1
Cuối cùng thì tôi đã thất nghiệp.
Mấy công việc chân tay ở trên thành phố làm tinh thần lẫn thể xác tôi rã rời, sau cùng chịu không nổi phải lê thân về quê.
Má thấy tôi về thì vui lắm, tại cái sạp buôn cà tàng của bả giờ đã có người trông coi.
"Con gái đi xa chi cho mệt, lột tép lột tôm trên trển thì thôi chẳng thà về đây ngó cái tiệm phụ tao có sướng hơn không."
Đó là nguyên văn lời má nói, tôi thì cứ gật đầu nghe theo, dẫu sao thì cũng chả có mục đích mục tiêu gì để phấn đấu, tôi không cần phải đắn đo quá nhiều.
.
Cái việc coi sạp ngó vậy mà nhàn.
Tiệm tạp hóa nhà tôi nhỏ như cái lỗ mũi, để dăm ba gói bánh hũ kẹo, mấy cái đồ lặt vặt linh tinh rồi một cái bàn tre một cái ghế gỗ bên ngoài là chật cứng thiếu điều hết chỗ đi. Mỗi ngày, tôi chỉ việc ngồi ở đó bán đồ rồi ghi lại chi tiêu sổ sách, tính toán đã có bàn tính lo nên cũng không phải nặng đầu, bởi vậy, thời gian trôi qua nhạt nhẽo đơn điệu tới mức chán ngán.
Hàng quán tôi bán buôn không được tốt lắm, ngoài mấy đứa nhóc học sinh ở cái trường cấp hai đối diện ra thì cũng chả có mấy ma ghé thăm.
À, nói vậy thì cũng hơi hơi không đúng, tại cái sạp nhỏ của tôi cũng có một hai khách quen là người lớn, ghé qua mua bao thuốc hay là xị rượu, mà trong mấy vị khách đó, tôi nhớ nhất cha nội Cảnh Hạo.
Ổng không phải người ở đây mà chạy xe ôm trên tỉnh á, còn lý do sao xuất hiện tại chỗ này thì đó là một câu chuyện dài.
Số là như tôi có nói qua hồi nãy rồi đó, gần đây có cái trường. Mà mọi người thì biết sẵn trường dưới quê ra làm sao rồi, cơ sở vật chất lẫn nhân lực thiếu thốn trầm trọng.
Cơ sở vật chất thiếu thốn ờ thì cũng không sao, xe đi xe về hai ba chuyến là có xi măng đất cát kiến thiết lại rồi. Chỉ có cái nhân lực thiếu là không cách nào kiếm người trám vô được, tại ít ai chịu bỏ cuộc sống sung túc trên thành phố thị xã mà về cái chốn khỉ không thèm ho, cò chả chịu gáy này lắm. Dù lương bộng giáo viên ở đây tôi nghe là cũng ổn dữ dằn, nhưng mà bấy nhiêu thì không đủ để thu hút người ta về.
Trong cái thời thế "vắng bóng hiền tài" như vậy, thầy Hách Khuê hiện ra như một bậc chính nhân quân tử lỗi lạc.
Đến đây sẽ có người thắc mắc thầy Hách Khuê là ai, đây, thủng thẳng nói cho nghe.
Thầy Hách Khuê tên đầy đủ là Kim Hách Khuê, tốt nghiệp bằng cử nhân trường Sư phạm loại giỏi (tôi nghe thằng Thủy Hiền nói vậy). Nhà thầy ở trên thành phố, giàu lắm, người ta đồn ba má thầy kinh doanh xưởng gỗ tiền đếm không xuể, bởi vậy thầy cũng là một cậu ấm sống trong nhung lụa từ nhỏ tới lớn.
Nhưng thầy Khuê sống trong nhung lụa chứ không có bị kẹt trong lồng son, ba má thầy không có áp lực chuyện kế thừa sản nghiệp như tình tiết trong mấy cái phim truyền hình đài Vĩnh Long tôi hay coi mỗi tối, thầy cứ chọn theo nghề giáo vì ước mơ của mình, rồi sau đó quyết định về cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này mà gõ đầu trẻ.
Nhà nghèo vượt khó đã đáng quý, mà nhà giàu vượt khó như thầy lại càng đáng quý gấp bội. Đâu phải ai cũng yêu nghề kính nghiệp mà chịu bỏ cái chỗ sống sung sướng giàu sang trên trển mà về đây chịu cực chịu khổ đâu. Bởi vậy, tôi bội phục thầy lắm.
Rồi tới đây chắc lại có người hỏi, ủa vậy nhân vật Cảnh Hạo hồi nãy tôi nhắc tới là ai, liên quan gì tới thầy Hách Khuê. Để nói cho mà nghe, liên quan chứ sao không!
Chuyện là mọi người đã biết từ hồi nãy rồi á, nhà thầy Hách Khuê tuốt trên thành phố, cách đây xa dữ lắm, bởi vậy, để tới được chỗ này thì thầy cũng đã rất vất vả.
Tại thầy Khuê lớn rồi mà ổng không có biết... chạy xe, cả xe đạp lẫn xe máy luôn. Xu cà na cái nữa là không có tuyến xe buýt nào chạy được qua cái chỗ này hết, phương tiện giao thông của quần chúng nhân dân ở đây là hai bánh, hai cẳng, hoặc cùng lắm là bốn cẳng, bởi vậy thầy bắt xe ôm tới đây dạy.
Và ờ, cái thằng cha chạy xe ôm chính là ông anh Cảnh Hạo của tôi chứ ai.
Tôi không biết cơ duyên gì mà thầy Khuê chọn đúng ông Hạo làm người đưa rước hàng tuần trong khi có muôn vàn sự lựa chọn khác (huống hồ tôi thấy cha nội này chạy xe ẩu thấy mồ), tính tôi tò mò nhưng hèn không dám hỏi thẳng chính chủ, bởi vậy mới đem thắc mắc đi hỏi Cảnh Hạo. Lúc nghe tôi hỏi xong, chả vuốt vuốt tóc, mặt hếch lên trời.
"Tại tao đẹp trai nhất trong đám xe ôm chứ sao!"
Tôi tin vậy thiệt. Mãi sau này mới biết thầy Khuê chọn Cảnh Hạo là vì ổng trông có vẻ rảnh rỗi không có việc gì làm nhất trong mấy người chạy xe ôm (nói trắng ra là có tướng thất nghiệp), bởi vậy lúc nào cần thì thầy không phải lo không có xe đi.
.
Mỗi tuần tôi sẽ gặp Cảnh Hạo hai cử: hoặc là trưa thứ hai, hoặc là trưa thứ bảy, trăm lần như một đều như hạt bắp.
Sở dĩ có cái "lịch trình" như vậy là vì ổng chở thầy Khuê đi dạy rồi cuối tuần rước về, tức là mấy ngày trong tuần thầy ăn ngủ sinh hoạt nội trú tại trường.
Cứ thứ hai, độ chừng mười một giờ là tôi thấy Cảnh Hạo tà tà chở thầy tới trường dẫu mười hai giờ bốn lăm mới vô tiết, tôi hỏi thì ổng nói thầy kêu chở thầy vào sớm nghỉ ngơi cho đỡ mệt rồi mới dạy được. Nghe cũng có lý.
Khi mà Cảnh Hạo đưa được thầy Hách Khuê tới chỗ thì coi như "nhiệm vụ" của chả cũng hoàn thành, hai bên không ai nợ ai, chắc vậy nên cha nội này mới thoải mái bước chân vào sạp tôi ăn nhậu như một phần thưởng sau khi lao động (có lẽ là) mệt mỏi.
"Ê nhỏ, lấy anh ---"
"Nửa xị rượu đế hai bịch khô bò, biết rồi ngồi đó đi chút tui bưng ra cho."
"Chà nhỏ này hiểu tao dữ há."
Vừa nói Cảnh Hạo vừa cười khà khà đập tay bôm bốp vô đùi, đồ chả kêu tôi chưa bưng ra mà giờ thấy ổng giống mấy cha già say rượu dữ lắm rồi đó.
"Thì lần nào ông ghé quán mà không kêu vậy."
"Ờ há."
Lại còn ờ há nữa, tôi đảo mắt, đặt chai rượu ra trước mặt ổng.
"Khô bò ở bên hông kìa, tự đi mà lấy."
"Cái con nhỏ này, mày phục vụ khách mà vậy đó hả?"
Cảnh Hạo nạt, nhưng tôi không nghe tí ti đáng sợ nào hết, tại ngay sau đó ổng cười hề hề mà rướn tay lấy bịch khô, chả có vẻ gì là phật ý khó chịu.
Bộ tịch cà rỡn của chả làm tôi cũng phải bật cười. Bắc cái ghế ngồi kế chả, tôi chống cằm chờ xem hôm nay anh tôi lại tía lia cái gì.
Chờ hoài chờ mãi vẫn thấy Cảnh Hạo dùng dằng cả buổi chưa kể chuyện, đầu óc tôi bắt đầu lạc trôi về lần đầu tiên tôi gặp cha nội này.
.
Ấn tượng lần đầu của tôi với Tống Cảnh Hạo không có tốt lắm.
Như đã nói từ đầu, cái sạp hàng của nhà tôi nhỏ xíu, nhỏ tí, bé tin hin. Khoảng không gian chút ét trước sạp chỉ đủ để tôi bỏ một cái bàn lùn tẹt và một cái ghế thấp nhũn vào đó.
Nhìn hình thức bên ngoài là thấy quán tôi chỉ bán cho khách vãng lai chứ không phải kiểu tiệm tạp hóa có chỗ ngồi đầy đủ cho mấy Thượng Đế uống nước ngọt quậy cà phê nhìn mây ngắm gió. Điều này không cần nói thì ai cũng biết.
Ừ, ai cũng biết chỉ một người không biết. Người đó là Tống Cảnh Hạo.
Lúc đó tôi đang loay hoay treo mấy gói trà bí đao, trà cam lên giá sắt thì chả bước vào.
Cứ nghĩ rằng ổng sẽ như mấy vị khách khác (tức là mua đồ xong sẽ đi liền), ai có mà dè Cảnh Hạo bước thẳng tới cái ghế duy nhất trong tiệm, thản nhiên ngồi xuống rồi cất cao giọng.
"Cho anh nửa xị rượu đế đi em."
Khỏi phải nói cũng biết tôi hỏi chấm như thế nào, bộ dòm cái sạp tôi giống quán nhậu lắm hả?
Nhưng hỏi chấm thì hỏi chấm, tôi cũng phải bình tĩnh trả lời "khách hàng".
"Quán em không có chỗ ngồi anh ơi."
"Không sao, anh có."
"Nhưng cái ghế đó là của em á anh."
"Ừa, cho anh nửa xị rượu đi."
"..."
Thái độ ngang như cua của Tống Cảnh Hạo làm tôi lười cãi với thằng cha này, vậy là đành ngậm bồ hòn làm ngọt xoay lưng đi lấy rượu. Biết sao giờ, khách hàng là Thượng Đế mà, giờ nhường khách ngồi tôi đứng chút đỉnh cũng đâu sao.
Nhưng mà làm như ông trời thấy sức chịu đựng của tôi vẫn chưa đạt tới cực hạn, bởi vậy ổng bắt Cảnh Hạo không được ngồi yên uống rượu mà phải lảm nhảm tào lao trên trời dưới đất, xong còn bắt tôi nói chuyện chung. Xin thề lúc đó không có kiếng nhưng tôi cũng tự biết mặt mình không khác cái bánh bao chiều là bao, bởi vậy sau đôi ba câu nhát gừng không đâu tới đâu và có phần thiếu thân thiện của tôi thì ổng cũng uống xong rượu và bắt đầu đứng lên.
Mọi người tưởng tới đây là xong rồi hả?
Chưa đâu, Tống Cảnh Hạo khi đó còn làm thêm một cú chốt chấn động thiên hạ khiến tôi không thể nào quên nữa.
Đó là khi ổng cười cười, dịu dàng ngó tôi và cũng dịu dàng cất lời.
Ê, ghi sổ dùm anh nghen bé.
.
Sau cái lần gặp nhau trời ơi đất hỡi kia thì Tống Cảnh Hạo trở thành một trong mấy vị khách quen của tôi, dẫu một tuần tôi gặp chả có hai lần.
Nói nào ngay ổng cũng là một người rất được, về cả ngoại hình lẫn tính tình. Cảnh Hạo cao ráo, trắng bóc mặc dù chạy xe ôm cời cời giữa trời nắng suốt ngày, dòm cũng ưa nhìn đẹp trai. Còn tính cách, ổng nổi bật nhất ở chỗ giữ chữ tín - tức là khi thiếu nợ sẽ trả đủ, mà với một đứa kinh doanh nhỏ lẻ như tôi thì cái tính đó đã đủ để cho chả điểm tuyệt đối rồi.
Cái sạp xập xệ giờ đây đã được tôi bổ sung thêm một cái ghế xếp (ghế cũ tôi lôi từ nhà kho ra lau sạch sẽ) dành riêng cho Cảnh Hạo, tránh việc bị ổng giật ghế.
Tống Cảnh Hạo ghé miết làm tôi cũng dần dà quen luôn với cái thói tào lao luôn mồm của ổng, không nghe thì cứ thấy thiếu thiếu kiểu gì.
Mà mấy chuyện của cha nội này cũng nhảm nhí y chang con người của ổng, khi thì than giá xăng tăng, lúc thì rầu tụi đinh tặc, à, có khi ổng còn ngồi kể cho tôi nghe về thầy Hách Khuê nữa.
Thầy Hách Khuê là nhân vật cực kỳ quen thuộc và thường xuyên xuất hiện trong câu chuyện của Cảnh Hạo, bởi vậy tôi thắc mắc dữ lắm.
Vì vốn tôi nghĩ hai người này không có hợp nhau.
Thầy Khuê dạy ở đây, sinh hoạt nội trú ở đây nên tôi ít nhiều cũng có tiếp xúc với thầy, mà bởi vì tiếp xúc nên tôi thấy giữa thầy với ông anh tôi chả có điểm chung gì cả. Thầy Khuê điềm tĩnh, ít nói, mẫu mực và nghiêm trang; giọng thầy nhỏ xíu hà, nhỏ đến mức tôi phải cố lắng tai lắm mới nghe được thầy đang nói gì; ở thầy Hách Khuê tôi nhìn ra được cái vẻ hiền lành vô hại nhưng cũng đủ mực thước và uy quyền để không ai có thể bắt nạt.
"Thầy nghiêm lắm đó chị, tới tiết thầy lớp em im phăng phắc, đứa nào cũng sợ hết."
Thằng bé Thủy Hiền từng kể cho tôi nghe như vậy, thành thử ra tôi càng chắc nịch với cái suy nghĩ của mình - thầy dễ làm quen nhưng chẳng dễ kết thân, nhất là kết thân với kiểu người khác biệt hoàn toàn với mình như Cảnh Hạo.
Nhưng có lẽ Tống Cảnh Hạo không nghĩ vậy.
Khi tôi bâng quơ hỏi chả, nè dòm thầy Khuê ít nói vậy lúc anh chở thầy về mỏ anh có tía lia như vậy không thì người kia đảo mắt tỉnh bơ có chứ sao không mày.
"Tại mỏ thầy Khuê mày cũng có thua gì tao đâu, tao nói một câu là thằng quỷ đó cãi một câu."
Vì Cảnh Hạo lớn hơn thầy Khuê nên chả cho phép mình gọi thầy bằng mấy cái danh xưng hơi không lịch sự cho lắm, giống như người lớn trong nhà ghẹo yêu con cháu mình vậy đó, dẫu tôi quen nhưng cũng thấy điều này hơi kỳ kỳ, nhưng mà nói chung cái đó không quan trọng. Quan trọng là...
"Thầy Khuê nói nhiều? Lại còn hay cãi? Anh có lộn với ai không đó?"
"Lộn con mắt mày, anh chở nó hoài không lẽ anh không biết!"
"Nhưng mà em gặp thầy rồi, thầy hiền khô hà, hỏi cái gì trả lời cái đó, làm gì giống như anh nói."
"Là do mày chưa thân với nó đó." - Tống Cảnh Hạo nở nụ cười của kẻ chiến thắng - "Không phải với ai thằng Hách Khuê cũng im đâu nha em."
Chậc.
Tôi đảo mắt nguýt nhẹ Cảnh Hạo.
"Vậy là anh thân với thầy Khuê?"
"Chứ sao."
"Thân sao anh toàn kể xấu thầy không vậy?"
Tôi nhớ mấy lần ông anh này chê tính tình thằng Hách Khuê không ngửi nổi, chê nó ở dơ bầy hầy chết mồ, đầu còn không thèm gội mà hỏi đùa Cảnh Hạo một câu, ai dè cha nội này thản nhiên như không.
"Ừa tao kể xấu thằng Khuê, nhưng tao chỉ cho phép một mình tao kể xấu thôi, mấy đứa khác thì đừng có hòng."
Chà, cái này thì chắc là... hơi thân so với mức cho phép rồi đó?
Mà làm như Cảnh Hạo cũng ý thức y chang cái điều tôi chợt nghĩ, bởi vậy chả hấp ta hấp tấp đánh bài chuồn trước khi tôi kịp mở miệng ra hỏi thêm một câu nào đó.
"Ê trễ giờ rước thằng Khuê rồi, tao đi nha nhỏ. Ghi sổ giùm anh đi nghen thứ hai gặp lại!"
----
Này là trả flag kt thắng HLE, tính viết oneshot cho đỡ lằng nhằng nhưng mà nay kt thua buồn quá không còn tâm trạng viết tiếp nên cắt nó ra làm two-shot, chừng nào vui lại thì mình viết nốt còn không thì thôi.
Buồn ngủ quá nên không có kiểm tra chính tả, ai thấy sai sót gì cmt cho tui biết nha.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro