Đan Thanh
Nhuận ngọc đang vẽ một bức tranh.
Chàng vốn định tự họa một bức, nhưng vừa thoáng nghĩ lại thấy buồn cười. Làm Thiên Đế lâu rồi, Đại điện thiên giới ngày thêm quạnh quẽ, sớm chiều mây đưa, đêm hè gió lượn, chàng một mình ngồi trên chủ tọa, thần tử phía dưới không phải cung kính thì y như rằng khép nép sợ hãi, chẳng có ai bày tỏ nỗi niềm. Tự họa làm chi? Sau đó treo lên Tuyền Cơ Cung, thành cái cớ cho thiên hạ đồn đãi, rằng Thiên Đế tự cao tự đại, không dung nổi một người trong mắt, đến vẽ tranh cũng chỉ biết đến riêng mình thôi ư?
Nhuận Ngọc đăm chiêu, hay là vẽ một nhân vật nào đó hoàn toàn khác biệt xem.
Nói là làm, tay ngà nâng bút, tà áo đan mây khẽ vươn, phết mực tuôn màu. Vốn là rỗi việc tìm vui, buồn chán ngẫu hứng mà sinh, phác họa vài đường tiện giấc giải khuây, song đến lúc cầm bút lên rồi, bỗng dưng lại nghiêm túc hẳn ra.
Nhuận Ngọc nghiền ngẫm, bản thân uốn nắn khuôn phép, làm gì cũng ngay lề thẳng lối, người trong tranh cần phải bao la rộng khắp, không gò không ép, dẫm chân lên đạp nát mọi giới hạn thế gian. Thế là giọt mực xông ra, chẳng đầy mấy chốc, một bóng người bật trên nền giấy. Vạt áo tung bay, tóc phất phơ, tựa như thuận gió với điên đời (1), như đỉnh núi sông thâu một chàng dũng sĩ, phong lưu khí phách tuyệt vời.
Nhuận Ngọc lần lữa, thói mình lo trước tính sau, oằn gánh như chì, chan sầu khó nuốt. Người trong tranh phải thẳng thắn bộc trực, tính nết sáng trong, không tù không túng. Ngọn bút theo đà chăm chút ngũ quan, mày kiếm mắt tinh, đáp lên cánh quạ, sao trời dưới mi (2), tràn một cõi chân thành tươi tắn, khóe miệng mướt lên, sướng sung vui cười.
Nhuận Ngọc miên man, bản thân cứ mãi một tông trắng, thanh thuần mà nhạt nhẽo. Người trong tranh phải khoác lên phục trang cháy rỡ cuồng nhiệt, đánh mắt trông sang sẽ sáng lòa trong bóng lửa bạt ngàn. Vậy là, bút pháp lấy mực đen làm đế giày, tô ngực cùng hai ủng, tiện đà tạt chớm hồng thêm đất đỏ, từng thốc từng thốc như thược dược cháy bừng trào trên ngòi bút, vẽ cổ áo của người, tay áo của người. Áo thắm lửa hồng, đến tóc cũng hây hây ráng màu, loang theo mực nước, sẫm sẫm thâm thâm.
Nhuận Ngọc bâng khuâng, mình là ứng long, công pháp thủy tính, lúc nào cũng cóng rét se hàn, thật là buốt giá. Chi bằng để người trong tranh luyện hỏa công, dù một mình một nẻo, cũng được ấm áp sưởi thân, yên bề say giấc. Chàng hơi suy tư, đầu ngón tay lập lòe linh lực, vẩy lên cảnh nền trống trải như tưới dầu châm đuốc, bùng lên ánh đỏ rực vàng. Đuôi lửa như phất tung dải lụa, hất tràn ra mép vải. Người trong tranh đứng giữa trùng khơi lửa đỏ, lại không hề bị xao động nửa phần, rực đầy vót nhọn, ngạo khí vô biên.
Một bức tranh đã hoàn thành như thế đó.
Nhuận Ngọc buông mắt trên vải vẽ, nét người lạnh băng bấy lâu dường như được hồn tranh xớt lửa, rộ lên ngời sắc. Chàng lại nhấc lên một đầu bút khác, mực rưới trên góc tranh ấp ủ mấy chữ: Thu sang tháng chín họa Tiêu Viêm.
Chàng đặt cho người trong tranh cái tên Tiêu Viêm.
Người Thiên giới có tên không họ, chỉ xét theo thần lực và huyết thống. Đầy đủ họ tên chỉ thuộc về cõi phàm trần. Nhưng thần tiên thì có gì tốt, nếu như không có gì gửi gắm, kiếp đời vô biên cũng hóa thành dằn vặt đọa đày. Thà làm người phàm có còn hơn không.
Nhưng Nhuận Ngọc lại thấy không ổn.
Người phàm có gì hay ho? Nhập luân hồi, thề non hẹn biển năm nào theo gió bay, lại thêm một lần cùng kẻ khác ý thiếp duyên chàng, gọi là hay sao. Chàng nhác muốn sửa tên người trong tranh, nhưng chữ đã rồi, muốn sửa, lại đâm ra rối nét.
Nhuận Ngọc nhìn vài bận, nghĩ, thôi.
Chàng chưa từng ân hận vì quyết định của mình, chưa bao giờ cả.
Khi ấy Ma giới đổi chủ, sinh ra biến mới. Tân Ma tôn bất mãn vì bị chèn ép ở cái xứ hoang vu cằn cỗi này, quanh năm suốt tháng làm loạn Lục giới, ý đồ chia một miếng bánh giữa thịnh thế thái bình. Nhuận Ngọc là Thiên đế, đương nhiên không thể dung tha làm bậy, bèn xuất binh trấn áp quyết liệt mấy lần, sau lại thêm một núi việc lo hoài chẳng hết. Bức vẽ ở Tuyền Cơ Cung non nửa tháng, chả mấy chốc đã bị Nhuận Ngọc quên béng như chồng tấu chương phê rồi xếp đó.
Lại thêm dạo gần đây Quảng Lộ luôn hỏi, trong cung bề bộn choáng chỗ quá, liệu có cần dọn bớt cho gọn hơn không. Nhuận Ngọc nhìn tổng quát, chỉ riêng tranh chữ văn thơ luyện viết thường ngày của mình thôi đã chiếm tới chục cái rương, nghĩ bụng cũng chỉ là mực nước vẽ vời chẳng đáng gì. Chàng không bận tâm mấy, gật đầu trả lời một câu "Ừ", tùy nàng thu xếp.
Đợi cho tới khi Nhuận Ngọc nhớ đến bức tranh thì đã là chuyện của mấy tháng sau. Chàng lục tung kệ sách trong Tuyền Cơ cung hoài chẳng thấy, khó nhịn nhíu mày, gọi Quảng Lộ đến hỏi.
Quảng Lộ hồi tưởng một lát, xem xét sắc mặt của Nhuận Ngọc, đáp rõ: "Hôm ấy bệ hạ dặn là tranh chữ trong rương không có ích lợi gì nên muốn xử lý sao cũng được. Thế nên thần bàn giao hết cho Hợp Khư cung rồi ạ."
Hợp Khư Cung, chính là nơi phụ trách "dọn ổ hàng" vô tích sự ở Thiên giới. Mấy thứ linh tinh thông thường thì lấy chân hỏa đốt sạch, được mấy món chứa vài hơi linh khí thì ném xuống nhân gian từ Lâm Uyên đài, thả trôi xuống hạ giới, coi như Thiên giới ban phát quà tặng bảo vệ lê dân bá tánh, phòng yêu ma quỷ quái quấy nhiễu.
Đồng nghĩa, dọn theo cách nào cũng đều là kiếm trời kiếm đất kiếm chẳng ra.
Không biết có phải ảo giác của Quảng Lộ hay không, từ lúc nghe nàng bẩm báo, cảm xúc của Thiên Đế có gì đó là lạ. Vẫn dáng hình trong trẻo hững hờ đó, vẫn bạch y tóc đen, phát quan cổ áo chỉnh tề, tôn quý vô hạn đó, nhưng đôi mắt lại như sương sớm chạm mi, phôi phai mờ mịt.
Nếu để Quảng Lộ tìm từ thích hợp nào đó để hình dung, có lẽ nàng sẽ gọi biểu cảm này là mất mát. Thoáng ngập ngừng, nàng thử hỏi: "Hay để thần đến Hợp Khư cung một chuyến..."
Nhuận Ngọc ngắt lời nàng, thấp giọng rằng: "Lỡ vất thì thôi vậy, cũng chỉ là tranh thôi mà."
Chàng không có ý muốn trách tội Quảng Lộ, cũng không bàn lại chuyện này. Vậy mà bắt đầu từ ngày đó, sớm hôm nào Quảng Lộ cũng bắt gặp cảnh Thiên Đế bày bút nghiên mực, trải rộng lên bàn, dường như muốn vẽ thêm một bức. Song từ sáng tinh mơ đến đổi màu, đến tận khi Nhuận Ngọc ngả giấc, Quảng Lộ thu dọn bàn làm việc, mực khô quắt đọng trên đầu bút, vải vẽ mở rộng một nền trống, trắng tinh như tuyết lành chưa vướng một gót chân, mà góc trái hai chữ, Tiêu Viêm.
Quảng Lộ thở dài, lặng lẽ lui ra ngoài khép cửa lại. Vẽ tranh giống như đánh trận vậy, quan trọng nhất vẫn là hợp thời hợp cảnh hợp lòng người. Một lần bột phát xuất thần, vung bút òa ra đến no nê đã đầy, tới khi bỗng dưng muốn vẽ lại một bức y hệt, nào dễ dàng mát máy xuôi chèo như thuở trước. Quảng Lộ từng thấy bức tranh kia rồi, nàng hiểu Nhuận Ngọc, nào có không đoán ra tâm tư của người?
Tiêu Viêm trong tranh có một thứ là niềm mong, là khắc khoải, là ước vọng đời này Nhuận Ngọc cồn cào da diết nhất, nhưng mãi mãi không bao giờ có được nhất.
Bức tranh phản chiếu ảnh ngược của Nhuận Ngọc.
Tuy rằng Thiên Đế tỏ ý không cần làm lớn chuyện chỉ vì một bức tranh, Quảng Lộ vẫn tới Hợp khư cung dò hỏi nơi bức tranh được thả xuống. Tuy Là bộ phận xếp hàng bét nhất Thiên giới, tác phong làm việc của Hợp Khư Cung vẫn có trật tự rõ ràng, rơi đi món gì ở đâu đã ném đều có sổ sách ghi chép lại. Một tiểu tiên mặc áo hồng đào lục lọi nguyên buổi mới mò ra danh sách ghi chép ngày ấy. Nhưng ngoài một câu "Bốn bức tranh chữ của Thiên Đế" thì không đề cập gì khác. Bốn bức là bức nào với bức nào lại càng chẳng rõ.
Trời cao đất rộng bao nhiêu, mò một bức tranh cũng tương đương mò kim đáy biển.
Quảng Lộ hết cách, cũng đành bỏ cuộc. Nhưng trong lòng vẫn âm ỉ một nỗi sầu lo.
Tự buổi đầu Nhuận Ngọc ngồi trên Đế vị, mỗi ngày càng thêm khô gầy nhựa sống. Cầm Xích Tiêu kiếm, Xích Tiêu kiếm lại chẳng bằng người cầm kiếm lạnh lẽo như tiền, căm căm cóng rét. Những nụ cười ấm êm chỉ còn là bọt nước bỏ vùi tháng năm. Tựa như một tảng băng bỏng lạnh không tan, vài bước gần, ngàn bước lạnh, cắt xương cắt thịt.
Ngỡ ngàng ngó quanh, tìm chẳng thấy một ai trút tỏ giãy bày. Thiên Đế Thái Thượng Vong Tình, thật lòng thấu nổi đắng cay tịch liêu ngần ấy hay sao?
Nếu trên đời thực sự có một Tiêu Viêm, phải chăng...
Thôi. Quảng Lộ cười tự giễu, lắc đầu. Nàng khép lại mớ suy nghĩ vẩn vơ, xoay người tiếp tục bận bịu.
Thời gian theo gió bay, thoắt đi thoắt lại đã là mấy bận bấy lâu.
Thiên giới không tính ngày tháng, hoặc đã từng có, nhưng Nhuận Ngọc chưa từng nghe. Ứng Long trăm năm hiểu chuyện, ngàn tuổi trưởng thành, mấy bận nương dâu cũng chỉ là búng tay một thoáng. Ma giới hai lần đổi chủ, ma binh nửa số chôn thây, thu quân ngấp nghé lặng lẽ; Hoa giới hoàn toàn quy thuận, Thiên giới tiếp quản, đứt hẳn lòng riêng. Yêu giới phát triển mạnh mẽ, song lứa đại yêu đã thành tâm hướng về Thiên giới, trông mong phi thăng đắc đạo thành Tiên, không đâu gợn sóng.
Bốn bề lặng yên, một vũng nước đọng.
Ngày nọ, Nhuận Ngọc ngồi phê tấu chương trong thư phòng, bỗng từ xa vang lên tiếng sấm rền rĩ, chàng như cảm ứng được gì, nâng mắt nhìn qua. Ánh mặt trời rực rỡ chói lòa hắt qua cửa sổ, một luồng sáng rực vàng ráng đỏ xuyên qua khoảnh trời xanh ngắt, dừng tại chính Nam. Ngay sau đó, một luồng sức mạnh vô hình nào đó như bùng phát, tràn đầy Thiên giới.
Kệ sách hơi rung, làm mấy cuộn giấy lăn lông lốc rớt xuống đất. Nhuận Ngọc dời mắt khỏi ô cửa, đứng dậy, vớt sách vở đặt lại trên kệ, xong lại ngồi về chỗ cũ.
Không bao lâu, Quảng Lộ gõ cửa, tiến vào bẩm báo: "Bệ hạ, có một vị tiên vừa phi thăng từ Nhân giới ạ."
Yêu giới linh lực dồi dào, nếu nghiêm túc tu luyện thì phi thăng chẳng phải khó gì, hiện giờ chư tiên xuất thân từ đại yêu cũng không ít. Còn nhân giới quanh năm suốt tháng sống vội sống vàng, chăm chăm hưởng lạc, linh khí như có như không, lác đác sót lại mấy đạo môn tu tiên ngắc ngoẻo hơi tàn. Ai có thể phi thăng trong hoàn cảnh như vậy, dù không phải thiên phú kinh trời thì cũng là hạng người bất chấp hết thảy mọi phong ba bão táp, nghị lực phi thường.
Nhuận Ngọc ừ nhạt, cũng không hứng thú gì mấy. Chàng lại tập trung vào tấu chương, thêm một chốc, nhíu mày, hỏi "Còn gì bẩm báo nữa à?"
Quảng Lộ hơi dè dặt, loay hoay mấy hồi ngoài cửa, nhỏ giọng tâu, "Kẻ phi thăng không phải người phàm, là vật linh ạ. Bệ hạ... hẳn là có quen."
Khác với con người và yêu quái bẩm sinh là vật sống biết thở, vật có linh vốn là vật chết, chúng có thể là một chuỗi Phật châu, một chiếc bình sứ, là bất cứ vật gì. Nếu được ở một nơi có linh lực dồi dào thâm hậu một thời gian dài, dần dà có thể sinh ra ý thức, ngưng hồn, hóa hình, rèn thể. Tiến thêm một bước, phi thăng.
Chưa kể với vật linh lưu lạc thế gian, gian truân sóng gió vượt qua phải bội phần gấp bội phàm nhân tu tiên.
Nhuận Ngọc quả thật bắt đầu thấy hấp dẫn rồi, nhưng cụm từ "có quen" từ miệng của Quảng Lộ mới càng thu hút chàng hơn.
Vị trí của Kim Lân đài mà người vừa phi thăng đáp xuống nằm ở phía Nam Thiên giới, bình thường vắng tanh vắng ngắt chẳng có mấy ai, giờ lại bu đầy như kiến. Tụm năm tụm bảy (3), ai ai cũng muốn ngóng thử vật linh phi thăng từ cõi trần này là thần thánh thế nào. Nhuận Ngọc thoáng nhìn từ xa, xuyên qua hàng chục bờ vai nhúc nha nhúc nhích là một mái đầu bù xù, màu tóc sẫm màu cây, cà lơ phất phơ, phóng khoáng vô song, không hề giống các tiên nhân y quan chỉnh tề xênh xang cốt cách.
Nhuận Ngọc rưng rưng đôi mắt, trái tim thon thót mấy phần thân quen. Chàng không chần chừ nửa phút, tay áo trắng phau phất ra, phóng thành một tia chớp, đáp xuống ngay tại Kim Lân đài. Uy áp Thiên đế bỗng dưng ập xuống, chúng tiên phát hiện Nhuận Ngọc đến, ngơ ngác nghiêm trang hẳn lên, cung kính hành lễ, nhường mở lối đi.
Dáng người lấp ló xa xa hiện lên trước tầm nhìn của Nhuận Ngọc.
Y phục đỏ đen hòa quyện, tóc rối xù xù, ánh lửa bập bùng phất phơ đuôi tóc, tựa hàng bướm đỏ lùng bùng vây quanh, mặt khắc khuôn tạc, mày rậm mắt sâu. Trong lòng ôm một cuộn tranh, ngồi khoanh chân thoải mái tỉnh bơ trên lan can Kim Lân đài. Càng gần mà đến, càng rộn rã âm thanh rạng rỡ vui cười của "chàng tiên" mới tơn hớt với các vị tiên vây quanh mình, "Tiểu tiên Tiêu Viêm, mới đến đây lần đầu, mong mọi người giúp đỡ cho..."
"Úi chà, tại hạ chỉ là một vật linh tầm thường thôi, làm gì biết đất lành phong thủy nào chứ? May mắn là có phước quá thôi."
"....Chức vụ muốn làm ở Thiên giới ấy à, chẳng hay ở chỗ Thiên Đế bệ hạ có thiếu ai vẩy nước quét nhà pha mực không?"
"Bõ bèn gì đâu bõ bèn gì đâu (4)! Đó là khát vọng cả đời ta đó."
Nhuận Ngọc nhận ra Tiêu Viêm chứ, nhưng chàng chưa từng ngờ đến, người ấy sẽ trở về bên chàng bằng cách này. Xung quanh lặng phắt như tờ, một câu "khát vọng cả đời" càng thêm văng vẳng bồi hồi. Mấy vị tiên kế bên giờ mới phát hiện ra Nhuận Ngọc, im liền như thóc, có người tốt bụng khều khều áo Tiêu Viêm, ý chỉ Nhuận Ngọc đằng kia kìa, đừng có làm xằng trước mặt người ta đó.
Nhưng chúng tiên chẳng lường trước được, tác phong "chàng tiên" mới tinh mới cáu này y rằng có một cái nết đó, giáp mặt Thiên Đế bệ hạ cũng nao nao thế thôi chứ chẳng hề sợ hãi miếng nào, đã thế còn hồ hởi phấn khích nhổm dậy, vọt qua, hỏi liền hơi, "Chỗ bệ hạ có thiếu người hầu không?"
Nhuận Ngọc khẽ nhìn hắn một chút, xòe tay ra trước mặt hắn.
Tiêu Viêm hết hồn, mặt tươi như hoa nở xuân về, mồm rõ khép nép, "Ui làm ngại ghê", nhưng tay thì nhanh nhảu chộp lấy Nhuận Ngọc cái một. Hai tay vừa ụp lấy nhau thì nguyên dàn xung quanh hít hà một hơi mấy chục lượt, lòng bàn tay ấm áp, xúc cảm như in, Nhuận Ngọc cũng giật cả mình, lạnh mắt trừng Tiêu Viêm một cái, trượt tay ra, rút lấy cuộn tranh Tiêu Viêm đang ôm trong lòng.
Mở cuộn tranh, bức chân dung từng nhỡ tay đánh mất vẫn sinh động như xưa, bóng hình rực lửa vẫn nguyên vẹn cháy tỏ trên nền vải. Một câu "Thu sang tháng chín họa Tiêu Viêm" đượm nồng rực rỡ dưới góc trái, tựa như chỉ vừa điểm lấy hôm qua.
Tiêu Viêm lại cất tiếng hỏi một lần: "Vậy trong cung bệ hạ có thiếu người hầu hạ không?"
Nhuận Ngọc xác nhận thân phận rồi, nét ráng chiều hòa tan trên gương mặt chàng (5). Chàng cuộn lại bức tranh, cõi lòng mênh mông vời vợi, cảm giác trong tay vật báu mất đi mà tìm lại được òa vỡ trong tim, nổ tung như pháo hoa rực rỡ, lung linh lấp lánh vô vàn.
Một nụ cười hiếm hoi nở rộ trên môi Nhuận Ngọc, chàng dịu dàng đáp, "Thiếu."
====END====
(1) thuận gió điên đời: Thực ra bản gốc là vực sâu, hình như có nghĩa là "vững vàng đứng trước vực sâu lộng gió", ban đầu là mình hiểu sai QT nên edit bậy, sau đó mới phát hiện, mà lỡ thích câu này quá nên xin cho mình ích kỷ giữ lại nha huhu !
(2) đáp lên cánh quạ, sao trời dưới mi: Bản gốc là "lông mi như cánh quạ, hai mắt sáng ngời", nhưng vì phía trước câu này đã dùng từ mày kiếm mắt sáng nên mình hạn chế lặp từ "mắt" lần nữa, với muốn edit cho nó thơ một chút ý mà.
(3) bõ bèn gì đâu: Câu gốc là " 不屈才不屈才" ("bất khuất tài"), tức là lãng phí tài năng không được trọng dụng, ban đầu mình tính edit là "Tài cán gì đâu" nhưng nó hơi sai sai, ý của Tiêu Viêm là việc lau sàn quét tước không phải lãng phí tài năng gì của anh ấy cả, vì đó là ước nguyện cả đời.
(4) bu đầy như kiến. Tụm năm tụm bảy: Câu gốc là "giờ lại trở thành chốn tụ tập đông người. Trong ba lớp, ngoài 3 lớp".
(5) nét ráng chiều hòa tan trên gương mặt chàng: bản gốc là "nét mặt Nhuận Ngọc hòa hoãn vài phần", nhưng mình muốn sửa một chút vậy à.
Còn nhiều chỗ mình chém chém ý chút nhưng cơ bản không xa nghĩa mấy, mấy cái trên là tiêu biểu thôi.
P/s: Sắp tới bé Lỗi với bạn Hi đều sắp có phim chiếu rồi! Cá nhân mình mong nhất là "Là Yêu Thôi mà" và "Tình yêu gặp Darwin"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro