Số Đỏ p5;6
Chương 5
BÀI HỌC TIẾN BỘ CỦA XUÂN TÓC ĐỎ
HAI QUAN NIỆM VỀ GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
VÂNG TÔI, TÔI LÀ NGƯỜI CHỒNG MỌC SỪNG!
Ông chủ, bà chủ đã cùng với mấy bà tân thời và mấy ông du học sinh lên một chiếc xe hơi đi lên hiệu khách ăn cơm.
Bọn thợ may, các cô khâu, đã lũ lượt kéo nhau ra về.
Đồng hồ đánh 12 tiếng.
Ngoài Phố, trên các cây sấu, những con ve sầu nhất định phá giấc ngủ trưa của các quý quan.
Xuân Tóc Đỏ tự hỏi: "Thế này thì nước mẹ gì?" Nó đi đi lại lại, ôn những lời dặn bảo của chủ nó.
- Trước khi có thể giúp chúng tôi về thể thao, anh hãy cố sức giúp xã hội trong cuộc Âu hóa. Anh phải nhớ kỹ rằng hôm nay trở đi thì anh đã dự một phần vào cuộc cải cách xã hội rồi. Từ đây mà đi xã hội văn minh hay dã man là trách nhiệm ở anh! Vậy anh nên làm ăn chăm chỉ, phải trông nom hết tất cả mọi việc, và nhất là phải hiểu những công việc mình làm.
Ông chủ thời nói một cách cầu kỳ đại khái thế. Giản dị hơn nữa, bà chủ chỉ bảo Xuân:
- Thế nghĩa là lúc nào rỗi thì cầm cái chổi này (bà đưa luôn ngay ra một cái phất trần) mà phủi bụi những súc lụa, những quần áo ở ma nơ canh. Phải biết cái gì là vệ sinh, đừng để cửa hiệu rác rưởi, bụi bậm.
- Vâng ạ.
Nhà mỹ thuật lại dặn:
- Cần hơn nữa là anh phải biết tên các đồ hàng, các mốt y phục, để cho khác vào hàng thì có thể chỉ bảo cho khách có một cái gu?
- Bẩm cái gu là cái gì ạ?
Nhà thẩm mỹ đã ấp úng, phải vỗ tay vào trán mấy cái, rồi mới nói:
- Nghĩa là... nghĩa là cái thích, cái sở thích, cái... cái quan niệm về mỹ thuật.
- Bẩm, tôi vẫn chưa hiểu.
- Anh không hiểu thì phải cố mà hiểu! Thế là thế này: Anh phải thoáng trông thấy một bộ quần áo là nhớ ngay đến tên của nó, để mà có thể tán cho khách nghe vui tai. Anh phải biết cái phận sự của người văng-đơ, nghĩa là người bán hàng! Mỗi khi có một người bằng lòng may một bộ y phục tân thời, thế là nước nhà lại có thêm một người tiến bộ.
- Bẩm, như thế thì ra tôi lại phải biết cả các mặt hàng tơ lụa hay là bà này nên may mặc ra làm sao, cô kia nên may mặc ra làm sao?
Nhà mỹ thuật trợn mắt, so vai, trỏ mặt Xuân:
- Lạm quyền! Lạm quyền! Đấy là công việc của tay-ơ(1) là của tôi! là của một mình tôi! Một mình tôi mà thôi! Đây này... anh ra đây.
Xuân bị lôi đến trước một chiếc ma nơ canh. Nhà mỹ thuật nói:
- Hở cánh tay và hở cổ là Dậy thì! Anh đọc thật to lên!
Xuân nhắc lại như một con vẹt học một bài học thuộc lòng:
- Hở cánh tay và hở cổ là Dậy thì! Hở cánh tay và hở cổ là Dậy thì!
Nhà mỹ thuật gật gù hài lòng và lôi Xuân ra một cái ma nơ canh khác:
- Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! Đọc cho quen mồm đi!
- Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ!
- Tốt lắm! Anh cứ chịu khó học như thế vài lượt là thuộc mặt chữ, à quên, không! là đã thuộc lấy kiểu mới mà nghệ thuật đã chế tạo đó. Từ đây mà đi thì cuộc Âu hóa trông cậy vào cái óc thông minh của anh. Đây này, bộ này là bộ Kiên trinh, cho những vị quả phụ nào nhất định không đi bước nữa, cho nên quần áo kín đáo trông nghiêm nghị, cổ áo lá sen lòe xoè che kín cả hai đường hằn của đôi vú. Bên cạnh thì là bộ Lưỡng lự cho nên cổ áo kiểu khăn san thì che kín thân áo về một bên vú mà để hở hẳn thân áo về một bên. À quên, anh đọc nổi những chữ kẻ ở bảng này đấy chứ?
- Bẩm vâng, chữ này kiểu cũ, tôi đọc được.
- Thôi, thế tôi để nguyên một mình anh với ainh!
Trước khi ra đi, bà Văn Minh còn dặn:
- Anh lấy cái bảng có chữ Đóng cửa buổi trưa mà treo tủ kính rồi anh ngồi trông hàng. Có ai vào thì tiếp, ai hỏi thì nhớ lấy rồi ra bảo tôi.
Thế rồi... cả bọn ra đi.
Xuân Tóc Đỏ đã hiểu rõ cái địa vị mình rằng trong cuộc Âu hóa, trong cái việc cải cách xã hội, nó chỉ là một anh loong toong. Nó không bất mãn ở chỗ ấy nhưng ở chỗ người ta không nhớ rằng nó cũng cần phải nghỉ nghơi cơm nước như mọi người khác. Nó thấy đói lắm. Nó rất muốn trông thấy bà Phó Đoan, nhưng bà đã lên xe hơi với con chó yêu quý của bà từ bao giờ... rồi.
Nó đi đi lại lại trong cái cửa hàng vắng tanh êm ả, miệng nó lầm bầm mấy lần: "Chả nước mẹ gì cả!" Rồi nó cầm cái chổi phất trần, lần lượt phủi bụi cho những chiếc ma nơ canh. Nó đọc rất to, lại lai nhai giọng hò như tiếng ê a của trẻ con học bài thuộc lòng chữ Hán vậy. Có điều đáng lạ là bài nó học chính tự nó đặt ra.
- Mẹ kiếp! Quần với chả áo! - Cái này là cái gì? À Lời hứa! ... thắt đáy, nở ngực, nở đít... phải phải! Thắt đáy, nở ngực, nở đít là Lời hứa Hở ngực, hở tay, hở đùi là Chinh phục! Hở ngực, hở đùi là Chinh phục! Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ!
Cái chổi vướng cái đinh rơi xuống đất. Nó cúi nhặt, mồm vẫn đọc thật to:
- Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! Hở... hở là... Ngây thơ!
Giữa lúc ấy có một thiếu phụ còn trẻ tuổi lắm, đẩy cửa sầm sầm bước vào hàng. Hai người nhìn nhau kinh ngạc một lúc, rồi thiếu phụ cất cao giọng hỏi:
- Ông... ông là ai?
Xuân Tóc Đỏ ưỡn ngực lên, giấu cái chổi lông gà sau lưng, nghiêm trang:
- Tôi? ... Là ... là ... một người dự phần trong việc Âu Hoá.
- À!
- Một người cải cách xã hội ... có trách nhiệm quốc dân văn minh hay là dã man.
- À, thế thì tốt lắm!
- Thế cô muốn gì? Cái quần Hãy chờ một phút nhé?
- Tôi có chồng rồi! Tôi không chờ được phút nào cả.
- Vậy bà muốn gì, thưa bà?
- Chồng tôi! Cải cách! Âu hoá! Chồng tôi đâu?
- Bẩm thế là ai?
- Ông Típ... fff ... ạ!
- Ông gì ạ!
- Ông Típ Phờ Nờ!
Xuân Tóc Đỏ ngẩn mặt ra như người bằng gỗ đến năm phút rồi mới hỏi lại:
- Bẩm ông... Ông Típ Phờ Nờ?
- Phải! Chính thế. Ông ấy đâu?
- À, đây không có ai tên là ông Típ Phờ Nờ ạ!
- Có lắm. Chính là ông mỹ thuật Đông Dương, ông cai thợ may, cái ông vẫn ký tên ở các báo mục phụ nữ là TYPN, nghĩa là: Tôi yêu phụ nữ! Ông cải cách xã hội mà lại còn không biết? Thế ông cải cách từ bao giờ?
- À, bẩm thế thì có. Nhưng mà ông ấy vừa đi đâu...
- Thế thì tôi chờ.
- Vâng, xin bà cứ tự nhiên, cái đó vô hại.
- Ông trông hộ xem quần áo tôi may thế này đã có gì là tân thời chưa?
Xuân Tóc Đỏ nhìn qua cái áo giản dị, cổ áo không thuộc mốt lá sen cũng như không thuộc mốt bánh bẻ, cái quần trắng giản dị kín đáo, đôi giầy nhung đen không cầu kỳ mấy, thì chỉ thấy nó có vẻ đứng đắn thôi. Vì trong óc nó có sẵn thành kiến là cái gì nhố nhăng thì mới là tân thời, nó bèn đáp:
- Bẩm, trông bà chỉ có vẻ lương thiện, đứng đắn thôi chứ không tân thời mấy ạ.
- Có phải thế không, hở ông?
Xuân gật đầu lia lịa:
- Vâng ạ! Vâng ạ! Thế thì cổ lắm, chưa được Âu hoá mấy! Bà là vợ ông Típ Phờ Nờ mà ăn vận thế, e còn là hủ lậu đấy... Thế bà chưa biết rằng ông nhà đã chế ra nhiều kiểu rất tân tiến hay sao? Nào là Ngây thơ, Chinh phục, Lưỡng lự, Chờ một phút, Ỡm ờ, Ngừng tay, nhiều kiểu lịch sự lắm, bà ạ.
Thiếu phụ nghiến rít hai hàm răng lại mà nói:
- Chồng tôi áp chế tôi lắm! Tôi không chịu nổi nữa!
- Thưa bà, thế là một sự trở ngại trên đường tiến hoá! Mà muốn phản đối lại việc ấy, bà chỉ còn có một cách là chiếu cố đến bản hiệu mà may ngay một bộ quần áo gọi là Nữ Quyền! Mặc nó vào, người vợ sẽ được chồng khiếp sợ... Văn Minh đã bảo thế!
- Ông là người có học thức lắm. Ông nói văn vẻ y như viết văn Tây! Vậy thì ông hết sức che chở cho tôi trong cuộc Âu hoá nhé?
Xuân Tóc Đỏ cúi xuống rất thấp:
- Chúng tôi rất được hân hạnh.
Thiếu phụ sung sướng cả cười:
- Chà! Ông phong nhã quá đi mất!
- Thưa bà, hạnh phúc có gì là khác, nếu nó không là hạnh phúc của vợ chồng? Nếu ái tình đến thời kỳ phai nhạt thì làm thế nào cho vợ chồng có hạnh phúc?
- Ấy chính thế đấy! Nếu ông TYPN cứ cấm đoán mãi tôi, thì chắc không thể yêu được mãi ông ấy như vào ngày mới cưới nữa.
- Thưa bà, chúng tôi không phải chỉ cải cách bề ngoài như lời dèm pha của phái đạo đức hủ lậu đâu. Vả lại...thưa bà... tiến theo luật tiến hoá chung của xã hội... giữa buổi canh tân này, cái gì là bảo thủ thì bị đào thải đi... Quần áo để làm tăng vẻ đẹp, không cốt che đậy...
Xuân Tóc Đỏ đương mở máy nói như một cái kèn hát thì cánh cửa kính bị đẩy tung ra. Nhà mỹ thuật sầm sầm chạy vào, có nhà viết báo đi theo.
Nhà mỹ thuật giờ tay lên trời mà than dài:
- Ôi! Phong hoá suy đồi!
Đoạn về sau lưng giơ tay lặng lẽ phân vua với nhà viết báo. Ông này cho đó là cơn ghen đích đáng của những nhà nghệ sỹ chân chính (những nhà nghệ sĩ là hay cả ghen lắm) liền phịu mặt, khẽ nói:
- Thật không thể tha thứ được!
Nhưng nhà mỹ thuật lại hiểu câu ấy theo ý riêng chứ không phải do lòng ghen tuông. Ông vồ lấy câu ấy mà nói:
- Thật không thể tha thứ được
Nhưng nhà mỹ thuật lại hiểu câu ấy theo ý riêng chứ không phải do lòng ghen tuông. Ông vồ lấy câu ấy mà nói:
- Có phải thế không, anh? Vợ tôi? Chính vợ tôi? Chính vợ tôi mà lại ăn mặc tân thời như thế này? Hở Giời? Quần trắng nữa ư? hở Giời? Đường ngôi lệch, bôi môi hình quả tim ư? Hở Giời? Đồ đĩ! Đồ khốn nạn! Đồ...
Xuân Tóc Đỏ giơ tay ngăn:
- Thưa ngài, tôi xin che chở phái đẹp trong cuộc Âu hóa!
Bà vợ nhà mỹ thuật lúc ấy tức giận như vợ những nhà mỹ thuật mà rằng:
- Thôi đi, anh là đồ ngu! Anh hô hào đổi mới, Âu hoá, anh cổ động phái phụ nữ phải cải cách y phục theo mốt của anh, phải đánh phấn bôi môi theo cách thức của anh, thì tôi, tôi cũng là một phụ nữ mặc dầu tôi chỉ là vợ anh! Tôi là người đàn bà! Khắp bàn dân thiên hạ này ai cũng có thể làm chứng cho tôi rằng tôi là phụ nữ, chính tôi cũng là phụ nữ! Ai bảo không? Ừ, có ai dám chối không? Tôi thách ai dám bảo tôi không là đàn bà đấy?
Nhà mỹ thuật xua tay:
- Biết rồi! Biết rồi ... Câm đi! Thối chưa!
- Tôi không câm có được không?
- Câm đi, đồ ngu! Khi người ta cổ động đàn bà thì phải biết là cũng có năm bảy thứ đàn bà! Khi người ta nói phụ nữ... là nói vợ con chị em người khác, chứ không phải vợ con chị em của ta! Mợ đã hiểu chưa? Người khác thì được, mà mợ, mợ là vợ tôi, thì mợ không thể tân thời như người khác được!
Bà Typn cãi:
- Thế thì tôi không hiểu nữa đấy! Vô lý!
Nhà mỹ thuật quay sang cầu cứu nhà viết báo. Ông này cắt nghĩa:
- Thưa bác, ta nên chia gia đình với xã hội ra làm hai.
- Thế sao bác cũng chủ trương cải cách trong báo của bác?
- Là vì tôi cũng như bác giai. Phụ nữ nghĩa là vợ con chị em người khác chứ không phải vợ con chị em của tôi. Gia đình tôi thì cứ phải theo cổ, không được có hạng đàn bà ăn mặc tân thời nay khiêu vũ, mai chợ phiên, rồi về nhà chửi lại mẹ chồng bằng những lý thuyết bình quyền với giải phóng!
Ông nhà báo nói một cách quả quyết như những nhà văn sĩ cấp tiến làm cho nhà mỹ thuật cũng hăng hái nói tiếp:
- Đối với tôi ấy à? ... Đàn bà cứ nhốt trong buồng, mợ đã hiểu ra chưa?
Vợ nhà mỹ thuật thất thanh kêu:
- Giời ơi! Có thể như thế được chăng?
Nhà viết báo giơ hai (2) tay lên không khí, ra vẻ sốt ruột:
- Giời ơi! thì chỉ có thế mà mãi không hiểu?
Nhà mỹ thuật lại tấm tức nói ngay:
- Rõ đồ khốn! Tưởng bở! Đòi nay mốt này, mai mốt khác để làm túi cơm giá áo à? Đã ăn hại chồng mà lại bắt chồng nay sắm thứ này, mai sắm cái khác để làm cho chồng phải khổ sở rồi không kiếm ra tiền để diện thì "đi khách" lấy tiền! Đừng có học đòi! Đừng có lãng mạn!
Rồi nhà mỹ thuật quay lại chỉ vào mặt Xuân:
- Tôi đã bắt được quả tang anh dùng những văn chương bóng bẩy ra mê hoặc vợ tôi, định làm cho vợ tôi trụy lạc, định làm tan nát gia đình nhà tôi đấy nhé! Anh cứ liệu cái thần hồn!
Sau cùng thì ông lôi lấy tay vợ ông, kéo sềnh sệch ra cửa, hầm hầm gắt mắng:
- Mau! Đi về ngay! Về cởi cái quần trắng ra ngay! Không có mà không vợ, không chồng gì nữa đâu.
Nhà viết báo cắp cặp chạy theo cặp vợ chồng ấy nốt.
Còn lại một mình trong phòng, Xuân Tóc Đỏ ôm đầu nghĩ ngợi, băn khoăn không hiểu nghĩa lý cái việc cải cách của ông cai thợ may ra làm sao. Nó đương lo điên người lên ở chỗ ông ta thù thì không biết có mất việc không, thì thấy một người đứng tuổi, quần áo nho nhã ra vẻ một thầy ký kiết, rón rén đẩy cửa vào, khẽ nói ra vẻ bí mật:
- Kính chào ngài! Thưa ngài, tôi, tôi là một người mọc sừng!
Tưởng mình ngủ mê, Xuân Tóc Đỏ dụi mắt một mấy cái. Người kia lại nói một cách thân mật:
- Vâng, chính thế, tôi là một người chồng mọc sừng.
Xuân hoảng hốt:
- Ngài mọc sừng?
- Bẩm đích thị như thế thật đấy ạ.
Xuân Tóc Đỏ sờ lên đỉnh đầu người ấy rồi ngơ ngác:
- Ơ ờ! Ngài chỉ nói đùa chứ ngài có mọc sừng đâu!
Người lạ mặt để tay lên mồm làm một cái suỵt. Rồi thì thào:
- Xin ngài hiểu cho rằng nói thế là nói bóng gió. Còn muốn nói cho dễ hiểu thì thế nghĩa là: vợ tôi đi ngủ với giai.
- Ủa!
- Vâng, Người Pháp bảo những người chồng có vợ ngủ với giai là những người mọc sừng! Thưa ngài, vợ tôi hư hỏng lắm, dễ tôi đến phải tự tử mất.
- Ấy chết!
- Nhưng trước khi tôi tự tử thì tôi phải làm được việc gì oanh liệt đã. Muốn thế, tôi phải nhờ ngài giúp cho một tay.
- Thưa ngài, thế ngài là ai?
- Tôi là một ông phán dây thép, ngài cứ biết thế. Tôi lại có họ với ông Văn Minh. Tôi được bà Phó Đoan mách rằng ngài là một người thông minh, có học thức, bụng dạ lại hào hiệp, nên trước khi đến sở, tôi vội tạt vào đây, mong ngài giúp cho...
- Việc gì thế ạ?
- Bẩm một việc rất dễ ạ. Bẩm hễ ngài cứ trông thấy tôi ở đâu (mà tôi còn gặp ngài) thì ngài cũng chỉ cần trỏ vào mặt tôi mà nói rằng: "Thưa ngài, ngài là một người mọc sừng." Có thế thôi.
- Chết nỗi, tôi chả dám. Cần gì phải tự bị mọc sừng một cách rầm rĩ thế?
- Tôi lạy ngài, ngài cứ thế cho. Tôi xin thuê ngài một chục bạc! Đây, tôi xin đưa trước năm đồng.
Nói xong, người ấy tức khắc để vào tay Xuân một tờ giấy bạc con công.
Xuân Tóc Đỏ còn ngẩn người ra thì ông phán dây thép ấy đã cắm cổ tháo lui một cách bí mật cũng như những người mọc sừng khác.
Chương 6
LẠI CHUYỆN SÂN QUẦN TRONG NHÀ
MỘT GIA ĐÌNH VĂN MINH
XUÂN TÓC ĐỎ NHẢY VÀO KHOA HỌC
Ba người cùng đứng ở cửa sổ nhìn xuống sân.
Bà Phó Đoan chỉ tay huyên thuyên nói:
- Đấy, anh chị xem! Ba công thợ rồi đấy. Mà chỉ mới được có thế! Không biết đến đời nào mới xong một cái sân quần!
Văn Minh chồng nói:
- Dì đừng nóng ruột, vì xây một cái sân quần không phải là việc chốc lát.
Văn Minh vợ cũng họa theo:
- Vả lại dì cháu ta có vội gì đâu! Bao giờ xong thì ta tập, ấy chỉ có thế.
Cái sân mới hơi hơi thành hình, vì người ta mới đổ nền bằng gạch đập vụn và tưới một vài nước bích toong(1). Chung quanh khu vườn vuông ấy, những cây chanh, những cây hồng, và cỏ, đều bị phạt đi, bị cuốc lên nằm ngổn ngang bừa bộn như trong một cảnh tàn phá. Bà Phó Đoan đã phá khu vườn hoa để xây cái sân quần ấy, chẳng bởi lòng hâm mộ thể thao mà thôi. Nhưng mà còn vì lẽ gì, cái đó đã có đấng Thượng đế biết rõ. Tuy vậy, bà cũng nói:
- Ngót tám trăm bạc một cái sân, chả biết thế là rẻ hay đắt!
Văn Minh vợ vội nói ngay:
- Không đắt đâu, dì ạ. Dì cứ nhớ lại những lúc các hội thể thao hết diễn kịch lại quyên tiền mà có mấy cái sân quần cũng mãi chẳng xây xong... Thế mà dì cho xây sân quần này chưa đến tám trăm, tưởng cũng là rẻ.
Cho rằng bà Phó Đoan làm việc ấy chỉ vì lòng hâm mộ thể thao và yêu chuộng cô cháu nghĩa là vợ mình, ông Văn Minh thấy cần nói những câu ân nghĩa để đối phó với một sự nhờ vả. Ông uốn lưỡi bẩy lần trong miệng rồi mới tán:
- Vả lại dẫu có đắt nữa thì cũng không nên phàn nàn. Biết đâu rằng sau khi nhà này có sân quần thì cuộc đời của dì lại không bắt đầu vào một kỷ nguyên mới? Rồi nhà này sẽ biến thành một nơi tựa như một câu lạc bộ, một chỗ họp mặt, một chỗ hẹn hò của những kẻ thượng lưu trí thức trong nước để làm việc cho xã hội một ngày một tốt đẹp văn minh thêm lên! Dì làm những việc ấy không những có lợi cho thanh danh của dì, nhưng mà cũng còn săn sóc đến cái tương lai của em Phước nữa. Theo ý tôi thì trẻ con thời buổi này cần được hưởng tất cả mọi sự giáo dục mới mẻ của văn minh, được giáo huấn về xác thịt cũng như về tinh thần. Xưa kia các cụ chỉ nghĩ đến khối óc mà thôi, đó là một sự sai lầm rất tai hại.
Ông ta nói thế một cách liến thoắng trôi trẩy như nước suối, sốt sắng như những người không thành thực chút nào cả, đến nỗi bà Phó Đoan nghe xong, tuy chẳng hiểu quái gì, nhưng cũng thấy êm tai, và nhất là sung sướng, vì cả hai bên cùng làm khác với ý nghĩ mà lại có vẻ như hiểu rõ bụng tử tế của nhau lắm. Việc xây sân quần mà lại để cho xã hội văn minh thì bà có cần gì?
Ba người quay vào buồng khách, ai cũng hài lòng như ai.
Tự nhiên bà Phó Đoan hỏi:
- Này cái anh chàng Xuân xem chừng cũng được việc đấy chứ?
Cô cháu đáp:
- Hắn thông minh lắm! Mới vào làm có vài ngày mà khách khứa xem ý ai cũng mến.
Bà Phó Đoan sung sướng mà rằng:
- Số anh ta tốt lắm đấy! Ở đâu là vui vẻ đấy, thịnh vượng đấy.
- Thế à! Có lẽ đúng thật! Từ hôm có hắn thì quả nhiên khách may mặc cũng có đông hơn lên.
Ông cháu rể ôn tồn:
- Được cái mồm miệng hắn cũng nhanh nhẩu.
Bà Phó thêm:
- Có người đi đến đâu chết trâu đến đấy, anh ta thì đi đến đâu cũng vui vẻ đến đấy, âu cũng là tại số, chỉ thương hại về nỗi bồ côi sớm, chứ không nếu được ăn học, tất cũng nên người như ai.
Ông Văn Minh sửng sốt phản đối:
- Thì sao? Dì bảo sao? Việc gì mà phàn nàn? Làm nghề nhặt ban hay giúp việc cho hiệu may thì cũng đều giúp cho xã hội tiến bộ cả! Hắn có bồ côi như thế thì sau này có được chút danh vọng gì mới càng đáng quý. Còn những ông con quan, những ông nhà giàu, mà sau này được hiển vinh, thì còn gì là lạ? Hắn có thể tự hào là Bình dân! Bây giờ mà nói đến quý phái, trưởng giả là cổ hủ, là không đúng mốt nữa! Khắp thế giới, đâu người ta cũng chỉ coi trọng Bình dân thôi! Để chỗ cho Bình dân! Bình dân vạn tuế!
Nghe những câu nói ấy, bà Phó Đoan cũng thấy ông cháu rể là văn minh, tân tiến, rất xứng đáng với chức du học sinh, tuy không có văn bằng. Bà ôm lấy con Loulou vào lòng một cách thân yêu như ôm một người tình nhân, ngáp dài một cái, rồi nói:
- Bảo lại mà sao mãi không thấy.
Ông Văn Minh ngửa đầu tựa thành ghế lấy điếu thuốc Ăng-lê thứ mười tám ra để lên miệng, oai vệ quệt diêm. Vợ ông ta để cả hai chân lên bàn - cái bàn lùn tìn tịt - đài các y như những phụ nữ tân tiến khác, và hỏi:
- Quái, sao buổi chiều hôm nay chả thấy ai đến chơi thế nhỉ?
- Chắc lát nữa thể nào có vài người bạn tôi đến chơi đây.
- Ai? Nhưng ai hở mình?
Bà Phó Đoan cũng hỏi:
- Ai? Phái mới hay phái cũ?
Văn Minh đáp:
- Anh đốc Trực Ngôn với lại Joseph Thiết, với lại một vài người bạn nữa.
- À!
- Những người đã được tôi giới thiệu cho dì và muốn lại đây đáp lễ...
- Hay lắm !
Reo thế rồi, bà Phó với tay lên cái quả điện để bấm chuông. Khi người bếp chạy lên, bà ra một cái lệnh:
- Đi mua nước đá và sửa soạn đồ nước! Mở rộng cái cửa chính ra! Xích cổ mấy con chó vào một chỗ, mau lên!
Cái quạt trên trần nhà quay tít làm cho những thớ lụa ở những thứ quần áo mỏng gần bằng giấy hút thuốc lá cứ mấp máy nhảy như sóng gợn một cách rất mỹ thuật trên da thịt trắng trẻo của hai phụ nữ cùng tân tiến như nhau, mặc lòng tuy có khác xa nhau. Tiếng quả lắc đồng hồ tăng thêm sự tĩnh mịch của gian phòng. Với con chó Tây trong cánh tay, với hai con mắt mơ màng nhìn lên chiếc quạt, bà Phó Đoan có vẻ là linh hồn nước Việt Nam trên đường tiến hoá và giải phóng. Minh và Văn thì cứ uể oải nhọc mệt như những kẻ không bao giờ phải nhúng tay vào một việc gì nặng nhọc, mặc dầu đã bao lâu nay rồi, cả hai người vẫn phải làm những công việc của tứ khoái một cách rất văn minh và vẫn cổ động xuông cho chủ nghĩa bình dân.
Một tiếng chuông dài kêu ran lên ngoài dàn thiên lý làm cho bà chủ nhà ngồi nhỏm dậy. Mấy phút sau, một ông già lò dò bước vào, hai vợ chồng Minh và Văn đứng lên thì bà Phó đon đả:
- Lạy cụ! Thật không ngờ hôm nay cụ Hồng lại quá bộ đến chơi với em!
Cụ Hồng chưa kịp đáp đã giữ lấy ngực để ho sù sụ lên một hồi dài ghê gớm như sặc thuốc lào. Tuy giữa mùa hè, cụ cũng mặc áo bông và đi giầy da. Cụ vào thì một bầu không khí sặc lên những mùi dầu bạc hà cũng theo cụ mà vào phòng. Trên ngực cụ có mấy cái cuống huy chương.
Cặp vợ chồng Văn Minh đưa mắt nhìn nhau rất chán nản, vì cụ Hồng chính là ông bố. Xưa kia, cụ là một ông phán. Sau khi hưu trí, nghiệm rằng cụ đã giúp nước phò vua trong 30 năm tròn, Nhà nước bèn ân thưởng cho cụ cái Hồng lô tự thiếu khanh. Cụ đã là một người dân bảo hộ trung thành, một viên chức gương mẫu, một người cha nhân từ vì sợ sệt con cái như một người nô lệ. Cụ lại còn nghiện thuốc phiện nữa, điều ấy mới thật tỏ ra cụ hoàn toàn là người Việt Nam.
Chí bình sinh của cụ Hồng chỉ là được làm một cụ cố. Cho nên chưa 50 tuổi, cụ cũng đã làm ra vẻ già cả sắp chết: ra phố là cụ phải mặc áo bông, chưa đến mùa rét cụ đã khoác cái áo ba đờ xuy dầy sù; trước khi trả tiền cho phu xe, cụ phải ôm ngực ho rũ rượi hàng năm phút và đến nhầm một xu để phu xe tưởng cụ đã lẫn lộn; nằm dài bên kay đèn thuốc phiện, nghe ai nói chuyện, cụ cũng nhắm nghiền mắt lại, nhăn mặt khẽ gắt: "Biết rồi, biết rồi, khổ lắm, nói mãi!..." mặc dầu cụ chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, mặc dầu cụ vẫn vui lòng lắng tai nghe. Cũng như nhiều người phú quý có tiền cho con sang Tây "học một cái chơi", cụ Hồng kính phục con cụ lắm. Sau những buổi cơm, cụ thường đem chuyện con giai cụ ra làm món đét-se, mặc dầu con giai cụ chỉ là ông Văn Minh. Cụ cũng tiu nghỉu ở chỗ con cụ không kiếm nổi mảnh văn bằng nào, nhưng khi nghe con cụ cãi rằng: "Học thức không ở văn bằng. Những người như Phạm Quỳnh hay Nguyễn Văn Vĩnh, mà khảo đến bằng, thì thành ra vô học hay sao?" thì cụ lại được yên tâm. Ngoài ra cụ lại còn kính thờ con cụ ở chỗ con cụ là một nhà cách mệnh trong vòng pháp luật vì làm như Văn Minh đương làm, chính là cải cách xã hội một cách tha thiết mà có công hiệu, mà lại không sợ tù tội hay mất đầu như những nhà cách mạng, những người ngu dại mưu hạnh phúc cho đồng bào mà chẳng làm cho đồng bào được biết cái gì là nhảy đầm, cái gì là y phục tối tân. Ngần ấy điều kiện đã khiến cụ Hồng trung thành với ông con trai đã Pháp du của cụ cũng như trung thành với nước Đại Pháp, và nhắm mắt tin theo văn minh chằng kém những người hủ lậu và ngu dốt khác, những kẻ chẳng hiểu văn minh là cái quái gì. Cụ đã xưng toa moa với con, hết sức hoan nghênh đủ mọi việc và đủ mọi cử chỉ Tây Tầu của con cụ.
Bà Phó Đoan giơ tay cho cụ Hồng vịn mà đi vào. Sau khi rón rén ngồi xuống ghế một cách lật đật như một cụ cố chính hiệu - có thứ cố chính hiệu cũng như có thứ cố giả hiệu - cụ bèn hỏi:
- Thế toa đến đây từ bao giờ thế hở toa?
Con giai cụ đáp trống không:
- Lúc nãy.
-Moa đi tìm toa có việc cần. Cụ via nhà ta dễ sắp... về. Bây giờ tưởng đã đến lúc tìm một vị y khoa bác sĩ để trước khi cụ via chết, cụ via cũng được hưởng một chút khoa học Thái Tây...
Bà Phó Đoan sửng sốt hỏi:
- Thưa cụ, cụ tổ nhà đau ra làm sao ?
Cụ Hồng lại ho khạc một hồi dài, rồi mới thủng thỉnh đáp:
- Nặng lắm! Bà tính: đã hơn tám mươi tuổi mà còn cứ sống mãi.
Vợ Văn Minh giẩu mỏ nói:
- Sống như vậy thật là trái lẽ tạo hoá.
Cụ Hồng phân trần:
- Nên tôi mong cho cụ về đi, là vì cụ tôi chết sớm ngày nào hay ngày ấy chứ sống mà ăn không được ngủ không được, lúc nào cũng kêu rên, nằm đâu thì phóng uế ra đấy, thì sống mà làm gì! Vả lại nếu ngộ nhỡ tôi lại chết trước cụ tôi thì có phải nhà sẽ mắc phải tiếng vô phúc không ? Nếu cụ tôi chết trước thì mới có người trong nom cho, thiên hạ mới vì tôi mà đi đưa đông, thì đám ma mới được linh đình trọng thể.
Bà Phó Đoan cười như trong rạp hát mà rằng:
- Như vậy thì còn mời đốc tờ làm gì ?
- À, phải mời chứ? Thà cụ tôi chết vì đốc tờ còn hơn không thuốc men mà chết. Mời đốc tờ thì cũng chỉ để cho bệnh nhân chết, chứ có để chữa cho bệnh nhân sống đâu mà lo.
Văn Minh dõng dạc nói:
- Như vậy thì không cần những vị bác sĩ có danh tiếng cho lắm.
Ông bố thêm:
- Chính thế. Ta chỉ cần một ông đốc tờ lang băm mà thôi. Toa thử xem trong đám bạn hữu có anh nào mèng nhất, ít khách nhất không?
Ông con ngồi xuống ghế ôm đầu nghĩ ngợi một cách nghiêm trọng như khi người ta chủ trương một cuộc mưu sát bằng khoa học, rồi nói:
- Moa có một thằng bạn hiện đã mở phòng khám bệnh độ hai năm nay, cũng về nước cùng một chuyến tầu với moa. Số người chết vì hắn cũng khá nhiều. Một anh chàng lên đinh râu phải chữa bằng thuốc Mán cẩn thận. Thật là một ông lang băm có danh vọng.
Vợ Văn Minh hỏi:
- Cái anh chàng đã toan hại đời một nữ bệnh nhân ấy à ?
Văn Minh gật đầu:
- Phải đấy
Bà Phó Đoan trợn trừng hỏi dồn:
- Ai? ai ? ai thế ?
Nhưng cụ Hồng gạt phắt đi mà rằng:
- Ta chỉ cần một ông thầy thuốc làm bộ, hay cho đơn thuốc mạnh, hoặc là hay khệnh khạng, là đủ giết nổi cụ via nhà ta rồi.
Bà Phó Đoan bàn:
- Cụ tổ nhà ta đã 80 tuổi, bây giờ ta đi mời một ông đốc tờ chuyên môn chữa những chứng bệnh cho trẻ con, thế là thượng sách... Hoặc là cụ đau dạ dày thì mời một bác sĩ chuyên chữa bệnh đau mắt, hoặc cụ ho suyễn thì ta mời một ông chuyên chữa bệnh giang mai...
Bà ngừng một lát rồi tiếp:
- Phải! Một ông cụ già 80 tuổi mà ốm thì kể cũng chẳng cần gì mà phải mời đến một ông đốc tờ thích hiếp dâm.
Cụ Hồng nhăn mặt mà rằng:
- Ác một nỗi cụ tôi không đau ốm bệnh gì!
Vợ Văn Minh lễ phép thưa lên:
- Thưa ba, nếu vậy thì rất đáng lo. Nhỡ ra cụ đau tim thật mà ta lại mời nhầm một ông thầy chuyên chữa bệnh tim, hay cụ đau dạ dày mà ta lại mời đúng một ông chuyên các bệnh về dạ dày, thì chí nguy!
Vào lúc ấy, Xuân Tóc Đỏ khép nép bước vào chào mọi người thì ai cũng gật đầu qua loa, ai cũng có vẻ nghĩ ngợi. Nó ngồi né xuống một cái ghế và soi gương ngắm nghía bộ Âu phục mới may, do số tiền năm đồng của ông phán dây thép mà nói coi như là cái bổng tự nhiên. Nó vui vẻ nghĩ thầm: "Vạn tuế những người chồng mọc sừng! Ước gì ai cũng mọc sừng!" Lúc ấy bà Phó Đoan lại hỏi cụ Hồng:
- Thế cụ nhà đau như thế nào?
- Nhiều chứng bệnh lắm! Ho khạc rên, suốt ngày đêm! Thế mà hỏi thì lại bảo là đau dạ dày mới quái chứ!
Xuân Tóc Đỏ nhanh nhẩu nói:
- Bẩm cụ, thế bệnh nhân có khó thở, có mắc đờm không?
Cụ Hồng đáp:
- Dễ có.
- Bẩm, thế là suyễn. Thuốc nào có vị long diên hương thì khỏi.
- Nhưng mà đau dạ dày kia mà!
Xuân Tóc Đỏ lại nhanh nhẩu nói như một nhà lang chính tông:
- Bẩm thế dễ bệnh nhân mắc cả hai thứ bệnh, chắc là đã có tuổi lắm. Thưa cụ, đau dạ dày là vì khí huyết tích trệ, nên ăn uống không tiêu. Hoặc có khi vì mắc phạm phòng làm chi khí bế đầy hơi, có người đau dữ dội, có người đau âm ỉ như giả cách, có khi đau từ bụng xuyên ra sau lưng. Bẩm cụ, thế bệnh nhân hay đau sau bữa cơm hay trước bữa cơm?
- Hình như sau khi ăn cơm.
- Thế thì trong dạ dày nhiều nước chua, vì thiếu nước chua thì hay đau lúc no, mà thừa chất chua thì hay đau lúc đói.
Sau khi thấy Xuân Tóc Đỏ nói như một cái máy như thế, bà Phó Đoan và vợ chồng Văn Minh đều kinh hoàng cả lên, không còn hiểu nguyên cớ vì đâu.
Thật là kỳ quái, không thể tưởng tượng được nữa vậy.
Cụ Hồng kính cẩn hỏi Xuân:
- Bẩm ngài, ngài làm gì mà giỏi về y lý như vậy thế ạ ?
Xuân chưa kịp đáp thì Văn Minh đã vội đứng lên đỡ lời:
- Một sinh viên trường thuốc, bạn con, con quên chưa giới thiệu với ba.
Xuân Tóc Đỏ không ngờ rằng khi xưa, lúc nó ngồi đọc quảng cáo cho một hiệu thuốc vào phóng thanh, và ngồi trên mũi ô tô với bộ quần áo Charlot và cái mặt nạ thổi loa khắp phố phường cho một "ông vua thuốc lậu" Nam Kỳ, thì chính là nó tập đi đến khoa học và do thế đến sự phú quý.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro