Chương 2
Tuyết phủ trắng trời trong những ngày tháng 12, không khí buốt giá khiến những lá phổi rung lên thở ra màn sương từ cuống họng. Gió đìu hiu thổi trên những mái nhà và đi qua những căn ngõ nhỏ, nếu ta lắng tai nghe thật kĩ, đâu đó văng vẳng tiếng tí tách từ những ngọn lửa đang ôm trọn đống củi khô, nóng bỏng trong chiếc chậu đồng. Thời tiết khắc nghiệt khiến nhà giàu ngại bước chân ra cửa, họ cuốn chặt mình trong những chiếc chăn bông và thiu thiu trên chiếc ghế tựa. Những ngày này, nhịp sống diễn ra mới chậm chạp làm sao, tuyết đóng băng tất cả, đóng băng mặt sông lẫn chuyển động từ con lắc đồng hồ.
Trong cái rét thấu xương ấy, tiếng đập cửa vang lên chát chúa, khiến ông chủ đang cuộn mình trong những chiếc áo bông phải buông một lời càu nhàu khi bản thân phải tiếp đãi một vị khách không mời. Cửa mở, hơi lạnh tràn vào nhà, mang theo gió từ ngưỡng cửa quét qua chậu đồng lửa đỏ tanh tách. Đôi lông mày vị gia chủ nhíu lại và nó càng trùng xuống hơn nữa khi nhận ra rằng ông chủ nhà hát Hí Kịch dẫn theo một thằng nhỏ chân tay mảnh khảnh, gầy nhom.
"Có chuyện gì?"
"Muốn mua không? Có thể nó sẽ giúp ích cho Bách Lạc Môn của ông, thằng nhỏ này không có năng khiếu cho Hí Kịch. Tôi mua nó giá 5 vạn tệ, nhưng chỗ quen biết tôi để cho ông giá hời thôi, 4 vạn"
"4 vạn không phải giá hời cho một bộ xương khô, đây là vũ trường không phải cô nhi viện"
"Thế 3 vạn 8"
"Thôi ông cầm về đi"
"Được rồi, được rồi ông ép tôi quá. 3 vạn được chưa?"
Đột ngột, gió rít lên, khiến những bông tuyết xô nhau ùa qua ngưỡng cửa. Đợt gió khiến đầu óc lão lạnh buốt, như một phản xạ có điều kiện, lão toan đóng cánh cửa gỗ. Nhưng trước đôi mắt khẩn cầu của ông chủ nhà hát Hí Kịch, Sở Tiêu không thể cứ vậy quay lưng bỏ vào nhà. Buôn có bạn, bán có phường, trên con phố biểu tượng hoan lạc này, Bách Lạc Môn chỉ cách nhà hát Hí Kịch vài căn nhà, chẳng nhẽ lại trơ mắt đứng nhìn. Lão nhìn đứa trẻ đang run lên bần bật vì giá rét, chiếc mũ lông rách nát phủ lên cái đầu nhỏ. Chắc hẳn ẩn dưới lớp vải xấu xí ấy, chỉ lưa thưa vài cọng tóc mây. Giữ nó lại nơi này làm một chân quét dọn cũng khá hơn lao lực tại nhà hát Kịch. Và chắc chắn tốt hơn khi nó lang thang bơ vơ trên phố để rồi phải gia nhập băng đảng cái bang nào đó.
Sở Tiêu 'xì' một tiếng, bên ngoài giở giọng khó chịu với ông chủ gánh hát, nhưng bàn tay vẫn lần mò trong túi áo khoác rút ra ba vạn tệ giấy bạc. 'Nốt lần này thôi đấy, tôi không muốn nhận thêm một thằng bất tài nào nữa', lão bật ra khỏi khuôn miệng vài từ ngữ khó nghe, đầu óc lạnh buốt bởi gió trời. Ông chủ nhà hát xoè đôi bàn tay đỏ ửng, khúm núm đón lấy những tờ tiền. Xong xuôi, ông đẩy thằng bé gầy nhom qua ngưỡng cửa, đôi tai của nó vì gió lạnh đã sớm ù ù nên chẳng còn nghe rõ những lời chửi thề nói rằng nó xúi quẩy văng vẳng phía sau lưng. Sở Tiêu đóng lại cánh cửa sau, buốt giá thôi tràn vào vũ trường. Và trong khoảnh khắc ấy, thân ảnh nhỏ nhắn mới định hình được nơi mình đang đứng. Nó ngước đôi mắt xanh như ngọc dò xét xung quanh, kiến trúc này thật quá lạ lẫm so với một đứa trẻ đã chôn vùi tuổi thơ của mình chốn lầu xanh.
Bất chợt y cảm thấy đầu mình trống trải, chiếc mũ rách nát bằng một ngoại lực không nhỏ đã nhanh chóng hất văng khỏi đầu. Hốt hoảng liếc mắt nhìn quanh, rồi nhanh chóng nhận ra rằng thứ vừa ém nhẹm dung nhan bản thân giờ đây đang nằm trên tay người vừa ra giá 3 vạn tệ. Giống như đứa trẻ, Sở Tiêu cũng bàng hoàng không kém trước diện mạo này.
"Ngươi...tên gì?"
"Ta tên Huệ, mẹ gọi ta là Phục Hắc Huệ"
"Ngươi là con trai của Phục Đình Liên nổi danh ở phố đèn đỏ sao? Buồn cười thật, rõ ràng mẹ ngươi đặt tên ngươi mang ý nghĩa trời ban, nhưng lại bán ngươi cho nhà hát Hí Kịch, ơn trời cũng không là gì so với tiền bạc nhỉ?"
Đứa nhỏ mím chặt môi, cúi đầu chăm chăm nhìn vào mũi giày của mình. Những tiếng ken két vang lên trong miệng. Tựa như nó muốn dùng những âm thanh khó chịu ấy ngăn không cho những giọt nước mắt chuẩn bị nối đuôi nhau lăn dài trên gò má đỏ ửng nứt nẻ. Mái tóc đen rối bời rủ xuống che mờ đôi mắt, với một đứa trẻ lớn lên trong nhà thổ, tuổi thơ êm đềm là điềm gì đó thật xa xỉ. Và với một 'tai nạn ngoài ý muốn' như Phục Hắc Huệ, tình mẫu tử cũng là điều gì đó rất xa vời. Huệ không biết bố mình là ai trong những vị khách của mẹ, có thể ông ta đã quay lại hai ba lần nhưng cũng có thể sau lần ấy gã chẳng còn dám bén mảnh đến chốn lầu xanh nữa. Một đứa trẻ thiếu thốn tình thương, y không bất ngờ khi một ngày mẹ dẫn y xuống phố. Lần dạo chơi đầu tiên và cuối cùng giữa hai người. Cái nắm tay ấy, chẳng phải sợ Huệ lạc mất giữa chốn đông người nhộn nhịp, bà sợ rằng chỉ cần một giây sơ sẩy số tiền 5 vạn tệ cứ thế tuột khỏi tầm tay.
Huệ chỉ ngước nhìn mẹ vào lần sau cuối ấy, khuôn mặt bà vẫn lạnh tanh như tảng băng độ đông tới. Không nhận được một tia thương xót, liền cúi mặt như thương lệ, thánh thót rơi những giọt nước mắt mặn chát nơi ngưỡng cửa khi bà vùng đôi bàn tay trắng nõn nà khỏi năm ngón tay nhỏ bé thô ráp của y. Bóng lưng bà cứ thế nhỏ dần, nhỏ dần nơi cuối con đường để rồi sau cuối hoàn toàn nuốt chửng bởi ánh chiều tà buông dần trên đất Thượng Hải. Huệ đã nhìn theo bờ vai mảnh dẻ ấy, trong sự trông ngóng, gieo mầm tia hy vọng cuối cùng, y đã mong mẹ quay đầu lại ban cho mình một ánh nhìn xót thương khi quyết tâm bán đứa con của mình cho một rạp hát. Nhưng khi người ta vứt rác, chẳng ai quay lại trao một ánh nhìn và Huệ cũng giống như vết nhơ trong cuộc đời của bà và Đình Liên nhẹ nhõm khi trút được gánh nặng mang tên máu mủ ấy.
"...Cho ngươi làm việc gì đây, thôi đi lau nhà đi"
Bách Lạc Môn xây dựng giống như một chiếc phễu úp ngược, bên dưới phình ra càng lên cao càng nhỏ lại. Bởi vốn dĩ tầng dưới cùng là một vũ trường, có một sàn nhảy lát gỗ bóng loáng trước một sân khấu cỡ đại. Ở nơi đó có một chiếc đèn chùm mà mỗi tối thứ bảy cùng chủ nhật lại toả ra thứ ánh sáng dìu dịu khiến người ta mê mẩn. Chính trung tâm không gian ấy, những cặp tình nhân nắm tay nhau, ôm trọn lấy cơ thể đối phương uyển chuyển theo điệu nhạc. Đó là vũ trường đầu tiên của Thượng Hải, nơi khai sinh ra Thời Đại Khúc và cũng lụi tàn bởi thứ nhạc vàng một thời này. Tầng dưới không có bàn, trái ngược hẳn với không gian nhỏ hơn tên tầng hai, kín đáo hơn rất nhiều so với vũ trường bên dưới. Có lẽ ông chủ nơi này biết rằng có những tay chơi đến nơi này chỉ để thưởng nhạc, chẳng cần ôm ấp một ai nên đã dựng lên công trình tầng hai đây. Nơi những chiếc bàn tròn tinh tươm hắc lên mùi sơn mới khiến lòng người bồi hồi. Về sau nơi này không còn đơn thuần dành cho dân thưởng nhạc, một vài vị quan khách đã thầm thương mến sự kín kẽ của nơi này để tuôn ra những câu chuyện bí mật tận sâu trong tâm can.
Phục Hắc Huệ cơ thể gầy yếu, hai cánh tay mảnh khảnh như que tăm. Đằng sau lớp áo nhăn nhúm, bất kỳ người mẹ nào trong Thượng Hải cũng phải thốt lên kinh hãi, xương sườn y nhô ra và cảm tưởng như lớp da xanh xao vàng vọt ấy đang cố căng lên như quả bóng hòng bọc lấy lá phổi yếu ớt bên trong. Sau tấm lưng cũng lại là một điều khiếp hãi, bởi môi trường sinh hoạt không hợp vệ sinh đã dẫn tới những vết côn trùng đốt tím đỏ cứ thế nối đuôi nhau chi chít trên nước da nhợt nhạt. Vậy mà đứa trẻ non nớt ấy đang khệ nệ bê một thùng nước còn to hơn cả người mình, chầm chậm tiến từng bước lên tầng hai, sau khi đã từng giọt mồ hôi túa ra như tắm bởi lau sạch sàn nhảy tại tầng một. Nước bẩn trong xô sánh ra khỏi chiếc thùng gỗ, ướt nhẹp những bậc cầu thang bằng đá cẩm thạch và ướt cả lên chiếc áo đen đúa của Phục Hắc Huệ.
Ngước đôi mắt ngây dại nhìn lên tầng hai, nơi những phòng tiếp khách đóng cửa kín mít. Ngoài trời vẫn hửng sáng, chẳng trách nơi này không một bóng người. Huệ chép miệng một cái, rời xa chốn truỵ lạc để bán mình vào một trốn truỵ lạc khác, nhưng ít ra nơi này sạch sẽ hơn lầu xanh từng là nhà của y. Nước trong xô vẫn chảy theo từng bước chân nặng nhọc của y, chẳng mấy chốc bước đến tầng hai thì xô nước cũng chỉ còn một nửa bởi chúng đã vương vãi kín những bậc cầu thang. Huệ cúi mình, tay áo xắn lên quá khuỷu, đôi bàn tay nhỏ bé thô ráp vo vo chiếc giẻ trong chiếc xô toàn đất đục ngàu. Xô nước bẩn trong tay sẽ theo Huệ đến cuối dãy hành lang nhưng có vẻ như ngày đầu tiên của Bách Lạc Môn không phải ngày may mắn của y.
"Cái thằng chết tiết này!"
Đó là câu chửi thề đầu tiên lọt vào lỗ tai y đến từ một người khác trong vũ trường tráng lệ này. Huệ chăm chú nhìn vào xô nước tung toé trên sàn, hàm răng cắn lấy môi dưới nứt nẻ, sau vài giây ngắn ngủi, đôi mắt từ từ ngước lên tấm áo bào vương đầy bùn đất từ chiếc xô bẩn của y. Huệ chưa kịp định thần điều gì đang diễn ra thì bất chợt y cảm thấy khuôn mặt mình lệch sang một bên và gò má nóng ran đau nhói, cho đến khi khoé miệng bắt đầu rỉ ra vài giọt máu tươi, Huệ mới thấu rằng người trước mặt vừa giáng lên khuôn mặt y một ngoại lực không nhỏ. Đây không phải lần đầu y bị đánh, nhưng đánh bởi một người xa lạ mà chẳng phải mẹ mình cảm xúc mới lộn xộn làm sao. "Đây là nơi mình sẽ dành phần đời còn lại sao" - Trong giây phút ấy đột nhiên một suy nghĩ vẩn vương loé lên trong tâm trí y. Rời xa một địa ngục để dấn thân vào cõi âm ty khác. Nghĩ đến vậy nước mắt trực trào trong con ngươi xanh lục nhưng với một kẻ đã quen với chịu đòn, Huệ chỉ nghiến chặt răng đến mức đôi môi nhàu nát túa máu.
"Còn không biết đường xin lỗi tao à"
Công tử trước mặt với tấm áo bào trắng trong, giờ đây ố đen một màu nước bẩn. Huệ trông thấy bóng tay gã giơ lên một lần nữa và lần này còn đau rát hơn lần trước tựa như lần này người nọ đã vung tay lấy đà và chẳng cần thương tiếc vết máu tươi đã chảy dài một đường trên chiếc cằm trắng nõn. Với bản tính kiêu ngạo, gã cần một lời xin lỗi thành khẩn mặc dù chính gã là kẻ đã va phải xô nước của Huệ. Sự quật cường, ngang ngạnh của y phần nào khiến gã cảm thấy chướng mắt và chính bề ngoài rách nát này càng khiến gã được đà xuống tay bởi phần khinh miệt đang trỗi dậy trong trái tim chất bằng sỏi của gã. Hứng chịu hai cú tát ấy nhưng Huệ thật giống như một người điếc, có lẽ bởi ngoại lực giáng xuống quá mạnh đã khiến màng nhĩ tổn thương. Lệ đã bắt đầu túa ra trong con ngươi xanh ngọc, dòng nước mắt nóng hổi chảy xuống gò má ửng đỏ, chúng lăn trên lớp da vừa hứng chịu ngoại lực, cảm giác đau xót dâng lên khiến đôi môi tím tái lại lần nữa chịu dày vò.
Trước biểu tình chống đối ấy, người thiếu niên trước mặt càng lúc càng lấn tới, mặc dù hai cái tát đã khiến lòng bàn tay gã đỏ ửng nhưng bản tính hơn thua chưa hề hạ nhiệt trong lòng người nọ. Bàn tay lại một lần nữa vung lên trong không gian nhưng lần này nó không còn giáng xuống gò má gầy gò người đối diện. Thiếu niên với tấm áo bào vấy bẩn chưa kịp định thần điều gì đang xảy ra với cánh tay của mình, chỉ biết nó chẳng còn tuân mệnh chủ nhân. Bàn tay cứng nhắc trên không trung, cổ tay bị bóp chặt khiến gã bật lên một tiếng đau điếng. Bừng bừng lửa giận, gã quay người tìm về kẻ mạo phạm và dĩ nhiên với cánh tay trái, gã có thể cho kẻ đang siết lấy cổ tay những điều gã vừa làm với Phục Hắc Huệ.
"Đủ rồi đấy"
Âm giọng trầm đục cất lên giữa không gian thiếu sáng nơi dãy hành lang tầng hai. Khoảng không gian u tối vây lấy Huệ khiến lỗ tai ù ù của y thoáng một tia run rẩy. Chất giọng này so với chất giọng oang oang của lão chủ nhà thổ thật giống như phượng hoàng kiêu hùng và một con gà què. Âm sắc khiến người nghe bủn rủn chân tay, tâm trí điên đảo, đầu gối khuỵ xuống, nào dám bất tuân. Chính bởi giọng nói ấy cứ khiến Huệ cúi gằm gò má đỏ ửng, chẳng dám nhìn lên để chứng kiến điều gì đang diễn ra. Nhưng có một điều y biết chắc rằng, người thiếu niên kia chẳng còn lửa giận bùng bùng trong trái tim, thay vào đó chất giọng run rẩy mang vài phần hờn dỗi như muốn lấy lòng người đàn ông uy vũ kia.
"Là nó làm bẩn áo của ta, anh nói xem ta phải làm sao đây"
"Nó chỉ là một đứa trẻ. Cậu còn chấp nhặt với trẻ con sao? Thanh Liên, tôi nghĩ cậu trưởng thành hơn thế"
Trong câu nói mang vài phần vui vẻ, đôi phần bỡn cợt như muốn mỉa mai tính tình nóng nảy, cố chấp của thiếu niên mang trên mình tấm bạch bào. Nhưng tuyệt nhiên nét cười không ẩn hiện trên làn môi ấy, cổ tay Thanh Liên run lên đau đớn, đôi lông mày thanh tú cắt tỉa gọn gàng nhíu lại trên đồng tử mang một màu nâu nhạt. Chúng chăm chăm nhìn vào người đàn ông ấy và gã nghĩ rằng chẳng cần mở miệng van xin, chỉ cần biểu tình đau đớn chân thật một chút, người nọ sẽ thương tình mà buông lơi cổ tay trực tấy đỏ.
"Đừng để tôi phải bắt gặp tình huống này một lần nữa. Cậu sắp trở thành một minh tinh ở Bách Lạc Môn, hãy cư xử cho đúng, thời đại này cậu cũng hiểu thông tin truyền nhanh thế nào đúng không?"
Sau câu nói ấy, vẻ kiêu hãnh của gã dường như tan biến, sức nặng trong câu từ khiến khuôn mặt đang ngẩng cao ngạo nghễ cứ thế mà cúi đầu như một cây lúa chín, chúi mặt xuống đôi giày thêu. Thanh âm rắn giỏi lúc trước kẹt lại nơi cuống họng, chỉ có những từ ngữ lí nhí, yêu đuối bật ra rời rạc khỏi kẽ môi. "Vâng, em hiểu rồi", Huệ không tin vào tai mình, chẳng nhẽ hai cái tát đau điếng đã khiến thần trí y không còn tỉnh táo khi chỉ mới vài phút trước, người trước mặt còn muốn dùng những câu từ và vũ lực mà dìm chết y nhưng chỉ cần một câu nói mỉa cùng khuôn mặt đanh lại từ vị cứu tinh, gã đã thu nanh vuốt của mình, rúm ró và yếu đuối như một con thỏ rừng. Tưởng chừng như một tiếng động bất thường cũng khiến gã giật mình.
Trước khi rời đi, Phục Hắc Huệ vẫn cảm nhận được ánh nhìn sắc lẹm như một lưỡi dao và buốt giá như tuyết giăng kín trời cứa lên gò má đỏ ửng của y. Chính từ ánh nhìn thù ghét đã khởi nguồn cho cuộc chiến ròng rã suốt mười lăm năm khi cả hai cùng chung sống dưới mái nhà Bách Lạc Môn, dưới những ánh điện nhấp nháy và tiếng nhạc thường cất lên mỗi khi Thượng Hải sáng đèn. Hai cái tát ấy khiến y ghi lòng tạc dạ còn đối với Thanh Liên - chuỗi hành động kế tiếp từ người gã một lòng tôn thờ như một trận đả kích đến tính cách luôn luôn ghen ghét và kiêu ngạo của gã. Để rồi từ đó, trong thâm tâm mỗi người nhen nhúm ngọn lửa thù địch không to cũng chẳng nhỏ, nhưng đủ để người xung quanh thấu rằng hơi nóng toả ra khiến người ta bỏng rát. Thanh Liên vùi dập lòng tự trọng của Phục Hắc Huệ còn Phục Hắc Huệ chỉ vì vẻ ngoài rách nát, bẩn thỉu, mang trên tay một xô nước bẩn, nghiễm nhiên chiếm được sự chú ý từ người gã hằng tương tư.
"Tôi tên là Túc Na, tên của em là gì?"
Một hành động vụng về đẩy ra trước mắt y, người đàn ông trước mặt lúng túng lục tung túi áo dạ như muốn tìm kiếm điều gì đó. Ở góc độ này Huệ có thể thấy những lớp vải phồng lên hòng bọc lấy thứ tạo vật ẩn giấu bên trong, những hình tròn cứ thế xếp chồng lên nhau và đôi mắt hắn thoáng một tia rực rỡ khi tiếng va chạm từ đôi bàn tay đến lớp giấy bóng vang lên 'loạt xoạt' sau lớp vải dạ. Túc Na - theo như lời hắn giới thiệu, xoè bàn tay to quá khổ trước khuôn mặt đang sưng lên đỏ ửng và nước mắt trào ra qua hốc mắt, khô lại trên gò má. Đôi mắt trái bởi hứng chịu ngoại lực không nhỏ đã quá đau đớn với cảnh vật, từng hình ảnh trước mặt nhoè đi nhưng y vẫn thấu rằng trong lòng bàn tay ấy, những chiếc kẹo bơ đang lấp loáng cùng lớp vỏ đỏ rực.
"...Em tên là Huệ, Phục Hắc Huệ"
"Em có muốn ăn kẹo không?"
"Em chưa từng ăn kẹo bao giờ....."
"Ừ, cho em đó, còn cái này...."
Làn hơi ấm từ lòng bàn tay phủ lên nỗi đau nơi gò má. Hành động đường đột ấy khiến nhịp thở nơi y trong phút chốc đình trệ trong vài khoảnh khắc. Huệ không dám quay đầu nhìn về phía người đàn ông ấy, cánh mũi chun chun nhỏ nhắn cứ thế phình ra rồi lại thu vào, một biểu hiện chứng tỏ trong lòng bộn bề bối rối. Hắn lấy ra một chiếc khăn lụa trắng tinh, cúi đầu nắm lấy bàn tay chai sần đen nhẻm của y. Hai sắc màu phản chiếu hệt như chậu than đen bóng giữa tiết trời tuyết đổ. Bởi sự nhơ bẩn trong lòng bàn tay, Huệ như muốn né tránh tất cả sự ân cần ấy. Nhưng dường như, Túc Na hiểu được tâm tư đứa trẻ chưa lớn này, cứ thế mà dúi chiếc khăn tay trắng tinh mặc cho những vết bẩn trên tay y có thể vương lên lòng bàn tay trắng ngần của hắn.
"Cầm lấy đi, không cần trả lại, em xuống nhà lấy đá rồi đắp lên mặt, sẽ bớt đau"
Chiếc khăn tay trắng như ngọc thắp lên ngọn lửa mang tên lòng ái mộ người đàn ông phong lưu đầy lịch thiệp này. Túc Na chẳng biết rằng chính bởi hành động đơn thuần ngày hôm đó, đã gieo vào lòng đứa trẻ bất hạnh ấy một tia hy vọng. Từ một đứa trẻ non dại, trải qua biết bao thăng trầm dưới Bách Lạc Môn, tia hy vọng chưa từng mất đi ngược lại nó lớn dần theo dòng chảy thời gian, theo bốn mùa trườn qua mái ngói.
Sánh bước bên Túc Na luôn là giấc mơ vĩnh hằng trong tâm trí y, là niềm hy vọng vực y bước tiếp mỗi khi đương đầu với nỗi niềm đau khổ tại Bách Lạc Môn. Nhưng người ta nói rằng, người ta chết khi chẳng còn hy vọng. Một ngày nọ, Phục Hắc Huệ nhận ra rằng bóng lưng y luôn theo đuổi, cuối cùng cũng chỉ là vọng tưởng y vĩnh viễn chẳng thể nắm lấy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro