bộ trưởng nói khi không có ai hỏi
*đây là một chương riêng biệt
Dành cho những ai muốn nghe, thì thực tình rằng tôi chẳng muốn kể lể về mình chút nào. Không hề. Đời tôi nhạt thếch và tôi đánh nhau với bọn đầu gấu. Ý tôi là bọn có tí cơ bắp xong huênh hoang khắp phố nghĩ là mình hay ho đấy. Nếu bạn đi trên phố mà gặp bọn đó, thì bạn không thể nào ngăn mình nhảy bổ vào được. Thực ra là có, có chứ, nhưng thằng tôi ấy à, thấy tên nào hợm hĩnh là ngứa mắt lắm. Đầu tôi cứ ong ong và mắt tôi thì nổ đom đóm. Tôi đánh nhau ba lần một tuần và bò thoi bò thóp về nhà cũng ba tuần một lần. Nhưng nếu nổi hứng lan man thì tôi sẽ kể về cái chuyện này sau.
Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện này bằng căn nhà của tôi. Nó nằm trong một tòa nhà cao tầng thiết kế rất cổ lỗ sĩ, tôi phải nói thực với bạn, trên rìa phố Canal. Chắc bạn đã từng nghe về nó. Khu phố nhái ấy. Ở đây bạn có thể tìm đồ của Coco hay Yves với cái giá rất bèo (tôi thích gọi như thế ở đây hơn, vì làm gì có hàng thực mà chỉ đích danh).
Cách một chút, nếu bạn có tiền đi taxi, là đại lộ số 6. Ở đây thì có nhiều thứ bạn chẳng tưởng tượng nổi. Có lần tôi đi tìm mua một cái máy quay đĩa cho em tôi, và tôi tìm được một cái vỏ sò nằm dưới biển phải đến hai nghìn năm (theo lời gã béo trông khá bịp) có thể phát ra nhạc của cô ca sĩ có tiếng sầu đời nếu như ta thổi vào một đầu. Tôi thì chẳng ngu gì tin, nhưng tôi vẫn mua. Bạn biết đấy, nếu bạn có cơ hội nhìn thấy một cái vỏ sò hay hay như thế thật, chắc bạn cũng mua. Thực chất bố tôi có khá nhiều tiền và chúng tôi ăn tiêu khá dư dả. Chuyện bố tôi lại là một chuyện khác, rất dài. Giờ quay lại căn nhà của tôi.
Sau khi mua cái vỏ sò rất bịp và cắp nách cái máy quay đĩa, tôi dùng chân đá ầm ầm vào cửa. Tôi mong em tôi sẽ ở nhà và mở cửa hộ tôi. Thực chất đấy cũng chẳng phải em ruột tôi. Bố tôi nhận nuôi em cách đây tầm mười ba (mười bốn?) năm, lúc em ruột tôi mất. Hồi đấy tôi bé tí nên tôi không biết buồn nẫu ruột. Tôi chỉ nhớ hôm đó phải mặc toàn đồ đen, và quấn trên đầu cái khăn tang trắng. Tôi thấy mẹ tôi khóc và mắt bố tôi đen xì. Cảnh tượng ngày hôm đó rất kinh khủng, nói thật với bạn, mặc dù trời rất xanh và nắng rất ấm. Mấy tháng sau thì bác sĩ thông báo mẹ tôi chẳng sinh được nữa, và mấy tháng sau nữa bố tôi đem em về. Em khá dễ thương, chứ không mang cái nòi ngỗ nghịch như tôi.
"Ai đấy?" Giọng em từ trong vọng ra. Bố đã dạy cho chúng tôi cần phải hỏi mỗi khi có ai đó đến nhà, vì những người bạn của bố không mấy thân thiện và người lạ có thể bóp chết chúng tôi. Tôi thì đếch quan tâm mấy, nhưng em là một người cẩn trọng. Em luôn luôn hỏi.
"Anh đây, Soobin. Mở cửa hộ cái, anh hết tay rồi."
"Làm sao em biết anh là Soobin thực? Anh hết tay vì cả hai tay anh cầm súng hả?" Tôi chắc chắn là em đang đứng sau cánh cửa, với đôi bàn tay bịt miệng để ngăn lọt ra tiếng cười thích thú. Em hơi thích trêu đùa tôi chút đỉnh, nói thực. Nhưng rồi kiểu gì em cũng mở cửa ra, tôi biết em mà. Tôi chỉ cần tung hứng cùng em chút đỉnh, vậy thôi.
Tôi áp sát môi vào cánh cửa và thì thầm, đại loại là tôi là cảnh sát và tôi biết em đang tàng trữ một con bạch tuộc khổng lồ trong nhà, và em phải mở cửa ra để tôi áp giải em. Em ré lên cười và tôi có thể tưởng tượng ra cảnh em ngửa ra đằng sau, và va "cốp" vào tủ đựng giày. Em xuýt xoa chút đỉnh, và phải mất hơi lâu để mở cửa cho tôi. Cửa nhà tôi có tới năm cái ổ khóa, và năm cái chìa xâu thành một chuỗi leng keng. Em thích đút chúng vào túi và nhún nhảy thành một điệu khúc khá nhức đầu, nói thật với bạn. Còn chùm của tôi thì rơi đâu mất, chắc lúc đánh nhau. Bố tôi thường đập vào đầu tôi rất đau mỗi khi tôi làm rơi chìa khóa, vì điều ấy có nghĩa là phải đổi năm cái ổ mới và đánh thêm năm cái chìa mới. Xời, khiếp. Có thế mà cũng ầm ĩ, nói thực với bạn, nhiều khi tôi không đánh giá cao bố tôi. Tức là nhiều khi ông cũng hay hay, dặn dò đạo lý các thứ, nhưng nhiều khi ông cũng thích nghiêm trọng hóa vấn đề.
Em đang cầm theo con thỏ bông của em, con thỏ mà chúng tôi nhìn thấy trong hội chợ. Hôm đó em khóc lóc tợn. Em cứ nhất quyết đòi tôi phải mua con thỏ ấy cho em, con thỏ có đôi tai dài tợn, nói rằng đó là thứ duy nhất em muốn nhiều như thế trên đời này và nếu bị người khác cướp mất nó thì em đến chết mất. Mà khổ nỗi hôm ấy tôi lại chỉ mang một chút đỉnh tiền (ai mà biết hai cái đĩa than ấy từ tận năm 1955 cơ chứ!), và nếu mua con thỏ chúng tôi sẽ phải tự cuốc bộ về nhà. Nhưng cái kiểu khóc của em tôi thì nẫu kinh khủng. Em không gào la inh ỏi, không níu áo, không lăn ra giãy giụa - cái kiểu bọn trẻ con hay làm, nhưng em cúi gằm đầu xuống và mặc cho những giọt nước mắt nhỏ ướt đẫm mặt. Em không chịu đi mặc cho tôi có kéo thế nào, và khi em ngước lên - nơi đáy hai cầu mắt đỏ ngầu vì khóc ấy, long lanh cái vẻ cầu xin - và tôi thấy hoa hoa mắt. Em trông như thể người sắp chết đói vì thế chiến và tôi sẽ là cái thằng vô nhân đạo nếu nhẫn tâm giật đứt sợi dây nối đến cái phao cứu sinh cuối cùng của em. Tôi mủi lòng khiếp và tôi thấy hai đầu gối mình bủn rủn.
Thôi được rồi, đằng nào đây có lẽ cũng là con thỏ cuối cùng mà người ta bán. Để em tôi nhìn những đứa trẻ khác - quần thun, áo phông lấm bẩn - ôm nó trên tay với cái lấp lánh trong đáy mắt, trong sướng rơn và hạnh phúc, thì chắc tôi cũng sầu chết được. Tôi móc túi ra những đồng cuối và ra về với một nụ hôn thắm đượm của em trên má (nói thực, anh là người anh tuyệt-vời nhất trên thế giới). Chúng tôi đi về khi trời đã tối mịt (và tôi phải cõng em trên lưng khi em lịm đi vì mỏi), ăn một bài tổng sỉ vả của ông bô, nhưng con thỏ được xiết chặt trong vòng tay em và môi em cong lên thành một nụ cười, nụ cười chết tiệt duyên tệ, thì tôi thấy - suy cho cùng - tôi cũng là một thằng anh rất khá.
Rất khôi hài, hai tháng sau, lại một lần dạo hội chợ, chúng tôi lại gặp đúng con thỏ ấy, nằm đúng chỗ ấy. Lần này thì em đi với con thỏ lần trước trên tay, nhưng em vẫn nằng nặc cầu xin tôi mua nó. Con thỏ thứ ba xuất hiện sau đó không lâu, và em lại là người hốt trọn. "Em định thành lập một đội kịch thỏ, anh biết mà!" - em nhìn tôi với một cái bĩu môi - "Em sẽ cho anh ngồi ghế đầu, hứa đấy." Em thậm chí còn chìa ngón út nhỏ xíu ra trước mặt tôi, và rồi, rồi, em muốn bao nhiêu thỏ, thì sẽ có bấy nhiêu.
Em không đặt tên cho những con thỏ của mình, vì - "Mỗi đứa sẽ phải đóng nhiều vai trong nhiều màn kịch của em, nếu đặt tên thì em quen mất!" - nên nhiều lúc muốn rủa xả đứa nào nằm lăn lóc trên sàn, tôi toàn phải gọi cái tên chung của cả ba, bọn thỏ. Xin lỗi những chú không liên quan đến chuyện án ngữ giữa lối đi, tại em tất đấy!
Em luôn luôn ôm một trong ba đứa - hoặc cả ba - và đi bất cứ đâu mà bố tôi và đôi chân nhỏ nhắn của em cho phép. Em đi rất mau lẹ, thật đấy. Có lần tôi buông cánh tay ra và em mất hút, sau cánh cửa gỗ. Tôi đếch biết em đi đâu. Có lẽ tôi không biết buồn trong một vài năm khỉ gió thời còn bé, bạn biết mà, lúc ấy tôi còn không biết mặt trời không quay quanh trái đất, sao tôi biết được thế nào là buồn. Nhưng tôi khác rồi. Tôi sẽ buồn khi không được nhìn thấy em, bây giờ đây.
Tôi từng bị bệnh không biết chấm phẩy, ấy là một căn bệnh rất thối, tôi phải thừa nhận; ấy là nói mãi những điều dông dài đếch ai nghe. Tôi nói thật ấy. Tôi chúa ghét ngồi trên giảng đường, vì giáo sư của tôi là một cái máy phát vô tận. Bạn cứ nghĩ như bật lên một chiếc radio rồi ném phăng nút tắt xuống biển ấy, ông giáo già của tôi, lải nhải cái chết mẹ gì về những áng văn thiên cổ. Nhìn tôi có giống quan tâm không? Nhưng chính tôi lại bị như thế! Ấy tôi nghĩ là do di truyền, vì bố tôi cũng bị vậy, vậy nên xin bạn hãy đổ lỗi cho ông ta. Nhưng em không bị vì chúng tôi vốn chẳng phải ruột thịt, như vậy là rất tốt. Em chỉ bị bệnh nhảm nhí, đó là một căn bệnh có thể lây qua không khí. Những lúc như thế thì tôi rất nhức đầu. Nhưng em nói nghe cũng thú, vậy là đủ.
Bố tôi không thích tôi vì tôi học dốt và côn đồ, nhưng xin chớ hiểu lầm ngay, tôi là thằng côn đồ hay chữ đấy chứ, bạn vẫn đang tốn ối thời gian để đọc cái thứ chó tha này cơ mà! Bố luôn đập vào gáy tôi mỗi khi tôi không mở miệng chào hỏi các ông các bà hàng xóm, mà để tôi nói cho bạn, một năm tôi gặp họ không đến năm lần! Và tôi đếch có nhớ mô tê gì về chuyện ai là ai. Thật đấy. Bao giờ họ cũng ra đường vào cùng một khung giờ, và tôi thì chúa ghét những khung giờ đó vì đường tắc đáo để, tôi ghét tiếng còi xe và dân Mỹ la ó để chen lấn nhau. Em tôi thì rất ngoan, cái em Yeonjun ấy, vừa xinh xắn lại ngoan ngoãn tợn, quả là niềm tự hào không chung dòng máu. Bố luôn bắt tôi phải làm gương cho em. Nhưng chẳng cần tôi thì em vẫn ngoan ngoãn. Tôi ngoan ngoãn thì lại không giống tôi, như thế lại chán ốm.
Tôi không có ý định kể lể dài hơn vì đã tới giờ tôi phải tới giảng đường, xin cảm ơn, chưa đến 10 phút và tôi bắt đầu có triệu chứng khô cổ mắc dịch. Nếu có hứng, tôi sẽ quay lại kể bạn nghe tiếp nhé. Chuyện đời tôi thì nhiều. Hoặc giả đi tìm Holden ấy, chứ không nên tìm tôi. Tôi chỉ là kẻ học đòi.
Nhưng cách tôi kể chuyện cũng cuốn tợn, bạn thừa nhận đi. Tôi rất rõ như thế. Tôi rõ cả chuyện em tôi dễ thương. Bạn sẽ muốn xoa đầu khi gặp em, và tôi phải cuốn-xéo ngay trước khi tiếp tục dông dài.
***
đây là bản draft trong drive mình viết từ ba năm trước, bạn sẽ thấy nó ngắn như quần đùi và cụt lủn khó chịu, nhưng giờ mình không hay chữ như ngày xưa nên không thể viết tiếp T-T
đọc lại thì cũng thấy đáng yêu nên thôi đăng cho ai có nhã hứng
tôi yêu phoebe caulfield
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro