Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Suối mơ

Sưu tầm

Suối mơ

Tác giả:Ma Văn Kháng

Trở về sau một tuần lễ đi công tác, tôi lại đã nhận ra những nét khác lạ ở cái hẻm núi sơ tán của gia đình tôi. 
Chiến tranh phá hoại hiện đại Mỹ dùng tới cả máy bay siêu thanh để oanh tạc thì còn vùng quê nào trên đất nước nhỏ bé của chúng ta được coi là thánh địa an toàn? Khôn ngoan hơn cả vẫn chỉ là dàn mỏng mật độ cư trú ra và nhất là lợi dụng địa thế núi non, chia nhau luồn lẫn luôn vào các hẻm núi gần quanh mình. 

Gia đình tôi cùng mấy gia đình cán bộ khác chọn nơi sơ tán là khe núi cây số 7 trên tuyến đường đi về huyện lỵ Mường Khương. Đây là một hẻm sâu kẹp giữa hai quả núi đất, um tùm nứa dại, bên dưới róc rách một dòng suối nhỏ, men bờ là một vết đường mòn, lối đi của thợ sơn tràng và đầu mút của nó ở phía trong làng là một làng Mán đỏ đã định cư. 
Giờ đây khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã bước sang năm thứ hai, hiểu rằng thắng lợi cuối cùng không thể là việc của ngày một ngày hai, thì cảnh ăn xổi ở thì, tạm bợ không thể có lý do tiếp tục tồn tại. Vẫn là tranh tre nứa lá thôi, nhưng nhà cửa bây giờ phải cao ráo, sạch sẽ, vững chắc và cảnh trí xung quanh không thể không phong quang, tươi đẹp. 
Tuy vậy, lần đi vắng một tuần mới trở về này, tôi vẫn có cảm giác chân mình lạc bước. Ùa ngay vào mắt tôi là cảnh quan lạ lẫm khác thường của nơi hẻm núi quen thân. Ngày tôi đi, đoạn suối chảy qua trước nhà tôi chia đôi, nửa bên này tắc nghẹt bùn hoang lưu cữu, nửa bên kia lờ đờ một dòng chảy lều phều váng bọt, thi thoảng mới ló dạng dưới rậm rì lau cỏ. Giờ đây, lau cỏ đã được phát quang. Bên bờ trái, nơi bùn hoang kết đọng đã được vét sạch và rải đều một lớp sỏi cuội trắng phau. Qua vòm lim xanh che phủ ở tít trên cao, nắng lọt xuống lỗ rỗ những cái chấm vàng nhảy nhót vô tư trên dòng suối thông dòng long lanh. Cảnh đẹp một cách lặng lẽ và thoáng chút mơ mộng có lẽ còn là do lui vào phía trong hẻm, qua mặt suối rộng có một cây cầu nhỏ kẻ một nét ngang êm đềm. Ngày đi, chân tôi bước lập chập trên mấy hòn đá tảng đặt cách quãng qua chỗ lầy. Giờ đây một mặt cầu ghép mấy thân vẩu già ba nhịp nối liền ghếch đầu lên hai cái trụ kết cấu bằng đá cuội quây trong vòng phên nửa đan lóng đôi như mời mọc, đón chào. Sức lực lao động to lớn và cần cù nào, bàn tay ai khéo đã tạo nên quang cảnh đẹp đẽ, thú vị nó ở nơi hẻm núi hoang vu này? Thầm đoán được sự kinh ngạc của tôi, mẹ tôi đứng ở bên kia bờ con suối, trên tay bồng đứa cháu gái hai tuổi con tôi, đã thay tôi cất tiếng xuýt xoa thán phục. 
- Một mình bác Rư bác ấy làm đấy! Chết, chết, sao lại có con người chịu khó thế. Đi thì chớ, về tới nhà lại sùng sục như ma úp nồi. Làm sao không biết mệt là gì. Làm đến vỡ đầu ra khói. Bước chân xuống giường là làm. Làm cả đêm, làm quên ăn quên ngủ. Bác ấy mới đưa bác gái ở dưới xuôi lên đấy. 
Rồi nhìn ngược vào chiều sâu hẻm núi, mẹ tôi chỏ tay, nói tiếp: 
- Kia kìa, bác ấy còn đang trồng mon ở vùng đất lầy trong hủm. Thật ông giáo mà làm việc thổ mộc còn hơn cả người nông phu! 
Tôi nhìn theo tay mẹ tôi chỉ. Và nhận ra ông giáo Rư bạn tôi trần trùng trục một khối hình chắc nịnh, trên mình đánh mỗi chiếc quần đùi, lấm bết như trầu đầm, tay ôm một bó mon lớn, đang kho lưng bì bọp tiến lui. Thấy tôi, anh ngừng chân bước, nheo mắt, miệng ho hó bốn cái răng bàn cuốc, rồi đánh tiếng oang oang. 
- Khang mới đi Mường Khương về dấy à? Mình tranh thủ dúi ít món nuôi lợn xuống cái hủm lầy này kẻo phí đất quá. Bà xã mình mới lên. Tí nữa sang chơi nhé! 
Vợ tôi đi học dài hạn ở Hà Nội, rồi theo trường sơ tán lên Lạng Sơn. Ở lại đây, sơ tán vào hẻm núi cây số 7 này, chỉ có tôi, mẹ tôi và đứa con gái nhỏ. Đêm tối ở miền rừng đèn đóm nhập nhèm, lại rỗi rãi nên cơm nước xong, tôi chỉ còn có việc là chờ Rư ngừng việc để sang chơi. Nhà Rư ở bên kia suối, cách túp lều sơ tán của tôi chừng ba chục thước. Anh đã có ý mời. 
Lại cũng là thói quen xóm giềng mỗi khi đi đâu xa về. Hơn nữa, tôi cũng muốn cám ơn anh. Nơi sơ tán vắng vẻ, đêm hôm mưa gió, lúc tắt lửa tối đèn, tôi lại hay đi công tác xa nhà, có anh bên cạnh, mẹ tôi nhiều phen đã ơn nhờ dựa cậy. Vừa rồi gặp cơn lốc nhỏ, mái rạ tốc bay mất một mảng, anh đã kịp thời sang lợp lại hộ. Phần khác cũng là để chào vợ anh. Anh cưới vợ năm ngoái, năm nay chị mới lên. Nghe nói, chị người Hà Nội. 
Tôi chờ đợi. Nhưng năm lần bẩy lượt ngó ra vẫn thấy Rư lặm cặm hết cấy môn lại ra đắp bờ ở đám ruộng lầy. Tối sẫm, thấy anh lội xuống suối kỳ cọ, liền sửa soạn, nhưng vừa quay vào nhà mặc áo dài bước ra, đã thấy anh lồng từ dưới suối lên, quần đùi ướt rượt, vung tay bổ cuốc san cái tổ mối to tường ở sau nhà, trong ánh trăng muộn vừa lên le lói ở trên mom đồi. 
Tôi đành nằm trong nhà mình, qua cánh cửa mở, nhìn sang phía nhà RƯ, xua đuổi mệt mỏi, cố tỉnh táo để đợ chờ anh ngưng tay vậy. Tiếng máy bay Mỹ ì ầm cộn cạo phía sau núi tắt dần. Rồi im ắng tràn ra trong ánh trăng đêm hòa với cơn thức ngủ chập chờn khiến bóng Rư lúc gần lúc xa, khi trần trụi hình nét, khi nhoà mờ, chơi vơi. Lúc sau, chừng đã khuya, giữa không gian bốn bế im vắng, chỉ có tiếng suối róc rách, bỗng giật mình vì nghe thấy tiếng đàn ai gáy vọng đến bên tai. Dụi mắt, ngẩn ngơ một lát, tôi nhận ra đó là tiếng đàn măng đô lin cất lên từ phía trong hẻm núi. 
Suối mơ bên rừng thu vắng 
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng 
Tiếng đàn thoạt đầu văng vẳng, sau rõ dần. Nghe thấy cả hơi nước lướt trên ngón tay chuyển, tiếng gẩy đơn cùng tiếng vê giòn liền mạch và cả hiệp âm trên ba bốn dây đổ dồn. Lúc tức hứng sầm sập như trời đổ mưa, khi ỡm ờ như con bướm lượn vành, tiếng đàn gờn gợn một tâm tình cô độc thèm muốn thở than và quấy quả. 
Tiếng đàn lọt vào óc tôi, quẫy nhiễu tôi, khiến tôi mệt lả. Tôi đã ngủ lại từ lúc nào và khi mở mắt vẫn như kẻ ngơ ngẩn, chưa ra khỏi chiêm mộng. 
Khung cửa ra vào lúc này mờ mờ sương sớm, khi dương một ngày đang tỏa lan hơi ấm trên mặt đất. Mặt suối bốc hơi như khói vẩn. Nghe như có tiếng chân người bước ọt ẹt trên mặt chiếc cầu bắc qua con suối, rồi ở khung cửa mờ sương nọ lọt vào một tiếng đàn bà rất lạ tai: “Cụ Khanh ơi. Cụ cho tôi mượn cái lỗi, tôi lẩu bơ gạo lếp cho nhà tôi ăn đi làm!”. 
- Ai đấy, hả mẹ? 
- Anh hỏi ai nào? 
- À, bác Rư gái, bác ấy sang mượn cái nồi gang để nấu cơm nếp. Người đâu mà ăn nói vừa sỗ vừa ngọng! 
Tôi dụi mắt, ngồi dậy và vội vã ra khỏi nhà. Bếp nhà anh Rư lạnh tanh. Anh Rư đã đi làm rồi. 
Tôi chẳng được sang thăm hỏi, trò chuyện với Rư hôm ấy. Nói cho đúng, cả mấy hôm sau cũng vậy. Chẳng có lúc nào tôi có được cơ hội để sang trước là thăm hỏi vợ anh, sau nữa là nói dăm ba câu chuyện thế sự hoặc phiếm đàm, theo thói quen hàng xóm thân tình với anh. Vẫn là có mặt ở nhà đấy, nhưng anh luôn tay luôn chân hét việc nọ đến việc kia, chẳng khi nào rỗi rãi. 
Anh Rư xuất thân là giáo viên dân lập ở xã. Để trở thành giáo viên quốc lập, anh đành phải xa rời đất quê Nghệ An, lên dạy học ở một xã miền núi xa xôi nhất của huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai. 
Ở xã nọ, năm năm qua không có nổi năm đứa trẻ đi học. Người lớn đã mù chữ vẫn hoàn mù chữ. Nhưng năm năm ở đó anh trồng được năm vụ xuyên khung, thu hoạch đủ tiền tậu được mọt chiếc xe đạp nhãn hiệu Phượng Hoàng mới toanh. Đất ở đây tốt nhất hạng, công phu hơn có thể trồng được cả cây thuốc quý, hái ra tiền như bạch truật, tam thất. 

Tiếc vùng đất sinh lợi nọ lắm, nhưng anh Rư vẫn vui vẻ chấp hành điều động của Ty giáo dục đưa anh về giữ chân văn thư ở trường sư phạm tỉnh. Giáo viên cấp i dân lập, trình độ văn hóa xấp xỉ lớp năm bổ túc. Dạy cấp một khác gì cơm chấm cơm, biết một dạy một, đã thế lại năm năm liền không một lần soạn bài, lên lớp, chữ nghĩa rơi rụng hết. Anh Rư tự hiểu mình, chấp nhận sự phân công, chẳng một lời than vãn. 
Trường sư phạm tỉnh sơ tán ở chân núi Hoàng Liên. 
Từ nhà anh Rư đến đó, đường xa hơn mười cây số, lại phải đi qua thị trấn, trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Vì vậy, phải đi sớm bủng. Đi từ sớm bủng, lại xa, nhưng anh Rư không dùng xe đạp. Anh nói: mình đi bộ quen, lên dốc xuống dốc, mần chi đều thấy bình thường, còn đi xe lên dốc thì nhọc, xuống dốc thì mỏi chân phanh. Vả lại, đường dạo này nhiều đoạn lầy thụt, trông cái xe lấp lám, kết bùn, xót ruột quá! Anh Rư treo chiếc xe Phượng Hoàng lên xà ngang của căn nhà lá anh dựng lấy ở cạnh nhà tôi. 
Tan tầm chiều, anh Rư đi bộ từ trường sư phạm về tới nhà thì đã hơn sáu giờ. Miền rừng, trời mau tối, nên chỉ uống hớp nước, cởi cái áo và chiếc quần dài ra, là anh cầm ngay cái cuốc, con dao, chiếc thuổng, tranh thủ làm việc liền. 
Anh Rư khỏe lắm. Trông vóc dáng cũng thấy. Anh thấp tè, từ gót tới đỉnh đầu chưa đến mét rưỡi. Vai rộng, hông hẹp, chân anh ngắn có một mẩu. Mặt tròn to phệnh, mắt một mí, mũi triều thiên, hếch ngược, trông anh vừa ngây thơ vừa ngốc nghếch. Bắp chân, bắp tay anh nổi con chuột, rắn như đanh. Tính anh hiền lành, đơn giản. Ăn thế nào cũng được. Bát cơm nguội với quả cà, dúm muối trắng là đủ. Mặc đi làm thì cũng chỉ bộ quần áo bà ba may bằng mấu vuông vải nâu dấn bùn. Còn ở nhà, trừ những ngày quá rét, lúc nào cũng chỉ một manh quần cộc nâu bạc suốt từ sớm đến tối. Anh chỉ có một nhu cầu là làm việc. 
Cuốc đất, san nền, chặt cây, đánh gianh, dựng nhà, đắp bếp. Rồi phá rậm, lên luống gieo hạt cải, bắc dèo đậu đũa, dựng dàn mướp hương. Rồi khai quang các vùng đất lầy thụt và mở việc trồng trọt lên sườn núi cao. Rồi khơi suối, nắn dòng, bắc câu. Anh cán bộ nghèo mang trong mình dòng máu người lao động, với cốt cách con nhà nông bần hàn, chịu thương chịu khó, nhìn chỗ nào cũng thấy việc, cũng có thể sinh lợi. Đất trồng trọt ở rừng cơ man tha hồ thỏa sức. Cao thì lúa khoai, ngô sắn. Thấp thì chuối chanh rau đậu. Chăn nuôi lại càng dễ. Gà thì thả lên rừng cho nó nhặt sâu bọ. Vịt thì sẵn nước suối đấy có khác gì thò tay vào túi lấy tiền. Chưa kể còn đi rừng lấy mật ong, hái măng nứa, chặt song mây, nhặt hạt mít rừng, hạ cây, xẻ gỗ. 
Đều đều trôi đi trong nhẫn nại âm thầm ngày lại ngày. Không là hội hè, cũng chẳng hề u oái, ngày nối ngày chỉ một khí sắc cần lao. Không lo âu, phiền muộn, chẳng hề thấy thế là vất vả, khổ cực, anh Rư chỉ nhăm nhăm cái đích trước mắt là động chân động tay làm ra được cái gì đó có ích, có lợi. Lao động là sinh thú tiên thiên duy nhất của anh. Anh chỉ ngừng nghỉ chân tay khi ngủ. Bất đắc dĩ phải tiếp khách thì anh vừa trò chuyện vừa tranh thủ chẻ nắm lạt, vót mớ nan, cạp lại cái rổ cái rá. 
- Tôi vừa vào cái làng Mán đỏ ở sâu tít trong khe, anh Khang ạ. Chuối rừng, môn dại trong đó rất nhiều. Tuần tới tôi sẽ đắp thêm cái lò nấu cháo cám lợn. Rồi đi Mường Khương lấy mấy con giống về. Đất rừng này mà không nuôi lợn thì phí lắm! 
- Chỗ đất trồng mon lầy thụt kia tôi tính rồi, chỉ cần xuống vài ba thép mai, mấy cái chủ nhật là thành cái ao. Nhất canh trì, nhì canh điền, làm chơi ăn thật đấy anh ơi! 
-Có nhẽ tôi sẽ đắp cái đập ngăn khúc suối này lại, anh ạ. Ừ, vừa có chỗ tắm táp, lại đặt được mấy cái hom, nhất cử lưỡng tiện thật. 
Kế hoạch này chưa xong, dự định khác lại đã nẩy ra trong óc anh. Có lần anh bảo, đánh thắng thằng Mỹ xong, ai hồi cư về nơi ở cũ thì cứ việc. Còn anh, anh ở lại đây thôi. Đây sẽ là cái dương cơ giầu có, là cái trang ấp trù phú ăn đời ở kiếp của anh, của vợ con, cháu chắt nội ngoại của anh. 
Lao động với anh Rư là thú vui trần gian cao cả, là cơn say đắm hồn nhiên, là cách thức để thỏa mãn cái sức mạnh tiềm tàng không bao giờ dùng hết trong anh. Không ngơi nghỉ, không biết đến một miếng ngon, không ưa bàn luận thế sự, học thuyết, văn chương như những kẻ có được ít chữ nghĩa. Sách báo không có, loa đài không nghe, người cán bộ này chỉ một niềm mê mải là chuyển hóa cái sinh lực vô song của mình thành các tạo vật sinh sôi xung quanh mình. Làm! Làm không biết đến mệt nhọc! Làm không tiếc sức! Làm như ganh sức đua tài! Làm như thèm khát, như để thỏa nỗi căm hờn bấy lâu bị trói chân trói tay! Vô chứng vô bệnh, không biết ốm đau mỏi mệt là gì, như được sự trợ giúp của thần linh, con người này biến công việc khó nhọc thành các thao tác nhẹ nhàng của thói quen. Các thao tác nhẹ nhàng qua tháng ngày tạo nên các công trình. Và đến đây thì một bước nhẩy vọt kỳ diệu thế là đã xuất hiện từ công việc lao động bình thường lặng lẽ của anh. Mọi cái đẹp tự nhiên muôn thuở, căn nhà của anh Rư dựng, khúc suối anh Rư uốn dòng, vườn rau, mặt ao, hàng cây anh Rư tạo lập toàn bộ sức lao động nhẫn nại của anh đã được kết tinh thành một khung cảnh thật tươi đẹp và hài hòa. Và tôi nhiều lúc đã phải kêu lên thầm lời thán phục và cảm ơn anh. Vượt ra khỏi mục đích thực dụng, đi tới nấc siêu hình, con người lao động đích thực này đã tạo nên cả một không gian trữ tình đằm thắm. Trong tĩnh mịch, trầm lặng hiền triết và vô tư. Con người anh vẻ như khờ khạo, thô mộc, nhưng sản phẩm anh tạo ra lại trau chuốt, mượt mà; anh giúp cho cuộc sống giảm đi cái phần buồn tẻ, nhàm chán vốn dĩ của nó. Hiển nhiên rồi, làm ra được những điều khác thường, anh Rư ắt hẳn phải là con người có tài đức khác thường đáng được chúng tôi vô cùng yêu quý! 
Hôm ấy, bức toàn cảnh gần như sắp hoàn thành, anh chuyển sang một công việc được coi như là điểm một nét chấm phá cuối cùng. Anh đào giếng. Anh báo với mẹ tôi rằng: vợ anh người Hà Nội, quen dùng nước sạch, dùng nước suối cô ấy dễ bị dị ứng da. Tôi hiểu: Yêu là một duyên cớ cao thượng để con người được trở thành chính mình. 
Anh Rư yêu quý vợ mình lắm. Tình yêu của anh không bộc lộ ở lời tung nịnh, ở cử chỉ âu yếm. Tình yêu của anh bộc lộ một cách cao thượng, lớn lao hơn. Anh đặt toàn bộ công việc nặng nhọc của gia đình trong thời kỳ xây dựng ở trên vai mình. Anh quyết biến cái hoàn cảnh để vợ anh được hưởng sự sung sướng, thuận lợi ngay trong lúc chiến tranh ác liệt phải sơ tán vào nơi rừng núi. 
Chị Nhần, vợ anh Rư, tuổi ngoài ba mươi. Quê chị ở Thanh Hoá. Ra giúp việc ông chú ở Hà Nội từ lúc mười sáu tuổi, ít lâu sau ông chú mất, bà thím trở mặt, chị phải tự lập sống bằng nghề đi ở gánh nước thuê. Anh Rư về Hà Nội họp, ở nhờ nhà ông bác cạnh nhà chị. Anh đã hơn bốn chục, gặp chị duyên trời, hai người lập tức gắn bó. 
Chị Nhần thấp lùn, chân tay ngắn chùn chũn. Chưa có con nhưng ngực xệ, bụng phưỡn. Mặt chị lại quá nhỏ, khéo chỉ bằng cái niêu kho cá bống. Thêm hai con mắt lá dăm ở xa nhau, mặt chị thêm cái vẻ đong đưa, hay lên mặt đài đệ. 
Gương mặt chị lồ lộ nét trần tục và khi cục toát ra kém hèn thế nào ấy. Chị là người gốc nông thôn, nhưng đua đòi tơ tuốt, tính tình thì cỡn cờ, ăn nói thì chấm chớ, không có gia bản, căn cốt. Chỉ ít ngày sau khi chị lên ở với anh Rư, mẹ tôi đã nhận xét vậy. Và tôi cũng thấy không sai. Nhất là tiếp xúc với chị, thấy chị ăn uống điệu đàng, gảnh gót, ứng xử vỗng hãnh không phải lối, đặc biệt là hay bĩu môi bỉu mỏ chê người, chê anh Rư. Chị chê anh Rư già, chê anh quê kệch. Miệng chị phũ lắm. Dài giọng, chị mắng anh là đồ vai u thịt bắp mồ hôi dầu, là đồ ăn gio bõ trấu ỉa ra than. Mẹ tôi chậc lưỡi: “Chết, sao anh để chị ăn nói thế!”. Thì anh cười hi hi: “Cháu chả chấp cô ấy non người trẻ dạ, với lại, người thành thị được nuông chiều từ bé nên hay đòi hỏi. Lấy cháu, lên đây ở là cô ấy phải hy sinh nhiều lắm!”. 
Nhất nhất mọi việc anh Rư đều nhận phần dở, phần sai về mình. Anh nhường nhịn vợ hết mức, lại tưởng tượng ra mọi điều tốt đẹp để bệnh vực vợ: có bận bị trị mắng té tát là đồ cổ cầy vai bừa, chém to kho mặn, đổ cả nồi cá suối anh kho mặn cho lợn, anh sang tôi chơi, cười hì hì, nói rằng: người đẹp họ thường khó tính. Và thú thật với tôi rằng đây là đời vợ thứ ba của anh. Hai người lấy ở làng quê, một tảo hôn, một nạ dòng, chữ nghĩa không biết, răng đen, xấu người xấu tính lắm, lại chẳng chửa đẻ gì. So với họ, chị Nhần thật là nàng tiên, là hoàng hậu trong giấc mơ ao ước của anh! 
“Rõ là xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân chưa kìa!”. Mẹ tôi, ngồi trong nhà, nhìn ra bờ suối nơi anh Rư đang bổ những nhát cuốc đầu tiên trong công trình đào giếng cho vợ anh, chép miệng, rồi thêm: “Khổ thân bác ấy, sao lại có người vừa chịu khó vừa tốt nhịn đến thế!”. 
Việc đào giếng thu hút toàn bộ tâm sức Rư. Anh xin nghỉ cái phép năm mươi hôm. Đất rừng ven suối lắm đá. Mới được ba lượt cuốc, đã thấy nước ri rỉ, phải lập tức chít mạch để đào tiếp. 
Xuống hơn một mét thì gặp tầng đá khô. Mừng húm, vội thúc xà beng xuống sâu nữa. Ác cái, sau tầng đá tảng lại gặp đất sét và dưới nữa, lưỡi cuốc chim bén vậy mà chùn ngay lại vì chạm phải tầng đá gốc. Cuốc, đâm, nậy, bẩy, moi… càng xuống sâu càng khó nhọc. Khó nhọc vì diện tích hẹp, khó đào thế chứ khó nhọc nữa cũng không thể làm thối chí đuổi bắt mạch nước ngầm của anh. Anh Rư quyết định đuổi bắt bằng được nguồn nước thần tiên cho vợ anh tắm táp cho da thịt thêm tươi nhuần, thơm tho, mát mẻ, để chị vui vẻ, sung sướng. Vui vẻ sung sướng thì chị sẽ rộng lòng với anh, sẽ thông cảm với anh, sẽ không chê anh, sẽ thương anh. Anh sinh ra trong gia đình nông dân nghèo kiết, thất học. Anh chẳng được cái mẽ bề ngoài, học hành lại tối dạ, văn chương võ nghệ, khẩu khiếu đều kém cỏi, làm ông giáo cấp một cũng không xong. Nhưng anh có đôi bàn tay năng nổ và một tấm lòng chân thực. Tấm lòng ấy chỉ nuôi một mộng ước là có được tổ ấm nho nhỏ, một khung cảnh sinh hoạt thuận hòa, một đời sống no ấm dễ chịu. Anh lại biết hạnh phúc bắt đầu từ người đàn ông. Chị Nhần vợ anh, vì vậy chẳng phải chỉ là nàng tiên, bà hoàng mà còn là khởi điểm của giấc mộng hạnh phúc cả đời người của anh. 

Cái giếng càng xuống sâu càng hút hồn hút sức anh Rư. Tụt xuống đáy giếng, một mình lụi hụi mò mẫm đào bới dưới đó, rồi lại bíu bờ, bám thành giếng lên, một mình kéo lên từng xảo đất đá. Không một lời nhờ vợ… anh như con dúi dũi đất, một thân một mình trần lực ra làm, lặng lẽ cô đơn như bản chất của mọi sự sáng tạo. Chỉ có tôi chiều chiều bế con ra thăm anh. Ngó xuống lòng giếng, mắt tôi rơi theo một chiều sâu hút hút. Tôi gọi anh, tiếng âm vang. Anh trần trụi, lấm láp ngửa mặt lên, ho hó mấy cái răng bàn cuốc sau cặp môi hờ, tiếng đáp nghe văng vẳng: ở dưới này rét lắm! Tôi rùng mình sởn cả da ốc như nhìn thấy âm ti địa ngục. 
Đêm đó, chợt nghe tiếng động ở nhà anh, tôi thức giấc. 
- Gì thế mẹ? 
- Cô Nhần cô ấy chê bác Rư hôi hám, bẩn thỉu, cô ấy đuổi bác ấy ra, không cho ngủ chung. Rồi cô ấy than thân trách phận, rằng nghe anh dỗ ngon dỗ ngọt, ai ngờ lên đất đồng rừng khổ sở thế này. Biết thế này thì ở Hà Nội lấy thằng xích lô ba gác có phải sướng hơn không! 
Mẹ tôi thao thức. Lát sau cụ chép miệng: 
- Khổ! Đào giếng là độc lắm! Làm quần quật như thế thì sức voi cũng quỵ. Hay là hiền giả quá ngu! Hay là bác ấy ngậm bồ hòn làm ngọt! 
Mắt chong chong, tôi thức giấc hoàn toàn. Số phận của anh từ trong anh bước ra, giờ nó đang hiện ra trong tiếng khóc ti tỉ ai oán của chị Nhần. Chị Nhần khóc dai lắm. Khóc để bộc lộ nỗi niềm. Khóc như để gợi lòng thương xót của kẻ khác. Cho đến lúc, trong không gian đêm tối mênh mông bật lên một tiếng đàn: 
Suối mơ bên rừng thu vắng 
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng 

Tiếng đàn măng đô lin! Tiếng đàn dây bốn sợi mong manh gai gai gơn gởn một tâm tình cô độc thèm muốn than thở và quấy quả bấy lâu thi thoảng vẫn hiện lên trong khuya khoắt, giằng dai như một ám ảnh tiền định. Tiếng đàn ấy đêm nay giống như một ám hiệu báo trước sự bất toàn của cuộc sống những ngày này. Nỗi lo ngại của tôi thật sự đã mang máng hình thành kể từ khi xuất hiện một nhân vật mới ở hẻm núi cây số 7 này cùng tiếng đàn măng đô lin của y. Đó là một gã nhân viên của chi cục thuế đi chiếc xe đạp nhãn hiệu Phượng Hoàng, sơ tán cũng ở hẻm này, nhưng sâu vào phía trong thêm vài chục mét nữa. Gã chạc bốn mươi, da ngăm, tóc xoăn, vóc dáng cao lớn, mặt mũi vừa trai lơ đàng điếm, vừa hầm hập nỗi thèm khát nhục thể. Một lần trời mưa, xuống xe đạp ở đầu hẻm, ngại con đường vào nhà lầy lội, anh chàng liền đẩy xe đến trước cửa nhà anh Rư, cất tiếng: “Người đẹp ơi! Nhà rộng, cho gửi chiếc xe qua đêm được không?” Chỉ có Nhần ở nhà. Gã đưa xe vào nhà, ngước lên thấy cũng chiếc xe phượng hoàng như của mình treo trên xà nhà, liền kêu to là nhà người đẹp giầu quá. Thế là người đẹp được thể rên rỉ, nhiếc móc chồng. Chàng nhân viên thuế vụ hứa sẽ giúp người đẹp tập xe đạp bằng chiếc xe của mình và đêm đêm anh chàng bóng gió nhẩn nha giao tình với chị chàng qua tiếng măng đô lin gẩy bài Suối mơ. 
Tiếng đàn của anh chàng nhân viên thuế vụ chắc hẳn chẳng lọt tai anh Rư. Nhưng anh chàng đã thực sự trở thành nhân vật tích cực tham gia vào hồi kết của vở kịch đời Rư, khi anh rơi vào trận ốm thập tử nhất sinh. 
Đúng như mẹ tôi nói, đào giếng độc lắm. Việc thổ mộc không hộc máu cũng hộc cơm. Và cảm giác nổi gai khắp người tôi hôm rồi khi nhìn xuống lòng giếng sâu tăm tối, thấy Rư ngửa mặt ho hó những chiếc răng cửa to bản, kêu rằng dưới này rét lắm, đã là điều tiên báo cho cái sự kiện thảm thương chiều ấy, khi anh vừa chui lên khỏi cái miệng giếng vừa hoàn thành, vừa đứng dậy đã xây xẩm mặt mày, ngã ngửa người, mắt trợn ngược, thân hình tím ngắt như đọng máu. 
Anh Rư ốm nặng quá! Ba ngày đầu anh sình sịch bốn mươi bốn mốt độ. Đến ngày thứ tư thì chuyển sang vừa nóng vừa rét… Nóng thì như cái lò than. Rét thì rét từ ruột rét ra, người co quắp, răng lập cập, đắp bao nhiêu chăn chiếu cũng không lại. Liền mười ngày, cơm cháo nuốt được miếng nào lại nôn ra miếng ấy. Người đang đẫy đà vậy, qua mấy hôm chỉ còn da bọc xương. Mặt nổi gồ lên đôi lưỡng quyền và đôi môi khô nẻ co lại để hở mấy chiếc răng to bản vàng khè, từ đó phát ra tiếng rên rỉ thê thảm. Anh Rư rên rỉ trong mê man, trong mê man, có lúc còn thấy anh khóc ngằn ngặt, rồi chép miệng như muốn kêu đời tôi sao khổ nhục thế này. Lại có lúc bỗng dưng anh kêu la sợ hãi như trông thấy ma vương quỷ sứ dưới âm ty địa ngục. 
Xem ra trong người anh có cái vỏ bề ngoài khù khờ, thô mộc này, còn có điều ấm ức chưa nói được. Và trong cơn ốm đau vì thể chất hư hoại này anh còn một khối uất kết không giải tỏa được. Anh Rư hàng xóm của tôi, bấy lâu nay tôi đã hiểu hết anh đâu! Anh Rư bị sốt thương hàn, rồi biến chứng phát ban nhập lý. Nửa tháng, qua thấy anh ngày càng yếu, mẹ tôi giục chị Nhần đưa anh đi bệnh viện ở cây số mười. Thấy chị khất lần, tôi phải sang, cùng mấy người ở nơi anh công tác lừa lúc anh li bì trong cơn sốt, vực anh dậy đưa ra võng. Nhưng, nhậy cảm, anh biết, anh quẫy đạp, nhất quyết phản đối. Thều thào nói như mê lú rằng anh đi thì để người ta chiếm mất nhà à. Rồi lại buột miệng kêu: “Tôi chết ở đây thôi”. Mẹ tôi la hoảng: “Phỉ thui cái miệng nhà bác đi”. Chị Nhần sõng tay, mặt lầm lầm: “Đã muốn chết thì cho chết luôn đi. Ai mà chiều mãi được”. Anh Rư nằm đấy một tuần, bao nhiêu lợn gà, chị Nhần đem đi bán hết. Chị không biết chăm sóc chồng ốm. Nói cho đúng, chị bỏ mặc anh. Nấu cho anh nồi cháo, còn chưa kịp dừ đã bỏ đấy, tót đi tập xe với gã nhân viên chi cục thuế. Mẹ tôi phàn nàn: “Rõ là tuồng mèo mả gà đồng chưa! Hỏi rằng không có người ta thì nó làm sao thoát kiếp đứng đường đứng chợ!”. Rồi bà tiếp: “Khổ! Bác Rư bác ấy không biết! Con nặc nô này nó đú đởn với thằng ông mãnh từ lúc bác ấy đào giếng kia! Nhưng lúc này bới chuyện ra, bác ấy uất lên thì khổ!”. Thật sự lo lắng cho tính mệnh anh Rư, mẹ tôi sau mấy đêm trằn trọc, nghĩ rằng anh Rư đào giếng, chắc động phải cái mạch thổ thần gì đó, nên bảo chị Nhần sửa soạn cái lễ tạ, nhưng chị gạt đi, nói rằng như thế là mê tín. Mẹ tôi bảo: Thế thì vái tứ phương tìm thuốc cho anh ấy đi, chị cũng chỉ ậm ừ, kêu rằng cũng đang ốm đây. 
Chị Nhần chẳng bệnh tật ốm đau gì sất. Chị béo như con cun cút. Chị sởn sơ mỡ màng thêm lên thì có. Má chị đỏ ran và bụng chị mỗi ngày một thêm phinh phính. 
Buổi tối, tập xe ở ngoài đường cái tiếng chị cười hi hí vang vào tận hẻm núi. Có đêm gã nọ đèo chị đi xem chiếu bóng ở tận cây số chín, quá nửa đêm mới về. Còn kéo nhau ra giếng anh Rư đào, kéo nước, dội cho nhau, kỳ cọ, vỗ về nhà, khoái trá cười khinh khích từng hồi dài. 

Một tháng qua, cám cảnh cho số kiếp anh Rư, mẹ tôi phải lặn lội vào tận làng Mán đỏ trong hẻm sâu tìm thầy lang cho anh. Thầy lang Mán cắt cho anh, mấy thang thuốc gia truyền, lại đặt ống giác hút máu độc ở lưng ở ngực anh mới đỡ. 
Rút cơn sốt nhưng anh chỉ còn là một thân xác còng queo, nằm không động đậy trên ổ rơm, đôi môi dầy nứt nở, khô se, hàm răng đã hở lại càng hở. Nhà lúc này như nhà hoang. Vì chị Nhần gần như bỏ đi công khai tằng tịu với gã nhân viên thuế vụ tóc xoăn. Gã đàn ông vốn nòi hiếu dục, lại sống độc thân ở nơi hẻm rừng: chị chàng vốn chỉ là chiếc thân lạc loài, hay đâu chầu đấy, lại đang chê chồng, vừa háo của lạ vừa thích hoa lá nỉ non. Hai cái nhu cầu tinh thần và thể xác nhập vào nhau, lại gặp cảnh núi rừng quạnh vắng, tha hồ mà quấn quyện lăn lóc. Nên đã có lúc tôi rơi vào trạng thái bất nhẫn, muốn thét to lên để cản ngăn một tội ác và chế ngự một nỗi khiếp đảm. Vì chính tai tôi nghe thấy ả vợ anh cằn nhằn: “ốm mãi thế thì chết quách đi cho đỡ khổ có hơn không!”. 
May mắn thay anh Rư đã qua được trận đau ốm thập tử nhất sinh nọ. 
Anh Rư chưa chết. Anh Rư không chết. Thuốc thang lá lẩu sằng sịt, săn sóc sơ sài vậy thôi mà anh không chết. Anh không chết vì quật ngã được anh đâu có dễ. Cơ thể anh được cấu tạo bằng chất liệu đặc biệt, nó kết tinh sức sống mãnh liệt của bốn năm đời ông cha cụ kỵ sinh tồn trong nghèo nàn đói khát, khốn khổ, còn nhiều mong muốn, vì anh có ý chí hơn người. Người quê anh thường vậy, họ đã định làm cái gì là phải làm cho bằng được. Đấy, vừa tối qua, trong mê man, anh ứa nước mắt kêu mệt quá, biết thế này thì cố làm gì cho khổ. Vậy sáng hôm sau, tinh tỉnh một tí là anh lại lẩm thẩm với mình rằng có nhẽ nên khai ruộng trồng lúa chứ đừng nên thả môn nuôi lợn vùng lầy ấy. 
Tuy vậy, phải nói thật rằng, sức người là có hạn. Quá đắm đuối với dự định lớn lao và lạc thú cải tạo hoàn cảnh sống, anh Rư đã tự vắt kiệt sức mình. Trận ốm nghĩ mà kinh. Giờ đây mặt anh chỉ còn lại hai con mắt lờ đờ động đậy là còn thần sắc. Chân tay động cựa không được. Muốn đứng dậy đi lại, nhờ y tá tiêm cho mấy ống stricnin vào chân để bổ gân cũng không ăn thua. Thở mạnh cũng là quá sức. Ngực xẹp. Phổi lép. Tim đập chập chờn. Óc rỗng không, ký ức chết sạch. 
Phải hơn mười tháng sau anh Rư mới hồi sức. Hồi sức bắt đầu từ đôi chân. Anh ngồi dậy, thò chân xuống đất, nhói đau ở khớp đầu gối, ở hông, ở mỗi đốt sống và tận đỉnh đầu. Vịn tường vách, anh lò dò ra sân. Nắng sáng choang mảnh sân đất phất phơ mấy chồ cỏ. Bóng anh lểu đểu xiêu vẹo. Anh đưa tay che mắt. Anh quáng nắng, anh ngỡ ngàng vì như vừa bắt gặp một nguồn lực siêu thường từ cao xanh rọi xuống, phóng tỏa ra xung quanh, nhập vào nội tạng mình. 
Trước mắt anh, con suối mở rộng lòng, trong như lọc, chảy qua những viên sỏi cuội như được lau rửa, bào chuốt trắng phau, nhẵn bóng. Tươi vui biết bao là những chấm nắng nhẩy nhót trên mỗi gợn sóng nhỏ. Và khung cảnh bỗng thoáng chút đìu hiu mơ mộng vì nét cắt ngang mềm mại của cây cầu qua suối không một bóng người. Anh muốn kêu to: “Ai làm ra cảnh tượng đẹp đẽ thế kia?”. 
Bước lên mấy bước nữa, anh Rư lại giật mình vì nhìn thấy bên bờ suối cái miệng giếng tròn vạnh. Trí nhớ của anh mù mịt khói sương. Anh ứa nước mắt sung sướng, có cảm giác trời phật đã hiện ra giúp anh. Cái giếng nước lọc, cái ao ước của đời anh, là hình tượng hóa tình yêu của anh với vợ anh thế là đã thành sự thật rồi! 
Có tiếng rung nhè nhẹ trong không khí, anh Rư từ từ quay đầu lại. Trên mảnh sân anh vừa đi qua, những tấm áo quần ướt sũng vừa vắt lên sợi dây phơi phật phờ đung đưa, bóng chúng in lên mặt đất những khoảng tối đen ngòm. Vợ anh vừa đi tới đầu dây phơi bên này. Chị đang kiễng chân cố sức để vắt lên đó tấm chăn chiên. Khổ! Sợi dây vì sợ chùng ở đoạn giữa hai đầu buộc phải níu trên cành cao tít. Mà chị thì lại quá thấp và hình như ngày càng thấp đi. Vắt trượt một lần, chị thở hổn hển. Lạch bạch chuyển chân tìm thế đứng mới, chị dún chân lấy đà, rướn thật lực thân người lên trong khi cánh tay phải hất mạnh tấm chăn cho nó bay vọt qua bên kia sợi dây. Trong động tác ấy, vạt áo chị mặc giật hất lên, hở hoác cả vùng bụng trắng hếu căng phình. Bụng chị Nhần tròn mọng như bụng trâu no cỏ. Bụng chị Nhần căng nhức như cái nhọt bọc sắp vỡ. Cái thai, nghiệt căn của cuộc tình trăng gió vô luân của chị, đã sang tháng thứ tám! 
Quay đầu lại, hai con mắt lờ ngờ của anh Rư chết sững trong giây lát rồi chợt nhếch chéo, loé sáng. Nỗi niềm mu mơ ấn chìm bấy lâu nay trong ánh thần quang đã đi tới sự hiền linh, cặp mắt anh chợt sập lại, anh toát mồ hôi lạnh, anh run lẩy bẩy. Cuộc sống thật trớ trêu và khốn khổ! Người vo tròn, kẻ bóp méo. Nhịn nhường hết mực mà hạnh phúc vẫn xa vời thế; nhưng anh là con người thực sự chân chính và không một kẻ nào được phép lợi dụng, xỉ nhục anh! Không được phép! 
Lê chân, anh Rư đi đến miệng giếng do chính tay anh khơi đào, nhìn xuống. Anh thấy mặt mình hiện trong nước giếng như mặt con nghé dòng dòng nhu nhú bốn cái răng cửa to bè. 



Chiều ấy, tiếng máy bay Mỹ chộn rộn mãi ở sau núi tới hoàng hôn buông mới tắt hẳn. Tôi về đến nhà thì đã thấy mấy người sơn tràng từ trong hẻm ra đang túm tụm trên miệng cái giếng nọ và mẹ tôi mặt tái xám vì sợ hãi, ôm chặt đứa cháu nội đứng thin thít ở cạnh bụi mai bên bờ suối. Cái chung cục thảm thương của một kiếp người lam lũ đã vắt kiệt sức lực và chân thành vun đắp cho mộng ước khốn khổ của đời mình đã tới! 
Anh Rư đâm đầu xuống giếng tử tự. Đầu anh vỡ toác, ngập trong nước. Đôi vai rộng của anh mắc kẹt ở bên bờ giếng hẹp. Loay hoay mãi, chẳng biết làm thế nào để đưa anh lên được, cực chẳng đã, tôi phải tụt xuống đáy giếng, buộc dây vào cổ chân anh để trên kéo, dưới nâng dìu xác anh lên. Định vậy mà lóng ngóng mãi không xong. Phần vì kinh sợ, chân tay run lập cập. Phần vì lòng giếng lạnh rượi, có cảm giác nó như cái kính thiên văn khổng lồ chiếu lên thiên cực liên thông ba cấp vũ trụ: trời, đất, địa phú. 
Cuối cùng trời tối sập, công việc mới nhúc nhích. Nhưng xác anh Rư được dưới nâng, trên kéo tới gần miệng giếng, tôi bỗng run người, khuỵu xuống, khiến cho tất cả những người ở trên bờ như hụt hẫng, lạc nhịp kêu to một tiếng kinh hoàng và buông tay. Lọt xuống lòng giếng tối mờ như âm phủ là tiếng đàn Măng đô lin quen thuộc gẩy bài Suối mơ. Tiếng đàn lởn vởn như một hồn ma bóng quỷ từ tiền kiếp hiện về…
Hết
Ma Văn Kháng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro