sương đỏ 135-136 - thủy thành
hãy ghé thăm trang chủ của tác giả để ủng hộ tác giả nhé:
http://suongdo.wordpress.com/category/s%C6%B0%C6%A1ng-d%E1%BB%8F/
135.
Khi Nguyên Thục trở về cung Đoan Nguyên, trời cũng đã xế trưa. Ban nãy Nguyên Thiên có mời nó ở lại cùng ăn cơm, nhưng Nguyên Thục đành từ chối em nó vì ba nguyên do. Thứ nhất, nó không tiện phá hoại không khí ấm áp, thân mật giữa Duy Khiêm và Nguyên Thiên, thứ hai, nó không muốn dùng bữa chung với em mình mà trong lòng không được thoải mái, và thứ ba, mỗi lúc nhìn em gái nó và Duy Khiêm vui vẻ với nhau, lòng nó nhớ đến Trịnh Khải, chỉ mong sao giờ này có anh ở bên cạnh. Thế nên trước sự thất vọng của Nguyên Thiên, Nguyên Thục đứng dậy cáo từ ra về lấy lí do là phải về cung chuẩn bị cơm trưa.
Nắm tay Nguyên Thiên, xiết chặt, tỏ ý sẽ có lần sau, Nguyên Thục lên kiệu ra về. Trên đường về, lòng nó suy nghĩ miên man mọi chuyện, chuyện của bản thân nó, chuyện của em gái nó và sau cùng, là đến chuyện của Duy Khiêm.
Ban nãy khi nó cáo từ ra về, Duy Khiêm tiễn nó bằng một nụ cười. Lúc Nguyên Thục chuẩn bị bước lên kiệu, nó quay đầu nhìn lại, thì thấy Nguyên Thiên đang sửa lại cổ áo Duy Khiêm cho ngay ngắn. Mọi hành động, ánh mắt, nụ cười của Nguyên Thiên chỉ hướng về mỗi Duy Khiêm. Em gái nó đang đắm chìm trong mật ngọt của ái tình, nó có khuyên can cũng như nước đổ lá môn mà thôi.
Nguyên Thục thở dài một hơi, nó ngả lưng dựa vào thành kiệu, co chân, tay vòng lấy đầu gối. Nếu để người khác trông thấy, hình ảnh Tiệp dư của nó chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, nhưng đây là trong kiệu, có tấm rèm che ngăn lại, nó có thể thả lỏng tay chân thoải mái mà không sợ ai bình phẩm hay dòm ngó, huống chi nó đang có nhiều suy nghĩ vướng mắc trong lòng chưa được giải đáp. Làm sao đây, Nguyên Thục lại thở dài, tại sao nụ cười bí ẩn của Duy Khiêm luôn hiển hiện trong đầu nó, mang đến cho nó cảm giác bất an. Nguyên Thiên là em gái nó, nó không thể bỏ mặc, khuyên răn chưa chắc em gái nó chịu nghe, nên chỉ còn cách đứng từ xa, âm thầm quan sát.
Tổng kết những gì thu thập đến nay, Nguyên Thục đã có thể kết luận rằng Duy Khiêm chắc chắn không phải là một người tầm thường. Qua những gì em gái nó kể, nội tâm của Duy Khiêm tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó dò. Có thể mỉm cười với kẻ thù, có thể trả lời từ tốn trước sự công kích của đối phương, có thể khiến mọi người yêu mến không điều kiện, ngay cả một người nghĩ trước ngó sau, hay cẩn thận như nó cũng khó lòng làm được. Bây giờ phải để mắt đến nhất cử nhất động của Duy Khiêm, nếu anh ta có hành động nào khả nghi thì cần phải ngăn chặn ngay tức khắc. Sau này Duy Khiêm sẽ là vua, và anh ta có thể đe dọa đến phủ chúa nghiêm trọng khi muốn nắm thực quyền trong tay. Thông minh, điềm tĩnh lại giỏi che giấu người khác, muốn ngăn chặn Duy Khiêm, việc này đối với nó quả thật rất khó khăn.
Nguyên Thục càng nghĩ, càng thấy bất an. Với một người thông minh như Duy Khiêm, tiền đồ lại sáng lạn, chắc chắn sẽ có nhiều cô gái đủ điều kiện đáp ứng được ngôi vị thái tử phi tương lai, tại sao Duy Khiêm không chọn ai đó trong số các cô gái ấy để có thêm vây cánh vững chắc, mà lại đi chọn đứa em gái hậu đậu, vụng về của nó. Vì Nguyên Thiên thông minh? Không, em gái nó chỉ lanh lợi trong việc võ bị, còn những chuyện khác khá ngây thơ, lại vội vàng, hấp tấp. Vì xinh đẹp? Lại càng không, Nguyên Thiên là em sinh đôi của nó, tức là nhan sắc cũng chỉ ở mức dễ nhìn. Vì giỏi giang? Không hề, nội sắp đĩa bánh thôi cũng đã đổ lên đổ xuống, nói chi thêu thùa may vá. Vậy tại sao giữa hàng trăm cô gái xinh đẹp, giỏi giang, thiên kim tiểu thư của các vị quan lại trong triều, Duy Khiêm không chọn ại khác mà lại là em gái nó?
Nghĩ đến đây, Nguyên Thục bất giác thẳng lưng lên, người nó hơi ngả về phía trước, như đang nhìn xuyên qua tấm rèm đỏ. Chẳng lẽ… chẳng lẽ do Nguyên Thiên là em gái nó hay sao?
Nguyên Thiên là em gái nó, mà hiện tại nó là ai, là Tiệp dư trong phủ chúa, là thiếp yêu của Đoan Nam vương. Người bên trong thì không nói, nhưng người ngoài nhìn vào sẽ cho rằng nó có chỗ dựa, có thực quyền. Nó là người thân cận nhất với Trịnh Khải, nếu Duy Khiêm chọn Nguyên Thiên, thì nó sẽ trở thành chị vợ của anh, anh và Trịnh Khải sẽ trở thành anh em cột chèo, mối quan hệ này sẽ tiến thêm một bước đó là tình thâm trong gia đình. Trịnh Khải rất coi trọng Duy Khiêm, lại càng coi trọng tình cảm gia đình. Nếu Duy Khiêm lợi dụng mối quan hệ gia đình đó để xây dựng lòng tin nơi Trịnh Khải, rồi từ đó kết giao quan lại, tạo thêm nhiều vây cánh, tăng thêm lực lượng ủng hộ sẵn có trong hoàng cung, nội cung ngoại ứng, thế thì việc tiếm quyền chỉ là vấn đề thời gian và ngôi chúa của Trịnh Khải sẽ bị lung lay bất cứ lúc nào mất thôi.
Nguyên Thục nhíu mày lại. Vậy là đã rõ, Duy Khiêm chắc chắn chẳng có tình cảm gì với em gái nó, mà chỉ đang lợi dụng thôi. Làm sao anh ta có thể chân thành với Nguyên Thiên, khi hết lần này đến lần khác bỏ rơi em gái nó, hết lần này đến lần khác đã làm tổn thương em gái nó. Nguyên Thiên ơi là Nguyên Thiên, sao em khờ dại vậy chứ, sao lại bất chấp những thương tổn trước đó mà ở lại bên cạnh con người vô tình ấy. Mới hôm trước bị người ta bỏ rơi, khóc đến sưng húp cả mắt, đau lòng tưởng như đứt ruột gan, ấy thế mà hôm sau chỉ cần thấy người đó thôi, đã mừng phát khóc và bất chấp lời khuyên ngăn của chị để lao vào vòng tay của người ấy. Nên nói em gái nó là ngốc nghếch, khờ khạo hay là can đảm đây!
Nguyên Thục vò nát mép áo, lòng rối rắm vô cùng. Duy Khiêm chắc chắn sẽ gây bất lợi cho Trịnh Khải. Muốn bảo vệ anh, bằng mọi giá nó phải ngăn chặn Duy Khiêm, nhưng liệu nó có thể hy sinh Nguyên Thiên được không khi chắc chắn em gái nó sẽ bảo vệ Duy Khiêm, hệt như nó bảo vệ người mình yêu vậy. Nó và Duy Khiêm, chắc chắn nó sẽ không ngần ngại triệt tiêu anh và những ai ủng hộ anh, ngán đường nó, nhưng còn Nguyên Thiên, nó có thể nhẫn tâm triệt tiêu luôn cả em gái mình không…?
Nguyên Thục thẫn thờ.
Tâm trạng thẫn thờ ấy như quả bóng xì hơi trong lòng Nguyên Thục, khiến trái tim nó trĩu nặng. Dẫm lên những viên đá cuội to tròn, bước chân Nguyên Thục lạo xạo, trái tim Nguyên Thục lao xao, khi nỗi lo mang tên Duy Khiêm cứ quanh quẩn trong lòng nó, như đám mây mù che khuất mặt trời, mãi chẳng chịu bay đi.
- Thục nhi, nàng sao thế?
Đang bứt rứt không yên, Nguyên Thục vội ngẩng đầu lên khi giọng nói ấm áp quen thuộc cất lên, cùng mùi trầm hương dịu dàng phảng phất trong không khí nhè nhẹ bao bọc lấy nó. Trong phút chốc, những lo lắng không yên tích tụ nơi Nguyên Thục như làn sương mỏng tan đi khi nhìn thấy tà áo xanh lục lấp lánh trong đôi mắt nó. Trịnh Khải đang đứng cạnh bụi trúc nhỏ, đôi mày kiếm nhíu lại khi nhận ra gương mặt chất chứa tâm sự của nó. Bao giờ cũng thế, cứ mỗi lần lo lắng, nếu Trịnh Khải xuất hiện, y như rằng Nguyên Thục quên mất nỗi lo trước đó là gì, mà cõi lòng chợt trở nên bình yên lạ thường. Nó yêu cái sự bình yên ấy, yêu cái cảm giác an lành, vô ưu, vô lo mà chỉ ở bên anh nó mới cảm nhận được. Từng bước, từng bước một, Nguyên Thục như chú chim non sà vào lòng Trịnh Khải, vòng tay ôm lấy anh, mắt nhắm lại, để cho nỗi nhớ nhung theo cái ôm xiết chặt, lẩn khuất hương trầm dịu dàng.
Hôm nay buổi thiết triều xong sớm, Trịnh Khải thay áo xong liền đến cung Đoan Nguyên định dùng bữa chung với Nguyên Thục, khi đến nới mới hay Nguyên Thục đã vào hoàng cung thăm Nguyên Thiên từ sáng sớm, thế nên anh quyết định ngồi trong phòng chờ Nguyên Thục trở về. Đọc đã hết một cuốn sách, bóng dáng Nguyên Thục vẫn không thấy đâu, Trịnh Khải đã bắt đầu sốt ruột, anh mang theo con dao nhỏ cùng vài khúc gỗ ra ngoài hoa viên ngồi để đón Nguyên Thục, trong thời gian chờ đợi thì tiện tay khắc luôn vài con thú gỗ để làm quà tặng cho nó. Thời gian lặng lẽ trôi qua, Trịnh Khải khắc đến con thứ ba thì Nguyên Thục trở về, nhìn thấy gương mặt đong đầy ưu tư của nó, Trịnh Khải rất lo lắng. Anh cất tiếng hỏi, và ôm lấy Nguyên Thục khi nó sà vào lòng mình.
Những ngày gần đây, việc triều chính rất bận rộn, Nghệ An lại gặp thiên tai, nạn đói xảy ra, quan lại địa phương ăn bớt lương thực tiếp tế khiến người dân phải lâm vào cảnh chết đói, mùa màng thất bát, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Ngồi nghe quan lại trong triều báo cáo tình hình, đôi mày kiếm của Trịnh Khải vốn đã ưu tư, nay lại càng nhiều ưu tư hơn. Lợi dụng lúc nạn đói hoành hành, giá gạo lên cao gây ra cảnh thiếu ăn. Các vùng thôn quê bị đói tụ tập thành đoàn đi cướp, gây ra nổi loạn, khiến quân lính phải ra tay trấn áp những cuộc bạo loạn này.
Để ngăn chặn việc bạo loạn cùng nạn đói, những biện pháp khẩn cấp được đề ra, các kho lương trữ lúa cho việc cứu tế được thiết lập, thêm vào đó, người nghèo có thể mua gạo giá rẻ hơn bình thường, đồng thời thiết lập những kho trữ lúa ở các tỉnh và phủ, huyện, khi xảy ra đói kém thì mở ra để phát chẩn cho dân nghèo. Còn đối với nạn tham nhũng, triều đình ban hành các biện pháp cùng hình phạt để nghiêm trị, ai tố cáo quan tham nhũng thì được thưởng công, còn những kẻ bị tố cáo sẽ bị trừng phạt đích đáng. Chính vì câu hỏi khó đó đã tạm thời được giải quyết, hôm nay Trịnh Khải mới có thời gian dành cho Nguyên Thục. Thời gian qua vì việc triều chính, anh biết Nguyên Thục đã rất buồn khi thời gian cả hai ở bên nhau không nhiều, thế nên, khi nó sà vào lòng anh, Trịnh Khải yên lặng vuốt nhè nhẹ suối tóc đen mượt ấy. Nguyên Thục đang phiền muộn, nhưng là vì chuyện gì?
Rúc vào lòng Trịnh Khải, Nguyên Thục rất bình yên và hạnh phúc. Mấy ngày qua do anh không có thời gian, và nó cũng biết anh bận việc triều chính, nên không đòi hỏi gì cả, chỉ lặng lẽ chăm sóc cho anh mà thôi. Nay anh đến cung Đoan Nguyên tìm nó, chờ nó, Nguyên Thục rất rất vui, nó trân trọng những giây phút riêng tư hiếm hoi này, nên bản tính nhõng nhẽo lại trỗi dậy, chỉ muốn ở trong vòng tay ấm áp của anh mãi như thế này thôi.
- Nàng xem những con vật này thế nào, ta làm tặng nàng đấy!
Dẫn Nguyên Thục đến chiếc bàn đá, Trịnh Khải để Nguyên Thục ngồi lên chân mình, vòng tay choàng qua người nó, rồi hôn lên má của nó khiến gương mặt Nguyên Thục đỏ bừng vì sung sướng. Mân mê những con thú gỗ do Trịnh Khải khắc trên tay, đôi mắt Nguyên Thục lấp lánh nắng. Nó đã mong chờ giây phút êm ấm này từ lâu rồi, bây giờ ở bên cạnh anh, được ở trong vòng tay anh, cảm nhận tình yêu cùng sự che chở của anh, Nguyên Thục chỉ mong sao thời khắc này kéo dài mãi mãi thôi.
- Nàng có gì muốn nói với ta không?
Thì thầm qua vành tai nhỏ nhắn của Nguyên Thục, Trịnh Khải hỏi, giọng nhẹ nhàng. Câu hỏi của anh khiến Nguyên Thục ngập ngừng. Trịnh Khải quan tâm đến nó, tất nhiên nó rất vui, nhưng nó có nên nói cho anh biết những suy nghĩ của nó không? Nếu anh biết, anh có phiền muộn không, có ưu tư không? Nếu thế thì nó chẳng muốn nói chút nào.
- Em…
- Sao?
Nguyên Thục đắn đo, nó không muốn giấu Trịnh Khải bất cứ gì cả, nếu nó mong muốn anh sẻ chia những ưu phiền của mình cho nó, thì nó cũng phải nói ra mối lo lắng của nó với anh, hơn nữa, nó cũng muốn biết anh đôi với Duy Khiêm ra sao. Quyết định như thế, Nguyên Thục hít vào một hơi thật lâu, rồi đáp lời.
- Hôm nay em đến thăm Nguyên Thiên. Anh đã biết chuyện chưa, em gái em và Duy Khiêm quen nhau rồi đấy!
Trước thông tin mà Nguyên Thục tiết lộ, Trịnh Khải chỉ mỉm cười không nói gì. Biểu hiện ấy khiến Nguyên Thục lo lắng, nó lại nói tiếp.
- Nhưng mà em cảm thấy lo lắm, em có cảm giác rằng Duy Khiêm không thật lòng với Nguyên Thiên, lại lợi dụng tình cảm của em gái em!
- Tại sao?
- Vì…vì… em gái em không xinh đẹp, cũng không có hậu thuẫn, hơn nữa lại còn ngô nghê, ngây thơ, Duy Khiêm sao có thể yêu em gái em được.
Nguyên Thục vừa nói xong, Trịnh Khải liền bật cười.
- Thục nhi, chẳng lẽ ta không thật lòng với nàng sao?
- Không! Không phải thế! Không phải!
Nguyên Thục cuống quýt khi Trịnh Khải hỏi, nó quay người lại, đúng lúc anh ngước lên nhìn Nguyên Thục nên môi nó chạm vào sóng mũi thanh tú của anh. Sự vô tình đó khiến Nguyên Thục đỏ ửng mặt. Không để ý đến biểu hiện ấy của nó, Trịnh Khải lướt mắt về chân trời xanh bao la, nơi ấy, một rặng núi mờ bị áng mây che phủ, dẫu trời đang trong xanh.
- Nàng chớ nên suy nghĩ nhiều quá, ta nghĩ, có thể Duy Khiêm thât lòng với em gái nàng chứ không phải lợi dụng!
- Sao anh lại nghĩ thế?
- Như nàng nói, Nguyên Thiên không xinh đẹp, không hậu thuẫn, lại ngây ngô, vậy Duy Khiêm được lợi lộc gì khi lợi dụng em gái nàng?
Trước câu trả lời của Trịnh Khải, Nguyên Thục cắn môi, do dự, nó có nên nói nguyên nhân khiến nó cho là Duy Khiêm lợi dụng Nguyên Thiên không?
- Hơn nữa, ta và Duy Khiêm quen biết cũng lâu, không thể nói ta hiểu hết cậu ta, nhưng ta biết cậu ta không phải là người đùa giỡn với tình cảm của người khác như thế.
- Nhưng Duy Khiêm không phải là một người tầm thường, anh ta che giấu nội tâm rất giỏi. Ngày trước anh ta đã hết lần này đến lần khác bỏ rơi Nguyên Thiên, làm em gái em bị tổn thương, một người tàn nhẫn, lạnh lùng như thế sao em có thể tin anh ta nổi chứ.
Trịnh Khải mỉm cười.
Trước đây anh đã từng nghĩ như thế này.
- Thục nhi, nàng đã biết phụ thân của Duy Khiêm mất khi cậu ta còn nhỏ tuổi, với mẫu thân thì cậu ta xa cách đã lâu nên không thân thiện. Là một người khiếm khuyết tình cảm, cậu ta sẽ không bao giờ đem tình cảm của mình ra để đùa cợt, bởi hơn ai hết, cậu ta hiểu thứ tình cảm ấy đáng sợ như thế nào. Một người đã quen với bóng tối, chắc chắn sẽ bị mù mắt khi đột ngột ra ánh sáng, nhưng nếu ánh sáng ấy không ập đến đột ngột, mà lại đến từ từ, từng khắc một, soi đến cậu ta, sưởi ấm cho cậu ta, cậu ta sẽ thích nghi với ánh sáng. Cậu ta có thể trở lại với bóng tối, nhưng đồng thời cũng đối diện được với ánh sáng. Em gái nàng có thể ngây thơ, có thể ngốc nghếch, có thể không xinh đẹp, có thể không hậu thuẫn, nhưng lại có thể tha thứ cho lỗi lầm của Duy Khiêm hết lần này đến lần khác thì rất đáng được trân trọng và yêu thương. Đau khổ, tổn thương của cô ấy rồi sẽ được bù đắp. Con diều của Duy Khiêm chỉ có thể bay bổng trên bầu trời xanh, và em gái nàng chính là bầu trời xanh rộng lớn đó, để cậu ta tha hồ bay bổng mà không sợ lạc mất.
- Nhưng…
Những lời giải thích nhẹ nhàng của Trịnh Khải khiến bao lo lắng, ưu phiền khi cho rằng Duy Khiêm lợi dụng, không thật lòng với Nguyên Thiên trong Nguyên Thục dần tan biến. Nó không tin Duy Khiêm, nhưng nó tin Trịnh Khải, nếu anh cho rằng Duy Khiêm thật lòng, nó sẽ tin anh. Như vậy, tạm thời nó có thể an lòng về một vấn đề, đó chính là Duy Khiêm thật lòng với em gái nó, nhưng còn chuyện Duy Khiêm có thể gây bất lợi cho phủ chúa vẫn chưa nguôi trong tâm trí nó. Nó nhất định phải để ý mọi hành động của chàng trai có gương mặt trẻ con này, cẩn tắc bao giờ cũng vô ưu.
Thấy gương mặt Nguyên Thục dần giãn ra, Trịnh Khải mỉm cười, chí ít Nguyên Thục cũng đã an tâm phần nào. Về phần Trịnh Khải, những gì Nguyên Thục nói vẫn còn lẩn khuất trong tâm trí anh, tuy nó không nói nguyên nhân khiến nó cho là Duy Khiêm lợi dụng Nguyên Thiên, nhưng anh vẫn biết. Nếu chuyện đó có thật, thì nguyên nhân duy nhất đó là vì Nguyên Thiên là em gái của Nguyên Thục. Lấy Nguyên Thiên làm vợ, tất nhiên anh sẽ trở thành người nhà của Duy Khiêm, lúc đó Duy Khiêm sẽ chính thức đặt mối quan hệ gia đình với phủ chúa, như thế, cơ hội lật đổ ngôi chúa, khôi phục lại thực quyền cho Lê triều là rất lớn. Nếu Duy Khiêm thật sự có tài, anh sẵn lòng trao trả lại quyền hành cho triều đình. Quyền hành cũng chỉ là mây khói, ai nắm quyền cũng không sao, chỉ cần có thể cho dân chúng sống một cuộc sống tốt hơn là được. Lập Duy Khiêm lên làm thái tử, anh chỉ có mong muốn ấy, nhưng nếu Duy Khiêm không phát triển đất nước, mà ngược lại hủy diệt mọi thứ có trong tay, thì sẽ như thế nào?
Trong thoáng chốc, đôi mắt Trịnh Khải trở nên sâu thẳm. Bóng tối đã chiếm hữu đứa bé ấy, liệu tình yêu và lòng chân thành của Nguyên Thiên có đủ mang cậu ta quay trở lại ánh sáng hay không, hay thậm chí, bản thân cậu ta có còn muốn quay trở lại với ánh sáng hay không? Đưa đứa bé ấy lên ngôi thái tử, mong rằng nếu nắm giữ trong tay một mầm sống quan trọng, thì cậu ta sẽ sẽ biết gìn giữ, nâng niu vật đó trong tay mình, nhưng nếu đứa bé ấy không trân trọng, gìn giữ mà còn bóp nát mầm sống ấy, thì tất cả mọi trách nhiệm anh phải gánh lấy, vì người tạo cơ hội cho đứa bé nắm giữ mầm sống ấy, chính là anh.
Đây là một quyết định liều lĩnh.
Nếu Duy Khiêm phát triển mầm sống thành một cây đại thụ vững chắc, anh cố nhiên sẽ rất hài lòng.
Nhưng nếu Duy Khiêm bóp nát mầm sống ấy…
Anh phải đối đầu với Duy Khiêm. Và cũng sẽ không tha thứ cho bản thân mình.
Ngảy xửa ngày xưa, có một ông già mù…
136
Vì ngày hôm qua Nguyên Thục đã có những giây phút ngọt ngào bên cạnh Trịnh Khải, thế nên bây giờ tâm trạng của nó rất vui, nó đang ở trong Ngự trù làm cơm sáng mang đến Ngự lâu. Nghe tiếng chim hót ríu rít ngoài cửa sổ, tâm hồn Nguyên Thục càng phơi phới. Nhớ đến nụ hôn ngọt ngào tối qua, Nguyên Thục khe khẽ cười, rồi hát ngêu ngao, mặc cho những cung nữ trong Ngự trù chớp mắt nhìn mình.
Hộp cơm trang trí đã hoàn tất, Nguyên Thục hài lòng ngắm nhìn thành quả của mình. Trong nhóm bạn, ngoại trừ tay nghề nấu ăn, làm bánh siêu hạng của Bách Nhật ra thì đứng thứ hai là nó. Do Trịnh Khải phải thường xuyên thức khuya xem xét tấu chương, nên nó phải tìm tòi những món ăn giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều vitamin cần thiết để bồi bổ cho anh. Đập nắp hộp cơm lại, Nguyên Thục khéo léo thắt một chiếc nơ xinh xắn quanh chiếc giỏ mây, rồi cầm lên và nhằm hướng ngự lâu thẳng tiến.
Khi Nguyên Thục mang cơm đến Ngự lâu, nó nhìn thấy hai nàng cung nữ đang hầu ở bên ngoài, then cài cửa đóng, dấu hiệu đó cho thấy Trịnh Khải đang bàn việc quan trọng với ai đó trong Ngự lâu, nên nó không tiện bước vào, đành ra hoa viên ngồi, đợi cho Trịnh Khải bàn xong việc thì nó mới vào sau.
Ngồi xé chiếc lá khô ra từng mảnh nhỏ, Nguyên Thục tự hỏi không biết Trịnh Khải đã giải quyết hết việc triều chính chưa, có rắc rối nào không, vì chuyện triều chính nó cũng không rành, nên không thể giúp anh chia sẻ nỗi lo này được. Trước khi đi ngủ, Nguyên Thục luôn hướng mắt về phía Ngự lâu, nhờ đó mà nó biết, mấy hôm nay ngày nào anh cũng thức khuya. Do nó và anh ở hai nơi, thế nên Nguyên Thục muốn ở bên cạnh anh chăm sóc lắm, nhưng cũng không thể làm được gì, đành đi ngủ, nhưng lại trằn trọc, lo lắng vì ánh đèn Ngự lâu vẫn thắp sáng cho đến tận hôm sau.
Nguyên Thục đang còn suy nghĩ thì cánh cửa Ngự lâu bật mở, một bóng người nhanh chóng bước ra ngoài, thần sắc trang nghiêm. Nguyên Thục nhận ra đó là quốc sư Nguyễn Khản. Sáng sớm tinh mơ Nguyễn Khản đã vào Ngự lâu chầu, khi bước ra ngoài thì mày chau, hai tay chắp sau lưng, bước chân vội vàng, đầu hơi cuối xuống chứng tỏ đang suy nghĩ chuyện hệ trọng gì đó. Nguyên Thục nhíu mày, nó không muốn động đến chính sự, nhưng nếu chuyện quan trọng đó ảnh hưởng đến sức khỏe và an nguy của Trịnh Khải, nó không thể an tâm.
- Quốc sư, chào ông!
Đang đắm chìm trong suy nghĩ hỗn độn, Nguyễn Khản giật mình khi giọng nói trong trẻo của Nguyên Thục cất lên. Nhận ra đó là Hồ tiệp dư, thiếp yêu của chúa công, Nguyễn Khản mỉm cười đáp lễ.
- Không dám! Mới sáng sớm Hồ tiệp dư đã đến Ngự lâu của chúa công, chắc là có chuyện quan trọng phải không?
“Câu này tôi hỏi ông mới phải”
Nguyên Thục nghĩ thầm trong bụng, nhưng nó không để lộ điều đó ra, mà chỉ cười.
- Cũng không có gì quan trọng, chỉ là đến đem cơm cho chúa công mà thôi. Tôi trông gương mặt ông đăm chiêu thế, chắc vừa bẩm tấu chuyện gì quan trọng với chúa công à?
Giật mình vì sự tinh ý của Nguyên Thục, Nguyễn Khản không đáp câu hỏi ấy, mà chuyển hướng sang một đề tài khác. Ban đầu, ông định bụng trả lời qua quýt, rồi đi, thế nhưng đây là Hồ tiệp dư, thiếp yêu của chúa công, em gái ông tuy làm Vương phi nhưng không được sủng ái, vừa qua lại có sự kiện Hồ tiệp dư suýt chút nữa phải vào lãnh cung do em gái ông đã lỡ lời. Vốn nghĩ Hồ tiệp dư không phải người để bụng chuyện cũ, nhưng thận trọng bao giờ cũng chắc hơn, ai biết được Hồ tiệp dư có ghi nhớ và để trong lòng chuyện của em gái ông hay không.
- Tiệp dư, không có chuyện gì quan trọng đâu. Sức khỏe tiệp dư dạo này thế nào? Em gái Ngọc Xuân của thần không làm chuyện gì phiền lòng tiệp dư chứ?
Thấy Nguyễn Khản không trả lời câu hỏi, mà chuyển hướng sang đề tài Ngọc Xuân, Nguyên Thục thừa biết ông muốn hỏi dò nó về việc Ngọc Xuân khiến nó suýt chút nữa đã bị giam vào lãnh cung, xem nó có để bụng chuyện cũ không. Cũng phải, Ngọc Xuân là em gái của quốc sư, ông ta không lo thì ai lo.
- Vương phi trên dưới đều được lòng người khác thì có chuyện gì mà phiền lòng đến tôi. Trách nhiệm của tôi là chăm sóc chúa công, ngoài chuyện đó ra, những chuyện khác tôi đều không để ý đến, ông an tâm!
Nghe Nguyên Thục trả lời, mối lo lắng trong lòng Nguyễn Khản đã tạm yên phần nào. Nhìn nét mặt đang dần giãn ra của ông, Nguyên Thục lại tiếp lời.
- Trong Lượng phủ, không chỉ riêng gì tôi mà tất cả mọi người đều có nhiệm vụ bảo vệ sự bình an cho chúa công và phụng sự chúa công hết lòng. Quốc sư, ông cũng là thần tử, tôi mong rằng ông sẽ dốc lòng vì chúa công, cũng như cơ nghiệp của tổ tiên đã gầy dựng mấy trăm năm nay.
Được Nguyên Thục xua tan đám mây âu lo về Ngọc Xuân trong lòng, Nguyễn Khản vô cùng vui vẻ, ông hào hứng đáp lời.
- Xin tiệp dư yên tâm, thần ăn lương bổng của triều đình, lại được chúa công xem trọng, thần nhất định sẽ dốc lòng dốc sức phụng sự cho người.
Trước câu trả lời của Nguyễn Khản, Nguyên Thục mỉm cười. Nó rê tay lên chiếc giỏ cơm nóng hổi, miệng hỏi dò, nhưng lại ra vẻ vô tình nhắc đến.
- Quốc sư theo hầu chúa công được bao lâu rồi?
- Bẩm tiệp dư, cũng đã khá lâu rồi. Trước đó thần theo hầu tiên vương, rồi sau đó tiếp tục theo hầu chúa công!
Hai chữ “tiên vương” vừa thoát khỏi đầu lưỡi Nguyễn Khản, đôi mắt Nguyên Thục nhướng lên vì những gì ông mới nói chẳng khác nào tiếng chuông rền đánh bên tai nó. Tờ chiếu chỉ mà Thịnh vương Trịnh Sâm để lại, tuy đã hủy đi nhưng Nguyên Thục mãi mãi không quên. Ông ấy đã nhường ngôi cho Trịnh Bồng, em mình chứ không phải cho Trịnh Khải hay Trịnh Cán. Tuy Trịnh Cán đã không còn, nhưng Trịnh Bồng vẫn còn sống. Nếu chuyện này lộ ra ngoài, ngôi chúa của Trịnh Khải chắc chắn bị lung lay. Những thế lực phản đối triều đình sẽ không bỏ qua cơ hội này để nổi loạn, thêm lũ kiêu binh kia chắc chắn không chịu ngồi yên mà sẽ tham gia soán ngôi, bằng mọi giá nó không thể để chuyện này xảy ra. Di chiếu chỉ có Đặng Thị Huệ và nó biết, nay Đặng Thị Huệ đã mất. Chỉ còn nó, nhưng liệu có dám chắc rằng không ai khác ngoài nó biết chuyện nay hay không?
Nguyên Thục nghĩ thầm, Nguyễn Khản theo hầu tiên vương, chuyện di chiếu lẽ nào ông ta lại không biết, nhưng chuyện này cũng phải tra xét lại kỹ càng. Nó không rành chuyện triều đình, lại thêm mối quan hệ của vua chúa với các quan lại thế nào nó không tường tận, nếu như Nguyễn Khản chỉ là người ngoài cuộc, không dính liếu hay biết gì tới chuyện chiếu chỉ thì chẳng lẽ nó lại nghi oan cho người vô tội sao. Để thêm chắc ăn, thôi thì cứ khéo léo hỏi trước rồi tính sau.
- Nghe chúa công khen quốc sư là người hào sảng, thích hát xướng, thạo âm luật, quốc sư theo hầu tiên vương, vậy chắc tiên vương yêu quý ông lắm!
Nghe Nguyên Thục nói, lại trúng vào chỗ tự hào của mình, thế nên Nguyễn Khản rất mát ruột, ông vuốt râu, mắt lim dim.
- Chẳng dám nói hạ thần được tiên vương yêu quý, chỉ là ở trong cung, thần được tiên vương tin tưởng giao cho xắp sếp bày biện núi non bộ cùng các chậu hoa, cây cảnh mà thôi. Những lúc rảnh rỗi, thần và tiên vương cũng có khi làm thơ xướng họa với nhau. Có một hôm thần mệt trong người, không vào chầu được, vì thế cũng không theo tiên vương đi câu được, tiên vương bèn sai người gởi cho thần một bức thư, trong bức thư có bài thơ sau.
Đã phạt năm đồng bỏ buổi chầu,
Lại phạt năm đồng bỏ buổi câu.
Nhắn bảo ông bay về nghĩ đấy,
Hãy còn phạt nữa chửa tha đâu!
Nhưng trong thâm tâm, thần biết tiên vương chỉ trách cứ thế thôi chứ không nỡ phạn thần, thế nên thần viết thư phúc đáp lại tiên vương rằng.
Váng vất cho nên phải cáo chầu.
Phiên chầu còn cáo nữa phiên câu.
Trông ơn phạt đến là thương đến,
Ấy của nhà vua chớ của đâu!
Nghe Nguyễn Khản ngâm thơ, Nguyên Thục chỉ mỉm cười. Đợi ông nói dứt, nó lại tiếp tục hỏi dò.
- Nghe quốc sư kể, quả thật tiên vương và quốc sư rất có giao tình. Vậy quốc sư theo hầu chúa công từ khi nào?
- Khi đỗ tiến sĩ năm Canh Thìn, thần làm tả tư, giảng dạy cho chúa công khi người còn làm thái tử!
- Ồ, vậy khi chúa công lên ngôi, quốc sư hẳn rất vui mừng vì công dạy dỗ của ông trong đó quả thật không nhỏ!
- Tiệp dư nói không sai, suýt chút nữa tiên vương đã phạm sai lầm, cũng may đã không có gì xảy ra, chúa công hiện giờ đã kế nghiệp tổ tiên rất tốt!…. Tiệp dư, trời cũng không còn sớm, thần phải về phủ chuẩn bị cho phiên chầu!
Trong phút cao hứng, Nguyễn Khản buột miệng nói ra những chuyện lẽ ra không nên nói, đến khi ông nhận ra thì đã quá muộn. Khi nhận ra mình đã lỡ lời, Nguyễn Khản vội vã viện lý do, cáo từ ra về. Khi nghe những gì Nguyễn Khản tiết lộ, dù trong lòng chấn động, nhưng Nguyên Thục vẫn thản nhiên như chưa có chuyện gì xảy ra. Nó mỉm cười đáp lễ Nguyễn Khản khi ông khấu chào, rồi khoan thai trở lại chiếc bàn đá ngồi, tránh hấp tấp để cho Nguyễn Khải thấy nó chẳng hay biết bí mật mà trong phút lỡ lời ông đã nói ra.
Nhìn theo bóng Nguyễn Khản khuất dần sau rặng trúc nhỏ, Nguyên Thục mới chau mày lại vì những thắc mắc trong lòng nó đã được sáng tỏ. Vậy là đã rõ, không còn nghi ngờ gì nữa, Nguyễn Khản biết chuyện về di chiếu của tiên vương, biết ai mới là người danh chính ngôn thuận kế ngôi chúa. Nguyễn Khản là quốc sư, hiện là anh vợ của Trịnh Khải dù chỉ trên danh nghĩa, tức là có mối quan hệ gia đình. Ban nãy ông cũng đã thề thốt rằng sẽ tận trung báo quốc, hết lòng phò tá chúa công trong sự việc trị vì đất nước, nhưng, lời thề cũng chỉ dầu môi chót lưỡi, họa hổ họa bì nan hổ cốt, liệu có thể tin được Nguyễn Khản hay không!?
Nguyên Thục cắn môi, ánh mắt nó lấp lánh khi nhớ tới Ngọc Xuân. Ngọc Xuân là em gái của Nguyễn Khản, tuy cô là Vương phi nhưng lại không được sủng ái, trong khi bản thân cô cũng có tình cảm với Trịnh Khải. Phụ nữ vốn đố kị, ghen tuông, Ngọc Xuân đã một lần cố tình lỡ lời suýt đẩy nó vào lãnh cung, điều gì đảm bảo sẽ không có lần sau. Nó thì không sao, nhưng nếu như một ngày nào đó, Ngọc Xuân không cam chịu làm một Vương phi hữu danh vô thực, mà kể hết những uất ức bấy lâu nay phải chịu cho Nguyễn Khản biết thì sao? Thân là quốc sư quyền cao chức trọng, nay em gái mình lại bị một con bé từ đâu về chèn ép đủ điều, khiến chúa công không đoái hoài gì tới, danh dự còn biết để đâu. Có thân với Trịnh Khải thế nào đi nữa thì Ngọc Xuân cũng là em gái ông, là ruột thịt của ông, liệu ông ta có tức nước vỡ bờ, có giận thay cho em gái, thấy bất công cho em gái và đòi lại công bằng bằng cách trừng phạt Trịnh Khải, tiết lộ bí mật di chiếu cho mọi người biết, gây nên sóng gió cho tòa Lượng phủ, làm nguy hại đến Trịnh Khải hay không?
Nguyên Thục càng nghĩ, càng thấy lo lắng. Bất giác, những giọt mồ hôi lạnh rịn trên trán của nó. Không được, không thể để cho quốc sư Nguyễn Khản ung dung tự tại được. Ông ta biết di chiếu, trong khi bí mật nó lẽ ra chỉ thuộc về hai người, nó và Đặng Thị Huệ mà thôi. Di chiếu nó đã tiêu hủy, Đặng Thị Huệ đã chết, còn Nguyễn Khản, nó nên làm sao đây. Để bảo vệ Trịnh khải nó bằng lòng trả bất cứ giá nào. Hiện nay, đối với Nguyễn Khản, nó chỉ có một cách, đó là hạ bệ ông ta cùng em gái Ngọc Xuân của ông ta. Thà nhầm còn hơn bỏ sót, cẩn tắc vô ưu, nó không thể làm ngơ khi mối đe dọa đến từ họ cứ lởn vởn xung quanh nó và Trịnh Khải.
Muốn bảo vệ Trịnh Khải…
Bằng mọi giá, nó phải làm!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro