Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu)
PHẦN 1: TÁC GIẢ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
Câu 1:
a. Những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu:
– Nguyễn Đình Chiểu(1822-1888) tự là Mạch Trạch, hiệu Trọng Phủ. Ông sinh tại quê mẹ, làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Thân phụ ông là Nguyễn Đình Huy, người Thừa Thiên. Mẹ là Trương Thị Thiệt.
- Năm 1833, Nguyễn Đình Chiểu được cha đưa ra Huế ăn học.
- Năm 1849, ra Huế thi thì được tin mẹ mất. Ông trở về chịu tang mẹ, ông vừa ốm nặng vừa thương khó mẹ nên bị mù cả hai mắt. Ông về quê dạy học và chuyển sang học thuốc.
- Năm 1859, giặc Pháp tràn vào sông Bến Nghé, Nguyễn Đình Chiểu về Cần Giuộc, rồi Bến Tre. Đó là thời gian ông viết Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Ông luôn giữ thái độ kiên trung, không hợp tác với giặc.
b. Cuộc đời của nhà thơ là tấm gương sáng, cao đẹp cho nhân cách và nghị lực của con người tuy bị mù, ông vẫn là một thầy giáo tận tâm, là một thầy thuốc giàu y đức và là một nhà thơ xuất sắc. Những những đóng góp của ông không hề nhỏ và những tác phẩm của ông đậm chất hiện thực và phê phán sâu sắc.
Câu 2: Tìm hiểu giá trị thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:
a. Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho, bởi thế mà tư tưởng đạo đức, nhân nghĩa của ông mang tinh thần Nho giáo. Mặc dù vậy Nguyễn Đình Chiểu còn là một trí thức nhân dân, suốt đời sống nơi thôn xóm, nên tư tưởng đạo đức của ông có những nét mang phong cách rất dân dã của những người nông dân thuần phác.
Hình tượng người nghĩa sĩ nông dân là hình tượng thành công nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Ông tập trung ủng hộ và ca ngợi các tấm gương người tốt. Đó là những con người có phẩm chất tiêu biểu cho quan niệm đạo đức truyền thống như trung nghĩa, thuỷ chung, dũng cảm, sẵn sàng cưu mang con người trong cơn hoạn nạn, ... Ca ngợi quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, tình cha con, tình bạn bè, hàng xóm, nghĩa vợ chồng, ...
b. Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ văn yêu nước ở thời kì đầu chống Pháp xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Thơ văn yêu nước của ông là tiếng khóc than cho Tổ quốc buổi đầu gặp thương đau, đồng thời hết lòng ngợi ca những sĩ phu như Trương Định đã một lòng vì nước, vì dân. Ông dựng bức tượng đài bất tử về những người dân ấp, dân lân: "Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh" (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Ngay cả lúc bờ cõi đã chia đất khác, Nguyễn Đình Chiểu vẫn nuôi giữ một niềm tin vào ngày mai: "Một trận mưa nhuần rửa núi sông" (Xúc cảnh), vẫn kiên trì một thái độ bất khuất trước kẻ thù: "Sự đời thà khuất đôi tròng thịt – Lòng đạo xin tròn một tấm gương" (Ngư tiều y thuật vấn đáp)
Với những nội dung trên, có thể nói thơ văn yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu của cuộc sống và chiến đấu đương thời. Nó có tác dụng động viên, khích lệ không nhỏ tinh thần và ý chí cứu nước của nhân dân ta.
c. Sắc thái Nam Bộ độc đáo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rõ ở từng nhân vật trong tác phẩm của ông. Mỗi người dân Nam Bộ có thể bắt gặp mình ở các nhân vật của ông từ lời ăn, tiếng nói, ở sự mộc mạc, chất phác đến tấm lòng nặng tình nghĩa. Họ sống vô tư, phóng khoáng, ít bị ràng buộc bởi những phép tắc, lễ nghi và sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Họ nóng nảy, bộc trực nhưng lại rất đằm thắm, ân tình. Đó là những nét rất riêng trong vẻ đẹp chung của con người Việt Nam.
Câu 3: Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Trãi đều có những điều gần gũi về tư tưởng nhân nghĩa. Nguyễn Trãi cũng lấy cái nền tảng của sự nhân nghĩa là quyền lợi cuẩ nhân dân nhưng đến Nguyền Đình Chiểu thì phạm trù nhân nghĩa mới thực sự mở rộng đến nhân dân, gần gũi thực sự với nhân dân. Đó thực sự là một bước tiến dài của tư tưởng.
PHẦN 1: TÁC PHẨM
Câu 1:
a. Văn tế: là loại văn thường gắn với phong tục tang lễ, nhằm bày tỏ lòng tiếc thương đối với người đã mất, văn tế thường có nội dung cơ bản, kể lại cuộc đời công đức phẩm hạnh của người đã mất và bày tỏ tấm lòng xót thương sâu sắc.
b. Bố cục bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc gồm bốn phần:
- Lung khởi (từ đầu đến tiếng vang như mõ) là cảm tưởng khái quát về cuộc đời những người sĩ Cần Giuộc.
- Thích thực (từ Nhớ linh xưa... đến tàu đồng súng nổ) là hồi tưởng cuộc đời và công đức của người nghĩa sĩ.
- Ai vãn (từ Ôi! Những lăm lòng nghĩa lâu dùng đến cơn bóng xế dật dờ trước ngõ) là lời thương tiếc người chết của tác giả và người thân của các nghĩa sĩ.
- Kết (còn lại) là tình cảm xót thương của người đứng tế đối với linh hồn người chết.
Câu 2:
a. Hình ảnh người chiến sĩ nông dân
Họ xuất thân là những người nông dân nghèo khó. Mở đầu là cuộc đời cui cút, khép lại là cuộc đời nghèo khó. Người nông dân chỉ biết việc cuốc, cày, bừa, cấy. Họ không biết gì về chiến trận như cung, ngựa, trường, nhưng, chưa từng tập khiên, súng, mác, cờ...
Tuy nhiên, khi giặc Pháp đánh chiếm quê hương, họ trở thành người nghĩa sĩ anh dũng đánh Tây. Thực dân Pháp tiến công Nam Bộ đã hơn mươi tháng, người dân mong chờ triều đình đánh giặc, nhưng trông tin quan, như trời hạn trông mưa. Quê hương bị tàn phá dưới gót giày xâm lược của giặc, người dân sục sôi căm thù. Lúc đầu nghe thấy kẻ thù hôi tanh, họ ghét thói xâm lăng mọi rợ như nhà nông ghét cỏ, thấy cỏ ở ruộng lúa là phải nhổ cho sạch. Khi kẻ thù hiện hình cụ thể trước mặt, lòng căm ghét chuyển sang căm thù, họ muốn ăn gan, muốn ra cắn cổ kẻ thù. Điều này diễn tả mức độ căm thù của nhân dân đối với giặc lên đến tột đỉnh.
Bên cạnh sự căm thù của tình cảm là sự căm thù của lí trí. Cả tình cảm lẫn lí trí đều nổi giận và do ý thức trách nhiệm công dân, họ tự nguyện đứng lên đánh giặc, ra sức, ra tay với khí thế hào hùng.
Trong trận tập kích đồn Cần Giuộc, họ là những người dũng sĩ công đồn. Họ không đợi tập rèn luyện võ nghệ, cũng không chờ bày bố trận binh thư. Những người nông dân ấy cũng không chuẩn bị quân trang. Vũ khí chỉ là ngọn tầm vong vạt nhọn, con cúi làm mồi lửa, lưỡi dao phay – vốn là những vật dụng bình thường trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng khi đã ở trong tay người nghĩa sĩ, tất cả đều trở thành vũ khí vô địch. Bằng cách sử dụng biện pháp đối lập, tác giả đã tả quyết tâm chiến đấu của người nông dân nghĩa sĩ, dù kẻ thù có sức mạnh quân sự hơn ta nhiều lần. Hình ảnh những người nghĩa quân trong những giờ phút căng thăng cao độ của trận đánh được diễn tả cực kì sinh động, thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời, sự hi sinh thiêng liêng của người nghĩa sĩ.
Qua đoạn văn tế trên, tác giả đã phát hiện và ca ngợi bản chất cao quý tiềm ẩn đằng sau manh áo vải của những người nông dân lam lũ là lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương.
b. Về nghệ thuật, đoạn văn hầu như được xây dựng toàn bằng những chi tiết chân thực, được cô đúc từ đời sống thực tế nên có tầm khái quát cao, không sa vào vụn vặt, tản mạn. Hình tượng nhân vật được đặt trong một kết cấu chặt chẽ, hợp lí. Ngòi bút hiện thực ấy kết hợp thật nhuần nhuyễn chất trữ tình sâu lắng, ẩn chứa trong từng câu chữ, từng hình ảnh là sự cảm thông, là niềm kính phục và tự hào của tác giả. Từ ngữ bình dị mà rất tinh tế, chính xác, có sức gợi cảm. Nhiều biện pháp nghệ thuật tu từ được sử dụng thành công, tạo được hiệu quả cao.
Câu 3:
a. Đoạn 3 (Ai vãn) là tiếng khóc bi thiết của tác giả xuất phát từ nhiều nguồn cảm xúc:
- Nỗi xót thương đối với người liệt sĩ phải hi sinh sự nghiệp dang dở, ra đi khi chí nguyện chưa thành.
- Nỗi xót xa của gia đình mất người thân, với những mẹ già, vợ trẻ.
- Nỗi căm hờn những kẻ đã gây ra nghịch cảnh éo le hòa chung với tiếng khóc uất ức nghẹn ngào trước cảnh đau thương của đất nước, của dân tộc.
b. Tiếng khóc thương của nhà thơ không chỉ gợi nỗi đau mà cao hơn còn khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí tiếp nối sự nghiệp dang dở của những người nghĩa sĩ. Tiếng khóc tuy bi thiết nhưng không đượm màu tang tóc, thê lương kéo dài bởi nó mang âm hưởng của niềm tự hào, sự khẳng định về ý nghĩa bất tử của cái chết vì nước, vì dân mà muôn đời sau con cháu vẫn tôn thờ.
Câu 4: Bài văn tế sở dĩ có được sức biểu cảm mạnh mẽ, trước hết bởi nó biểu hiện những cảm xúc chân thành, sâu nặng và mãnh liệt của nhà thơ. Những câu văn như:
"Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ."
có sức khơi gợi sâu sa trong lòng người đọc.
Hơn thế nữa bài văn tế còn có giọng điệu rất đa dạng và đặc biệt gây ấn tượng ở những câu văn bi tráng, thống thiết như:
"Thà thác mà đặng câu địch khái, .... trôi theo dòng nước đổ."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro