Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

track 2.1: em đừng oán trách anh.

Nếu cho tôi chọn một thứ mà tôi cực kì không hài lòng về cái thời đại dở dở ương ương này thì có lẽ tôi sẽ chọn xoá sổ cái kiểu xưng hô màu mè dầu mỡ mà mấy thằng Tây mũi lõ ép uổng đám dân đen gọi chúng nó lẫn cái đám me Tây nịnh thần.

Chẳng hiểu có lí do gì cụ thể hay chỉ đơn thuần là tại vì cái thân tàn tạ này đã bươn qua đủ các thể loại nghề ngỗng, mà tôi đâm ghét ba cái danh xưng phù phiếm người đời dành cho tôi kể từ khi tiệm thuốc tây nhà họ Trần chễm chệ chiếm 2 cái mặt tiền sầm uất nhất chốn Hà Thành.








Nói không phải khoe đâu, một tay tôi dựng đấy. À, có nhờ ơn của một hai người nữa.










Lại nói, mỗi lần có người gọi "thầy Khoa", rồi thì "đốc tờ đốc tờ", tôi lại gai hết cả người. Sao mà nó công nghiệp thế, sao mà nó dầu mỡ thế. Dân giàu sổi cứ gọi vậy để nịnh nhau, còn tôi chỉ ước họ cứ gọi tôi là "thằng Khoa" mà thôi.

"Thằng Khoa" tôi đây, mãi chẳng tập quen được với cái đời sống hoa lệ chốn Hà Thành.





Có một người từng nói với tôi rằng, tôi cứ sống theo cách tôi thích đi, vậy cũng được. Lòng bớt chút toan tính, tim bớt chút nặng nề, thân bớt chút trăn trở.

Này, nhưng mà, tôi lỡ sống vớ vẩn, rồi người ta có lo cho tôi không.















Khoác lên mình chiếc măng-tô dài quá khổ, tôi lại bật cười xách cái túi nặng trịch gói ghém đủ thứ thuốc tây thuốc nam rảo bước qua nhà cụ Chánh.
Tiết tháng Giêng lạnh, trời đông hanh hao làm tôi bất giác rụt đầu vào tấm áo lông ấm áp.











Tôi nhớ một chuyện hơi cũ.














Trung cứ mãi móc mỉa rằng, với gu thời trang tân thời hơn cả mấy thằng cha rêu rao về công cuộc "Âu Hoá", thì việc tôi chọn mặc cái măng-tô to tới mức khiến bản thân lọt thỏm này, đúng là một bước lùi trong công cuộc xây dựng hình ảnh "quý tử Trần gia" văn minh học thức ăn mặc có gu. Mà những lúc như thế, tôi lại chỉ biết tặc lưỡi. Tôi đâu có ý định xây dựng hình ảnh như vậy. Nhưng mấy nàng thơ rảnh rang lượn qua tiệm thuốc đã có ý tốt định danh, "quý tử Trần gia" cũng thật chẳng dám chối từ.

Thực ra tôi chẳng muốn bận lòng tranh cãi về mấy thứ áo quần. Trung cũng chẳng phải kiểu người nhỏ nhen sân si tới mức cứ mãi ác ý về một món đồ vô vị trong hàng tá món âu phục loè loẹt mà khách của tiệm tặng bạn nó. Chơi với nhau đủ lâu để tôi hiểu, những lời xỉa xói của Trung, thực chất cũng chỉ là mấy bát canh giải rượu nó ép bạn nó uống để thôi mê muội trong đống vọng tưởng của mình. Mà tôi thì, ương lắm, đâu có chịu tiếp thu. Nên bất quá, nhiều lúc Trung nó cũng chẳng thèm cả nể vòng vo nữa.




























"Tao thừa đủ biết, mày chỉ mặc vì là quà người ta tặng."

"Chứ không lẽ tao để phủ bụi trong tủ."

"Nhưng nó không hợp với mày."

"Ấm là được."







Trung bật cười. Tôi biết nó cười chẳng phải vì vui vẻ gì cho cam.













"Đúng là ở trong áo thì thấy ấm, người ngoài chỉ thấy kệch cỡm thôi."












"Biết." - Tôi đáp.














"Biết thì sớm tỉnh. Tao không phải người ngoài. Tao không cười mày, nhưng áo rách, mày lạnh. Trời vào đông rồi, tự mà giữ lấy sức khoẻ."



















Thành thật mà nói. Tôi không thường có những cuộc hội thoại quá hoàn chỉnh với Trung. Có những cuộc trò chuyện chữ được chữ mất. Có những lần tôi chẳng hiểu nó muốn nói gì. Nhưng lần đấy thì có.

Những lời vụn vặt. Chẳng rõ đầu cuối. Vỏn vẹn vài lời. Nhưng đủ để hiểu, đủ chua chát, đủ lạnh nhạt.


Đủ thành thật.










Tôi vẫn luôn cho rằng nó sẽ mặc kệ chẳng bao giờ can dự vào ba cái chuyện nhớ thương tầm xàm của tôi.



















***


Khoa học phương Tây nói rằng cần ít nhất 21 ngày để hình thành một thói quen. Nhiều chứng minh gần đây lại nói cần nhiều hơn 21 ngày, cụ thể là cần 66 ngày để một hành vi trở thành tự động. Cơ mà tôi tin rằng, dù con số có là chính xác 3 vạn 9 chục nghìn ngày hay bao nhiêu đi chăng nữa, thì việc mỗi sáng thứ bảy ghé nhà cụ Chánh cùng với bịch thuốc đông tây kim cổ kết hợp, đối với tôi, sớm đã trở thành lối sống mất rồi.

Nhà cụ Chánh, gọi thì nghe thân thương thế, chứ nó trong miệng người khác là "dinh cụ Chánh", "phủ cụ Chánh". Còn tại sao chủ thương mới nổi như tôi lại được ưu ái đặt chân vào phủ, chắc chỉ có thể đổ cho mấy tầng quan hệ với con trai út nhà cụ thôi.


















Căn dinh thự này, bảo to như những cái biệt phủ của mấy tên phán Tây thì cũng chẳng to đến thế, hào nhoáng thì lại càng không. Nhưng nó rộng. Và tôi luôn mơ hồ có một cái cảm giác, dinh cụ Chánh cứ lạnh hơn bên ngoài cả mấy độ. Nhà neo người, cụ Chánh nếp sống lại càng không cầu kì, nên nếu bạn hi vọng được lắng nghe những điệu nhạc du dương dát vàng lỗ tai từ cây vĩ cầm nhập khẩu độc nhà cụ có, hay tiếng nói cười ríu rít đông vui của đám cậu ấm cô chiêu lít nhít, thì bạn kỳ vọng sai lầm rồi.

Sự tịch yên và cô liêu đến cùng cực của ngôi nhà này, đôi khi làm tôi sinh ra một loại cảm giác vô thực. Này, có lẽ mấy người tôi quen, cũng chưa chắc đã là người nhỉ?




















"Thầy Khoa!" - Thằng Nguyên gọi giật giọng.

Chữ "thầy" chói tai đập thẳng vào màng nhĩ, giống như kích hoạt một loại cơ chế phòng thủ nào đấy, da gà da vịt trên người tôi bỗng chẳng gọi nhau mà cùng nổi lên rần rần.

Tôi đã nói đến việc tôi ghét mấy cái danh xưng hào nhoáng chưa nhỉ?













"Ai ui." - Nguyên ré lên khi túi thuốc "nhẹ nhàng đáp" lên người nó. - "Sao thầy Khoa ném em mạnh thế?"

"Có phải lần một lần hai gặp đâu mà phải câu nệ? Bỏ cái chữ thầy đi."

"Không xưng hô tử tế, cậu út đánh em." - Nó cười giả lả.

"Ai mà đánh nổi mày." - tôi gõ đầu thằng Nguyên.

Dù nói rằng nhà cụ Chánh rộng, nhưng lượng người làm lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số lượng người làm ở đây ít đến mức đáng ngạc nhiên so với tất cả những dinh phủ của cường hào phú hộ cùng tầm ở cái chốn thị thành này. Ít tới nỗi, cái đứa đến bữa trước ăn gì còn quên như tôi, có thể chỉ mặt gọi tên từng người từng người.

Cho nên, là một đứa thể chất náo nhiệt, tôi không nhịn được mà cảm thán cái nơi này, buồn tẻ đến trống vắng. Nhưng cái lũ người làm nheo nhóc ở đây, hình như cũng nhiễm cái hơi lạnh heo hút của cái phủ này mất rồi.







Người làm nhà cụ Chánh tôi nhìn đến nhẵn cả mặt, nhưng quen thân, chắc chỉ có thằng Nguyên với cái Thi, vì chúng nó gần cậu út nhà cụ Chánh nhất.

Nguyên năm nay lên mười hai, nhưng nó chẳng có vẻ gì là một đứa người làm đói ăn hết cả. Thậm chí đôi lúc tôi còn sinh ra cảm giác, nếu đặt nó so sánh với cái tên chủ thương tối ngày quần quật ôm ấp đống giấy tờ cùng mấy lô hàng cao ngót nghét quá đầu như tôi, trông nó còn nhàn nhã phú quý hơn.
Thi thoảng nhìn nó làm tôi ao ước, hay thôi, bỏ quách cái nghề buôn thuốc tây mà về làm người ở cho nhà cụ Chánh, khéo lại nhàn hạ.


Không tiền án tiền sử, Nguyên chỉ khiến người khác tiền đình. Nếu nhà cụ Chánh được miêu tả bằng một bản nhạc êm đềm sâu lắng, thì thằng Nguyên chắc chắn là cái nốt thánh thót chói tai không hoà nhập không ăn rơ mà tác giả lầm lỡ chép nhầm trong một cơn ngủ gục. Để đọ về độ lắm mồm, tôi tự tin cho rằng, nếu thể chất náo nhiệt của tôi được 9, thì nó phải được 11 điểm nói nhiều.

Mà kì lạ thay, người ta hay nói nó tồ. Tôi lại thấy ngược lại. Có đứa nào tồ mà mỗi lần chủ thương qua đều vòi quà như nó không?







"Thế?" - Thằng Nguyên ngó ngó cái túi đầy ự thuốc gói dưới lớp khăn xanh ngọc, đặng như tìm kiếm cái gì - "Nay cậu tới đưa thuốc cho cậu Sơn con?"


"Hỏi thừa" - Tôi đáp - "Thứ bảy nào cũng thấy tao, mày cũng bớt cái điệu giả đò ấy đi. Ghê lắm. Muốn gì nói luôn?"

"Ấy ấy, cậu nói thế, con nào dám vòi tiền cậu." - Nguyên vội vàng xua tay, hai mắt híp lại - "Nhưng mà dạo này cậu út ho quá, ho lây sang con, con cũng ho ơi là ho. Cậu Khoa trước có món kẹo ngậm gì gì màu vàng ấy, cho con mấy viên thôi là phước cả đời con rồi."

"Trời sinh vòng vo." - Tôi nạt, song vẫn rút từ túi áo một vỉ kẹo ngậm màu vàng chanh, nhét vào cái tay đỏ ửng lên vì lạnh của thằng nhỏ. - "Đừng có mà ơn phước gì hết, tao ghét lắm. Nhớ mang cho cả chị mày nữa, đừng có ăn hết."

"Dạ cậu Khoa nhắc Thi?"

Lại thêm một cái đầu đen trũi ngó ra từ cửa bếp.




Người làm cái nhà này? Ăn gì thính thể nhỉ?






























***

Tôi hay đùa đùa thật thật mà gọi mùa đông là mùa của sự vụn vỡ.














"Tại sao lại thế?"

"Đến da thịt còn vỡ vụn nữa mà."

"Hả?"

"Tay cậu Khoa nẻ hết rồi này, để anh nắm cho hết nẻ nhé."


























Hình như cũng lâu rồi kể từ lần cuối cùng tôi cảm nhận mùa đông một cách rõ ràng như thế này. Khí lạnh hanh hao miên man trên những lọn tóc đen bù xù, ngón tay đỏ ửng lên vì cái buốt giá đến cắt da cắt thịt của chốn kinh kỳ, đốm lửa mới nhóm kêu lên lách tách từ trong cái bếp cũ kĩ. Mùa đông gói gọn trong mắt tôi, chỉ có thế; rời rạc, vụn vỡ, chẳng cái gì thèm ăn nhập với nhau, như cái cách tôi tự hỏi tại sao giữa một kiến trúc tân tiến hiện đại, sặc hơi thở châu Âu quyền quý như phủ nhà cụ Chánh, lại xuất hiện một cái bếp cứ ngỡ bưng từ thời vua Hùng về như vậy.

Tôi nhìn Thi với Nguyên lúi húi ôm túi thuốc, tay lại mân mê đống kẹo ngậm mới được cho, không nhịn được mà bật cười.

Đúng là trẻ con.





























"Cậu Khoa, sao cậu cười tụi con?" - thằng Nguyên ngước đôi mắt tròn xoe của nó về phía tôi.

"Tại tao chuẩn bị mách cậu út tụi bây, là tụi bây để khách đứng đến cảm lạnh ngoài này mà không dẫn vào nhà."

"Á!" - cái Thi kêu lên thất thố, giống như vừa nhớ ra cái gì lặn sâu trong tiềm thức mà tới giờ mới trồi dậy - "Con quên mất, nay nhà cụ Chánh có khách, mà bàn chuyện lâu quá con chưa dẫn cậu lên được. Cậu, cậu đợi một lát, con ngó xem người ta về chưa rồi con dẫn cậu lên liền."

Hoạ hoằn lắm mới có một lần tôi thấy cái Thi lúng túng cỡ vậy.










Thi lớn rồi, nó biết nhiều hơn thằng Nguyên, nhưng chị em nhà này quả nhiên là chị em ruột, có bao nhiêu thứ đều viết hết lên mặt. Chẳng giấu được chuyện gì.

Tôi biết cái Thi giấu tôi, nhưng tôi cũng làm biếng hỏi nó muốn giấu cái gì mà cứ phải chộp giật. Thuận nước đẩy thuyền, sẵn có chuyện nhà, tôi cũng chẳng muốn làm khó con bé làm gì.

"Thôi, cậu về." - tôi làm bộ cảm lạnh sắp chết tới nới, húng hắng ho khan mà tạm biệt hai đứa nhỏ, không quên dặn dò như một cam kết rằng bản thân chấp hành rất nghiêm chỉnh đạo đức ngành dược. - "Thuốc uống như nào, uống mấy giờ, ghi rõ rồi đấy. Nhắc cậu út nhớ đọc."

Tôi nghĩ là nơi này hơi muốn đuổi tôi rồi.












"Để Nguyên dẫn cậu ra cổng." - đứa nhỏ nhanh nhẹn túm lấy vạt áo tôi. Còn tôi đưa tay xoa lên cái đầu nhỏ tóc ngắn lởm chởm của nó.

"Cậu tự về được, đâu có phải trẻ con nữa đâu."














Ừ, đáng nhẽ tôi đã có thể bảo toàn chút thân thể cuối cùng không còn vỡ vụn trong cái tiết đông lạnh giá này nếu như không nấn ná ở lại mà trả treo với hai đứa nhóc. Bởi vì khi ấy, chính tôi cũng không biết rằng, sau khoảnh khắc lắm mồm chòng ghẹo mấy đứa con nít, mắt tôi có thể sẽ vô tình chạm phải một thứ gì, hay một điều gì, hay một cái gì.

Tiếng cười nói chộn rộn phát ra từ cánh cửa chạm khắc tinh xảo giữa gian nhà chính thành công thu hút linh hồn hiếu kỳ, tầm mắt tôi vô tình rơi xuống một người con gái đương độ xuân thì có mái tóc hoe đỏ. Tay khoác lên vai và môi dán lên má một cậu trai quần áo chỉnh tề. Vạt áo lông trắng ngà của cô ả vô tình làm khuất lấp đi dáng hình mà tôi những tưởng rằng mình quen thuộc suốt bấy lâu, lại hữu ý vừa đủ để lộ ra một góc mặt của cậu thanh niên tuấn tú mà cô đang thắm thiết ôm hôn ấy.

Tôi chưa bao giờ nghĩ, màu trắng lại có thể chói mắt đến thế.

"Cô Nguyệt lại nhà ạ."

Tôi nghe giọng cái Hảo vang lên choe choé, xé toạc cái tịch liêu vốn có của căn nhà. Tôi thấy lưng nó gập xuống, mắt hướng theo gót giày cao cao màu đỏ.









Cơn bất an dậy lên như sóng, vỗ vào lồng ngực tôi như thể chỉ cần cái thân xác này chần chừ thêm một chút nữa thôi, là nó sẽ tự động xé toạc cái thể trạng héo mòn này mà đi tìm câu trả lời cho mình. Tôi, dù không muốn, song lại không thể cản nổi bản thân hỏi một câu ngớ ngẩn đến mức tự mình cũng có thể trả lời rõ ràng và mạch lạc hơn gấp hàng nghìn lần so với lời hồi đáp tôi sẽ nhận được.























"Nguyên, kia là ai thế?"

"Thầy hỏi cô Nguyệt ấy hả, cô ấy sắp thành vợ cậu Sơn đấy."











Cái Thi vùng lên đưa tay bịt lấy miệng đứa em nó.




Tôi đột nhiên hiểu sao người ta hay chê thằng Nguyên tồ.











"Cậu, cậu đừng nghe Nguyên" - cái Thi vội vã bào chữa hộ đứa em thật thà của nó mấy lời muộn màng - "Nguyên nó nhỏ, nó chưa biết gì đâu cậu."

"Ai bảo thế." - Thằng Nguyên ú ớ kéo tay cái Thi ra khỏi miệng, ngoái đầu nhìn người chị đang khổ sở mong nó câm cái miệng lại - "Em nghe cụ Chánh nói rồi, tháng sa.."

Cái Thi tống miếng sắn hẵng còn sượng nguyên vào miệng đứa em nó.

Tôi bật cười.




Chát đấy.






"Sao con giấu cậu làm gì?"

Chút tỉnh táo cuối cùng còn lại trong tiềm thức của tôi đặt câu hỏi cho Thi.

"Sớm hay muộn mà cậu chẳng biết thôi? Sao phải giấu làm gì cho khổ cái thân ra?"


Cái Thi, tay vẫn choàng lấy cổ em nó, mà mắt nó đỏ hoe.

Tôi cũng chẳng biết vì sao mắt nó đỏ? Tôi cũng đâu có đáng sợ đến thế.


"Cậu đừng buồn nhé."

Mũi Thi ửng đỏ, mấy giọt nóng hổi lăn dài trên má nó.

Chút đau đớn gặm nhấm từ trong lồng ngực, bỗng dưng kìm lòng không đặng mà lan tới đỉnh đầu, chảy tràn xuống khoé mắt, hoá thành cơn ù tai đặc quánh đến đau nhức hộp sọ. Nó cứ đi, đi mãi, chìm vào hơi cay nơi cánh mũi rồi cổ họng. Khó khăn hớp lấy một ngụm không khí, tôi dìm lại những mảnh rạn vỡ trước khi chạy khỏi cái chốn lạnh tanh này.

"Có gì phải buồn đâu? Thi đừng khóc."

Tôi trấn an đứa trẻ trước mặt mình.

Chỉ là.






























"Áo cậu rách rồi. Lạnh. Phải về thôi."

































































Nếu có lỡ chuyện mình không thành, chỉ mong em đừng oán trách anh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro