hà nội hôm nay mưa
Hà Nội, mùa xuân năm 2018
Những ngày cận Tết
Chiều 29, vì đã lỡ chuyến tàu cuối, Sơn và anh quyết định không về nhà nữa, họ ở lại Hà Nội.
Mùa xuân thủ đô không khác cái tết ở quê nhà Sơn là mấy. Những ngày giáp Tết, càng về đêm, trời càng buốt lạnh. Hà Nội thanh lịch, đẹp cứ như tranh, nhưng ảm đạm trong mưa phùn rét mướt. Phải đến khi hai anh em đặt chân gần tới phố Thợ Nhuộm, sự náo nhiệt mới dần phô ra: sát giờ phát thời sự rồi mà trên phố cổ, người, xe vẫn cứ nườm nượp.
Phố xá bề bộn, trái tim Thái Sơn cũng thế, có lẽ đây là điểm chung duy nhất giữa cậu và đất rồng bay. Chẳng biết anh có đang nghĩ giống cậu không, bởi anh luôn bỏ lửng những câu hỏi, cứ mải miết đi. Anh đi nhanh lắm, băng qua Nhà thờ lớn, xuyên những gánh hàng rong, còn Sơn chỉ đành thun thút bám theo.
Giữa lòng thủ đô cổ kính, có chàng Thái Sơn không đành trở về nhà vì suốt một năm qua chưa gặt hái được gì. Trước mắt, cậu chỉ có tuổi trẻ, đam mê và một tình yêu để dành. Thanh xuân cùng ước vọng Sơn giữ làm của riêng, người thương của Sơn ở phía trước - cái này có muốn trói chặt, buộc vào mình cũng chẳng thể. Và người tình của Sơn ấy, anh ta không về nhà vì cậu.
Anh từng nói như thế này: "Hai thằng thương nhau, bố mẹ biết sẽ buồn"
Bố mẹ anh biết Thái Sơn chứ. Hai anh em quen nhau từ hồi cấp 3, từng ăn ngủ chung, đi hát chung, bao lúc cười mếu cũng đều ở bên nhau... rồi mới dẫn đến việc cùng lập nghiệp.
Bây giờ tự nhiên hai đứa từ bạn thân thành cặp, đến anh cũng bất ngờ chứ đừng nói là phụ huynh. Mà bố mẹ hở ra là hỏi anh đã tính chuyện lấy vợ chưa, làm sao mà họ chịu nổi sự thật động trời này... Nhưng nói thế thôi, anh và cậu vẫn kín đáo yêu đấy. Đố ai cấm được.
Có chăng anh cứ phải cố tỏ ra lạnh lùng với cậu thôi.
Và hôm nay anh không ồn ào như mọi ngày, làm cậu thấy hơi lo lo.
Thế là vừa qua ngã tư, Thái Sơn chạy đến huých vào vai anh. Từ từ, Sơn lần vào trong túi áo và móc lấy bàn tay người yêu. Tay cậu thô và ấm, của anh thì gọn xinh trong một nắm tay nhưng lạnh. Da kề da, anh hơi rụt tay lại, quay đầu nói sẽ:
"Người ta nhìn, Sơn"
"Cho họ nhìn. Em nắm tay người yêu em thì làm sao?"
"Anh không đùa. Bỏ anh ra"
"Em ứ chịu"
Càng nói cậu càng sấn vào. Không chỉ sờ tay thôi đâu, cậu còn dụi đầu vào anh, giật gấu áo, túm chun quần anh nữa kia. Anh gắt cậu bằng giọng mũi rất khẽ, dứt khoát đẩy thằng người yêu kém tuổi sang một bên. Hình như anh giận Sơn rồi à - cậu hỏi - anh chỉ nhíu mi, lắc đầu.
Trông mũi má anh hồng ửng như màu đào phai, cậu không khỏi lấy làm thích thú.
Chốc lát, muốn anh chú ý đến mình, cậu luôn miệng hỏi:
"Bao giờ mới tới nơi hở anh?"
"Chịu khó tí. Nặng quá thì đưa đây anh xách cho"
Cậu xì một tiếng, chạy vọt lên trước.
Mà Hà Nội muốn vội chẳng được, cứ sang một con phố khác, cậu chàng lại phải chững bước vì tình cờ phát hiện một góc rất riêng, rất duyên của Hà Thành. Trong con ngõ nhỏ kia, đèn lồng đỏ rợp kín khoảng sân tí hon. Hai bên đường, những gánh hàng xếp lan xuống vỉa hè, ánh sáng ấm áp tràn khắp. Phố đã lên đèn, hình như mỗi lúc một thêm nhộn nhịp.
Anh hay bảo rằng bất kể ngày lễ, cứ sau giờ cơm tối là dân tình đều đổ cả lên đây: để đi bờ hồ, ăn kem Tràng Tiền, tạt qua lăng Chủ tịch xem hạ cờ...
Ờ, dân ở đâu cũng dễ thương quá nè. Đặc biệt là anh người yêu hộ khẩu thành phố của cậu.
Nhìn kìa, đôi mắt anh lấp lánh toàn là hoa và ánh đèn, lại còn cười rõ tươi khoe hàm răng khểnh... có chết Thái Sơn không chứ.
Tối 29 lạnh thật nhưng chẳng hiểu sao mình Sơn thấy lòng nóng như lửa, tim đập nhanh nữa.
...
Mò mẫm suốt cả buổi, cuối cùng, Phong Hào cũng dẫn được cậu người yêu bé đến chỗ trú bí mật. Tự tin rằng nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất, anh tìm về nhà họ hàng xa - một người cô đã lớn tuổi nhưng còn độc thân.
Suốt chặng đường im ắng, bấy giờ, Phong Hào mới lên tiếng, điệu bộ ngập ngừng khác với anh thường ngày:
"Mình sẽ nghỉ nhờ nhà bà bác anh... Em phải chào bằng bác nhớ, chào to lên vì người ta lãng tai... với cả..."
"Gì nữa ạ?" - Thái Sơn tròn xoe mắt.
Anh người yêu ngập ngừng:
"... bác hỏi gì liên quan đến hai đứa cũng không trả lời, nghe chưa"
Đầu cậu nảy số trong tích tắc:
"Thế nhỡ bác muốn biết em là gì của anh, em phải nói sao?"
Dứt lời, cậu cười toét miệng rất tự tin. Và anh đáp thế này:
"Bảo là bạn bè bình thường"
Trái tim Sơn tê tái.
"Anh tồi quá"
Lúc này, giữa đêm tối nhập nhèm, cậu đã không còn nhớ nổi mình đang ở con phố nào. Những con ngách cứ thông nhau trải dài mãi, số nhà toàn số lẻ, chia bé rồi lại bé dần. Ngõ vắng và lặng, hút gió, khuất ánh đèn, tiếng vali kéo của hai anh em như đánh động lối nhỏ.
Đi một chốc nữa, phía trước họ có nhà để cửa mở - Phong Hào ngoắc thằng em: "Đến rồi"
Thái Sơn theo anh vào trong. Ngôi nhà trên phố, 4 tầng, vừa phải gọn gàng, mà hơi rộng quá nếu chỉ có một người ở, và trống trải quá bởi chẳng nơi nào trong nhà là có chút không khí Tết. Giữa nhà độc một cành củi khô, cắm trong chiếc bình men trắng xanh. Bộ bàn ghế long phụng đã được lau chùi, cũng được bày biện với kẹo bánh, nhưng vẫn chứa vẻ gì đấy trống trải.
Có tiếng rất khàn từ trên tầng vọng xuống:
"Ai đấy?"
"Cháu Hào đây, bác Hoa ơi"- anh đáp bằng volume cỡ đại.
"Chốt cái cửa rồi lên đây"
Phong Hào nhanh nhẹn đóng cửa ngoài lẫn cửa sập (ở nhà bác mà tự nhiên không khác nhà mình). Đợi cửa hạ xuống kín bưng, hai thằng mới bắt đầu thấy nóng, thấm mệt.
Người họ hàng của anh đang ở tầng thượng, ngay phòng thờ. Người bác này nhìn là biết không dễ đụng, sao mà trái ngược với cháu trai bác vậy.
"Xách theo cả bạn à? Nhà bác mày chứ có phải nhà tình thương đâu..."
Cậu nhăn mày, may là anh đã khẽ đánh vào vai, nói thầm: "Kệ cho bác nói..."
"Thái Sơn, bạn cháu đấy ạ. Chúng cháu ở xin một phòng ở tầng hai thôi. Cháu hứa không phiền bác ạ"
Thái Sơn bẽn lẽn như đứa con gái lần đầu ra mắt bố mẹ người yêu, bắt chước đàn anh cúi đầu chào, vào vái lạy trước ban thờ gia tiên. Đàn anh nói qua loa mấy câu, người bác kia lời thoại chỉ một tiếng "ừ". Được dăm bảy phút, bác đuổi cả hai xuống nhà.
...
Phong Hào đã bắt đầu ngân nga, vừa hát vừa loay hoay sửa bình nóng lạnh:
Thái Sơn ngồi bên cạnh bới hộp dụng cụ, lơ đễnh hỏi:
"Bác có vẻ không dễ tính lắm, anh nhỉ"
"Em đừng nhanh mồm nhanh miệng trước mặt bác là được. Nhìn thế thôi chứ người ta không hẳn đã thế đâu"
"Giống bố mẹ anh á, trông dễ nhưng hóa ra lại không? Gặp cô chú rồi mà em chưa từng nghĩ họ sẽ cấm mình yêu-"
Anh ngừng hát.
Cậu biết mình lỡ lời.
"Nãy bác gọi anh lên khép cửa tầng thượng. Em lên làm đi. Đứng đây rỗi việc toàn nói linh tinh thôi" - anh vứt tua vít vào hộp, thở ra đã biết là không vui.
Thái Sơn tiu nghỉu trèo lên lầu. Nhìn thấy bác. Chào bác. Trình bày lý do xuất hiện. Phụ bác hạ rèm, khóa cửa. Chuẩn bị chuồn thì bị giữ lại. Bà bác hỏi cậu đã cơm nước gì chưa, tiện dúi vào tay quả chuối và mấy gói bánh. Sơn bóc ăn, không hề khách sáo. Người bác quan sát cậu một lượt từ đầu tới chân, gật đầu:
"Bạn thằng Hào xinh trai nhỉ. Quê ở đâu, cháu? Học trường gì?"
"Cháu người Quảng Ninh. Cháu theo Nghệ thuật quân đội bác ạ, mới năm thứ hai thôi, cháu thua anh hai tuổi cơ mà"
Bác gái xử lý thông tin cực nhanh, ngay tắp lự hỏi một câu làm cậu hơi choáng:
"Thế Tết không về quê sao cháu?"
Thái Sơn khó khăn nuốt trôi miếng bánh, cố nghĩ cách đáp sao mà không vô lễ.
"Cháu quyết thế đấy ạ. Bao giờ thành tài cháu mới đủ can đảm về nhà"
Người bác tặc lưỡi:
"Biết đến bao giờ hả con? Cha mẹ chỉ mong con cái thôi, chúng mày lại luôn muốn những thứ xa vời, nào có ưu tiên gia đình. Mày y như thằng Hào vậy..."
Không biết lời nói ấy mang ác ý hay chỉ là tiếng than thật lòng, Thái Sơn nghe mà thấy lòng nhoi nhói.
Phải chăng Tết chưa ghé qua gian nhà này vì nơi đây thiếu vắng không khí gia đình, hay vì người phụ nữ này luôn nhìn đời bằng con mắt đau đớn?
...
Đêm lạnh sâu. Hai người trong chăn ghì chặt lấy nhau.
Trở mình liên tục, thấy mệt trong mình nhưng không tài nào chợp mắt nổi, anh gỡ cánh tay em đeo chặt trên eo. Em rừ họng, ra là cũng chưa vào giấc. Thấy thương, anh xoa tóc thằng em.
"Ngủ đi em"
"Lạ giường"
Cậu bảo thế làm anh thấy có lỗi. Phong Hào lay cậu em hờn dỗi, đoạn chạm môi mình lên má cậu.
"Giận anh à?"
"Anh đã làm gì đâu mà em giận"
"Thì anh không cho ôm..."
Cậu bĩu môi.
Anh chớp đôi mắt buồn, hơi thở nhẹ:
"Hay tại... anh yêu em"
Người yêu đã nói vậy sao Thái Sơn đành giận cho được.
"Anh nói lại đi" - cậu dụi vào cổ anh, giở giọng nũng nịu.
Phong Hào thấy nhột, bắt đầu cười khúc khích.
"Anh yêu em"
***
Sớm ra, Phong Hào choàng tỉnh, nhận thấy chỗ người yêu nằm đã hết ấm từ bao giờ.
Anh vươn vai, xỏ tất, mặc thêm áo rồi mới trèo ra khỏi chăn. Theo trình tự, giờ anh sẽ rửa mặt mũi và xuống lầu làm cỗ... Hào tính thế, nhưng vừa chạm đến tay nắm cửa anh đã khựng lại.
Có tiếng Thái Sơn ở bên ngoài. Hình như đang dở chuyện điện thoại, anh nghe ra cả giọng đàn bà. Không phải giọng các mẹ, các cô đâu: là của thiếu nữ cơ.
Tò mò, anh áp tai lên cửa. Nào có nghe ngóng được gì, tiếng Thái Sơn lùng bùng sau tấm gỗ, nhẹ nhàng cứ như đang tỉ tê. Tỉ tê thứ chuyện gì? Anh căng hết tai, đầu nóng lên mà bàn chân tiếp xúc mặt sàn thì lạnh toát. Người đó là ai mà cậu tiếp chuyện chu đáo đến thế?
Sờ đến phone mình, anh biết đã gần 10 phút trôi qua.
Bỗng dưng anh thấy khó chịu trong lòng. Cái cô đó là như nào nhỉ? Một cảm giác ghen tuông vô lý bùng lên.
Thái Sơn nhé, đẹp mã, tốt tính, lại hát hay... anh còn đổ thì thiếu gì người cũng trồng cây si cậu.
May quá, cúp máy rồi, trí tưởng tượng đang bay xa của anh được dịp trở về mặt đất.
Anh bình tĩnh mở cửa. Thái Sơn bắt gặp liền nói:
"Bạn em ấy mà, buôn khỏe thật"
À, bạn à.
Phong Hào chưa tin đâu, nhưng ngó cái mặt đẹp của cậu, anh chẳng thiết nghĩ nữa.
"Xuống làm cơm em. Bảo bạn bè tí hẵng gọi"
...
Bữa tất niên đơn giản, nửa con gà, bánh chưng, bát miến, thêm đĩa nem. Thằng em xí phần rán nem, anh chọn rửa bát, bà bác chặt gà vì hai đứa lóng ngóng có biết làm đâu.
Chờ hết hương, bác và cháu kê ghế ngồi ngoài sân thượng. Từ độ cao này chỉ thấy toàn là mái nhà, xa hơn thì là cao ốc, tất cả đều ẩn trong sương. Thái Sơn ngửa đầu, trông lên bầu trời trắng đục như sữa, hứng phải mấy giọt mưa bay. Mưa xuân hay lắm, mát mẻ, vừa đủ làm ẩm vai áo chứ không nặng nề, ghê gớm giống những cơn giông trên biển.
Ngày cuối năm nên hiếm ai có vẻ gì là vội.
Bà cô hứng lên kể rất nhiều chuyện. Chuyện đời chẳng có gì vui, chuyện thời tiết ở Hà Nội buồn, đến câu chuyện người bác này từng tham gia một ban nhạc undergound, hai anh em mới thực sự bị cuốn vào. Đúng là không thể trông mặt mà đoán lòng. Chính Phong Hào cũng không tin là người bác cứng nhắc, quen nếp sống truyền thống của mình lại có quá khứ oanh liệt đến thế.
Như để thêm phần thú vị, bác bắt đầu hát. Giọng nữ cao, lảnh lót như tiếng chim khiến hai chàng không khỏi ngạc nhiên. Và người bác say sưa, vừa ngân nga vừa khép hờ đôi mi, như thể đã thoát ly hoàn toàn khỏi thực tại, đắm mình trong một khung cảnh khác. Qua lời bác, đó có thể là ở một quán cafe nhỏ trong ngõ, nơi phát nhạc Trịnh và luôn mờ tối - mang lại cảm giác bụi bặm, bác bảo thế.
Thái Sơn ghé vào tai đàn anh, thủ thỉ:
"Máu nghệ thuật hóa ra là di truyền, anh nhỉ"
Phong Hào gật đầu, miệng cười toét.
Âm nhạc kết nối tâm hồn.
...
Sau bữa cơm, mưa dần ngớt.
Khoảng trời rộng và xanh hơn. Có lẽ bây giờ, mùa xuân mới chậm chạp ghé qua ngôi nhà ba người sâu trong con hẻm này.
Trước hết, xuân lấp ló trên cành đào mà Thái Sơn cứ ngỡ là chết khô: sau một đêm, lộc xanh đã phủ kín khắp những ngọn, màu xanh non tua tủa trông rất thích mắt. Giấu mình giữa búp lá mơn mởn là những nụ đào e ấp, ngậm căng mình dòng nhựa nuôi cây. Sức sống tiềm tàng của thiên nhiên cứ hệt như một phép màu.
Rồi xuân tới và đậu trên chóp mũi đỏ ửng của người yêu - chắc sẽ có ai chỉ tưởng tượng đến thôi cũng xiêu lòng.
Sẽ thật có lỗi với xuân nếu như vạn vật đều thấm đẫm màu yêu đương và sinh sôi, còn ta thì hờ hững với nhân tình.
Thái Sơn cúi đầu, ghé môi lên một nụ đào nhỏ xinh. Mở mắt ra mới hay hoa ấy là đôi môi người yêu.
còn tiếp
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro