Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 5


CƠ HỘI TỪ SỰ SUY THOÁI KINH TẾ

Cơn suy thoái kinh tế lan khắp thế giới vào cuối năm 1929 tạo cho Adolf Hitler một cơ hội lớn và ông đã tận lực khai thác nó. Giống như mọi nhà Cách mạng nổi tiếng khác, ông chỉ có thể đi lên dựa vào tình hình khốn khó. Lúc đầu là khi quần chúng bị thất nghiệp, đói nghèo và tuyệt vọng. Sau đó là khi họ bị lôi cuốn vào chiến tranh. Tuy thế, ở một khía cạnh nào đó, Hitler là trường hợp duy nhất trong số những nhà Cách mạng trong lịch sử định làm Cách mạng sau khi chiếm quyền lực. Sẽ không có Cách mạng nhằm đánh chiếm Nhà nước. Mục tiêu sẽ đạt được thông qua lá phiếu của cử tri hoặc qua sự đồng thuận của giới lãnh đạo – tóm lại là qua đường lối hợp hiến. Để chiếm lấy lá phiếu, Hitler chỉ cần lợi dụng thời thế và thời thế khi ấy một lần nữa lại đẩy người dân Đức vào cảnh tuyệt vọng. Để được những người đang cầm quyền hậu thuẫn, ông phải thuyết phục họ rằng chỉ ông mới có thể giải cứu cho nước Đức thoát khỏi thảm hoạ. Trong những năm từ 1930 đến 1933 đầy biến động, nhà lãnh đạo Quốc xã ma mãnh và gan lì đã tiến hành để đạt 2 mục tiêu trên. Sau này, khi xem xét lại, ta có thể thấy chính những biến cố cùng tính yếu đuối và sự hoang mang của một nhúm người vốn từng tuyên thệ bảo vệ nền Cộng hoà đã bị Hitler lợi dụng triệt để. Nhưng vào đầu năm 1930, không có cách nào dự báo được điều này .

Gustav Stresemann qua đời ngày 3 tháng 10 năm 1929, sau 6 năm làm Bộ trưởng Ngoại giao để cật lực nâng Đức lên lại hàng ngũ những cường quốc và đưa dân Đức đến sự ổn định chính trị và kinh tế. Ông đã đưa Đức vào Hội Quốc liên, đàm phán để Đức giảm chi trả tiền bồi thường chiến tranh và mang yên bình trở lại cho Tây Âu qua Hiệp ước Locarno .

Ba tuần sau khi Stresemann qua đời, thị trường chứng khoán ở phố Wall sụp đổ. Chẳng bao lâu, Đức lâm vào thảm hoạ. Nền tảng cho sự phồn thịnh của Đức là những khoản vay từ nước ngoài – đặc biệt là từ Mỹ – cùng với ngoại thương. Khi dòng tiền vay khô cạn và đến hạn trả những khoản vay cũ, cơ cấu tài chính của Đức không thể chịu được gánh nặng. Khi nền ngoại thương trì trệ, Đức không thể xuất khẩu đủ để bù đắp các khoản nhập khẩu nguyên liệu và thực phẩm. Không xuất khẩu được, các nhà máy của Đức không thể tiếp tục sản xuất. Từ 1929 đến 1932, sản lượng công nghiệp giảm còn phân nửa. Hàng triệu người bị thất nghiệp. Hàng nghìn công ty cỡ nhỏ phá sản. Tháng 5 năm 1931, ngân hàng lớn nhất của Áo sụp đổ, tiếp theo là một trong những ngân hàng lớn của Đức vào tháng 7 năm 1931. Ngay cả khi Tổng thống Hoover của Mỹ tạm dừng thu tiền nợ của Đức, kể cả khoản bồi thường chiến tranh, tình hình vẫn không được cải thiện. Cả thế giới phương Tây suy sụp mà các nhà lãnh đạo không thể hiểu nguồn cơn và cũng không thể cứu vãn. Làm thế nào mà đột nhiên xảy ra nhiều cảnh nghèo đói như thế, nhiều thống khổ như thế trong khi đang sung túc như thế? Hitler đã tiên đoán thảm hoạ, nhưng ông không hiểu biết hơn những nhà chính trị về căn nguyên của nó. Có lẽ ông còn kém hiểu biết hơn – do dốt nát về kinh tế học và cũng chẳng quan tâm đến lĩnh vực này. Nhưng ông không bỏ qua cơ hội. Ông không xúc động vì dân Đức chịu khổ sở lần nữa sau cơn lạm phát của đồng mác Đức 10 năm trước. Trái lại, trong những ngày đen tối nhất trong giai đoạn này, ông nhìn ra vận may cho mình khi các nhà máy đang im lìm, trên 6 triệu người đăng ký thất nghiệp và từng hàng người dài ở mỗi thành phố đứng chờ đợi để được phân phối bánh mì. Ông viết trên tờ báo của Quốc xã: "Thực tế phũ phàng đã làm cho hàng triệu người Đức mở mắt đối với những trò lừa đảo, dối trá và phản bội chưa có tiền lệ từ những người Marxist chuyên lừa lọc" .

Không nên mất thời giờ lo cảm thông với đồng bào Đức, mà phải lập tức lo biến họ thành sự hậu thuẫn cho những khát vọng cá nhân. Vào cuối mùa hè 1930, Hitler tiến hành việc này .

Vào tháng 3 năm 1930, Hermann Mueller, vị Thủ tướng Đức cuối cùng thuộc Đảng Dân chủ Xã hội, đã từ chức do tranh cãi giữa các Đảng phái về quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Người thay thế ông là Heinrich Bruening, thủ lĩnh Đảng Trung dung Đức. Với đầu óc tỉnh táo, bảo thủ trong Nghị viện, ông này giành được cảm tình của quân đội và đặc biệt là của tướng Kurt von Schleicher, người lúc ấy vẫn chưa được quần chúng biết đến. Là "sĩ quan văn phòng" kiêu ngạo, có năng lực và nhiều tham vọng, Schleicher được biết đến trong giới quân sự là người mưu đồ tài giỏi nhưng kém đạo đức. Chính ông đã đề bạt Bruening với Tổng thống Hindenburg .

Vị Thủ tướng mới không hề biết mình là sự lựa chọn của quân đội. Ông có tố chất tốt, không vụ lợi, khiêm tốn, chân thật, gắn bó với công việc và có phần khắc khổ. Ông hy vọng tái lập chính thể Nghị viện vững vàng, đồng thời cứu Đức ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế cũng như rối loạn chính trị. Thảm kịch của con người yêu nước với thiện ý và đầu óc dân chủ nằm ở chỗ, khi cố gắng làm như thế ông vô tình đào mồ chôn nền dân chủ Đức và dọn đường cho Adolf Hitler đi lên .

Bruening không thể thuyết phục đa số trong Nghị viện thông qua vài biện pháp trong chương trình tài chính của mình. Vì thế, ông yêu cầu Hindenburg vận dụng Điều 48của Hiến pháp để ban hành Luật tài chính của ông bằng Nghị định của Tổng thống. Nghị viện phản ứng bằng cách biểu quyết yêu cầu rút lại Nghị định này. Chính phủ Nghị viện bị tê liệt chính vào lúc cuộc khủng hoảng kinh tế cần đến một chính quyền mạnh .

Trong nỗ lực nhằm thoát ra khỏi bế tắc, tháng 7 năm 1930 Bruening yêu cầu Tổng thống giải tán Nghị viện và tổ chức lại tổng tuyển cử vào ngày 14 tháng 9 năm 1930. Làm thế nào Bruening mong có đa số ổn định trong Nghị viện là câu hỏi mà không ai trả lời được. Nhưng Hitler nhận ra rằng cơ hội của mình đã đến sớm hơn dự liệu .

Những người dân Đức đang khổ sở vì suy thoái kinh tế đòi hỏi giải pháp cứu vãn. Hàng triệu người thất nghiệp muốn có công ăn việc làm. Khoảng 4 triệu người thuộc giới trẻ vừa đến tuổi đi bầu cử kỳ này muốn thấy triển vọng ít nhất phải tạo được cho họ kế sinh nhai. Trong chiến dịch tranh cử cuồng loạn, Hitler hứa hẹn với hàng triệu người đang bất mãn rằng mình sẽ làm cho nước Đức hùng mạnh trở lại, từ chối việc trả bồi thường chiến tranh, chối bỏ Hoà ước Versailles, quét sạch tham nhũng, triệt hạ những trùm tài phiệt (đặc biệt nếu họ là người Do Thái), và đảm bảo mỗi người Đức đều có việc làm và bánh mì. Đối với những người đang đói kém mong cho cuộc sống bớt khổ và cũng đang tìm kiếm niềm tin mới, lời hứa như thế nghe thật hấp dẫn .

Dù mang nhiều kỳ vọng, Hitler vẫn kinh ngạc khi biết kết quả tổng tuyển cử. Hai năm trước, Đảng Quốc xã của ông chiếm 12 ghế. Lần này, ông mong số ghế sẽ tăng lên gấp 4 lần, có lẽ được 50 ghế. Thực tế còn hơn thế nữa: Đảng Quốc xã chiếm 107 ghế, từ vị trí thứ chín và là Đảng nhỏ nhất trong Nghị viện, nay đã nhảy lên thành Đảng lớn thứ nhì .

đầu kia của thái cực, Đảng Cộng sản cũng thắng, từ 54 lên 77 ghế. Các Đảng của giới trung lưu ôn hoà, ngoại trừ Đảng Trung dung Đức, đều thất bại. Đảng Dân chủ Xã hội cũng thế. Rõ ràng là Quốc xã đã lấy đi hàng triệu lá phiếu từ các Đảng của giới trung lưu. Cũng rõ ràng là từ đây Bruening – hoặc bất kỳ ai khác – sẽ ngày càng gặp khó khăn hơn vì không thể có đa số trong Nghị viện. Làm thế nào nền Cộng hoà có thể tồn tại nếu không có đa số? Đây là câu hỏi mà các nhà lãnh đạo của hai trụ cột của đất nước – quân đội và giới công nghiệp cùng tài chính – quan tâm, tuy họ chưa bao giờ thật sự chấp nhận nền Cộng hoà. Hứng khởi vì thành công trong cuộc tổng tuyển cử, bây giờ Hitler hướng trọng tâm vào việc tranh thủ sự hậu thuẫn của 2 nhóm có thế lực ấy. Như ta đã biết, lúc ở Vienna, Hitler lĩnh hội bài học từ chiến thuật của Thị trưởng Karl Lueger: lôi kéo những "định chế đã hiện hữu mạnh" về phe của mình .

Năm ngoái, vào ngày 15 tháng 3 năm 1929, trong bài diễn văn ở Munich, Hitler đã kêu gọi quân đội xét lại thái độ ác cảm đối với Quốc xã và rút lại sự ủng hộ đối với Đảng Dân chủ Xã hội .

"Tương lai không nằm ở những Đảng muốn huỷ diệt, mà nằm ở những Đảng mang theo sức mạnh của toàn dân, những người muốn sát cánh với quân đội, nhằm một ngày hỗ trợ quân đội trong việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Ngược lại, chúng ta vẫn thấy sĩ quan của quân đội đang bứt rứt với ý nghĩ có thể đi với Dân chủ Xã hội xa đến đâu. Nhưng, thưa quý vị, quý vị có thật sự tin rằng quý vị có điểm nào chung với thức hệ vốn có chủ trương giải tán tất cả những gì làm cơ sở cho sự tồn tại của một quân đội?" .

Đó là ngôn từ khôn khéo để tranh thủ sự hậu thuẫn của giới chỉ huy Quân đội. Cũng giống như Hitler lặp đi lặp lại cả trăm lần, họ vốn cho rằng mình đã bị đâm sau lưng bởi chính nền Cộng hoà mà họ đang ủng hộ. Và rồi, trong ngôn từ có vẻ như dự báo được các biện pháp mà chính ông ta một ngày nào đó sẽ thi hành, Hitler cảnh báo các sĩ quan về những nguy cơ sẽ xảy ra nếu phe Marxit thắng Quốc xã: "Các bạn viết tên quân đội Đức thành 'Ngày tàn của Quân đội Đức'. Lúc ấy, chắc chắn các bạn sẽ dính dáng vào chính trị... Các bạn có thể trở thành những tay đao phủ cho chế độ và những Chính uỷ. Nếu các bạn không phục tùng, thì con cái các bạn sẽ bị bắt giam. Và nếu các bạn vẫn không chịu phục tùng, các bạn sẽ bị tống cổ ra ngoài hoặc bị xử bắn..." Không có mấy người nghe được bài diễn văn, nhưng để truyền tải rộng đến các thành phần quân đội, tờ nhật báo của Đảng Quốc xã Voelkischer Beobachter đã đăng nguyên văn bài phát biểu trên số đặc biệt về quân đội, và được một tờ nguyệt san của Quốc xã chuyên về quân sự, Deutscher Wehrgeist (Tinh thần Quân sự Đức), bình luận chi tiết .

Năm 1927, quân đội cấm tuyển mộ Đảng viên Quốc xã vào lực lượng 100.000 người Reichswehr, thậm chí cấm tuyển dụng họ làm công nhân dân sự trong kho xưởng của quân đội. Nhưng từ đầu năm 1930, rõ ràng là chiến dịch tuyên truyền của Quốc xã đã bắt đầu có hiệu lực, đặc biệt là trong số sĩ quan trẻ. Họ cảm thấy thu hút vì tinh thần quốc gia cực đoan của Hitler và cũng vì viễn tượng mà ông vẽ ra: tái lập quân đội trở lại thời vinh quang và hùng mạnh. Lúc ấy, sĩ quan sẽ có nhiều cơ hội để thăng tiến, không phải bị gò bó trong lực lượng nhỏ bé như bây giờ .

Sự xâm nhập của Quốc xã vào các binh chủng khiến cho Tướng Groener – khi ấy đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng – phải ra nhật lệnh cảnh báo vào ngày 22 tháng 1 năm 1930, giống như khi Tướng von Seeckt cảnh báo vụ Bạo loạn Nhà hàng Bia 7 năm về trước. Groener cho biết Đảng viên Quốc xã là những người hám quyền lực .

"Vì thế, họ ve vãn quân đội. Nhằm lợi dụng quân đội vào những mưu đồ chính trị, họ mê hoặc chúng ta rằng chỉ có Quốc xã mới là những người đại diện chân chính cho quyền lợi của đất nước" .

Groener yêu cầu binh sĩ xa lánh chính trị. Nhưng một số sĩ quan trẻ không xa lánh chính trị, hoặc ít nhất là với chính trị của Quốc xã. Chẳng bao lâu, xảy ra một vụ việc gây bất đồng ý kiến trong các cấp chỉ huy quân đội và làm cho Quốc xã hả hê .

Vào mùa xuân 1930, ba trung uý trẻ Ludin, Scherzinger và Wendt bị bắt giữ vì tuyên truyền giáo điều của Quốc xã trong quân đội, lại còn dẫn dụ đồng đội rằng trong trường hợp Quốc xã gây bạo loạn thì không nên đàn áp họ. Đây là tội phản quốc nghiêm trọng, nhưng Groener không muốn làm công khai sự kiện là có âm mưu phản loạn trong Quân đội. Vì thế, ông đưa ba người ra toà án quân sự để xét xử tội thiếu kỷ luật. Nhưng Trung uý Scherzinger lại tỏ ra thách đố, tuồn ra ngoài một bài viết để đăng lên tờ báo của Quốc xã. Thế là Quân đội không thể giữ kín vụ việc. Một tuần sau thắng lợi của Quốc xã trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 năm 1930, ba người ra trước Toà án Tối cao Leipzig để chịu xét xử về tội phản quốc. Trong số những người biện hộ cho họ có hai luật sư Quốc xã đang lên: Hans Frank và Tiến sĩ Carl Sack. Cả hai sau này đều bị xử tử: Sack vì tham gia vào âm mưu ám sát Hitler ngày 20 tháng 7 năm 1944, và Frank do tội ác chiến tranh ở Ba Lan .

Nhưng không phải luật sư hay bị cáo, mà chính Hitler mới là người chiếm lấy ánh đèn sân khấu trong phiên toà ấy. Ông được Frank mời đến với tư cách nhân chứng. Sự xuất hiện của ông là hành động rủi ro có tính toán. Nếu phủ nhận ba trung uý thì là việc đáng xấu hổ, vì hoạt động của họ là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng đang lên của Quốc xã trong quân đội. Nhưng việc phát hiện hoạt động bí mật của Quốc xã trong Quân đội cũng gây khó xử. Nếu toà án chấp nhận lời buộc tội của bên công tố rằng Đảng Quốc xã có ý định lật đổ Chính phủ bằng vũ lực, thì bao nhiêu công lao mong giành được sự hậu thuẫn của quân đội sẽ là công cốc. Để đối phó với lời buộc tội này, Hitler dàn xếp với Frank cho mình ra làm chứng trước toà. Nhưng thật ra, ông còn có mục tiêu quan trọng hơn. Đó là: với tư cách nhà lãnh đạo một phong trào chính trị vừa giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, ông muốn trấn an Quân đội và đặc biệt giới sĩ quan chỉ huy. Hitler muốn khẳng định rằng Quốc xã không hề có ý định đe doạ chính quyền như ngụ ý trong hành động của các sĩ quan. Ngược lại, Quốc xã thật sự là yếu tố cứu nguy cho nước Đức .

Từ diễn đàn của khu vực nhân chứng trong phiên xử, Hitler vận dụng mọi tài năng hùng biện để viện dẫn chứng cứ, biểu lộ sự nhạy cảm tinh tế của chiến lược chính trị. Cho dù Hitler có ý lừa dối, mà đúng là như thế thật, nhưng không mấy người ở Đức, ngay cả các tướng lĩnh, nhận ra được bản chất thật của ông ta. Với thái độ dịu dàng, Hitler trấn an Toà án (và các tướng lĩnh) rằng cả lực lượng S.A. và Đảng của ông đều không muốn chống đối Quân đội. Ông tuyên bố: "Tôi luôn giữ quan điểm là mọi mưu đồ nhằm thay thế Quân đội là điên rồ. Không một ai trong chúng tôi màng đến việc thay thế Quân đội... Khi lên nắm quyền, chúng tôi đảm bảo sẽ có một Quân đội vĩ đại của dân tộc Đức vươn lên từ Đế chế hiện tại." Hitler tái khẳng định với Toà án (và các tướng lĩnh) rằng Đảng Quốc xã chỉ muốn lên cầm quyền qua con đường hợp hiến và rằng các sĩ quan trẻ đang sai lầm, nếu họ trông chờ một cuộc nổi dậy bằng vũ lực .

HITLER: Phong trào của chúng tôi không cần đến vũ lực. Thời khắc sẽ đến khi dân tộc Đức thấu hiểu những ý tưởng của chúng tôi, lúc ấy 35 triệu người Đức sẽ đứng sau lưng tôi... Khi chúng tôi có được quyền hạn hợp hiến, lúc ấy chúng tôi sẽ tạo dựng Nhà nước theo cách thức mà chúng tôi cho là phù hợp .

CHÁNH ÁN: Việc này cũng là qua đường lối hợp hiến, phải không? HITLER: Phải .

Dù cho cần trấn an Quân đội và những thành phần bảo thủ, Hitler vẫn phải xem xét đến lòng hăng say trong tinh thần Cách mạng của người theo Quốc xã. Ông không thể làm họ thất vọng khi 3 Đảng viên Quốc xã của mình đang bị đưa ra toà. Vì thế Hitler phải chộp lấy cơ hội khi Chánh án phiên xử nhắc lại 1 câu phát biểu của ông vào năm 1923. Lúc ấy, 1 tháng trước vụ Bạo loạn Nhà hàng Bia, Hitler tuyên bố: "Những cái đầu sẽ lăn trên cát." Liệu hôm nay vị lãnh tụ Quốc xã có muốn rút lại lời ấy không? Hitler trả lời: "Tôi xin đảm bảo với quý toà rằng khi phong trào Quốc xã chiến thắng trong cuộc đấu tranh này, lúc ấy cũng sẽ có Toà Công lý Quốc xã. Khi ấy, Cách mạng tháng 11 năm 1918 sẽ được rửa nhục và đầu sẽ rơi." Chẳng ai có thể trách Hitler đã không cảnh cáo trước về những gì ông ta sẽ làm khi nắm quyền lực. Cử toạ trong phiên toà vỗ tay ầm ĩ một hồi lâu để hoan nghênh Hitler. Dù vị Chánh án ngăn cấm hành vi làm gián đoạn phiên toà, nhưng cả ông và Công tố đều không lên tiếng phản đối lời phát biểu của Hitler. Báo chí trên toàn nước Đức và nhiều tờ báo nước ngoài chạy hàng tít lớn đăng tải lời phát biểu ấy .

Nhiều người chú ý đến ngôn từ hùng hồn của Hitler mà bỏ qua vụ việc chính. 3 sĩ quan trẻ tuổi – hăng say vì Quốc xã nhưng bị Lãnh tụ Tối cao của Đảng bỏ rơi – bị kết tội phản quốc và nhận bản án 18 tháng tù giam trong pháo đài. Trung uý Scherzinger thất vọng não nề vì nghĩ mình bị Hitler phản bội. Trong tù, ông xin ra khỏi Đảng Quốc xã và trở thành Đảng viên Cộng sản cuồng tín. Ông là mục tiêu của cuộc thanh trừng ngày 30 tháng 6 năm 1934 nhưng trốn thoát được. Ông sống chỉ để nhìn thấy kết cục của Hitler. Trung uý Ludin vẫn ở trong Quốc xã, năm 1932 được bầu vào Nghị viện, làm sĩ quan cấp cao của S.A. và S.S. rồi được phái đi làm đại sứ tại nước bù nhìn Slovakia. Sau chiến tranh, ông bị Tiệp Khắc xử tử .

Từ tháng 9 năm 1930, một điểm ngoặt đã đánh dấu bước đường giúp cho Đức tiến gần hơn đến Đế chế Thứ Ba. Qua thành công đáng ngạc nhiên của Quốc xã trong cuộc tổng tuyển cử, cả người dân Đức lẫn giới chỉ huy Quân đội và doanh nghiệp đều tin rằng có lẽ Quốc xã sẽ vươn lên mà không ai ngăn cản được. Họ có thể không ưa thích tính cách mị dân và thô lỗ của Quốc xã, nhưng mặt khác họ lại vẫn cảm thấy phấn khởi vì sự trỗi dậy của chủ nghĩa ái quốc và dân tộc vốn đã im hơi lặng tiếng trong 10 năm đầu của chế độ Cộng hoà. Quốc xã cam kết sẽ đưa dân Đức xa rời Chủ nghĩa cộng sản, Chủ nghĩa xã hội, ảnh hưởng của nghiệp đoàn, và nền dân chủ không hiệu quả. Trên tất cả, toàn nước Đức đã bùng lên theo Quốc xã. Đó chính là một sự thành công .

Trong tình hình đó và cũng vì lời cam kết của Hitler với Quân đội trong phiên toà ở Leipzig, vài tướng lĩnh bắt đầu có cảm tình với Quốc xã. Họ nghĩ Quốc xã có thể là nhân tố cần thiết để đoàn kết dân tộc, tái lập nước Đức xưa cũ, gây dựng Quân đội trở nên hùng mạnh như xưa và giải thoát Đức khỏi xiềng xích của Hoà ước Versailles. Họ lấy làm hài lòng khi Hitler trả lời câu chất vấn của Chánh án phiên toà rằng ông có ý gì khi nói mãi về "Cách mạng Quốc gia Đức". Hitler đã trả lời: "Điều này chỉ có nghĩa là việc cứu vớt dân tộc Đức khỏi tình cảnh nô lệ hiện giờ. Đức đang bị các Hoà ước trói cả hai chân và hai tay... Quốc xã không xem các Hoà ước ấy là luật, mà là sự cưỡng ép lên nước Đức. Chúng tôi không chấp nhận việc những thế hệ hoàn toàn vô tội trong tương lai chịu gánh nặng do các Hoà ước ấy gây ra. Nếu chúng tôi sử dụng mọi cách thức trong khả năng của mình nhằm chống lại các Hoà ước này, thì có nghĩa là chúng tôi đã tiến lên con đường Cách mạng" .

Đó cũng là quan điểm của cấp chỉ huy Quân đội. Vài sĩ quan cao cấp cay đắng chỉ trích Tướng Bộ trưởng Quốc phòng Groener vì đã cho phép Toà án Tối cao xét xử ba sĩ quan trẻ tuổi .

Tướng Hans von Seeckt, gần đây rời bỏ chức vụ Chỉ huy Quân độivà được xem là tướng lĩnh sáng giá thời hậu chiến, than phiền với Groener là phiên toà làm suy yếu tình đoàn kết trong tập thể sĩ quan .

Đại tá Ludwig Beck, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 Pháo binh đóng tại cùng địa phương với ba sĩ quan bị cáo, chẳng những phản đối mạnh mẽ với cấp chỉ huy mà còn ra làm chứng để biện hộ cho họ tại Leipzig .

Khi phiên toà đã kết thúc và Hitler đã phát biểu, các tướng lĩnh cảm thấy thoải mái hơn để ngả theo Quốc xã – mà lúc trước họ xem như mối đe doạ cho Quân đội. Đại tướng cấp cao Alfred Jodl, Tham mưu trưởng Hành quân của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực trong Thế chiến II, đã trình bày trước Toà án Nuremberg về ảnh hưởng của lời phát biểu của Hitler đối với các cấp chỉ huy Quân đội. Ông nói, cho đến lúc ấy, các sĩ quan cao cấp đều tin Hitler đang tìm cách lũng đoạn Quân đội, nhưng sau phiên toà họ lại cảm thấy an tâm. Riêng Tướng von Seeckt công khai về phe Hitler sau khi được bầu vào Nghị viện năm 1930 .

Sự mù quáng về chính trị của các cấp chỉ huy trong Quân đội Đức đối với những thủ thuật chính trị bắt đầu xuất hiện và càng thêm nặng nề về sau, rốt cuộc đã gây tai hại đến mức cùng cực cho họ .

Giống như tướng lĩnh, giới quản trị công nghiệp và tài chính cũng thiếu khả năng nhận thức về chính trị. Việc này dẫn đến niềm tin lầm lạc là nếu họ cứ rót những khoản tiền lớn cho Quốc xã, Hitler sẽ chú ý đến họ và khi lên cầm quyền, ông sẽ nhân nhượng với họ. Trong những năm 1920, họ xem thường cái gã người Áo mới nổi, nhưng bây giờ, sau chiến thắng của Quốc xã trong cuộc tổng tuyển cử, họ nghĩ ông có cơ hội nắm quyền điều hành nước Đức .

Walther Funk khai trước Toà án Nuremberg rằng: "Vào năm 1931, bạn bè tôi trong giới công nghiệp và tôi đều tin rằng trong tương lai không xa, Đảng Quốc xã sẽ lên nắm quyền" .

Mùa hè năm ấy, Funk – một con người nhỏ thó với cái bụng phệ xin thôi giữ chức chủ bút được trả lương cao của một tờ báo tài chính để gia nhập Đảng Quốc xã, trở thành cầu nối giữa Đảng và một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp quan trọng. Trước Toà án Nuremberg, ông giải thích rằng vài người bạn của mình trong ngành công nghiệp, đặc biệt là những người liên quan đến các mỏ than vùng Rhineland, đã thúc giục ông gia nhập Đảng Quốc xã "để thuyết phục Đảng đi theo con đường của doanh nghiệp tư nhân" .

"Lúc ấy, cấp lãnh đạo của Đảng có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau và cũng lộn xộn về chính sách kinh tế. Tôi cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình bằng cách đích thân thuyết phục Lãnh tụ và Đảng rằng sáng kiến của tư nhân, tính tự lực tự cường của doanh nhân, khả năng sáng tạo của doanh nghiệp tự do, v.v. ... nên được xem là chính sách kinh tế cơ bản của Đảng. Trong những buổi chuyện trò với tôi và các nhà lãnh đạo công nghiệp mà tôi giới thiệu, chính Lãnh tụ đã nhắc đi nhắc lại rằng ông là kẻ thù của nền kinh tế nhà nước và cái mà người ta gọi là 'nền kinh tế theo kế hoạch', rằng ông xem doanh nghiệp tự do và sự cạnh tranh là tuyệt đối cần thiết nhằm đạt mức sản xuất cao nhất có thể." Thế thì, theo như lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Kinh tế Funk tương lai, Hitler đang bắt đầu gặp gỡ những người có tiền ở Đức và nói chung là ông luôn thuận theo ý của họ. Đảng cần những khoản tiền lớn để vận động tranh cử, để tuyên truyền rộng rãi và mạnh mẽ, trả lương cho hàng trăm Đảng viên làm việc toàn thời gian, duy trì các đội quân S.A. và S.S. lên đến hơn 100.000 người vào năm 1930 – còn đông đảo hơn cả Quân đội Đức. Các doanh nghiệp và ngân hàng không phải là những nhà tài trợ duy nhất, nhưng lớn nhất. Càng tài trợ nhiều hơn cho Quốc xã, họ càng tài trợ ít hơn cho các Đảng bảo thủ mà từ trước đến giờ họ vẫn ủng hộ .

Otto Dietrich, Tùy viên Báo chí cho Hitler và sau đó là cho Đế Chế, kể lại: "Vào mùa xuân 1931, Lãnh tụ đột nhiên quyết định tập trung vào việc vun vén mối liên hệ với những đại gia công nghiệp có uy thế." Những đại gia ấy là ai? Danh tính của họ được giữ bí mật ngoại trừ nhóm nhỏ thân cận với Lãnh tụ. Đảng phải đi nước đôi. Một mặt, Đảng cho phép Strasser, Goebbels và Feder đánh lừa quần chúng với tôn chỉ là Quốc xã thật sự thiên về "chủ nghĩa xã hội" và chống lại các nhà tài phiệt. Mặt khác, cần phải vòi tiền từ những nhà giàu để nuôi sống Đảng. Dietrich cho biết suốt 6 tháng cuối năm 1931, Hitler "di chuyển từ đầu này đến đầu kia của nước Đức, tiếp xúc riêng với những doanh nhân hàng đầu". Một số cuộc gặp gỡ bí mật đến nỗi phải diễn ra "trong một trảng rừng hoang vu ở đâu đấy. Tuyệt đối cần thiết phải giữ bí mật, không được để cho báo chí có cơ hội gây rối. Và họ đã thành công" .

Chính trị của Quốc xã có những màn ziczac gần như khôi hài. Một lần vào mùa thu 1930, Strasser, Feder và Frick thay mặt cho Đảng Quốc xã trình ra Nghị viện dự thảo luật đặt mức trần 4% cho mọi khoản tiền lời, tịch thu cổ phần của các "đại gia ngân hàng và chứng khoán" và của tất cả người "Do Thái miền Đông" mà không bồi thường gì cả. Đồng thời quốc hữu hoá những ngân hàng lớn. Hitler khiếp sợ: đây chẳng những là đường lối Bolshevik, mà còn là thảm hoạ về tài chính cho Đảng. Hitler kiên quyết ra lệnh Đảng rút lại bản dự thảo luật. Sau đó, những người Cộng sản lại trình ra dự thảo luật ấy một lần nữa. Hitler ra lệnh cho Đảng viên Quốc xã bỏ phiếu chống .

Từ lời cung khai của Funk tại nhà tù Nuremberg sau chiến tranh, chúng ta biết được những đại gia mà Hitler tìm kiếm là ai. Họ gồm có một số chủ nhân mỏ than và nhà máy thép. Hai ngành công nghiệp này là những nguồn tài chính chủ yếu giúp Hitler vượt qua những rào cản cuối cùng trong các năm từ 1930 đến 1933 trên đường tiến đến quyền lực .

Nhưng Funk cũng khai ra những ngành nghề khác mà những người đứng đầu của chúng không muốn chịu sự ghẻ lạnh nếu Hitler thành công. Đó là một danh sách dài tuy không đầy đủ. Funk không còn nhớ nhiều. Họ gồm có các nhà công nghiệp hoá chất, phân bón, cao su, ngân hàng và công ty bảo hiểm .

Wilhelm Keppler, một trong những cố vấn tài chính của Hitler, giới thiệu một nhóm nhỏ các nhà công nghiệp miền Nam nước Đức và cũng lập ra một hội những doanh nhân ủng hộ chỉ huy trưởng S.S., Himmler. Hội này quyên góp được hàng triệu mác Đức để Himmler thực hiện những "nghiên cứu" về nguồn gốc của chủng tộc Aryan .

Từ buổi sơ khai trong sự nghiệp chính trị của mình, Hitler đã được hỗ trợ về tài chính và xã hội từ ông chủ nhà xuất bản giàu có Hugo Bruckman ở Munich và nhà sản xuất dương cầm Carl Bechstein. Chính ở ngôi biệt thự của Bechstein ở Berlin, Hitler đã lần đầu tiên được gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp và quân đội. Ở đó cũng đã diễn ra vài cuộc tiếp xúc bí mật có tính chất quyết định để cuối cùng đưa ông lên chức vụ Thủ tướng .

Nhưng cũng không phải tất cả doanh nhân Đức đều đổ xô đến phong trào của Hitler sau khi Quốc xã đạt thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1930. Funk cho biết các công ty điện lực lớn như Siemens và A.E.G. đã có thái độ xa lánh, giống như công ty chế tạo đạn dược hàng đầu Krupp von Bohlen und Halbach. Fritz Thyssen khai rằng Krupp đã "chống đối mãnh liệt", ngay trước ngày Hindenburg chỉ định Hitler làm Thủ tướng, Krupp khẩn cấp cảnh báo vị Thống chế già đừng làm chuyện điên rồ như thế. Tuy nhiên, chẳng bao lâu Krupp nhận ra vấn đề và nhanh chóng trở thành một "siêu Quốc xã", theo lời của Thyssen lúc ăn năn .

Thế thì, rõ ràng là trong chiến dịch mới nhất tiến đến quyền lực, Hitler đã nhận được sự ủng hộ tài chính đáng kể từ nhiều doanh nghiệp Đức. Người ta không hề biết rõ Đảng Quốc xã nhận được bao nhiêu tiền trong 3 năm cuối trước khi họ lên cầm quyền vào tháng 1 năm 1933. Funk cho biết có lẽ không quá "vài triệu mác Đức". Thyssen ước lượng hai triệu mỗi năm, ông cho hay riêng cá nhân mình đã đóng góp trong đó một triệu mác Đức. Nhưng nếu xét qua những khoản tiền lớn mà Đảng chi tiêu trong giai đoạn này, dù cho Goebbels than phiền là không bao giờ đủ, thì con số tổng cộng mà giới doanh nghiệp đóng góp chắc chắn là cao hơn nhiều lần các ước tính. Ta sẽ thấy ở đoạn sau, các doanh nhân ấu trĩ về chính trị này làm được những việc tốt lành gì .

Một trong những người tỏ ra phấn khởi nhất trong thời gian này – và sẽ là một trong những người thất vọng não nề nhất về sau là tiến sĩ Schacht. Ông này từ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đức năm 1930 vì chống đối lại Chương trình Trẻ, gặp Goering vào năm này và gặp Hitler năm sau. Trong hai năm kế tiếp, ông dốc toàn tâm toàn lực để đưa Lãnh tụ đến gần bạn bè của mình trong giới ngân hàng và thương mại, đồng thời cũng là đến gần hơn chiếc ghế Thủ tướng. Vì thế ông đã góp công lớn cho sự hình thành của Đế chế Thứ Ba. Năm 1932, nhà phù thuỷ kinh tế này viết thư cho Hitler: "Tôi tin chắc rằng tình hình hiện nay sẽ tạo thuận lợi cho ông trở thành Thủ tướng... Có một sự thật rành rành là phong trào của ông đang tiến bước và chiến thắng nằm trong tầm tay của ông... Dù cho công việc của tôi trong tương lai gần dẫn tôi đi đến đâu chăng nữa, ngay cả nếu một ngày tôi bị giam trong một pháo đài, lúc nào ông cũng có thể trông cậy nơi tôi như là người ủng hộ trung kiên" .

Một trong hai lá thư được trích dẫn như trên được ký bằng dòng chữ: "Với lời 'Heil' [Chào] mạnh mẽ" .

Một trong những "sự thật rành rành" của phong trào Quốc xã – mà Hitler không bao giờ giấu giếm – là khi nắm chính quyền, Đảng sẽ dẹp bỏ tự do cá nhân, ngay cả tự do của Tiến sĩ Schacht và bạn bè doanh nhân của ông. Phải mất một thời gian sau Schacht và bạn bè trong các ngành công nghiệp và tài chính mới thức tỉnh về việc này, dù ông vẫn được làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa. Giống như mọi lịch sử, lịch sử này đầy rẫy những chuyện vô cùng trái khoáy. Vì thế, chẳng bao lâu nữa ta sẽ thấy Tiến sĩ Schacht là nhà tiên tri đại tài vì đã đoán đúng cả hai việc: Hitler làm Thủ tướng và ông bị Hitler tống giam. Ông chỉ sai lầm đôi chút: bị giam trong trại tập trung, còn tệ hơn pháo đài, không phải với tư cách là "người ủng hộ trung kiên", mà trong vị thế ngược lại .

Vào đầu năm 1931, Hitler đã quy tụ được quanh mình một nhóm những người cuồng tín, bạo tàn, sẽ đưa ông đến với quyền lực và sẽ gắn bó với ông ta để duy trì quyền lực ấy trong Đế chế Thứ Ba. Duy chỉ có một ngoại lệ: người thân cận nhất với Hitler, cũng có lẽ tài giỏi nhất, lại không thể sống quá năm thứ hai của Chính phủ Quốc xã. Còn lại 5 nhân vật vượt lên trên mọi người khác trong thời kỳ này, mà ta có thể gọi là "Ngũ hổ Tướng quân" chính là: Hermann Goering, Ernst Roehm, Gregor Strasser, Paul Goebbels, và Wilhelm Frick .

Hermann Goering trở về Đức vào cuối năm 1927, tiếp theo đợt ân xá chính trị mà phía Cộng sản trình ra Nghị viện để biểu quyết. Ông đi đến Thuỵ Điển năm 1923 sau vụ Bạo loạn Nhà hàng Bia, được chữa khỏi chứng nghiện ma túy và làm việc cho một công ty máy bay của Thuỵ Điển. Người anh hùng Thế chiến I đẹp trai thuở nào giờ đây trở nên béo phì, nhưng không hề mất đi năng lượng và vẻ hăng say. Ông ngụ trong một căn hộ nhỏ ở Berlin (người vợ bị chứng động kinh mà ông yêu sâu đậm mắc thêm bệnh lao và lưu lại Thuỵ Điển), làm việc cho các công ty máy bay và hãng hàng không Lufthansa của Đức, đồng thời mở rộng các mối quan hệ xã hội. Trong các quan hệ rộng rãi, có cựu Thái tử và Hoàng thân Philip (có vợ là Công chúa Mafalda, con gái của Vua nước Ý), Fritz Thyssen và những đại gia thương mại khác, cùng một số sĩ quan quân đội cấp cao .

Đó là những mối quan hệ mà Hitler không quen biết nhưng lại đang rất cần. Chẳng bao lâu sau, Goering tích cực giới thiệu vị Lãnh tụ Quốc xã với bạn bè của mình. Vào năm 1928, Hitler chọn Goering là một trong 12 người đại diện cho Quốc Xã trong Nghị viện. Đến năm 1932 khi Quốc xã đứng đầu, Goering được bầu làm Chủ tịch Nghị viện. Chính trong văn phòng Chủ tịch Nghị viện của ông đã diễn ra rất nhiều cuộc hội họp và mưu đồ vận động ngầm dẫn đến chiến thắng cuối cùng của Quốc xã. Cũng chính ở đây đã có sự câu kết trong một kế hoạch đã giúp Hitler trụ vững sau khi trở thành Thủ tướng: vụ đốt toà nhà Nghị viện .

Ernst Roehm tách khỏi Hitler năm 1925 và sau đó gia nhập quân đội Bavaria với quân hàm Trung tá. Vào cuối năm 1930, Hitler gọi Roehm trở về để lần nữa nắm quyền điều hành S.A. – lúc này đang ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn. Toàn lực lượng cứ nghĩ phải làm Cách mạng bằng vũ lực và càng ngày họ càng lộng hành trong những vụ quấy rối và ám sát chính trị. Bạo động ngoài đường phố đều xảy ra trong mọi cuộc bầu cử, dù ở cấp quốc gia, bang hay thành phố .

Cần nhắc qua một trong những cuộc chạm trán như thế, vì nhờ đấy mà Quốc xã có được một liệt sĩ. Một trong những chỉ huy S.A. cấp cơ sở ở thủ đô Berlin là Horst Wessel, con của một mục sư Tin Lành. Anh này bỏ gia đình, bỏ học để đến ngủ trong một khu nhà tồi tàn, sống chung với một phụ nữ lúc trước làm gái bán dâm và cống hiến cuộc đời của mình để chiến đấu cho Quốc xã. Nhiều người chống Quốc xã cho rằng anh kiếm tiền bằng cách làm ma cô dắt gái, nhưng có lẽ đó là lời phóng đại. Nhưng chắc chắn là anh có giao thiệp với ma cô và gái mại dâm. Tháng 2 năm 1930, anh bị Đảng viên Cộng sản hạ sát. Đáng lẽ anh đã đi vào quên lãng như hàng trăm nạn nhân khác của hai bên bỏ mình khi xô xát trên đường phố. Chỉ có điều khác biệt: anh để lại một ca khúc gồm nhạc và lời. Đó là bài Horst Wessel, chẳng bao lâu trở thành ca khúc chính thức của Đảng Quốc xã và sau này là quốc ca chính thức thứ hai – sau bài Deutschland über Alles (nước Đức trên hết) – của Đế chế Thứ Ba. Nhờ nghệ thuật tuyên truyền khéo léo của Goebbels, Horst Wessel trở thành một trong những anh hùng huyền thoại đáng kể nhất của phong trào, được ca tụng là người có lý tưởng thuần khiết đã bỏ mình vì sự nghiệp .

Gregor Strasser là nhân vật số Hai trong Đảng Quốc xã lúc Roehm đang điều hành lực lượng S.A.. Là người có tài ăn nói hùng hồn và tổ chức giỏi, Strasser đứng đầu bộ phận quan trọng nhất của Đảng: Ban Tổ chức Chính trị. Chức vụ này giúp cho ông có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong số những người chỉ huy cấp cơ sở Đảng. Với cá tính ôn hoà của mẫu người Bavaria, ông là nhà lãnh đạo được nhiều người ngưỡng mộ nhất sau Hitler và, không giống như Hitler, ông được đối thủ chính trị tin tưởng, thậm chí mến thích. Vào thời gian này, có nhiều người trong và ngoài Đảng thậm chí còn tin rằng Strasser có thể hất cẳng một Hitler khó chịu, khó lường ra khỏi vị trí lãnh tụ. Ý kiến này đặc biệt phổ biến trong Quân đội và Phủ Tổng thống .

Otto, em trai của Gregor Strasser, bị chệch ra khỏi quỹ đạo của Đảng. Chẳng may cho Otto, dựa theo cái tên chính thức của Đảng Lao động Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa Đức, anh tỏ ra nghiêm túc với cả "xã hội chủ nghĩa" và "lao động". Anh ủng hộ vài cuộc đình công của nghiệp đoàn thiên về xã hội chủ nghĩa và đòi hỏi Đảng đứng lên thực hiện chính sách quốc hữu hoá các nhà máy. Như thế hiển nhiên là đi ngược với đường lối của Đảng và Hitler kết án Otto Strasser phạm tội tày đình vì "dân chủ và tự do chủ nghĩa". Lãnh tụ đòi hỏi người Đảng viên ngỗ nghịch phải phục tùng. Khi Otto từ chối, anh bị trục xuất khỏi Đảng. Anh cố thành lập một Đảng theo đúng con đường xã hội chủ nghĩa, nhưng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9 năm 1930, anh không thể giành được bao nhiêu phiếu từ Quốc xã .

Paul Goebbels, một trong "Ngũ hổ Tướng quân" quanh Hitler, luôn là kẻ đối đầu với Gregor Strasser kể từ khi hai người cách xa nhau vào năm 1926. Hai năm sau, ông thay thế Strasser trong chức vụ cầm đầu cơ quan tuyên truyền của Đảng, khi mà Strasser lên chỉ huy Ban Tổ chức Chính trị. Goebbels vẫn giữ chức vụ Xứ uỷ Berlin, thành công của ông trong việc tái tổ chức cơ sở Đảng ở đây và tài tuyên truyền khiến cho Hitler có ấn tượng mạnh. Miệng lưỡi liến thoắng và châm chích cùng đầu óc lanh lợi của Goebbels khiến cho các phụ tá khác của Hitler có ác cảm. Nhưng Hitler cứ để cho các phụ tá bất hoà với nhau, vì như thế ông an tâm là không ai âm mưu với nhau để chống đối mình. Hitler không bao giờ tin tưởng Strasser hoàn toàn, nhưng luôn trông cậy vào lòng trung thành của Goebbels. Hơn nữa, Goebbels có đầy ý tưởng hữu ích cho ông. Lý do khác là vì Goebbels có tờ báo của riêng Đảng bộ ở Berlin và có tài sách động quần chúng – hai lợi thế sáng giá cho Đảng .

Wilhelm Frick là người thứ năm trong nhóm "Ngũ hổ Tướng quân", người duy nhất của nhóm không có tính cách hoa mỹ. Ông là mẫu công nhân viên Đức đích thực. Là sĩ quan cảnh sát trẻ tuổi ở Munich trước năm 1923, ông là một trong những người làm nội gián cho Hitler ở bộ chỉ huy cảnh sát và Lãnh tụ luôn cảm thấy biết ơn Frick. Do Hitler sắp xếp, ông là Đảng viên Quốc xã đầu tiên giữ chức vụ trong chính quyền bang – ở Thuringia – và sau đó là thủ lĩnh Đảng Quốc xã trong Nghị viện. Ông là người trung thành một cách tuyệt đối, làm việc có hiệu quả và nhờ tư cách điềm đạm, ông trở nên hữu ích trong việc tiếp xúc với những quan chức nhà nước còn đang dao động .

Vài người ở cấp thấp hơn trong Đảng vào những năm đầu thập kỷ 1930 sẽ trở nên khét tiếng và đáng sợ trong Đế chế Thứ Ba về sau. Heinrich Himmler, chủ một trại gà, với đôi kính không gọng dễ làm cho người ta lầm tưởng ông là một thầy giáo làng dốt nát và hiền từ. Thật ra, ông có bằng Đại học về Nông nghiệp. Himmler gây dựng nên lực lượng S.S. từ đội quân Áo Nâu S.A.. Nhưng ông làm việc dưới quyền Roehm lúc ấy đang điều khiển cả hai lực lượng S.A. và S.S., nên trong số Đảng viên bên ngoài Bavaria thì ít ai biết đến Himmler .

Còn có Tiến sĩ Hoá học Robert Ley, thường say rượu, Xứ uỷ Cologne, và Hans Frank, một luật sư thông minh đứng đầu Ban Pháp luật của Đảng .

Còn có Walther Darré, sinh năm 1895 ở Argentina, một nhà nông học có năng lực được Hess kết nạp, đứng đầu Ban Nông nghiệp của Đảng .

Riêng Rudolf Hess, cá nhân không có tham vọng và ngoan ngoãn trung thành với Hitler, chỉ giữ chức vụ thư ký riêng cho Lãnh tụ .

Thư ký riêng thứ hai là Martin Bormann, kín đáo, chỉ muốn âm thầm làm việc trong ngõ ngách tối tăm của Đảng cho những vụ vận động ngầm, có lúc ngồi tù 1 năm vì dính líu đến một vụ ám sát chính trị .

Chỉ huy Đoàn Thanh niên Đế chế là Baldur von Schirach, cậu trai trẻ có đầu óc lãng mạn và là nhà tổ chức năng động, mẹ là người Mỹ .

Còn có Alfred Rosenberg, triết gia giả hiệu, chậm chạp, đầu óc tù mù, là một trong những người nâng đỡ đầu tiên cho Hitler. Từ vụ Bạo loạn Nhà hàng Bia năm 1923, ông cho ra mắt một số sách và tờ bướm với nội dung và văn phong rối rắm nhất, đỉnh điểm là một cuốn sách dày 700 trang với tựa đề có nghĩa: "Huyền thoại của thế kỷ XX". Đó là một mớ tạp nham lố lăng với những ý tưởng nửa vời về tính ưu việt chủng tộc Bắc Âu, dưới vỏ bọc giống như nền tảng ý thức uyên thâm của Quốc xã. Hitler thường chế giễu Rosenberg rằng mình đã cố đọc cuốn sách mà vẫn không hiểu nổi. Schirach, người có đầu óc hoang tưởng rằng mình cũng là một cây bút, nhân đấy nhận xét rằng Rosenberg là "tác giả bán nhiều sách nhất mà chẳng ai đọc". Xuyên suốt từ đầu đến cuối, Hitler luôn tỏ lòng ưu ái với con người tẻ ngắt, ngu xuẩn, vụng về này, ban cho ông nhiều chức vụ trong Đảng như chủ bút tờ báo của Đảng, cử ông vào Nghị viện năm 1930 để đại diện cho Quốc xã trong Uỷ ban Ngoại vụ .

Đó là đám người quy tụ xung quanh nhà lãnh đạo Quốc xã. Trong một xã hội bình thường, chắc chắn là họ hẳn đã trở thành một đám tạp nham toàn những kẻ không hợp thời. Nhưng trong những ngày rối loạn cuối cùng của nền Cộng hoà, đối với hàng triệu người Đức mụ mị, họ bắt đầu ra vẻ như những nhân vật cứu quốc. Và so với đối thủ, họ có 2 lợi thế rõ rệt: có 1 người lãnh đạo nhận thức rõ mình muốn gì và có đủ tính quyết đoán cùng khả năng chớp thời cơ để giúp cho họ đạt được mục đích .

Vào năm 1931, von Schleicher là Thủ tướng Lục quân Đức. Sinh năm 1882, ông gia nhập quân ngũ lúc 18 tuổi, phục vụ trong trung đoàn cũ của Hindenburg – nơi ông trở thành bạn thân của Oskar von Hindenburg, con trai của vị Thống chế Tổng thống. Ông cũng quen biết với Tướng Groener, người cử ông làm tuỳ viên cho mình khi lên thay thế Ludendorff làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (thực chất là nhân vật số Hai trong Quân đội) vào năm 1918. Chủ yếu là "sĩ quan văn phòng" – chỉ phục vụ một thời gian ngắn trên chiến trường ở Nga – từ lúc này Schleicher lại được gần gũi với những nhân vật có quyền lực trong Quân đội và Chính phủ Cộng hoà. Nhờ đầu óc lanh lợi, tư cách dễ mến và tinh tế về chính trị, các tướng lĩnh và chính trị gia đều có ấn tượng tốt với ông .

Dưới quyền Tướng Chỉ huy Quân đội von Seeckt, ông giữ vai trò ngày càng quan trọng trong việc tổ chức các Lực lượng Tự do bất hợp pháp, kể cả "Quân đội Đen" tuyệt mật. Ông là nhân vật chủ chốt thương thuyết với Nga để bí mật đào tạo sĩ quan xe tăng và không quân ở Nga, cũng như để thành lập công xưởng chế tạo vũ khí ở nước này. Là người có thiên bẩm vận động người khác bằng mánh khóe và mưu đồ, Schleicher tỏ ra thích hợp với những công tác bí mật. Cho đến đầu những năm 1930, công chúng vẫn chưa biết đến Schleicher, nhưng sau một thời gian ngắn, giới quân sự và chính quyền đã bắt đầu chú ý đến ông .

Tháng 1 năm 1928, qua người bạn thân Oskar, ông được tiếp cận với cha của Oskar là Tổng thống Hindenburg, đồng thời vận dụng tầm ảnh hưởng với ông này để đề nghị thủ trưởng cũ Groener lên làm Bộ trưởng Quốc phòng. Groener cử Schleicher làm cánh tay phải của mình, đưa ông lên làm Chánh văn phòng Bộ, phụ trách sự vụ chính trị và báo chí của Lục quân và Hải quân, làm đầu mối liên hệ với những bộ khác và các nhà lãnh đạo chính trị. Trên cương vị này, ông tạo thêm ảnh hưởng trong số sĩ quan quân đội và cả trong giới chính trị. Trong Quân đội, ông có quyền sinh sát đối với sĩ quan cao cấp. Năm 1930, ông dùng mánh khóe để loại ra Tướng von Blomberg, nhân vật số Hai trong Quân đội, đồng thời đưa người bạn cũ là Tướng von Hammerstein lên thay thế. Mùa xuân năm ấy, với sự hậu thuẫn của Quân đội, ông khuyến dụ Tổng thống Hindenburg bổ nhiệm Heinrich Bruening làm Thủ tướng .

Khi đạt được thắng lợi chính trị này, Schleicher bắt đầu kế hoạch lớn lao hơn: nắm quyền lãnh đạo Chính phủ Cộng hoà. Cũng như nhiều người khác, ông thấy rõ những nguyên nhân khiến cho nền Cộng hoà bị suy yếu. Có quá nhiều Đảng chính trị: vào năm 1930 có cả chục Đảng, mỗi Đảng thu trên 1 triệu phiếu. Đảng phái thường bất hoà với nhau, mỗi Đảng chỉ lo vun vén quyền lợi cho thành phần cử tri mà họ thay mặt nên không thể tạo đa số vững chắc trong Nghị viện. Vì thế Chính phủ không được ổn định để đối phó với những cuộc khủng hoảng khởi phát từ đầu những năm 1930. Chính phủ Nghị viện trở thành ích kỷ vì các Đảng cứ lo mặc cả với nhau về quyền lợi của cử tri đã bầu cho họ, mà chẳng màng đến quyền lợi quốc gia .

Không lạ gì khi Bruening nhậm chức Thủ tướng ngày 28 tháng 3 năm 1930, Nghị viện không thể đạt đa số để thực hiện bất cứ chính sách gì hoặc thiên Tả hoặc thiên Hữu hoặc Trung dung. Để làm được việc, Bruening thường vận dụng Điều 48 của Hiến pháp cho phép ông điều hành bằng Nghị định dưới sự đồng ý của Tổng thống .

Đó chính xác là cách Schleicher muốn Thủ tướng giải quyết công việc. Việc này tạo nên chính quyền vững mạnh dưới quyền lực của Tổng thống và cộng thêm sự hậu thuẫn của Quân đội. Nếu Nghị viện do dân bầu không thể thành lập chính quyền ổn định, thì Tổng thống vốn cũng do dân bầu phải làm việc này. Schleicher tin chắc rằng đa số người Đức muốn có chính quyền ổn định để cứu họ ra khỏi cảnh khốn khó. Nhưng theo như cuộc tổng tuyển cử mà Bruening tổ chức tháng 9 năm 1930 cho thấy, đa số người Đức lại không muốn vậy. Hoặc ít nhất họ không muốn có thứ chính quyền mà Schleicher cùng các bạn ông trong Quân đội và Phủ Tổng thống đã lập nên .

Sự thật là Tướng von Schleicher phạm hai lỗi lầm tai hại. Đầu tiên là khi đưa Bruening lên làm Thủ tướng và khuyến khích ông này điều hành bằng Nghị định của Tổng thống, ông đã vô hình trung phá vỡ nền tảng sức mạnh của Quân đội trên đất nước: Quân đội vượt lên trên chính trị sẽ khiến cho cả Quân đội và đất nước đều suy yếu .

Lỗi lầm thứ hai của Schleicher là nhận định sai lạc về cử tri. Khi có 6 triệu rưỡi cử tri bầu cho Đảng Quốc xã ngày 14 tháng 9 năm 1930, hai năm trước chỉ có 810.000 phiếu, ông nhận ra rằng mình cần phải đổi hướng. Cuối năm này, ông liên lạc với Roehm và Strasser. Đây chính là sự tiếp xúc nghiêm túc đầu tiên giữa Quốc xã và những người đang cầm quyền. Chỉ trong vòng 2 năm, việc này dẫn đến kết quả là Adolf Hitler đạt được mục tiêu còn Schleicher thì xuống dốc và sau cùng bị ám sát .

Ngày 10 tháng 10 năm 1931, 3 tuần lễ sau vụ tự tử của cô cháu gái Geli Raubal và cũng là người ông yêu say đắm, lần đầu tiên Hitler được yết kiến Hindenburg. Việc này là do Schleicher sắp đặt theo mưu đồ mới. Trong đầu óc của Schleicher cũng như của Bruening là câu hỏi: phải làm gì khi Hindenburg mãn nhiệm kỳ vào cuối mùa xuân 1932? Lúc ấy, vị Thống chế sẽ tròn 85 tuổi và đầu óc của ông thì đang dần dần kém minh mẫn. Nếu ông không tái ứng cử, Hitler có thể ra tranh cử và ngồi vào ghế Tổng thống .

Trong suốt mùa hè, vị Thủ tướng Bruening có học thức suy nghĩ về tình cảnh khổ sở của Đức. Ông nhận ra rằng Chính phủ của ông được sự ủng hộ thấp nhất trong số các Chính phủ Cộng hoà từ trước đến giờ. Để đối phó với cơn suy thoái kinh tế, ông giảm tiền lương, giảm giá hàng hoá, bãi bỏ những hạn chế ngặt nghèo trong các lĩnh vực thương mại, tài chính và dịch vụ xã hội. Cả hai phía Quốc xã và Cộng sản gọi ông là "Thủ tướng Đói". Tuy vậy, ông nghĩ có cách để tái lập một nước Đức ổn định, tự do và phồn thịnh. Ông sẽ cố đàm phán với Đồng minh để xoá việc bồi thường chiến tranh. Trong Hội nghị Giải trừ Quân bị vào năm sau, ông sẽ cố thuyết phục Đồng minh hoặc tuân thủ Hoà ước Versailles mà giải trừ quân bị cho ngang bằng với Đức, hoặc cho phép Đức tái vũ trang theo mức độ khiêm tốn – tuy Đức trước nay vẫn bí mật thực hiện việc này. Nếu được như thế sợi xích cuối cùng trói buộc sẽ được tháo gỡ và Đức sẽ vươn lên ngang hàng với các cường quốc. Bruening nghĩ rằng còn có thêm lợi điểm là việc này sẽ chấm dứt tình trạng suy thoái kinh tế và chặn đứng bước tiến của Quốc xã .

Bruening còn dự định một bước đột phá táo bạo trong nội bộ nước Đức bằng cách đạt được sự thoả thuận giữa các Đảng chính, ngoại trừ Đảng Cộng sản đang sửa đổi Hiến pháp một cách sâu xa. Ông còn mang theo ý định phục hồi vương triều Hohenzollern. Ngay cả nếu Hindenburg được thuyết phục tái ứng cử, ông này khó sống đến hết nhiệm kỳ 7 năm. Nếu ông qua đời trong vòng 1, 2 năm tới thì Hitler có thể được bầu làm Tổng thống. Để ngăn chặn việc này và tạo sự ổn định cho chức vụ Tổng thống, Bruening đề nghị kế hoạch như sau: bãi bỏ cuộc bầu cử Tổng thống năm 1932, gia hạn nhiệm kỳ của Hindenburg, sau đó Nghị viện sẽ tuyên cáo chế độ quân chủ với Hindenburg làm phụ chính. Sau khi ông qua đời, một trong các con trai của Thái tử sẽ được đưa lên ngai vàng. Việc này cũng sẽ chặn đứng bước tiến của Quốc xã và còn có thể còn dập tắt hẳn tương lai của Hitler .

Nhưng vị Tổng thống già nua không quan tâm. Với tư cách Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Đế chế, năm 1918 ông đã phái người thuyết phục Hoàng đế thoái vị, nên bây giờ ông không muốn ai khác trong dòng họ Hohenzollern lên ngôi ngoại trừ vị Hoàng đế ấy – bây giờ đang lưu vong ở Hà Lan. Bruening giải thích rằng Đảng Dân chủ Xã hội và các nghiệp đoàn, dù miễn cưỡng thuận theo kế hoạch của ông để ngăn chặn Hitler, thì vẫn sẽ không chấp nhận Hoàng đế hoặc Thái tử quay về. Hơn nữa, nếu được tái lập thì vương triều phải thiết lập chế độ quân chủ lập hiến theo mô hình dân chủ của Vương quốc Anh. Khi nghe qua những điều kiện này, vị Thống chế trở nên giận dữ đến nỗi ông chẳng muốn nghe Bruening nói nữa. Tuần sau, ông triệu Bruening đến để thông báo là mình sẽ không tái ứng cử .

Trong lúc này, Hitler liên tục đến gặp gỡ Bruening và Hindenburg. Cả 2 buổi làm việc đều gây kết quả tồi tệ cho Hitler. Ông vẫn chưa phục hồi sau cú sốc vì cái chết của Geli Raubal, đầu óc ông cứ ngơ ngẩn đâu đâu, không thể xác định rõ mình muốn gì. Khi Bruening yêu cầu Quốc xã ủng hộ Hindenburg tiếp tục giữ chức vụ, Hitler cất lời dông dài đả phá nền Cộng hoà, chứng tỏ rằng ông sẽ không thuận theo kế hoạch của Bruening .

Đối với Hindenburg, Hitler tỏ ra lúng túng. Ông cố tạo ấn tượng đối với vị Tổng thống già, nhưng hoài công. Hindenburg không có ấn tượng tốt về cái gã "hạ sĩ Bohemian" và bảo Schleicher rằng Hitler có thể là Bộ trưởng Bưu điện nhưng sẽ chẳng bao giờ có thể vươn tới chức Thủ tướng .

Hitler vội vã đi đến thị trấn Bad Harzburg ở bang Hạ Saxony để hôm sau tham dự cuộc biểu dương lực lượng "Đối lập Quốc gia" chống lại các Chính phủ Đức và Phổ. Đây là sự kết hợp giữa Quốc xã và những Đảng phái bảo thủ: Đảng Nhân dân Quốc gia Đức của Hugenberg, đội quân cựu chiến binh gọi là Stahlhelm, hai nhóm gọi là "Thanh niên Bismarck" và "Liên đoàn Nông dân Junker" cùng một nhóm hỗn tạp kỳ quặc các cựu tướng lĩnh. Nhưng Hitler không cảm thấy hào hứng. Hitler chán ghét những người mặc quân phục áo choàng và mang huy chương tàn tích của chế độ cũ. Ông cho rằng liên kết phong trào "Cách mạng" của mình với những nhóm người như thế là điều nguy hiểm. Ông đọc nhanh bài phát biểu một cách máy móc rồi ra về trước khi đội quân cựu chiến binh diễu hành .

Ngày hôm ấy, Mặt trận Harzburg được thành lập nhằm lôi kéo Quốc xã vào một tổ chức hợp nhất chống nền Cộng hoà, nhưng mặt trận này đã nhanh chóng chết yểu. Hitler không muốn phụ hoạ với những người còn vương vấn với quá khứ. Nhưng ông có thể sử dụng họ trong giai đoạn nhất thời nếu họ giúp lũng đoạn nền Cộng hoà hoặc hỗ trợ tài chính cho mình. Nhung Hitler không muốn họ sử dụng Quốc xã. Chỉ trong vòng vài ngày, Mặt trận Harzburg đối diện với nguy cơ tan vỡ, các Đảng phái lại quay sang xâu xé lẫn nhau .

Chỉ ngoại trừ một điểm: Cả Hugenberg và Hitler đều bác bỏ phương án của Bruening là kéo dài nhiệm kỳ của Hindenburg. Một mặt, Bruening cố tìm cách để Hugenberg và Hitler thay đổi thái độ. Mặt khác, Bruening cũng thuyết phục Hindenburg tiếp tục phục vụ nếu Nghị viện kéo dài nhiệm kỳ của ông này vì như thế sẽ tránh cho ông gánh nặng của việc tái ứng cử. Vào thời điểm ấy, Bruening mời Hitler đến Berlin lần nữa. Khi bức điện được đưa đến, Hitler đang làm việc với Hess và Rosenberg. Dứ mảnh giấy trước mặt họ, Hitler thốt lên: "Bây giờ họ nằm trong tay tôi! Họ đã nhận ra tôi là đối tác cần phải đàm phán" .

Ngày 7 tháng 1 năm 1932, Hitler hội kiến với Bruening và Schleicher và có thêm một buổi làm việc ngày 10 tháng 1. Bruening lặp lại đề xuất: Quốc xã ủng hộ kéo dài nhiệm kỳ của Hindenburg, sau đó ông này sẽ về hưu. Theo vài nguồn tin, nhưng cũng có vài người phủ nhận, Bruening còn nhử thêm miếng mồi: ông đề nghị Hindenburg cử Hitler làm Thủ tướng .

Hitler không trả lời ngay, mà trở về Khách sạn Kaiserhof để hỏi ý kiến các cố vấn. Gregor Strasser khuyên Hitler nên nhận lời, biện luận rằng nếu Quốc xã thúc ép bầu cử, Hindenburg sẽ thắng. Goebbels và Roehm chống đối. Ngày 7 tháng 1 năm 1932, Goebbels ghi vào nhật ký: "Chức vụ Tổng thống không phải là vấn đề. Bruening chỉ muốn củng cố địa vị của ông ta...". Ngày trước, Goebbels đã viết: "Có một người trong tổ chức mà không ai tin tưởng... Người ấy là Gregor Strasser" .

Riêng Hitler thấy chẳng có lý do gì để củng cố vị thế của Bruening và qua đó kéo dài chế độ Cộng hoà, nhưng ông tỏ ra tế nhị. Ông không trả lời thẳng Thủ tướng mà nói với Tổng thống rằng Quốc xã thấy đề xuất của Bruening là vi hiến, nhưng sẽ ủng hộ Hindenburg tái đắc cử nếu ông này từ chối kế hoạch của Bruening. Đi xa hơn, Hitler còn đề xuất Hindenburg loại bỏ Bruening, lập "Nội các quốc gia" và tổ chức bầu cử lại Nghị viện .

Hindenburg không đồng ý với những phương cách ấy, mà chỉ chấp nhận tái ứng cử. Nhưng ông bất mãn với cung cách của Bruening, vì cho rằng mình bị buộc phải chống lại các lực lượng quốc gia vốn đã bầu cho ông năm 1925 để thắng các đối thủ tự do liên kết với Marxit. Khi ấy ông phải trông cậy vào cánh Xã hội và nghiệp đoàn – những người ông khinh rẻ ra mặt. Ông trở nên lạnh nhạt với Bruening mà không lâu lúc trước ông đã gọi là "người giỏi nhất kể từ Bismarck" .

Tướng Schleicher, người đã đưa Bruening lên chức Thủ tướng, cũng tỏ ra lạnh nhạt. Bruening là Thủ tướng bị chống đối nhiều nhất từ trước đến giờ. Ông không tạo nổi khối đa số. Ông cũng không thể ngăn chặn hoặc thuyết phục được Quốc xã. Và ông còn thất bại trong việc giữ Hindenburg tiếp tục ngồi trên ghế Tổng thống. Vì vậy nên Shleicher cho rằng Bruening phải ra đi và có lẽ Tướng Groener cũng nên đi theo. Nhưng Schleicher không vội. Thủ tướng Bruening và Bộ trưởng Quốc phòng Groener, hai nhân vật có quyền lực trong Chính phủ, phải lưu lại chức vụ hiện tại cho đến khi Hindenburg tái đắc cử. Nếu không có họ, vị Thống chế già có thể thất bại. Sau cuộc tuyển cử, giá trị của hai người đó sẽ hết .

HITLER VÀ HINDENBURG TRANH CỬ TỔNG THỐNG 

Trong sự nghiệp của Hitler có những trường hợp khi đối diện với vấn đề khó khăn, ông không thể quyết định nhanh chóng và đây cũng là một là trường hợp như thế. Vào tháng 1 năm 1932, vấn đề mà ông phải đối diện là: có nên tranh cử Tổng thống hay không? Hindenburg có vẻ chắc thắng vì được sự hậu thuẫn của cánh Hữu và các Đảng phái dân chủ vốn xem ông là người cứu nguy cho nền Cộng hoà. Nếu tranh cử và thất bại thì liệu có thể làm suy yếu đà tiến của Quốc xã – vốn đang thắng thế trong các cuộc bầu cử từ bang này đến bang khác sau chiến thắng ngoạn mục trong cuộc tổng tuyển cử 1930 – hay không? Nhưng nếu không ra tranh cử thì đây có phải là tự công nhận mình yếm thế, thiếu tự tin hay không? Còn có một yếu tố khác nữa, chính là: lúc này Hitler chưa phải là công dân Đức, không có quyền ứng cử .

Goebbels thúc giục Hitler nên công bố ứng cử, nhưng Hitler cứ trì hoãn. Rốt cuộc, sau khi Hindenburg công bố quyết định sẽ tái ứng cử, Hitler cũng công bố ứng cử .

Cuộc tranh cử gây nhiều cay đắng và rối loạn. Trong Nghị viện, Goebbels gán cho Hindenburg là "ứng cử viên của Đảng những kẻ đào ngũ" và bị trục xuất ra khỏi nghị trường vì đã xúc phạm Tổng thống. Các phe nhóm Quốc gia, từng ủng hộ Hindenburg trong kỳ bầu cử trước, giờ quay sang chống đối ông .

Mọi giai cấp và phe nhóm, lúc trước có sẵn chủ kiến ủng hộ bên nào, giờ đâm ra hoang mang. Nghiệp đoàn, các Đảng Dân chủ Xã hội, Trung dung Đức và các Đảng còn lại của giai cấp trung lưu thiên tự do dân chủ thì ủng hộ Hindenburg – là người theo đạo Tin Lành, gốc Phổ, có xu hướng bảo thủ và bảo hoàng. Ngoài Quốc xã, các Đảng phái của giới thượng lưu Tin Lành miền Bắc, nông dân người Junker bảo thủ và một số phe nhóm của vương triều cũ kể cả cựu Thái tử thì ủng hộ Hitler – là người Công giáo, gốc Áo, từng một thời lông bông vô gia cư, người cho rằng mình theo "quốc gia xã hội chủ nghĩa", lãnh tụ của giới hạ trung lưu .

Cử tri càng thêm hoang mang khi có thêm 2 ứng viên khác cũng ganh đua vào chiếc ghế Tổng thống. Họ không có hy vọng đắc cử, nhưng có thể thu một số phiếu khiến cho không ứng cử viên nào đạt được đa số quá bán cần thiết. Các phe nhóm Quốc giacử Theodor Duesterberg, nhân vật số Hai của Stahlhelm, một trung tá làng nhàng mà chẳng bao lâu Quốc xã vui mừng được biết ông này mang gốc Do Thái. Đảng Cộng sản kết án Đảng Dân chủ Xã hội "phản bội công nhân" bằng cách ủng hộ Hindenburg và cử chủ tịch Ernst Thalmann của họ ra tranh cử .

Khi cuộc vận động tranh cử vừa mới bắt đầu, Hitler giải quyết được vấn đề quốc tịch của mình. Ngày 25 tháng 2 năm 1932, có tin báo Bộ trưởng Nội vụ thân Quốc xã của bang Brunswick cử Hitler làm Tùy viên cho Công sứ Brunswick ở Berlin. Qua động thái khôi hài như trên sân khấu này, Hitler đương nhiên là công dân của Brunswick và cũng là công dân Đức, vì thế có tư cách hợp lệ để ứng cử .

Đã thoát qua khỏi rào cản cuối cùng, Hitler lao mình vào chiến dịch tranh cử với năng lượng dữ dội, di chuyển khắp nước Đức, phát biểu trước đám đông trong nhiều buổi Đại hội và thôi thúc họ đến mức độ cuồng loạn. Goebbels và Strasser, 2 người có tài ăn nói làm mê mẩn lòng người khác, cũng lao vào lịch phát biểu tương tự. Nhưng chưa hết. Họ còn chỉ đạo một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ mà nước Đức chưa từng thấy bao giờ. Họ dán hàng triệu panô đầy màu sắc khắp các thành phố và thị trấn, phân phối 8 triệu tờ bướm và thêm 12 triệu bản tờ báo của Đảng, tổ chức 3.000 buổi mít tinh lớn nhỏ mỗi ngày khắp nước Đức. Lần đầu tiên trong một cuộc bầu cử ở Đức mà có một Đảng sử dụng phim ảnh, thêm máy hát phát ra loa đặt trên xe tải để tuyên truyền .

Bruening cũng vận động một cách không mệt mỏi cho vị Thống chế già .

Chính người với tinh thần công tâm này lại dành mọi thời lượng của các đài phát thanh do Chính phủ kiểm soát để vận động tranh cử cho phe mình. Chiến thuật này của ông ta khiến cho Hitler phẫn nộ. Riêng Hindenburg chỉ lên tiếng một lần, một ngày trước hôm bầu cử. Đó là lời phát biểu có phẩm giá hiếm hoi đạt được hiệu quả trong chiến dịch vận động .

"Nếu bầu một người đại diện cho những ý tưởng cực đoan một chiều, với kết quả là người ấy bị đa số dân chúng chống đổi, thì sẽ gây ra xáo trộn nghiêm trọng cho Tổ quốc, mà hậu quả sẽ không thể nào lường trước được... Nếu tôi thất cử, ít nhất tôi sẽ không bị trách cứ rằng tôi đã rời bỏ nhiệm vụ của mình trong thời khắc khủng hoảng... Tôi không xin lá phiếu của những người chẳng muốn bầu cho tôi." Hindenburg chiếm 49,6% số phiếu, theo sau là Hitler được 30,1% số phiếu. Hai ứng cử viên kế tiếp, Thalmann được 13,2% và Duesterberg được 6,8% .

Kết quả khiến cho 2 người đứng đầu đều thất vọng. Vị Thống chế già không đạt được đa số quá bán tuyệt đối, vì thế sẽ cần bỏ phiếu vòng hai trong đó người nhiều phiếu nhất sẽ đắc cử. Hitler được thêm gần 5 triệu phiếu so với cuộc tổng tuyển cử năm 1930, nhưng vẫn bị Hindenburg bỏ xa .

Chiến dịch tranh cử vòng hai cũng rầm rộ như ở vòng đầu. Thuê một chiếc máy bay Junkers chở hành khách, Hitler bay từ đầu này đến đầu kia lãnh thổ Đức – một điều mới lạ trong tranh cử thời bấy giờ. Mỗi ngày ông phát biểu trong 3 hoặc 4 cuộc mít tinh ở các thành phố khác nhau. Ông khôn ngoan chuyển chiến thuật để kiếm thêm phiếu. Trong vòng đầu, Hitler ca thán về những nỗi cực khổ của dân chúng và sự bất lực của nền Cộng hoà. Bây giờ ông vẽ ra tương lai hạnh phúc cho người Đức nếu mình đắc cử: tạo công ăn việc làm, nâng giá nông sản, tạo thêm cơ hội kinh doanh, xây dựng Quân đội hùng mạnh. Tức là, ông ve vãn mọi giai cấp: công nhân, nông dân, doanh nghiệp và giới quân sự. Một lần, trong một bài phát biểu Hitler còn tuyên bố: "Trong Đế chế Thứ Ba, mỗi người con gái Đức sẽ tìm được một tấm chồng!" .

Các phe nhóm Quốc gia rút Duesterberg ra khỏi cuộc tranh cử và kêu gọi Đảng viên bầu cho Hitler. Một lần nữa, cựu Thái tử Friedrich Wilhelm lại lên tiếng ủng hộ Hitler .

Ngày 10 tháng 4 năm 1932, một ngày mưa và âm u, số cử tri giảm đi một triệu so với vòng một. Kết quả là: Hindenburg 53%, Hitler 36,8%, Thalmann 10,2% .

Dù Hitler được thêm 2 triệu phiếu và Hindenburg chỉ được thêm 1 triệu, vị Thống chế vẫn chiếm đa số tuyệt đối. Trên phân nửa cử tri bác bỏ 2 người cực đoan ở hai cánh, tức Cực Hữu và Cực Tả. Hoặc là họ nghĩ như thế Hitler có nhiều suy nghĩ. Ông đã đạt kết quả ấn tượng. Trong 2 năm, ông đã tăng gấp đôi số phiếu. Nhưng ông vẫn chưa được đa số và đương nhiên là chưa thể nắm quyền lực. Liệu Hitler đã đi đến cuối con đường này chưa? Strasser thẳng thừng nói đúng như thế. Strasser thúc giục Quốc xã nên thoả hiệp với những người đang cầm quyền: với vị Tổng thống, với Nội các của Bruening và Tướng Groener, cũng như với Quân đội. Hitler không tin tưởng Strasser nhưng cũng không bác bỏ luận cứ ấy. Ông chưa quên một trong những bài học ở Vienna: nếu muốn nắm quyền lực phải được sự hậu thuẫn của những "định chế mạnh" đương thời .

Trước khi Hitler có thể quyết định bước đi kế tiếp, một trong những "định chế mạnh" ấy, Chính phủ của nền Cộng hoà, đã giáng cho ông một đòn .

Từ 1 năm nay, Chính phủ Cộng hoà và chính quyền một số bang thu được tài liệu cho thấy một số nhà lãnh đạo cấp cao của Quốc xã – đặc biệt là của lực lượng S.A. – đang chuẩn bị chiếm chính quyền bằng vũ lực và thiết lập một chế độ khủng bố. Một ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống, lực lượng S.A. – giờ đã lớn mạnh với quân số 400.000 – được huy động toàn diện và lập một vành đai xung quanh thủ đô Berlin. Mặc dù tham mưu trưởng Roehm của lực lượng S.A. trấn an Tướng von Schleicher rằng đây chỉ là biện pháp "phòng xa", nhưng khi cảnh sát Phổ tịch thu tài liệu ở văn phòng Quốc xã tại Berlin thì cho thấy S.A. đúng là có ý đồ đảo chính một khi Hitler đắc cử Tổng thống .

Cả Chính phủ Cộng hoà và chính quyền các bang đều lo âu. Ngày 5 tháng 4, đại diện một số bang kể cả hai bang lớn nhất là Phổ và Bavaria lên tiếng yêu cầu Chính phủ Trung ương đàn áp S.A., nếu không họ sẽ tự hành động trên lãnh thổ của mình. Groener tiếp kiến các đại diện này với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Nội vụ. Ông hứa sẽ có hành động ngay sau khi Bruening trở về ngày 10 tháng 4, cũng là ngày bỏ phiếu vòng hai. Bruening và Groener đều nghĩ họ có lý do chính đáng để trấn áp S.A.. Việc này sẽ chấm dứt hiểm hoạ nội chiến và có thể kết thúc cuộc đời chính trị của Hitler. Vì đã chắc chắn Hindenburg sẽ đắc cử với đa số tuyệt đối, cả hai nghĩ cử tri đang giao cho họ nghĩa vụ chống lại mối đe doạ từ Quốc xã để bảo vệ nền Cộng hoà. Thời điểm đã đến để sử dụng vũ lực mà đương đầu với vũ lực. Hơn nữa, nếu họ không làm mạnh, Chính phủ sẽ mất đi sự ủng hộ của Đảng Dân chủ Xã hội và các nghiệp đoàn hiện vẫn đang muốn dồn phiếu cho Hindenburg và ủng hộ Bruening tiếp tục làm Thủ tướng .

Nội các họp ngày 10 tháng 4 trong khi cử tri đang đi bỏ phiếu, và lập tức quyết định đàn áp lực lượng bán quân sự của Hitler. Sau thời gian do dự, ngày 14 tháng 4 Hindenburg chấp thuận ban hành lệnh cấm S.A. hoạt động .

Đây là một đòn đau giáng vào Quốc xã. Roehm và vài thủ lĩnh cứng đầu của Đảng thúc giục nên phản kháng. Nhưng Hitler lại tỏ ra khôn ngoan hơn, quyết định là nên tuân hành luật pháp. Bây giờ không phải là lúc làm loạn bằng vũ lực. Hơn nữa, lúc ấy lại đang có vài tin tức đáng quan tâm về Schleicher. Cùng ngày 14 tháng 4, Goering ghi vào nhật ký: "Chúng tôi nhận được tin Schleicher không chấp thuận hành động của Groener... từ một cuộc điện thoại của một phụ nữ có tiếng tăm, vốn là bạn thân của Tướng Schleicher. Bà nói vị Tướng muốn từ chức." Goebbels cũng đã chú ý đến việc này nhưng tỏ ra nghi ngờ. Ông nghĩ có lẽ đây chỉ là một thủ đoạn. Cả ông lẫn Hitler hay bất kỳ ai khác đều chắc chắn rằng Bruening và Groener – là hai người mang ơn Schleicher đã đề bạt họ nhanh chóng trong Chính phủ và Quân đội – đều chưa nhìn ra ý đồ của vị tướng đầy âm mưu chính trị. Nhưng chẳng bao lâu nữa, họ sẽ thấy .

Ngay cả trước khi lệnh cấm S.A. được công bố Schleicher – người đã gây ảnh hưởng đối với vị chỉ huy Quân đội von Hammerstein nhu nhược – kín đáo thông báo cho tư lệnh 7 quân khu rằng Quân đội sẽ chống lại lệnh cấm. Kế đến, ông thuyết phục Hindenburg gửi một công văn với giọng điệu gay gắt cho Groener, hỏi tại sao tổ chức bán quân sự của Đảng Dân chủ Xã hội không bị cấm cùng với S.A.. Schleicher còn đi thêm một bước. Ông dấy động một chiến dịch bôi nhọ Tướng Groener, phát tán tin đồn rằng ông này quá bệnh tật nên không thể làm việc được, ông đã chạy sang hàng ngũ những người Marxit và ngay cả phe chủ hoà. Đồng thời vị Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Nội vụ cũng đã tự mình làm mất thanh danh Quân đội vì một đứa con sinh ra 5 tháng sau khi kết hôn .

Cùng lúc, Schleicher nối lại liên lạc với S.A.. Ông trao đổi với Tham mưu trưởng Roehm của S.A. và Bá tước von Helldorf, chỉ huy lực lượng S.A. ở Berlin. Ngày 26 tháng 4, Goebbels ghi là Schleicher đã thông báo cho Helldorf rằng ông "muốn đổi hướng" .

Ngay cả vào lúc này của tấn trò thì vẫn có một việc rõ ràng: Roehm và Schleicher đang âm mưu với nhau sau lưng Hitler. Cả hai đều muốn kết hợp lực lượng S.A. vào Quân đội như là lực lượng bán quân sự – phương án mà Hitler kiên quyết chống đối. Đây là vấn đề mà Hitler vẫn thường tranh cãi với ban chỉ huy S.A., những người xem S.A. là lực lượng có tiềm năng củng cố đất nước. Nhưng Hitler thì nghĩ khác: ông xem S.A. là lực lượng chính trị, một đám người chuyên gây rối trên đường phố để khủng bố đối thủ chính trị và tạo thêm phấn khởi trong hàng ngũ Quốc xã. Nhưng Schleicher lại muốn đưa S.A. vào Quân đội để có thể kiểm soát lực lượng này, đồng thời cũng muốn Hitler gia nhập Chính phủ để có thể kiểm soát chính Hitler. Thế nhưng S.A. đã ngáng trở cả hai mục đích .

Vào cuối tuần lễ đầu tiên trong tháng 5 năm 1932, mưu đồ của Schleicher lên đến đỉnh điểm. Ngày 4 tháng 5, Goebbels ghi: "Đầu óc Hitler muốn nổ tung. Khởi đầu là Groener và kế tiếp là Bruening sẽ ra đi." Ngày 8 tháng 5, Goebbels ghi vào nhật ký là Hitler "có cuộc hội kiến mang tính quyết định với Schleicher và vài nhân vật thân cận với Hindenburg. Mọi việc đều tiến hành tốt. Bruening sẽ ra đi trong vài ngày tới. Tổng thống sẽ rút lại sự ủng hộ đối với ông ta." Rồi Goebbels mô tả sơ lược kế hoạch của hai bên: Nghị viện sẽ bị giải tán, một Nội các Tổng thống chế sẽ được thành lập, mọi lệnh cấm đối với S.A. và Quốc xã sẽ được bãi bỏ. Để tránh Bruening nghi ngờ, Hitler sẽ lánh mặt khỏi Berlin. Chiều tối ngày hôm sau, Goebbels dẫn Hitler đi ẩn mình .

Đối với Quốc xã, Nội các Tổng thống chế chỉ được xem như biện pháp "tạm thời". Một chính quyền lâm thời "nhạt nhẽo" như thế "sẽ dọn đường cho ta. Nó càng yếu càng dễ cho ta dẹp bỏ nó". Dĩ nhiên, đây không phải là quan điểm của Schleicher, người đang mơ đến một chính quyền mới nhưng không có Nghị viện cho đến khi Hiến pháp được tu chính. Và ông sẽ là người kiểm soát tiến trình này. Cả ông và Hitler đều tin rằng mỗi bên đều hưởng lợi. Nhưng lúc này, Schleicher có con bài tủ. Ông có thể thuyết phục vị Tổng thống già nua yếu đuối rằng mình sẽ mang đến điều mà Bruening không làm được: một chính quyền vững mạnh với Hitler làm hậu thuẫn và không bị kẻ mị dân quá khích này quấy rối .

Hai ngày sau khi gặp gỡ Hitler và vài nhân vật thân cận với Hindenburg, Schleicher đã bắt đầu ra tay. Đòn đánh diễn ra ở Nghị viện. Tướng Groener đứng lên giải trình lệnh cấm S.A. và bị Goering chỉ trích kịch liệt. Đau yếu vì bệnh tiểu đường và thối chí vì bị Schleicher phản bội, vị Bộ trưởng Quốc phòng cố tìm cách biện minh cho mình, nhưng bị các đại biểu Đảng Quốc xã phản kháng mãnh liệt. Mệt nhọc và mất mặt, ông rời khỏi nghị trường nhưng chạm trán với Schleicher, nghe Schleicher cho biết ông "không còn được Quân đội tín nhiệm và phải từ chức". Groener cầu cứu Hindenburg, người đã hai lần dùng ông làm vật tế thần: lần đầu năm 1918 khi ông yêu cầu Hoàng đế thoái vị và lần thứ hai năm 1919 khi ông khuyến cáo Chính phủ Cộng hoà ký Hoà ước Versailles. Nhưng vị Thống chế già trả lời ông "lấy làm tiếc" và không thể làm gì được. Ngày 13 tháng 5 năm 1932, trong nỗi thất vọng cay đắng, Groener từ chức Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Nội vụ. Tối hôm ấy, Goebbels ghi vào nhật ký của mình: "Chúng ta có tin từ Tướng Schleicher. Mọi việc đang diễn ra theo kế hoạch" .

Kế hoạch tiếp theo là tính đến Bruening. Sự ra đi của Groener là bước thụt lùi cho Cộng hoà Đức: trong giới Quân đội ông hầu như là người duy nhất có năng lực và tận tụy, không ai trong Quân đội có vị thế như ông để thay thế. Nhưng con người cứng đầu, say mê làm việc Bruening vẫn còn đây. Ông này đã tranh thủ sự hậu thuẫn của đa số người Đức để bầu lại cho Hindenburg và ông tin họ cũng muốn ông tiếp tục làm Thủ tướng. Ông có vẻ như sắp thành công ngoạn mục trong chính sách ngoại giao nhằm xoá bỏ việc trả tiền bồi thường chiến tranh và đưa Đức lên ngang hàng với các cường quốc khác .

Nhưng vị Tổng thống già nua lại trở mặt lạnh nhạt với ông dù ông đã góp công đáng kể trong cuộc bầu cử Tổng thống. Thái độ lạnh nhạt trở nên lạnh lùng hơn khi Bruening đề xuất là Nhà nước thu hồi một số bất động sản của người Junker vỡ nợ ở Đông Phổ. Vào giữa tháng 5, Hindenburg đi nghỉ Lễ Phục sinh ở Neudeck, trên chính trang trại Đông Phổ mà người Junker với sự giúp đỡ tài chính của giới công nghiệp, đã tặng cho ông làm quà sinh nhật thứ 80. Tại đây, ông nghe đầy tai lời các nhà quý tộc địa phương than phiền, đòi ông cách chức vị Thủ tướng mà bây giờ họ gọi là "tên Bolshevik gốc nông dân" .

Ngày Chủ Nhật 29 tháng 5, Hindenburg triệu Bruening đến và đột ngột đòi ông này phải từ chức. Hôm sau, ông này nhận được đơn xin từ chức .

Quốc xã – chắc chắn là qua Schleicher – đã biết trước rằng Bruening sẽ mất chức. Ngày 18 tháng 5, Goebbels trở về Berlin từ Munich và với "tinh thần Lễ Phục sinh" vẫn còn vấn vương, ông ghi vào nhật ký: "Đối với Bruening, mùa đông bắt đầu ập đến. Điều khôi hài là ông ta không nhận ra. Thậm chí ông ta còn không thể tìm đủ người cho Nội các của mình. Thuộc hạ của ông ấy đang bỏ của chạy lấy người" .

Có lẽ chính xác hơn: không phải bỏ của chạy lấy người mà là chạy đi tìm thủ trưởng mới. Ngày kế Goebbels ghi: "Tướng Schleicher từ chối tiếp nhận Bộ Quốc phòng." Điều này là đúng nhưng không hẳn chính xác. Đúng là Bruening yêu cầu Schleicher như thế sau khi trách móc ông này vì đã huỷ hoại Groener. Nhưng Schleicher đã đáp lại: "Tôi sẽ làm điều đó, nhưng không phải trong chính quyền của ông" .

Ngày 19 tháng 5, Goebbels ghi: "Tin nhắn từ Schleicher. Danh sách các Bộ trưởng đã sẵn sàng. Đối với thời kỳ chuyển tiếp thì việc này cũng chẳng quan trọng lắm." Vì thế, Quốc xã biết trước Bruening một tuần về số phận của ông này. Ngày Chủ Nhật, 29 tháng 5, Hindenburg triệu Bruening đến, thình lình yêu cầu Bruening từ chức và ngày hôm sau ông ta xin từ chức thật .

Schleicher đã chiến thắng. Nhưng không chỉ Bruening đi xuống, mà cả nền Cộng hoà dân chủ sụp đổ theo ông, tuy sẽ còn hấp hối trong 8 tháng nữa. Trách nhiệm của Bruening cũng không phải là ít. Dù thâm tâm theo chiều hướng dân chủ, ông để mình bị đưa đẩy vào vị thế khó khăn để rồi bắt buộc phải điều hành bằng Nghị định của Tổng thống mà không thông qua Nghị viện. Khi Nghị viện không chịu biểu quyết chấp thuận, ông cứ dựa vào quyền hạn của Tổng thống. Nhưng bây giờ, quyền hạn ấy đã bị thu hồi. Từ giờ trở đi, tức là từ tháng 6 năm 1932 đến tháng 1 năm 1933, quyền hạn này sẽ được trao cho 2 người vốn chẳng màng đến việc củng cố nền Cộng hoà dân chủ .

Từ lúc khai sinh nền Cộng hoà, quyền lực chính trị nằm trong tay toàn dân, thông qua Nghị viện. Bây giờ, quyền lực được đặt lên đôi vai của vị Tổng Thống mà tuổi đã lão suy và một số ít người nông cạn, đầy tham vọng xung quanh ông chỉ muốn uốn nắn tư tưởng của ông theo mưu đồ của họ .

Hitler nhìn thấy rõ tình hình này và nhận thấy nó phù hợp với những mục đích của mình. Xem chừng Quốc xã sẽ không khi nào đạt được đa số tuyệt đối. Đường lối mới của Hindenburg tạo ra cơ hội duy nhất còn lại để ông lên nắm quyền. Chắc chắn là không phải bây giờ, nhưng cũng chẳng bao lâu nữa .

Ngày 30 tháng 5, Hitler được Hindenburg cho tiếp kiến. Vị Tổng thống xác nhận những điểm mà Quốc xã và Schleicher đã thoả thuận ngầm với nhau ngày 8 tháng 5: bãi bỏ lệnh cấm đối với S.A., thành lập Nội các tổng thống chế do chính Hindenburg chọn lựa, giải tán Nghị Viện. Ông hỏi: Hitler có hậu thuẫn chính quyền mới không? Hitler trả lời rằng mình chấp thuận hậu thuẫn. Đêm 30 tháng 5 ấy, Goebbels ghi vào nhật ký: "V. Papen được nhắc tới như là Thủ tướng. Nhưng ta chẳng quan tâm đến việc này lắm. Điều quan trọng là Nghị viện bị giải tán. Bầu cử! Bầu cử! Trực tiếp từ nhân dân. Chúng ta rất vui sướng." 

  FRANZ VON PAPEN THẤT BẠI 

Vào thời điểm đó trên chính trường xuất hiện một khuôn mặt lố bịch đến nỗi ai cũng bất ngờ. Ngày 1 tháng 6 năm 1932, nhờ Tướng von Schleicher đề xuất, Hindenburg bổ nhiệm Franz von Papen, 53 tuổi, vào chức vụ Thủ tướng. Ông này xuất thân từ một gia đình nghèo thuộc dòng dõi quý tộc Westphalia, là cựu sĩ quan Bộ Tổng Tham mưu, nhờ gia đình bên vợ mà trở thành nhà công nghiệp giàu có. Công chúng không biết gì nhiều về ông ngoại trừ việc ông là Tùy viên quân sự của Đức ở Washington, rồi trong chiến tranh bị Mỹ trục xuất vì có liên can đến âm mưu phá hoại cầu đường trong khi Mỹ là nước trung lập .

Đại sứ Pháp tại Berlin nhận xét: "Nhiều người hoài nghi sự chọn lựa của Tổng thống... Papen có tiếng là nông cạn, ngớ ngẩn, không chân thật, nhiều tham vọng, rỗng tuếch, xảo quyệt, lắm mưu đồ" .

Và đúng là M. François-Poncet đã không quá lời. Hindenburg đã nghe theo lời của Schleicher mà giao phó số phận của nền Cộng hoà đang chao đảo cho một kẻ như Papen .

Papen không hề có được sự hậu thuẫn chính trị nào cả. Ông lại càng không phải là đại biểu Nghị viện. Khi ông được cử làm Thủ tướng, Đảng Trung dung Đức nhất trí trục xuất ông vì bất mãn với cách ông phản bội chủ tịch Đảng Bruening. Nhưng Hindenburg yêu cầu ông thành lập chính quyền đứng trên Đảng phái. Ông xúc tiến ngay vì Schleicher đã có sẵn danh sách Bộ trưởng. 5 thành viên thuộc giới quý tộc, 2 người là giám đốc doanh nghiệp, còn 1 người là Franz Gertner được cử làm Bộ trưởng Tư pháp. Ông này chính là người trong chính quyền Bavaria đã bảo hộ cho Hitler từ những ngày trước và sau vụ Bạo loạn Nhà hàng Bia. Hindenburg lôi Tướng Schleicher ra khỏi vị trí ông này ưa thích trong hậu trường để nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. Cả nước xem Nội các mới như là trò đùa. Tuy nhiên, vẫn có một số nhân vật năng lực sau này còn tiếp tục phục vụ Đế chế Thứ Ba như: Nam tước von Neurath, Nam tước von Eltz-Rubenach, Bá tước Schwerin von Krosigk và Tiến sĩ Guertner .

Động thái đầu tiên của Papen là giữ lời hứa với Hitler. Ngày 4 tháng 6, ông giải tán Nghị viện, ấn định cuộc tổng tuyển cử mới sẽ diễn ra ngày 31 tháng 7. Sau khi bị Quốc xã đốc thúc, ngày 15 tháng 6 ông bãi bỏ lệnh cấm S.A.. Lập tức nổi lên một làn sóng bạo lực và ám sát chính trị dữ dội mà nước Đức chưa từng thấy bao giờ. Từng đám S.A. đổ xô ra đường gây đổ máu và thường bị các Đảng khác – đặc biệt là Đảng Cộng sản – đáp trả. Từ ngày 1 đến ngày 20 tháng 6, chỉ riêng ở Phổ có 461 vụ đụng độ trên đường phố lấy đi 82 sinh mạng và làm 400 người bị thương nặng. Vào tháng 7, trong số 86 người bị giết trên đường phố có 38 Đảng viên Quốc xã và 30 Đảng viên Cộng sản. Cuộc nội chiến mà Nội các mới được thành lập để ngăn chặn đang trở nên ngày một tồi tệ hơn .

Papen phản ứng lại thông qua hai hành động. Ông ra lệnh cấm mọi cuộc tuần hành chính trị trong hai tuần lễ trước ngày bỏ phiếu vào 31 tháng 7. Động thái này của ông không những nhằm xoa dịu Hitler mà còn đánh đổ một trong những trụ cột cuối cùng còn sót lại của nền Cộng hoà dân chủ. Ngày 20 tháng 7, ông giải tán chính quyền của bang Phổ và tự nhận chức Thủ hiến Phổ. Đây là một hành động can đảm để hướng đến một Chính phủ có quyền lực mà ông muốn đặt lên nước Đức .

Thiết quân luật được ban hành ở Berlin. Tướng von Rundstedt, chỉ huy quân sự ở địa phương, gửi một toán quân đi lùng bắt kẻ phạm pháp. Tình hình khiến cho cánh Hữu trong Nội các mới lẫn Hitler đều để ý đến. Vì điều đó có nghĩa là họ chẳng còn phải e ngại cánh Tả hoặc ngay cả phe Trung dung dân chủ chống đối việc lật đổ hệ thống dân chủ. Năm 1920, một cuộc tổng đình công đã cứu nguy cho nền Cộng hoà. Vào thời điểm ấy nghiệp đoàn và phe Xã hội đều cho rằng động thái như thế càng nguy hiểm. Vì thế thông qua việc giải tán chính quyền Phổ, Papen đóng thêm một cây đinh vào quan tài của nền Cộng hoà. Ông khoe khoang rằng chỉ cần một nhúm nhỏ binh sĩ để làm việc này .

Riêng Hitler và các phụ tá nhất quyết lật đổ chẳng những nền Cộng hoà mà còn cả Papen cùng Nội các của ông. Khi Papen gặp Hitler lần đầu ngày 9 tháng 6, nhà lãnh đạo Quốc xã nói với ông: "Tôi xem Nội các của ông chỉ là biện pháp tạm thời. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa Đảng tôi lên vị trí mạnh nhất cả nước. Lúc ấy, tôi sẽ nhận chức Thủ tướng." Cuộc tổng tuyển cử Nghị viện ngày 31 tháng 7 năm 1932 là cuộc bầu cử thứ ba ở Đức trong vòng 5 tháng, nhưng thay vì mệt mỏi, Quốc xã lại lao vào chiến dịch vận động với tinh thần cuồng tín và hăng say hơn bao giờ hết. Dù Hitler đã hứa với Hindenburg rằng Quốc xã sẽ ủng hộ chính quyền Papen, thế nhưng Goebbels vẫn mở đợt chỉ trích vị Bộ trưởng Nội vụ và Hitler than phiền với Schleicher về những chính sách của Nội các. Xét qua số người tụ tập để nghe Hitler phát biểu, rõ ràng là Quốc xã đang thắng thế. Chỉ trong một ngày, Hitler phát biểu trước 60.000 người ở Brandenburg, khoảng ngần ấy số người ở Potsdam, rồi đến buổi tối với 120.000 người trong Sân Vận động Grunewald khổng lồ ở Berlin và bên ngoài có thêm 100.000 người nghe tiếng nói của ông ta qua loa phóng thanh .

Cuộc tổng tuyển cử mang lại thắng lợi vang dội cho Đảng Quốc xã. Họ chiếm 230 ghế trong Nghị viện, đứng hàng đầu tuy vẫn chưa được đa số tuyệt đối trong tổng số 608 ghế. Đảng Dân chủ Xã hội mất 10 ghế, chỉ còn 133 ghế. Giai cấp công nhân ngả về phe Cộng sản khiến cho Đảng này có thêm 12 ghế đứng hàng thứ ba với 89 thành viên trong Nghị viện. Đảng Trung dung Đức có phần tiến bộ, từ 68 lên 73 ghế. Những Đảng khác đều bị đè bẹp. Ngoại trừ người Công giáo, các tầng lớp trung lưu và thượng lưu đều bỏ phiếu cho Quốc xã .

Hitler kiểm điểm tình hình với các nhà lãnh đạo Quốc xã. Trong vòng hai năm, Quốc xã lớn mạnh từ 107 lên đến 230 ghế Nghị viện. Tuy thế Đảng vẫn chưa có đủ số ghế quá bán để đưa Hitler lên nắm quyền. Ông chỉ chiếm được 37% tổng số phiếu. Số đông người Đức vẫn còn chống lại ông. Tối ngày 2 tháng 8, ông bàn bạc với các phụ tá về bước đi kế tiếp. Goebbels ghi kết quả: "Lãnh tụ đối mặt với những quyết định khó khăn. Hợp pháp? Với cánh Trung dung?" Quốc xã có thể tạo đa số với cánh Trung dung, nhưng đối với Goebbels việc này là "không hình dung nổi". Nhưng ông vẫn ghi: "Lãnh tụ chưa đi đến quyết định cuối cùng nào. Cần có thời giờ để tình hình chín muồi" .

Nhưng chẳng còn nhiều thời giờ. Do hồ hởi sau chiến thắng bầu cử, Hitler trở nên thiếu quả quyết và mất kiên nhẫn. Ông đến gặp Schleicher để trình ra yêu sách và không tỏ ra hoà hoãn lắm. Hitler đề nghị chính mình nhận chức vụ Thủ tướng, Quốc xã nắm thêm các chức vụ Thủ hiến bang Phổ, Bộ trưởng Nội vụ của Đức và của Phổ, thêm các bộ Trung ương: Tư pháp, Kinh tế, Hàng không và một bộ mới cho Goebbels: Thông tin và Tuyên truyền. Nhằm xoa dịu Schleicher, Hitler giao cho ông này chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. Hơn nữa, Hitler còn yêu sách Nghị viện thông qua một pháp lệnh cho phép ông ta điều hành đất nước bằng Nghị định trong một thời gian, nếu từ chối thì Nghị viện sẽ "về vườn" .

Hitler tự tin rằng Schleicher sẽ chấp nhận những đề nghị này, nhưng Goebbels vẫn luôn tỏ ý nghi ngờ, tuy ông tin chắc về một điểm: "Một khi nắm được chính quyền ta sẽ không buông. Họ sẽ phải mang xác chúng ta ra khỏi toà nhà các bộ" .

Mọi việc không phải tươi đẹp như Hitler nghĩ. Ngày 8 tháng 8, Goebbels ghi: "Có cuộc gọi từ Berlin. Tin đồn đầy rẫy. Toàn Đảng sẵn sàng tiếp nhận quyền hành. Binh sĩ S.A. đang rời khỏi nơi làm việc để sẵn sàng hành động. Các lãnh đạo Đảng đang chuẩn bị cho thời khắc trọng đại. Nếu mọi việc êm xuôi thì tốt. Nếu không thì sẽ có bước thụt lùi tồi tệ" .

Ngày Strasser, Frick và Funk đi đến Obersalzberg với tin tức không được phấn khởi. Schleicher lại trở mặt như trở bàn tay. Bây giờ ông khăng khăng đòi hỏi nếu Hitler giữ chức Thủ tướng thì phải điều hành thông qua Nghị viện. Funk báo cáo là những người bạn doanh nhân của ông lo âu về viễn tưởng của một Chính phủ Quốc xã. Ông có một thông điệp từ Schacht để xác định việc ấy. Cuối cùng, ba người cho rằng khu Wilhelmstrasse đang lo lắng về một cuộc đảo chính của Quốc xã .

Nỗi lo âu là có cơ sở. Ngày 10 tháng 8, lực lượng S.A. được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, thiết lập một vành đai chặt chẽ quanh Berlin. Hitler không muốn chờ đợi lâu. Ông xin gặp Tổng thống, nhưng trước hết ông cần nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Schleicher và Thủ tướng Papen .

Ba người gặp nhau ngày 13 tháng 8 trong không khí bão táp. Schleicher có phần xuống nước so với tuần trước. Ông ủng hộ Papen và nói Hitler chỉ có thể nhận chức Phó Thủ tướng. Hitler tỏ ra giận dữ. Ông muốn làm Thủ tướng, hoặc chẳng làm gì cả. Papen chấm dứt cuộc họp bằng cách nói mình sẽ để cho Hindenburg ra "quyết định cuối cùng". Trong tập hồi ký của mình, Papen không đề cập đến sự hiện diện của Schleicher trong buổi họp này, nhưng nhiều nguồn tin khác cho biết Schleicher có tham dự họp. Đây là điểm quan trọng, nếu xét qua những sự việc xảy ra về sau .

Hitler bực tức quay về Khách sạn Kaiserhof. Lúc ba giờ chiều, điện thoại gọi đến cho biết Tổng thống muốn nói chuyện với Hitler .

Vị Thống chế già nua đón tiếp nhà lãnh đạo Quốc xã trong tư thế đứng dựa bên cây gậy chống và tỏ thái độ lạnh nhạt. So với một người 85 tuổi chỉ mới mười tháng trước lâm vào cơn suy nhược thần kinh kéo dài hơn một tuần, thì Hindenburg đang ở trong trạng thái tỉnh táo một cách đáng kinh ngạc. Ông chăm chú lắng nghe trong khi Hitler lặp lại các yêu sách cho chức vụ Thủ tướng và quyền hành trọn vẹn. Chỉ có hai người khác tham dự trong buổi hội kiến: Otto von Meissner, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống và Goering, người tháp tùng Hitler. Dù Meissner không hẳn là nguồn tin hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng lời khai của ông ở Toà án Nuremberg là thông tin duy nhất về những gì diễn ra trong buổi hội kiến này và có một phần trong đó là sự thật .

"Hindenburg trả lời rằng vì tình hình căng thẳng, lương tâm ông không cho phép mạo hiểm mà trao toàn quyền của Chính phủ cho một Đảng mới như Quốc xã – vốn không chiếm đa số [trong Nghị viện], lại kém dung hoà, ồn ào và thiếu kỷ luật .

Hindenburg nhắc đến vài sự kiện gần đây – những cuộc xô xát giữa Quốc xã và cảnh sát, hành vi bạo lực của Đảng viên Quốc xã đối với người có ý kiến khác biệt, hành vi quá trớn đối với người Do Thái cùng những hành động vi phạm pháp luật khác. Tất cả những vụ việc này cho thấy ông tin rằng trong Đảng Quốc xã có nhiều thành phần bừa bãi vượt ra ngoài tầm kiểm soát... Sau khi trao đổi cặn kẽ thêm, Hindenburg đề nghị với Hitler phải tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các Đảng phái khác, đặc biệt với các phe Hữu và Trung dung, đồng thời từ bỏ ý nghĩ một sớm một chiều là phải có toàn quyền. Hindenburg tuyên bố rằng trong sự hợp tác với các Đảng phái khác, Hitler phải chứng tỏ mình có thể làm được việc và cải thiện điều đó. Nếu Hitler có thể cho thấy kết quả tích cực, ông sẽ có thêm ảnh hưởng và thậm chí là chiếm ưu thế trong Chính phủ liên hiệp. Hindenburg nói đây cũng là cách tốt nhất để xoá tan nỗi sợ hãi rằng Chính phủ Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa sẽ lạm dụng quyền hành, đàn áp mọi quan điểm khác và dần dần triệt hạ những quan điểm ấy. Hindenburg nói ông sẵn sàng chấp nhận Hitler và những đại diện trong phong trào của ông này trong một Chính phủ liên hiệp, thành phần cụ thể sẽ tuỳ vào sự thương thảo, nhưng ông không thể lấy trách nhiệm giao toàn quyền cho một mình Hitler... Tuy nhiên, Hitler vẫn khăng khăng từ chối đặt mình vào vị trí thương thuyết với lãnh đạo của các Đảng khác và lập Chính phủ liên hiệp thông qua cách này" .

Thế là, buổi hội đàm kết thúc mà không đi đến thoả thuận nào, nhưng trước khi chấm dứt hẳn, vị Tổng thống già nua – vẫn đứng thẳng người – giảng cho nhà lãnh đạo Quốc xã một bài học nghiêm khắc. Theo ngôn từ của bản thông cáo chính thức được phát hành ngay sau đó, Hindenburg đã: "Lấy làm tiếc rằng ông Hitler không nhận ra vị trí của chính mình trong việc hậu thuẫn một chính quyền quốc gia được bổ nhiệm với sự tin tưởng của Tổng thống Đế chế, như ông từng đồng ý trước cuộc tuyển cử Nghị viện" .

Theo quan điểm của vị Tổng thống được sùng kính, Hitler đã nuốt lời hứa, nhưng hãy để cho ông ta dè chừng về tương lai. Bản thông cáo tuyên bố tiếp: "Tổng thống long trọng kêu gọi ông Hitler thực thi quyền đối lập của Đảng Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa theo tinh thần hiệp sĩ và ghi trong tim trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và đối với dân tộc Đức" .

Bản thông cáo với nội dung dựa theo Hindenburg và với khẳng định Hitler đã đòi hỏi "việc kiểm soát Nhà nước một cách toàn diện" được phát hành một cách gấp rút. Vì thế, bộ máy tuyên truyền của Goebbels không kịp phản ứng. Điều này tạo ảnh hưởng tiêu cực cho sự nghiệp của Hitler, theo nhận định ngoài công chúng cũng như trong nội bộ Quốc xã. Hitler đáp lại một cách vô ích rằng mình đã không đòi hỏi "việc kiểm soát toàn diện" mà chỉ yêu cầu chức vụ Thủ tướng và vài Bộ trưởng. Người ta vẫn tin theo ngôn từ của Hindenburg .

Trong khi đó, các đơn vị S.A. được huy động bị rầy rà đôi chút. Hitler gọi các chỉ huy của S.A. đến để nói chuyện với họ. Goebbels ghi chép: "Đó là một việc khó. Ai biết được liệu họ giữ được hàng ngũ không? Chẳng có gì khó hơn là nói cho các chiến binh say men chiến thắng biết chiến thắng đã vuột khỏi tầm tay của mình" .

Hitler lui về khu nghỉ dưỡng Obersalzberg để suy ngẫm về những điều tương tự và hoạch định tương lai kế tiếp. Đúng như Goebbels nói: "Cơ hội lớn đầu tiên đã vuột mất." Hermann Rausch Ning, lúc ấy là Xứ uỷ Danzig, thấy Hitler trở nên buồn bã ở khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi. Hitler nói: "Chúng ta phải kiên cường", rồi thốt lên một tràng đả kích Papen. Nhưng ông không tuyệt vọng. Đôi lúc ông phát biểu cứ như mình đang làm Thủ tướng: "Công việc của tôi còn khó khăn hơn Bismarck. Tôi phải tạo ra quốc gia ngay cả trước khi bắt đầu giải quyết những vấn đề trước mắt của quốc gia ấy". Nhưng nếu một chế độ độc tài quân sự dưới quyền Papen và Schleicher đàn áp Quốc xã thì sao? Đột nhiên Hitler hỏi Rausch Ning liệu Danzig – một lãnh thổ – thành phố độc lập lúc ấy được đặt dưới sự bảo vệ của Hội Quốc liên – có thoả ước dẫn độ với Đức hay không .

Lúc đầu, Rauschning không hiểu câu hỏi, sau đó anh mới biết Hitler đang tìm kiếm một nơi ẩn náu. Goebbels ghi vào nhật ký: "Có tin đồn là Lãnh tụ sẽ bị bắt". Nhưng ngay cả tại thời điểm ấy, sau khi bị Tổng thống và Chính phủ của Papen từ chối yêu sách và e sợ Đảng của mình có thể bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, Hitler vẫn giữ ý định đi theo con đường "hợp pháp". Ông dập tắt mọi bàn tán của lực lượng S.A. về việc đảo chính. Ngoại trừ vài thời khắc ngắn ngủi cảm thấy chán nản, Hitler vẫn tự tin rằng ông ta sẽ đạt được mục đích của mình – không phải bằng vũ lực và cũng không hẳn bằng đa số Nghị viện. Ông sẽ áp dụng cùng thủ thuật đã đưa Schleicher và Papen lên đỉnh cao quyền lực: mưu đồ sau hậu trường, tấn trò mà hai bên có thể chơi sòng phẳng .

Không phải mất thời gian lâu, Hitler cho một ví dụ. Ngày 25 tháng 8 năm 1932, Goebbels thảo luận với Hitler và ghi lại: "Chúng tôi đã tiếp xúc với Đảng Trung dung Đức, chỉ nhằm gây sức ép lên đối thủ". Ngày hôm sau, Goebbels trở lại Berlin và được biết Schleicher đã rõ chuyện tiếp xúc giữa hai Đảng Quốc xã và Trung dung Đức. Hôm sau Goebbels đến tìm gặp vị Tướng để làm rõ thực hư. Ông nghĩ Schleicher tỏ ra lo âu trước viễn cảnh hai Đảng Quốc xã và Trung dung Đức câu kết với nhau, vì nếu hợp lại, họ sẽ kiểm soát đa số tuyệt đối tại Nghị viện. Nói về Schleicher, Goebbels ghi: "Tôi không biết ông ấy lo âu thật sự hay giả vờ" .

Việc tiếp xúc với Đảng Trung dung Đức, tuy chỉ để tạo áp lực lên Nội các Papen, lại gây ra một trò hề ở Nghị viện để bắt đầu đặt dấu chấm hết cho Papen. Khi Nghị viện nhóm họp ngày vào 30 tháng 8 năm 1932, Đảng Trung dung Đức cùng với Đảng Quốc xã bầu Goering làm Chủ tịch Nghị viện. Lần đầu tiên, một Đảng viên Quốc xã ngồi vào ghế này khi Nghị viện họp lại ngày 12 tháng 9 để bắt đầu kỳ họp làm việc. Goering khai thác cơ hội này đến mức tối đa .

Trước đó, Thủ tướng von Papen nhận được từ Tổng thống bản Nghị định giải tán Nghị viện. Đây là lần đầu tiên tờ khai tử của Nghị viện được ký trước khi đại biểu nhóm họp. Nhưng Papen lại không mang theo văn bản Nghị định trong phiên họp đầu tiên. Thay vào đó, ông có một bài diễn văn tóm lược chương trình Nội các của mình, sau khi được đảm bảo rằng một trong những đại biểu phe Quốc gia – theo thoả thuận với phần lớn các Đảng khác – sẽ phản đối việc biểu quyết một bản kiến nghị của Đảng Cộng sản đòi bất tín nhiệm Nội các. Trong trường hợp này, một đại biểu bất kỳ trong số 600 người phản đối là đủ để dời lại cuộc biểu quyết tín nhiệm .

Tuy nhiên, khi lãnh đạo Đảng Cộng sản trong Nghị viện trình ra bản kiến nghị, không một đại biểu của các phe nhóm Quốc gia hoặc của bất kỳ Đảng nào đứng lên để phản đối. Cuối cùng, Frick thay mặt Quốc xã mà yêu cầu Nghị viện dừng phiên họp trong nửa giờ .

Papen ghi trong hồi ký của mình: "Tình hình lúc đó trở nên nghiêm trọng và tôi hoàn toàn bị bất ngờ". Ông phái người đến Phủ Thủ tướng để tìm văn bản Nghị định giải tán Nghị viện .

Trong lúc ấy, Hitler hội ý với nhóm đại biểu Quốc xã trong toà nhà Chủ tịch Nghị viện phía bên kia đường. Họ đang trong thế tiến thoái lưỡng nan và cảm thấy xấu hổ. Họ nghĩ các phe nhóm Quốc gia đã chơi trò hai mặt khi không yêu cầu dời lại cuộc biểu quyết. Bây giờ, nếu muốn lật đổ Nội các Papen, Quốc xã sẽ phải hợp lực với Cộng sản để biểu quyết bản kiến nghị của Cộng sản. Hitler quyết định phải nuốt liều thuốc đắng vì sự liên kết khó chịu này. Ông ra lệnh các Đảng viên Quốc xã biểu quyết theo Cộng sản và lật đổ Papen trước khi Papen có thể giải tán Nghị viện. Để làm được việc này, Goering với tư cách Chủ tịch Nghị viện sẽ phải dùng đến vài tiểu xảo nhanh gọn trong việc điều hành Nghị viện. Gan dạ và giỏi nhiều trò vặt – như ta sẽ biết thêm về sau – Goering đúng là người cần thiết cho hành động lần này .

Khi phiên họp tiếp tục, Papen xuất hiện với chiếc cặp màu đỏ mà theo truyền thống chứa Nghị định giải tán mà ông đã vội vã mang đến. Nhưng khi ông yêu cầu phát biểu, Chủ tịch Nghị viện Goering ra vẻ không trông thấy Papen, dù lúc này Papen đang đỏ mặt tía tai cầm văn bản giơ lên cho mọi người trong hội trường nhìn thấy. Ai cũng nhìn thấy nhưng chỉ một mình Goering thì không thấy. Gương mặt tươi cười của Goering đang hướng về phía khác. Ông ra lệnh biểu quyết lập tức. Theo các nhân chứng, bây giờ khuôn mặt Papen đã đổi từ màu đỏ sang trắng bệch vì giận dữ. Ông đi đến bàn Chủ tịch và ném văn bản giải tán lên mặt bàn. Goering chẳng để ý gì đến, vẫn ra lệnh tiếp tục cuộc biểu quyết. Papen, theo sau là các Bộ trưởng của mình – không ai là đại biểu Nghị viện – bỏ đi ra ngoài. Các đại biểu bỏ 513 phiếu bất tín nhiệm Chính phủ và 32 phiếu tín nhiệm .

Chỉ đến lúc ấy, Goering mới nhìn thấy văn bản do Papen giận dữ đặt lên bàn mình. Ông đọc cho hội trường nghe nội dung, rồi phán quyết rằng vì văn bản được ký bởi một Thủ tướng đã bị bỏ phiếu bất tín nhiệm quá đa số hợp hiến, cho nên văn bản này không có giá trị pháp lý .

Qua sự cố giống như trò hề này, nhất thời không thể biết rõ ai được, ai mất và được mất bao nhiêu. Rõ ràng là con người bảnh bao Papen làm trò cười cho thiên hạ, nhưng thật ra chính cá nhân ông đã luôn làm trò cười rồi. Cũng rõ ràng là Nghị viện đã cho thấy đại đa số người Đức chống lại Chính phủ do Hindenburg tự ý lựa chọn. Nhưng như thế, có phải công chúng đã mất lòng tin vào chế độ dân chủ nghị viện hay không? Và đối với Quốc xã, có phải họ đã cho thấy mình thiếu trách nhiệm và còn sẵn sàng âm mưu với Cộng sản để đạt cho kỳ được mục đích hay không? Hơn nữa, liệu người dân Đức có chán nản việc bầu cử và Quốc xã sẽ bị mất phiếu trong kỳ tổng tuyển cử mới (kỳ thứ tư trong vòng 1 năm) hay không? Gregor Strasser và ngay cả Frick nghĩ rằng đúng như thế và việc mất phiếu bầu sẽ là thảm hoạ cho Quốc xã .

Tuy nhiên, ngày hôm ấy Hitler tỏ ra vui sướng. Goebbels nghĩ Hitler đã có quyết định rõ ràng và không thể sai lầm .

Nghị viện nhanh chóng chấp nhận bị giải tán và cử tri sẽ đi bầu trong kỳ tổng tuyển cử kế tiếp ngày 6 tháng 11 năm 1932. Nhưng Quốc xã lại gặp phải vài vấn đề khó khăn. Như Goebbels ghi nhận, dân chúng đã chán ngán các bài diễn văn và tuyên truyền chính trị. Ngay cả người của Quốc xã cũng "trở nên bồn chồn do những kỳ bầu cử liên tục. Họ đã kiệt sức..." Bên cạnh đó còn cả khó khăn về tài chính. Các cơ sở doanh nghiệp và tài chính lớn đang quay sang Papen – người đang có một vài sự nhượng bộ đối với họ. Như Funk đã cảnh cáo, họ càng ngày càng mất tin tưởng vì Hitler từ chối cộng tác với Hindenburg và cũng vì chủ nghĩa cực đoan ngày càng mạnh thêm của ông ta cùng xu hướng cộng tác với Cộng sản, như sự cố trong Nghị viện đã cho thấy. Goebbels ghi nhận điều này trong nhật ký của mình, ngày 15 tháng 10: "Rất khó kiếm nguồn tài trợ. Mọi người trong giới 'tài chính và giáo dục' đều về phe với Chính phủ" .

Vài ngày trước kỳ bỏ phiếu, Quốc xã hợp lực với Cộng sản để phát động cuộc đình công của công nhân ngành vận tải, nhưng các nghiệp đoàn cùng với phe Xã hội không công nhận cuộc đình công này. Sự cố càng khiến cho nguồn tài trợ từ các doanh nhân thêm khan hiếm ngay khi mà Đảng Quốc xã đang trong thời gian cần ngân khoản nhất để chi trả cho chiến dịch tranh cử đang đi vào giai đoạn cuối. Ngày 1 tháng 11, Goebbels ghi: "Thiếu kinh phí trở thành vấn nạn triền miên... Ta thiếu tiền để thực hiện cuộc vận động tranh cử thật lớn. Nhiều người trong giới tư sản trở nên kinh sợ vì ta tham dự vào cuộc biểu tình. Ngay cả nhiều đồng chí trong Đảng cũng bắt đầu cảm thấy ngờ vực" .

Ngày 5 tháng 11, Goebbels ghi: "Ta nhận được 10.000 mác vào phút cuối. Ta sẽ ném khoản tiền này vào chiến dịch vận động chiều Chủ Nhật. Ta đã làm tất cả mọi việc có thể. Bây giờ hãy để cho số phận quyết định." Số phận và cử tri Đức quyết định nhiều việc trong ngày 6 tháng 11 năm 1932, nhưng không có quyết định nào là rõ ràng cho tương lai của nền Cộng hoà đang lung lay. Quốc xã mất 34 ghế ở Nghị viện, còn lại 196 ghế. Số ghế của Cộng sản tăng từ 89 lên 100, Xã hội giảm từ 133 xuống còn 121. Đảng Nhân dân Quốc gia Đức, Đảng duy nhất ủng hộ Chính phủ, từ 37 tăng lên 52 ghế – hiển nhiên là chiếm từ số phiếu của Quốc xã. Dù Quốc xã vẫn còn là Đảng lớn nhất, việc bị mất 2 triệu phiếu vẫn là bước thụt lùi nghiêm trọng. Lần đầu tiên, ngọn thuỷ triều của Quốc xã đang rút xuống, từ vị trí kém hơn đa số tuyệt đối xuống đến mức còn thấp hơn nữa. Huyền thoại của những bước đi lên như lốc cuốn đã tan vỡ. Hitler ở vào vị thế yếu hơn trước để thương thảo cho quyền lực .

Nhận thức được điều này, Papen dẹp qua một bên điều mà ông gọi là "nỗi ghê tởm cá nhân" đối với Hitler. Vào ngày 13 tháng 11, ông gửi thư mời Hitler đến để "thảo luận tình hình". Nhưng Hitler đặt ra nhiều điều kiện đến nỗi ông mất mọi hy vọng đạt được sự thông cảm với Quốc xã. Tính ngoan cố của nhà lãnh đạo Quốc xã không làm cho ông ngạc nhiên, nhưng ông ngạc nhiên đối với đề xuất của người bạn và là người bảo trợ, Schleicher. Ông này đã đi đến kết luận rằng Papen chẳng còn hữu dụng nữa, giống như Bruening trước đây. Bây giờ, đầu óc phong phú của ông lại đặt ra kế sách mới. Người bạn tốt Papen phải ra đi. Tổng thống phải được hoàn toàn tự do để đối phó với các Đảng phái, đặc biệt là Đảng lớn nhất. Ông thúc giục Papen từ chức. Và vào ngày 17 tháng 11 năm 1932, Papen cùng Nội các của mình từ chức. Hindenburg lập tức cho mời Hitler đến .

Buổi gặp gỡ của họ ngày 19 tháng 11 không đến nỗi lạnh lùng như trong ngày 13 tháng 8. Lần này, vị Tổng thống mời khách ngồi xuống ghế và tiếp chuyện trong hơn 1 giờ. Hindenburg đưa ra cho Hitler hai chọn lựa: ghế Thủ tướng nếu có thể tạo đa số tại Nghị viện cho 1 chương trình làm việc cụ thể, hoặc chức Phó Thủ tướng dưới quyền Papen trong một Nội các thủ tướng khác, điều hành bằng Nghị định khẩn cấp .

Hitler gặp lại Hindenburg ngày 21 tháng 11 và trao đổi vài công văn với Chánh văn phòng Meissner. Nhưng hai bên không đạt được thoả thuận nào. Hitler không thể tạo được đa số tại Nghị viện. Dù cho Đảng Trung dung Đức đồng ý ủng hộ Hitler với điều kiện ông ta không trở thành độc tài, nhưng Hugenberg lại không cho phép Đảng Nhân dân Quốc gia Đức của ông hợp tác. Vì thế, Hitler lặp lại yêu sách cho ghế Thủ tướng trong chính phủ tổng thống chế, nhưng Hindenburg không đồng ý. Nếu có một Nội các điều hành bằng Nghị định thì Hindenburg muốn người bạn Papen của mình đứng đầu. Trong một công văn do Meissner ký thay, ông cho biết không thể trao cho Hitler vị thế ấy: "Bởi vì một Nội các như thế có thể dẫn đến chế độ độc tài Đảng trị... Tôi không thể nhận trách nhiệm cho việc này dựa trên lời tuyên thệ của tôi và trên lương tâm của mình" .

Vị Thống chế già tiên tri đúng ở điểm đầu hơn là ở điểm thứ hai. Đối với Hitler, một lần nữa ông ta gõ cánh cửa để bước lên chức vụ Thủ tướng, thấy cánh cửa hé mở nhưng lại bị đóng sập trước mặt .

Sự việc diễn ra đúng như Papen đã mong đợi. Khi ông và Schleicher cùng đến gặp Hindenburg ngày 1 tháng 12 năm 1932, ông tin chắc mình sẽ được bổ nhiệm lại chức vụ Thủ tướng. Nhưng ông lại chẳng ngờ đến âm mưu của người bạn. Schleicher đã tiếp xúc với Strasser và đề nghị là nếu Quốc xã không tham gia vào Nội các Papen, có lẽ họ sẽ gia nhập Nội các do ông làm Thủ tướng. Và Hitler được mời đến Berlin để thảo luận với ông .

Theo một nguồn tin mà báo chí Đức đăng tải rộng rãi và sau này đa số sử gia chấp nhận, Hitler đã thật sự đón tàu đêm từ Munich đi Berlin, nhưng bị Goering đón đường và kéo ông đi Weimar để dự một buổi họp với những nhân vật lãnh đạo hàng đầu của Quốc xã. Thật ra, chi tiết việc này do Quốc xã tiết lộ lại khá chính xác. Nhật ký của Goebbels ngày 30 tháng 11 cho biết Hitler nhận được một bức điện yêu cầu đến Berlin gấp, nhưng Hitler quyết định để cho Schleicher chờ đợi trong khi ông đến họp với các nhà lãnh đạo Quốc xã ở Weimar. Buổi họp diễn ra ngày 1 tháng 12 quy tụ 5 lãnh đạo cao nhất gồm có: Goering, Goebbels, Strasser, Frick và Hitler đã cho thấy có những sự bất đồng đáng kể. Strasser, với sự ủng hộ của Frick, khuyên Quốc xã ít nhất nên chấp nhận Chính phủ Schleicher tuy bản thân ông muốn tự mình tham gia. Goering và Goebbels cương quyết chống lại và Hitler ngả theo họ. Ngày hôm sau, Hitler gửi tin nhắn để khuyên Schleicher không nên nhận chức Thủ tướng, nhưng đã quá muộn .

Papen hoàn toàn chẳng biết gì về mưu đồ của Schleicher sau lưng mình. Khi bắt đầu cuộc hội kiến với vị Tổng thống ngày 1 tháng 12, ông tỏ ra tự tin mà phác thảo kế hoạch cho tương lai. Ông sẽ tiếp tục làm Thủ tướng, điều hành bằng Nghị định và để Nghị viện ra rìa một thời gian trong khi tìm cách "tu chính Hiến pháp" để đưa Đức trở lại thời kỳ đế chế. Papen thừa nhận với Hindenburg lúc ấy – và trước Toà án Nuremberg cũng như trong hồi ký sau này – rằng đề xuất của mình sẽ khiến cho "Tổng thống vi phạm Hiến pháp hiện hành". Nhưng ông trấn an Hindenburg rằng vị Tổng thống này "có thể biện minh được khi đặt quyền lợi của quốc gia lên trên lời tuyên thệ đối với Hiến pháp", giống như Bismarck đã làm "vì quyền lợi của đất nước" .

Và Papen vô cùng ngạc nhiên khi thấy Schleicher chen vào để phản đối. Schleicher khai thác sự lưỡng lự của vị Tổng thống vốn không muốn vi phạm lời tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp, nên đề nghị có thể tạo đa số trong Nghị viện nếu để cho mình cầm quyền. Ông tin chắc có thể lôi kéo Strasser và ít nhất 60 đại biểu Quốc xã về phe mình, cộng thêm với một số Đảng phái khác. Ông còn nghĩ các nghiệp đoàn sẽ ủng hộ mình .

Hindenburg bị sốc về ý nghĩ này và rồi quay sang Papen, yêu cầu ông này xúc tiến lập Chính phủ mới. Papen kể lại: "Schleicher tỏ vẻ như lặng người". Papen và Schleicher tranh luận với nhau một hồi lâu sau khi giã từ Tổng thống nhưng không đạt thoả hiệp .

Sáng hôm sau, Papen triệu tập buổi họp Nội các lúc 9 giờ. Papen kể lại: "Schleicher đứng lên và tuyên bố rằng không có khả năng thực hiện chỉ thị mà Tổng thống giao cho tôi. Mọi cố gắng làm như thế sẽ chỉ gây rối loạn cho đất nước. Cảnh sát và Quân đội không thể đảm bảo duy trì các hoạt động vận tải và công nghiệp nếu xảy ra tổng đình công, đồng thời họ cũng không thể đảm bảo luật pháp và trật tự trong trường hợp có nội chiến. Quân đội đã nghiên cứu việc này và biệt phái Thiếu tá Ott qua làm việc với Nội các và trình lên một báo cáo" .

Schleicher giới thiệu anh Thiếu tá đã khiến cho Papen phải rúng động. Và đến khi báo cáo của Thiếu tá Eugen Ott (sau này là Đại sứ Đức tại Nhật) được đưa ra vào thời điểm thuận tiện thì xem như Papen đã hoàn toàn bị đánh bại. Ott chỉ phát biểu rằng: "Việc bảo vệ các đường biên giới và giữ gìn an ninh trật tự chống lại cả Quốc xã và Cộng sản là vượt quá khả năng các lực lượng liên bang và của các bang. Vì thế đề nghị Chính phủ Đế chế không nên ban hành tình trạng khẩn cấp" .

Trong nỗi ngạc nhiên đau đớn cho Papen, chính Quân đội Đức – vốn đã từng buộc Hoàng đế thoái vị, hạ bệ Tướng Groener và Thủ tướng Bruening – bây giờ lại đang hạ bệ chính ông. Ông lập tức đến gặp Hindenburg, yêu cầu Tổng thống cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Schleicher và giữ lại Thủ tướng Papen .

Vị Tổng thống kiên cường trả lời: "Ông Papen thân yêu ạ, ông sẽ xem thường tôi nếu tôi đổi ý. Nhưng tôi đã quá già và đã kinh qua quá nhiều nên không thể nhận trách nhiệm cho một cuộc nội chiến. Hy vọng duy nhất của tôi là hãy để cho Schleicher thử thời vận" .

Papen kể lại một cách cả quyết là hai giọt lệ đã lăn trên má của Hindenburg .

Ngày hôm sau, vị Tổng thống tự tay viết một bức thư cho Papen, bày tỏ "tâm tư trĩu nặng" khi bãi nhiệm ông và lặp lại rằng niềm tin vào ông vẫn "không lay chuyển". Điều này là thật và sẽ được minh chứng ít lâu sau .

Ngày 2 tháng 12 năm 1932, Kurt von Schleicher trở thành Thủ tướng. Đây là lần thứ hai kể từ năm 1890, nước Đức có một tướng lĩnh làm Thủ tướng. Những tấn trò âm mưu ziczac của Schleicher cuối cùng cũng đưa ông lên vị trí hành pháp cao nhất vào thời điểm nạn lạm phát – mà ông không hiểu gì nhiều – đang ở đỉnh điểm, khi mà nền Cộng hoà mà ông đã khổ công lũng đoạn đang rã rời và khi mà chẳng còn ai tin tưởng ông, ngay cả Tổng thống – người đã bị ông xỏ mũi trong một thời gian dài. Ngoại trừ chính ông, ai cũng thấy rõ rằng ông sẽ không tại vị được lâu. Quốc xã tin chắc điều này .

Papen cũng nghĩ như thế. Ông vẫn còn ấm ức vì tính phù phiếm bị tổn thương và nỗi khao khát muốn rửa hận với kẻ mà trong hồi ký ông gọi là "người bạn và người tiếp nhiệm". Để tống khứ Papen, Schleicher đề nghị cử ông này làm Đại sứ tại Pháp, nhưng bị từ chối. Papen nói Tổng thống muốn mình lưu lại Berlin để dễ liên hệ. Đó là vị trí chiến lược để kết một mạng lưới âm mưu chống lại kẻ chuyên âm mưu .

Cũng bận rộn và khéo léo như một con nhện, Papen bắt đầu tạo ra mạng lưới ấy. Vào cuối năm 1932 đầy biến động, thủ đô có đầy những băng mưu đồ và trong mỗi băng mưu đồ có những nhóm mưu đồ. Ngoài các băng của Papen và Schleicher, còn có băng của Oskar (con trai của Hindenburg) và của Chánh văn phòng Meissner lượn lờ quanh Tổng thống. Hơn nữa, còn có một băng khác ở Khách sạn Kaiserhof, nơi Hitler và các phụ tá của mình đang âm mưu chống Chính phủ và cũng kình chống lẫn nhau. Chẳng bao lâu, các băng nhóm này vướng víu với nhau đến nỗi vào những ngày đầu năm 1933, không ai trong số họ biết chắc ai đang đi nước đôi với ai .

Nhưng họ sẽ nhìn ra nhanh thôi .

Schleicher: Thủ tướng cuối cùng của Cộng hoà Đức .

Khi nói chuyện với Đại sứ Pháp, Schleicher nhận xét: "Tôi tại vị chỉ trong 57 ngày và mỗi ngày tôi bị phản bội 57 lần. Đừng nói với tôi về lòng trung thành của người Đức!" Chính sự nghiệp và những tấn trò của mình chắc chắn giúp ông biết rõ điều này .

Schleicher bắt đầu chức vụ Thủ tướng bằng cách mời Gregor Strasser giữ các chức vụ Phó Thủ tướng Đức và Thủ hiến Phổ. Sau khi không thể mời Hitler tham gia Nội các, bây giờ Schleicher cố chia rẽ Quốc xã bằng cách nhử miếng mồi cho Strasser. Có lý do để ông tin mình có thể thành công. Strasser là nhân vật số Hai trong Quốc xã và trong cánh Tả – vốn thật sự tin vào quốc gia Xã hội chủ nghĩa – Strasser được yêu thích hơn là Hitler. Nhờ đứng đầu Ban Tổ chức Chính trị của Đảng, Strasser có nhiều mối liên hệ với các lãnh đạo của cơ sở Đảng tại địa phương và dường như các lãnh đạo này cũng trung thành với ông ta. Schleicher nghĩ Hitler đã dẫn Quốc xã đến chỗ bế tắc. Các Đảng viên cực đoan hơn đã chạy qua Cộng sản. Quốc xã đang bị khủng hoảng về tài chính. Không có đủ tiền để nuôi hàng nghìn nhân viên của Đảng hoặc để nuôi lực lượng S.A., mà chỉ tính riêng lực lượng này thôi cũng đã ngốn 2 triệu rưỡi mác mỗi tuần. Trong kỳ bầu cử địa phương tại Thuringia ngày 3 tháng 12 năm 1932, cũng là ngày Schleicher liên hệ với Strasser, Quốc xã bị mất 40% số phiếu. Điều này rõ ràng, ít nhất là đối với Strasser, là Quốc xã sẽ không bao giờ nắm được quyền lực thông qua các lá phiếu .

Vì thế, Strasser khuyên Hitler nên bỏ qua chính sách "được ăn cả, ngã về không" và nắm lấy chức vụ gì đấy khi còn có thể trong Nội các liên hiệp của Schleicher. Nếu không, ông e rằng Đảng sẽ tan vỡ. Ông đã thúc giục việc này trong nhiều tháng và nhật ký của Goebbels trong thời gian này ghi nhiều về tính "thiếu trung thành" của Strasser đối với Hitler .

Cuộc chạm trán xảy ra vào ngày 5 tháng 12 năm 1932 trong buổi họp giữa các lãnh đạo Đảng trong Khách sạn Kaiserhof ở Berlin. Strasser đòi Quốc xã ít nhất nên "khoan dung" với Chính phủ Schleicher. Ông được sự hậu thuẫn của Frick, người đứng đầu khối Quốc xã ở Nghị viện – nhiều người trong số này e sợ mất chức đại biểu nếu Hitler đòi tổng tuyển cử lại. Goering và Goebbels kiên quyết chống lại ý kiến của Strasser và kéo Hitler về phe mình. Hitler sẽ không "khoan dung" chế độ Schleicher, nhưng sẵn sàng "đàm phán" với họ. Tuy vậy, Hitler lại cử Goering làm việc này, vì biết Strasser lén tiếp xúc với Schleicher 2 ngày trước .

Ngày 7 tháng 12, Hitler và Strasser trao đổi với nhau ở Khách sạn Kaiserhof, rồi dần dần đi đến cãi vã. Hitler kết án người phụ tá thân cận muốn đâm sau lưng mình, đẩy ông ra khỏi cương vị lãnh đạo Đảng và gây chia rẽ trong phong trào Quốc xã. Strasser cực lực phủ nhận, thề rằng ông vẫn trung thành nhưng tố cáo Hitler đang dẫn dắt Đảng đi đến chỗ huỷ diệt. Strasser không đả động đến một số sự kiện khiến cho ông bức xúc từ năm 1925. Khi trở về phòng mình ở Khách sạn Excelsior, Strasser trình bày hết những sự kiện này trong một bức thư gửi Hitler và cuối thư ông xin từ chức đối với mọi cương vị trong Đảng .

Ngày 8 tháng 12, Hitler nhận được thư của Strasser, mà Goebbels mô tả như là "sét đánh ngang tai". Không khí ở Khách sạn Kaiserhof giống như là trong bãi tha ma. "Tất cả chúng tôi đều thất vọng và buồn phiền". Đây là thất bại lớn nhất của Hitler kể từ khi ông gây dựng lại Đảng năm 1925, sau khi ra khỏi tù. Ngay vào lúc ông đang mấp mé nắm quyền lực, người phụ tá chủ chốt bỏ rơi ông và đe doạ phá huỷ những gì ông đã xây đắp trong 7 năm qua. Goebbels ghi lại: "Vào buổi tối, Lãnh tụ đến thăm nhà chúng tôi. Khó mà vui cho được. Mọi người đều buồn phiền, trước nhất bởi vì nguy cơ Đảng bị tan rã và mọi công lao đều thành công cốc... Tiến sĩ Ley được gọi đến. Tình hình tồi tệ thêm từng giờ. Lãnh tụ phải trở về Kaiserhof." Goebbels được gọi đến họp tại Khách sạn Kaiserhof vào lúc 2 giờ sáng. Strasser đã cung cấp chuyện của mình cho các tờ báo buổi sáng, hiện đang được bày bán khắp đường phố Goebbels mô tả phản ứng của Hitler: "Phản bội! Phản bội! Phản bội! Trong nhiều giờ, Lãnh tụ đi đi lại lại trong căn phòng khách sạn. Ông cảm thấy cay đắng và bị tổn thương nặng nề vì hành động phản trắc. Cuối cùng, ông đứng lại và nói: 'Nếu có khi nào Đảng tan rã, tôi sẽ chấm dứt tất cả trong 3 phút bằng một phát súng.'" Dĩ nhiên là Đảng Quốc xã không tan rã và Hitler cũng không tự kết liễu đời mình. Strasser đáng lẽ đã có thể dẫn đến cả 2 việc, vốn sẽ thay đổi dòng lịch sử một cách sâu xa, nhưng vào thời điểm hệ trọng ông lại nhường bước. Hitler cho phép Frick truy tìm Strasser khắp thủ đô để mong dàn hoà nhằm mục đích tránh đổ vỡ trong Đảng. Nhưng Strasser đã quá chán ngán nên lên xe lửa đi nghỉ mát ở Ý .

Riêng Hitler, vốn tài tình trong việc nhận định điểm mạnh của đối thủ, đã ra tay một cách nhanh chóng và quyết đoán. Chính Hitler đích thân thay thế Strasser lên nắm quyền cầm đầu Ban Tổ chức Chính trị của Đảng do Strasser gây dựng cùng với Tiến sĩ Ley và Xứ uỷ Cologne sẽ làm chánh văn phòng cho ông. Những người thân tín của Strasser đều bị thanh trừng và tất cả các cấp lãnh đạo Đảng được triệu đến thủ đô để ký vào một văn bản tuyên bố trung thành với Adolf Hitler .

Thêm một lần nữa, nhà lãnh tụ gốc Áo quỷ quyệt thoát ra khỏi cơn khủng hoảng vốn có thể dễ dàng dẫn đến thảm hoạ. Gregor Strasser, mà nhiều người cho rằng có tài đức hơn Hitler, bị huỷ diệt nhanh chóng. Ngày 9 tháng 12, Goebbels ghi vào nhật ký về Strasser: "Một người đã chết". Điều này trở thành hiện thực theo nghĩa đen 2 năm sau, khi Hitler tính sổ mọi chuyện .

Ngày 10 tháng 12 năm 1932, một tuần sau khi bị Schleicher lật đổ, Franz von Papen tiếp xúc riêng với Nam tước Kurt von Schroeder, chủ ngân hàng Cologne, người từng tài trợ cho Đảng Quốc xã. Ông đề nghị nhà tài trợ dàn xếp cho ông gặp Hitler một cách kín đáo. Trong hồi ký của mình, Papen cho biết chính Schroeder đề nghị nhưng thú nhận rằng ông đồng ý .

Tuy vẫn còn chống lại nhau mới chỉ vài tuần trước, nhưng 2 người lại đồng ý gặp mặt vào ngày 4 tháng 1 năm 1933 trong khung cảnh bí mật nhất nhà riêng của Schroeder tại Cologne. Papen cảm thấy ngạc nhiên khi một ký giả chụp ảnh ông ở cổng vào, nhưng không nghĩ gì nhiều về việc này. Hess, Himmler và Keppler tháp tùng Hitler, nhưng 3 người ngồi ở ngoài trong khi Hitler hội họp với Papen và chủ nhà. Tuy buổi họp bắt đầu không suôn sẻ khi Hitler than phiền cách Papen đối xử với Quốc xã, nhưng chẳng bao lâu Hitler cùng với Papen đi đến những thoả thuận quyết định vận mệnh của hai người và của cả nước Đức .

Đây là thời khắc trọng đại của Hitler. Qua nỗ lực siêu phàm, ông giữ vững được Đảng sau khi Strasser rời bỏ hàng ngũ. Ông di chuyển khắp nước Đức, phát biểu trong 3, 4 cuộc họp mỗi ngày, kêu gọi lãnh đạo Đảng các cấp đoàn kết sau lưng mình. Nhưng tinh thần Quốc xã vẫn đang xuống thấp, Đảng vẫn còn khốn khó về mặt tài chính. Nhiều người nói vận mệnh của Đảng đã chấm dứt. Goebbels phản ánh tâm tư chung trong nhật ký của tuần lễ cuối năm: "Năm 1932 mang đến cho ta vận rủi lâu dài... Quá khứ là khó khăn trong khi tương lai thì mịt mù. Tất cả triển vọng đều mất tăm" .

Vì thế, Hitler không có vị thế thuận lợi để thương thảo về quyền lực giống như năm ngoái. Nhưng Papen cũng thế: ông đã bị tống khỏi chức vụ. 2 đối thủ có cùng cảnh ngộ chung nên dễ xích lại gần nhau hơn .

Sau này có những tường thuật khác nhau về thoả thuận của hai bên. Trong Toà án Nuremberg và hồi ký Papen thẳng thừng nói ông vẫn trung thành với Schleicher và chỉ đề nghị Hitler gia nhập Nội các của Schleicher. Tuy nhiên, xét qua quá khứ đầy lừa dối, những gì xảy ra tiếp theo cùng bản chất thích phô trương của Papen trong Toà án Nuremberg và hồi ký, thì có lẽ chắc chắn là lời khai của Schroeder ở Nuremberg gần với sự thật hơn. Schroeder nói Papen đề nghị thay thế Nội các Schleicher bằng Nội các Hitler-Papen, trong đó hai người sẽ có vị thế ngang nhau. Nhưng: "Hitler... nói nếu ông ấy làm Thủ tướng, thì ông ấy phải là người đứng đầu Chính phủ. Người của Papen có thể làm Bộ trưởng và họ phải thuận theo những thay đổi của ông trong việc thực hiện các chính sách. Những việc này gồm có dẹp bỏ Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Cộng sản, trấn áp người Do Thái và tái lập an ninh trật tự trong nước. Von Papen và Hitler đạt thoả thuận trên nguyên tắc... Họ đồng ý rằng cần bàn bạc thêm chi tiết ở Berlin hoặc một nơi nào khác thuận tiện" .

Và dĩ nhiên là mọi chuyện đều phải giữ trong vòng bí mật tối đa. Nhưng cả Papen và Hitler đều lo lắng khi báo chí ở Berlin ngày 5 tháng 1 năm 1933 đã đăng tải với dòng tít lớn tin tức về cuộc họp ở Cologne, kèm theo bài xã luận công kích Papen vì đã phản bội Schleicher. Vị Tướng Schleicher quỷ quyệt đã phái điệp viên theo dõi, mà điệp viên đó lại chính là ký giả đã chụp được tấm ảnh Papen khi ông này bước vào buổi họp với Hitler .

Hitler còn được 2 điểm lợi sau buổi họp với Papen. Papen cho ông ta biết Hindenburg đã không trao cho Schleicher quyền giải tán Nghị viện. Điều này có nghĩa là Quốc xã kết hợp với Cộng sản có thể bất tín nhiệm Schleicher bất cứ lúc nào họ muốn. Thứ hai, những doanh nghiệp ở miền Tây nước Đức sẽ nhận trả thay các món nợ của Quốc xã. Ngày 16 tháng 1, Goebbels báo cáo là tình hình tài chính của Đảng đã được cải thiện về cơ bản .

Trong lúc này, tân Thủ tướng Schleicher cố gắng đi vận động nhằm tạo dựng một chính quyền ổn định với tinh thần lạc quan thiển cận. Ngày 15 tháng 12 năm 1932, ông nói chuyện một cách thân mật trên đài truyền thanh, xin thính giả hãy quên ông là một tướng lĩnh, trấn an họ rằng ông không ủng hộ "cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội" và rằng đối với ông, "ý niệm như kinh tế tư nhân hoặc kinh tế tập trung đều không còn gây hoảng sợ nữa". Ông nói nhiệm vụ chủ yếu của mình là tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp và vực dậy nền kinh tế. Sẽ không còn có việc tăng thuế hay cắt giảm giá cả. Trong thực tế, ông lại đang bãi bỏ việc cắt giảm giá cả và hỗ trợ mà Papen vừa thực hiện. Hơn nữa, ông đang chấm dứt hạn ngạch nông nghiệp mà Papen vừa quy định để phục vụ quyền lợi của đại địa chủ, thay vào đó triển khai kế hoạch để thu hồi trên 800.000 mẫu đất của người Junker bị phá sản ở miền Đông để phân phối cho 25.000 gia đình thuộc tầng lớp nông nô. Giá của các mặt hàng thiết yếu như than đá và thực phẩm sẽ được kiểm soát chặt chẽ .

Đó chính là sự nỗ lực để tranh thủ sự hậu thuẫn của chính những giai cấp mà từ trước đến giờ ông chống đối hoặc làm ngơ. Tiếp theo, Schleicher nói chuyện với lãnh đạo nghiệp đoàn, vẽ ra một tương lai mà trong đó nghiệp đoàn và quân đội sẽ là 2 trụ cột song song của đất nước. Nhưng các nghiệp đoàn chẳng còn tin tưởng ông nữa, nên họ từ chối cộng tác .

Mặt khác, giới công nghiệp và đại địa chủ đều chống đối chương trình của Schleicher, mà họ cho rằng chẳng khác gì chủ nghĩa Bolshevik. Doanh nhân kinh hãi khi thấy Schleicher đột nhiên thân thiện với nghiệp đoàn. Chủ nhân các trang trại lớn giận dữ vì ông giảm bảo hộ nông nghiệp và vẫn còn cáu giận với kế hoạch thu hồi trang trại bị phá sản ở miền Đông. Ngày 12 tháng 1, Hội địa chủ công kích Chính phủ một cách kịch liệt, các lãnh đạo Hội, trong số đó có hai Đảng viên Quốc xã, đã khiếu nại với Tổng thống. Hindenburg, bản thân cũng là một địa chủ Junker, yêu cầu Thủ tướng tường trình. Schleicher trả lời bằng câu đe doạ sẽ công bố một báo cáo mật về những khoản trợ giúp của Chính phủ đã bị hàng trăm gia đình Junker lạm dụng bằng cách nhận những "khoản vay" trái phép. Việc này gián tiếp liên quan đến chính Hindenburg, vì trang trại mà ông nhận mang tên con trai ông cũng là để nhằm trốn thuế thừa kế .

Dù bị giới công nghiệp và địa chủ chống đối trong khi nghiệp đoàn thì hờ hững, Schleicher vẫn tự tin một cách hồ đồ rằng mọi việc đang tốt đẹp. Ngày 4 tháng 1 năm 1933, khi Papen và Hitler đang hội họp với nhau ở Cologne, Schleicher dàn xếp cho Strasser – vừa trở về từ Ý sau chuyến đi nghỉ lễ – đến gặp Hindenburg. Vài ngày sau buổi hội kiến, nhân vật số Hai cũ của Quốc xã tuyên bố sẵn lòng gia nhập Nội các Schleicher. Trong lúc đó, Hitler và các phụ tá cao cấp khác đang lo vận động quyết liệt trong cuộc bầu cử ở bang Lippe với mục đích gây uy thế cho Hitler trong việc thương thảo với Papen. Vì thế, Đảng Quốc xã đã rất lo lắng về tin tức liên quan đến Strasser. Các nhà lãnh đạo Đảng thảo luận với nhau suốt đêm 13 tháng 1 năm 1933 và nhận định rằng nếu Strasser nhậm chức, thì đây sẽ là sự thoái trào nghiêm trọng cho Quốc xã .

Nhưng Strasser không gia nhập Nội các của Schleicher Hugenberg, lãnh đạo Đảng Nhân dân Quốc gia Đức cũng thế, dù trước đó đã hứa với Hindenburg. Cả 2 lại quay sang Hitler. Strasser bị từ chối một cách lạnh nhạt, còn Hugenberg thì thành công hơn .

Ngày 15 tháng 1 năm 1933, trong khi Schleicher đang hoan hỉ nói về ngày tàn của Hitler thì Quốc xã đạt được kết quả khả quan trong cuộc bầu cử Lippe, chiếm 39% số phiếu trong tổng số 90.000 phiếu, tăng được 17% so với kỳ bầu cử trước. Tuy kết quả này chỉ là nhỏ nhoi so với cấp toàn quốc, nhưng Goebbels đã chỉ huy một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ cho "thắng lợi" này. Điều lạ lùng là việc tuyên truyền ấy lại gây ấn tượng cho một số người của phe bảo thủ, kể cả người đứng sau Hindenburg, chủ yếu là Chánh văn phòng Meissner và con trai Tổng thống, Oskar .

Chiều ngày 22 tháng 1, hai người này lẻn ra khỏi Phủ Tổng thống, leo lên một chiếc taxi (Meissner nói là để tránh bị chú ý) rồi đi đến nhà của một Đảng viên Quốc xã từ trước đến giờ ít ai biết đến, Joachim von Ribbentrop. Ông này là bạn của Papen và cả 2 đã phục vụ trên chiến trường Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến I. Meissner và Oskar được gặp Papen, Hitler, Goering và Frick. Hitler muốn nói chuyện riêng với Oskar von Hindenburg. 2 người đi vào căn phòng khác và trao đổi với nhau trong hơn 1 giờ. Ta không bao giờ được biết chính xác Hitler nói những gì với Oskar, người không có đầu óc thông minh lắm và tính cách cũng không mạnh mẽ. Theo nội bộ Quốc xã, Hitler vừa có đề xuất thuận lợi lại vừa đe doạ Oskar. Ta có thể phán xét đề xuất này qua sự kiện là vài tháng sau, hơn 2.000 ha đất được thêm vào bất động sản của gia đình Hindenburg ở Neudeckvà vào tháng 8 năm 1934, Oskar được thăng từ Đại tá lên Thiếu tướng .

Dù sao chăng nữa, chắc chắn là Hitler gây được ấn tượng mạnh với người con trai của Tổng thống. Meissner kể lại: "Trong taxi trên đường về, Oskar von Hindenburg hoàn toàn im lặng ngoại trừ câu nhận xét duy nhất là cần phải đưa Quốc xã vào Chính phủ. Tôi có cảm tưởng Hitler đã chinh phục được anh ta" .

Việc duy nhất còn lại chính là Hitler cần phải chinh phục được người cha. Việc này thì khó khăn hơn, vì tuy già cả, vị Thống chế vẫn có đầu óc cứng rắn. Khó khăn hơn, nhưng vẫn có cách. Papen hàng ngày vẫn cố gắng vận động để gây ảnh hưởng đến Hindenburg. Công việc trở nên dễ dàng hơn vì Schleicher đang thất thế. Schleicher không thể thu phục hay chia rẽ được Quốc xã. Ông cũng không được các Đảng Nhân dân Quốc gia Đức, Trung dung Đức hoặc Dân chủ Xã hội hậu thuẫn .

Vì thế ngày 23 tháng 1 năm 1933, Schleicher đến gặp Hindenburg, thú nhận rằng không thể tạo đa số trong Nghị viện, yêu cầu giải tán Nghị viện và quyền điều hành trong thời gian khẩn cấp bằng Nghị định chiếu theo Điều 48 của Hiến pháp. Theo Meissner, Schleicher còn yêu cầu "bãi bỏ tạm thời" Nghị viện và thẳng thắn nhìn nhận là ông sẽ chuyển đổi Chính phủ thành "chế độ độc tài quân sự" .

Dù đã âm mưu đủ mọi cách, Papen vẫn lâm vào tình cảnh giống như Schleicher vào tháng 12 năm 1932, nhưng với vị trí đảo ngược. Vào thời điểm đó, Papen đã yêu cầu quyền điều hành trong thời gian khẩn cấp và hứa sẽ có sự hậu thuẫn của Quốc xã, nhưng Schleicher lại chống đối. Bây giờ, chính Schleicher lại đòi quyền độc tài và hứa sẽ tóm lấy Hitler mà tạo đa số Nghị viện. Đó chính là những bước thăng trầm của các trò lừa lọc và mưu mẹo! Hindenburg nhắc nhở Schleicher về những lý do ông đưa ra ngày 2 tháng 12 năm 1932 khi bãi nhiệm Papen và cho biết những lý do này vẫn còn có giá trị. Ông yêu cầu vị tướng trở về tiếp tục công việc tìm kiếm đa số Nghị viện. Schleicher hiểu rằng sự nghiệp của mình đã chấm dứt. Ai nấy biết chuyện cũng hiểu như thế .

Cuối cùng, sự nghiệp của Schleicher cũng chấm dứt. Ngày 28 tháng 1 năm 1933, ông đến gặp Hindenburg và chính thức nộp đơn xin từ chức. Hindenburg nói với vị tướng đã vỡ mộng rằng: "Tôi đã đặt 1 chân vào nấm mồ và sau khi lên thiên đường, tôi nghĩ mình sẽ lấy làm tiếc về hành động này" .

Schleicher trả lời: "Thưa ngài, sau sự việc đánh mất lòng tin như thế, tôi không chắc ngài sẽ được lên thiên đường" .

Giữa trưa cùng ngày, Hindenburg giao cho Papen nhiệm vụ tìm khả năng lập Chính phủ dưới quyền của Hitler "chiếu theo những điều khoản của Hiến pháp". Suốt 1 tuần, con người ranh mãnh và đầy tham vọng ấy đã rắp tâm đi nước đôi với Hitler để trở thành Thủ tướng lần nữa, với sự hậu thuẫn của Hugenberg thuộc Đảng Nhân dân Quốc gia Đức. Ngày 26 tháng 1 năm 1933, Schleicher phái Tướng Chỉ huy Quân đội von Hammerstein đến gặp Hindenburg để khuyên Tổng thống không nên chọn Papen. Trong mê cung của những mưu đồ, vào phút cuối Schleicher đã đề cử Hitler lên thay thế. Hindenburg trấn an vị Chỉ huy Quân đội là ông không có ý định sẽ bổ nhiệm "anh hạ sĩ người Áo ấy" .

Chủ Nhật 29 tháng 1 năm 1933 là ngày trọng đại, khi những kẻ mưu đồ cố chơi nước cờ cuối cùng trong cơn tuyệt vọng. Thành phố tràn ngập những lời đồn đại trái ngược nhau, nhưng không phải tất cả đều vô căn cứ. Một lần nữa, Schleicher phái Tướng Hammerstein trung thành đi vận động trong hậu trường. Vị tướng tìm gặp Hitler để cảnh báo lần nữa rằng Papen có thể bỏ rơi ông và rằng nên về phe của Schleicher cùng với quân đội thì sẽ tốt hơn. Hitler chẳng quan tâm lắm. Ông trở về khách sạn Kaiserhof để dùng bánh ngọt và cà phê với các phụ tá. Đúng trong bữa ăn nhẹ này, Goebbels xuất hiện báo tin vị Lãnh tụ Quốc xã sẽ được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào ngày hôm sau .

Tối hôm ấy, khi các lãnh đạo Quốc xã đang tụ tập ở nhà của Goebbels thì một đặc sứ của Schleicher đi đến, mang theo tin chấn động. Ông thông báo cho đám người đang ăn mừng rằng Schleicher và Hammerstein đã đặt doanh trại Potsdam trong tình trạng báo động, đồng thời đang chuẩn bị đưa Tổng thống lui về trang trại của ông và thiết lập chế độ độc tài quân sự. Đây là một lời phóng đại thô thiển. Có thể Schleicher và Hammerstein cũng suy nghĩ về việc này, nhưng không có hành động nào. Tuy vậy nhóm Quốc xã lại trở nên cuồng loạn vì lo âu. Goering vội lê tấm thân phục phịch chạy đi tìm Tổng thống và Papen để cảnh báo. Hitler kể lại chuyện của mình: "Phản ứng lập tức của tôi đối với cuộc đảo chính này là nhắn tin cho Chỉ huy lực lượng S.A. ở Berlin, Bá tước von Helldorf và qua ông, báo động cho toàn bộ lực lượng S.A. ở Berlin. Cùng lúc, tôi chỉ thị Thiếu tá Wecke của cảnh sát, người mà tôi biết có thể tin tưởng được, để chuẩn bị bất ngờ chiếm lấy Wilhelmstrasse bằng 6 tiểu đoàn cảnh sát... Sau cùng, tôi chỉ thị Tướng von Blomberg (người được chọn làm Bộ trưởng Quân đội) lên đường ngay, đi đến Berlin lúc 8 giờ sáng ngày 30 tháng 1 và gặp vị Lão thành để tuyên thệ nhậm chức. Đồng thời qua đó dùng quyền chỉ huy Quân đội để đàn áp bất kỳ âm mưu đảo chính nào" .

Sau lưng Schleicher và vị chỉ huy quân đội, mà thực ra thì mọi việc trong thời gian này đều xảy ra sau lưng người khác, Tướng Werner von Blomberg được triệu tập không phải bởi Hitler vốn chưa cầm quyền, mà bởi Hindenburg và Papen. Blomberg bị mê hoặc bởi Tham mưu trưởng của ông Đông Phổ, Đại tá Walter von Reichenau, một cảm tình viên của Quốc xã có tính ăn nói thẳng thắn. Khi Blomberg đến Berlin sáng 30 tháng 1, 2 sĩ quan đến đón ông với những chỉ thị mâu thuẫn nhau. Thiếu tá von Kuntzen, tuỳ viên của Hammerstein, yêu cầu vị tướng đang hoang mang đến trình diện người chỉ huy Quân đội. Đại tá Oskar von Hindenburg, tuỳ viên cho người cha, nói ông được lệnh đến trình diện Tổng thống .

Tướng von Blomberg đến gặp Tổng thống, lập tức tuyên thệ để trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong Nội các Hitler-Papen, đồng thời nhận nhiệm vụ dập tắt mọi âm mưu đảo chính và đảm bảo quân đội sẽ ủng hộ Chính phủ mới sẽ được công bố ít giờ sau. Hitler luôn tỏ ra cảm kích đối với quân đội vì đã chấp nhận ông trong thời khắc trọng đại này. Ít lâu sau, ông tuyên bố trong một buổi hội họp của Đảng: "Trong những ngày của cuộc Cách mạng của chúng ta, nếu quân đội không đứng về phía chúng ta, thì chúng ta sẽ không đứng ở đây ngày hôm nay". Đó là một trách nhiệm sẽ đè nặng lên giới chỉ huy Quân đội trong những ngày sắp tới, để cuối cùng sẽ khiến cho họ nuối tiếc .

Vào buổi sáng mùa đông 30 tháng 1 năm 1933, trước khi thảm kịch của nền Cộng hoà chấm dứt sau 14 năm cố gắng xây dựng dân chủ. Một trò khôi hài đã xảy ra trong đám hỗn tạp những kẻ chuyên mưu đồ, tụ tập với nhau nhằm chôn sống chế độ Cộng hoà. Papen sau này kể lại: "Khoảng 10 giờ rưỡi, các thành viên của Nội các được đề cử tụ tập ở nhà tôi rồi đi ngang qua khu vườn để đến Phủ Tổng thống... Hitler lập tức lặp lại những lời than phiền về việc Quốc xã không được chức Thủ hiến Phổ. Ông nghĩ rằng việc này làm hạn chế quyền hạn của mình. Tôi bảo ông ấy... sẽ bàn về việc bổ nhiệm ở Phổ sau. Hitler trả lời rằng, nếu quyền hạn bị hạn chế như thế, ông phải yêu cầu bầu lại Nghị viện .

Việc này tạo ra 1 tình hình hoàn toàn mới và gây tranh cãi gay gắt. Hugenberg chống đối và Hitler cố xoa dịu ông này bằng cách nói ông sẽ không thay đổi Nội các dù kết quả bầu cử ra sao... Lúc đó đã là quá 11 giờ và Meissner yêu cầu tôi chấm dứt cuộc tranh luận, vì Hindenburg không muốn chờ đợi lâu hơn .

Chúng tôi đột nhiên bất đồng ý kiến với nhau đến nỗi tôi e liên hiệp mới của chúng tôi có thể tan rã trước khi ra đời... Cuối cùng, chúng tôi vào diện kiến Tổng thống... Nội các Hitler đã được thành lập" .

Theo cách thức như vậy, qua cửa sau, qua thoả thuận chính trị lôi thôi với những kẻ phản động thuộc xu hướng cũ mà trong thâm tâm Hitler vẫn luôn ghét bỏ, người từng sống lông bông ở Vienna trong tàn dư của Thế chiến I, nhà Cách mạng có tính bạo lực đã trở thành Thủ tướng của một quốc gia vĩ đại .

Đúng là Quốc xã thuộc phe thiểu số trong Chính phủ, họ chỉ có 3 trên tổng số 11 chức vụ trong Nội các, lại không phải ở vị trí chủ chốt ngoại trừ chức Thủ tướng. Frick là Bộ trưởng Nội vụ nhưng ông không kiểm soát cảnh sát như ở phần lớn các nước phương Tây khác – cảnh sát Đức nắm trong tay các bang. Thành viên thứ ba của Nội các là Goering, là Quốc vụ khanh, với kế hoạch là ông sẽ làm Bộ trưởng Hàng không một khi Đức có Không quân. Ít ai để ý đến việc Goering cũng là Bộ trưởng Nội vụ của bang Phổ, cơ quan chỉ huy cảnh sát Phổ. Nhiều người ngạc nhiên là Goebbels không có tên trong Nội các và ông tạm thời bị đẩy ra rìa .

Các bộ quan trọng nằm trong tay cánh bảo thủ vốn tin chắc rằng họ đã trói chân trói tay Quốc xã để phục vụ mục đích của mình: Neurath tiếp tục là Bộ trưởng Ngoại giao, Blomberg là Bộ trưởng Quốc phòng, Hugenberg nắm hai bộ nhập làm một là Kinh tế và Nông nghiệp, Seldte (lãnh tụ của Stahlhelm) là Bộ trưởng Lao động. Những bộ khác nằm trong tay của các "chuyên gia" không theo Đảng nào mà Papen đã bổ nhiệm 8 tháng trước. Papen là Phó Thủ tướng kiêm Thủ hiến Phổ. Hindenburg đã hứa với ông rằng sẽ chẳng tiếp kiến Thủ tướng mà không có Phó Thủ tướng tháp tùng. Biện pháp này nhằm giúp kiềm chế nhà lãnh đạo Quốc xã cuồng tín. Nhưng còn nữa: Chính phủ này là ý tưởng của Papen và được khai sáng bởi Papen. Ông tin rằng với sự giúp đỡ của Tổng thống – cũng là người bạn và người bảo trợ cho ông – cùng sự hậu thuẫn của các cộng sự bảo thủ có số lượng áp đảo theo tỷ lệ 8/3, ông sẽ khống chế được Nội các. Như thế xem như ông sẽ nhốt chặt được Hitler trong tù .

Nhưng chính trị gia nhẹ dạ quỷ quyệt Papen không hiểu rõ Hitler – không ai thật sự hiểu rõ Hitler – và cũng không hiểu được sức mạnh nội tại vốn đã giúp đẩy Hitler lên chính trường. Ngoại trừ Hitler, Papen cũng như nhiều người chẳng nhận ra sự yếu kém không giải thích được của những định chế hiện hành cũng như Quân đội, Giáo hội, nghiệp đoàn, các Đảng phái chính trị và giới trung lưu không theo Quốc xã và giới vô sản. Tất cả định chế và giai cấp ấy, như Papen buồn rầu nhận xét sau này, sẽ "đầu hàng mà chẳng chiến đấu gì cả" .

Tất cả các giai cấp, nhóm hay Đảng nào ở Đức cũng đều dự phần trách nhiệm trong việc bỏ rơi nền Cộng hoà dân chủ và trong mỗi bước đi lên của Hitler. Lỗi lầm chủ yếu của những người Đức chống Quốc xã là họ không đoàn kết với nhau. Lúc lên đến đỉnh điểm vào tháng 7 năm 1932, Quốc xã chỉ thu được hơn ⅓ số phiếu. Nhưng gần ⅔ cử tri Đức còn lại, dù đã lên tiếng chống Hitler, lại quá phân tán và thiển cận nên không thể hợp lực với nhau để cùng chống lại nguy cơ chung. Đáng lẽ họ phải biết rằng nếu không đoàn kết với nhau, dù là tạm thời, họ khó mà chống lại nguy cơ ấy .

Người Cộng sản tuân theo chỉ thị từ Moscow mà chăm chăm với ý nghĩ là trước tiên phải lo tiêu diệt Đảng Dân chủ Xã hội, các nghiệp đoàn phe Xã hội và các lực lượng dân chủ trung lưu. Họ đi theo chủ thuyết đáng ngờ là dù việc này có thể khiến cho Quốc xã chiếm chính quyền, nhưng đó chỉ là tạm thời và nó sẽ khiến cho chủ nghĩa tư bản sụp đổ. Khi ấy, Cộng sản sẽ thay thế và thiết lập chế độ chuyên chính vô sản. Theo quan điểm của người Bolshevik Marxit, chủ nghĩa Phát xít là giai đoạn cuối của chủ nghĩa tư bản đang giãy chết, sau đó cao trào Cộng sản sẽ dâng lên! Thời gian 14 năm chia sẻ quyền lực chính trị trong nền Cộng hoà, khi cố dung hoà để duy trì các Chính phủ liên hiệp, Đảng Dân chủ Xã hội đã mất đi sức mạnh và lòng hăng say, cho đến lúc Đảng gần như trở thành một tổ chức gây áp lực kiểu cơ hội chủ nghĩa, chỉ lo thương thảo để được nhượng bộ cho các nghiệp đoàn dựa theo đấy họ duy trì sức mạnh. Có thể đúng như vài Đảng viên Xã hội nói, là vận hội đã không mỉm cười với họ: Cộng sản chia rẽ giai cấp công nhân, suy thoái kinh tế gây suy yếu cho Đảng Dân chủ Xã hội, làm nghèo nghiệp đoàn và khiến cho Đảng mất sự hậu thuẫn của hàng triệu công nhân vốn sau đó quay sang Cộng sản hoặc Quốc xã. Nhưng không thể giải thích thảm trạng của Đảng Dân chủ Xã hội chỉ qua vận rủi. Họ đã có cơ hội điều hành nước Đức vào tháng 11 năm 1918 và tìm thấy một quốc gia dựa trên nền tảng họ luôn mong muốn: dân chủ xã hội. Nhưng họ thiếu quyết tâm để làm điều này. Lúc đó, họ chỉ là những người mệt mỏi, già lão, mang mục đích tốt nhưng phần lớn lại kém cỏi. Họ luôn trung thành với nền Cộng hoà, nhưng rốt cuộc trở nên quá hoang mang, quá nhút nhát nên chẳng dám chịu rủi rọ. Ví dụ như họ không dám hành động khi Papen cử một nhúm binh sĩ đàn áp chính quyền hợp hiến của Phổ .

Giữa hai cánh Tả và cánh Hữu, Đức thiếu một giai cấp trung lưu mạnh về chính trị, trong khi ở các nước khác – như Pháp, Anh và Mỹ – giai cấp này là xương sống của nền dân chủ. Trong năm đầu của Cộng hoà Đức, các Đảng trung lưu (Dân chủ Đức, Nhân dân Quốc gia Đức và Trung dung Đức) cùng nhau thu được 12 triệu phiếu, chỉ kém hai nhóm Xã hội 2 triệu phiếu. Nhưng sau đó, họ yếu dần đi khi những người ủng hộ họ chuyển qua Hitler và các phe nhóm Quốc gia .

Không giống những nước khác, Đức thiếu ổn định dưới quyền một Đảng thật sự bảo thủ. Đảng Nhân dân Quốc gia Đức ở đỉnh điểm năm 1924 chiếm 103 ghế trong Nghị viện và là Đảng lớn thứ hai. Nhưng rồi họ từ chối nhận trách nhiệm trong Chính phủ hay trong các nhóm đối lập, ngoại trừ hai Nội các ngắn hạn trong những năm 1920. Điều mà cánh Hữu ở Đức muốn là chấm dứt nền Cộng hoà và quay trở lại thời đế chế trong đó mọi đặc quyền xưa cũ của họ sẽ được phục hồi. Thật ra, nền Cộng hoà đã đối xử với cánh Hữu một cách rất hào phóng và khoan dung. Như ta đã thấy, chế độ cho phép Quân đội duy trì quốc gia trong 1 quốc gia, doanh nghiệp và ngân hàng hưởng nhiều lợi nhuận, người Junker duy trì trang trại không có hiệu quả kinh tế bằng những khoản tiền vay không bao giờ được trả lại và ít khi được dùng để cải thiện đất của họ. Tuy thế, cánh Hữu lại không thấy cảm kích hoặc trung thành với nền Cộng hoà vì sự hào phóng ấy. Với tính cách hẹp hòi, thành kiến và mù quáng, họ lũng đoạn nền tảng của nền Cộng hoà cho đến khi nó sụp đổ rồi qua liên minh với Hitler .

Qua nhân vật từng sống lông bông ở Vienna, các giai cấp bảo thủ nghĩ họ đã tìm ra một người có thể giúp họ đạt mục đích của riêng mình trong khi vẫn có thể kiềm chế ông. Hủy diệt nền Cộng hoà chỉ là bước thứ nhất. Họ còn mong muốn một nước Đức chuyên chế để chấm dứt nền dân chủ "vô nghĩa", loại trừ uy quyền của nghiệp đoàn, xé bỏ Hoà ước Versailles, gây dựng lại một quân đội hùng hậu và đưa đất nước trở lại đỉnh cao. Đó cũng là những đích nhắm của Hitler. Cánh Hữu tin chắc rằng họ đã nắm được Hitler trong tay – họ đã không phải là đang có ưu thế theo tỉ lệ 8/3 Bộ trưởng trong Nội các đấy sao? Ưu thế này cũng cho phép nhóm bảo thủ đạt được mục đích mà không phải qua đường lối tàn bạo của Quốc xã .

Đế chế của hoàng tộc Hohenzollern đã được xây dựng trên những chiến thắng quân sự của Phổ, Cộng hoà Đức đã được thành lập dựa trên sự bại trận của Đức trong Thế chiến I và ảnh hưởng của Đồng minh. Nhưng Đế chế Thứ Ba không hề nhờ vào thành quả chiến trận hoặc ảnh hưởng của nước ngoài. Đế chế Thứ Ba ra đời trong thời bình và một cách hoà bình, từ chính người Đức, theo những mặt yếu và mặt mạnh của người Đức. Người Đức đã tự áp đặt nền chuyên chế Quốc xã lên chính họ. Khi Tổng thống Hindenburg, hành động theo cách thức hoàn toàn hợp hiến, giao chức vụ Thủ tướng cho Hitler vào buổi xế chiều ngày 30 tháng 1 năm 1933 ấy, nhiều người Đức, có lẽ là đa số lại không nhận ra rõ ràng điều đó .

Nhưng chẳng bao lâu nữa họ sẽ biết .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #dichle