạnh như đá tảng, đôi mắt tăm tối như vực sâu, người còn lại thì lại phảng phất nụ cười trên môi, gương mặt hiền hòa, tạo cho người khác cảm giác thân thiện và dễ gần.
Ngồi trên triền đồi, nhìn hai đứa trẻ sinh đôi đang lay hoay viết tâm nguyện lên cánh diều, đôi mắt tối tăm của Nguyễn Huệ như phủ một lớp sương bạc. Cơn gió to thổi đến, cánh diều rời khỏi tay hai đứa trẻ, miên man bay vút lên cao, cho đến khi chỉ là một chấm xám bạc giữa khoảng xanh của bầu trời.
Ngồi bên cạnh anh là một người rất đỗi thân thuộc, Văn Bình, là người anh hết lòng bảo vệ, là người anh mong muốn gặp nhất kể cả trong giấc ngủ, nhưng tại sao khi cả hai ngồi cạnh nhau, rất gần như thế này, anh không ngoảnh đầu nhìn, không nói gì, cũng không để lộ cảm xúc gì, ngoài đôi mắt tăm tối như vực sâu.
Anh chỉ nhìn đăm đăm về phía trước, nơi hai đứa trẻ thả diều trên cánh đồng.
Văn Bình và Nguyễn Huệ, cả hai cứ lặng yên mà ngồi như thế. Mây chu sa cuồn cuộn trôi về phía chân trời, mặt trời lạnh, hoàng hôn lạnh, gió chiều lạnh thổi se sắt trên ngọn cỏ chao nghiêng. Cánh diều bay bổng, tít tắp, hai đứa trẻ khoác vai nhau, thả bộ xuống chân đồi.
Mây đỏ vẫn hối hả trôi
Thời gian trôi qua mái đầu…
Nguyễn Huệ nhẹ nhàng mở mắt.
Nắng ban mai đã lên, bên tai anh là tiếng chim hót, mọi cánh cửa sổ đều mở toang, ánh sáng tràn ngập căn phòng, mùi thơm thoang thoảng của bó hoa tươi được cắm trên bàn khiến đôi mày kiếm anh nhíu lại. Ánh sáng này là sao? Đó là câu hỏi đầu tiên bật lên trong đầu Nguyễn Huệ. Đây là nhà thầy giáo Hiến? Lạ lẫm, rất lạ lẫm đó là cảm giác đầu tiên của anh khi tỉnh lại. Tất cả đồ vật trong nhà đều được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, trên bàn lại còn có bình hoa tươi. Nguyễn Huệ ngồi dậy, anh rảo mắt nhìn một vòng quanh nhà, rồi lại lướt mắt nhìn ra cửa sổ, rảo mắt tới đâu sự ngạc nhiên liền hiện tới đó. Ngoài vườn cây cỏ được chăm sóc cẩn thận, tưới nước đầy đủ, trước thềm nhà, chậu hoa hiếm muộn đã hé nở những cánh hoa tươi thắm đầu tiên.
Nhìn chú bướm trắng rập rờn trên cánh hoa, Huệ dõi theo cánh bướm, đôi mắt sâu trở nên mơ hồ tựa như nhìn thấy con diều chở gió bay lồng lộng trên bầu trời bao la. Diều, giấc mơ đêm qua anh cũng nhìn thấy diều, con diều từ những ngày xa xưa, khi thời gian chưa phai màu. Rất lâu rồi, anh đã không còn biết mơ là gì, vậy mà đêm hôm qua anh lại mơ thấy cánh diều chênh vênh ấy. Đồng xanh bao la, hoàng hôn nhạt nhòa, ngồi bên cạnh anh là người anh trai thân yêu nhất. Giây phút đó, anh muốn nhìn thật lâu, thật kỹ Văn Bình, nhưng đôi mắt lại cứ dõi vào khỏang không gian mênh mông phía trước. Anh muốn cất lời, nhưng bờ môi cứ mím lại, lặng thinh không nói. Anh muốn chạm vào Văn Bình, nhưng bàn tay lại cứ bất động, nặng nề. Anh chỉ ngồi đó và ngồi đó, cho đến khi Văn Bình dần tan vào khoảng không…
Cho đến giây phút ấy, Huệ mới ngoảnh nhìn lại thấy bên cạnh mình là khoảng trống. Anh đăm đăm nhìn khoảng trống ấy, gió chiều xôn xao, hoàng hôn phủ trong đôi mắt, mặt trời lạnh khuất sau lưng anh, hoang tàn và quạnh hiu.
“Anh vẫn ở đây”
Trước khi tan biến, Văn Bình đã nói như thế.
Anh vẫn ở đây
Nguyễn Huệ đứng dậy, anh tới song cửa, phóng tầm mắt nhìn ra ngoài, nơi xa là ngọn núi, quanh năm mây trắng, đứng ở đây có thể nhìn thấy ngọn núi xanh ấy, nhưng đứng trên ngọn núi ấy, thì lại chẳng thể thấy mái nhà tranh này.
- Anh dậy rồi à, tôi có nấu cháo đây, anh ăn đi cho nóng!
Đang còn nhìn ngọn núi xa, một mùi thơm từ dưới bếp nhè nhẹ bay lên, rồi mùi thơm ấy càng ngày càng gần, giữa bầu không khí trong lành của sớm mai. Một giọng nói trong trẻo cất lên, mà không quay đầu lại, anh cũng biết đó là ai.
Bưng khay cháo tiến lại gần, Linh Lan nhẹ đặt tô cháo xuống bàn, nói vui vẻ. Ban nãy qua song cửa, nhìn thấy Nguyễn Huệ đã tỉnh, Linh Lan liền xuống bếp, nấu cho anh một nồi cháo hành thơm. Trước đó đã không ăn gì, ba ngày nay ngủ miệt mài không hề thức giấc, bây giờ tỉnh lại, có lẽ tinh thần anh sẽ rất mệt mỏi. Cháo là món dễ ăn nhất, lại nhẹ bụng, ăn một chút để lấy lại sức bao giờ cũng là điều nên làm.
Linh Lan đặt tô cháo xuống bàn, nhưng thấy Huệ không quay người lại, nó liền tò mò tiến lại gần anh, phóng mắt ra ngoài cửa sổ xem anh đang nhìn gì. Thấy bên ngoài chỉ có một ngọn núi trơ trọi nơi xa, Linh Lan tự hỏi chẳng biết ngọn núi ấy có gì mà Huệ cứ nhìn mãi thế. Ngọn núi ấy quả thật rất cao, đỉnh núi chìm trong mây, giữa bầu trời xanh lừng lững một trái núi, trông trơ trọi và như thách thức đất trời.
- Đứng ở đây thì nhìn thấy ngọn núi, chứ đứng trên ngọn núi thì sao thấy nơi này!
Trong phút ngắm nhìn ngọn núi, Linh Lan buột miệng nói, lúc này Huệ mới quay đầu lại. Có lẽ không để ý Linh Lan đang đứng phía sau mình, nên khi anh quay lại, thì chạm ngay gương mặt nó. Trong khoảnh khắc hai gương mặt gần nhau ấy, dường như Linh Lan cảm nhận được sự ngạc nhiên khó hiểu trong mắt Huệ, còn đôi mày kiếm của anh thì nhíu lại, có vẻ như sự va chạm này ngoài ý muốn của anh.
Không nói với Linh Lan câu nào, Huệ lách ra, ngồi xuống bàn, nơi đang đặt tô cháo bốc khói. Anh cầm lấy chiếc muỗng, rồi bắt đầu ăn. Thấy Huệ đã ăn cháo mình nấu, chẳng hiểu sao Linh Lan cảm thấy rất vui vẻ. Nó ngồi xuống bàn, tay chống cằm nhìn Huệ ăn, bờ môi đào điểm một nụ cười hài lòng. Không để ý đến Linh Lan, Nguyễn Huệ ăn một mạch hết tô cháo. Buông chiếc muỗng xuống khi tô cháo đã cạn queo, anh mới ngẩng đầu lên nhìn Linh Lan, cất giọng. Giọng nói trầm như một người đã lâu không nói chuyện với ai.
- Cám ơn!
Nói xong, không đợi Linh Lan trả lời, Huệ đã đứng dậy, mang tô cháo xuống nhà bếp để rửa, chỉ còn lại Linh Lan ngồi một mình, hơi bất ngờ. Nhìn theo dáng Huệ, trong lòng Linh Lan dậy bao tâm tư. Khi quay trở lại nhà thầy giáo Hiến, nhìn thấy Huệ ngồi trong bóng tối, mắt vẫn mở nhưng không còn sinh khí, chỉ chờ chết, trái tim Linh Lan thắt lại trong vô thức. Nó đã cố gắng lay tỉnh anh dậy, nhưng tất cả mọi biện pháp đều là công cốc, chỉ đến khi nhắc đến Văn Bình, Huệ mới có phản ứng.
Trong đời này, có lẽ người quan trọng nhất với Nguyễn Huệ chỉ có Văn Bình. Cả Tây Sơn, cả trách nhiệm, thậm chí cả tính mạng anh cũng không cần đến, ấy vậy mà chỉ cần nghe đến hai từ “Văn Bình” thôi, Huệ như người đặt chân xuống âm phủ mà còn quay trở lại. Bao nhiêu đó cũng đủ để chứng minh rằng, Văn Bình luôn là người quan trọng nhất của Huệ, và sẽ mãi mãi là như thế. Huệ yêu thương Văn Bình, bảo vệ Văn Bình đến hy sinh mạng sống mình, tình yêu ấy vừa đẹp, nhưng cũng rất khờ dại. Được người khác yêu thương đến hy sinh mạng sống, tất nhiên là rất hạnh phúc, nhưng bên cạnh đó cũng sẽ rất đau lòng, rất rất đau lòng khi người đó vì mình mà hy sinh.
Linh Lan bỗng nhiên buông một tiếng thở dài.
Trong việc quân, Huệ là người vô cùng thông minh, nhưng trong chuyện thể hiện tình cảm, Huệ lại rất khờ khạo, rất khờ khạo khi cái cách mà anh bày tỏ sự yêu thương của mình, là cái cách làm tổn thương nhất, day dứt nhất và đau đớn nhất cho cả Văn Bình và anh.
Nếu nó được một người như thế yêu thương, thì sao nhỉ?
Trong khi Linh Lan đang suy nghĩ, thì Nguyễn Huệ từ nhà dưới bước lên. Thấy anh, Linh Lan sực nhớ ra một chuyện quan trọng mà ban nãy nó quên không nói, liền gọi anh.
- Mấy ngày qua khi anh đang ngủ, Phan Văn Lân đã cho chim bồ câu đưa thư rất nhiều. Lân gấp gáp thế, chắc có chuyện quan trọng cần báo tin. Mấy ống thư ấy tôi cất trong chiếc hộp để trên bàn ấy, anh mau xem đi!
Định sau khi rửa tô cháo vừa ăn xong, Huệ sẽ hỏi Linh Lan xem mấy ngày qua Phan Văn Lân có gởi tin báo gì cho anh không, thì Linh Lan đã tự động nói trước. Không để Linh Lan nhắc lần thứ hai, Huệ liền tiến lại chiếc bàn kê gần cửa sổ, tay mở chiếc hộp ra, đôi mày kiếm nhíu lại khi nhìn thấy sáu lá thư nằm lăn lóc bên trong.
Trong ba ngày mà có tận sáu lá thư gởi đến, chứng tỏ Tây Sơn hiện đang có rất nhiều chuyện xảy ra. Nhanh chóng mở từng lá thư Lân gởi ra đọc, mắt rà tới đâu, đôi mày kiếm của anh chau lại đến đó. Mới có mấy ngày không cập nhật tin tức mà tình hình đã chuyển biến đến như thế này rồi sao?
- Hiện ta cần được yên tĩnh, cô có thể nhường lại không gian này để ta làm việc không?
Lướt mắt về phía Linh Lan, Huệ hỏi. Nhìn biểu hiện của anh khi đọc đi đọc lại và trải những bức thư Phan Văn Lân gởi đến ra bàn, Linh Lan hiểu ngay đó là chuyện rất quan trọng từ Tây Sơn. Huệ cần không gian yên tĩnh để làm việc, nó tất nhiên không thể quấy rầy anh, thôi thì nhân lúc anh suy nghĩ, thì nó sẽ đi chợ, làm vài món ăn để mừng anh khỏe lại vậy.
- Được, tôi không làm phiền nữa, anh cứ thong thả suy nghĩ!
Linh Lan mỉm cười, nó đứng dậy, tay với lấy cái giỏ mây rồi bước ra ngoài. Đợi cho Linh Lan đi khuất, Nguyễn Huệ mới đóng tất cả cánh cửa lại, ánh sáng lại bị đẩy ra ngoài, bóng tối tràn về chiếm hữu. Nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, Huệ nhìn đăm đăm vào khoảng không gian tù mù trước mặt, từng con chữ của Phan Văn Lân lần lượt đi qua tâm trí anh, mang theo những tin tức không mấy tốt đẹp gì.
141
Bầu trời xanh rì rào lộng gió, hai đứa trẻ băng qua cánh đồng, tiếng cười giòn dã không ngớt, con diều bay cao vút như tan vào mây ngàn…
Huệ mở mắt.
Trong ngôi nhà tranh không một ánh đèn, bóng tối cô đặc bao trùm không gian, Huệ đang ngồi trên ghế, hai tay đan lại với nhau, mắt nhìn về hướng cửa sổ đã đóng chặt. Ngoài kia, có lẽ vạt nắng cuối chiều đang nghiêng dài trên nền đất lạnh, báo hiệu hoàng hôn đang về.
Có phải ban nãy Huệ vừa mới ngủ? Không, anh chỉ nhắm mắt lại, rất nhanh, rồi mở mắt ra. Chỉ một khắc thôi, nhưng hình ảnh ấy lại vương vào tâm thức anh, sống động, như mọi chuyện chỉ vừa xảy ra vào hôm qua.
Huệ chớp mắt, dư âm của những hình ảnh ấy biến mất, anh nhìn xấp thư báo tình hình của Lân được trải trên bàn, rồi thong thả vuốt nó thẳng lại. Mấy ngày qua không cập nhật tình hình, thật không ngờ cục diện hiện tại đã rơi vào tình thế rối ren đến vậy, do mối quan hệ giữa Tây Sơn, Chân Lạp và Xiêm La đã có bước chuyển biến phức tạp.
Tình hình ở Chân Lạp hiện đang rất rối ren, Nặc Ấn đã bị Chiêu Thùy Biện nổi dậy, đánh đuổi để phải trốn qua Xiêm, sự kiện đó vô tình thổi bùng lên ngọn lửa tranh chấp khi vua anh và Xiêm đều muốn bảo hộ vùng này. Trước đây, hai bên ở thế kềm nhau, vậy nên, vua anh và Xiêm đã thỏa hiệp là để yên cho Nặc Ấn quản lí Chân Lạp vì nếu là Nặc Ấn thì hai bên có cơ hội gây ảnh hưởng như nhau. Nhưng không ngờ Chân Lạp giờ đây lại xảy ra đảo chính. Nặc Ấn từng được Xiêm vương đưa lên ngôi, chạy về đó cầu viện cũng là lẽ tất nhiên, nhưng điều đó không có nghĩa là Tây Sơn không còn cơ hội. Nếu dựa trên danh nghĩa giúp Nặc Ấn khôi phục lại quyền lực, Xiêm hay Tây Sơn ra tay trước đều sẽ giành được lòng biết ơn của Nặc Ấn, rồi từ sẽ áp đặt được ảnh hưởng và quyền bảo hộ lên Chân Lạp. Quan trọng chính là, ai sẽ ra tay trước mà thôi.
Nhưng vấn đề là, tại sao lại đúng lúc như vậy, nổ ra sự kiện đảo chính soán ngôi, thổi bùng lên cuộc tranh chấp quyền lợi giữa Tây Sơn và Xiêm trong khi trước giờ hai bên đều tránh đối đầu bằng cách không xâm phạm vào việc riêng của nhau?
Cách đây không lâu, có tin báo Châu Văn Tiếp sang Xiêm cầu viện, vua anh liền cấp tốc cử sứ giả sang Xiêm, mục đích là yêu cầu Phật vương không tham gia vào chiến tranh giữa Nguyễn và Tây Sơn. Phật vương từ đó cũng không có động thái nào rõ ràng để gây hiềm khích với Tây Sơn cả. Sự việc lần này xảy ra thật đúng lúc, khiến mối quan hệ vốn mỏng manh giữa Tây Sơn và Xiêm bị nghiêng lệch bởi việc tranh chấp quyền lợi.
Chưa dừng lại ở đó, theo tin mới nhất mà Lân vừa đưa, vua anh đã cử Trương Văn Đa cất quân sang Chân Lạp tiến đánh Xiêm, do nghe điệp viên báo rằng Xiêm sẽ tiến đánh Quy Nhơn theo đường Ai Lao. Quân của Trương Văn Đa đã giáp mặt quân Xiêm, chiến tranh đã nổ ra, và tình hình sau đó sẽ còn chuyển biến phức tạp hơn rất nhiều. Đúng là đổ thêm dầu vào lửa, chiến tranh đã nổ ra thì có muốn dập cũng không thể dập ngay.
Và quan trọng là, sự gẫy đổ trong quan hệ của Xiêm và Tây Sơn sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho Nguyễn Ánh. Cán cân lựa chọn của Xiêm lúc này đã nghiêng hẳn về phía hắn.
Tất cả đều là ngẫu nhiên sao? Anh không cho là vậy.
Nguyễn Huệ chống tay lên cằm, mắt nhìn đăm đăm về phía trước. Trong bóng tối, một khối ánh sáng lờ mờ xuất hiện, khối ánh sáng đó dần tụ lại thành một bàn cờ tướng. Đối thủ của anh cũng xuất hiện ở phía đối diện, đôi mắt nâu trong suốt, nụ cười kiêu ngạo trên bờ môi. Chậm rãi, cánh tay của hắn vươn ra, đẩy một quân cờ lên, tạo thành thế đầu tiên cho ván cờ trước mặt.
Nguyễn Huệ nhếch môi, ngón tay trỏ gõ nhẹ lên thành ghế, bóng tối dày đặc bao trùm cả hai người, duy chỉ có bàn cờ là lung linh tỏa sáng. Đây là thế cờ đầu tiên của Nguyễn Ánh, và Tây Sơn đã ở thế hạ phong. Nguyễn Ánh là người đi câu, con mồi là Chân Lạp, và quả nhiên, con cá Tây Sơn đã dính bẫy chỉ vì tham lam, quyết không để miếng mồi ngon bị kẻ khác đoạt mất. Trong chuyện này, hơn ai hết, Huệ biết chính sự đối đầu giữa Tây Sơn và Xiêm La là nguyên nhân trực tiếp kéo theo hệ quả là tạo điều kiện cho Nguyễn Ánh trục lợi, đẩy sự lựa chọn của Xiêm La nghiêng về Nguyễn quân. Thế cờ này, Nguyễn Nhạc đã đi sai liên tiếp. Chính sự vượt quyền, gây hấn của Trương Văn Đa đã khiến cục diện đối đầu là không thể tránh khỏi, và điều đó đồng nghĩa với việc Tây Sơn mất đi một đồng minh và có thêm một kẻ thù.
Tại sao Chiêu Thùy Biện lại đột ngột nổi dậy, đảo chính Nặc Ấn?
Tin tức gián điệp báo Xiêm La sẽ tấn công Quy Nhơn bằng đường Ai Lao mà Trương Văn Đa nghe được là do đâu, tính xác thực thế nào?
Hiện tại, quan hệ của Xiêm và Miến Điện không hề tốt, nếu động binh với Tây Sơn, Xiêm sẽ ở thế bất lợi vô cùng. Thứ mà Phật vương cần là Chân Lạp phải ổn định, phía Đông phải ổn định, vậy thì tại sao Xiêm lại muốn đánh Quy Nhơn?
Thông tin này rõ ràng là thông tin giả, là mồi lửa thổi bùng lên xung đột. Nguyễn Nhạc đã không đủ sáng suốt khi để sự ấm ức vì vuột mất cơ hội ở Chân Lạp che mắt mà không kiểm tra tin tức kỹ càng, nóng lòng cho Trương Văn Đa khai chiến. Ông đã liên tục đi sai nước cờ, để mặc người ta lợi dụng.
Tất cả những vụ việc này, chắc chắn có sự nhúng tay của Nguyễn Ánh.
Nghêu sò đánh nhau, ngư ông đắc lợi…
Nụ cười kiêu ngạo trên môi người đối diện từ từ nhạt nhòa rồi tan biến, bàn cờ cũng dần biến mất, trả lại không gian bóng tối tĩnh mịch như lúc ban đầu. Vẫn ngồi yên trên ghế, đăm đăm nhìn vào khoảng không – nơi bàn cờ đã biến mất, đôi mắt vực thẳm của Nguyễn Huệ lấp lánh, như có đốm lửa dưới đáy vực sâu. Nguyễn Nhạc quá nóng vội, Nguyễn Lữ thiếu sáng suốt, rốt cuộc đã đưa Tây Sơn vào cuộc chiến không đáng có và làm cho tình hình ngày càng có chiều hướng xấu đi.
Nguyễn Huệ nhắm mắt lại, bóng tối trôi qua vạn dặm, những ngón tay anh gõ nhịp đều đặn trên thành ghế, dưới chân anh là bọc hành lý nhỏ, lồng chim con, và một thanh kiếm sắc, lạnh nằm gọn gàng.
Bàn tay anh gõ nhịp nhẹ nhàng.
Một nhịp, hai nhịp, ba nhịp.
Đã đến lúc rồi!
Cánh cửa bật mở, ánh sáng lùa vào căn phòng, Phan Văn Lân đứng trước ngưỡng cửa, những giọt mồ hôi đọng lại trên trán do phải gấp rút phóng ngựa cả một quãng đường dài. Vội vàng tiến vào nhà,vòng tay khấu chào, Phan Văn Lân nói sốt sắng.
- Bẩm tướng quân, Thái Đức hoàng đế có lệnh khẩn cấp triệu người về Quy Nhơn!
Ngón tay dừng lại, thôi gõ, Nguyễn Huệ mở mắt, trong mắt anh là một mảng xám. Anh thong thả đứng dậy, vác bọc hành lý lên vai, tay xách lồng chim và thanh kiếm, từng bước rời khỏi ngôi nhà tranh. Sẽ rất lâu mới có thể quay trở lại nơi này, nhưng anh đi, đầu không ngoảnh lại, chỉ có đôi mắt hoang tàn nhìn thẳng về phía trước, nơi con đường đang đợi.
Ván cờ đã chính thức bắt đầu!
oOo
- Chúa công, Tây Sơn và Xiêm đã xảy ra xung đột đúng như người dự đoán.
Trên một hòn đảo bơ vơ, lộng gió, có ánh lửa nhỏ bập bùng cháy, soi tỏ ba bóng người đang ngồi sưởi ấm trong tiết trời lạnh giá. Một người to béo, gương mặt tròn trịa bận áo linh mục – là Bá Đa Lộc, một người đứng phía sau là Nguyễn Văn Thành, người còn lại được xưng chúa công không ai khác là Nguyễn Ánh.
Ngồi bên cạnh ánh lửa đỏ hồng, tà áo vàng của Nguyễn Ánh như sáng lên, hòa một màu với ngọn lửa đang rực cháy. Bá Đa Lộc đã báo tin xong, nhưng Nguyễn Ánh vẫn chưa đáp lời. Anh đang nhìn những con thiêu thân lao vào ánh lửa, biến thành tro tàn, rơi lả tả xuống những thanh củi đỏ hồng, đôi mắt nâu trong suốt lấp lánh, không biết vì ngọn lửa đỏ, hay là vì xác của những con thiêu thân đã biết sẽ chết, nhưng cứ lao đầu vào.
- Tây Sơn và Xiêm La xảy ra chiến tranh, nguyên nhân là vì sự tham lam của chúng, tham lam sinh ra bất hòa, và đầu mối của sự bất hòa đó cũng chỉ vì quyền lợi của mình mà thôi.
- Chúa công, theo như người nói, Nặc Ấn chạy sang Xiêm, theo lẽ thông thường Xiêm La đã có thể danh chính ngôn thuận giúp Nặc Ấn lật đổ Chiêu Thùy Biện, chính thức đặt quyền bảo hộ, vậy tại sao Chất Tri lại công nhận Chiêu Thùy Biện, giúp hắn đánh Tây Sơn?
Bá Đa Lộc ngẫm nghĩ những gì Nguyễn Ánh vừa nói, rồi hỏi. Đọc được sự ngạc nhiên trong đôi mắt xanh dương của Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh trầm ngâm. Sự việc đó, đến cả anh cũng có chút bất ngờ. Miếng mồi ngon ngay trước mắt, ấy vậy mà Chất Tri vẫn có thể bình tĩnh phân tích và phản ứng rất nhanh để khiến hắn có thể thu lợi nhiều nhất. Vốn dĩ định châm lửa ở Chân Lạp để thổi lên sự mâu thuẫn do tranh chấp quyền lợi giữa Tây Sơn và Xiêm, giúp mình có được thời gian và điều kiện xây dựng lại lực lượng, nhưng xem ra anh đã đánh giá quá thấp Chất Tri. Vẫn nhìn đăm đăm vào ngọn lửa đang cháy, Nguyễn Ánh chậm rãi trả lời.
- Tại sao Chất Tri lại công nhận Chiêu Thùy Biện à? Đơn giản lắm, Xiêm cũng như Tây Sơn, đều biết Nặc Ấn là người trong hoàng gia Chân Lạp, là kẻ thừa kế hợp pháp, nếu để một người hoàng gia Chân Lạp tiếp quản Chân Lạp thì cơ hội của Xiêm và Tây Sơn ngang nhau, nhưng điều đó cũng có nghĩa là, không có gì đảm bảo Nặc Ấn sẽ trung thành với Xiêm mà không ngả sang Tây Sơn. Biến cố xảy ra, Tây Sơn là kẻ phản ứng trước, nhưng chính vì thế mà Xiêm phải tìm cách biến nó thành lợi thế cho mình. Xiêm công nhận Chiêu Thùy Biện mục đích để hợp lí hóa quyền của Chiêu Thùy Biện ở Chân Lạp, biến cuộc điều binh của Tây Sơn từ giúp đỡ trở thành xâm lược. Từ đó, Xiêm có lí do dẫn quân đến tiếp quản Chân Lạp trên danh nghĩa phụ đánh đuổi Tây Sơn. Hơn nữa Chiêu Thùy Biện là người ngoài, nếu hắn không được lòng dân Chân Lạp, Xiêm có thể nhân danh trả lại tự do cho Chân Lạp mà xử lý hắn rồi tiếp quản Chân Lạp thay mặt Nặc Ấn. Danh chính ngôn thuận và ít thiệt hại nhất, đó là lí do tại sao Chất Tri công nhận Chiêu Thùy Biện.
- Theo như người nói, Chất Tri có thể xử lý Chiêu Thùy Biện và thay Nặc Ấn tiếp quản Chân Lạp, nhưng Nặc Ấn vẫn còn đó, hắn sẽ chịu sao? Chẳng lẽ…
Bá Đa Lộc chỉ nói đến đó, rồi không nói nữa. Nhìn xác những con thiêu thân rơi xuống đám lửa bùng cháy, đôi mắt trong suốt của Nguyễn Ánh lay động, lấp lánh như hai vì sao sa.
- Ông đã đoán ra vấn đề rồi đấy. Nếu ở Xiêm, Nặc Ấn lâm trọng bệnh, Chất Tri cho người hết lòng cứu chữa nhưng không được, chẳng ai trách ông ta, ngược lại ông ta còn được tiếng nhân hậu, có thể danh chính ngôn thuận đặt quản lí lên Chân Lạp. Vậy là tranh chấp sẽ được giải quyết đến triệt để, và ít hao tổn nhất, nhưng được lợi nhiều nhất.
Nghe viên chúa công trẻ tuổi nói, Bá Đa Lộc im lặng, không gian chỉ còn tiếng lửa cháy lách tách, lèo xèo. Ngẫm nghĩ một lúc, Bá Đa Lộc lại lên tiếng hỏi.
- Điều này chỉ có thể xảy ra nếu Tây Sơn chịu để yên, và quả thật chúng thì làm sao lại có thể ngồi yên như thế. Xung đột quả thật đã bùng nổ rồi.
- Chúng không để yên, vì chúng ta không để chúng có cơ hội làm vậy.
Nghe lời nhận xét của Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh liền đáp lại, nhưng chỉ nói có thế. Qua ánh lửa lung linh, bờ môi thanh tú của Nguyễn Ánh như đang cười, nhưng nhìn kỹ thì lại không. Hơn ai hết, Nguyễn Ánh biết rõ Tây Sơn và Xiêm La tại sao lại động binh.
Xiêm La vốn là thế lực đứng ngoài trong cuộc tranh chấp của Tây Sơn và Nguyễn quân, chiếu theo sự trù trừ của Chất Tri khi Châu Văn Tiếp sang cầu viện cũng đủ thấy hắn cẩn trọng và cân nhắc như thế nào trong việc lựa chọn đứng về phía nào trong cán cân Nguyễn và Tây Sơn. Nguyễn quân không có lợi thế, vậy thì anh sẽ tạo ra lợi thế đó.
Dựa vào sự ham quyền của Chiêu Thùy Biện, khích thích hắn đem quân làm phản, đó là bước thứ nhất. Chiêu Thùy Biện người đông thế mạnh nên lật đổ được Nặc Ấn, Chân Lạp bị chiếm là thời cơ thích hợp để Xiêm và Tây Sơn cùng vào cuộc để tranh giành quyền bảo hộ. Quan hệ giữa bọn chúng dựa trên việc không xâm phạm quyền lợi của nhau, nay ranh giới ấy đã bị phá bỏ, hiềm khích dẫn đến chiến tranh sẽ là điều tất yếu.
Nhưng Nguyễn Ánh không ngờ Chất Tri lại quyết định công nhận Chiêu Thùy Biện và lấy đó làm lí do đẩy lùi Tây Sơn, biến viễn cảnh bất lợi trước mắt thoắt cái có thể nhanh chóng dẹp tan vì Tây Sơn cũng không thể vô lí mang binh đi xâm lược. Không để yên cho điều đó xảy ra, Nguyễn Ánh lập tức hành động bước thứ hai, đó là lợi dụng khi Tây Sơn còn đang rất ấm ức về quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, tung ra một loạt thông tin giả để khiến Tây Sơn cảm thấy bị đe dọa từ hành động của Chất Tri, khiến bọn chúng chủ động gây ra xung đột. Một khi đã không thể bình tĩnh ngồi lại cùng nhau suy xét kĩ càng mọi vấn đề, hành động gây hấn dù nhỏ nhất cũng không thể cứu chữa. Và một khi Xiêm và Tây Sơn đã đánh nhau, chúng sẽ không sớm dừng lại, mục đích của anh sẽ đạt được. Phá vỡ sự cân bằng giữa Tây Sơn và Xiêm La, châm ngòi chiến tranh khiến cán cân của Xiêm La nghiêng về phía quân Nguyễn và Tây Sơn phải bận rộn ở một chiến trường khác, anh đã đạt được điều mình muốn.
Chỉ là…
Ánh mắt Nguyễn Ánh chợt tối lại khi nghĩ đến hành động giúp Chiêu Thùy Biện của Chất Tri. Rõ ràng, Xiêm vương không phải là một kẻ đơn giản như anh đã nghĩ. Hắn chắc chắn sẽ lại có động tĩnh, nhưng hiện tại, anh cũng không đoán được hắn sẽ làm gì.
Nếu đã không đoán được Chất Tri làm gì…
- Bá Đa Lộc, từ bây giờ ông hãy chuẩn bị đi, khi nào sang Phú Lăng Sa hãy đưa Cảnh nhi theo, đừng quên những gì tôi và ông đã bàn bạc với nhau!
Nguyễn Ánh cất tiếng, giọng anh trầm xuống, đôi mắt nâu trong suốt lấp lánh khi nhìn Bá Đa Lộc. Ánh mắt ấy nhắc cho Bá Đa Lộc nhớ những gì cả hai đã bàn với nhau trước đó, bèn lẳng lặng gật đầu. Nhận được sự xác định của Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh mỉm cười, một nụ cười nhẹ nhàng
Bá Đa Lộc đưa Cảnh nhi sang Phú Lăng Sa, hơn ai hết ông ta sẽ là người đảm bảo sự an toàn cho Cảnh nhi, tiếp đó, anh sẽ đưa gia quyến của anh đến Phú Quốc, hòn đảo quanh năm lộng gió ấy luôn là nơi ẩn trú lý tưởng nhất, và quan trọng nhất, không ai có thể tìm ra họ, ngoại trừ anh!
Nếu đã không đoán trước được tiếp theo Chất Tri sẽ làm gì, thì anh phải hành động trước. Gia quyến an toàn, thì không ai, kể cả ông trời có thể đe dọa được anh!
Ván cờ đã chính thức bắt đầu!
oOo
Trong căn phòng sáng lấp lánh ánh nến, một người đàn ông cao lớn đang đứng rà tay lên tấm bản đồ được căng ra trên bàn, ánh mắt chăm chú, đăm chiêu. Thi thoảng, y lại dõi mắt về phía cánh cửa lớn đang đóng im ỉm, như chờ đợi tin tức quan trọng gì đó. Người đàn ông đó chính là Chất Tri – Phật vương của Xiêm La.
- Bẩm quốc vương, người có tin báo từ chiến tuyến ạ!
Đúng như y chờ đợi, nhanh chóng, cánh cửa sơn son bật mở, một người lính vội vã tiến vào căn phòng vàng ánh nến, trên tay là bức thư còn chưa ráo mực, cung cấp thông tin quan trọng từ chiến trường. Như chờ đợi tin này đã lâu, Chất Tri liền vươn tay, đón lấy lá thư, bóc sáp ra rồi lướt mắt lên những dòng chữ trong tờ giấy ngả vàng.
Tây Sơn và Xiêm La đã chính thức xảy ra xung đột.
Ngồi xuống ghế, tay cầm lá thư buông thõng, tay còn lại xoa xoa vết hằn giữa hai mắt, Chất Tri nhắm mắt và bắt đầu sắp xếp lại những chuyện vừa xảy ra thời gian gần đây. Nhanh quá, ra tay rất nhanh. Với tình hình hiện nay, Tây Sơn và Xiêm La đối đầu, người được lợi nhất khẳng định chính là vị chúa Nguyễn ở Nam hà, Nguyễn Ánh.
Trước đây, khi Châu Văn Tiếp sang cầu viện, y đã chần chừ, do dự vì không thấy mình được lợi ích gì khi phải phá đi mối quan hệ bình ổn với Tây Sơn để giúp đỡ cho vị chúa Nguyễn đang ở chỗ thất thế, lưu vong, không có thế lực kia. Tây Sơn và Xiêm La quan hệ tuy không thể nói là tốt, nhưng không động chạm hay can thiệp vào chuyện của nhau, vậy mà thoắt cái, mồi lửa về cuộc xung đột quyền lợi ở Chân Lạp lại được thổi bùng lên, thay đổi tất cả tính toán và suy nghĩ của y.
Chuyện đó là ngẫu nhiên sao?
Không, tuyệt đối đó không phải là ngẫu nhiên. Chuyện ngẫu nhiên, không thể trùng hợp đến như vậy.
Như trong tin báo nhận được từ tiền tuyến, trong một lần đụng độ giữa hai cánh quân, tù binh mà quân lính bắt được đã khai rằng, phía Tây Sơn cất quân là do có tin báo Xiêm La sẽ tấn công Quy Nhơn bằng đường Ai Lao. Xiêm muốn tấn công Quy Nhơn ư? Từ đâu lại có thông tin này, mà lại trùng hợp vào thời điểm này, khi quan hệ hai bên đang trên đà xấu đi. Đó là còn chưa kể trong thời gian gần đây, y liên tục nhận được tin Tây Sơn đã bắt giữ vài người lính bên Xiêm La mà không chịu thả, gây lên hiềm khích và bất mãn trong các đạo quân. Chất Tri nhíu mày lại, ánh mắt nhìn chăm chăm vào ngọn đèn trên tường? Ngẫu nhiên ư? Không thể nào. Kết hợp hai chuyện này lại, tưởng chừng như chúng không hề liên quan, nhưng lại trở nên rất khớp nhau, hiềm khích này chẳng phải là mồi lửa khởi đầu, đốt cháy mối giao hảo lâu nay của Tây Sơn và Xiêm La hay sao?
Xiêm La vốn đang có rắc rối với Miến Điện, tiến đánh Quy Nhơn vào lúc này chỉ càng thêm chuyện chứ chẳng được ích lợi gì, vậy cái tin gián điệp của Trương Văn Đa thu được là từ đâu mà có? Còn Tây Sơn, chỉ bắt vài người lính Xiêm La thì có thể làm được gì, tại sao bọn chúng phải làm vậy? Trừ phi, tất cả đều là thông tin giả được tung ra nhằm một mục đích khác, mục đích đẩy Xiêm La và Tây Sơn vào thế đối đầu để trục lợi. Vậy những thông tin này chỉ có thể đến từ một người mà thôi.
Khá lắm, ra tay nhanh nhẹn và gọn gàng lắm. Những ngón tay của Chất Tri bắt đầu gõ nhịp trên thành ghế, môi thoáng một nụ cười. Viên chúa công trẻ tuổi đó quả thật biết cách lợi dụng người khác để đạt được mục đích của riêng mình. Muốn lợi dụng Xiêm La để đối phó Tây Sơn ư, Chất Tri khẽ mỉm cười, trong ánh mắt le lói những tia sáng kỳ lạ.
Nếu hắn muốn lợi dụng Xiêm La, thì Xiêm La cũng có thể lợi dụng lại hắn.
Muốn thổi bùng lên sự xung đột giữa Xiêm La và Tây Sơn, mục đích của vị chúa ấy không ngoài việc kéo sự chú ý của Tây Sơn rời xa Gia Định, từ đó hắn có thể tranh thủ thời gian mà gầy tạo lực lượng của mình. Lợi dụng Xiêm La, cái giá phải trả sẽ không rẻ như thế. Qua vụ việc của Chân Lạp, Xiêm La có thể xoay đổi cục diện, biến bất lợi thành cơ hội. Công nhận Chiêu Thùy Biện làm phụ chính là một cái cớ tốt để có thể đẩy lùi bọn Tây Sơn, tranh thủ đặt ảnh hưởng lên Chân Lạp một cách danh chính ngôn thuận. Xung đột nhỏ cũng là chiến tranh, chi bằng thừa cơ hội giành lấy phần lợi cho mình. Chiếm được Chân Lạp, con đường để mở ra Vạn Tượng, Nam Vang,Luông Prabăng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Chiến tranh với Tây Sơn đã là điều không tránh khỏi, vậy thì bắt tay với Nguyễn quân cũng chẳng tổn hại gì. Viên chúa trẻ muốn lợi dụng Xiêm La, giờ đây Xiêm La sẽ lợi dụng lại hắn. Giúp đỡ vị chúa lưu vong, còn lí do nào tốt hơn để có thể đưa quân vào Nam hà đây.
Chất Tri mỉm cười, những ngón tay rà lên tấm bản đồ đang căng ra trước mặt.
Thế lực của Xiêm La chính là cần bành trướng và củng cố ở Đông Dương. Phải, toàn Đông Dương mới là mục tiêu của y.
Vậy nên, việc cần phải làm lúc này chính là cho người “đón” vị chúa công trẻ tuổi kia vào Vọng Các.
Nghĩ đến đó, Chất Tri lại mỉm cười
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro