Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Liên Xô và các nước Đông Âu

CHỦ ĐỀ 2: LIÊN XÔ VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG ÂU

    
1. Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ 1945 đến nửa đầu những năm 70)
a. Bối cảnh lịch sử:
- Trong nước: Kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, nhân dân Liên Xô phải gánh chịu những hy sinh và tổn thất rất to lớn về con người, cơ sở vật chất-kỹ thuật: Trên 27 triệu người chết, 1.710 thành phố và hơn 70.000 làng mạc bị thiêu hủy, 32.000 xí nghiệp bị tàn phá, thiệt hại vật chất chiếm đến hơn 30% của cải quốc gia.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế. Lãnh thổ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết được mở rộng bao gồm 15 nước cộng hòa. Lòng nhiệt tình của nhân dân và tính ưu việt của chế độ được phát huy cao độ trong chiến tranh tiếp tục là thuận lợi để Liên Xô tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế và xây dựng CNXH.
- Thế giới: Coi Liên Xô là mối đe dọa, các nước đế quốc do Mĩ cầm đầu đã tiến hành bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị, phát động “chiến tranh lạnh”, chạy đua vũ trang chuẩn bị một cuộc chiến tranh tổng lực nhằm tiêu diệt Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Hệ thống Xã hội chủ nghĩa đang trên đường hình thành, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Liên Xô.
Trở thành một cực quan trọng trong trật tự thế giới hai cực, là thành trì của hòa bình và an ninh thế giới, Liên Xô cần nhanh chóng xây dựng sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật..nhằm đối trọng với Mĩ và phương Tây.
- Chủ trương: Tự lực, tự cường để khôi phục kinh tế, xây dựng đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng chuẩn bị chống lại những âm mưu của chủ nghĩa đế quốc; Ủng hộ, giúp đỡ phong trào cách mạng thế giới.
b. Những thành tựu: Nhờ tinh thần tự lực tự cường, sức lao động, sáng tạo, lòng nhiệt tình của nhân dân và tính ưu việt của chế độ, nhân dân Liên Xô đã hoàn thành thắng lợi công cuộc khôi phục kinh tế trước thời hạn 9 tháng. Từ 1950, Liên Xô tiến hành nhiều kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn nhằm mục tiêu xây dựng thành công CNXH.
Kết quả:
* Về kinh tế:
- Năm 1950, tổng sản lượng công nghiệp tăng 73% so với trước chiến tranh, nông nghiệp cũng vượt mức trước chiến tranh.
- Năm 1972, sản lượng công nghiệp tăng 321 lần so với năm 1922, sản lượng công nghiệp chiếm khoảng 20% thế giới, thu nhập quốc dân tăng 112 lần. (năm 1972 chỉ cần hơn 2 ngày sản xuất là bằng sản lượng của cả năm 1913, năm cao nhất của đế quốc Nga)
- Trong các thập kỉ 50, 60 và nửa đầu thập kỉ 70, Liên Xô là cường quốc công nghiệp thứ hai thế giới (sau Mĩ), chiếm khoảng 20% tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới. (Thành tựu quan trọng nhất về kinh tế)
- Đi đầu trong một số ngành công nghiệp mới: Công nghiệp vũ trụ, công nghiệp điện hạt nhân.
* Về khoa học - kỹ thuật: Đạt nhiều thành tựu rực rỡ.
- Năm 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền vũ khí nguyên tử của Mĩ. Liên Xô cũng là một trong số ít những nước chế tạo nhiều vũ khí hạt nhân nhất, sức công phá mạnh nhất và thử bom hạt nhân nhiều nhất.
- Năm 1954, Liên Xô khánh thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới.
- Năm 1957, Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo.
- Năm 1961, Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công con tàu vũ trụ (Phương Đông I), đưa nhà du hành Gagarin bay vòng quanh trái đất, mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người.
* Quân sự:
- Liên Xô có một nền quốc phòng và công nghiệp quốc phòng hùng mạnh bậc nhất thế giới.
- Từ 1972, qua việc ký với Mĩ một số Hiệp ước, Hiệp định về hạn chế vũ khí tiến công chiến lược SALT 1-2, hạn chế hệ thống phòng chống tên lửa ABM, Liên Xô đã đạt được thế cân bằng chiến lược về sức mạnh quân sự nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng so với các nước đế quốc.
* Về chính trị:
- Trong 30 năm đầu sau chiến tranh, tình hình chính trị Liên Xô ổn định, khối đoàn kết trong Đảng cộng sản và giữa các dân tộc trong Liên bang được duy trì.
- Bên cạnh những thành tựu, các nhà lãnh đạo Liên Xô vẫn tiếp tục mắc phải những thiếu sót, sai lầm có tính chất lâu dài, hệ thống: Chủ quan, nóng vội, duy ý chí, thực hiện chế độ Nhà nước bao cấp về kinh tế, thiếu dân chủ và công bằng xã hội, vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa… Tuy nhiên công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ này vẫn phát triển.
* Về đối ngoại:
Luôn quán triệt chính sách đối ngoại hòa bình và tích cực ủng hộ cách mạng thế giới:
- Giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước chủ nghĩa xã hội anh em xây dựng đất nước.
- Ủng hộ sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân các nước trên thế giới.
- Đi đầu trong cuộc đấu tranh cho nền hòa bình và an ninh thế giới, kiên quyết chống lại các chính sách gây chiến, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế.
- Năm 1950, Liên Xô công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Liên Xô đã có những ủng hộ hết sức to lớn cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc sau chiến tranh.
c. Ý nghĩa:
- Chứng tỏ tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội ở mọi lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại.
- Làm đảo lộn toàn bộ chiến lược toàn cầu phản cách mạng của Mĩ và đồng minh của Mĩ.
- Tăng cường củng cố hòa bình và thúc đẩy phong trào cách mạng thế giới phát triển.
2. Vai trò, vị trí của Liên Xô.
- Liên Xô với những thành tựu to lớn về kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật đã trở thành nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất, hùng mạnh nhất, có vai trò đối trọng với Mĩ và các nước tư bản trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Trở thành trụ cột của phe xã hội chủ nghĩa và thành trì của hòa bình, an ninh thế giới.
- Liên Xô đã đạt được thế cân bằng về sức mạnh quân sự nói chung và sức mạnh hạt nhân nói riêng đối với Mĩ và phương Tây, qua đó khẳng định sức mạnh của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa, góp phần ngăn chặn các âm mưu gây chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc. Liên Xô hùng mạnh đã làm đảo lộn “chiến lược toàn cầu” của Mĩ.
- Với vai trò là nước sáng lập tổ chức Liên Hợp Quốc và là một trong hai siêu cường giữ vai trò chi phối trật tự thế giới. Liên Xô đã có những đóng góp to lớn, luôn làm hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào công nhân và cộng sản quốc tế. Đề ra nhiều sáng kiến quan trọng để bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới.
- Liên Xô đã có những đóng góp to lớn vào những thành tựu của cuộc cách mạng Khoa học và công nghệ, đặc biệt là việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, công cuộc chinh phục vũ trụ.
- Liên Xô đã có những sự giúp đỡ to lớn, chí tình cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc kháng chiến chống Mĩ, chiến tranh biên giới Tây Nam chống Pôn Pốt và chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược.
2. Giai đoạn xây dựng CNXH từ năm 70 đến nay:
a. Những nét chính về công cuộc cải tổ ở Liên Xô từ 1985 – 1991 và hậu quả của nó. (phần giảm tải nhưng có liên quan đến mục b, cần đọc qua)
* Bối cảnh lịch sử:
- Từ 1973, thế giới bước vào cuộc khủng hoảng năng lượng, dẫn đến các cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị, tài chính, đòi hỏi các quốc gia phải tiến hành những cải cách, điều chỉnh về cơ cấu kinh tế, chính trị, xã hội cho phù hợp với tình hình mới. Nhiều nước tư bản đã tiến hành cải cách, phát triển và vượt xa Liên Xô về nhiều mặt. Trong khi đó các nhà lãnh đạo Xô viết lại cho rằng mô hình kinh tế của Liên Xô là ưu việt, không bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế. Họ ảo tưởng vào sức mạnh từ lòng đất Liên Xô. Nên không đề ra những cải cách phù hợp, dẫn tới nền kinh tế ngày càng suy giảm, tụt hậu.
- Cách mạng KHKT phát triển mạnh mẽ tác động đến các nước trên thế giới. Các nước đều tập trung phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng các thành tựu mới nhất vào phát triển kinh tế.
- Mô hình kinh tế, chính trị của Liên Xô chứa đựng nhiều thiếu sót, không còn phù hợp với hoàn cảnh mới, ngày càng cản trở sự phát triển mọi mặt của xã hội Xô viết, sự bất mãn trong nhân dân ngày càng tăng.
Trong bối cảnh đó, Đảng và chính phủ Liên Xô đã thực hiện công cuộc cải tổ đất nước.
* Công cuộc cải tổ (1985 – 1991):
- Năm 1985, M. Goocbachốp tiến hành công cuộc cải tổ nhằm đưa đất nước Xô viết thoát khỏi khủng hoảng và xây dựng một nước XHCN dân chủ, nhân văn. Nhưng công cuộc cải tổ sai lầm gặp nhiều khó khăn, bế tắc: Kinh tế suy sụp, dẫn đến khủng hoảng chính trị, xã hội; xung đột sắc tộc, một số nước cộng hòa đã tách khỏi Liên Xô..
- Từ 19/8 đến 21/8/1991, xảy ra cuộc đảo chính lật đổ M. Goocbachốp nhưng thất bại và đã để lại những hậu quả nghiêm trọng: Đảng cộng sản Liên Xô bị đình chỉ hoạt động, Liên bang cộng hòa XHCN Xô viết bị tan vỡ (25/12/1991).
b. Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu.
- Xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội chưa đúng đắn, chưa phù hợp. (cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp đã thủ tiêu sự sáng tạo, tính năng động và sự mềm dẻo trong sự phát triển; riêng các nước Đông Âu lại “sao nguyên khuôn mẫu” xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô chứ không xem xét đến điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, chính trị của nước mình). Đây là nguyên nhân sâu xa, quan trọng nhất dẫn tới sụp đổ.
- Chậm sửa chữa, thay đổi trước những biến động lớn của thế giới, các nhà lãnh đạo Liên Xô chủ quan cho rằng mô hình kinh tế - xã hội của Liên Xô là ưu việt, không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế như các nước tư bản. Quan trọng nhất là chậm đổi mới về khoa học-kĩ thuật, phát triển kinh tế theo chiều rộng, ảo tưởng vào sức mạnh của lòng đất Liên Xô. Và khi sửa chữa, thay đổi thì lại rời bỏ những nguyên lý đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lenin, thực hiện đa nguyên đa đảng, coi đổi mới chính trị là trọng tâm, chuyển sang nền kinh tế thị trường quá vội vã làm phá vỡ nền kinh tế cũ. (Nguyên nhân trực tiếp)
- Công cuộc cải tổ vội vã, sai lầm, không chuẩn bị chu đáo khiến cải tổ thất bại, đất nước suy thoái, rối loạn, các thế lực phản động nổi dậy. (Sai lầm lớn nhất trong công cuộc cải tổ là từ bỏ chuyên chính vô sản, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, không lấy cải cách kinh tế làm trọng tâm.)
- Sự tha hóa về phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng của một số người lãnh đạo Đảng và Nhà nước. (Ví dụ trường hợp ở Rumani và Cộng hòa dân chủ Đức).
- Hoạt động chống phá của các thế lực chống chủ nghĩa xã hội trong và ngoài nước. Đặc biệt là Mĩ.
=> Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là một tổn thất lớn của phong trào cách mạng thế giới, một bước lùi tạm thời của chủ nghĩa xã hội. Song đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội chưa khoa học, có nhiều sai lầm, thiếu sót, chứ không phải là sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội nói chung. Nhiều nước trên thế giới vẫn lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội và đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu cuối cùng của loài người.
Công cuộc cải tổ của Liên Xô và sự sụp đổ của hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã để lại cho cách mạng Việt Nam rất nhiều bài học lớn.
- Bài học về công cuộc đổi mới, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, chú ý đổi mới chính trị, đảm bảo chuyên chính vô sản và sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản, xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội đúng đắn, sáng tạo, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
- Bài học về hội nhập kinh tế, văn hóa, phát triển khoa học-công nghệ, nhất là trong thời đại 4.0.
- Bài học về đảm bảo sự dân chủ trong Đảng, trong nhân dân.
- Bài học về chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, vừa xây dựng vừa bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chế độ, nhất nguyên chính trị.
3. Những nét chính về Liên bang Nga từ 1991-2000
Liên bang Nga là quốc gia kế thừa địa vị pháp lý của Liên Xô trong quan hệ quốc tế.
- Về kinh tế: Từ 1990-1995, tăng trưởng bình quân hằng năm của GDP là số âm. Giai đoạn 1996-2000 bắt đầu có dấu hiệu phục hồi (năm 1990 là -3,6%, năm 2000 là 9%).
- Về chính trị:
+ Tháng 12/1993, Hiến pháp Liên bang Nga được ban hành, quy định thể chế Tổng thống Liên bang.
+ Từ năm 1992, tình hình chính trị không ổn định do sự tranh chấp giữa các đảng phái và xung đột sắc tộc, nổi bật là phong trào ly khai ở Tréc-ni-a.
- Về đối ngoại: Một mặt thân phương Tây, mặt khác khôi phục và phát triển các mối quan hệ với châu Á.
- Từ năm 2000, tình hình nước Nga có nhiều chuyển biến khả quan: Kinh tế dần hồi phục và phát triển, chính trị và xã hội ổn định, vị thế quốc tế được nâng cao. Tuy vậy, nước Nga vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức: Nạn khủng bố, li khai, việc khôi phục và giữ vững vị thế cường quốc Á-Âu …

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #12