
SÓNG
Một nhà thơ cổ điển Pháp từng nói: "Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi."Thật vậy, từ ngàn đời nay tình yêu luôn là điều bí ẩn, là đề tài vô tận của văn chương. Mỗi bài thơ, mỗi nhà nhơ là một thế giới riêng, một nhu cầu, một khao khát riêng không ai giống ai. Chẳng thế mà ta gặp Xuân Diệu trong thi đàn Việt Nam - người tự cho mình là "kẻ uống tình yêu dập cả môi"- với chất men say tình yêu nồng nàn, mãnh liệt; ta gặp Nguyễn Bính "người nhà quê" chân thật, da diết hay Đỗ Trung Quân với "Anh đã thấy một điều mong manh nhất – Là tình yêu, là tình yêu ngát hương". Và không thể quên nhắc đến một nữ thi sĩ với tâm hồn dạt dào và say đắm tình yêu - Xuân Quỳnh. Thơ tình yêu của chị chân thành nhưng không kém phần cháy bỏng nồng say. Nhắc đến những tâm tư sâu kín, những trạng thái phức tạp tinh vi của tâm hồn người thiếu nữ khi nói về tình yêu trẻ trung, nồng nhiệt gắn với khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người, có lẽ "Sóng" của Xuân Quỳnh là bài thơ thể hiện rõ nhất. Đặc biệt nhất là từng câu từ của khổ thơ:......
Xuân Quỳnh (1942-1983) là người làng La Khê, huyện Hà Đức, Hà Nội. Cuộc đời chị gặp nhiều trắc trở: mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác, Xuân Quỳnh ở với bà nội. Lớn lên lại gặp đổ vỡ trong hôn nhân. Chị từng là diễn viên múa, biên tập viên báo văn nghệ, ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam khóa III. Xuân Quỳnh thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ. Người ta hay nói Xuân Quỳnh là hồn thơ của những hồn nhiên, tươi tắn, chân thành, đằm thắm, da diết trong khát vọng về tình yêu và hạnh phúc đời thương. "Sóng" là bài thơ tình tiêu biểu được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Bài thơ rút từ tập "Hoa dọc chiến hào" (NXB Văn học- 1968).
Trong những câu thơ đầu, hình tượng "Sóng" được diễn tả bởi một loạt những từ ngữ tương phản, đối lập:
"Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ".
Đó là hai trạng thái thực của "sóng"- một hiện tượng tự nhiên phong phú, phức tạp, chứa đầy bí ẩn: khi biển lặng thì sóng êm đềm, dịu nhẹ; khi biển động thì sóng cuồn cuộn gầm gào. Ẩn sâu bên trong hình tượng con sóng, ta lại thấy đâu đó nỗi lòng người con gái khi đang yêu. Không gấp gáp, vồ vập, Xuân Quỳnh đã thay lời tất cả những trái tim trẻ bộc lộ nỗi lòng mình bằng những trạng thái tình cảm khác nhau. Khi dữ dội mãnh liệt, khi dịu êm trầm lắng, khi ồn ào nhấp nhô, có lúc lại âm thầm lặng lẽ, những tình cảm tưởng chừng như mâu thuẫn, đối lập nhau trong trái tim của người phụ nữ nhưng lại mang theo tất cả những đặc điểm và trạng thái tâm lí đang khao khát tình yêu. Phải chăng đó cũng là sự bí ẩn của tình yêu?
Hai câu tiếp diễn tả tâm trạng của sóng luôn muốn từ sông tìm ra biển lớn, hay cũng như như con người muốn vươn ra biển lớn tình yêu:
"Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận biển"
Dường như sóng tự được những trạng thái phức tạp, những biến động khác thường của mình nên luôn khao khát, chủ động từ bỏ không gian nhỏ hẹp, chật chội của dòng sông để tìm ra biển cả bao la. Và có lẽ chỉ khi nào được hòa mình trong biển lớn, những con sóng mới hiểu rõ mình hơn.
Những trạng thái đó của sóng cũng chính là ẩn dụ về những trạng thái tâm lí phong phú, phức tạp, đầy biến động của nhân vật trữ tình em. Người con gái khi yêu khi thì sôi nổi, nồng nàn, lúc suy tư trầm lắng. Và cũng giống như sóng, trái tim người con gái khi yêu không chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp trong khoảng trời của cái tôi cá thể, luôn khao khát tìm đến một miền tình cảm lớn lao hơn, bao dung hơn đó chính là tình yêu. Đó cũng là một thái độ tích cực, thể hiện sự chủ động mạnh mẽ, dứt khoát trong cuộc hành trình dài rộng đi tìm tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.
Từ những trạng thái cụ thể của sóng và em trong khổ thơ đầu, đến khổ thơ thứ hai, Xuân Quỳnh đã đi tới một nhận xét mang tính khái quát, vừa giàu suy tư, vừa chan chứa cảm xúc về quy luật muôn đời, trước hết là của thiên nhiên:
"Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế"
Ngày xưa là quá khứ, ngày sau là tương lai. Hai từ vẫn thế khẳng định sự lặp lại, sự vĩnh hằng của những con sóng của tự nhiên muôn đời từ sông tìm ra biển lớn. Ở đây Xuân Quỳnh phát hiện ra sự tương đồng giữa sóng và qui luật tình yêu. Với Xuân Quỳnh, cũng như sóng - tình cảm ấy vẫn luôn cháy bỏng ngàn xưa đến nay và đến tận mai sau vẫn không bao giờ ngừng cháy.
Và đó cũng chính là nỗi niềm khát khao, mong muốn của trái tim tuổi trẻ:
"Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ."
Tình yêu vốn là tình cảm thiêng liêng, cao đẹp nhất, là khao khát muôn đời của nhân loại "Có ai sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào". Nhưng trong trái tim tuổi trẻ, tình yêu bao giờ cũng nồng nàn, thiết tha, cháy bỏng.
Suy ngẫm về qui luật muôn thuở của thiên nhiên, của trái tim tuổi trẻ đó cũng chính là cách để Xuân Quỳnh giãi bày những khao khát mãnh liệt của trái tim mình - một trái tìm luôn cồn cào, da diết yêu thương. Điều đáng nói, đáng trân trọng hơn cả là niềm khao khát ấy đã được chị bộc bạch một cách chân thành, thẳng thắn, không e dè, giấu diếm.
Hai khổ thơ tiếp theo, Xuân Quỳnh lại dẫn dắt ta đến một cung bậc cảm xúc khác, một sự thắc mắc tò mò mà đôi lúc người ta lại tự ngẫm đến. Đó là nỗi nhớ đan xen với câu hỏi về sự bắt đầu của tình yêu:
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Giờ đây, đứng trước bể lớn, cảm nhận mình nhỏ bé và lọt thỏm trong cảm giác tình yêu mênh mông, người con gái ấy nghĩ về bản thân mình, về người yêu, về biển lớn và tự hỏi chính bản thân mình: "Từ nơi nào sóng lên?". Điệp ngữ em nghĩ được lặp lại hai lần, gợi lên nhiều suy tư, trăn trở của em về sóng, về tình yêu đôi lứa. Tình cảm ấy xuất phát từ nơi nào, từ chính bên trong mỗi người hay từ cuộc sống muôn màu muôn vẻ bên ngoài? Khi yêu, ai cũng như ai, đều muốn phân tích và định nghĩa từng trạng thái tâm lí, từng biểu hiện cụ thể để đi đến định nghĩa và giải thích về nó. Sáng tạo trong cách thể hiện, trong cách định nghĩa, nữ thi sĩ đã giải thích những điều khó hiểu ấy bằng những hình ảnh quen thuộc, nhẹ nhàng:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Quy luật tự nhiên thì có ngọn nguồn xuất phát, còn tình yêu bắt đầu từ nơi đâu lại chẳng ai lí giải được. Người con gái bất lực trước câu hỏi: "Khi nào ta yêu nhau". Câu câu hỏi đó vẫn còn để ngỏ. Tình yêu cũng vậy. Nó được bắt đầu từ khi nào, từ nơi đâu. . Những câu hỏi đã từng làm tan chảy bao trái tim thi sĩ. Nhưng dường như vẫn chưa có câu trả lời nào thỏa đáng. Giống như ai đó từng ngâm : "Khách tình yêu thường hay trộm phép/ Vào buồng tim chẳng gõ cửa bao giờ". Trái tim tình yêu cũng có những quy luật riêng của nó, nhiều khi không thể điều khiển tại bằng những lí trí thông thường. Nhưng chính điều đó càng chứng tỏ tình yêu trong tâm hồn người con gái rất đẹp và chân thành.
Sóng và em gắn với nỗi nhớ tình yêu thủy chung. Tình yêu được gắn liền với nỗi nhớ. Yêu thương sâu sắc bao nhiêu thì nỗi nhớ càng da diết mãnh liệt bấy nhiêu. Nhất là những người xa nhau thì nỗi nhớ càng nhân lên gấp bội phần. Và đến cả những vần thơ tài hoa trí tuệ của Chế Lan Viên trong : "Anh cũng nhớ em như đông về nhớ rét". Xuân Quỳnh cũng có cách giãi bài nỗi nhớ tình yêu của riêng mình mà trước hết là qua hiện tượng sóng:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Trạng thái của sóng được gợi lên qua bao nhiêu tầng bậc không gian. Con sóng dưới lòng sâu là con sóng âm thầm mãnh liệt. Con sóng trên mặt nước thì luôn sôi nổi ồn ào. Vì thế mà đại dương bao la vô tận không bao giờ bình lặng. Những con sóng luôn cồn cào, trăn trở trong lòng biển cả. Xuân Quỳnh đã phát hiện ra một lí do giản dị đến bất ngờ:
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được.
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Chính vì nhớ bờ mà mà con sóng đã thao thức trong mọi chiều của thời gian và không gian, cũng như lòng em nhớ đến anh vậy. Nhà thơ dùng liên tưởng đan cài để đồng nhất sóng và em. Sóng vỗ ngày đêm ở mọi tầng không gian dù dưới lòng sâu hay trên mặt nước thì con sóng cũng nhớ bờ. Còn em nhớ anh đến trong mơ còn thao thức vì hình bóng anh.
Bằng cách điệp và đối, nhà thơ muốn khám phá tận cùng những con sóng cũng như khám phá tận cùng nỗi nhớ. Từ thực tế, con sóng nào cũng hướng về bờ cát, Xuân Quỳnh liên tưởng đến nỗi nhớ trong tình yêu, liên tưởng này đã đưa tới sự đồng nhất giữa sóng và em. Thành thử bốn câu tả sóng thực chất là để tả lòng em và hai câu nói về nỗi nhớ của em mà tỏng lòng chao đảo cồn cào như có sóng.
Không chỉ giãi bày nỗi nhớ, nhân vật trữ tình em còn khẳng định tình yêu thủy chung, son sắt:
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nhà thơ đã sử dụng kết cấu: dẫu-thì để khẳng định điều kiện: có thế nào đi chăng nữa, người con gái vẫn hướng về người mình yêu. Hình ảnh đối lập: xuôi - ngược, bắc - nam gắn với không gian rộng dài xa xôi và mang ý nghĩa tương phản quyết liệt. Bình thường người ta hay nói ngược bắc xuôi nam nhưng Xuân Quỳnh thì ngược lại: xuôi bắc ngược nam. Dối với người phụ nữ đang yêu, dù cuộc đời có thay đổi, dù vũ trụ có biến thiên cũng không hề quan trọng. Điều quan trọng là hướng về phương anh. Dù ở đâu, nam hay là bắc, dẫu phải xuôi hay là ngược em cũng hướng về. Ngoài việc khẳng định tình cảm chung thủy, Xuân Quỳnh còn muốn đề cập đến những thử thách trong tình yêu. Tình yêu cho ta sức mạnh vượt qua thử thách và qua đó, tình yêu càng bền vững.
Nếu như sóng ở những khổ thơ trước là sự bí ẩn, niềm khao khát trong tình yêu; là nỗi nhớ nhung da diết của người con gái hay sự thủy chung của người phụ nữ trong tình yêu, thì sóng ở những câu cuối lại là sự trăn trở lo âu trong nỗi lòng người đang yêu:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.
Đó là nỗi lo âu về sự hữu hạn của đời người, của tình yêu mong manh. Xuân Quỳnh vốn rất nhạy cảm về thời gian và sự biến đổi, đặc biệt là sự biến đổi của cuộc đời và lòng người. Sự nhạy cảm thường dẫn chị đến tâm trạng âu lo, cho nên trong thơ chị đã thấy xuất hiện nhiều câu hỏi: "Em chờ anh, anh có về không?" hay "Ai biết lòng anh có đổi thay?". Đẹp là thế, thiêng liêng là thế nhưng tình yêu cũng thật ngắn ngủi, mong manh, khó giữ. Bởi thế khi yêu, con người luôn khắc khoải và trăn trở. Tuy không hiện lên thành chữ thành lời trong đoạn thơ nhưng thấp thoáng đâu đó một chút lo âu rất chính dáng. Liệu tình yêu có thể vượt qua những quy luật tất yếu của cuộc đời chăng ? Vì thế nên ngay trong lúc tình yêu say đắm nhất, nhà thơ vẫn không hoàn toàn thoát li hiện tại. Trong cái nồng nhiệt hết mình vẫn thấp thoáng dự cảm lo âu không dứt.
Khổ thơ cuối bài, Xuân Quỳnh đưa sóng thành khát vọng bất tử hóa tình yêu:
"Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ"
Nhà thơ sử dụng những đại lượng lớn có tính ước lệ: "trăm", "ngàn" cùng với hình ảnh quen thuộc về sự vô biên (biển, sóng). Giữa biển lớn tình yêu như thế, em chỉ muốn được hòa vào, được tan ra, để ngàn năm sau tình yêu vẫn còn lưu giữ mãi, đọng lại vỗ về những bờ cát khát khao. Khát vọng tâm hồn người phụ nữ đang yêu thật mãnh liệt, đó là khát vọng muôn đời, muôn người, mang giá trị nhân văn tốt đẹp.
Phải yêu, phải thương sâu nặng đến đâu mới có thể truyền tải cảm xúc của bản thân mình về tình yêu da diết và hay đến vậy. Từng cung bậc cảm xúc nâng lên rồi hạ xuống, xuất hiện và lưu luyến lại trong tâm trí người đọc. Quả thật Xuân Quỳnh là nữ thi sĩ thành công nhất trong việc vẽ nên tình yêu trên trang giấy trắng. Đọc thơ tình yêu của Xuân Quỳnh, ta mới thấy muốn được yêu thương, được nhung nhớ, được khát vọng chìm đắm vào nó đến nhường nào!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro