Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 24


HOA KỲ THAM CHIẾN 

 VÀO mùa xuân 1941, ngay trước khi Đức tiến công Liên Xô, Adolf Hitler đã cam kết một cách cẩu thả với Nhật Bản trong loạt hội đàm ở Berlin với Yosuke Matsuoka – vị Ngoại trưởng Nhật có xu hướng thân Phe Trục. Biên bản buổi họp tịch thu được cho phép ta theo dõi tiến trình mà trong đó, Hitler đã tính toán sai lầm một cách tệ hại. Các tài liệu cho thấy Lãnh tụ quá dốt nát, Goering quá cao ngạo và Ribbentrop quá dại khờ nên không ai hiểu biết gì về tiềm lực quân sự của Hoa Kỳ. Đó là một sai lầm nghiêm trọng mà Hoàng đế Wilhelm II, Thống chế Hindenburg và Đại tướng Ludendorff đã từng phạm phải trong Thế chiến I .

Chính sách của Hitler đối với Mỹ về cơ bản là thiếu nhất quán. Dù Hitler khinh thường sức mạnh quân sự của Mỹ, nhưng trong hai năm đầu của chiến tranh, ông vẫn cố gắng giữ nước này đứng ngoài vòng chiến. Như ta đã biết, đó là nhiệm vụ chính yếu của Đại sứ quán Đức tại Washington. Phái Bộ ngoại giao Đức làm đủ mọi việc, từ hối lộ dân biểu Mỹ đến trả tiền thù lao cho bài viết, hỗ trợ cho những người theo chủ trương trung lập – tất cả đều nhằm ngăn Mỹ về phe với kẻ thù của Đức trong cuộc chiến này .

Nhà độc tài Quốc xã hiểu rõ rằng Hoa Kỳ – chừng nào mà Roosevelt còn tại chức – thì sẽ luôn ngáng trở bước đường chinh phục thế giới của Đức và việc phân chia những lãnh thổ của hành tinh này cho ba nước trong Phe Trục. Hitler thấy rốt cuộc sẽ phải đối phó với Hoa Kỳ "một cách quyết liệt". Nhưng mỗi lần ông chỉ có thể đối phó với một nước. Đó là bí quyết cho sự thành công của ông ta cho đến lúc này. Đức sẽ tính đến Hoa Kỳ, nhưng chỉ sau khi đánh gục Anh và Liên Xô. Lúc ấy, với sự hỗ trợ của Ý và Nhật, ông ta sẽ xử lý Mỹ. Bị cô lập và đơn độc, Mỹ sẽ dễ dàng gục ngã dưới sức mạnh của Phe Trục .

Nhật Bản là chìa khoá cho những nỗ lực của Hitler nhằm giữ Hoa Kỳ đứng ngoài vòng chiến cho đến ngày Đức sẵn sàng tiếp chiến. Nhật được xem là đối trọng với Mỹ để ngăn Mỹ can thiệp vào châu Âu mà chống Đức như Mỹ đã từng làm trong Thế chiến I .

Khi tiếp xúc với Nhật, khởi đầu Hitler và Ribbentrop nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không nên khiêu khích Mỹ, nếu không Mỹ sẽ từ bỏ chủ trương trung lập của mình. Vào đầu năm 1941, họ thiết tha muốn kéo Nhật vào cuộc chiến, không phải để chống Mỹ, thậm chí không phải để chống Liên Xô, mà là chống Anh vì Anh không muốn chịu thua. Ngày 23 tháng 2 năm 1941, tại tư gia mà ông chiếm đoạt ở Fuschl gần Salzburg, Ribbentrop đã tiếp vị Đại sứ Nhật nóng tính, Tướng Hiroshi Oshima, người mà tôi có ấn tượng là mang tính Quốc xã còn hơn cả Quốc xã. Ribbentrop nói với vị khách rằng dù Đức đã thắng trong cuộc chiến, nhưng Nhật vẫn nên tham chiến "càng sớm càng tốt vì quyền lợi của chính Nhật" và chiếm lấy thuộc địa của Anh ở châu Á. Ribbentrop nói tiếp: "Sự can dự bất ngờ của Nhật sẽ giữ Mỹ đứng ngoài vòng cuộc chiến. Vì chưa được vũ trang đầy đủ và cũng không muốn gây rủi ro cho hải quân của họ ở phía Tây Hawaii, nên trong trường hợp này Mỹ sẽ càng muốn đứng ngoài. Nếu Nhật tôn trọng những quyền lợi của Mỹ, thì Roosevelt càng không muốn viện cớ mất uy tín để thuyết phục người Mỹ nên tham chiến. Không thể nào Mỹ tuyên chiến rồi chỉ đứng nhìn trong khi Nhật chiếm Philippines." Nhưng Ribbentrop tuyên bố ngay cả nếu Hoa Kỳ can dự vào, thì "việc này sẽ không phương hại đến chiến thắng của các quốc gia Phe Trục". Hạm đội Nhật sẽ dễ dàng đánh bại hạm đội Mỹ và cuộc chiến sẽ chấm dứt nhanh chóng khi Anh và Mỹ sụp đổ. Đây là điều mà nhà ngoại giao Nhật tâm đắc nhất. Ribbentrop còn cố đổ thêm dầu vào lửa bằng cách khuyên Nhật nên cứng rắn và "sử dụng ngôn từ thẳng thắn" trong những cuộc đàm phán ở Washington .

"Chỉ khi Hoa Kỳ nhận ra rằng họ đang đối mặt với một quyết tâm vững vàng thì họ mới có thể nhượng bộ. Người Mỹ... không muốn hy sinh những đứa con của mình, nên họ sẽ chống lại việc tham chiến. Dân tộc Mỹ sẽ theo bản năng mà nghĩ rằng họ đang vô cớ bị Roosevelt và những người Do Thái chuyên giật dây lôi kéo vào cuộc chiến. Vì vậy, chính sách của chúng ta đối với Hoa Kỳ là phải rõ ràng và cứng rắn..." Vị Ngoại trưởng có một lời cảnh báo mà đã khiến ông sau này phải thất bại thảm hại trước Franco: "Nếu Đức có bị suy yếu, thì chẳng bao lâu sau Nhật sẽ đối mặt với một liên minh thế giới. Chúng ta là những người đồng hội đồng thuyền. Số phận của 2 quốc gia trong nhiều thế kỷ sau đang được quyết định ngay tại thời điểm này... Nếu Đức bị chiến bại, thì tư tưởng đế quốc của Nhật cũng chấm dứt theo." Để làm công tác tư tưởng cho các chỉ huy Quân đội và các quan chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao về chính sách mới đối với Nhật, ngày 5 tháng 3 năm 1941, Hitler ban hành chỉ thị tối mật có tựa là "Lệnh Cơ bản Số 24 về việc Hợp tác với Nhật Bản" .

"Mục đích của sự hợp tác là dựa trên Hiệp ước Ba bên để khuyến dụ Nhật Bản có động thái tích cực ở Viễn Đông càng sớm càng tốt. Qua đó, những lực lượng mạnh của Anh sẽ bị ghìm chân, đồng thời trọng tâm của những quyền lợi của Mỹ sẽ chuyển về vùng Thái Bình Dương .

Mục đích chung của việc tiến hành chiến tranh là thúc ép Anh nhượng bộ nhanh chóng và qua đó giữ cho Mỹ đứng ngoài cuộc chiến .

Chiếm được Singapore, vốn là vị trí chủ chốt của Anh ở vùng Viễn Đông, sẽ là thành công có tính quyết định trong toàn bộ việc tiến hành chiến tranh của ba Cường quốc." Hitler cũng thúc giục Nhật chiếm lấy những căn cứ hải quân khác của Anh và ngay cả những căn cứ của Mỹ "nếu không thể ngăn Hoa Kỳ tham chiến". Ông ta kết luận bằng cách ra lệnh "không được cho Nhật biết gì về Chiến dịch Barbarossa". Cũng như Đồng minh Ý, Đồng minh Nhật sẽ bị lợi dụng để phục vụ cho những tham vọng của Đức, vì vậy Hitler đều giấu kín ý đồ tấn công Liên Xô đối với cả 2 Chính phủ .

Hai tuần sau, trong cuộc họp cùng Hitler, Keitel và Jodl, Raeder đã mạnh mẽ đề xuất rằng nên thúc giục Nhật tấn công Singapore. Raeder giải thích rằng Đức sẽ không bao giờ có được cơ hội thuận lợi như thế này, khi mà "cả hạm đội Anh đang bị kiềm chế, Hoa Kỳ không được chuẩn bị cho chiến tranh chống Nhật và hạm đội Hoa Kỳ thì yếu thế so với Nhật". Raeder nói việc chiếm lấy Singapore sẽ "giải quyết được những vấn đề ở châu Á liên quan đến Mỹ và Anh" và dĩ nhiên sẽ giúp Nhật tránh đụng độ với Mỹ, nếu họ muốn. Chỉ còn tồn tại một vướng mắc duy nhất. Raeder cảnh báo rằng, theo tin tức tình báo của Hải quân, thì Nhật sẽ chỉ chống lại Anh ở Đông Nam Á "nếu Đức đổ bộ lên đất Anh". Biên bản của buổi họp này không cho thấy Hitler trả lời ra sao về nhận xét ấy. Nhưng chắc chắn Raeder biết rằng Hitler không có kế hoạch và cũng không có hy vọng cho việc đổ bộ lên Anh. Raeder còn đề cập đến một việc khác mà Hitler cũng không có phản ứng. Ông "đề xuất" rằng Matsuoka "cần được thông báo về ý định [của Đức] đối với Liên Xô" .

Ngoại trưởng Matsuoka của Nhật đang trên đường đi đến Berlin qua ngả Siberia và Moscow và như Ngoại trưởng Hull của Mỹ kể lại, dọc đường vị Ngoại trưởng của Nhật này liên lục tuyên bố những câu hiếu chiến và tư tưởng thân Phe Trục.Matsuoka đến Berlin ngày 26 tháng 3 khiến cho Hitler bối rối, vì đêm ấy Chính phủ Nam Tư thân Đức bị lật đổ trong một vụ đảo chính (xem Chương 23) và Lãnh tụ đang bận rộn lo kế hoạch đập tan quốc gia ngỗ nghịch vùng Balkans đến nỗi ông ta hoãn giờ tiếp khách đến buổi xế chiều ngày hôm sau .

Ribbentrop hội đàm với khách vào buổi sáng, vẫn lặp đi lặp lại những điệp khúc xưa cũ, thậm chí còn ngốc nghếch hơn bình thường. Ông cũng không cho con người hoạt bát như Matsuoka có cơ hội nói chen vào. Tiến sĩ Schmidt ghi biên bản (trong số hồ sơ của Bộ Ngoại giao Đức tịch thu được): "Phe Trục đã thắng cuộc chiến một cách chắc chắn và chỉ còn là vấn đề thời gian để Anh công nhận điều này." Kế tiếp, Ribbentrop thúc giục Nhật "nhanh chóng tấn công Singapore", bởi vì đây sẽ là "một yếu tố có tính chất vô cùng quyết định để nhanh chóng lật đổ Anh". Đối diện với lời lẽ mâu thuẫn như thế, vị khách người Nhật nhỏ con không hề chớp mắt. Schmidt kể lại: "Ông ấy chỉ ngồi yên mà không hề để lộ cảm xúc nào đối với những lời phát biểu lạ kỳ như thế." Còn về Mỹ, Ribbentrop nói: "Anh đáng lẽ ra là đã từ bỏ cuộc chiến, nếu Roosevelt không tạo hy vọng mới cho Churchill... Hiệp ước Ba bên trước tiên có mục đích khiến cho Mỹ sợ hãi... và giữ họ đứng ngoài vòng chiến... Phải làm mọi cách để ngăn chặn Mỹ có vai trò tích cực trong cuộc chiến và không giúp cho Anh mạnh lên... Chiếm lấy Singapore rất có thể sẽ giữ cho Mỹ ngoài vòng chiến, bởi vì họ không muốn liều lĩnh phái hạm đội của họ vào hải phận Nhật... Roosevelt sẽ lâm vào tình thế rất khó khăn..." Dù Hitler đã ra lệnh không được nói gì về việc Đức sẽ tấn công Liên Xô, nhưng Ribbentrop vẫn đưa ra vài ngụ ý – và sẽ gây hậu quả cực kỳ tai hại cho Đức. Ribbentrop nói với vị khách rằng quan hệ với Liên Xô là đúng mức nhưng không thân thiết. Hơn nữa, nếu Liên Xô đe doạ Đức, "Lãnh tụ sẽ nghiền nát Liên Xô." Ông nói thêm: Lãnh tụ tin chắc rằng nếu phải gây chiến thì "trong vài tháng Liên Xô sẽ chẳng còn tồn tại" .

Schmidt kể rằng khi nghe nói thế Matsuoka chớp mắt vài cái và nhìn quanh với vẻ lo âu, thấy vậy Ribbentrop vội trấn an khách rằng mình không tin "Stalin sẽ theo đuổi một chính sách thiếu khôn ngoan." Đúng lúc này, Ribbentrop được Hitler gọi đến để thảo luận về cơn khủng hoảng ở Nam Tư và không về đãi khách ăn trưa như đã định .

Sau khi quyết định nghiền nát Nam Tư, buổi xế chiều, Hitler tiếp Ngoại trưởng Nhật. Ông ta bắt đầu: "Anh quốc đã thua trận. Chỉ cần một chút thông minh là đủ để nhận ra điều đó." Tuy thế, Anh vẫn còn bấu víu vào Liên Xô và Hoa Kỳ. Về Liên Xô, Hitler tỏ vẻ tránh né hơn Ribbentrop. Ông ta nói mình không tin sẽ có nguy cơ chiến tranh với Liên Xô. Dù sao chăng nữa, Đức có 160 đến 170 sư đoàn để phòng vệ chống Liên Xô. Còn đối với Mỹ: "Mỹ đang đối mặt với ba khả năng: vũ trang cho mình, hỗ trợ Anh, hoặc sẽ tiến hành chiến tranh trên một mặt trận khác. Nếu Mỹ bỏ rơi Anh thì Anh sẽ bị tiêu diệt và Mỹ sẽ thấy mình phải đơn độc chiến đấu chống lại Hiệp ước Ba bên. Tuy nhiên, không bao giờ có khả năng Mỹ gây chiến trên một mặt trận khác." Vì thế, Hitler kết luận rằng đây chính là thời cơ tốt nhất cho Nhật đánh Thái Bình Dương. "Thời khắc như thế sẽ chẳng bao giờ trở lại. Đó là thời khắc duy nhất trong lịch sử." Matsuoka đồng ý, nhưng nhắc cho Hitler nhớ rằng không may là bản thân mình "không kiểm soát nước Nhật. Vào lúc này, ông không thể đại diện cho Đế quốc Nhật để cam kết về bất kỳ hành động nào." Nhưng vì là nhà độc tài, Hitler có thể cam kết. Và ngày 4 tháng 4 trong lần hội kiến thứ hai, ông ta đã cam kết một cách khá xuề xoà với Nhật, dù không được yêu cầu. Lần này, một ngày trước đợt tấn công Nam Tư và Hy Lạp, Hitler tỏ ra hồ hởi và hiếu chiến. Trong khi vẫn không muốn có chiến tranh với Mỹ, ông ta nói rằng Đức đã tính toán đến khả năng này. Nhưng Hitler nói ông không băn khoăn về sức mạnh quân sự hay về bất kỳ điều gì của Mỹ.Ông nói với vị khách: Đức đã chuẩn bị để không người Mỹ nào có thể đổ bộ lên châu Âu được. Đức sẽ tiến hành một cuộc chiến dữ dội chống Mỹ với tàu ngầm máy bay. Với kinh nghiệm dày dặn hơn, ... Đức sẽ đủ sức thắng Mỹ, ngoài yếu tố hiển nhiên là binh sĩ Đức thiện chiến hơn người Mỹ rất nhiều .

Lời khoác lác này dẫn Hitler đến một cam kết định mệnh. Schmidt ghi vào biên bản: "Nếu Nhật sa vào cuộc xung đột với Mỹ, về phần mình Đức sẽ lập tức có những bước cần thiết." Theo ghi chép của Schmidt, hiển nhiên là Matsuoka chưa nhận ra ý nghĩa trong lời hứa của Lãnh tụ, nên Hitler nói lần nữa: "Như đã nói, Đức sẽ lập tức tham gia trong trường hợp có xung đột giữa Nhật và Mỹ." Hitler sẽ phải trả giá đắt không những cho lời đảm bảo xuề xoà này, mà còn cho sự lừa dối khi không cho Nhật biết ông có ý định tấn công Liên Xô ngay sau khi đã chiếm được vùng Balkans. Matsuoka dè dặt hỏi Ribbentrop rằng trên đường về, ông "có nên ghé lại Moscow để đàm phán với Nga về Hiệp ước Bất tương xâm hoặc Hiệp định Trung lập hay không". Vị Ngoại trưởng Quốc xã chậm hiểu trả lời một cách bảnh chọe rằng "nếu có thể, không nên đặt vấn đề với Moscow vì có thể không phù hợp với khung hành động trong tình hình hiện tại" .

Ribbentrop không nhận thấy tầm quan trọng của những gì đang xảy ra. Nhưng ngày hôm sau, đầu óc kém thông minh của ông ta đã hiểu ra và ông bắt đầu buổi hội đàm về việc này. Trước hết, Ribbentrop nói, cũng theo cách xuề xoà như Hitler ngày 4 tháng 4, Đức đảm bảo rằng nếu Liên Xô tấn công Nhật, "Đức sẽ đánh ngay". Ông cho biết mình đưa ra sự đảm bảo này là "để Nhật có thể tiến đến Singapore mà không sợ rắc rối với Nga". Khi cuối cùng, Matsuoka thừa nhận là mình đã đề xuất một hiệp ước bất tương xâm với Liên Xô và ngụ ý Liên Xô cùng đồng ý, đầu óc Ribbentrop có vẻ như trống rỗng. Ông chỉ khuyên Matsuoka nên đối phó với vấn đề này "theo cách phiến diện" .

Nhưng ngay khi Ngoại trưởng Nhật ghé qua Moscow trên đường về, ông đã ký một Hiệp định Trung lập với Stalin, quy định mỗi bên giữ trung lập khi bên kia tham chiến. Đó là hiệp định mà Nhật tuân thủ cho đến phút cuối dù Đức muốn Nhật từ bỏ. Vì lẽ, trước mùa hè 1941, Đức thúc giục Nhật tấn công không phải Singapore hay Philippines mà là Vladivostok của Nga! Ban đầu, Hitler chưa nhận ra ý nghĩa của Hiệp định Trung lập Nga-Nhật.Ông ta nghĩ thế càng hay "vì Nhật bây giờ không thể tấn công Vladivostok và thay vào đó cần được thúc giục tấn công Singapore". Lúc này, Hitler tự tin rằng Đức có thể tiêu diệt Liên Xô trong mùa hè. Ông ta không muốn Nhật tham gia vào chiến dịch lớn lao này giống như đã không muốn Ý tham gia thôn tính Pháp. Và ông tuyệt đối tin tưởng rằng không cần đến Nhật giúp đỡ. Ribbentrop phụ hoạ với sếp, nói với Matsuoka rằng nếu Liên Xô ép buộc Đức phải đánh, ông sẽ "liệu xem có thể ngăn Nhật tấn công Liên Xô hay không" .

Nhưng chỉ 3 tháng sau, quan điểm của Hitler và Ribbentrop đột ngột thay đổi sâu sắc. 6 ngày sau khi quân Đức tấn công Liên Xô, ngày 28 tháng 6 năm 1941, Ribbentrop gửi điện cho Đại sứ Đức tại Nhật, Tướng Eugene Ott, bảo phải làm mọi cách để khuyến dụ Nhật tấn công ngay Liên Xô ở mặt sau. Ott cũng nhận chỉ thị nên kêu gọi đến sự thèm khát lãnh thổ của Nhật và cũng biện luận rằng đó là cách tốt nhất để giữ cho Mỹ trung lập. Ribbentrop giải thích: "Ta có thể hy vọng Nga sẽ chiến bại nhanh chóng – đặc biệt nếu Nhật có động thái phía Đông. Lúc ấy, có lý do để thuyết phục Mỹ là không ích gì khi tham chiến bên cạnh Anh vốn đã hoàn toàn bị cô lập và đối đầu với một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới." Matsuoka có ý kiến rằng nên chống Liên Xô ngay, nhưng Chính phủ Nhật không chấp thuận, vì họ nghĩ nếu Đức đang nhanh chóng đánh bại Liên Xô như họ nói, thì họ không cần Nhật giúp. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật cũng không chắc chắn về chiến thắng chớp nhoáng của Quốc xã .

Nhưng Ribbentrop vẫn khăng khăng muốn Nhật giúp. Khi Đức mở cuộc tấn công và ngay cả Halder cũng đang nghĩ đến chiến thắng trong tầm tay, thì ngày 10 tháng 7 năm 1941, Ribbentrop gửi một bức điện có nội dung dứt khoát hơn cho Đại sứ Đức tại Nhật: "Vì lẽ Liên Xô trên thực thế đã gần sụp đổ, như Đại sứ Nhật tại Nga báo cáo... nên Nhật không thể giải quyết vấn đề Vladivostok và vùng Siberia ngay khi đã chuẩn bị xong... Tôi yêu cầu anh dùng mọi cách để thúc giục Chính phủ để Nhật tham gia cuộc chiến chống Nga càng sớm càng tốt... Mục đích vẫn là ta và Nhật cùng hợp lực trên tuyến đường xe lửa xuyên Siberia trước khi mùa Đông đến." Thậm chí Chính phủ quân phiệt Nhật cũng không màng đến một viễn cảnh chóng mặt như thế. Đại sứ Ott báo cáo là có những "trở ngại lớn" trong Nội các Nhật. Matsuoka hiếu chiến bị loại ra khỏi Nội các khiến cho Đức mất một người bạn thân. Tuy sau này quan hệ gần gũi giữa Đức và Nhật được tái lập nhưng vẫn chưa đủ gần để Đức thuyết phục Nhật giúp Đức chống Nga. Một lần nữa, Hitler lại bị một Đồng minh quỷ quyệt chơi trò gậy ông đập lưng ông .

Trong 2 năm, nhiều lần Ribbentrop vẫn cố thuyết phục Nhật đánh Nga từ mặt sau, nhưng mỗi lần như thế Chính phủ Nhật đều trả lời một cách lịch sự: "Xin cảm phiền." Bản thân Hitler cũng hy vọng suốt mùa hè. Ngày 26 tháng 8, ông nói với Raeder rằng ông "tin chắc Nhật sẽ tấn công Vladivostok ngay sau khi tập kết đủ lực lượng." Tư liệu của Nhật đã cho thấy cách thức của Nhật khi cố gắng né tránh Đức về vấn đề khó xử này. Lấy ví dụ ngày 19 tháng 8, Đại sứ Ott hỏi Thứ trưởng Ngoại giao Nhật về việc Nhật tham gia chống Nga, ông này trả lời: "Việc Nhật tấn công là vấn đề vô cùng trọng đại và cần suy nghĩ kỹ càng." Đến ngày 30 tháng 8, Đại sứ Ott, lúc đó đã khá bức xức, hỏi Đô đốc Ngoại trưởng Toyoda: "Liệu có khả năng nào Nhật tham gia chiến tranh Nga-Đức hay không?" Toyoda trả lời: "Nhật đang có những bước chuẩn bị và sẽ mất thêm thời gian để hoàn tất." "TRÁNH SỰ CỐ VỚI HOA K" Trong khi Nhật vẫn cứng đầu từ chối giúp Hitler thoát ra vũng lầy ở Nga khi mà chính người Nhật cũng có vũng lầy của riêng họ, thì Đức càng thấy việc giữ cho Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc cho đến khi thôn tính xong Liên Xô là vô cùng cần thiết .

Đã từ lâu, Hải quân Đức tỏ ra ấm ức vì bị Hitler kiềm chế trong nỗ lực chặn đánh những chuyến tàu của Mỹ tiếp tế cho Anh và trong việc đối phó với tàu chiến Mỹ càng ngày càng tỏ ra thù địch với tàu ngầm và thuỷ phi cơ Đức hoạt động trên Đại Tây Dương. Các đô đốc Đức có tầm nhìn xa hơn là đầu óc hạn hẹp của Hitler trên lục địa: Ngay từ đầu họ đã biết rằng Mỹ tham chiến là chuyện không tránh khỏi nên họ đã thúc giục Hitler phải chuẩn bị cho việc này. Vào tháng 6 năm 1940, ngay sau khi Pháp đầu hàng Đức, Raeder với sự ủng hộ của Goering đã khuyên Hitler nên đánh chiếm những hòn đảo trên Đại Tây Dương để ngăn Mỹ đến chiếm trước. Hitler tỏ ra quan tâm, nhưng ông vẫn muốn xâm lấn Anh và thôn tính Liên Xô trước. Vì khi ấy, việc tính sổ với Mỹ là có thể vì Mỹ lúc đó sẽ phải ở trong tình trạng vô vọng. Một bản ghi nhớ tối mật của sĩ quan tham mưu, Nam tước Thiếu tá von Falkenstein, đã cho thấy quan điểm của Hitler vào cuối mùa hè 1940 .

"Hiện giờ Lãnh tụ bận tâm với chủ đề chiếm các Đảo Đại Tây Dươngnhằm thi hành chiến tranh chống Hoa Kỳ về sau. Những cuộc thảo luận đang diễn ra về việc này." Vì thế, vấn đề không phải là liệu Hitler có ý định gây chiến với Mỹ hay không, mà là ngày nào ông sẽ chọn để đánh Mỹ. Ngày 22 tháng 5 năm 1941, Thuỷ sư Đô đốc Raeder hội ý với Hitler và buồn bã báo cáo rằng Hải quân "phải bác bỏ ý kiến chiếm Azores." Đơn giản là vì Hải quân Đức không đủ mạnh. Nhưng vào lúc này Hitler lại tha thiết và, theo ghi chép mật của Raeder: "Lãnh tụ vẫn nghiêng về ý định chiếm Azores để từ đó phóng máy bay oanh tạc đường dài chống lại Hoa Kỳ.Việc này có thể bắt đầu vào mùa thu." Nhưng đó phải là sau khi Liên Xô sụp đổ. Lúc ấy, sẽ đến phiên Hoa Kỳ. Hitler đã nhấn mạnh với Raeder điều này khi 2 người gặp nhau vào 2 tháng sau, ngày 25 tháng 7, trong khi chiến dịch đánh Nga còn đang sôi động. Raeder ghi chép: "Sau chiến dịch phía Đông, ông ấy sẽ đích thân quyết định hành động chống Mỹ." Nhưng Hitler nêu rõ: Trước thời điểm đó, vẫn phải "tránh việc Mỹ tuyên chiến... vì nếu không, Lục quân sẽ phải chiến đấu gian khổ" .

Raeder không hài lòng với quan điểm này. Nhật ký của ông tịch thu được cho thấy càng ngày ông càng mất kiên nhẫn vì Hitler cứ kiềm chế Hải quân và mỗi khi có dịp hội họp, ông đều cố thay đổi ý kiến của Lãnh tụ .

Vào đầu năm, ngày 4 tháng 2, Raeder đã trình một bản ghi nhớ bày tỏ mối nghi ngờ về lợi ích của nền trung lập Mỹ đối với Đức. Các đô đốc vạch ra rằng việc Mỹ tham chiến thật ra có thể "có lợi cho nỗ lực chiến tranh của Đức", vì nếu thế Nhật mới có thể trở nên hiếu chiến hơn trong Phe Trục. Nhưng nhà lãnh đạo Quốc xã vẫn không thấy ấn tượng lắm với biện luận này .

Raeder cảm thấy rất nản lòng. Chiến tranh trên Đại Tây Dương đang ở cao điểm mà Đức vẫn chưa thắng được. Hàng tiếp vận của Mỹ cứ đổ đến Anh. Tàu ngầm Đức hoạt động càng ngày càng kém hiệu quả. Raeder nói hết những điều này với Hitler, nhưng vẫn chẳng đi đến đâu. Ông đến gặp Hitler một lần nữa vào ngày 18 tháng 3 và báo cáo rằng tàu chiến Mỹ đang hộ tống những đoàn tàu hàng Mỹ cho đến tận Iceland. Ông yêu cầu được quyền tấn công họ mà không cần cảnh cáo trước, đồng thời ông cũng đề nghị rằng Đức phải làm gì đấy để Mỹ không thể đặt chân lên thuộc địa Pháp ở Tây Phi. Vì theo ông, khả năng đó "là nguy hiểm nhất". Hitler lắng nghe, rồi nói sẽ thảo luận việc này với Bộ Ngoại giao (trong số các cơ quan phải thảo luận!). Đây cũng chính là cách thức để các đô đốc không thể nói thêm gì nữa .

Suốt mùa xuân và đầu mùa hè, Hitler tiếp tục trì hoãn. Ngày 20 tháng 4, ông khước từ lời Raeder van nài "chiến tranh chống tàu hàng của Hoa Kỳ, theo Quy tắc giới hạn".Cuộc chạm trán đầu tiên giữa tàu chiến Mỹ và tàu chiến Đức xảy ra vào ngày 10 tháng 4, khi tàu khu trục Mỹ Niblack thả mìn nổ sâu xuống vị trí một tàu ngầm Đức. Ngày 22 tháng 5, Raeder trở lại Berghof với một bản ghi nhớ dài đề xuất những biện pháp phản công đối với hành động thù nghịch của Tổng thống Roosevelt, nhưng vẫn không thể lay chuyển Hitler. Raeder ghi lại: "Lãnh tụ nghĩ thái độ của Tổng thống Mỹ là chưa rõ ràng. Trong bất kỳ tình huống nào, ông ấy vẫn không muốn gây ra bất kỳ sự cố nào có thể khiến cho Hoa Kỳ tham chiến." Khi chiến dịch đánh Nga bắt đầu, Đức càng có thêm lý do để tránh sự cố với Mỹ. Ngày 21 tháng 6, một ngày trước cuộc tấn công, Hitler nêu rõ điều này với Raeder .

"Lãnh tụ tuyên bố cụ thể rằng cho đến khi Chiến dịch Barbarossa tiến triển tốt, ông vẫn muốn tránh mọi sự cố với Hoa Kỳ. Sau vài tuần, tình hình sẽ sáng tỏ và có hiệu quả thuận lợi hơn đối với Mỹ và Nhật. Mỹ sẽ càng không muốn tham chiến vì e ngại sự đe doạ của Nhật lúc này càng ngày càng rõ ràng.Vì thế nếu có thể, trong vài tuần tới phải ngừng tấn công mọi tàu hải quân trong vùng Đức đang phong toả." Khi Raeder cố biện luận rằng vào ban đêm khó mà phân biệt tàu đối phương với tàu của quốc gia trung lập, thì Hitler ngắt lời và chỉ thị Hải quân phải tránh sự cố với Mỹ. Vì thế, vị Tư lệnh Hải quân ra chỉ thị ngừng các cuộc tấn công bất kỳ tàu chiến của nước nào nếu không nhận rõ đó là tàu Anh. Không quân cũng nhận chỉ thị tương tự .

Ngày 9 tháng 7, Tổng thống Roosevelt loan báo rằng những lực lượng Mỹ sẽ tiếp quản sự chiếm đóng Iceland từ tay Anh. Đức phản ứng mạnh mẽ ngay lập tức. Ribbentrop gửi điện cho Nhật nói rằng "sự xâm lấn của Quân đội Mỹ được Anh hỗ trợ... là hành động khiêu khích cả Đức và châu Âu" .

Raeder vội đi đến Hang Sói, nơi Lãnh tụ đang chỉ đạo cuộc chiến ở Liên Xô. Ông nói ông cần có một quyết định "xem động thái của Mỹ... là hành động chiến tranh hay không, hay chỉ là sự khiêu khích có thể được bỏ qua". Đối với Hải quân Đức, họ xem việc Mỹ đổ quân lên Iceland là hành động chiến tranh và họ cũng nhắc nhở Lãnh tụ về mọi hành động "thù nghịch" của Chính phủ Roosevelt nhằm chống Đức. Hơn nữa, Hải quân đòi hỏi quyền được bắn chìm tàu hàng Mỹ trong vùng hộ tống và tấn công tàu chiến Mỹ nếu thấy cần thiết. Thế mà trước Toà án Nuremberg, Raeder lại khai rằng mình đã tìm mọi cách để tránh gây chiến với Mỹ .

Dù sao, Hitler vẫn khước từ lời yêu cầu. Raeder ghi lại: "Lãnh tụ giải thích rằng ông muốn cố trì hoãn việc Mỹ tham chiến thêm một hoặc hai tháng nữa. Một mặt phải tiến hành chiến dịch ở phía Đông với toàn bộ Không lực... mà ông thì không muốn chia sẻ lực lượng, mặt khác một chiến dịch thắng lợi sẽ có ảnh hưởng vô cùng lớn đến toàn bộ tình hình và có lẽ cũng đến thái độ của Mỹ. Vì thế trong lúc này, ông không muốn thay đổi những chỉ thị đã đưa ra và vẫn muốn tránh mọi sự cố." Khi Raeder biện luận rằng các hạm trưởng không thể bị quy trách nhiệm vì "nhầm lẫn" nếu bị tàu chiến Mỹ đánh, thì Hitler phản pháo lại rằng Hải quân nên "nhận định chắc chắn" đó là tàu địch trước khi tấn công. Để đảm bảo các đô đốc hiểu ý mình một cách thông suốt, ngày 19 tháng 7 Lãnh tụ ban hành một chỉ thị cụ thể, quy định là "trong vùng mở rộng có hoạt động của tàu buôn Mỹ, dù tàu đi một mình hoặc đi cùng với tàu hộ tống của Anh hay Mỹ, thì đều không được phép tấn công". Trong vùng phong toả, mà Hoa Kỳ cũng công nhận là vùng ngoài tầm hoạt động, Đức có thể tấn công tàu Mỹ, nhưng Hitler ghi rõ là vùng chiến tranh này "không bao gồm tuyến hàng hải Mỹ-Iceland" .

Nhưng, đúng như Raeder đã nói, "nhầm lẫn" vẫn xảy ra. Ngày 21 tháng 5, một tàu ngầm Đức đánh chìm tàu hàng Robin Moor của Mỹ trên đường đến Nam Phi và ở địa điểm ngoài vùng phong toả khá xa. Đến cuối mùa hè, thêm 2 chiếc tàu hàng Mỹ bị đánh chìm. Ngày 4 tháng 9, 1 tàu ngầm bắn 2 quả ngư lôi vào 1 tàu khu trục Mỹ nhưng không trúng. Tuần sau, trong một bài diễn văn Roosevelt thông báo ông đã cho phép Hải quân Mỹ "bắn ngay khi phát hiện" và cảnh cáo rằng tàu chiến của Phe Trục phải "chịu rủi ro" nếu đi vào vùng phòng vệ của Mỹ .

Bài diễn văn này khiến Đức điên tiết. Báo chí Quốc xã chỉ trích Roosevelt là "kẻ gây chiến số một". Ribbentrop khai trước Toà án Nuremberg là Hitler tỏ ra "rất kích động". Tuy nhiên, khi Raeder đi đến Hang Sói ít ngày sau, Hitler dịu lại. Lãnh tụ vẫn khước từ yêu cầu của Hải quân cho phép tấn công tàu Mỹ. Raeder ghi chép cuộc đối thoại: "[Vì lẽ] cuối tháng là ta đã có thể đưa đến quyết định quan trọng về chiến dịch chống Nga, nên Lãnh tụ yêu cầu phải cẩn trọng nhằm tránh gây sự cố đối với tàu hàng trước giữa tháng Mười." Raeder buồn rầu ghi: "Vậy nên, Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh Tàu ngầm [Doenitz] phải rút lại ý kiến đề nghị. Cần thông báo cho các tàu ngầm về lý do phải tạm thời duy trì lệnh cũ." Xét qua toàn thể vụ việc, rõ ràng Hitler đã biết cách kiềm chế một cách lạ thường. Và cũng phải công nhận là các hạm trưởng tàu ngầm càng gặp khó khăn hơn khi hoạt động giữa gió to sóng cả trên Đại Tây Dương, cùng với đó là luôn phải đối đầu với những phương pháp chống tàu ngầm càng ngày càng hữu hiệu của Anh, đôi khi còn được tàu Mỹ yểm trợ săn đuổi .

Ngày 9 tháng 11, trong một bài diễn văn tại Munich, Hitler trả lời Roosevelt: "Tổng thống Roosevelt đã ra lệnh cho tàu của ông bắn ngay khi họ thấy tàu Đức. Tôi đã ra lệnh tàu Đức không được bắn khi thấy tàu Mỹ, mà chỉ được tự vệ khi bị tấn công. Tôi sẽ đem ra toà án binh xử bất kỳ sĩ quan Đức nào không tự bảo vệ được mình." Rồi đến ngày 13 tháng 11, Hitler ban hành chỉ thị là trong khi cố tránh đụng độ với tàu chiến Mỹ, tàu ngầm Đức phải tự vệ để khỏi bị tấn công .

Dĩ nhiên là trước đó tàu ngầm Đức đã thực hiện việc này. Đêm 16, rạng sáng ngày 17 tháng 10, tàu khu trục Kearny của Mỹ đến yểm trợ một đoàn tàu hàng đang bị tàu ngầm Đức tấn công, thả vài khối mìn nổ sâu lên một trong những tàu ngầm này và bị tấn công trả đũa. 11 thuỷ thủ thiệt mạng. Đây là số thương vong đầu tiên khi mà cả Đức lẫn Mỹ đều chưa tuyên chiến .

Roosevelt tố cáo phía Đức đã bắn trước. Nhưng công bằng mà nói, khi thả mìn nổ sâu, thì có thể xem như phía Mỹ đã khai chiến trước. Bên cạnh đó cũng có thêm nhiều cuộc đụng độ diễn ra. Ngày 31 tháng 10, chiếc khu trục Reuben James của Mỹ bị chìm vì trúng ngư lôi trong khi đang làm nhiệm vụ hộ tống. Trong số thuỷ thủ đoàn gồm 145 người, 100 bao gồm cả 7 sĩ quan đã thiệt mạng. Vậy là, một thời gian dài trước khi chính thức tuyên chiến, cả 2 bên đều đã khai hoả .

NHẬT CHƠI THEO CÁCH RIÊNG Như ta đã thấy, Hitler đã giao cho Nhật vai trò giữ Mỹ đứng ngoài vòng chiến, ít nhất là trong một thời gian. Ông biết rằng nếu Nhật chiếm Singapore và đe doạ Ấn Độ, họ sẽ vừa gây bất lợi cho Anh vừa khiến cho Mỹ chuyển mối quan tâm – và vài lực lượng – từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương. Thậm chí ông đã khẩn cầu Nhật tấn công Vladivostok vì ông nhận thấy đó là cách giúp đánh bại Nga nhanh hơn và cũng gây thêm sức ép cho Mỹ giữ trung lập. Điều kỳ lạ là cả Hitler hoặc bất kỳ ai khác ở Đức đều không nhận ra rằng Nhật cũng có những vấn nạn của riêng họ. Nhật không dám tiến công mạnh mẽ ở Đông Nam Á để chống Anh và Hà Lan, chưa nói đến đánh Liên Xô ở mặt sau, trong khi chưa củng cố mặt sau của Nhật bằng cách tiêu diệt Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Đúng là Đức đã hứa với Matsuoka rằng Đức sẽ tham chiến chống Mỹ nếu Nhật cũng chống Mỹ, nhưng Matsuoka đã ra đi. Hơn nữa, Hitler đã luôn kêu gọi Nhật tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ mà nên chú trọng đến Anh và Nga. Cho nên giới lãnh đạo Đức không thể ngờ rằng Nhật lại muốn ưu tiên thách thức Mỹ .

Không phải là Đức muốn Nhật và Mỹ hoà hoãn với nhau, mà điều này sẽ làm hỏng mục đích của Hiệp ước Ba bên là khiến cho Mỹ e sợ mà đứng ngoài vòng chiến. Ít nhất là một lần Ribbentrop đã nhận xét một cách thành thực và chính xác về ý nghĩ của Hitler, khi ông khai ở Nuremberg: "Lãnh tụ sợ rằng nếu Hoa Kỳ và Nhật ký kết hiệp ước với nhau, thì điều này có nghĩa là Mỹ có mặt sau an toàn, vì thế họ có thể tham chiến nhanh hơn... Ông ấy lo lắng về một hiệp ước bởi vì có vài phe nhóm ở Nhật đã có ý muốn hoà hoãn với Mỹ." Một người trong nhóm này là Đô đốc Kichisaburo Nomura, tân Đại sứ Nhật tại Mỹ từ tháng 2 năm 1941, người đã có những cuộc hội đàm với Cordell Hull bắt đầu từ tháng Ba với mục đích dàn xếp một cách ôn hoà những bất đồng giữa 2 nước. Điều này đã khiến cho Đức phải lo ngại. Thực tế là Đức đã tìm mọi cách để phá hoại những cuộc hội đàm Nhật-Mỹ ở Washington. Thứ trưởng Ngoại giao Weizsaecker cảnh báo với Ribbentrop rằng "bất kỳ hiệp ước chính trị nào giữa Nhật và Hoa Kỳ đều sẽ bất lợi vào lúc này", đồng thời ông cũng thúc giục phải ngăn chặn việc đó kẻo Nhật sẽ rời bỏ Phe Trục. Đại sứ Nhật Ott tại Mỹ cũng thường cảnh báo về những vòng đàm phán Hull-Nomura. Dù thế, 2 người vẫn tiếp tục đàm phán. Đức bèn chuyển qua cách thức mới: Cố dẫn dụ Mỹ thôi hỗ trợ Anh và ngừng chính sách thù địch với Đức .

Đó là vào tháng Năm. Mùa hè đã mang đến một sự thay đổi. Vào tháng Bảy, Hitler quan tâm chủ yếu đến việc thúc đẩy Nhật tấn công Liên Xô và cũng trong tháng này, Hull rút ra khỏi vòng đàm phán với Nomura vì quân Nhật đã xâm lăng 3 nước Đông Dương. Đàm phán được tiếp nối sau khi Chính phủ Nhật đề xuất một cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Konoye và Tổng thống Roosevelt nhằm dàn xếp hoà bình. Berlin không thích việc này chút nào và Ott lại đi đến Bộ Ngoại giao Nhật để bày tỏ sự bất mãn. Cả Ngoại trưởng Toyoda và Thứ trưởng Amau đều nhẹ nhàng nói với ông rằng cuộc hội kiến Konoye-Roosevelt chỉ nhằm thúc đẩy mục đích của Hiệp ước Ba bên là "ngăn Mỹ tham chiến" .

Vào mùa thu, khi mà những cuộc đàm phán Hull-Nomura vẫn đang tiếp tục, thì chính quyền Đức lại quay lại chiến thuật cũ mà họ đã dùng vào mùa xuân. Đức yêu cầu Nhật ra chỉ thị cho Nomura cảnh cáo Mỹ rằng nếu Mỹ vẫn tiếp tục những hành động kém thân thiện đối với 2 thành viên Phe Trục châu Âu, Đức và Ý có thể tuyên chiến. Và khi ấy theo điều khoản của Hiệp ước Phe Trục, Nhật sẽ phải tham gia với 2 nước. Dĩ nhiên là Hitler vẫn không muốn có Mỹ trong chiến tranh. Động thái ấy chỉ nhằm hù doạ để Mỹ đứng ngoài vòng chiến, đồng thời giảm áp lực trên Đại Tây Dương .

Ngoại trưởng Hull biết ngay về áp lực mới của Đức, nhờ máy "Magic" (Phép thuật) được sử dụng từ cuối năm 1940 để giải mã những liên lạc bằng vô tuyến và điện tín của Nhật với Washington, Berlin và những thủ đô khác. Toyoda gửi yêu cầu của Đức đến Nomura ngày 16 tháng 10 năm 1941, chỉ thị cho ông này đưa một bản tóm tắt cho Hull .

Cùng ngày ấy, Chính phủ Toyoda bị thay thế bằng Nội các quân phiệt do Tướng Hideki Tojo cầm đầu. Đại sứ Nhật tại Đức, Tướng Oshima cũng có đầu óc quân phiệt, thông báo tin vui với Đức. Ông giải thích rằng sự xuất hiện của Tojo có nghĩa là Nhật sẽ thiên về Phe Trục và những vòng đàm phán ở Washington sẽ chấm dứt. Không rõ có phải là cố ý hay không, nhưng ông lại quên báo cho những người bạn Quốc xã của mình về những hệ luỵ khi chấm dứt đàm phán như thế. Đó là, Chính phủ mới của ông quyết chí gây chiến với Mỹ nếu Roosevelt không chấp nhận yêu sách của Nhật: Được rảnh tay để chiếm đóng Đông Nam Á .

Cả Ribbentrop lẫn Hitler đều không nhận ra xu hướng này, vì họ vẫn xem Nhật đắc dụng cho Đức nếu Nhật tấn công Siberia và Singapore, điều đó khiến cho Mỹ cứ lo lắng ở Thái Bình Dương và đứng ngoài vòng chiến. Lãnh tụ và vị Ngoại trưởng đần độn của ông dĩ nhiên không bao giờ hiểu rằng khi chấm dứt đàm phán Mỹ-Nhật, hệ luỵ chính là điều họ đang cố tránh: Mỹ tham chiến. Konoye sau này tiết lộ rằng Quân đội thúc ép mình tuyên chiến với Mỹ nếu Roosevelt không chấp nhận yêu sách của Nhật .

Trong tình huống đó, thời gian ngày càng trở nên cấp bách .

Ngày 15 tháng 11, Saburo Kurusu đi đến Washington với tư cách đặc sứ để hỗ trợ Nomura trong các vòng đàm phán. Nhưng chẳng bao lâu sau, Ngoại trưởng Hull nhận thấy rằng Kurusu, người trước đây từng ký vào Hiệp ước Ba bên và có phần thân Đức, không hề mang đến điều gì mới. Hull nghĩ mục đích của Kurusu là thúc đẩy Mỹ chấp nhận ngay yêu sách của Nhật, hoặc nếu không, là đàm phán dằng dai cho đến ngày Nhật sẵn sàng giáng cho Mỹ một đòn bất ngờ .

Ngày 19 tháng 11, có một bức điện từ Tokyo gửi đến Nomura mà phía Mỹ giải mã được. Nếu Đại sứ quán bắt được bản tin phát thanh trên sóng ngắn nói đến "gió Đông, mưa" thì có nghĩa là Chính phủ Nhật sẽ tuyên chiến với Mỹ. Khi nhận được mật hiệu như thế, Nomura phải phá huỷ mọi mã số và tài liệu mật .

Lúc này, chính quyền Đức mới nhận thấy chuyện gì đang diễn ra. Trước ngày Nomura nhận chỉ thị về "Gió", ngày 18 tháng 11, Ribbentrop ngạc nhiên khi nhận được yêu cầu của Nhật là 2 nước nên ký một hiệp ước quy định không dàn xếp hoà bình riêng rẽ với kẻ thù chung. Ai là kẻ thù chung thì phía Nhật không nói rõ, nhưng vị Ngoại trưởng Quốc xã cứ nghĩ đó là Liên Xô. Ông đồng ý "trên nguyên tắc" đối với đề xuất đó, đồng thời cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi rốt cuộc Nhật đã đồng ý sẽ đánh Liên Xô ở Siberia. Điều này là vừa đúng lúc, vì lẽ Nga đang phản công ngày một mạnh hơn và mùa Đông Nga đang đến – sớm hơn nhiều so với dự trù. Nếu Nhật chịu tấn công Vladivostok và những tỉnh có hoạt động hàng hải phát triển ở Thái Bình Dương, thì họ sẽ có thể tạo thêm sức ép để Liên Xô chóng sụp đổ .

Nhưng Ribbentrop đã nhanh chóng vỡ mộng. Ngày 23 tháng 11, Đại sứ Ott gửi điện từ Tokyo cho biết có nhiều dấu hiệu là Nhật định chiếm Thái Lan và những mỏ dầu của Hà Lan ở Borneo, Indonesia và Nhật còn hỏi xem liệu Đức có muốn ủng hộ Nhật tuyên chiến hay không. Rõ ràng là thay vì đánh Liên Xô, Nhật lại muốn gây chiến với Hà Lan và Anh ở vùng Nam Thái Bình Dương, rồi kế tiếp có thể lâm chiến với Mỹ. Nhưng Ribbentrop và Ott không hiểu ra điểm sau cùng. Họ chỉ thấy Nhật chiếm lấy những tài sản của Hà Lan và Anh mà không động chạm đến quyền lợi của Mỹ .

Sự thiếu hiểu biết của Quốc xã là do Nhật không thông tin đầy đủ cho Đức về những dự định với Mỹ. Nhờ máy giải mã "Magic" mà Hull lại nắm rõ tình hình hơn. Ông biết tân Ngoại trưởng Nhật, Shigenori Togo, đã định ngày 25 tháng 11 là hạn chót ký hiệp ước dựa theo yêu sách của Nhật. Những đề xuất cuối cùng của Nhật được đưa đến Washington ngày 20 tháng Hull và Roosevelt biết thế vì 2 ngày sau, "Magic" giải mã một công lệnh của Togo gửi cho Nomura và Kurusu: "Có những lý do mà các anh không thể đoán ra tại sao ta lại muốn định đoạt quan hệ Nhật – Mỹ vào ngày 25. Nhưng nếu không kịp... ta có thể chờ cho đến ngày 29. Thời hạn đó là chắc chắn, tuyệt đối không thể thay đổi điều này. Sau đó, sự việc sẽ tự nó diễn ra." 25 THÁNG 11 NĂM 1941 LÀ MỘT NGÀY TRỌNG ĐẠI Vào ngày này, lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay của Nhật di chuyển đến Trân Châu Cảng. Ở Washington, Hull đi đến Nhà Trắng để báo động về hiểm hoạ từ Nhật và nhấn mạnh với các tư lệnh Lục quân và Hải quân về khả năng Nhật tấn công bất ngờ. Cũng vào ngày này, ở Berlin có một buổi lễ khá kệch cỡm để 3 nước Phe Trục tái xác nhận Hiệp ước Đệ tam Quốc tế năm 1936. Đó là một động thái rỗng tuếch, hoàn toàn không thể kéo Nhật vào cuộc chiến chống Liên Xô mà chỉ tạo cơ hội cho Ribbentrop tố giác Roosevelt là "thủ phạm chính cho cuộc chiến này, " cùng với đó là nhỏ những giọt nước mắt cá sấu vì "dân tộc Mỹ... chân thật, mộ đạo" đang bị một nhà lãnh đạo vô trách nhiệm như thế phản bội .

Dường như vị Ngoại trưởng Quốc xã đã bị chính ngôn từ của mình mê hoặc. Ngày 28 tháng 11, sau cuộc họp chiến tranh do Hitler chủ trì, ông gọi điện cho Đại sứ Oshima cho biết thái độ của Đức đối với Mỹ đã "cứng rắn hơn nhiều". Hitler sẽ từ bỏ chính sách giữ cho Mỹ ở ngoài cuộc chiến. Thế rồi đột nhiên, Ribbentrop thúc giục Nhật gây chiến với Mỹ cũng như với Anh và hứa rằng Đức sẽ ủng hộ. Ribbentrop cảnh báo: "Nếu Nhật lưỡng lự... thì mọi sức mạnh quân sự của Anh và Mỹ sẽ tập trung chống Nhật" – một luận điểm khá ngu xuẩn trong khi cuộc chiến châu Âu vẫn còn đang tiếp diễn. Rồi Ribbentrop nói thêm: "Như Hitler đã tuyên bố vào ngày hôm nay, có những mâu thuẫn cơ bản trong quyền sinh tồn giữa Đức-Nhật và Mỹ... chẳng còn hy vọng nào cho đàm phán Nhật-Mỹ thành công vì Mỹ vẫn cứng rắn .

Nếu đúng như thế và Nhật đi đến quyết định chống Anh và Mỹ, thì tôi tin chắc rằng việc này sẽ phục vụ quyền lợi của Đức và Nhật, đồng thời còn mang lại kết quả thuận lợi cho Nhật." Vị Đại sứ Nhật tại Đức ngạc nhiên một cách thích thú. Nhưng ông muốn biết chắc là mình hiểu đúng. Ông hỏi: "Có phải Ngài [Hitler] cho rằng sẽ có tình trạng chiến tranh giữa Đức và Hoa Kỳ hay không?" Ribbentrop lưỡng lự. Có lẽ ông nhận ra rằng mình đã đi quá xa. Ông đáp: "Roosevelt là kẻ cuồng tín, vì thế không thể nói trước được ông ấy sẽ làm gì." Đối với Oshima, đó là một câu trả lời kỳ lạ và không thoả đáng, nếu xét qua những gì Ribbentrop đã nói trước đó. Ông vẫn cố hỏi thêm: Đức sẽ làm gì nếu cuộc chiến thật sự lan đến "những quốc gia đang giúp đỡ Anh?" Ribbentrop trả lời: "Nếu Nhật lâm chiến với Hoa Kỳ, thì dĩ nhiên là Đức sẽ tham chiến lập tức. Hoàn toàn không có việc Đức đi đến thoả thuận hoà bình riêng rẽ với Mỹ trong tình huống như thế. Lãnh tụ đã nhất quyết về điểm này." Đây là câu trả lời dứt khoát mà Nhật đang trông chờ. Đúng là vào mùa xuân, Hitler cũng từng nói theo cách tương tự với Matsuoka, nhưng trong thời gian qua họ đã quên mất điều đó, vì ông ta còn bực bội vì Nhật từ chối tham gia cuộc chiến chống Liên Xô. Việc duy nhất còn lại chính là phải ép Đức đảm bảo bằng văn bản. Sau khi Tướng Oshima báo cáo về Tokyo ngày 29 tháng 11, ngày hôm sau ông nhận được chỉ thị mới, thông báo vòng đàm phán ở Washington đã tan vỡ. Chỉ thị ghi tiếp: "Vì thế ông phải lập tức hội kiến với Thủ tướng Hitler và Bộ trưởng Ngoại giao Ribbentrop, đồng thời kín đáo cho họ biết tóm tắt các diễn biến. Nói với Đức rằng Anh và Hoa Kỳ đã có thái độ gây hấn và cả 2 nước bọn họ đều đang chuẩn bị điều động lực lượng đến nhiều vùng ở Đông Á, nên dĩ nhiên ta sẽ phản ứng cũng bằng cách chuyển quân. Hãy bí mật nói với Đức rằng có nguy cơ rất lớn là chiến tranh sẽ đột ngột xảy ra giữa Nhật và các nước Anglo-Saxon qua vài cuộc chạm súng, cùng với đó thời điểm cho cuộc chiến này xảy ra có thể nhanh hơn ta nghĩ." Lúc đó, hạm đội Nhật đang tiến đến gần Trân Châu Cảng. Vì vậy, Nhật rất nóng lòng muốn Đức ký kết. Cùng ngày 30 tháng 11, Oshima nhận được chỉ thị mới, Ngoại trưởng Nhật đang hội kiến với Đại sứ Đức tại Tokyo, nhấn mạnh rằng vòng đàm phán ở Washington tan vỡ vì Nhật từ chối yêu cầu của Mỹ là từ bỏ Hiệp ước Ba bên, Phía Nhật hy vọng Đức đánh giá cao sự hy sinh vì sự nghiệp chung này. Togo nói với Tướng Ott: "Những quyết định trọng đại đang đến gần. Hoa Kỳ đang nghiêm túc chuẩn bị cho chiến tranh... Nhật không sợ thất bại khi đàm phán và hy vọng rằng trong trường hợp này, Đức và Ý sẽ thể theo Hiệp ước Ba bên mà về phe với Nhật." Ott gọi điện về Berlin: "Tôi đã trả lời rằng chẳng còn nghi ngờ gì về quan điểm của Đức trong tương lai. Kế đến Bộ trưởng Ngoại giao Nhật nói, qua lời của tôi, ông ấy hiểu rằng trong trường hợp này, Đức sẽ xem quan hệ với Nhật là quan hệ của một cộng đồng của định mệnh. Tôi trả lời rằng, theo ý kiến riêng của tôi, chắc chắn Đức đã sẵn sàng để có sự đồng ý tương hỗ giữa 2 quốc gia trong hoàn cảnh hiện tại." MỘT NGÀY TRƯỚC KHI XẢY RA TRÂN CHÂU CẢNG Tướng Oshima là người rất yêu thích nhạc cổ điển Đức-Áo, nên dù tình hình có trầm trọng và căng thẳng, ông vẫn đi Áo để thưởng thức một buổi hoà nhạc Mozart. Nhưng ông không nghe được hết chương trình âm nhạc thú vị của thiên tài soạn nhạc người Áo này vì một cuộc gọi khẩn cấp vào ngày 1 tháng 12 đã khiến cho ông phải vội vã quay về Đại sứ quán Nhật ở Berlin, nơi ông nhận được chỉ thị mới yêu cầu Đức điền vào những chỗ trống trong bản hiệp ước. Thời gian chẳng còn nhiều .

Thế nhưng bây giờ khi đang bị thúc ép, Ribbentrop lại chần chừ. Có vẻ như lần đầu tiên nhận ra những hệ luỵ do đã hứa hẹn một cách cẩu thả, nên vị Ngoại trưởng Quốc xã đã tỏ ra lạnh nhạt và né tránh. Ông nói với Oshima rằng mình phải bàn bạc với Lãnh tụ trước khi cam kết thật sự. Vị Đại sứ Nhật trở lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba, nhưng Ribbentrop vẫn đình hoãn. Khi Oshima khẩn cầu rằng tình hình đã đến mức hết sức gay cấn, thì vị Ngoại trưởng trả lời rằng dù cá nhân mình ủng hộ một hiệp ước bằng văn bản, nhưng vụ việc phải chờ cho đến cuối tuần khi Lãnh tụ từ tổng hành dinh trở về. Thật ra, lúc này Hitler đã bay về mặt trận miền Nam nước Nga để gặp Tướng von Kleist, vì các đoàn quân của ông này đang tiếp tục rút lui .

Vào lúc này, vị Đại sứ Nhật đi gặp Mussolini lúc ấy không bận rộn ở mặt trận nào cả, để yêu cầu Ý tuyên chiến với Mỹ theo tinh thần Hiệp ước Ba bên. Nhật cũng muốn có một hiệp ước quy định không bên nào đi tìm hoà bình riêng rẽ. Mussolini nói mình sẽ "lấy làm vui mừng" thuận theo, nhưng phải là sau khi đã thảo luận với Đức .

Trong khi ấy, Đức lại tỏ ra vô cùng cẩn trọng. Đến 3 giờ sáng ngày 5 tháng 12, Ribbentrop trao cho Tướng Oshima bản thảo hiệp ước quy định Đức sẽ hợp lực với Nhật trong cuộc chiến chống Mỹ và không kiếm tìm hoà bình riêng rẽ. Sau khi đi đến quyết định định mệnh và đảo ngược chính sách đã theo đuổi trong suốt 2 năm, lúc này Đức lại nóng lòng muốn Ý cùng ký hiệp ước. Đại sứ Mackensen tại Ý mang đến nhà Ciano một bản dự thảo .

Phía Nhật lúc ấy đã có bản dự thảo nhưng vẫn tỏ ra lo lắng, vì Hitler và Mussolini đều chấp thuận nhưng vẫn chưa ký. Họ nghi là Lãnh tụ đang chần chừ vì muốn có đi có lại: Nếu Đức hợp lực với Nhật trong cuộc chiến chống Mỹ, Nhật sẽ phải hợp lực với Đức trong cuộc chiến chống Liên Xô. Ngày 10 tháng 11, Ngoại trưởng Nhật chỉ thị cho đại sứ của mình: "Nếu [họ] hỏi anh về thái độ của ta đối với Liên Xô, hãy nói ta đã tỏ rõ thái độ trong lời tuyên bố vào tháng Bảy rồi. Hãy nói khi ta tiến về hướng Nam, thì ta cũng không có ý định nới lỏng áp lực lên Liên Xô. Và nếu Liên Xô hợp tác chặt chẽ hơn với Anh-Mỹ và thù nghịch với ta, thì ta sẵn sàng quay sang họ với tất cả sức mạnh. Tuy nhiên, vào lúc này, ta có lợi thế để tiến đánh về hướng Nam và sẽ kiềm chế những động thái về hướng Bắc." Ngày 6 tháng 12 đã đến. Vào ngày này, Zhukov mở một đợt phản công phía trước Moscow, quân Đức thoái lui trên lớp tuyết và trong không khí giá lạnh. Hitler càng có thêm lý do để đòi được có đi có lại. Bộ Ngoại giao Nhật tỏ ra lúng túng về việc này. Lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Nhật đang tiến đến gần Trân Châu Cảng. Cho đến thời điểm này như là có phép lạ – hạm đội vẫn chưa bị tàu hoặc máy bay Mỹ phát hiện. Nhưng nó vẫn có thể bị phát hiện bất cứ lúc nào. Tokyo đang gửi 1 công lệnh dài cho Nomura và Kurusu ở Washington, chỉ thị họ đến gặp Ngoại trưởng Hull đúng vào lúc 1 giờ trưa hôm sau, Chủ Nhật ngày 7 tháng 12, để trao công hàm tuyên bố Nhật khước từ những đề xuất của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng việc đàm phán "trên thực tế đã tan vỡ". Chính phủ Nhật nóng lòng muốn Đức ký vào văn bản ủng hộ họ. Người Nhật vẫn chưa tin cậy Đức nên vẫn không thông báo trận không tập sẽ được tiến hành vào ngày hôm sau. Nhưng họ càng lo lắng hơn nếu Hitler lần lữa để chờ Nhật đồng ý chiến đấu với cả Anh và Liên Xô. Dù tự lừa dối về khả năng đánh Mỹ và Anh, nhưng các tướng lĩnh và đô đốc Nhật vẫn còn đủ khôn ngoan mà nhận ra rằng họ không thể cùng lúc đánh Mỹ và Liên Xô – dù cho được Đức trợ giúp .

Chỉ thị của Togo cho Oshima vào ngày Chủ Nhật định mệnh này, bị Mỹ giải mã, cho thấy tấn trò ngoại giao của Nhật đối với Đế chế Thứ Ba vào giờ chót .

"Ta muốn tránh... xung đột vũ trang với Nga cho đến khi hoàn cảnh chiến lược được thuận lợi, vì vậy nên giải thích cho Đức hiểu vị thế của ta và đàm phán với họ để ít nhất hiện tại họ không đòi hỏi phải trao đổi công hàm ngoại giao về vấn đề này nữa .

Hãy giải thích kỹ càng cho họ rằng hàng hoá Mỹ đang được chở đến Liên Xô có số lượng và chất lượng đều thấp, và rằng trong trường hợp ta bắt đầu cuộc chiến với Hoa Kỳ, ta sẽ bắt giữ tất cả tàu Mỹ đang đi đến Liên Xô. Phải cố đạt được sự thông hiểu trong việc này .

Tuy nhiên, nếu Ribbentrop nhất quyết đòi hỏi ta đảm bảo, hãy... tuyên bố rằng theo nguyên tắc, ta sẽ ngăn chặn khí tài chiến tranh được chở từ Mỹ đến Liên Xô ngang qua hải phận Nhật và thuyết phục họ đồng ý... bổ sung rằng vì lý do chiến lược khiến cho việc cần làm hiện nay là phải giữ cho Liên Xô không tấn công Nhật (ý tôi muốn nói là ta không thể bắt giữ tàu Liên Xô), vì nếu vậy ta sẽ không thể thực hiện việc ấy một cách chu toàn .

Nếu Chính phủ Đức không đồng ý [với điều kiện nêu trên] và đặt điều kiện ta tham gia cuộc chiến và ký hiệp ước... thì ta không có cách nào khác hơn là đình hoãn việc ký kết hiệp ước này." Người Nhật không cần phải lo lắng đến thế. Vì những lý do mà giới quân phiệt Nhật không rõ và cũng không ai rõ, những lý do trái ngược với lý lẽ và tầm hiểu biết, Hitler đã không đòi hỏi Nhật phải tấn công Liên Xô, Mỹ và Anh, vì nếu ông ta kiên quyết đòi hỏi thì cuộc chiến có thể xoay theo chiều hướng khác .

Dù sao chăng nữa, vào buổi tối. ngày 6 tháng 12 năm 1941, Nhật nhất quyết giáng cho Mỹ một đòn đau ở Thái Bình Dương, tuy không ai ở Washington và Berlin biết ở đâu hay chính xác là khi nào điều đó sẽ diễn ra. Buổi sáng hôm ấy, Bộ Tư lệnh Hải quân Anh báo cho Chính phủ Mỹ là đã phát hiện 1 hạm đội lớn của Nhật tiến qua vịnh Thái Lan đến eo biển Kra, chứng tỏ Nhật định đánh Thái Lan trước tiên và có lẽ cả Malaya. Lúc 9 giờ tối, Tổng thống Roosevelt gửi 1 bức điện cá nhân đến Nhật hoàng xin ông cùng với mình tìm "cách thức xoá tan đám mây mù", đồng thời ông cũng cảnh cáo rằng việc Nhật tiến vào Đông Nam Á sẽ tạo ra một tình hình khó lường. Ở Bộ Hải quân Mỹ, các sĩ quan quân báo đã soạn báo cáo mới nhất về vị trí của những tàu chiến chủ chốt của Hải quân Nhật. Báo cáo liệt kê phần lớn số tàu này hiện còn thả neo tại căn cứ ở quê nhà, kể cả những tàu sân bay và tàu chiến của lực lượng đặc nhiệm chính vào lúc này đang cách Trân Châu Cảng chưa đến 500 km đang chuẩn bị cho máy bay cất cánh lúc bình minh .

Cũng vào buổi tối thứ Bảy này, Bộ Hải quân Mỹ thông báo cho Tổng thống và Hull rằng phải chăng Đại sứ quán Nhật đang phá huỷ các mật mã của họ. Quân báo phải giải mã bức điện dài của Togo, được gửi đến suốt buổi xế chiều gồm 14 đoạn. Vào lúc 9 giờ 30 phút tối, một sĩ quan hải quân đi đến Nhà Trắng với bản dịch 13 đoạn đầu. Roosevelt xem qua và nói: "Việc này có nghĩa là chiến tranh." Nhưng chính xác lúc nào và ở đâu thì bức điện không đề cập và vị Tổng thống cũng không biết .

Thậm chí Đô đốc Nomura cũng không biết .

Xa hơn về phía Đông Âu, Hitler cũng không biết. Ông còn biết ít hơn cả Roosevelt .

HITLER TUYÊN CHIẾN Trận không kích của Nhật xuống Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương) ngày Chủ Nhật, ngày 7 tháng 12 năm 1941 khiến cho cả Đức và Mỹ hoàn toàn bất ngờ. Trong một thời gian nhiều người tin rằng Hitler đã biết trước chính xác thời điểm của cuộc tấn công, nhưng tôi không thể tìm ra một mẩu chứng cứ nào trong tài liệu mật của Đức xác minh điều đó .

Dù Hitler đã hứa bằng miệng rằng Đức sẽ tham gia với Nhật trong cuộc chiến chống Mỹ, nhưng văn bản đảm bảo vẫn chưa được ký và người Nhật không hề hé ra nửa lời về chuyện Trân Châu Cảng. Hơn nữa, Hitler đang bận vực dậy tinh thần của tướng lĩnh và binh sĩ đang rút lui ở Liên Xô .

Màn đêm đã buông xuống Berlin khi cơ sở bắt tin phát thanh nước ngoài nhận tin về cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Khi một nhân viên của Cục Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao gọi điện báo tin cho Ribbentrop, ban đầu ông này không tin và vô cùng giận dữ vì bị quấy rầy. Ông nói "có lẽ đó là trò lừa tuyên truyền của địch" và ra lệnh không được làm phiền mình cho tới sáng. Vì thế, có lẽ Ribbentrop khai thật trước Toà án Nuremberg: "Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ về trận tấn công. Chúng tôi đã xét qua khả năng Nhật tấn công Singapore hoặc có lẽ là Hồng Kông, nhưng chúng tôi không bao giờ nghĩ tấn công Hoa Kỳ là có lợi cho Phe Trục cả." Chỉ có điều, trái ngược với lời khai, Ribbentrop lại tỏ ra rất vui sướng khi gọi điện cho Ciano. Và Mussolini cũng vui mừng. Trong một thời gian dài, ông này vẫn muốn phân định rõ ràng vị thế giữa Mỹ và Phe Trục .

Ngày 8 tháng 12 năm 1941, Oshima đi đến Wilhelmstrasse để yêu cầu Ribbentrop làm rõ quan điểm của Đức, đồng thời đòi hỏi Đức phải tuyên chiến chính thức với Mỹ "ngay lập tức" .

Ribbentrop cho biết sáng ngày này, "Hitler đã ra lệnh cho Hải quân Đức tấn công tàu Mỹ bất kỳ nơi nào vào bất kỳ lúc nào." Nhưng nhà độc tài vẫn còn dùng dằng trong việc tuyên chiến. Cùng lúc ở Tokyo, Ngoại trưởng Togo nói với Đại sứ Ott: "Hiện tại, Chính phủ Nhật cũng chờ mong Đức cũng sẽ nhanh chóng tuyên chiến với Hoa Kỳ." Từ buổi họp với các tướng lĩnh, Hitler quay về Berlin trong đêm 8 tháng Tại Toà án Nuremberg, Ribbentrop khai mình đã vạch ra với Hitler rằng Đức không nhất thiết phải tuyên chiến với Mỹ chiều theo Hiệp ước Ba bên, bởi vì rõ ràng Nhật là nước gây hấn .

"Bản văn của Hiệp ước Ba bên bắt buộc chúng tôi phải hỗ trợ Nhật chỉ trong trường hợp Nhật bị tấn công. Tôi đến gặp Lãnh tụ, giải thích khía cạnh pháp lý của tình hình và nói với ông ấy rằng, dù chúng tôi hoan nghênh một Đồng minh mới chống Anh, nhưng điều này cũng có nghĩa là chúng tôi có thêm một kẻ thù phải đối phó... nếu chúng tôi tuyên chiến với Mỹ .

Tôi nói với ông ấy rằng theo tinh thần Hiệp ước Ba bên, vì Nhật đã tấn công, nên chúng tôi không cần phải chính thức tuyên chiến. Lãnh tụ suy nghĩ về việc này một hồi rồi cho tôi một quyết định rõ ràng. Ông ấy nói: "Nếu ta không đứng về phía Nhật, Hiệp ước sẽ chết theo ý nghĩa chính trị. Nhưng đây không phải là lý do chính. Lý do chính là nước Mỹ hùng mạnh đang bắn tàu của ta. Họ đã là một yếu tố hùng mạnh trong cuộc chiến này và những hành động của họ đã chứng tỏ chiến tranh đang xảy ra." Lãnh tụ có ý kiến rằng vào lúc này, hiển nhiên là Hoa Kỳ sẽ tuyên chiến với Đức. Vì thế ông ấy ra lệnh cho tôi trao lại hộ chiếu cho đại diện của Mỹ." Đó là một quyết định mà Roosevelt và Hull ở Washington đang tự tin chờ đợi. Họ đã bị áp lực để đề nghị Quốc hội tuyên chiến với Đức và Ý sau khi đã tuyên chiến với Nhật. Nhưng 2 người vẫn quyết định chờ đợi. Trận tấn công Trân Châu Cảng giúp giải toả trách nhiệm biện minh nếu Mỹ muốn đánh Nhật. Và sau đó họ lại có thêm thông tin cho biết thái độ của nhà độc tài Quốc xã ngang ngạnh sẽ giúp Mỹ không cần viện lý lẽ biện minh khi muốn đánh Đức. Cảm tưởng của riêng tôi ở Washington vào lúc này là Tổng thống Roosevelt có thể khó thuyết phục Quốc hội tuyên chiến với Đức. Dường như trong cả 2 Viện ở Quốc hội, cũng như trong Lục quân và Hải quân, có những kiến mạnh mẽ rằng nên tập trung nỗ lực để đánh bại Nhật mà không nên cùng lúc đeo thêm gánh nặng là giao tranh với Đức .

Cũng như các nhà ngoại giao Đức khác ở hải ngoại, Đại biện lâm thời Hans Thomsen của Đức tại Washington thường không biết gì về những mưu đồ của Hitler và Ribbentrop, nhưng ông biết khá rõ dư luận Mỹ. Sau bài diễn văn của Roosevelt đọc trước Quốc hội Mỹ yêu cầu tuyên chiến với Nhật, Thomsen báo cáo về Berlin trong nhiều lần khác nhau: "Việc ông ấy [Roosevelt] không hề đề cập đến Đức và Ý cho thấy trước tiên ông muốn tránh làm cho tình hình trên Đại Tây Dương trở nên căng thẳng... Không biết chắc liệu Roosevelt có yêu cầu tuyên chiến với Đức và Ý hay không, nhưng theo quan điểm của các chỉ huy quân sự Mỹ, điều hợp lý là tránh mọi hành động dẫn đến chiến tranh 2 mặt trận... Các báo cáo xác nhận chỉ đến tháng 7 năm 1943, Mỹ mới có thể tham gia toàn diện vào cuộc chiến. Những động thái quân sự chống Nhật chỉ có tính chất phòng vệ... Chiến tranh với Nhật có nghĩa là chuyển mọi nguồn lực trong chương trình tái vũ trang của Mỹ... và mọi hành động đến Thái Bình Dương." Trong lúc ấy, Hitler quá chán ngán với những lời lẽ Roosevelt chỉ trích ông ta và Quốc xã, ông mất hết kiên nhẫn do Hải quân Mỹ đã có những hành động chống tàu ngầm Đức trên Đại Tây Dương. Bên cạnh đó, vì việc này mà trong gần 1 năm nay, Raeder cứ nài nỉ ông ta cho phép Hải quân Đức tấn công. Hitler có mối ác cảm càng ngày càng sâu sắc đối với nước Mỹ và người Mỹ. Và còn tệ hại hơn, càng ngày ông càng đánh giá thấp tiềm lực của Hoa Kỳ, điều này sẽ dẫn đến hậu quả cực kỳ tai hại và lâu dài. Đồng thời, Hitler đánh giá quá cao sức mạnh quân sự của Nhật. Có vẻ như ông tin rằng một khi người Nhật – với lực lượng Hải quân mà ông tin là mạnh nhất thế giới – đã đánh bại Anh và Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, thì họ có thể quay sang Liên Xô và giúp ông ta hoàn tất cuộc thôn tính lớn lao nhất ở phía Đông. Vài tháng sau, Hitler nói ra điều này với thuộc hạ, rằng ông nghĩ việc Nhật tham chiến có lợi lớn cho Đức .

"Vào lúc mà mùa Đông Nga đang trĩu nặng lên tinh thần của dân Đức và khi mọi người ở Đức đều bị ám ảnh rằng chẳng chóng thì chầy Hoa Kỳ sẽ tham chiến, sự can dự của Nhật là đúng lúc." Hơn nữa, Hitler còn ngưỡng mộ cuộc không kích bất ngờ và mãnh liệt xuống hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng, vì ông từng áp dụng nhiều lần yếu tố bất ngờ và cảm thấy hãnh diện về điều đó. Ông bày tỏ điều này với Đại sứ Oshima ngày 14 tháng 12, khi trao tặng cho ông này Huân chương Đại Thập tự Huân công của Chim Ó Đức. Hitler đã nói thêm rằng chiến thuật của Nhật tương ứng với "hệ thống của chúng tôi" .

"Cuộc đàm phán nên diễn ra càng lâu càng tốt. Nhưng nếu ta thấy bên kia chỉ muốn dằng dai, làm nhục ta và không muốn đạt thoả thuận, thì ta phải đánh – càng mạnh càng tốt – và đừng mất thời gian tuyên chiến. Ông ấy cảm thấy tâm đắc khi nghe những động thái đầu tiên của người Nhật. Chính ông đã đàm phán với lòng nhẫn nại vô bờ, ví dụ như với Ba Lan và Liên Xô. Lúc ông thấy bên kia không muốn đạt thoả thuận thì ông tấn công bất thình lình mà không qua trình tự gì hết. Ông sẽ tiếp tục cách này trong tương lai." Hitler còn có 1 lý do khác để quyết định thêm Mỹ vào danh sách những đối thủ đáng gờm. Tiến sĩ Schmidt ghi lại: "Tôi có cảm tưởng với lòng khao khát uy lực cố hữu, Hitler muốn tuyên chiến trước vì nghĩ Mỹ sắp sửa tuyên chiến." Hitler xác nhận như thế khi tuyên bố trước Nghị viện ngày 11 tháng 12: "Ta sẽ đánh trước. Ta luôn giáng đòn đầu tiên." Ngày 10 tháng 12, Đức sợ Mỹ có thể tuyên chiến trước đến nỗi Ribbentrop ra lệnh Đại biện lâm thời Thomsen không nên hé lộ cho phía Mỹ biết Hitler định làm gì ngày tiếp theo, Vị Ngoại trưởng Quốc xã gửi văn bản tuyên chiến cho Thomsen lúc 2 giờ 30 phút chiều ngày 11 tháng 12. Thomsen được lệnh đến gặp Hull đúng một tiếng đồng hồ sau, 3 giờ 30 phút theo giờ Berlin, để trao văn bản tuyên chiến, xin lại hộ chiếu và giao cho Thuỵ Sĩ quyền đại diện cho Đức. Ribbentrop cảnh cáo Thomsen không được liên lạc với Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi trao bản văn: "Trong mọi tình huống ta muốn tránh việc Chính phủ ở đó đi trước ta 1 bước." Hitler đã quyết định việc tuyên chiến từ ngày 9 tháng 12 sau khi trở về Berlin từ tổng hành dinh ở mặt trận Liên Xô. Có vẻ như ông ta cần thêm 2 ngày không phải để suy nghĩ lại, mà là để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng bài diễn văn đọc trước Nghị viện nhằm gây ấn tượng thích hợp đối với người dân Đức vốn còn có những hồi tưởng về vai trò quyết định của Mỹ trong Thế chiến I mà Hitler biết khá rõ .

Hans Dieckhoff trên danh nghĩa vẫn là đại sứ chính thức của Đức tại Mỹ nhưng đang nhàn rỗi ở Wilhelmstrasse từ khi 2 nước rút đại sứ về vào mùa thu 1938.Hiện tại, ông đã được giao soạn thảo một danh mục dài những hành động chống Đức của Roosevelt cho bài diễn văn của Lãnh tụ trước Nghị viện. Tuần trước, Ribbentrop yêu cầu ông soạn một bản ghi nhớ dài có tựa đề "Những nguyên tắc ảnh hưởng dư luận Mỹ". Trong số 11 nguyên tắc của ông có: Nguy cơ thật sự của Mỹ chính là cá nhân Roosevelt... Ảnh hưởng của người Do Thái lên Roosevelt... Khẩu hiệu của mọi bà mẹ Mỹ là "Tôi nuôi con trai tôi không phải để chết cho nước Anh!" Vài nhân viên ở Bộ Ngoại giao Mỹ và ở Đại sứ quán Mỹ tại Berlin đánh giá cao Dieckhoff và tin ông có tư tưởng chống Quốc xã. Cảm tưởng của riêng tôi là ông thiếu can đảm để chống Quốc xã. Ông phục vụ Hitler cho đến những giây phút cuối cùng trên cương vị Đại sứ tại Tây Ban Nha từ 1943 đến 1945 .

Cũng vào ngày 9 tháng 12, Thomsen ở Washington được lệnh đốt mật mã và hồ sơ mật. Lần đầu tiên, ông biết có chuyện gì đang xảy ra và báo cho Wilhelmstrasse rằng Chính phủ Mỹ hẳn cũng đã biết .

"Ở đây người ta tin rằng trong vòng 24 tiếng đồng hồ nữa, Đức sẽ tuyên chiến với Hoa Kỳ hoặc ít nhất là cắt đứt quan hệ ngoại giao." HITLER TẠI NGHỊ VIỆN: NGÀY 11 THÁNG 12 Bài diễn văn của Hitler đọc trước những đại biểu bù nhìn của Nghị viện ngày 11 tháng 12 nhằm để biện luận cho việc tuyên chiến với Hoa Kỳ và chủ yếu là dành cho việc công kích cá nhân Franklin D. Roosevelt, tố cáo vị Tổng thống này đã gây chiến nhằm che đậy thất bại của mình, đồng thời gào thét rằng "chỉ duy nhất con người này", kẻ được những nhà triệu phú và người Do Thái ủng hộ, phải "chịu trách nhiệm cho Thế chiến II". Hitler giận dữ trút ra mọi bất mãn đang chất chứa đối với người ngăn chặn ông ta thống trị thế giới, người liên tục mắng nhiếc ông ta, người viện trợ ồ ạt cho Anh vào lúc có vẻ như đảo quốc này đang sụp đổ .

"Cho phép tôi phân định thái độ của mình với thế giới kia, nơi được đại diện bởi một người chỉ thích trò chuyện bên lò sưởi trong khi binh sĩ của mình đang phải chiến đấu trên băng tuyết. Đó cũng chính là thủ phạm của cuộc chiến này .

Tôi sẽ bỏ qua những lời công kích của con người được gọi là Tổng thống kia nhằm hạ nhục tôi. Việc ông gọi tôi là gangster không có nghĩa lý gì cả. Dù sao đi nữa, ngôn từ này không phải xuất phát từ châu Âu mà là từ Mỹ, hiển nhiên bởi vì ở đây không có gangster. Ngoài điều này, Roosevelt không thể hạ nhục tôi, vì tôi xem ông là điên rồ, cũng như Wilson... Khởi đầu ông ta kích động chiến tranh, kế đến nguỵ tạo những nguyên do, rồi đội lốt một cách ghê tởm tính đạo đức giả Cơ Đốc, từ từ mà chắc chắn đưa nhân loại đến chiến tranh, mà vẫn không quên kêu gọi Thượng Đế chứng giám cho lòng nhân từ... Roosevelt phạm nhiều tội ác tệ hại nhất chống lại công pháp quốc tế: Bắt giữ tàu và tài sản khác của công dân Đức và Ý, đe doạ và cướp bóc những người không được hưởng tự do. Những cuộc tấn công của Roosevelt càng ngày càng tăng, thậm chí là đã đến mức ra lệnh Hải quân Mỹ tấn công mọi tàu thuyền mang cờ Đức và Ý, đồng thời đánh chìm chúng trong sự vi phạm nghiêm trọng công ước quốc tế. Các bộ trưởng Mỹ khoe khoang rằng đã phá huỷ tàu ngầm Đức theo cách thức như những tội phạm. Tàu buôn của Đức và Ý bị tàu tuần dương của Mỹ tấn công, bắt giữ và thuỷ thủ đoàn thì bị giam cầm .

Theo cách này, những nỗ lực chân thành của Đức và Ý nhằm ngăn chặn chiến tranh lan rộng và giữ mối quan hệ với Hoa Kỳ dù cho những khiêu khích... đã thất bại." Hitler hỏi động thái của Roosevelt là gì trong việc "tăng cường tư tưởng chống Đức đến mức gây chiến?" Ông đưa ra 2 cách giải thích: "Tôi hiểu quá rõ rằng có một khoảng cách rộng lớn giữa những ý tưởng của Roosevelt và của tôi. Roosevelt xuất thân từ 1 gia đình giàu có và thuộc về giai cấp có đường tiến thủ thuận lợi trong chế độ dân chủ. Tôi chỉ là người con của 1 gia đình nhỏ, nghèo khó và phải tìm đường tiến thân bằng cách làm việc. Khi Đại chiến xảy ra, Roosevelt chiếm một vị thế vốn chỉ tạo những thành quả tốt đẹp, nhiều người nhờ những thành quả đó mà vui hưởng, chỉ việc lo làm giàu trong khi những người khác thì phải đổ máu. Tôi chỉ là 1 trong những người chấp hành mệnh lệnh như là người lính bình thường và lẽ tự nhiên là từ cuộc chiến, tôi trở về trong hoàn cảnh vẫn còn nghèo khó vào mùa thu 1914. Tôi chia sẻ số phận với hàng triệu người, còn Franklin Roosevelt chỉ chia sẻ với đám gọi là Mười nghìn người Thượng lưu .

Sau chiến tranh, Roosevelt lo làm giàu bằng cách đầu cơ tài chính. Ông thu lợi nhuận nhờ sự lạm phát, bòn rút từ những người khốn khó, trong khi tôi... đang nằm trong một bệnh viện." Hitler tiếp tục với sự so sánh như thế rồi đi đến điểm thứ hai: Roosevelt chọn giải pháp chiến tranh nhằm né tránh hậu quả thất bại khi làm Tổng thống: "Chủ nghĩa Quốc gia Xã hội nắm chính quyền ở Đức cùng năm Roosevelt được bầu làm Tổng thống... Ông ta nắm lấy nhà nước trong tình trạng kinh tế rất yếu kém, còn tôi nắm quyền điều hành Đế chế lúc ấy còn đang phải đối mặt với hoang tàn do chế độ dân chủ gây ra... Trong khi dưới sự lãnh đạo của Quốc xã, nước Đức đã trải qua sự hồi phục vô tiền khoáng hậu về kinh tế, văn hoá và nghệ thuật, thì Tổng thống Roosevelt lại thất bại trong việc mang đến sự cải thiện dù là nhỏ nhặt nhất trên xứ sở của ông... Điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nếu ta nhớ rằng những người phục vụ ông, hay đúng ra những người dẫn dắt ông, lại là những kẻ thuộc thành phần Do Thái chỉ mong sự tan rã và không bao giờ màng đến trật tự... Chương trình Kinh tế – Xã hội Mới của Roosevelt là một sai lầm. Điều chắc chắn là nếu tiếp tục chính sách đó sẽ chỉ khiến cho vị Tổng thống này thất bại trong thời bình, dù cho ông có tài ăn nói. Nếu là ở một quốc gia châu Âu, chắc chắn cuối cùng ông ta sẽ ra hầu toà vì tội cố tình lãng phí tài sản quốc gia và khó thoát khỏi tội tiến hành những phương pháp kinh doanh phạm pháp." Hitler biết rằng có một số người Mỹ đồng tình với việc đánh giá Chương trình Kinh tế – Xã hội Mới này, nên ông muốn lợi dụng điểm đó. Ông không biết rằng sau sự kiện Trân Châu Cảng, những người này cùng với mọi người Mỹ khác đã đoàn kết lại để ủng hộ Tổng thống của họ. Hitler tiếp tục: "Nhiều người Mỹ, ngay cả những người ở vị trí cao, nhận ra và hiểu rõ sự kiện ấy. Làn sóng chống đối đang lơ lửng đe doạ trên đầu ông ta. Ông nghĩ rằng cách cứu rỗi duy nhất là lái dư luận từ chính sách trong nước ra ngoài nước... Những người Do Thái xung quanh ông càng củng cố việc này... Thế là Tổng thống Mỹ bắt đầu gia tăng nỗ lực để tạo ra những xung đột... Trong nhiều năm, con người này ấp ủ chỉ một ước muốn – đó là một cuộc xung đột nổ ra ở đâu đó trên thế giới." Hitler tiếp tục kể lể những nỗ lực của Roosevelt theo chiều hướng này .

Ông la thét: "Bây giờ, ông ta đang bị cơn sợ hãi giày vò rằng nếu hoà bình được tái lập ở châu Âu, thì tiền bạc hàng triệu mà ông ta đã vung ra để tái vũ trang sẽ bị xem như một vụ lừa đảo, bởi vì sẽ không ai tấn công Mỹ – và thế là ông phải gây hấn để có 1 quốc gia nào đó tấn công họ." Dường như là nhà độc tài cảm thấy nhẹ nhõm vì đã có biến chuyển rõ ràng và ông muốn chia sẻ sự nhẹ nhõm ấy với toàn thể người dân Đức .

"Tôi nghĩ tất cả các bạn đều thấy nhẹ nhõm khi ít nhất đã có một quốc gia đi đầu trong việc phản đối sự chà đạp lịch sử và vô liêm sỉ đối với sự thật và quyền con người... Chính phủ Nhật Bản đã đàm phán với người này trong nhiều năm, rồi cuối cùng họ trở nên mệt mỏi khi bị ông ta nhạo báng theo cách không xứng đáng. Tôi nghĩ việc làm của Chính phủ Nhật lần này khiến cho dân tộc Đức và những dân tộc hiền lương khác trên thế giới đều hài lòng... Tôi phải nói điều đó vì tuy là Tổng thống của Hợp Chúng Quốc, nhưng Roosevelt lại thiếu trí thức để hiểu rằng chúng ta đã nhận ra mục đích tiêu diệt hết quốc gia này đến quốc gia khác của ông ta .

Còn dân tộc Đức không cần sự bố thí của ông Roosevelt hoặc của ông Churchill, lại càng không phải của ông Eden. Dân tộc Đức chỉ đòi hỏi quyền con người! Và nhân dân Đức sẽ luôn được đảm bảo quyền này để sống, ngay cả khi có hàng nghìn Churchill và Roosevelt cùng âm mưu với nhau chống lại ta... Vì thế tôi đã thu xếp để giao trả hộ chiếu cho Đại biện lâm thời Mỹ, và tiếp theo..." Đến đây, đại biểu Nghị viện đứng bật dậy reo hò và tiếng nói của Lãnh tụ chìm trong cảnh ồn ào .

Ít lâu sau, lúc 2 giờ 30 phút chiều cùng ngày 11 tháng 12 năm 1941, với thái độ lạnh như băng, Ribbentrop tiếp kiến Leland Morris, Đại biện lâm thời Mỹ tại Berlin. Và trong khi để cho ông này đứng, Ribbentrop đọc lên bản tuyên chiến của Đức, trao cho ông văn bản rồi lạnh lùng chấm dứt buổi tiếp kiến. Bản tuyên chiến viết: "... Mặc dù về phần mình Đức đã luôn tôn trọng những quy định của công pháp quốc tế trong việc đối xử với Hợp Chúng Quốc, nhưng Chính phủ Hợp Chúng Quốc lại tiến hành những động thái chiến tranh chống Đức. Vì vậy trên thực tế chính, chính Hợp Chúng Quốc đã gây nên chiến tranh .

Vì thế Chính phủ Đế chế cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Hợp Chúng Quốc và tuyên bố rằng trong những tình huống do Tổng thống Roosevelt gây ra như thế này, Đức cũng sẽ xem mình như đang trong ở tình trạng chiến tranh với Hợp Chúng Quốc." Động thái sau cùng của những biến cố trong ngày là Đức, Nhật và Ý ký một hiệp định 3 bên, tuyên bố "sự quyết tâm không gì lay chuyển rằng sẽ không hạ vũ khí, cho đến khi cuộc chiến chung chống Hợp Chúng Quốc và Anh đi đến thành công", đồng thời họ cũng sẽ không tìm kiếm hoà bình riêng rẽ .

Chỉ mới 6 tháng trước đối mặt với một mình nước Anh bị cô lập trong một cuộc chiến có vẻ như gần thắng lợi, bây giờ, với sự chọn lựa một cách cố ý, Adolf Hitler đang phải chống lại 3 cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới mà sức mạnh quân sự phần lớn dựa trên tiềm lực kinh tế. Hơn nữa, 3 quốc gia thù nghịch cộng lại còn có ưu thế về dân số so với 3 nước Phe Trục. Dường như vào ngày gần cuối năm 1941 định mệnh ấy, cả Hitler lẫn các tướng lĩnh và đô đốc của ông đã không cân nhắc tới những sự kiện này .

Ngay cả Tướng Halder, vị Tham mưu trưởng thông minh của Lục quân, cũng đã không ghi vào nhật ký của mình ngày 11 tháng 12 về sự kiện Đức tuyên chiến với Mỹ. Ông chỉ ghi là vào buổi tối, ông tham dự một bài giảng của một đại tá hải quân về "Cơ sở của chiến tranh Nhật-Mỹ trên biển". Phần còn lại của nhật ký ghi lại những tin tức xấu đến từ phần lớn các khu vực trên mặt trận Nga. Tâm tư ông không còn chỗ trống cho một ngày đầy biến cố, khi mà những đoàn quân đang dần đuối sức của ông còn phải đối mặt với binh sĩ sung mãn đến từ Tân Thế giới .

Thuỷ sư Đô đốc Raeder hoan nghênh động thái của Hitler. Ông hội ý với Lãnh tụ vào ngày hôm sau, 12 tháng 12. Ông trấn an: "Tình hình trên Đại Tây Dương sẽ bớt căng thẳng hơn nhờ vào sự can thiệp thành công của Nhật... Chúng ta đã nhận được báo cáo cho biết vài tàu thiết giáp [của Mỹ] ở Đại Tây Dương được điều đến Thái Bình Dương. Chắc chắn là Thái Bình Dương sẽ cần thêm rất nhiều lực lượng tàu nhẹ, đặc biệt là tàu khu trục. Ta cũng cần thêm rất nhiều tàu vận tải, vì vậy mong là tàu hàng Mỹ ở Đại Tây Dương được rút về. Khi đó giao thông hàng hải của Anh sẽ thêm căng thẳng .

Sau khi ra vẻ hiên ngang một cách khinh suất, thế rồi đột nhiên Hitler lại là nạn nhân của những mối ngờ vực. Ông ta có vài câu hỏi cho Raeder. Liệu Đô đốc "có tin rằng trong tương lai gần địch sẽ tìm cách chiếm Azores, Cape Verdes và có thể tấn công Dakar, nhằm lấy lại thể diện sau khi thất bại ở Thái Bình Dương hay không?" Raeder nghĩ là không: "Trong vài tháng tới, Mỹ sẽ tập trung tất cả sức mạnh ở Thái Bình Dương. Sau khi mất vài tàu hạng nặng, Anh sẽ không muốn chịu rủi ro thêm. Họ khó có thể có đủ phương tiện vận chuyển cho nhiệm vụ chiếm đóng như thế hay cho việc cung ứng hàng hậu cần." Chỉ 2 ngày trước, ngày 10 tháng 12, máy bay Nhật đánh chìm 2 tàu thiết giáp của Anh, chiếc Prince of Wales và chiếc Repulse, ngoài khơi Malaya. Cộng với thiệt hại nặng của Mỹ tại Trân Châu Cảng, chiến công này giúp hạm đội Nhật chiếm hoàn toàn ưu thế trên Thái Bình Dương, biển Đông và Ấn Độ Dương. Churchill viết về sự mất mát 2 tàu chiến rằng: "Trong cả cuộc chiến, tôi chưa bao giờ nhận cú sốc trực tiếp đến thế." Nhưng Hitler còn có câu hỏi quan trọng hơn: "Mỹ và Anh có thể bỏ rơi Đông Á trong một thời gian để tập trung đánh Đức và Ý trước không?" Raeder lại trấn an: "Kẻ địch không thể nào bỏ rơi Đông Á dù là tạm thời, vì làm như thế Anh sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho Ấn Độ, còn Mỹ không thể rút hạm đội ra khỏi Thái Bình Dương trong khi Nhật còn có ưu thế." Raeder cố khích lệ Lãnh tụ thêm bằng cách thông báo với ông rằng 6 tàu ngầm "lớn" sẽ tiến đến bờ Đông của Hoa Kỳ "nhanh nhất có thể" .

Với tình hình tồi tệ ở Liên Xô và châu Phi, nơi Rommel đang thoái lui, Hitler và các tướng lĩnh không còn đầu óc để nghĩ ngợi nhiều đến kẻ thù mới mà họ cho là đã bị trói tay ở Thái Bình Dương xa xôi. Chỉ 1 năm sau họ mới nghĩ đến, ngay tại điểm ngoặt quan trọng trong năm định mệnh nhất của cuộc chiến. Lúc ấy, chẳng những kết quả của cuộc xung đột mà số phận của Đế chế Thứ Ba cũng sẽ được định đoạt. Điểm ngoặt này là cực kỳ quan trọng, bởi vì trong năm 1941, người Đức vẫn nghĩ họ sắp thắng cuộc, sau những thành tựu đầy kinh ngạc đã khiến cho Hitler thật sự tin rằng Đế chế sẽ phồn thịnh trong cả nghìn năm .

Khi năm mới 1942 sắp bắt đầu, ngày 30 tháng 12, Halder ghi vào nhật ký: "Thêm một ngày đen tối!" Ngày tiếp, ông cũng ghi như thế. Vị Tham mưu trưởng Lục quân có linh tính về những chuyện khủng khiếp sắp xảy ra .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #dichle