So sánh hình tượng người nông dân - Vuictm17
I.Vài nét về tiểu sử, con người ảnh hưởng đến sáng tác của Ngô Tất Tố.
1. Tiểu sử
- Xuất thân: Ngô Tất Tố (1893- 1954 ) trong một gia đình nhà nho nghèo Lộc Hà, Từ Sơn, Bắc Ninh( nay là Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội ).Vùng đất đó là quê hương cuả nhiều làn điệu dân ca quan họ, của nhiều truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích nổi tiếng, đồng thời cũng là xứ sở của nhiều hủ tục nặng nề được duy trì từ đời này sang đời khác. Gia đình Ngô Tất Tố thuộc loại nghèo phải lĩnh thêm ruộng làng để cày cấy và thường phải vay nợ lãi. Cuộc sống gần gũi với người nông dân lao động đã giúp ông hiểu được bản chất tốt đẹp, có thái độ cảm thông và trân trọng họ. Đó là cơ sở tạo nên cái gốc nhân dạo sâu sắc trong sáng tác của ông.
- Ngô Tất Tố thuộc thế hệ những nhà nho cuối mùa ( Nguyễn Trọng Thuật, Phạm Quế Lâm, Nguyễn Khắc Hiếu…) Gia đình Ngô Tất Tố mấy đời long đong, lận dận vì nghề cử tử. Ông nội nhà văn lận đận bảy khoa thi Hương cũng chỉ đậu dến tú tài. Ông thân sinh nhà văn càng lận đận hơn, sau sáu lần “ lều chõng” về không , đành cam chịu với thân phận thầy đồ. Đó là những nạn nhân của chế độ khoa cử thối nát thời phong kiến đã góp nhiều tài liệu sống cho nhà văn viết phóng sự “ Lều chõng” sau này.
- Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với nhiều nhà văn, nhà thơ khác, Ngô Tất Tố hân hoan chào đón cách mạng. Ông dùng ngòi bút phục vụ kháng chiến,viết cho báo Cứu quốc và báo Thông tin khu 12,…Năm 1948, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau hơn 30 năm viết văn, làm báo, Ngô Tất Tố đã để lại một sự nghiệp trước tác có giá trị rất đáng trân trọng. Năm 1996, Ngô Tất Tố được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
2. Con người
- Ngô Tất Tố xuất thân Nho học, có vốn Hán học khá sâu rộng. Điều đó đã tạo điều kiện cho ông viết hàng loạt những công trình khảo cứu, biên soạn, phê bình, dịch thuật.
-Là môn đồ của Khổng Tử, nhưng Ngô Tất Tố không phải là một người bảo thù, mà lại là người rất thức thời. Ông sáng suốt nhận ra sự lỗi thời, bất lực của tầng lớp nho sĩ cuối mùa trong cảnh chợ chiều của nền Hán học.
- Ngô Tất Tố là con người luôn phê phán nghiêm khắc phong trào phục cổ, phản đối những người chạy theo phong trào phục cổ do thực dân Pháp đề xướng.
- Ngô Tất Tố là nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu… có tài năng và nhân cách lớn, đầy bản lĩnh và có tinh thần chiến đấu dũng cảm.
- Ngô Tất Tố là nhà văn có lòng yêu nước thiết tha. Ông là người chứng kiến và chịu ảnh hưởng sâu sắc các phong trào ái quốc thời kì Đề Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Tuy không có điều kiện trực tiếp cầm gươm, cầm súng giết giặc, nhưng ông đã sử dụng ngòi bút như một thứ vũ khí sắc bén.
- Lòng yêu nước của Ngô Tất Tố gắn liền với tình cảm trân trọng, thương yêu sâu sắc nhân dân lao động, nhất là những người nông dân suốt đời lam lũ, nghèo khó. Trong các sáng tác của mình, ông tỏ ra là người am hiểu nông thôn cùng với nỗi cơ cực của người nông dân, dõng dạc cất lên tiếng nói đòi cải thiện cuộc sóng cho họ.
Có thể nói , Ở Ngô Tất Tố đã hội đủ cái tâm, cái tài, nhân cách, và bản lĩnh của một nhà văn, đồng thời là một nhà văn hóa.
II. Nội dung tư tưởng trong các sáng tác của Ngô Tất Tố
Ngay từ những bài báo đầu tiên, Ngô Tất Tố đã đứng trên lập trường của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Cũng giống như Lỗ Tấn thời kỳ từ 1927 trở về trước, ông phê bình xã hội, vạch mặt những cái xấu xa, giả dối, bịp bợm của giai cấp thống trị, “cứ muốn tát một tát vào bộ mặt trang nghiêm cao thượng”.
1) Những năm trước và sau 1930.
Những năm trước và sau 1930, Ngô Tất Tố hướng về những đề tài xã hội: đả kích mê tín dị đoan, thói đài các rởm …Ngô Tất Tố là người rất ghét những chuyện mê tín dị đoan. Thời kỳ này, bọn thực dân phong kiến lại cho phổ biến rộng rãi những loại sách truyền bá mê tín dị đoan như sách “xem tướng”, sách “xem bói”, sách “lấy số tử vi”, sách “học thôi miên”… Năm 1932, bọn thống trị lập hội Phật giáo ở Nam Kỳ và Trung Kỳ, năm 1934 lập hội Phật giáo Hà Nội do quan sư Nguyễn Năng Quốc đứng đầu. Một số tăng lữ lợi dụng nơi tu hành để làm những việc dâm ô, bì ổi. Ngô Tất Tố đã viết một loạt bài đả kích mê tín dị đoan, vạch mặt bọn lợi dụng tôn giáo. Tiêu biểu cho những bài ấy là bài Kiểu đất ở phố Hàng Trống. Ngôi đền ở phố Hàng trống theo tác giả là một trong những nơi nhiều người lễ bái nhất. Ngô Tất tố giải thích:
“Trước kia mình vẫn tưởng vì đền này thần thiêng cho nên đông khách lễ bái, đến nay xét ra , mới biết sự đông khách đó không tại thần thiêng mà chỉ tại được đất. Bởi vì ở đó có phải chỉ có một mình cửa đền ấy mà thôi đâu, hai bên tả hữu còn có hai cái săm nữa nghe nói cả hai đều được “đêm đêm hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu” cả.”Theo câu tục ngữ “tốt đất cò đậu” thì có lẽ phố Hàng Trống là chỗ đất tốt, cho nên một đền hai săm đều phát phúc như thế, không biết mạch đất từ ngôi đền chạy sang hai ngôi săm,hay từ hai ngôi săm chạy về ngôi đền?”.Và cuối cung Ngô Tất Tố đề nghị phải có biện pháp giải quyết “ngôi đền quái gở” “lù lù mọc ở Hà thành” “như đống rác mọc ở giữa phố vậy”!
Thời kỳ này Ngô tất Tố còn đả kích chủ trương phục cổ. Bọn thực dân phong kiến cho khôi phục các hủ tục ở hương thôn, tôn sung nho giáo, đề cao luân lý phong kiến…Ngay từ năm 1931 ông đã lớn tiếng công kích vạch mặt bọn nhà nho, bọn trí thức nấp sau danh nghĩa “ bảo tồn quốc túy” để hô hào phụ nữ “ cứ giữ cái sinh hoạt ở cửa buồng xó bếp”, để cổ động dân quê “cứ duy trì những hủ tục ở góc điếm, sân đình”.Ông cũng vạch mặt những tờ báo ngang nhiên dạy cho độc giả hát ả đào, dạy cho các trang thanh niên tân học cái lối “nằm khàn, bắt phỗng, ăn dọc, ăn ngang”, “cái bí yếu của những anh ôm túi quân cờ, ngôi nơi đầu đường, cuối chợ” mà cũng tự xưng là “bảo tồn quốc túy”!
Ngô Tất Tố không chỉ đề cập đến những vẫn đề lớn, ông còn chú ý vạch ra những thói hư tật xấu của mọi từng lớp trong xã hội:
“…trong rừng “nhà hướng đạo cho quốc dân” bây giờ vẫn còn thói giả mạo như vậy, thầy đồ thì hay nói đến Nã-phá-luân, Hoa-thịnh-đốn, Lư-thoa, Mạnh-đức-tư-cưu mà thầy ký thì luôn luôn nhắc đến Khổng Tử, Mạnh Tử, có khi còn giở cả Trag Tử, Lão Tử kia nữa. Nhưng mà có ăn thua gì, đụng đâu rốt đấy , thầy đồ cũng vậy, thầy ký cũng thế”.(Đông Phương, ngày 24-3-1931)
Trong những bài châm biếm trên, Ngô Tất Tố tỏ ra rất gần gũi với đạo đức của những người lao động.
2.Thời kỳ Mặt trận Dân chủ.
Bước sang thời này ngòi bút đả kích của Ngô Tất Tố bắt đầu đề cập đến những vấn đề chính trị: chuyện dân biểu bù nhìn, chuyện quan lại hối lộ, chuyện sưu thuế cắt cổ, chuyện sưu tập dân nguyện… Do ảnh hưởng của phong trào cách mạng trong nước và báo chí cộng sản công khai, ngòi bút của Ngô Tất Tố ngày càng tiến bộ rõ rệt. Ông rất căm ghét thực dân Pháp và nghi ngờ hết thảy những chính sách của bọn chúng.Thời kỳ này tuy còn bị hạn chế, ông đã dám đả kích vào bọn thực dân. Trên tờ Tương Lai năm 1937 ong công khai đả kích vào tên thống sứ Tô-lăng-xơ ở Bắc kỳ, vào pa-gie thống đốc Nam kỳ. Trong những năm 1936-1939, ngòi bút của Ngô Tất Tố còn liên tục tấn công vào bọn quan lại phong kiến, vào các tổ chức của bọn quan lại, địa chủ, tư sản như Viện dân biểu, hội Khai trí tiến đức. Hội Khai trí tiến đức theo ông là một cái “họa’ cho quốc dân, nó đã hóa ra “hộ gá bạc, hội quán của hội ấy đã hóa ra ổ chứa tổ tôm mất rồi”. Năm 1936, trên tuần báo Tương lai, Ngô Tất Tố lớn tiếng đòi giải tán Viện dân biểu.
Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ một mặt Ngô Tất Tố đả kích bọn thống trị, một mặt ông luôn luôn trình bày những nỗi khổ của dân quê dưới ách bọn hào lý quan lại, và bênh vực họ cũng như các tầng lớp lao động nghèo khổ khác. Trong mọi vấn đề , Ngô Tất Tố đều phân biệt được sự đối lập về quyền lợi giữa bọn tư sản, địa chủ với quần chúng nhân dân lao động. Đặc biệt ông luôn tìm đủ mọi hoàn cảnh, mọi cơ hội để trình ra trước dư luận cái tình cảnh đói khổ của dân quê: cảnh những người dân quê trước nạn đói , nạn lũ lụt phải đi ăn xin, người chết đói đầy đường mà bọn thống trị vẫn làm ngơ, không hề nghĩ đến việc bồi thường tài sản hoặc phát chẩn, cảnh người dân phải đi vay nặng lãi để có tiền đóng sưu thuế… Chính những tư tưởng dân chủ , những kinh nghiệm sống trong cuộc đời làm báo đã chuẩn bị điều kiện cho Ngô Tất Tố viết một tác phẩm có giá trị về nông thôn: Tắt đèn.
2) Từ năm 1943 trở về sau.
Thời kỳ này , do chế độ kiểm duyệt gắt gao của Nhật Pháp, ngòi bút đả kích của Ngô Tất Tố phải chuyển về những đề tài xã hội. Thời kỳ này , ngòi bút của Ngô Tất Tố không được sắc sảo như những thời kỳ trước. Lúc bấy giờ những bài báo của Ngô Tất Tố bị kiểm duyệt cắt xén tàn nhẫn, nhất là những vấn đề về chính trị.
III.Vấn đề : Hình tượng người nông dân trong văn học đương thời.
Trước phong trào đấu tranh rầm rộ của nông dân dưới sự lãnh đao của Đảng, trước dư luận sôi nổi của báo chí về vấn đề sưu thuế, quan lại tham nhũng, văn học công khai thời kỳ mặt trận dân chủ không thể không đề cập đến vấn đề nguoi nông dân.
Văn học lãng mạn từ trước chỉ nói đến những chàng sinh viên trường luật, trường thuốc, nhà văn,họa sĩ, hững thiếu nữ tân thời nhí nhảnh, ngây thơ… thì bây giờ cũng phai hướng về những người bình dân. Nhưng qua cặp kính lãng mạn mơ màng của họ, nông thôn hiện lên trong tác phẩm như một cảnh êm đềm, thi vị. Ở đây có những hội hè đình đám, những đêm trăng thơ mộng, những đồng lúa như những tấm thảm xanh trải tận chân trời, những cô thiếu nữ môc mạc răng hạt na, mắt đen lay láy,buộc khăn mỏ quạ, vừa làm vừa hát những câu tình tứ.
Trong những sáng tác của Tự Luc văn đoàn, ta còn thấy hiện ra những người nông dân cục mịch, quê mùa –dốt nát, đáng khinh bỉ. Những nhà văn Tự Lực văn đoàn nhìn người nông dân như những người yên phận, lặng lẽ sống một cuộc đời ngắc ngoải sau lũy tre xanh.
Trong dòng văn học hiện thực phê phán, vấn đê nông dân được đặt ra một cách chính xác hơn. Hình ảnh người nông dân lần đầu tiên được biểu hiện trong văn học một cách chân thật và sâu sắc.
Tuy nhiên, do giới hạn của nhãn quan giai cấp, do ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa tự nhiên, một số nhà văn như Trọng lang, nhìn vào nông dân thấy mặt tiêu cực nhiều hơn mặt tích cực và mô tả họ như những nhân vật bé bỏng bất lực, đáng khinh. Làm dân của Trọng Lang cũng có nói đến những cảnh đói khổ, bán vợ đợ con ở nông thôn, nhưng chủ yếu là đi sâu vào những hủ tục, mê tín dị đoan.Trọng Lang cũng có tỏ thái độ thương xót đối với nông dân nhưng cách nhìn nói chung vẫn bàng quan, có khi tàn nhẫn, đượm vể cười cợt. Đây đó hiện lên trong tác phẩm những người nông dân chỉ biết “vác bụng” đi ăn, hoặc những trai làng “vừa ăn cắp, vừa ăn vụng”.
Vũ Trọng Phụng cũng có mô tả được những nỗi khổ cực của nông dân nhưng lại đứng lên trên nhưng người nghèo khổ mà thương xót họ. Lòng thương này đôi khi pha lẫn thái độ mỉa mai, giễu cợt. Nông dân dưới ngòi bút Vũ Trọng Phụng, có khi hiện lên như một hạng người bất lực , đáng thương.
Trần Tiêu là nhà văn cũng hay viết về đề tài nông thôn. Trong những tác phẩm Sau lũy tre, Con trâu, Trần Tiêu cũng ghi lại được vài nét tươi sáng về nông dân: tính thật thà chất phác, cần cù lao động, lòng yêu thương lẫn nhau, tình yêu trong trắng lành mạnh của trai gái nông thôn, lòng ước mơ có một con trâu cày và một đời sống lao động ấm no... Nhưng tác giả thường nghiêng về tả các phong tục ở nông thôn (hội hè, đình đám), tả những chuyện ma chay, bói toán, mê tín dị đoan, chuyện ăn uống xôi thịt, tranh giành ngôi thứ ở đình trung... Vấn đề giai cấp ở nông thôn trong truyện rất mờ nhạt. Có lẽ đương thời chỉ có Ngô Tất Tố , Nguyễn Công Hoan, là người viết về nông thôn với ngòi bút hiện thực khá sâu sắc, đã tập trung nhấn mạnh vào vấn đề mâu thuẫn giai cấp.
IV. So sánh hình tượng người nông dân trong Tắt đèn
( Ngô Tất Tố ) và trong Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan)
1.Su tương đồng
Trước hết,người nông dân trong hai tác phẩm hiện lên đều là những con người sống cơ cực, thấp cổ bé họng đại diện cho tầng lớp dân đen trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến.Nơi mà chỉ cần có tiền là có thể đè đầu cưỡi cổ và dẫm đạp lên đầu người khác. Nơi mà người nghèo luôn ''chiếm'' ưu thế phần thiệt thòi về mình. Nơi mà gặp ''quan'' luôn phải:'' Lạy ông, lạy bà....'''
Đề cập đến vấn đề này, các nhà văn tập trung vào vấn đề cái đói, vấn đề con người sống và tồn tại.Trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố: Gia đình chị Dậu thuộc loại "nhất nhì trong hạng cùng đinh" nên chị phải chạy vạy ngược xuôi để có tiền nộp suất sưu cho anh Dậu. Bọn nhà giàu chẳng những không cho chồng chị vay mượn mà còn nhiếc móc, đe doạ. Anh Dậu đang ốm cũng bị bọn tay sai xông đến đánh trói, lôi ra đình cùm kẹp. Chị đành phải rứt ruột đem bán cái Tí, đứa con gái đầu lòng bảy tuổi cho lão Nghị Quế bên thôn Đoài. Vợ chồng lão giàu có mà keo kiệt, tàn ác, đã lợi dụng tình cảnh khốn cùng của chị, mua cái Tí và cả một ổ chó mà chỉ trả hai đồng bạc. Cộng với mấy hào bán gánh khoai, chị tưởng vừa đủ nộp suất sưu và chồng sẽ được tha về; ngờ đâu, bọn lý dịch lại bắt chị phải nộp cả suất sưu của người em chồng đã chết từ năm ngoái.Thật là cùng đường. Đây là gia cảnh nhà chị Dậu: “Nếp nhà tranh lủn củn nấp dưới rặng tre là ngà, lặng lẽ úp lấy khu đất dề thành và kín đáo náu trong một con xóm cuối làng Đông xá, đứng xa ngó lại, có thể lầm với nơi nhốt lợn hay chứa tro, đó là nhà của Nguyễn Văn Dậu.
Với tầm cao vừa xế mặt thành, dãy mái hiên cườm cượp nhòm ra ven thành, luôn luôn phạt kẻ ra vào bằng những cái cộc bươu đầu choáng óc, nếu họ quên không cúi đầu.
Với lớp rêu xanh điểm những lá tre vàng úa và những cỏ gấu phất phơ, cái sân đất rộng bằng đường bừa, lỗ chỗ vết chân chó xen vết chân người, vừa làm đường đi, vừa làm khu vực hoãn xung , phòng bị những lúc mưa rào, đất ở chân thành khỏi lở vào thềm và cửa.
Bao nhiêu bộ phận cần có của một gia đình, đều được thu cả vào trong nhà.
Nhà cất theo lối kiến trúc phổ thông của các cụ, toàn thể gồm có một chái và hai gian. Gian đầu là buồng. Bức mành rách mép lướt thướt rủ ngoài cửa buồng, cũng như bức phên nan nứa sừng sững chắn ngang lòng nhà, đều hết sức giữ cho trong buồng có vẻ bí mật. Trái lại, những khe hở ở cạnh cửa và những lỗ thủng ở chân phên lại cùng ra ý phô sòng, như muốn khai rằng : ngoài chiếc giường tre gẫy giát, kê giáp bức bụa, trong này có một chum mẻ, vại hàn, chen nhau đứng bên cạnh đống đất hang chuột.
Đối với buồng, ấy là bếp đun, cảnh tượng lại càng bề bộn.
Dưới từng máy chái thấp hẹp, những luồng ánh sáng xanh tía, thông thống kéo thẳng từ nóc đến nền, cố hun cho khô những chỗ đêm qua mưa dột.
Cạnh bó củi giong ẩm ướt, đoàn vung sứt miệng hềnh hệch nằm ngửa trong những cái rế tre, như muốn cười với lũ mêu đất thư nhàn, lông lốc lăn nghiêng lăn ngửa.
Trên bãi tro trấu tanh bành, nguội lạnh, mấy hòn gạch vỡ chầu đầu vào nhau, nghiêng mình nằm theo thế chân vạc, đương chờ đến lúc đội nồi….. Rồi ở giữa nhà, chiếc chiếu rách thủng xộc xệch phủ trên tấm phản long đinh.
Rồi ở dưới phản, mấy con chó con đòi ăn, ăng ẳng kêu không dứt tiếng.
Và ở ngoài hiên, quang, gánh, liềm, hái sen, với áo yếm, áo, váy, quần, lôi thôi rủ suốt mấy gian ruổi”.
Còn đây là gia cảnh nhà anh Pha, nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng khắc họa thật chân thực- cũng khốn khó không kém phần nhà chị Dậu tuy ban đầu có vẻ khá khẩm hơn nhà anh Dậu: vợ chồng anh Pha dù làm ăn chăm chỉ cần mẫn, quanh năm không một phút nghỉ ngơi nhưng cái đói vẫn luôn rình rập. Cuộc sống của gia đình anh phụ thuộc vào mảnh ruộng cũng bị bọn cường hào, địa chủ cướp đoạt trắng trợn. Làm ra hạt thóc tưởng đủ ăn, ai ngờ lại phải dồn hết vào sưu thuế, đóng góp việc làng, trả nợ lãi, quan trên, lí trưởng để rồi cuối cùng không còn gì nữa.
Như vậy, trong những trang văn này, nông dân hiện lên là những bóng dáng lóp ngóp, sống cầm hơi; tất cả đều bị dồn vào sự khốn cùng và bế tắc. Đổi mới thì sống, còn duy trì trật tự cũ thì sớm muộn cũng chết dần, chết mòn.
Viết về sự khốn cùng của người dân, hai nhà văn hiện thực này cùng đặt họ trong sự đối kháng với giai cấp thống trị trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Những người nông dân hiền lành, chất phác; chăm chỉ, cần mẫn ấy luôn phải hứng chịu cảnh áp bức, bóc lột đến thậm tệ, bất lương của cả một bộ máy cai trị tàn bạo. Nhân vật anh Pha trong “ Bước đường cùng” bị bọn cường hào, địa chủ, tham quan, ô lại đè nén, bóc lột đến cùng cực. Ngô Tất Tố đã đặt chị Dậu trong quan hệ đối lập với bọn địa chủ, quan lại, cường hào gian ác. Chị Dậu không chỉ bị bóc lột về vật chất mà còn bị áp bức về mặt tinh thần bởi những tên quan huyện dâm dục. Có thể thấy rõcả hai nhà văn đều đã đi sâu khám phá và chỉ ra nguyên nhân nỗi thống khổ của người nông dân.
Bị dồn nén đến bước đường cùng như vây nhưng người nông dân vẫn luôn giữ trong mình những phẩm chất trong sạch, cao đẹp và đáng trân trọng. Đặt người nông dân trong sự đối kháng giai cấp gay gắt như trên cũng là thời điểm và là ý đồ của tác giả trong việc thể hiện , làm nổi bật lên một cách chân thực nhất phẩm chất cao quý của người nông dân. Có thể thấy rõ: họ đều rất nghèo khó, túng quẫn song vẫn luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Khi gia đình chị Dậu rơi vào cảnh khốn cùng: không đủ tiền nộp sưu, anh Dậu ốm đau thì bà con hàng xóm láng giềng, người thì bế hộ chị Dậu cái Tỉu, người thì phụ giúp phần cơm cháo, thuốc thang…Hay khi vợ anh Pha ở cữ thì cũng có nhà hàng xóm sang thăm và biếu những quả trứng thật giá trị nhất là trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Thật cảm động biết bao nhiêu trước sự hi sinh, chịu thương, chịu khó, đảm đag hết lòng thương yêu chồng con của nhân vật chị Dậu.Một người phụ nữ chỉ mới hai mươi tư tuổi mà phải chịu bao cơ cực, thay chồng làm trụ cột gia đình nhưng chị chưa bao giờ than vãn, oán trách chồng con mà ngược lại lại yêu thương hết mực. Đó là tình mẫu tử giữa chị Dậu và những đứa con nhất là sự thấu hiểu , hi sinh tuổi thơ của một đứa bé mới lên bảy như cái Tý; là tình cảm chị em ruột thịt…Chị Dậu dù khi đang bị trói trên phủ quan nhưng trong lòng vẫn luôn đau đáu lo nghĩ về chồng con mà quên đi cả bản thân mình. Cao điểm nhất là cảnh chị Dậu bị gọi lên hầu quan, chị nói: “việc quan con tưởng phải làm ban ngày sao lại làm ban đêm” chị tìm mọi cách để chống cự lại tên tri huyện dâm dục, vứt tọt nắm bạc trước đôi mắt giương tròn ngạc nhiên của hắn, cái hình ảnh chị đẩy “quan cụ” ra để bảo toàn trinh tiết đã nói lên cái nhân phẩm cao quý của người bình dân. Chị Dậu là một điển hình đẹp đẽ, khỏe mạnh và đúng đắn nhất của người phụ nữ nông dân Việt Nam thời Pháp thuộc. Đây quả thực là những trang văn thấm đẫm nước mắt và ấm áp tình người.
Với tất cả sự châm biếm , lên án chế độ thực dân nửa phong kiến tàn ác cùng sự xót thương vô bờ, các nhà văn đã lột trần bản chất xấu xa của tầng lớp thống trị,đồng thời phản ánh chân thực cuộc sống cơ cực, tăm tối;tình cảnh xơ xác, tiêu điều của ngừơi dân; qua đó mong muốn họ thức tỉnh và xây dựng ý thức đấu tranh, đổi mới cuộc sống của họ.
2.Sự khác biệt
Nguyễn Công Hoan và Ngô Tất Tố là những nhà văn tiêu biểu cho văn xuôi hiện thực phê phán những năm 1930-1939. Nhiều tác phẩm của hai ông đã tập trung phê phán, tố cáo mãnh liệt những thủ đoạn áp bức bóc lột, những chính sách mị dân bịp bợm, giả dối của giai cấp thống trị , đồng thời phơi bày những nỗi thống khổ của nhân dân với một thái độ cảm thông sâu sắc. Họ đã đi sâu khám phá và chỉ ra nguyên nhân nỗi thống khổ của người nông dân. Nông dân trong những trang viết của họ hiện lên khốn khổ nhưng vẫn luôn lấp lánh vẻ đẹp chất phác , hồn nhiên của người lao động.
Người ta thường nói: văn chương chính là cuộc sống. Điều này càng đúng hơn với sáng tác của các nhà văn hiện thực nói chung và Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan nói riêng. Bởi lẽ các sáng tác của họ đã phản ánh, phơi bày hiện thực với đúng bản chất của nó, qua đó cho thấy thái độ cũng như khát vọng, ước mong của các nhà văn về cuộc sống. Với một trái tim nhân hậu và lòng yêu thương con người, đặc biệt là người nông dân họ đã viết lên những thiên tiểu thuyết phơi bày được tính chất dã man của chế độ thực dân phong kiến một cách sâu sắc nhất, điển hình nhất. Với hai cuốn tiểu thuyết Tắt đèn (Ngô Tất Tố) và Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) đã dựng lên bức tranh xã hội Việt Nam trước Cách mạng một cách chân thực nhất, sống động nhất. Hai tác phẩm cho ta thấy được những cảnh đời éo le của người nông dân trong xã hội cũ .Tiêu biểu như gia đình anh Pha, chị Dậu, họ cùng phải chịu những áp bưc bóc lột của bọn thống trị, những hủ tục lạc hậu, những thứ thuế vô lý… đã dồn con người ta đến tận bức đường cùng phải bỏ làng mà đi mỏ như anh Pha, phải bán con, bán cho, bán gánh khoai lang- gánh lương thực cuối cùng trong nhà vậy mà vẫn chưa đủ phải bỏ chồng bỏ con để đi ở vú như chị Dậu.Tuy nhiên ở mỗi nhà văn lại có cách nhìn, cách khai thac khác nhau về hiện thực, về người nông dân.
Về hình tượng người nông dân trong hai tác phẩm “ Tắt đèn” của Ngô Tất Tố và“ Bước đường cùng” ( Nguyễn Công Hoan ) ta có thể tìm thấy những nét khác biệt dưới đây.
Cùng phản ánh nỗi thống khổ điển hình của người nông dân nhưng ở trong “ Tắt đèn” hình tượng người nông dân hiện lên trong hoàn cảnh điển hình là mùa sưu thuế với nỗi thống khổ của người dân nghèo ( “Tắt đèn xoáy vào cái thứ thuế bất nhân đánh vào người hàng năm, Tắt đèn là câu chuyện khốn khổ của người làm ruộng nghèo phải bán con, là nhà đi ở vú (nếu chưa phải đi ở thổ, đi ăn mày, đi chết đường chết chợ) để chạy cho xong một cái thẻ sưu” (Nguyễn Tuân). Thì ở trong “ Bước đường cùng” tác giả đã phản ánh thật đầy đủ những nỗi khổ điển hình của người nông dân, với bao nhiêu tai họa khác nhau, cứ chồng chất đè nặng lên số phận của họ. Bước đường cùng đề cập đến đủ cả: nạn Tây đoan bắt rượu lậu, nạn quan lại tham nhũng, nạn sưu cao thuế nặng, nạn cường hào ức hiếp bóp nặn, nạn xôi thịt chè chén, khao vọng, ngả vạ, rồi cảnh phu phen tạp dịch, cảnh lụt lội đói kém, bệnh dịch hoành hành, tình trạng dốt nát tối tăm, mê tín dị đoan, ăn ở mất vệ sinh…
Hơn nữa,nếu như nhân vật chị Dậu ngay từ đầu đã có tinh thần phản kháng chống lại bọn áp bức bóc lột .Chị thông minh sắc sảo không bị những thủ đoạn gian trá của bọn quan lại, lý trưởng lừa gạt. Còn anh Pha- gia cảnh vốn ban đầu có khá hơn gia cảnh nhà chị Dậu, vợ chồng anh có một gánh hàng để mưu sinh nhưng cuối cùng lại bị lừa hết phen này đến phen khác nhưng vẫn không nhận ra. Nghị Lại nói gì anh cũng cho là đúng:
- Tao đến đây hôm nay, định hỏi mày chỗ này đây, vì tao ghét thằng Trương Thi, nó vừa làm hại tao, chắc mày biết đấy chứ?
- Dạ. Dạ.
- Mà bản tâm là nó định hại mày kia đấy, nhưng phúc bảy mươi đời nhà mày, nó lại bỏ nhầm sang ruộng nhà tao.
-Bẩm con hiểu.
-Cho nên tao tưởng mày theo kiện rồi kiện lại nó, chứ có đứa hàng xóm như thế, thực là nguy hiểm… Cho nên tao định đến đây bàn với mày, là tao cho mày tiền để mày kiện lại nó. … Thật đấy, mày không dám kiện nó thì mày cũng hèn, mà rồi nó đè đầu đè cổ cho, con ạ,
-Lạy quan, thôi thì trăm sự nhờ quan…
Khi nghe nhưng người trên huyện nói Nghị Lại đòn sóc hai đầu cho cả nhà trương Thi vay tiền để kiện Pha, Pha không tin đời nào Nghị Lại lại làm vậy với mình. Đến lúc biết đích xác có chuyện như vậy rồi nhưng đến gặp Nghị Lại, ông ta dụ dỗ vài câu ngon ngọt :
- Con ngu dại thế không trách con chết.Tiền mất cho quan là tiền không đi đâu mà mất, sao con cứ tiếc? Mình làm thằng dân bao giờ cũng dưới quyền cai trị của người ta, ngộ rồi khi con có việc gì, con có mong người ta bênh vực cho hay không?....
Bị ông ta nhồi sọ. Pha đứng lặng và nguôi giận. Anh cho là lời có lý nên không thiết tha tiếc tiền như trước. Anh cho việc nên tạ quan là phải vì vậy đã nghe theo ông Nghị lên huyện tạ quan hai chục. Đến lúc nhận ra tâm đểu giả của Nghị Lại thì hai vợ chồng bàn nhau bán gánh hàng để quyết trả được ba mươi đồng của ông Nghị. Đến khi đến trả bị ông lừa cho lấy lý là vợ chồng Pha có gánh hàng để kiếm cơm ăn lại đem bán đi lấy gì mà sống, ông không chịu nhận :
“Thôi đi , tao thương thì để tao thương, đem tiền về. Tao bảo không nghe rồi tao ghét thì không ra gì đâu… Nhân tiện có ông lý đây, để tao viết cho mấy chữ rồi điểm chỉ vào, nhờ ông ấy cho cái triện. Tao nhiều việc hay quên, biên thế cho nhớ.” Bị các quan hùa vào lừa cho, lại không biết chữ ,Pha điểm chỉ vào tờ văn tự ghi nợ ông Nghị năm mươi đồng. Ở giai đoạn đầu chưa có sự thức tỉnh, Pha hết lần này đến lần khác bị bọn thống trị lừa gạt. Đến cửa quan, quan cho cái gì là phúc cái đấy, anh hoàn toàn không có chút kháng cự nào dối với bọn cường hào.
Chị Dậu đã vượt xa hình ảnh những người phụ nữ trong văn học đương thời.Chị Dậu đã mạnh khỏe hơn cả anh Pha (Bước đường cùng), Thị Mịch ( Giông Tố), Tám bính(Bỉ vỏ)… Chị Dậu có một sức chiến đấu mạnh mẽ lạ thường. Trong văn học chị là người phụ nữ đầu tiên một mình dám đứng lên quật ngã kẻ thù.Chính cái điều mà trước kia những người phụ nữ trong văn học không dám làm. Trước kia Ngọc Hoa dám mắng Trang Vương giữa triều đình phong kiến uy nghiêm, nhưng dù sao Ngọc Hoa cũng vẫn chỉ là một nhân vật trong ước mơ của nhân dân, một nhân vật ít nhiều còn mang tính chất huyền thoại. Ngọc Hoa chưa phải là một nhân vật hiện thực. Chị Dậu là nhân vật sống thực giữa cuộc đời. Hành động phản kháng gan dạ của chị là một nét mới mà Ngô Tất Tố đã thấy được và ghi lại, đánh dấu một bước trưởng thành của người phụ nữ trong văn học. Từ đầu đến cuối chị sẵn sàng đương đầu với mọi thế lực áp bức để bảo vệ gia đình của mình, để tìm đường sống. Sở dĩ chị có được sức mạnh như vậy là vì chị Dậu là người của thời kỳ 1936-1939, là đại diện tiêu biểu cho một giai cấp : giai cấp nông dân lao động Việt Nam. Chính vì thuộc giai cấp lao động bị bóc lột, áp bức nên chị mới có được sức chiến đấu mạnh khỏe không bao giờ mệt mỏi.
Điều khác biệt hơn cả là ý thức đấu tranh mạnh mẽ của người nông dân trong hai tác phẩm này qua hai nhân vật điển hình là chị Dậu và anh Pha. Hành động chống trả bọn thống trị ác bá của chị Dậu là hành động tự phát, còn hành động của anh Pha là tự giác. Ngô Tất Tố đã ba lần miêu tả chị Dậu chống lại cường quyền . Lần thứ nhất đánh lại cai lệ, người nhà lí trưởng vì chúng định xông tới bắt anh Dậu. Lần thứ hai: giằng co với tên tri phủ khi hắn giở trò đểu cáng. Lần thứ ba, chị vùng dậy thoát khỏi bàn tay dâm đãng của cụ cố.Nhưng tất cả hành động chống trả đó của chị Dậu đều là thế bị động, tức là sự phản kháng như một phản xạ tự nhiên, bột phát. Còn ở anh Pha thì ban đầu là một người ngu ngốc, nhút nhát , tin tưởng bọn cường hào rồi bị lừa nhưng đến những trang cuối cùng nhờ có sự giảng giải của Dự , Pha đã thức tỉnh và có ý thức đấu tranh chống lại bọn cường hào , địa chủ. Anh đã nhận ra chỉ cần người nông dân biết đoàn kết cùng nhau đấu tranh thì bọn quan lại hách dịch sẽ không dám làm gì. Và anh đã quyết tâm chiến đấu thật dũng cảm với bọn chúng để bảo vệ đất đai, lương thực của mình. Anh nói : “Tôi thề rằng sẽ chiến đấu đến cùng”. Anh đã giữ lời thề. Chiếc đòn gánh phang vào đầu Nghị Lại với tiếng cướp “Đồ ăn cướp” cưa Pha không còn là sự phản kháng mù quáng liều lĩnh của kẻ cùng đường bế tắc như chị Dậu. Nhân vật trung tâm của tác phẩm- nhân vật Pha- có một vị thế đặc biệt trong văn học hiện thực phê phán. Đó là “hình tượng nhân vật nông dân duy nhất có sự phát triển về ý thức đấu tranh chống kẻ thù giai cấp đòi quyền sống”. Ở nhân vật này có cái gì mới mẻ, tiến bộ và chỉ có thể giải thích bằng ảnh hưởng của phong trào cách mạng thời kỳ Mặt trận Dân chủ đối với tác giả. Đây là một tính cách khá đầy đặn, có quá trình phát triển từ giác ngộ về quyền lợi giai cấp đến sự thức tỉnh về ý thức và tinh thần đấu tranh.
Điều khác biệt cuối cùng mà ta nhận thấy là sự định hướng tương lai đối với người nông dân. Dõi theo hồi kết trong mỗi tác phẩm, ta dễ dàng nhận ra: người nông dân trong “ Tắt đèn” là không có lối thoát: “Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị” . Tương lai của người nông dân trong “ Bước đường cùng” đã được Nguyễn Công Hoan nhìn nhận khác đi : Bị trói khiêng đi biết chắc chắn sẽ bị tù tội song Pha không tuyệt vọng. “Trông đôi môi mím chặt khôn, thì biết rằng không phải vì đau mà anh không nói, nhưng chính là anh muốn nuôi trong lòng một mối hận nghìn năm”. Anh còn nói với những bạn đi theo anh : “Tôi không ở làng nữa. Tôi không còn gì ở làng nữa. Ngày này sang năm, các anh sẽ biết chuyện tôi”. Anh đang nghiền ngẫm một đường đi và con đường mà anh chọn chính là đi mỏ với Hòa và tiếp tục đấu tranh. Dường như tác giả muốn vạch ra con đường của nông dân đi theo giai cấp công nhân. Như vậy kết thúc tác phẩm không phải là bức màn đêm đen tối như trong Tắt đèn mà ở đây đã lóe ra một tia sáng lạc quan, tuy còn mơ hồ.V. Giá trị nhân đạo trong Tắt đèn ( Ngô Tất Tố)
Tác phẩm Tắt đèn la một bản tố khổ sâu sắc, một lòng nhân đạo thiết tha
Trong Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã trút tất cả sự phẫn nộ xuống ngòi bút khi ông tố cáo bọn địa chủ, quan lại, cường hào gian ác. Tác giả vô cùng đau xót trước cảnh tan nát của gia đình chị Dậu, một gia đình nông dân nghèo, lương thiện, bị điêu đứng vì nạn sưu thuế, nạn cho vay cắt cổ, nạn địa chủ quan lại tham nhũng, dâm ác.
Ngố Tất Tố đã cất lên tiếng nói của quần chúng nhân dân, tiếng nói của hàng triệu người dân nghèo vốn căm ghét cực độ bọn cường hào, địa chủ nhưng vẫn chưa đạt tới được cuộc đấu tranh tự giác và triệt để chống lại bọn chúng. Tắt đèn là một bản tố khổ chân thật, sâu sắc, chan hòa nước mắt và lòng căm phẫn của hàng triệu nông dân nghèo bị bóc lột. Điều đáng quý ở Ngô Tất Tố là đối với giai cấp bóc lột, ông vạch trần bộ mặt đê tien của bọn chúng với một lòng căm phẫn cao độ, ngược lại đối với những người nông dân lao động, ông có một sự cảm thông sâu xa, một nỗi thương xót mênh mông và một lòng cảm phục những đức tính của họ.
Đọc Tắt đèn, ai cũng phải xót thương cho những cuộc đời như cái Tý, chị Dậu. Tắt đèn đã đề cập đến vận mệnh của phụ nữ và trẻ em. Đó là vấn đề mà những nhà văn lớn giàu tinh thần nhân đạo thường quan tâm tới. Đọc Tắt đèn, chúng ta vô cùng xúc động trước cái cảnh chị Dậu hai hàng nước mắt lã chã rơi dắt cái Tý đi bán cho nhà Nghị Quế. Cái Tý là một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo, biết yêu thương bố mẹ và em, chịu thương chịu khó và cũng chính vì thế mà độc giả lại càng thương xót nó. Chúng ta cang không cầm nổi nước mắt trước những lời van lơn tha thiết, tội nghiệp khi nó biết mẹ nó định đem bán nó : “U nhất định bán con đấy ư? U không cho con ở nhà nữa ư? Khốn nạn than con thế này! Trời ơi!...” Trước những lời van lơn tha thiết của cái Tý , chị Dậu biết trả lời thế nào. Thương con bao nhiêu chị càng thương chị bấy nhiêu khi nghe tiếng nói của chị hòa lẫn trong tiếng khóc xé ruột : “…. Nếu không bán con, thì lấy tiền đâu nộp sưu? Để cho thầy con khổ sở đến nước nào nữa? Thôi, u van con, u lạy con,con có thương thầy, thương u thì con cứ đi với u!...” Đọc những đoạn văn này chúng ta không khỏi bồi hồi xuc động, thương cái Tý qua chừng. Gấp sách lại hình ảnh đứa bé hai hàng nước mắt ròng ròng, lủi thủi đội nón mê lền đầu theo mẹ đén nhà Nghị Quế. Qua đó ta cũng thấy rõ hơn lòng nhân đạo của Ngô Tất Tố, ông đã cúi xuống nỗi khổ của những người nông dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Tắt đèn, một tác phẩm có giá trị hiện thực tố cáo và giá trị nhân đạo chủ nghĩa. Và cũng chính vì thế mà Tắt đèn trở thành một tác phẩm lớn có tính nhân dân sâu sắc nhất trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam.
VI.Vài nét về nghệ thuật trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố
1) Vấn đề nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình
Một yêu cầu đối với văn học hiện thực là phải khái quat được những mặt chủ yếu, bản chất nhất của cuộc sống và phải xây dựng được những nhân vật điển hình, những hoàn cảnh tiêu biểu nhất của một thời đại, một giai đoạn lịch sử nhất định. Quy luật điển hình hóa đòi hỏi nhà văn phải miêu tả bản chất xã hội của một tầng lớp người nhất định, một giai cấp nhất định, một thế hệ nhất định vào trong một nhân vật văn học. Tính chất tổng hợp, khái quát của nhân vật văn học là một trong những mạt quan trọng nhất của vấn đề xây dựng điển hình trong văn học.
Đứng về phương diện tổng hợp ,khái quát, chị Dậu là một nhân vật điển hình thành công. Chị Dậu tiêu biểu cho những người phụ nữ nông dân nghèo khổ, cần cù lao động, yêu thương chồng con, nhân cách trong sạch nhưng lúc bị áp bức cùng quẫn có thể đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Ngô Tất Tố đặc biệt thành công về phương diện khái quát hóa nhân vật. Nhưng tính tổng hợp , tính khái quát mới chỉ là một mặt của vấn đề điển hình hóa. Nếu coi điển hình hóa chỉ là một sự tổng hợp thì sẽ dẫn tới những hình ảnh sơ lược, trong khi con người ngoài tính chất đại biểu cho một lực lượng xã hội, cho một giai cấp,còn là mọt cá nhân cụ thể, riêng biệt, có những đặc điểm cá nhân của nó. Hình ảnh những người nông dân nghèo khổ bị áp bức bóc lột đến tận xương tủy, hình ảnh những nguoi nông dân căm thù và đấu tranh tự phát với bọn quan lại, địa chủ, cường hào đã được Ngô Tất tố thể hiện trong một con người bằng xương bằng thịt- chị Dậu. Chị Dậu cũng không phải là không có cá tính. Gấp trang sách lại chúng ta vẫn thấy hiện ra trước mắt một chị Dậu nghèo khổ, khỏe mạnh, có nhan sắc đang lo rạc người vì sưu thuế, một chị Dậu một tay đang gạt nước mắt, một tay “nhũng nhẵng dẫn con và chó lẽo đẽo dưới nắng mùa hè” đi đến nhà Nghị Quế, một chị Dậu đang túm tóc tên người nhà lý trưởng “lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm”, một chị Dậu đang vứt tọt nắm bạc vào mặt tên quan tri huyện dâm dục, một chị Dậu đang đêm choàng dậy đẩy quan cụ ra để thoát ra ngoài bảo toàn trinh tiết của mình. Chị Dậu đã để lại một ấn tượng đẹp đẽ trong lòng độc giả. Tuy nhiên nếu suy xét cho kỹ thì nhân vật này vẫn chưa có cá tính sâu sắc,đậm nét. Về phương diện này có thể nói phương pháp cá biệt hóa của Ngô Tất Tố không bằng Nam Cao .Cũng viết về người nông dân :Chí Phèo, Chí Phèo cũng là một nhân vật điển hình. Tuy mặt khái quát còn nhiều hạn chế song nhân vật Chí có một cá tính rất sinh động. Cá tính của hắn không những thể hiện bằng viec hắn làm mà còn được thể hiện bằng cách hắn làm những việc đó. Rạch mặt, kêu lang, đốt nhà, chém người, uống rượu say rồi chửi đổng, đó là tất cả những phản ứng cực đoan mà Chí Phèo đã làm. Ngay cả lúc dằn Thị Nở xuống vườn chuối , hắn cũng kêu làng vì hắn nghĩ kêu làng là “độc quyên” của hắn rồi. Chí hung ác, liều lĩnh đến nỗi không những Bá Kiến mà cả làng Vũ Đại đều sợ hắn. Nhưng cũng có lúc hắn giống như bao nhiêu những người đàn ông lương thiện khác, hắn “ao ước có một gia đình nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vai…” Hắn mong được làm hòa với mọi người, hắn them “luong thiện” nhưng cái xã hội vô lương ấy đã không cho hắn được làm người lương thiện nữa. Trong một cơ say hắn đã đâm chết kẻ thù và tự đâm chính mình. Nam cao đã xây dựng Chí Phèo với nhứng cá tính thật độc đáo không thể trộn lẫn với bất kỳ một ai.Điều này đã giúp ông đi xa hơn Ngô Tất Tố về khả năng điển hình hóa nhân vật.
Mặc dù vẫn còn có những hạn chế , song nhân vật chị Dậu vãn xứng đáng là một nhân vật điển hình. Ở đây Ngô Tất Tố đã chú ý đặt nhân vật của mình vào trong hoàn cảnh điển hình; đó là vùng nông thôn vào thời kỳ sưu thuế, thời kỳ lo lắng nhất cưa những người dân nghèo khó và cũng là cơ hội tốt nhất để bọn quan lại, địa chủ, cường hào bóc lột,đàn áp nông dân. Đây là lúc những mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp được bộc lộ rõ nhất, làm nổi bật lên bộ mặt chân thật của tất cả các nhân vật trong truyện. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, hàng loạt các sự kiện dồn dập, các mâu thuẫn cọ sát nhau lên đến đỉnh điểm. Tất cả chuyện sưu thuế, đánh đập, chè chén, bán con, bán chó… liên tiếp xảy ra chỉ trong có một ngày đẩy nhân vật vào chân tường buộc phải phản kháng để tự vệ. Do đó tính cách nhân vật cũng được bộc lộ một cách ddaayd đủ và chân thật nhất.
2) Vấn đề ngôn ngữ và phương pháp xây dựng nhân vật
Ngôn ngữ trong Tắt đèn là ngôn ngữ của quần chúng nông dân đã được tác giả nâng cao đến nhuần nhuyen. Tác giả đã mạnh dạn đưa vào tác phẩm những tiếng nói quen thuộc của quần chúng : “dáng điệu len lét như rắn mồng năm”, “song có lúc người có khúc,m ình cứ ăn ở hiền lành rồi cũng có ngày trời mở cửa cho”, “quanh năm đầu chày đít thớt”…
Ngô Tất Tố là người có tài châm biếm và có một óc quan sát tinh vi. Lối châm biếm của ông rất kín đáo, sau sắc, tế nhị. Ông để cho sự việc tự nói lên, ít khi tham gia bình phẩm. Đây là bức phác họa một tên chánh tổng:
“Chánh tổng khoan thai bỏ giầy, bước qua môt dãy chiếu để lại mặt chiếu hai hàng dấu chân đầy cát bụi, rối vắt vẻo ngồi lên chiếc chiếu trên cùng. Bộ khay đèn tự tay người nhà lý trưởng sang tay cai lệ, lên làm bạn với “quan trong hàng tổng”.
Trong một đoạn khác ông lại viết;
“Bước đường công danh của ông (Nghị Quế) cũng bắt đầu từ chức lý trưởng vượt qua những bậc phó tổng, chánh tổng, rồi cơm rượu, bò lợn và quan phủ, quan tỉnh hiệp sức với nhau đưa ông lên ghế nghị viện”. Ta đã thấy Ngô Tất Tố đã khéo léo xếp “quan phủ, quan tỉnh” ngang hàng với “cơm, rượu, bò , lợn”!.
Tả một tên lý trưởng hách dịch, đầu tiên ta chỉ nghe thấy tiếng chửi của hắn:
“Mẹ cha chúng nó! Hôm nay vẫn chưa đóng thuế, chungsnos định để tội vạ cho ai?”.
Sau đó mới thấy một ông lý cắp sổ đi lên “nách cắp cuốn sổ, một tay cầm gậy song, một tay xếch đôi ống quần móng lợn…”
Thật là ngắn gọn nhưng cũng thật sinh động.
Một thành công đặc biệt của Ngô Tất Tố là xây dựng nên những nhân vật điển hình :chị Dậu, Nghị Quế.
Nghị Quế là một tên trọc phú dốt nát. Hắn ra nghị trường chỉ đẻ cốt mua cái “vị thứ tân thời”, lấy chỗ mỗi năm vài lần ăn uống… “cái đức không thèm biết chữ của ông hơn hẳn các bạn đồng viện, tuy những ông ấy chỉ xuất thân bằng lái lợn hay cai phu”.
Tính chất trọc phú, dốt nát của hắn còn được thể hiện thông qua đoạn tac giả miêu tả cách bài trí trong căn nhà của hắn : “Ở cạnh bức hoành phi khảm trai, mấy cô con gái tồng ngồng đùi vú vừa nằm vừa tủm tỉm cười tình…. Và ở đầu cái giường tây sơn quan dầu, quần lĩnh thâm và khăn quàng nhiễu xanh cùng vắt một chỗ”.
Tác giả còn miêu tả cái lối ăn uống thô tục của hắn : “Ông Nghị đâm chéo đôi đũa qua mặt mâm, bưng bát nước canh, trợn mắt, húp một cái đánh soạt”, rồi uống nước “súc miệng òng ọc mấy cái, nhổ toẹt xuống nền nhà….” Đến sự chi ly keo bẩn của bà Nghị: “Bà đã đếm kỹ từng miếng rồi đấy. Còn mười bốn miếng tất cả. Hễ mất miếng nào thì chết với bà!”.
Tất cả đều tố cáo hắn là một tên trọc phú dốt nát bủn xỉn, học là sang, và hủ lậu một trăm phần trăm.
Các nhân vật của Ngô Tất Tố nội tâm và ngoại diện bao giờ cũng thống nhất. Một nhân vật đẹp thì đẹp cả người lẫn nết. Chị Dậu là người đàn bà cần cù lao động, đảm đang có phẩm chất tốt đẹp thì đồng thời chị cũng có cái “nhanh nhảu của đôi mắt sắc nhọn, cái xinh xắn của cặp môi đỏ tươi, cái mịn màng của nước da đen dòn và cái nuột nà của người đàn bà hai mươi bốn tuổi”.
Trái lại tên tri huyện đểu cáng dâm dục thì bề ngoài của hắn cũng làm cho moi người mất vía. Mặt của hắn thì “đen như vệt hắc ín và cong như cái lưỡi liềm. Nó nhọn như mũi dùi nung và bầu như đầu dao trổ. Nó khum khum quắp láy hai mép như hai cánh dơi. Nó vất vểu vểnh ra hai mang tai,gần như hai sừng củ ấu. Nó nhâu đàu dưới sống mũi, như sắp chui vào trong cái mũi dọc dừa. Nó lại giúp cho cái mồm lèm bèm thêm sự dữ dội”.
Chỉ cần vài ba chi tiết như vậy thôi nhưng Ngô Tất Tố đã giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ và toàn diện về các nhân vật trong truyên.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro