
3.
Chớp mắt đã đến ngày Trung thu. Trung thu thì con nít chơi là chủ yếu chứ người lớn chẳng mấy ai ham, riêng cậu út La dù là người lớn rồi nhưng vẫn còn ham đi rước đèn. Vừa mới phá cỗ, ăn được một miếng bánh nướng (thật ra ăn vỏ bánh nướng thì đúng hơn), uống một chén trà rồi xúng xính chạy đi đâu mất. Bố mẹ La đã quen rồi, đoán chắc con trai mình lại đi với hai đứa Khải Xán với Nhân Tuấn nên cũng chẳng thèm hỏi, chỉ có La Cảnh Hy là biết em mình lại tớn lên đi chơi với trai.
La Tại Dân vội vàng chạy ra cổng. Vẫn như thường ngày, Lý Đế Nỗ ngồi trên con xe cub màu đỏ quen thuộc, chỉ là hôm nay đã đường hoàng hơn chứ không còn vẻ lén lút vụng trộm nữa. Cậu út ngó quanh ngó quất, chắc chắn là không có một ai (kể cả cái người đứng dưới gốc cây hoa sữa) rồi mới nhanh nhảu ghé đến hôn một cái lên má người kia, leo lên xe ôm lấy cậu ba chặt cứng.
Mà cậu ba Lý còn chưa kịp cảm nhận được gì đã thấy La Tại Dân ngồi sau xe rồi, nửa khóc nửa cười. Hai người vẫn chở nhau hoà vào dòng người đông đúc trên phố, chỉ khác là bây giờ đã có thêm tình yêu ở giữa chen chân. Giữa phố xá không dám đụng chạm thân mật, nhưng mỗi khi La Tại Dân như có như không áp má vào lưng Lý Đế Nỗ, anh lại cảm thấy mềm hết cả người.
Đêm trung thu là đêm trăng đẹp nhất. Trăng sáng tới độ không còn thấy rõ những vì sao. Khắp nơi đều trưng bán đủ loại lồng đèn, nào là lồng đèn ngôi sao đỏ, góc kia lại bán đèn cá chép rồi cô tiên, có khi còn là hình con chuồn chuồn. Hai bên đường vừa náo nhiệt ồn ào vừa toả sáng rực rỡ, lũ trẻ túm tụm lại trước một quầy tò he. La Tại Dân không thường mua đèn, cũng chẳng ham mấy thứ bột đường nhiều màu như tò he. Cậu chỉ muốn cùng Đế Nỗ trải qua cái Trung thu đáng nhớ này mà thôi.
Trung thu đúng là đáng nhớ thật, hai người đi không được bao lâu thì phòng trà ở phố Tràng đã bắt đầu ồn ào không rõ, sau đó là một bóng người bị kéo ra khỏi quán, cưỡng ép bị đẩy lên xe ô tô. Mọi chuyện xảy ra rất nhanh, chỉ trong chớp mắt, nhưng cả hai người đều vội vã quành xe về.
Năm mười sáu tuổi, Lý Khải Xán trêu chọc La Tại Dân yêu anh trai mình. Năm mười tám tuổi, Khải Xán lại đem lòng tương tư anh chủ phòng trà ở con phố đông đúc nhất thủ đô.
Lý Khải Xán hát rất hay, giọng hát ngọt ngào như mật, lại mềm mại như tơ. Từ xưa đến nay, ca sĩ vốn dĩ không được coi trọng, mà Khải Xán thì lại coi việc hát là tất cả. Gia đình nhà họ Lý đương nhiên không vui, đối với chuyện Khải Xán thích hát hò là một mực ngăn cản. Lý Khải Xán bước vào tuổi mười tám, cái gì cũng dám làm, biết bố mẹ ngăn cấm, lại gan to dám đi hát ở phòng trà.
Bởi vì đây là phòng trà nổi tiếng nhất nhì thủ đô, cả ngày cả đêm không ngớt người ghé thăm. Lý Khải Xán tuy là chỉ hát vào buổi tối, nhưng gia đình Lý vốn là danh gia vọng tộc, không ít người nhận ra cậu út nhà họ thế mà lại đi hát cho người ta nghe. Cả cái thủ đô bắt đầu lao xao, cho đến một ngày, tin đồn cậu út Lý đi hát phòng trà lọt đến tai ông bà chủ. Đến đêm Trung thu, Lý Khải Xán bị bắt tận tay day tận mặt, ông Lý tức giận lôi cổ đứa con trai út của mình về giữa phòng trà nghịt người. Lý Khải Xán bị nhốt trong phòng suốt một tuần trời, cửa sổ bị chốt, cửa phòng càng không được mở. Suốt thời gian đó, cả ngày cả đêm, người hầu trong nhà đều nghe được tiếng hát da diết của cậu út xuyên qua lớp cửa gỗ dày, khi thì ai oán, lúc thì bi thương.
"Xán ơi? Anh vào được không?"
Lý Khải Xán không trả lời, Lý Đế Nỗ chỉ đành mang theo mâm cơm rời đi. Người hầu đi theo, dường như muốn bê lấy mâm cơm từ tay hắn. Lý Đế Nỗ lắc đầu,
"Không cần, để cậu mang xuống bếp. Chiều nhớ làm thịt kho tàu cho Xán, Xán nó thích ăn. Canh đừng cho nhiều mỡ quá như trưa nay, nhớ cắt cả dưa hấu mang cho nó. Nếu gọi mà cậu út vẫn không mở cửa thì qua tìm cậu, cậu bắt nó ăn, nghe chưa?"
Người hầu gật đầu như giã tỏi, lặng lẽ ghi nhớ hết toàn bộ lời dặn.
Tối ngày hôm đó, Lý Khải Xán vẫn không ăn một tí cơm nào. Người hầu đến gõ cửa phòng cậu ba, chỉ thấy khuôn mặt cậu đăm chiêu suy nghĩ. Lý Đế Nỗ cầm theo phong thư còn mới tinh, đi đến gõ cửa phòng Lý Khải Xán.
"Xán! Có thịt kho tàu em thích, ăn cơm đi. Dì Năm cất công chuẩn bị cho em, tại sao em lại không nghe lời? Anh nói lần này là lần cuối cùng, nếu em còn không chịu ăn nữa thì anh vào đến tận phòng đút cho em đấy nghe rõ chưa? Một đứa con trai mười tám tuổi như em có muốn bị đối xử như đứa con nít như vậy không?"
Lý Đế Nỗ răn đe người kia, nghe được tiếng loạt soạt cựa mình. Trong chớp mắt, giọng nói từ rắn đanh đã chuyển qua dịu dàng, anh thở dài.
"Có người tên là Hưởng, gửi thư cho em. Khi nào ăn xong thì qua phòng anh lấy, còn nếu em không chịu ăn thì..."
Anh lại quay sang cậu người hầu hẵng còn khép nép bên cạnh, "Vũ, khi nào cậu út ăn hết đồ ăn hôm nay thì lên báo cho cậu. Thành thật! Nếu cậu mà biết Vũ nói dối bao che cho cậu út thì cả hai đứa chịu phạt."
Trong nhà tuy là ai cũng biết cậu ba hiền, nhưng một khi cậu ba đã nói là sẽ làm. Lý Đế Nỗ doạ sợ đến Vũ, nó răm rắp gật đầu dạ vâng.
Nửa đêm hôm đó, Lý Khải Xán lò dò qua phòng của anh ba, chỉ thấy anh đang đeo kính ngồi trên cái ghế cạnh bậc cửa sổ, dường như còn đang chờ đợi mình. Đế Nỗ đưa cho cậu lá thư, không nói nhiều lời, cũng chẳng hỏi rõ ràng xem Minh Hưởng là ai, Mark lại là ai.
"Lý Khải Xán, em đã mười tám tuổi rồi. Em trưởng thành rồi, em nên biết việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Anh ba không muốn can thiệp đến cuộc đời của em, nhưng em cũng đừng ngược đãi chính bản thân mình."
Lý Đế Nỗ đương nhiên là thương em trai mình, nhưng lại không biết phải làm sao. Nhà họ Lý có ba cậu con trai, riêng cậu hai Lý Thái Dung đã luôn gồng gánh hết mọi công việc thay bố mẹ, sau này trông chờ thêm vào hai đứa con trai còn lại. Ấy thế mà, ông bà chủ kì vọng bao nhiêu, cậu út Khải Xán đùng một cái lại đòi đi hát chứ không muốn thừa kế sản nghiệp gia đình.
Mà Lý Khải Xán coi giọng hát còn hơn cái mạng của mình. Nếu muốn Khải Xán được sống tự do, được làm những điều chính bản thân mình mong muốn, thì thực sự chỉ có một cách. Phải có người đứng ra gánh lấy toàn bộ sự kì vọng to lớn của ông bà chủ dành cho hai đứa con trai còn lại, mà cậu ba Lý lại vừa vặn chính là người đó. Lý Đế Nỗ suy nghĩ suốt cả đêm, đến khi hừng đông đã nhú lên khỏi đường chân trời, bầu trời đêm đã bắt đầu hửng sáng, anh biết mình cần phải đưa ra quyết định rồi.
Lý Khải Xán bị nhốt trong phòng đã hơn tám ngày. Cơm thì ăn không vào, nước cũng không nuốt nổi, cả ngày hát như một con rối hỏng dây, giọng cũng đã khàn đặc cả lại. Ông bà Lý không muốn nói chuyện với con trai mình, sau khi nghe Lý Đế Nỗ thưa chuyện thì dù có dịu đi phần nào nhưng vẫn không muốn nhìn mặt Lý Khải Xán. Lý Đế Nỗ dẫn Lý Khải Xán ra ngoài vườn chơi, lần đầu tiên trong suốt tám ngày qua được đặt chân ra thế giới bên ngoài, Khải Xán lại phải nghe một tin tức chẳng biết nên vui hay nên buồn.
"Khải Xán, một tháng nữa anh qua bên Tây đi học. Ở nhà nhớ ngoan ngoãn, cứ hát hò thoải mái, cha mẹ không cấm cản nữa đâu!"
Lý Khải Xán không cười nổi, dường như cứng đờ cả người, câu đầu tiên nói ra lại nhắc đến một người chẳng hề liên quan, "Anh ba, Tại Dân đã biết là anh qua Tây chưa? Dân nó nói sao hả anh?"
Lý Đế Nỗ hiếm khi dịu dàng, xoa đầu đứa em trai chỉ kém mình hai tuổi, nhẹ giọng, "Anh sẽ nói với Tại Dân sau."
Lý Khải Xán biết chắc La Tại Dân sẽ không chịu nổi chuyện này. La Tại Dân đã thích anh ba của nó từ lâu, chật vật lắm hai người họ mới ở bên nhau được, vậy mà bây giờ lại vì nó mà hai người họ bị chia cắt. Khải Xán lắc đầu, nước mắt đã bắt đầu ướt đẫm hai bên má đã gầy đến hóp lại.
"Không được! Không! Anh đừng qua Tây nữa! Em không đi hát nữa! Anh bảo với cha mẹ là em không đi hát nữa đâu. Em không hát nữa, anh đừng đi đâu hết!"
Lý Khải Xán khóc to, run rẩy túm lấy cổ tay người kia như đang bám víu lấy chiếc phao cứu sinh cuối cùng, lại giống như một lời cầu xin. Lý Đế Nỗ vẫn giữ nguyên nụ cười không đổi, nắm lấy bàn tay đã run đến lẩy bẩy của em trai mình.
"Xán, nghe anh. Anh muốn đi học ở bên Tây, bên đó người ta có nhiều thứ mới mẻ, anh muốn học ở bên đó để khi về có thể giúp gia đình mình. Không phải do em, Xán ở nhà cứ đi hát, cứ làm bất cứ điều gì em muốn. Sau này anh học xong rồi anh lại về"
Lý Đế Nỗ đã suy nghĩ kĩ càng, suy đi tính lại suốt mấy ngày vừa qua. Anh biết chuyện này có lẽ sẽ hơi tàn nhẫn đối với Tại Dân khi thời gian hai người bên nhau vẫn còn ngắn ngủi, kể từ hôm Trung thu ấy thì Đế Nỗ cũng chưa đến gặp cậu một lần nào. Nhưng hơn tất cả, anh vẫn muốn cuộc sống của em trai mình được trọn vẹn. La Tại Dân sẽ hiểu cho anh thôi, cậu lại là người bạn thân nhất của Khải Xán, cậu sẽ hiểu rằng quyết định của anh lúc này là chính xác nhất rồi.
Sáu năm rời xa đất mẹ, đổi lại là cả một cuộc đời hạnh phúc cho em trai, Lý Đế Nỗ không còn gì để tiếc nuối. Dù cho sau này anh có lỡ làng với La Tại Dân, đó cũng là điều mà Lý Đế Nỗ buộc phải chấp nhận.
Chiều thứ Năm, đúng năm giờ chiều, Lý Đế Nỗ lại đến nhà chở Tại Dân đi chơi. Mà dường như La Tại Dân cũng cảm giác được điều gì đó, có lẽ là giác quan của những người yêu nhau, nên lúc hai người ngồi hóng gió ở bờ hồ với mấy cốc nước lạnh đủ màu, Tại Dân khẽ khàng nắm lấy ngón tay đối phương.
"Anh, có chuyện gì sao? Khải Xán thế nào rồi?"
Lý Đế Nỗ rút tay ra nắm lấy tay cậu, thở dài, "Xán vẫn ổn. Thật ra, Tại Dân này..."
Đế Nỗ đột nhiên không biết phải nói chuyện này với La Tại Dân như thế nào, dường như mấy câu chữ anh định nói lại chèn ngang họng anh đến nghẹn ứ.
La Tại Dân im lặng chờ đợi. Không hiểu vì lẽ gì, từ ngày hôm ấy, cậu cứ luôn cảm giác sắp có chuyện gì đó xảy ra nhưng lại không biết là chuyện gì, chỉ là cảm giác rất lạ, mỗi lần gặp người kia lại luôn cảm thấy nhung nhớ dù Đế Nỗ còn đang đứng ngay trước mặt. Cái Mây bảo cậu quá nhạy cảm, Tại Dân cũng mong rằng mình thật sự là nhạy cảm quá mức.
"Thật ra, anh định..."
Nói mãi không thành câu. La Tại Dân cười cười, "Đế Nỗ, anh làm gì thì em cũng ủng hộ anh mà"
"Ừm... Một tháng nữa anh sang bên Tây đi học."
Đau. La Tại Dân chưa bao giờ cảm thấy ghét cái sự nhạy cảm của mình như lúc này.
Ánh mắt cậu vô định nhìn về phía hồ nước mênh mang không điểm dừng. Trời về chiều muộn đã bắt đầu đen kịt, phản chiếu vào đôi mắt cậu một khoảng tối mịt mờ. La Tại Dân chớp mắt, sống mũi đã bắt đầu cay xè, hai bên tai cậu lùng bùng nhức nhối và nước mắt cũng đã ứa lên như muốn trào ra khỏi khoé mắt. Cậu quay đầu muốn né tránh ánh mắt của người kia, Lý Đế Nỗ cũng chẳng dám làm phiền mà chỉ đành cúi gằm mặt, cố lờ đi đôi mắt đã đong đầy nước của Tại Dân, sợ rằng sẽ không thể chịu nổi khi nhìn thấy cậu khóc, mà lí do khiến Tại Dân khóc lại là chính bản thân mình.
Ngày hôm đó hai người im lặng không nói thêm một câu nào, thậm chí La Tại Dân cũng không còn hôn anh như một thủ tục chào tạm biệt nữa. Cái Mây ào từ trong nhà, chân còn đi đôi dép gỗ lạch cạch, í ới gọi cậu út ơi cậu út ơi. Nó vừa nhìn đã thấy khoé mắt cậu chủ mình sưng đỏ, nhìn qua là biết vừa mới lau vội sau khi khóc xong. Con bé ngây thơ nhìn về phía Lý Đế Nỗ, Đế Nỗ lại ra hiệu cho nó nhớ làm Tại Dân vui.
Cái Mây không hiểu chuyện gì, nhưng nó cũng không còn ồn ào bên cạnh Tại Dân nữa.
La Tại Dân suốt hai ngày không ngủ nổi. Cậu nằm trằn trọc đến tận khi loa phường bắt đầu ra rả khắp mọi nẻo đường rồi mà vẫn chưa ngủ được, chợp mắt được hai ba tiếng là lại tỉnh. Người hầu trong nhà thấy quầng thâm mắt của cậu út càng ngày càng đậm, trông cậu uể oải, lại có chút ngẩn ngơ, thi thoảng lại xuống bếp nhặt rau kho cá với mấy đứa người hầu.
Ai cũng quen với cái tính xởi lởi này của cậu, nhưng không ai quen nhìn cảnh cậu út buồn như thế này.
Mà Lý Đế Nỗ cũng chẳng vui vẻ gì cho cam. Bố mẹ Lý đã bắt đầu vội vàng nhờ hết đủ loại mối quan hệ để có thể gấp rút hoàn thành thủ tục cho anh, dường như còn sợ con trai mình đổi ý. Đế Nỗ không mấy khi làm trái lời bố mẹ, duy chỉ có lần hứa hôn với con gái nhà họ Duẫn là anh lại thẳng thừng từ chối. Từ chối không phải là một điều dễ dàng, huống hồ cô tiểu thư kia cũng xem như là nhìn trúng anh. Lý Đế Nỗ phải chật vật mãi, cuối cùng bố mẹ Lý mới chịu xuôi xuôi. Nhưng Đế Nỗ biết từ khi đó, bố mẹ anh đã bắt đầu có điểm không vừa lòng. Vậy nên khi nghe đứa con trai của mình đề nghị việc đi du học, ông chủ Lý còn muốn đưa ngay Lý Đế Nỗ đi để đứa con trai thứ không kịp có thời gian để hối hận.
Lý Khải Xán với suy nghĩ tất cả mọi thứ đều là do mình nên lúc nào cũng cảm thấy tủi hổ, không còn thẳng lưng mà nhìn anh trai cùng bạn thân của mình nữa. Nó nhốt mình trong phòng cả ngày, chỉ cho Đế Nỗ vào phòng nói chuyện, người hầu còn không được đụng tay đến cánh cửa.
Lý Đế Nỗ biết La Tại Dân giận. Chuyện này hoàn toàn dễ hiểu, và có khi hai người họ có thể đã âm thầm chia tay từ buổi chiều hôm đó. Tại Dân im lặng triệt để, dường như mỗi khuya muộn cũng không còn ra cổng chờ đợi nữa, chỉ có cái Mây xuất hiện truyền lời hộ cậu chủ của nó.
"Thưa cậu ba Lý, cậu út bảo cậu út mệt, cậu không đi đâu ạ"
Nhưng điều không ngờ nhất là, sáng nay, khi Lý Đế Nỗ còn đang đọc sách trong vườn, đột ngột có một vòng tay nhẹ nhàng choàng qua vai mình, ôm lấy anh từ đằng sau.
Mùi bơ sữa của người nọ mà anh đã nhớ đến phát điên. Lý Đế Nỗ đặt sách xuống bàn, vội vàng đứng dậy, lại nhìn thấy La Tại Dân đứng đó cười tươi, xinh đẹp thơ ngây như ngày đầu gặp gỡ. Đôi mắt cậu sáng trong phản chiếu bóng hình duy nhất một mình anh, không còn một mảng tối đen mịt mù đến vô định của chiều muộn hôm nào.
Người hầu trong nhà đã đi theo ông bà chủ từ sớm để dọn kho hàng ở cảng Nước Trong, thành ra trong nhà chẳng còn mấy người hẵng còn đang ở trong bếp. Lý Đế Nỗ vội vàng kéo người kia vào lòng ôm siết lấy cho thoả nỗi nhớ mong suốt một tuần trời không gặp. Gay go thật! Mới một tuần không gặp mà đã chật vật như thế này rồi, sau này xa nhau mấy năm, anh biết sống sao đây?
Mà La Tại Dân lần này cũng ngoan ngoãn hẳn, để mặc cho anh ôm giữa vườn tược, thậm chí còn làm những việc vốn dĩ vẫn luôn lén lút như hôn môi dù nơi này có thể sẽ có bất cứ ai qua lại. Lý Đế Nỗ nhớ cậu, mà chính bản thân cậu cũng không chịu được khi không nhìn thấy người kia. Mỗi đêm khi Tại Dân lặng lẽ nhìn Đế Nỗ rời đi từ khung cửa sổ phòng mình, mắt cậu lại bắt đầu ầng ậc nước. La Tại Dân không nghĩ đến mình sẽ yếu đuối đến như thế, chỉ là nghĩ đến việc sau này hai người hai ngả, cứ đột ngột như vậy, Lý Đế Nỗ lại rời đi, cậu biết mình giận dỗi là sai nhưng La Tại Dân vẫn muốn được ích kỉ dù chỉ một lần. Cậu làm mình làm mẩy suốt một tuần trời, thời gian lại chẳng chờ một ai, Tại Dân chỉ còn ba tuần ở cạnh người yêu mình.
"Cậu ba, cơm xong rồi, cậu ba vào ăn cơm ạ"
Người hầu vừa chạy ra vườn gọi cậu ba, lại thấy cậu đang ôm ai đó. Lý Đế Nỗ xoay lưng về phía người hầu, che được La Tại Dân đang hôn anh trong lòng. Người hầu giật mình, vội vàng chạy mất.
Hai người vừa dứt ra, Tại Dân đã hỏi, "Xán đâu?"
Lý Đế Nỗ hẵng còn đang chếnh vếnh sau nụ hôn, lại bị người yêu tạt cho một gáo nước lạnh, "Sao em không hỏi anh?"
"Anh ơi, Xán đâu?"
Lý Đế Nỗ không cãi lại được gì, đành bấm bụng dẫn Tại Dân lên tận phòng Khải Xán. Đứng ngoài cửa vẫn còn nghe được tiếng hát vẩn vơ, Đế Nỗ mở cửa bước vào.
Lý Khải Xán ngồi bên cửa sổ, hát hò như người mất hồn.
"Xán?"
Lý Khải Xán vừa quay đầu đã thấy La Tại Dân đùng đùng đi đến, đập một cái vào vai nó rõ mạnh đến mức muốn sụt cả vai, "Lý Khải Xán! Tao bảo mày qua chở tao đi chợ mà sao không qua? Tao còn tưởng mày chết rồi đồ quỷ!"
Lần đầu tiên trông vẻ mặt Tại Dân dữ tợn đến thế, Khải Xán cũng ngơ ra như đồ ngốc. La Tại Dân lại đá một cái vào bắp chân nó, "Hôm sau qua phố Tràng với tao! Đừng có mà lắc đầu, tao bẻ cổ mày cho xem!"
Dường như lời đe doạ của La Tại Dân đáng sợ đến mức khiến Lý Khải Xán rưng rưng mà bật khóc. Nó cúi gằm mặt, dường như là khóc oà lên, nước mắt rơi xuống đùi như mưa làm ướt hết cả lớp vải lụa, "Dân ơi, tao xin lỗi. Anh Đế Nỗ, em xin lỗi"
"Trật tự! Không có khóc lóc! Khóc cái gì mà khóc! Tao đánh mày có tí mà mày khóc lóc ăn vạ cái gì?"
Lý Khải Xán lại càng khóc to hơn. Gánh nặng tội lỗi đã đè ép lên vai nó suốt cả một tuần trời, dường như Khải Xán còn có ý định không gặp lại Tại Dân nữa vì quá xấu hổ. Suy nghĩ tất cả là do nó khiến Xán không còn ngẩng cao đầu với đời như cái cách trước kia nó vẫn thường sống, nhưng La Tại Dân lại xồng xộc đi đến bẻ cổ nó ép nó phải ngửa đầu nhìn thẳng về phía mặt trời luôn rồi.
"Thằng Tuấn bảo hôm sau mày chết với nó!"
Khải Xán vừa khóc vừa cười, Tại Dân ngạc nhiên, "Mày còn cười? Thằng Tuấn nó đánh đau lắm đấy?"
"Tao bị điên rồi, huhu", tiếng thì huhu mà khoé miệng thì lại cười, đúng là bị điên thật.
"Mai qua ăn cá nha? Bố tao mới được biếu mấy cân cá chỉ vàng, mẹ tao bảo gọi mày qua, mày thích ăn mà"
Khải Xán vừa lau nước mắt vừa gật, "Gọi cả thằng Tuấn"
"Ơi trời, thằng Tuấn nó qua ăn mấy ngày hôm nay rồi, chỉ còn mày thôi"
Lý Đế Nỗ tựa cửa nhìn em trai mình vừa khóc vừa cười mà chỉ đành lắc đầu. Cậu người hầu ban nãy vô tình thấy cảnh không nên thấy cũng sủi mất tăm, mà Đế Nỗ cũng không có nghĩa vụ phải đi giải thích. Cơm đã bày sẵn trên bàn, cậu ba Lý thản nhiên xuống nhà ăn ba bát cơm trước khi một tháng nữa sẽ không còn được ăn cơm nhà một thời gian rất dài, lại về phòng ngủ cho tới khi chạng vạng tối mới mở mắt dậy, dắt xe đi đâu đó không ai biết.
Ba tuần còn lại, La Tại Dân và Lý Đế Nỗ dính nhau như sam, đến mức La Cảnh Hy vừa mới đạp xe từ chợ hoa về đã thấy bóng dáng ai đứng chờ em trai mình trước cổng. Mà La Tại Dân cũng không buồn giấu diếm, thản nhiên mở cổng, đến đêm thì bước cầu thang lẹt cà lẹt kẹt, cổng cũng không thèm đóng mà để cho người hầu chạy theo đi đóng hộ.
Hai người ôm nhau, hôn nhau cho bõ mấy năm nữa không gặp. Nói nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng đó vẫn là một quả tạ nặng trĩu trong lòng cả hai người. Dường như ai cũng biết là chẳng còn nhiều thời gian nữa, nhưng cũng không ai dám vượt qua cái ranh giới mỏng manh này.
Hai ngày trước khi Đế Nỗ đi Tây phương du học, La Tại Dân quyết định sẽ bước ra khỏi vùng an toàn của mình, đồng thời xé toạc đi ranh giới mỏng manh giữa hai người họ. Đêm đó La Tại Dân rời nhà khi đèn đóm đã tắt hết, lại lưu lạc đâu đó không về cho tới tận sáng hôm sau. Chỉ biết là, khi cậu út bắt đầu mê man vì những khoái cảm nhục dục như những con sóng nhấn chìm hết mọi lí trí và thân thể đã không còn nghe theo bất cứ sự sai khiến nào nữa, thứ duy nhất hiện lên trong đầu cậu bấy giờ là một chú chim sơn ca bị nhốt trong chiếc lồng sơn son thếp vàng, cùng với lời thì thầm ngọt ngào bên tai mà cậu luôn tin tưởng rằng người đàn ông này sẽ không thể nào thất hứa.
"Cậu ba hứa với Tại Dân, năm năm nữa, cậu sẽ về cưới em làm vợ."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro