Châu Phi và Mĩ La Tinh
BUỔI 5. CÁC NƯỚC CHÂU PHI VÀ MĨ LA TINH
* Lưu ý:
- Những nét chung và những đặc điểm riêng.
- Các giai đoạn phát triển và thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc từ 1945 đến nay.
- Cách mạng Cuba.
- Mối quan hệ với cách mạng Việt Nam.
1. Châu Phi.
a. Nhân tố thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi sau chiến tranh thế giới thứ hai.
* Nhân tố khách quan:
- Sự kết thúc Thế chiến thứ hai cũng như những thay đổi về tình hình quốc tế sau chiến tranh đã thúc đẩy phong trào độc lập dân tộc tại châu Phi...
- Thất bại của chủ nghĩa phát xít, sự suy yếu của Anh và Pháp, hai quốc gia thống trị nhiều vùng thuộc địa tại châu Phi tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân châu Phi.
- Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, trước hết là của Việt Nam và Trung Quốc đã cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng ở châu Phi
* Nhân tố chủ quan:
- Sau chiến tranh, lực lượng cách mạng ở châu Phi đã có sự trưởng thành vượt bậc…
- Châu Phi đã thành lập được tổ chức lãnh đạo là “Tổ chức thống nhất châu Phi”
(OAU) năm 1963; giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp hoạt động và thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh cách mạng của các nước châu Phi...
- Giai cấp tư sản châu Phi ngày càng trưởng thành, nhanh chóng nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng thông qua các chính đảng hoặc các tổ chức chính trị của mình.
- Nhân dân châu Phi đã tận dụng mọi thời cơ tổ chức đấu tranh với nhiều hình thức phong phú nhưng chủ yếu vẫn là đấu tranh chính trị để gây áp lực với kẻ thù.... Mọi đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ to lớn của các tầng lớp nhân dân...
Với các nhân tố khách quan và chủ quan trên, phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đã diễn ra sôi nổi ở châu lục này, được mệnh danh là “lục địa mới trỗi dậy”.
b. Những nét chung:
- Hiện nay châu Phi có 54 quốc gia lớn nhỏ, diện tích khoảng 30,3 triệu km2, dân số khoảng 800 triệu người (2000).
- Là châu lục giàu tài nguyên, là cái nôi của loài người, có nền văn minh lâu đời trong lịch sử nhân loại, nhưng do hậu quả chính sách thống trị và vơ vét của chủ nghĩa thực dân qua nhiều thế kỷ, châu Phi trở nên nghèo nàn, lạc hậu hơn rất nhiều so với các châu lục khác, được mệnh danh "thế giới thứ ba của thế giới thứ ba".
- Trước chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi gần như không phát triển, vì vậy châu Phi được gọi là "lục địa ngủ kỹ". Sau chiến tranh, châu Phi là một "lục địa mới trỗi dậy" trong cuộc đấu tranh chống CNĐQ, chủ nghĩa thực dân.
- Trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhiều nước ở châu Phi có liên hệ mật thiết đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 ở Việt Nam đã ảnh hưởng và có sức cổ vũ lớn lao đối với phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi, làm xuất hiện “năm châu phi”.
- Hiện nay các nước châu Phi hầu hết đã giành được độc lập dân tộc ở các mức độ khác nhau, nhiều nước đã tập trung phát triển kinh tế và đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên bức tranh chung của châu Phi hiện tại vẫn là nghèo đói, lạc hậu, dịch bệnh, nội chiến, xung đột, ly khai...
c. Các giai đoạn phát triển và thắng lợi của phong trào GPDT từ 1945 - nay: Gồm 4 giai đoạn lớn:
- 1945 - 1954: Phong trào bùng nổ đầu tiên ở Bắc Phi với thắng lợi mở đầu ở Ai Cập lật đổ nền quân chủ (vương triều Pharúc) và nền thống trị thực dân Anh, thành lập nước cộng hòa Ai Cập (18/6/1953).
- 1954 - 1960: Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam (1954) đã có ảnh hưởng to lớn và góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Bắc và Tây Phi. Mở đầu là cuộc đấu tranh của nhân dân Angiêri (11/1954). Sau đó nhiều quốc gia đã giành độc lập (Tuynidi, Ma Rốc, Xu Đăng, Gana, Ghinê). Đến 1960, hầu hết Bắc và Tây Phi giành độc lập .
- 1960 - 1975: Năm 1960 là "Năm châu Phi" với sự kiện 17 nước ở Tây, Đông và Trung Phi giành độc lập. Tiếp đó, thắng lợi của nhân dân Angiêri (3/1962), Êtiôpia (1974), Mô dăm bích (1975) và đặc biệt thắng lợi của cách mạng Angôla dẫn đến việc ra đời của nước cộng hòa Angôla (11/1975), đánh dấu sự sụp đổ về cơ bản hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ ở châu Phi.
- 1975 - 2000: Giai đoạn hoàn thành cuộc đấu tranh đánh đổ nền thống trị thực dân cũ giành độc lập dân tộc với sự ra đời của nước cộng hòa Namibia (3/1991). Đây cũng là giai đoạn nhân dân Nam Phi giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc Apacthai. Cuối tháng 4/1994, lần đầu tiên trong lịch sử, Nam Phi tiến hành tuyển cử dân chủ không phân biệt chủng tộc. Mốc đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ tại châu Phi.
d. Đặc điểm phong trào GPDT ở châu Phi.
- Các nước châu Phi thành lập được Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU - 1963) giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp hành động và thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh cách mạng. (Hiện nay đang xúc tiến thành lập Liên minh châu Phi – AU).
- Lãnh đạo phong trào cách mạng hầu hết đều do các chính đảng hoặc tổ chức chính trị của giai cấp tư sản dân tộc. Giai cấp vô sản châu Phi chưa trưởng thành (một số nước Bắc Phi và Nam Phi có đảng cộng sản nhưng chưa nắm được quyền lãnh đạo cách mạng).
- Hình thức chủ yếu: Đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị hợp pháp, thương lượng để các nước phương Tây công nhận độc lập.
- Mức độ độc lập và sự phát triển của các nước sau độc lập không đều nhau. (vùng châu Phi xích đạo chậm, còn vùng Bắc Phi phát triển nhanh chóng).
- Phong trào đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc Apacthai được xếp vào các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vì chủ nghĩa Apacthai là một hình thức thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ ở Nam Phi.
e. Những khó khăn hiện nay.
- Sự trỗi dậy của chủ nghĩa thực dân cũ và sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân mới; sự vơ vét, bóc lột kinh tế của các cường quốc phát triển phương Tây.
- Nợ nước ngoài nhiều, nghèo đói, bệnh tật, thất học, bùng nổ dân số, ô nhiễm môi trường. Dự đoán đến năm 2020 dân số châu Phi sẽ đạt mốc 1.6 tỉ người.
- Xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh ly khai.
2. Các nước Mĩ Latinh.
a. Những nét khái quát:
- Mĩ latinh gồm 33 nước với diện tích khoảng 20,5 triệu km2 (1/7 diện tích thế giới). Dân số 517 triệu người (2000).
- Là khu vực có tài nguyên thiên nhiên phong phú, giàu nông sản, lâm sản, khoáng sản (dầu mỏ).
- Trước chiến tranh thế giới thứ hai, về hình thức các nước Mĩ latinh là những nước cộng hòa, nhưng thực tế đều là thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mĩ.
- Sau chiến tranh, phong trào GPDT phát triển mạnh, được mệnh danh là "lục địa bùng cháy”.
b- Phong trào GPDT sau chiến tranh thế giới thứ hai: Phát triển qua 3 giai đoạn:
- 1945 - 1959: Phong trào nổ ra hầu khắp các nước dưới nhiều hình thức: Bãi công của công nhân (Chi lê), nổi dậy của nông dân (Pêru, Mêhicô, Braxin, Vênêxuêla, Êcuađo...), khởi nghĩa vũ trang (Panama, Bôlivia), đấu tranh nghị viện (Goatêmala, Achentina).
- 1959 - cuối những năm 80:
+ Hình thức đấu tranh chủ yếu: Đấu tranh vũ trang.
+ Mở đầu là thắng lợi của cách mạng Cu ba (1959), đánh dấu bước phát triển mới của phong trào, cổ vũ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước Mĩ latinh.
+ Tiếp đó, phong trào vũ trang bùng nổ ở nhiều nước, (Vênêxuêla, Goatêmala, Côlômbia, Pêru ...). Từ đó, cơn bão táp cách mạng đã bùng nổ ở Mĩ latinh và khu vực này trở thành "lục địa bùng cháy". Quan trọng nhất là thắng lợi của cách mạng ở Nicaragoa 1979 và ở Chi Lê 1973. Với những hình thức đấu tranh khác nhau, các nước Mĩ latinh đã lật đổ được các thế lực thân Mĩ, thành lập các chính phủ dân tộc dân chủ.
- Từ cuối những năm 80 đến 2000: Do những biến động bất lợi của phong trào cách mạng thế giới, đặc biệt là sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu (1989 - 1991), Mĩ mở những cuộc phản kích chống lại cách mạng ở Mĩ latinh:
+ Can thiệp vũ trang đàn áp cách mạng ở Grênađa 1983, Panama 1990.
+ Uy hiếp, đe dọa cách mạng Nicaragoa.
+ Đặc biệt đối với Cu ba, Mĩ thực hiện bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập tấn công chính trị hòng lật đổ chế độ XHCN ở Cu ba.
Phong trào GPDT ở khu vực Mĩ latinh đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách.
=> Qua hơn 40 năm, các nước Mĩ latinh đã khôi phục lại độc lập, chủ quyền và bước lên vũ đài quốc tế với tư thế độc lập, tự chủ. Một số nước như Braxin, Mêhicô trở thành nước công nghiệp mới NICs.
c. Đặc điểm phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ latinh:
- Phong trào diễn ra sôi nổi và rộng lớn, hình thức đấu tranh phong phú.
- Phong trào đấu tranh của công nhân và nông phát triển rộng khắp, so với châu Phi giai cấp công nhân Mĩ latinh phát triển hơn cả về số lượng và chất lượng, vì vậy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở đây phần lớn do các Đảng cộng sản lãnh đạo,
- Tuy không bị đế quốc xâm lược trực tiếp mà thống trị thông qua các chế độ độc tài nhưng chế độ thống trị ở Mĩ latinh rất tàn khốc, buộc phong trào phát triển ở hình thức đấu tranh vũ trang để giành độc lập.
- Trong phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới, mặt trận dân tộc thống nhất được hình thành và phát triển ở nhiều nước. Trong một số nước, mặt trận dân tộc đã giành thắng lợi trong các cuộc tổng tuyển cử, đưa đến thành lập chính phủ Mặt trận nhân dân như: Chile, Achetina, Venezuela…
- Sau cách mang Cuba thành công, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng Cuba được coi là lá cờ đầu trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở Mĩ latinh.
c- Thành tựu - khó khăn
- Qua hơn 40 năm, bộ mặt Mĩ latinh đã biến đổi khác trước. Các nước đã khôi phục lại được độc lập, chủ quyền và bước lên vũ đài quốc tế với tư thế độc lập, tự chủ, kinh tế ngày càng phát triển. Một số nước như Braxin, Mêhicô đã trở thành các nước công nghiệp mới (NICs).
- Tuy nhiên phong trào cách mạng ở Mĩ latinh đang đứng trước những khó khăn và thử thách, đó là sự chống phá của CNĐQ, nhất là đế quốc Mĩ.
- Sự quay trở lại của chủ nghĩa thực dân mới dưới những hình thức khác.
3. Cách mạng Cuba.
a. Hoàn cảnh.
- Từ những năm cuối thế kỷ XIX, Cuba đã giành được độc lập từ tay thực dân Tây Ban Nha, tuy nhiên sau đó nhanh chóng trở thành thuộc địa kiểu mới của Mĩ.
- Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhằm ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc ở Cuba, Mĩ đã tổ chức cuộc đảo chính nhằm thiết lập chế độ độc tài quân sự do Batixta cầm đầu (10/3/1952).
- Chính quyền Batixta đã giải tán quốc hội, xoá bỏ Hiến pháp, cấm các Đảng phái chính trị hoạt động, khủng bố những nhà yêu nước… Nhưng nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài vẫn phát triển, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.
b. Diễn biến.
-Ngày 26/7/1953, Phiđen Cátxtơrô cùng 135 thanh niên yêu nước đã tấn công vào trại lính Moncada, cướp vũ khí, trang bị cho nhân dân, nhằm thức tỉnh lòng yêu nước, chuẩn bị phát động phong trào khởi nghĩa vũ trang trong cả nước.
- Cuộc khởi nghĩa thất bại, Phiđen Cátxtơrô và các đồng chí của ông bị bắt, sự kiện 26/7 đánh dấu sự mở đầu giai đoạn đấu tranh vũ trang, trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Cuba.
- Năm 1955, Phiđen Cátxtơrô được thả tự do, nhưng bị chính quyền Batista trục xuất sang Mihico, tại Mihico, ông tập hợp những thanh niên Cuba yêu nước, quyên góp tiền của mua sắm vũ khí, luyện tập quân sự chuẩn bị trở về tổ quốc.
- Tháng 11/1956 Ông cùng 81 chiến sĩ yêu nước, từ Mehico đáp tàu Garanma vượt biển trở về nước, sau 7 ngày lênh đênh trên biển, vừa tới bờ thì bị quân Batixta tấn công, cuộc chiến không cân sức, Phiđen Castro và 11 chiến sĩ còn sống sót, vượt vòng vây về xây dựng căn cứ cách mạng tại phía bắc Cuba, đưa phong trào chiến tranh du kích phát triển ra các địa phương.
- Cuối năm 1958 nghĩa quân đã giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, đến cuối tháng 12/1958, tập đoàn Batixta sụp đổ, Batixta chạy ra nước ngoài.
- Ngày 1/1/1959 phối hợp với cuộc tổng bãi công chính trị của công nhân ở thủ đô Lahabana, chế độ độc tài bị lật đổ, cách mạng thành công.
- 1959-1961: Hoàn thành cải cách dân chủ (cải cách dân chủ, quốc hữu hoá các xí nghiệp…)
- Tháng 4/1961, sau chiến thắng bọn can thiệp Mĩ và lưu vong tại bãi biển Heron, Cuba tuyên bố tiến hành các mạng xã hội chủ nghĩa.
c. Ý nghĩa.
- Đưa đất nước Cuba bước vào kỷ nguyên độc lập, dân chủ và đi lên Chủ nghĩa xã hội.
- Đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ la tinh.
- Làm thất bại mưu đồ của Mĩ thôn tính Cuba.
- Cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc và xứng đáng là ngọn cờ đầu trong phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ la tinh.
e. Trong công cuộc xây dựng đất nước:
- Cuba đạt nhiều thành tựu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội (Sản lượng công nghiệp đường tăng 160%, cơ khí luyện kim tăng 10 lần, điện lực tăng 7 lần)
- Văn hoá giáo dục rất phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao. Cuba là quốc gia có tỉ lệ tội phạm thấp nhất Mĩ latinh, giáo dục và y tế rất phát triển, ngang hàng với các cường quốc trên thế giới.
- Hiện nay cách mạng Cuba còn gặp nhiều khó khăn, do chính sách thù địch của Mĩ, đặc biệt từ khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhưng nhân dân Cuba vẫn kiên trì theo định hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa
f. Mối quan hệ với cách mạng Việt Nam.
- Cuba là ngọn cờ đầu trong phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ latinh, Việt Nam là ngọn cờ đầu trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á.
- Đối với nhân dân Việt Nam, đất nước Cuba có mối quan hệ hết sức hữu nghị, hợp tác và nồng ấm. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Cuba luôn ủng hộ hết mình cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, viện trợ sức người sức của và ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh quân sự, ngoại giao. Cuba cũng là nước đầu tiên và duy nhất công nhận và đặt đại sứ bên cạnh Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Phiđen Castro, “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
- Trong những năm sau chiến tranh, Cuba vẫn tiếp tục giành cho Việt Nam những viện trợ quý báu, trong lĩnh vực y tế, Cuba viện trợ rất nhiều Vắc xin cho Việt Nam, giúp giảm tỉ lệ tử vong của trẻ em, khi Trung Quốc tấn công xâm lược biên giới phía Bắc 1979, Cuba đã lên án Trung Quốc gay gắt và sẵn sàng gửi quân đội đến giúp đỡ nhân dân Việt Nam chống xâm lược, đó là những tình cảm hết sức quý giá.
- Hiện nay trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, hai nước vẫn duy trì mối quan hệ hữu hảo, hợp tác toàn diện. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mối quan hệ đó ngày càng được vun đắp.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro