Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Nước Mĩ

BUỔI 6. NƯỚC MĨ 1945-2000.
a- Tình hình kinh tế:
- Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ trở thành nước giàu nhất, nắm ưu thế hơn hẳn về kinh tế tài chính trên toàn thế giới:
+ Sản lượng công nghiệp Mĩ luôn chiếm hơn một nửa sản lượng công nghiệp toàn cầu (Hơn 56% vào năm 1948).
+ Sản lượng nông nghiệp bằng 2 lần tổng sản lượng của Anh, Pháp,CHLB Đức, Ý, Nhật cộng lại (1949).
+ Mĩ nắm trong tay gần ¾ dữ trữ vàng của thế giới (khoảng 24.6 tỷ đôla, năm 1949).
+ Trên 50% tàu bè đi lại trên các biển.
+ Trong nửa sau những năm 40 tổng sản phẩm quốc dân tăng trung bình hằng năm là 6%.
+ Nền kinh tế Mĩ trong những thập niên 50, 60 chiếm gần 40% tổng sản phẩm kinh tế thế giới.
+ GDP năm 2000 là 9765 tỉ USD, thu nhập đầu người là 34600USD, tạo ra 25% tổng sản phẩm của toàn thế giới.
- Trong khoảng hai thập niên đầu sau chiến tranh (50, 60), Mĩ là trung tâm kinh tế, tài chính duy nhất của thế giới 
- Từ 1973 đến 1991, dưới tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, kinh tế Mĩ lâm vào thời kỳ suy thoái và khủng hoảng. Mĩ không còn giữ được địa vị độc tôn trong kinh tế tài chính thế giới, nhiều mặt bị Nhật Bản, Tây Âu vượt qua.
- Từ 1991 đến nay, nền kinh tế Mĩ có sự phục hồi, phát triển nhưng không còn như trước, mặc dù vẫn giữ vị trí số một thế giới nhưng kinh tế Mĩ suy thoái theo chu kỳ, bị cạnh tranh gay gắt bởi Tây Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước NICs, dù vậy Mĩ vẫn chi phối hầu hết trong các tổ chức kinh tế - tài chính thế giới.
* Nguyên nhân làm cho kinh tế Mĩ phát triển:
- Về khách quan: Mĩ có những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển kinh tế:
+ Đất nước không bị chiến tranh tàn phá. Nước Mĩ cách xa trung tâm của các cuộc chiến tranh thế giới nhờ có Thái Bình Dương và Đại Tây Dương bao bọc. Mĩ có hàng trăm năm hòa bình để xây dựng đất nước.
+ Giành được nhiều quyền lợi trong 2 cuộc chiến tranh thế giới với cái giá phải trả rất thấp, nhờ đó Mĩ mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra khắp thế giới, tận dụng được nguồn nguyên liệu, nhân công và thị trường dồi dào cho phát triển kinh tế.
- Về chủ quan:
+ Dựa vào những thành tựu cách mạng khoa học kỹ thuật: Mĩ là nước đầu tiên khởi đầu cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật và cũng là nước đạt được nhiều thành tựu nhất, từ các phát minh trong lĩnh vực quân sự được ứng dụng trong sản xuất dân sự đã khiến kinh tế Mĩ đạt bước phát triển vững chắc, giúp điều chỉnh hợp lý cơ cấu sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm.
+ Đất nước rộng lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, , nguồn nhân lực dồi dào, trình độ kĩ thuật cao, năng động, sáng tạo.
+ Nhờ trình độ tập trung sản xuất và tập trung tư bản rất cao (khống chế, lũng đoạn các ngành sản xuất trên phạm vi thế giới).
+ Nhờ quân sự hóa nền kinh tế để buôn bán vũ khí thu lợi nhuận lớn. (Trong thế chiến 2, nhờ buôn bán vũ khí được trên 50% tổng số lợi nhuận hằng năm - thu được 114 tỷ USD).
+ Vai trò điều tiết tốt của nhà nước cũng là một thế mạnh giúp kinh tế Mĩ phát triển.
* Nguyên nhân quan trọng nhất: Tận dụng được thành quả của cuộc cách mạng KHKT lần thứ hai. Đây cũng là nguyên nhân chung cho sự phát triển kinh tế của các nước sau chiến tranh thế giới thứ hai.
* Hạn chế:
- Vị trí kinh tế suy giảm do sự vươn lên mạnh mẽ của Tây Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước khác.
- Kinh tế phát triển nhanh nhưng không ổn định vì thường xảy ra những cuộc suy thoái theo chu kỳ về kinh tế.
- Kinh tế Mĩ phát triển nhanh phụ thuộc vào chiến tranh, nếu không có chiến tranh kinh tế Mĩ phát triển chậm lại.
- Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn dẫn đến tạo nên sự bất ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội. Ở Mĩ sự phân cực giàu nghèo là vô cùng lớn, khoảng 400 người có thu nhập mỗi năm từ 185 triệu đô la trở lên và 25 triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Các tệ nạn xã hội, ma túy, rửa tiền, ăn chơi đồi trụy là những nhức nhối từ hệ quả kinh tế phát triển.
- Việc tăng cường chạy đua vũ trang với những chi phí khổng lồ làm giảm tiềm lực về sức cạnh tranh của kinh tế Mĩ. Mĩ là nước chi cho quốc phòng lớn nhất với hơn 50% tổng chi quốc phòng của thế giới.
- Nợ nước ngoài ngày càng tăng, Mĩ đang trở thành con nợ lớn của Nhật Bản, Trung Quốc…
b- Khoa học – Kỹ thuật: Khoa học kỹ thuật của Mĩ đứng đầu thế giới và tiếp tục phát triển hết sức mạnh mẽ.
- Mĩ có những điều kiện về kinh tế, chính trị, xã hội, chính sách thu hút nhân tài đặc biệt.
- Trong chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nhà khoa học lỗi lạc trên thế giới chạy sang Mĩ (vì ở đây có điều kiện hòa bình và đầy đủ phương tiện làm việc…) nên Mĩ là nước khởi đầu cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần 2 và đạt được nhiều thành tựu kỳ diệu.
- Đi đầu trong việc sáng tạo ra những công cụ mới, năng lượng mới, vật liệu mới, "Cách mạng xanh" trong nông nghiệp, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, chinh phục vũ trụ và sản xuất vũ khí hiện đại.
- Mĩ chiếm tới 1/3 lượng bản quyền phát minh sáng chế của toàn thế giới.
- Nhờ thành tựu cách mạng khoa học – kĩ thuật làm cho kinh tế Mĩ phát triển nhanh, đời sống nhân dân được nâng cao.
- Những thành tựu kỳ diệu nhất trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật được Mĩ ứng dụng chủ yếu trong sản xuất vũ khí và công cuộc chinh phục vũ trụ.
c- Chính sánh đối ngoại:
- Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, với tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh, độc quyền sở hữu vũ khí hạt nhân, chính sách đối ngoại cơ bản, nhất quán của Mĩ là luôn luôn theo đuổi ý đồ bá chủ thế giới. (thông qua thực hiện các “chiến lược toàn cầu”).
- Năm 1947, Tổng thống Truman đề ra "Chủ nghĩa Truman", mở đầu thời kỳ bành trướng vươn lên thống trị thế giới của đế quốc Mĩ.
- Tiếp đó, hầu như mỗi đời Tổng thống Mĩ khi lên cầm quyền lại đề ra một học thuyết hoặc đường lối của mình để thực hiện "chiến lược toàn cầu" như: “chủ nghĩa Ai xen hao” (chủ nghĩa lấp chỗ trống - 1953); “chiến lược hòa bình” của Giôn Ken nơ đi (1961); "học thuyết Nich xơn" (1969); "học thuyết Ri gân" (1980); "học thuyết Busơ" (1989); "chiến lược cam kết và mở rộng" của B. Clintơn ( 1993)...(Mỗi học thuyết lại đi kèm các loại hình chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới và được Mĩ áp dụng, thử nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới, tiêu biểu là Việt Nam.)
- Dù mang tên gọi khác nhau, hình thức, biện pháp, bước đi khác nhau nhưng "chiến lược toàn cầu" đều nhằm 3 mục tiêu:
+ Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới tiêu diệt Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (mục tiêu chủ yếu nhất).
+ Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân, phong trào hòa bình dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
+ Khống chế nô dịch các nước đồng minh của Mĩ, thông qua lôi kéo, tập hợp vào các khối quân sự, viện trợ kinh tế...
- Biện pháp thực hiện:
+ Chính sách cơ bản: "chính sách thực lực" (tức chính sách dựa vào sức mạnh Mỹ).
+ Lập ra các khối quân sự: NATO, SEATO, ANZUS, SENTO ... ra sức chạy đua vũ trang, lập hàng chục nghìn căn cứ quân sự bao vây Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, quân đội Mĩ hiện diện ở khắp nơi trên thế giới.
+ Viện trợ kinh tế và quân sự cho các nước đồng minh, thông qua đó khống chế về chính trị, lôi kéo đồng minh vào các khối quân sự hoặc cho Mĩ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ.
+ Phát động chiến tranh xâm lược hoặc can thiệp vũ trang, gây bạo loạn lật đổ ở khắp các khu vực trên thế giới.
- Những thành công và thất bại của Mĩ trong việc thực hiện "chiến lược toàn cầu":
+ Mĩ đã thực hiện được một số mưu đồ: Thành lập các khối quân sự, các tổ chức kinh tế qua đó khống chế, nô dịch các nước đồng minh; hất cẳng Anh, Pháp ra khỏi khu vực chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á, Trung Cận Đông; thông qua Ixraen để khống chế các nước Ả Rập; góp phần làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. 
+ Thông qua thực hiện chiến lược toàn cầu, Mĩ đã để lại sự hiện diện tại nhiều khu vực trên thế giới, qua đó đảm bảo “lợi ích của Mĩ”.
+ Song Mĩ cũng vấp phải những thất bại nặng nề ở Trung Quốc 1949, Triều Tiên 1950, Cu ba 1959, Iran ... Đặc biệt là thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 1954 - 1975. 
+ Do chính sách đối ngoại hiếu chiến, hiện nay Mĩ đang là đối tượng số một của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tiêu biểu là vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã làm thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mĩ.
* Đối với Việt Nam: Quan hệ giữa Mĩ và Việt Nam có nhiều bước thăng trầm qua các giai đoạn.
a. Từ 1939- 1954.
- Từ 1941 đến 1945, Mĩ giúp lực lượng Việt Minh chống Nhật, viện trợ thuốc men, vũ khí cho Việt Minh để đổi lại Việt Minh cứu giúp các phi công Mĩ bị Nhật bắn rơi. Cách mạng tháng Tám thành công, Mĩ có đại diện ở Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết thư mong muốn Mĩ công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
- Từ năm 1947, Mĩ gián tiếp can thiệp vào Việt Nam (thông qua kế hoạch Mác San, viện trợ cho Pháp hơn 2 tỉ USD để phục hồi kinh tế và giảm gánh nặng từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam), cuối năm 1949 Mĩ chính thức dính líu vào chiến tranh Việt Nam .
- Năm 1950, Mĩ đã công nhận chính phủ bù nhìn Bảo Đại và viện trợ cho Pháp, lợi dụng khó khăn của Pháp, Mĩ ngày càng can thiệp sâu hơn vào Đông Dương viện trợ cho Pháp để kéo dài chiến tranh ở Đông Dương. Tháng 12/1950 lập phái đoàn cố vấn quân sự Mĩ (MAAG), giúp Pháp thực hiện kế hoạch Nava, xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ viện trợ khi Điện Biên Phủ sắp thất thủ.
- Tại hội nghị Giơ ne vơ 1954, Mĩ trì hoãn kéo dài hội nghị, không ký vào văn bản hiệp định.
b. Từ 1954 đến 1975.
- Từ 1954, Mĩ hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam. Trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ:
+ Ngày 25/6/1954, trước khi hiệp định Giơ ne vơ được ký, Mĩ dựng lên chính quyền tay sai độc tài Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Công khai ủng hộ Diệm về kinh tế, chính trị, quân sự.
- Mĩ thực hiện các chiến lược chiến tranh xâm lược Việt Nam:
+ Từ 1954-1960, thực hiện chiến lược “chiến tranh một phía”.
+ Từ 1961 đến giữa năm 1965, thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.
+ Từ 8/1965-1968, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, gây chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đối với miền Bắc.
+ Từ 1969-1973, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh”, gây chiến tranh phá hoại lần 2 đối với Miền Bắc.
+ 27/1/1973, Mĩ ký hiệp định Pari công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết rút hết quân Mĩ về nước.
+ Từ 1973-1975, Mĩ vẫn tiếp tục viện trợ cho chính quyền Sài Gòn mà thực chất là tiếp tục “Việt Nam hóa chiến tranh”.
- Với đại thắng mùa xuân năm 1975 của nhân dân ta, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ 1954-1975 đã bị thất bại hoàn toàn.
- Từ năm 1975-1995, quan hệ Việt – Mĩ bị đóng băng do lệnh cấm vận của Mĩ, đầu những năm 90 quan hệ hai bên có chiều hướng hòa dịu hơn và đến năm 1995 hai nước đặt quan hệ ngoại giao chính thức. 
- Ngày nay, chính sách đối ngoại của Đảng ta là “bạn của tất cả các nước” , với Mĩ, ta chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”; thực hiện chủ trương này, quan hệ Việt – Mĩ đã được ký kết (10/12/2001), mở ra hướng phát triển đầy triển vọng cho cả hai nước.
* Việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Mĩ và Việt Nam có tác động đối với kinh tế hai nước:
Mĩ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ 1994, hai nước trở thành đối tác trên nhiều mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, nhiều hiệp định song phương đã được ký kết, các chương trình tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước
Việt Nam đã thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp Mĩ, sản phẩm hàng hóa Mĩ chiếm thị phần lớn ở Việt Nam.
Mĩ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, các doanh nghiệp Mĩ trao đổi kinh nghiệm quản lý, khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, Việt Nam cũng xuất khẩu lao động sang Mĩ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #12