Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Đề thi

I. Đọc hiểu

Câu 1:

Thể thơ của văn bản trên là: thể thơ tự do

Câu 2:

Câu thơ " Nếu bạn không thể là quốc lộ, hãy là một con đường mòn nhỏ" mang ý nghĩa vô cùng tích cực đến với bạn đọc. George Bernanos từng nói rằng: " Những điều nhỏ bé tưởng chừng như không có gì, nhưng chúng lại mang lại sự bình yên, như những bông hoa đồng cỏ trông riêng lẻ dường như không mùi nhưng tất cả cùng làm thơm không khí". Con người luôn muốn vươn tới " quốc lộ" rộng lớn, bao la, vĩ đại mà đôi khi quên mất đi giá trị cốt lõi sâu xa lại nằm trong những điều vốn rất nhỏ bé, tầm thường như những cung đường mòn thân thuộc. Như vậy, câu thơ muốn gửi gắm đến chúng ta bài học về cách sống sâu sắc, nhắc nhở ta khi làm bất kỳ công việc gì dù lớn hay nhỏ cũng cần nỗ lực hết sức để có thể đạt được kết quả tốt nhất, tránh cảm giác nuối tiếc và hụt hẫng.

Câu 3:

Phép điệp cấu trúc " Nếu không thể là... hãy là..." có tác dụng tạo nhịp điệu cho bài thơ, giúp nhấn mạnh ý nghĩa, thông điệp mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc.

Câu 4:

Lời khuyên " việc nên làm chính là việc gần ta" giúp tôi hiểu hơn về giá trị của những việc làm nhỏ trong cuộc sống này. Có thể nói rằng, bước đệm của sự thành công thường đến từ những điều tuy đơn giản, nhỏ bé nhưng lại mang bài học lớn lao để chúng ta rút ra kinh nghiệm cho những bước đi tiếp theo trong cuộc hành trình đầy chông gai này.

II. Làm văn

Câu 1:

Tiết trời thu se lạnh, những câu ca trong bài hát " Điều nhỏ bé phi thường" bất chợt ngân vang lên trong tiềm thức, sưởi ấm trái tim tôi: " Điều tuy rất phi thường nhưng thật ra rất nhỏ bé/ Điều nhỏ bé phi thường luôn nằm ở trong ta". Thật vậy, mỗi cá nhân đều là một mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh cuộc sống muôn màu này và cống hiến của từng cá thể đơn lẻ là những viên gạch tưởng chừng nhỏ bé lại góp phần xây dựng nên một kỷ nguyên vĩ đại và giờ đây ta càng thấu hiểu hơn ý nghĩa của câu nói " sự cần thiết của việc làm những điều nhỏ bé là tốt nhất". Đừng quan niệm rằng bạn phải làm những điều thật lớn lao, thật khó khăn mới có thể đem lại hạnh phúc và thành công cho chính mình cùng những người xung quanh. Thực chất, hạnh phúc hay thành công không phải điều gì quá xa xỉ, đôi khi nó chỉ là những việc làm rất đỗi đời thường nhưng ta lại hay bỏ lỡ chúng. Đơn giản là khi bạn giúp đỡ một cụ già qua đường, sẻ chia niềm vui của mình cho những người bạn yêu thương,... nó giản đơn vậy đó nhưng lại mang trong mình giá trị về cách sống, như liều thuốc để xoa dịu vết thương lòng của ai đó, đồng thời cũng giúp bản thân nhân đôi niềm vui mỗi ngày. Ví như Kito Aya, cô nữ sinh Nhật Bản phải đối mặt với căn bệnh thoái dây sống tiểu não đã từng tâm sự rằng: " Có những người mà sự tồn tại của họ giống như không khí, êm dịu, nhẹ nhàng, chỉ khi họ mất đi ta mới nhận ra họ quan trọng nhường nào. Mình muốn trở thành một sự tồn tại như thế". Trong cuốn nhật ký " Một lít nước mắt" của cô gái nghị lực ấy, cô đã truyền tải thông điệp sống tích cực về lẽ sống với mong muốn lan tỏa một phần sức sống nhỏ bé cuối đời mình cho những người đồng cảnh ngộ và cuối sách cô đã kết thúc bằng dòng chữ cảm ơn với cuộc đời. Quả thật, mọi sự thành công đều khởi nguồn từ những giá trị nhỏ bé, giản đơn, tuy nhiên ta cũng không thể nào phủ nhận được đóng góp của những việc làm vĩ đại, hoài bão lớn lao vì hai giá trị sống này có mối quan hệ mật thiết tương hỗ cho nhau không thể tách rời. Bên cạnh đó, cũng cần thức tỉnh kịp thời những người đang ngủ quên trong chiến thắng hay mơ hồ không có phương hướng cụ thể để họ biết cách trân trọng cuộc đời, học được cách nâng niu những giá trị nhỏ bé, mộc mạc.

Câu 2:

" Hạnh phúc là gì?

Bao lần ta lúng túng

Hỏi nhau hoài

mà nghĩ mãi vẫn chưa ra..."

Có thể nói, nếu trước năm 1968, nhà báo Dương Thị Xuân Quý cùng nhà thơ Bùi Minh Quốc vẫn đau đáu với câu hỏi " Hạnh phúc là gì?" thì cho đến ngày "Miền Nam gọi hai chúng mình có mặt...." chị đã tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình. Còn với chúng ta hạnh phúc là gì và đi đâu để kiếm tìm hạnh phúc? Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, ta hãy cùng nhau khám phá câu chuyện " Thượng đế cũng không biết" để có cho mình câu trả lời trọn vẹn về ý nghĩa của hai từ hạnh phúc.

Cuốn sách " Những giai thoại hay nhất về tình yêu và cuộc sống" đã ghi lại những mẩu chuyện đầy thi vị về cuộc sống muôn hình vạn trạng này, đồng thời truyền tải đến bạn đọc những thông điệp đầy tính nhân văn, nhất là lý giải cho chúng ta thấu hiểu hơn quan niệm về hạnh phúc. Chuyện kể rằng, khi xưa Thượng đế dùng đất sét nặn ra con người và thừa một mẩu đất. Ngài đã hỏi con người cần nặn thêm cái gì không và nhận được câu trả lời khiến Ngài không khỏi bối rối. Con người muốn được nặn hạnh phúc, tuy nhiên Thượng đế dù là người có hiểu biết sâu rộng nhưng đứng trước yêu cầu đó Ngài cũng ngập ngừng bởi chưa từng được thấy, chưa bao giờ được cầm nắm thứ gọi là hạnh phúc kia. Chính vì thế, Ngài đã trao cục đất sét cho con người và nói: " Tự đi mà nặn lấy cho mình hạnh phúc".

" Hạnh phúc là gì?" nghe qua thì có vẻ đơn giản, nhưng có lẽ chẳng bao giờ tìm được mẫu số chung và không có một thước đo chuẩn mực nào để đo lường được hạnh phúc. Có rất nhiều cách trả lời cho câu hỏi muôn thuở ấy. Đã có lần, Các Mác trả lời con gái rằng: " Hạnh phúc là đấu tranh!" và đúng vậy, hạnh phúc biết bao khi con người không ngừng đấu tranh chống cường quyền, áp bức; chống bất công, chống cái xấu, bênh vực cái đẹp để mang lại hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng, xã hội! Hay như nhà thơ Pushkin từng viết: " Tất cả hạnh phúc trên thế giới đều lấy sự bình yên trong nội tâm là đặc trưng cơ bản nhất". Sống thật với nội tâm là khi được sống đúng với chính mình, được làm công việc yêu thích, được giúp đỡ, sẽ chia với mọi người xung quanh hoặc hạnh phúc đó đơn giản là khi mỗi sớm mai thức dậy bạn có thêm một ngày để yêu thương. Cuộc sống này ngắn lắm, mà hạnh phúc tưởng chừng vô hình kia lại nằm ngay ở chính con đường bạn đi, trên những bước chân bạn tập trung hướng đến hoài bão, đam mê mà bạn mong chờ ở tương lại phía trước.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ trong bài " Thơ tự sự" đã từng hình tượng hóa hạnh phúc:

" Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy

Không chỉ dành cho một riêng ai"

Cách nói " hạnh phúc cũng như bầu trời" vừa ca ngợi tầm vóc lớn lao, sức mạnh lan tỏa, vừa khẳng định khả năng chinh phục, cảm hóa con người của hạnh phúc. Lưu Quang Vũ đã có sự lựa chọn tinh tế khi đưa ra ra phép so sánh này. Hạnh phúc không thuộc về riêng ai, cũng như bầu trời là của chung tất cả, là của chung và ai cũng cần có. Con người mưu cầu hạnh phúc cũng như Trái đất không thể thiếu mặt trời, hạnh phúc sưởi ấm trái tim băng giá và tái sinh những mầm sống trong con người. Không có cuộc sống hạnh phúc mới chính là bất hạnh lớn nhất chứ không phải sự nghèo đói. Bởi thế hãy luôn tìm kiếm hạnh phúc trong từng phút giây, hạnh phúc cho người và hạnh phúc cho ta. " Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy". Mọi điều trên thế giới dừng lại ở hai chữ " vừa đủ" là trọn vẹn nhất. Trao đi yêu thương bằng sự chân thành, không tính toán hay vụ lợi, thì chắc chắn thứ bạn nhận lại còn gấp vạn lần với điều bạn đã cho đi. Hãy cười lên vì nụ cười của bạn chính là lý do để người khác mỉm cười, một lúc nào đó, bạn cũng sẽ trở thành "mặt trời" của một ai đó. Chính vì nhờ gặp được bạn mà họ đã có lý do để sống tiếp, để đương đầu với mọi chông gai.

Đến với câu chuyện của mẹ Theresa là một nữ tu và nhà truyền giáo Công giáo Roma người Ấn Độ gốc Albania, ta sẽ thấu hiểu được một phần của hạnh phúc giản đơn đến nhường nào. Trong hơn 40 năm, mẹ chăm sóc cho người nghèo, bệnh tất, trẻ mồ côi, người hấp hối và lãnh đạo dòng Thừa Sai Bác Ái ( Missionaries of Charity) phát triển khắp Ấn Độ và đến các quốc gia khác nhau. Mẹ thực hiện bất cứ công việc gì mà người nghĩ là có thể xoa dịu " cơn khát" hòa bình, tình yêu và tiếng cười trên thế giới. Từ đó, mọi người đều nhận thấy được tình yêu thương không vị kỷ của nữ tu sĩ, giúp cảm hóa những tâm hồn đang đắm chìm trong tăm tối, sẻ chia niềm hạnh phúc đến với ngưỡng cửa của mọi nhà. Hạnh phúc đối với mẹ là khi được nhìn thấy nụ cười trên môi những đứa trẻ, hay đơn giản là khi mẹ giúp đỡ được một mảnh đời neo đơn nào đó. Thật sự quan niệm hạnh phúc với mẹ Theresa quá đỗi bình dị và giàu lòng trắc ẩn.

Đức Phật đã từng răn dạy khổ đau và hạnh phúc luôn gắn liền với nhau theo nguyên lý duyên sinh, khổ đau và hạnh phúc không thể đồng thời tồn tại. Đây là giáo lý tương tức hai chiều sâu sắc của đạo Phật chân chính, dựa trên nền tảng nhân quả của phải và trái. Ta không thể tìm cầu hạnh phúc ở bên ngoài được hoặc là dựa dẫm vào một người khác, nếu có hạnh phúc ấy chỉ là tạm thời và sẽ mất đi khi không còn nữa. Khi muốn trồng hoa sen để thưởng thức hương vị dễ chịu, ta phải cần đến bùn vì sen và bùn đất rất cần cho nhau. Khi mê chỉ thấy bùn là bùn, khi ngộ mới thấy trong bùn có sen. Chúng ta không thể trồng hoa sen trên các loại đá quý được, thế nên giữa hạnh phúc và khổ đau có một mối liên hệ mật thiết với nhau, khi hạnh phúc có mặt thì khổ đau không thể hiện hữu. Khổ đau và bùn tượng trưng cho mặt trái, hạnh phúc và hoa sen tượng trưng cho mặt phải. Nếu chúng ta biết cách sử dụng bùn một cách hợp lý thì ta sẽ trồng được những bông sen tuyệt đẹp, với hương thơm nhẹ nhàng thoảng bay trong làn gió. Cũng như nếu chúng ta biết cách chuyển hóa khổ đau thì ta sẽ hưởng được chất liệu hạnh phúc do mình thể nghiệm mà không phải nhờ vả vào bất kì ai khác. Giống như câu nỏi của Hạ Dữ Chí trong cuốn sách " Đời là những niềm vui nhỏ bé" mà tôi rất tâm đắc: " Dù cuộc sống khổ sở, mệt mỏi đến đâu, chúng ta cũng phải mỉm cười đối mặt, cố gắng nghĩ thoáng ra, nắm bắt những niềm vui bé nhỏ trong cuộc sống, góp nhặt những phút giây vui vẻ, sau đó dùng chúng để đánh trả những giai đoạn tồi tệ, mỉm cười đi tiếp cả chặng đường".

Có người dành cả đời để kiếm tìm hạnh phúc nhưng cuối cùng chẳng bao giờ chạm tay tới được. Không phải hạnh phúc chẳng đến với họ, chỉ là đối mặt với guồng quay cuộc sống, họ đã chẳng thể nhận ra và vô tình bỏ lỡ. Nhiều người đối mặt với áp lực đã trả lời rằng: " Tôi không có nhà để có thể kết hôn", " Tôi còn nợ nần nên sẽ không đẻ con". Đừng đóng sập cánh cửa bước vào tương lai bằng kiểu suy nghĩ số đông này. Những suy nghĩ tiêu cực một khi đã cắm rễ sâu vào tâm hồn ta thì sẽ không thể dễ dàng loại bỏ chúng, thậm chí chỉ cần tình hình xấu đi một chút là họ sẵn sàng đặt dấu tiêu cực lên cuộc đời mình và chặn hết mọi cánh cửa hy vọng. Bạn biết không, nhiều lúc thức dậy sớm, thấy xe còn xăng, túi còn tiền, về nhà gọi một tiếng " bố ơi, mẹ ơi"... cũng là hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản và bình dị hơn nhiều so với những gì ta vẫn nghĩ. Đôi khi không phải hạnh phúc không chọn bạn mà chính xác là do bạn khước từ nó đấy thôi. Sống chậm lại, nghĩ thoáng hơn một chút, bạn sẽ nhận ra rằng, từng giây từng phút trôi qua đã có thể là hạnh phúc.

Hãy tự đặt mình trong vị trí của người khác, nếu bạn cảm thấy bị tổn thương thì người khác cũng sẽ cảm nhận như vậy. Một người hạnh phúc nhất không nhất thiết phải là người có mọi thứ tốt nhất mà là người biết tận hưởng và chuyển biến những gì xảy đến với mình trong cuộc sống một cách tốt nhất. Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết rơi lệ khi tổn thương, biết đau đớn khi mất mát, biết khát khao và nuôi dưỡng những giấc mơ, biết cố gắng làm lại khi thất bại, bởi chỉ có như vậy, mọi người mới biết trân trọng những gì đã và đang đến trong cuộc đời mình. Như Henry Ward Beecher đã từng chia sẻ: " Nghệ thuật để tìm thấy hạnh phúc nằm ở sức mạnh khi bạn biết khai thác niềm vui từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống thường ngày" Quả thực, nghệ thuật chân chính ấy cần được vun trồng từng ngày để hạnh phúc có thể nảy nở, đâm chồi và mang đến những giá trị sống tích cực nhất cho mỗi chúng ta.

Hạnh phúc được ví như một quả cầu thủy tinh, rơi xuống đất và vỡ thành nhiều mảnh, ai cũng có thể nhặt lên. Hạnh phúc là như thế, chỉ có thể dùng hai cánh tay mình để cố gắng, để kiếm tìm, để thay đổi. Hãy để cho tiếng gọi của hạnh phúc dẫn dắt, mở lối cho cánh cửa tâm hồn bạn vững vàng bước tiếp trên con đường tương lai phía trước.

Câu 3:

Nhận định: Về bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: " Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu". Ý kiến khác lại cho rằng "Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống"

Bài làm

Trong khoảng trời văn học của tình yêu, ta từng bắt gặp một Nguyễn Bính say khướt trong niềm nhớ, nhà thơ chân quê đã uống cả một trời quan tái:

"Chiều nay...thương nhớ nhất chiều nay

Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy

                                                              Tôi uống cả em và uống cả

                                                             Một trời quan tái, mấy cho say!"

Mỗi một nhà thơ tìm đến với một cách biểu hiện khác nhau: một tình yêu mang yếu tố triết lí trong thơ Tago; một tình yêu nồng nàn, say đắm trong thơ Pushkin; một tình yêu rạo rực tràn đầy cảm xúc trong thơ Xuân Diệu, thì Xuân Quỳnh lại như rơi vào " bể tình yêu", đắm say trong không gian ngập tràn cảm xúc cháy bỏng qua thi phẩm mang tựa đề giản dị - Sóng. Với Xuân Quỳnh, Sóng là cả một bầu trời tâm tư, tình cảm là tất cả sự cháy bỏng và rạo rực nhất của trái tim tình yêu. Về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: " Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu". Ý kiến khác lại cho rằng " Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống".

Lật mở trang thơ Xuân Quỳnh, ta thấy, chị đã gửi gắm vào thơ ca những tâm tư sâu kín, những trạng thái phức tạp tinh vi của tâm hồn người con gái khi nói về tình yêu với khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người. Bên cạnh đó, ta còn thấy được rõ nét tư tưởng tình yêu vừa truyền thống, vừa hiện đại, cùng phong cách thơ bình dị mà độc đáo của người phụ nữ hồn hậu ấy trong thời kỳ đầu.

Tư tưởng chính là linh hồn, là kết tinh của những xúc cảm dâng trào, những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, nó thấm nhuần trong tác phẩm như máu chảy trong huyết quản thấm đến từng tế bào của cơ thể. Và tư tưởng của nữ thi sĩ được gói gọn trong hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Đối với quan niệm hiện đại mới mẻ, nhà thơ đã chủ động bày tỏ những khao khát tình yêu mãnh liệt, khát vọng mạnh mẽ táo bạo về những rạo rực của tình yêu đôi lứa, gạt bỏ thẹn thùng, e ngại để nghe theo tiếng gọi con tim. Thế nhưng chị vẫn giữ cho mình nguyên vẹn nét dịu dàng, đằm thắm và thủy chung của người con gái truyền thống, nó đã trở thành vẻ đẹp đặc trưng về tư tưởng của thi sĩ nói riêng và của người phụ nữ nói chung. Tâm trạng vui buồn của Xuân Quỳnh hòa chung với tâm trạng của xã hội. Thơ của chị giàu sự tinh tế, lần khuất phía sau đó còn là những tư tưởng, triết lý và tất cả đều được lấy từ chất liệu cuộc sống đời thường. Thơ Xuân Quỳnh là niềm đau đáu bình an giữa thời tao loạn. Khi binh lửa, đạn bom cuốn mọi thân phận, mọi nguồn lực vào cuộc chiến, thơ ca cũng không thể không say máu anh hùng mà cất lời sắt máu. Dù không thể cưỡng lại thời, song, những tiếng thơ thầm kín và mãnh liệt nhất, Xuân Quỳnh vẫn chỉ dành cho niềm khao khát yên lành: cho góc vườn đôi lứa, tổ ấm sáng đèn, vành nôi sơ tán, chiếc tã ban mai, cho lời ru thèm mặt đất, tiếng gà nhớ nắng trưa, cho những bông hoa nghẹn hương, những cánh chuồn lạc bão... những thứ bé mọn thôi, vô nghĩa nữa, mà lại hằng nhen nhóm, cưu mang, chăm chút cả cõi đời. Đó mới thực là những con sóng dưới lòng sâu của hồn thơ Xuân Quỳnh. Theo cách ấy, Xuân Quỳnh là người đàn bà bước dưới đạn bom mà làm thơ về sự sống. Với thi sĩ, thơ là sống, sống là thơ; sáng tạo và cách tân, tất tật là nhất thể. Cho nên, tìm những miền thi cảm khác lạ cho thơ, chế tác những hình thức tân kỳ cho thơ không phải thao thức của chị. Cứ hết mình sống, hồn nhiên viết, trút trọn vẹn cái tôi của mình vào mỗi thi phẩm, thi tứ, mỗi thi ảnh, thi điệu đó là cách thơ Xuân Quỳnh. Không mặt nạ, không son phấn, không vay mượn, không lên gân, Xuân Quỳnh đã gửi mình vào thơ, thơ Xuân Quỳnh là tính linh Xuân Quỳnh. Trường hợp Xuân Quỳnh thật điển hình cho quy luật: thơ là sự ký thác phận người vào chữ. Có lẽ vì thế mà, dù đời thơ Xuân Quỳnh đã dừng, sóng thơ Xuân Quỳnh vẫn vỗ khôn nguôi.

Màu chủ đạo trong thơ Xuân Quỳnh là đơn côi và chênh vênh, giữa một mùa đẹp nhất và ngắn nhất trong nhịp đi hàng năm của trời đất bốn mùa. Trái tim thơ của chị là " cánh chuồn chuồn báo bão cứ chao đi chao về giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên..." ( Chu Văn Sơn). Xuân Quỳnh đã ra đi, " con ong xanh" đã bay về miền thanh thản của cõi hư vô, bông cúc nhỏ cánh đã rã rụng, thôi không còn " màu hoa vàng cháy rực trong đêm", nhưng chị cũng đã kịp để lại cho đời " những cành hoa tươi xanh của mình". Dù cuộc đời riêng không toại ý, dù ấm lạnh thất thường của thế thái nhân tình, nhà thơ vẫn giữ một tình yêu không phai bạc với đời. Người con gái La Khê ấy viết Sóng vào một ngày cuối năm 1967, trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chia sẻ về sự ra đời của bài thơ, nữ sĩ từng tâm sự: " Lần ấy Quỳnh về Diêm Điền ( Thái Bình), đạp xe nhìn biển mãi rồi tứ thơ hình thành. Quỳnh đạp xe về ngay trong cơn mưa 20km đường đất, cả người mê man đi nhưng không phải mê man vì mưa gió mà là vì bài thơ đang làm dở". Có thể nói, bài thơ là một bông hoa đẹp mà chị hái được dọc chiến hào những năm đánh Mỹ. "Sóng" là một hình tượng động, luôn vận động và bất biến, là hình ảnh ẩn dụ, sự hóa thân của cái tôi trữ tình "em". Với hình tượng sóng, ngòi bút của Xuân Quỳnh đã thực sự thăng hoa và nở rộ.

Tình yêu đã trở thành một sợi dây kí thác những dòng tình cảm của biết bao nhiêu trái tim thi sĩ. Nhưng không vì thế mà nó lại trở nên đơn điệu và nhàm chán bởi với mỗi nhà thơ tình yêu lại được biểu hiện dưới những góc nhìn khác nhau. Đến với tiếng thơ của Xuân Quỳnh ta không chỉ bắt gặp ở đó một tình yêu giản dị đời thường mà còn chất chứa cả những quan niệm thẩm mỹ mới lạ, độc đáo của nhà thơ về tình yêu. Vì vậy, có ý kiến cho rằng : " Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu". Sự mới mẻ ấy trước hết đến từ sự thể hiện và chủ động bày tỏ những cảm xúc tình yêu của người con gái:

" Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể"

Những trạng thái đối cực của sóng cũng chính là những trạng thái đối cực của tình yêu, có những khi rất bình yên, nhưng cũng có những ngày bão tố. Ta cũng có thể hiểu hai câu thơ này theo một trường nghĩa khác, với trạng thái đối cực của trái tim người phụ nữ khi yêu, một người phụ nữ khao khát tình yêu. Khi vui, khi buồn, khi giận hờn, khi trách móc, khi hạnh phúc, khi tổn thương,... những cung bậc cảm xúc của tình yêu quả thật rất diệu kỳ bởi một lẽ:

"Vì tình yêu muôn thủa

Có bao giờ đứng yên"

Chuyển đến hai câu thơ tiếp theo, ta nhìn thấy sự mới lạ trong tứ thơ của Xuân Quỳnh. Những hình ảnh xuất hiện liên tiếp, hình ảnh của dòng sông, của con sóng và của " bể". Trăm suối đổ về một sông, trăm sông đổ về biển lớn, sóng không chấp nhận giới hạn nhỏ bé tầm thường, sóng chuyển mình ra biển lớn, tìm về đại dương, tìm đến nơi thuộc về. Ở hai câu thơ này, mạch sóng như bứt phá ra khỏi một không gian chật hẹp để tìm đến những điều lớn lao. Cũng giống như trái tim tình yêu của những người phụ nữ, vượt qua những giới hạn nhỏ bé tầm thường, để tìm đến với tình yêu đích thực của cuộc đời mình. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du khi miêu tả tấm lòng của Kiều đối với Kim Trọng còn e lệ trước những câu thơ " Tình trong như đã mặt ngoài còn e". Thì với Xuân Quỳnh nhà thơ đã đi theo tiếng gọi của tình yêu mà thao thức, mà chủ động tìm tới "tận bể" để mong thõa mãn khao khát của chính mình. Khác với hình tượng những người phụ nữ trong thơ ca xưa, luôn phải phụ thuộc, chịu đựng sự áp đặt của số phận và xã hội đương thời:

" Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân"

Cũng khác với bà Tú " Một duyên hai nợ âu đành phận" trong Thương vợ của Tú Xương hay " Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn" giống như Hồ Xuân Hương thì người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh lại mang vẻ đẹp mới mẻ. Có thể thấy rằng, đây cũng chính là một trong những nét hiện đại trong thơ Xuân Quỳnh, cũng là góc nhìn, một quan niệm mới về người phụ nữ hiện đại, dám đấu tranh vì tình yêu, vượt qua những thứ lễ giáo phong kiến để đến với hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Ở khổ thơ đầu, Xuân Quỳnh đã rất tinh tế khi gửi gắm tới bạn đọc một thông điệp mới mẻ trong thời đại lúc bấy giờ: "Người phụ nữ chủ động tìm đến với tình yêu để được sống với chính mình".

Xuân Quỳnh viết "Sóng", chị đang hát những khúc hát về tình yêu để đến bây giờ, biết bao nhiêu thập kỷ trôi qua rồi, nhưng độc giả vẫn dành tình yêu của mình cho một mảnh " tình thơ" đã cũ. Và tình yêu trong "Sóng" – mãi mãi là khát vọng của tuổi trẻ, của lứa đôi:

" Ôi con sóng ngày xưa

                                                                             Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ"

Dẫu cho thời gian có là một dòng tuyến tính không bao giờ quay trở lại thì "Sóng" vẫn cứ hát khúc ca đại dương bất biến, vẫn luôn là chính mình. Trong tình yêu cũng vậy, khát vọng tình yêu vẫn luôn là những hoài bão đập nhanh trong lồng ngực trẻ. Xuân Diệu đã từng nói:

" Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào"

" Bồi hồi" là tính từ thể hiện những cảm xúc rung động, xao xuyến của " Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên". Còn "khát vọng" là thuộc về lý trí, là những ước mơ dệt nên cái lãng mạn trong tình yêu, là nguồn nhựa sống của thanh xuân, tuổi trẻ. Câu chuyện tình yêu là của tôi, của bạn, của chúng ta, của quá khứ, hiện tại và muôn đời sau vẫn cứ hát hoài, hát mãi. Một ngày như bao ngày, ta chợt nhận ra đôi mình không còn thuộc về nhau nữa, nắng vẫn nhè nhẹ buông trên đầu, gió vẫn vô tư, miên man thổi, vậy mà ta với người chẳng còn chút ràng buộc. Gần cạnh bên hay xa rời vĩnh viễn, khoảng cách giữa hai điều này đôi khi chỉ là một cái chớp mi. Thế nhưng, khát vọng được yêu, được hòa mình vào đại dương sóng tình vẫn luôn dâng trào, sục sôi và tồn tại vĩnh hằng. Ta giật mình nhớ đến bước chân "Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" của Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng. Tình yêu và khát vọng luôn là ước mơ của bao người. Thử nghĩ xem sẽ như thế nào nếu thế giới này không có tình yêu lứa đôi? Tôi tin cuộc sống sẽ chẳng còn gì ý nghĩa không còn gì để tuổi trẻ phải bồi hồi, điên đảo khi: "Những ngày không gặp nhau/ Lòng thuyền đau rạn vỡ".

Sóng khát khao có bờ như em khát khao có anh, sóng vượt qua mọi trở ngại để tới bờ như em bước qua mọi khó khăn để cập bến hạnh phúc. Tình yêu ấy xao động tới đâu, khát khao cháy bỏng đến nhường nào mà có thể cho em có niềm tin lớn lao đến thế!

" Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng vỗ

                                                                            Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn trùng cách trở"

Ba từ " ở ngoài kia" như cánh tay nữ thi sĩ mềm mại đang chỉ tay về khơi xa nơi trăm ngàn con sóng ngày đêm không biết mỏi đang vượt qua giới hạn không gian thăm thẳm, muôn vời cách trở để hướng vào bờ ôm ấp nỗi yêu thương. Cũng như em muốn được gần bên anh, được hòa nhịp vào tình yêu nơi anh. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được tới bờ xa như tìm về nguồn cội, cũng như anh và em sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau, sống trọn vẹn trong hạnh phúc của tình yêu lứa đôi. Kết thúc lạc quan trong hành trình của con sóng đã tiếp thêm niềm tin cho con người, mà niềm tin lại là điều cần thiết trong tình yêu. Vậy là trái tim đã tìm đến trái tim, điệu hồn đã tìm được những hồn đồng điệu để rồi rung ngân những cung bậc của tình yêu.

Vũ Cao từng nhận xét về Sóng, " Xuân Quỳnh viết bài thơ này " bợm" thật". Có lẽ cái bợm ấy biểu hiện trong cá tính và cách thể hiện tình cảm của nhà thơ như lấn át như bao trùm như muốn ôm trọn tất cả. Song trong cái hiện đại ấy Xuân Quỳnh – một tâm hồn đầy nữ tính, vẫn giữ cho mình những nét truyền thống, một trong nững gam màu chủ đạo của tình yêu-nỗi nhớ:

" Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

                                                                          Ôi con sóng nhớ bờ

   Ngày đêm không ngủ được

                                                                         Lòng em nhớ đến anh

                                                                         Cả trong mơ còn thức"

Hòa cùng những con sóng: sóng thơ, sóng lòng, ta tìm về cõi sâu kín của tâm hồn thi sĩ và cũng là của muôn kiếp " má hồng" . Cả bài thơ là những đợt sóng nối nhau vỗ vào tâm hồn người đọc. Sóng và em đan quyện vào nhau để thì thầm những nỗi niềm, tâm tư. Sóng là em, em là sóng, cũng như sóng kia, tâm hồn em cũng vô vàn những phức tạp, khó hiểu. Khi lặng lẽ, êm dịu, lúc lại nồng nàn, dữ dội, nhưng thế nào đi nữa, em vẫn mãi là em, vẫn mãi ôm trong lòng một nỗi nhớ thương không dứt. Có thể nói, nỗi nhớ như một phương tiện để thể hiện tình yêu. Cũng như sóng là sự sống của biển cả rộng lớn bao la thì nỗi nhớ là sự sống của tình yêu tuyệt đích. Nỗi nhớ bao trùm cả thời gian, không gian, len lỏi cả vào trong tiềm thức, nỗi nhớ đó đã phá vỡ mọi giới hạn: không gian- thời gian; thực- mơ; ý thức- vô thức.

Sóng và em đan cài, hòa quyện, em lặng đi để sóng trào lên, mang theo lớp lớp tâm tình của em. Trái tim người phụ nữ trong tình yêu muốn khẳng định hướng tới những phẩm chất cao đẹp, vững bền của tình yêu truyền thống, đó là sự thủy chung:

" Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

                                                                        Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương"

Thế giới của anh và em không giới hạn chiều dài Bắc- Nam, không khoanh vùng địa bàn mà nơi nào cũng có nỗi nhớ thường trực của tình yêu. Chị đã tiếp nhận nỗi nhớ ấy bằng tất cả sự nhạy cảm của lứa tuổi đôi mươi và khẳng định cho mình một cái tôi của con người luôn vững tin vào tình yêu. Từ xưa đến nay người ta thường nói xuôi Nam, ngược Bắc, giờ đây Xuân Quỳnh lại nói xuôi Bắc, ngược Nam, phải chăng nhà thơ muốn nói tới những trắc trở trong cuộc đời này? Hay cũng có thể, tình yêu đã làm cho con người bị đảo lộn phương hướng. Nhưng nếu trời đất có bốn phương thì em chỉ có một phương duy nhất, đó là phương anh. Xuân Quỳnh đã buộc chặt bao sợi nhớ, sợi thương về nơi anh, thế mới biết tình yêu của chị nồng nàn, mãnh liệt đến nhường nào. Cho nên chữ quan trọng nhất trong đoạn thơ là chữ " một", khẳng định tấm lòng thủy chung của người phụ nữ. Anh đã trở thành " hệ quy chiếu" của đời em, nhấn mạnh cái bất biến giữa dòng đời vạn biến. Từ đó, nhà thơ đã nói đến nỗi nhớ bất chấp vạn vật, khoảng cách, tình yêu là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn không có giới hạn. Qua đây, ta càng thấy được vẻ đẹp truyền thống mang tính kế thừa gắn liền với người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa. Đó là sự giãi bày kín đáo, ý nhị tấm lòng thủy chung, son sắt của người phụ nữ xưa và nay:

" Yêu anh rũ cốt xương mòn

Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh"

                                                                                                                                         ( Ca dao)

Mười bảy, cảm nhận được chút man mác và làm du dương tâm hồn, chút bồi hồi, xao xuyến và khát vọng về những cánh diều xa xôi dường như vô hình, trái tim trẻ trong ta không thôi đập những nhịp thổn thức vì cảm giác khó hiểu, lúc dâng lên mãnh liệt, lúc lắng xuống dịu dàng nhưng vẫn âm thầm chảy mãi như những con sóng miệt mài đi tìm lí lẽ của trái tim trước biển đời mênh mông. PGS.TS. Lưu Khánh Thơ- em chồng cố thi sĩ Xuân Quỳnh phân tích: " Tình yêu trong thơ chị đẹp và trong sáng. Dù có những gian truân, cách trở, nhưng bao giờ cũng trọn vẹn, cũng đến được tận cùng hạnh phúc như con sóng nhỏ đến với bờ xa". Những câu thơ của Xuân Quỳnh giống hệt như những giọt nước sau cơn mưa, còn đọng lại trên lá cây, chỉ cần một làn xúc cảm chợt đến, khi chạm vào lá là những câu thơ ấy sẽ rơi rụng ngay xuống vùng tâm thức, mồn một hiện lên giữa lòng ta. Và bao giờ nó cũng khiến cho người ta phấp phỏng, bồn chồn khi đọc, lắng lòng khi nhớ lại. Có lẽ cái " khát vọng tình yêu" từng thiêu đốt thơ Xuân Quỳnh cũng thiêu đốt luôn cả người đọc:

" Trái tim đập cồn cào trong cơn đói

                                                                  Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn"

( Tự hát)

Sóng đã trở thành bài ca tình yêu muôn thuở không chỉ nhờ giá trị nội dung sâu sắc, mà còn có sự đóng góp của những nghệ thuật phù hợp, đặc sắc. Nhà thơ đã sử dụng hàng loạt các thủ pháp: ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, đối lập,...Đặc biệt là thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu: nhịp điệu của thơ, của sóng và nhịp điệu của tâm hồn. Thành công của bài thơ còn nằm ở chỗ thi sĩ đã khéo léo xây dựng cặp hình tượng sóng đôi sóng và em, động thời còn có sự kết hợp nhịp nhàng giữa " tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời"" tính chất hiện đại như tình yêu hôm nay" ( Hà Minh Đức). Tất cả đã làm hiện lên vẻ đẹp rất Xuân Quỳnh, giàu lòng trắc ẩn suy tư và khát vọng mãnh liệt trong tình cảm đôi lứa!

Tôi đã nhìn thấy những con sóng ngoài đại dương kia! Tôi đã từng tìm về với biển, với những mong muốn được trải lòng mình và tôi cũng đã hiểu tại sao người nghệ sĩ khi đứng trước muôn trùng con sóng vỗ bạc đầu lại có trong mình nhiều rung cảm đến vậy. Để cho đến tận bây giờ, "Sóng" vẫn hát khúc ca đại dương ngàn đời và chúng tôi- thế hệ độc giả những năm tháng này vẫn ru hoài giấc mơ qua những thi phẩm khởi nguồn từ con sóng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #tho