Phần 2
San là một con nhà giàu ở nhà quê. Giàu đối với làng y. Nghĩa là có vài mẫu, vừa vườn, vừa ao,
dăm ba mẫu ruộng, một con trâu, thóc gạo ăn từ mùa nọ đến mùa kia… và những khi gặp công
việc, cần đến dăm ba trăm, nguyên tiền nhà bỏ ra cũng đủ, không cần vay mượn. Ông thân San
là một nhà nho hiền lành, vừa dạy học, vừa làm thuốc, bổng lộc khá nhiều. Ông có ba người con
trai, thì cả ba đều đã có vợ con, có phần, có phận cả rồi. San là con út. Y cũng có được ra tỉnh
học. Nhưng y chỉ học hết bậc sơ học, đỗ được cái bằng rồi, ông bố bắt về. Vào thành chung, học
tốn tiền. Số tiền ấy, thà để làm ăn cho nó sinh sôi nảy nở ra, rồi đến khi San đến tuổi, thì dùng
mà lo công danh cho y ở nhà quê. Thời buổi này, học cho đến lúc đỗ đạt, được bổ đi làm ông
phán, ông thông chẳng dễ gì. Đích và Thứ học tốn tiền nghìn, xong cả bốn năm thành chung rồi,
mà chẳng vẫn còn vất vưởng đó ư? Đã bảo rằng làng này không có đất học hành. Từ khi quan
Cử ngài mất đi đến giờ, có một người nào, dù học chữ Nho hay chữ Tây mặc lòng, mà đỗ đạt
đâu? Quan Cử ngài ghét dân làng ở bạc, sai đào cái ngòi chảy qua làng, làm đứt mạch đi rồi…
Ông thân San thường nói vậy, như để phân trần với người ta rằng: Ông có thể cho con đi học
được mà lại bắt con thôi học dở dang, là ông đã suy tính chán, ông muốn gây dựng cho con
bằng cách khác.
San lấy vợ. Ông thân y cưới cho y con gái một nhà giàu và thân thế ở trong làng. Lấy vợ xong,
San học chữ nho. Con đường của y đã định rồi: Y sẽ làm tổng lý. Muốn dắt díu cho con rể, ông
bố vợ cho San năm sào vườn ở cạnh nhà ông. Ông bố đẻ làm cho một cái nhà. Vợ chồng San đến
đó ở riêng. Tiện cả cho vợ y thậm thọt về nhà mẹ đẻ, để mà bòn của. Hồi ấy, Thứ rất khinh San.
Là một con nhà có máu mặt lép vế trong làng, Thứ hiểu một cách sâu xa những cái ức hiếp của
bọn cường hào. Y thù ghét bố vợ San. Nhà ông ta làm tổng lý bốn đời rồi. Vây cánh ông ta mạnh
nhất làng. Tất cả các việc trong làng đều ở tay ông. Ngay từ hồi còn bé cỏn con, Thứ đã được
thấy bà ngoại y, mỗi lần đi nộp thuế về nghẹn ngào:
- Cha mẹ nó! Nó bóp hầu, bóp cổ người ta. Thuế nhà mình mà nó tính hai chục bạc! Nó lấy
một mà hai… ở cái làng này mà thấp cổ, bé họng thì ức thật, chúng nó không còn để cho người
ta sống…
Khi đã ra tỉnh học, mỗi kỳ nghỉ hè, Thứ về quê, lại trúng vào dịp thuế. Y lại được nghe những
lời độc địa của bà ngoại y nguyền rủa bọn kỳ hào. Một lần, y được thấy ông bá Kiến sai trói một
lúc mười bảy người và đánh một người lòi mắt. Y tắc cổ, như trông thấy bố mình bị đánh. Ngay
từ đấy, nẩy ra trong đầu y, cái ý náo nức muốn học, muốn thành tài, để đem cái tài ra mà dẹp
tan những nỗi bất bình kia. Y ngờ nghệch tin rằng, phàm những kẻ nào đã cắp sách tới trường,
đều phải nghĩ như y, ít ra, họ cũng khinh những hành vi đục khoét, bóp nặn của bọn mọt dân, ỷ thế làm càn. Y lấy làm lạ là một người như San, có học Tây, có xem sách báo mà lại đã nhiều
phen công kích trước mặt y, những cái tồi tệ của bọn cường hào… y lấy làm lạ rằng một người
như thế, mà bỗng chốc có thể chui đầu vào luồn lụy một nhà như nhà bá Kiến, chuyên sống về
nghề đục khoét…
Thứ khinh San lắm. Thế cũng lấy vợ nhà giàu. Ông bố vợ y cũng có một địa vị cao cả ở làng.
Nhưng y coi đó là một sự nhu nhược của y. Y đã không cương quyết nổi đến cùng, để chống lại
sự quyết định của gia đình. Y đã phải trách y nhiều về chỗ ấy.
Y lấy làm mừng vì ông bố vợ y là một ông kì mục hiền lành. Y rất lấy làm mừng vì Liên rất
mau chịu ảnh hưởng của y. Bởi rất yêu và rất phục chồng, Liên dễ mau đến cái lúc nhìn đời
bằng con mắt của chồng. Mặc dầu vậy, đối với gia đình vợ, Thứ vẫn cố ý không thân mật lắm. Y
cự vợ rất hăng, mỗi lần vợ định mua rẻ của mẹ một vài mẫu ruộng hay xin mẹ mười lăm thùng
thóc. Y cũng không thích bo bíu gì với chính bố mẹ y. Con chim bay bằng đôi cánh của nó. Y
muốn chỉ trông vào bàn tay y. Bỏ học tháng Năm và bỏ luôn cả kì thi vì bệnh tê phù và bệnh
đau tim, y khỏi bệnh tháng Mười và tháng Mười một nhất định ra đi. Y không chịu được sự ở
dưng. Y vào Sài Gòn với một người làng, mặc dầu rằng khí hậu nóng ẩm miền Nam chẳng tốt tí
nào cho căn bệnh của y. Ở Sài Gòn, y kiếm ăn bằng nhiều nghề, kể cả những nghề mà những
người tự xưng là trí thức, không làm. Y trà trộn với phu phen, với thợ thuyền. Y mặc đồ bà ba,
đi chích thuốc thí ở nhà thương. Còn chút thì giờ thừa nào, y học rất chăm. Y đợi một dịp may
mắn để có thể xin xuống làm bồi tàu để đi sang Pháp. Y sẽ sang đấy, để nhìn rộng, biết xa hơn
để tìm cách học thêm. Phải có một cái trình độ học thức khá cao. Phải luyện tài. Có học, có tài, y
mới có đủ năng lực để phụng sự cho cái lý tưởng của y. Tạng người y không cho y cầm súng,
cầm gươm. Y sẽ cầm bút mà chiến đấu.
Y lận đận ở Sài Gòn ngót ba năm. Ngót ba năm sống chật vật, sống nghèo nàn, nhưng rất say
mê. Cái mộng viễn du vẫn chưa thành, thì một trận ốm thập tử nhất sinh đã đem y về, trả cho
đất chôn nhau, cắt rốn.
Y đã thấy những gì ở quê nhà? Gia đình y khánh kiệt rồi. Bà ngoại y già nua, ốm yếu, bẳn gắt,
buồn rầu.
Bà chửi con cháu suốt ngày và khóc suốt ngày. Ông thân y uống rượu rất nhiều chỉ vì thất bại
rất nhiều. Lũ em y lúc nhúc rất đông, không được đi học, không được mặc, thường thường
không đến cả ăn, gầy guộc, rách rưới, bẩn thỉu, đen thui, tục tĩu và xấc láo, cãi nhau suốt ngày
chí chóe. Bà mẹ y, già và xấu đi nhiều quá đến nỗi y tưởng như mình đã xa nhà đến mấy chục
năm, làm và nhịn tóp người đi như một con ve, một mình cố nâng đỡ cả một thế giới đang sụp
đổ kia, như một con ngựa già cố kéo một cái xe nặng lên khỏi dốc, tuy biết mình kiệt sức rồi, không thể nào kéo nổi nhưng vẫn kéo. Vợ y cũng khác nhiều. Liên già đi đến mười năm. Khuôn
mặt trái xoan kia, đã có cạnh ra. Dáng người và chân tay nặng nề thêm. Đôi mắt trong trẻo,
long lanh đã hơi mỏi mệt. Ngay tối hôm đầu, Liên đã hỏi y:
- Mình có đem về được vài trăm bạc không?
Và khi y đáp:“Không” thì Liên hơi thất vọng…
- Cũng không sao… – Liên bảo vậy, có lẽ để cho chồng khỏi ngượng. Em hỏi thế là vì nhà bây
giờ túng lắm, thầy u nợ người ta mất ít nhiều. Giá có tiền thì mình đưa cho thầy u trả nợ đi.
Nhưng không có cũng chẳng sao. Thật ra thì mình cũng chưa đến nỗi không còn cách gì mà nẩy
ra tiền để trả người ta. Nhưng khổ một nỗi u cứ hay nghĩ vớ vẩn. Em bảo mai u cho em bán đôi
khuyên của em đi, để trang trải cho xong nhưng u không chịu…
Làng y vẫn như xưa, khổ hơn xưa. Vải Tây rẻ như bèo, nghề dệt cổ xưa của làng chết hẳn rồi.
Dân làng không việc rất nhiều. Ông bá Kiến vẫn còn sống, vẫn còn giàu. Ông đã từ tiên chỉ để
con trai ông ra làm lý trưởng, nhưng thật ra ông vẫn nắm quyền tiên chỉ. Mọi việc trong làng
vẫn một tay ông cắt đặt. Đàn em vẫn bị bóc lột đến không còn cái khố. San thì bấy giờ đã nhà
quê đặc. Y đã hai con. Ông bố vừa mới mất, cái áo tang xổ gấu và chiếc khăn bằng vải trắng,
thắt ngang, khiến y càng có vẻ lù đù. Đến chơi với Thứ, y nói nhỏ nhẹ, buồn buồn, đôi mắt nhìn
xuống như sợ người ta nhìn vào cả tâm hồn. Kỳ thuế năm ấy, Thứ được tin San phát thẻ giùm
anh vợ. Đòi dân làng mỗi cái ba xu. Một hôm đến chơi nhà San, y thấy San đang tắm cho con.
Một hôm khác thằng ở bảo y rằng:
- San đang chia bài cho ông bố vợ đánh tổ tôm. Một hôm khác nước, y bắt gặp chính San đang
dở cuộc tổ tôm. Từ đấy Thứ không đến nhà San nữa. Y được nghe đủ mọi thứ chuyện về cái anh
chàng đốn mạt, làm nô lệ cho nhà vợ ấy. Y nhục thay cho bạn…
Đột nhiên một hôm Thứ nghe nói San đi Hà Nội dạy học ở trường của Đích. Mấy tháng sau, y
gặp San về quê mặc Âu phục hẳn hoi. Và đến khi nhận được thư của Đích, y đến trường, thì San
đã Hà Nội hóa khá nhiều: Y cười nói bô bô, khôi hài, làm ra người vui vẻ trẻ trung. Một con
người của phong trào! Thứ không ưa lắm những con người ầm ĩ, lố lăng như vậy. Nhưng y cũng
nghĩ thầm về người bạn nhỏ:“Thà như vậy!…”
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro