Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Không Tên Phần 1

Dòng sông có lẽ đã trở thành bến đỗ cho tâm hồn của nhiều nhà thơ, Hoàng Cầm hát về sông Đuống "nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì", Văn Cao hát về sông Lô với một điệu hồn hùng tráng và mãnh liệt, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại viết về sông Hương với một điệu hồn êm dịu. Một nhà văn độc đáo như Nguyễn Tuân cũng hát - hát về sông Đà bằng tất cả sự hiểu biết và tâm tư của mình. Hình tượng con sông Đà vừa hung bạo, vừa trữ tình với những nét tính cách khác nhau được Nguyễn Tuân tái hiện qua một thế giới ngôn từ vô cùng sống động trong tùy bút "Người lái đò sông Đà".

Nhà văn Pautoxki từng quan niệm: "Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường tới xứ sở của cái đẹp". Nguyễn Tuân là một nhà văn như thế! Một nhà văn "suốt đời đi tìm cái đẹp", ông nguyện sống và cháy hết mình vì cái đẹp (theo cách nói của Thạch Lam). "Nếu Xuân Diệu xem tình yêu là tôn giáo, thì Nguyễn Tuân xem cái đẹp như tôn giáo của mình" (Trần Đình Sử). Hầu hết các sáng tác của Nguyễn Tuân là hành trình đi tìm cách đẹp trong thiên nhiên và con người. Bằng phong cách tài hoa, uyên bác không quản khó nhọc để khai thác kho cảm giác và liên tưởng phong phú, bộn bề nhằm tìm ra những chữ xác đáng nhất có khả năng lay động người đọc nhiều nhất, Nguyễn Tuân đã sáng tác ra nhiều tác phẩm có giá trị trong đó có tập tùy bút "Sông Đà".

"Sông Đà" là thành tựu nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ tới miền Tây Bắc rộng lớn, hoang vu nhưng lại ẩn chứa nhiều vẻ đẹp hoang dại, kì bí của thiên nhiên. Ông đã tìm thấy trong sương khói Tây Bắc ẩn hiện lên chất vàng mười của núi rừng nơi đây, và thứ "vàng mười" đã qua thử lửa của tâm hồn con người Tây Bắc. Vẻ đẹp ấy hội tụ và tỏa sáng trong "Người lái đò sông Đà" tác phẩm được viết và in trong tập "Sông Đà" in năm 1960.

Trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" Nguyễn Tuân đã sáng tạo hình tượng con sông Đà không phải là một thiên nhiên vô tri, vô giác mà là một sinh thể sống động, không chỉ là "một thế giới sống mà còn là một thế giới biết nói". Hình tượng con sông Đà hiện lên với hai nét tính cách nổi bật hung bạo và trữ tình được Nguyễn Tuân nói đến với tất cả tình yêu quê hương, sông núi đất nước mình.

Ngay ở câu văn đầu tiên, nhà văn đã khẳng định: "Con sông Đà gợi cảm", rằng dù cho đối với mỗi người, con sông Đà mang một sự gợi cảm riêng, không trộn lẫn, nhưng rốt cuộc thì sức gợi và sự thu hút của con sông này vẫn luôn là điều hiển nhiên. Đối với Nguyễn Tuân, đã có lần, ông nhìn sông Đà, cảm nhận sông Đà như một "cố nhân" – một người bạn cũ, một người tri âm tri kỉ đã lâu không gặp. Phải chăng do lâu ngày ở trong núi rừng, đã "thèm chỗ thoáng", thèm cảm giác trong lành yên ả khi ở cùng sông Đà, nên nhà văn mới yêu, mới nhớ, hay phải chăng sâu trong tâm trí nhà văn đã mặc nhiên coi sông Đà như người bạn tâm giao từ lần đầu tiên nhìn thấy? Chỉ hai chữ "cố nhân" thôi mà chất chứa biết bao nỗi niềm nhung nhớ, yêu thương nhà văn dành cho sông Đà trong suốt những tháng ngày xa nhau, đã tuôn trào đầy nghẹn ngào cảm xúc trong giây phút gặp lại. Lần này, sông Đà không hiện lên qua âm thanh ầm ào hung dữ nữa, mà qua một loáng chói mắt "như trẻ con chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy" . Chính sự lấp ló thoáng qua đã làm lòng dạ của một người lâu ngày chưa gặp lại bạn cũ thêm bồn chồn, vội vàng và khao khát. Trong ánh sáng lóe lên phút chốc ấy, nhà văn đã thấy được một màu nắng tháng ba đầy ấm áp, thi vị, khiến ông nhớ tới câu Đường thi "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu" ; một màu nắng giòn tan hạnh phúc và vui sướng khi đôi bạn tâm giao tương phùng tương ngộ trải trên mặt nước sông xanh ngọc bích. Nguyễn Tuân đã đem đến cho dòng sông vẻ lãng mạn hoa khói, cổ kính, đậm nét xưa, cùng với sự sáng trong, rực rỡ, tươi tắn của sắc xuân qua việc liên tưởng đến câu thơ "thiên cổ lệ cú" của đại danh hào Lý Bạch, khiến cho tâm hồn người đọc rung động, xao xuyến khôn nguôi, như được lạc vào một chốn sơn thủy bình yên xưa cũ của trăm năm về trước. Sông Đà giờ đây dường như không chỉ chảy trong không gian rộng lớn mà còn chảy trong cả dòng thời gian dài bất tận, đằng đẵng, kéo về cả một thời Đường thi xa xăm phồn thịnh. Màu nắng tháng ba Đường thi ấy đã tô điểm thêm nét lung linh, huyền ảo, ấm áp và sinh động cho bức tranh thiên nhiên sông Đà, qua đó cho người đọc một lần nữa thấy được tài năng hội họa và thi ca vô cùng sâu rộng của Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân gặp lại sông Đà, như gặp lại một tâm hồn tương giao đồng điệu hiếm có với bản thân mình. Hẳn là ông đã tìm được điểm tương đồng giữa cái tính hung bạo ương bướng, "làm mình làm mẩy" của con sông miền Tây Bắc xa xôi này và cái tôi "ngông" đặc biệt của bản thân. Tìm được một tâm hồn đồng điệu là chuyện hiếm có và khó khăn biết bao, chẳng thế mà nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã từng hóa thân thành con sóng vượt bao rào cản, chông gai, để tìm mãi ra tận biển lớn, để gặp được tâm hồn đồng điệu với chính mình. Bởi vậy mà khi gặp lại sông Đà, niềm vui sướng trong nhà văn là không thể nào đong đếm nổi. Ông nhìn kĩ từng cảnh vật thuộc về người "cố nhân" lâu ngày gặp lại, từng "bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà", càng nhìn càng đắm say, quyện mình vào trong vẻ đẹp sống động ấy. Câu văn chỉ nối tiếp các chủ ngữ cùng với điệp từ "sông Đà" lặp lại ở cuối mỗi vế câu đã nói lên sự phấn khích, say mê, hân hoan hạnh phúc của nhà văn khi lại được nhìn thấy sông Đà, rằng những cảm xúc đó ùa tới mãnh liệt đến nỗi ông không còn bình tĩnh nổi để quan sát bằng lí trí, để miêu tả bằng những vị ngữ cụ thể, mà chỉ biết để nỗi lòng mình dồn dập, gấp gáp trôi theo nỗi khát khao. Và, như một điều hiển nhiên, tất cả những nỗi niềm nhớ thương ấy, đã khiến nhà văn phải thốt lên tiếng "chao ôi", như một tiếng lòng cảm thán trước cảnh vật bao tháng ngày trằn trọc trong kí ức, nay đã xuất hiện ngay trước mắt mình. Bằng những so sánh bất ngờ thú vị, Nguyễn Tuân khiến cảm xúc khi gặp lại sông Đà được cụ thể hóa một cách đầy sinh động và cũng không kém phần lãng mạn: "vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm", "vui như nối lại chiêm bao đứt quãng" . Ánh nắng "giòn tan" là một ẩn dụ cho cái nắng thật trong, thật sáng, thật mỏng và nhẹ, mong manh quý giá vô cùng, trái ngược hoàn toàn với cái âm u trĩu nặng của những kì mưa dầm tầm tã. Hình ảnh ẩn dụ này đã cho ta thấy được sự trân trọng, nâng niu của nhà văn đối với "cố nhân" muôn thuở. Nhưng không chỉ vậy, cảm xúc của nhà văn đối với sông Đà, còn bao gồm cả khát khao, thèm muốn được nhìn, được gặp, được gắn bó với sông Đà mãi mãi. Bởi thế mà khi gặp lại sông Đà, ông mới vui và sung sướng như được nối liền lại "chiêm bao đứt quãng", mới có cảm giác tươi mới diệu kỳ, hưng phấn và thích thú như được tiếp tục mơ giấc mơ đẹp còn dang dở, như được tận hưởng niềm vui chưa từng có trong cuộc đời. Sông Đà, dù có "lắm bệnh lắm chứng", chốc dịu dàng, chốc lại hung bạo cáu gắt, nhưng đối với một Nguyễn Tuân đã dành cả hai năm để gắn bó với miền Tây Bắc xa xôi, con sông vẫn là một "cố nhân" tri kỉ, nặng nghĩa nặng tình, luôn thủy chung đợi chờ ông trở lại, luôn để lại trong ông những cảm giác "đằm đằm ấm ấm" với biết bao kỉ niệm, hồi ức trong quá khứ, biết bao nhớ thương trong hiện tại, và biết bao mong đợi cho tương lai.

Câu văn toàn thanh bằng diễn tả con thuyền êm ái nhẹ nhàng trôi xuôi: "Thuyền tôi trôi trên sông Đà...". Một không gian nghệ thuật "lặng lờ" như ru "ông khách Sông Đà" vào giấc mộng phiêu du. Cái "lặng lờ" được nhấn đi nhấn lại như ướp hương rừng gió núi vào hồn người mà lắng nghe, mà cảm nhận, mà thưởng ngoạn: "Cảnh ven sông ở đáy lặng tờ, hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà.Con sông bây giờ không hẳn chỉ là của hiện tại, mà nó trôi ngược về quá khứ. Bởi người ngắm nó - người đang lênh đênh giữa dòng sông, đang chìm trong hoài niệm, mạch cảm xúc bơi ngược về với lịch sử dân tộc. Nguyễn Tuân cho phả vào câu chữ của mình, phủ lên bề mặt con sông Đà một lớp sương khói huyền hoặc, mơ hồ, xa xăm, đẹp và thơ mộng lạ kì. Bỗng dưng tôi nhớ mấy câu ca dao:

Mịt mù khỏi tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tăy Hồ.

Cũng là lãng đãng khói sương, nhưng rõ ràng không gian mặt hồ bị cô lập và có giới hạn hơn không gian con sông Đà của Nguyễn Tuân.

Mơ màng nhìn dòng sông, nghe nước êm trôi "lặng tờ", ông khách sông Đà bâng khuâng nhìn xa, nhìn gần cảnh ven sông. Bao trùm cảnh vật là một màu xanh hoang sơ, hồn nhiên. Cũng thấy nương ngô "nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa", đã có dấu ấn của con người in trên màu xanh mỡ màng ấy, nhưng thật vô cùng ngạc nhiên "mà tịnh không một bóng người". Chỉ có đồi gianh nối tiếp đồi gianh trùng điệp với những "nõn búp" ngon lành. Hình ảnh đàn hươu xuất hiện trên màu xanh bát ngát những đồi gianh là một nét vẽ tài hoa làm cho bức tranh thiên nhiên sông Đà đượm màu "hoang dại" và "cổ tích". Không phái chú nai vàng ngơ ngác trong cái xào xạc của lá thu rơi thuở nào : mà ở đây chì có: "Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm". Chỉ có Nguyễn Tuân mới có cái nhìn "xanh non" ấy, mới có cách nói, cách tả độc đáo ấy; ông đã thả hồn mình vào linh vật, mà yêu mến, nâng niu. Câu văn của ông tưởng như là hai vế của của một câu song quan trong bài phú lưu thúy: Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử;

Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa Nguyễn Tuân so sánh không phải để cụ thể hóa sự vật mà là trừu tượng hóa, thơ mộng hóa cảnh vật. "Bờ tiền sử", "nỗi niềm cổ tích tuổi xưa" là chữ của nhà văn bậc thầy về ngôn ngữ này. Nguyễn Tuân không dựa vào trực giác để so sánh, ông ta đã dùng tưởng tượng để tạo nên những liên tưởng, những so sánh đầy chất thơ và rất kì thú, gieo vào tâm hồn người đọc bao cảm xúc, để cùng ông tận hưởng cái vẻ đẹp "hoang dại" và "hồn nhiên" của Đà Giang.

 Gấp lại "Người lái đò sông Đà", ta không chỉ cảm thán và ngưỡng mộ trước vẻ đẹp đầy kì vĩ, phong phú của thiên nhiên, mà còn trăn trở một nỗi niềm Nguyễn Tuân đã tinh tế gửi gắm. Đó là mong muốn con sông Đà "chúng thủy giai Đông tẩu, Đà giang độc Bắc lưu" dù có cá tính quật cường, dù có ương ngạnh, khó chiều, hung dữ và tàn bạo đến đâu, cũng sẽ có một ngày trở nên dịu hiền, đằm thắm, giúp ích được cho con người; hay, chính là mong muốn đất nước có thể phát triển phồn vinh, để nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Những người trẻ của đất nước chúng ta, gánh trên vai trách nhiệm làm giàu cho Tổ quốc, làm đẹp cho xã hội, hãy cố gắng hết sức học tập, rèn luyện và lao động, để làm tròn, làm tốt trách nhiệm ấy, để xây dựng một tương lai "sánh vai với các cường quốc năm châu", như cách mà thế hệ đi trước đã thuần phục sông Đà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #vân