
Sương đỏ 122
122.
Bóng người vừa ập vào phòng Nguyên Thục là một thiếu phụ dung nhan xinh đẹp, mái tóc mây xõa dài trên tấm lưng thon. Lẽ ra người trong Huỳnh cung giờ này phải tất bật để lo liệu đại lễ, thế mà người thiếu phụ này, đầu tóc có phần xơ rối, nét mặt lại vô cùng hốt hoảng, từ đâu chạy xộc vào phòng Nguyên Thục, khiến nó ngạc nhiên vô cùng.
Tương tự như Nguyên Thục, có vẻ như không nghĩ ngày chính kỵ của Thịnh vương mà còn có người ở trong phòng, người thiếu phụ có hơi sửng sốt, tới khi nhìn rõ đó chỉ là một cô gái nhỏ bé đang ngồi trước gương chải tóc, bất giác, bà ta trở nên điềm tĩnh, tay vuốt lại mớ tóc rối cho thật gọn gàng. Hành động đó của thiếu phụ khiến Nguyên Thục lấy làm lạ. Thông thường nếu một ai đó đột nhập hay vào nhầm phòng mà gặp mặt người khác trong đó, thì họ sẽ bối rối, sẽ xin lỗi rồi nhanh chóng quay trở ra ngoài, chứ không bình tĩnh đến mức ung dung như người phụ nữ này.
- Xin lỗi, bà là ai, sao lại vào phòng tôi?
Không thể im lặng thêm giây phút nào nữa, Nguyên Thục đành lên tiếng. Đáp lại câu hỏi của nó là ánh nhìn dò xét của người thiếu phụ, bà ta hỏi, giọng cao vút, chất giọng thường thấy ở những cung phi quyền quý ngày xưa.
- Còn ngươi, ngươi là ai? Hôm nay là ngày chính kỵ của tiên vương, lẽ ra mọi người phải có mặt ở Cung Miếu mới đúng, tại sao ngươi còn ở đây?
Nguyên Thục nhíu mày, nó mới hỏi một câu, thiếu phụ này không thèm trả lời, lại còn hỏi ngược hai ba câu, thêm vào đó, thái độ kiêu ngạo, nhìn người khác bằng nửa con mắt của bà ta làm nó không thích chút nào. Thong thả ngồi xuống ghế, tiếp tục công việc chải tóc, Nguyên Thục hờ hững đáp lời.
- Tôi là ai không quan trọng, bà là ai cũng chẳng quan trọng, muốn uống trà, ăn bánh thì có sẵn ở trên bàn, cứ tự nhiên.
Không nghĩ Nguyên Thục lại thản nhiên đến thế khi thấy người lạ, đôi mày lá liễu của thiếu phụ nhướng lên, một nét cười vẽ trên vành môi kiêu kỳ đỏ thắm. Khoan thai ngồi xuống bàn, bà ta cầm bình trà, nhẹ nhàng rót vào tách, phong thái ung dung đẹp như tranh vẽ. Khi rót đầy tách trà sóng sánh, người thiếu phụ không vội uống mà lại đưa lên mũi ngửi, gương mặt phù dung chợt trở nên mông lung. Trong phút chốc, bầu không khí yên lặng liền tan ra khi người thiếu phụ ngâm nga một bài thơ, giọng ngâm trong trẻo, ngọt ngào.
Cửa gác đóng im lìm
Lầu cao nằm trống trải
Đợi chàng hoài chẳng về
Bưng chén trà chờ mãi(*)
Nguyên Thục ngừng chải tóc, nó đưa mắt nhìn thiếu phụ, thẫn thờ khi bài thơ bà ta vừa ngâm quả thật chẳng khác nào tâm trạng của nó bây giờ. “Cửa gác đóng im lìm, lầu cao nằm trống trải, đợi chàng hoài chẳng về, bưng chén trà chờ mãi”. Những ngày qua, trong căn lầu quạnh vắng, Nguyên Thục bưng chén trà, muốn uống nhưng lại không uống, mà cứ cầm mãi, cầm mãi để chờ Trịnh Khải ghé qua. Thấy nét mặt đầy tâm trạng của Nguyên Thục, người phụ nữ mỉm cười, bà ta nói, giọng dịu dàng.
- Ngươi thường hay uống trà, thế có biết loại trà mà ngươi đang uống là trà gì không?
Khi nghe bài thơ người thiếu phụ ngâm, những cảm giác khó chịu về người thiếu phụ trong tâm trí Nguyên Thục dần tan biến. Khi bà ta ngâm thơ, Nguyên Thục tinh ý nhận ra chất giọng vừa buồn bã vừa luyến tiếc, chắc hẳn trong lòng thiếu phụ cũng ôm ấp những nỗi niềm riêng mà không thể chia sẻ với ai, y như nó lúc này. Nhìn tách trà bốc khói mỏng manh, Nguyên Thục thật thà trả lời.
- Tôi không rành mấy chuyện trà nước cho lắm, có người pha thì chỉ biết uống thôi!
Nghe Nguyên Thục đáp, người thiếu phụ xoay chén trà trong tay, đôi mắt hạnh lấp lánh khi nói về sở thích từ xưa của mình.
- Ta cũng không lạ, đám phi tần như các ngươi chỉ biết sống nhàn nhã trong cung, trà gì với trà gì cũng không biết, sao có thể biết cách thưởng thức một tách trà ngon được chứ.
Bị người thiếu phụ liệt kê vào dạng phi tần sống nhàn nhã trong cung, Nguyên Thục chẳng phản ứng gì, đơn giản vì bà ta nói đúng. Đối với nó, trà nào cũng như trà nào, uống chẳng có gì khác biệt, lại thêm nó thích uống nước lọc hơn nước trà, mà đã là người không yêu trà, việc gì phải bõ công ra thưởng thức vị trà kia thơm ngon ra sao.
- Những người sành trà như bà thì chỉ cần ngửi qua đã phân biệt được trà nào với trà nào, còn tôi, tôi không yêu trà, nên không có duyên với nó, vậy thôi.
Nghe Nguyên Thục trả lời, giọng bình thản, người thiếu phụ mỉm cười, bà ta gõ nhẽ ngón tay vào tách trà, tai nghiêng ngóng như để lắng nghe thứ âm thanh nào đấy, rồi nói, giọng hòa nhã.
- Ngươi nói đúng, ta yêu trà, không, phải nói là ta không muốn yêu cũng khó, bởi vì ngày xưa, ta khổ công vượt ngàn dặm xa, trèo đèo lội suối chỉ để tìm thấy nó, hệt như cô gái đi tìm người yêu. Thứ trà mà ngươi đang uống chính là loại trà dễ nhận biết nhất, trà sen Tây hồ, bởi hương vị thanh ngọt, pha lẫn mùi thơm thanh thoát của sen rất riêng của nó. Ngươi biết không, loại sen được dùng ướp trà phải là loại có bông hoa lớn, màu hồng tươi. Sen phải được hái từ lúc sáng sớm, khi ánh dương còn chưa lên để hương sen không bị tản đi, sau đó đem tách từng cánh sen ra để lấy nhị hoa, khi lấy nhị thì phải cho ngay vào hộp và đậy nắp lại để hương thơm không bị bay đi mất…
Người thiếu phụ nói về trà một cách say sưa, đôi bàn tay ngọc nâng niu chén trà trong tay hệt như bảo vật, khiến Nguyên Thục cảm thấy kỳ lạ. Quần áo xộc xệch, tóc mây hơi rối, nhưng phong thái tự tin, gương mặt xinh đẹp, từng cử chỉ đều toát lên vẻ quyền quý, chứng tỏ trước đây bà ta hẳn có địa vị rất cao trong Lượng phủ, lại thêm cái khoản kiến thức phong phú về trà khiến nó cảm thấy nghi hoặc. Khoan đã, địa vị cao, sành trà, có thể nào bà ta chính là…
- Bà là Đặng tuyên phi!
Nguyên Thục bất giác thốt lên, dường như chuyện bị người khác phát hiện ra thân phận không phải là chuyện lạ lẫm, người thiếu phụ chẳng tỏ thái độ gì, mà chỉ nhếch môi cười. Đặt tách trà đã cạn xuống bàn, người thiếu phụ nhìn Nguyên Thục, ánh mắt sắc sảo, như bề trên nhìn xuống bề dưới, khiến Nguyên Thục càng đoan chắc rằng người thiếu phụ đó chính là Đặng tuyên phi.
- Không sai, ta là Đặng tuyên phi!
Người phụ nữ nói, giọng không giấu vẻ tự hào. Phải, cho dù bây giờ bà đã sa cơ, không còn là đệ nhất phi tần xưa kia nữa, nhưng người khác vẫn nhớ về bà, nhắc đến một Đặng tuyên phi quyền uy bằng sự kính trọng và pha lẫn ghen tị. Cho dù bây giờ người đàn bà kia đã thắng thế, đã leo đến chức vị Thái phi, nhưng những gì người ta nhớ đến ả chỉ là một phi tần nhầm lẫn của Thịnh vương, chỉ có thế, không hơn, khác hẳn bà, một Tuyên phi gây sóng gió, nghiêng ngả cả tòa Lượng phủ một thời…
Khi người thiếu phụ thừa nhận mình là Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Nguyên Thục “à” lên một tiếng, rồi thôi, nó không biết gì nhiều về người phụ nữ này, Trịnh Khải cũng chưa bao giờ nhắc đến bà ta trước mặt nó. Nguyên Thục không rành lịch sử, chỉ biết một ít về Đặng Thị Huệ qua việc học “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng lãn ông, vì thế, ân oán giữa bà ta và Dương thái phi thế nào nó không rành rẽ, thế nhưng Trịnh Khải không nhắc đến bà ta thì có lẽ người phụ nữ này cũng không tốt đẹp gì.
Nghĩ đến đó, nét mặt đang tươi cười của Nguyên Thục liền nghiêm lại, nó tiếp tục hoàn thành công việc búi tóc, rồi bắt đầu đến phần trang điểm. Hôm nay là lễ chính kỵ, nó không muốn trang điểm lòe loẹt, mà chỉ muốn phớt nhẹ một ít son phấn, che bớt vẻ xanh xao do bị ốm vặt suốt mấy ngày qua. Mấy hôm nay, Trịnh Khải đã mệt mỏi rất nhiều, nó không muốn vì mình mà anh phải lo lắng, bận lòng thêm làm gì.
- Ngươi đã biết ta là Đặng tuyên phi, còn ngươi là ai? Tại sao lại không dự lễ chính kỵ của tiên vương mà còn ngồi đây?
Nguyên Thục không muốn nói chuyện với Đặng Thị Huệ, nhưng bà thì trái lại. Việc một cô gái còn ung dung ngồi trang điểm trong phòng trong khi ngoài kia mọi người đều đang tất bật cho ngày lễ, khiến bà cảm thấy ngạc nhiên, xen lẫn thú vị. Vẫn tiếp tục tô son cho môi thêm hồng, Nguyên Thục hờ hững đáp lời
- Tôi là Hồ tiệp dư, phi tần của của Đoan nam vương. Bà chỉ cần biết thế, còn lại là chuyện riêng của tôi.
- Hồ tiệp dư? Hóa ra ngươi là người đã công khai cạnh tranh ngôi vị Vương phi với tân Vương phi đó sao?
Nghe Nguyên Thục bảo mình là Hồ tiệp dư, Đặng Thị Huệ thốt lên thích thú. Câu chuyện một nàng Tiệp dư thân phận bất minh, địa vị thấp kém, dám yêu cầu Thánh mẫu cho cạnh tranh ngôi vị Vương phi mà đám cung nữ, lính phủ bàn luận xôn xao suốt mấy tháng qua, tất nhiên Đặng Thị Huệ không thể chưa nghe. Khi biết được câu chuyện ấy, bà đã vô cùng thích thú. Sự thích thú còn pha lẫn ngạc nhiên khi hay tin một cô gái dám đứng ra đấu tranh vì quyền lợi và hạnh phúc của riêng minh. Trong khoảnh khắc ấy, bà bỗng nghĩ, cô gái ấy ắt hẳn ít nhiều giống mình, ở chỗ không cam chịu số phận bị sắp xếp, mà phải vươn lên, đoạt lấy hạnh phúc mà lẽ ra mình phải có. Cứ ngỡ rằng cô gái ấy sắc sảo lắm, quyết liệt lắm, khi cả gan đứng ra làm trái quy luật chốn hậu cung như thế, nào ngờ trước mặt bà chỉ là một cô gái nhỏ bé, nhan sắc bình thường đến thế, thật trái hẳn với trí tượng tượng phong phú của bà.
- Ngươi là phi tần của Trịnh Khải à. Hà, cũng khá đấy!
Nghe Đặng Thị Huệ nhắc đến Trịnh Khải, một tia sáng lóe lên trong đầu Nguyên Thục. Phải rồi, bà Tuyên phi này chắc ít nhiều gì cũng biết đến quá khứ của Trịnh Khải, cơ hội chỉ có một lần, sao nó không nhân dịp này mà hỏi chuyện về Trịnh Khải, biết đâu lại có thêm thông tin gì đó về anh, giúp nó tiến gần anh thêm một bước thì sao?
- Tuyên phi, nói thế, chắc chuyện trước kia của anh ấy, bà ít nhiều gì cũng biết một hai chuyện, đúng không?
Thấy nét mặt Nguyên Thục lộ vẻ nôn nóng, muốn biết Trịnh Khải ngày xưa ra sao, Đặng Thị Huệ im lặng nhìn nó từ đầu đến cuối. Không hiểu tại sao, nhìn cô gái này, bà lại có cảm giác như đang nhìn chính mình nhiều năm về trước. Ngày ấy, bà cũng như cô gái này, vô tư, hồn nhiên, ước mơ một cuộc sống bình thường bên cạnh người mình yêu. Vật đổi sao dời, con người ta cũng thay đổi, bà từ một cô gái hái chè thôn quê ước ao có một cuộc sống ấm cúng nay lại muốn có những thứ cao hơn, xa vời hơn ước mốn giản dị ban đầu của mình.
Liệu cô gái này có như thế chăng…?
- Ngươi hỏi thế để làm gì?
- Tôi… Chẳng qua tôi chỉ muốn biết nhiều thêm về anh ấy mà thôi.
Đặng Thị Huệ nhướng mày, một tia sáng kỳ lạ lóe lên trong ánh mắt rồi biến mất, bà nhìn đăm đăm vào mặt Nguyên Thục, bờ môi đỏ tươi chợt vẽ thành một nụ cười ngọt ngào.
- Ta nghe nói trong tiệc sinh thần của Thánh mẫu, ngươi đã bị một cô gái áo đỏ ám sát, ngươi có biết cô ta là ai không?
- Tôi biết. Cô gái đó chính là Hoàng Thanh Loan, cung chủ Huyết ly cung. Nhưng chuyện này thì sao?
- Ngươi có biết cô gái ấy là gì của Trịnh Khải không? Có biết trước kia mối quan hệ của hai người là thế nào không?
Đến đây, Nguyên Thục không trả lời. Đặng tuyên phi đã vô tình gợi lại cho nó mối lo lắng âm ỉ mà nó đã cố chôn sâu trong lòng, cố không nghĩ đến suốt thời gian qua. Thanh Loan qua đời, Nguyên Thục đọc được một nỗi đau không nói thành lời sâu trong đáy mắt của Trịnh Khải, chưa bao giờ nó thấy anh ưu phiền đến thế, như vậy đủ biết Thanh Loan giữ vị trí quan trọng với Trịnh Khải đến nhường nào. Đã mấy lần nó muốn hỏi thẳng anh mối quan hệ ấy, rằng thật ra giữa anh và Thanh Loan đã xảy ra chuyện gì, nhưng một mặt nó lại không muốn hỏi. Nó sợ rằng sẽ lại gợi thêm những kỷ niệm không vui của Trịnh Khải, và còn sợ hơn nếu phải nghe anh thừa nhận rằng Thanh Loan vô cùng quan trọng, rằng không ai có thể thay thế được Thanh Loan, kể cả nó. Nó sợ, rất sợ Trịnh Khải sẽ nói điều ấy ra, khiến nó sẽ càng thêm đau lòng.
Thấy Nguyên Thục không trả lời, nét mặt buồn hẳn, trong ánh mắt là sự chơi vơi, lạc lõng, Đặng Thị Huệ mỉm cười. Ve vuốt ấm trà để trên bàn, cảm nhận hơi ấm qua từng ngón tay lạnh giá, Đặng Thị Huệ chậm rãi nói từng câu.
- Ngươi đã hỏi ta về chuyện của Trịnh Khải thì ta cũng không hẹp hòi gì mà sẽ nói cho ngươi biết. Khi xưa, Thanh Loan và Trịnh Khải vốn là một đôi thanh mai trúc mã. Quận Huy, anh trai của Thanh Loan, còn bàn với ta rằng muốn nó sau này sẽ lấy Trịnh Khải để yên bề gia thất, bản thân ta cũng thấy hai người họ thật sự đẹp đôi nên đã tán thành hôn sự này. Nhưng chuyện đời khó đoán, cuộc hôn nhân ấy không thành khiến ta cũng cảm thấy có lỗi đối với cô ta, bây giờ cô ta thế nào rồi?
Đặng Thị Huệ càng nói, Nguyên Thục càng cảm thấy khó thở, nó trả lời bà mà tưởng chừng như không phải bằng giọng của mình.
- Cô ấy đã chết rồi.
- Sao? Chết rồi? Tại sao chết?
- Tôi không rõ, chỉ biết cô ấy đã tự sát, thế thôi!
Nguyên Thục vừa nói dứt, đôi mắt Đặng Thị Huệ mở to, bờ môi đào mấp máy, rồi không kềm chế được mà bật cười thành tiếng. Tự sát rồi, cuối cùng cô ta cũng đã chết rồi, lại còn chết sớm hơn cả ta. Thanh Loan ơi Thanh Loan, ta nói có sai đâu, cô quá trông chờ vào tình yêu ảo mộng của mình, tự huyễn hoặc mình rằng Trịnh Khải yêu cô, hiểu nhầm giữa cả hai sẽ được xóa bỏ, rồi hắn sẽ cưới cô, thật là nằm mơ. Cô đã làm tất cả vì hắn ta, nhưng đổi lại cô đã được gì? Chẳng được gì cả, chỉ là cái chết trong nỗi oán hận, giày vò, đơn độc và một trái tim tan nát mà thôi. Chết hay lắm, thật sự rất hay.
- Hồ tiệp dư, ngươi biết không, Thanh Loan thật đáng thương, vô cùng đáng thương. Vì ta cùng quận Huy và Trịnh Khải ở hai chiến tuyến, con bé ấy đã bị Trịnh Khải hiểu lầm khi tưởng rằng nó là gián điệp do quận Huy phái tới để do thám hắn trong khi nó chỉ một lòng muốn cứu hắn ta. Trịnh Khải bị phế truất, bị giam ở tam nhàn đường, nó vì oán giận ta, vì muốn trả lại cho Trịnh Khải tất cả những gì thuộc về hắn ta nên đã bỏ đi đến Huyết ly cung. Sau khi trở về, nó đã thực hiện được những gì mình muốn. Ta bị Thanh Loan vu oan, triệt hết vây cánh, con trai ta bị phế truất, còn Trịnh Khải được nó trả lại quyền lực, danh phận và những gì lẽ ra hắn ta phải có. Một mình Thanh Loan đã làm tất cả những việc đó. Nếu không vì sự trở về bất ngờ và âm thầm chuẩn bị của nó thì ta không dễ dàng gì bị lật đổ, Trịnh Khải cũng không phải là chúa Trịnh như bây giờ. Thanh Loan đã vì hắn mà không ngại hy sinh bản thân, nó đã vì hắn mà không ngần ngại đánh đổi tất cả. Nó làm tất cả vì hắn nhưng kết quả cuối cùng lại là gì? Tự sát. Là tự sát. Hồ tiệp dư, ngươi nói xem, Thanh Loan có đáng bị như vậy không, hả?
Đặng Thị Huệ vừa nói vừa cười, nét mặt vô cùng đắc thắng, còn Nguyên Thục thì lại chẳng thể nào thốt nên lời bởi những gì vừa nghe thấy. Thì ra, chuyện xảy ra giữa Trịnh Khải và Thanh Loan là như thế, Thanh Loan vì bị Trịnh Khải hiểu lầm là gián điệp nên đã bỏ đi, mối quan hệ tốt đẹp của hai người từ đó mới bị rạn nứt. Kỳ thực, Thanh Loan chẳng có lỗi gì cả, cô hoàn toàn vô tội, lại còn là người có công rất lớn trong chuyện đưa Trịnh Khải trở lại ngôi vị lẽ ra phải thuộc về anh, giúp anh tiêu trừ tất cả thế lực cản đường. Trịnh Khải liệu có biết sự thật này không? Nếu biết được chuyện này, anh sẽ như thế nào? Nếu biết mình trách lầm Thanh Loan, nếu biết tất cả những gì người bạn thanh mai trúc mã, đối tượng hôn nhân kia đã làm cho mình, đã hy sinh vì mình, anh sẽ làm gì? Thanh Loan đã chết, còn nó sẽ ra sao, anh sẽ đối xử thế nào với nó đây? Nó liệu còn có chỗ đứng trong tim anh không?
Nguyên Thục càng tự hỏi, càng thấy sợ, càng thấy lo lắng và không muốn biết câu trả lời. Thanh Loan, cô ta đã vì Trịnh Khải làm tất cả, vì Trịnh Khải mà hy sinh tất cả, chỉ một mình cô ta thôi đã có thể trao trả cho Trịnh Khải địa vì và quyền lực, đưa anh lên ngôi chúa, còn Ngọc Xuân, Ngọc Xuân xuất thân danh môn, có địa vị, sẽ là một hậu thuẫn tốt cho anh. Cả hai người con gái ấy đều yêu anh, hết lòng với anh và vì anh mà không màng đến hy sinh bản thân mình, còn nó, nó có gì? Không địa vị, không quyền lực, chẳng có gì cả. So với Ngọc Xuân là một sự thua thiệt, và so với Thanh Loan lại càng là khoảng cách một trời một vực. Nó vô dụng quá, bất lục quá, thử hỏi làm sao nó có thể bảo vệ anh, có thể là chỗ dựa vững chắc cho anh đây.
Nguyên Thục càng nghĩ càng rôi bời, bao nhiêu chuyện ập đến khiến nó bần thần, rệu rã cả người. Đối với Ngọc Xuân nó đã lo một, thì với Thanh Loan nó lo đến mười. Trịnh Khải có lẽ chưa biết được sự thật về Thanh Loan, rằng anh đã nghĩ oan cho cô ấy, rằng lẽ ra anh phải cảm kích những gì cô ấy đã làm, cô ấy ra đi mà vẫn ôm nỗi oan không thể giải vào người, lại còn chúc cho anh được hạnh phúc. Nó có nên nói chuyện này cho anh biết không? Có nên không hay giấu kín? Nếu biết, anh sẽ như thế nào với nó, có còn yêu nó không? Nó có còn quan trọng trong trái tim anh không, hay anh sẽ ân hận, nuối tiếc về Thanh Loan, tâm trí hướng về cô, tưởng nhớ về cô, mà không còn chỗ nào cho nó nữa? Người ta nói rằng người chết là người thắng tuyệt đối, Thanh Loan vô tội đã ra đi, nỗi đau của Trịnh Khải rất lớn, nếu giờ đây phát hiện thêm sự thật được giấu kín, chắc chắn vết thương lòng đó sẽ còn lớn hơn nữa. Rồi anh lúc nào cũng sẽ nhớ về cô ấy, nghĩ đến cô ấy, thấy có lỗi với cô ấy, ân hận vì hiểu nhầm cô ấy, còn nó đã thua cuộc, hoàn toàn thua cuộc mất rồi.
Nguyên Thục cắn môi, mắt rơm rớm. Phải cố lắm nó mới không để những giọt nước mắt long lanh chực rơi trước mặt Đặng Thị Huệ, bởi nó không muốn khóc trước người đàn bà kiêu ngạo nay. Ngay giây phút ấy, chợt trước cửa phòng Nguyên Thục có tiếng bước chân dồn về, giọng Hồng Phương ở bên ngoài vọng vào, khiến Nguyên Thục giật mình.
- Hồ tiệp dư, Thánh mẫu và Dương thái phi cho mời Tiệp dư đến sảnh đường.
—————————
Chú thích
(*) Bài này Yoh lấy trong sách, mà nó chẳng đề ai là tác giả cũng như tựa bài thơ là gì, nên Yoh đành để trống, mong mọi người thông cảm ><
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro